Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”

Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”




Đây là tranh thứ 94 trong bộ “Trăm vẻ trăng” của Tsukioka Yoshitoshi. Tên của tranh là kuruwa no tsuki, nghĩa là trăng ở khu thành ngoại (kuruwa, viết bằng chữ khuếch 廓). Và “khu thành ngoại” ở đây ta hiểu là khu kỹ nữ Yoshiwara ở Edo, khu “phố vui” (du khuếch) nổi tiếng của phố thị Edo.

“Trăng ở phố đèn đỏ”. Các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé
Yoshiwara chính là một chủ đề nổi bật, một chủ đề “phù thế” của tranh ukiyo-e mà chúng ta đã gặp qua hai lần ở tranh mèo và tranh cá trê trong loạt bài Tranh cổ.
Theo đúng phong cách tranh tự sự của mình trong bộ “Trăm vẻ trăng”, ở bức tranh này, Yoshitoshi lại tiếp tục kể một câu chuyện.
 Nội dung bức tranh này thật ra không có trong tuồng xưa tích cổ gì như phần lớn tranh khác của bộ. Ở đây chỉ đơn giản là một cô kỹ nữ cùng bé gái theo hầu đứng lặng trong đêm trăng tỏ.

Chi tiết bé hầu gái
Hoa anh đào trong đêm, tiếng Nhật gọi là yozakura, là một quý ngữ của thơ haiku. Vào tháng Ba âm lịch, các kỹ viện ở Yoshiwara có tục lệ cho kỹ nữ ra ngoài vào buổi đêm để ngắm hoa anh đào. Nếu bạn đang trầm trồ: “Ồ nhã quá”, thì cũng xin nói luôn, thật ra đây là trò hút thêm khách cho các kỹ viện. Anh đào nở rộ hai bên phố, đèn lồng thắp sáng dọc đường đi, trà quán tửu lâu mở cửa tưng bừng, cộng thêm kỹ nữ áo xống xinh tươi đi ngoài phố, chính là một cách quảng cáo không thể tốt hơn.

Chi tiết kỹ nữ ngắm hoa anh đào… trong đêm, dưới trăng
Hoạt động này cũng tự nó trở thành quý ngữ cho thơ haiku, Yoshiwara no yozakura (Anh đào đêm ở Yoshiwara), chỉ thời điểm cuối xuân (tầm tháng ba âm lịch). Nó cũng trở thành một chủ đề cho tranh phù thế. Và đến kịch Kabuki cũng có một vở lấy bối cảnh hoạt động này (vở Kagotsurube sato no eizame).
Hoa anh đào luôn tượng trưng cho cái đẹp chóng tàn và mong manh. Chỉ một cơn gió đã khiến hoa rụng lả tả. Và khi hoa rụng, người Nhật gọi là mưa hoa, thì cái chết của hoa tạo nên một cảnh tượng đẹp say lòng. Ở đây hoa rơi lên trên cô kỹ nữ, dụng ý gì thì sau khi phân tích như trên, ai cũng thấy quá rõ.

Chi tiết hoa rụng lên cô kỹ nữ
Tùy theo bản in mà áo khoác ngoài của cô kỹ nữ mang màu tím hay xanh. Tóc cô vấn cao bằng chiếc trâm to, để chừa phần gáy (gáy phụ nữ là nơi gợi dục, theo người Nhật). Cô mang guốc rất cao, mục đích là để tránh làm lấm áo.

 Chi tiết guốc cao
Có lẽ đây là cảnh khi đêm đã về khuya. Phố phường không còn nhộn nhịp. Hoa đào rơi lên cô kỹ nữ. Bé gái theo hầu đứng lặng nhìn cô (hay là nhìn tương lai?). Cô đứng lặng nhìn trăng. Và trăng dĩ nhiên không nói. Một câu chuyện không mở đầu và không hồi kết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét