Non nửa đường đi bằng cáp treo rồi mà phần còn lại vẫn bằn bặt trong thâm u. Những bậc đá cheo leo, dựng đứng ngay trước mũi. Vật vã chừng hai tiếng đồng hồ, gặp một nhà sư đẹp trai thong dong bước xuống.
“A di đà Phật! Đường còn xa không thầy”?
“Gian nan đấy. Mà xem chừng đi như thế thì đến tối chưa chắc tới nơi”. Nhà sư cười, hàm răng trắng tươi. Ơ kìa, người tu hành mà cũng thích đùa nhỉ?
Leo thêm tiếng nữa, dừng lại vuốt mồ hôi, thở. Người bạn cùng đi chỉ tay lên phía sườn núi xa mờ: qua chặng kia là đến! Nhìn theo tay bạn thấy tuyệt vọng. Một cô gái cũng bỏ gậy, ngồi phệt xuống bậc đá. Mặt cô tái mét, vắt không ra giọt mồ hôi: “Thôi. Xuống. Không đi nữa”. Anh bạn trai của cô động viên: “Cố lên tí nữa. Sắp đến rồi”. “Sắp cũng thôi” - đột nhiên cô gái cau mặt, gắt - “Có gì đâu mà đi”?
Không có gì thật. Chỉ có đá và những bụi cây dại. Rừng trúc đã ở lại dưới xa. Ở lại dưới xa “thăm thẳm mây ngàn”. Ở lại dưới xa “véo von con sáo sậu”. Những câu hát nổi tiếng lãng mạn đã tự tắt trong lòng từ lâu. Chùa Đồng, đỉnh núi, tận cùng con đường. Chỉ đá và cỏ. Và gió hoang sàn sạt thổi mòn núi từ bao thế kỷ.
Anh chống gậy, ngửa mặt nhìn trời. Chợt hiểu vì sao bao nhiêu người bỏ cuộc ở lại dưới xa kia.
Cứ đi cứ đi. Đừng nghĩ đến đích. Làm gì có đích.
Đó không chừng là bài học câm lặng vĩ đại của Yên Tử.
TRẦN ĐỨC TIẾN
TRẦN ĐỨC TIẾN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét