Đức Phật trong lịch sử
(Phần
I)
Hình
ảnh Đức Phật trong Phim Littte Buddha sản xuất năm 1993
BỐI CẢNH BẮC ẤN THẾ KỶ THỨ SÁU TRƯỚC CN
Theo
Kinh Ðiển Phật giáo, toàn cảnh chính trị của vùng đồng bằng trung tâm sông Hằng
trong thế kỷ thứ 6 trước CN do bốn vương quốc, một số nước cộng hòa theo chế độ
tập quyền và các nhóm bộ tộc quyết định.
Phía bắc sông Hằng là vương quốc Kosala
(Kiều-tát-la) hùng cường với thủ đô Sàvatthi (Xá-vệ) vào thời đức Phật, nước
này được các Ðại vương liên tục trị vì, đó là Mahàkosala, Pasenadi và
Vidùdabha. Ngoài Sàvatthi, các thành phố quan trọng khác của Kosala là Sàketa
(hay Ayojjha), cố đô, và Varanasi (Benares, Ba-la-nại), thánh địa để chiêm bái.
Ðại vương Kosala, ngoài lãnh thổ trung ương, còn ngự trị thêm hai nước cộng hòa
và ba bộ tộc khác nữa.
Phía Tây nam Kosala, nằm trong góc giữa
sông Hằng và sông Yamunà (Diệm-mâu-na) là tiểu quốc Vamsà (hay Vaccha) với thủ
đô Kosambì (Kiều-thưởng-di) và trung tâm chiêm bái Payàga (nay là Allàhabàd).
Quốc vương Vamsà là Udena, con vua Parantapa.
Tiểu quốc Avanti (sát Magadha) trải dài
dưới quốc độ Vamsà và Kosala đến phía nam sông Hằng. Quốc vương Pajjota ngự trị
tại thành Ujjenì, nhưng ở miền nam nước này lại có một thủ đô thứ hai là
Màhissati. Xứ Avanti nằm phía ngoài khu vực được đức Phật du hành nhưng lại được
đệ tử ngài là tôn giả Mahàkaccàna (Ðại-Ca-chiên-diên) giáo hóa theo đạo Phật.
Cuối cùng là vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà)
trải dài, giáp Avanti về phía đông và sông Hằng về phía bắc. Sự phồn thịnh của
xứ này phần lớn dựa vào các quặng sắt do việc khai thác mỏ không xa kinh đô
Ràjagàha (Vương Xá), vừa phục vụ thương mại xuất khẩu vừa sản xuất vũ khí trong
nước. Các Ðại vương Bhàti (hay Bhàtiya) và Bimbisàra (Tần-bà-sa-la kết hôn với
chị của vua Pasenadi nước Kosala) liên tục ngự trị tại thành Vương Xá, còn vua
Ajàtasattu (A-xà-thế) dời kinh đô từ Vương Xá đến Pàlaliputta (nay là Patna).
Vương tử kế vị vua Ajàtasattu là Udàyibhadda, cũng như phụ vương mình, đã giết
cha để chiếm ngai vàng và sau đó cũng cùng chung số phận ấy dưới tay con trai
là Anuruddhaka.
Ngoài bốn quốc độ này, vùng Trung Nguyên
còn có nhiều xứ cộng hòa, tất cả đều ở về phía đông Kosala và bắc Magadha. Các
xứ này có tính cách quý tộc tập quyền, mỗi xứ đều do một vua thống trị (ràja) vừa
chủ tọa hội đồng quốc gia vừa tự cầm quyền nhiếp chính những lúc hội đồng không
có kỳ họp. Chỉ các thành phần giai cấp Khattiya (Sát-đế-lỵ _ quý tộc)
được bầu làm quốc vương, nghĩa là các vương tước hay các chức vị trong hội đồng
lãnh đạo đều dành cho người ở giai cấp này. Tuy nhiên, các giai cấp khác cũng
được nghe các buổi hội nghị vì phòng hội đồng chỉ gồm một mái che trên các cột
trụ mà thôi.
Các xứ cộng hòa được gọi tên theonhóm
quý tộc lãnh đạo, nhóm này chỉ là một thiểu số trong toàn dân, mà cho đến nay
không lưu lại các con số rõ ràng nào cả.
Xứ cộng hòa của bộ tộc Sakiyas (hay
Sakya, Sakka, Thích-ca) thủ đô là Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) và vùng lãnh thổ cổ
sơ hiện nay bị ranh giới Ấn Ðộ _Nepal chia cắt, thời ấy tiếp giáp quốc độ
Kosala về đông bắc và là một nước chư hầu của đế quốc này. Ðức Phật là một người
trong giới quý tộc Thích-ca.
Cộng hòa Malla rất rộng có đến hai vua
thống trị ở Pàvà và Kusinàrà. Kusinàrà được mô tả như một nơi chốn không quan
trọng, nhưng chính nơi đây bậc Ðạo Sư đã viên tịch trong Niết-bàn Tối hậu
(Parinibbàna).
Cộng hòa Licchavrì với thủ đô Vesàli (Tỳ-xá-ly)
và Cộng hòa Videha (Vi-đề-ha) với thủ đô Mitthilà (Mi-thi-la) đã gia nhập vào
liên bang Vajji (Bạt-kỳ), có một thời lại liên kết thêm vài bộ tộc khác nữa.
Ngoài các nước quân chủ và cộng hòa còn
có các bộ tộc. Chúng ta biết rất ít về chế độ chính trị của họ, nhưng sự khác
biệt giữa các cộng hòa và bộ tộc hình như là ở điểm vị cai trị bộ tộc không do
dân bầu lên mà do các vị bô lão trong bộ tộc chỉ định, và vị cai trị bộ tộc ấy
cũng như các bô lão đều không cần phải ở giới quý tộc Sát-đế-lỵ. Các bộ tộc
quan trọng là Koliyas (Câu-ly) ở phía đông nam cộng hòa Sakiya, ranh giới của
hai nước là con sông nhỏ bé Rohinì (nay là Rowai). Xưa có nhiều liên hệ hôn
nhân giữa hai dòng họ Sakiyas và Koliyas này. Thủ đô của Koliyas là Ràmagàma
(hay Koliyanagara).
Xa hơn nữa lại có bộ tộc Moriyas, thủ đô
là Pipphalivana, vùng đất này tiếp giáp vùng đất của bộ tộc Koliya, đến mãi tận
phía đông. Cuối cùng phải nói đến dòng họ Kàlamas, thủ đô là Kesaputta. Xứ sở
này nằm trong góc hướng về phía tây giữa sông Ghàgra và sông Hằng.
Ðôi khi có ý kiến khác nhau giữa các
vương quốc, cộng hòa, bộ tộc ấy phần lớn về quyền dẫn thủy nhập điền và đồng cỏ,
nhưng thái độ chung là cùng sống hòa bình. Bất cứ ai cũng có thể tự do vượt qua
biên giới chung giữa các chính thể khác nhau ấy. Ðây là toàn cảnh địa lý, khí hậu
và chính trị thời đức Phật Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm) giáng sinh năm
563 trước CN.
NGUỒN GỐC THÁI TỬ SIDDHATTHA VÀ SỰ ÐẢN SANH CỦA NGÀI
Kapilavatthu, quê hương đức Phật, nơi
ngài sống hai mươi chín năm đầu tiên trong đời, ở sát biên giới ngày nay ngăn
chia nước Nepal và cộng hòa Ấn Ðộ. Phụ vương đức Phật mệnh danh Suddhodana (Tịnh
Phạn) thuộc bộ tộc Sakiya. Bộ tộc Sakiya gồm toàn các vị Sát-đế-lỵ quý tộc vào
thời ấy là thành phần giai cấp cao sang, giai cấp võ tướng hay hơn nữa là đại
thần lãnh trách nhiệm cai trị và xử án tại cộng hòa Sakiya. Từ các chức vụ này,
vị tân vương thống trị nước cộng hòa và đại diện toàn dân được bầu lên khi có
nhu cầu. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước CN, vua Tịnh Phạn giữ ngôi vị Quốc
trưởng.
Vua Tịnh Phạn kết hôn với hai chị em ruột
từ xứ Devadaha, bà chánh hậu Màyà (Ma-gia) sau này thành mẫu thân Thái tử
Siddhattha. Thứ phi ngài là Pajàpati (hay Mahàpajàpati: Ma-ha ba-xà-ba-đề) sinh
hai con: hoàng nam là vương tử Nanda, chỉ sinh sau thái tử Siddhattha, anh khác
mẹ vài ngày, và công chúa Nandà hay Sundarìnandà. Cả hai bà Màyà và Pajàpati đều
thuộc về bộ tộc Sakiya. Kết hôn trong cùng một bộ tộc phù hợp với quy luật hôn
nhân nội tộc thịnh hành thời ấy, mặc dù việc này cũng có thể bị coi thường
trong trường hợp có chuyện ái tình hay món hồi môn đủ sức lôi cuốn.
Ðáng chú ý hơn, đặc biệt ở giai cấp
Bà-la-môn là nguyên tắc kết hôn ngoại tộc chống việc kết hôn nội tộc, theo đó
những người cùng một họ (tộc tánh) không được phép kết hôn. Tộc tánh của vua Tịnh
Phạn là Gotama vì thế ngài không được phép kết hôn với một phụ nữ cùng họ. Hẳn
ngài đã tuân theo tục lệ ấy và đã kết hôn với nhiều người ngoại tộc nhưng việc
này không có gì chắc chắn vì tộc tánh Devadahasakka hoặc Anjana đều không được
ghi trong sử. Tuy nhiên ta chỉ nhìn vào bản gia phả là thấy rõ mối liên hệ huyết
thống mật thiết giữa vua Tịnh Phạn và hai bà hoàng hậu chị em này: Mẫu thân của
Ngài và phụ thân của hai bà là anh em ruột, và phụ thân ngài cùng mẫu thân hai
bà cũng vậy. Nói cách khác, hai hoàng hậu là hai em họ ngài.
Kapilavatthu là kinh thành quê hương của
Thái tử Siddhattha, nhưng không phải nơi ngài ra đời.
Như trong Nidànakatthà (Duyên Khởi Luận),
phần giới thiệu truyện Tiền Thân hay Bổn Sanh (Jàtakas) kể câu chuyện thần thoại
về hoàng hậu Màyà đã bốn mươi tuổi, ngay trước thời kỳ lâm sản đã lên đường trở
về quê song thân ởDevadaha để sinh con và nhờ mẫu thân Yasodharà bảo dưỡng. Cuộc
hành trình bằng xe ngựa hay xe bò cọc cạch lắc lư trên những con đường đất bụi
nóng bức khiến cho việc lâm sản xảy ra sớm trước khi về đến Devadaha. Gần làng
Lumbini (Lâm-tỳ-ni, nay là Rumindai) giữa trời không có nhà cửa che chở, chỉ có
được tàng cây sàla (tên khoa học Shorea Robusta) và cũng không có thầy thuốc
nào lo việc hộ sản, hoàng tử ấu nhi Siddhattha sinh ra đời khoảng tháng năm,
năm 563 trước CN.
Lumbini được các nhà khảo cổ khai quật
năm 1896. Di chỉ quan trọng nhất được tìm thấy nơi ấy là một thạch trụ cao 6m5
do hoàng đế Asoka (A-dục) dựng năm 245 trước CN với lời ghi:
“Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc
vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm
bái, vì đức Phật Thích-ca Mâu Ni, bậc Hiền Nhân của bộ tộc Thích-Ca, đã đản
sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá và dựng một thạch trụ.
Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống
1/8”.
Hơn nữa, một phiến đá có lẽ xuất hiện
vào khoảng thế kỷ thứ hai sau CN được tìm ra ở Lumbini và được lưu trữ tại một
ngôi chùa nhỏ địa phương. Phiến đá cho thấy hoàng hậu Màyà sinh hoàng tử trong
lúc đang đứng vịn cành cây sàla. Hình như sinh con lúc đứng là một phong tục thời
ấy.
Sau những cơn đau đớn của sản phụ, hoàng
hậu Màyà không thể tiếp tục cuộc hành trình đến Devadaha nên đoàn tuỳ tùng ít ỏi
của bà đưa bà trở về Kapilavatthu, cả người mệt lã. Niềm hân hoan vì hoàng tử ấu
nhi của hoàng gia Gotama ra đời chẳng bao lâu lại bị lu mờ vì nỗi lo âu trước sức
khỏe suy nhược dần của mẫu hậu. Bà trở nên yếu đuối vì cảm sốt đành phải nằm
trên giường nhìn mọi việc chuẩn bị cho ngày lễ đặt tên thái tử.
Một vị hiền triết được triệu vào cung để
tiên đoán vận mệnh của thái tử, đó là lão trượng Asita (A-tư-đà) một thân hữu rất
được hoàng tộc Gotama quý trọng, tên vị này có nghĩa là “Bất Bạch” vừa chỉ làn
da của vị ấy vừa nói lên nguồn gốc sinh trưởng từ đám dân cư ngụ ở Ấn Ðộ trước
thời kỳ có dân chúng gốc Aryan. Vị hiền nhân Asita vốn là tế sư của hoàng tộc
Gotama suốt bao năm qua. Trước tiên là dưới thời tiên vương Sìhahanu, phụ thân
của vua Suddhodana, sau đó đến chính thời vua Suddhodana trước khi ngài lui về ẩn
dật. Ngài xem xét vị hài nhi mới ra đời ba ngày và tiên đoán căn cứ vào một số
thân tướng rằng đây quả là một vương tử phi thường sẽ trở thành một vị Phật và
sẽ chuyển Pháp Luân (S. Nip 693). Ngài ứa nước mắt vì chính ngài sẽ không sống
lâu nữa để nhìn thấy thái tử Siddhattha thành Phật, và ngài căn dặn cháu trai
mình là Nàlaka nhớ rằng về sau phải làm đệ tử của đức Phật tương lai này.
Hai hôm sau, tám vị Bà-la-môn cử hành lễ
đặt tên thái tử Siddhattha . Các vị này cũng tiên đoán nhiều việc trọng đại
trong đời thái tử, hoặc sẽ thành bậc Giác Ngộ trên đường đạo giáo, hoặc làm một
đại vương trong đời thế tục đầy vinh quang danh vọng. Vị trẻ nhất trong các vị
Bà-la-môn này là Kondañña( Kiều-trần-như), người mà chúng ta sẽ gặp lại ba mươi
năm sau.
Còn đối với hoàng hậu Màyà, lễ đặt tên
hoàng tử hài nhi là phần kết thúc của đời bà. Bảy ngày sau khi sinh con, cũng
như nhiều sản phụ khác trong các xứ nhiệt đới, bà lặng lẽ qua đời không than
vãn.
Tuy nhiên, hoàng tử ấu nhi Siddhattha
không lớn lên trong cảnh thiếu mẹ. Bà di mẫu Pajàpati của thái tử, thứ phi của
vua Suddhodana, là kế mẫu thương yêu chăm sóc thái tử trong lúc chính bà cũng vừa
sinh hoàng tử Nanda, em khác mẹ của thái tử Siddhattha. Chuyện còn kể rằng bà
giao con mình cho một nhũ mẫu và chính bà dành hết thì giờ tận tụy săn sóc hài
nhi của cố hoàng hậu, chị ruột bà.
VẤN ÐỀ XÁC ÐỊNH NIÊN ÐẠI
Ða số sử gia Âu châu nghiên cứu Ấn Ðộ
cho rằng năm 563 trước CN là năm sinh của đức Phật và cũng là niên đại sớm nhất
được xác nhận. Niên đại ấy được tính toán cách nào và khả năng sai lạc lớn đến
mức nào?
a) Vì sử sách cổ Ấn Ðộ
chỉ ghi các khoảng cách giữa các sự kiện mà không ghi niên đại của các sự kiện ấy
như các sử sách về sau, cho nên muốn xác định niên đại trong sử Ấn Ðộ cần phải
thỉnh cầu đến các sử gia Hy lạp. Các quan hệ Ấn – Hy phát triển là do kết quả
chiến dịch Ấn Ðộ của Ðại Ðế Alexander (327 trước CN).
Vào khoảng năm 303 trước CN, Hoàng đế Ấn
Ðộ Candragupta Maurya (hay Candagutta Moriya, triều Khổng Tước) đạt được một thỏa
hiệp về lãnh thổ và mở màn quan hệ ngoại giao với vị cựu đại tướng của vua
Alexander là Seleukos Nikator hiện thời cai trị thành Babylonia. Qua các báo
cáo của sứ thần Hy lạp là Megasthenes được bổ nhiệm đến thủ đô Pàtaliputta
(Patna ngày nay), vua Candragupta dần dần được các sử gia Hy Lạp biết rõ qua
danh hiệu Sandrokottos trong tiếng Hy lạp, và nhờ các sử gia này, chúng ta có
thể tính niên đại ngài lên ngôi vào năm 321 trước CN.
Niên đại này còn cho chúng ta xác định
các niên đại của chuỗi sự kiện liên tục được liệt kê trong sách sử ký tiếng
Singhala là Dìpavamsa (Ðảo Sử) và Mahavamsa (Ðại Sử) khoảng thế
kỷ thứ tư đến thứ sáu CN. Theo các sách này, vua Candragupta trị vì hai mươi bốn
năm (đến 297), hoàng nam kế vị ngài là Bindusàra (Tần-đầu-sa-la) trị vì hai
mươi tám năm (đến 269), tiếp đó là khoảng bốn năm trước khi Asoka, con vua
Bindusàra, lên ngôi bằng cách tiêu diệt tất cả hoàng gia huynh đệ và tự làm lễ
quán đảnh phong vương. Như vậy biến cố này có lẽ đã xảy ra vào năm 265 trước
CN.
Ta có thể nhìn lui về ngày đức Phật đản
sanh dựa vào lời xác nhận trong cả hai sách sử ký này rằng vua Asoka lên ngôi
hai trăm mười tám (218) năm sau khi đức Phật diệt độ (Bát Niết-bàn). Sự kiện
này do vậy được ghi vào năm 483 trước CN. Và vì Bậc Ðạo Sư sống đến tám mươi tuổi,
năm đản sinh của ngài nhằm vào năm 563 trước CN.
Mặc dù con số hai trăm mười tám năm giữa
thời đức Phật diệt độ và vua Asoka tức vị được xem là đáng tin cậy, cách tính
toán này cũng có nhiều nhược điểm. Về một phương diện, các năm trị vì của vua
chúa thường được làm tròn cho chẵn số, và một phương diện khác, ta không nên bỏ
qua sự kiện là trong sách Purànas (Chuyện Cổ Nhân) cho rằng vua
Bindusàra chỉ trị vì khoảng hai mươi lăm năm. Như vậy cách tính toán dựa trên
các sử ký cần được kiểm tra lại từ nhiều nguồn khác nữa.
b) -Một nguồn thông tin
khác do các sắc dụ của hoàng đế Asoka cung cấp, các sắc dụ này được hoàng đế
Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) truyền khắc lên đá và đặc
biệt truyền dựng thạch trụ khắp đế quốc vĩ đại của ngài.
Sắc dụ trên thạch trụ số XIII, ghi ngày
chinh phục đẫm máu nước Kalinga (Orissa) của vua Asoka tám năm sau khi ngài
đăng quang, và trụ này có lẽ được xây dựng mười hai năm sau biến cố ấy, nêu
danh tánh năm vị vua không phải người Ấn Ðộ mà hoàng đế Asoka đã tiếp kiến, đó
là: Antiochus II của nước Syria, Ptolemy II của Ai Cập, Antigonus của
Macedonia, Magas của Cyrene và Alexander của Epirus.
Niên đại của các vua này đều được biết
rõ, và năm gần nhất các vua này vẫn còn sống là 258, như vậy đó cũng có thể là
năm gần nhất của sắc dụ này. Tính lùi lại mười hai năm sau ngày vua Asoka lên
ngôi, cọng thêm 218 năm được nêu trong các sử ký, ta đạt con số 488 trước CN
dành cho năm đức Phật tịch diệt và năm 568 dành cho năm đản sanh của đức Phật.
Một điểm sai lạc có thể thấy ở đây nằm
trong khoảng thời gian giữa năm đăng quang của hoàng đế Asoka và năm ban hành sắc
dụ, khoảng ấy có thể hơi ít hơn mười hai năm.
c) Các sử gia Trung Hoa
cũng hỗ trợ một phần qua sách “Ðiểm Sử Ký” của Quảng Châu, sách này trình bày
rõ mỗi điểm tượng trưng một năm sau thời đức Phật diệt độ. Xuống đến năm 489
CN, sách này nêu ra 975 điểm, tức là đặt thời đức Phật diệt độ vào năm 486, và
đản sanh vào năm 566 trước CN. Dầu tính cách chính xác trong sử sách của người
Trung Hoa đáng tin cậy đến đâu chăng nữa, thì cũng không phải là không có sai lầm,
nhất là vì đạo Phật đến Trung Quốc khá trễ và các sử gia Trung Hoa đã không khởi
công viết sử ký ngay khi bậc Ðạo Sư Ấn Ðộ tịch diệt.
d) Ta cũng có thể xem
xét truyền thống Kỳ-na giáo. Vị tổ sáng lập đạo này là Jina(Thắng giả)
hay Mahàvira (Ðại Hùng), người đồng thời với đức Phật, sống đến bảy
mươi hai tuổi và được Kinh Ðiển Phật giáo nhắc đến qua danh hiệu Nigantha
Nàtaputta( Ni-kiền-đà Nhã-đề-tử).
Các học giả Âu Châu thường ghi đạo sư
Mahàvira mất năm 476 trước CN theo lời tuyên bố của Hema Candra, một tu sĩ Kỳ-na
(thế kỷ 12 sau CN) rằng sự kiện vua Candragupta Maurya lên ngôi (năm 321 trước
CN) xảy ra cách 155 năm sau khi tổ sư Mahàvira tịch diệt (Nirvàna). Nhưng các học
giả đạo Kỳ-na lại tranh luận sự chính xác của con số này và nêu ra điểm sai lầm
đã được thừa nhận của Hema Candra và nhiều đoạn trong kinh điển Kỳ-na đã đặt
con số 215 năm giữa cuộc chinh phục vương quốc Avanti của vua Candragupta (312
trước CN) và sự từ trần của tổ sư Mahàvira. Cách tính này sẽ đặt sự kiện tổ
Mahàvira tịch vào năm 527 trước CN. Năm này được xem là khởi điểm của biên niên
sử đạo Kỳ-na (sử này chỉ mới được khai sinh sau CN) .
- Việc cố tìm cách suy diễn năm tịch diệt
của đức Phật từ năm tạ thế của tổ Mahàvira càng gặp khó khăn hơn vì ta không có
những lời minh xác nào về biên niên sử nêu mối liên hệ giữa hai sự kiện này cả.
Mặc dù có một câu kinh Kỳ-na tuyên bố rằng tổ Mahàvìra sống lâu hơn đức Phật bảy
năm, (như vậy nếu ta ghi tổ Mahàvìra tịch năm 476 thì phải xác nhận đức Phật diệt
độ năm 483 trước CN), nhiều đệ tử đạo Kỳ-na đồng ý với các môn đồ Phật giáo rằng
tổ Mahàvìra từ trần trước đức Phật. Ba lần trong kinh tạng Pàli miêu tả quang cảnh
đức Phật nghe nói tổ Mahàvìra đã tịch, và các kinh điển ấy thường chứng tỏ rằng
đức Phật Gotama là vị đạo sư trẻ tuổi nhất trong các đạo sư thời ấy.
Những người Tây phương viết lịch sử đức
Phật giả thiết rằng bậc Ðạo Sư tịch diệt hai năm sau Tổ Mahàvìra, song chứng cớ
việc này rất ít. Nếu chúng ta phải chấp nhận hai năm là một giả thiết có giá trị,
ta phải đi đến chấp nhận hoặc năm 474 (theo các học giả Tây phương), hoặc năm
525 trước CN (theo truyền thống Kỳ-na giáo) là năm đức Phật tịch diệt, và năm
ngài đản sinh là trước đó tám mươi năm trong cả hai trường hợp trên.
-e) Biên niên sử thường
được chấp nhận hiện nay ở khắp Á châu lại càng ít được tín nhiệm hơn nữa, theo
đó đức Phật diệt độ năm 544 và đản sinh năm 624 trước CN. Nhưng Phật lịch (B.E)
chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ 11 CN. Do đó về sau hoặc là niên đại ghi thời bậc
Ðạo Sư tịch diệt đã bị nhầm lẫn với niên đại đản sanh, hoặc có lẽ các Tăng sĩ
đã dùng chu kỳ 60 năm trong cách tính toán, nên đã tính lầm cả một chu kỳ. Cách
này đặt các niên đại của đức Phật vào 564 – 484 trước CN. Song giả thiết về sự
nhầm lẫn như thế dĩ nhiên không có bằng cớ.
Vậy con số nào trong các niên đại tính
theo các phương pháp trên được xem là có lẽ đúng nhất về mặt lịch sử? Ta có thể
loại bỏ các niên đại dựa trên truyền thống đạo Kỳ-na hoặc đạo Phật _ chúng chỉ
mới được tính toán rất lâu về sau, nên không đủ sức chống đỡ sự phê bình theo
quan điểm lịch sử.
Về phương diện khác, các niên đại suy diễn
từ sử ký Trung Hoa hay Singhala, và các sắc dụ Asoka đều có căn bản vững
chắc và chỉ khác nhau ở mức tối thiểu, vì thế theo chúng, năm đản sinh đức Phật
chỉ xê xích từ 568 đến 544 trước CN. Niên đại 563 được sử ký Tích Lan yểm trợ,
cũng có giá trị không chỉ vì nó đứng giữa mà còn được hai cách tính toánkhá phức
tạp hơn nữa yểm trợ, dựa trên các bản liệt kê danh sách quốc vương Nam Ấn
Ðộ và Singhala, cùng niên đại nước Tích Lan được cải hóa theo đạo Phật, mà còn
dựa vào các bảng tham khảo lẻ tẻ về một hệ thống niên đại tối cổ đã bị thất lạc
chỉ còn lưu lại vài phần, hệ thống này căn cứ vào năm 483 là năm đức Phật diệt
độ.
Như vậy ta được biện minh về cách đặt
niên đại đức Phật đản sanh vào năm 563 theo sử ký, tuy thế, lại chấp nhận trên
căn bản các chứng cứ lịch sử khác, có thể nhầm lẫn từ cọng năm đến trừ chín
năm. Xác suất về một niên đại sớm hơn lại cao hơn một chút vì có được cả hai
phương pháp (b) và (c) hỗ trợ, trong khi một niên đại muộn hơn chỉ được một
phương pháp (d) hỗ trợ mà thôi.
KINH THÀNH KAPILAVATTHU VÀ VỊ QUỐC VƯƠNG
Khung cảnh ngày nay tương ứng với thành
Kapilavatthu ngày xưa ra sao vẫn còn là vấn đề được các nhà khảo cổ học bàn luận.
Nhà chiêm bái Trung hoa Fa-hsien(Pháp Hiển) đến hành hương các Phật tích Ấn Ðộ
khoảng giữa năm 399 và 414 CN, đã phát biểu những lời dường như muốn chỉ rõ các
di tích ở cạnh vùng Pipràvà ngày nay trên đất Ấn, cách phía nam Lumbini 12 km.
Vị đồng hương của ngài là Hsuan-tsang
(Huyền Trang) đi chiêm bái Phật quốc vài thế kỷ sau (629 – 645) để tìm hiểu
Thánh điển, cũng cho biết các khoảng cách và lời hướng dẫn chỉ đường đến di
tích ở Tilaurakot trong vương quốc Nepal, cách tây bắc Lumbini 24 km.
Biên giới Ấn Ðộ - Nepal nằm giữa hai địa
điểm này, chúng cách nhau 16km nhưng phong cảnh giống nhau.Cuộc tranh luận về
quê hương đức Phật không hoàn toàn thoát khỏi những thành kiến của mỗi dân tộc.
Các học giả Nepal bênh vực vùng Tilaurakot nhấn mạnh phạm vi của di tích này,
và sự hiện diện của một bức thành cổ với hào lũy bao bọc Tilaurakot: đó là những
đặc điểm mà chỉ kinh thành vua chúa ngày xưa mới có được. Họ nêu lên rằng
Tilaurakot, cũng như Kapilavatthu trong Kinh Ðiển Phật giáo, nằm trên bờ sông
mà lòng sông này đã chuyển đi 400m về phía tây bắc.
Ðể nhấn mạnh lời tuyên bố họ làm chủ
vùng Kapilavatthu lịch sử này, năm 1961 chính phủ Nepal “đổi tên” Tilaurakot và
toàn thể vùng lân cận thành Kapilavastu (tên chữ Sanskrit của Kapilavatthu), để
cho vùng này mang tên ấy trên các bản đồ gần đây.
Mặt khác các nhà khảo cổ Ấn Ðộ chủ
trương rằng Kapilavatthu giống hệt vùng Pipràvà của Ấn, đã đặt lời công bố chủ
quyền dựa trên các khám phá sau đây.
Năm 1898, trong một ngôi tháp bằng gạch
gần Pipràvà, năm cái bình được phát hiện, một cái được miêu tả theo lời ghi bằng
thứ chữ Bràhmì trong ngôn ngữ Màgadhì là chiếc bình đựng xá lợi đức Phật Thế
Tôn của bộ tộc Sakiya. Chiếc bình này đựng tro và một số vật cúng dường rất nhỏ.
Năm 1972, dưới tháp này, lại tìm thấy một
ngôi tháp còn cổ hơn nữa, được đánh giá vào thế kỷ thứ năm trước CN, cùng với
hai chiếc bình chứa khoảng mười hay mười hai khúc xương (của đức Phật?).
Năm 1973, tháng 4, trong một di tích tu
viện xây khoảng thế kỷ 1 hoặc 2 CN, tại Pipràvà, lại tìm thấy nhiều tấm bia bằng
gạch nung mang nhiều lời ghi chú khác nhau nói đến “ngôi tinh xá ở
Kapilavatthu” hoặc ở “Ðại Kapilavatthu “và một chiếc nắp bình tại đó cũng mang
những lời tương tự.
Năm 1976, tháng 6, cuối cùng, ở cách tây
nam Pipràvà khoảng một ki-lô-mét tại một nơi tên là Ganwaria, lại khám phá ra
di tích của một quần thể kiến trúc thời xưa được suy diễn ra là “hoàng cung” của
vua bộ tộc Sakiya.
Mặc dù chiếc bình có ghi chữ ở Pipràvà
được tìm thấy năm 1898 là một chiếc bình bằng đá láng Steatite cao 153mm với
chiếc nắp cũng được khắc chữ, quả thật ra vẻ đựng tro xá lợi Phật, các khám phá
khác ở Pipràvà và Ganwaria lại rõ ràng không chứng minh được Pipràvà chính là
quê hương đức Phật. Có lẽ chúng ta cần phân biệt cổ thành Kapilavatthu, bối cảnh
thiếu thời của thái tử Siddhattha và tân thành Kapilavatthu. Vì xưa kia vua
Vidùdabha nước Kosala chiến thắng bộ tộc Sakiya thời đức Phật tại thế và tiêu
diệt cổ thành Kapilavatthu (tức Tilaurakot), nên có lẽ đám người Sakiya sống
sót di tản từ cổ thành về sau lập nghiệp tại vùng Pipràvà ngày nay và xây dựng
Tân thành Kapilavatthu (hay Ðại Kapilavatthu), nơi đây họ đã tôn thờ xá lợi Phật
sau khi ngài diệt độ.
– Ðịa điểm chính xác về quê hương thái tử
Siddhattha chỉ còn cách phải chờ đợi từ các cuộc khai quật tương lai. Ðặc biệt
là vùng Tilaurakot cần được điều tra thấu đáo hơn nữa
Ngành khảo cổ bằng máy bay có thể sẽ
cung cấp nhiều di chỉ quan trọng, song ngành này từ trước đến nay vẫn chưa thí
nghiệm việc ấy.
Chúng ta đã biết rõ về cơ cấu chánh trị
của -cộng hòa Sakiya được ban ra từ thành Kapilavatthu. Khi hai hoàng tử
Siddhattha và Nanda ra đời, phụ vương Suddhodana như đã nói trên, là vị quốc
trưởng được bầu lên đang cai trị lãnh thổ này. Ngài cầm quyền bao lâu thì không
được biết, nhưng rõ ràng ngài đã giữ chức vụ ấy trong hàng chục năm. Khi thái tử
Siddhattha trở về thăm quê hương vào tuổi ba mươi sáu, phụ vương ngài vẫn cầm
quyền. Vì quốc trưởng được bầu lên từ giới quí tộc võ tướng hay triều thần, có
thể những cuộc bầu cử ấy không diễn ra ở các khoảng thời gian cố định, mà do
nhu cầu, hoặc là vì quốc vương già yếu không đảm trách nhiệm vụ đầy đủ, hoặc vì
Ðại vương Kosala, vị chúa tể của cộng hòa Sakiya muốn đưa người mới lên thay.
Hiển nhiên là vị quốc vương một khi được
bầu cử rồi, chỉ có thể cầm quyền nếu được Ðại vương Kosala chấp thuận. Như vậy
quốc vương Sakiya bao giờ cũng là người thân tín của đại vương Kosala
Đó là một yếu tố mở ra nhiều cửa thuận lợi
cho các hoàng tử và về sau còn giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp hoằng Pháp
viên mãn của thái tử Siddhattha.
Khác với cộng hòa Licchavi có cả ba quốc
vương cùng cai trị, vua Suddhodana cai trị chỉ một mình, nhưng không giữ độc
quyền quyết định, vì mọi vấn đề quan trọng đều được bàn luận ở hội đồng của nước
cộng hòa. Các kỳ họp trong phòng hội đồng vốn được mở ra mọi phía nên mọi tầng
lớp xã hội đều có thể nghe được, mặc dù chỉ các nam nhân quý tộc được quyền
phát biểu và giữ vai trò tích cực trong việc quyết định quốc sự. Do vậy các vị ấy
được gọi là các nhà cai trị (ràjana).
Ở Ấn Ðộ cổ đại không có việc bầu phiếu
vì dân chúng chưa hề nghĩ đến việc một nhóm đa số với quyền ưu tiên do đông người
có thể bắt buộc một nhóm thiểu số gồm nhiều ý kiến khác nhau phải tuân theo một
quyết định nào đó. Cuộc họp chỉ kéo dài cho đến khi nào phe đối lập được thuyết
phục hoặc do quá mệt mỏi nên đã nhượng bộ và đi đến thỏa hiệp. Ðể đạt được sự
thống nhất ý kiến như vậy, vị quốc vương chủ tọa hội đồng phải có khả năng đàm
luận và tài thuyết phục hùng -hồn.
Ðó là các đặc tính mà chắc hẳn
vua Suddhodana đã đạt đến cao độ và thái tử Siddhattha thừa hưởng về sau. Ta
có thể hình dung được vùng đất do vua Suddhodana cai trị theo lời nhà chiêm bái
Trung Hoa Huyền Trang. Ngài cho ta biết vùng lãnh thổ Sakiya có chu vi 4.000 lý
(khoảng 1880 km) và gồm mười thành phố mà nhà du hành ở thế kỷ thứ bảy này thấy
đã đổ nát hoang tàn. Ngài bảo kinh thành Kapilavatthu được một bức thành bảo vệ,
vẫn còn thấy rõ các nền bằng gạch của nó dài khoảng 15 lý (bảy ki-lô-mét). Rõ
ràng mười thành phố này phần lớn trùng hợp với chín thành phố được mô tả trong
Kinh Ðiển Phật giáo như các đô thị bộ tộc Sakiya: Ngoài kinh thành
Kapilavatthu, là Devadaha, Càtumà, Sàmagàma, Khomadussa, Silàvati, Medatalumpa,
Ulumpa và Sakkàra. Có lẽ đó là các thủ phủ địa phương, mỗi nơi là một thị trấn,
trung tâm thương mại của nhiều làng xã.
Những lời xác nhận của ngài Huyền Trang
ít ra cũng khiến ta có thể kết luận một cách khái quát về lãnh thổ và dân chúng
của cộng hòa Sakiya. Vùng đất này có lẽ rộng khoảng 2000km2, phần lớn gồm rừng
rậm và không được canh tác. Nếu ta giả thiết đối với vùng đất phì nhiêu ở trung
ương bình nguyên Tarai và tính thấp hơn so với con số khá cao hiện nay, mật độ
trung bình 90 người trên 1km2, ta sẽ có tổng số 180.000 dân trong đó 8000 người
sống ở thành Kapilavatthu và 4000 người sống ở một trong tám hay chín thị trấn
kia. Như vậy, khoảng 40.000 cư dân cộng hòa Sakiya là dân thành- thị, và phần
còn lại 140.000 là dân thôn quê. Giới quý tộc - võ tướng có lẽ khoảng 10.000
người hầu hết sống ở đô thị, nhưng cũng như đa số dân chúng, họ đều làm nghề
nông.
Trong các phận sự của quốc vương thì việc
thu thuế là việc không được dân chúng ưa thích chút nào và mức độ thâu thuế
cũng không được biết rõ. Dân quê thường trao đổi hàng hóa lẫn nhau, hầu như
không biết đến tiền, nên phải đóng góp bằng sản phẩm, phần lớn là lúa, cho những
người thu thuế đặc biệt phải có sẵn kho chứa và đem lên thành thị bán lại. Thuế
đánh vào nông dân tùy thuộc kết quả thu hoạch, việc ấy do người đánh thuế qui định.
Thời ấy chưa có nguyên tắc thâu thuế như ở Ấn Ðộ sau này, theo đó mọi đất đai đều
thuộc vào nhà vua, vua thâu tiền thuê ruộng đất từ người sử dụng chúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét