Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2023

Âm bản chiến tranh

"2 truyện Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực tôi viết vào giữa năm 2005, sau chuyến đi tìm mộ chú em liệt sĩ ở E572, một trung đoàn tăng-pháo kết hợp của QK5, họat động chủ yếu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tôi không phủ nhận sự vĩ đại của cuộc chiến chống Mỹ, càng khâm phục sự dũng cảm, sức chịu đựng phi thường của người lính, trong đó có cả em trai tôi. Song để tìm được mộ chú em hy sinh vào 8/1972, tôi đã gặp hàng trăm đồng đội cũ ở E572, cùng họ lăn lộn khắp vùng đất Quảng và may mắn gặp mặt khá nhiều nhân chứng còn sống là những người dân ở Đức Hiệp, Quế Sơn (Quảng Nam), Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Từ thực tế ấy tôi nhìn ra góc khuất của chiến tranh và đời lính khi sau mỗi trận đánh oai hùng họ quay về hậu cứ rèn cán, chỉnh quân hoặc do bị thương mà chuyển về công tác ở ATK. Nó thật khắc nghiệt và đầy rẫy những mâu thuẫn vốn là muôn thủa của cõi người. Giờ là lúc ta đủ độ lùi thời gian để nhìn nhận và phán xét bởi đôi khi vì cái góc khuất vô hình ấy mà có thể vào thời hậu chiến; người dũng cảm, lập nhiều chiến công chịu thiệt thòi; còn kẻ gian manh, cơ hội lại thăng tiến, làm băng hoại kỷ cương xã hội, kìm hãm sự phát triển đất nước. Mạch truyện và tư tưởng tác giả là thế, còn tình tiết có đôi chỗ khốc liệt thì chuyến đi tìm mộ chú em, tôi được nghe nhiều tình tiết khốc liệt gấp bội phần hơn thế." (Vũ Ngọc Tiến)

 


Âm bản chiến tranh

 

 Tác giả Vũ Ngọc Tiến

Rừng chiều lạt nắng, hầm hập oi nồng. Cơn mưa rào chợt đến, làm dịu bớt cái nóng khủng khiếp của miền tây đất Quảng. Cái thứ nắng nóng như rang khô đám lính của tiểu đoàn suốt nhiều ngày đêm lầm lũi đưa pháo lên tận ngọn núi Chảo Lớn triển khai trận địa, chờ lệnh phát hỏa, tiêu diệt cứ điểm Cà Tang, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng huyện lỵ Quế Sơn. Đói, khát và sức nặng của những khẩu pháo 105 ly tháo rời đã vắt kiệt sức lực từng người. Trong mưa, từ quan đến lính, tất thảy trần truồng như nhộng, thỏa thuê tắm mát và uống thứ nước ngọt trời cho để quên đi cái bụng lép kẹp đang thèm cơm, thèm sắn. Người ta khi đã cởi truồng ra rồi thì ai cũng hiền khô, hồn nhiên đến kỳ lạ. Vậy nên khi D trưởng An chạy đến bên Luận, dáng người lòng khòng, của nợ kia thì lõng thõng giữa đùi, khác hẳn với D trưởng An oai nghiêm, thét ra lửa thường ngày, Luận không sao nhịn được, cười đến gập người, thắt ruột. Ông vẫn thản nhiên ra lệnh, còn Luận thì cứ ngỡ ông đùa:

 

- Tiểu đội trinh sát của cậu mau tập hợp, có nhiệm vụ gấp.

- Lệnh gì lúc này hở thủ trưởng?

- Đài quan sát vừa báo có một tốp dân địa phương đi làm rẫy, đang trú mưa ở gốc cây gần trận địa pháo của ta.

- Thế thì sao ạ! - Luận cợt nhả, còn thủ trưởng thì quắc mắt:

- Lại còn sao với giăng gì nữa. Lộ mẹ nó hết cả bây giờ chứ bỡn à. Họ có 10 người: 5 ông già, 2 cô gái và 3 thanh niên. Các cậu khẩn trương bao vây, tiếp cận, một kèm một, khống chế và trói họ lại, canh giữ cho hết đêm nay, đợi ta nổ súng đánh xong cứ điểm Cà Tang thì thả cho họ về. Nhớ ôn tồn giải thích thật khéo, mình là quân giải phóng, không được làm gì vi phạm chính sách dân vận…

- Rõ!...

 

Luận chợt hiểu ra tính chất nghiêm trọng của sự việc. Anh nhao đi tập hợp đám lính trinh sát đang đùa nghịch như quỷ sứ, toả ra tán dóc với lính pháo thủ ở từng khẩu đội. Có 2 chiến sĩ bị cảm nhẹ, còn lại vừa khéo 10 người đi làm nhiệm vụ. Ai nấy chỉ mặc độc chiến quần xà lỏn, mang theo dây thừng, dao găm và súng ngắn, nom hung dữ chẳng khác gì thám báo Mỹ. Tất cả khép thành vòng cung, tiến dần về phía mục tiêu. Cách chừng vài trăm mét, Luận đưa ống nhòm quan sát, quả có đúng 10 người như lời D trưởng. Họ đều ăn mặc theo lối dân tộc Cơ-don, một tộc người rất thiểu số ở miền tây Quảng Nam. Chẳng hiểu vì sao, đôi tay anh cứ run run rê ống kính nhìn ngắm kỹ 2 cô gái. Một cô cao to, vai bè, tướng đàn ông. Cô kia, anh nuốt nước bọt đánh ực, mắt đờ ra ngây ngất vì vẻ đẹp hoang dại. Dáng người thon, đôi vai để trần, ngực tròn căng, mắt nai ngơ ngác… Chợt cô gái phát hiện ra anh đang cầm ống nhòm, vội thét to:

 

- Thám báo Mẽo đấy, chạy mau!

 

Cả tốp người nháo nhác tản ra tứ phía, chạy thục mạng. Luận ra lệnh:

 

- Đuổi theo. Mỗi người nhằm một đối tượng, đừng chồng chéo nhau, làm thật gọn như kế hoạch đã bàn ở nhà.

 

Dứt lời, Luận chồm lên lao theo hướng cô gái. Số phận xui khiến 2 cô gái tách riêng, chạy về phía bờ suối. Anh cũng kịp nhận ra người chạy cùng hướng với mình là A phó Phát. Bất giác Luận mỉm cười hiểu ra lý do, chỉ A trưởng và A phó mới có ống nhòm, thảo nào... Anh cố hết sức chạy vượt lên để giành phần chộp lấy cô gái mắt nai. Cuộc rượt đuổi trong cơn mưa rừng quyết liệt và hung bạo như con sói đói hồng hộc chồm theo chú thỏ non ướt nhóet. Nhưng khi vồ được nàng rồi thì Luận xuống sức thở gấp. Có lẽ cả tháng trời anh đói triền miên, mỗi bữa chỉ có muôi cháo loãng và hai mẩu sắn bé như ngón chân cái làm sao vật nổi cô gái sơn cước săn chắc. Sự thèm muốn đụng chạm với da thịt đàn bà làm anh lú lẫn, quên bẵng mình còn có dao găm, súng ngắn khống chế con mồi. Lăn lộn, cào xé nhau hồi lâu thì cô gái đoạt được dao găm, ngồi chồm hỗm lên bụng anh, quắc mắt, dí lưỡi thép vào cổ họng. Thế là tong đời một cách nhục nhã! Anh nghĩ vậy và thở dài chờ chết, nước mắt ứa ra, gọi khẽ hai tiếng “mẹ ơi!...” Hình như cô gái nhận ra giọng Bắc, thoáng ngạc nhiên, nhưng vẫn gằn giọng hỏi:

 

- “Giải phóng” hả?

- Ừ, giải phóng quân, quê miền Bắc.

- Sao “giải phóng” lại đi cướp hiếp đàn bà?

- Không phải đâu. Giải phóng quân đưa pháo lên núi, sắp bắn vào cứ điểm Cà Tang để giải phóng Quế Sơn.

- Thế thì sao nữa?

- Cán bộ thấy em và mấy người kia đi làm rẫy về, đứng trú mưa sát gần trận địa, sợ bị lộ bí mật quân sự nên lệnh cho bọn anh bao vây, tạm giữ đồng bào hết đêm nay, chờ đánh trận xong sẽ thả về nhà thôi.

- Thật vậy không?

- Thật mà, thám báo Mẽo hay quốc gia làm sao biết nói giọng Bắc, tin anh đi…

- Hèn gì đàn ông mà ốm nhom, vật đàn bà cũng không nổi, sức đâu mà cướp hiếp. Rõ tội nghiệp!

- Tại tụi anh đói quá, với lại đã quen ôm đàn bà vật lộn thế này bao giờ đâu.

- Hí hí… hí…, quân mình đánh lẫn quân ta, em cũng là du kích chứ bộ…

 

Cô gái quăng con dao găm, cười khúc khích. Tiếng cười làm nàng rung lên, mông của nàng vì thế cứ nhay đi nhay lại trên bụng chàng trai chưa từng biết đến mồ hôi đàn bà chua mặn thế nào trong đời. Thoát cơn hiểm nghèo, giờ Luận lại được đê mê vì sung sướng. Anh nhắm nghiền con mắt, tận hưởng một thứ khoái cảm kỳ diệu. Đôi bờ mông của nàng hình như cứ trôi dần, trôi dần xuống dưới. Bỗng Luận mở to mắt, bàng hoàng. Anh đâu ngờ khi vật lộn, miếng vải gai quấn trên ngực nàng đã bị bung ra, lúc này tuột xuống để lộ đôi bầu vú trắng nõn, cao vồng, núm vú đỏ hồng như một chấm son, phập phồng lên xuống theo nhịp thở. Chiếc váy người dân tộc thực ra cũng chỉ là tấm vải quấn quanh người che phần dưới, khép chờm hai mép vải ở đằng trước. Giờ nàng đang ngồi dạng chân trên bụng anh nên nó như được mở toang và người dân tộc đâu có biết dùng đồ lót. Luận nhìn thấy rõ cả một vùng cấm tam giác đang mời gọi. Bản năng giống đực làm cái của nợ trong quần xà lỏn tự do nổi loạn, bất chấp kỷ luật dân vận mà D trưởng dặn dò lúc giao nhiệm vụ. Cái đầu Luận bảo đừng mà bên dưới thì cứ cương lên. Cô gái cũng cảm nhận được sự cương nở ấy, thoáng đỏ mặt, nhưng… thích… Nàng cười rất hồn nhiên, chống hai tay lên cỏ, từ từ cúi xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối, buông thả cho mọi sự cuồng nhiệt, đê mê diễn ra sau đó. Suốt một đêm, giữa rừng xanh kỳ bí, họ thành Êva và Adam, quấn vào nhau lăn lộn nhiều lần, quên đói, quên mệt, quên cả tiếng pháo 105 ly rầm trời bắn vào cứ điểm Cà Tang, chỉ thấy tràn trề lạc thú nơi hoang dã…

 

*

* *

 

Cái đêm vụng về, bị động khi tập làm đàn ông trước giờ tiểu đoàn nổ súng là những khoảnh khắc thần tiên nhất trong đời, nhưng vì hai chữ “lập trường” ám ảnh, buộc Luận phải cố quên nó. 33 năm thoắt qua đi, mỗi lần nhớ đến D trưởng An, nhớ đến Phát, anh phải cảm ơn số phận cho mình cái cơ hội nếu có chết như Phát cũng đã biết mùi đời. Dù đói, mệt, nhưng sức trai tuổi 20 vẫn đủ cho anh hưng phấn quá tam ba bận. Sáng dậy, biết tên cô gái là Hơ Miêng, tên một loài hoa dại của núi rừng, anh sung sướng cắn vào đùi non của nàng, đòi thêm một lần cuối trước lúc chia tay. Chỉ cách một bờ ruộng, anh chứng kiến thằng Phát A phó không được như vậy. Nó còn “mất lập trường” hơn anh, úp mặt vào chỗ ấy gào lên vì sung sướng, gọi tên các thủ trưởng xem ai sướng hơn nó. Nhưng nó vừa qua trận sốt rét còn đâu sức lực, chỉ sau một lần đã nhọc phờ, trên bảo dưới không nghe, đành bất lực làm tình bằng tay, bằng lưỡi. Khổ nỗi cô gái của nó tên Hơ Ngoan mà chẳng hiền, mỗi lần bị Phát kích động nàng lại cong người rú lên những âm thanh điên dại, rồi chồm dậy đè lên người nó, dùng cái của mình nhay đi nhay lại mãi cái của Phát đang héo rũ, không sao ngóc lên được. Chuyện “mất lập trường” này chỉ hai thằng biết, sống để bụng, chết mang theo, hở ra là tong đời. Phát chết vì một mảnh bom B52, khi đơn vị rút khỏi huyện lỵ Quế Sơn, chuyển quân về Sơn Bình, gần ngã ba sông Thu Bồn và sông Trường. Tội nghiệp cho nó, chết vào lúc 3 giờ sáng chắc là đói lắm. Hồi chiều, đơn vị hết gạo, mỗi thằng chỉ được ăn nửa bát ngô bung vàng khè, hạt to và cứng như răng ngựa. May mà nó còn kịp được biết tý chút mùi đời. Phát chết rủi cho nó, nhưng cũng có phần may cho Luận vì cái tội “mất lập trường” kia chỉ còn là bí mật của riêng anh. Nói vậy quả là đểu và bất nhẫn lắm lắm! Song “một miệng thì kín…”, cổ nhân đã dạy rồi. Phát là thằng bạn tốt nhất trần đời của Luận. Nó cùng học khoa Lý trường đại học Tổng Hợp Hà Nội với anh, cùng nhập ngũ một ngày. Trong tiểu đội trinh sát, nó luôn giành phần việc nặng, việc nguy hiểm thay cho Luận. Đi dã ngoại, kiếm được miếng ăn tươi, nó luôn mang về dúi vào màn của anh. Ăn vụng lúc ngủ cũng nhục lắm, song ở đời khi người ta đói cũng có lúc đành chấp nhận. “Đồ ăn thì ít, chia ra tất cả cùng đói, chi bằng để một thằng no”, Phát thường động viên bạn như vậy. Chỉ có điều tính Phát hay bô lô ba la, hứng lên nếu nó lỡ mồm khoe với thằng nào chuyện Luận với Hơ Miêng thì còn đâu cái thành tích “lập trường vững vàng” bấy lâu anh khôn khéo ẩn mình, được các thủ trưởng biểu dương nhiều lần. Nói như Bảo, cái thằng lính trinh sát nổi tiếng gan dạ, đa tài nhất tiểu đoàn: “Hai tiếng lập trường nghe mơ hồ, trừu tượng và thối khắm nhất mày ạ! Nó là cái con C gì cơ chứ? Ấy thế mà suốt cả một thời gian khổ, oanh liệt, nó bỗng thành thứ vũ khí hiểm độc để người ta vùi dập hay tâng bốc một con người cụ thể.” Nạn nhân của hai chữ lập trường đau nhất cũng là Bảo. Chuyện xảy ra chẳng đáng gì phải kết tội, phê bình, kỷ luật, nhưng Luận ngày ấy đã không dám can đảm đứng ra bênh vực cho chiến sĩ trinh sát ưu tú của tiểu đội mình. Tháng 3 năm 1975, các khẩu đội pháo 105 ly của tiểu đoàn được lệnh bao vây, khống chế sân bay Đà Nẵng và bến cảng Tiên Sa, không cho địch rút chạy an toàn. Bảo đã gan dạ chỉ huy một nhóm bám sát mục tiêu, tính toán chính xác tọa độ, giúp các khẩu đội trưởng kết toán góc độ và hướng bắn. Lẽ ra Bảo được tuyên dương anh hùng, thưởng Huân chương chiến công, không may giữa lúc ta ăn mừng chiến thắng, anh vớ được bộ quân phục thủy quân lục chiến ngụy còn mới cứng, sẵn có máy ảnh chiến lợi phẩm, anh liền mặc đồ của ngụy, chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm nên bị quy tội mất lập trường, chịu án kỷ luật khá nặng. Vì thế, sau ngày thống nhất, Luận được giải ngũ tiếp tục vào đại học rồi đi làm nghiên cứu sinh ở Nga; còn Bảo vẫn ở lại đơn vị, tiếp tục đánh trận ở biên giới Tây- Nam. Điều làm cho Luận khổ tâm, thương bạn nhất là khi gặp lại Bảo ở chiến trường về, biết anh bị thương đúng vào chỗ hiểm, mất khả năng làm thằng đàn ông. “Lính ta ra khỏi cuộc chống Mỹ, vấp phải lũ lính nhãi ranh 14- 15 tuổi của Khơ Me đỏ mà phải gọi chúng là bậc “cụ” về chiến tranh du kích, mày ạ!”- Bảo ôm chầm lấy bạn chua chát nói. Anh đi trinh sát bị vướng mìn, các chuyên gia y học lão luyện ở Viện 103 cũng chỉ có thể tạo hình bằng cách nối thêm vào cái ấy của anh một mẩu nhựa, không đủ thỏa mãn đàn bà nên 3 lần cưới vợ rồi 3 lần phải ly dị. Từ lính pháo tầm xa đầy uy lực thời chiến, nay anh thành “lính pháo phòng không” thời bình.

 

*

* *

 

Đêm nay sao dài gấp nghìn lần cái đêm Luận cùng Hơ Miêng ân ái bên bờ suối. Có biết bao sự việc, gương mặt của thời máu lửa cứ ẩn hiện trong đầu anh. Cuộc gặp mặt các cựu chiến binh của trung đoàn tăng - pháo kết hợp ở Quân khu V thời chống Mỹ có thể sẽ đảo lộn cuộc sống của Luận những năm tháng sau này. Bảo gặp anh không còn vồ vập, suồng sã như mọi lần. Cái nhìn của Bảo hướng vào anh như thôi miên, nhiều ẩn ý khó đoán. Thường thì trong các cuộc gặp mặt, lúc họp chung, Bảo ngồi im re, chỉ hào hứng tán bậy, chửi tục văng mạng khi vào tiệc rượu. Lần này Bảo đến trễ, nồng nặc hơi men, mắt đỏ vằn, dắt theo một bé gái chừng 13- 14 tuổi. Hội trường khi ấy đang nghiêm trang phát kỷ niệm chương và cuốn lịch sử pháo binh Quân khu V. Trên hàng ghế danh dự, Luận được ngồi chung với mấy vị tướng và các thủ trưởng cũ nay đã về hưu, vinh danh lão thành cách mạng. Bảo bước vào, nhìn xoáy vào Luận vài giây rồi quay sang cháu bé giới thiệu:

 

- Xin các thủ trưởng cũ, mới và anh em chiến hữu nhìn cho rõ, đây vừa là cháu nội vừa là cháu ngoại của trung đoàn ta, chính xác hơn là của tiểu đoàn pháo 105 ly anh hùng.

- Nói rõ và cụ thể xem nào, Bảo ơi! - Cả hội trường nhao lên.

- Thế là đủ, cần gì phải nói rõ. Thằng nào có con có cháu thì tự biết. Đau xót là ở chỗ tôi vừa cứu cháu Hơ Linh thoát khỏi ổ mại dâm tại thị trấn Hà Lam, thủ phủ huyện Thăng Bình. Cả bố lẫn mẹ cháu đều là giọt máu thuần chủng cách mạng của lính ta gửi lại trong trận đánh Quế Sơn năm 1972. Từ Hà Lam vào khu căn cứ của trung đoàn ta chỉ có hơn 40 cây số theo quốc lộ 16E mà vợ chồng chúng nó sau 30 năm hoà bình, sống khổ như chó lợn nên cháu Hơ Linh mới ra nông nỗi này.

- Cậu lại phát biểu mất lập trường rồi, Bảo ơi! Về chỗ ngồi đi cho hội nghị tiếp tục - Một thủ trưởng cũ ôn tồn nói.

- Ơ hay!...Thế nào là “lập trường” hở thủ trưởng? Nó là cái Đ gì mà làm khổ tôi đến mức bây giờ cái C cũng chẳng còn để lưu truyền nòi giống tổ tiên dòng họ? Sống thật với bản năng tính người, nói ra những sự khốn nạn là “mất lập trường” ư? Này Luận! Cậu đang ngồi hàng ghế danh dự vì cậu đã lên quan, làm thứ trưởng một bộ quan trọng, hãy trả lời đi.

 

Luận cố tránh ánh mắt nhìn như moi tim, móc óc của Bảo. Anh xúc động rưng rưng, đứng dậy, bước khỏi hàng ghế danh dự, lại gần bạn, dìu Bảo về chỗ ngồi ở cuối hội trường. Thật lòng anh không muốn trở lại chỗ cũ, nhưng ngồi gần Bảo và Hơ Linh lúc này thì anh không dám. Khỏi cần Bảo giới thiệu, chỉ mới thoáng nhìn cô bé bước vào hội trường, anh đã nhận ra nét quen quen. Chẳng lẽ anh đã có con gái với Hơ Miêng. Chẳng lẽ Phát và Hơ Ngoan đêm ấy chỉ đủ sức một lần hoan lạc mà lại kịp có con trai với nhau. Chẳng lẽ mới 33 năm mà số phận đã ghép con anh, con Phát thành vợ chồng, sinh ra bé Hơ Linh. Trời ơi! Thật kỳ diệu và cũng thật khủng khiếp. Liệu Bảo có nhầm lẫn không và nếu đúng thì sẽ phải xử sự ra sao đây? Luận biết, từ ngày xuất ngũ, Bảo về quê Bát Tràng theo nghề ông cha, mở lò gốm mỹ nghệ. Mười năm lại đây, doanh nghiệp của anh phát đạt, nổi tiếng về nhiều sản phẩm xuất khẩu. Năm nào, đến dịp 30 tháng 4, anh đều về thăm lại chiến trường xưa, tặng địa phương vài chục triệu đồng. Sao Bảo không hề kể gì với Luận về Hơ Miêng và Hơ Ngoan…

 

Luận tìm về Bát Tràng không làm Bảo ngạc nhiên. Anh nắm tay bạn, giọng lanh tanh:

 

- Về rồi hả? Tao biết sớm muộn gì mày cũng về tìm tao hỏi chuyện. Về sớm thế này là tốt. Nhưng sao lại đi xe máy, không dùng ô tô thứ trưởng đưa vợ con mày đi cùng? Sợ hả?

- Không, sợ thì không, hoang mang tí chút thì có.

- Sợ vợ nổi tam bành còn có lý, chứ hoang mang vì danh dự thứ trưởng làm cái Đ gì cho tổn thọ.

- Không… Tao chỉ hoang mang vì liệu mày có nhầm không và cái chuyện tao với Phát làm đêm ấy mày biết từ bao giờ?

 

Bảo đấm nhẹ vào lưng Luận cười xả láng:

 

- Có thể mày không tin, nhưng tao biết tỏng mọi chuyện ngay từ đầu.

- Và mày im lặng giữ kín suốt những năm ở chiến trường?

- Tố giác chúng mày ư, tao sẽ không bằng con chó ghẻ, bởi tao cũng thèm được như thế. Tao thấy hai thằng có ống nhòm chạy về một phía là đoán ra lý do, lính trinh sát rất nhậy cảm. Song phải làm nhiệm vụ trước đã. Tao đuổi theo một thằng thanh niên loáng cái là chộp được. Ngỡ tao là lính cộng hoà, tay dao, tay súng như sắp làm thịt mình, nó lạy như tế sao, thú nhận mình là du kích, khai ông ổng từng trận địa pháo để được tha mạng. Điên tiết, tao tống vào mõm nó mấy quả đấm thôi sơn, trói ghì vào gốc cây, chẳng thèm giải thích nữa. Xong xuôi, tao lộn trở lại hướng bờ suối. Giời ơi là giời! Nhìn chúng mày với hai em giữa nơi hoang dã tao thèm rỏ nước dãi. Người tao như phát cuồng lên. Trong đêm tối, tao tưởng tượng ra từng động tác của chúng mày và khao khát. Nhưng nếu tao xông vào sẽ làm chúng mày mất hứng, đòi mần chung thì tao hoá thành đồ súc vật…

- Vậy mà bấy lâu tao cứ ngỡ Phát chết rồi thì chuyện này của tao cũng chôn theo nó. Mày là ân nhân của tao, không biết lấy gì báo đáp.

- Không hẳn thế. Nếu tao tố giác, mày bị kỷ luật, có thể sẽ biên chế sang địa phương quân thì Hơ Miêng sẽ được có chồng, đâu đến nỗi khổ nhục về sau.

- Tại mày không cho tao biết sớm - Luận thở dài, mắt rớm lệ.

- Đừng quá buồn, tao cũng mới biết chuyện đời của Hơ Miêng, Hơ Ngoan thôi.

- Mày về thăm khu căn cứ thường xuyên đã 10 năm cơ mà?

- Nhưng chưa từng gặp hai nàng.

- Sao thế?

- Họ sống biệt lập trong rừng, bị tách biệt khỏi cộng đồng. Cái thằng du kích chết dấp, lạy tao như tế sao ấy, từ lâu đã mê Hơ Miêng. Sau năm 1972, Quế Sơn giải phóng, nó được làm chủ tịch xã. Biết Hơ Miêng có thai, nó vẫn lẵng nhẵng chạy theo đòi cưới, bị nàng từ chối. Ăn không được thì đạp đổ, nó kết tội Hơ Miêng và Hơ Ngoan mất lập trường, ngủ với lính cộng hoà nên khai trừ khỏi Đảng và du kích, đầy họ vào sống trong rừng. Hai đứa trẻ lớn lên trong chiếc lán nhỏ bé giữa rừng, bên hai bà mẹ cô độc nên chúng thành vợ chồng rất sớm cũng là lẽ tự nhiên. Hơ Linh, cháu ngoại của mày ra đời trong hoàn cảnh trớ trêu đó. Một gia đình ba đời tủi khổ vì ma ám “lập trường”, thì mình tao mất cái con C vì nó có là gì giữa cuộc đời này.

- Thằng chủ tịch xã chó đểu, tao muốn băm vằm nó - Luận nghiến răng rít lên phẫn nộ.

- Thằng ấy đi tù vì tham ô đồ cứu tế đồng bào bị lũ lụt từ lâu rồi, không đợi mày phải ra tay. Giá như trước lúc ra Bắc, mày không sợ thứ ma ám “lập trường”, đi tìm Hơ Miêng!

- Mày bảo tao bây giờ phải làm gì?

- Cuối năm ngoái, tao vào khánh thành trường tiểu học do mình bỏ tiền toàn bộ ra giúp xã xây dựng, nghe nói có một cháu học sinh lớp 5 bỏ học, đi hoang, gia đình và nhà trường tìm kiếm gần một năm chưa thấy. Nghe chuyện về hoàn cảnh Hơ Linh tao xúc động, đánh xe vào rừng tìm gặp bố mẹ nó, hoá ra số trời run rủi lại gặp cả Hơ Miêng và Hơ Ngoan. Giờ thì họ ổn rồi. Tao đã nhờ bạn bè tìm được Hơ Linh, xây một ngôi nhà 2 tầng ở thị trấn huyện làm cửa hàng cho họ kiếm sống. Mày chỉ cần đưa vợ con vào gặp họ nhận mặt con gái, con rể với cháu Hơ Linh là đủ.

- Nhưng tao muốn làm hơn thế…

- Cái đó tùy mày, nhưng đừng miễn cưỡng mà đắc tội “mất lập trường” với vợ con không biết chừng… Mày biết không, khi thằng chủ tịch xã tuyên bố kỷ luật, hai nàng Hơ Miêng, Hơ Ngoan cùng nói: “Chúng tao theo cách mạng là thật cái bụng, đâu có lươn lẹo như mày. Chỉ có cái L của chúng tao là không biết lập trường của tổ chức tròn méo thế nào thôi. Ra tổ chức thì ra, vào rừng thì vào, chúng tao Đ sợ, chúng tao đi làm một kiếp người”. Tao nghe họ kể như nghe lời một triết gia vĩ đại. Cái sự thần thánh của cuộc chiến tranh giành độc lập, sách báo viết đã nhiều, đọc lên cũng sướng cái lỗ tai. Nhưng đó là dương bản của chiến tranh, lũ nhà văn, nhà báo mặc sức tô vẽ muôn hồng nghìn tía, tao Đ cần cái dương bản ấy. Cái phần âm bản của chiến tranh chỉ có hai màu tối sáng, những thằng lính như tao với mày gậm nhấm đến hết đời. Chuyện của mày với Hơ Miêng chỉ là mảnh vụn rất nhỏ của âm bản khổng lồ mà mấy mươi năm gậm đã hết đâu…

 

*

* *

 

Chia tay Bảo ra về, lòng Luận rối bời, the thắt. Anh phóng xe máy như điên, mặc cho số phận may rủi có thể sẽ ném thân xác anh vào gầm ô tô, càng hay, cho quên đi tất cả. Bảo muốn anh chỉ đưa vợ con vào Quế Sơn gặp mặt, nhận người rồi nhường hai bà Hơ Miêng và Hơ Ngoan làm vợ nghĩa tình cho Bảo để Bảo có con, có cháu như bao người bình thường khác. Đến con C của Bảo cũng bị chiến tranh tiện đứt mất thì lời đề nghị ấy là chân thành, hợp lý chứ đâu phải vì thương hại cho hoàn cảnh éo le của Luận. Bảo nói, đã thắp nhang khấn vái, xin với Phát rồi, còn Luận? Liệu anh có thể nghe theo lời bạn, chấp nhận số phận an bài, đừng phá vỡ tổ ấm gia đình đang hạnh phúc. Nhưng anh vẫn thấy không thể… Anh muốn làm một thằng người cho đáng mặt người, sao đời lại xui khiến anh phải hành xử không hơn gì một con vật?... Luận không về nhà. Anh lang thang khắp Hà Nội, rồi tìm một khách sạn yên tĩnh ở ngoại ô trăn trở với điều thỉnh cầu của bạn…

 

Hà Nội 5/2005

VNT

Nguồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét