Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Về thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

 Ngô Thị Kim Cúc - Tháng Tư – Về thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Với nước da trắng muốt trong veo, mái tóc bạc và nụ cười hiền, "người đẹp" tám mươi tuổi Nguyễn Thị Thụy Vũ trông giống bà tiên trong chuyện cổ... ❤ ❤ . Vinh dự theo hầu bà tiên hiền là Kim Cúc Ngô Thị và nhà thơ Ý Nhi...

 Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc

 

Tháng Tư, một đoàn tám người, “cơ cấu tùy hứng”, đã về Lộc Ninh – Bình Phước thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, bởi biết chị bị tai nạn gãy chân trước đó mà chưa lên thăm được.

Trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của miền nam thời kỳ trước 1975, có ba người gốc Huế: Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Người thứ tư gốc Bắc di cư: Trùng Dương. Chỉ có Nguyễn Thị Thụy Vũ là dân Nam bộ rặt. Văn chương của chị cũng đặc sệt chất Nam bộ, từ ngôn phong, từ ngữ chị dùng cho tới lời ăn tiếng nói, tính cách, hành vi của các nhân vật. Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long.

 

Theo thứ tự từ trái qua: Kim Cúc Ngô Thị, nhà báo Thanh Vân, nhạc sĩ  Bạch Cung Thạnh, nhà văn-dịch giả Mai Sơn, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà thơ-nhà báo Ly Doi, họa sĩ Lê Ký Thương, nhà nghiên cứu Khanh Tram Nguyen Thi, nhà thơ Ý Nhi.

Xuất thân là một cô giáo tỉnh nhỏ ở Vĩnh Long nhưng tác phẩm của Thụy Vũ ngồn ngộn chất “đời” của Sài Gòn đô thị, sát sàn sạt những thực-tế-tàn-nhẫn mà không phải người phụ nữ nào cũng có điều kiện để hiểu biết. Đó chính là “vốn sống” mà chị tích lũy được khi vào năm 1965 chị lên Sài Gòn dấn thân vào nghiệp viết lách, bên cạnh đó còn kiêm việc dạy tiếng Anh cho những cô gái bán bar hoặc lấy Mỹ.


Trong 10 năm từ 1965 đến 1975, chị đã xuất bản 10 tác phẩm gồm ba tập truyện ngắn: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông; và bảy tiểu thuyết: Ngọn pháo bông, Thú hoang, Khung rêu (Giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1971), Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Cho trận gió kinh thiên.


Sau 1975, dù là con gái một cán bộ kháng chiến – nhà văn Mặc Khải – Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn không thể tiếp tục cầm bút do tác phẩm bị quy là đồi trụy, chị phải bươn chải với những công việc cực nhọc để nuôi bốn đứa con, trong đó có một người sống đời thực vật. Chị từng buôn bán vặt, làm lơ xe đò, làm rẫy, chăn dê, trồng cà phê…, những công việc mà trước đó không ai hình dung nhà văn nữ này có thể kham được.


Hiện nay đời sống của chị tương đối ổn định khi chị về dựng nhà trên mảnh đất mà cha mẹ để lại. Đó là sau khi chị nhận được sự giúp đỡ từ những bạn văn cũ qua một bài viết mô tả cuộc sống lây lất khốn khó của mấy mẹ con, vào đầu thập niên 2000. Chị đang sống với gia đình con trai, là một người tu tại gia chuyên việc hộ niệm, và cùng với họ là cô con gái út ngoài bốn mươi tuổi vẫn sống đời thực vật.

“Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc – Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”



“Bốn bể tung hoành ngang với dọc – Ra đi thanh thản tựa như về”.


Phần ngoài cùng của căn nhà, sát mặt đường nhựa là Cửa hàng Cá cảnh Sinh vật biển và Hoa kiểng Trúc Hạc. Phần nhà ở phía trong tương đối rộng, thoáng, với một số đồ gỗ chị đã mang về từ ngôi từ đường của dòng họ, mà sau 1975 cha chị đã hiến tặng nhà nước để làm cơ quan nhưng lại bị sử dụng làm nơi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Gian thờ thật trang nghiêm với bàn thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cùng với hai câu “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc – Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.



Gian kề thờ ông bà, với hình một hoa hồng trắng thật lớn làm nền, trên đó đính tên những người quá cố, cùng với hai câu: “Bốn bể tung hoành ngang với dọc – Ra đi thanh thản tựa như về”.


Câu chuyện giữa chủ khách mới bắt đầu đã rôm rả thân mật dù nhiều người chị mới gặp lần đầu. Mái tóc bạc cắt ngắn có vẻ được chăm chút, bộ quần áo lụa giữa màu lam và màu mỡ gà rất hợp với tuổi tác và nước da trắng trong veo, có lẽ bị cớm nắng sau thời gian dài không ra ngoài được, trông chị thật đẹp, một vẻ đẹp phúc hậu bình yên. Tuy nhiên nụ cười nhuốm chút tinh nghịch mỉa mai cùng những ngôn từ sắc sảo hài hước và trí nhớ mẫn tuệ cho thấy chị vẫn là một Nguyễn Thị Thụy Vũ-ngày xưa, cho dù đã vào tuổi tám mươi.


Đôi chân chị đã có thể bước đi chầm chậm trong nhà dù vẫn chập chững và phải tựa trên gậy chống. Chị đãi khách những trái dừa rất ngọt hái trong vườn nhà, cả loại trà ngon đặc biệt và sau đó ngồi bên khách ồn ào vui vẻ trong bữa trưa món mặn chỉ với vài muỗng cơm chay, bởi từ lâu chị đã ăn chay trường.


Mọi người cứ lo chị mệt nhưng sau bữa trưa chị lại hết sức vui vẻ tiếp tục “hồi ký” không ngừng bao nhiêu câu chuyện về người thân trong gia đình, về các cô gái mà chị dạy tiếng Anh trước 1975, về những tháng ngày xáo trộn kinh hoàng sau 1975, và nhiều nhất về mối tình nổi tiếng giữa chị với nhà thơ Tô Thùy Yên, mối tình đã cho họ ba đứa con chung, nối kết họ với cả một quá khứ đã thay màu đổi sắc của Sài Gòn cũ… Chị khiến mọi người, hầu hết là kẻ hậu sinh, cứ há hốc mồm ra nghe như hút từng lời và phì cười không đừng được khi biết đến vô vàn kỷ niệm có một không hai trong cuộc sống chung của hai người, kể cả việc chị đi thăm nuôi anh khi anh đang “học tập cải tạo”…

Tôi nhớ nhất câu chị nhắc lời anh Tô Thùy Yên từng nói về chị với một bạn gái: “Không phải vợ nhưng là người tri kỷ của anh…”. Hẳn anh đã nói rất trung thực và chính xác. Không ai đem kể cho vợ nghe chuyện bồ bịch của mình như anh thường kể với chị không hề giấu giếm che đậy. Bởi vì, hơn cả người yêu, hơn cả chồng vợ, họ là một cặp trời sinh để gặp nhau rồi nợ nần nhau… Người yêu thì có thể bỏ. Vợ thì có thể ly dị. Nhưng tri kỷ thì không cưới hỏi, không ly dị và không biết làm cách nào để “bỏ” được nhau…

Có lẽ họ là phần “bổ sung/phản biện”, phần-trái-dấu-nên-hút-nhau-theo-định-luật… Họ, những “đôi lứa bên trời lận đận”, vừa giống mà cũng vừa chẳng thể giống với bất cứ lứa đôi nào trong quá khứ chiến tranh dằng dặc của một đất nước/dân tộc Việt Nam bị đày ải…

 

Chiến tranh đã chấm dứt được gần bốn mươi mốt năm rồi sao… Hay thật ra, nó vẫn đang tiếp diễn…?


Với nước da trắng muốt trong veo, mái tóc bạc và nụ cười hiền, “người đẹp” tám mươi tuổi Nguyễn Thị Thụy Vũ trong giống bà tiên trong chuyện cổ… Vinh dự theo hầu bà tiên hiền là Kim Cúc Ngô Thị và nhà thơ Ý Nhi…


Nguồn: Đăng lại từ Văn Việt



Nguyễn Thị Thuỵ Vũ và những cánh thiêu thân

 


Nguyễn Thị Thuỵ Vũ


 Nguồn bài đăng

Bút hiệu: Nguyễn Thị Thuỵ Vũ. Sinh ngày: 19-8-1937 tại Vĩnh Long. Viết văn từ năm 1965.

 

Tác phẩm: Mèo đêm, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1966, Hiện Đại tái bản 1968; Lao vào lửa, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1967; Chiều mênh mông, tập truyện, nhà xuất bản Kim Anh 1968; Ngọn pháo bông, truyện dài, nhà xuất bản Hiện Đại 1968; Thú hoang, truyện dài, nhà xuất bản Hồng Đức 1968; Khung rêu, truyện dài, nhà xuất bản Kẻ Sĩ 1969 (Giải nhì Văn chương toàn quốc 1970). Đã cộng tác với: Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Vấn Đề, Khởi Hành, Hoa Tình Thương, Tin Sáng, Tiếng Nói Dân Chủ, Đời, Lập Trường, Dân Chủ Mới, Dân Ý, Ánh Sáng, Tin Mật, Tiến Bộ…

 

Nguyễn Thị Thuỵ Vũ và những cánh thiêu thân

 

Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, nhà văn phái nữ, hiện diện giữa khung trời văn nghệ với một sắc thái đặc thù. Những ý nghĩ bỏng cháy và giãy giụa về thân xác trong mỗi tác phẩm, đôi khi vượt quá ý nghĩ của nhiều người. Thuỵ Vũ mới ngoài ba mươi tuổi đời, tuổi nghề vừa lên 6 (1971), nhưng tự tạo cho riêng mình một thế đứng, một cương vị trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Người ta đã hỏi nhau, bàn tán, phê bình về bút pháp cũng như nội dung mỗi truyện của Thuỵ Vũ, vì nó không nằm trong khuôn nếp thông thường của một nữ nhi, nó đã bay ra ngoài quỹ đạo dự tưởng.

 

Người ta còn băn khoăn, thắc mắc về mỗi tình tiết, mỗi dữ kiện được nhà văn tỏ bày trong văn chương. Từ băn khoăn đến thắc mắc, rồi nghi ngờ về thực trạng của mỗi vấn đề, mà Thuỵ Vũ đã đặt ra trước xã hội, về khả năng hiểu biết cuộc sống, một cuộc sống chả lấy gì làm hãnh tiến, và sự góp mặt của những chứng tích đó, có nên dành vinh dự cho nhà văn nữ giới?

 

Cùng đi chung đường với các nhà văn trẻ hôm nay, Thuỵ Vũ mở đầu văn nghiệp bằng những truyện ngắn đăng rải rác trong các tạp chí văn nghệ. Sự đóng góp của Thuỵ Vũ trong khu vườn văn chương đã gây ngay sự chú ý, nhờ vào một bút pháp mạnh mẽ xuyên qua từng dòng chữ bỏng cháy với suy nghĩ về tình dục, về xã hội trong nét sống đặc biệt của các cô gái thuộc giới snack bar thành phố.

 

Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã

Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã 

 Vương Trùng Dương


* Đôi Dòng



Tháng Tư năm 2000, tôi đọc bài viết “Người Con Gái 27 Năm Với Đời Sống Thực Vật” của nhà văn Văn Quang từ trong nước viết về hình ảnh quá thương tâm của cháu Khôi Thụy (con của Tô Thùy Yên và Nguyễn Thị Thụy Vũ): “Trong căn phòng nhỏ hẹp, trên chiếc giường lạt tre thưa thớt, một thân hình con gái trắng nhễ nhại với chiếc quần cụt, chiếc áo thung ngắn tay nằm ngay đơ trên chiếu chỉ trải có nửa giường. Bởi nơi đó là nơi cháu vừa ăn ở, vừa đi vệ sinh, vừa làm chỗ tắm. Cháu không thể nằm nệm vì chẳng có thứ nệm nào chịu cho nổi. Phải nằm nửa giường lạch tre thưa để tiện cho mọi công việc ăn uống, tắm rửa. Hơi thở thoi thóp, cái thân hình con gái căng đầy, cặp chân nhỏ xíu chẳng cân xứng chút nào với thân hình. Cháu không hề biết mình sống hay chết, không biết đói no, không biết gì hết ngoài hơi thở là của con người. Cho ăn thì ăn, ăn bất cứ thứ gì được mẹ hay các cô dì, bạn của mẹ đưa vào miệng. Không cho ăn, cháu cũng chẳng đòi. Thỉnh thoảng cháu hú lên không phải vì đói mà vì một lẽ gì đó không ai biết. Tiếng hú như tiếng kêu của một oan hồn hơn là một con thú hoang…”.


Đây là bài viết đầu tiên về NTTV, khi đọc rất xúc động. Trước năm 1975, tôi chưa gặp NTTV nhưng những người thân trong gia đình chị và tôi có quen biết nhau (đề cập trong bài viết) nên tôi tôi viết bài “Nguyễn Thị Thụy Vũ, giữa dòng đời nghiệt ngã” vào tháng Năm năm 2000. Bài viết đăng trên vài tờ báo ở California và trên trang web Quán Gió ở Úc Châu. Qua hai bài viết, một số độc giả và thân hữu có lòng từ tâm hỗ trợ số tiền qua anh Văn Quang để chị NTTV ổn định cuộc sống để nuôi cháu Khôi Thụy.

Năm 2005 tôi thực hiện tờ báo và trang web Cali Weekly. Được biết anh Văn Quang cùng khóa với anh Hoàng Tích Thông trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (thông gia với tôi) vì vậy hai anh em thân tình và liên lạc thường xuyên. Mỗi tuần anh Văn Quang với mục “Viết Từ Sài Gòn”, tôi giới thiệu với anh Tống Hoằng, chủ nhiệm nhật báo Viễn Đông ở Little Saigon, tiền nhuận bút trả đều đặn với điều kiện chỉ đăng ở Viễn Đông tại Nam California, còn các nơi khác thì tùy ý tác giả. Hàng tuần với một bài viết cũng ổn định được cuộc sống ở quê nhà, anh Văn Quang không thích không khí xô bồ ở Sài Gòn nên lên Lộc Ninh sống để vui thú điền viên và viết lách nhưng được thời gian thì bị chính quyền địa phương kiềm kẹp, truy xét nên đành quay lại Sài Gòn. Khi anh Tống Hoằng lâm trọng bệnh thì nhật báo Viễn Đông không còn mục “Viết Từ Sài Gòn”.

Chiều trên phá Tam Giang

Mấy ngày nay đọc các truyện ngắn của nữ sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, cuộc sống của bà có liên quan đến nhà thơ Tô Thùy Yên. 

Đọc bài thơ của ông và nghe lại bài hát của Trần Thiện Thanh. 

Tô Thùy Yên qua nét vẽ Đinh Cường.

Chiều trên phá Tam Giang

Chiều trên phá Tam Giang

 Tô Thùy Yên

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
(Ca dao)

1.
Chiếc trực thăng bay là mặt nước
Như cơn mộng nhanh
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
Cát hôn mê, nước miệt mài trôi
Ngó xuống cảm thương người lỡ bước
Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi
Phá Tam Giang, phá Tam Giang
Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ
Chiều dòn tan, nắng đọng nứt ran ran
Trời thơm nước, thơm cây, thơm xác rạ
Thơm cả thiết tha đời
Rào rào trận gió nhám mặt mũi
Rào rào trận buồn ngây chân tay

Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ
Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma
Ta ngó thấy thuỳ dương gãy rủ
Từng cây như nỗi bất an già
Ta ngó thấy rào chà cản nước
Từng hàng như nỗ lực lao đao
Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc
Từng ngôi như mặt đất đang gào
Vì sao ngươi tới đây?
Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói
Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam
Vì sao ta tới đây?
Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn
Dưới mắt người làm tên lính nguỵ

Ví dầu ngươi bắn rụng ta
Như tiếng hét
Xé hư không bặt im
Chuyện cũng thành vô ích
Ví dầu ngươi gục
Vì bom đạn bất dung
Thi thể chẳng ai thâu
Nào có chi đáng kể
Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng
Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm
Có cùng gom góp lại
Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?
Ngươi há chẳng thấy sao
Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?

Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc...?
Các việc ngươi làm
Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm
Các việc ta làm
Ta xét thấy chẳng ra chi
Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm
Khi cùng làm những việc như nhau

Ta tự hỏi vì sao
(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)
Và ta tự trả lời
(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)
Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành

Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận
Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông

2.
Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận

Giờ này thương xá sắp đóng cửa
Người lao công quét dọn hành lang
Những tủ kính tối om
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm
Sài Gòn không còn buổi tối nữa)
Giờ này có thể trời đang nắng
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tĩnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn
Quyển sách mở sâu đêm
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỷ
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ
Giờ này có thể trời đang mưa
Em đi nép hàng hiên sướt mướt
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đoá hoa nở gấp rút
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nổi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới
Giờ này thành phố chợt bùng lên

Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại!

3.
Chiều trên phá Tam Giang
Mày nhìn con nước xiết
Chảy băng bờ bãi ngổn ngang câm
Nghĩ tới, nghĩ tới những công trình mày có thể hoàn thành
Mà rồi mày bỏ dở
Nghĩ tới kiếp người đang lỡ độ đường
Trên mịt mùng nghi hoặc
Nghĩ tới thanh xuân mất tích tự đời nào
Còn lưu hậu chua cay hoài vọng
Nghĩ tới khu vườn ẩn cư cỏ cây khuất lấp
Căn nhà ma ám chầy ngày gió thổi miên man
Đụt tuổi già bình an vô tích sự
Như lau lách bờm sờm trên mặt sông nhăn
Cùng cái chết
Cái chết lâu như nỗi héo hon dần
Làm chính mình bực bội
Gió muôn ngàn năm thổi lẽ tuần hoàn
Cho cỏ cây thay đời đổi kiếp
Và mày kinh sợ nghe nhắc điều vượt sức bình sinh
Bởi mày không đủ dạn dày trình diễn tới lui cơn thất chí
Như gã hề cuồng mưu sinh giữa chốn đông người
Với từng ấy tấn tuồng bần tiện
Rút ra từ lịch sử u mê
Gió thổi thêm đi, gió thổi thêm đi
Cho cỏ cây mau chết, mau hồi sinh
Mày mặc kệ

Chiều trên phá Tam Giang
Có gã hề cuồng buông tiếng cười lạnh rợn
Khiến bầy ác thú mà lịch sử sanh cầm cũng chợt hãi hùng
Dớn dác ngó


6-1972

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn: Tô Thuỳ Yên, Thơ tuyển, Minesota, 1995

Lòng Trần

 

NGUYỄN THỊ THỤY VŨ

TIỂU SỬ

Tên thật là Nguyễn Băng Lĩnh, sinh năm 1939 tại Vĩnh Long. Vào nghề gõ đầu trẻ năm 1957. Bỏ lên Saigon năm 1961. Vào nghề viết văn năm 1963, Cho xuất bản tác phẩm đàn tay Mèo Đêm năm 1966. Hiện viết tiểu thuyết hàng ngày cho nhiều nhật báo.

Các tác phẩm đã xuất bản: Truyện ngắn: Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông. Truyện dài: Thú Hoang, Ngọn Pháo Bông, Khung Rêu, Như Thiên Đường Lạnh, Nhang Tàn Thắp Khuya, Chiều Xuống Êm Đềm, Cho Trận Gió Kinh Thiên.

Đã cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Văn, Nghệ Thuật. Được giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1970 với truyện dài Khung Rêu.

QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN

Tôi bước vào văn đàn bằng những truyện ngắn, nhưng hình như tôi vẫn chưa có kinh nghiệm về truyện ngắn bao nhiêu. Truyện ngắn khó viết hơn truyện dài vì tư tưởng lẫn cảm hứng chỉ được diễn tả trong một khuôn khổ ngắn. Người viết phải cô đọng tư tưởng. Tôi thích truyện ngắn không có cốt truyện, mà đầy nhiều chi tiết soi sáng thái độ lẫn quan niệm của tác giả đối với văn chương và cuộc đời. Trong ba tập truyện Mèo Đêm, Lao Vào Lửa, Chiều Mênh Mông, hầu hết các truyện ngắn đều có cốt truyện hẳn hoi, nên tôi không được vừa ý lắm. Bởi vậy, đã từ lâu, tôi không viết truyện ngắn nào nữa, mà chỉ cắt xén vài đoạn trong truyện dài để làm truyện ngắn đăng báo mà thôi.

Một vài bạn bè của tôi thường nói: Trong một vở tuồng hay trong một cuốn phim, người đóng vai chính cũng như người viết truyện dài, người đóng vai phụ cũng như người viết truyện ngắn, không thể cho rằng vai chính này kém vai phụ kia về phương diện nghệ thuật nếu người thủ vai phụ diễn xuất tài hơn người diễn vai chính. Riêng về phương diện viết văn, theo tôi, truyện ngắn đòi hỏi người viết nhiều sự tính toán về phần kỹ thuật sắp xếp tình tiết hơn là một truyện dài. Một truyện ngắn làm độc giả say mê khó khăn hơn một truyện dài. Một truyện ngắn không dành cho người viết nhiều chỗ, nhiều cơ hội, để phô diễn tài năng của mình bằng truyện dài.

Về Truyện Ngắn “LÒNG TRẦN”

Truyện ngắn Lòng Trần là một truyện có tám mươi phần trăm sự thật, cô Năm Thàng, một nữ nghệ sĩ bộ môn hát bội là một người bà con xa của bà nội tôi. Cô được một ông phủ hộ bỏ ra phân nửa số ruộng đất của tài sản mình để chuộc cô ra khỏi gánh hát, đem về làm vợ. Sau khi chồng chết, cô Năm Thàng ở vậy thủ tiết nuôi một lũ con. Mỗi khi đến ngày giỗ chồng, cô Nam Thàng mặc trang phục hát bội, giắt lông trĩ trên đầu, và cầm gươm múa trước bàn thờ của chồng biểu diễn những vai đào võ mà trước kia ông phú hộ đã say mê qua tài diễn xuất của cô. Ni cô Diệu Tâm là một người bà con xa của bà nội tôi, chay lạt nâu sòng từ hồi còn nhỏ, nhưng đến khi chết lại đòi uống một muỗng nước mắm.

Cô Nam Thàng và ni cô Diệu Tâm vẫn là hai người khác nhau. Nhưng trong truyện này tôi cho cô Năm Thàng và ni cô Diệu Tâm là một nhân vật. Cô Năm Thàng là mẫu người quá khứ của ni cô Diệu Tâm, để cho độc giả thấy rõ là ni cô Diệu Tâm luôn luôn mến tiếc thời vàng son của mình. Khi truyện này được đăng trên tập san Văn thì các văn hữu gởi lời khuyến khích. Thật ra, trước khi sáng tác, tôi không nghĩ rằng mình viết một truyện hàm chứa một vài tư tưởng của Phật giáo trong quyển Kinh Lăng Nghiêm, mà tôi chỉ thấy rằng cốt truyện có nhiều chi tiết ngộ nghĩnh, thế thôi.

Lòng Trần

Lời Giới Thiệu của Trần Vũ: ‘‘Đột nhiên ni cô Diệu Tâm cảm thấy miệng mình lạt quá, lạt kinh khủng… — Mô Phật! Cho tôi muỗng nước mắm, tôi uống vào sẽ hết bịnh liền.’’ Khác với phong cách sôi nổi thú hoang trong Lao vào lửa, Mèo đêm của cùng một tác giả, Lòng Trần được viết thật gọn và tươm khí hậu cô quạnh đẫm nhân sinh: Một kiếp người quy vào một muỗng đời. Kiếp người đi tu mấy mươi năm dẹp bỏ lòng trần và những bất hạnh, đến cuối cuộc đời vẫn không thể thoát được ám ảnh vị mặn của bụi trần. Bốn muơi năm sau, mạch văn không thừa chữ của Nguyễn Thị Thụy Vũ hãy còn toát lên vẻ đẹp phong vị Nam và của một bố cục truyện thật chắc chắn.
Lòng Trần trích từ tập Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, nxb Sóng, Sàigòn, 1974.

° ° °

Con đê dài rộng, hai bên trồng dừa Tam Quan cao hơn đầu người thẳng hàng, đều khoảng. Những quày dừa màu hỏa hoàng oằn trái. Bóng dừa chìm dưới đáy nước của hai đầm sen - bên trái đầm sen trắng, còn bên phải đầm sen hồng. Từ con đê đi vào khoảng ba trăm thước, một ngôi chùa nằm im lìm giữa hai hàng dương.

Chùa này vì ít thiện nam tín nữ lui tới nên càng thêm vẻ đìu hiu, lạnh ngắt. Từ đường cái nhìn vào, ít khi người ta nhìn thấy bóng dáng những nhà tu. Chỉ nhìn thấy chiếc tháp cao trơ vơ với rêu bám nham nhở và vài viên gạch mục rớt ra lở lói. Mái chùa thấp ẩm ướt và bóng tối đặc quánh. tiếng kêu vo ve của đám muỗi đói lẫn tiếng chí chóe của đàn chuột dưới những bàn thờ và tiếng vỗ cánh của đàn dơi hoang. Cao hứng chúng bài tiết bừa bãi không vị nể các ông Phật đang ngồi trang nghiêm nhìn ánh đèn chong leo lét. Bình hoa huệ sắp tàn, chỉ còn vài búp gắng gượng trên chót nhánh. Những cánh trắng héo hắt rớt tả tơi trên bàn thờ không mấy ai buồn dọn quét chăm sóc.

Lâu lắm, người ta mới thấy bóng một sư nữ gầy gò xanh xao ngoài năm mươi tuổi ngồi bên hông chùa, uể oải cầm chiếc dao cùn chặt những cành dương khô rớt trên nền đất và bó thành từng bó nhỏ. Ni cô ngồi dưới bóng nắng loang lổ đỏ, khoác chiếc áo cà sa màu cà. Hình như bà cố tìm vài mảnh nắng rớt nhiều nhất trên nền đất để hóng nắng. Giữa màu lá xanh bao quanh da mặt, bà càng thêm nhợt nhạt. Ðôi mắt trũng sâu nhiều, tròng trắng nhìn bâng quơ khi cánh tay gầy guộc khô khan của bà đưa chiếc dao chành lên xuống vài lượt, và giọng ho húng hắng được đè nén làm bà run rẩy.

Bà đã đến tu ngôi chùa này hồi hai gò má còn hồng và nụ cười tươi sáng ẩn một chút ngổ ngáo. Nay hàm răng trắng xa xưa đã rụng mất vài ba cái và đóng bợn vàng ối.

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

CHIA TAY VÀ NẾU LÀ MÃI MÃI…

 


ThùyLinh

12Tháng 5, 2015 · 

CHIA TAY VÀ NẾU LÀ MÃI MÃI…

Mình nhớ như in buổi chiều xưa ấy… Nhớ đến cặn kẽ vạt nắng chênh chếch bên hiên chùa đã nhạt màu.

Khi ấy cơ quan mình xây dựng trụ sở mới nên tụi mình mượn tạm ngôi chùa gần ga Trần Quí Cáp để làm việc. Không hiểu sao bữa ấy cơ quan vắng lặng, chỉ còn duy nhất mình. Ngồi vẩn vơ không biết làm gì? Cũng chả biết đi chơi đâu? Bỗng dưng nhớ tới một cậu bé sống cô đơn đã từng gặp trước đây…Cảm giác nó với mình có chút gì đó đáng chia sẻ…

Và, mình cầm bút viết. Viết mê mải. Thêm mấy ngày hôm sau. Mình không biết gọi đó là cái gì? Như là nhật kí. Và sau đó cất đi… Vài tháng sau, có một nhà thơ quen hỏi han chuyện viết lách. Một con bé ranh mới ra trường, làm báo tay ngang, viết dăm ba bài báo vớ vẩn thì có gì mà khoe… Chỉ ngồi cười. Anh ấy gặng mãi. Chả hiểu sao cứ gặng mình chuyện viết lách? Rồi bẽn lẽn đưa anh ấy xem vài trang nhật kí… Rồi anh ấy khen, khen loạn lên làm mình xấu hổ… Xấu hổ nhất khi anh ấy gọi đó là truyện ngắn. Đến lúc đó chưa khi nào mình nghĩ về văn chương và con đường cầm bút…

Đúng lúc đang có cuộc thi truyện ngắn ở báo Văn nghệ, nhà thơ mạn phép mình gửi truyện ngắn đó đi thi. Rồi được giải cao nhất. Rồi ầm ĩ nỉ non… Mình trốn biệt các cuộc hẹn gặp của các đàn anh, đàn chị. Cũng chỉ vì tính ngại ngùng, hay mắc cỡ.

Mình nhớ rất rõ chiều hôm nhận giải, một mình đạp xe từ báo Văn nghệ về nhà. Tay vẫn cầm bông hoa hồng chả nhớ ai tặng, vừa nhọc nhằn đạp xe và khóc. Tự dưng khóc và buồn ghê gớm. Chả biết sao nữa? Rất tự nhiên, không căn cớ. Một ý nghĩ vụt qua, dừng lại tâm trí, rồi nặng dần, rớt vào tim: cơ sự nào mình bị đẩy đến nông nỗi này? Tại sao lại đưa nhật kí đó cho anh bạn nhà thơ xem? Cứ dằn vặt mình như vậy...

Gần về đến nhà mình dừng xe lại, ngẫm nghĩ. Tại sao lại khóc, lại buồn đến thế này? Mang máng rằng, cuộc đời mình bẻ lái sang một ngả khác. Linh cảm những buồn phiền, mệt mỏi, nằng nề… Tựa như bị đặt lên lưng hổ khi chưa hề sẵn sàng.

Và cho đến lúc này, mình luôn để cuộc sống của mình lặng trôi theo cảm xúc, gạt bỏ mọi cố gắng, trách nhiệm trong bất cứ việc gì, nhất là viết văn – theo đúng linh cảm mách bảo thủa còn ngây thơ, trong sáng lắm. Nhất định không để văn chương trở thành gánh nặng, hay là cứu cánh, hoặc giả nhận lấy thiên chức lớn lao… ám vào cuộc đời mình. Mình không muốn chất lên đó cây thập giá của những nghĩa vụ to lớn, của những giá trị văn nhân chói sáng như là tấm gương với người đời... Mình yêu nó nhưng nó cũng chỉ như rất nhiều việc khác trong đời mà mình sẽ làm, thích làm, hoặc sẽ bỏ khi không còn đam mê nữa. Những cuộc rong chơi chữ nghĩa phải luôn là những cuộc vui đầy khoái cảm, tình thân, những tự tình hoàn toàn cá nhân…

Ở công sở, tổ chức duy nhất mình dự họp là công đoàn, ngoài những buổi họp chuyên môn. Hội NV cũng vậy. Với mình không có quan niệm xấu tốt về hội này, mà chỉ là cần hay không cần với mình? Mà cái sự cần hay không lại hoàn toàn do tính cách, chứ chả có gì lớn lao hết. Tính mình ngại chỗ đông người, ngại làm quen, ngại ồn ào, rất sợ vị trí nổi bật giữa đám đông… bởi vốn là đứa e dè, hay mắc cỡ, ngại ngùng. Từ khi vào hội NV chưa khi nào mình tham gia bất cứ hoạt động nào của hội. Một hội viên như mình kể cũng là bất nhã, bất kính…

Mình hay thích một mình. Thích làm việc trong tĩnh lặng nhịp thở. Thích chìm vào những suy tư viển vông. Thích mơ mộng đắm đuối cá nhân. Cả thế giới trong một căn phòng nhiều ngày cũng không hề gì... Và rất nhiều lần mọi tổ chức, hội đoàn, đám đông làm mình thấy gò bó.

Vậy sao mình lại đến với Ban vận động Văn đoàn Độc lập? Đơn giản vì đó là vẻ đẹp cuộc sống. Những lối mòn, sự sáo rỗng, những ép uổng, bạc nhược, ganh đua, tị hiềm, giành giật, những nhân danh đầy ích kỉ, lành lùng, vô cảm… đã là gương mặt văn nhân thời đại. Nhiều người cầm bút muốn bứt phá khỏi con đường đó. Có thể họ cũng không làm được gì vĩ đại, hữu ích hơn, nhưng ít ra cũng không làm bản thân tồi tệ thêm nữa. Nếu cuộc sống bỏ những tù đọng, độc đoán, xấu xa để rẽ sang ngả khác, dù có thể chưa rành rẽ phía trước là cái gì, ra sao, nhưng sự mạo hiểm của nó đã bật ra một vẻ đẹp chưa hề có trước đó...

Mình thích được phiêu lưu, thách đố trước nhiều ngả rẽ như vậy trong cuộc sống. Vì con người luôn phải (bị) đặt trước sự lựa chọn, không còn cách nào khác. Với lựa chọn của mình, con người sẽ sống có ý thức hơn. Và con người sẽ trưởng thành. Và con người sẽ có tự do...

Ước ao Văn đoàn độc lập sẽ được khai sinh trọn vẹn. Như là sẽ có nhiều chính đảng chính trị khác ra đời. Nhiều hội nhóm xã hội dân sự, công đoàn độc lập của công nhân… sẽ được thành lập trên ý nguyện thành thực, sáng suốt. Bởi nó sẽ là sức sống mãnh liệt của cuộc đời...

Chỗ yêu thích của mình khi đó chắc chắn vẫn là những góc tôi tối thiếu sáng. Là cuối những chặng đường thưa vắng hoe hoắt. Là những vạt đồi nhạt nắng xiên khoai. Là những đỉnh núi âm u sương mù... Có khi là những am cốc tịch mịch nơi rừng thẳm...

Và cũng chưa bao giờ mình bắt bản thân làm một việc mà mình không thích…

PS: Hôm nay mình hơi nhiều lời về bản thân, một việc chưa từng. Mong bạn bè thông cảm. Vì có một câu thơ mình yêu thích thế này: “Chia tay và nếu là mãi mãi/ Thì một lần xin mãi mãi chia tay”. Bức hình cũ kỉ niệm năm tháng đầu tiên đến với văn chương…




Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Bóng câu qua cửa sổ

 


Bóng câu qua cửa sổ

Truyện ngắn Thùy Linh

Bà nói với anh chàng lái tắc xi lầm lì dừng ở ngã tư thứ nhất. Còn phải qua một ngã tư nữa mới tới đầu phố.

Bà lững thững mộng du giữa đám xe máy chạy như thác sầm sập đổ theo các lòng đường. Loay hoay mất hai chặng đèn đỏ bà mới vượt qua ngã tư để sang đầu phố.

Bà dừng lại khẽ đẩy cặp kính lên cao, trải ánh mắt dài theo dọc phố. Vẫn là con phố có lòng đường nhỏ và thăm thẳm. Vẫn là bầu trời xám chì bị những tia nắng vàng nhạt xé rách một khoảng tròn như một cái giếng tràn trề ánh sáng. Bầu trời đó, mặt đất này... Bao năm qua dường vẫn còn đây. Như có một sức nóng từ ánh dương chói qua lớp mây xám tạt ngang, khiến bờ mi nóng rực làm làn nước mỏng dâng lên. Trong bóng nước ấy hiện lên một con phố nhỏ buồn heo hút thưa thớt nhà. Dọc hai bên phố là hai hàng bàng. Vào tháng giêng hai búp bàng bắt đầu trổ ra, cuộn tròn như cái kén màu xanh cốm. Phải đợi rét nàng Bân đổ về lá bàng mới từ từ xòe ra hứng những hạt mưa li ti. Những chiếc lá bàng xanh biếc lóng lánh và đầy vẻ khát khao.

Sang tháng tư khi nắng mới bừng lên thì tán bàng đã phủ kín lối nhỏ hè đường và xòa cả ra lòng đường. Chớm thu heo may về lá bàng lần lượt rời bỏ để lại đám cành khô khẳng khiu đứng cô lẻ trong mưa phùn gió bấc. Cứ nhìn màu chuyển trên các tán bàng để biết mùa đến mùa đi...

Gió Mưa Gửi Lại

Nhà văn Thùy Linh


Gió Mưa Gửi Lại


Truyện ngắn Thùy Linh

- Anh về đi! Chị giục, xiết chặt chiếc khăn dạ quàng trên vai vào người.

- Đứng với anh thêm một lúc nữa.

Đôi chân bồn chồn đổi chỗ. Lúng túng anh đút tay vào túi áo khoác mầu khói, lấy ra bao thuốc lá, hai ngón tay thon mảnh nhón lấy một điếu. Rồi kẹp chiếc bật lửa zippo giữa hai ngón tay, ngón trỏ bật nắp một cách điệu nghệ, liền sau tiếng tách nho nhỏ, một nụ hoa lửa bùng lên.

- Có lẽ ta về thôi. Em thấy lạnh rồi.

Chị quay mặt đi và nói.

- Thế cũng được.

Vừa bước thì anh túm lấy vai chị giữ lại, ghé sát mặt vào chị hỏi:

- Em không giận anh chứ?

Chị cười không thành tiếng rồi khẽ lắc vai khỏi tay anh, bước đi mà không hề ngoái lại.

Cuối cùng cuộc chia tay mà anh rào đón hơn một tháng trước diễn ra êm ả và bình thản. Hay ít ra chị cảm thấy lòng mình như vậy.

Một giờ sau chị mới về nhà. Căn nhà tối om chìm trong khu vườn cây um tùm cây cối đen đặc như một khối thạch lớn. Chị bật đèn và bước vào phòng khách. Trên chiếc bàn giữa bộ salon vải gai thô quây tròn vẫn còn hai ly cà phê. Một ly chỉ còn vệt nâu đen tròn bằng đồng xu cạn khô bám chặt nguyên dưới đáy. Ly kia của chị vẫn còn nguyên. Lúc nãy mải lắng nghe anh nói, đúng hơn là mải lắng nghe lòng mình mà chị bỏ quên. Giờ nó lạnh ngắt và dường như đông cứng thành cục mực tầu. Chị vào bếp lấy chai rum và lon soda tự pha cho mình một ly cocktail. Chị pha cocktail tuyệt ngon. Bí quyết ấy chị học được ở một người đàn bà Grudia mà chị từng quen, sau hơn một năm tạo dựng lòng mến thương giữa họ. Cũng nhờ những ly cocktail tuyệt ngon ấy mà bà ta đã nhốt anh chàng Cuba cao to đẹp trai kém mình gần hai chục tuổi trong chiếc túi tình yêu mà bà ta huyễn hoặc khâu nên khiến nó tỏa hương nồng nàn của rum Lahavan. Khi cocktail tràn khỏi miệng túi thì cũng là lúc anh chàng kia nhẩy ra, để lại nỗi oán hận trĩu nặng gần bẩy chục kilo chồm chồm dọc hành lang ký túc xá vào đêm khuya mỗi khi có ai đó đi ngang qua và chót hỏi về anh chàng kia.

Mặt trời bé con của tôi

 

Nhà văn Thùy Linh

Mặt trời bé con của tôi

Truyện ngắn Thùy Linh

Tôi gặp cậu bé Nguyên lần đầu tiên ở nhà một người bạn. Tối hôm ấy đến chơi nhà Hà, đứa bạn thân nhất hồi tôi còn là sinh viên, thấy Hà đang ngồi chơi với một cậu thiếu niên mười bốn, mười lăm tuổi mặc bộ quần áo bộ đội rộng thùng thình.

Thuỳ Linh

Chẳng hiểu sao tôi bị chú bé ấy thu hút suốt buổi nói chuyện. Có lẽ tại đôi mắt! Đôi mắt như mượn của người lớn lắp vào khuôn mặt còn đầy lông tơ, trông dè dặt và buồn mênh mang. Khi nó cười, thì khuôn mặt bị biến dạng đi, còn vẫn không xua được ánh buồn. Lúc nó về, tôi hỏi Hà được biết, năm Nguyên lên tám tuổi thì bố mẹ bỏ nhau. Thằng anh 16 tuổi ở với bố, Nguyên ở với mẹ. Được nửa tháng, thằng anh nhớ em quá nên đến xin bố cho hai anh em cùng về ở với mẹ. Vài tháng sau, mẹ đi lấy chồng. Theo yêu cầu của người chồng mới, người mẹ bỏ hai đứa con để theo ông ta. Không chịu theo mẹ về với bố dượng, hai anh em tự kiếm sống ở với nhau. Năm Nguyên mười ba tuổi, anh cậu bị bắt đi tù vì tham gia mấy vụ ăn cắp trong nhà máy. Từ đó Nguyên sống một mình.

Hà kể đến đấy thì có khách. Khi về suốt dọc đường tôi cứ nghĩ về cậu bé đáng thương kia. Nhưng tình thương ấy cũng chỉ là cơn gió lạ tràn qua, khiến tôi có cảm giác se lạnh trong chốc lát nếu không có một buổi chiều...

Gần hết giờ làm, tôi xin phép trưởng phòng để đong gạo. Đầu tháng, lại sắp tết nên cửa hàng gạo khá đông. Trước tôi có khoảng bốn chục chỗ xếp lằng nhằng đủ thứ: bao tải, nón rách, gạch, làn... tôi ngao ngán xếp bao tải vào cuối hàng rồi lên trên đứng. Trước ô cửa bán người ta đứng túm tụm chẳng ra hàng lối. Ai ghi sổ xong phải lách mãi mới ra được chỗ lấy gạo. Tiếng cô bán hàng đang nói với người mua:

- Đong hết nhé, một cân gạo nếp, bảy cân gạo, năm cân mỳ, năm đồng tám.

- Chị cho em đong một nửa thôi - người mua là một chú bé.

- Hôm nay không có bao lẻ - Cô ta gắt gỏng.

- Dạ... nhưng... em không đủ tiền.

Hai bên đôi co, những người đứng phía sau nhao nhao:

- Đi đong gạo không mang đủ tiền thì làm sao?

- Thôi tránh ra cho người khác lên mua. Mấy ông bà phía trên xích lên cho, đừng để ai chen vào.

Chú bé không mua được gạo lách đám đông chui ra. Hóa ra là Nguyên. Mặt nó đỏ bừng, tay cầm cái bao tải bị rách mấy chỗ được buộc túm lại, giận dữ nhìn những người đứng sau vừa phản đối, nó lẩm bẩm câu gì đó rồi bỏ đi. Sau giây phút ngỡ ngàng, tôi chạy theo gọi giật lại:

- Nguyên, quay lại chị bảo.

Nhận ra tôi, đôi mắt dịu đi nó khẽ cười:

- Chị cũng đi đong gạo à!

- Em không mang đủ tiền hả? Chị có đây này, quay lại đong đi.

Nguyên lắc đầu, tôi nắm cánh tay nó lắc nhẹ:

- Tết đến nơi rồi, em còn định để đến hôm nào nữa?

- Dạ... - Nó ngập ngừng - Em hết tiền rồi... Vay chị lấy đâu mà trả. Em chẳng đong nữa đâu - Nó hất nhẹ tay tôi như giận dỗi, bỏ đi. Tôi đứng nhìn theo cái dáng lòng khòng trong bộ áo quần bộ đội rộng thùng thình ấy, cái đầu ngẩng cao vẻ bất cần, tôi chợt hiểu: Nguyên đã khước từ sự thương hại của tôi.

Người đàn bà của gió mưa

 

Người đàn bà của gió mưa

Phạm Ngọc Tiến- (Rút từ tập “Chân dung của ruợu”)

 

 

I

Nghiệp văn chương của tôi bắt đầu từ ruợu. Tôi đến với văn chương khá muộn, ba mươi tuổi mới viết truyện ngắn đầu tiên in ở báo “Người Hà Nội” năm 1985 nhưng ruợu thì đã phải đến chục năm thâm niên có lẻ. Tại sao lại bắt đầu từ rượu?  Hình như mỗi một nhà văn biết uống ruợu thì đó là động lực chủ yếu mà nguồn cơn chính là để giải tỏa sự bế tắc của mình. Với tôi cả ruợu và văn đều có tác dụng như nhau. Những ngày tháng đó dù đã cố thử nhiều nghề nhưng tôi không tài nào thích nghi nổi đành tìm đến văn chương trong một trạng thái tuyệt vọng đầy kích thích của…ruợu. Sau này khi ngày một trưởng thành lên trên con đường văn nghiệp, đến với bạn bè văn chương nghệ thuật thì tất thảy ruợu đều là chất xúc tác đưa tôi đến với họ và ngược lại. Trong số đó Thùy Linh là một người bạn đặc biệt.

 

Nhà văn Thùy Linh

Không chỉ là người bạn “ruợu” đàn bà duy nhất, người gây ảnh hưởng và cảm hứng sáng tạo từ truyện ngắn xúc động “Mặt trời bé con của tôi”, Thùy Linh còn là người có những tác động quyết định đến những ngả rẽ sự nghiệp của tôi ở cả văn lẫn ruợu. Lẽ đương nhiên đó là một “tửu đồ” chính hiệu. Thùy Linh là một “người đàn bà ruợu”, một người bạn chân thành, tôi phải cảm ơn số phận đã mang đến cho tôi sự may mắn không dễ gặp trên đời này.

 

Bây giờ, tôi và Linh đã có hơn chục năm gắn bó với nhau trong công việc làm phim ở Đài truyền hình Việt Nam. Hai người với một căn phòng cả ngày hè nóng nực hay tiết đông căm căm đều đóng cửa im ỉm, hoặc là những cái bóng lặng lẽ, hoặc náo nhiệt ồn ào đến tung trời nổ đất thì tôi và Linh vẫn vậy, một đàn ông, một đàn bà hầu như quên mất giới tính, tuổi tác, ngày này, tháng khác đằng đẵng cùng một công việc vun vén chăm chút cho những kịch bản phim đủ loại. Nhiều lúc tôi tự hỏi, điều gì đã gắn hai chúng tôi có thể làm chung một công việc với khoảng thời gian dài như vậy? Có lẽ đó là một cơ duyên thì phải. Bắt đầu từ truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi”.

 

Đó là năm 1985. Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ khép lại có hậu bằng sự xuất hiện của một loạt tên tuổi văn chương sau này. Hồ Anh Thái và Thuỳ Linh là hai cái tên ấn tượng nhất lúc đó. Truyện của Linh đoạt giải nhất cuộc thi. Bấy giờ tôi mới tập tọc viết lách nên đọc gần như là đam mê văn chương duy nhất. Tôi đọc như điên như dại hầu như không bỏ sót bất cứ một cái truyện ngắn nào in ra. Phải công nhận lứa tác giả hồi đấy cho ra đời những truyện ngắn rất đỗi xinh xẻo không dữ dội như một loạt truyện ngắn đổi mới sau này (Tướng về hưu- Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền- Tạ Duy Anh…) nhưng lại đầy ma lực vừa quyến rũ say đắm vừa nao nức tình người, tình đời. Khó quên được cảm giác khi đọc “Mặt trời bé con của tôi”, một câu chuyện hoàn hảo nhưng dung dị đến độ không thể dung dị hơn và tình người thì thấm đẫm từng câu từng chữ. Có một điều kỳ lạ ở tôi khi đọc truyện ngắn này, ngoài xúc cảm thông thường như những độc giả khác trong tôi xuất hiện thứ tư duy hình ảnh vô cùng sắc nét, điều mà rất lâu sau này khi đã làm công việc của một biên kịch thực thụ tôi vẫn phải khổ luyện mới duy trì được nó. Lúc ấy hiện ra trong khoé mắt nhoè lệ của tôi là hình hài cậu bé Nguyên và cô gái tác giả cô đơn nhân hậu. Hình thành trong tôi sự phân thân dữ dội, một nửa tôi là cậu bé Nguyên nghèo khó nhưng không cam chịu số phận, không chấp nhận sự hèn mọn gắng gượng vươn lên làm người tử tế, nửa khác tôi là cô gái giầu lòng trắc ẩn nhưng đơn độc cố bám víu vào cuộc đời đầy bất trắc để tồn tại. Cũng phải nói thêm bấy giờ sau gần chục năm rời áo lính tôi vẫn là thằng trai độc thân chất chưởng luôn dìm mình vào bể rượu chưa tìm ra được một phương kế mưu sinh khả dĩ đúng với những gì mình có. Những cảm giác của tôi cũng như thứ tư duy hình ảnh lạ lùng kia không ngờ lại là khởi đầu cho mối lương duyên giữa tôi và Linh suốt cả một thời gian dài sau đó. Không chỉ mình tôi, đạo diễn NSND Khải Hưng cũng tìm thấy mình trong truyện ngắn này. Ông đã làm bộ phim đầu tiên của mình (có lẽ đó cũng là bộ phim đầu tiên của công nghệ phim truyền hình Việt Nam) từ “Mặt trời bé con của tôi”. Cái duyên chứ không phải số phận đã run rủi chúng tôi đến với nhau chung lưng đấu cật nếm trải mọi vui buồn sướng khổ trong hành trình cam go của một chặng đường dài của cả đời lẫn nghề. Nhưng đó là chuyện sau này còn lúc đó…

 

Họ đã trở thành đàn ông

Truyện ngắn “Họ đã trở thành đàn ông” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến là một câu chuyện chiến tranh, kể về một nữ thanh niên xung phong ở một binh trạm. Điều day dứt và ám ảnh chúng ta chính là sự giằng xé nội tâm nhân vật này khi cô không dám trao thân gửi phận cho người yêu trước khi anh vào mặt trận. Cô đấu tranh với anh, với chính cô để giữ gìn đến ngày cưới. Nhưng, oái ăm thay, cay đắng thay, người lính ấy đã hy sinh, người yêu cô đã nằm lại chiến trường với lời hứa không bao giờ thực hiện được nữa. Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi. Cô chứng kiến những người lính trẻ măng tơ chưa biết sự đời là gì vì chưa trở thành đàn ông. Họ ra trận và sẽ không bao giờ trở lại. Họ đi vào cái chết một cách trinh trắng. Cô nghĩ, hãy cho họ trở thành đàn ông trước khi vào trận. Dẫu có hy sinh, cũng với tư thế một người đàn ông. Và từ đó, đêm đêm, cô trao tình thương cho các chàng lính trẻ. Ngày qua ngày, làm sao kể hết được bao nhiêu đêm, bao nhiêu lần, bao nhiêu chàng trai được hưởng tình yêu thương, hiến dâng của cô, và họ đã trở thành đàn ông như thế. Tứ truyện lạ, ấn tượng nhưng cứ băn khoăn day dứt. Người phụ nữ Việt Nam có truyền thống “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, vì đó mà hạnh phúc. Vì đó mà bất hạnh đau khổ nếu bị mất đi. Nhưng chiến tranh, giữa sự sống và cái chết, giữa còn và mất, người phụ nữ đã chọn cách hy sinh, là dâng hiến. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

Họ đã trở thành đàn ông 

(Truyện ngắn)


Trời mưa tầm tã hoàn lưu bão đang ngồi soát lại tập truyện ngắn Họ đã trở thành đàn ông vừa tái bản. Thấy vân vi vì có một số lỗi chính tả mà chịu không còn cách sửa. Chợt con gái lớn vào bảo bố chuẩn bị cuối năm con cưới.

Thì cưới chứ sao con gái hai bốn tuổi rồi, ra trường rồi làm cô giáo rồi. Chợt khững lại khi trên tay là dòng mở đầu cái truyện ngắn này. Cô sinh viên Phạm Vân Ngọc trong truyện là tên con gái lúc đó mới 4 tuổi. Ra thế dạo đó mơ ước con mình sau này vào học khoa văn trường Tổng hợp nhưng lớn lên nó lại không chọn ngành văn và học trường Sư phạm. Truyện viết năm 1991. Bây giờ là 2011. Đã 20 năm. Chiến tranh lùi còn xa hơn thế. Và mình cũng bắt đầu già. Thấy xốn xang tâm trạng. Bất chợt nghĩ phải viết được cái gì đó về những ngày đã lùi xa kia. Phải viết. Post lại cái truyện ngắn mà mình thích nhất này dù nó đã có trong blog để khẳng định quyết tâm phải viết. Đây là lần cuối cùng cho đăng lại những cái gì đã cũ. Lần cuối cùng !


Họ đã trở thành đàn ông

I

Tiếng người dẫn chương trình rành rọt vang trên loa phóng thanh:

– Sinh viên năm thứ tư khoa Văn trường đại học X, Phạm Vân Ngọc với tham luận: “Sự hy sinh – Những giá trị đích thực của nó thông qua số phận người phụ nữ trong chiến tranh giữ nước.”.

Đã gần hết giờ buổi sáng của hội thảo khoa học sinh viên khoa Văn các trường đại học. Hội trường ồ lên – Lại chiến tranh, đây có phải văn đàn đâu, lật xới làm gì mảng hiện thực cũ mèm ấy – Rách việc thế, chiến tranh thì  can hệ gì đến hội thảo khoa học này – Mà biết quái gì về chiến tranh – Nữ sinh Vân Ngọc thoáng chút ngập ngừng. Rồi cô mạnh dạn từng bước một, đĩnh đạc tiến lên bục diễn đàn. Dáng vẻ dứt khoát ấy, cộng vào tà áo dài trắng tha thướt và một khuôn mặt đẹp dịu dàng, bất ngờ làm hội trường ồn ã ắng đi. Bằng giọng run run, cô trình bày quan điểm của mình dựa trên các luận cứ khoa học đã được thử thách và một loạt dẫn chứng minh họa. Tham luật rất ngắn. Thoạt đầu chẳng có gì đáng nói. Hội trường im lặng. Thứ im lặng miễn cưỡng và có phần thờ ơ. Vấn đề không mới. Sự hy sinh ấy thời gian đã nghiền ngẫm nó đầy đủ. Chỉ đến phần cuối cùng của tham luận, nữ sinh đặt vấn đề trên nền một dẫn chứng cá biệt, lạ lẫm thì hội trường hoàn toàn sôi động. Có mặt ở cuộc hội thảo, ngoại trừ số ít các nhà văn, nhà lý luận nghiên cứu và giảng dạy văn học, còn đa phần là sinh viên. Cô ta nói gì thế nhỉ? Hơn một nửa số người có mặt rầm lên phản đối. Tham luận kết thúc trong tiếng bàn tán, bất bình. Cô gái sững sờ. Mặt cô từ đỏ bừng chuyển sang trắng bệnh. Phản ứng mạnh mẽ và đột ngột của người nghe khiến cô chôn chân, chết lặng. Phải đến mấy giây cô mới bừng tỉnh được. Giọng nói ai đó căng như loạt liên thanh quất mạnh vào khuôn mặt đang ngơ ngác của cô: “Đảo lộn mọi giá trị. Không cần sự hy sinh nhơ nhuốc ấy. Điên!”. Cô gái rùng rùng người đổ sập xuống. Một tích tắc. Cô bật dậy cũng rất nhanh, ào chạy khỏi hội trường. Vấp. Ngã. Lại vấp. Hội trường ắng đi, ngột ngạt. Không đành được, tôi băng theo. Có một cái gì đó ào ụp trên khuôn mặt ngây thơ của cô gái. Cô lau thật nhanh những giọt nước mắt đang ứa ra. Khoảnh khắc. Giọng cô gấp gáp:

– Chú! Chú từng là người lính, từng cầm bút. Chú trả lời cháu đi. Chiến tranh đã lâu đâu sao mọi người quên nó nhanh đến vậy? Tại sao không chấp nhận sự hy sinh nhiều thua thiệt ấy? Đạo lý ư, chiến tranh mà, tại sao lại coi điều đó làm hoen ố chiến thắng? Trả lời cháu đi, kìa chú!

Im lặng.

– Cha cháu là một trong những người đã trở thành đàn ông khi đi qua cuộc đời cô ấy. Chú đã biết đến điều đó. Sao chú vẫn im lặng. Chú cần phải biết thêm điều này. Mỗi khi gặp khó khăn tưởng chừng phải gục ngã, bao giờ cha cháu cũng gượng dậy bằng được. Vì cái gì? Chính vì người đàn bà năm trước. Cho dù thời gian có qua đi, nhân cách của cô ấy không hề bị hoen ố.

Im lặng.

– Tại sao thế? Không! Không! Chú trả lời cháu đi. Đừng im lặng, chú. Cháu van chú. Sao? Chú nhẫn tâm thế. Độc ác!

Im lặng.

Tôi siết chặt tay cô gái. Bằng một sức mạnh của sự đổ vỡ, cô vằng khỏi tay tôi và vùng chạy thật nhanh. Tôi đứng lặng. Loa phóng thanh lại vang rành rọt:

– Sinh viên năm thứ tư trường đại học Z Nguyễn Trung Hiếu với tham luận: “Thi pháp ảo trong thơ điên của Hàn Mạc Tử”.