Băng tuyết mỹ nhân
Mạc Ngôn
Mạc Ngôn (sinh ngày 17 tháng 2 năm 1955) là một nhà văn người Trung Quốc xuất thân từ nông dân. Ông đã từng được thế giới biết đến với tác phẩm Cao lương đỏ đã được đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim. Bộ phim đã được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1994.
Mạc Ngôn (莫言; bính âm: Mò Yán)
(nghĩa là không nói) tên thật là Quản Mô Nghiệp (管谟业), sinh tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn
Đông, Trung Quốc.
Ông đã phải nghỉ học tiểu học giữa chừng
do Cách mạng văn hoá và phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn,
chăn dê ngoài đồng, luôn bị đói khát và cô đơn. Ông nhập ngũ năm 1976. Đến
năm 1984, ông trúng truyển vào khoa văn thuộc học viện nghệ thuật Quân Giải
phóng và tốt nghiệp năm 1986. Tháng 10 năm 1987 ông chuyển
ngành, sang hoạt động trên lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.
Năm 1981 ông bắt đầu công bố tác phẩm và đến nay, ông đã cho in 10
truyện dài, 20 truyện vừa, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký,
phóng sự, tùy bút…, tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hiện nay, ông là sáng tác viên
bậc 1 của Cục chính trị – Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông được trao giải Nobel Văn học năm
2012.
(Trích nguồn từ Wikipedia.org)
__________
Độc giả Việt Nam đã được đọc những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn: Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Báu vật của đời… Dường như ngược với lối viết tiểu thuyết rậm rạp chi tiết và nhiều yếu tố siêu thực, truyện ngắn này của ông giản dị, mạch lạc, “dễ” đọc hơn với số đông bạn đọc.
Dịch Giả: Phạm Tú Châu
Truyện ngắn
Sau khi chú tôi nghỉ hưu ở bệnh viện thành phố, ông về thị trấn mở phòng khám, chữa bệnh tư. Tôi thi rớt đại học, việc nông lại chẳng biết, ở nhà nhàn rỗi không có việc gì làm, tâm tính đâm ra bất ổn. Cha tôi thấy thế sốt ruột quá, đành mặt dày mày dạn van vỉ chú tôi, cho tôi được học việc ở phòng khám của ông.
Chú tôi vốn là thầy thuốc nông thôn kiểu “dầu cù là”. Đông y, tây y, nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, phụ khoa, phàm người nào có bệnh tìm đến, ông đều chữa tuốt. Chữa khỏi hay không đương nhiên là chuyện khác. Sau khi cải cách mở cửa, chú tôi thi vào lớp chuyên tu của Học viện quân y tỉnh học hai năm, trở về bệnh viện thành phố mặc áo choàng trắng, đi găng tay, trở thành bác sĩ ngoại khoa mổ bụng moi ruột người. Hai năm chuyên tu ở Học viện y khoa của tỉnh làm chú tôi như hổ thêm cánh, to gan lớn mật, chỉ có bệnh người ta không dám mắc chứ không có dao nào mà chú tôi không dám mổ.
° ° °
Tôi học việc với chú đã được hơn nửa
năm. Công việc chính của tôi là quét nhà, đun nước, trưa đi mua ba hộp cơm, hai
hộp mời chú thím và một hộp phần tôi. Vào mùa đông, tôi còn có thêm việc nữa là
nhóm lò. Lò để ở gian ngoài, có lắp mấy ống dẫn hơi vào phòng mổ bên trong cho ấm.
Hôm ấy tôi vừa nhóm lò xong thì thấy
con chó mực quắp đuôi, trên lưng đầy tuyết đi qua. Nó đi rất cẩn thận như sợ
đánh rơi tuyết trên lưng. Tôi vội đứng lên, lấy khăn lau cửa kính để nhìn cho
rõ con chó, thì thấy một người thiếu nữ dỏng cao từ phía sông Mã Tang đi tới.
Tôi nhận ra ngay đó là Hỉ Hỉ, một bạn học gái của tôi. Cô là con gái bà Mạnh.
Nhà bà ở ngay mặt phố, mở quán lẩu đầu cá, nên người trong thị trấn gọi bà là Mạnh
đầu cá, cô con gái cũng được gọi bằng Tiểu Mạnh đầu cá. Cô cao như mẹ nhưng
thon thả hơn nhiều, cô có đôi môi đầy đặn, tươi rói, hơi cong cong, trông thật
kiêu ngạo mà cũng thật nghịch ngợm. Tên cô là Mạnh Hỉ Hỉ.
Hồi tôi còn chơi với mấy đứa càn quấy,
tôi có đến ăn lẩu đầu cá ở hàng bà Mạnh, nhưng mỗi khi tôi trông thấy Mạnh Hỉ Hỉ
từ xa là lòng tôi lại đau nhói. Cô đang bị đám bạn mất dạy của tôi vây quanh,
chúng động chạm chân tay vào thân hình xinh đẹp của cô mà cô chẳng hề bực tức.
Sau đó tôi thường tìm cớ gây sự, đánh nhau với bọn chúng, và mặc dù chúng còn
nhẹ tay nhưng đã đủ làm tôi xưng vếu mặt mũi. Một lần tôi lấy lá bạc hà che cái
mũi bị sưng tím từ bờ sông đi về thì vừa hay gặp Hỉ Hỉ. Tay cô dương chiếc dù
màu sáng, trên người mặc áo mỏng tang như cánh ve, bên dưới là chiếc váy da ngắn
cũn, tay bôi móng đỏ chót, móng chân cũng đỏ như vậy, cổ tay đeo dây chuyền vàng,
cổ chân cũng đeo dây chuyền vàng, rõ ra vẻ của loại “bán cái ấy”. Cô mỉm cười hỏi
tôi, hàm răng như trắng bóng hơn: – Sao bạn lại ra nông nỗi này?
Tôi nhổ một bãi nước bọt xuống đất
trước chân cô, quay người đi luôn. Trực giác cho tôi biết Hỉ Hỉ còn đứng đó
nhìn theo nhưng tôi không ngoảnh đầu lại, tôi không hiểu vì sao nước mắt đã
lưng tròng…
Lúc này tôi lại nhớ đến cha tôi. Khi
ông nghe người ta bàn tán về chuyện phát tài của gia đình cô, cha tôi nói: “Phải
tích đức cho cái mồm chứ! Người ta mẹ goá, con côi, mà mở được cửa hàng lớn.
Các người không thích người ta phát tài, thế người ta chống gậy đi ăn mày thì
các người mới hả lòng hả dạ hay sao?”.
Tôi biết cha tôi nói đúng nhưng hễ cứ
nghĩ tới cái dáng phong lưu của Hỉ Hỉ thì trong lòng tôi lại như có lửa đốt.
Tôi thường vén đùi tự chửi rủa: “Hỉ Hỉ là vợ, là chị của mày à? Đã chẳng phải vợ,
chẳng phải chị em, mày có tư cách gì để quản người ta?”. Sau khi học việc với
chú, tôi không nghĩ nhiều đến cô nữa. Có nghĩ đến chỉ hơi buồn chứ không còn cảm
giác muốn chết như trước.
° ° °
Nhìn Hỉ Hỉ từ phía sông Mã Tang thong
thả bước tới thì tôi cảm thấy có chuyện lạ. Trước hết là cô xuất hiện ở chỗ
không cần xuất hiện – cửa hàng lẩu cá của nhà cô cách phòng khám bệnh của chú
tôi rất xa, không cần tới rửa cá ở con sông trước cửa phòng khám bệnh, hai là
tôi vừa nghĩ tới Hỉ Hỉ thì cô đi tới. Tôi không thể xác định cô đi đâu.Ở đầu đằng
đông thị trấn mới mở một khách sạn tắm nước nóng. Người đến khám bệnh nói nơi ấy
rất tập nập, nhiều đại gia các tỉnh khác đến đấy thả hồn, lẽ nào Hỉ Hỉ cũng đến
đấy “làm ăn” với các đại gia? Tôi thấy tim đau nhói. Hỉ Hỉ đang đi đến gần hơn,
tôi mong chỉ nháy mắt cô sẽ đi qua phòng khám bệnh. Tôi biết khi tôi nhìn bóng
dáng cô mờ dần trong tuyết bay, tôi sẽ càng đau khổ hơn nữa, song tôi vẫn muốn
cô đừng gõ cửa phòng khám rồi bước vào. Tôi đang nghĩ ngợi lung tung đến ứa nước
mắt, cô đã đến trước cửa phòng khám. Một phút, hai phút rồi ba phút… Trời ơi,
thế ra cô dừng lại ở trước cửa phòng khám hay sao? Nghe thấy tiếng gõ cửa khe
khẽ, tôi nhảy bổ ra cửa, giật mạnh. Một luồng khí lạnh tươi mới ùa vào mang
theo cả mùi nước hoa của cô – thứ nước hoa hồi còn học chung lớp, đã quen thuộc
với tôi.
– Bác sĩ Quản có nhà không? – Cô gật
đầu với tôi, dịu dàng hỏi.
– Không… nhưng chú tôi về ngay bây giờ.
Cô cụp ô, giẫm chân mấy cái cho tuyết
rơi, cởi áo khoác da dê đắt tiền khoác vào tay rồi ôm chặt trước ngực như sợ ai
lấy mất. Giọng cô khàn khàn, mặt cô trắng bệch, trán đẫm mồ hôi. Tôi vội hỏi:
– Bạn ốm đấy hả?
– Không sao…
Vừa lúc ấy, chú tím tôi bước vào. Hỉ
Hỉ ôm áo lông đứng lên chào. Chú tôi chỉ “hừ” một tiếng, không thèm nhìn, còn
thím tôi thì nhìn cô như thể mẹ chồng xoi mói, muốn tìm một lỗi gì đó ở con
dâu. Bà mát mẻ:
– Thì ra là Mạnh tiểu thư, khách hiếm
tới phòng này. Sao thế, cô đau ở đâu? Mời ngồi, mời ngồi!
Mạnh Hỉ Hỉ ngồi xuống ghế, ngượng ngịu,
vẻ mặt càng khó coi hơn, trán vẫn đổ mồ hôi. Hai mép vốn cong lên, bây giờ quặp
xuống, hình thành nếp nhăn, chạy mãi xuống tới cằm.
– Đau ở đâu – chú tôi hỏi.
Hỉ Hỉ nhích ghế ngồi đối diện với chú
tôi, môi run run toan nói thì cửa bỗng bị tông bật ra, một bà béo mặc áo đen
lăn vào như một quả bom:
– Mẹ tôi nguy lắm… Vừa nôn vừa đau bụng,
ngất đi rồi, thế mà hai ông con trai cứ mặc kệ… Mời bác sĩ…
Lúc ấy ngoài đường có tiếng đàn bà
kêu: “Đau quá, chết mất thôi…”, rồi thấy hai người đàn ông dùng cánh cửa cáng bệnh
nhân vào. Chú tôi đưa tay nắn chỗ da bụng đã phát đen của bà ta, nói:
– Viêm ruột thừa có mủ rồi, phải mổ
thôi.
– Hết bao nhiêu?
– Năm trăm!
– Xin bác sĩ chữa cho. Hai em trai
tôi không trả thì tôi trả – Người đàn bà béo nói.
Lát sau trong phòng mổ có tiếng bệnh
nhân kêu ré như lợn, rồi im lặng, chỉ có tiếng dao kéo va vào nhau lanh canh.
Tôi biết chú tôi đang căng thẳng thần kinh, tập trung vào ca mổ.
Ởngoài này, mồ hôi trên trán Hỉ Hỉ chảy
thành dòng, vẻ mặt tỏ ra đau đớn. Cô vẫn ngồi thẳng, chỉ có hai tay không ngừng
động đậy, lúc nắm chặt vạt áo lông, lúc buông ra. Tôi quan tâm hỏi:
– Bạn đau lắm à?
Cô gật đầu rồi lại lắc. Mắt cô đẫm nước
mắt khiến tôi cũng ứa lệ theo. Chợt cô run run nói:
– Nhờ bạn hé cửa… hé cửa giùm…
Tôi giật cửa, hoa tuyết ùa vào, mấy
người nhà bệnh nhân viêm ruột thừa kêu ầm lên.
Sau này nghĩ lại, tôi bảo đúng là có
số. Khi chú tôi mở cửa phòng mổ, vứt chuẩn xác đôi găng tay vấy máu vào bồn nước,
bảo người nhà bệnh nhân cáng bà ta về thì một người đàn ông nữa như con nhặng mất
đầu xô cửa xông vào. Hai tay ông bưng lấy mặt. Máu rỉ qua kẽ tay nhưng tôi cũng
nhận ra là Mã Khuê, người chuyên nghiệp làm pháo hoa ở đầu trấn đằng tây.
– Xui xẻo quá, định nhân ngày tuyết
rơi thử làm pháo nổ đôi, không ngờ… Bác sĩ ơi, cứu tôi với…
– Đáng đời! – Chú tôi bực mình nói –
Sao nó không nổ cho đứt luôn đầu ông đi?
– Cứu tôi với… Tôi còn mẹ già tám
mươi tuổi… – Mã Khuê kêu khóc.
Thím tôi dìu Mã Khuê vào phòng mổ,
chú tôi cũng bỏ mặc Hỉ Hỉ ngồi đấy, không thèm gật đầu với cô một cái. Tôi rất
không bằng lòng với chú, cảm thấy ông cố tình bỏ rơi Hỉ Hỉ. Dựa vào tay nghề và
kinh nghiệm, chú có thể chẩn đoán bệnh cho Hỉ Hỉ xen giữa hai ca mổ ấy.
Có lẽ Hỉ Hỉ nhận ra vẻ bất mãn của
tôi nên khi tôi lấy làm tiếc nhìn cô thì cô khe khẽ lắc đầu. Trong phòng mổ lại
vang lên tiếng kêu gào và tiếng quát mắng. Đã gần mười hai giờ trưa, đến giờ
tôi đi mua cơm hộp, nhưng tôi không thấy đói, chỉ thấy ruột rối như canh hẹ.
Tôi hỏi Hỉ Hỉ: “Tôi đi mua cơm cho bạn ăn nhé?”.
Cô nhè nhẹ lắc đầu. Tôi thây lúc này
trán cô không túa mồ hôi nữa nhưng mặt đã chuyển sang màu nghệ, môi đã tím tái,
cả đôi mắt vốn long lanh của cô cũng phủ một lớp mây đen. Trong ký ức của tôi,
cô luôn sống động, tươi cười hớn hở, tiếng nói trong trẻo, tiếng cười ròn rã,
còn bây giờ…, chỉ cách hôm tôi nhổ nước bọt trước chân cô chưa tới nửa năm.
Không biết tuyết bên ngoài ngừng rơi
từ lúc nào, gió cũng dịu đi. Một tia nắng ló ra khỏi đám mây đen, đám tuyết phủ
đầy mặt đất phản xạ lại màu sáng trắng. Tôi bảo Hỉ Hỉ: “Tuyết ngừng rơi, nắng
lên rồi kìa!”.
Cô không gật đầu mà cũng không lắc,
càng không đáp lời tôi. Bỗng dưng tôi phát hiện, chỉ trong giây phút thôi, mặt
cô trắng bệch ra như sáp. Mi mắt cũng sụp xuống, lông mi dài dường như chạm cả
vào da dưới mắt. Tôi giật nẩy người, lớn tiếng gọi tên cô: “Hỉ Hỉ!”.
Cô không có phản ứng gì, tôi chồm tới
lay vai cô. Dường như cô thở hắt ra, đầu bỗng ngật sang một bên.
– Chú ơi! – Tôi đập cửa phòng mổ –
Chú ơi!
– Làm gì mà kêu toáng lên thế?
– Hình như Mạnh Hỉ Hỉ chết… chết rồi!
Chú tôi nhanh nhẹn không ngờ, nhào
ra. Chú tiêm thuốc trợ tim, chú nắm tay lại ấn mạnh xuống vùng tim, chút giật
bóng đèn đi, lấy đầu dây điện gí vào vùng tim của Hỉ Hỉ rồi mặt đầy mồ hôi, chú
thất vọng đứng lên.
Đồng tử của Hỉ Hỉ đã dãn.
Thím tôi hấp tấp nói:
– Mình chẳng có trách nhiệm gì cả!
Chú tôi lườm thím một cái, nói:
– Thôi câm mẹ mồm đi!
.
(Nguồn: vietmessenger.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét