Vietnam Hanoi Ceramic Mosaic Mural |
VỊ PHỒN THỰC
1- Tôi tỉnh dậy sau một đêm dài mộng mị. Hắn và cả cái phòng
tranh quái đản, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật cứ ám ảnh tôi suốt đêm, không sao
chợp mắt được, đầu óc rối tinh, bộn bề những kỷ niệm về tình bạn giữa tôi với hắn
một thời lửa máu. Ngần ấy năm bầu bạn thân thiết, tôi chỉ biết hắn đã từng làm
thơ, viết văn, rồi vì thứ của nợ ấy hắn dính đòn, bị đẩy ra mặt trận, thành
lính trinh sát pháo binh, cùng tiểu đội với tôi ở chiến trường khu Năm ác liệt.
Đành rằng hắn có chút hoa tay, vẽ sơ đồ các cứ điểm của địch chuẩn xác và sinh
động đến kỳ lạ, nhưng để làm họa sĩ lại là chuyện khác. Thơ hắn tứ lạ, lời đẹp
mà hắn lại gác bút mấy chục năm, rồi chuyển sang nghề vẽ, làm tôi ngỡ ngàng…
2- Chẳng biết hắn học quy luật về ánh sáng, hình sắc, đường
nét ở đâu, từ bao giờ mà phòng tranh vừa mở đã gây ồn ào dư luận, khen chê các
kiểu. Mới tập tọng vào nghề, hắn đã nhảy ngay vào lĩnh vực tranh tiêu đề khổ lớn,
mỗi bức to bằng lá chiếu đại. Đã là tranh tiêu đề thì đằng sau bố cục và những
gam màu còn ẩn chứa nội hàm tư tưởng triết mỹ của tác giả, chứ đâu có bỡn. Vậy
mà trong hết thảy các bức vẽ, hắn đều đặt tâm điểm triết mỹ vào hình tượng người
đàn bà khỏa thân, ngồn ngộn những V và L!
Choán hết mặt tường chính diện ở gian đại sảnh, hắn trưng
bày bức tranh “Thăm lại chiến trường xưa”, khiến ai bước vào, thoạt nhìn đã vãi
linh hồn. Cái chiến trường khu Năm tôi với hắn ở lâu nhất là Quảng Nam, Quảng
Ngãi. Nó ác liệt tới mức lính ta chết vì bom đạn đã nhiều nhưng chết đói cũng
không ít. Trên hồ sơ báo tử từ mặt trận gửi về Bộ Quốc phòng chỉ ghi lạnh lùng
hai chữ “sốt rét”, nhưng xin các ông bố bà mẹ, những người vợ hiền ở hậu phương
thời ấy biết cho, lũ lính chúng tôi sốt rét ít thôi, đa phần là chết đói. Đói
vì mấy ông chỉ huy hám thành tích, vững lập trường “tự lực cánh sinh”, chỉ nhận
người và vũ khí, còn lương thực xin cấp trên cho được tự túc. Xứ Quảng đói
nghèo, miền Tây Quảng Ngãi càng đói nghèo, nhưng lại rất thơ mộng với núi Ấn,
sông Trà. Làm lính khu Năm, ai mà quên được những đêm trăng bên dòng Trà Khúc
ngồi ngắm núi Ấn với hòn Nghiên, hòn Bút. Hắn trở lại chiến trường xưa vẽ những
bóng ma đồng đội xiêu vẹo, lả đi vì đói, dìu nhau đi giữa cánh rừng đại ngàn ở
đôi bờ sông Trà Khúc. Tất cả chỉ lờ mờ, không rõ nhân dạng. Người xem tranh chỉ
thấy hắn vẽ và đặc tả người đàn bà khỏa thân nằm xiên chéo toàn bộ bức tranh. Ở
phần dưới là dòng Trà Khúc bị bãi nổi giữa sông tách đôi thành hai vế đùi đàn
bà lấp loáng dưới trăng khuya. Càng nhìn ngắm kỹ, ta càng thấy một mảng lồi tam
giác kẹp giữa hai nhánh sông - khóm cỏ lau ngập nước đang trổ bông - chính là
cái ấy của đàn bà, rõ từng múi thịt, lún phún lông tơ mịn màng. Thiếu phụ mang
tên dòng sông Trà Khúc ấy có bộ ngực đồ sộ, nhô lên chất ngất hai đỉnh hòn
Nghiên, hòn Bút của núi Ấn, và hút sâu trong khoảng không giữa hai bầu vú ta thấy
ẩn hiện gương mặt thiếu phụ ngủ vùi trong gối mây. Một gương mặt bơ thờ, khắc
khoải đợi chờ tạo hình bởi viền sáng của mảnh trăng hạ tuần về sáng, bị che lấp
bởi những vạt mây vần vũ xung quanh. Những hồn ma lính đói vật vờ hành quân tạo
thành dải băng đen vắt ngang qua bụng thiếu phụ… Tôi sững sờ trước ý tưởng kỳ lạ,
nét vẽ tài hoa của hắn, con tim như có chùm gai nhọn của cây rừng Quảng Ngãi
đâm lút vào, chắn ngang từng mao quản.
Xem tranh của hắn chỉ thấy ngồn ngộn V và L rất phồn thực.
Nhưng có điều lạ, người đàn bà nào của hắn cũng khỏa thân ở nơi hoang dã, bên bờ
sông hay trên con đò, dưới chân núi hay lẫn vào trời mây mờ ảo. Có lẽ gây nhiều
tranh cãi, ồn ào dư luận khen chê nhất là gian cuối cùng, trưng bày bộ “Tứ bình
Cao Bá Quát” của hắn. Bốn bức tranh trong bộ tứ bình phỏng theo nội dung một
bài cảm tác ngẫu hứng của thi sĩ họ Cao, khi ông ngồi hát ca trù với cô đào Ánh
Nguyệt nổi tiếng đất kinh kỳ. Lời ca ông viết là ba khổ thơ vô đề, không theo
niêm luật, lẫn lộn vừa Nôm vừa Hán. Nó rất ngông đời, nổi loạn và cũng rất đa
tình như tính cách của ông vậy:
Sơn cao nhất phiến nguyệt
Đã chơi trăng phải biết tình trăng
Sơn chi thọ đối Nguyệt chi hằng
Sơn có Nguyệt càng thêm cảnh sắc.
Nguyệt quải hàm Sơn thi bán bức
Sơn hàm minh Nguyệt tửu thiên tôn
Núi chưa già, trăng hãy còn non
Trăng dù khuyết, tình vẫn tròn với núi.
Rượu một bầu, thơ ngâm một túi
Góp gió giăng làm bạn với non sông
Núi kia tạc để chữ đồng
Trăng kia nhớ mặt anh hùng này chăng?
Bài thơ được hắn xé ra thành bốn bức tranh, đặc tả thi sĩ họ
Cao và cô đào Ánh Nguyệt. Có lúc ông cởi trần ngồi ngắm trăng, cô độc như một
trái núi, có lúc ông đang hành lạc với nàng trăng. Cô đào Ánh Nguyệt chính là
nàng trăng ấy, khỏa thân ở bốn tư thế khác nhau, khi xa thì như đùa rỡn giữa
trăng với người, khi gần thì hoặc chàng phủ lên nàng, hoặc nàng phủ lên chàng,
cô tịch và hoang dã, chẳng bợn lên chút cảm giác nhục dục nào, buộc người xem
tranh phải suy nghĩ mông lung, khắc khoải…
3- Tôi đang lẩm nhẩm đọc thơ được chép theo lối thư pháp hiện
đại ở góc dưới bên phải bức tranh, hắn lại gần cấu nhẹ vào vai tôi hỏi:
- Được không? Bộ tứ bình này thế nào?
- Chịu thôi, tranh của mày toàn V với L, nom khiếp quá!
- Mày nói xạo. Nhìn vào mắt người xem, tao biết ai là người
đọc được tranh của mình.
- Cứ cho là thế đi, nhưng tại sao mày bỏ hẳn thơ văn suốt mấy
chục năm để lúc về già lại đổ đốn làm thằng thợ vẽ toàn V và L?
- Văn chương ư? Quên đi!... Dù có dùng nghệ thuật ẩn dụ đến
đâu chăng nữa thì phương tiện biểu đạt của văn chương vẫn là chữ và lời, ở xứ
mình dễ mang vạ vào thân. Tao đã ngấm đòn từ lâu quá rồi, hãi lắm!
- Thế còn hội họa?
- Hội họa có phương tiện biểu đạt riêng là ánh sáng, hình sắc,
đường nét. Tao vẽ V và L để nói cái điều tao muốn nói. Ai muốn hiểu thế nào tùy
họ. Tao nghĩ và tao vẽ là quyền của tao. V và L có gì phải kiêng kỵ đâu. Nó là
cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp tự nó, chẳng cần phải che đậy. Khắm như đậu phụ chấm
mắm tôm mà khi ăn rồi ai cũng nghiện, bởi hiện sinh của mắm tôm không chỉ có
mùi, còn có vị nữa. Vị mới là cái tinh cốt của đời.
- Nhưng tao vẫn ngờ rằng, mày vẽ V và L còn vì câu chuyện
xưa cũ ngày ấy, phải vậy không?
- Đúng. Tao không thể nào quên đôi bầu vú căng mọng sữa của
nàng đã cho tao sự sống. Giờ đã qua gần trọn một kiếp người, tao mới ngộ ra bầu
vú của nàng đã dạy tao phải sống đúng như tao muốn sống. Tao phải là chính
mình. Bầu vú của nàng là tuyệt đỉnh siêu việt để tao siêu thăng giữa thiện -
ác, chính - tà, chiến tranh - hòa bình, hiện tại - quá khứ…
Hắn nói một thôi một hồi về sự siêu thăng suốt hai năm qua
trốn biệt mọi người lên tận rừng quốc gia Ba Vì để lập xưởng vẽ. Hắn nói rồi
đi, mái tóc bồng bềnh, chòm râu phơ phất, áo quần xộc xệch, chân nọ đá chân kia
như thằng say rượu… Giữa bức “Thăm lại chiến trường xưa” và bộ “Tứ bình Cao Bá
Quát” ngỡ là hai chủ đề khác biệt mà sao tôi đều thấy mình và hắn hiện diện
trong đó cùng sự hiện sinh muôn thủa những kiếp người. Đêm, tôi bị ám ảnh khôn
nguôi về hình tượng người đàn bà khỏa thân nơi hoang dã rất phồn thực trong tranh,
thao thức nhớ lại chuyện xưa ở chiến trường khu Năm.
4- Ngày ấy, những thằng lính đi B có bằng cử nhân hay tú tài
như chúng tôi còn là của hiếm, dùng để tuyên truyền cho dân miền Nam về thiên
đường xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Vì vậy, nếu có bị thương, nhưng chưa đến mức
nằm liệt, các cậu cử, cậu tú chúng tôi cũng không được chuyển ra Bắc. Xuất viện
là họ điều chúng tôi về An toàn khu làm lính cơ quan hay phân về làm bảo vệ ở
các bệnh viện, trại giam tù binh… Tôi bị thương vào cánh tay, còn hắn bị thương
ở vùng ngực, gãy hai chiếc xương sườn. An toàn khu có khoảng gần trăm người như
chúng tôi, già nửa là lính Hà Nội, đã tốt nghiệp cấp III phổ thông, còn từ cấp
chỉ huy đến lính đa phần là người địa phương khu Năm. Họ nhìn chúng tôi hát hò,
đọc sách, làm thơ… với con mắt kỳ thị, xem đám lính Hà Nội là lãng mạn tiểu tư
sản, lập trường bấp bênh, thiếu tinh thần cách mạng triệt để. Khổ nỗi, các cô
gái địa phương hay các nữ giao liên từ vùng địch ra lại cứ xoắn lấy các chàng
trai Hà Nội, xem chúng tôi giải toán lớp 12 cứ mắt tròn mắt dẹt. Điều này càng
gây chướng mắt các ông chỉ huy. Càng bị cô lập, phân biệt đối xử, chúng tôi
càng thương quý nhau hơn, nhất là tôi với hắn vốn cùng một tiểu đội trinh sát,
cùng bị thương trong trận đánh cứ điểm Sơn Tịnh. Ngày ấy, lính ta đói dài, ngô
sắn còn không đủ ăn, gạo càng hiếm, nói chi đến thịt cá. Chúng tôi thường tụ tập
nhau lén đi cải thiện. Nói “cải thiện” cho vui thôi, thực ra là đi ăn trộm của
tập thể cơ quan hay của dân bất cứ thứ gì nhét được vào bụng để tồn tại qua
ngày. Vì vậy, lính Hà Nội thường hay bị điều đi công tác để tách xa nhau ra.
Công tác nguy hiểm nhất là xuống cơ sở ở đồng bằng lấy gạo, muối, thực phẩm. Địch
biết quân ta đói nên tung một lữ đoàn thiện chiến bao vây, chốt chặt các ngả đường
từ căn cứ xuống đồng bằng. Chỉ huy lữ đoàn là viên trung tá còn rất trẻ, chống
cộng đến cùng, nhưng cũng không ưa sự có mặt của người Mỹ. Thời sinh viên, anh
ta đã từng biểu tình chống Mỹ xúc phạm các nữ sinh Việt Nam. Là con một trong
gia đình trí thức lớn, danh giá bậc nhất ở Sài Gòn, lại làm rể ông nghị sĩ quốc
hội, nhưng vì coi thường các tướng lĩnh kém mưu, nhát gan nên anh ta bị điều ra
miền Trung. Nuôi mộng vinh thăng cấp tướng để thâu tóm quyền lực, thay đổi thế
cờ chiến cuộc nên anh ta xông xáo xuống từng đơn vị, kiểm tra thường xuyên các
chốt mai phục không để sơ hở. Là người túc trí đa mưu, anh ta muốn tiêu diệt
căn cứ không cần đạn pháo cỡ lớn mà bằng cái đói. Chỉ huy cấp dưới thường được
trung tá nhắc nhở: “Đã là chiến tranh tất có một bên phải chết. Muốn sống ta phải
tàn bạo với kẻ địch, lương tâm, đạo lý gửi lại cho thân nhân, bạn bè cất giữ ở
hậu phương. Gặp thằng lính Việt cộng nào đi lấy gạo các anh cứ việc bắn bỏ rồi
chặt đầu bêu ở ven đường cho chúng khiếp vía, chịu đói mà chết dần.”…
5- Tôi nhớ, vào tháng hai âm lịch năm nhâm Tý (1972), giữa kỳ
giáp hạt, toàn khu căn cứ đói dài. Một tốp 5 người đi lấy gạo bị địch chặt đầu
bêu ở cọc tre ven đường, có đến 3 người là lính Hà Nội. Hắn như phát rồ vì thằng
bạn rất thân cũng nằm trong số đó. Đành rằng chiến tranh là cối nghiền thịt khổng
lồ, con người ở cả hai phía đều buộc phải tàn ác như nhau cả thôi. Thế nhưng nếu
hôm qua thằng bạn còn nằm chung một ổ, ăn cùng một mâm bỗng hôm nay bị đối
phương chặt đầu thì ta lại chỉ thấy địch là tàn ác, còn ta có nghĩa vụ đòi lại
nợ máu. Cả khu căn cứ sôi sục muốn trả thù cho đồng đội và cũng rất căng thẳng
vì đói. Tư lệnh An toàn khu quyết định mở trận đánh phá vây, tiêu diệt lữ đoàn
của địch. Mũi đánh vu hồi vào sở chỉ huy lữ đoàn ở tuyến sau của chúng là quan
trọng và nguy hiểm nhất, được tất cả lính Hà Nội chúng tôi tình nguyện tham
gia. Hắn và tôi được cử đi trinh sát tình hình sở chỉ huy lữ đoàn. Sau 10 ngày
luồn sâu, mật phục và quan sát, hai đứa đã nắm được quy luật hoạt động và hệ thống
bố phòng của địch. Phải thừa nhận viên trung tá chỉ huy là đối thủ tài ba,
không hổ danh là lính trí thức con nhà nòi của phía bên kia, hệ thống bố phòng
không tìm thấy một chút sơ hở. Nhưng ở chiến trường, đôi khi mọi sự cẩn trọng,
chu đáo có thể bị phá vỡ bởi một yếu tố ngẫu nhiên. Ngày thứ 10, đang chuẩn bị
rút về cứ, qua ống nhòm, tôi và hắn phát hiện thấy một chiếc trực thăng hạ cánh
ở sân sở chỉ huy lữ đoàn. Bước ra khỏi máy bay là một thiếu phụ đẹp đến mê hồn.
Gương mặt nàng đôn hậu như Phật bà Quan Âm giáng thế. Vóc dáng và y phục nàng
toát lên vẻ kiều diễm, cao sang mà vẫn dễ gần bởi nụ cười hiền dịu. Đi theo
nàng còn có vài cô gái, thảy đều sang trọng, trẻ đẹp. Họ mang theo rất nhiều
quà và cả trăm két bia. Đêm nay chắc hẳn sở chỉ huy lữ đoàn có đại tiệc, lính
cũng như quan sẽ tắm bằng bia và rượu. Tôi và hắn sướng run lên, cắm đầu chạy
băng rừng về nơi tập kết của đồng đội đang nóng chờ tin tức. Trận đánh diễn ra
trong đêm tối trăng thật êm gọn đến bất ngờ, nhưng cái giá xương máu thật là khủng
khiếp. Kẻ địch say mèm và hoảng loạn, còn chúng tôi thì như một lũ điên luôn miệng
hô giết, giết và giết. Biết làm sao khác được, khi cơn cuồng nộ trả thù đã khiến
tất cả như không còn tính người. Kẻ địch chạy - bắn, giơ tay hàng - bắn, bị
thương lòi ruột cũng bắn. Máu người vung vãi khắp nơi, dây đầy áo lính, nòng
súng bỏng rát, tiếng kêu rên thê thảm… Mặc kệ! Ngón tay trỏ của tôi và hắn chỉ
còn một phản xạ nhấn cò súng. Thê thảm nhất là xác viên trung tá găm đầy đạn tiểu
liên, đạn AK, máu me đầm đìa, thân hình nát bấy. Chúng tôi nhìn vào xác chết, hả
hê vì trả được thù. Tất cả lặng đi vài phút, nhớ đến những cọc tre bêu đầu đồng
đội những ngày qua, rồi cùng oà lên, nức nở gọi tên từng người… Bỗng cánh cửa sắt
của tủ hồ sơ tài liệu bật mở và thiếu phụ lao ra ôm lấy xác chồng gào khóc. Tay
nàng run run sờ mặt, vuốt tóc chồng. Mặt nàng úp lên lồng ngực đầy máu…
- Giết nốt con đĩ này thôi, anh em ơi!
- Cho nó đi chầu Diêm vương với thằng chồng ác ôn!
- Lột quần áo nó ra ngắm cho sướng mắt rồi hãy làm thịt!
- Phải đấy, xem thử cái L người Sài Gòn nó đen-trắng, dày-mỏng
thế nào rồi hãy giết!
Hơn chục thằng lính Hà Nội đang cơn say máu, nhao nhao quát
thét, ánh mắt man dại. Riêng hắn lặng đi, trán vã mồ hôi, mặt tái mét, trân trối
nhìn thiếu phụ. Hắn lại gần, vực nàng đứng dậy và nghẹn ngào nói:
- Chúng mày nhìn đi! Ngực cô ấy căng đầy sữa, rỉ ra từng giọt,
chắc vừa sinh con nhỏ. Đ mẹ, bắn giết thế đủ rồi! Trẻ thơ có tội tình gì đâu.
Cuộc chiến này đã quá nhiều trẻ mồ côi, còn chưa đủ sao? Hãy tha cho cô ấy về với
con. Đứa nào nói nữa tao bắn.
Thiếu phụ quỳ xuống, chắp tay vái lạy từng người, không nói
được ra lời. Chúng tôi như bừng tỉnh quay đi, bàng hoàng đau xót, giấu những giọt
nước mắt đang ứa ra. Từng người lặng lẽ lao vào bầu trời đen thẫm. Đêm ấy không
ngờ tôi và hắn bị lạc nhau. Trên đường rút về cứ, hắn không may dẫm phải bẫy
thú rừng của người dân tộc. Những mũi chông nhọn hoắt đâm vào đùi, vào bụng làm
hắn ra rất nhiều máu. Vùng vẫy thoát ra khỏi hố bẫy thì hắn kiệt sức, nằm thiếp
đi bên một bụi cây. Mờ sáng tỉnh dậy, hắn giật mình vì thấy mình đang gối đầu
lên đùi người thiếu phụ hồi đêm. Vết thương ở đùi và bụng của hắn được nàng xé
áo băng lại. Nàng là người thành phố, không quen đi rừng nên cũng bị lạc. Đây
đã thuộc vùng giải phóng, nàng có thể sẽ bị bắt lại. Hắn định ngồi dậy chỉ vẽ
đường đi cho nàng, nhưng vết thương nhói buốt, miệng khô rang vì ra nhiều máu,
hắn nằm vật xuống, trong cơn mê sảng luôn miệng đòi uống nước. Nàng nhìn hắn bối
rối, thương xót. Trời còn chưa sáng rõ, chạy đi tìm nước nàng có thể bị lạc một
lần nữa, không khéo gặp thú rừng thì nguy. Hơn nữa, nàng có thể gặp Việt cộng
hoặc du kích, sẽ bị bắt, không còn đường về với con. Nhìn ra bốn bề chỉ thấy
núi và cây rừng, chẳng nghe thấy tiếng nước chảy, đang mùa khô, đào đâu ra nước
bây giờ? Tiếng hắn thều thào “nước… nước…” khiến lòng nàng quặn thắt. Ngực nàng
thì đang cương sữa, vắt đầy ra cỏ đã mấy lần... Lưỡng lự hồi lâu rồi nàng mạnh
bạo vạch vú nhét vào miệng hắn. Phản xạ tự nhiên làm hắn chợt tỉnh, đẩy bầu vú
của nàng ra, lắc đầu quầy quậy. Nàng càng cố ấn đầu vú vào, hắn càng dùng hết sức
đẩy ra. Tức quá, nàng tát thật lực vào mặt hắn, quát to:
- Nước không có, muốn chết khát hay muốn sống?
Cái tát của nàng làm hắn trở nên ngoan ngoãn, thôi vùng vẫy,
nhắm nghiền đôi mắt, từ từ há miệng ngậm vào đầu vú mút và mút. Nàng gần như nằm
đè lên người hắn, dứt tung nịt vú, vắt kiệt cả hai bầu sữa. Hắn bú no nê dòng sữa
của nàng cho đã cơn khát. Sữa cho hắn sức lực để hồi tỉnh. Khi đó hắn mới nhận
ra cái cảm giác đê mê trước mùi da thịt của nàng. Sữa đã hết, nhưng miệng hắn
còn ngậm chặt đầu vú. Bàn tay hắn mơn man lên da thịt trắng ngần và mịn màng, ấm
nóng của bộ ngực đồ sộ như hai trái núi. Hắn không ngờ người thiếu phụ mảnh mai
như nàng lại có bộ ngực phồn thực đến vậy. Hắn ngây ra nhìn gương mặt thánh thiện
của nàng. Cái ấy của hắn đụng vào người nàng bỗng cương cứng lên, muốn xé rách
lần vải quần quân giải phóng. Nàng nhìn hắn mỉm cười. Cái nhìn đầy cảm thông và
bao dung của tình mẫu tử, chứ không phải của bạn tình, làm hắn chợt hổ thẹn vì
sự nổi loạn trong cái của nợ, dù thằng đàn ông nào chẳng vậy…
Đúng lúc đó, ba người lính địa phương khu Năm xuất hiện. Họ
túm tóc hắn lôi dậy, xỉ vả một hồi vì tội hủ hóa, rồi trói cả hai, giải về khu
căn cứ. Chuyện của hắn có viết cả trăm lần vào bản kiểm điểm cũng không ai tin,
ngoài tôi và mấy thằng bạn thân người Hà Nội. Hắn bị khép tội cố ý tha tù nhân
có nợ máu, lại thông đồng với nàng bỏ trốn ra vùng địch. Từ thằng lính lập nhiều
chiến công, bị thương về làm lính coi tù, nay hắn thành tù nhân đặc biệt của trại
giam. Nàng bị giam ở trại phụ nữ, hắn bị giam ở trại nam giới, hai trại cách
nhau một con suối, đằng đẵng gần nửa năm cách trở. Hàng ngày đi lao động trồng
sắn, hắn và nàng cách bờ nhìn nhau đau đáu, nhớ thương, ấm ức. Tôi và mấy thằng
bạn thân thường tìm cách gặp hắn an ủi, động viên hoặc làm liên lạc giữa hắn và
nàng. Lâu dần tôi mới biết hôm đó nàng dùng trực thăng riêng của gia đình đi
đón chồng về Sài Gòn chuẩn bị tu nghiệp lớp sĩ quan cao cấp ở Mỹ. Vì quá say
sưa thù tạc, chia tay với chiến hữu nên sở chỉ huy lữ đoàn của chồng nàng mới bị
quân ta tập kích, trở tay không kịp. Nàng bảo, anh ấy ngoài mặt trận phải buộc
lòng làm con thú hung dữ, chứ về nhà lại hết mực yêu vợ, thương con, hiếu đễ với
hai bên cha mẹ. Âu đây cũng là số phận!... Khi biết tin thằng cha chột mắt người
khu Năm phụ trách trại giam nhiều lần ve vãn, có lần toan hãm hiếp nàng, hắn lồng
lên, thề sẽ giết thằng chó đểu. Văng tục, chửi bới một hồi, hắn bưng mặt khóc
hu hu như con nít, nài xin tôi và mấy thằng bạn tìm cách bố trí cho nàng trốn
khỏi trại giam. Chúng tôi bàn bạc, lập kế hoạch rất chu đáo cho hắn và nàng
cùng trốn về đồng bằng. Mất bao nhiêu công sức băng rừng, lội suối, chúng tôi mới
đưa được hai người ra đến bờ sông Trà Khúc. Chỉ một bước là lên thuyền xuôi về
vùng địch, hắn chợt đổi ý, quyết tâm ở lại, sẵn sàng chịu trách nhiệm một mình
về việc nàng bỏ trốn để không liên lụy đến bạn bè. Việc đã gấp, tôi và mấy thằng
bạn đành cắn răng, nuốt lệ chiều theo ý hắn. Chúng tôi tản ra canh chừng cho hắn
và nàng ngồi chia tay bên mép nước, dưới ánh trăng lai láng. Tôi ngồi sau một bụi
cây, xoay lưng về phía bờ sông. Đêm khuya thanh vắng, khoảng cách không xa, lại
xuôi theo chiều gió nên tôi vô tình nghe rõ câu chuyện giữa hắn và nàng.
- Em thương anh quá! – Nàng bảo.
- Đừng lo, anh chịu đựng được, em cứ yên tâm tìm về với con
và gia đình – Hắn động viên.
- May ra số phận còn cho mình gặp lại nhau.
- Hết chiến tranh, nếu còn sống anh sẽ tìm em.
- Em hỏi thật, anh đừng giấu.
- Hỏi đi, anh nghe đây.
- Cái hôm anh đẩy bầu vú em ra khỏi miệng, em đoán anh chưa
từng một lần với đàn bà?
- Đúng vậy. Bạn bè anh nhiều đứa chết rồi vẫn chưa được làm
đàn ông.
- Em muốn có thêm đứa con với anh. Chồng em đằng nào cũng chết
rồi, oan hồn anh ấy sẽ không phiền trách.
- Nhưng bạn bè anh…
- Không sao, họ đều là con người, sẽ thông cảm cho chúng
mình.
- Anh rất muốn, nhưng…
- Thôi, không nhưng gì hết.
Giời ơi!... Còn ai trên đời hạnh phúc như hắn. Tôi nhắm nghiền
mắt mà như nhìn thấy rõ hắn và nàng cùng trút bỏ áo quần, lội ra dòng sông
loáng bạc. Họ ôm nhau, kỳ cọ thân thể cho nhau rồi… hắn bế thốc nàng lên bờ làm
cái chuyện ấy giữa trời mây sông nước bao la…
6- Mấy chục năm qua đi, giờ tôi mới gặp lại nàng. Nàng vẫn
nguyên vẹn dáng vẻ kiều diễm, cao sang như buổi nào bước ra khỏi máy bay trực
thăng. Hình như chỉ tôi với hắn là già và xấu đi, còn nàng cứ trẻ và đẹp mãi.
Nàng như Phật bà quan âm tái thế, tài trợ cho phòng trưng bày tranh của hắn.
Nàng đang từ cõi niết bàn bước ra đọc lời khai mạc phòng tranh trong ánh mắt ngạc
nhiên của bạn bè và công chúng yêu hội họa. Chỉ mình tôi biết được chàng trai lịch
sự, tuấn tú đứng bên cạnh nàng là con của hắn. Chỉ mình tôi biết được vì sao hắn
vẽ tranh toàn V và L, ngoài cái triết mỹ hắn gửi gắm vào tranh còn vì một lẽ
khác. Cuối buổi khai mạc phòng tranh, hắn và nàng dắt con trai lại chào tôi, hẹn
sẽ đến ăn bữa cơm thuần túy Việt Nam. Hắn bảo, đừng bày vẽ gì, cứ trải chiếu
ngoài sân, dưới gốc cây hoàng lan, đãi nhau món đậu phụ chấm mắm tôm ăn với bún
là tuyệt nhất. Tôi chưa quen với mùi mắm tôm, nhưng sẽ thử cùng hắn và nàng nếm
cái vị của nó. Có lẽ hắn đúng, giữa mùi và vị thì vị mới chính là tinh cốt của
đời.
Hà Nội 7/2005
V.N.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét