Đức Phật trong lịch sử
(Phần
III)
LINH THỌ BỒ-ÐỀ
Trong những bài đức Phật tường thuật về
sự Giác Ngộ của ngài, không thấy đoạn nào nói đến sự kiện Giác Ngộ diễn tiến dưới
một gốc cây cả.
Do vậy nhiều học giả xem gốc cây đánh dấu
nơi ngài giác ngộ chỉ là chuyện huyền thoại phi lịch sử, và nêu ý kiến rằng
phong tục thờ cây trước thời đức Phật đã tìm cách len lõi vào đạo Phật ở điểm
này. Song xét kỹ, một khất sĩ không nhà cửa thì dù đi đâu, cũng vẫn thường ngồi
dưới gốc cây che chở sương giá ban đêm và nắng gắt ban ngày, há chẳng là chuyện
tự nhiên hay sao? Ta có thể xem chuyện Sa-môn Siddhattha ngồi nhập định đưa đến
Giác Ngộ dưới một gốc cây là lẽ dĩ nhiên. Trên thực tế đó là cây assatha,
rất dễ nhận ra nhờ chiếc lá hình quả tim với đầu ngọn cong, mà thỉnh thoảng đức
Phật có thể thường nhắc đến với chúng đệ tử, nên ta cũng sẵn sàng chấp nhận đó
là một sự kiện lịch sử.
Cây bồ-đề (bodhi) đằng sau tháp Ðại Bồ-đề
cao 51m tại Bồ-đề Ðạo tràng (vùng cổ Uruvelà) được dựng khoảng thế kỷ thứ I CN,
hằng ngày vẫn được hàng chục khách hành hương chiêm bái. Song chỉ những người
thực dễ tin mới tưởng rằng đây là cây cổ thụ assatha nguyên thủy mà đức
Phật đã ngồi dưới gốc để đạt đạo cách đây 2500 năm. Ta có thể chứng minh rằng
cây này được thay thế nhiều lần theo thời gian, mặc dù nó vẫn là hậu duệ của
cây nguyên thủy. Như vậy cây hiện nay phát sinh chính tông từ cây ngày xưa. Cây
bồ-đề xưa được đặt dưới sự bảo trợ đặc biệt của vị Hoàng đế Phật tử Asoka trị
vì Ấn Ðộ với tư cách một vị vua yêu chuộng hòa bình từ năm 265 đến 232 trước
CN.
Không những ngài truyền xây một tường đá
quanh cây ấy (nay không còn nữa) và đánh dấu vùng linh địa này với một trụ đá
ghi sắc dụ trên đầu có hình sư tử (nay cũng biến mất); ngài còn ban cho vua
Devànampiya-tissa của Ceylon (Tích lan), người đã được cải hóa theo đạo Phật
vào năm 242, một nhánh cây bồ-đề để trồng tại kinh đô Anuràdhapura. Cây phát
sinh từ nhánh này cùng đám hậu duệ đã liên tục cung cấp các cây con hay hạt giống
để thay thế cây bồ-đề ở Ấn Ðộ sau nhiều lần bị hủy hoại.
Việc phá hủy cây bồ-đề nguyên thủy tại Bồ-đề
Ðạo tràng được xem là do Quý phi diễm lệ Tissarakkhà của vua Asoka gây nên, người
mà ngài đã tuyển vào cung bốn năm trước khi băng hà. Vì hoàng đế dành nhiều thì
giờ quan tâm đến cây này hơn là chăm sóc bà, nên chuyện kể rằng quý phi đã lấy
thứ gai nhọn mandu đâm vào cây mà bà tưởng có một tiên nữ bên trong!
Ðây là thứ gai mà dân Ấn tin có khả năng
hủy diệt nguồn sống của cây cối làm chúng phải héo khô. Câu chuyện này rõ ràng
nhằm giải thích việc cây chết vào cuối triều vua Asoka.
Việc phá hủy cây thay thế lần thứ nhất
đã được gán cho vua Sasànka xứ Ganda (Bengal) vì lý do tôn giáo. Vua Sasànka, một
người theo Ấn giáo cuồng tín và thù ghét Phật giáo, có lần đi qua Bồ-đề Ðạo
tràng vào đầu thế kỷ thứ bảy trong một chiến dịch chống Kànya-Kubja (Kanauj).
Theo ngài Huyền Trang kể lại, vua này đầy căm hận không những truyền đốn cây
thiêng ấy mà còn bảo đào gốc rễ lên đem đốt cho tuyệt giống. Cây thay thế lần
thứ hai lại được vua Pùrnavarman trồng, đó là vị vua cuối cùng kế ngôi dòng
Asoka ở nước Magadha.
Năm 1876, cây bồ-đề ở Bồ-đề Ðạo tràng bị
cơn bão làm bật gốc.
Ðây có phải là cây của vua Pùrnavarman
hay một cây thay thế khác, điều đó không ai biết
Có nhiều bản tường thuật trái ngược nhau
về các nguồn gốc của cây hiện nay mọc ở Bồ-đề Ðạo tràng. Một số cho rằng cây mọc
từ một nhánh chiết của cây ở Anuràdhapura, một số khác bảo nó mọc lên từ rễ của
cây trước đã bị nhổ bật gốc. Dù thế nào đi nữa, cây hiện nay vẫn là cháu chắt
ba đời hoặc có lẽ đúng hơn là ngũ đại tằng huyền của
cây assatha nguyên thủy mà vào một đêm năm 528 trước CN, dưới gốc cây
ấy nhà tu khổ hạnh Siddhattha Gotama đã thành Phật.
NHỮNG BÀI THUYẾT PHÁP ÐẦU TIÊN (528 trước CN)
Theo truyền thống, đấng Giác Ngộ trẻ tuổi
sống bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề để hưởng “giải thoát lạc”.
Ta có thể nhận điều này đúng sự thực, vì nền tảng giáo lý đang cần bổ sung nhiều
đặc điểm chi tiết, đồng thời một tâm trạng vừa hân hoan, vừa lưu luyến thân
tình có lẽ đã giữ bậc Giác Ngộ ở nán lại địa điểm đầy ý nghĩa như vậy đối với
ngài. Ta ít tin hơn vào câu nói rằng sau bảy ngày dưới cội bồ đề, ngài lại sống
thêm bảy ngày nữa dưới một số gốc cây khác ở Uruvelà. Dưới gốc Ða Mục Tử (Ficus
Indica) ngài giải thích cho một Bà-la-môn hỏi ngài về bản chất thực sự của đạo
Bà-la-môn, giáo lý bao gồm trong một đời sống đạo đức thanh tịnh và tinh thông
kinh Vệ-đà.
Càng có vẻ huyền thoại hơn nữa là sự kiện
được xem như đã xảy ra vào tuần thứ ba sau khi Giác Ngộ, dưới gốc cây mucalinda
(Barringtonia acutangula). Theo Ðại Phẩm, khi một cơn bão báo hiệu gió mùa nổi
lên, con rắn hổ mang sống dưới gốc cây cuộn mình quấn quanh ngài và che ngài khỏi
bị mưa bằng chiếc mào mở rộng. Nguồn gốc chuyện này có thể là con rắn ấy bị nước
mưa tràn vào lỗ phải bò ra nằm sát trước vị Sa-môn này, nhưng không làm hại
ngài.
Từ cây mucalinda đức Phật đi đến cây
ràjàyatana (Buchanania latifolia) và cũng ở lại dưới gốc cây ấy một tuần. Chính
tại đây, hai thương nhân Tapussa và Bhallika đang du hành từ Ukkalà (thuộc
Orissa?) có lẽ đến Ràjagaha, cúng dường ngài cháo mạch và mật ong để “tạo thêm
an lạc và phước đức”.
Ngài dùng thực phẩm cúng dường ấy và hai
vị thương nhân kia “quy y bậc Giác Ngộ cùng Giáo Pháp của ngài” –
Giáo Pháp mà lúc ấy ngài chưa tuyên bố – và như vậy đã trở thành các đệ tử tại
gia đầu tiên của ngài.
Tuần thứ năm sau khi Giác Ngộ, ngài lại
đến ở một lần nữa dưới bóng mát cây Ða Mục Tử. Có thể do lời thỉnh cầu giáo hóa
của Tapussa và Bhallika gợi ý, ngài suy xét xem có nên giữ giáo lý cho riêng
ngài hay tuyên thuyết cho người đời vì “giáo lý ấy thật thâm áo, khó thấy,
khó hiểu, dựa trên thực nghiệm, tuyệt diệu, không phải do lý luận, tế nhị, chỉ
người có trí thấu triệt được mà thôi”.
Kinh Ðiển Pàli ghi lại các mối hoài nghi
này theo hình thức một cuộc đối thoại với Phạm Thiên Sahampati (Tự Tại Thiên,
Ta-bà Chủ). Rõ ràng đức Phật muốn làm cho sự xung đột giữa các tư tưởng nội tâm
ngài trở thành dễ hiểu, nên đã sử dụng hình ảnh vị Phạm Thiên lừng danh này để
trình bày những tranh luận đối lập nhau khi ngài do dự thuyết Pháp.
Dĩ nhiên, ngài cũng như đa số các người
đương thời, vẫn tin có các thần linh (các vị này cũng phải chịu sanh tử luân hồi
theo luật tự nhiên của mọi loài). Song việc chính ngài thấy rõ tận mắt vị Phạm
Thiên ấy một cách linh động như các kinh điển tuyên bố, có lẽ do sự diễn giải của
chư Tỳ-kheo về sau.
Trong cuộc “đối thoại” tiếp theo đây được
rút gọn vào các điểm chính yếu, các lý luận thiên về đời sống an tịnh cá nhân đối
lập với lý luận vị tha quên mình, và các lý luận sau đã thắng các lý luận trước.
Ðức Phật bảo: “Thế giới này thích thú dục lạc, song Giáo
Pháp (Dhamma) của ta hướng đến viễn ly, ly tham, ái diệt. Giả sử ta thuyết giảng
Giáo Pháp này, tức phải đi ngược dòng, và người đời không hiểu được ta, điều ấy
sẽ gây nhọc lòng cho ta”.
Phạm Thiên đáp: “Thế giới sẽ hủy
diệt nếu đấng Toàn Giác không quyết định thuyết Pháp. Do vậy, cầu xin đức Thế
Tôn hãy thuyết Pháp. Có những người ít nhiễm bụi trong mắt, nếu không được nghe
Pháp, chúng sẽ sa đọa. Song nếu chúng nghe Pháp, chúng sẽ đạt giải thoát”.
Lý luận của Phạm Thiên gợi lên lòng bi mẫn
của đức Phật đối với chúng sanh và cùng với tiếng gọi lớn: “Các cửa Bất tử
đều rộng mở cho những ai muốn nghe”, ngài đồng ý thuyết Pháp. Vị Phạm Thiên hân
hoan đảnh lễ đức Phật, đi vòng quanh ngài với thân hướng về phía hữu theo nghi
thức Ấn Ðộ, rồi biến mất. Như thế các Thiên thần cũng biết cách giữ lễ độ đối với
một bậc Giác Ngộ.
Khi đang suy xét xem ngài nên giảng Pháp
đầu tiên cho người nào, đức Phật nghĩ ngay đến những vị có thời từng là Ðạo Sư
của ngài: Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Khi biết rằng cả hai đều từ trần,
ngài liền nghĩ đến năm vị đồng tu khổ hạnh với ngài thuở trước, mà ngài biết bấy
giờ chư vị đang trú tại Lộc Uyển (Vườn Nai) ở Isipatana (Chư Tiên Ðọa Xứ) gần
Benares (Ba-la-nại) hay Vàrànasi.
Ngài biết chư vị ấy sẽ nhanh chóng thông
hiểu giáo lý. Trong niềm hân hoan chiến thắng vì đã có sẵn phương tiện độ sanh
trong tay, cùng quyết định dâng trọn đời mình cho sứ mạng cao cả này, ngài khởi
hành đến Benares. Nếu ta xét rằng ngài phải khất thực mỗi buổi sáng và cái nắng
gắt buổi trưa thật bất tiện cho việc đi bộ, thì ta phỏng đoán ngài phải cần ít
nhất là mười bốn ngày cho cuộc hành trình dài 210 km này (theo đường chim bay).
Khoảng giữa Uruvelà và Gayà, ngay sau
khi ngài khởi hành, ngài gặp một du sĩ lõa thể tên Upaka nào đó thuộc phái
Àjivika, là người chủ trương thuyết định mệnh cực đoan.
Vẻ hân hoan nội tâm tỏa ra trên khuôn mặt
sáng chói của ngài khiến vị này chú ý và hỏi ai là Ðạo Sư của ngài và Giáo Pháp
ngài như thế nào. Ðức Phật đầy tự tin tuyên bố ngài đã được giải thoát nhờ
ái diệt, ngài là vị thắng giả chiến trường, vì vậy ngài không có Ðạo Sư, mà
chính ngài là bậc Ðạo Sư.
Nghe điều này, Upaka cũng không cảm phục
và nói: “Có thể là như vậy, thưa hiền giả” rồi lắc đầu rẽ vào một con
đường khác bên cạnh. Các nhà kiết tập Kinh Tạng Pàli đã có thể dễ dàng cắt bỏ
tiểu đoạn này vì nó làm hỏng phần nào hình ảnh của đức Phật. Song chư vị đã
không làm như vậy chứng tỏ lòng tôn trọng sự thật lịch sử.
Còn các vị Kondañña, Bhaddiya, Vappa,
Mahànàma và Assaji thật bất mãn khi thấy Sa-môn Gotama, người bạn đồng tu cũ
trước kia đã rời bỏ chư vị, nay lại đi đến gần Vườn Nai ở Isipatana. Quả thật
chư vị đã đồng lòng không chào hỏi cũng không đứng lên đảnh lễ ngài. Song khi
ngài đến gần, chư vị đã bị chinh phục trước vẻ cao quý của một bậc giải thoát
khiến chư vị đều cư xử với ngài vô cùng kính cẩn.
Chư vị cầm lấy bình bát và thượng y của
ngài, sửa soạn chỗ ngồi cho ngài, rửa chân ngài và xưng hô “Hiền giả” (Àvuso) với
ngài theo thói quen. Song đức Phật bác bỏ cách xưng hô này: “Này các Tỳ-kheo,
đừng gọi Như Lai (Tathàgata: Bậc
Ðến Như Vậy)
là “Hiền giả” (như một trong các vị). Này các Tỳ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán,
Chánh Ðẳng Giác”.
Một bậc Giác Ngộ tượng trưng một hạng
người độc nhất, trên thực tế vẫn có hình dáng bề ngoài như mọi người, cũng phải
chịu biến hoại về thể chất (do kết quả của tiền nghiệp chưa tiêu trừ), song vị ấy
không còn bị trói buộc vào vòng luân hồi sanh tử. Bao lâu ngài chưa đắc Niết-bàn
vô dư y tối hậu (đại diệt độ), ngài vẫn sống như một bậc giải thoát ở đời, song
nội tâm không còn tham luyến đời, buông xả đối với đời. Mọi kiết sử ràng
buộc từ gia đình đến xã hội, đều bị ngài cắt đứt.
Lời tuyên bố đã khám phá con đường đưa đến
Bất Tử tức con đường Giải thoát, đã Giác Ngộ Chân Lý và chứng đắc Pháp (Dhamma)
của ngài lúc ấy được năm nhà tu khổ hạnh, bạn đồng tu cũ, đáp lại với vẻ hoài
nghi. Chư vị hỏi, làm thế nào một người đã từ bỏ khổ hạnh để chọn đời sống sung
túc lại có thể chứng đắc Chân Lý? Ðức Phật giải thích rằng ngài chẳng hề tham đắm
đời sống sung túc, và để làm sáng tỏ mọi việc, ngài thuyết giảng một bài kinh
(sutta) cho chư vị, bài kinh danh tiếng Chuyển Pháp Luân, khởi đầu sự nghiệp hoằng
Pháp của ngài. Bài kinh trình bày Pháp (Dhamma) là Trung Ðạo, và nêu lên hệ thống Bốn
Chân Lý: đó là một căn bản hợp lý chứa đựng đầy đủ các lời dạy tinh vi:
“Có hai cực đoan, này các Tỳ-kheo, mà người xuất gia không
nên hành trì. Ðó là hai cực đoan nào? (Một mặt) đắm mình vào dục lạc, thấp kém,
tầm thường, hạ liệt, không xứng đáng bậc Thánh, không ích lợi. (Mặt khác)
chuyên tâm khổ hạnh ép xác, gây khổ đau, không xứng đáng bậc Thánh, và cũng
không ích lợi.
Này các Tỳ-kheo, Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này, và tìm ra
Trung Ðạo chính là con đường khiến cho ta thấy và biết (tác thành nhãn và trí),
con đường đưa đến an tịnh, thắng trí, Giác Ngộ, Niết-bàn.
Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ (Dukkha): sanh là khổ,
già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; thân cận những
gì ta không thích là khổ, xa lìa những gì ta thích là khổ, cầu không được là khổ;
tóm lại, ngũ thủ uẩn (tạo thành một cá nhân sống thực) là khổ.
Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Nguồn gốc của Khổ
(Samudaya): Ðó chính là khát ái (tanhà) đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và
tham, tìm thấy lạc thú chỗ này chỗ kia: đó là Dục ái (Kàmatanhà), Hữu ái
(bhavatanhà) và Phi hữu ái (Vibhavatanhà).
Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ Diệt (Nirodha) chính là
sự đoạn trừ, diệt tận hoàn toàn khát ái đó, quăng bỏ nó, chấm dứt nó, xả ly nó,
không chấp thủ nó.
Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ Diệt
(Magga). Ðó là Thánh Ðạo Tám Ngành tức là:
Chánh Kiến
(Sammà-Ditthi)
Chánh Tư duy
(Sammà-Sankappa)
Chánh Ngữ
(Sammà-Vàcà)
Chánh Nghiệp
(Sammà-Kammanta)
Chánh Mạng
(Sammà-Àjìva)
Chánh Tinh tấn
(Sammà-Vàyàma)
Chánh Niệm
(Sammà-Sati)
Chánh Ðịnh
(Sammà-Samàdhi)
Năm vị tôn giả hết sức chú tâm lắng nghe
lời ngài, và ngay khi ngài thuyết giảng, tôn giả Kondañña đã quán triệt Giáo
Pháp: “những gì chịu qui luật sinh khởi đều phải chịu qui luật hoại diệt”.
Sau đó, tôn giả liền xin đức Phật nhận làm đệ tử và đức Phật lấy phương
ngôn: “Ðến
đây, này Tỳ-kheo, Giáo Pháp đã được khéo giảng, hãy sống đời Phạm hạnh (thanh tịnh)
để đoạn tận khổ đau” để nhận tôn giả làm một Tỳ-kheo (Bhikkhu).
Như vậy tôn giả Kondañ ñ a là vị Tỳ-kheo đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, và sự
thọ giới của tôn giả đánh dấu khởi điểm của Tăng đoàn (Sangha) tồn tại cho đến
ngày nay.
Trong các nước Châu Á theo đạo Phật, lễ
“Chuyển Pháp Luân” được cử hành hằng năm vào ngày rằm tháng Àsàlhà (tháng 5-6)
như vậy khoảng hai tháng âm lịch (56 ngày) được xem là đã trôi qua giữa thời đức
Phật Thành Ðạo tháng Vesàkha và thời thuyết Pháp tại Isipatana.
Chẳng bao lâu lời dạy của đức Phật đã
khiến cho tôn giả Vappa và Bhaddiya hiểu Pháp (Dhamma) và hai vị cũng được nhận
làm Tỳ-kheo. Trong lúc chư Tỳ-kheo (nghĩa đen là Khất sĩ) Kondañ ñ a, Vappa và
Bhaddiya đi khất thực để cung cấp thức ăn cho cả nhóm, bậc Ðạo Sư thuyết giảng
riêng cho tôn giả Mahànàma và Assaji.
Trong chốc lát, chư vị cũng đắc tri kiến
cần thiết (của bậc Nhập lưu) và xin thọ giới. Như vậy đã có sáu Tỳ-kheo trên thế
gian – đức Phật và năm đệ tử của ngài.
Vài ngày sau lễ thọ giới của năm vị đệ tử,
đức Phật dạy chư vị bài Pháp về Vô Ngã. Ðiều đáng chú ý là bài Pháp này nêu lên
một ý tưởng chưa hề được gợi lên vào thời Giác Ngộ hoặc thời Pháp ở Isipatana,
và ý tưởng này thực sự gây kinh ngạc trong một hệ thống giáo lý hướng về tinh
thần: phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn.
Ðiều này chứng tỏ đức Phật đã phát triển
phương diện triết lý trong Pháp của ngài từ khi Thành Ðạo.
Kinh Vô Ngã Tướng bắt đầu từ sự thừa nhận
rằng mỗi cá thể thực sự gồm có năm uẩn – chỉ có năm – (khandha) thành tố, tức
là sắc, thọ, tưởng, hành (sankhàra) và thức. Vì ở Ấn Ðộ, bản ngã, linh hồn
(atta hay àtman) luôn ám chỉ một cái gì thường hằng, vĩnh cửu tồn tại sau khi
chết, còn ngũ uẩn thì không có gì thường hằng vĩnh cửu cho nên phải kết luận là
không có uẩn nào chứa đựng một linh hồn cả. Trong ngũ uẩn kết hợp thành một cá
nhân toàn vẹn có đời sống tâm lý hay tinh thần, song không có một linh hồn theo
nghĩa một thực thể trường cửu: cá nhân là vô ngã (anatta), không có linh hồn.
Một lý luận thứ hai hỗ trợ lý luận đầu
tiên.
Tính chất biến đổi và hoại diệt của ngũ
uẩn khiến chúng gây khổ đau (dukkha) và một vật gây khổ đau, (và không làm thỏa
mãn) không thể là một linh hồn trường cửu.
Khi năm Tỳ-kheo nghe lời thuyết giảng
này của đức Phật, tâm của chư vị thoát khỏi mọi lậu hoặc (àsava) đưa đến tái
sanh, và do vậy, chư vị trở thành các bậc Thánh (A-la-hán). Tri kiến của chư vị
về Giáo Pháp cứu khổ bấy giờ cũng trở thành mênh mông, sâu thẳm như tri kiến đức
Phật, chỉ khác ngài ở điểm nguồn gốc tri kiến ấy mà thôi. Về phương diện giáo
lý, một đức Phật được định nghĩa là vị tự tìm ra con đường giải thoát cho
mình, trong khi một bậc A-la-hán được giải thoát nhờ nghe Pháp thuyết giảng.
Sự đắc quả tương đối dễ dàng của năm vị
đầu tiên cũng như nhiều vị Tỳ-kheo và cư sĩ về sau đã khiến cho nhiều người đọc
Kinh Ðiển nghĩ rằng quần chúng thời đức Phật có sẵn căn cơ hướng đến tuệ giác
nhiều hơn chúng ta thời nay. Ðiều này cũng có thể xảy ra, vì trong lịch sử thế
giới có thể thấy nhiều thời kỳ tinh thần thăng tiến hay suy giảm.
Một lý do khác để giải thích sự kiện thường
tuyên bố đắc quả A-la-hán là người Ấn Ðộ cổ đại vẫn có niềm tin chắc rằng nhận
thức và chứng đắc là một: Bất cứ ai quán triệt Tứ Thánh Ðế và theo Thánh Ðế thứ
hai, ai nhận thức chính tham ái (tanhà) là nguyên nhân tái sanh và đau khổ, liền
đoạn tận tham ái nhờ tri kiến ấy và như vậy là trở thành một bậc A-la-hán. Ngày
nay, chúng ta ít lạc quan hơn về hiệu năng của nhận thức ấy.
SÀRNÀTH
Nguồn gốc danh từ Dhamekh được tranh luận
mãi cho đến khi khám phá ra một tấm bia ký bằng gạch nung của người mộ đạo mới ổn
định vấn đề này.
Chữ khắc trên bia ghi tên tháp là
Dhamàka (Skt: dhammacakra), nghĩa là nó đánh dấu nơi đức Phật thuyết giảng cho
năm Tỳ-kheo đầu tiên: Chuyển Pháp Luân (Pàli: Dhamma-cakka). Những người hành
hương chiêm bái tháp này, cũng như mọi tháp khác đều được xây đặc bên trong, vì
vậy không vào được, chỉ còn cách đi vòng quanh về phía hữu, một phong tục Ấn Ðộ
bày tỏ lòng tôn kính các bậc cao trọng.
Sắc dụ của Ðại đế Asoka (thế kỷ thứ ba
trước CN). Trụ đá có đáy dày 70cm và phần trên dày 55cm, xưa cao 16m, nay đã vỡ
thành nhiều mảnh vì hậu quả cuộc tàn phá Benares và Sàrnàth của tướng
Qutb-ud-Din năm 1194. Phần đầu trụ đá này ở trong bảo tàng địa phương, là một cổ
vật danh tiếng, có hình tượng bốn con sư tử điêu khắc tinh xảo ngồi đối lưng
nhau, vì cũng như sư tử có tiếng rống lớn nhất giữa muôn loài, vang dậy tứ
phương, đức Phật là bậc Ðạo Sư vang danh đệ nhất trong thời ngài và ngài hoằng
Pháp khắp mọi hướng.
Ðầu trụ đá hình sư tử ngày nay là quốc
huy của Cộng hòa Ấn Ðộ, và bánh xe 24 nan hoa hiện diện bốn phía ở đế của đầu
trụ đá – là biểu tượng của Phật Pháp và của nền cai trị công chính – ngày nay
hiện diện trên quốc kỳ Ấn Ðộ.
Sắc dụ của hoàng đế ghi bằng chữ Bràhmì
trên một phần trụ đá còn tồn tại thật ra không thích hợp với vẻ tôn nghiêm của
thánh địa này.
Sắc dụ ấy cảnh báo Tăng chúng và Ni
chúng đề phòng sự chia rẽ Giáo hội cùng ra lệnh cho những kẻ gây bất hòa phải mặc
bạch y thay vì hoàng y của Giáo hội và phải rời Giáo hội. Ðệ tử cư sĩ phải tuân
giới luật vào các ngày trai giới (Bố-tát: Uposatha) tức các ngày mồng một,
mồng tám (trăng non), ngày rằm trăng tròn và ngày hai mươi ba ở giữa nửa tháng
sau (23).
Vì sắc dụ không đề cập các sự kiện thuyết
pháp đầu tiên ở Isipatana, nên người ta đã kết luận rằng cột đá được mang đến
Sarnàth từ một nơi nào đó. Nội dung sắc dụ phù hợp với việc thời xưa nó đã được
đem đến từ Kosambì.
Cách phía nam ngôi đền và trụ đá Asoka độ
vài mét, du khách thấy một nền cao hình tròn. Ðây là nền Bảo Tháp Dharmaràjika,
xưa cao 30m với một lan can bằng đá. Bảo tháp này cũng do vua Asoka dựng lên,
nay chỉ còn sót một vài lớp gạch. Phần kia đã bị Jagat Singh, đại thần của tiểu
vương Chet Singh ở Benares phá hủy để lấy gạch năm 1794.
Trong lúc triệt hạ ngôi tháp, họ tìm được
một bình đá tròn ở khoảng 9m dưới đỉnh tháp, đựng một hộp thánh tích bằng cẩm
thạch, hộp này giữ một phần tro xá-lợi Phật mà vua Asoka đã rước về từ nơi hỏa
táng nguyên thủy đến Sàrnàth với mục đích là nơi đức Phật Sơ Chuyển Pháp Luân
và thành lập Tăng đoàn cũng hưởng phần xá-lợi. Còn đại thần Jagat Singh lại giải
quyết phần xá-lợi theo kiểu Ấn Ðộ giáo: Ông truyền lệnh làm lễ rải tro trên
sông Hằng. Tuy nhiên việc phá hủy Bảo Tháp Dharma-ràjika và khám phá xá-lợi Phật
cũng có mặt thuận lợi.
Bản tường thuật về Bảo Tháp của Anh kiều
tại địa phương này đã khiến công chúng quan tâm vùng Sàrnàth đưa đến việc điều
tra di tích khảo cổ ở đây.
PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI
Từ Lộc Uyển ở Isipatana (Sàrnàth ngày
nay), đức Phật ít thích đến viếng thành phố Benares. Ngoài khoảng cách chừng một
giờ rưỡi đi bộ, còn phải băng qua sông Varunà, (nay là Barnà) và phải di chuyển
bằng phà có trả tiền là thứ mà một khất sĩ không cất giữ! Nhất là dân Benares
thường chống đối đám du sĩ hành khất nên khó kiếm được thực phẩm bố thí ở đó.
Tuy nhiên, mối liên lạc với Benares đã
được thiết lập sẵn dành cho đức Phật mà không cần ngài phải làm gì cả. Việc đó
là do thanh niên Yasa (Da-xá), nam tử của một thương nhân hào phú, chủ tịch một
nghiệp đoàn ở Benares, có lẽ là chủ ngân khố hoặc thương nhân tơ lụa bán sỉ.
Yasa là một thanh niên được nuông chìu mọi
mặt quá thỏa mãn với cuộc sống truy hoan đã làm cho nội tâm chàng trống rỗng.
Kinh Ðiển Pàli nhắc đến ba ngôi nhà chàng ở theo từng mùa, đám nữ vũ công bao
vây chàng, song chàng vẫn hờ hững dửng dưng, cùng đôi hài bằng vàng – có lẽ được
thêu chỉ bằng vàng – mà chàng mang thuở đó.
Do vậy chàng Yasa chán ngán đời sống gia
đình đầy xa hoa, với tâm trạng bất mãn, một sáng sớm kia đến viếng Vườn Nai ở
Isipatana, đảnh lễ đức Phật và kính cẩn ngồi xuống cách ngài một khoảng. Ðức Phật
nhận ra vẻ chán chường cuộc sống thế tục ở thanh niên này, bèn thuyết giảng cho
chàng một bài Pháp “thuận thứ”.
Phương pháp này chứng tỏ tài năng giảng
dạy của ngài, lần đầu tiên ngài ứng dụng với Yasa, gồm cách trình bày trước hết
các vấn đề dễ hiểu như bố thí, trì giới, cõi Thiên và sự bất lợi của dục lạc.
Nếu người nghe có khả năng thọ giáo
thêm, ngài sẽ tiếp tục thuyết giảng Tứ Thánh Ðế, đó là chân lý về khổ, khổ tập,
khổ diệt và con đường chấm dứt khổ. Phương pháp sư phạm này chứng tỏ hiệu quả tức
thời đối với Yasa. Chàng đắc “Pháp nhãn vô trần ly cấu” tức là thấy “bất cứ vật gì
chịu quy luật sanh khởi đều phải chịu quy luật hoại diệt”.
Trong lúc ấy, mẫu thân chàng Yasa đang
lo âu về con trai bà nên xin chồng bà đi tìm con. Vì thế phụ thân chàng cũng đến
Vườn Nai và hỏi đức Phật về con trai mình. Thay vì đáp thẳng, đức Phật bảo ông
ngồi xuống, rồi cũng thuyết giảng “bài Pháp thuận thứ” của ngài vừa chứng tỏ
thành công với chàng Yasa. Song vì phụ thân chàng Yasa quá lo âu nên không thể
thọ giáo thêm nữa, ngài chỉ giảng cho ông nghe phần đầu dễ hiểu trong Giáo
Pháp.
Lập tức phụ thân chàng Yasa xin quy y Phật,
Pháp, Tăng và xưng mình là cận sự nam cư sĩ (Upàsaka). Như vậy, sau Tapussa và
Bhallika, ông là đệ tam cư sĩ tại gia của Giáo hội Phật giáo, mặc dù ông là người
đầu tiên được giáo hóa với phương thức Tam Quy Phật, Pháp, Tăng vẫn còn tồn tại
đến ngày nay.
Cuối cùng, thân phụ chàng Yasa mới nhận
thấy con trai ông đang ngồi trong hội chúng vây quanh đức Phật, và ông van xin
chàng trở lại nhà vì mẹ già đang ưu phiền về chàng. Song chàng Yasa nhìn đức Phật
với vẻ khẩn cầu tha thiết khiến ngài bảo rằng một người đã khinh chê cuộc sống
thế gian như Yasa không thể tiếp tục sống đời cũ nữa.
Thân phụ Yasa đành chấp nhận lý luận của
ngài, song ông thỉnh Phật đến thọ thực ngày hôm sau có Yasa theo hầu. Ðức Phật
im lặng nhận lời, đó là cách bày tỏ đồng ý thông thường trong đạo Phật – có lẽ
đi kèm với một dấu hiệu chấp nhận vẫn thịnh hành đến nay, là vẽ hình số 8 nằm
ngang với chiếc cằm.
Ngay sau khi phụ thân ra về, thanh niên
Yasa xin thọ giới Tỳ-kheo. Ðức Phật nhận lời thỉnh cầu của chàng và chẳng bao
lâu Tỳ-kheo Yasa đắc Thánh quả A-la-hán, “Giờ đây có bảy vị A-la-hán trên
thế gian”.
Mặc dù chuyện này mang tính khích lệ đạo
đức, đó cũng là một truyền thuyết cảm động của thời ấy. Không những nó nêu rõ ước
vọng tâm linh tha thiết xâm chiếm tâm hồn dân Ấn ở thế kỷ thứ sáu trước CN đã
khiến cho vô số người rời bỏ nhà cửa trang trại để phiêu lưu trên đường đời khất
sĩ vô định, nó còn cho ta thấy nỗi đau lòng mà cha mẹ, đôi khi cả vợ con nữa,
phải chịu đựng trước cảnh chia ly với con, chồng, cha họ.
Buổi cơm cúng dường mà thân phụ chàng
Yasa thỉnh mời đức Phật, Ðạo Sư của ông và chính cả con trai ông nữa, diễn ra
sáng hôm sau. “Ðược tôn giả Tỳ-kheo Yasa theo hầu”, bậc Ðạo Sư lên đường
tiến về nhà song thân tôn giả , và được mẫu thân và “nguyên hiền phụ” của tôn
giả nghênh tiếp. Sau khi hai bà này thọ giáo bài Pháp thuận thứ với đầy đủ chi
tiết của đức Phật, hai bà liền quy y Tam bảo, như vậy đã trở thành các nữ đệ tử
cư sĩ đầu tiên, các cận sự nữ (Upàsikà) của đức Phật. Kế đó, cùng với phụ thân
tôn giả, hai bà phục vụ chư Tăng suốt buổi thọ thực.
Việc tôn giả Yasa xuất gia đầu Phật đã
gây nhiều tiếng vang lớn. Sự kiện một giáo lý hướng nội thúc giục một chàng
thanh niên chán hưởng thụ rời bỏ đời sống đầy lạc thú để trở thành một Sa-môn
khất sĩ là bằng cớ hùng hồn cho thân hữu chàng thấy giáo lý này hẳn phải phi
thường xuất chúng, khiến thêm bốn người trong đám ấy cũng làm theo chàng: Vimala,
Subàhu, Punnaji và Gavampati, tất cả cũng như tôn giả Yasa, đều là nam tử của
các thương nhân thuộc giai cấp Vệ-xá, đã được nhận làm Tỳ-kheo theo lời tiến cử
của tôn giả, và sau đó đều trở thành A-la-hán.
Chẳng bao lâu sau, thêm 50 thân hữu của tôn
giả từ các vùng lân cận Benares cũng gia nhập Giáo đoàn và đều đắc quả
A-la-hán. Như vậy, chư vị A-la-hán đã lên đến số 61 người.
CHÍNH THỐNG GIÁO Ở BENARES ÐỐI LẬP PHONG TRÀO SA-MÔN KHẤT SĨ
Benares như thế nào thời đức Phật? Quả
thực đó là linh địa của tri thức Upanisad, nơi mà những tư tưởng về tái sanh
còn mới mẻ và quy luật thưởng phạt tự nhiên đang được thảo luận rồi thông qua;
nhưng còn hơn thế nữa, đó là trung tâm tế đàn theo kinh Vệ-đà vốn nằm trong tay
một tập đoàn Bà-la-môn chuyên nghiệp và cũng là trung tâm hỏa táng, một thành
phố mời mọc mua bán một đời sau trên thiên đàng! Rõ ràng là những kẻ đang kiếm
nhiều lợi nhuận béo bở nhờ các dịch vụ này không thể nào thân thiện được với
phong trào Sa-môn tìm cầu giải thoát lại khinh thường mọi tập quán tế lễ từ xưa
ấy.
Do vậy đa số dân thành Benares đều tỏ ra
lạnh nhạt và thù ghét đối với các du sĩ khất thực cắm lều ở ngoại thành với số
lượng nhiều đáng lo ngại như thế và lại thuyết giảng các tư tưởng phi truyền thống.
Nếu có vị nào liều lĩnh vào trung tâm thành phố thì bình bát khất thực của vị ấy
có thể chẳng nhận được gì mà bản thân vị ấy còn bị nhục mạ nữa. Vì thế đa số
Sa-môn chỉ ở ngoại thành và tránh tiếp xúc với dân nội thành.
Ðức Phật cũng đã làm như vậy. Trong bốn
mươi lăm năm hành đạo, ngài chỉ an cư mùa mưa một lần duy nhất gần Benares, đó
là vào năm 528 trước CN, năm ngài thành đạo và thiết lập Tăng đoàn, mùa an cư ấy
tại Lộc Uyển ở Isipatana (Chư Thiên Ðọa Xứ), tức Sàrnàth. Sau đó, ngài đã ở lại
Isipatana hai ba lần nữa, có lẽ trên đường về Kosambì, song ngài giới hạn việc
du hành vào trung tâm Benares đến mức tối thiểu.
Nếu ngài không được gia đình tôn giả
Yasa cúng dường thực phẩm, ngài cũng không đi khất thực ở trong thành phố, mà
chỉ đến chợ gia súc ở ngoại ô. Ngài rất ít liên hệ với dân chúng theo chính thống
Vệ-đà và tập tục tế lễ của họ.Thực ra, đức Phật ủng hộ mọi quan điểm bị đám tín
đồ Bà-la-môn theo kinh Vệ-đà thù ghét, ngài xem:
(1) việc rảy
nước rửa tội và
(2) tế thần lửa
đều là vô ích;
(3) ngài công
khai chỉ trích việc hiến tế súc vật và
(4) đối với lễ
tế đàn theo kinh Vệ-đà, ngài nêu quan điểm là mọi tế lễ đều có thể được loại bỏ
vì không cần thiết.
AN CƯ MÙA MƯA ÐẦU TIÊN Ở ISIPATANA
Biết rằng dân chúng Benares không ưa
thích ngài, dầu cho họ có chú ý đến ngài đi nữa, cũng không mong tìm được nhiều
người công nhận Giáo Pháp ngài ở Benares ngoại trừ những thân bằng quyến thuộc
của tôn giả Yasa, đức Phật cùng hội chúng Tỳ-kheo ít ỏi của ngài an cư mùa mưa
năm 528 trước CN tại Vườn Nai ở Isipatana (Chư Tiên Ðọa Xứ) (nay là Sàrnàth).
Lúc ấy chưa có một tịnh xá thích hợp. Nơi cư ngụ duy nhất gồm vài thảo am hoặc
khả quan hơn cả là các lều tre mái sậy mà các Tỳ-kheo dựng lên để bậc Ðạo Sư và
chư vị ở tạm.
Song mùa an cư đầu tiên năm 528 này phần
lớn dành vào việc tu học của chúng Tỳ-kheo. Ngoài các bài thuyết giảng “Chuyển
Pháp Luân” (Dhammacakka-ppattana) và Vô Ngã Tướng (Anatta Lakkhana), còn ba bài
khác nữa dành cho các tuần lễ này đều được bảo tồn trong Kinh Tạng. Qua một bài
Pháp (ngài khuyến giáo chư Tỳ-kheo – mặc dù chư vị đều được ngài xem là đã đắc
quả A-la-hán – cần phải suy tư đúng như thực hay như lý tác ý (yoniso
manasikara), đó là điều kiện ngài tuyên bố đã đưa ngài đến Giác Ngộ.
Trong bài thứ hai ngài tuyên bố
ngài cùng chư Tỳ-kheo đều thoát khỏi mọi kiết sử của nhân giới cũng như thiên
giới; và trong bài thứ ba ngài dạy chư vị bài kinh Dụ Người Ðóng Xe phải
làm hai bánh xe cho vua Pacetana – một vị vua trong thần thoại cổ. Một bánh xe
được làm cẩn thận trong gần sáu tháng ròng, nên đứng vững vàng sau khi chạy thử
và sức đẩy đã hết, còn bánh kia chỉ được làm trong sáu ngày, nên lảo đảo rồi
ngã nhào vì có nhiều khuyết điểm trong vành xe, nan hoa và trục. Cũng vậy, chư
Tỳ-kheo phải đoạn trừ các khuyết điểm và lỗi lầm trong thân nghiệp, khẩu nghiệp
và ý nghiệp để tránh ngã nhào ra khỏi Pháp – Luật của ngài.
Kinh Tạng Pàli còn có thêm bốn bài kinh
do đức Phật thuyết tại Isipatana, tất cả đều ghi dấu vài ba cuộc du hành của
ngài đến nơi ấy về sau. Ðiều này có thể được thấy rõ qua sự kiện thính giả ở đấy
gồm những người chỉ gia nhập hội chúng của ngài sau năm 528.
Khoảng cuối mùa mưa, đức Phật thuyết hai
bài Pháp rất quan trọng đối với việc phát triển Giáo hội tương lai. Ngài quyết
định không giới hạn việc truyền bá Chánh Pháp cho riêng ngài, mà đưa cả chư Tỳ-kheo
vào trọng trách này nữa. Do vậy, ngài gọi các đệ tử tụ họp lại và dạy bảo chư vị
đi làm sứ giả truyền Pháp:
“Này các Tỳ-kheo, hãy ra đi, vì lợi ích và an lạc của quần sanh,
vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư Thiên
và nhân loại. Ðừng đi chung hai người cùng đường.
Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết Pháp (Dhamma) hoàn thiện ở phần đầu
(sơ thiện), hoàn thiện ở phần giữa (trung thiện), hoàn thiện ở phần cuối (hậu
thiện), cả về ý nghĩa lẫn văn cú, hãy truyền bá đời Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ
thanh tịnh.
Có những người nhiễm bụi ít trong mắt sẽ đọa lạc nếu không nghe
Pháp. Song nếu chư vị ấy nghe Pháp, chư vị sẽ được giải thoát. Còn chính ta,
này các Tỳ-kheo, ta sẽ đi đến thành lũy Uruvelà (Ưu-lâu-tần-loa) để thuyết
Pháp”.
Chư Tỳ-kheo ra đi như đã được huấn thị,
và chẳng bao lâu sứ mạng của chư vị đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Chư vị đưa nhiều
người từ bốn phương về Isipatana để xin thọ giới. Tuy nhiên, chư vị chưa hoan hỷ
về điểm đức Phật đã dành quyền truyền giới cho riêng ngài, và chư vị cũng thỉnh
cầu ngài cho phép chư vị có quyền ấy. Bậc Ðạo Sư không dễ gì ban ngay ước nguyện
ấy cho chư vị.
Trước tiên ngài xem xét riêng vấn đề ấy,
rồi ngài thảo luận với chúng Tăng cuối cùng ngài quyết định:
“Này chư Tỳ-kheo, ta cho phép chư vị khi ở trong những xứ sở,
thôn làng xa xôi có quyền truyền tiểu giới xuất gia (pabbajà) (làm Sa di) và đại
giới xuất gia (upasampadà) (làm Tỳ-kheo). Việc ấy phải thực hiện theo cách này:
Trước tiên hãy cho giới tử cạo sạch râu tóc, đắp các y vàng và
phủ vai bên trái với thượng y; rồi khi vị ấy đến đảnh lễ chân vị Tỳ-kheo truyền
giới (như một dấu hiệu của bổn phận đệ tử), hãy cho phép vị ấy quỳ xuống cung
kính nghiêng mình trước giới sư với hai tay chắp lại. Sau đó vị ấy phải được dạy
bảo lập lại câu: “Ðệ tử xin quy y Phật,
đệ tử xin quy y Pháp, đệ tử xin quy y Tăng”. Câu này phải được lập lại ba lần. Này chư Tỳ-kheo, ta cho phép
chư vị truyền tiểu giới xuất gia và đại giới của một tân thọ Tỳ-kheo bằng cách
nhận Tam Quy này”.
Bằng cách cho phép chư Tăng truyền giới
xuất gia, đức Phật đã cắt cuống nhau liên kết Tăng chúng và vị sáng lập Ðạo
Pháp, khiến cho Tăng chúng có thể sống đời độc lập của mình. Về sau, việc truyền
giới đã được tổ chức thành nghi lễ và bổ sung nhiều tiết mục đặc biệt liên hệ đến
giới tử và giới sư.
Năm 528 trước CN là một năm đầy kết quả
mỹ mãn đối với đức Phật và ngài đã trở thành vị lãnh đạo một trường phái trong
phong trào Sa-môn khất sĩ. Bấy giờ mùa mưa cùng thời kỳ ngưng hoạt động trong
năm đã trôi qua. Rừng núi, đồng ruộng đều xanh tươi mơn mởn và lúa mạ được trồng
từ giữa tháng sáu nay đã nhô lên vài tấc trên mặt nước đồng. Mọi giếng và ao hồ
tràn đầy nước, đường sá đi lại được như cũ, và làn không khí oi bức ngột ngạt của
thời gió mùa đã nhường chỗ cho những ngày ấm áp và đêm mát dịu. Như ngài đã
tuyên bố, đức Phật còn trẻ tuổi rời Vườn Nai ở Isipatana và lên đường đi
Uruvelà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét