Bóng câu qua cửa sổ
Truyện ngắn Thùy Linh
Bà nói với anh chàng
lái tắc xi lầm lì dừng ở ngã tư thứ nhất. Còn phải qua một ngã tư nữa mới tới đầu
phố.
Bà lững thững mộng du
giữa đám xe máy chạy như thác sầm sập đổ theo các lòng đường. Loay hoay mất hai
chặng đèn đỏ bà mới vượt qua ngã tư để sang đầu phố.
Bà dừng lại khẽ đẩy cặp
kính lên cao, trải ánh mắt dài theo dọc phố. Vẫn là con phố có lòng đường nhỏ
và thăm thẳm. Vẫn là bầu trời xám chì bị những tia nắng vàng nhạt xé rách một
khoảng tròn như một cái giếng tràn trề ánh sáng. Bầu trời đó, mặt đất này...
Bao năm qua dường vẫn còn đây. Như có một sức nóng từ ánh dương chói qua lớp
mây xám tạt ngang, khiến bờ mi nóng rực làm làn nước mỏng dâng lên. Trong bóng
nước ấy hiện lên một con phố nhỏ buồn heo hút thưa thớt nhà. Dọc hai bên phố là
hai hàng bàng. Vào tháng giêng hai búp bàng bắt đầu trổ ra, cuộn tròn như cái
kén màu xanh cốm. Phải đợi rét nàng Bân đổ về lá bàng mới từ từ xòe ra hứng những
hạt mưa li ti. Những chiếc lá bàng xanh biếc lóng lánh và đầy vẻ khát khao.
Sang tháng tư khi nắng mới bừng lên thì tán bàng đã phủ kín lối nhỏ hè đường và xòa cả ra lòng đường. Chớm thu heo may về lá bàng lần lượt rời bỏ để lại đám cành khô khẳng khiu đứng cô lẻ trong mưa phùn gió bấc. Cứ nhìn màu chuyển trên các tán bàng để biết mùa đến mùa đi...
Đấy là phố nhỏ của bốn
nhăm năm trước.
Đây là ký ức của bốn
nhăm năm trước đang nhè nhẹ thổi từ miền quá khứ, qua sa mạc khô cằn của sự
quên lãng tới tâm khảm bà.
Bà đang đặt bước chân
đầu tiên lên phố nhỏ rợp bóng bàng của bốn nhăm năm trước, sau khi vượt qua một
chặng đường dài gần mười bảy ngàn ngày. Không còn cây bàng nào cả. Thay vào là
một loại cây gì đó bà không biết, cây không tên. Những cây như thế này mọc khắp
phố phường, thường chẳng có hoa, và tất nhiên không thể kết trái. Các mùa cũng
không thể pha màu lên tán lá của nó. Giống cây luôn dửng dưng với thay đổi của
trời đất, không tham dự vào buồn vui của con người. Nó sống trọn vẹn một kiếp
cây mà không cần hóa thân vào đời sống.
Theo thói quen xưa đi
dưới tán bàng, bà bước đi thật chậm, như cúi tìm trên mặt hè mòn vẹt bước chân
người quả bàng vàng rộm thơm phức. Cái quả bàng quế ấy cắn ngập răng, ngọt lịm.
Cắn hết quả bàng trong nỗi thèm thuồng, người ta còn lấy hòn gạch ghè đập cái hạt
xơ tướp để lấy cái nhân bên trong bùi như hạt dẻ. Mùi bàng chín từ trong ký ức
phả ra thoang thoảng trong heo may. Cây bàng đầu tiên... Phải rồi, cây bàng đầu
tiên mọc thẳng, được chừng hai sải tay thì chẽ thành ba nhánh. Cây thứ hai có
hai thân sinh đôi. Cây thứ ba giữa thân bỗng bị phình ra như bụng đàn bà chửa...
Cây thứ năm, cây thứ bảy... Cây thứ mười, một dạo có chim bạc má về làm tổ. Bà
đã phải mất mấy ngày để trông chừng bọn trẻ con phố bên sang phá. Một buổi sáng
tỉnh dậy, như có linh tính bà chạy vội từ trong giường ra gốc bàng, tổ chim
không còn ở đó nữa. Ngày hôm ấy bà đã khóc rất nhiều khiến ông bác tưởng bà nhớ
ba mẹ vừa mới sang Pháp trước đó hai tuần. Cây thứ mười bốn có rất nhiều sâu
kèn to như ngón tay út. Bỏ con sâu ra, bóp bẹp một đầu kén là có cái kèn thổi
toe toe suốt ngày làm người lớn bực mình. Bà gắn bó với cây bàng thứ mười bốn
này hơn cả vì nó đứng ngay trước ngôi nhà bà đã từng ở suốt tám năm trời với
ông bác khi ba mẹ bà sang Pháp làm ăn. Hồi mới tới đây bà thường trốn bác trèo
hái lá bàng cho bà cụ bán xôi ngồi ở cuối phố mỗi sáng. Giấu lá bàng trong cặp,
trước khi tới trường bà rẽ qua góc phố. Bà cụ bán xôi thành quen cứ vào giờ ấy
là ngóng về đầu phố. Bà vội vàng đưa nắm lá cho bà cụ rồi đi không kịp nghe lời
cảm ơn. Đôi khi bà cụ túm tay kéo lại dúi nắm xôi gói trong lá bàng, khẩn khoản:
"Xin cô đừng từ chối, già này không có gì để cám ơn cô, chỉ có chút quà vặt
này". Một buổi sáng, sau trận bão đêm hôm trước, lá bàng rụng nhiều vô kể.
Bà chạy dọc hè phố nhặt được một túi bàng thật to. Bà vui lắm chạy thẳng đến cuối
phố, nhưng bà cụ bán xôi vẫn chưa tới. Bà đứng đợi cho tới khi muộn giờ học và
hôm ấy đã bị cô giáo phạt. Tan học bà quay trở lại. Vẫn không thấy bà cụ đâu.
Mang túi lá bàng về bà loay hoay giấu ở góc vườn để bác không phát hiện ra. Hôm
sau bà kiếm cớ ra khỏi nhà sớm hơn thường lệ. Mái hiên nơi bà cụ bán xôi thường
ngồi lặng ngắt. Vài bác kéo xe tay theo thói quen ghé lại ăn xôi sáng trước khi
đi làm chưng hửng bỏ đi. Sau đó, sau đó nữa không bao giờ còn thấy lại cái dáng
thấp còng còng của bà cụ, bên nách cắp một cái thúng mà từng đống nan óng lên
vì hơi tay người, phía trên một lớp vải nâu đã bợt bạt. Tới giờ này bà cụ đã bước
vào vùng tối của cuộc đời lâu rồi, lâu lắm rồi. Nhưng bà cụ ra đi vào cái đêm
cơn bão lướt nhanh qua thành phố hay mãi sau này thì bà không sao biết được.
Mái hiên, bà còng thúng xôi là mành phố nối dài vào nỗi nhớ để về nơi đây thấu
suốt cuộc đời bà.
Cây bàng thứ mười
lăm... Tán cây này xòe rộng như một cái nấm che kín cả vỉa hè, vươn tới bên cổng
sắt của ngôi nhà đối diện với nó. Ngôi nhà ấy cũng thân thiết với bà như chính
ngôi nhà bà đã từng ở. Bờ tường phía trước mặt giăng kín màu hồng ti gôn. Những
dải ti gôn mong manh nhẫn nại bám vào thành tường ngoi lên, vươn kín mái nhà.
Những bông hoa phân mỏng rơi lớp lớp xuống rẻo đất nhỏ sát bờ tường. Trong cái
nắng hanh hao mùa đông đám hoa lìa cành vẫn còn kịp rực hắt vào chân tường xám
rêu phong làm nó anh ánh ửng hồng. Ngôi nhà ấy giờ đây hiển hiện trước mắt bà.
Một bức tường cao thô kệch phong kín. Đứng ngoài chỉ thấy chòm mái xám đen nhô
lên như một chiếc nón thâm lại vì mưa nắng. Cánh cửa sắt nặng nề tróc sơn nham
nhở bưng bít nốt con mắt nhìn ngoài vào. Lùi ra xa một chút sẽ thấy ở sâu trong
ngôi nhà có một tán hoàng lan xanh thẫm dâng cao lặng lẽ buông che phần mái
hiên.
Bà thận trọng đến bên
cánh cổng sắt, âm thầm cúi nhìn một bên cánh bị gỉ bong vênh lên, hở một khe nhỏ.
Rồi bà âm thầm giơ tay đặt khẽ ngón giữa vào nút chuông màu trắng. Bỗng có một
vệt nắng tạt ngang lùm cây, trượt qua vai bà, khoan một lỗ tròn trên cánh cửa sắt.
Bờ vai bà ấm ran lên. Ngày xưa, trong chiều nhạt nắng, có một cô gái trẻ, trẻ lắm
cũng đứng ở chính chỗ này, hồi hộp nhìn sâu vào trong vườn, nơi có cây hoàng
lan, đôi má bị nắng hanh làm ửng đỏ... Tại sao bà nhớ lại hình ảnh đó vào chính
lúc này? Hình như thói quen thường nhật làm nhạt phai mọi kỷ niệm, kể cả những
kỷ niệm đau đớn nhất. Nhưng kỷ niệm đẹp đẽ nhất lại không nằm trong tâm khảm
người ta, như nỗi hoài nhớ của bà về phố xưa này vậy. Nó theo làn mưa xuân
giêng hai, cuốn đi trong cơn gió heo may, ủ mình vào trận gió bấc phương bắc tràn
về...
Và, cứ như con nước
theo trăng, mùa đi gửi lại mùa đến, truyền theo năm tháng cuộc đời. Để chiều
nay khi bước chân đầu tiên đặt lên mình con phố, heo may bỗng choàng lên bà tấm
voan dệt những kỷ niệm xưa. Qua tấm voan ấy, hiện hữu mờ dần đi như đám sương
mù, hòn đảo quá khứ bỗng từ từ chồi lên chói lòa.
Có tiếng giày nện lộp
cộp trên nền xi măng phía trong cánh cửa làm bà bừng tỉnh. Bà lảng đi, làm ra vẻ
đang tản bộ.
Một thiếu phụ dắt chiếc
xe máy từ trong ngôi nhà đi ra. Tiếng thiếu phụ dặn dò với ai đó:
- Hai bố con ông ở
nhà tự lo bữa chiều. Nếu ngại nấu nướng thì ra ngoài ăn tạm cơm bụi. Tôi bận việc
về muộn. Nhớ khóa cổng lại đấy. Ông cứ dán mắt vào ti vi có ngày trộm vào khoắng
sạch cho mà xem.
Cánh cổng sắt đóng rầm
sau lưng. Tiếng xích khóa cọ vào cổng chói gắt.
Đột nhiên bà không muốn
quay lại nữa và cất bước đi về cuối phố.
Bà về đến nhà lúc sẩm
tối. Gia đình người cháu bà vẫn đang đợi cơm.
- Cô làm cháu lo quá!
Lần sau cô muốn đi đâu thì bảo cháu đèo đi. Đường sá bây giờ lộn xộn lắm, đến bọn
cháu là thanh niên thế này mà có lúc đi đường còn phát hoảng nữa là.
- Cô muốn đi dạo qua
mấy phố quen trước đây.
- Cô có gặp được người
quen không?
- Cô chưa tới, hình
như họ đi vắng! - Bà nói dối. - Cũng không có gì quan trọng đâu. Hôm khác cô đến
cũng được.
- Bạn cũ hả cô? Từ hồi
sang Pháp đến giờ cô có liên hệ với họ không?
- Không! - Bà khẽ lắc
đầu.
- Thế thì làm sao biết
họ còn ở đây.
- Cô nghĩ thế! Bần
cùng bất đắc dĩ, người ta mới phải rời bỏ ngôi nhà của mình chứ.
- Nhưng hơn bốn chục
năm rồi! ở thành phố này ít ai sống được trong ngôi nhà của mình ngần ấy thời
gian cô ạ!
- Cô biết! - Bà trầm
ngâm.
Sau bữa cơm bà kiếm cớ
mệt đi vào trong buồng riêng nghỉ sớm. Bà pha một ấm trà ướp sen và âm thầm độc
ẩm. Anh cháu bà tỏ ra là người chu đáo. Biết bà về nước chơi, anh nhờ một bà
già quen sao tẩm một mẻ trà đặc biệt đãi người biệt xứ. Ủ trà đêm trước, hôm
sau mang ra sao. Trà vừa ngấm vị sen lại bắc xuống ủ qua đêm nữa. Rồi lại sao,
rồi lại ủ. Vừa đủ ba lượt mới gọi là xong. Vị sen thấm trong hương trà, không
phân biệt đâu là hương hoa, đâu là vị mộc mạc của đất trời nữa. Cái vị giòn ngọt
thơm thơm đầu lưỡi thấm dần vào cổ họng, lần xuống tận ruột gan, rồi từ tận
trong gan ruột, hương vị ấm nồng ngan ngát lại như thấm trở ra khiến người thưởng
trà như tỏa hương. "Cả Hà Nội cháu chỉ thấy còn bà cụ này biết sao tẩm trà
thôi cô ạ! - Anh cháu bà bảo vậy - Bà cụ cũng chỉ nhận làm giúp người thật
thân, mà người ấy phải biết thưởng trà nữa". Thói quen uống trà kiểu này
có từ thời ông nội bà. Cách uống của bà cũng cầu kỳ lắm. Buổi tối có một u già
chèo thuyền ra hồ sen trong khu vườn nhà, tách từng đóa sen, nhúm một ít trà bỏ
vào bên trong rồi gói lại. Sáng sớm hôm sau, khi trên các lá sen còn đẫm sương
đêm, u già lại chèo thuyền, lấy trà từ các đóa sen ngậm sương ra. Những cánh
trà ẩm ướt, thoang thoảng hương mà không chói gắt. Nước pha trà cũng là nước hứng
từ những giọt sương đêm đọng trong các lá sen. Đạo trà của người xưa rút cái
tinh nguyện rất đỗi đơn sơ của đất trời nhưng lại cầu kỳ, tỷ mẩn và rất nghiêm
cẩn. Không ngờ cháu bà, chắt của một ông tri phủ vẫn còn giữ được phần nào truyền
thống này.
Bà là con gái út
trong gia đình bốn anh em, được cha cưng chiều nhất. Ông cụ có thói quen uống
trà vào năm giờ chiều cùng bạn bè để đánh cờ hoặc tán gẫu. Những cuộc như thế
bao giờ bà cũng được ngồi bên cha. Thế rồi thói quen thưởng trà ngấm vào bà lúc
nào không rõ. Suốt mấy chục năm sống bên Pháp, dù bận rộn đến mấy bà vẫn dành
riêng cho mình ít phút uống trà buổi chiều như lưu giữ một truyền thống cũ của
gia đình.
Có tiếng gõ cửa. Đang
nhấp dở ngụm trà chưa kịp lên tiếng thì anh cháu bà chạy vội vào đưa cho bà chiếc
điện thoại.
- Cô có điện thoại.
Bà hơi ngạc nhiên cầm
lấy ống nghe. Hai tuần nay từ khi về nước bà chưa hề thông báo cho bạn bè vì muốn
dành trọn thời gian cho họ hàng trước đã. Hôm nay là ngày đầu tiên bà định trở
về nơi ấy...
- Alô, tôi nghe đây!
- Bà nói, hương thơm phả vào ống nghe.
Đầu dây bên kia im lặng.
- Ai đấy, tôi nghe
đây mà.
- Bà đấy ư? - Giọng
đàn ông phía bên đầu dây run run. Lặng đi vài giây ông mới tiếp tục. - Tôi cứ
ngỡ không bao giờ bà về đây nữa?
- Ông đấy ư? - Đến lượt
bà run rẩy. - Sao ông lại nói thế? Sao ông biết tôi về mà gọi tới?
- Một người họ hàng của
bà nói với tôi. Bà không định gặp bạn bè sao?
- Tôi về nước cũng chỉ
với ý định ấy thôi mà. Ông vẫn ở chỗ đó chứ?
Bà giấu ông việc chiều
nay bà đã trở lại nơi ấy nhưng không đủ bình tĩnh bước vào.
Ông khẽ cười. Bà thấy
tiếng cười của ông già lắm rồi. Già như gấp đôi thời gian xa cách.
- Vẫn ngôi nhà đó bà ạ.
Năm năm tư bị tịch thu, nhưng sau đó được trả lại một phần ba. Ơn trời, tôi giữ
được phần bên trong, cạnh gốc cây hoàng lan.
- Cây hoàng lan vẫn
còn sao? - Không hiểu sao bà vẫn không dám nói thật với ông là bà đã nhìn thấy
nó lúc chiều nay.
- Nó già lắm rồi, già
đến mức không buồn đơm hoa nữa. Nó biết có đơm hoa cũng chẳng để làm gì mà.
Bà chợt thấy mùi
hoàng lan trên mái tóc dìu dịu.
Bất giác bà đưa tay
lên vuốt mái tóc sát vành tai. Một sợi tóc bạc vương trên tay. Bà giơ nó ra trước
mắt rồi từ từ thả xuống. Sợi tóc như tan trong khoảng không.
- Bà nói gì đi chứ? -
Ông giục.
- Ông sống thế nào? -
Bà bối rối thẹn thùng hỏi.
- Ơn trời, tôi sống
như mọi người. Còn bà?
- Ý tôi là... - Bà bối
rối. - Ông bây giờ thế nào rồi?
- Tôi ư. - Ông lại khẽ
cười. - Tôi ngày trước nếu bà còn nhớ cộng với bốn nhăm năm. Bà có hình dung ra
tôi trong hình hài một ông lão không? Nếu không tưởng tượng được thì tôi mừng lắm.
- Tôi cũng thế! - Bà
khẽ thở dài.
Tiếng ông húng hắng
ho. Vẫn thế, mỗi khi xúc động ông vẫn thường hay ho húng hắng. Chỉ cần vuốt nhẹ
sau lưng vài cái là mọi chuyện lại tốt đẹp.
- Ông hãy vuốt ngực
đi. - Bà thầm thì.
- Bà... vẫn... nhớ ư?
- Ông ghìm tiếng ho lại để nói với bà.
Chờ cho đến khi nghe
tiếng thở đều đều của ông vọng vào ống nghe bà mới tiếp tục.
- Hàng bàng dọc hè phố
có còn không ông?
Bà vẫn muốn nghe từ
chính ông nhắc về chút kỷ niệm mà bà đã viết.
- Mất rồi! - Giọng
ông buồn bã. - Mất từ lâu rồi.
- Người ta chặt phá
nó ư?
- Chẳng ai cả.
- Vậy thì tại sao
chúng mất đi?
- Nắng, mưa, gió
bão... và cái thời gian tệ bạc bà ạ.
- Ông cười chua chát.
- Bà còn nhớ cây thứ mười sáu không? Hồi bà còn ở đây nó đã bị sâu bệnh. Nó là
cây đầu tiên bị chặt đi. Sau đó ba bốn cây bị đánh bật gốc vì mấy cơn bão đổ
vào thành phố tựa như những quả bom tấn ném xuống. Những cây còn lại bỗng lẻ
loi. Người ta đành chặt đi để thay hàng cây khác. Lẻ loi thì khó sống lắm bà ạ!
- Cây gì vậy?
- Đến bây giờ tôi vẫn
chưa biết hàng cây trước nhà là cây gì?
Họ lặng đi như mặc niệm.
- Bà đang nghĩ gì thế?
- Ông lên tiếng trước.
- Tôi nghĩ tới con
chim bạc má non. - Bà khẽ cười.
- Còn ông?
- Hồi ấy tôi chỉ dám
trèo lên xem, bà đứng dưới làm sao nhìn thấy được? - Ông nói đầy vẻ tự hào.
- Bà chỉ được nghe
tôi tả lại thôi.
- Nhưng tôi tin ông.
- Bà này, bà vẫn chưa
trả lời câu hỏi của tôi, bà sống thế nào từ bấy đến giờ?
Bà quay ra phía ngoài
ống nghe thả tiếng thở dài vào khoảng không.
- Ở bên ấy chúng tôi
sống lẻ loi lắm. Nhưng nếu đã không chết thì vẫn phải sống. "C est la
vie"(*) - Bà bỗng bật cười. - Tôi là cây bàng cuối cùng của phố mình còn lại
ông ạ! Chắc không lâu nữa cũng sẽ bị bật rễ.
- Phải, đã không chết
thì dù thế nào cũng phải sống. Sống khó hơn nhiều bà nhỉ!... Bà sẽ đến tôi chơi
chứ.
- Tất nhiên rồi.
Nhưng... - Bà ngập ngừng.
- Bà nói đi. - Ông có
vẻ hồi hộp.
- Ông đừng thất vọng
về tôi nhớ? - Bà cười ngượng ngùng.
- Ô... Thế ra chỉ có
bà đã sống qua bốn nhăm năm thôi ư? Có lẽ tôi còn phải trải qua gấp đôi thời
gian ấy vì nhiều lẽ.
- Nhưng dù thế nào
tôi vẫn là phụ nữ. Thời gian căm thù đàn bà hơn ông ạ! - Rồi bỗng bà bật cười.
- Mà sao tôi lại nói
với ông chuyện này nhỉ. Chúng ta có còn trẻ nữa đâu.
- Trong ta bao giờ
cũng có một cái gì đó trẻ mãi. Chính vì điều đó mà chúng ta tồn tại được bà ạ!
Bây giờ muộn rồi bà hãy đi nghỉ đi. Hẹn gặp lại sau. Bà ngủ ngon nhé!
- Chúc ông ngủ ngon!
Bà đặt điện thoại xuống,
mỉm cười. ấm trà đã nguội ngắt. Nhưng bà không nhận thấy điều đó, lơ đãng với
chén trà nhỏ như một lỗ đáo xu nhấp từng ngụm nho nhỏ.
Một chiều bà trở lại
trại Hàng Hoa thăm người bạn. Người này cũng một trong số ít những người bạn nhẫn
nhục vượt lên trên cơn bão táp cuộc đời dai dẳng đeo bám vào một phần mảnh đất
của cha ông để lại. Ngôi nhà ngang ngói ta đầy rêu ngày trước dùng cho gia
nhân, giờ đây cũ kỹ già nua đang kiên cường chống chọi với thời gian là nơi
sinh hoạt cho cả một gia đình bảy người. Nó bỗng trở nên lỗi mốt, lọt thỏm giữa
những đám nhà hiện đại hình khối ba bốn tầng, kính đen mờ và chòm mái đua cao
nhọn hoắt trông giống chiếc mũ tây chật chội đội trên đầu anh lực điền thô vạm.
Trước nhà vẫn còn khoảng sân và mảnh vườn nhỏ trồng thuốc nam. Ông cụ thân sinh
ra bạn của bà vốn là ông thầy thuốc nam nức tiếng một vùng. Vì ông cụ chuyên
làm phúc nên Trời Phật thương phù hộ cho trong nhà có của ăn của để. Kẻ được
ông cứu mạng sống trước đây gặp thời đã đứng ra tố, khiến ông cụ uất ức đổ bệnh
nằm liệt giường. Ông đã cứu bao người nhưng đến lượt mình đành bó tay phó mặc
cho mệnh trời. Thuốc đổ bao nhiêu cũng không lại. Người bạn nhắc lại chuyện này
vẫn còn rưng rưng khóc khiến bà không sao đứng dậy ra về. Bà men theo lối ngõ,
cố tìm lại một chút thân thương xưa cũ của những vườn hoa xinh đẹp thơ mộng thuở
nào của trại Hàng Hoa nhưng tuyệt nhiên không thấy. Những kỷ niệm lung linh đã
bị chôn sâu dưới những móng nhà cao tầng chen chúc ngang dọc, che khuất cả một
trời nắng đẹp thường buông lên một vùng bát ngát ngày trước.
Tới nhà bà mới biết
ông vừa mới ra về ít phút. Anh cháu bà kể lại, lúc bà vừa đi thì ông gọi điện tới.
Cháu bà hẹn ông chiều lại chơi. Khoảng một tiếng sau có một ông già cao gầy xuất
hiện. Ông mặc chiếc áo trắng phẳng phiu, cổ thắt chiếc cà vạt tuy lỗi mốt nhưng
vẫn còn mới, vì chắc là ít dùng, bên ngoài khoác chiếc áo bợt màu nhưng không một
vết sờn. Ông cầm trên tay một bó hoa hồng và một cái lẵng mây nhỏ.
- Chào cậu. Tôi là bạn
của bà Tú.
- Mời bác vào chơi. Rất
tiếc là cô cháu đi vắng!
- Tôi biết vì chính
tôi là người gọi điện thoại lúc nãy.
- Bác cứ ngồi chơi đợi
cô cháu, chắc cô cháu cũng sắp về rồi.
Anh pha ấm trà ướp
sen mời ông. Ông ôm chén trà trong lòng bàn tay, lim dim nhấp từng ngụm nhỏ với
vẻ mặt khoan khoái.
- Cô cháu hễ về muộn
giờ là cháu lo lắm. Người ta đi lại có kể gì đường sá, luật lệ đâu, mà cô cháu
lại mắt kém nữa.
- Sao, bà ấy mắt kém
lắm à? - Ông có vẻ hơi thảng thốt.
- Vâng, cô cháu phải
đeo kính tận bảy điốp đấy bác ạ! - Đến thế kia ư? Thế thì mắt như keo màng rồi
còn gì?
- Đúng thế đấy bác ạ!
- Người cháu vẫn vô tư không để ý gương mặt vị khách như có đám mây đen vừa lướt
qua.
- Cậu có biết ngày
xưa cô của cậu đã từng là hoa khôi khóa học trường Đồng Khánh không?
- Cháu có nghe bố
cháu kể. Nhưng bây giờ nhìn cô cháu thật cũng khó hình dung...? Bố cháu bảo có
người mê đôi mắt của cô cháu mà làm một bài thơ, ví đôi mắt ấy như một hồ thu
mà người ấy có thể thỏa thuê bơi lội ở trong đó. Các cụ ngày xưa tán nhau lãng
mạn ghê. - Anh cháu bật cười. - Tán thế thì có vững như Vạn Lý Trường Thành
cũng phải đổ bác nhỉ?
- Ấy vậy mà không hẳn
như thế đâu cậu ạ! - Ông già buồn buồn. - Ngày xưa nói được lời yêu không dễ
như bây giờ. Nghe được lòng nhau rồi nhưng vẫn còn phải đợi như đợi quả chín tới
ấy. Nhiều mối tình không thành như lỗi hẹn, nhưng đã nên duyên thì bền chắc lắm.
Dáng ông đã khòm nay
chợt còng trĩu xuống sau câu nói ấy. Rồi ông xin phép ra về mặc cho anh cháu giữ
thế nào cũng không được. Trước lúc đứng lên ông chợt buông câu nói trong tiếng
thở dài nhè nhẹ.
- Thôi thế cũng là
may!
Anh cháu ngạc nhiên
nhìn ông.
- Bác nói sao cơ ạ?
Ông khẽ lắc đầu và cười
mơ mộng, nói lời từ biệt:
- Nếu bà nhà về xin cậu
chuyển giúp tôi lời chào. Mong bà có nhiều ngày vui trên quê nhà.
Kể xong anh cháu đưa
chiếc giỏ mây quà của ông già cho bà. Bà mở ra. Có một gói lá sen vuông vắn,
hai cọng rơm màu xanh nhạt buộc hình chữ thập nằm gọn bên trong. Đó là mấy lạng
cốm giót mỏng như tơ nhện, ngào ngạt. Anh cháu nhìn món quà có vẻ ngạc nhiên lắm.
- Bác ấy cẩn thận
ghê. Nhìn cách ăn mặc cũng đã đoán ra.
Bà nhúm một ít cốm ra
lòng bàn tay rồi phong gói cốm lại như cũ. Bà nhặt từng hạt cốm mỏng lên khẽ nhằn
ở đầu lưỡi để hưởng cái vị ngòn ngọt, dẻo thơm của nó. Nhìn vẻ mặt tư lự của
bà, lúc sau anh cháu mới dám hỏi.
- Đến không gặp cô mà
bác ấy bảo là may cô ạ? Mà trước đó bác ấy đã gọi điện, biết cô không có nhà
nhưng vẫn đến là thế nào? Hay là bác ấy không muốn gặp cô nhưng lại không thể
không đến?
Bà khẽ cười lắc đầu.
- Không phải thế
đâu... à, ông ấy trông thế nào hả cháu?
- Trông đã thấy là
người chỉn chu. - Anh cháu không hiểu ý vui vẻ nói. - Dáng vẻ phong nhã lắm, mặc
dù đã già. Đôi giày của bác ấy tuy cũ nhưng không một hạt bụi. Nhìn đôi giày của
cháu mà phát ngượng.
Không nghe lời tả tỉ
mỉ của anh cháu, bà mơ màng nói.
- Ông ấy ngày xưa đẹp
lắm đấy. Bao nhiêu cô gái liêu xiêu vì nụ cười của ông ấy.
- Hay nhỉ, nghe bác ấy
và cô nói chuyện cháu có cảm giác ngày ấy bác và cô đẹp nhất Hà Thành này.
Anh cháu cười, còn bà
xấu hổ chống chế.
- Cô thì đẹp gì đâu!
Thấy bà cô vui vẻ,
anh cháu mạnh dạn hỏi:
- Cô ơi cho cháu tò
mò một chút, ai ngày trước mê đôi mắt của cô mà làm thơ tặng thế? Người ấy bây
giờ có còn không?
- Còn chứ. Mà nhắc lại
chuyện đó làm gì?
Đột nhiên bà tháo cặp
kính ra day day đôi mắt nhăn nheo đã bị sụp mí lờ đờ, dài dại.
- Giá mà cháu được gặp
người ấy nhỉ?
- Sao lại phải thế?
Bà đeo cặp kính lại
nhìn anh cháu vẻ tò mò.
- Để nghe họ nói chuyện
cô ạ. Cách những người ấy nói chuyện khác với bây giờ lắm.
- Ừ, mỗi một thế hệ,
một thời đại có một thứ ngôn ngữ riêng mà, cũng như cách người ta yêu nhau vậy.
Vừa lúc ấy có khách của
anh cháu đến. Tới cửa anh ta đã nói oang oang.
- Lặn đâu mà khiếp thế.
Tìm ông suốt mấy ngày hôm nay. Không tóm được ông từ hôm tôi mới ở Pháp về
chơi.
Khách cười gật đầu.
- Chào cô! - Rồi anh
ta quay sang chủ nhà thao thao. - Việc đến đít rồi mà ông vẫn còn nhẩn nhơ được.
Đã dịch xong chưa để tôi còn gửi sang cho họ?
- Còn một ít nữa. Cái
luận văn này phức tạp hơn cái trước nên phải rất thận trọng. Hẹn ông một tuần nữa.
Khách phẩy tay tỏ ý bất
mãn.
- Ông điên à? Miễn
sao nó hiểu là được. Mà làm sao hiểu được? Bàn luận với tây về văn học chiến
tranh Việt Nam khác nào gõ trống cho mấy thằng điếc nghe. Phiên phiến thôi. Bọn
nó ô kê tất ấy mà. Thôi được, một tuần nữa ông đúng hẹn cho đấy. Tôi phải biến
đây. Một thằng phun thuốc sâu hôm nay bảo vệ xong luận án chiêu đãi cả bọn,
chúng đang đợi tôi về.
Anh ta lại khẽ gật đầu
chào bà rồi xăm xăm bước ra không đợi chủ nhà ra tiễn. Anh ta đến và đi nhanh
như một làn gió tràn qua khoảng trống.
Thấy vẻ ngơ ngác của
bà cô, anh cháu phân trần.
- Anh ta nhận mấy luận
văn ở nước ngoài gửi về rồi thuê cháu dịch, đứng giữa ăn hoa hồng.
- Thế là thế nào?
- Cô không hiểu à?
Người ta ra nước ngoài làm luận văn, nhưng viết nó bằng tiếng Việt rồi sau đó mới
dịch ra tiếng nước ấy để bảo vệ.
- Thế người làm luận
văn đâu mà không làm lại gửi ngược về nước thuê dịch thế?
- Họ bận làm ăn. Thời
gian bỏ ra ngồi dịch luận văn mất của họ bao nhiêu cơ hội và tiền bạc. Sự tính
toán đơn thuần vì mục đích kinh tế ấy mà cô.
- Thật lòng cô không
hiểu? Mà sao cháu lại đi làm những việc như thế?
- Có bao nhiêu công
việc có bấy nhiêu cách làm ăn, cô không tưởng tượng được đâu. Cháu không làm
thì họ cũng thuê người khác. Với lại cháu cũng phải kiếm tiền để sống nữa chứ.
Bà lắc đầu thở dài đi
vào. Vừa tới cửa buồng cháu bà gọi giật lại.
- Cô ơi, suýt nữa
cháu quên mất. Bác kia còn dặn là tuần sau bác ấy đi xa vì có việc nhà. Hẹn cô
tuần kia bác ấy sẽ đón cô đến nhà chơi.
- Thế à!
Trên chiếc tủ cạnh đầu
giường, một bó hồng đỏ thắm cắm trong chiếc lọ sứ cao thon màu vàng nhạt. Mùi
hoa chật cả căn phòng nhỏ. Bà để giỏ mây cạnh bình hoa. Tự nhiên không gian căn
phòng bỗng đầy lên và ấm áp hẳn nhờ bức tranh tĩnh vật ấy. Bà chợt thấy lòng
mình dễ chịu trong nỗi dịu dàng khôn xiết.
Tuần đó bà dành thời
gian thăm khắp lượt bạn bè còn lại ở Hà Nội. Những buổi gặp gỡ liên hoan, dạo
chơi làm đầy những ngày rỗi rãi. Bà dành nhiều thời gian hơn cho vài người bạn
ít may mắn. Một người liệt giường từ mười năm nay sau lần chảy máu não, sống đời
sống thực vật. Bà ngồi bên, lặng ngắm nhìn bạn, cố hình dung lại vẻ yêu kiều của
một thiếu nữ chuyên làm mẫu chụp ảnh, ngày xưa trong hình hài già nua dăn dúm
đó nằm dính sát xuống chiếu mà không sao nhớ nổi. Cái đầu gần như trơ sọ, lơ
thơ vài nhúm tóc lởm chởm. Gương mặt như một cái túi da xẹp lép. Giữa bà và người
bạn thân thiết thuở nào như đang ở phía bên này và phía mặt trái bên kia của cuộc
đời. Ranh giới ràng níu giữa họ là một khoảng trống ngùn ngụt thiêu cháy thậm
chí cả những kỷ niệm êm đềm nhất. Cả vùng ký ức đã đóng băng và trên vùng băng
giá hoang vu ấy chỉ còn lại một bóng ma nhợt nhạt, bất động. Gần tới lúc ra về
bà mới chợt nhận thấy một mùi nặng nặng tỏa ra từ lớp chăn chiếu xô xát, nhàu
nhĩ mà từ lúc tới đến giờ bà đã bị vẻ mặt âm hồn trong bạn hút lấy. Ra đến cửa
nước mắt bà lã chã rơi ra không sao kìm lại được. Chiều hôm ấy bà bỏ cơm và
không sao dứt ra được tâm trạng u uất. Hôm sau nếu không vì có một cuộc hẹn có
lẽ bà còn nằm bẹp ở trong buồng.
Người hẹn bà đến ăn
cơm cũng nằm trong đám bạn học trường Đồng Khánh, ngày trước thường ríu rít bên
nhau như bà bạn kia. Bà không nhờ anh cháu đèo đi mà tự đi bộ tới. Căn nhà quá
đỗi tồi tàn và thiếu tiện nghi. Vợ chồng họ không có con. Ông chồng trước đây vốn
là thư ký cho một hãng buôn, rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Trung
Quốc nữa. Sau năm năm tư, ông là thư ký lưu dung cho một cơ quan thương nghiệp,
dưới quyền những anh chàng sơ trung cấp quen nói to đi mạnh. Ông về hưu sớm. Từ
khi về hưu ông ra ngồi góc đường Trần Hưng Đạo lấy nghề bán chữ thánh hiền làm
kế sinh nhai vì đồng lương còm cõi không đủ nuôi hai vợ chồng. Mỗi khi nhìn thấy
người quen từ xa, ông cắm mặt xuống đất hoặc giả vờ lấy tay ôm trán để che mặt.
Vài người biết điều đó nên giả bộ làm ngơ và cũng chẳng hỏi han gì. Bà vợ lấy
ông khi mới mười tám tuổi, vừa học xong tú tài, và luôn ở nhà lo cơm nước. Cách
đây ba năm ông cũng lại bị chảy máu não, bị liệt nửa thân trên, đúng phía bên
phải, cánh tay vẽ ra tiền.
- Giá mà trời thương
tôi, bắt tôi liệt nửa thân dưới thôi thì tốt hơn không? - Ông chồng khó nhọc
nói đùa với bà khi bà vừa mới tới. - Với tôi cái nửa dưới có hay không cũng được
mà.
Bà vợ lôi chiếc áo lụa
tơ tằm còn thơm mùi băng phiến ra mặc để đón bạn xa hơn bốn chục năm mới gặp lại.
Bà để ý thấy bên vai phải có một vết gián nhấm đã được mạng lại rất khéo. Nếu
không tinh ý khó mà nhận ra. Nhìn đôi vai gầy của bạn nhô hoắt sau làn áo mỏng,
ngực bà nhói lên nghèn nghẹn.
Biết bao bạn nghèo
nên trước đó bà đã đề nghị cho bà được thưởng thức món bún riêu cua. Suốt bữa
ăn họ chỉ nhắc lại chuyện cũ. Có những điều tưởng không bao giờ nhớ lại nữa, vậy
mà nó vẫn cứ nấp kín ở đâu đó, chờ làn gió ký ức nổi lên là lại tìm đường bay về,
đậu êm ả xuống tâm hồn đã nhàm tẻ, cằn cỗi vì năm tháng. Những gợi nhớ làm rơi
nước mắt tưởng đã khô cạn, làm nhòa cả cặp kính đầu như sương đọng. Mấy lần bà
gợi hỏi về đời sống của họ hiện nay nhưng cả hai đều lảng sang chuyện khác. Dường
như cảnh nghèo khó không làm họ bận tâm. Mặc dù bà biết, đêm đêm bà vợ vẫn thức
khuya ủ lạc làm phá xa để sáng ra giao sớm cho các hàng nước. Phá xa của bạn bà
tuyệt ngon nên lúc nào cũng được mời chào. Để người khác biết sự nghèo khó của
mình là một điều tệ hại. Kể lể, van xin với người khác về nỗi cơ hàn của mình
là một điều nhục nhã. Bà biết bạn thường nghĩ như vậy nhưng vẫn không sao làm
ra vẻ thờ ơ với gia cảnh của bạn được.
- Thôi cậu ạ! - Bạn
bà cười dịu buồn nói. - Thì bọn mình vẫn đang sống đấy thôi. Mà đang sống thì
có nghĩa là không chết. Chết được không đơn giản một chút nào, đúng không cậu!
Lúc ra về, vợ chồng bạn
tháo bức thư Đường do chính tay ông viết trước đây trên giấy dó tặng bà. Bà tiễn
bà ra cửa. Hai bóng già ôm nhau xiêu xiêu trong bóng đêm. Họ cười cười nhưng giọng
ai cũng nghèn nghẹn và quay mặt đi lén lau nước mắt.
Hôm sau thứ bảy, bà dậy
từ sớm tinh mơ, khi cả nhà người cháu còn đang ngủ. Bà pha một ấm trà rồi mở cửa
sổ cho làn gió sớm còn đẫm sương đêm ùa vào phòng. Thành phố đang trở mình tỉnh
giấc.
Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh. Tranh của họa sĩ Bé Ký. Photo courtesy of Phụ nữ Online. |
Những ngày qua bà
đang phải sống một lúc hai cuộc đời quá khứ và hiện tại. Gương mặt bạn bè tuổi
hoa niên nhòa nhòa ẩn hiện. Bà cố tìm những nét thân quen xưa cũ trong ánh mắt
mệt mỏi, mờ đục, nụ cười héo hắt trên cặp môi nhăn nheo, trong giọng nói như
đang dần tụt sâu vào cõi lòng mà không sao tìm được? Những hình hài trẻ trung
thân thương chìm khuất trong tấm thân già nua mệt mỏi. Dường như có mấy con người
khác nhau ở một lốt người trong suốt một chặng đời. Chúng khác nhau tới mức bà
có giác mình đang bị lừa dối. Và bà cũng đang là kẻ lừa dối đây. Không ư? Họ đã
đánh mất nhau bốn nhăm năm để khi trở về chỉ còn nhặt được từ đống tro những mẩu
vụn đã méo mó. Những kỷ niệm đang bị đánh tráo. Nhưng bà không thể trở về, cũng
không thể không gặp họ, và càng không thể không đau đớn... Vậy phải làm gì đây?
Bà thấy mình tựa như một ngọn gió thổi giữa thảo nguyên, không có gì cản trở,
nhưng cũng không có khe núi huyền bí nào mời gọi trở về phương ấy cả.
Khoảng chín giờ sáng
bà gọi điện đến nhà ông. Ông vẫn chưa về. Đúng như bà đã hình dung.
Mười lăm phút sau bà
ra khỏi nhà. Lần này bà không dạo bộ dọc theo con phố mà bảo tắc xi đỗ kề sát cổng.
Không còn nỗi xốn xang như lần trước, mà chỉ còn một nỗi buồn dịu dàng chế ngự
bà. Khuôn viên xung quanh ngôi nhà đã bị lạm dụng thê thảm. Những ngôi nhà mái
bằng con con đã được xây cất nham nhở ngỗ ngược. Thật may, khoảng trống cạnh gốc
hoàng lan thuộc quyền sử dụng của nhà ông thì vẫn giữ được nguyên, nhỏ bé thôi
nhưng dường như nó gánh trọn gánh nặng kỷ niệm của ngôi nhà.
Bà choáng váng trước
người thanh niên ra mở cửa bà. Vẫn cái dáng cao gầy thanh thoát, phong nhã, nụ
cười rộng sáng bừng gương mặt. Vẫn là hình ảnh của ông bốn nhăm năm trước...
- Mời cô vào nhà ạ! -
Anh ta nhắc lại hai lần bà mới thoát ra được nỗi mộng mị của ký ức.
Căn phòng nhỏ vẫn giữ
nguyên không khí âm u cổ kính. Bộ tràng kỷ bằng gỗ lim đen bóng giữa nhà.
- Cô là bạn của bố
cháu ngày xưa mới ở Pháp về chơi. - Bà tự giới thiệu.
- Cháu có nghe bố
cháu nói. Tiếc quá, bố cháu vẫn chưa về. Người anh họ ở trong Nam bị ốm nặng có
lẽ khó qua khỏi nên bố cháu chưa dứt ra được.
- Vậy à? Chẳng hay
ông ấy bị bệnh gì vậy?
- Bệnh già ấy mà cô!
Bác cháu ngoài tám mươi, cũng là thượng thọ rồi.
- Ừ, tuổi ấy trời gọi
đi lúc nào phải ra đi thôi.
Anh ta mang một ấm
trà và đĩa nho mời khách.
- Hình như lúc nãy cô
vừa gọi điện tới? Nghe giọng cô cháu nhận ra ngay.
- Cô gọi đấy!
- Biết bố cháu không
có nhà mà cô vẫn tới thăm, cô thật chu đáo quá!
Bà ngượng ngùng như sợ
anh ta đọc thấy ý muốn thầm kín của mình.
- Bởi cô không còn
nhiều thời gian.
Bà ôm chén trà bằng
hai tay để kể bên miệng, che khuất bớt gương mặt mỗi lúc một bối rối vì không
quen nói dối.
- Cháu là con thứ mấy
của bố cháu? - Bà chủ động hỏi chuyện để khỏa lấp lòng mình.
- Bố mẹ cháu có ba
con trai, cháu là con thứ ba cô ạ. - Rồi anh ta cười, nụ cười rộng mở. - Tam
nam bất phú. Khi có thai cháu, bố mẹ cháu cứ mơ ước cháu sẽ là gái... Cháu là kẻ
tàn phá ước mơ của bố mẹ cháu đấy.
- Cô lại chỉ có hai
con gái.
- Giá mà nhà cháu và
nhà cô san sẻ được cho nhau nhỉ? - Anh ta lại cười.
Bà nhìn đăm đắm gương
mặt anh ta rồi chợt thốt lên.
- Cháu giống bố cháu
quá.
- Bạn bố cháu ai cũng
bảo thế. Có lần bố cháu đưa bức ảnh bố cháu chụp hồi còn trẻ cho vợ cháu xem,
chính cô ấy còn lầm đấy là cháu cơ mà.
Nhưng thế cũng buồn lắm...
- Sao lại buồn? - Bà
ngạc nhiên.
- Bây giờ hàng ngày
nhìn bố cháu, cháu đã thấy trước hình ảnh của mình sau mấy chục năm nữa. Còn bố
cháu nhìn cháu mà tiếc ngày trẻ. Cả hai cảm xúc đó chẳng thích thú nỗi gì.
Bà khẽ cười, nhưng
trong lòng tràn ngập một nỗi rưng rưng tê tái. Bà cũng đã từng có ý nghĩ ấy khi
nhìn đứa con gái đầu của mình. Còn bé cũng giống như bà từ gương mặt, cho đến
dáng đi, tính tình. Bây giờ bốn mươi tuổi, con bé cũng bắt đầu có vẻ âm thầm
già nua của bà.
Trước khi ra về, bà gửi
lại tặng ông một món quà nhỏ. Một chiếc cà vạt lụa và chiếc ghim cài đựng trong
chiếc hộp da tuyệt đẹp. Còn trên tấm bưu ảnh gửi kèm theo bà ghi dòng chữ:
"Gửi lời chào từ bốn nhăm năm trước!". Tiễn bà ra cổng, anh con trai
bắt bà hứa là sẽ quay lại chơi với bố anh và gia đình một lần nữa trước khi ra
đi. Bà chỉ cười mà không trả lời.
Hôm sau bà bảo anh
cháu đèo bà đi đăng ký ngày bay trở lại Pháp. Bà quyết định trở về nhà sớm hơn
so với dự định một tuần. Cả gia đình nhà cháu nài nỉ thế nào bà cũng một mực là
còn nhiều việc đang đợi ở nhà, không yên tâm chơi thêm nữa. Bà dồn toàn bộ số
tiền còn mang theo, chia nhỏ thành phong bì có đề sẵn địa chỉ của những người bạn
khốn khó, nhờ anh cháu gần tết mang đến tận nhà họ giúp bà, coi như tiền mừng
tuổi bà gửi về biếu tặng. Bà cảm thấy mọi nỗi niềm dịu đi sau việc làm ấy, lòng
nhủ lòng, còn những việc khác thôi lần sau, lần sau...
Biết có lần sau
không, chính lòng bà cũng mịt mùng chẳng rõ nữa? Thôi thì trước lúc ra đi không
hẹn được ngày về, bà cũng còn để lại chút kỷ niệm trinh nguyên mãi. Bà chẳng phải
mang theo những vấn vương, những xót xa, những nhẫn chịu về nhau khi hai bóng
già nua soi trong đáy mắt người kia, tìm lại hình bóng thuở xưa và những nguồn
cơn bối rối thuở ban đầu của mình. Hãy cứ để những giọt mưa đọng trên tán lá
bàng đổ đầy vào hai hồ thu trong vắt biếc xanh lung linh nắng vàng mật chẳng
bao giờ khô cạn. Hãy cứ để chàng trai chèo thuyền với nụ cười rộng mở trong hồ
thu ấy mãi mãi tuổi hai mươi...
....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét