Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

2. Sợi lông nách của hành tinh xanh

Tôi nhận ra, ngoài tính cách phóng khoáng, đời sống sinh hoạt của cư dân đầu sông và cuối sông Mekong cũng bao phần giống nhau. Điệu hát của người Tạng chon von núi non, chỉ một âm tiết cũng đủ ngân dài mấy núi. Giọng ca tài tử người Nam Bộ lãng du sông nước, vài tiết điệu buồn dâng lên là biển cả thấy mênh mông. Và kiểu cách ăn ở, người Cửu Long giản đơn vài ba mái chòi, một chiếc màn rộng của mẹ là căng đủ giấc ngủ cho mấy chục cháu con say sưa giống túp lều vải đơn sơ hay mái nhà đất mộc người Tạng che chở cho núi ngủ người say. Rồi rượu! Gái trai Tây Tạng ngấm rượu Tsampa từ thuở da thịt chưa rám nắng thì miền Cửu Long, gái trai cũng chẳng nề hà hơi men!

TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG 

2. Sợi lông nách của hành tinh xanh

Văn Cầm Hải

Rằng tin, tên tuổi là nơi trú ẩn danh tính của một đời người thì kể từ lúc nhận tấm giấy thông hành đặc biệt của cơ quan an ninh Trung Quốc vào rạng sáng ngày 18 tháng 9 năm 2003, nơi chốn nương thân gần 30 năm của đời tôi đã thay đổi!

Bâng khuâng.

Tôi

Tia nắng non ngoi lên

Nét chữ khiêu vũ

Từng dây lửa réo rắt tấm giấy thông hành.

Tên tuổi mình mà cứ ngờ cầm một cuộc đời khác lạ nào đó vừa rơi qua tay!

Đây là lần đầu tiên, tôi không thể đọc tên tuổi mình trong dòng chữ múa lượn ánh lửa mang dáng hình “văn sấm” thời Ngưỡng Thiều Trung Quốc hoà quyện với điệu “brahmi” Ấn Độ cổ xưa.

Trong khói sương mịt mùng bình minh Thành Đô, tôi ngắm nhìn tấm giấy thông hành và thầm đoán, dòng chữ mềm ánh lửa, buông thả nhưng không mất vẻ bí ẩn, chuyển thức tâm trạng theo đường nét tuỳ hứng khi đang chuẩn chu bỗng nhiên sổ dài sâu thẳm rồi đột ngột móc lên cao vời khó lường, ắt hẳn phải sinh từ vùng đất giàu ánh sáng và tự do!

Các vị tu sĩ đang dìu bà già gần 100 tuổi lên núi Hồng Sơn

Bỏ lại Thành Đô và ngôi mộ Lưu Bị đượm màu khói súng thuở ba quân chống Tào còn hận đắm thời gian, tôi bay lên Himalaya nắng tuyết. Càng tươi bay lên cao nắng càng hưng phấn ánh mắt. Một buổi sáng chưa đầy mà tôi đã bay qua hai sắc màu thế giới sương mù Thành Đô và ánh sáng Himalaya.

Quả nhiên, miền đất nằm giữa vòng tay Trung Quốc và Ấn Độ, nơi sinh ra dòng chữ lửa khiêu vũ kia thật là phì nhiêu ánh sáng, ngay cả trong giấc ngủ, những đường mơ vẫn lung linh nắng vàng. Thế giới chỉ có một miền đất diệu kỳ như vậy, đó chính là Tây Tạng!

Có lẽ, sự ám ảnh sâu sắc với dòng chảy của ánh sáng lượn quanh co trên những đỉnh núi tuyết đã trở thành dòng chữ qua mười ngón tay người. Tôi nhìn tấm giấy thông hành, tên tuổi hoa mắt tôi. Chữ không còn là chữ. Chữ bây giờ là lửa thắp lên cơn say nồng nàn. Bằng tâm thế của miền mưa bụi bên bờ biển Đông, tôi bắt đầu tan chảy trong nguồn sáng Himalaya!

Himalaya!

Nhờ say, nhân loại vượt ra ngoài trạng thái bình thường! Tôi không có rượu để say, chỉ có ánh nắng tràn đầy huyết quản. Tôi uống ánh sáng, uống rồi lại uống, như người Tạng nói, rồi uống nữa cho đến khi ngã xuống đất, lại đứng lên, lại bắt đầu uống nữa, tôi dường như thoát khỏi vòng luân hồi.

Được nuôi dưỡng trong nguồn sáng Himalaya, Tây Tạng không bao giờ thiếu vắng ánh nắng. Nắng chiêu đãi cả những gốc cây cọng cỏ, nắng trải thảm trên hàng mi, nắng hoen men môi má, nắng bao dung cử chỉ nhưng tôi không cảm thấy mệt lòng vì sự tù túng, ngược lại trong nguồn sáng bao la của nắng, lần đầu tiên tôi nhìn thấy vẻ đẹp kịch tính con người nguyên thuỷ trong một thế giới phi hình thể. Mọi khái niệm và cảm giác bỗng nhiên tan biến nhường lại cho đôi mắt tha hồ say ánh nhìn tự do!

Khi đã say ánh sáng, làm sao tôi có thể nhớ nỗi mình là là một thực thể cơm gạo bao năm.

Rượu say, da thịt còn tỉ tê cơn lịm ngủ. Say ánh sáng, càng say càng tỉnh táo. Cả thân hình rực rỡ với hàng tỷ tế bào lung linh mọi điểm nhìn, dẫu có dấu kín từ muôn kiếp cũng hiện về trong veo!

Trời Tây Tạng vào thu nhưng không nhu mì mà tươi xanh màu mắt con gái đêm đầu tiên dậy thì. Bởi trên ngôi cao mặt trời có ngủ quên sau mây thì dãy Himalaya với những ngọn núi như bầy vú linh lang, căng đầy hàng triệu năm ánh sáng và băng tuyết đủ tiết ra nguồn sáng tràn trề không gian.

Đó là lý do, vì sao người Tây Tạng kính núi. Núi không chỉ là con đường dẫn lên chốn thần thánh ngụ cư, núi còn có linh hồn! Rigonlanxi! Núi có linh hồn. Núi là người Mẹ sinh nở nguồn năng lượng hữu hình và vô hình cho tự nhiên dồi dào muôn màu số phận.

Ngày thơ ấu, theo chân Mẹ qua núi. Một mình mẹ cặm cụi nhát cuốc. Một mình tôi chín tuổi thơ trong lửa muộn rừng chiều Trường Sơn. Mẹ chẳng giống núi. Mẹ gầy yếu giọt mồ hôi. Núi đồ sộ hơn chuyện cổ tích. Nhưng mẹ bảo, con hư hay ngoan cũng là con của mẹ như núi kia đêm qua sinh mầm xanh thì sáng nay nhận lá vàng. Như núi kia che chở tiếng côn trùng mưa rơi nhưng không ngần ngại tiếng gầm mãnh thú. Núi sinh ra sông nhưng chẳng buồn giận đại dương lấy hết nguồn nước bởi tất cả là con của núi!

Tuổi thơ tôi không hiểu lời mẹ nhưng dần theo tháng năm, tấm tình sẻ chia với núi lớn dần lên bước chân. Mỗi khi viếng mộ tổ tiên, nhìn núi, lòng tôi bỗng phiêu linh tương lai quê nhà. Vậy thì có gì đâu mà sợ núi, có gì đâu yếu vía mong bóng núi trùm lên bóng mình mới cảm hứng được tâm thức thiêng liêng.

Núi đã có linh hồn thì có sự chia sẻ và đương nhiên núi cũng đầy số phận lạ lùng!

Kailâsa là một số phận lạ lùng và linh thiêng nhất trên rặng Hymalaya. Khi thế giới còn côi cút tâm linh, người Ấn độ ví Kailâsa là trục vũ trụ với tên gọi Tu-di hay Meru. Tu-di là ngôi nhà của thần Shiva, và con người, một hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ nên Tu-di biểu tượng cho cột xương sống dựng nên sự sống thân thể. Rồi đến Phật ra đời, Kailâsa là một đàn tràng linh phù mandala của các vị Thiền Phật.

Dòng sông Yarlung Tsangpo

Trong lòng dân Tây Tạng, trung tâm của Nam thiện bộ châu - thế giới loài người nằm ở Kailâsa giống hình ảnh ngọn núi Olympe trong mắt văn minh Địa Trung Hải và ngọn núi Qaf của đạo Hồi Trung Đông dẫu Kailâsa không phải là ngọn núi cao nhất trên Himalaya.

Qomolangma cao 8848,13 mét. Kailâsa cao 6.666 mét. Sau lần dịch chuyển thứ nhất làm nên cơn hồng thuỷ, bầu trời và cây cối tuyền màu đỏ ối, theo tiên đoán của Ernest Muldachev, đúng 6666 năm sau, trái đất lại lâm vào đại nạn, bầu trời và cảnh vật chuyển sang màu xanh thẩm lá cây khi trục trái đất dịch chuyển về Kailâsa! Không biết lúc ấy ai sẽ là Noeh hay tất cả nhân loại đã yên bình trên sao Hoả - nơi người Mỹ tin rằng có hoạt chất kết tinh và khoáng chất sắt thường sinh ra từ nước như bằng chứng về sự sống từng hiện hữu, có thể cho con người lưu trú trong tương lai! Không biết ngày nào sẽ diễn ra cuộc hoán chuyển kinh hoàng ấy nhưng ngay từ bây giờ, bất cứ lúc nào nếu ta có một chiếc compa khổng lồ đặt ở cực bắc trái đất, mở rộng 60 độ, đầu còn lại của compa sẽ điểm ngay vào đỉnh Kailâsa!

Thôi thì tương lai hãy còn đó 4662 năm nữa cho các chà khoa học mặc sức suy đoán và chiêm nghiệm còn tôi, một bình thường trời xanh quyết liệt tin vào sự linh thiêng của tạo hoá, tôi chỉ biết bao nhiêu ngàn năm qua Kailâsa có một số phận quá đỗi linh thiêng khi được trao quyền làm Mẹ năm nguồn nước vĩ đại. Băng tuyết giao hoan cùng ánh sáng sinh ra nguồn nước chảy xuống hồ Manasarovar. Sau khi chảy bảy vòng quanh ngọn Kailâsa theo lễ pradaksina - đi vòng quanh đền thờ của người Tây Tạng, nguồn nước toả thành năm dòng sông. Trong đó có bốn dòng sông mang tên bốn loài thú thiêng Phật cưỡi trên toà sen. Sông Sutlej xuất phát từ phía Tây, Tạng ngữ gọi là Langschen - Khambad “chảy từ miệng voi” hợp lưu cùng sông Indus ở phía Bắc là Senge - Khambad “chảy từ miệng sư tử” tạo thành dòng sông Ấn cuộn về biển ả rập. Sông Karnali ra đi phía bình nguyên Gogra là Magtscha- Khambad “chảy từ miệng chim công” bay tới Patna gặp sông Hằng thiêng liêng. Phía Đông, sông Brahmaputra là Tantschog-Khambad “chảy từ hàm ngựa” phi qua 2057 km, lúc ngược lên cao 4500m, khi xoáy sâu gần 5500  m, dòng sông như vũ điệu hoành tráng của thiên nhiên ban tặng cho miền đất Tây Tạng.

Sông Brahmaputra, dòng sông cao nhất thế giới, cũng có tên gọi Yarlung Tsangpo chính là dòng nước chấp chới đàn bướm ánh sáng đang rập rờn chảy qua trước mắt tôi.

Dòng sông cũng như một khái niệm triết học. Nhờ sông, trẻ thơ được trở mình lớn dậy và người già lại hồn nhiên trở về những ngày tinh khiết khi tâm linh chưa hề nhám bụi trần ai.

Và tôi, một tế bào nhẹ nhàng hơn hư không đứng say mình bên dòng Yarlung Tsangpo chợt thấy nơi này, trên đỉnh cao thế giới, lòng hoài nghi của ý thức, sự thê thảm đến tận cùng thân xác hay niềm hứng khởi tâm linh cũng trở nên: mờ bay từng sợi không khí.

Trong ánh mắt say ánh sáng, dòng sông Yarlung Tsangpo làm tôi nhớ sợi lông nách người thiếu nữ Digan nuôi dưỡng một đời, xanh biếc, mơ màng và lao xao trên da thịt âm thầm.

Đêm mùa đông Bruxelles, trong căn lều lang thang, Nilavek hồn nhiên khoe áo, xoa nước thơm lên tay, vuốt nhẹ từng sợi lông nách bằng thái độ một người nông phu tận tuỵ với cây lúa.

-  Em người Digan, em không có dòng sông nào nên rất yêu những sợi lông nách của mình! - Năm ngón tay búp măng màu tuyết xứ Nga trong nách Nilavek đâm chồi lên tôi - Khi nhìn những sợi lông nách là thấy những dòng sông, tuy nhỏ nhoi nhưng không ngừng vươn lên của thân xác!

Yarlung Tsangpo, Trường giang, Hoàng Hà và còn biết bao dòng sông thế giới đều bắt nguồn từ trong đất đá, thoát thai từ những nơi bí hiểm nhất của núi non trên cao thượng giới, nó cũng như sợi lông được sinh thành từ nách ngực, kề bên trái tim cao quý con người.

Sợi lông nách Yarlung Tsangpo không nâu đen màu đêm Bruxelles trong nách người con gái Digan. Sợi lông nách Yarlung Tsangpo là dòng ánh sáng của Tây Tạng. Núi điệp trùng dựng lên mê cung nhưng dòng sông vẫn di ảo theo đường vận hành ánh sáng trở ra với biển, không khác gì sợi chỉ người con gái của Minos trao cho Thésée ra khỏi mê hồn trận sau khi giết quái vật Minotaure.

Dòng sông ánh sáng Yarlung Tsangpo

Di ảo là đức tính của sông! Yarlung Tsangpo! Bốn mươi triệu năm cũng chỉ là thoáng chốc mơ hồ. Thoáng chốc mơ hồ cũng là chuỗi dài bốn mươi triệu năm cho tôi hái lượm bao nhiêu mơ ước, ý niệm và hành động, sinh tử nối tiếp nhau theo từng bước chảy. Sông chảy dưới lòng đất, sông chảy trên trời cao, sông chảy vào lòng người, sông nhắc nhớ cho tôi hay rằng, tất cả mọi hình hài vũ trụ đều thoát thai và sẽ trở về với nước, nữ chúa của những điều kỳ diệu mà không cần bất kỳ một thứ ngôn ngữ nào giải thích.

Vì không giải thích nên vào năm 313 trước công nguyên, khi vượt qua dãy núi Himalaya, vị vương tử giang hồ của triều đại Chandragupta Maurya ở Ấn Độ đã chỉ tay lên trời thay cho câu trả lời từ đâu đến trước ánh mắt thăm hỏi của người dân Tây Tạng. Không ngờ, cử chỉ bất đồng ngôn ngữ ấy đã làm cho người Tây Tạng nghĩ rằng ông là người của trời nên được tôn vinh lên làm vua. Đó chính là Nyatri Tsenpo - vị vua đầu tiên xứ Tạng như ý trời mong muốn ông đưa văn minh Ấn độ vào khai sáng Tây Tạng với sự khởi đầu là xây dựng kinh thành ở thung lũng Yarlung bên dòng Tsangpo có độ cao ba ngàn bảy trăm mét!

Bởi chỉ đứng dưới thung lũng, nhà vua mới được tiếp nhận dòng nước trên cao đổ xuống hang sâu thiên hạ, chứa đầy cảm nhận sức mạnh siêu nghiệm lan tràn trong trung gian trời đất! Tôi nghĩ, chính kẻ giang hồ trong thiên hạ, yêu tự do như yêu cảm xúc huyền bí mới được hưởng ân sủng trời ban như vậy! Tiếc thay, dòng Yarlung Tsangpo vẫn còn chảy đó nhưng nhân loại ngày càng vơi bóng giang hồ trên mặt đất. Dù kính trọng giang hồ mà lòng sợ hãi sự đau khổ, không cảm ơn đau khổ thì làm sao trở thành giang hồ như người Tây Tạng nói Trotung tro ma tung na, Gesar ge mi sar - nếu Trotung không mưu ma quỷ quyệt thì Gesar đã không trở thành anh hùng! Cái anh hùng của Tây Tạng thể hiện ở tinh thần chiến sỹ tâm linh chứ không phải là tinh thần chiến sỹ trên sa trường!

Với tinh thần chiến sỹ tâm linh nên Nyatri Tsenpo, khi chết đã theo một sợi dây lên trời, sáu đời vua hậu duệ của ngài cũng được sợi dây ấy đưa lên cõi trời. Sợi dây ấy phải chăng là Yarlung Tsangpo! Dòng sông chảy vào lòng Nyatri Tsenpo sức mạnh nghiệp đế và cho ông một khả năng siêu thoát lên cõi Nirvâna-Niết Bàn!

Tsangpo vẫn mặc nhiên dòng chảy không trả lời tôi. Nyatri Tsenpo và bao nhiêu nấm mồ con cháu ngài cũng im lìm trong thung lũng Yarlung. Nhưng tôi tin, bên dòng sông, cũng như tôi bây giờ, truyền thuyết Nyatri Tsenpo không bao giờ mọc cỏ dại, linh hồn chiến sỹ tâm linh ấy đang soi mình đâu đó dưới bóng Yang vàng. Từ dòng sông này ông đã ra đi thì nhất định ông cũng sẽ trở về như mọi vật sinh ra và quay về với ân huệ trời ban.

Trời ban cho Nyatri Tsenpo cao nguyên Tây Tạng hùng vĩ và trời ban cho tôi được sống với nhiều dòng sông rạt rào ký ức như tiếng đàn của người bạn Casanova hát rong lòng đất Paris, dưới dòng chảy sông Seine! Vient la nuit sonne lõheure... les jours sõen vont je demeure.... Những câu thơ Appollinaire bước say trên cầu Mirabeau đêm nào rơi rớt bay về từng giọng sóng Yarlung Tsangpo. Casanova! Đêm đến giờ đổ, ngày trôi qua, tuần trôi qua, cùng những mối tình xưa không trở lại nhưng tôi vẫn còn đây, Yarlung Tsangpo miệt mài chảy! Chảy tôi đi từ sông Seine qua sông Mass, ngắm bầy chim mòng biển bơ vơ hải cảng Rotterdam thương dáng hình Muhammad Khan và Mary lưu lạc quê hương. Palestine, quê nhà của Khan cũng có dòng sông vũ trụ, dòng Jourdain linh thiêng sao không mang lại ân huệ cho đôi vợ chồng Palestine-Israel để họ phải chia lìa, không dừng bước lưu vong đầy máu và nước mắt. Không biết bao giờ, tôi sẽ trở lại dòng sông Maas, thu lu khói thuốc trước cửa biển rộng, nghe tiếng còi tàu muôn phương ghé lại lọc rửa một âm thanh quê nhà cho tôi, cho Khan và Mery, những người bạn Trung Đông không chốn nương thân!

Nhớ con sông thứ năm chảy ra từ nguồn nước ngọn núi thiêng Kailâsa! Sông Langcang - sông Lan Thương, sông dài 4220 km không chảy ra từ miệng một linh vật nào cả nhưng sức mạnh của nó không kém Yarlung Tsangpo. Trong lòng nó vẫn dồi dào sức mạnh của mẹ núi Himalaya truyền chảy qua Miến Điện, Thái Lan, Lào, Căm Pu Chia và cuối cùng biến thành chín con rồng cuốn nước ra biển Đông. Đó là dòng sông Mè Khoỏng-sông Mẹ theo tiếng Lào, người Việt đọc là Mê Kông. Chín dòng nước chảy ra biển Đông là Cửu Long giang miền Tây Nam Bộ hào sản.

Chân dung Văn Cầm Hải bên dòng Yarlung Tsangpo

Ngày đặt chân đến mũi Cà Mau, nhìn lớp phù sa mỡ màng tấm lưng trần châu thổ, cứ một đêm theo sông đẩy sóng ra đại dương cho đất nước rộng mở, tôi không hề hay có một ngày sẽ lên thăm tổ tiên của những hạt phù sa ấy và thấy rằng, trong tính cách phóng khoáng của hạt lúa miền Nam quê hương có mầm uy nguy chắt chiu hàng triệu năm ánh sáng của những đỉnh núi tuyết đang huyền thoại trước mắt tôi!

Không có sức mạnh của người mẹ Himalaya, làm sao Mê Kông chuyển về Cửu Long 100 triệu tấn phù sa/năm với tốc độ 34.000 mét khối/giây! Tôi là ai trong khoảng khắc trong 34.0000 m3/giây ấy. Liệu từng sátna đời tôi có chuyển tải một hạt phù sa nào về khoả lấp vết thương do lưỡi kiếm Lửa Sadet bỏ lại dưới đáy sâu Cửu Long.

Tôi nhận ra, ngoài tính cách phóng khoáng, đời sống sinh hoạt của cư dân đầu sông và cuối sông Mekong cũng bao phần giống nhau. Điệu hát của người Tạng chon von núi non, chỉ một âm tiết cũng đủ ngân dài mấy núi. Giọng ca tài tử người Nam Bộ lãng du sông nước, vài tiết điệu buồn dâng lên là biển cả thấy mênh mông. Và kiểu cách ăn ở, người Cửu Long giản đơn vài ba mái chòi, một chiếc màn rộng của mẹ là căng đủ giấc ngủ cho mấy chục cháu con say sưa giống túp lều vải đơn sơ hay mái nhà đất mộc người Tạng che chở cho núi ngủ người say. Rồi rượu! Gái trai Tây Tạng ngấm rượu Tsampa từ thuở da thịt chưa rám nắng thì miền Cửu Long, gái trai cũng chẳng nề hà hơi men!

Bao nhiêu năm rồi loanh quanh bóng mình! Tiếng hát của Thảo tặng tôi đêm rượu Hậu Giang vang lên trời Tây Tạng một bóng hình quê nhà cô đơn bên dòng Nhật Lệ trong buổi sáng mai tiển đưa linh hồn chết trong làng qua sông sang núi. Chiếc bóng của những ngày rong chơi đốt nhà hàng xóm chuốc lấy tiếng khóc ngộ dại thả dọc triền sông quê chảy dưới núi Thần Đinh - ngọn núi duy nhất nước Việt chảy ngược về phía Bắc - bây giờ là tôi thả dọc tâm linh bên dòng sông Yarlung Tsangpo.

Nhờ dòng sông này tôi sẽ quên chiếc bóng của mình hay lại rơi vào thế giới ma quỷ bởi dòng sông này có ẩn chứa hai nguồn nước chảy từ hồ Manasarovar hình tròn mặt trời biểu tượng cho manas xứ sở của ánh sáng giác ngộ và Rakastal hình lưỡi liềm mặt trăng là rakas, ứng với cõi vô minh nằm dưới ngọn Kailâsa! Hai hồ nước mặt trời và mặt trăng này giống hai nguồn năng lực chảy dọc hai bên phải trái cột sống hợp thành nguồn lực trung tâm đưa con người đến cõi đại toàn thiện. Cầu mong cho tôi được thanh lọc trong nguồn nước Manasarovar như hoàng hậu Maya, đêm mơ được nhúng vào hồ, tẩy rửa mọi ô nhiễm để chào đón vị Phật tương lai bước vào trú thân trong tử cung của bà dưới dạng một con voi trắng.

Người ta bảo Yarlung Tsangpo và dòng Indus là vòng tay mở rộng ôm lấy Himalaya và bán đảo Ấn Độ. Ngọn Kailâsa, đứng độc lập giữa miền cao nguyên, là đỉnh trời linh thiêng song song với ngọn tháp chín tầng Kõouen louen, nơi sinh ra Dương Tử, Hoàng Hà. Kailâsa và Kõouen Louen là hai đầu tao nôi ru cao nguyên Tây Tạng bay lên bát ngát trời xanh huyền bí bằng tiếng hát văn hoá của những dòng sông nối liền Trung Quốc và Ấn Độ.

Một góc nhìn Potala 

Nhưng tại sao, có những đứa con sinh ra trong chiếc nôi ấy lại bỏ đi như 2.500 trước thái tử Siddhartha bỏ lại hoàng cung trong đêm vắng ra đi!

Mười thế kỷ trôi qua, chưa một lần nào tổ tiên Nilavek trở về thăm cố hương miền châu thổ sông Hằng. Nilavek, hôm nay tôi ngồi đây trên đất đầu nguồn sông Hằng và nhớ bạn, chiếc lông nách lang thang.

Từ kẻ có quê thành kẻ vô quê, Nilavek từng nói với tôi, nơi nào cũng là đất đai của tạo hoá thì con người làm gì có quyền sở hữu vì vậy nơi nào cũng là quê hương của người Digan. Tổ tiên Nilavek không chỉ có sợi lông nách sông Hằng mà tất cả mọi dòng sông trên thế giới đều là lông nách người Digan. Cũng giống đất, không sở hữu dòng sông nên người Digan có quyền gọi dòng sông nào cũng là của mình! Người Digan không muốn ràng buộc bất cứ điều gì!

Nilavek! Sau bao ngày chia tay, hôm nay, trước dòng sông Yarlung Tsangpo, tôi hốt nhiên hiểu ra lời bạn! Chúa Trời cũng không lấy mất tự do thì hà cớ gì những huyền thoại đầu nguồn sông Hằng, trên ngọn Kailâsa và Kõouen louen lại ràng buộc người Digan! Nilavek, lời của bạn là một tantra, một công thức thần chú tuyệt diệu truyền vào tôi tiếng nói tự do đích thực!

Tưởng chia lìa thực tại áo cơm, sống trong huyền thoại hoá tâm linh là được tự do nhưng thêm một lần nữa, con người lại nâng lên cấp độ nô lệ bởi chừng nào còn vướng bận giáo điều, sở hữu cả huyền thoại thì chừng đó con người vẫn chưa trở thành Thân Hư Không!

Tôi không cần xin bóng mát dưới tán cây jambu trên hồ.


hồ Manasarovar

Manasarovar. Trước mắt tôi đang là thực tại dòng sông Yarlung Tsangpo cuộn chảy. Trước mắt tôi là mùa thu đang chín tới trên bóng Yang vàng rực rỡ, và đâu đó mùa hè còn sót lại bóng phong đỏ lập loè thắp sáng cồn đất nằm yên ả giữa dòng Yarlung Tsangpo. Cây Yang vàng Lhasa! Phải chăng vì không chịu nổi mùi hương kinh kệ mà trút bỏ màu áo diệp lục rời Lhasa lội ra tắm mát ánh sáng tự do giữa dòng sông!

Cùng hướng về thực tại dòng sông, còn có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và nữ thần Tarâ trắng xanh trên vách núi cao sau lưng tôi.

Thân ngài vàng đồ sộ, tóc ngài xanh thiên thanh, mắt ngài đượm diệp lục. Phật tạc vào đá mà không tù trong đá. Ngược lại, với màu sắc sống động tư duy mỹ thuật Mật tông, Đức Phật đã nâng khối núi thanh thoát bay theo đàn cờ phướn tưng bừng như chim mang tin lành của ngài lên cao.

Ngài nhìn.

Núi nhìn ra sông Yarlung Tsangpo.

Cái nhìn vĩnh hằng của đá và sự sâu sắc Phật Pháp không hề bận tâm những đường dây điện của người Trung Quốc cắt ngang không gian, không hề bận nghe tiếng kêu be be những chuyến xe ngược xuôi trên đường về thủ phủ Lhasa. Đôi mắt mang đến cho dòng sông một cái nhìn thản thiên lạ lùng!

Dòng sông miệt mài nhìn.

Núi miệt mài tĩnh lặng.

Đức Phật miệt mài trôi.

 

Cả ba cùng chảy trong ánh sáng thanh tịnh. Sông không nói. Phật không nói. Núi không nói. Nắng không nói. Tất cả đều trong trạng thái thiền định ánh sáng. Chỉ có người đang nói trong tôi.

Bao giờ tôi không nói. Bao giờ tôi được tự do.

Nilavek quá xa xôi không trả lời. Cho đến một đêm về sau trong căn buồng trên gác nhà thổ Lhasa, tôi đã thấy tôi không còn nói nữa khi người kỹ nữ Tây Tạng cho tôi một bất ngờ lạ lùng. Bên thùng nước hồng cảnh thiên, như Nilavek đêm nào, kỹ nữ cởi áo chỉ vào nách dạy tôi:

-  Nếu ngủ với tôi, anh không được nhổ bất kỳ một sợi qiangkong nào! Lông nách không là tóc của thần Shiva. Nó là một dòng sông chảy ra từ núi ngực. Im lặng trong nách, im lặng sống với trái tim như núi nhìn dòng sông!

Kẻ ở trong nhà thổ cao ba ngàn bảy trăm mét, người lang thang Âu châu thấp hơn mức nước biển. Kẻ đã ra đi mười thế kỷ, người mới có mặt trên Himalaya gần hai mươi năm. Sao lưu lạc nơi đâu, họ cũng cảm thấy chân lý bao hàm tất cả, sự sống cô lập hoàn toàn thì không thể được và có một con đường độc nhất để đạt tới chân lý là tự mình hoá thành với tất cả hiện hữu! Targore, một người đồng hương với Nilavek đã nói với nhân loại như thế.

Tượng Phật thích ca mâu ni bên dòng sông Yarlung Tsangpo

Tôi bàng hoàng!

Sau cuộc hành trình 100 km từ sân bay Gongkhar, chưa đầy 20 km nữa là được nghỉ ngơi ở thủ phủ Lhasa, nhưng người Tây Tạng lại cho du khách dừng chân trước ngọn núi tạc tượng Đức Phật. Không phải là sự nghỉ ngơi thuần tuý mà để cùng Đức Phật ngắm nhìn dòng sông Yarlung Tsangpo miệt mài chảy trong cái nhìn tĩnh lặng ánh sáng!

Như biển cả rót vào giọt sương mai. Sự tĩnh lặng là một nghi lễ lớn.

Đó là lúc, Tự Do hoá thân trong khuôn mặt Chúa Trời hiện ra trong lòng ai đạt đến cõi tĩnh lặng!

Bức thông điệp đầu tiên mà Yarlung Tsangpo, sợi lông nách chảy ra từ vùng đất chư thiên gửi đến cho tôi khi mới đặt chân lên mái nhà thế giới Tây Tạng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét