Tranh cổ Nhật Bản:
Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”
Đây là bức trong bộ “Trăm dáng trăng” (Nguyệt bách tư, Một trăm dáng vẻ của Mặt trăng) của Yoshitoshi.
Yoshitoshi là họa sĩ ukiyo-e sống vào buổi giao thời, khi nước Nhật bắt đầu bước chân hiện đại hóa. Tuy nhiên, là học trò của Utagawa Kuniyoshi, tranh của ông chủ yếu vẽ về chủ đề tích cổ và lịch sử.
Không chỉ vẽ về các chủ đề thần thoại hay lịch sử Nhật Bản, một chủ đề nữa hay gặp trong ukiyo-e là các điển tích của văn học Trung Hoa. Người Nhật đặc biệt thích Tam Quốc Diễn Nghĩa và Tây Du Ký.
Đêm trước trận Xích Bích, Tào Tháo mở yến uống rượu cùng chư tướng trên sông Dương Tử ngắm trăng. Đằng xa, dáng núi Nam Bình hiện lên lồ lộ. Có hai con quạ bay qua, cất tiếng kêu. Ông đã ngà ngà say, cắp ngọn giáo, mang một chén rượu ra mũi thuyền, làm nên bài Đoản ca hành nổi tiếng, với những câu nói lên chí mình (“vì đời người như sương sớm có được bao lâu“):
Ô thước nam phi,
Nhiễu thụ tam tạp,
Vô chi khả y.
Sơn bất yếm cao,
Thuỷ bất yếm thâm.
Chu Công thổ bộ,
Thiên hạ quy tâm.
Quạ bay về Nam
Liệng quanh cây ba vòng
Không cành nào đậu được.
Núi không hiềm cao
Nước không hiềm sâu
(Nếu ta như) Chu Công nhả cơm (để ra cổng tiếp hiền tài)
Nhân vật chính trong tranh là Tào Tháo, nhưng vầng trăng lại là nhân vật chính của cả một bộ tranh. Từ Tào Tháo, Tôn Ngộ Không, cho tới Hideyoshi hay chư tướng nhà Takeda thất trận, tất cả đều chỉ là cái cớ để Yoshitoshi dùng để vẽ trăm vẻ trăng. Bao nhiêu chuyện trôi qua, bao nhiêu tấn trò đời, bao nhiêu thịnh suy lên xuống, trăng vẫn vậy, điềm nhiên từ trời nhìn xuống nhân gian.
Chợt nhớ câu thơ Nôm của Nguyễn Trãi:
Nước mấy trăm thu còn vậy
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét