Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Nhà thờ chi họ Võ Tá

Đường về Thịnh Xá.
Sơn Thịnh -Hương Sơn- Hà Tĩnh
Bao năm, giờ mới về quê vợ. Dù lần đầu mới được đặt chân tới nhưng thật thân thương, gần gũi bởi nó gắn liền với cuộc đời tôi. Mới thấy, đất quê, dù nghe thấy nhiều mưa nguồn, lũ lụt; nhưng đó là một vùng quê thật thà, gắn bó, yêu thương. Mới biết hơn nhiều cội nguồn họ vợ.
Phát từ Bắc phương Hà Hoàng thủy thiên thu bất diện.
Hàn ư Nam hướng Mộ Trạch, nguyện vạn kỷ trường lưu.



Nghĩa là.

Họ Võ Tá- Hạ Hoàng có nguồn gốc từ phương Bắc (huyện Đường An- Hải Dương).
Luôn hướng về Mộ Trạch (Hải Dương) nơi phát tích dòng tộc.


Do vậy có câu. 

Thập ngũ tạo sĩ, thập bát quận công, cung kiếm gia thanh quang giám sách; đồng triều phụ tử, đồng khoa huynh đệ, thi thư thế nghiệp thọ sơn hà. 

(Mười lăm tiến sĩ võ, mười tám quận công, nghiệp cung kiếm rạng sử sách; Cha con cùng triều, anh em cùng khoa, văn chương sự nghiệp mãi với non sông)

Bến đò Linh Cảm
         
Nhà thờ chi họ Võ Tá (Thịnh Xá, Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh) do cụ Võ Tá Phong (1853-1937); đời thứ 7 từ khi Cụ Võ Tá Thực Rời làng Hạ Hoàng đến định cư, khởi dựng năm 1901.

                       
Họ Võ Tá làng Hà Hoàng - Võ Tá tộc Đại Tông, có 9 quận công, 27 tước hầu, 16 Tạo sĩ, (tức tiến sĩ võ) đều là danh tướng dòng Võ Tá ở làng Hà Hoàng, Thạch Hà, Hà Tĩnh; được tôn xưng là “Thạch Hà Thế Tướng” lẫy lừng suốt 180 năm thời Hậu Lê.
Dòng họ Võ (Vũ) làng Hà Hoàng thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) gốc ở làng Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, Hải Dương. Là dòng họ có nhiều người được phong hầu, phong tước.
Vùng Thanh, Nghệ thời xưa đã ca ngợi họ Võ của làng Hà Hoàng rằng: “Người Nghệ An, gan Hà Hoàng” và “Trảo Nha chi Ngô, Thạch Hà chi Vũ (Võ)” (Họ Ngô ở Trảo Nha, họ Võ ở Thạch Hà có nhiều người tài giỏi) và tôn vinh dòng họ Võ đó là “Thạch Hà thế tướng”, nghĩa là: “đời đời nối tiếp nhau làm tướng là dân ở xã Hà Hoàng huyện Thạch Hà”.
            
Cổng nhà Ông Nội
Nhà thờ chi họ Võ Tá nguyên là ngôi nhà "tứ trụ", ba gian, làm bằng gỗ lim và mít. Bên cạnh có ngôi nhà "Long Lậm", năm gian làm nhà ở. Thời Cụ Võ Tá Phong, nhà là "Tứ Đại Đồng Đường" - bốn thế hệ cùng sinh sống.

Thuở ấu thơ (hai tuổi), mồ côi mẹ, vợ tôi về đây ở cùng Bà Nội.



Nhà Ông Nội
Ân khoa Mậu Thân-1878, Cụ Võ Tá Phong đỗ Nhị Trường nên dân làng gọi là Cụ Tú Sỹ. Do hoàn cảnh, Cụ không học thêm được, đi dạy học ở Quãng Ngãi.
Sau đó Cụ về Thịnh Xá sống cùng vợ con, làm nghề buôn bán.


Gian thờ chính
Gian bên trái thờ Đức Thái Phó -
Khiêm Quận Công Võ Tá Đức -
Trác Vĩ thượng Đẳng tôn thần


Gian bên phải thờ con cháu ông nội.

Bản sao sắc phong của Vua Lê Dụ Tông Bảo Thái nhị niên (1721),
và Vua Lê Hiển Tông Cảnh hưng thất niên cửu nguyệt thập tam nhật (1746)
Phong cho Cụ Võ Tá Miện (Thao Quận Công)


Bản sao sắc Vua Lê Dục Tông - Bảo Thái lục niên (1725)
Phong cho Cụ Võ Tá Miện (Thao Quận Công)

Bản sao sắc Vua Lê Ý Tông -
Vĩnh Hữu lục niên tam nguyệt thập lục nhật (1740)
Phong cho Cụ Võ Tá Cơ (Vương Cơ Hầu)


Cụ Võ Tá Sính- Ông Nội
Năm 1926, Cụ Võ Tá Sính (Con trưởng Cụ Phong) Làm thêm phần hiên và lợp mái bằng ngói Tây (ngói Marseille của Pháp), hiện ngói vẫn còn sử dụng.                    
Năm 1978, mái hiên hỏng, được sửa lại.
Năm 1993, nền nhà được tôn cao thêm 0,5m để khắc phục ngập lụt.
Năm 2007, con cháu nội ngoại đóng góp tiền của, công sức tu tạo nhà thờ. Tầng trệt là nơi tiếp khách và ghi truyền thống; tầng trên là nhà thờ cũ.

Nơi hóa vàng, tiễn mã.


Hiên nhà thờ, trống chiêng xưa.



Ngói xưa, tầu bẩy, hồn tiên cổ


Thềm cũ nhà xưa, đạo lễ trung.







6 nhận xét:

  1. Họ Võ Tá ở làng Hà Hoàng (Thạch Hạ - TP Hà Tĩnh ngày nay) tính từ cụ khởi tổ Võ Kỹ đến nay lập nghiệp trên đất Thạch Hà đã 22 đời. Với 500 năm tồn tại, phát triển, họ Võ Tá Hà Hoàng đã để lại những dấu ấn đặc sắc trong lịch sử dân tộc giai đoạn thế kỷ 17, 18. Trong vòng 60 năm, triều Hậu Lê mở 19 khoa thi Tạo sỹ (tiến sỹ võ) thì họ Võ Tá Hà Hoàng có 15/122 người đậu. Ngoài ra, với những đóng góp to lớn trong việc giữ nước, 18 trong 36 võ tướng có sự nghiệp của dòng họ được vua phong là quận công. Với những danh tướng tài năng đó, họ Võ Tá Hà Hoàng được coi là “Thạch Hà thế tướng” (Nghệ An ký – Bùi Dương Lịch) lừng lẫy suốt 180 năm triều Hậu Lê.

    Nói về dòng họ này, dân gian còn có câu: Thập ngũ tạo sĩ, thập bát quận công, cung kiếm gia thanh quang giám sách/ Đồng triều phụ tử, đồng khoa huynh đệ, thi thư thế nghiệp thọ sơn hà (Tạm dịch: Mười lăm tiến sĩ võ, mười tám quận công, nghiệp cung kiếm rạng sử sách/ Cha con cùng triều, anh em cùng khoa, văn chương sự nghiệp mãi với non sông).

    Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký khi nhắc đến những võ quan có tên trong sử sách đã liệt kê tới 5 vị của dòng họ Võ Tá Hà Hoàng là: Võ Tá Liễn, Võ Tá Sắt, Võ Tá Quán, Võ Tá Đoan, Võ Tá Lý. Trong đó, Võ Tá Liễn là người đỗ Tạo sỹ đầu tiên, là vị tướng văn võ song toàn, đánh đâu thắng đó. Võ Tá Sắt là người mưu lược, nổi tiếng gan góc, chỉ huy tài giỏi, được vua giao làm tướng đánh thắng nhiều trận lớn… Những chiến công của các vị quan này đều rất hiển hách và có ý nghĩa lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Họ cũng trở thành những tấm gương tiêu biểu cho đời đời con cháu muôn sau về tinh thần yêu nước, về ý chí rèn luyện, chiến đấu với giặc thù, về ý thức gìn giữ đất nước…

    Để tưởng nhớ công lao của các bậc tổ tiên, năm 1909, con cháu dòng họ Võ Tá Hà Hoàng đã xây miếu Quan Quận để thờ cúng Thái phó Khiêm quận công Võ Tá Liễn và các vị quận công. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miếu bị tàn phá nên con cháu làm thủ tục chuyển về thờ trong nhà thờ đại tôn của dòng họ. Thể theo nguyện vọng của con cháu và chính quyền địa phương, năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho phép thực hiện khôi phục miếu Quan Quận và năm 2012, UBND tỉnh cũng đã trao bằng chứng nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho nhà thờ và miếu Quan Quận. Công trình nhà thờ và miếu Quan Quận của họ Võ Tá Hà Hoàng là nơi ghi nhớ công lao của tiền nhân, đồng thời, nhắc nhở con cháu về ý thức gìn giữ Tổ quốc mà các vua Hùng cùng nhiều thế hệ đã dày công gây dựng.

    Trong giai đoạn lịch sử dưới triều Lê và Tây Sơn, ở Hà Tĩnh, dân gian còn truyền khẩu câu “Trảo Nha chi Ngô, Thạch Hà chi Võ”, ấy là để chỉ 2 dòng họ võ tướng nổi tiếng ở 2 vùng đất. Họ Ngô ở Trảo Nha thuộc dòng Ngô Lợi (đời 21) là dòng dõi của Ngô Quyền. Sau đời Hùng vương thứ XVIII, đất nước chìm trong cảnh Bắc thuộc, cho đến năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã quyết định việc dựng nền độc lập tự chủ thống nhất. Thế kỷ XV, một trong 6 người con “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế là Ngô Lợi (tức Ngô Nước) đã an cư tại Thạch Trị (Thạch Hà), sau đó, chuyển ra Trảo Nha (thôn Phúc Sơn, thị trấn Nghèn, Can Lộc ngày nay) và khai sinh ra dòng họ Ngô trứ danh ở đây.

    Trả lờiXóa
  2. Như được di truyền từ Ngô vương dựng nước, các thế hệ con cháu họ Ngô ở Trảo Nha đều sớm tỏ lòng yêu nước và dùi mài võ công để sớm ra giúp nước. Chính vì vậy, họ Ngô ở Trảo Nha sớm nổi tiếng là cự tộc võ thần dưới thời Lê Trung Hưng. Từ đó cho tới thời kỳ Tây Sơn, họ Ngô có tới 18 quận công, 36 hầu tước, 4 người đỗ Tạo sỹ và nhiều người đỗ tam trường võ. Trong đó, nổi tiếng nhất là Ngô Phúc Vạn (1577-1652) - người văn võ toàn tài, thông hiểu binh thư trận pháp, thiên văn, địa lý, toán học. Ông là một trọng thần, một danh tướng của triều đình Lê - Trịnh, phía Bắc diệt Mạc bắt được Mạc Kính Cung, phía Nam chống Nguyễn giữ yên bờ cõi, bảo vệ chính đường, khẩn hoang ruộng đất, đưa lại lợi ích cho trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của nước ta từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII.

    Ông cũng là người đầu tiên mở con đường thiên lý từ Thượng Huề (Vượng Lộc - Can Lộc) đến phủ Kỳ Hoa (Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Ngô Phúc Vạn làm quan đến chức Phó tướng Trung nhuệ Quân doanh, tước Thái Bảo, sắc phong là Tào Quận công, lúc về trí sĩ lập am Phúc Quy ở xã Thái Hà (xã Quang Lộc - Can Lộc ngày nay). Khi mất, ông được nhân dân lập đền thờ tại quê nhà. Đền thờ và mộ Tào Quận công được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1992.

    Cùng với những dòng họ văn hóa nổi tiếng, các dòng họ võ tướng trứ danh của Hà Tĩnh đã đóng góp cho đất nước rất nhiều anh hùng hào kiệt. Trong thời kỳ nào, họ cũng ghi danh thật rạng rỡ vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tinh thần thượng võ ấy mãi mãi là bài học lịch sử quý báu cho con cháu noi theo.

    PHONG LINH

    Trả lờiXóa
  3. 16 Tiến sĩ Võ (Tạo sĩ ) họ Võ Tá người làng Hà Hoàng
    30 Tháng 9, 2013 lúc 11:33
    Từ Đường họ Võ Tá tộc Đại Tông, nơi có 9 quận công, 27 tước hầu, 16 Tạo sĩ, (tức tiến sĩ võ nghệ xưa) đều là danh tướng dòng Võ Tá ở làng Hà Hoàng, Thạch Hà, Hà Tĩnh được tôn xưng là “Thạch Hà Thế Tướng” lẫy lừng 5 - 6 thế hệ suốt 180 năm thời Hậu Lê.





    16 TIẾN SĨ VÕ LÀNG HÀ HOÀNG:

    1. Võ Tá Trung : Bá Quận Công, con Thể Quận Công.
    Khoa Tân Hợi 1731.

    2. Võ Tá Liễn : Khiêm Quận Công, con Bàn Quận Công.
    Khoa Tân Hợi 1731.

    3. Võ Tá Tốn : Thác Quận Công, em Bàn Quận Công.
    Khoa Quý Sửu 1733.

    4. Võ Tá Tín : Bân Vũ Hầu , Cháu hà Quận Công.
    Khoa Bính Thình 1736

    5. Võ Tá Thụy : Cảnh Vũ Hầu, con Thể Quận Công.
    Khoa Kỷ Mùi 1739.

    6. Võ Tá Cơ : Vưỡng Cơ Hầu, con Thao Quận Công.
    Khoa Kỷ Mùi 1739.

    7. Võ Tá Kiên : Kiên Kim Hầu, con Thao Quận Công.
    Khoa Giám Tuất 1754.

    8. Võ Tá Nhạc : Thạc Trung Bá, con Nghiêm Trung Hầu
    Khoa Đinh Sửu 1757.

    9. Võ Tá Bật : Bật Đình Hầu, con Thao Quận Công
    Khoa Quý Mùi 1763.

    10. Võ Tá Thì : Phú Xuyên Hầu, con Thao Quận Công.
    Khoa Bính Tuất 1766

    11. Võ Tá Lễ : Lê Vũ Hầu, con Bá Quận Công
    Khoa Nhâm Thìn 1772

    12. Võ Tá Dao : Côn Lĩnh Hầu, con Cảnh Võ Hầu
    Khoa Nhâm Thìn 1772

    13. Võ Tá Dữ : Hoàng Xuyên hầu, con Vưỡn Cơ Hầu.
    Khoa Nhâm Thìn 1772

    14. Võ Tá Siên : Nghệ Lĩnh Hầu, Chắc Nam Quận Công.
    Khoa Tân Sửu 1781

    15. Võ Tá Viêm : (Niêm) Giới Thạch Bá?
    Khoa Tân Sửu 1781

    16. Võ Tá Diệp : (Thấy Chép Ở Nghệ An Ký)
    Khoa Tân Sửu 1781




    * Trong vòng 60 năm, triều Hậu Lê mở 19 khoa thi Tạo sĩ, đậu được 122 người, trong đó họ Vũ (Võ) 20 người. Nhưng riêng họ Vũ Tá ở Hà Hoàng, Thạch Hà 16 người.
    (Võ Văn Xứng ghi theo “Tộc Phả họ Võ Tá” – Hà Tĩnh)

    * Họ Võ Tá cùng một số họ khác ở xứ Nghệ, xứ Thanh như: Nguyễn Đình (ở Thanh Chương), Ngô Phúc (ở Can Lộc), Phạm Phúc (ở Thanh Hóa), Văn Đình (ở Hương Sơn)...là những dòng họ sáng lập nên phái võ Nhất Nam.

    Trả lờiXóa
  4. Những danh tướng họ Võ
    TPHT - Theo tộc phả họ (Võ) Việt Nam xuất bản năm 2007, thì họ Võ vào đây từ rất sớm, từ rất sớm, khoảng thế kỷ XIV. Họ này phát đạt chủ yếu về võ nghiệp, riêng triều đại Lê - Trịnh trong Họ đã có 18 người được phong tước quận công, 17 vị đậu tạo sỹ. Do vậy, truyền ngôn trong dân gian có câu: "Thập thất tạo sỹ, thập bát quận công, cung kiến gia thanh, quang gian sách. Đồng triều phụ tử, đồng khoa huynh đệ, thi thư thế nghiệp, thọ sơn hà".

    Công lao bảo vệ đất nước được ghi chép đầy đủ trong Hoàng Lê Nhất Thống chí, Đại Việt sử ký lục biên. Đại Việt sử ký lục biên chép: "đời Lê ý Tông - năm Vĩnh Hiệu thứ 6 (1740) giặc xâm phạm Đông Yên (tên huyện thuộc Khoái Châu, Hưng Yên, sách không viết thuộc nhóm khởi nghĩa nào), Triều đình sai đốc trấn Võ Tá Liễn đem quân đánh dẹp. Chính tây đại tướng quân thể quận công Võ Tá Lý đánh thắng giặc Tế, giặc Bồng, được vua ban cho thể quận công, cờ gươm, áo mũ, ấn tín và sắc dụ nêu thưởng. Đời Lê Hiển Tông thứ 3 (1742) lấy Hoàng Công Kỳ thống lĩnh quân bộ xứ Hải Dương và Trần Cảnh thống lĩnh quân thủy cùng với đốc lĩnh Võ Tá Liễn đánh giặc Nguyễn Hữu Cầu. Tá Lý, Tá Liễn, Tá Sắt, Tá Đoan đều là dòng dõi của Tá Hán (Hà Quận Công) là những người cầm quân đánh bại bọn giặc để bảo vệ vua Lê, chúa. Võ Tá Sắt là người mưu lược, nổi tiếng gan góc, chỉ huy tài giỏi được nhà vua giao làm tướng chỉ huy đánh thắng nhiều trận, khi xông trận bị trúng tên lòi con ngươi, ông móc lấy nuốt chửng và thúc quân đánh tiếp, khi tử trận được nhà vua ban tặng “Đặc tiến phụ quốc tướng quân. Võ Tá Liễn văn võ kiêm toàn được phong là Thái phó và là hậu thần của bản xã, ông là người đậu tạo sỹ đầu tiên lúc mới 21 tuổi, là một sanh tướng tài ba, lỗi lạc đánh đâu thắng đó. Khi ông tử trận, trong điếu văn nhà Vua viết “ Cung Duy Tôn thần nhị ngũ từ tinh giang sơn dục tú, Dương thời thuận nghiệp, Chung cổ Anh Linh”, “Phong thần trắc dỹ, văn võ toàn tài. Ông được dựng miếu thờ (miếu Quan quận) và có từ đường tại xã Hà Hoàng cùng với Nham quận công, Bàn quận Công, Đốc quận Công, Khiêm Quận Công do bản xứ thờ cúng. Văn Bia miếu thờ của ông có đề : “Hồng Lam tú khí, địa xuất tài hoa, bào hốt danh gia, thế sinh lương tướng, Kinh duy ngũ thái phó khiêm quận công”, dịch nghĩa “ Khí linh tú Hồng Lam sơn thuỷ, tướng thần sinh chí tráng kỳ tài. Công lao lân các vân đài, tiếng thơm dành để muôn đời về sau, đức khiêm quận quan hầu linh trụ, chí hiên ngang khí vũ hơn người, giỏi nghề từ phú gồm tài lược thao, khao tạo sỹ đỗ triều Vĩnh Hựu, Mệnh Khâm sai trấn thủ hai thành, đuổi giặc Tế, phá giặc Canh, giải vây ngạnh cát, đánh thành Đông An”. Võ Tá Hán là người võ nghệ cao cương cầm quân khiển tướng giỏi lập nhiều chiến công, được vua Lê phong tước quận công, lĩnh chức chánh Đề lĩnh tử hơn 10 năm. Trong chiếu chỉ vua phong “Đặc tấn phụ quốc, thượng tướng quân thân võ tự vệ”, “Phụng sau tư thành quân vụ sự đô đốc Hà Quận Công.

    Từ năm Bảo Thái thứ 4 (1733) nhà Vua thay đổi quy chế nội dung thi tuyển người tài, có quy định người nào đậu cả ba lần thi thì đậu tạo sỹ (tiến sỹ võ). Các con của Võ Tá Mân là Tá Cơ, Tá Kiên, Tá Bật, Tá Thìn, Tá Mỹ, Tá Lễ, Tá Đồng, Tá Chuân, Tá Nghị đều đỗ tạo sỹ. Họ Võ Tá ở Hà Hoàng là một trong những dòng họ lớn, dưới triều vua Lê - Chúa Trịnh là dòng họ có nhiều người là Công thần, quận tước có nhiều công trạng trong bảo vệ đất nước, trung thành với triều đình. Có 3 người được phong công thần (Tá Lý Công Thần văn Mỹ hầu, Võ Tá Phúc Tán trị công thần Hùng chư hầu, Võ Tá Lý Dương võ Công thần thể quận công. Những người được phong tước quận công như Võ Tá Hán Hà quận công, Võ Tá Lý Thể quận công (vừa là công thần), Võ Tá Miện Thao quận công, Võ Tá Sắt Sắt Quận công. Võ Tá Liễn Khiêm Quận công, Võ Tá Tốn Đốc Quận công. Ngoài ra còn có 7 người làm đốc trấn, 2 người quyền Phủ sự, 3 người là Dự lưỡng chế bộ sự (tham dự công việc của sáu bộ cả bên phủ vua Lê, phủ Chúa Trịnh).

    Trả lờiXóa
  5. https://text.123doc.org/document/3388273-lich-su-van-hoa-dong-ho-vo-ta-huyen-thach-ha-tinh-ha-tinh-tu-the-ki-xvi-den-nam-2013.htm

    Trả lờiXóa
  6. Xin cám ơn tác giả. Bà nội tôi là người Thịnh Xá và họ Võ Tá, con gái út Cụ Võ Thiện.

    Trả lờiXóa