Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Về thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

 Ngô Thị Kim Cúc - Tháng Tư – Về thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ

Với nước da trắng muốt trong veo, mái tóc bạc và nụ cười hiền, "người đẹp" tám mươi tuổi Nguyễn Thị Thụy Vũ trông giống bà tiên trong chuyện cổ... ❤ ❤ . Vinh dự theo hầu bà tiên hiền là Kim Cúc Ngô Thị và nhà thơ Ý Nhi...

 Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc

 

Tháng Tư, một đoàn tám người, “cơ cấu tùy hứng”, đã về Lộc Ninh – Bình Phước thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, bởi biết chị bị tai nạn gãy chân trước đó mà chưa lên thăm được.

Trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất của miền nam thời kỳ trước 1975, có ba người gốc Huế: Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng. Người thứ tư gốc Bắc di cư: Trùng Dương. Chỉ có Nguyễn Thị Thụy Vũ là dân Nam bộ rặt. Văn chương của chị cũng đặc sệt chất Nam bộ, từ ngôn phong, từ ngữ chị dùng cho tới lời ăn tiếng nói, tính cách, hành vi của các nhân vật. Nguyễn Thị Thụy Vũ tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937 tại Vĩnh Long.

 

Theo thứ tự từ trái qua: Kim Cúc Ngô Thị, nhà báo Thanh Vân, nhạc sĩ  Bạch Cung Thạnh, nhà văn-dịch giả Mai Sơn, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, nhà thơ-nhà báo Ly Doi, họa sĩ Lê Ký Thương, nhà nghiên cứu Khanh Tram Nguyen Thi, nhà thơ Ý Nhi.

Xuất thân là một cô giáo tỉnh nhỏ ở Vĩnh Long nhưng tác phẩm của Thụy Vũ ngồn ngộn chất “đời” của Sài Gòn đô thị, sát sàn sạt những thực-tế-tàn-nhẫn mà không phải người phụ nữ nào cũng có điều kiện để hiểu biết. Đó chính là “vốn sống” mà chị tích lũy được khi vào năm 1965 chị lên Sài Gòn dấn thân vào nghiệp viết lách, bên cạnh đó còn kiêm việc dạy tiếng Anh cho những cô gái bán bar hoặc lấy Mỹ.


Trong 10 năm từ 1965 đến 1975, chị đã xuất bản 10 tác phẩm gồm ba tập truyện ngắn: Mèo đêm, Lao vào lửa, Chiều mênh mông; và bảy tiểu thuyết: Ngọn pháo bông, Thú hoang, Khung rêu (Giải thưởng Văn học toàn quốc năm 1971), Như thiên đường lạnh, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Cho trận gió kinh thiên.


Sau 1975, dù là con gái một cán bộ kháng chiến – nhà văn Mặc Khải – Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn không thể tiếp tục cầm bút do tác phẩm bị quy là đồi trụy, chị phải bươn chải với những công việc cực nhọc để nuôi bốn đứa con, trong đó có một người sống đời thực vật. Chị từng buôn bán vặt, làm lơ xe đò, làm rẫy, chăn dê, trồng cà phê…, những công việc mà trước đó không ai hình dung nhà văn nữ này có thể kham được.


Hiện nay đời sống của chị tương đối ổn định khi chị về dựng nhà trên mảnh đất mà cha mẹ để lại. Đó là sau khi chị nhận được sự giúp đỡ từ những bạn văn cũ qua một bài viết mô tả cuộc sống lây lất khốn khó của mấy mẹ con, vào đầu thập niên 2000. Chị đang sống với gia đình con trai, là một người tu tại gia chuyên việc hộ niệm, và cùng với họ là cô con gái út ngoài bốn mươi tuổi vẫn sống đời thực vật.

“Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc – Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”



“Bốn bể tung hoành ngang với dọc – Ra đi thanh thản tựa như về”.


Phần ngoài cùng của căn nhà, sát mặt đường nhựa là Cửa hàng Cá cảnh Sinh vật biển và Hoa kiểng Trúc Hạc. Phần nhà ở phía trong tương đối rộng, thoáng, với một số đồ gỗ chị đã mang về từ ngôi từ đường của dòng họ, mà sau 1975 cha chị đã hiến tặng nhà nước để làm cơ quan nhưng lại bị sử dụng làm nơi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Gian thờ thật trang nghiêm với bàn thờ Phật A Di Đà, Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cùng với hai câu “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc – Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”.



Gian kề thờ ông bà, với hình một hoa hồng trắng thật lớn làm nền, trên đó đính tên những người quá cố, cùng với hai câu: “Bốn bể tung hoành ngang với dọc – Ra đi thanh thản tựa như về”.


Câu chuyện giữa chủ khách mới bắt đầu đã rôm rả thân mật dù nhiều người chị mới gặp lần đầu. Mái tóc bạc cắt ngắn có vẻ được chăm chút, bộ quần áo lụa giữa màu lam và màu mỡ gà rất hợp với tuổi tác và nước da trắng trong veo, có lẽ bị cớm nắng sau thời gian dài không ra ngoài được, trông chị thật đẹp, một vẻ đẹp phúc hậu bình yên. Tuy nhiên nụ cười nhuốm chút tinh nghịch mỉa mai cùng những ngôn từ sắc sảo hài hước và trí nhớ mẫn tuệ cho thấy chị vẫn là một Nguyễn Thị Thụy Vũ-ngày xưa, cho dù đã vào tuổi tám mươi.


Đôi chân chị đã có thể bước đi chầm chậm trong nhà dù vẫn chập chững và phải tựa trên gậy chống. Chị đãi khách những trái dừa rất ngọt hái trong vườn nhà, cả loại trà ngon đặc biệt và sau đó ngồi bên khách ồn ào vui vẻ trong bữa trưa món mặn chỉ với vài muỗng cơm chay, bởi từ lâu chị đã ăn chay trường.


Mọi người cứ lo chị mệt nhưng sau bữa trưa chị lại hết sức vui vẻ tiếp tục “hồi ký” không ngừng bao nhiêu câu chuyện về người thân trong gia đình, về các cô gái mà chị dạy tiếng Anh trước 1975, về những tháng ngày xáo trộn kinh hoàng sau 1975, và nhiều nhất về mối tình nổi tiếng giữa chị với nhà thơ Tô Thùy Yên, mối tình đã cho họ ba đứa con chung, nối kết họ với cả một quá khứ đã thay màu đổi sắc của Sài Gòn cũ… Chị khiến mọi người, hầu hết là kẻ hậu sinh, cứ há hốc mồm ra nghe như hút từng lời và phì cười không đừng được khi biết đến vô vàn kỷ niệm có một không hai trong cuộc sống chung của hai người, kể cả việc chị đi thăm nuôi anh khi anh đang “học tập cải tạo”…

Tôi nhớ nhất câu chị nhắc lời anh Tô Thùy Yên từng nói về chị với một bạn gái: “Không phải vợ nhưng là người tri kỷ của anh…”. Hẳn anh đã nói rất trung thực và chính xác. Không ai đem kể cho vợ nghe chuyện bồ bịch của mình như anh thường kể với chị không hề giấu giếm che đậy. Bởi vì, hơn cả người yêu, hơn cả chồng vợ, họ là một cặp trời sinh để gặp nhau rồi nợ nần nhau… Người yêu thì có thể bỏ. Vợ thì có thể ly dị. Nhưng tri kỷ thì không cưới hỏi, không ly dị và không biết làm cách nào để “bỏ” được nhau…

Có lẽ họ là phần “bổ sung/phản biện”, phần-trái-dấu-nên-hút-nhau-theo-định-luật… Họ, những “đôi lứa bên trời lận đận”, vừa giống mà cũng vừa chẳng thể giống với bất cứ lứa đôi nào trong quá khứ chiến tranh dằng dặc của một đất nước/dân tộc Việt Nam bị đày ải…

 

Chiến tranh đã chấm dứt được gần bốn mươi mốt năm rồi sao… Hay thật ra, nó vẫn đang tiếp diễn…?


Với nước da trắng muốt trong veo, mái tóc bạc và nụ cười hiền, “người đẹp” tám mươi tuổi Nguyễn Thị Thụy Vũ trong giống bà tiên trong chuyện cổ… Vinh dự theo hầu bà tiên hiền là Kim Cúc Ngô Thị và nhà thơ Ý Nhi…


Nguồn: Đăng lại từ Văn Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét