Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

3. Những con ong mật Như Lai

 TÂY TẠNG GIỌT HOA TRONG NẮNG 

3. Những con ong mật Như Lai

Văn Cầm Hải

Mùa xuân năm 1967. Ngày 27 tháng Giêng. Có hai người lên rừng hái mây về chợ. Họ vốn là con nhà quan lại thất cơ. Bởi không phải là những tay sơn tràng chuyên nghiệp, gan ruột đau hơn vết cắt cứa máu lòng tay nhớ về người vợ và đàn con thiếu cơm dưới vùng quê buồn, họ đã quên mất nơi mây mọc cũng là nơi trú ẩn của loài hổ.

Người em hứng khởi chặt đứt một gốc mây. Ngọn mây dài vút lên trời bỗng rụng xuống thảm khốc. Bên kia, chưa đến mười tầm tay, một tiếng gầm bùng lên nhanh hơn tia chớp. Núi rừng tắt phụt màu xanh. Im lặng! Nóng hổi máu vương vất lá cỏ. Người em cầm cây dao chém loạn xạ, chém mãi cho đến khi hoang lạnh rừng mây vẫn không nghe tiếng đau của người anh đáp trả.

Người anh trở thành một sinh linh của rừng xanh từ đó.

Người em trở về làng mang theo âm thanh kinh khiếp của loài chúa sơn lâm. Đó là cha tôi!

Tôi biết, cha có thể quên tất cả, quên mất cuộc chiến tranh đi qua đời ông, quên mất những năm tháng cơ hàn dày xé gia đình, quên luôn cả ngày sinh tháng đẻ của những đứa con nhưng cha không hề nguôi ngoai âm thanh dữ dội rừng núi đã cướp mất người anh trai của mình trong buổi sáng sắc nhọn rừng mây năm 1967.

- Đang đêm, nghe tiếng muỗi bay, cha cũng lầm tưởng đó là tiếng hổ. - Cha tôi, những khi thanh bình nhất vẫn nhắc nhớ - cha mong sao, một ngày cha nghe tiếng hổ gầm cũng nhỏ bé như tiếng muỗi trong đêm vắng!

Lời nguyện cầu của cha chảy vào lòng tôi và cho đến cuối đời mình, có lẽ không bao giờ tôi được nhìn thấy lời nguyện cầu ấy trở thành sự thật. Và đó là lý do, tôi rất sợ muỗi, tôi sợ nghe tiếng gầm gào phát ra từ cái thân hình bé nhỏ không ngừng nghỉ ngơi tìm kiếm mùi da thịt.

Nhưng rồi một ngày. Không phải trong đêm vắng làng quê. Không phải trên rừng mây nơi hai anh em cha tôi chia ly. Không phải trong giây phút say sưa ánh đèn đô thị và càng không phải trong trạng thái siêu nhân xem nhân gian chỉ là một hạt cát lọt qua kẻ tay, tôi đã thấy tiếng muỗi kêu hay tiếng hổ gào cũng như tất cả, chỉ là âm thanh được vũ trụ sản sinh và nuôi dưỡng qua lời dạy tỏa ra từ một loài hoa nhỏ bé mà cao nhã hơn tất cả nhiều loài hoa trên thế giới.

Hoa sinh ra trên độ cao hơn 4000m!

Loài hoa Chantai trên cao nguyên Tây Tạng!


dãy Himalaya

Bầy ngạc nhiên lan tỏa khắp mặt đất. Những bông hoa Chantai dịu dàng, không nề hà khí hậu khắc nghiệt, bất chấp bão tuyết và gió lạnh từ dãy Himalaya tràn xuống, vẫn vươn lên, cười rạng rỡ trên mặt đất chói chang ánh sáng mặt trời. Trên từng cánh hoa mong manh Chantai, mỗi cm2 điềm nhiên hứng chịu độ bức xạ lên đến 195  kg calo triền miên tỏa nóng suốt 3.021 giờ ánh sáng quanh năm. Với thân pháp thâm hậu nhưng thư thái như vậy, hoa Chantai có quyền ban phước lành cho những loại hoa dưới miền bình nguyên vì ngay cả vùng đất nằm cùng vĩ độ với Lhasa là Thành Đô, Thượng Hải các loài hoa đã cảm thấy nghẹt thở dù thời gian chiếu sáng mới có gần 2000 giờ và độ bức xạ từ 88 -113 kg calo.

Tắm mình trong ánh sáng chói chang chưa phải là điều kỳ diệu mà chính sự vươn qua mọi trạng thái thời tiết mới là bản lĩnh của hoa Chantai. Sinh ra trên vùng đất có địa thế phức tạp đột biến, khi cao ngàn thước lúc sâu khó lường nên không đợi bốn mùa mà chỉ một ngày một đêm đi, thân hình mảnh mai của hoa Chantai đón nhận bao nhiêu loài khí hậu chuyển giao từ nhiệt đới và á nhiệt đới chuyển sang ôn đới, hàn đới, hàn ôn đới rất biến ảo “nhất sơn hữu tứ quý, thập lý bất đồng thiên” - một ngọn núi có bốn mùa, mười dặm nhưng không cùng một ngày!

Tôi đã có những ngày qua Khe Sanh lặn lội làm phim với Hữu Thu, có nhiều hôm đứng trên đỉnh núi, xòe hai tay, tay phải hứng mưa rơi, tay trái sưởi ấm ánh nắng mặt trời nhưng khi đặt chân lên Tây Tạng, không chỉ đôi tay mà dường như tất cả tổng thể mọi tế bào trên thân thể đều biến hóa cùng muôn chiều thời tiết kỳ lạ.


Toàn cảnh cung Potala 

Thân thể như tôi đã tàn tạ và ngay cả người xứ Tạng, trên đôi má thiếu nữ ánh sáng mặt trời và khí hậu thiêu cháy làn da nhưng với Chantai, trời càng nắng, đất càng lạnh, gió càng cuồng say, khí càng chuyển động, hoa càng tinh anh. Trên đường phố Lhasa, bên sườn núi đá hay dưới chân cung điện Potala hùng vĩ, nơi nào tôi cũng gặp hoa Chantai như mùa xuân an nhiên tự tại trước mọi nghiệp chướng đất trời!

Nơi nào có hoa, nơi ấy có sự thăng hoa của cõi đất!

Nơi chốn nào cũng có một dáng điệu thăng hoa riêng biệt. Đi qua những cánh đồng hoa Hà Lan với lòng thương yêu tinh thần phản kháng của người dân chài Bắc Âu vượt qua bão tố mang lại cho nhân loại những mỹ miều hoa cỏ. Tôi không hay trên cao bầu trời, bên mái hiên Himalaya hùng vĩ, có những loài hoa tuy giản dị lại ẩn chứa trong mình nội lực sống hết sức kỳ vĩ, không chỉ hiến dâng vẻ đẹp ngoại cảnh mà còn vượt qua khả năng thăng hoa, làm nên cõi giới bao la tỏa sáng từ 8 cánh đều đặn như bánh xe chính pháp.

Với Tây Tạng, hoa là khoảnh khắc tái sinh của đất.

Dưới bóng hoa Chantai, không biết bao nhiêu số phận đã tái sinh, đã khước từ đớn đau để đón nhận niềm hân hoan đời sống mới.

Toàn cảnh Lhasa

Mười ba thế kỷ trước, khi từ Đại Đường sang làm dâu vương triều Tùng Tán Cương Bố, nàng công chúa Văn Thành cũng như tôi hôm nay, ngắm hoa Chantai bổng nhiên tâm thế xúc động, trút bỏ mọi mặc cảm và đau khổ như một người cởi bỏ nặng nề áo xống ném xuống vực sâu rồi điềm nhiên khoác lên vai mình làn mây trắng bay qua muôn thì không gian.

Rễ đâm vào đá, như cái cây tư tưởng của Nietzsche mọc lên thiên đường thì rễ nó phải vươn xuống địa ngục, hoa Chantai là một lời kinh của thiên nhiên dành cho con người.

Khi lên cung Potala nằm ở phía tây bắc thành Lhasa để viếng thăm các bảo tháp của Lama, tôi choáng ngất nhành khói lạc vào vùng trời ngột ngạt mùi hương đèn, thâm u lời nguyện cầu chen kín không gian đượm nồng ánh nến mỡ trâu Yark. Lòng dạ hoang mang, đầu óc đau buốt. Đôi mắt cố vươn về phía khung cửa, nơi có ánh sáng mặt trời mong được hớp lấy vài hạt oxy. Giữa lúc cảm giác sợ hãi đang lần mò khắp từng chân tơ kẻ tóc như vậy, tôi chợt thoảng qua tai mình âm thanh dịu nhẹ như ánh nến hắt ra từ một hốc đá!

Nhắm mắt để tin rằng, trước mặt tôi là một vị tu sĩ đang niệm kinh!

Trên vách đá, trong hốc nhỏ vừa vặn thân thể, ánh nến nhạt hơn buổi hoàng hôn, vị tu sỹ già tay cầm que gỗ trắng lần hồi gạt từng dòng kinh thư trên trang giấy ố vàng. Theo que gỗ đưa từ trên xuống dưới, những mẫu tự Tạng ngữ hiện ra như vũ khúc của lửa âm nhu sáng lên đôi môi già nua...

Cao Quan Hong, người vệ sỹ mang dòng máu Tứ Xuyên của tôi kéo tay, anh ta thầm thì bảo không được đến gần hốc đá. Nhưng có hề chi, tôi không tin những lời kinh kia chỉ dành riêng cho tu sỹ nên cứ lặng lẽ tiến tới, lắng nghe trong rã rời cảm giác cho đến khi thanh gỗ nhỏ dừng lại ở dòng cuối cùng. Vị tu sỹ hé mắt, một tia sáng tím của đá xuyên qua màn khói hương.

-     Thưa ngài !...

-     Hải à, em không được phép! - Cao Quan Hong cản bước lời tôi.

Nhưng bàn tay hộ pháp của Hong đang chụp xuống vai tôi đã lìa rụng! Trong hốc đá, bất ngờ mờ ra một lời làm tôi sửng sốt xương tủy!

-     Anh không phải là khách lạ chốn này! - Tu sỹ từ tốn, từng âm vực rung động sâu xa, tựa hồ làn âm tự của sấm thổi vào trí não.

-     Không, anh ta mới từ Việt Nam đến đây. Và tôi nữa, tôi cũng mới đến từ Thành Đô! - Hong nhanh miệng trả lời.

-     Anh không phải là khách lạ của chốn này vì vậy những đau đớn kia sẽ qua nhanh! - Tu sỹ vẫn quét tia mắt tím vào tôi - Người đứng sau lưng anh mới là khách lạ. Anh hãy nhìn ra cửa sổ, anh sẽ thấy!

Tôi không đủ sức đưa ánh mắt ra ngoài kia bầu trời. Tâm tư xao xuyến. Không ngờ, lần đầu tiên được gặp một tu sỹ Mật giáo lại diễn ra trong cung Potala có tuổi đời một ngàn ba trăm năm linh thiêng!

-     Hãy bình tĩnh, hãy nhìn ra bầu trời!

Theo lời tu sỹ thức tỉnh, không chỉ tôi mà cả Hong cùng nhìn ra. Bầu trời pha lê. Một khoảng không gian vô nhiễm. Đôi con ngươi tôi sóng sánh ánh sáng đọng từng mảnh nhỏ trên cánh hoa Chantai rung rinh sườn núi.

-     Hoa Chantai! - Tôi thốt lên và chờ đợi.

Vị tu sỹ mỉm cười. Nụ cười điêu khắc trên khuôn mặt đá.

-     Hoa Chantai hay người, có gì khác nhau không !

Như thị ngã văn! Như thế tôi đã nghe thấy lời đầu tiên trong kinh Phật bay về trong lòng cung Potala! Trước bông hoa Chantai, tôi không hề là người khách lạ. Có gì đâu công phu đớn đau, loài hoa kia vẫn tươi mươi ánh sáng! Giọt máu ngơ ngác sợi lông nách Yarlung Tsangpo! Giọt sương mướt xanh cuối cọng cỏ! Giọt mưa miên man chắt từ trời! Giọt hoa đoan trang phơi màu đất đá! Có phải đâu chớp mắt thành tựu nếu không xin trời mang lấy và tự mình chiến thắng nghiệp chướng! - Xin cảm ơn ngài! - Những sợi dây thần kinh như xanh mướt trở lại trong mái đầu trùm kín len dạ, tôi thành kính cảm ơn vị tu sỹ.

-     Không phải ta. Chính cuộc gặp gỡ giữa anh và hoa Chantai đã mang đến cho anh điều kỳ diệu bé bỏng kia! Ta chỉ có lời khuyên, khi đau đớn, đừng trốn chạy mà hãy đối diện với nó, hãy nhìn một cách tận tụy vào nó, hãy nhìn cho đến khi anh thấy anh hiện ra!

Cổng vào điện thờ Phật tương lai ở Tashilunpo có bức tranh hổ 

-  Tôi...?

-     Một nửa nó đây - Tu sỹ thủng thẳng gắp miếng dưa cải trong cái bát gỗ nâu đặt trước mặt, bất ngờ chìa vào tôi - Một nửa anh đây!

Mùi vị ngái màu mỡ trâu Yark từ “một nửa tôi” làm bước chân lùi lại nhưng rất nhanh, tôi liền đưa tay bỏ vào miệng ăn ngon lành trước đôi mắt kinh ngạc của Hong.

-     Anh đã có đủ rồi đấy! Nhưng để thấy, anh hãy đi đi! - Tu sĩ cúi xuống thanh gỗ trang kinh.

Hong dắt tay tôi bước ra cung Potala. Trên cao, thủ phủ Lhasa lọt trong vòng tay điệp màu núi. Mây ngần trắng. Trời tím xanh. Những mái nhà thẩm nghệ chiêu từng hớp hoàng hồn. Lhasa đang dìu dắt phật tử già trẻ lên cung Potala. Họ đi theo lối bậc thang phía bên phải rồi trở xuống bên trái theo đúng chiều quay của trái đất xung quanh mặt trời.

Hong đùa vào tai tôi, rằng anh ta đang đi bên miếng dưa cải! Miếng dưa cải là tôi bây giờ bắt kịp nhịp gió xuôi núi Hồng Sơn mà không cần ai dìu hay gắp lên mâm bát cuộc đời. Miếng dưa cải tôi lần nữa lại xanh lên khi nhìn thấy hai vị thầy trẻ tuổi dìu một người đàn bà Tạng, từng bước, từng bước tự tin men theo sườn núi lên cao cung Potala.

-     Hăo le! Bà già này bao nhiêu tuổi, thưa thầy? - Hong hỏi.

-     Hơn 90! - Một trong hai vị sư đáp.

-     Anh thấy không, một người già như thế vẫn lên được Potala, huống hồ mình là thanh niên. Phải gắng lên những ngày còn lại nhé. -  Anh quên tôi là một miếng dưa cải rồi sao !

Tôi và Hong cả cười. Đó là lần đầu tiên chúng tôi có nụ cười môi rạn trong những ngày chao đảo thời tiết. Nụ cười ấy được nâng đỡ bởi bông hoa Chantai bên đường lên núi. Cũng mong manh như hoa Thủy Tiên trên cánh đồng hoa Lisse ở Hà Lan nhưng Chantai mỏng cánh hơn và chỉ có khiêm nhường hai màu tím phớt, mềm trắng. Hoa trắng hay tím đều có chung nhị vàng. Trông xa, hoa Chantai như bầy bướm rập rờn sườn núi tìm kiếm hương phấn trên từng đốm vàng ánh sáng!

Người Tây Tạng yêu hoa Chantai. Bốn mươi triệu năm qua, bao nhiêu mùa hoa nở, bao nhiêu cuộc biến thiên thay đổi đất trời nhưng Chantai vẫn một nhị vàng với 8 cánh tím trắng không hề lai tạp bất cứ màu sắc nào khác. Nó là một linh hồn tu hành muôn kiếp để giữ cho tâm ấn trong sạch như lời của Đức Dudjom Rinpoche miêu tả, sinh tử không làm nó xấu hơn, Niết bàn không làm nó tốt hơn!

Những tưởng bông hoa Chantai và lời giải của vị tu sĩ trong cung Potala đã cho tôi trở thành một miếng dưa cải thấm đẫm những nét thanh tao của mọi mùi vị hữu hình và vô hình nhưng không, tất cả vẫn chỉ là một miếng dưa cải nấu chín bằng mỡ trâu Yark!

Bức tranh hổ ở cổng tu viện Tashilhunpo

Một hôm trôi nổi trên dãy núi Himalaya, đoàn tôi đi qua núi Najin Kangsa trong cơn sợ hãi tột cùng. Một tiếng thở dài cũng đủ làm lệch xe, ném người tôi rơi xuống vực sâu đang xộc lên từng đụn mây. Đến như Hong không chịu nổi cơn sợ hãi đã gục đổ, làm dãy ghế gãy ụp xuống sàn xe. Chiếc Toyota 12 chỗ rùng mình tưởng chết máy trước sức nặng hơn 80 kg của Hong nhưng không, nó vẫn tiến lên dưới bàn tay điều khiển thuần thục và mạnh mẽ của người lái xe Tây Tạng.

Bảo tháp trên dãy núi cao 7.000 m


Khi dừng lại ở độ cao gần 6.000 m trên đỉnh đèo Karo, tôi nhìn thấy một bảo tháp đứng cô đơn giữa dòng suối tuyết chảy bao quanh trên đỉnh núi. Hong khuyên tôi không nên leo lên vì rất nguy hiểm. Bất chấp! Bằng tinh thần hoa Chantai và lời trì vọng của miếng dưa cải, tôi gắng gượng leo lên bảo tháp.

Tuyết trắng. Gió vàng. Máu đỏ. Môi tím. Khuôn mặt bầm tê của tôi biến mất trên cổ, mọi cảm giác đều bị vụn tan dưới áp suất thấp do độ cao gây ra. Không từ chối bước chân mình, máu chảy đặc cánh mũi, mặc cho từng trận gió xóc buốt qua đầu, tôi đã lên được ngôi bảo tháp.

Kỳ diệu thay, qua ô cửa vần vụ khí lạnh, tôi kịp nhận ra màu đỏ đóa hồng xứ Tạng!

Những đóa hồng tươi rói!

Những đóa hoa đỏ rực tinh huyết mặt trời bừng cháy trong ngôi bảo tháp!

Những chiếc phôi bất tử gieo mầm trong tử cung của trời! Ai đã mang đóa hoa tươi lên chốn cao 6.000 m này để thắp sáng ngôi bảo tháp chứa đựng thánh tích huyền bí của vị lama nào đó viên tịch? Vị Lama cô độc này là ai? Chưa kịp trả lời tôi đã gục vào cánh tay của Hong. Nhưng sao trong cơn mê man khủng khiếp này, tâm hồn tôi lại bừng sáng. Tôi nghe rõ tiếng hổ gầm từ vùng núi Khe Cát xa xôi trên dãy Trường Sơn, tôi nghe rõ tiếng muỗi vo ve trong đêm vắng đầy chuôm dậu làng quê nước Việt tràn đến, cùng nhau tan biến trong hư vô như lời cầu nguyện của Cha. Và đó cũng là phút giây, tôi chợt hiểu vì sao Henry Bergson gọi là độ sâu của tư duy, là cái thế giới tôi đang thấy vì tôi muốn chứ không phải thế giới đã có và đóa hoa hồng trong bảo tháp không phải là sự tái sinh.

Hoa chính là khoảng khắc thiền định của vũ trụ!

Những đóa hoa hồng truyền dạy cho tôi như vậy. Người Tây Tạng khi chết đều mong có một nụ cười tươi xanh lên môi bởi từ đó họ sẽ đi vào thành quốc của hương thơm hoa cỏ. Hong dìu tôi trở lại xe. Tôi nhìn thấy trên khóe môi của người vệ sỹ cao to gấp ba người mình, một vệt máu nhuộm kín từ mũi chảy ra. Máu của Hong chưa kịp đỏ đã sầm tím màu gió! Còn tôi, một dòng máu Việt rực sáng hoa hồng nở tự do trên cao nguyên bao la tuyến trắng!

Tôi mang theo hình ảnh đóa hồng tươi trong những ngày còn lại ở Tây Tạng và hằng nhắc nhớ, mình đã thấy tâm mình trong một giây phút chấn động trên cao 6.000 m. Cái ý niệm ấy, thêm một lần nữa lại như cánh diều đứt gió. Trên đường trở về Lhasa từ Shigatse, tôi biết mình vẫn chưa thoát khỏi u minh khi chứng kiến một điều linh diệu giản đơn tưởng chừng là phi thực!

Lần trở về này, dù không hiểm trở nhưng nguy cơ rơi xuống vực sâu sông Yarlung Tsangpo vẫn rập rình từng giây phút. Suốt một ngày, chỉ thấy núi đá và núi đá, không chút rêu phong địa y. Thi thoảng, chỉ gặp vài ba mảnh ruộng tsampa vàng rộm như mảnh áo ngực nữ thần Târa lơ lửng triền núi. Quá hư đốn tầm nhìn va vấp núi đá, tôi nhắm mắt tìm kiếm một giấc ngủ chồng chềnh trên vực Yarlung Tsangpo.

Chỉ có một con đường độc đạo nên xe của chúng tôi phải dừng lại lùi vào vách núi cho xe từ hướng Lhasa đi qua vực sông. Tôi bước xuống xe hoài mong chốc lát thư giản. Cánh cửa xe mở ra. Mặt tôi chạm phải một chùm ánh sáng sắc tím lung linh rọi xuống Yarlung Tsangpo!

Đó là một chùm hoa dại thiên không.

Cánh chim đại bàng lẻ loi bay qua hẻm núi cao chất ngất.

Chùm hoa như lời kinh kệ uyên áo của núi đá thả vào không gian muôn chiều gió cuốn.

Dưới vực sâu dòng nước cuộn chảy, lác đác vài đốm dê núi và hai chấm mẹ con người Tạng chênh vênh bóng dáng tiền sử.

Hỡi chùm hoa vô danh, có phải hoa là sự hoá thân của bông hoa nhỏ có hạnh nguyện từ bi trong ngôi chùa hoang trên đồi Tsaparang xứ Tholing, được Phật đặt tên là Tuyết Liên Hoa, loài sen tuyết Tây Tạng, cho những ai ngửi mùi hương đều phát tâm tấn tu hành giải thoát khỏi vòng sinh tử!

Hoa Chantai dưới thềm cung Potala, đóa hoa hồng đỏ trong ngôi bảo tháp còn có tên cho tôi gọi còn chùm hoa tím trên kia đang vô danh trong mắt. Tôi không thể gọi tên nó, đơn giản hoa chỉ là hoa, mộc mạc hiện hữu giữa cõi vô thường này như lời Longchen Rabjam

Trong vườn hoa đẹp bên sông

Những con ong - mật - Như - Lai ngồi trên những cánh hoa

Làm đẹp trọn vẹn khu vườn và phát ra âm thanh trống pháp

...

Đã thâm nhập vào những sinh thể của đất này

Và đại dương sinh tử đang đứt tận

Cái đẹp của bông hoa vô danh hiện ra giữa cô tịch, không có tên gọi không hình thể, cứ bồng bềnh màu ánh sáng, làm mềm mại hai vực sâu thăm thẳm thương yêu và khủng khiếp. Thượng đế muốn nói với tôi rằng, bất kỳ nơi nào sự sống do Ngài tạo nên cũng hiện hữu mà không cần phải tư duy tên gọi! Cái gì không tên gọi, cái gì vô sắc vô tướng, phải chăng đó là điều mà vị lama khuyên tôi hãy đi và nhìn thấy!

Bảo tháp trên cao 7.000 m

-  Anh hãy đi đi. - Âm thanh trong hốc tường cung Potala vang lên. Và tôi đã thấy.

Tôi trở về Lhasa vào lúc chiều xuống. Theo Hong ra phố Bát giác dạo chơi, tôi lén lên cung Potala tìm đến hốc đá. Hốc đá quạnh vắng. Ngọn nến đìu hiu. Thanh gỗ im lìm. Trang kinh mơ màng. Bát gỗ chơ vơ. Thăm thẳm. Mắt núi.

Bên ngoài khung cửa, hoa chantai chầm chậm nuốt hoàng hôn vào thân hình non dại. Còn tôi

Một miếng dưa cải,

Một con ong bé nhỏ

Một hạt mật Như Lai trên cánh hoa bên vực sông Yarlung Tsangpo.

Không còn nhớ, tôi không còn nghe tiếng hổ gầm gần 40 năm về trước khi bước qua cổng tu viện Tashilhunpo, nơi có bức tranh bầy hổ hộ pháp gầm lên sặc sỡ giữa rừng hoa chantai! Bức tranh ấy đã làm tôi nhớ Cha tôi, tiếng hổ gầm mùa xuân 1967 trong ký ức và bông hoa chantai rực rỡ những ngày tôi qua Tây Tạng.

Và tôi sẽ mang linh ảnh những con - ong - mật - Như Lai về cho Cha nghe hương thơm âm thanh trống pháp, nghe thấy tiếng hổ gầm cũng xanh rờn thinh không như tiếng muỗi vo ve đêm vắng!

Bởi người Tây Tạng nói, khi bạn ném một bông hoa vào mandala, hoa rơi vào vị thần nào thì vị ấy là của bạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét