Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Người đàn bà của gió mưa

 

Người đàn bà của gió mưa

Phạm Ngọc Tiến- (Rút từ tập “Chân dung của ruợu”)

 

 

I

Nghiệp văn chương của tôi bắt đầu từ ruợu. Tôi đến với văn chương khá muộn, ba mươi tuổi mới viết truyện ngắn đầu tiên in ở báo “Người Hà Nội” năm 1985 nhưng ruợu thì đã phải đến chục năm thâm niên có lẻ. Tại sao lại bắt đầu từ rượu?  Hình như mỗi một nhà văn biết uống ruợu thì đó là động lực chủ yếu mà nguồn cơn chính là để giải tỏa sự bế tắc của mình. Với tôi cả ruợu và văn đều có tác dụng như nhau. Những ngày tháng đó dù đã cố thử nhiều nghề nhưng tôi không tài nào thích nghi nổi đành tìm đến văn chương trong một trạng thái tuyệt vọng đầy kích thích của…ruợu. Sau này khi ngày một trưởng thành lên trên con đường văn nghiệp, đến với bạn bè văn chương nghệ thuật thì tất thảy ruợu đều là chất xúc tác đưa tôi đến với họ và ngược lại. Trong số đó Thùy Linh là một người bạn đặc biệt.

 

Nhà văn Thùy Linh

Không chỉ là người bạn “ruợu” đàn bà duy nhất, người gây ảnh hưởng và cảm hứng sáng tạo từ truyện ngắn xúc động “Mặt trời bé con của tôi”, Thùy Linh còn là người có những tác động quyết định đến những ngả rẽ sự nghiệp của tôi ở cả văn lẫn ruợu. Lẽ đương nhiên đó là một “tửu đồ” chính hiệu. Thùy Linh là một “người đàn bà ruợu”, một người bạn chân thành, tôi phải cảm ơn số phận đã mang đến cho tôi sự may mắn không dễ gặp trên đời này.

 

Bây giờ, tôi và Linh đã có hơn chục năm gắn bó với nhau trong công việc làm phim ở Đài truyền hình Việt Nam. Hai người với một căn phòng cả ngày hè nóng nực hay tiết đông căm căm đều đóng cửa im ỉm, hoặc là những cái bóng lặng lẽ, hoặc náo nhiệt ồn ào đến tung trời nổ đất thì tôi và Linh vẫn vậy, một đàn ông, một đàn bà hầu như quên mất giới tính, tuổi tác, ngày này, tháng khác đằng đẵng cùng một công việc vun vén chăm chút cho những kịch bản phim đủ loại. Nhiều lúc tôi tự hỏi, điều gì đã gắn hai chúng tôi có thể làm chung một công việc với khoảng thời gian dài như vậy? Có lẽ đó là một cơ duyên thì phải. Bắt đầu từ truyện ngắn “Mặt trời bé con của tôi”.

 

Đó là năm 1985. Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ khép lại có hậu bằng sự xuất hiện của một loạt tên tuổi văn chương sau này. Hồ Anh Thái và Thuỳ Linh là hai cái tên ấn tượng nhất lúc đó. Truyện của Linh đoạt giải nhất cuộc thi. Bấy giờ tôi mới tập tọc viết lách nên đọc gần như là đam mê văn chương duy nhất. Tôi đọc như điên như dại hầu như không bỏ sót bất cứ một cái truyện ngắn nào in ra. Phải công nhận lứa tác giả hồi đấy cho ra đời những truyện ngắn rất đỗi xinh xẻo không dữ dội như một loạt truyện ngắn đổi mới sau này (Tướng về hưu- Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền- Tạ Duy Anh…) nhưng lại đầy ma lực vừa quyến rũ say đắm vừa nao nức tình người, tình đời. Khó quên được cảm giác khi đọc “Mặt trời bé con của tôi”, một câu chuyện hoàn hảo nhưng dung dị đến độ không thể dung dị hơn và tình người thì thấm đẫm từng câu từng chữ. Có một điều kỳ lạ ở tôi khi đọc truyện ngắn này, ngoài xúc cảm thông thường như những độc giả khác trong tôi xuất hiện thứ tư duy hình ảnh vô cùng sắc nét, điều mà rất lâu sau này khi đã làm công việc của một biên kịch thực thụ tôi vẫn phải khổ luyện mới duy trì được nó. Lúc ấy hiện ra trong khoé mắt nhoè lệ của tôi là hình hài cậu bé Nguyên và cô gái tác giả cô đơn nhân hậu. Hình thành trong tôi sự phân thân dữ dội, một nửa tôi là cậu bé Nguyên nghèo khó nhưng không cam chịu số phận, không chấp nhận sự hèn mọn gắng gượng vươn lên làm người tử tế, nửa khác tôi là cô gái giầu lòng trắc ẩn nhưng đơn độc cố bám víu vào cuộc đời đầy bất trắc để tồn tại. Cũng phải nói thêm bấy giờ sau gần chục năm rời áo lính tôi vẫn là thằng trai độc thân chất chưởng luôn dìm mình vào bể rượu chưa tìm ra được một phương kế mưu sinh khả dĩ đúng với những gì mình có. Những cảm giác của tôi cũng như thứ tư duy hình ảnh lạ lùng kia không ngờ lại là khởi đầu cho mối lương duyên giữa tôi và Linh suốt cả một thời gian dài sau đó. Không chỉ mình tôi, đạo diễn NSND Khải Hưng cũng tìm thấy mình trong truyện ngắn này. Ông đã làm bộ phim đầu tiên của mình (có lẽ đó cũng là bộ phim đầu tiên của công nghệ phim truyền hình Việt Nam) từ “Mặt trời bé con của tôi”. Cái duyên chứ không phải số phận đã run rủi chúng tôi đến với nhau chung lưng đấu cật nếm trải mọi vui buồn sướng khổ trong hành trình cam go của một chặng đường dài của cả đời lẫn nghề. Nhưng đó là chuyện sau này còn lúc đó…

 

Nhà thơ Anh Chi một bà đỡ mát tay cho những tác giả ban đầu. Đã nói bấy giờ tôi mới tập tọc viết nên thường tìm đến ông để học hỏi kinh nghiệm. Những buổi học hỏi kinh nghiệm này thực chất là những cuộc ruợu có đàm đạo văn chương. Vinh dự cho tôi được gặp ở đấy nhiều nhà văn thâm tâm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Hồ Anh Thái là một người trong số đó. Bấy giờ Thái đang trong quân ngũ. Trong mắt tôi lúc đó nhà văn phải là những người đặc biệt, thế nên bắt gặp tác giả của những “Chàng trai ở bến đợi xe”, “Những cuộc kiếm tìm”… nổi tiếng, trong quân phục thời bình giản dị với một cách nói rủ rỉ rù rì không “nhà văn” tẹo nào tôi đã không giấu nổi ngạc nhiên thậm chí là thất vọng. Và nữa khi hỏi về tác giả Thuỳ Linh lạ lẫm với truyện ngắn đáng khâm phục kia thì Anh Chi thũng thẵng buông ra một câu đến rất lâu sau đó tôi vẫn chưa hết bàng hoàng: “Thuỳ Linh hả, học trò tôi đấy. Trẻ, mới hai mấy tuổi đầu, truyện ngắn đầu tay. Nó xinh lắm nhưng lẳng lơ, yêu đương nhăng nhít, rõ là tội…”. Những năm tám mươi “yêu đương nhăng nhít” là một cụm từ kinh khủng, nó có thể giết chết một con người, làm tàn lụi một sự nghiệp. Sự thán phục trong tôi với tác giả nữ chưa hề biết mặt kia không vơi đi nhưng cũng đã chen những vệt tối vào tâm hồn văn chương hoang sơ nguyên khởi đầy trong trẻo của tôi. Anh Chi lúc đó đang là một sĩ quan công an công tác ở nhà xuất bản ngành và Thuỳ Linh là phóng viên của báo Công an nhân dân. Câu nói đó dẫu thoảng qua trong lúc trà dư tửu hậu nhưng nó găm vào tôi một ấn tượng không mấy tốt lành và khốn khổ nhất là sự hoang mang đến tội nghiệp. Tôi luôn coi văn là người, vẻ đẹp thánh thiện nhường kia trong “Mặt trời bé con của tôi” sao có thể lại song hành cùng với một con người dẫu chưa tường mặt nhưng tôi tin vào lời khẳng định của nhà thơ Anh Chi đầy kính trọng. Rút cục Thuỳ Linh là thế nào, lời giải ấy phải rất nhiều năm tôi mới tìm ra được đáp số.

 

Mười năm sau, năm 1995 tôi mới có dịp gặp Linh ở toà soạn báo Văn Nghệ. Đang ngồi uống rượu với Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong những người tiên phong của tờ “Văn Nghệ Trẻ” thì Linh xuất hiện. Lúc này Linh vừa tốt nghiệp trường Đại học viết văn M.Gorki ở Nga về. Lập tức tôi nhớ đến lời Anh Chi dạo nào. Xinh! Đúng là xinh, da trắng mịn như ngà, mắt nâu to tròn, váy ngắn thời trang bó chít… mọi thứ tròn trịa hài hoà, một vẻ đẹp quý phái đầy kiêu sa. Dường như quá thân quen, Thiều cười rổn rảng, tay choàng choàng: “Cho hôn một cái nào người đẹp, lâu quá…”. Linh hơi nghiêng đầu chìa xã giao chiếc má để Thiều lướt bộ ria mép rậm rì xồm xoàm vô lối lên đó. Ai đó giới thiệu tôi. Vẫn cười cười nhưng ánh mắt Linh lạnh băng lướt qua khuôn mặt đang phừng phừng đỏ vì tẩm rượu của tôi, miệng nhả hậm hờ: “Có biết, có đọc.”. Tôi không khó khăn gì nhận ra sự lạnh lùng của Linh. Không sao cả, tôi hiểu văn chương có những thứ trật tự khắc nghiệt đó, dù thiếu đi sự vồn vã ban đầu nhưng thực tâm trong lòng tôi vẫn tràn đầy thiện cảm với tác giả tôi hằng ngưỡng mộ dẫu chính lúc đó lại vang trong tai tôi rành rọt cụm từ kinh khủng dạo nào. Cũng phải đến gần hai năm sau nữa, cuối năm 1996 tôi mới gặp lại Linh nhưng lần này thì Linh đã cởi mở hơn nhiều dù vẫn là sự lạnh lùng như tạc trên khuôn mặt trắng hồng. Khi đó Linh đã có hơn năm làm việc ở Hãng phim truyền hình Việt Nam, nơi chỉ ít tháng sau đó tôi chính thức chuyển về. Trong chuyện này không thể không nhắc đến Nguyễn Quang Lập, chính anh tổ chức cuộc rượu ở Hồ Tây lần đó để chiêu đãi nhân lĩnh tiền “Tây” nhuận bút từ phim “Gió qua miền tối sáng”. Cuộc rượu này là tiền đề để Lập giới thiệu tôi về làm việc cùng Linh coi như một sự trả nợ sòng phẳng khi trước đó tôi từng góp phần “môi giới” đưa Lập về biên chế ở nhà xuất bản Kim Đồng.

 

Khi đã ở gần nhau, cùng làm việc, sinh hoạt thân thiết coi nhau như anh em ruột thịt từng ấy năm thì cũng chưa lần nào tôi thấy Linh giải thích dù không ít bận tôi nhắc lại lời của nhà thơ Anh Chi dạo nào. Tận đến khi tôi lâm bệnh, nảy ý định rồ dại viết cuốn “Chân dung của ruợu” này để từ giã và tưởng nhớ một thời oanh liệt nâng chén cụng li và cũng phải trong một lần hết sức tâm trạng và cởi mở vì… say rượu thì Linh mới phun ra cái sự thật chết người kia.

 

Cuộc đời kể cũng lắm đỗi bất ngờ đắng đót. Tôi cứ cố hình dung, mãi hình dung mà không sao sắp xếp mạch lạc nổi một đoạn đời đã là quá vãng xa lắc của Linh. Tôi biết Linh không bao giờ muốn nhắc lại nó nữa và tôi cũng chẳng nói ra làm gì nếu chuyện không liên quan đến “Mặt trời bé con của tôi”. Thì ra thế, đằng sau mỗi một truyện ngắn chường trên mặt báo là những câu chuyện đời ở mọi cung bậc trạng thái đời sống. Với Linh cũng vậy. Sau khi tốt nghiệp khoá 8 trường Đại học an ninh, Linh về nhận công tác ở báo Công an nhân dân. Lúc này Linh hoàn toàn chưa phát lộ khả năng văn chương thậm chí cả đến nghiệp vụ báo chí cũng còn là ẩn số cho dù mẹ Linh là nhà báo Nguyệt Tú với bút danh Lệ Thu từng công tác ở báo Lao động và cha Linh, đại tá Trần Minh phụ trách Cục chính trị của Bộ nhưng là người ham mê sáng tác ở đủ mọi thể loại kịch, thơ, truyện. Về báo Linh được phân công ở phòng Nghiệp vụ chuyên viết mục Trinh sát kể chuyện và tường thuật vụ án. Sống gần gụi cùng Linh, biết tính cách con người Linh thẳng băng, phóng khoáng, dám sống là mình… tôi gắng mường tượng giai đoạn ban đầu ấy của một cô gái xinh đẹp giữa một cơ quan đặc thù riêng biệt như báo Công an nhân dân sẽ khó khăn đến chừng nào. Khi đó báo đã tề tựu những nhân vật cự phách tên tuổi sau này như Hữu Ước, Nguyễn Như Phong… những người bạn, người anh thật sự của Linh thì đó cũng chẳng thể là chỗ dựa cho Linh. Vừa chân ướt chân ráo về báo, một cán bộ phụ trách đã độp thẳng thừng: “Báo không nhận văn thư.”. Một chút tủi hờn con trẻ không làm mất đi vẻ hồn nhiên khao khát sống của một phóng viên đang muốn khẳng định mình, Linh lao vào công việc đầy hăm hở và mê say. Có lẽ lúc đó Linh chưa thể hiểu những nông nổi của tuổi trẻ và cuộc đời đầy cạm bẫy thế nào. Linh trúng đòn chỉ một năm sau khi nhận công tác. Dạo đó một kẻ là cộng tác viên của báo có quan hệ rất rộng hay dùng ô tô chở các phóng viên đi chỗ này chỗ khác. Kiểu người này thời đó không nhiều như những đại gia bây giờ nhưng cũng không phải là hiếm. Trong số phóng viên hay đi cùng anh ta có Linh. Chuyện cũng chẳng là gì nếu như kẻ kia không bị bắt với tội danh lừa đảo. Nhiều người trong báo quan hệ với gã này nhưng Linh lại bị buộc là nhân vật chính. Tất nhiên Linh không thể tránh khỏi một vụ tai tiếng. Hơn thế Linh còn bị kiểm điểm và buộc phải nhận một án kỷ luật vì tội quan hệ bất chính với kẻ lừa đảo. Rời cuộc họp, Linh lảo đảo không còn sinh khí. Lúc đó, trời đông ảm đạm, cơn mưa mùa đủ ướt át lạnh lẽo, Linh cứ thế đạp chiếc xe mi ni dấn đi. Cứ đi, đi đâu, về đâu, mặc kệ, cái chết từ từ hiện đến, sống làm gì, sống để làm gì, chết quách đi cho rồi, nhục quá Linh ơi. Quay cuồng, trăn trở, Linh đi dần ra hướng bờ sông nhưng cuộc đời đâu phải giản đơn thế, nếu mọi sự tách bạch rõ ràng như vậy thì đâu còn nhiều những tai ương bất hạnh. Linh không thể ngờ có một người vẫn lẽo đẽo đạp xe theo Linh. Nhà văn Nguyễn Như Phong. Có lẽ bằng linh cảm của một người anh, hay là bằng một sự đồng cảm đầy kinh nghiệm và chia sẻ, người đồng nghiệp lớn tuổi này đã kịp giữ Linh lại. Một quán cà phê, những ân tình khuyên nhủ đủ để Linh kịp dừng lại. Đến tận bây giờ Linh vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp với Nguyễn Như Phong vì động thái rất “người” đó của anh.

 

Cũng chỉ ít ngày trước đây Linh mới nói với tôi: “Anh Tiến có tin không, em đã năm mươi tuổi, cuộc đời trải nhiều sóng gió, qua nhiều cuộc tình, nhẹ dạ nông nổi thì vẫn, nhưng ngày đó em oan, anh ta có si mê em nhưng không có gì, không có chuyện gì hết. Em oan…”.

 

Nỗi hàm oan với quyết tâm gắng gượng sống để vượt lên minh chứng cho mình đã được Thuỳ Linh nhập vào nhân vật Nguyên. “Mặt trời bé con của tôi” được viết liền một mạch và hoàn thành trong tâm thế đó.

 

II

 

Thú thực, là người bôn ba tứ xứ, dấn thân vào cuộc đời rất sớm, đã nếm trải đầy đủ những đau khổ tận cùng và hạnh phúc tột đỉnh tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ vì những tiết lộ của Thuỳ Linh sau mấy chục năm.

 

Trong đời người những vấp váp là không thể tránh khỏi. Có người bế tắc không vượt qua được, có nhiều người vượt qua dù chẳng dễ dàng. Mỗi người mỗi cách, Linh có thể vượt qua được cú vấp lớn đầu đời ấy bằng nhiều thứ cộng lại, trong đó có sự chia sẻ của đồng nghiệp, người thân. Nhà văn Hữu Ước người sau này có một cú tai nạn hi hữu không giống ai, lúc đó là trưởng phòng phóng viên chia sẻ với cô bạn nhỏ bằng cách đặt tay lên vai Linh không nói. Ánh mắt của anh đầy xót xa như một dự cảm dành cho chính mình. Chính Hữu Ước sau khi tai qua nạn khỏi đã rất nhiệt tình chăm chút cho Linh khi cô buộc phải rời khỏi báo năm 1989 để dấn thân vào cuộc phiêu lưu xứ người nơi đất Nga băng giá. Tôi biết trong con người Linh những nghĩa cử dù là nhỏ nhất mãi được lưu giữ trân trọng tận đáy sâu tâm hồn. Cú vấp ngã kia không quật nổi Linh nhưng cái cách Linh vượt qua nó bằng những gửi gắm vào “Mặt trời bé con của tôi” vừa để thanh minh vừa là khẳng định mình thì quả thật chỉ có những người bị văn chương “ám nghiệp” mới làm nổi.

 

Trước đó, Linh hay qua lại khu Kim Liên chơi với một người bạn học nữ đồng khoá tên là Hà. Người này hiện đang công tác tại công an tỉnh Khánh Hoà, Linh vẫn gọi là Hà “bờ” biệt danh của một người béo. Tại đó Linh gặp một cậu bé có hoàn cảnh đúng như nhân vật Nguyên trong truyện  (bố mẹ bỏ nhau, anh trai đi tù, bản thân tự trọng gắng sống trong sạch). Linh cảm phục những hành xử của cậu bé này trong khu nhà tập thể. Cái chi tiết ai đó cho ít thịt kho nhưng cậu bé không ăn ngay là hoàn toàn có thật. Tâm hồn mong manh của một con người văn chương đã cảm nhận và hoà quyện được với khao khát vươn lên khẳng định mình của cậu bé xa lạ kia. Câu chuyện về cậu bé ở khu tập thể Kim Liên tưởng như sẽ dần được quên đi nằm lặng trong miền ẩn nơi con người Linh thì nó chợt bùng lên sống động và dữ dội hết mực sau cái lần vấp định mệnh kia. Cô thiếu uý trẻ với cái án kỷ luật cảnh cáo thông báo toàn ngành phút chốc cảm hoà nhập vào nơi tâm hồn non nớt của cậu bé. Linh viết liền một mạch xong truyện ngắn. Cái chi tiết bức ảnh Nguyên lúc tập lẫy có lời đề sau ảnh: “Mặt trời của mẹ.” là vì Linh nghĩ đến mẹ, thương mẹ đã vì mình phải lo lắng, đau khổ. Linh ân hận! Mẹ Linh lúc cuối đời mắc chứng bệnh tim. Bà rất lo lắng cho tương lai cô con gái út bướng bỉnh. Chính vì thế bà nhất quyết bắt Linh phải thi vào trường An ninh với lời biện giải, chỉ có trường ấy mới có chế độ lo được cho học viên. Đấy là bà lo xa sợ mình bệnh tim chết đột ngột rồi thì không ai lo cho con gái mình ăn thế nào, ở ra sao.

 

Viết xong, Linh cất biến truyện ngắn đó đi không đưa cho bất cứ một ai xem. Đến một hôm, nhân có công việc gì đó các phóng viên trẻ của báo được gặp gỡ các cây viết đàn anh trong nghề. Trong khi những người khác đưa tác phẩm của mình ra nhờ đọc thì Linh im lặng. Phải đến khi nhà thơ Anh Chi hỏi đến và lúc đó mọi người đã ra về hết thì Linh mới dám đưa ra bản thảo “Mặt trời bé con của tôi”. Anh Chi xứng đáng là một bà đỡ mát tay. Chính ông đã từng đọc những truyện ngắn đầu tiên của tôi. Cả Nguyễn Quang Thiều và Hồ Anh Thái. Sau này có người nói với tôi, Anh Chi phàn nàn vì mấy học trò của mình khi thành danh đều không ai quay lại với ông. Tôi nghe và im lặng, nếu quả thật có vậy thì ông trách đúng, những người khác tôi không biết nhưng tôi thì đích thị có lỗi, không hẳn là tệ bạc nhưng đường đời nhọc nhằn, gian khó mưu sinh nhiều năm qua tôi có ít gặp ông thật, giờ hiểu ra thì đã muộn, đã già. Nói chuyện này càng thêm ân hận, hôm rồi lục lọi lại đống giấy tờ cũ tôi tìm được tờ báo “Người Hà Nội” ngày 15 tháng 2 năm 1987 có in một chùm thơ của Anh Chi với lời đề tặng trân trọng vợ chồng tôi đúng ngày làm lễ cưới, kẹp trong đó là tờ bạc 20 đồng tiền mừng. Tôi thật không biết nói thế nào nữa về tấm lòng ông dành cho tôi trong chi tiết của hơn hai mươi năm trước.

 

Anh Chi cầm bản thảo, ông có chỉnh sửa chút ít rồi hồ hởi bảo với Linh: “Truyện hay lắm, xúc động lắm, để gửi dự thi báo Văn Nghệ, thể nào em cũng được giải cao.”. Nói là làm, Anh Chi mang gửi truyện và cảm nhận của ông đã chính xác tuyệt đối. Nhân chuyện bản thảo, nhà văn Hoài An lúc đó làm biên tập báo Văn Nghệ mang bản đánh máy bản thảo truyện về đưa cho con trai là nhà văn Nguyễn Như Phong bảo đọc đi này, viết truyện phải thế. Con bé đó viết hay quá. Truyện này sẽ giải cao cho mà xem. Thành công của “Mặt trời bé con của tôi” nằm cả ở những chi tiết bên lề ấy. Có ít nhất một thế hệ bạn đọc đã xúc động sâu sắc khi đọc truyện ngắn này. Họ đã nhận được một tấm lòng trong đó và giá trị hơn là đồng cảm thấy được mình trong những dòng văn gần gũi. Năm 1992 khi Linh đang theo học ở Nga có nhận được tấm thiệp chúc mừng của giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, người từng dạy dỗ coi Linh là học trò cưng khi Linh học khoá 3 trường viết văn Nguyễn Du. Ông viết đùa hóm hỉnh đúng với tính cách của mình, đại ý: “chúc mừng Linh, “Mặt trời bé con của tôi” đã được đưa vào phần trích giảng văn học lớp 9. Em thành tác giả classic (cổ điển) rồi còn học hành làm gì nữa.”. Đó chỉ là một câu đùa nhưng cũng có thể coi là một thành công đáng ghi nhận.

 

Sau này thì tôi phát hiện ra sau “Mặt trời bé con của tôi” đã thành quy tắc bất di bất dịch, Linh chỉ viết bằng vào những trải nghiệm của mình, truyện của Linh dẫu dữ dội, hay êm ả bình lặng trữ tình thì đều chung một âm hưởng buồn. Điều này lý giải vì sao Linh khác với mọi nhà văn, chỉ viết rất ít. Đến tận bây giờ Linh mới chỉ in được ba tập truyện ngắn. Nhưng đó thực sự là những truyện ngắn chất lượng và Linh xứng đáng có một vị trí trên văn đàn.

 

Tôi chuyển về Hãng phim truyền hình Việt Nam vào đầu năm 1997. Trước đó, tôi có ngót nghét hai chục năm công tác ở ngành điện. Tiếng là nghề điện nhưng tôi lúc làm thợ, lúc lại nửa thầy nửa thợ. Hơn nửa thời gian tôi làm báo và làm cán bộ thi đua, một nghề mà khá nhiều nhà văn từng làm lúc còn hàn vi. Bấy giờ vốn liếng văn chương của tôi cũng chỉ mới vỏn vẹn vài bốn cuốn sách, vài ba giải thưởng nhì nhằng và một vài kịch bản. Nghiệp văn là vậy nhưng nghiệp ruợu thì khác, tôi khá nổi tiếng trong giới, từng nghiêng ngả cùng đám các nhà văn đàn anh như Trung Trung Đỉnh, Bảo Ninh… la đà đánh đu khắp nơi, uống vô hồi kỳ trận và không ngán bất cứ hội rượu nào. Theo đề nghị của Linh, tôi và Phạm Xuân Nguyên được nhận về để tăng cường thêm quân số phù hợp với sự phát triển của hãng phim thời điểm bấy giờ. Phạm Xuân Nguyên làm phê bình nhưng được Nguyễn Quang Lập đánh giá rất cao về khả năng biên tập và biên kịch. Có lẽ Nguyên vẫn còn luyến tiếc nghề phê bình cao quý nên không chịu chuyển khỏi hẳn Viện Văn học mà chỉ ký hợp đồng 6 tháng làm thử, còn tôi thì chuyển hẳn. Công việc mới khiến tôi bỡ ngỡ mất một dạo mới hoà nhập nổi cơ quan mới. Dân điện ảnh ở ta nói chung vốn là những người kiêu ngạo bậc nhất trong các loại làm nghệ thuật. Trong mắt họ lũ nhà văn chúng tôi chỉ là đám hời hợt nông nổi không biết nghề. Cũng phải, họ coi trọng sự đào tạo nghề nghiệp ở trường điện ảnh là đúng. Phàm thứ nghề gì phải đào tạo mới thành thì sự coi trọng đầy ngạo mạn kia là đương nhiên. Nhiều đạo diễn từ chối không cho tôi làm biên tập bằng sự khinh thường vô lối. Đó quả thực là những ngày tháng vô cùng khó khăn. Thật may cho tôi, Linh luôn ở bên kề cận sát cánh. Nói thêm, Thuỳ Linh ngoài tấm bằng an ninh ban đầu, đã tốt nghiệp cả trường viết văn Nguyễn Du và M. Gorki nhưng cũng chả mấy khá khẩm hơn tôi là bao cũng vẫn chỉ được coi là dân ngoại đạo. Linh động viên tôi và Nguyên. Vì đã là quân số chính thức nên tôi nghiến răng chịu đựng, cố nhẫn nhục tìm mọi cách để học hỏi nghề. Cái tang biên kịch là anh làm phim trên giấy hiểu kịch bản đại loại nó cũng như một cái truyện vừa, có cốt có nhân vật, có tâm lý, đối thoại và quan trọng là xung đột rồi mở nút, thắt nút. Đến bây giờ khi đã viết hàng trăm tập kịch bản tôi vẫn thấy trình độ của mình chả khá hơn dạo đầu là bao nhiêu. Tóm lại ngoại đạo vẫn hoàn ngoại đạo.

 

Bằng công việc tôi và Linh nhanh chóng hiểu nhau kiểu như cầu thủ trên sân cỏ biết miếng biết mảng, khi nào cần rê rắt, khi nào cần phối hợp chuyền ban, ghi bàn, hay nói cụ thể hơn kiểu như trên bàn nhậu biết tính, biết nết, ăn được cái gì, uống được cỡ nào, mê thích loại ruợu gì để còn liệu cơm gắp mắm. Rất nhanh tôi và Linh trở thành một cặp làm việc tương đối ăn ý.  Linh thông minh và nhanh nhạy trong việc nắm bắt vấn đề nên thường là người khởi xướng căng cốt truyện. Tôi có sức khoẻ, tốt rượu, tốt sức nên hay nhận việc viết thoại. Cũng có lúc nhóm bổ sung thêm người viết nhưng chủ yếu là hai chúng tôi như ong thợ cần mẫn ngày này tháng khác. Nhiều bộ kịch bản đã được hoàn thành từ kiểu làm việc này.

 

Ngày đầu, tôi được bố trí làm việc cùng một phòng với Linh. Tất nhiên Linh là phụ trách. Phạm Xuân Nguyên cũng có một chỗ nghĩa là đủ đầy bàn ghế làm việc nhưng chỉ thi thoảng anh mới đến. Hợp đồng thì thế cũng chấp nhận được. Nguyên thường cầm kịch bản về nhà, đọc xong chua sang bên lề, lần nào cũng chỉ mấy chữ: “Kịch bản dùng được, sửa chữa đôi chút.”. Dùng được thế nào, sửa chữa ra sao tài thánh cũng không lần ra nếu không phải là khổ chủ. Được 6 tháng, Linh bàn với tôi đại loại anh Nguyên là người có tài nhưng công việc này không hợp với anh ấy, thêm nữa anh ấy cũng không chí thú, phải cắt hợp đồng. Tôi ngại, là bạn bè biết nói điều tế nhị ấy thế nào cho thuận. Nhưng Linh có cách của mình. Linh nói thẳng những điều đã bàn với Nguyên, không một chút quanh co rào đón. Tính cách Linh là vậy, thẳng băng. Một tiệc rượu được bày ra ở ngay phòng làm việc để chia tay Nguyên. Vui vẻ, không chút gợn gạo, đến tận bây giờ Phạm Xuân Nguyên vẫn là người bạn đúng nghĩa của tôi và Linh.

 

Sau này Linh còn lần lượt lấy thêm một số người khác trong đó có nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Anh Cầm làm một dạo rồi chuyển xuống làm biên tập chương trình “Gặp nhau cuối tuần” và lại chuyển về Hãng phim truyện Việt Nam gần đây. Với ai cũng vậy, Linh đều chân thành tận tình. Có điều Linh không chịu được sự lười biếng và nhất là dối trá. Tôi làm việc lâu được với Linh cũng là nhờ tôi không có những tính trên nhưng với rượu thì khác. Thuở còn sung sức tôi chỉ không uống buổi sáng còn thì trưa và chiều nhất định không thể thiếu. Cứ quãng 10 giờ sáng là tôi ngong ngóng điện thoại. Linh biết tật này của tôi nên điện thoại tầm ấy bao giờ cũng bảo: “Của anh đấy.”. Thường thì Linh không từ chối những cuộc rượu bạn bè nhưng cũng chỉ thi thoảng Linh mới tham gia. Tôi ngày nào cũng đi nên dần hình thành tâm lý đối phó thường trực, buộc phải nói dối quyết không khai mình đi đâu uống với những ai. Uống ruợu đương nhiên công việc phải gác bớt lại, tôi thường mang việc về nhà làm đêm để bù. Một dạo có thể do Linh thấy tôi quá ham mê nhậu nhẹt bê trễ công việc nên Linh tiệt hẳn không tham gia uống cùng chúng tôi nữa. Nhưng khi có lý do chính đáng thì Linh lại trở về nguyên vẹn là mình dám uống và uống hết lòng. Trên phương diện rượu, Linh cũng là một người khiến tôi nể phục. Chuyện sẽ nói sau.

 

Sau thành công “Mặt trời bé con của tôi” năm 1985 có hai sự kiện quan trọng đến với Linh. Đó là việc Linh quyết định lấy chồng và quyết định theo đuổi nghiệp văn chương bằng cách tiếp tục sáng tác và thi vào trường viết văn Nguyễn Du. Sinh năm 1959, khi lấy chồng Linh đã ở tuổi 26 không còn sớm vào thời điểm đó. Chồng Linh cũng công tác trong ngành. Với tính cách sống tự lập không phụ thuộc và nhất là luôn theo ý mình không dễ bị áp đặt, Linh thuộc típ đàn bà rất khó xoay xoả trong cuộc sống gia đình. Quả vậy, cuộc hôn nhân của Linh không kéo dài được lâu, hai năm sau họ chia tay nhau. Tôi có chơi với cả chồng Linh, một đạo diễn có năng lực, anh là mẫu đàn ông tốt một cách chỉn chu, đến tận bây giờ họ vẫn coi nhau là những người bạn thân. Cả anh và Linh đều chưa bao giờ nói ra lý do cuộc chia tay ấy. Một điều tiếc cho Linh giá như ngay từ cuộc hôn nhân đầu, Linh đã kịp có một đứa con thì có lẽ cuộc đời Linh đã xoay sang ngả khác. Nhưng đó là sau này, còn với cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ kia, tôi có lần trong một cuộc rượu đông người đã nói đùa với cả hai người. Thành công lớn nhất trong cuộc đời người chồng cũ của Linh là anh đã có một quyết định sáng suốt. Tất nhiên đó chỉ là lời đùa cợt của một kẻ đang lâng lâng trong cơn say khiến nnhiều người có mặt e ngại thì Linh lại chấp nhận cười rất thoải mái.

 

Nụ cười của một người từng trải biết thế nào là mình.

 

III

 


Khoá 3 Trường viết văn Nguyễn Du (1986-1989) quy tụ khá nhiều anh tài văn chương, đây là lứa nhà văn hậu chiến đóng góp nhiều tên tuổi lớn cho văn đàn Việt Nam. Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh” cuốn sách thật sự đưa văn học Việt ra khỏi biên giới đất nước tại chính ngôi trường này.

 

Không biết chính xác bao nhiêu phần trăm, tôi nghe kể Thuỳ Linh đã đóng góp một phần nhất định vào thành công của cuốn sách. Chỉ duy nhất Linh là người được đọc những trang bản thảo đầu tiên với những góp ý bạn bè chân thành. Cũng chính Linh là người đặt niềm tin vào cuốn sách. Và nữa, Linh là nguồn cảm hứng thậm chí là nguyên mẫu nhân vật trong đó. Tất cả chỉ là lời đồn. Có khá nhiều lời đồn đại về quan hệ của hai người. Tôi vinh dự tự hào được chơi thân với cả hai, không hề để tâm đến những đồn đại ấy chỉ có thể khẳng định một điều, đến tận bây giờ họ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng bạn bè tuyệt đối.

 

Dạo học ở trường, Linh là một khuôn mặt nổi bật. Cũng phải thôi, cái giải nhất văn chương kia ở vào thời điểm ấy là mơ ước khao khát của bất cứ người cầm bút nào. Dạo đó giải thưởng là những giá trị tuyệt đối, là thước đo chuẩn xác tài năng chứ không nhiễu nhương loạn lạc giải thưởng như bây giờ. Khi nhập trường được khoảng một năm thì cuộc hôn nhân của Linh tan vỡ. Cũng vẫn là lời đồn, thời gian này Linh uống rượu rất ghê. Lâm vào hoàn cảnh ấy, người biết uống mà chay tịnh quay mặt với rượu mới là sự lạ. Tính Linh tôi quá rành, định làm điều gì thì quyết làm bằng được, miễn ai gàn. Nết uống rượu cũng vậy luôn có chủ kiến, đã không uống thì đừng ai ép nhưng cơn lên thì thôi rồi, Linh đã thích thì bất chấp, khối đấng nam nhi phải khóc thét. Tôi quý cái nết ấy nhưng đôi khi cũng phát phiền. Trong hồi ức rượu của tôi với Linh, không dưới ba lần cái thằng dám vỗ ngực cây đa cây đề làng “tửu” là tôi cũng phải chắp tay vái chào thề cạch đến già không dây với “tặc tửu” ấy nữa, đó là những lần Linh say quên trời quên đất. Nhưng đó cũng là những lần gắn với những kỷ niệm buồn thảm của Linh. Chuyện cũng nói sau. Khi biết tôi viết về Linh, nhà văn Nguyễn Như Phong thè lưỡi, rùng mình bảo: “Dạo còn ở báo, ông biết không, cái Tuệ (tên thật của Linh là Trần Nguyệt Tuệ) nó uống ruợu bằng bát sắt.”. Tôi cười cười xác nhận. Cách đây vài năm, tôi bám càng Linh đi thăm thuỷ điện Sơn La cùng với đoàn của cựu phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc. Anh Lộc là người yêu quý dân văn hay đãi đằng văn nhân kể cả thời còn đương chức. Anh đặc biệt quý Linh. Cùng đoàn có anh hùng lao động Trần Thọ Chữ. Lúc đó tôi chưa bị bệnh vẫn uống hung hăng như một gã trai tập uống. Cả anh Chữ và anh Lộc đều là những người gắn bó từ thuở ban đầu với thuỷ điện Hoà Bình. Hôm đó anh Chữ bắt Linh phải uống thật nhiều. Anh Chữ bảo tôi: “Con bé này cao thủ lắm, dạo học Nguyễn Du lên Hoà Bình dùng mỹ nhân kế, chỉ có uống rượu mà xây được nhà.”. Mãi rồi tôi cũng vỡ chuyện. Chả là ngày đó Thuỳ Linh cùng Đỗ Quang Hạnh đi thực tế thuỷ điện, tíu ta tíu tít nâng lên đặt xuống được các ông anh quý mến hết mực. Sau đó Tổng công ty Sông Đà hảo tâm hỗ trợ nhà trường xây cho học viên một dãy nhà ở. Tất nhiên anh Chữ nói đùa nhưng cũng không thể không tính công “uống ruợu” của Linh góp phần vào đấy. Mà ngày đó cái sự uống ruợu đâu được đàng hoàng như bây giờ, phải vụng phải trộm vì đang có lệnh cấm ruợu. Sự thật của việc xây nhà này là do tình yêu văn chương của một đơn vị kinh tế lớn nhất nhì đất nước dạo đó. Không chỉ vật chất, đơn vị này còn đóng góp cho văn học nước nhà nhiều nhà văn sáng giá như Nguyễn Lương Ngọc, Tạ Duy Anh, Giáng Vân…

 

Sau này đôi khi rỗi rãi, Linh có kể cho tôi nghe về cuộc hôn nhân đầu. Tiệt không một lần thấy Linh ca thán nói xấu người chồng cũ như nhiều người ở vào hoàn cảnh ấy, không chỉ nói xấu, thậm chí họ còn tranh giành nhau đủ thứ từ tài sản đến con cái để rồi gieo vào nhau thù hận đến hết đời mãn kiếp. Không nói nhiều nhưng tôi cũng mang máng hiểu về cuộc chia tay của họ, cứ nhìn chàng cựu con rể luôn đi lại như người ruột thịt, tham dự vào mọi sự trong gia đình từ lễ tết đến việc hiếu việc hỉ và quan hệ thân thiết của Linh với những người nhà chồng là đủ biết. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ đó, tôi nghe nói Linh có trải qua một vài cuộc tình đâu như cũng thề non hẹn bể nhưng chẳng đi đến đâu. Trong chuyến đi học ở nước Nga, Linh gá nghĩa chồng vợ với một họa sĩ trẻ. Họ sống với nhau đến bây giờ.

 

Việc học hành của Linh ở trường khá suôn sẻ nhưng quan hệ với cơ quan báo chủ quản lại không đơn giản như vậy. Khi Linh vừa tốt nghiệp thì nhận được một thông báo bất khả kháng, hoặc thôi việc ra khỏi lực lượng hoặc liên hệ chuyển công tác ngay. Dạo đó không riêng gì báo Công an nhân dân, cả nước đang có một đợt giảm biên chế toàn diện. Tất nhiên với những việc loại này hẳn phải có những lý do nào đó. Có thể do Linh đi học nên không đảm bảo được công việc như những phóng viên khác. Hoặc giả năng lực viết báo của Linh kém dù khả năng văn chương là điều không thể nghi ngờ. Còn có bao nhiêu lý do khác nữa mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Việc Linh bị loại thải khỏi báo cũng là chuyện bình thường như bất cứ một viên chức nào khác ở bất kỳ cơ quan nào nhưng thực sự là một cú sốc với cô gái trẻ. Nếu như cuộc đổ vỡ hôn nhân có thể chỉ coi là một tai nạn hoàn toàn có cơ sửa chữa thì cú thôi việc này lại là một đòn giáng chí tử vào cái sự nghiệp đang mở ra mênh mang với Linh, nó đã thật sự khép lại mọi mơ ước, mọi dự định, nó kết thúc một đoạn đời không thể nói là không hạnh phúc.

 

Linh choáng váng mất một dạo. Choáng váng nhưng không có nghĩa buông xuôi, về một tờ báo nào đó làm phóng viên văn nghệ là điều không mấy khó khăn nhưng Linh không muốn, Linh quyết định thi tuyển vào trường Đại học viết văn M. Gorki dù trước đó cô đã từ chối dự tuyển khi chỉ tiêu được phân về trường. Thực sự thì Linh không muốn du học chút nào, nhưng cũng không còn cách chọn lựa nào khác. Linh trúng tuyển. Chuyến đi ngoài dự kiến này đã đưa Linh đến với nước Nga và làm thay đổi toàn bộ cuộc đời cô.

 

Sau này người đọc bắt gặp trong nhiều truyện ngắn của Thùy Linh cái cảm giác đau xót của một người tha hương bất đắc dĩ. Nước Nga gần như là cái đích vào thời điểm ấy để Linh chạy trốn. Chạy trốn điều gì có lẽ chỉ mình Linh biết nhưng may mắn thay cái sự bất đắc dĩ ấy đã đưa Linh đến một chân trời mới đầy tươi đẹp. Ở đó dẫu Linh phải chịu vô vàn thiếu thốn gian khổ vì cô ở vào phải một thời kỳ đen tối nhất của nước Nga khi chính quyền vô sản sụp đổ nhưng bù lại Linh đã thu nhận được những điều quý giá không phải ai cũng có được. Đây là những dòng viết của Linh trong một bài báo vĩnh biệt người thầy yêu quý: nhà văn Marial Tktrôp, người đã dịch nhiều sách văn học Việt nam sang tiếng Nga khi ông từ giã cõi đời hơn chục năm sau khi Linh rời nước Nga: “Một người bạn lớn của nhiều nhà văn Việt nam đã lặng lẽ ra đi… Còn tôi, tôi đã xa Thầy kể từ năm 1995, ngay sau khi tốt nghiệp trường Gorki về nước vì chưa có dịp nào quay lại nước Nga để diện kiến Thầy. Ngày ấy, khi đi qua cửa khẩu tại sân bay Sêrementrevơ, nhận lại quyển hộ chiếu từ tay cô gái Nga xinh đẹp mặc quân phục biên phòng, tôi nhìn cô ta mỉm cười và nói khẽ “xin từ biệt”. Cô gái cũng nhìn tôi mỉm cười, nụ cười hiếm hoi dành cho người Việt mỗi lần đi qua nơi đó. Thực lòng lúc ấy tôi không vui vì sắp được trở về, nhưng cũng chẳng buồn khi phải chia tay với một nơi mà tôi đã gắn bó suốt 5 năm tuổi đời đẹp nhất của mình. Lòng tôi không kịp hiểu những gì sẽ đến… Thốt nhiên tôi buột miệng ra từ ấy trong giây phút ấy. Mười một năm sau tôi không được nhìn thấy người Thầy mà tôi vô cùng yêu quý cùng với nước Nga. Đến bây giờ vẫn chỉ hy vọng một ngày nào đó quay lại như là sự trở về. Và mảnh đất ấy vẫn đang đồng hành cùng cuộc đời tôi hiện tại. Vẫn luôn luôn là miền cảm hứng vô tận mỗi khi cầm bút viết, dù là viết bất cứ cái gì. Và giây phút này, tôi mới thực sự nói với Thầy: “Thầy ơi, xin từ biệt”…”

 

Một đoạn thư ngắn nhưng nói lên đầy đủ không chỉ riêng tình cảm của Linh với người thầy kính trọng, đó còn là toàn bộ tình cảm cũng như tất cả những gì Linh suy nghĩ về nước Nga. Có rất nhiều điều đáng nhớ về nước Nga nhưng có một kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là kỷ niệm về người mẹ. Năm 1994, Linh học thêm khoá đào tạo sau đại học một năm. Hôm ấy Linh trở nên bồn chồn khác thường và mơ thấy mẹ. Linh cảm một điều gì đó rất hệ trọng sẽ xảy ra, Linh quyết định bay trở về nước. Không có tiền đã đành, khoá học đã bắt đầu, nội quy rất nghiêm ngặt phải là cấp hiệu trưởng mới có quyền cho phép nghỉ. Linh cày cục vay đủ tiền vé, thuyết phục hiệu trưởng bằng cách nói là mẹ ốm nặng sắp mất mới được đồng ý. Phải mất mấy ngày sau Linh mới trở về được đến nhà ở làng Ngọc Hà. Đang đi trên đường làng, Linh thấy anh trai và chị gái của mình đeo khăn tang. Linh cảm của Linh đã đúng, mẹ cô vừa mất đột ngột vì căn bệnh tim trước đó hai ngày. Kể lại chuyện này Linh bảo đất Nga thật linh đã mách bảo cho cô biết đường về gặp mẹ. Nhiều lần Linh muốn quay trở lại nước Nga một chuyến nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nước Nga với Linh bây giờ chỉ còn là hoài niệm nhưng nó luôn tồn tại trong những sáng tác của Linh.

 

Sau truyện ngắn đầu tay thành công vang dội, công việc viết lách của Thùy Linh chững lại. Thi thoảng Linh có cho ra mắt một truyện ngắn nhưng cũng không mấy ấn tượng. Khoảng 10 năm sau, tức là khi Linh đã mãn khoá trường M. Gorki trở về nước năm 1995, Linh mới cho ra tập truyện ngắn đầu có tựa “Niệm khúc thiên nga”, vẫn là một Thuỳ Linh mượt mà ấm áp, mang mác nỗi buồn day dứt của kiếp người nhưng thực sự nó không mang lại tiếng vang đáng kể. Khi tôi về làm cùng Linh, chủ yếu công việc sáng tác của Linh tập trung vào kịch bản. Giai đoạn này Linh làm được một số kịch bản như “Cảnh sát hình sự”, “Đường đời”, “Mùa lá rụng”, “Những ngọn nến trong đêm”… Công việc làm phim có những bận rộn rất đặc thù nhưng lấy nó làm lý do để biện minh cho việc không viết được văn là khó thể chấp nhận. Những tưởng nghiệp văn chương của Linh sẽ lụi tắt như một số hiện tượng loé sáng như sao băng rồi vĩnh viễn biến khỏi văn đàn thì bất chợt Linh dồn dập cho ra đời những truyện ngắn một lần nữa mang lại những thành công vang dội, đặc biệt là truyện ngắn “Gió mưa gửi lại”. Liên tiếp Linh đoạt giải cao nhất của tạp chí Văn Nghệ Quân đội (2001-2002) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2004).

 

Hiếm có nhà văn nào trong đời viết văn lại đoạt được ba giải thưởng lớn nhất (có thể coi như giải thưởng quốc gia như giải báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Hội nhà văn Việt Nam) như Thuỳ Linh. Tôi vẫn nói đùa Linh đạt “Tam nguyên”, thật không còn kể được mức tham lam ăn hết cả phần của thiên hạ. Là người gần gũi Linh tôi cũng phải ngẫm nghĩ mãi mới lý giải được vì lẽ gì lần trở lại này Linh lại có thể bứt lên để viết được những truyện ngắn xuất sắc như vậy. Và sự thật là một nỗi đau khó vượt qua được của Linh. Tất nhiên đó chỉ là những suy luận chủ quan của tôi.

 

Linh chỉ viết được bằng những trải nghiệm của mình. Đó là sự thật. Khi tôi về nhận công tác tại Hãng phim, Linh đã ba tám tuổi. Thời điểm này người chồng hoạ sĩ của Linh đã từ nước Nga trở về Hà Nội công tác. Đây cũng là giai đoạn Linh khao khát nhất có được một đứa con. Giữa năm 1997 Linh mang thai. Khao khát làm mẹ bấy nay khiến Linh như biến đổi thành con người khác, hồn nhiên, tươi vui thậm chí còn có phần nhí nhảnh khác thường. Một đứa con gái! Kết quả siêu âm khiến Linh vui sướng vô bờ. Nhiều người thân của Linh, đồng nghiệp, bạn bè đều mừng cho Linh. Chuyện sinh con đẻ cái là chuyện bình thường của bất cứ người phụ nữ nào đối với Linh lại là chuyện hệ trọng vì tuổi tác muộn mằn một phần, phần nữa là những khó khăn về cơ địa. Nhưng không ai có thể ngờ số phận lại một lần nữa giáng lưỡi búa oan nghiệt xuống đầu Linh. Khi thai nhi được gần bẩy tháng, Linh bị một cơn chấn động buộc phải đẻ non và bất hạnh thay đứa con gái sẽ là niềm hạnh phúc tuyệt diệu của đời Linh, nó sẽ biến cải mọi nỗi buồn của Linh khiến Linh trở thành một người đàn bà quy luật theo đúng nghĩa sinh tồn, đã từ bỏ Linh ra đi.

 

Hôm ấy vợ chồng tôi đã vào bệnh viện và cố kiễng chân để nhìn qua cửa sổ cái sinh thể bé bỏng đang dần từ bỏ cuộc đời . Một sinh thể thiếu sinh khí vì non tháng trong suốt, hình như bàn tay bé nhỏ khẽ động đậy, mắt tôi nhoà đi và buột ra lời dòng chữ Linh đã chua đằng sau bức ảnh của nhân vật Nguyên: “Mặt trời của mẹ.”.

 

Đây là nỗi đau lớn nhất trong mọi nỗi đau của đời Linh. Và những truyện ngắn liên tiếp ra đời sau đó. Linh đã cầm bút bằng chính nỗi đau không thể hàn gắn của mình.

 

IV

 

Có lẽ tôi chẳng nên viết những dòng trên, nó sẽ khiến Linh thêm đau lòng nhưng nếu không viết thì đó sẽ là một khuyết thiếu không thể tha thứ khiến chân dung Linh chẳng còn trọn vẹn. Viết những dòng này tôi đã cầu mong linh hồn cháu bé thể tất cho tôi.

                                      

Nhà văn Thùy Linh và tác giả (bìa phải)
trong đám cưới con gái diễn viên Hồng Sơn.

 

Sau lần vượt cạn bất thành ấy, Thùy Linh còn gắng chống trả số phận bằng vài lần thụ thai khác nhưng đều thất bại. Cứ mỗi lần xảy đến thì đó là mỗi lần niềm tin sinh hạ nơi Linh dần cạn kiệt để đi đến tuyệt vọng hoàn toàn. Năm 1999 tôi sinh đứa con gái thứ hai. Thương Linh tôi bàn với vợ lấy tên Linh đặt cho con. Cũng một phần duy tâm nữa, tôi muốn con gái tôi mang lại khước cho Linh biết đâu sẽ may mắn. Tôi vẫn hy vọng Linh có một kết cục đẹp về con cái. Lúc nói với Linh chuyện đặt tên, Linh đồng ý nhưng mặt rất buồn. Từ đó con gái Phạm Ngọc Linh của tôi có thêm một bà mẹ. Thi thoảng nó lại bảo tôi chở đến cơ quan thăm mẹ nuôi. Bây giờ thì Linh không còn nhắc đến chuyện sinh con nữa. Buồn thay Linh đã chấp nhận số phận.

 

Sau khi truyện ngắn “Gió mưa gửi lại” đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội, phải động viên mãi Linh mới chịu tập hợp lại 9 truyện để in thành tập lấy luôn tựa truyện trên làm tên. Đa phần truyện ngắn trong tập đều ăm ắp nỗi buồn nhân thế, số phận nhân vật luôn bị đặt vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, hoặc thiếu may mắn hoặc bị tước đoạt hạnh phúc. Nhưng trên tất thảy nghịch cảnh ấy là niềm khát khao sống, những đam mê cháy bỏng, khẳng định nhân cách con người. Những truyện ngắn thật buồn nhưng xúc động đầy lòng trắc ẩn, nhân hậu. Văn của Thuỳ Linh ngùn ngụt khí lực, trường mạch, đẹp một cách bất ngờ và cốt thiết nhất là rất giầu hình ảnh. Tôi đã chuyển thể một số truyện ngắn trong tập thành phim.

 

Là trưởng phòng nội dung 1, rồi phó giám đốc Linh luôn có ý nâng đỡ những người có ý định viết kịch bản. Thói cả nể của Linh nhiều khi thành thương người vô lối và không ít lần gây hoạ. Một nhà văn hạng bét trong cơn túng quẫn, cần tiền thế là ôm ý tưởng đến. Linh không nề hà chỉ dẫn thậm chí bỏ công căng lis giúp. Tất nhiên có kết quả nhưng nói thật những kịch bản “trợ cấp” ấy có bao giờ hay được. Lại một lần có tác giả nữ đến cơ quan gặp Linh. Thương người này nghèo khó, Linh đưa luôn về nhà nuôi ăn ở như nuôi cán bộ nằm vùng dạo kháng chiến còn trong thời kỳ bí mật. Một thời gian khá dài, Linh tận tình chỉ bảo, hướng dẫn để ra được hơn chục tập kịch bản. Lúc đạo diễn làm phim có sơ xuất sai tên rồi sửa kịch bản cho phù hợp thế là ăn kiện gần chết. Đến tận bây giờ vụ kiện vẫn còn lằng nhằng ở cấp… tòa án. Lần đó Linh nhận được một bài học nhớ đời nhưng cấm có chừa được. Còn vô khối trường hợp khác, nhiều lần Linh còn phải tự bỏ tiền túi để ứng cho tác giả. Mà đa phần những khoản chi này coi như “mất hút hàng lươn”. Nói, Linh cười hì hì: “Tôi trưởng thành muộn khôn ngoan chậm mà.”.

 

Linh thu dần mình lại sau những biến cố của đời mình. Tránh những cuộc vui ồn ã. Bạn văn, bạn nhậu ngày một ít đi. Vẫn biết tính tình con người là thứ không thể thay đổi nhưng tôi biết Linh phải gắng để kìm mình. Linh học thiền, đọc nhiều sách về đạo, hay lai vãng đến chùa chiền lấy sự tĩnh lặng làm niềm vui sống. Một dạo tôi khuyên Linh nhận lấy một đứa con nuôi. Chúng tôi từ lâu đã có quan hệ với Trung tâm bảo trợ xã hội 4 ở Ba Vì, Hà Tây. Hàng năm, vào dịp hè, dịp tết mấy anh em góp nhau lại, quyên góp thêm các báo để có chút ít quà cáp sách vở cho các cháu mồ côi và cơ nhỡ. Linh kéo thêm được nhiều người khác làm việc này. Đã thành lệ, cứ áp Tết âm lịch mấy anh em chúng tôi lại tổ chức một bữa ăn đón Tết cùng với các cháu ở trại. Linh bàn với tôi giúp miếng ăn thì ai cũng có thể giúp được, mình phải giúp các cháu cái đọc, giúp các cháu con chữ. Thế là âm ỉ nhiều năm chúng tôi quyên góp sách truyện, tìm nguồn để xây dựng một thư viện tạo nếp đọc cho các cháu. Nhưng cũng phải đến khi làm một dự án phim với nước ngoài, quen biết một doanh nhân Việt kiều thì nguyện vọng kia của Linh mới thành hiện thực. Bây giờ các cháu mồ côi cơ nhỡ ở Trung tâm 4 đã có một thư viện với tương đối đầu sách văn học đủ để thu nhận một thế giới chí ít cũng tươi sáng hơn cuộc sống hiện tại của các cháu. Linh bảo: “Chỉ văn học mới giúp chúng thắp lên được ngọn lửa tình yêu cuộc sống, mới có khát vọng vươn lên được thành người.”. Tôi không hẳn nhất trí với quan điểm này nhưng tấm lòng của Linh đáng được ghi nhận. Lứa các cháu ở Trung tâm lớn dần lên đến tuổi trưởng thành là phải rời trại hoà nhập vào xã hội. Linh cũng bức xúc trăn trở kiếm tìm đầu ra cho một vài trường hợp. Hiện Linh đang giúp vài cháu từ cái ăn, chỗ ở đến việc học và công việc làm sau khi ra trường. Những việc thế này là một nét trong tính cách của Linh. Nó thể hiện hiện rất rõ trong các truyện ngắn Linh viết mà ngay từ “Mặt trời bé con của tôi” đã có điều này. Có lẽ đó là lý giải đọc văn Linh thấy xúc động và thường tạo ra được hiệu ứng đồng cảm trong độc giả.

 

Trong trại có một khu riêng dành cho các cháu sơ sinh. Những trường hợp này đại đa số đều bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện, cá biệt có người mẹ sinh con xong gói vào bọc rồi đặt ở cổng trại. Linh lên đó quyến luyến với nhiều cháu, cũng đôi ba lần định làm thủ tục đón một đứa, lãnh đạo trại quý Linh rất ủng hộ, khuyến khích nhưng rồi cứ lần lữa mãi, hết lý do chủ quan đến khách quan việc vẫn không thành. Hôm rồi Linh bảo tôi bằng một giọng bình thản: “Thôi anh ạ, cái duyên em không có nên đành chấp nhận. Em chắc chỉ sống được một mình…”. Tôi im lặng không trả lời.

 

Tôi với Linh làm việc trong cùng một phòng đến hơn chục năm. Chuyện này cũng buồn cười. Tính tình tôi và Linh khác biệt nhau và hầu như trái ngược hoàn toàn. Tôi ồn ã, vô tâm sống ào ào khách khứa tấp nập và luộm thuộm hết mực. Linh trái lại ngăn nắp chỉn chu, quan hệ chừng mực. Gần đây Linh chuyển phòng làm việc khi nhận chức vụ phó giám đốc. Nói thật đã quen sống có Linh tôi hẫng hụt như thấy thiếu một thứ gì đó. Tất nhiên, phòng tôi bây giờ không có bàn tay phụ nữ đã hoang tàn, bề bộn như một bãi chiến trường. Tôi bỏ hẳn hoa tươi hàng ngày, dinh về một cành hoa giả bày cho tiện. Hôm rồi, Linh về phòng hạ cuốn lịch bảo tôi: “Ông này cùn thật, vẫn nguyên lịch từ hôm tôi đi không thèm cả bóc.”.

 

Tính Linh có phần cực đoan lãnh đạm, kiên quyết với người thân nhưng lại nồng nhiệt vồn vã với người lạ. Trong hơn mười năm tôi và Linh cãi nhau chỉ có hai, ba lần, một con số quả là vĩ đại. Không hẳn là hoà hợp nhau đến mức ấy đâu mà là vì tôi chẳng bao giờ dại gì tranh luận với Linh. Vì tôi biết có tranh luận cũng không lại được, Linh ít khi thay đổi khi đã nghĩ gì và định làm gì đó. Nói chung Linh là người có cái nhìn tinh tế, chính xác về người khác chỉ mỗi tội hay cảm tính. Và khi Linh cảm tính thì không ít lần dại dột kiểu như cách đối xử với cộng tác viên. Chúng tôi rất thuộc tính nhau nên khá ăn ý trong công việc cũng như sinh hoạt đời sống. Nói ra điều này có khi vợ tôi tự ái, Linh thậm chí thuộc tính tôi còn hơn cô ấy. Dạo đi Sơn La, anh Ngô Xuân Lộc khoái cách nói chuyện phào phào tiếu lâm của tôi cứ nhất định bắt phải ngồi cùng xe. Trên xe rinh rích cười suốt dọc đường chỉ có Linh là lạnh băng không tẹo phản ứng. Đến độ anh Lộc phải thắc mắc. Linh trả lời tỉnh bơ: “Tích cũ diễn lại ấy mà, các bác thích chứ em chán phè, hết rồi chỉ có tưng ấy, thuộc lòng.”. Tôi dạo chưa phát bệnh người lúc nào cũng sũng ruợu, lử lả suốt. Khi uống, nhiều người bảo ông Tiến say rồi, dừng đi kẻo chết. Chỉ có Linh là biết cữ nào tôi mới say: “Còn lâu lão ấy mới chết. Uống bao giờ phải không chống được mi mới gục.”. Quá đúng, thường người say thật sự thì không bao giờ biết mình say và cũng không bao giờ chịu thừa nhận mình say vì có biết được, nhớ được quái gì đâu. Tôi uống đến cữ liệt sĩ, mồm vẫn dẻo queo, nói thao thao bất tuyệt không lẫn một từ nào nhưng thực chất không nhớ một tí gì, hành xử lúc đó hoàn toàn là phản xạ tiềm thức. Lúc say, tôi bị một tật là mi mắt sập xuống nên cứ phải nhướng mày vận cơ mắt để chống. Lúc đó là đến giới hạn cuối cùng. Chỉ có vài ba người uống có thâm niên với tôi mới biết được điều này. Linh nhìn mắt là biết tôi uống đến đâu, nên nhiều lần cứu nguy cho tôi những bàn thua trông thấy, chẳng hạn như giấu chìa khóa xe đi để tránh tai nạn. Sau lần say bao giờ Linh cũng tua băng lại cho tôi những sự kiện của hôm trước, đại loại: “Anh cãi nhau với lão Đỉnh, anh vô lý, anh sai. Anh hứa cho cái Hương bộ sách chiến tranh, anh… anh…”. Khốn khổ thế, tai hoạ từ miệng ra, bệnh tật từ mồm vào, cái thằng ruợu chí cốt chỉ rình hại thằng bạn thân của nó vào những ngưỡng ấy.

 

Sau này Linh tránh giao du và hầu như không uống nữa, trừ khi không thể chối từ. Cho đến khi tôi phát hiện trọng bệnh buộc phải từ bỏ rượu thì nhiều lần có khách không thể không uống, tôi phải năn nỉ để Linh uống hộ cả phần tôi. Khi vui Linh uống rất điềm đạm chỉ uống say những khi thật buồn. Cái lần tôi nhớ nhất là dịp uống sau cái hôm vì mâu thuẫn gì đó ở cơ quan một cuộc họp được tổ chức để “đánh” Linh. Chuyện đã ngót nghét chục năm rồi. Linh cứ tì tì nốc vã rồi chuyển sang âm nhạc. Tôi hay dùng một thuật ngữ nói lái “Giôn len nôn” để chỉ lúc say bị nôn. Báo hại thằng tôi phải dọn trả nợ (thi thoảng tôi cũng bị những cú “biu ti phun” ấy) nhưng hãi nhất là Linh cứ rú lên cười. Cười thành tràng thành chuỗi nối nhau. Người say khóc là thường nhưng cười thì quá hiếm lại cười kiểu này nữa thì ai mà không sợ. Tiếng cười lạ lùng đầy đủ mọi cung bậc trong đó, có chua chát, đau xót, ai oán lại cả giễu cợt, bi phẫn. Tôi ấn Linh vào phòng, bật nhạc thật to để lấp. Lúc tỉnh Linh bảo: “Buồn quá anh ạ, con người…”

 

Một lần khác là lần tôi sợ nhất, đó là khoảng thời gian Linh mất cháu chừng hơn một tháng. Hôm đó có chuyện gì đó Linh uống với tôi rất lâu. Nhưng tôi biết là vì Linh buồn và ám ảnh về chuyện đứa con. Tôi đưa được Linh về phòng. Linh lảo đảo nhưng mặt lạnh te, tái mét. Linh đổ vật ra ghế người cứ rung như sóng điện. Linh thì thầm như nói với chính mình: “Lạnh! Tôi lạnh!”. Tôi trùm chăn, lấy cả quần áo, giấy báo lèn kín người Linh. Tôi bất lực nhìn Linh, không biết làm cách gì để ngăn được cơn lạnh buốt giá từ tâm can cốt tuỷ thổi ra ấy. Sau đó rất lâu Linh bảo tôi: “Em chết mất.”. Mắt Linh giá lạnh không một ngấn nước. Linh ít khi say như tôi nhưng say thì kinh khủng như vậy. Lần gần nhất hình như có chuyện trục trặc gì đó ở gia đình Linh cũng uống nhiều. Hôm đó tôi đã bỏ rượu. Tôi mắng Linh con bé này uống gì mà khiếp thế, có chuyện gì. Từ dạo bỏ ruợu tôi đâm ra xấu tính hay đố kị và ghét đám uống được. Như chỉ đợi có thế, lần đầu tiên Linh lao vào ôm lấy tôi, gục mặt lên ngực tôi oà khóc như mưa như gió. Áo tôi ướt đẫm vì nước mắt Linh. Biết tính, tôi im lặng không một lời khuyên giải. Khóc chán, Linh sùi sụt bảo tôi: “Sau này có lẽ em vào chùa ở…”. Nói ra điều này tôi biết Linh đã ở tận đáy của sự cô đơn. Những thứ Linh đang có hôm nay chưa hẳn mang lại cho Linh hạnh phúc trong khi điểm tựa gần như duy nhất của Linh là người cha thân yêu cũng đã không còn. Cái chết của người cha già cựu đại tá Trần Minh hơn một năm trước càng khiến Linh tin hơn vào những gì thần bí của thế giới tâm linh. Ông ra đi thanh thản như kết thúc một cuộc dạo chơi trên dương thế bằng một cơn tai biến não chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ.

 

Thấm thoắt cô bé của “Mặt trời bé con của tôi” dạo nào giờ đã bước vào tuổi năm mươi. Thời gian trôi thật nhanh. Vài cuốn sách ít ỏi, trên trăm tập kịch bản phim, chỉ ngần đó Thuỳ Linh đủ làm nên một tên tuổi, một sự nghiệp. Với tôi, Linh là một người bạn hiếm hoi có những chia sẻ vui buồn trong một quãng đời dài mưu sinh đầy mệt mỏi nhưng rất đỗi đáng nhớ. Tôi biết, bệnh tật và tuổi tác cũng như công việc sẽ làm chúng tôi xa rời nhau một ngày không xa. Dẫu thế thì tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho tôi một tình bạn tốt chẳng dễ gì có được.

 

Ngày ngày Linh còm cõi nhốt mình trong phòng làm việc với những trang bản thảo coi đó là niềm vui và lẽ sống duy nhất. Người đàn bà từng song hành cùng gió mưa đang đi đến chặng cuối của mình, vẫn là mưa gió, vẫn là những vật vã thử thách không thể tránh được của kiếp người. Nghĩ về Linh, không hiểu sao tôi cứ mãi nhớ đến cái sinh thể đứa con của em, một sinh thể thiếu sinh khí vì non tháng trong suốt, hình như bàn tay bé nhỏ khẽ động đậy, buồn thay cho Linh, mặt trời bé con của em đã không đến, đúng hơn là đã bỏ em đi để em với nỗi cô đơn tiền kiếp đầy khắc nghiệt và bây giờ chợt vang trong tâm tưởng tôi tiếng chuông chùa định mệnh như tiếng chuông trong phần kết truyện ngắn “Gió mưa gửi lại”.

 

Liệu có thể khác được không Linh ơi…

 

Hết

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét