Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Hoa dã quỳ.

LỜI NHẮN DÃ QUỲ
         
          Mấy hôm nay đã xoe xoe gió. Nắng rười rượi vàng trên thảo nguyên. Trời cao và xanh chứ không xầm xì ung ủng như trước đó. Ấy là một báo hiệu tốt lành của mùa khô, cái mùa đẹp nhất của cao nguyên.

          Hôm qua một người bạn làm ở một hãng lữ hành gọi điện nhờ xem hộ dã quỳ nở chưa để thiết kế một tour ngắm dã quỳ.
          Thì đây, dã quỳ nở.

          Lâu rồi, dã qùy không còn nhói trong tâm thức mỗi khi chuyển mùa nữa, có lẽ tại đã quá quen, lại hay chứng kiến cảnh quỳ bị phá, bị hắt hủi khi bị lùi mãi về vùng sâu vùng xa, vào các hẻm, các ngõ nhỏ...
 
          Nhưng thực ra trong hoàn cảnh nào, dã quỳ vẫn đẹp đến ngất ngây, đến bàng hoàng tâm thức.

          Hôm qua tôi cùng mấy người bạn ở Buôn Ma Thuột ra Chư Pah, và trên xe chúng tôi nói chuyện về dã quỳ. Ai cũng thừa nhận, dã quỳ đẹp nhất là ở Đà Lạt và Pleiku. Đà Lạt thì không nói làm gì, đấy là đất hoa nổi tiếng, còn Pleiku, tại sao nhỉ?

          Ấy là cái màu vàng đến hết cỡ, vàng như chỉ còn lần này là lần cuối, vàng đến mê dại, đến hết mình. Mười bông như một, tạo thành thảm, thành lớp, thành những vô hồi bất tận, thành những miên man không ngưng nghỉ trên cái nền bazan tạo thành những mảng màu mà những họa sĩ thiên tài cũng phải nghiêng mình thán phục.

          Đấy là những bông to, bụ bẫm, viên mãn, xòe bung những cánh hoa điệu đà trước gió, trước nắng, trước cả những ánh mắt đắm say của du khách. Nó mang vẻ đẹp của rợn ngợp, của miên man, của tầng tầng lớp lớp, của những khối kết dính, mạnh khỏe và vững vàng chứ không mỏng manh cô độc.

          Dã quỳ nơi khác cánh nhỏ hơn, màu vàng cũng thưa vắng hơn, xác xơ hơn, có vẻ như yếu đuối và man mác.

          Có lẽ cái chất của nham thạch triệu năm làm nên Biển Hồ, làm nên Hàm Rồng đã tích, đã tụ, đã lặn vào, đã hóa thân làm nên cái khác lạ của dã quỳ nơi này. Tôi nói và các bạn trên xe đều cho là đúng. Như thế nó không chỉ là hiện thân của cái đẹp, của màu vàng tự nhiên bất tử, mà nó còn vẻ đẹp của sự kết gắn, của sự khỏe khoắn gợi cảm, như một ân vật của tự nhiên trao tặng con người.

          Phàm ở đời, cái gì nhiều thì không quý. Rất nhiều người ở Cao nguyên đã thờ ơ với dã quỳ, cho đến một ngày, mở mắt ra, ơ quỳ đâu mất. Lúc ấy một đốm quỳ, một cô độc quỳ, một thảng hoặc quỳ nhoi lên từ đâu đó trở nên của hiếm.

          Thì nó vốn dĩ là hoang dại, là "của giời", thậm chí là đối tượng cướp đất của con người, cho đến một ngày nào đó, một người nào đó, sớm mai thức dậy, tinh khiết trước bình minh, trước nỗi vô ngôn của đất trời và của chính mình, chợt thảng thốt mà tự thán: Thì ra là quỳ đẹp. Nhưng mà rồi do mưu sinh, do cái tâm lý "của nhà" nên mỗi ngày dã quỳ mỗi thưa vắng, mỗi ngày quỳ mỗi lùi xa, để đến giờ muốn ngắm quỳ, muốn thả mình vào cái màu vàng tưởng như vô ngôn kia ta phải kiếm tìm. Mà quả thật cái thành quả của kiếm tìm bao giờ cũng giá trị hơn những gì tự có.

          Dẫu vậy vẫn ao ước, nếu nhà mình giàu, có điều kiện, sẽ có một cái vườn với hàng rào là dã quỳ. Mùa mưa nó cứ xanh um thế, xanh cũng là một ẩn sắc của đẹp, cũng là một trạng huống của cảm xúc, rồi đến mùa khô, nó bung sắc trải mình ra ngay sát tầm mắt con người, thân thiện và gần gũi mà vẫn giữ được cái vẻ vời xa ẩn dụ. Tôi đã gặp một ngôi nhà như thế ở một ngõ nhỏ nào đó trong thành phố Pleiku. Cái bờ rào đá rất đẹp bày ra các ô trống như những cửa sổ, bên trong ấy là dã quỳ. Những bông quỳ thấp thoảng bên những ô cửa sổ đá ấy khiến khách bộ hành đang đi phía ngoài hàng rào, đang xuống xuống lên lên với cái ngoắt nghéo rất đặc trưng Pleku chợt sững lại. Cái đẹp vừa hun hút vừa kiềm chế, vừa mưng mở tròn đầy vừa khiến bất giác kiễng chân nuối tiếc. Ơ, thế chả là một đặc trưng Pleiku ư?

          Lại cứ ước ao, ở các bùng binh thành phố, người ta thả vào đấy một góc quỳ. Đà Lạt đã chọn dã quỳ làm loài hoa đặc trưng của thành phố mình, họ đầu tư nghiên cứu để có một giống quỳ lùn, có thể trồng trong thành phố. Nó chỉ khác dã quỳ thông thường là nó lùn hơn  để không che khuất tầm mắt người đi đường, để khi đặt ở các bùng binh, các ô cỏ, các công viên trong thành phố, thậm chí là trong chậu, nó hòa hợp với xung quanh mà vẫn giữ cho riêng mình cái màu vàng bất tận như khi nó ngạo nghễ giữa nắng giữa gió giữa thảo nguyên, vẫn bí ẩn cao sang mà lại gần gụi và thân thiện. Chỉ có điều khi ấy cái tên dã quỳ có vẻ không còn nghĩa gốc của nó nữa. Có hề chi, dã quỳ, vẫn cái tên ấy, vang lên như một khắc khoải cao nguyên, vừa kiêu hãnh vừa bình dị, ẩn sâu một cốt cách nửa thản nhiên nửa níu kéo chào mời...

          Và, tôi đã gõ những dòng này trong một tinh sương giữa những rực vàng như thế, chỉ mong chạm được vào, một chút thôi, cái bí ẩn truyền đời của dã quỳ, để ai đó, ở xa, có đọc những dòng này, biết rằng, đời quỳ như ngắn như dài, sắc quỳ như mơ như thực, dáng quỳ như lơi lả như đoan nghiêm, và như một lời nhắn rằng: vẫn còn đó những rạo rực đam mê của cái thuở lần đầu gặp quỳ, thấy quỳ, ngẩn ngơ trước nó để rồi bàng hoàng mê đắm, rằng là qùy hay nắng, gió và cao nguyên này sinh ra những đuôi mắt buồn và mênh mang làm vậy, cứ muốn vẽ lên đấy những mềm mại ngón út, những mê hoặc đôi môi, và cái nỗi nhớ khắc khoải ngày đêm như bắt nguồn từ đấy...
                                                                                                 Pleiku sáng sớm 24/11/2011
                                                                                                                VĂN CÔNG HÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét