Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Quần thể tượng ở Thánh địa La Vang

La Vang là một Thánh địa tôn nghiêm của những người Việt Nam theo đạo Công giáo, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Trung tân Thánh địa là một  nhà  thờ được xây dựng lại vài lần và là nơi hành hương quan trọng của những người Công giáo Việt Nam. Thánh địa La Vang được Tòa thánh Vatican phong là Tiểu Vương Cung Thánh Đường La Vang.
Thánh đường La Vang được biết đến với tuổi thọ đã 200 năm tuổi. Cũng giống như thánh địa Mecca của những người theo đạo Hồi, La Vang rất được du khách mộ đạo tìm đến cầu nguyện. 
Tâm thức thờ Mẫu hay Mẹ Cả là phổ biến trong mọi nền văn hóa. Đơn cử việc sùng bái các di tích Thánh Mẫu Maria trên thế giới đã khiến các di tích này trở thành tâm điểm hành hương của tín đồ Thiên Chúa giáo, như Lourdre (Pháp), Fatima (Bồ Đào Nha), Plaza del Pilar (Tây Ban Nha), Guadalupe (Mexico)… Ở Việt Nam, cách thị xã Quảng Trị vài cây số, ở huyện Hải Lăng, La Vang không chỉ là một  thánh địa hành hương của người Công giáo Việt Nam…
Trải qua nhiều thăng trầm, La Vang nhiều lần phải tái thiết. Trong các cuộc tái thiết đó, quần thể tượng ở thánh địa này là công trình sáng tạo của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ (còn gọi là Bernard Huệ, sinh năm 1936 ở Huế) cùng với sự cộng tác đắc lực của người học trò tài ba của ông là Mai Chửng. Khi ấy Lê Ngọc Huệ mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Montpeller (Pháp), đang là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, ông đã thổi một luồng gió mới của chủ nghĩa hiện đại vào điêu khắc Việt Nam. 
Quần thể tượng được thực hiện từ năm 1961-1962, gồm 15 pho đặt trên bệ, chất liệu tổng hợp từ xi măng trắng, nằm dọc cân xứng hai bên đường lát đá và rải thảm cỏ từ cổng tam quan đi vào trong khuôn viên Công trường Mân côi. Diện tích công trường 30 x 480 mét. Khuôn viên này dẫn đến đền thờ và lễ đài ngoài trời, cũng là hình ảnh thu nhỏ của đàn tế Nam Giao ở Huế. 
Cây đa nhân tạo bằng bê-tông của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tượng Mẹ đứng giữa 3 cây đa khổng lồ tượng trưng cho Ba Ngôi (ngôi Cha, ngôi Con ngôi Thánh Thần) và như một  thế tam tài (Thiên Địa Nhân) của triết học Đông phương
Mùa Hè năm 1972, công trường Mân Côi bị bom đạn cày xới lỗ chỗ, một số bức tượng bị tan nát hoặc bị sứt mẻ trầm trọng. Chỉ còn ba cây đa nhân tạo nơi đài Đức Mẹ là vẫn đứng vững, nguyên vẹn. Dấu tích hoang tàn kéo dài đến năm 1975. Từ năm 1995, Công trường Mân Côi đã được tái thiết hầu như nguyên trạng ban đầu với thành rào bao quanh, sân cỏ, trồng cây, đèn cao áp, lối đi được lát gạch chạy thẳng từ cổng tam quan đến lễ đài, và quần thể tượng bị hư hại cũng đã được phục chế.

Cuộc cách tân về tư duy điêu khắc
Chủ đề 15 pho tượng của Lê Ngọc Huệ tương ứng với sự chiêm ngắm 15 mầu nhiệm Mân Côi gồm 5 sự vui, 5 sự thương và 5 sự mừng. Về mặt nghệ thuật, nhóm tượng La Vang lần đầu tiên mang phong cách hiện đại trừu tượng vào điêu khắc hiện đại Việt Nam, mà ở đây là sự kết hợp những khối hình học được tinh giản và cách điệu hoá, đạt tới mức vừa trừu tượng vừa cụ thể, cũng là trào lưu của nghệ thuật hiện đại phương Tây, vốn trở về việc tái tạo nghệ thuật nguyên thuỷ của các nền văn hoá. Tuy vậy, quần thể tượng vẫn chủ ý giữ tính tượng trưng và biểu hiện để gần gũi với quần chúng hơn. 
Điều đáng kể ở đây, không chỉ có sự cách điệu hình khối, Lê Ngọc Huệ đã nỗ lực đem đường nét vào trong điêu khắc để tạo hiệu quả về bóng sáng tối giữa các mảng hoặc khối với tiết điệu đầy thi vị, vừa như phương tiện dẫn dắt thị giác tập trung vào ý nghĩa hàm súc trong từng pho tượng khi chiêm ngắm. 
Xem kỹ quần thể tượng với 3 bộ thì thấy mỗi bộ về hình thể điêu khắc súc tích được cái ý tưởng cốt yếu của từng chủ đề. Ở bộ 5 sự vui điêu khắc chủ yếu dùng những đường nét cong đầy nữ tính, hình khối tròn mềm mại, hài hoà, khi vận dụng đường uốn lượn nhịp nhàng của cử động và y phục. Điều này phù hợp với những chủ đề giàu tình cảm như cảnh thiên thần truyền tin hoặc tình cảm giữa người nữ với nhau, việc sinh đẻ, tình mẹ con. Điêu khắc trong bộ 5 sự thương lại chủ yếu dùng những mẫu khối hình học lập thể táo bạo và mãnh liệt thích hợp để diễn tả nỗi khắc khoải và thống khổ vừa trong nội tâm và thể xác của Chúa trong cuộc khổ nạn. Còn với bộ 5 sự mừng, những đề tài hân hoan, thăng hoa và tôn vinh, thì hình khối điêu khắc hầu hết trở về với hình khối mang tính tượng trưng, với đường nét tròn đầy của nữ tính để diễn tả trạng thái viên mãn, nhất là với các bức thể hiện Đức Mẹ.
Quan trọng, dù ít người biết
Lê Ngọc Huệ từng ở trong uỷ ban chuyên môn về mỹ thuật trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật đệ nhất, gồm 22 quốc gia, tổ chức tại công viên Tao Đàn, Sài Gòn vào tháng 10/1962. Tại cuộc triển lãm này, Lê Ngọc Huệ và Điềm Phùng Thị là hai nhà điêu khắc quan trọng nhất của Việt Nam được mời gởi tác phẩm. Cả hai ngẫu nhiên trùng phùng qua hình tượng trụ cột tâm linh hướng tới những khát vọng hoà bình, gia đình và tổ tiên: Lê Ngọc Huệ với Trụ cột hòa bình, Điềm Phùng Thị với Trụ thần vật,ví như những trụ vật tổ (totem poles) hay trụ tượng nhà mồ Tây Nguyên ngày đêm đứng canh giữ giữa cõi sống và cõi bên kia là nơi cư ngụ của tổ tiên. Chúng ta hầu như không có thông tin về hoạt động nghệ thuật của nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ kể từ sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963; ông đã sang Pháp sau đó.
Tác phẩm của Lê Ngọc Huệ để lại tuy chỉ trong một giai đoạn ngắn nhưng có những giá trị đóng góp lâu dài đối với nghệ thuật điêu khắc hiện đại Việt Nam. Quần thể tượng là 15 đóa hồng mầu nhiệm chất chứa nhiều trạng thái cảm xúc từ bi tráng đến thăng hoa của con người, vượt cảnh giới thế tục qua sự cứu chuộc của tôn giáo và nghệ thuật, và nằm trong một không gian và thời gian kết tinh của tâm linh qua những thăng trầm của lịch sử. 
Có lẽ không tình cờ khi Quảng Trị là nơi 21 năm phân cách hai miền Nam - Bắc với vĩ  tuyến 17; nơi có dòng sông Thạch Hãn đẫm “mồ hôi của đá”; nơi trải qua nhiều tang thương của hơn 200 năm phân tranh Trịnh - Nguyễn, “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử”; nơi được mệnh danh là “con đường buồn thiu” trong chiến tranh 1946-1954; và cuối cùng là nơi gánh chịu điêu tàn nhất của thời 1960-1975, lại trở thành nơi kết tụ tinh hoa của những thăng hoa nghệ thuật.
Quần thể kiến trúc hiện tại chưa có gì nhiều kể từ sau chiến tranh, ngoại  trừ cây đa nhân tạo bằng bê-tông của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và  tháp chuông của ngôi Thánh đường đổ nát qua chiến tranh được giữ lại. Tượng Mẹ đươc đứng giữa 3 cây đa nhân tạo khổng lồ tượng trưng cho Ba Ngôi (ngôi Cha, ngôi Con ngôi Thánh Thần) và như một  thế tam tài (Thiên Địa Nhân) của triết học Đông phương,  
Quảng trường Đức Mẹ La Vang từ cổng đi vào hai bên là một quần thể điêu khắc diễn tả 15 sự thương khó của  Đức Mẹ được đắp bằng xi măng cốt thép. Những tác phẩm điêu khắc trên là của nhà điêu khắc Lê Ngọc Huệ (tốt nhiệp khoa điêu khắc trường Mỹ thuật Pari)  thực hiện khoảng đầu thập niên 60, sau những bể dâu còn tồn tại và đứng vững đến ngày nay.
Đường nét của những tác phẫm được sáng tạo theo lối hiện đại, mảng khối chồng chất lên nhau trông đơn giản mà hùng vĩ vô cùng.


Sau đây xin giới thiệu thêm nhóm tượng 15 mầu nhiệm Mân Côi ở La Vang
Nhóm tượng 1: NĂM SỰ VUI
Thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ chịu thai.

Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave
Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu.

Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.

Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh.

Nhóm tượng 2: NĂM SỰ THƯƠNG
Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu.

Chúa Giêsu chịu đánh đòn.

Chúa Giêsu chịu vác thánh giá.

Chúa Giêsu chịu đội mão gai.
Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cây thánh giá.

Nhóm tượng 3: NĂM SỰ MỪNG
Chúa Giêsu sống lại.

Chúa Giêsu lên trời
Chúa Thánh thần hiện xuống
Đức Mẹ hồn xác lên trời
Đức Mẹ được tôn vinh.

Theo Hà Vũ Trọng

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Kim Dung và "Vạn sự giai không"

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

“Vạn sự giai không” là một trong những quan điểm lớn lao của đạo Phật. Hiểu một cách chân phương, “Vạn sự giai không” là mọi thứ trên đời đều là tạm bợ, hư ảo không có thật. “Vạn sự giai không” thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan căn bản nhất của tư tưởng đạo Phật: anh không có, tôi cũng không có; nhan sắc cũng không, tình yêu cũng không; cả thế giới này là một chữ KHÔNG to tướng. Kinh Bát nhã ba la mật chép: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” (Sắc chính là không, không chính là sắc). Than ôi, đến cái đẹp của phụ nữ - nguồn cảm hứng vô tận trong văn học nghệ thuật nhân loại – cũng không có nữa thì thế giới này quả thật đáng buồn.

Kim Dung có lẽ là một đệ tử thuần thành của nhà Phật, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo sâu sắc. Tuư tưởng ấy hiện ra trong các tác phẩm võ hiệp tiểu thuyết của ông một cách có hệ thống, trở thành nguồn tư tưởng phương Đông chủ đạo, bao trùm khắp tác phẩm.

Trong những bộ tiểu thuyết của mình, Kim Dung thường nhắc đến sự tích Đức Bồ Đề Đạt Ma từ Thiên Trúc qua Trung Quốc, diện bích trong 9 năm, hình thành hệ tư tưởng Thiền tông Trung Hoa. Từ đó mới có chùa Thiền tông Thiếu Lâm ra đời, mới có các kinh văn Phạn ngữ du nhập Trung Quốc được dịch ra Trung Văn và mới có các thứ võ công danh tiếng mang dáng dấp Thiền tông: Niêm hoa chỉ, Bát Nhã chưởng, Thiếu Lâm trường quyền, Dịch cân kinh, Thiên thủ Như Lai chưởng, Kim Cương chỉ, Đạt Ma kiếm pháp… Một số vũ khí cổ điển mà các nhà sư Thiếu Lâm sử dụng cũa mang dáng dấp Thiền tông: thiền trượng, phương tiện sản…

Trong cách đặt tên nhân vật cho các nhà sư Thiếu Lâm, Kim Dung cũng cố gắng thể hiện chữ Không trong “Vạn sự giai không”: Vô Tướng, Vô Sắc, Huyền Khổ, Huyền Nạn, Huyền Từ, Huyền Thống, Độ Ách, Độ Nạn, Độ Kiếp, Hư Trúc, Không Kiến, Không Văn, Không Trí, Không Tín… Các nhà sư Thiếu Lâm xuất hiện trrong tác phẩm Kim Dung rất gọn nhẹ, bên mình không mang theo một thứ vật dụng, quần áo gì. Thỉnh thoảng có người cầm theo cây gậy, đoản côn, sợi dây (khuyên) để làm vũ khí. Ra đi chiến đấu với địch thủ, họ thường sử dụng đôi bàn tay thịt. Ở một góc độ nào đó, họ là những người “vô sản” - một biểu hiện khá triệt để của chữ “không”.

Trong Thiên Long bát bộ, Kiều Phong đau xót tìm nguồn gốc của mình là người Hán hay người Khất Đan. Hơn đâu hết, ở Trung Hoa ngày xưa, mặc cảm dân tộc và sắc tộc rất lớn: người Hán mới là người; các dân tộc và sắc tộc khác chỉ là Tứ di (bốn rợ). Kiều Phong là bậc anh hùng đạt đạo những vẫn không thoát ra được tư tuởng dân tộc hẹp hòi, chỉ sợ bản thân mình thuộc dòng giống Khất Đan mọi rợ. Ông tìm lên chùa Chỉ Quán, núi Thiên Thai xin gặp nhà sư Trí Quan để hỏi cho ra nguồn gốc đó. Trí Quan chỉ đọc một bài kệ lửng lơ:

Khất Đan với Hán nhân
Bất luận giả hay chân
Ân oán cùng vinh nhục
Không hơn đám bụi trần.

Cả bài kệ là một chữ “không”, kết thúc mọi vấn đề dân tộc, ân oán, vinh nhục trên đời. Tất cà chỉ là bụi trần, hỏi mà làm chi, biết mà làm gì. Sức học của Kiều Phong không cho phép ông hiểu ra ý nghĩa của bài kệ đó ngay thời điểm Trí Quan đọc. Nhưng khi ông nhìn nụ cười hiền từ nở ra trên đôi môi nhà sư và cái chết đầy tính giải thoát của nhà sư khi đọc xong bài kệ, có lẽ ông nhận ra chữ “không” trong tư tưởng của Trí Quan, của nhà Phật.

Kim Dung đã thật sự thhành công khi tạo cho độc giả nhận thức coi cái chết như một sự giải thoát, sự trở về. Trong Tiếu ngạo giang hồ, nhà sư Phương Sinh đứng trước xác bốn đệ tử bị Doanh Doanh giết chỉ đọc một bài kinh văn siêu độ. Ông không trả thù Doanh Doanh, cũng không chôn cất các đệ tử bởi ông coi các xác chết cũng như bốn cái túi da, chôn cũng vậy mà không chôn cũng vậy. Tất cả đều trở về với cát bụi. Trong Thiên Long bát bộ, nhà sư Huyền Thống đang hăng hái đánh nhau với bọn Hàm Cốc bát hữu, chỉ cần nghe nho sinh đọc câu: “Khổ hải vô biên hồi đầu thị ngạn” (bể khổ mênh mông, quay đầu là bờ) đã chợt ngộ ra chữ “không”, đứng tim mà chết, trên môi nở nụ cười mãn nguyện. Cũng trong tác phẩm này, một nhà sư già trong Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm đã hóa giải mối thù sâu như biển giữa Tiêu Viễn Sơn (người Khất Đan) và Mộ Dung Bác (người Tiên Ty). Bốn tay họ giao nhau, hai lòng cùng giác ngộ; họ chợt nhận ra những âm mưu, thủ đoạn, khát vọng trả thù chỉ là hư ảo. Và nhà sư Ba La Tinh (người Thiên Trúc) cũng nhận ra cái hư ảo trong giấc mộng ăn cắp kinh văn đem về Thiên Trúc của mình. Ông chợt nhận ra Thiên Trúc hau Trung Hoa đều  là thế gian, cũng “không” tuốt, và việc trở về Thiên Trúc là không cần thiết nữa.

Chữ “không” can thiệp vào tình yêu một cách tích cực. Ai yêu nhà sư Huyền Từ bằng Diệp Nhị Nương. Người phụ nữ này đã hiến thân cho Huyền Từ, sinh ra chàng Hư Trúc. Nhưng Huyền Từ là Phương trượng của chùa Thiếu Lâm; Diệp Nhị Nương cam chịu sống lẻ loi, không dám nhìn mặt người tình trong suốt 20 năm cũng chỉ là để cho Huyền Từ khỏi bị tai tiếng vì chữ “dâm” trong Ngũ giới cấm của nhà Phật. Đến phút cuối, trước quần hùng tại isân chùa Thiếu Lâm; Huyền Từ, Diệp Nhị Nương và Hư Trúc mới đoàn tụ. Cha, mẹ và đứa con lưu lạc cùng gặp lại nhau, có hạnh phúc nào lớn hơn điều ấy? Thế nhưng, ở đây chữ “không” lại xuất hiện, can thiệp, biến tất cả niềm hạnh phúc thành khúc bi ca. Huyền Từ tự vẫn để tạ tội với chư tăng chùa Thiếu Lâm; Diệp Nhị Nương tự vẫn theo người tình cho có đôi có bạn. Tình yêu của họ cũng chỉ là hư không; chăn gối ngày xưa cũng chỉ là hư không.

Trên cơ sở chữ “không”, Kim Dung xây dựng những nhân vật rất lạ. Như Định Nhàn sư thái, chưởng môn phái Hằng Sơn (Tiếu ngạo giang hồ); sau một trận chiến đấu hung hiểm đầy máu và lửa, bà xuất hiện với chiếc áo không lấm một vết than tro, khuôn mặt bình thản, tay lần chuỗi tràng hạt như không có chuyện gì xảy ra. Vị nữ ni này đúng với ba chữ “vô ưu”, “vô uý”, “vô trần” của đạo Phật. Mà “vô” cũng chính là “không”. Trước khi chết trên chùa Thiếu Lâm, vị nự ni này truyền chức chưởng môn lại cho Lệnh Hồ Xung mà vẫn không chịu nói ra ai đã giết mình. Ấy bởi vì kẻ giết bà chính là Nhạc Bất Quần , sư phụ của Lệnh Hồ Xung! Chữ “không” đã giúp bà quên đi mối thù. Bà chết nhưng chữ “không” ấy vẫn long lanh trong sáng.

Tôi đã nói “không” cũng là “vô”. Kim Dung triệt để bàn đến chữ “không” của đạo Phật qua tiểu thuyết của mình nhưng xin bạn đọc chớ ngại ông biến cả thế giới tiểu thuyết thành ra hư ảo hết. “Không” cũng là “vô” nhưng đồng thời ông lại đưa ra biện chứng “Vô trung sinh hữu” (trong cái “không” sinh cái “có”). Và đó là vấn đề mà tôi sẽ bàn đến, nếu tôi còn sống, chưa trở về với chữ “không”.


Huyền thoại Thủ cung sa

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Thủ cung sa (
守宮沙) có lẽ là một khái niệm khá mới trong hệ thống từ Hán - Việt của ngôn ngữ Việt Nam. Tôi đã tra 6 cuốn từ điển Hán - Việt hoặc Việt – Hán mà không tìm ra được từ ghép này, có lẽ vì nó cổ quá và có lẽ đến bây giờ, người phụ nữ Trung Quốc không cần đến nó nữa. Cuộc sống văn minh với làn sóng “cách mạng tình dục”, tư tưởng tự do luyến ái và một chút thực dụng của chủ nghĩa hiện sinh Tây phương đã ảnh hưởng đến phương Đông.

Người phương Đông, kể cả người phương Đông Trung Quốc, vốn là con cháu Đức Khổng Phu tử, đã có một quan điểm rất thoáng về chữ trinh nơi người phụ nữ. Tôi nhấn mạnh chữ Trinh (
) chứ không phải chữ Tiết (). Trinh là một cái gì đó hoàn toàn nguyên vẹn, ban sơ mà đạo Khổng vốn coi là biểu tượng của sự trong trắng, đạo đức, của tất cả các hành vi giữ mình như ngọc của một cô gái mới lớn lên. Trong y học, trinh mang ý nghĩa cụ thể hơn: đó là một cái màng mỏng nằm trong nội cung người phụ nữ. Ai còn trinh thì được gọi là xử nữ. Và do vậy, màng trinh được gọi là xử nữ mạc.

Thủ cung sa là một dấu vết nhỏ có màu đỏ sậm của thần sa, được điểm lên cánh tay của một cô gái mới lớn (thường là cánh tay trái, cách vai khoảng một tấc, ngang với chỗ mà ngày nay người ta chủng ngừa đậu mùa) để chứng minh cô gái ấy còn trinh bạch. Các thầy thuốc ngày xưa khó lòng quan sát xử nữ mạc, mà dẫu muốn quan sát cũng chưa chắc được ai cho! Cho nên, người Trung Quốc cổ mới nghĩ đến một tiêu ký nhằm hình tượng hoá chữ trinh ra ngoài cấm địa của người phụ nữ - ấy là vế thủ cung sa trên cánh tay. Muốn biết cô gái nào còn là xử nữ hay không, chỉ chỉ cần vén tay áo lên xem xét thủ cung sa còn hay mất. Nếu thủ cung sa mất đi thì ô hô, ai tai; dẫu có mười miệng cũng không biện giải, cãi chày cãi cối nữa với mọi người vốn thuộc lòng câu “Nam nữ thọ thọ bất thân”.

Làm sao lưu được tiêu ký của thủ cung sa? Hán thư, cách chúng ta trên 2.000 năm, ghi chú rõ: bắt một con tắc kè con, nuôi nó cho thật tử tế, cho nó ăn hết bảy cân thần sa. Đập nát con tắc kè, vắt xác của nó lấy một loại nước có màu đỏ sậm. Đem nước ấy chấm lên cơ bắp cánh tay trái của cô gái mới lớn. Dấu chấm ngoài da sẽ ăn sâu vào lớp ngoại biểu bì, để lại một vết tròn màu đỏ sậm trên làn da trắng nõn. Vết tròn màu đỏ sậm ấy chính là biểu tượng uy nghi, hùng hồn nhất của sự trinh bạch. Nếu cô gái tự mình gần gũi với người đàn ông hoặc bị cưỡng hiếp, vết thủ cung sa sẽ mất đi ngay.

Lý luận thì chặt chẽ như vậy nhưng Hán thư của học giả Ban Cố vẫn không cắt nghĩa được mối tương quan hữu cơ giữa thủ cung sa trên cánh tay và xử nữ mạc trong nội cung của người phụ nữ. Nói cách khác, lời bí chú của Hán thư không giải thích được tại sao khi xử nữ mạc bị rách thì vế thủ cung sa lại biến mất đi và giả thiết một cô gái bị mất thủ cung sa rồi thì họ có thể… làm lại cái mới không. Và bởi thủ cung sa có được từ nước cốt của con tắc kè ăn đủ 7 cân thần sa, nghĩa là chuyện mà tất cả mọi nhà ở Trung Quốc đời Hán đều làm được, và bởi thịt da ai cũng như ai nên tôi đồ chừng tất cả mọi phụ nữ Trung Quốc (thời Hán thôi nhé) từ cô gái 16 tuổi thơm như đóa ngọc lạn đến người thiếu phụ 50 tuổi có mấy mặt con, tả tơi như tàu lá chuối sau trận bão, đều có thể tự làm tiêu ký thủ cung sa được. Đến lúc đó, dẫu sư phụ của các danh y Hoa Đà, Biển Thước nhìn được vết thủ cung sa cũng khó lòng nhận ra chân giả, thực hư. Không chừng rút kinh nghiệm đó mà ngày nay, các tú bà thường cho bác sĩ “tân trang” xử nữ mạc các cô để gạt mấy tay Hongkong, Taiwan giàu sụ.

Đó là chuyện 2.000 năm trước. Hai ngàn năm sau, nhà văn Kim Dung đã đưa huyền thoại thủ cung sa của dân tộc mình vào trong các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của ông, vẫn với mục đích chứng minh cho sự trinh bạch của người phụ nữ mới lớn. Các nhân vật nữ của ông nhưng Chu Chỉ Nhược (Ỷ thiên Đồ long ký), Lý Mạc Sầu (Thần điêu hiệp lữ), Mai Phương Cô (Hiệp khách hành) đều giữ được những vết đỏ thắm của thủ cung sa trên cánh tay trắng nõn nà. Nghĩa là họ không hề mất trinh, chưa từng chăn gối với đàn ông, chưa thất thân vì người khác giới như họ tự nhận hoặc do người khác vu vạ.

Lứa đôi Chu Chỉ Nhược và Trương Vô Kỵ thương yêu nhau. Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga My lại buộc học trò Chu Chỉ Nhược của mình phải thề độc, không được thương yêu Trương Vô Kỵ. Chu Chỉ Nhược phải dựng lên câu chuyện Tống Thanh Thư là chồng của cô để đánh lừa mọi người, chủ yếu là đánh lừa chàng Trương. Khi Tống Thanh Thư bị đánh trọng thương, mọi người vẫn đinh ninh rằng Chu Chỉ Nhược đã là đàn bà. Đến lúc đó, Chu Chỉ Nhược mới vén cánh tay áo lên cho mọi người biết cô vẫn còn vết thủ cung sa tươi thắm. Vết thủ cung sa đó đủ sức cải chính tất cả mọi lời đồn đại, mọi điều mà cô đã tự nhận về mình.

Mai Phương Cô thương yêu Thạch Thanh nhưng Thạch Thanh đã có vợ, có hai con trai. Trong một cơn ghen tuông làm mất lý trí, cô đã bắt một đứa con mới 3 tháng tuổi của Thạch Thanh đem đi, nuôi nấng hài nhi thành người, đặt tên là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống). Đứa bé lớn lên, vẫn đinh ninh Mai Phương Cô là mẹ ruột của mình. Cho đến một ngày vợ chồng Thạch Thanh lên núi Hùng Nhĩ tìm Mai Phương Cô, có cả cậu trai Cẩu Tạp Chủng đi theo, Mai Phương Cô vẫn vì cơn ghen, không tiết lộ thân thế Cẩu Tạp Chủng. Ai cũng yên chí Phương Cô chửa hoang, sinh ra thẳng bé không cha, riêng vợ Thạch Thanh thì cho rằng chồng mình đã chăn gối với Mai Phương Cô sinh ra cậu Cẩu Tạp Chủng. Kim Dung đã xử lý tình huống tiểu thuyết hết sức bi kịch nhưng cũng hết sức cao thượng: ông để cho Mai Phương Cô tự vận, một bên áo rách hiện rõ vết thủ cung sa trên làn da trắng. Nghĩa là Mai Phương Cô vẫn còn trinh bạch. Còn Cẩu Tạp Chủng là ai, tại sao khuôn mặt chàng giống hệt Thạch Thanh, tại sao chàng gọi Mai Phương Cô là má má thì tự độc giả tìm hiểu.

Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, huyền thoại thủ cung sa được nâng lên thành hiện thực mang dấu ấn của triết lý, dấu ấn của tư tưởng nhân văn và nhân đạo. Nếu cứ lý luận theo kiểu nhà nho thì ai còn trinh mới là đạo đức; ai mất trinh là kẻ hư thân. Nhưng Kim Dung không nhìn người phụ nữ Trung Quốc theo nhãn quan đó. Trong Thần điêu hiệp lữ, ông xây dựng nhân vật Tiểu Long Nữ, chưởng môn phái Cổ Mộ Đài. Tiểu Long Nữ mới 18 tuổi, thương yêu người học trò nhỏ hơn cô 2 tuổi là Dương Qua. Một hôm, khi cô đang thoát y để luyện Ngọc nữ tâm kinh trong bụi rậm thì bị một tên đệ tử phái Toàn Chân là Doãn Chí Bình điểm huyệt, che mặt rồi đưa vào chỗ kín đáo cưỡng hiếp. Cô gái đau khổ khi mất đi vết thủ cung sa và cảm thấy không còn xứng đáng với chàng học trò nhỏ Dương Qua nữa.

Cô đau xót bỏ Dương Qua ra đi. Nhưng trong con mắt Dương Qua, một Tiểu Long Nữ mất trinh còn hơn hàng vạn cô gái trinh bạch khác trên đời. Dương Qua ra đi tìm cô khắp bốn phương trời. Không có nàh văn nào can đảm như Kim Dung khi đưa ra một người thầy mất trinh, một mối tình thầy tro trong một bối cảnh xã hội mà Khổng giáo vẫn chiếm tư thế độc tôn như xã hội Trung Quốc thế kỷ XI. Ở đây, ông muốn chứng minh một điều: chữ trinh qua dấu vết thủ cung sa không là cái gì cả. Một tai nạn thông thường hoặc nghiêm trọng có thể làm mất đi sự trinh bạch của người phụ nữ nhưng phẩm giá và tình yêu của người phụ nữ đó vẫn còn nguyên vẹn. Chất nhân bản, nhân văn đó dễ có mấy ai đã thể hiện được trong tiểu thuyết. Một Lý Mạc Sầu trinh bạch nhưng tàn ác vẫn thua xa một Tiểu Long Nữ bị mất trinh nhưng tấm lòng quảng đại bao dung. Nếu với đàn ông, Kim Dung thường đưa câu “Đừng đem thành bại luận anh hùng” thì với phụ nữ, chúng ta cũng có thể nghĩ đến câu “Chớ đem trinh tiết khoe thục nữ”.

Thủ cung sa, rốt cuộc lại, chỉ là quan điểm của Kim Dung về chữ trinh, một quan điểm mới mè, vượt xa công thứ sơ lược của cổ nhân. Trước Kim Dung trong hơn 200 tác phẩm tiểu thuyết Minh – Thanh, chữ trinh đã từng là vấn đề trong Tây sương ký, Liêu trai chí dị, Tam quốc chí, Hồng lâu mộng. Thế nhưng, chữ trinh đó đôi khi rất cực đoan, đôi khi lại bị xem quá nhẹ. Chữ trinh trong tác phẩm tiểu thuyết Kim Dung không nhẹ, cũng chẳng cực đoan. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, thời điểm, số phận của từng nhân vật cụ thể. Kim Dung không lấy chữ trinh làm thước đo phẩm giá người phụ nữ. Những nhân vật nữ thất trinh của ông như Tiểu Long Nữ, Kỷ Hiểu Phù… khiến người đọc thông cảm, xót xa, kính trọng. Văn chương của Kim Dung đúng là một thứ văn chương nhân bản, nhân văn.


Kim Dung và chữ Xuân

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Trong Trung văn, chữ Xuân (, mùa xuân) được viết với 9 nét. Ở một nghĩa rất tượng trưng, chữ Xuân được ví với bộ phận sinh dục nữ qua phép tượng hình các nét viết của chữ này. Nếu người phụ nữ nằm, thì đó là chữ xuân; nếu người phụ nữ ngồi thì có một kẽ hở, tạo ra một chữ 10 nét, gọi là Thung (). Nhà nho có câu ví von:
Ngọa tắc Xuân mà toạ tắc Thung
(Nằm thì Xuân mà ngồi thì Thung)

Kim Dung viết tiểu thuyết võ hiệp bằng Trung văn. Chữ Xuân trong tác phẩm của ông khá phong phú, biến ảo lạ lùng.Chữ Xuân nằm trong ngoại hiệu của đạo gia. Xạ điêu anh hùng truyện có 7 đạo gia gọi là Toàn Chân thất tử, trong đó có Trường Xuân tử Khưu Xử Cơ. Tính cách nhân vật này nóng nảy, nhưng là một hán tử yêu nước. Là đạo gia, nhân vật này cũng tu học theo phong cách đạo gia, nghĩa là cũng học cách bế khí để hưởng nhàn, hành lạc dài dài. Chẳng vậy mà ngoại hiệu của lão là Trường Xuân tử? Trường Xuân tử có nghĩa là ông… ham vui hoài hoài. Còn ổng vui được tới đâu thì thây kệ ổng. Chữ Xuân còn nằm trong ngoại hiệu của thầy thuốc. Trong Hiệp khách hành có một nhân vật gọi là Trước thủ thành xuân Bối Hải Thạch. Bối Hải Thạch võ công cao cường nhưng suốt đời ốm yếu, ho hen hoài. Lão tự tìm thuốc men chữa bệnh cho mình, chữa riết nên trình độ y lý cũng cao cường như một thầy thuốc (đại phu). Vì vậy, lão lên làm trưởng lão bang Trường Lạc tại Giang Nam, được mọi người tôn xưng là Bối đại phu.

 Bạn có để ý hai chữ Trường Lạc không? Hai chữ này có nghĩa là vui hoài, vui miết. Người thầy thuốc luôn được Kim Dung ca ngợi là Diệu thủ hồi xuân. Tất nhiên, làm thuốc là trị bách bệnh; trong đó có bệnh… lạc mất mùa xuân. Hồi xuân là mục tiêu giúp con người tìm lại chất trẻ trung, tìm lại cảm hứng tình dục. Trong phương thuốc hồi xuân luôn luôn có các vị Nhân sâm, Hà thủ ô, Sinh địa, Linh Chi, Tuyết liên tử… Uống các món này, con người khỏe mạnh, trẻ trung trở lại. Còn sau đó thì… hổng biết. Chữ Xuân còn để chỉ chỗ ăn chơi sa đọa. Người Trung Hoa có câu “Hạ giới hữu Tô Hàng nhị châu”. Hàng Châu và Tô Châu là hai chỗ ăn chơi đàng điếm nhất của miền Giang Nam. Xem như vậy thì người trung Quốc coi trọng sự ăn chơi.

Lộc Đỉnh ký, thông qua cái miệng của Vi Tiểu Bảo, không ngớt ca ngợi thành Dương Châu nhà hắn. Hắn xuất thân từ Lệ Xuân viện, nơi mẹ hắn làm Kỹ nữ và sinh ra hắn. Hắn tự hào về Lệ Xuân viện, về bà mẹ làm kỹ nữ. Hắn đã từng có mong ước kiếm được thật nhiều tiền để về Dương Châu mua đứt lại Lệ Xuân viện; lập thêm ba toà Lệ Hạ viện, Lệ Thu viện và Lệ Đông viện cho đủ 4 mùa, đặng quần hùng và trọc phú bốn phương đến đó ăn chơi cho phỉ chí.Vi Tiểu Bảo cũng là tay khoái món văn hóa đồi truỵ.

Rõ ràng là hắn có mấy bức thêu gọi là Xuân cung đồ (bức hoạ về bộ phận sinh dục nữ). Hắn đã đem mấy bức thêu này “thuốc” Đa Long khi tên này được vua Khang Hy giao nhiệm vụ chém Mao Thập Bát, khiến Đa Long mê mẩn, mất cảnh giác. Vi Tiểu Bảo đã cứu mạng được Mao Thập Bát nhờ truyền bá văn hóa đồi truỵ! Chữ Xuân đồng nghĩa với khái niệm bổ thận, cường dương. Những món thuốc giúp đàn ông bổ thận, cường dương để chứng mình là nam nhi chính hiệu trong phòng the được gọi là xuân dược. Mô phỏng xuân dược đó, Lệ Xuân viện thành Dương Châu có bán loại xuân tửu. Thế nhưng, Vi Tiểu Bảo thì chỉ muốn những kẻ uống loại rượu này vào phải ngủ li bì, ngủ mê mệt để hắn ra tay khống chế. Cho nên, hắn đã đổ thêm thuốc mê vào rượu; khiến xuân tửu hoá thành mê xuân tửu. Tang Kết lạt ma, Cát Nhĩ Đan vương tử, Trịnh Khắc Sản… cho đến các quý phu nhân, quý tiểu thư Tô Thuyên, A Kha, Phương Di… uống loại rượu này, lòng xuân thì phơi phới nhưng trí tuệ lại hồ đồ.

Vi Tiểu Bảo tha hồ tác oai, tác quái. Không hiểu hắn có uống xuân tửu không nhưng hôm ấy hắn giao cấu với 7 người phụ nữ. Tất nhiên, tác giả có nói dóc nhưng nói dóc như vậy nghe cũng thú vị. Việc nam nữ giao cấu với nhau được Kim Dung gọi là xuân sự hay hảo sự. Đó là quan điểm của một dân tộc quý chuộng sức lao động bởi xã hội Trung Quốc ngày xưa là xã hội nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Phải sinh con đẻ cái để có người lao động, để nối dõi tông đường. Cho nên người ta coi đêm tân hôn là một đêm thiêng liêng của đôi đôi lòng thanh xuân phơi phới. Hiệp khách hành có mô tả đoạn Thạch Phá Thiên và Đinh Đang mới định động phòng thì bọn hảo hán bang Trường Lạc đổ ra đi tìm Thạch Phá Thiên, đứng ngoài sân kêu la ơi ới. Đinh Bất Tứ phải ngồi trên nóc nhà gác cho cháu mình hoàn thành xuân sự. Lão tuôn ra một hơi vừa có vẻ văn hóa, vừa có vẻ tục tĩu, nào là “đêm xuân một khắc ngàn vàng”, nào là “thời xuân qua rất mau”…

Nhưng Thạch Phá Thiên đã bỏ cô dâu, chạy mất.Những nhân vật nữ trung tâm của Kim Dung được gọi là băng thanh ngọc khiết, là hoàng hoa khuê nữ hoặc xuân nữ. Họ là những cô gái trong trắng, lãng mạn mười phần nhưng không liều mạng chút nào. Họ đi đến đâu thì không khí đương xuân có ở đó, rực rỡ, náo nhiệt. Có đôi khi họ buồn, họ khóc. Kim Dung mô tả những giọt nước mắt đọng trên gò má xuân thì lóng lánh chẳng khác gì giọt sương trên đóa mai côi (hoa hồng). Mùa xuân, bóng liễu xanh tươi. Kim Dung mô tả đôi mày các cô đẹp như cặp lá liễu. Và khi cô nào… nổi nóng, đôi mày liễu khẽ nhướng lên hay khẽ cau lại, thể hiện một tâm trạng bất bình thì khách mày râu hãy coi chừng. Một chiêu Xuân phong dương liễu phóng ra, mùa xuân mất biến, chỉ còn cơn lôi đình sục sôi như nắng hạ.


Bao Tích Nhược


Trong tác phẩm Anh Hùng Xạ Điêu của nhà văn Kim Dung, Bao Tích Nhược là mẹ của Dương Khang, vợ của Dương Thiết Tâm và Hoàn Nhan Hồng Liệt. Bà là con một thầy đồ tư thục ở thôn Hồng Mai. Trong đời bà lấy hai người chồng: Người thứ nhất là Dương Thiết Tâm, người thứ hai là Hoàn Nhan Hồng Liệt. Dương Khang (hay Hoàn Nhan Khang) là con của bà với người chồng trước.

Bao Tích Nhược là một phụ nữ rất xinh đẹp, diễm lệ, lại có lòng nhân từ, hay cứu giúp người, động vật. Cái tên Tích Nhược của bà cũng là do cha bà căn cứ theo tính cách bà mà đặt ra.

Bà kết hôn với Dương Thiết Tâm ở thôn Ngưu gia, được hai năm thì mang thai. Cùng lúc đó, bà cứu sống một người lạ mặt bị Khưu Xử Cơ đánh trọng thương trước cửa nhà bà. Chẳng ngờ, kẻ đó chính là Hoàn Nhan Hồng Liệt, vương tử nước Kim.

Thấy Bao Tích Nhược quá xinh đẹp, y chẳng những không trả ơn vợ chồng bà, mà còn âm mưu chiếm đoạt nàng từ tay người chồng. Y đưa quân đến tấn công gia đình họ ở thôn Ngưu gia, truy sát Dương Thiết Tâm. Còn với Bao Tích Nhược, y giả vờ nhân nghĩa, cứu bà khỏi đám quân lính, rồi đem về cung ngon ngọt dỗ dành.

Bao Tích Nhược vì không biết và cũng không ngờ đến nội tình bên trong, lại nghĩ chồng đã chết, cuối cùng đành chấp nhận lấy Hoàn Nhan Hồng Liệt. Trong cung vương tử nước Kim, bà sinh hạ một đứa con trai, đặt tên là Hoàn Nhan Khang. Đó chính là đứa con mà bà đã mang thai trước đó với người chồng trước Dương Thiết Tâm.

Về phần mình, Hoàn Nhan Hồng Liệt cũng chứng tỏ là người chồng tốt, một mực thương yêu, cưng chiều Bao Tích Nhược. Y cũng rất thương đứa nhỏ mà nàng sinh ra là Hoàng Nhan Khang, dù biết rõ đó không phải là con ruột của mình.


Dù ở trong phủ vương gia, sống trong nhung lụa, nhưng Bao Tích Nhược vẫn không nguôi nhớ về người chồng trước và quê hương cũ. Sau này, khi Dương Thiết Tâm bị bắt đến phủ vương gia, hai người nhận ra nhau, vô cùng hạnh phúc và cùng nhau bỏ trốn. Khi bị quân Kim truy đuổi rất gấp, cùng đường, hai người đã tự vẫn.

Cuộc đời sóng gió của Kim mao sư vương Tạ Tốn

Trong Ỷ thiên đồ long ký, Tạ Tốn là "nghĩa phụ" của nhân vật nam chính Trương Vô Kỵ. Vì ơn sâu nghĩa nặng với Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ đã chấp nhận bỏ rơi chưởng môn Nga My Chu Chỉ Nhược ngay trong lúc bái thiên địa thành hôn với nàng, để đi theo quận chúa Triệu Mẫn, tạo ra mối hận thù và làm tan nát tình yêu giữa mình và Chu Chỉ Nhược. Vậy Tạ Tốn là một người như thế nào? bài viết dưới đây phần nào làm sáng tỏ điều đó.
Tạ Tốn là một trong Tứ đại pháp vương của Ma giáo (hay Minh giáo) gồm Tía sam long vương Đại Ỷ Ty, Bạch mi ưng vương Hân Thiên Chính, Kim mao sư vương Tạ Tốn và Thanh dực bức vương Vi Nhất Tiếu. Đứng đầu Ma giáo lúc đó là Giáo chủ Dương Phá Thiên. Ông yêu và lấy vợ, nhưng trước đó, Dương phu nhân lại là người yêu “thanh mai trúc mã” của Hỗn nguyên phích lịch thủ Thành Khôn.
Là một kẻ thủ đoạn, thâm hiểm, xảo quyệt, tàn ác, nhỏ mọn và đê tiện, Thành Khôn vô cùng oán hận, thề suốt đời trả thù Dương Phá Thiên, tiêu diệt Ma giáo, y còn mang ý đồ thâm hiểm là tiêu diệt luôn các môn phái/bang hội trong võ lâm Trung Nguyên, lên làm Minh chủ võ lâm, rồi thống nhất Trung Quốc, lên làm hoàng đế! Biết Tạ Tốn là một lãnh đạo quan trọng trong Ma giáo, để tạo sự thù hận giết chóc giữa các môn phái chính giáo/các bang hội và Ma giáo, đầu tiên, Thành Khôn giở thủ đoạn chính trị, giả say hãm hiếp vợ Tạ Tốn, giết cả nhà Tạ Tốn là 13 người kể cả đưa con mới đẻ của Tạ Tốn là Tạ Vô Kỵ, và giả vờ để cho Tạ Tốn còn sống.
Quả nhiên Thành Khôn tính toán không nhầm, sau đó, Tạ Tốn đi khắp chân trời góc biển tầm sư học đạo và tìm Thành Khôn trả thù. Nhưng Thành Khôn có môn “Hỗn nguyên phích lịch thủ” vô cùng lợi hại, Tạ Tốn nhiều lần đại bại bỏ chạy, Thành Khôn vẫn không giết Tạ Tốn mà dùng y làm một “con cờ” để khuấy động máu lửa trong võ lâm. Tiếp tục, Tạ Tốn đánh cắp bí kiếp “Thất thương quyền” của phái Không Động, đây là một môn võ công mà muốn luyện thì phải đánh đổi cả cuộc đời của mình, bị chấn thương nội tạng, sau này sẽ bị tẩu hỏa nhập ma mà chết. Sau đó, Thành Khôn không xuất hiện nữa. Vì thế, Tạ Tốn phải mạo danh Thành Khôn và giết rất nhiều cao thủ võ lâm rồi ghi bằng máu trên tường là “Kẻ giết người là Thành Khôn” để buộc Thành Khôn phải xuất hiện, còn Thành Khôn thì nấp trong bóng tối để hỗ trợ Tạ Tốn giết người!
Rồi Thành Khôn giở tiếp thủ đoạn chính trị là bái Không Kiến thần tăng làm sư phụ, rồi y đội lốt là một nhà sư rất đức độ và dụ Không Kiến đứng ra hòa giải mối hận thù giữa hai người. Tạ Tốn và Không Kiến bị mắc lừa, Không Kiến đã đưa người ra hứng lấy 13 cú “Thất thương quyền” của Tạ Tốn (để gỡ tội cho 13 người nhà Tạ Tốn bị Thành Khôn giết). Lỡ tay đánh chết Không Kiến thần tăng, Ta Tốn vô cùng hối hận, và đây là “duyên” đầu tiên để Tạ Tốn trở thành phật sau này. Tội lỗi của Tạ Tốn ngày càng dấy lên làn sóng vô cùng căm phẫn từ tất cả các anh hùng võ lâm thiên hạ đối với Ma giáo, đồng thời việc chém giết giữa hai bên chính - tà làm cho võ lâm rơi vào cảnh đầu rơi máu chảy triền miên, triều đình Mông Cổ cũng lợi dụng cơ hội này để làm suy yếu và tiện tay tiêu diệt các thế lực võ lâm ở Trung Nguyên.
Không Kiến là một cao tăng rất có “tâm”, trước khi chết, ông đã trăn trối với Tạ Tốn là.
1. Thề không giết người nữa,
2. Muốn thắng được Thành Khôn thì hãy tìm cho được bí kiếp trong thanh đao Đồ Long: “Đao Đồ Long hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng, Ỷ Thiên kiếm bất xuất, thùy dữ tranh phong”.
Tại đảo Vương Bàng Sơn, Tạ Tốn đã thi triển môn thần công “Sư tử hống”, khống chế được các cao thủ của các môn phái/bang hội tham dự Đại hội, và cướp được bảo đao Đồ Long.
Để tránh các môn phái truy đuổi, y đi thuyền trốn ra Bắc cực, và còn ép buộc Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố đi theo y. Trong lúc đi thuyền, Tạ Tốn lại bị ông trời tiếp tục hành hạ, ngoài chuyện đau khổ vì cả gia đình bị giết, bị cả võ lâm truy giết, bị đau đớn do luyện “Thất thương quyền”, ông trời còn cho bão tố rượt theo, Tạ Tốn cực kỳ căm phẫn mà dùng “Sư tử hống” hét vang trời đất, ném “băng” lên trời, đòi giết ông trời và gọi ông trời là “Lão Tặc Thiên”! Trong cơn điên, Tạ Tốn định giết Thúy Sơn, Tố Tố phải dùng ám khí phóng mù mắt Tạ Tốn để cứu Thúy Sơn. Sau đó, do “ông trời” sắp đặt, Thúy Sơn và Tố Tố trôi dạt vào Băng Hỏa đảo, họ đã “sa lưới tình”.
Khi tiếng khóc “oa oa oa” của trẻ con ra đời, mặc dù Tạ Tốn vẫn còn ôm mối hận không bao giờ nguôi với Thành Khôn, nhưng thực ra, mối hận của y đã chuyển thành “tình yêu vĩ đại”, đó là tình phụ tử thiêng liêng, y tặng hết tình yêu đó cho cậu bé Trương Vô Kỵ. Ông trời vẫn tiếp tục theo đuổi hành hạ Tạ Tốn, y suy nghĩ 10 năm vẫn không tìm ra được bí mật của bảo đao Đồ Long. Sau đó, bí quá và cũng là vì tương lai của Vô Kỵ, y bèn sắp xếp cho Thuý Sơn, Tố Tố và Vô Kỵ về Trung Nguyên, còn y ở lại Băng Hỏa đảo và chịu sống cô đơn suốt đời cho đến chết.
Vợ chồng Thúy Sơn và Tố Tố vừa về đến đất liền (đến Võ Đang) thì lập tức bị giang hồ võ lâm truy bức, phải tự tử chết. Còn Vô Kỵ bị trúng “Huyền minh thần chưởng” của Huyền Minh nhị lão, bị lạnh thấu xương, đau đớn vô cùng, vô phương cứu chữa và chỉ còn có nước chờ chết. Không thiết sống, Vô Kỵ cứ theo hướng quả tim đầy tính thiện của mình mà lưu lạc giang hồ, đi đến đâu y cũng bị người đời kể cả mỹ nhân ruồng bỏ, lừa gạt, đối xử không bằng con heo con chó. May mắn y rơi xuống vực mà học được nội công tuyệt thế là “Cửu dương thần công”: y hết bịnh, rồi y tiếp tục may mắn lạc vào một bí đạo ở “Quang minh đỉnh”, tại đó y học được môn “Càn khôn đại na di” - là tâm pháp hộ giáo của Ma giáo, y hiển nhiên trở thành vô địch thiên hạ.
Là một con người vô cùng có tình có nghĩa, sau khi đánh bại 6 đại môn phái và vô tình “hộ giáo” thành công, Vô Kỵ được toàn thể giáo chúng Minh giáo tôn lên làm Giáo chủ Minh giáo. Chàng lập tức đi Linh Xà đảo tìm “nghĩa phụ” Tạ Tốn để rước về đền ơn đáp nghĩa, nhưng “ông trời” lại tiếp tục hành hạ Tạ Tốn bằng cách “sắp xếp” cho y hết bị Cái Bang bắt, rồi bị Thành Khôn bắt, rồi bị đem giam trong một cái hang ở sau chân núi Thiếu Thất, chùa Thiếu Lâm. Thành Khôn lại tiếp tục giở thủ đoạn chính trị, y uy hiếp Phương trượng chùa Thiếu Lâm là Không Văn, tổ chức đại hội võ lâm, dụ anh hùng thiên hạ đến Thiếu Lâm truy giết Tạ Tốn, tranh chấp bảo đao Đồ Long, chém giết tàn sát lẫn nhau để y làm “ngư ông đắc lợi”, lên làm Minh chủ võ lâm, độc bá thiên hạ.
Không ngờ, người tính không bằng trời tính, Tạ Tốn tuy bị mù mắt nhưng tai rất thính, y đã phát hiện ra tiếng húng hắng ho “đặc dị” của Thành Khôn ẩn nấp trong đám đệ tử của phái Thiếu Lâm, Tạ Tốn bèn kể hết tội lỗi và mọi âm mưu thâm hiểm xảo quyệt của Thành Khôn trước toàn thể võ lâm. Sau đó Tạ Tốn dùng “Thất thương quyền” đánh mù mắt và phế bỏ võ công của Thành Khôn. Thành Khôn bị mù mắt, tàn phế và bị Thiếu Lâm tống giam suốt đời không làm được bất cứ điều ác gì nữa.
Sau đó vì hối hận với những việc ác đã làm, Tạ Tốn tình nguyện ngồi yên để mọi người muốn chém muốn giết gì cũng được. Nhưng rồi không ai giết y vì tay họ cũng nhuốm đầy máu, ân oán giang hồ kéo dài liên tu bất tận.
Khi được “Độ Ách” phong vai vế vào hàng chữ “Không” tức là ngang với các thần tăng là Không Văn và Không Trí, Tạ Tốn định từ chối, ông muốn nhận vai vế hàng chữ “Viên” thấp hơn, nhưng Độ Ách bảo:
Không đã đành là không,
Viên cũng lại là không,
Ngã tướng với nhân tướng,
Nào có chi bất đồng.
Vốn có sẵn phật tính trong người, Tạ Tốn liền giác ngộ và vượt qua ngưỡng sinh tử, ông nói:
Tạ Tốn hay cục phân,
Cũng đều là hư ảnh
Đến thân còn chẳng chấp,
Lẽ nào vướng vào danh?
Cuối cùng ông đã qui y cửa Phật.
-----------------------
Việt kiếm hiệp Blog cám ơn bạn Yeuem Mai đã gửi đến bài viết này

--------------------------------

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Cảm thương mối tình dang dở Đinh Điển – Lăng Sương Hoa

Lăng Sương Hoa do Trần Mỹ Kỳ đóng trong Liên thành quyết 1989
Cát Tường

Mối tình của Đinh Điển và Lăng Sương Hoa được đề cập trong một tác phẩm không thực sự nổi tiếng và xuất sắc của Kim Dung: Liên Thành Quyết. Tuy nhiên, những người đã đọc và yêu thích tác phẩm Liên Thành Quyết chắc chắn đều luôn dõi theo và thương cảm cho tình yêu oan trái giữa Đinh Điển và Lăng Sương Hoa - hai nhân vật chính trong tác phẩm.


Đinh Điển vốn là một đại cao thủ trong giang hồ, đem lòng yêu tiểu thư Lăng Sương Hoa - con gái tri phủ Lăng Thoái Tư thành Giang Lăng. Đối với anh, thoát khỏi ngục thất của một phủ chỉ là chuyện trở bàn tay, nhưng Đinh Điển vẫn ở đó, chịu nhục hình tra tấn, chỉ để mỗi ngày nhìn thấy Lăng Sương Hoa chăm tưới mấy khóm cúc vàng tươi. Sương Hoa biết vậy, ra sức chăm hoa để hoa tươi mãi, tạ lòng người yêu.

Rồi một ngày, Đinh Điển thấy khóm hoa héo úa. Anh lập tức vượt ngục, xông vào dinh phủ thì biết rằng Lăng Sương Hoa đã chết, do bị chính phụ thân của cô bức tử!

Đinh Điển đau đớn, ôm quan tài than khóc thì bị trúng kịch độc đã được Lăng Thoái Tư bôi lên quan tài. Sau khi Đinh Điển chết, Địch Vân mang xương cốt của anh hợp tác cùng Lăng Sương Hoa ở nghĩa trang phía Tây thành Giang Lăng để hai người mãi mãi được bên nhau, như ước nguyện cuối cùng của họ, dưới bóng mấy khóm hoa cúc vàng.

Lăng Sương Hoa do Trần Mỹ Kỳ đóng trong Liên thành quyết 1989

Tóm tắt Liên Thành Quyết

Mối quan hệ tình cảm tay ba giữa Đồng Mỗ, Thu Thủy và Vô Nhai Tử

Củng Lợi và Lâm Thanh Hà trong vai
Lý Thu Thủy và Thiên Sơn Đồng Mỗ
Cát Tường

Trong tác phẩm kiếm hiệp đồ sộ nhất của Kim Dung: Thiên Long Bát Bộ, Tiêu Dao Tử là một cao nhân kỳ bí, người sáng lập ra phái Tiêu Dao. Ông đã thu nhận 3 đệ tử, lần lượt là Thiên Sơn Đồng Mỗ, Vô Nhai Tử và cuối cùng là Lý Thu Thủy. Trong đó chỉ có Vô Nhai Tử là nam, còn lại là hai cô gái xinh đẹp.




Nhị đệ tử Vô Nhai Tử tinh thông tứ nghệ, tính tình tiêu sái phi phàm, “anh tuấn phong nhã như cánh hoa điểm trúng mặt hồ”, khiến Đồng Mỗ lẫn Thu Thủy đều đem lòng si mê ngay từ thuở thiếu thời. 

Thế nhưng, trong lòng Vô Nhai Tử chỉ có hình ảnh cô em gái 11 tuổi của Lý Thu Thủy, nên chàng ta đã vẽ một bức tranh và tạc một pho tượng ngọc để tỏ lòng tương tư.

Điều này dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa ba người, khiến hai tỉ muội Đồng Mỗ và Thu Thủy trở thành kẻ thù của nhau. Lý Thu Thủy rắp tâm quấy phá Đồng Mỗ luyện thần công, khiến cơ thể bà cứ “phản lão hoàn đồng” mãi không lớn lên được. Đồng Mỗ trả đũa, rạch nát mặt Thu Thủy.

Vô Nhai Tử say mê bức tượng ngọc của người con gái  ông tương tư


Về sau, Đồng Mỗ sáng lập ra cung Linh Thứu trên núi Phiêu Miễu, tà ác vang danh một cõi. Thu Thủy trở thành hoàng phi nước Tây Hạ, quyền thế một phương. Thế nhưng mấy chục năm sau, cả hai vẫn cố chấp ghen tuông và không ngừng tranh đấu nhau.

Trong trận đấu cuối cùng dưới hầm băng hoàng cung Tây Hạ, Thiên Sơn Đồng Mỗ và Lý Thu Thủy đánh nhau đến lưỡng bại câu thương rồi vong mạng sau trận quyết chiến. Hai người nhắm mắt, vừa khóc vừa cười trong hân hoan và đau đớn, khi nhận ra Vô Nhai Tử không hề yêu ai trong số họ. Khi ấy, Đồng Mỗ đã 96 tuổi, Vô Nhai Tử 94 tuổi còn Thu Thủy 92 tuổi, cho nên có thể nói, đây là mối tình thù kéo dài nhất trong các danh tác của Kim Dung.

ĐỊNH NHÀN SƯ THÁI

Định Nhàn sư thái chết trong tay Lệnh Hồ Xung. 
Bà đã trao chức chưởng môn cho chàng 


Hoa Văn

Định Nhàn sư thái là một nhân vật quan trọng trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung. Định Nhàn sư thái là chưởng môn phái Hằng Sơn - một môn phái gồm toàn nữ nhân (gồm nữ tu và đệ tử tục gia), đóng trên núi Hằng Sơn. Hằng Sơn cũng là một trong liên minh 5 phái thuộc Ngũ nhạc kiếm phái gồm: Tung Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn và Thái Sơn.

Trong ba người được xem là bậc trưởng lão, đứng đầu phái Hằng Sơn, thì Định Nhàn đứng hàng thứ hai (sau Định Tĩnh sư thái). Bà là người hiền hòa, võ nghệ cao cường. 

Định Nhàn sư thái là người nhận ra con người thật tốt đẹp của Lệnh Hồ Xung và nhận ra âm mưu của Tả Lãnh Thiền. Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, bà cùng với Định Dật bị chưởng môn Hoa Sơn là Nhạc Bất Quần sử dụng kim châm bắn chết tại Thiếu Lâm tự.

Trước khi chết, bà đã nhường ngôi vị chưởng môn phái Hằng Sơn cho Lệnh Hồ Xung - nhân vật chính trong Tiếu Ngạo Giang Hồ.


Hằng sơn 



Chùa Huyền không.