Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng

Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng


Tsukioka Yoshitoshi có thể coi là họa sĩ và nhà chế tác tranh in ván gỗ bậc thầy theo lối cựu truyền cuối cùng của Nhật Bản. Khi ông bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp cũng là lúc cuộc Minh Trị Duy Tân đang tăng tốc. Trong khi các họa sĩ ukiyo-e khác đang đổi mới phong cách thì ông vẫn tiếp tục giữ bút pháp cũ, với những chủ đề cổ. Tuy vậy, không phải cứ cổ là hỏng, bằng sáng tạo và tư duy nghệ thuật của mình, ông đã đem lại cho những chủ đề ukiyo-e cổ một khía cạnh tự sự mới lạ và ít gặp. Ông có thể được xem là “ánh chớp vinh quang cuối cùng” của ukiyo-e cựu truyền thời Minh Trị (John Stevenson).
Tsukioka Yoshitoshi nổi tiếng nhất với bộ tranh trăng, không biết vô tình hay hữu ý vì tên ông cũng có chữ “trăng” (tsuki). Đó là bộ “Trăm vẻ trăng”, đã có nói đến với bức tranh Tào Tháo ngắm trăng ở núi Nam Bình. Trăng trong bộ tranh là một motif lặp lại, đóng vai trò khung nền, là người chứng kiến những sự kiện lịch sử, những câu chuyện nhân sinh. Bài này sẽ giới thiệu thêm 3 tranh của bộ:
1. Trăng trên núi Kê Minh
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
.
Tích này là tích “Tứ diện Sở ca”. Trương Lương bên phe Hán, vào một đêm, ông lên núi Kê Minh mà cất tiêu thổi Sở nhạc, cho quân lính hát vang Sở ca. Quân Sở lương cạn, nhớ nhà, ý chí chiến đấu không còn, bèn đào ngũ. Ngày hôm sau, quân Hán chiếm được thành Cai Hạ. Hạng Vũ phải tự vẫn ở sông Ô.
Nếu nhìn kĩ sẽ thấy bản in này của bức tranh làm rất kĩ. Các họa tiết trên áo Trương Lương như nổi bật lên khỏi mặt phẳng tranh. Màu tím của tay áo rất tươi. Gió từ đằng sau thổi đến và Trương Lương, với tư cách của người thắng trận, đang hiên ngang cất tiếng tiêu thổi khúc ca quê nhà của quân địch.
Chi tiết hoa văn trên áo và tay áo màu tím
2. Ta chờ đêm nay từ đêm trăng mồng ba

Đây là bức cuối cùng trong bộ tranh. Ở đây, Matsuo Basho, trên một chuyến hành trình của mình, với bộ trang phục của một cư sĩ Phật giáo, đang đứng lại trò chuyện với hai người nông dân uống trà (không phải rượu, vì có ấm trà rõ ràng) thưởng trăng bên vệ đường.
Chi tiết trang phục cư sĩ Phật giáo của Basho

Chi tiết ấm trà của người nông dân
Tiêu đề tranh là một bài haiku ngắn, có lẽ của Basho, vì trên tranh có ghi chữ 翁 (okina, đây là chữ “ông“, thường là tên do Basho tự gọi mình).

Bài thờ haiku trên tiêu đề tranh
三日月の 頃より待ちし今宵かな
mikazuki no
koro yori machi shi
koyoi kana

Từ đêm trăng mồng ba (trăng lưỡi liềm)
Ta đã chờ
Đến đêm trăng hôm nay.

3. Trăng vào đêm cõng mẹ lên núi
Người đàn ông trong tranh cõng mẹ già lên núi để làm gì? Đây là cảnh trong một câu chuyện cổ của Nhật nói về tục lệ Ubasute, tức là việc bỏ người già lại ở nơi hoang vắng (núi cao), mỗi khi làng lâm vào cảnh hạn hán hay mất mùa, đói kém.
Tục lệ này được kể nhiều trong các câu chuyện cổ, chuyện Phật giáo, không chỉ ở Nhật mà còn ở cả Việt Nam hay Trung Quốc. Trong cổ tích phương Tây cũng có chi tiết tương tự khi cha và mẹ kế của Hansel và Gretel đưa hai bé vào rừng bỏ mặc khi làng mất mùa.
Chi tiết người con cõng mẹ
Truyện cổ kể: Khi người đàn ông đưa mẹ già lên núi, bà bẻ cành cây dọc đường rải xuống đất. Khi lên đến đỉnh, bà mẹ dặn dò, con về nhớ đi theo đường cây rải để khỏi lạc. Anh xúc động vì tình thương của mẹ, bèn cõng mẹ trở về nhà.
Và trăng trên cao, như mọi lần, vẫn bình thản chứng kiến mọi việc.
Chi tiết trăng sau tán cây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét