Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

BÀNG QUYÊN

       TẠ DUY ANH
          Một đời sống chết vì nước Ngụy, ai bảo Bàng Quyên không là một trung thần? Nếu không thế, với binh hùng tướng mạnh trong tay đến ngay cả Tần quốc hổ báo còn phải nhường một bậc, hỏi Ngụy Vương là cái thá gì mà không chém phăng đi để xưng Vương, chỉ còn dưới có trời nữa mà thôi?
   
Ai bảo Bàng Quyên không là một bậc trí? Ngồi trong trướng mà điều binh khiển tướng, kẻ địch bày kế gì biết kế ấy, sấm sét bên tai mặt vẫn điềm nhiên như không, trong bại đã tính được nước thắng, biết bỏ cái nhỏ cầu cái lớn, biết thả con sói để bắt con hổ, trí đến thế thiên hạ liệu được mấy người?
       Uy danh lừng lẫy đến nỗi bọn lân bang vừa nhắc đến tên đã rét run, chưa là bậc dũng hay sao?
          Dùng được hiền tài không thể không là bậc tín? Không vắt chanh ném vỏ, không thể không là bậc tín?
          Biết khoan dung kẻ dưới, lấy xương máu làm trọng, người thiếu nghĩa, không thể làm được.
         Kẻ có trung, có trí, có tín, có nghĩa, có danh... sao vẫn cứ là kẻ tiểu nhân, chết từ nghìn năm nay vẫn không thôi bị đem ra nguyền rủa?
          Bởi vì Bàng Quyên trung mà bất trung. Ông ta chẳng vì nước Ngụy mà vì chính bản thân mình. Kẻ đem Tổ quốc ra đánh cược là kẻ đại nghịch vô đạo.
          Ông ta trí mà bất trí. Tưởng mình biết mà hóa ra chẳng biết gì, biết cái bề ngoài mà không biết cái ẩn trong sâu xa; cái huyền diệu hư hư, thực thực... là kẻ giống như ếch ngồi đáy giếng, thùng rỗng kêu to, u tối lắm thay!
         Làm cho người khác sợ nhưng không khiến họ phục, cướp thiên hạ bằng gian kế tưởng được mà mất hết, bậc dũng thật sự trong kim cổ không làm thế. Đó là cái uy nhất thời của kẻ côn đồ.
          Đã nuốt lời với trời đất phản lại tình huynh đệ thì càng tín với người đời càng lộ chân tướng của kẻ giả dối đại bất tín. Chẳng qua cũng để mị dân mà thôi.
          Kẻ bất trung, bất tín, bất trí, bất dũng làm sao lại có nghĩa được.
          Cuối cùng sử chép: “Bàng Quyên chết bởi nghìn mũi tên” - linh ứng với lời thề cùng Tôn Tẫn. Xét kỹ ông ta chỉ thiếu một chữ “nhân” mà thôi. Người quân tử không thể không là bậc nhân; còn kẻ tiểu nhân, dù có tất cả vẫn không thể có nhân.
          Hơn kém nhau một chữ, kẻ lưu danh thơm thiên cổ, kẻ bia miệng đời đời. Đáng ngẫm lắm.

2 nhận xét:

  1. "Người quân tử không thể không là bậc nhân; còn kẻ tiểu nhân, dù có tất cả vẫn không thể có nhân".

    Bàng Quyên - Tôn Tẫn

    Trả lờiXóa
  2. Nhấm nhá Đông chu liệt quốc, hay thất quốc chí hiểu thêm nhiều lắm!

    Đời thường có câu: Người ta có thể chết vì bọn tiểu nhân, khong ai chết vì bậc quân tử.

    Em hãy ngẫm xem.

    Trả lờiXóa