Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Tây Tạng giọt hoa trong nắng

Tây Tạng huyền bí
    
Cái lạ trong “Tây Tạng giọt hoa trong nắng” là sự phát hiện tính cách của người Tây Tạng và người đồng bằng miền Tây Nam Bộ có nhiều điều giống nhau. Nghe lạ và cũng khó tin, nhưng Văn Cầm Hải lý giải rất thuyết phục.
   
“... Không có sức mạnh của người mẹ Himalaya làm sao Mê Kông chuyển về Cửu Long 100 triệu tấn phù sa một năm với tốc độ 34.000m3/giây…          

... Tôi nhận ra, ngoài tính cách phóng khoáng, đời sống sinh hoạt của cư dân đầu sông và cuối sông Mê Kông cũng bao phần giống nhau... Điệu hát của người Tây Tạng chon von núi non, chỉ một âm tiết cũng đủ ngân dài mấy núi - Giọng ca tài tử người Nam Bộ lãng du sông nước, vài tiết điệu buồn dâng lên là biển cả thấy mênh mông.
            
... Rồi rượu! Gái trai Tây Tạng ngấm rượu Tsampa từ thuở da thịt chưa rám nắng thì miền Cửu Long, gái trai cũng chẳng nề hà hơi men...”
********* 
TÂY TẠNG - GIỌT HOA TRONG NẮNG
VĂN CẦM HẢI

                   
Yarlung Tsangpo River
Dòng Yarlung Tsangpo Khởi nguyên ở ngôi làng Datogka từ ngọn núi Namjagbarwa cao gần 8000m trên dãy Qomolangma hùng vĩ, lượn chảy qua 2057km núi đồi trùng điệp trước khi hợp lưu về Ấn Độ Dương, lúc ngược dòng lên cao 4500m, khi xoáy sâu gần 5500m, dòng sông Yarlung Tsangpo là vũ điệu hoành tráng nhất mà thiên nhiên ban tặng cho miền đất Tây Tạng hơn 40 triệu năm qua.
        
Cô gái Tộc Tạng chăn cừu
            
Bên dòng sông dài như mái tóc Ngân hà buông xuống mái nhà thế giới ấy, tôi còn gặp một dòng sông khác, tuy mới chảy qua 17 mùa xuân nhưng khó lòng ước đoán chiều kích rộng dài bởi đây là dòng sông tâm linh trong tấm lòng một người con gái xứ Tạng.
Như nàng nói, nàng là hóa thân của nữ đạo sư dòng Togdenmas vốn ẩn cư trong những hang động huyền bí. Vì linh thiêng, người cha lấy tên sông gọi tên nàng. Tôi đã gặp Yarlung Tsangshe, không phải dưới đồi hoa chantai mềm dịu, không phải trên đường phố Lhasa rì rầm lời chuyển kinh, không phải bên thềm điện Potala hùng vĩ, mà trong đêm giá lạnh ở một nhà thổ!
Từng bước chân tê buốt mang thân xác chứa chan những cơn gió khô lạnh khắc nghiệt miền cao nguyên, tôi bước vào nhà thổ trên đường Damra với mong ước được tẩy rửa mọi đớn đau vào thùng gỗ nhả đầy hương hoa hồng cảnh thiên, loại thuốc quí đứng vào hàng thứ tư trong số các biệt dược xứ Tạng.
- Anh tắm khô hay tắm ướt? - Giọng Tứ Xuyên, bà chủ nhà thổ chào tôi.
- Tắm ướt!
Người đàn bà Tứ Xuyên mỉm cười, dắt tôi vào phòng tắm trên căn gác. Một cô gái Tạng chờ sẵn. Những luồng hoa hồng nhạt cùng bụi thuốc màu hoàng thổ tung ra từ mười ngón tay. Phút chốc, thùng nước tỏa ra mùi hương xao xuyến đánh thức từng sợi thần kinh thanh mảnh của tôi tỉnh lại sau những ngày chống chọi quyết liệt với khí hậu cao nguyên. Người con gái Tạng điềm nhiên cởi áo. Tôi hốt hoảng. Trời ơi, cái thân xác rã rời của tôi làm sao chịu đựng nổi, dù là một nụ hôn huyền nhiệm Tarâ!
- Bà chủ nói với tôi rằng anh muốn tắm ướt!- Người con gái rơi xuống mặt tôi vài ba mẫu tự Anh ngữ khi nhìn thấy khuôn mặt tôi ửng lên cảm giác ngây ngô.


Tôi chợt hiểu nụ cười bí ẩn của người đàn bà Tứ Xuyên. Hóa ra tắm khô là tắm cô đơn, còn tắm ướt là phải có kỹ nữ. Điệu tắm này tôi chưa hề gặp ngay cả những ngày lang thang dọc ngang kỹ nữ Amsterdam.
- Tôi muốn gọi tên cô?
- Yarlung! Anh có thể tắm trong dòng sông của thân thể tôi!
- Thu... chitxi! Cảm ơn - Tôi tập tễnh cảm ơn bằng ngôn ngữ Tạng. Tôi sẽ chết đuối dưới đáy sâu 5000m của con sông Yarlung Tsangpo.
Thuchitxi, tôi chỉ xin đứng bên sông!
Một nụ cười hồn nhiên đáp lời tôi. Một mảnh ớt thoáng đỏ kẽ răng. Tôi thoáng rùng mình. Người con gái trước mặt tôi không phải là kỹ nữ chuyên nghiệp! Có lẽ, từ một bữa ăn quê mùa nào đó trong ngôi làng ngoại ô Lhasa, Yarlung đã đến đây.
Tôi nhúng thân mình cùng những ý niệm buồn bã vào nước ấm. Và lạ thay, lần đầu tiên, sau những ngày vật vã đớn đau, tôi bỗng nhẹ người như giấc mơ tan vào bọt nước thơm tho. Tuyệt diệu! Hồng cảnh thiên!
Đợi cho mọi tế bào ngấm nước thuốc, tôi bắt đầu mở mắt và hiểu rằng người con gái kia đang chờ đợi điều gì. Tôi nói với Yarlung tôi không muốn mình như mọi du khách, chỉ xin nàng hãy tặng kẻ lạ này vài điệu múa Tạng.
- Múa ư?! Múa ở đâu? 
- Phải! Múa tại đây! Múa những điệu múa em thích.
- Vậy em sẽ múa cho anh xem vũ khúc 18 điệu tình của người Tạng!
Và trên sàn gỗ căn buồng chật hẹp của nhà thổ, tôi bắt đầu nhìn thấy linh hồn nữ thần Tarâ lớn dậy từ đôi chân hồng đỏ của người kỹ nữ Tạng. Yarlung trút bỏ áo khoác ngoài, cánh tay trần để lộ những vết roi còn mưng máu. 
Từ thân thể cô, cũng như những cô gái Tạng khác, nồng bay mùi rượu tsampa. Mùi rượu truyền thống xứ Tạng lên men không gian và rơi xuống thời gian đêm lạnh theo bước chân di ảo. Không theo nhịp 2/4 như vũ khúc Guoxie trong các bản làng Tạng, cả thân hình Yarlung như ngọn lửa lúc réo cháy, lúc ngậm ngùi đam mê, khi hoang hoải ngã xuống huyền bí.
Tôi đã cơ duyên được một vị lama cho phép chiêm ngưỡng điệu vũ do các lama trình diễn trong khuôn viên tu viện Tashilhunpo thành Shigatse, nơi ở vĩnh hằng của các vị panchen lama, dân gian gọi là phật tái sinh. Trên độ cao gần 4.000m, mặt trời sà xuống Shigatse, soi sáng tiếng tù và trầm hùng, ngân nga như biển dâng lên trời xanh tiết điệu nhiệm mầu những bước chân luân chuyển của hàng trăm chiếc áo hồng tía. Emaho!
              
Kỳ diệu thay! Tuyết trắng xanh. Nắng hanh vàng. Núi đượm nâu. Áo hồng tía. Tù và mênh mang cõi trời. Một chấm tôi như hạt điện tử rạng rỡ cảm thức, linh thiêng theo gió lãng du về kiếp trước dĩ vãng, kiếp sau tương lai!
Bây giờ, hạt điện tử hôm ấy lại lần nữa bừng lên cùng điệu múa tình của người con gái Tạng. Không nhạc nền, không âm thanh, nhưng không gian lặng im cùng những cánh hoa dập dìu thùng nước và tiếng vòng xuyến, khuyên đá xào xạc đôi tay đã nôn nao thành một thứ âm thanh vô ngôn, dịu dàng mà buông thả.
Đó là điệu vũ miêu tả cuộc giao hoan diễm lệ diễn ra sau cơn đại hồng thủy giữa Avalokiteshvara và nữ thần Tarâ hóa thân thành khỉ và con quỉ-cái-của-các-núi-đá. Từ cuộc giao hoan của họ đã sinh ra sáu con vật nửa người nửa khỉ. Theo thời gian biến thiên, lông lá rụng theo gió, chiếc đuôi mờ dần và chúng trở thành con người! Từ cánh tay, từ đôi chân, từ những con sóng mê hoặc linh hồn của Yarlung, khúc ca nguyên thủy lần hồi vang về Lhasa...
                 
"Bằng sức mạnh của những nỗi thèm khát, tôi yêu chàng,
tôi cháy lòng về chàng;
bằng sức mạnh của tình yêu ấy, tôi theo đuổi và cầu xin chàng
nếu chúng ta không cùng chung sống, tôi và chàng, tôi sẽ làm vợ những con quỉ đực
vô số quỉ con sẽ sinh ra
và mỗi sáng chúng sẽ nghiến ngấu nghìn lần nghìn sinh vật
còn tôi, khi mà quyền phép của những hành vi tiền kiếp bắt tôi chết
tôi sẽ rơi xuống hỏa ngục của những sinh linh..."
      
Người Tứ Xuyên
Người đàn bà Tứ Xuyên xòe tay đón nhận 100 tệ. Cánh cửa nhà thổ khép lại nhưng tôi lại muốn cùng Yarlung dạo phố đêm cao nguyên. Chúng tôi lang thang qua phố Bát Giác, vốn là một trong ba con đường chuyển kinh truyền thống của người Tạng. Bát Giác là đường “nội quyển”- vòng trong men theo chùa Đại Chiêu có lịch sử 1300 năm do công chúa Văn Thành Đại Đường xây cất trên một hồ nước; hai vòng “trung quyển” và “ngoại quyển” còn lại bao bọc Đại Chiêu tự, Dược Vương sơn, cung Potala... chạy vòng gần một nửa thành phố Lhasa.
          
Gió đêm từ Qomolangma chảy xuống khâu lạnh bước chân chúng tôi. Hồng cảnh tiên và thùng nước ấm đã trôi vào đêm buốt. Tôi bắt đầu cảm nhận vị mặn nhạt của dòng máu từ mũi chảy xuống đôi môi quầng thâm vì lạnh, vì thiếu oxy. Tôi mời Yarlung vào quán trà bơ, thứ trà đặc sản của người Tạng.
Để có một chén trà bơ, người ta đem bánh trà chưng thành một loại nước đặc, lấy ít bơ bỏ vào ống gỗ dài 1m, có đường kính chừng 10cm, cho thêm muối, dùng que khuấy đều làm sao cho trà và nước trộn lẫn. Lấy nước đó đổ vào bình gốm, đun nhẹ để dùng (trên cao nguyên áp suất không khí thấp này, nước chỉ sôi đến 600C).
                
Mỗi ngày người Tạng uống ba đến bốn bát trà bơ. Nếu được mời, không được uống một hơi mà phải nhấp từng ngụm. Mỗi cái nhấp môi của Yarlung đều gợi lên một cử chỉ lạ lẫm với tôi.
- Cha em nấu trà bơ ngon nhất đội âm công!- Bất giác Yarlung ràn rụa nước mắt- Anh biết âm công là ai không? Là những người xẻ xác người đấy!
Tôi gật đầu chia sẻ. Xứ Tạng, mỗi khi có người chết, đội âm công của cha nàng mang xác ra đầu núi. Họ điệu nghệ, từng nhát dao như múa lượn trên thân thể người chết để tìm ra nguyên do vì sao người ta chết. Châu Âu cách đây vài trăm năm chưa được phép mổ tử thi để nghiên cứu nhưng với Tây Tạng, đây là việc làm thường xuyên của hàng ngàn năm nay.
Khi đội âm công mổ xác, một bầy chim kền kền bay đến. Con đầu đàn bước lên và được hưởng quả tim, lần lượt cả đàn được hưởng thụ cho đến mảnh thịt cuối cùng. Rồi đến ngày cha của Yarlung cũng phải ra đi dưới vũ khúc dao cắt của những bè bạn.
Yarlung mồ côi từ một buổi sáng giữa bầy chim mang từng mảnh thịt cha mình hóa kiếp lên trời xanh. Ban ngày Yarlung đi bán hàng dạo trên phố Bát Giác, ban đêm nàng tắm ướt ở nhà thổ. Những vết sẹo tươi máu trên cánh tay Yarlung là hậu quả những trận đòn của bà chủ Tứ Xuyên.
- Tục điểu táng không man rợ như người dưới thế giới suy nghĩ- Yarlung chuyển vào tôi những ý niệm tự do- Khi đi qua đỉnh núi hay vực thẳm ngước nhìn đàn chim bay liệng trên cao, em ngỡ như từng mảnh thịt hóa thân của cha bay lượn khắp bầu trời.
- Tại sao em không đi làm một việc khác?
- Ngay khi em ra đời, ngay sau khi được ném xuống suối lạnh, thầy chiêm tinh đã cho hay số phận em là vậy. Nhưng có hề chi, em là một kiếp nạn của một vị sư nữ tái sinh trong em. Rồi mai đây em cũng sẽ trở thành vũ công trên không gian. Thầy chiêm tinh phán như thế!
                        

Om Mani Padme Hum
(Om, ngọc quý trong hoa sen, Hum)

             
Vũ công trên không gian! Đó chính là hình ảnh của Yeshe Tsogyel. Người đàn bà sinh vào năm 757 sau Công nguyên. Nàng lớn lên và yêu Padma Sambhava hay còn gọi là Liên Hoa Sinh, người khai sáng Phật giáo Mật tông xứ Tạng.
Chính Padma Sambhava dạy nàng Lý nhân quả để làm pháp môn thiền quán. Yeshe đi vào vực sâu núi thẳm, sống một đời mưa nắng, ăn hết hoa cỏ nàng chuyển sang ăn không khí cho đến khi xương trán nhô ra trên đỉnh mày nhưng nàng vẫn nhẫn nại đợi ngày hóa thành phật nữ.
- Yeshe và tinh thần mãnh liệt của người còn cao hơn núi. Huống chi đời em chỉ là một giọt hoa trong nắng. Nhẹ nhàng mà cũng nặng trĩu. Em rồi cũng tan thành nắng, biến thành hoa trên miền đất tràn đầy ánh sáng của những vũ điệu linh thiêng này.
                           
Tam bộ nhất bái
Trong quán trà phố Bát Giác, từ tấm lòng của Yarlung, tôi chợt nhìn thấy ánh sáng của những vì sao thầm thì cùng lời cầu nguyện Om mani padme hum huyền bí vang lên bên chùa Đại Chiêu, vang lên đôi môi thơm ngọt trà bơ...

1 nhận xét:

  1. NGUYỄN QUANG SÁNG
    Mấy năm gần đây, dân ta đi nước ngoài càng ngày càng nhiều, đi hội nghị quốc tế, đi học, đi làm ăn, đi chơi, việc xuất ngoại đã trở nên bình thường. Đi đâu? Đi Mỹ, đi Pháp, đi Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc... Nhà văn Văn Cầm Hải cũng đi, chuyến đi này của anh, anh không đi những nơi tôi kể trên, anh đi Tây Tạng, rất lạ đối với tôi.
    “Tây Tạng giọt hoa trong nắng” của Văn Cầm Hải
    Ảnh: tuoitre.com.vn
    Hơn mười năm trước tôi có đọc một số sách viết về Tây Tạng, Tây Tạng với tôi, có một sức quyến rũ lạ lùng. Vậy là Văn Cầm Hải đã leo đến mái nhà của quả đất, tôi có cảm tưởng, người nào có đủ nghị lực leo lên mái nhà đó, người ấy sẽ được đền đáp xứng đáng, người ấy sẽ thấy cả loài người , thấy cả “người người ngợm ngợm” như Trịnh Công Sơn, thấy cả cõi thực và cõi hư, là một chuyến đi khám phá đời sống tâm linh của con người. Tôi đón nhận “Tây Tạng giọt hoa trong nắng” của Văn Cầm Hải vừa trân trọng vừa thú vị và tôi đọc chuyến “phiêu lưu” của anh trên hai chuyến bay, như đọc giữa trời, theo văn chương của anh, tôi cảm thấy mình đang phiêu diêu nơi cõi Phật. “Tây Tạng giọt hoa trong nắng” không phải hấp dẫn tôi vì những chuyện lạ vì tôi cũng đã đọc đâu đó rồi, mà hấp dẫn tôi qua cái nhìn tinh tế cùng với giọng văn của anh, giọng “hoa”, giọng “nắng”.

    Cái lạ trong “Tây Tạng giọt hoa trong nắng” là sự phát hiện tính cách của người Tây Tạng và người đồng bằng miền Tây Nam Bộ có nhiều điều giống nhau. Nghe lạ và cũng khó tin, nhưng anh lý giải rất thuyết phục.

    “... Không có sức mạnh của người mẹ Himalaya làm sao Mê Kông chuyển về Cửu Long 100 triệu tấn phù sa năm với tốc độ 34.000m3 giây...

    ... Tôi nhận ra, ngoài tính cách phóng khoáng, đời sống sinh hoạt của cư dân đầu sông và cuối sông Mê Kông cũng bao phần giống nhau... Điệu hát của người Tây Tạng chon von núi non, chỉ một âm tiết cũng đủ ngân dài mấy núi - Giọng ca tài tử người Nam Bộ lãng du sông nước, vài tiết điệu buồn dâng lên là biển cả thấy mênh mông.

    ... Rồi rượu! Gái trai Tây Tạng ngấm rượu Tsampa từ thuở da thịt chưa rám nắng thì miền Cửu Long, gái trai cũng chẳng nề hà hơi men...”

    Gặp lại Văn Cầm Hải tôi nói:

    “Sự so sánh tính cách người miền Tây Nam Bộ với người Tây Tạng có nhiều nét giống nhau, tôi thích quá!”

    Văn Cầm Hải nói:

    “Tôi có ý định ngao du miền Tây để viết một tập ký”. Sự hào hứng của Hải lây sang, tôi đưa tay bắt bàn tay cầm bút của Hải và siết chặt. Tôi tin Hải và tôi chờ.

    Ngày 16 tháng 9 năm 2004

    Trả lờiXóa