Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Hình Như Là Tình Yêu.

Hình Như Là Tình Yêu. 

Hoàng Ngọc Tuấn


Buổi chiều thật lặng lẽ. Ðường phố nhảy múa với màu áo và hình người qua lại. Khi ngọn đèn ở ngã tư đường bật sang màu xanh, đoàn xe cộ hối hả hướng nhanh về phía trước chen chúc nhau trong tiếng còi ồn ào. Con đường của thành phố bao giờ cũng quay cuồng trong tiếng động náo nhiệt.

Nhưng chiều nay, buổi chiều thật lặng lẽ.

Bên trong cánh cửa kính thủy tinh, bàn ghế sắp đặt cạnh nhau. Mỗi ghế một người ngồi. Trên bàn là một ly rượu gì đó, một ly bia, nước ngọt hay cà phê. Một điếu thuốc lên khói từ giữa hai ngón tay, điếu thuốc không còn biết hiệu gì vì mùi vị đã dửng dưng trong miệng. Từ một chỗ ngồi như thế nhìn ra ngoài đường. Trời đã chiều nhưng vẫn còn chói chang ánh nắng. Thành phố nóng bức này đã đến mùa nóng nhất, cơn mưa không hề thấy từ hơn tháng nay.

Sự khao khát bóng mát của những cây cổ thụ trong rừng, cơn mưa mát lạnh của miền núi, đám mây đẹp của không khí vùng cao nguyên luôn luôn có một vẻ sầu muộn. Tất cả đã xa tôi trong một khoảng thời gian dài. Cũng như Châu. Tôi đã xa Châu thật lâu, năm hay sáu năm gì đó không một lần gặp lại, hình bóng tưởng bám chặt trong người như loài hoa bí leo kín mái hiên, nhưng thật ra dần dần buông thả, rơi lìa. Một trái cây trứng cá đã chín mùi cũng lìa cành như thế, rơi trên đất không vang một tiếng động nhỏ.

Khuôn mặt của người thiếu nữ giờ đây mơ hồ lạ lùng như một người bộ hành nào đó đi dưới cơn mưa. Giọt nước mưa chảy đầy bao phủ trên khuôn mặt một màu trắng lóng lánh, thật huyền ảo nhưng dấu kín hết những dấu hiệu nào quen thuộc. Bây giờ nếu Châu có đứng ở góc phố kia, thật gần với chỗ tôi ngồi, cho dù trời không mưa, trời soi sáng cho mọi người nhìn thấy từng lớp bụi bặm trên vỉa hè, tôi vẫn không nhận ra Châu, tưởng chừng như một cô gái nào lạ mặt như trăm nghìn cô gái chiều nay đã đi qua trước mắt.

Bây giờ có lẽ tôi không còn phân biệt được Châu với người khác. Sự xa lạ ấy đáng kinh ngạc và làm tôi buồn bã.

*

Con đường từ thành phố Ban Mê Thuột đi lên Suối Nhà Ðèn, đến ngã rẽ có một trũng đất thấp hơn mặt đường, ngôi trường Châu học ở đó. Hai hàng nhà lợp tôn thấp, sân đất đỏ bốc mùi bụi dưới gót chân của học trò trong ngày nắng, hay lầy lội thứ bùn đỏ ngầu đặc biệt của miền núi này. Châu ngồi trong lớp học có cánh cửa quay ra đường và thế là trên con đường ấy mỗi ngày tôi đi qua lại cả chục lần để nhìn soi mói vào lớp học. Nhưng khoảng cách khá xa từ mặt đường đến chỗ ngồi của Châu ở góc lớp không bao giờ cho phép tôi nhìn thấy Châu. Tôi chỉ nhìn thấy cặp mắt bực dọc của lão thầy giáo nhìn tôi và những nụ cười đùa cợt của bọn con gái. Nếu Châu đừng chăm chú với bài giảng của thầy (Châu lúc nào cũng có vẻ chăm học cả), Châu cũng đừng thì thầm nói chuyện với lũ bạn bên cạnh, Châu nhìn ra ngoài khung cửa sổ một đôi lần thì sẽ nhìn thấy tôi rất rõ ràng. Một thằng con trai ít khi hớt tóc, đôi mắt lúc nào cũng ngơ ngác tìm kiếm ai, và mặc dầu trời chỉ hơi lạnh cũng mặc cho bằng được một chiếc áo len màu đỏ chói để cho người khác dễ nhận thấy (thật ra là cho Châu). Tôi đó.

Trước giờ vào học và sau khi tan học, tôi bắt gặp đôi mắt Châu nhìn tôi đúng hai lần. Tôi không biết làm gì hơn là nhe răng ra cười và chờ đợi một nụ cười trả lại. Tính tôi đơn giản đến nỗi có thể hạnh phúc trọn ngày khi được ai đó cười với mình. Và Châu đã cười, nụ cười tươi tắn không có vẻ gì là điệu bộ cả. Tôi yêu chết được những nụ cười tự nhiên như thế, nó dễ nhận thấy hơn là một cái nhếch mép. Mẹ tôi thường bảo con gái cười như thế là cười toe toét trông vô duyên lắm, nhưng tôi không đồng ý với mẹ tôi về điều này chút nào. Châu có duyên chết đi được chứ, đôi mắt không phải là thứ mắt bồ câu hay nai vàng thường tả trong tiểu thuyết, đôi mắt ấy nhỏ và sáng rực rỡ cùng với đôi môi. Thời tiết của Ban Mê Thuột gần như lạnh thường trực, Châu cũng chưa đến tuổi được ba má cho phép dùng son môi, nên đôi môi của Châu thường xanh xao. Nhưng điều ấy có hề gì đâu, tôi vẫn yêu màu xanh từ khi mỗi lần đi học Châu đều mặc một chiếc áo dài xanh (cái trường Trung học Công lập Ban Mê Thuột bê bối này có một quy luật thật thơ mộng là bắt buộc tất cả học trò đều phải mặc đồng phục xanh, áo trắng ở đây rất mau bẩn vì đường xá nhiều bụi bặm).

Về sau tôi yêu thương những màu xanh đó suốt đời. Có lần tôi dã ngạc nhiên vì điều ấy và sự hồi tưởng về Châu đã trả lời cho tôi. Bắt đầu từ màu áo xanh của Châu trong những buổi chiều màu xám tro, rừng cây xa xanh màu rêu và con đường đất đỏ nâu. Rồi đến tất cả những màu xanh, màu xanh của da trời, của biển, ngọc thạch, của rêu rong, của sông, của mắt đàn bà Tây phương, của lá cây, bao thuốc Bastos xanh, và cả màu xanh nhạt của khói thuốc.

Ngoài hai lần gặp nhau ở trường, tôi và Châu gần như gặp nhau và trò chuyện suốt ngày. Nhà của hai đứa cách nhau một bãi cỏ và vườn cây đu đủ cao lêu nghêu. Những cây đu đủ không biết ai đã trồng từ bao giờ, chỉ biết khi nhà tôi đến ở đó, trái đu đủ đã chín ửng vàng thật nhiều. Thằng em trai tôi thường leo lên hái, tôi cũng thường leo lên nhưng không phải để hái trái cây, chỉ cốt cho tầm mắt nhìn thấy xa hơn, nhìn thấy Châu đang lui hui đổ thóc vào chuồng gà sau nhà bếp.

Người ta, dầu đã già hay chưa già, thường có thói quen tìm lại những giây phút ban đầu của một thời, hay của một tình yêu. Tôi cũng có thói quen ấy. Ban đầu của tôi như thế nào nhỉ?

Gia đình tôi mới dọn lên Ban mê Thuột, ở trong một khu cư xá quân đội, tôi chưa quen biết ai ở chung quanh cả. Tôi ở mãi trong nhà, đứng bên cạnh cửa sổ để nhìn ra khung cảnh cao nguyên thật mới mẻ đối với tôi. Ðường đất gập ghềnh, những chiếc xe ngựa lóc cóc đi chậm rãi, ngôi chợ nhỏ lúp xúp ở cổng số một, và thỉnh thoảng một hai người đàn bà Thượng đóng khố để ngực trần đi qua. Cảnh tượng trầm tĩnh của miền núi có một vẻ đẹp làm tôi ngây ngất như không khí lạnh của trời. Tôi đứng lặng người như thế hoài nên khi Châu vào nhà đứng gần bên tôi, tôi cũng không hề biết. Ðến khi giọng nói lạ lùng ấy vang lên: Ðứng làm gì mà thừ người ra thế?

Tôi giật mình và không biết trả lời ra sao, Châu tiếp tục: Sao không có ai ở nhà cả? Tôi sang mượn cái bàn là, nhà tôi ở sát bên cạnh, chỗ kia kìa…

Tôi nhìn theo ngón tay chỉ của Châu và cũng chưa nói được gì. Châu quan sát tôi chăm chú như một bà soeur trìu mến nhìn cậu học trò nhỏ mới ghi tên học nội trú. Giọng nói con gái Bắc nghe đáng yêu biết bao, giọng ấy khi nói những câu tầm thường nhất như là “mượn cái bàn là” nghe vẫn êm đềm ghê gớm. Châu ngạc nhiên: Sao không nói gì cả thế? Nhà có bàn là cho tôi mượn một lát đi, không tôi về liền bây giờ à.

Cái chữ “về” của Châu làm tôi kinh hãi. Tôi gật đầu và lí nhí nói đại ý sẽ lấy bàn là cho Châu mượn ngay. Tôi chạy đi tìm trong khi Châu ngồi xuống tự nhiên trên ghế, trong trí óc non dại của tôi thầm mong rằng Châu sẽ ngồi đó suốt đời. Nhưng Châu bỗng đứng dậy khi thấy tôi loay hoay khắp các xó xỉnh mà vẫn không tìm thấy gì cả.Thôi để lát nữa tôi qua mượn cũng được, tôi về nhé.

Lại chữ “về” đáng sợ ấy. Tôi cố gắng tìm một câu để nói với Châu. Chị ngồi xuống đó một tí, tôi kiếm được liền mà.

Châu ngồi xuống, mắt vẩn vơ nhìn bức hình con cá voi trắng dán trên bàn tôi, và nói: Ðừng tìm nữa, tôi ngồi chơi đây một lát được không?
Ðược quá. Chị ngồi đây suốt ngày cũng được.

Châu mỉm cười có vẻ thân mật, đôi mắt Châu dịu dàng hơn nhưng giọng nói vẫn hất hàm như một người chị. Này, nhà mới dọn lên đây phải không? Trước kia ở đâu thế?

Ở Qui Nhơn.

Qui Nhơn là ở đâu?

Ở biển… ở đó có biển, biển cũng đẹp như núi ở đây. Chị chưa bao giờ thấy biển à?

Ðôi mắt Châu hình như lùi xa để nghĩ ngợi, tôi rất buồn khi thấy ai có một đôi mắt xa xăm như thế. Có chứ… có một lần thôi. Trước kia nhà tôi ở ngoài Bắc, di cư vào đây bằng tàu biển, chỉ thấy biển có lần đó mà bây giờ không nhớ gì cả. Rồi cả nhà lên Ban Mê Thuột, ba me ở đây hoài buồn ghê… nhưng này tên gì thế?

Tên ai?

Châu đưa ngón tay chỉ vào tôi. Tôi thầm nghĩ sao Châu làm phách quá trời, nhưng tôi cũng trả lời: Tôi tên Tuấn, nhưng tôi ghét cái tên đó lắm. Chị có thể gọi tôi bằng tên khác, gọi là Ngự được không?

Ðược chứ. Nhưng sao lại gọi là Ngự?

Vì hình như tôi sinh ra ở Bến Ngự.

Bến Ngự là ở đâu thế?

Tôi đứng dậy đưa tay chỉ vào một chấm nhỏ trên bức bản đồ Việt Nam dán trên vách tường. Tôi bỗng nói như học thuộc lòng một bài học địa lý: Ðây là Huế, cái thành phố này buồn nhất Việt Nam. Từ Huế lên Ban Mê Thuột xa lắm, đi máy bay mất vài giờ còn đi xe hơi lâu hơn nhiều, đến ga Ninh Hòa phải đón xe lên Ban Mê Thuột, đường này đi rộng rãi lắm và có hai ngọn đèo, nhưng đèo ở xứ này không thấm vào đâu so với đèo Hải Vân ở giữa Huế và Ðà Nẵng…

Tôi khoái chí vì lần đầu tiên nói với con gái một câu như thế. Châu vẫn tiếp tục hỏi: Ngự học lớp mấy rồi đấy?

Tôi trả lời và Châu ngạc nhiên: Thế là học bằng tôi rồi, còn nhỏ mà học giỏi nhỉ.

Tôi nổi sùng chết được. Châu làm ra vẻ người lớn thế nhưng có lẽ chỉ bằng hay hơn tôi một tuổi là cùng. Tôi không thèm nhìn Châu nữa và cầm bâng quơ mấy tập báo trên bàn. Tôi lật từng trang nhưng không nhìn thấy gì hết ngoài những hình vẽ và những chữ đầy trang giấy. Châu cũng quay mặt nhìn ra ngoài đường và một thằng quỷ quái nào đó đạp xe ngang qua cười tình với Châu làm tôi buồn chết được. Tôi định nói Châu về đi cho rồi, nhưng Châu lại gợi chuyện, bao giờ Châu cũng nói trước cả: Ngự bao nhiêu tuổi rồi đấy?

Tôi trả lời và Châu ngạc nhiên, Châu bớt cái vẻ đàn chị đối với tôi: Thế là bằng tuổi tôi rồi. Thôi đừng gọi tôi là chị nữa, gọi là Châu đi nhé. Lúc nào rỗi qua nhà tôi chơi, nhà tôi kìa kìa… có chuồng gà vui lắm và mấy đứa em trai lớn cũng gần bằng Ngự.

Châu bỗng nhíu mày, hay có lẽ cố làm ra thế. Lạ thật! sao tụi mình cái gì cũng giống nhau, học cùng lớp lại cùng một tuổi.

Có cái khác chứ. Tôi là con trai và Châu là con gái.

Dĩ nhiên rồi. Ngự ăn nói gì vô duyên thế!

Môi Châu trề ra như một múi cam tươi gợi cảm ngon lành. Con gái khi có đôi môi đẹp thì nó làm cái trò gì cũng đẹp, dầu cho có trề môi dưới ra dài thòng. Thôi Châu về đây. Chiều Châu qua lại nhé.

Tôi buồn buồn gật đầu và nhắc đi nhắc lại cả trăm lần là chiều Châu nhớ qua chơi. Tôi ở nhà đã quá buồn với mấy cuốn sách báo cũ, cái máy hát nhỏ, hai đứa em trai và một đứa em gái của tôi cứ chụm đầu với nhau ngoài vườn chơi cái trò “buôn bán”, đứa em gái xắt vỏ trái thanh trà thành từng miếng nhỏ giả làm thịt cá, hai đứa em trai xé giấy làm một xấp tiền dầy cộm trong túi, rồi ngồi mua từng miếng thịt nhỏ làm bộ nhai ngấu nghiến, ăn hết lại mua nữa. Chúng say mê làm cái trò đó cả trăm lần và dĩ nhiên tôi chẳng thấy thú vị gì để tham dự vào cả. Tiếng kẻng đằng xa vang lên báo hiệu giờ tan sở. Châu hoảng hốt: Chết, đồ ăn chưa làm xong gì cả mà ba sắp về nhà rồi. Tại Ngự đấy, thôi Châu về đây.

Những bước chân tinh nghịch nhanh nhẹn như con sóc của Châu dẫm nát cả một lớp cỏ cao đến tận đầu gối. Trước khi mất hút vào trong nhà, khuôn mặt của Châu quay lại, dựa cánh cửa và nhìn tôi. Và nụ cười. Nụ cười mê hoặc ấy.


*


Tranh Hồng Ngọc


Một tháng đã trôi qua ở xứ này. Tôi dần dần có đông bạn bè ở trường học, những vụ rủ nhau đi tắm suối Buji, suối Ðê, suối Nhà Ðèn hay đạp xe đi khắp hết những con đường khúc khuỷu trong thành phố, thỉnh thoảng vào sâu trong những đồn điền cà phê ở ngoại ô.

Châu cũng đã trở nên thân mật với tôi hơn. Buổi trưa sau giờ cơm ngồi dưới bóng mát sau nhà, bên cạnh vườn bắp đầy trái. Buổi tối cùng với lũ con trai con gái trong những trò chơi trẻ nít, nhưng bao giờ hai đứa cũng tìm cách gặp nhau một mình. Châu ham đi chơi nhiều, hay quanh quẩn đến nhà những đứa bạn gái để trò chuyện. Nhưng Châu cũng dành ít thì giờ qua nhà tôi nói chuyện vẩn vơ. Con gái người Bắc thật lắm chuyện, hình như có trong đầu óc Châu cả một triệu câu chuyện, từ chuyện học hành, bạn bè, áo quần, gia đình. Châu kể không sót kể cả những chuyện như trên trường mới có một ông giáo sư chuyên tán tỉnh nữ sinh hay là rạp Lido đang chiếu phim Vérité do Bardot đóng. Còn tôi thì chẳng có chuyện gì để nói cả. Tôi chỉ thích hỏi thật nhiều cho Châu trả lời và cứ như thế làm cho câu chuyện giữa hai người kéo dài thêm mãi. Tôi thường hỏi Châu về chuyện “tình yêu”, hỏi Châu có “bồ” chưa, dĩ nhiên Châu trả lời: chưa; tôi không tin điều này cho lắm vì thấy Châu có rất nhiều bạn trai lại nhà chơi, người nào trông cũng bảnh bao chững chạc hơn tôi nhiều. Châu cũng hỏi tôi về điều ấy, tôi bịa ra là đã có một hai cô bồ, tôi nghĩ ra được một cái tên con gái thật đẹp. Châu chú ý nghe và tôi sung sướng chết được khi nhìn thấy đôi mắt Châu hình như giận hờn hay buồn buồn gì đó. Tôi rất thích cho con gái giận, giận đến nỗi phải khóc là tôi khoái, chết được.

Ban đêm cả nhà tôi quây quần trong phòng, mẹ tôi đan áo len và lũ em tôi thi nhau học bài ầm ĩ. Bây giờ tôi đã ít thích không khí ấm cúng ấy. Tôi ra đứng một mình trước nhà, một góc tối tăm nhờ rặng mía dày bao quanh. Có lẽ ở nhà bên kia, Châu cũng đang chờ mẹ sai đi sang nhà hàng xóm về một chuyện vặt vãnh nào đó. Và thế nào Châu cũng có cớ để đi, khi đi ngang qua chỗ tôi đứng, cả hai đứa nhìn nhau mỉm cười và nụ cười đằm thắm trong bóng tối của Châu cho biết Châu sẽ trở lại. Châu trở lại nhưng làm bộ bỏ đi nhanh, tôi gọi Châu để nói một chuyện thật quan trọng, nhưng dĩ nhiên cóc có gì quan trọng cả, chẳng hạn như hỏi hồi sáng đi học vui không, sáng mai mấy giờ đi học, Châu mới may thêm chiếc áo xanh phải không. Châu khoe: Mẹ mới may cho Châu một cái áo dài đẹp lắm, tuần sau là có áo mới mặc rồi.

Màu gì?

Màu đỏ thẫm, mặc “nổi” lắm.

Màu gì kỳ cục, sao không may áo màu xanh?

Có nhiều áo xanh rồi, mặc chán chết.

Tôi ghét màu đỏ lắm, vứt cái áo ấy đi, may áo khác màu xanh, xanh gì cũng được.

Trời ơi, vứt rồi lấy tiền đâu may nữa.

Tôi quả quyết nói: Tôi cho. Hai ba trăm bạc là cùng chớ gì.

Trời ơi, lớn rồi mà không biết gì cả, áo của người ta cả ngàn bạc chớ bộ…

Một ngàn đồng lúc này đối với tôi quả như là giấc mơ, phải đợi trúng số mới có được nên tôi im lặng. Cả hai đứng nói chuyện với nhau thật gần và câu chuyện vẩn vơ kéo dài không muốn chấm dứt chút nào. Trời dần dần khuya, Châu có vẻ sắp về nhà, tôi cố tìm một câu gì để nói, một câu gì để làm Châu giận càng tốt. Tôi thích Châu giận dỗi thề rằng sẽ không bao giờ thèm nói chuyện với tôi nữa, rồi hai đứa sẽ làm mặt lạ với nhau chừng hai ba ngày, qua ngày thứ ba là tôi sẽ xin lỗi và Châu hết giận. Tôi nói:Tụi bạn của tôi nói hồi trước Châu là bồ của thằng Mặt Mụn phải không?

Cái thằng vừa nói dĩ nhiên không có cái tên xấu như thế, nó khá trắng trẻo đẹp trai, nhưng tôi ghét nó vì hay đến nhà Châu hoài. Giọng của Châu giận dữ: Bồ gì?Thằng ấy học cùng trường, quen sơ sơ thôi. Châu đã nói cả trăm lần là Châu không có bồ gì hết, sao Ngự không tin!

Tin gì nổi, con gái hay nói dối lắm. Mấy bữa nay Châu đi đâu lên phố hoài, ít khi qua đây quá trời.

Thì mẹ bảo đi mua đồ. Qua đây với Ngự hoài, Ngự hay làm mặt phách thấy ghét lắm.

Ðôi mắt Châu giận hờn óng ánh trong bóng tối làm tôi cảm thấy sung sướng vô cùng. Ðôi mắt ấy mà ứa ra vài giọt nước mắt là tuyệt. Hai ngón tay của Châu béo vào vai tôi đau điếng người nhưng thú vị biết mấy. Châu nói: Châu qua nhà Ngự bị mẹ la hoài, mẹ Ngự cũng khó chịu nữa. Còn Ngự có bao giờ qua nhà Châu đâu?

Tại mấy con chó, chó nhà Châu chuyên môn nhảy chồm vào cắn người lạ. Cũng tại ông nội của Châu nữa, ông ấy già rồi mà mắt nhìn dữ thấy khiếp.

Ngự nhát gan quá. Ông nội hiền lắm, cả ngày không nói một tiếng.

Cần gì nói, thấy ông nhìn là đủ ớn rồi. Mà ông nội Châu năm nay bao nhiêu tuổi?

Gần tám mươi.

Già rồi sao còn sống dai thế?

Châu béo mạnh vào cánh tay tôi.Này, Ngự không được hỗn nghe không.

Rồi thôi, tôi bắt đầu không tìm được chuyện gì để nói. Châu có vẻ chờ đợi tôi tiếp tục nhưng tôi chỉ đứng yên nhìn Châu. Một con chim bồ câu nào đó bỗng đập cánh bay ra khỏi chuồng làm cả hai đứa cùng giật mình. Nhà tôi có một chuồng bồ câu khá nhiều, ban đêm chúng đều ngủ say rất sớm, không hiểu giờ này con chim bồ câu ấy sao lại bỏ đi chơi khuya như thế. Tôi nhìn theo cánh chim bồ câu trắng xóa thoáng qua nhanh và tôi bỗng sực nhớ đến bộ mặt trắng và vài hạt mụn trên lỗ mũi của thằng Mặt Mụn. Tôi lại bực dọc nói: Thằng Mặt Mụn có chiếc xe gắn máy đẹp ác, hôm qua nó chở Châu đi chơi phải không?

Châu kêu lên:Trời ơi, đặt điều vừa thôi chứ. Ði chơi hồi nào đâu?

Thôi đừng xạo nữa.

Ngự dám nói Châu xạo phải không?

Dám. Châu hay nói xạo, nói láo, nói dóc, Châu làm điệu bộ đủ thứ. Châu quen biết với cả trăm thằng thằng nào Châu cũng làm bộ dễ thương cả.

Ðôi mắt ấy đã hơi ướt như tôi chờ đội. Khoái trá giờ lẫn hối hận tràn ngập trong người làm tôi bất động như có vẻ thản nhiên. Châu bỗng nói: Châu về đây. Từ bây giờ trở đi Châu chẳng bao giờ nói chuyện với Ngự nữa đâu, Châu không quen với Ngự nữa.

Rồi Châu vùng chạy. Sợ hãi đã làm tôi can đảm, tôi nắm chặt lấy bàn tay Châu và nghe da thịt lạnh của người con gái nóng và êm vô cùng trong bàn tay của mình. Khi Châu đứng yên, tôi làm cái cử chỉ học được trong tiểu thuyết là đưa tay vuốt ve mái tóc Châu nhưng bàn tay tôi run rẩy. Hơi thở và tiếng khóc của Châu thật gần gũi như đang trộn lẫn với nhịp tim đập bồi hồi của tôi. Mùi hương của da thịt con gái, mùi thơm của những cây gia vị nhỏ trồng trong vườn, cây ớt, cây rau quế và đám hoa cỏ dại. Tất cả ngây ngất như một thứ rượu mạnh chưa hề uống và tôi không còn biết gì cả. Hai đứa ôm lấy nhau từ bao giờ, không biết ai có cử động ấy trước, gần như bàn tay ma quái của ai xô đẩy hai thân thể vào nhau. Tôi mê mẩn ôm chặt thân thể Châu trong người, da thịt mềm mại mà tôi chưa biết bây giờ đè nặng ngực tôi. Tôi hôn khắp mặt mũi, tóc tai, chiếc gáy trắng của Châu như một đứa trẻ con, cuối cùng tôi cảm thấy một đôi môi con gái mềm và ướt. Tôi không bắt gặp mùi vị gì ngọt ngào như người ta thường nói, cả hai đôi môi nối liền với nhau bất động và tê dại. Sợ hãi và hoan lạc lan khắp thân thể như vừa nếm mùi mật ong tinh tuyền. Tôi không còn nhận thấy điều gì cả. Thân thể Châu vừa nặng trĩu vừa nhẹ bổng, trống không như khói. Tất cả như một giấc mơ ngắn nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình hôn Châu.

Dĩ nhiên giây phút say sưa nhưng có vẻ không thực ấy đã có một chỗ ngồi trong trí nhớ của tôi suốt đời. Không biết Châu có quên đi mau chóng không?

Những ngày kế tiếp theo thật đẹp. Buổi sáng nụ cười của Châu không còn được tự nhiên, trên đôi má đã thoáng nét ngại ngùng và đôi mắt nhìn càng thêm âu yếm. Nhìn cô gái mặc chiếc áo dài xanh e ấp, dáng điệu đoan trang như người lớn, tôi không thể nào tưởng tượng ban đêm tôi đã ôm người ấy. Da thịt kín đáo trong làn vải áo, ban đêm đã gần gũi trong vòng tay.

Hai đứa ít gặp nhau hơn. Châu có vẻ ngượng ngùng trước đôi mắt dò xét của mẹ tôi và những đứa em của tôi bây giờ hay chọc ghẹo Châu. Một ngày vắng Châu tôi không thể nào chịu nổi, có đêm mẹ không sai Châu đi đâu, Châu phải ở mãi trong nhà để học bài hay may vá gì đó. Tôi liều mạng sang nhà Châu, lấy cớ mượn một cuốn sách. Hai đứa ngồi cùng một bàn học, ba má Châu đã đi đâu vắng, lũ em của Châu đã ngủ, chỉ còn ông nội Châu vẫn còn thức. Ông già ấy thường đi ngủ rất khuya và bây giờ lại không tỏ vẻ gì buồn ngủ cả. Ông già ngồi trong chiếc ghế bành và tay cầm một tờ nhật báo nhưng tôi biết ông nhìn hai đứa nhiều hơn là đọc tin tức thời sự.

Châu bịa ra một bài toán khó và tôi giải tỉ mỉ cho Châu, nghĩa là với một phương pháp thật dài dòng không bảo đảm trúng gì hết. Xen lẫn với những định lý hình học, những con số chán ngắt là những lời của hai đứa thật nhỏ, nhỏ vừa đủ để lỗ tai yếu của ông già không thể nghe được: Nhớ Châu quá trời. Thật không? Châu cũng nhớ Ngự lắm, ngồi trong lớp cứ kể cho con bạn nghe về Ngự mãi.Trời ơi! nói với người khác làm chi kỳ vậy?

Không nói nó cũng biết, con bạn Châu tinh mắt lắm, nó thấy Châu cứ loay quay trên giấy hoài, rồi vô tình Châu viết tên Ngự.

Sao cái gì mình cũng giống nhau vậy? Tôi cũng thế, giờ frère Léon giảng giáo lý không nghe gì cả, viết đầy tên Châu trong vở, viết cả chục lần cho đến khi hết chỗ để chép bài.

Ngự có đạo đâu mà học giáo lý?

Cái trường của mấy ông thầy dòng kỳ như vậy, sáng nào cũng bắt học một giờ giáo lý, lại còn đọc kinh nữa.

Học môn đó vui không?

Chán chết, không hiểu gì cả, chỉ nhớ Jésus có nói một câu thật hay: “Khi những bông hoa mật ong đã nở trên cây, các con hãy thương yêu nhau và cũng đừng buồn khi một ngày nào đó các con hết yêu nhau, vì tình yêu cũng giống như mật ong, có thứ thật có thứ giả khó lòng phân biệt được” (dĩ nhiên câu này tôi bịa ra chứ Jésus đời nào nói một câu lẩm cẩm như vậy).

Trời ơi, câu đó hay quá nhỉ!

Không, nghĩ đến Jésus không thấy gì cả, còn nghĩ đến Châu khoái chết được. Ở trong vở, viết tên Jésus và Maria nhỏ lắm, còn viết tên Châu thật lớn: Minh Châu, Minh Châu… viết hoài hoài.

Thôi cám ơn, chiều mai Châu đi học lúc 3 giờ.

Tôi sẽ đi sớm hơn để đón Châu trước cổng trường. – Ðón làm gì thế?

Ðể nhìn Châu một cái, Châu gặp đừng làm lơ, nhớ cười nghe, tôi sẽ rủ một thằng bạn đi theo, tôi đã nói về Châu cho nó nghe rồi. Châu mà không cười với tôi thằng ấy sẽ tưởng tôi nói láo.

Trời ơi! nói chuyện đó với người lạ làm gì, bọn con trai ác lắm, tụi nó đồn ầm lên là Châu chết mất.

Yên chí, chỉ nói cho một thằng bạn thân thôi mà không nói không chịu nổi, Châu cũng thế phải không?

Những chữ viết, những hình thể toán học trở nên những vai phụ mờ nhạt. Ông già ngồi soi mói cũng mờ nhạt. Tôi không còn nghe thấy gì ngoài âm thanh của chính mình và của Châu trộn lẫn với nhau như một điệu nhạc tuyệt vời. Bàn tay của hai đứa lật một trang sách, chỉ một trang và không lật thêm trang nào nữa vì hai hai bàn tay đã nắm lấy nhau, che khuất sau những trang giấy (lần đầu tiên tôi thấy sự ích lợi của sách vở).

Không biết như thế trong bao nhiêu lâu rồi giọng nói lụ khụ khó chịu của ông già: Châu à, cháu chưa đi ngủ sao? Mai còn đi học sớm.

Thưa ông chưa ạ, cháu làm bài toán này mãi mà chưa xong, ông cứ đi ngủ trước đi, cháu treo mùng cho ông rồi.

Ông già quay sang phía tôi và đôi mắt rất ít cảm tình: Cậu cũng học cùng lớp với con Châu à?

Tôi cố gắng nói với giọng lễ phép nhất của tôi: Dạ, cùng lớp nhưng khác trường. Bài toán này khó lắm, cháu phải giảng cho thật kỹ.

Cậu học giỏi thế à.

Tôi nói nhỏ chỉ cho Châu nghe: không giỏi gì lắm đâu, càng ngày dốt và làm biếng vì cô cháu gái của ông đấy. Châu lườm: giận Ngự cho mà xem, con trai mà học dốt xấu lắm. Nói gì thế?

Dạ không có gì ạ. Cháu sắp làm xong rồi.

Ông già lừ mắt nhìn tôi làm tôi phải giả bộ lơ đi chỗ khác, tôi bỗng chốc trở nên lì lợm, ông già quay lại với tờ báo. Tôi viết trên trang giấy trắng tên tôi và tên Châu nối liền với nhau. Châu cười với tôi âu yếm làm tôi sung sướng chết được, tôi muốn ôm chặt khuôn mặt ấy vào lồng ngực, dùng môi mình mở đôi mắt đang nhắm nghiền của Châu và hôn lên sự âu yếm ấy.

Ðồng hồ treo trên tường kêu long cong mấy tiếng cho biết giờ đã khuya rồi. Tôi vẫn chưa muốn về, ông già lần nầy quả quyết đứng lên, buông thỏng tờ báo mà có lẽ nãy giờ ông không đọc một chữ. Rồi ông giận dữ nói:Thôi khuya rồi, còn cái gì cũng để sáng mai rồi hay. Cậu nên về đi cho con Châu nó ngủ. Con trai con gái có chuyện gì để ban ngày nói, nói chuyện ban đêm như thế này không tiện đâu.

Tôi hổ thẹn chết người, mặt mũi và hai tai bừng nóng như uống rượu. Không ngờ cái ông lão này lại ăn nói thẳng thừng như thế. Tôi nghiến răng trong miệng và đứng dậy. Ðôi mắt Châu van lơn khổ sở: Ngự đừng giận nghe, mai gặp lại. Rồi Châu bỏ đi nhanh vào phòng ngủ, tôi bỏ ra về mà không thèm gật đầu chào ông già. Khi ra ngoài trời đêm, cỏ ướt dưới chân làm tôi lạnh và buồn.

Có lẽ trong tình yêu, người nào đam mê nhiều nhất là người bị thua thiệt hơn cả. Tôi dần dà nhận thấy sự thua thiệt của mình (cái chữ “thua thiệt” có vẻ mua bán này thật kỳ cục). Bởi vì tất cả đời sống lúc này hoàn toàn dành cho Châu, điều này thật khó nói cho Châu biết. Tôi xao lãng những giờ học, bỏ hết những cuộc đi chơi với bạn bè, không còn chiều chiều đi tắm suối hay lên rừng lên rẫy, bỏ hết những sách báo mà tôi mê đọc, cả đến những giờ phút êm ấm nhất trong gia đình. Tôi nghĩ đến Châu luôn luôn trong ngày. Ban đêm tôi cố tưởng tượng đến một sự đổ vỡ, chia lìa để rồi trằn trọc mãi trong trái tim đau nhói.

Châu thì không thế bao giờ, Châu vẫn sống bình thường, vẫn đi học chăm chỉ, đi chợ nấu ăn hàng ngày, vẫn vui đùa với bạn bè trong những cuộc dạo phố, vẫn cứ giao thiệp với các bạn trai và với ai Châu cũng tỏ ra dễ thương được cả. Ðiều này làm tôi rất buồn. Tôi không còn phân biệt được nụ cười của Châu cho tôi và cho người khác. Châu mới 17 tuổi, nhưng đã lớn lắm rồi, khuôn mặt và thân hình rạng rỡ như một bông hoa lẳng lơ, một bông hoa có nhiều đứa con trai chạy quanh. Tự nhiên tôi cảm thấy sự lạnh nhạt càng ngày càng lộ trên đôi mắt hay lời nói của Châu đối với tôi.

Một hôm tôi nhờ thằng Y-Brư đưa cho Châu một lá thư ngắn. Thằng Y-Brư người Rhadé, bạn của mấy đứa em tôi trong những vụ đá dế, thằng nhóc này bắt chước người Việt từ chiếc áo ny-lông mỏng dính cho đến mái tóc chải dầu láng bóng nhưng chẳng bao giờ đi học tiếng Việt cả, nên nó chỉ nói được lõm bõm và không biết đọc biết viết gì cả. Như thế khỏi lo thằng Y-Brư đọc trộm thư khi nó thản nhiên bóc miếng giấy trắng ra xem chăm chú nhưng dĩ nhiên không hiểu gì.

“Châu,

Lâu nay không thấy Châu qua chơi, chắc Châu chán tôi rồi. Tụi bạn trên trường kể nhiều chuyện về Châu, tôi nghe rất buồn và không muốn nói lại chút nào cả. Châu bây giờ có vẻ thay đổi, hay không còn muốn gặp mặt tôi nữa.

Ngự”

Lời lẽ ghen tương thật trẻ con. Tôi chờ đợi một lá thư giải thích và vuốt ve sự hờn giận của tôi. Nhưng trái lại thằng Y-Brư chạy về, nó nói: Chị Châu xé tờ giấy của anh rồi, chị không nói gì cả.

Tôi đau điếng người, bỗng dưng bộ mặt đen thui của thằng Y-Brư trở nên đần độn, tôi muốn đá nó một cú nhưng cố dằn lại và nói:Mày qua đưa cho chị Châu thêm một lá thư nữa của tao, chờ tao viết một chút, chốc nữa về tao cho mười đồng mua bánh mì thịt.

Tôi lại cặm cụi viết, lần này tôi bỏ trong phong bì bức hình của Châu cho tôi hôm trước. Tôi nhìn khuôn mặt Châu trên tấm hình, khuôn mặt buồn và hình như trách móc làm tôi cảm thấy thương Châu hơn. Nhưng lòng tự ái trẻ con đã bùng lên không gì ngăn cản được.

“Châu

Không ngờ Châu khinh tôi như thế. Tôi gởi trả lại Châu tấm hình, tôi không muốn nhìn thấy nó nữa. Thôi bây giờ tụi mình coi như không quen biết nhau.

Ngự”

Tôi định đề thêm một chữ “vĩnh biệt” thật kêu nhưng lại thôi. Tôi ngán chữ này kinh khủng và biết rõ mình chẳng bao giờ thích vĩnh biệt Châu cả. Thằng Y-Brư lại trở về, lần này có cầm theo một miếng giấy nhỏ, mới nhìn qua nét chữ tôi biết ngay là của Châu.

“Ngự,

Ngự làm Châu bực mình quá, khi không bày đặt giận chi vậy? Ngự nghe tụi bạn nói gì về Châu, sao Ngự không nghe chính Châu nói? Mà thôi. Châu có làm gì mặc Châu, Ngự thắc mắc làm gì? Ngự không hiểu Châu gì cả, Ngự trả lại hình và muốn không gặp Châu nữa cũng được.

Châu”

Tôi buồn bã chết đi. Tôi cho thằng Y-Brư mười đồng bảo nó cút khỏi chỗ này để trả lại sự vắng vẻ hoàn toàn, nằm dài trên chiếc ghế dựa, tôi cảm thấy như thân thể chết lạnh ngắt, nhịp tim không còn đập nữa. Tôi muốn chết kỳ lạ. Hình ảnh của Châu chờn vờn khi thì méo mó như một ác quỷ khi đẹp lộng lẫy như một thiên thần.

Thế là hai đứa không nhìn mặt nhau đến ba ngày. Qua ngày thứ tư, tôi không chịu nổi tôi tìm đến xin lỗi và “làm quen” Châu trở lại. Ðã lâu rồi hai đứa mới có dịp đứng gần nhau và tôi ngần ngại ôm Châu vào lòng, hôn lên mùi thơm của mái tóc tôi đã quen hơi. Châu không nói gì cả, tôi không hiểu Châu có hài lòng hay sung sướng gì không. Tôi hỏi nhưng Châu không trả lời, Châu chỉ nói:Sao Ngự hay kiếm cớ để giận Châu thế? Ngự thích làm Châu khổ lắm phải không?

Tôi thấy thương Châu như một đứa em nhỏ.Không, từ giờ trở đi tôi không giận Châu nữa đâu. Châu làm gì cũng không giận hết, dù có gặp Châu đi chơi với thằng Mặt Mụn.
Nữa, lại nhắc đến chuyện ấy hoài.
Thôi không nhắc nữa.

Cùng một lúc, trong bóng đêm vắng lặng chỉ có tiếng gáy rù rù của bầy chim bồ câu trong chuồng, trong vòng tay ôm và những cái hôn vụng về, tôi cảm thấy hạnh phúc lẫn đau đớn ngập tràn trong người. Bởi vì tôi thấy không thể nào dửng dưng được với bất cứ hành động nào của Châu. Dầu cho là một nụ cười nhỏ của Châu đối với bạn bè, đối với những thằng anh bà con, đối với ông bố. Tôi ghét tất cả những người nào nhận được nơi Châu một nụ cười.

Nhưng một người đòi hỏi tuyệt đối, đòi hỏi quá nhiều không bao giờ hài lòng cả. Tôi càng thấy khổ sở vò xé mình vì những điều rất vô lý. Lại giận hờn, lại trả hình, lại xin lỗi, lại làm quen trở lại… Tất cả những vụ lôi thôi đó lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Tôi cảm thấy ghét Châu vì Châu hình như ngày càng thờ ơ với tôi và đôi khi tỏ ra bực mình vì tôi nữa. Tôi biết mình ích kỷ như một đứa trẻ con, nhưng làm sao sửa đổi được. Có lẽ đến năm 90 tuổi, tôi vẫn thích được vuốt ve và nuông chiều như một trẻ thơ đòi sữa mẹ.

Cái gì rồi cũng đến lúc chấm dứt. Tình yêu của tôi và Châu cũng thế (không biết có phải là tình yêu không). Vì lý do gì tôi cũng không biết rõ. Như ánh nắng của mặt trời cứ đến chiều là tắt hẳn, tình yêu đến một lúc nào đó cũng hết, không ai hiểu rõ tại sao ngay cả những người trong cuộc.

Gia đình tôi đổi đi xa lần nữa. Tôi xa Châu, không có trong người một nét chữ nhỏ, một bức hình nào của Châu. Trời sớm mai ở Ban Mê Thuột giá lạnh làm tôi run rẩy dầu đã ngồi kín đáo trong chiếc xe đò, bến xe bên ngoài lầy lội bùn đỏ. Không có cuộc chia tay hay gặp gỡ lần cuối nào thật đẹp giữa hai đứa. Nếu không có chuyến đi này, Châu cũng đã xa tôi. Tôi còn nhớ Châu có giữ kín một cuốn nhật ký, không biết trong muôn ngàn chữ ấy có chữ nào dính dấp đến tôi không. Tôi cũng muốn bắt đầu một cuốn nhật ký bằng hình ảnh của Châu. Nhưng bao giờ bắt đầu được vì khuôn mặt Châu vừa sống động vừa tan loãng mờ nhạt. Tất cả những chữ viết, ngôn ngữ tài tình nào cũng đành chịu. Hình ảnh Châu tốt hơn nên nằm êm ái trong tâm hồn mãi mãi.

*

Bây giờ buổi chiều đã hết. Ánh sáng của mặt trời đã tắt. Ánh sáng không biết của ai đang thắp nhỏ nhoi trong những ngọn đèn đường. Ký ức làm buổi chiều nặng trĩu, người cũng lặng lẽ như một bóng vô hình với hiện tại. Ðường phố, những người, những tiếng động như hư không, không thấy, không nghe gì cả. Người bỏ đi cho ghế trống trơn, khói thuốc đã hết bay lên từ chiếc gạt tàn…

Có những quá khứ thật êm đềm khiến người ta phải bỏ hết một đời để hồi tưởng. Tôi không phí phạm cuộc đời tôi như thế. Tôi không phải là kẻ ngưỡng mộ dĩ vãng, cuộc đời tôi còn dành cho nhiều điều khác, và cho tôi.

Bởi thế tôi đã quên. Chúng ta đều đã quên.

Hoàng Ngọc Tuấn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét