Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Như Cánh Vạc Bay. Cảm nhận của Hoàng Ngọc Tuấn

Như Cánh Vạc Bay.



NHƯ CÁNH VẠC BAY là nhan đề tuyển tập nhạc tình ca mới nhất của Trịnh Công Sơn, xuất hiện vào cuối năm 1970, đánh dấu một sự trở về với tình yêu và lãng mạn của người nhạc sĩ này sau một khoảng thời gian dài làm nhạc phản chiến và kêu gọi hòa bình.

Từ khi những bài tình ca của hai tập Ca khúc TCS và Tình khúc TCS gây được ảnh hưởng mạnh mẽ và tốt đẹp trong quần chúng, nhất là trong giới trẻ yêu nhạc, nguồn suối tình cảm thơ mộng của tác giả này đã gián đoạn trong một khúc rẽ của chuyển hướng sáng tác cá nhân cùng với biến chuyển của thời cuộc: Da vàng ca khúc, Kinh Việt Nam và gần đây nhất là Ta phải thấy mặt trời là những tiếng hát tạm thời rời bỏ khung trời của cái đẹp vĩnh cửu, của tình ái muôn thuở, để cất lên lời kêu thuong phẫn nộ đầy những nhạc điệu dữ dội và chua xót, của một người nghệ sĩ cảm nhận được sứ mệnh của mình đối với đồng bào và nhân loại. Tiếng ca phản kháng này không còn là một tác phẩm thuần túy được thưởng thức trong giới văn nghệ, mà đã bay xa hơn, như tiếng trống dồn dập thúc quân trên con đường tìm kiếm thanh bình cho đất nước.

Ngày nay, người nhạc sĩ đầy ý thức ấy đã trở lại với tâm hồn trữ tình cố hữu của mình. Trong một cuộc chiến mệt mỏi, tình ca cũng là một cách thế phản kháng bởi vì tình ca nuôi dưỡng tình yêu, vun xới tình người, ca ngợi yên bình và là nguồn nước ngọt tưới lên những đời khô cạn.

Và Như cánh vạc bay ra đời với 15 bài hát được trình bày bởi Khánh Ly, tiếng hát nữ đồng hành đáng yêu và thành công nhất của Trịnh Công Sơn.

15 bài gói ghém trong một cuộn băng nhỏ chưa được phổ biến. Tôi đã nghe nhiều lần những bài ấy, trong một khoảng thời gian ngắn ở 3 nơi chốn khác nhau: Sài Gòn, Đà Lạt và Huế. Vì thế cho đến bây giờ, chỉ cần một phút giây hoài niệm là lời ca tiếng nhạc ấy tràn đầy vào trong người như một tình cảm quen thuộc.

*

Nếu những Diễm Xưa, Mưa Hồng, Nắng thủy tinh… thuở xưa là tiếng nói của những tinh yêu đẹp và thần thánh chứa đầy trong người, thì những bài trong tập NHƯ CÁNH VẠC BAY này lại là vang vọng quãng đời quạnh hiu, trống trải khi những cuộc tình đều đã xa lìa, mất mát.

Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau, như bóng chim cuối đèo” (TÌNH NHỚ)

TÌNH XA là bài hát xô đẩy sự cô độc đến tận cùng rời rã khi “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.

RU TA NGẬM NGÙI, bài hát lên đến những nốt cao nhất và xuống những nốt thấp nặng nề nhất, nghe buồn bã như một lời ru, lời ru đối với chính tâm trạng chiếc bóng cô tịch của mình.

Âm thanh quấn quýt sự phiền muộn hơn nữa khi diễn tả những tháng ngày tiếp nối dửng dưng vô vị như tiếng chuyển động đều đặn của chiếc đồng hồ.

Một ngày như mọi ngày từng chiều lên hấp hối. Một ngày như mọi ngày bóng đổ một mình tôi.

NGƯỜI VỀ BỖNG NHỚ mang đầy nét êm đềm dịu dàng của núi đồi Đà Lạt, và Rừng xưa đã khép với cái coda dồn dập như hồi thúc một cuộc chia lìa. Cho dù hạnh phúc chỉ đến khi có bóng dáng của người nữ: “Ta vẫn mong em về đấy cho đời bày cuộc vui”.

Ba bài hát thành công và rực rỡ sự toàn bích của lời và nhạc nhất, có lẽ lời Như cánh vạc bay, Ru em và Tình xót xa vừa. Ở những tình ca này, hình ảnh tươi đẹp nhất của lời và nhịp điệu lãng mạn u sầu của nhạc đã đến một mức độ cao nhất, mang một tính chất điển hình nhất của tác giả trong cốt cách tài hoa sẵn có đã làm rung động tâm hồn người thưởng ngoạn một cách tuyệt vời.

NÀY EM CÓ NHỚ mang âm hưởng của một bài thánh ca trong đêm Giáng Sinh, nhưng là một đêm Giáng Sinh không có Chúa, không tôn giáo, một Giáng Sinh chỉ có “tôi” và “em”.

Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người. Này em, xin cứu một người.”

RỒI NHƯ ĐÁ NGÂY NGÔ với đoạn chấm dứt lơ lửng, chơi vơi, như tâm hồn chìm đắm trong tưởng nhớ.

Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ. Đôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ…

Cuối hết, như cố đem lại một thoáng vui đùa và nụ cười cho đời trống trải, Em đã cho tôi bầu trời và Hãy cứ vui như mọi ngày như những lời an ủi đối với chính mình, thanh thản chấp nhận một đời sống giá lạnh sau khi đã mất mát.

Từ khi Khánh Ly giã từ thảm cỏ hoang và quán cà phê ngoài trời đêm để đi hát phòng trà, nhiều người đã bớt đi cảm tình đối với giọng hát nghề nghiệp của người nữ ca sĩ nổi danh này.

Nhưng có nghe Khánh Ly khi nàng hát những bài tình ca mới NHƯ CÁNH VẠC BAY trong phòng studio lặng lẽ không có tiếng vỗ tay đùa cợt, tiếng ly tách ồn ào chạm nhau và tiếng cười lanh lảnh giả tạo của những em ca ve phất phơ qua lại, tôi mới thấy được những nét độc đáo nhất làm cho Khánh Ly thành công, bây giờ nàng vẫn còn nuôi nấng và càng sâu thẳm hơn trước nữa. Đó là tiếng hát ngây dại, khinh bạc, thảnh thơi như hơi thở, và phiền muộn như tiếng khóc.

Đối với cá nhân tôi, nếu Trịnh Công Sơn là người nhạc sĩ chân thực xứng đáng nhất của tuổi trẻ, thì muôn đời vẫn chỉ có Khánh Ly là tiếng hát trung thực xứng đáng nhất của nhạc anh.

Hoàng Ngọc Tuấn

(Khởi Hành số 98 ngày 1-4-1971)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét