Một phần bức tranh Lạc Thần phú đồ - Cố Khải Chi. |
Về
mối u tình của Tào Thực với người chị dâu
Phạm Xuân Hy
A- Lăng Ba Vi Bộ (淩波微步)
Trong tiểu thuyết võ hiệp
«Thiên Long Bát Bộ» của Kim Dung, nhân vật Đoàn Dự có thế võ khinh công tuyệt
kỹ gọi là «Lăng Ba Vi Bộ».
Thật ra, bốn chữ này không phải
do Kim Dung sáng tạo ra, mà ông đã mượn bốn chữ này trong một bài
phú nổi tiếng lãng mạn trữ tình, được các văn học giả Trung Quốc xưng tụng là
bài phú kiệt tác của thời nhà Ngụy đời Tam Quốc, tức là bài “Cảm Chân
Phú” do Trần Tư Vương Tào Thực, một đại văn hào tài hoa phóng khóang viết ra
vào năm 223.
Có nhà phê bình văn học cho
rằng thông qua nữ thần sông Lạc Thủy, tác giả đã sử dụng nhiều mỹ từ, trí tưởng
tượng phong phú, kể lại sự tương ngộ lãng mạng trong mơ của ông với Mật Phi, vị
nữ thần của sông Lạc thủy, từ vóc dáng tiêu sái thóat tục, phẩm hạnh đoan chính
trang nhã, bước đi uyển chuyển nhẹ nhàng, đến chuyện tác giả được nữ thần đem
gối đầu ra tặng, và nỗi lòng tương tư thương nhớ của ông khi hai người
chia tay nhau, mà về sau có người cho đó, chính là hình ảnh của Chân
thị, người chị dâu, vợ Ngụy Văn Đế Tào Phi, mà ông đã đem hết lòng ngưỡng
mộ.
Bài phú này cũng trở thành đề
tài tranh luận lâu đời về mối u tình của ông với Chân Hoàng Hậu.
Ở đây tôi chỉ xin trich
một đọan ngắn, trong bài phú, đó là lời Tào Thực kể lại cho người đánh xe ngựa
của mình, về thể thái, dáng đi, điệu bộ, sắc diện của Nữ Thần Sông Lạc mà ông
đã mơ thấy:
休迅飛鳧,飄忽若神,;淩波微步,羅襪生塵。動無常則,若危 若安。進止難期,若往若。轉眄流精,光潤玉顏。含辭未吐,氣若幽蘭。華容婀娜,令我忘餐
Hưu tấn phi phù, Phiêu hốt như
thần, Lăng ba vi bộ, la mạt sinh trần, động vô thường tắc, nhược
nguy nhược an, tiến chỉ nan kỳ, nhược vãng nhược hoàn, chuyển
miện lưu tinh, quang nhuận ngọc nhan, hàm từ vị thổ, khí như u lan, hoa
dung a na, lịnh ngã vong sán
Tạm dịch:
Nàng (tức nữ thần Lạc thủy) có
vóc dáng nhẹ nhàng như ngỗng trời bay, ẩn hiện vô thường, biến ảo quỷ xuất thần
một. Chân lướt trên sóng, đi những bước nhanh nhẹn nhỏ bé,
tiến về phía ta, làm bụi nước bay lên bám vớ lụa như
những giọt thủy châu.Hành vi, cử chỉ, đều lạ kỳ không chuẩn mực. Tưởng như hấp
tấp, mà hóa ra nhàn nhã. Tiến thoái, động tĩnh đều như không định trước.
Có lúc, ta tưởng nàng như sắp dời xa mà hóa ra lại gần. Rồi
nàng đưa mắt nhìn ta, dung nhan như ngọc nhuận, ôn hòa mà thanh khiết. Miệng
như muốn nói, mà e ấp thẹn thù. Hương thơm như u lan tán phát. Phong thái
yêu kiều khả ái, khiến lòng ta đắm đuối si mê, quên ăn mất ngủ.
Mấy chữ “凌 波 微 步 -
Lăng Ba Vi Bộ”, trong bài phú này đã được Kim Dung mượn để đặt tên cho miếng võ
khinh công trấn môn, tuyệt kỹ của Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ như
trên đã trình bầy.
Thực tế, trong võ thuật, không
hề có thế võ nào mang tên là “Lăng Ba Vi Bộ”. Đây là chữ, là ngôn ngữ,
của Tào Thực. Cũng thế, Đoàn Dự trong «Thiên Long Bát Bộ», cũng chỉ là một nhân
vật “ảo”, của Kim Dung. Nhân vật “thật”, Đoàn Dự, là một hoàng đế của
nước Đại Lý, như đã trình bầy ở trên.
B- Bối cảnh Tào Thực viết «Cảm
Chân Phú»
Chân Lạc |
Các nhà nghiên cứu văn học sử Trung Quốc thường chia tác phẩm văn học của Tào Thực làm hai thời kỳ: tiền kỳ và hậu kỳ.
Vào thời tiền kỳ, Tào Phi với
Tào Thực là những nhân vật chủ yếu tập đoàn văn nhân của Nghiệp Thành, chuyên
du sơn ngọan thủy, làm thơ ngâm vịnh, viết những bài văn, bài phú nói lên cái
lý tưởng chính trị của mình, khai sinh ra những tác phẩm phản ánh những
tình thế động đãng thời cục, những nỗi cực khổ trong đời sống
của nhân dân.
Còn về thời hậu kỳ, chủ
yếu thơ văn của Tào Thực đa số mô tả nỗi bi phẫn, uất ức do ông bị
người anh là Tào Phi tìm cách chèn ép bách hại. Bài «Cảm Chân Phú» là đại biểu
tác phẩm của ông thời kỳ thứ hai này.
Bài «Cảm Chân Phú» được các nhà
phê bình văn học Trung Quốc xưng tụng là một tác phẩm kiệt xuất của Tào
Thực, nếu đem so sánh với bài «Cửu Ca» của Khuất Nguyên thì có thể ngang ngửa.
Bài phú này là bài phú đại biểu cho thời kỳ văn học Kiến An.
Theo bài tự của tác giả trong
sách Văn Tuyển, thì vào năm Hoàng Sơ tam niên, tức năm 222, tác giả từ kinh sư
trở về phong địa, trên đường đậu thuyền nghỉ đêm bên bờ sông Lạc Thủy, đã thông
qua sự tưởng tượng mộng ảo, cấu tứ ly kỳ, lời văn mỹ lệ, viết bài “Cảm Chân
Phú”, mô tả sự tương ngộ của tác giả với nữ thần sông Lạc Thủy là Mật Phi, rồi
hai người yêu nhau, nhưng cuối cùng, vì “thần” và “người” khác biệt nhau, không
thể sống với nhau được, đành phải chia ly đau sót.
“Cảm Chân Phú” tuy chiụ ảnh
hưởng của “Thần Nữ Phú” của Tống Ngọc nhưng về kỹ thuật thì tỷ dụ sinh động,
tiến bộ, đẹp đẽ hơn. Tình tiết như sóng gợi dạt dào, lúc lên lúc xuống. Ngôn
ngữ cấu tứ ly kỳ diễm tuyệt, người đọc xong vẫn còn cảm thấy dư vận lan man bất
tận.
Có thuyết cho rằng Tào Thực
viết “Cảm Chân Phú” là vì thương nhớ nàng Chân thị, người chị dâu, vợ Tào
Phi. Sau đó hơn bốn trăm năm, vào năm Hiển Khánh tam niên, đời Đường Cao Tông,
tức năm 658, Lý Thiện, một văn học gia đời Đường, làm chú giải sách “Văn Tuyển”
có viết như sau:
“Đông A Vương (Tào Thực)
cuối đời nhà Hán muốn lấy con gái Chân Dật (tức Chân thị) nhưng không tọai
nguyện. Khi Tào Tháo hồi binh, đem Chân thị gả cho Ngũ Quan Trung Lang Tướng
Tào Phi, khiến cho Tào Thực hết sức bất bình. Ngày đêm tơ tưởng, đến bỏ cả ăn
ngủ.
Sau khi Chân thị chết được hai
năm, đến năm Hoàng Sơ tứ niên, tức năm 223, Tào Thực đến Lạc Dương để
triều kiến Ngụy Văn Đế Tào Phi. Phi có lẽ như hối hận, sai con là Thái Tử là
Tào Duệ, người con do Chân thị sinh ra, mở tiệc và bồi tiếp Tào Thực. Tào Thực
nhìn thấy cháu, tưởng nhớ đến Chân Thị, lòng đau sót miên man. Bất giác rơi lệ.
Sau bữa ăn, Tào Thực được Tào
Phi ban cho di vật của Chân thị. Đó là một chiếc gối đầu có dát ngọc và đai
bằng vàng. Tào Thực mang chiếc gối đầu của người Chân Thị trở về phong địa của
mình.Trên đường về, Thực đậu thuyền bên bờ sông Lạc Thủy. Nhân vì lòng quá bi
thống thương nhớ Chân thị, lại thêm đường trường lao lụy mệt mỏi, thần trí mông
lung hoảng hốt, đứng ngồi không yên, Tào Thực bỗng mơ màng cảm thấy bóng Chân
thị yểu điệu thướt tha từ xa lướt gió xuất hiện, nói: “Lòng thiếp vốn phó thác
cho chàng, mà không được tọai nguyện. Chiếc gối đầu này là của thiếp mang theo
khi lấy Ngũ Quan Trung Lang Tướng (chức của Tào Phi khi chưa cướp ngôi nhà Hán),
nay xin hiến tặng chàng”. Sau đó nàng sai người đem châu báu tặng cho Thực. Thực
cũng đem ngọc bội tặng lại. Rồi cùng nhau hoan lạc. Cả hai vừa xót xa vừa bi
thống. Xong thì biến đi.
Lúc Tào Thực hoảng hốt tình
dậy. Té ra chỉ là một giấc Nam Kha. Khi về đến phong địa của mình ở Chân Thành,
hình ảnh tao ngộ trong mộng với Chân thị bên bờ sông Lạc Thủy vẫn còn làm
cảm kích, tâm hồn, đầu óc TàoThực, lại thêm văn tứ dồi dào, nhân thế, Tào Thực
mới viết «Cảm Chân Phú 感 甄 賦».
Về sau, Ngụy Minh Đế Tào Duệ,
con của Chân Thị, lên nối nghiệp Tào Phi, tránh tiếng cho mẹ, mới đổi «Cảm
Chân Phú» thành «Lạc Thần Phú 洛 神 賦».
Từ bài viết của Lý Thiện, người
đời sau mới đặt thành nghi vấn Tào Thực vì quá yêu Chân Thị mà viết «Lạc Thần
Phú».
C- Phải chăng vì yêu người chị dâu
mà Tào Thực viết «Lạc Thần Phú» ?
Lạc Thần phú đồ (洛神赋图), vẽ lại Lạc Thần |
Sau khi bài Lạc Thần Phú ra đời khỏang 300 năm, đến đời nhà Lương, con của Lương Võ Đế, là Thái Tử Tiêu Thống, cùng với các văn nhân đương thời sọan một tuyển tập thi văn đầu tiên của Trung Quốc, đem bài Cảm Chân Phú của Tào Thực, xếp vào hạng «tình lọai». Rồi mãi đến thời nhà Đường, Lý Thiện, như đã thuật ở trên, viết chú dẫn về «Văn Tuyển», thuật lại Tào Thực có ý muốn lấy Chân Thị, không thành, đến nỗi bỏ ăn mất ngủ. Rồi sau, Tào Phi lại đem gối đầu của Chân Thị ban cho Tào Thực.
Như vậy, có thật Tào Thực vì
yêu người chị dâu họ Chân của mình mà viết “Cảm Chân Phú” không ?
Câu hỏi này đã trở thành một đề
tài tranh luận kéo dài cả ngàn năm nay, vẫn chưa có câu trả lời dứt khóat.
Trên diễn đàn văn học Trung
Quốc, có hai quan điểm chống đối lẫn nhau.
– Những lý luận phủ
nhận Tào Thực yêu Chân Hậu
Chân thị là vợ Tào Phi, mà Tào
Thực là em của Tào Phi. Em mà dám ngang nhiên yêu chị dâu mình, cho dù yêu lén,
đứng về mặt đạo lý «anh em», đó là điều bất nghĩa. Đứng về mặt quân thần, đó là
điều «bất trung», một tội mà cổ nhân thường gọi là «đại nghịch bất đạo». Dựa
trên lý luận như thế, các nhà nho xưa, nổi tiếng trên diễn đàn văn học đã đua
nhau đứng lên phản bác, đả kích.
Đại khái, những lập luận của
phe phản đối có thể tóm vào những điểm sau đây:
1- Bản chú thích «Văn Tuyển»
của Lý Thiện, không có lời chú dẫn như trên đây, mà do Vưu Mậu, người đời
Tống nhầm lẫn khi san đính lại.
2- Không thể nào có khả
năng xẩy ra việc Tào Thực yêu chị dâu mình được. Tào Thực phải lo giữ «thủ
cấp» của mình, không thể có đủ can đảm dám viết một cách bộc bạch rõ ràng
nối «Cảm Nhớ Chân Hậu», vì khi đó Tào Thực đang bị Tào Phi ép bức, nhân có sự
tranh chấp về quyền hành chính trị và quyền nối ngôi báu.
3- Làm em mà muốn chiếm vợ của
anh mình, đó là hành vi ô nhục của cầm thú. Vả, kẻ làm anh (Tào Phi) lẽ nào an
nhiên để cho em làm bôi nhọ vợ mình sao? Rồi kẻ làm con (Tào Duệ Ngụy Minh Đế),
lẽ nào lại an nhiên chịu để cho người chú ruột làm mất danh dự của mẹ mình sao?
Nên Tào Duệ đã đổi tên bài phú từ “Cảm Chân Phú” thành “Lạc Thần Phú”! Vả lại
chữ Chân còn có nghĩa là Chân Thành, phong địa của Tào Thực.
4- Khi làm chú giải «Văn Tuyển»,
Lý Thiện thụật lại rằng Tào Phi đem chiếc gối đầu của Chân thị đưa cho Tào Thực
coi, rồi đem gối đó ban cho Tào Thực, đó chẳng qua chỉ là một sự bịa đặt, không
hợp lý, cho dù «lão lý đình dù» cũng chẳng làm, huống hồ là một bậc văn
nhã vương hầu như Tào Thực .
5- Tào Thực sinh năm
192 CN; còn Chân thị sinh năm 182 CN, luận về tuổi tác thì Tào Thực ít hơn
Chân Thị 10 tuổi, khó có khả năng Tào Thực, lúc 12 tuổi cầu xin cha mình là Tào
Tháo, cưới một người thiếu phụ đã 20 tuổi, đã có chồng (tức Viên Hy), để làm
vợ.
Do Lạc Thần Phú là một bài phú
hay, có nhiều ảnh hưởng trên văn đàn, thêm vào đó là sự cảm động về bi kịch
luyến ái của Chân Thị và Tào Thực, nên người đời truyền tụng bảo nhau, và nhất
định coi là nữ thần Lạc Thủy là Chân Thị.
- Những lý luận đồng tình cho
Tào Thực viết “Lạc Thần Phú” là vì yêu Chân Hậu
Năm 204, sau khi Tào Tháo phá
vỡ Nghiệp Thành, Tào Phi lấy được Chân thị, Tào Tháo chẳng những không được
nghỉ ngơi, mà còn vất vả hơn vì phải lo sửa sọan chiến tranh, chinh phục miền
nam. Tự nhiên, Tào Phi ở địa vị là con trưởng cũng vì thế, luôn thường phải xa
nhà, đi ra chiến trường. Vì thế, Chân thị trở thành phòng không lạnh giá.
Trái lại, Tào Thực còn ít tuổi,
bản tính lại không thích chiến tranh giết chóc. Vì được ở nhà, Tào Thực thường
có cơ hội ở bên người chị dâu Chân Thị, tình cảm dần dần sinh sôi nẩy nở. Lúc đó
Chân thị mới có 20 tuổi. Tào Thực mới lên mười. Rồi thời gian trôi đi,
Tào Thực cũng trưởng đại dần, dù có đem lòng yêu người chị dâu có nhan sắc
“phong hoa tuyệt đại”, biến nàng thành nữ thần trong tâm hồn của mình, là
một điều rất có khả năng xẩy ra.
Tài tử giai nhân, từ ngàn xưa
muôn đời vốn là hay duyên nợ. Vả lại, người đời thường có câu nói: “Yêu
nhau ai tính tuổi bao giờ”. Ngòai ra, đứng về mặt ái tình tâm lý, chẳng có gì
để quả quyết khẳng định rằng vì cách biệt tuổi tác thì không thể yêu nhau được.
Bằng cớ, ngay Tào Phi cũng kém Chân Hậu năm tuổi, mà vẫn lấy Chân Hậu làm
vợ.
Và nhà thơ Hoàng Cầm, ông đã
chẳng từng kể lại rằng lúc chỉ mới 12 tuổi, ông đã phải lòng, yêu một cô láng
giềng xinh đẹp lớn hơn mình 8 tuổi. Rồi vất vả ngược xuôi. Từ đồng chiều cuống
dạ. Đến nắng vãn bên sông. Ông cố đi tìm một thứ lá gọi là “Lá Diêu Bông”,
không biết là lá gì, để mong được làm chồng người chị hàng xóm xinh đẹp đó.
Nhưng khi tìm được lá rồi, thì người chị hàng xóm đã đi lấy chồng. Ông tiếc
công mình, chỉ biết buông tiếng thở dài não nuột:
“Diêu Bông hời ! Ới Diêu
Bông! »
Và, bài thơ “Lá Diêu Bông” được
ra đời năm 1959, trở thành một bài thơ được nhiều người yêu thích ngâm
ngợi, và được nhiều nhạc sĩ phổ thành những bản nhạc trữ tình, thật đẹp.
Nhưng nhắc đến Lạc Thần Phú,
tất nhiên không thể không nhắc đến «chủ nhân công», những nhân vật chính,
của bài phú này: Chân Hậu, và Tào Thực.
D- Sơ lược về Chân Hậu (甄 后)
Chân thị hay Chân Hoàng Hậu, vợ
Ngụy Văn Đế Tào Phi, không rõ tên, sinh năm Quang Hòa ngũ niên đời Hán Linh Đế,
tức năm 182, mất năm 221, người Vô Cực Trung Sơn, (nay thuộc huyện Vô Cực tỉnh
Hà Bắc), là con gái của Thượng Sái Lệnh là Chân Dật, mẹ là Trương thị. Theo kể
lại, khi Trương thị lâm bồn, thấy một ông tiên vào trong phòng, lấy ngọc y đắp
lên người bà, ít lâu sau sinh ra Chân thị.
Lúc Chân thị lên 3 tuổi thì cha
qua đời, có viên thầy tướng là Lưu Lương xem tướng Chân thị nói: «Đứa con gái
tướng quý không thể nói hết được». Chân thị từ bé đến lớn, tính tình rất là
điềm đạm trầm tĩnh. Lúc Chân thị lên tám tuổi, ngoài cửa có biểu diễn trò mã
hí. Mọi người trong nhà cùng tất cả các chị em đều kéo nhau lên lầu để xem, duy
có một mình Chân thị không đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi, thì Chân thị trả
lời:
- Trò đùa đó, há lại để cho đàn
phụ nữ coi hay sao?
Lên chín tuổi, Chân thị học
đọc, học viết, nên mượn bút của người anh để dùng. Người anh mới hỏi:
- Em đàn bà nhi nữ thì nên học
nữ công, chứ học chữ để làm gì? Không lễ để ra làm nữ quan hay sao?
Chân thị đáp:
- Cổ xưa có bậc hiền giả nào
không lấy những thất bại và thành công của tiền nhân để kiểm nghiệm mình, nếu
không biết đọc sách thì làm sao mà biết được.
Bấy giờ, gặp lúc thiên hạ đại
loạn,thêm liên tiếp nhiều năm mất mùa đói kém. Ai ai cũng đem kim ngân, châu
bảo, báu vật để đổi lấy thức ăn. Chân thị bảo với mẹ:
- Lúc này lọan lạc, sao mẹ
không đem ngọc ngà bảo vật ra bán đi. Giữ lại trong nhà sẽ mang họa đấy. Kẻ vô
tội, nhưng đeo ngọc ngà mà trở thành có tội. Lại thêm hàng xóm họ hàng đều đói
kém cả, chi bằng đem thóc ra mà phát chẩn cho họ, mà lấy chút ân huệ.
Cả nhà nghe Chân thị nói thế
đều khen là hiền thục. Đến tuổi cập kê, Chân thị lấy con giai Viên Thiệu là
Viên Hy. Viên Hy tuy thuộc lọai quý công tử, nhưng chắc không phải là kẻ biết «thương
hoa tiếc ngọc», nên Chân thị có tả một bài thơ thuộc loại «Khuê oán», kể cuộc
sống buồn chán của mình, trong bài «Đường Thượng Hành».
Bấy giờ Viên Thiệu chiếm cứ bốn
châu là Ký, Tinh, U , Thanh, binh lực rất là hùng hậu, oai trấn tứ hải. Nhưng
năm 200 CN, xẩy ra trận chiến Quan Độ, Viên Thiệu bị Tào Tháo đánh cho cho đại
bại thê thảm. Sau Viên Thiệu bị xấu hổ, uất ức sinh bệnh mà chết.
Hai người con của Thiệu là Viên
Thượng và Viên Đàm tranh quyền kế vị, đem binh đánh lẫn nhau, làm tiêu hao thế
lực của Viên Thiệu còn lại. Tào Tháo thừa cơ tấn công Lê Dương. Viên Đàm,
Viên Thượng chống đỡ không nổi, bỏ chậy đến Nghiệp Thành. Nhưng hai anh em nhà
họ Viên «thế bất lưỡng lập», tìm đủ cách tiêu diệt lẫn nhau. Sau Viên Đàm phải
chạy sang cầu cứu Tào Tháo. Cuối cùng Tháo tiêu diệt được toàn bộ lực lượng
của Viên Thiệu.
Năm 204, Tào Phi mới có 18
tuổi, cũng theo cha đánh đông dẹp bắc. Sau khi phá vỡ được Nghiệp Thành, Tào
Phi từng ái mộ tiếng Chân thị là người mỹ lệ, xông thẳng vào phủ của họ Viên. Rút
kiếm. Nhẩy xuống ngựa đi tìm. Lúc tiến vào hậu đường, Tào Phi chỉ thấy một phụ
nữ vào tuổi trung niên, ngồi khóc một mình ở đấy. Có một thiếu phụ cũng đang
run rẩy sợ hãi ôm chân mà khóc. Người đàn bà trung niên ấy chính là vợ của Viên
Thiệu, người họ Lưu. Còn người thiếu phụ là con dâu của Viên Thiệu, vợ
Viên Hy, chính là Chân thị, bị Viên Hy bỏ lại khi vội vã đem đám tàn binh bại
tướng chạy đến Liêu Tây.
Chân thị tuy mặt mũi đẫm lệ,
son phấn nhạt nhòa nguệch ngọac, nhưng trông vẫn xinh đẹp chẳng khác gì như
“phù dung xuất thuỷ”, «liên hoa đặm sương», dánh dấp e lệ hãi hùng, càng làm
cho vẻ đẹp diễm kiều của Chân thị thêm não nuột.
Tào Phi không cầm nổi lòng đám
đuối, bèn tiến lại gần, vén tay áo lau những hạt lệ đang lăn trên gò má của
Chân thị.
Qủa nhiên, thấy Chân thị
bậc tuyệt thế giai nhân, sắc diện như hoa đào, lóng lánh như hoa
hạnh.Tào Phi vội vã tự xưng tên họ của mình, và bảo nàng cứ an lòng.
Vợ Viên Thiệu nghe nói là thế
tử con của Tào Tháo, liền bảo với Chân Thị vái chào. Chân thị e ấp thi lễ, khẽ
đưa mắt kín đáo nhìn Tào Phi, thấy Tào Phi nghi biểu phong lưu anh tuấn, trong
lòng cũng bớt lo lắng. Còn Tào Phi lúc đó cũng ngây người ra, lòng bàng hoàng
mừng rỡ.
Chợt có tiếng người lao xao từ
ngòai bước vào. Té ra Tào Tháo. Tào Tháo cũng từng nghe người ta nói đến
sắc đẹp của Chân thi, nên hỏi ngay đến gia quyến thân thuộc của Viên Thiệu. Tào
Phi bèn vào trong hậu đường dẫn Lưu thị và Chân thị ra. Tào Tháo nhìn thấy Chân
thị qủa là «ngư trầm lạc nhạn, tuyệt thế giai nhân», trong lòng cũng cảm
thấy rung động, bèn hỏi Lưu thị :
- Sao nhà chỉ có hai
người thôi à ?
Lưu thị đáp:
– Các con thiếp đều đã bỏ chạy
cả. Duy còn lại có người con dâu thứ hai này ở lại hầu hạ mà thôi. Nay nhờ thế
tử gia ân bảo toàn, thật là vạn hạnh.
Tào Tháo nhìn sang bên cạnh
thấy Tào Phi hai mắt cứ đăm dăm nhìn Chân Thị, trong lòng thầm hiểu Tào Phi
muốn gì.
Tào Phi bèn vội vã thưa với Tào
Tháo :
– Đời con chẳng mong gì khác,
chỉ xin được người con gái này làm vợ, được như vậy là đủ mãn nguyện rồi. Xin
cha nghĩ cái phận con chưa có gia đình mà thành toàn cho.
Tào Tháo không thể từ chối,
miễn cưỡng đồng ý, liền nhờ mai mối hỏi Chân thị, vợ của Viên Hy, làm vợ cho
Tào Phi, rồi chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn.
Nhất quyết lấy bằng được một
người đã có chồng để làm vợ chứ không phải làm thiếp, lại hơn mình năm tuổi, đủ
cho thấy Tào Phi rất là ái mộ sắc đẹp của Chân thị.
Năm sau, Chân thị sinh ra Tào Duệ, tức Ngụy Minh Đế sau này.
Chân thị có thói quen kết tóc
mỗi ngày một kiều. Tương truyền rằng Chân thị mỗi buổi sáng đều theo tư
thái của một con rắn lục để kết kiểu. Các kiểu tóc của Chân thị được
người gọi là Linh Xà Kết 靈 蛇 髻.
Năm Kiến An nhị thập ngũ niên,
tức năm 220, Tào Tháo qua đời. Tào Phi lên kế vị Ngụy Vương. Cùng năm, Tào Phi
ép Hán Hiến Đế nhường ngôi cho mình, đọat ngôi nhà Hán, chính thức xưng đế, đặt
tên nước là Ngụy, đô ở Lạc Dương, phong Chân Thị là Phu Nhân.
Trong hậu cung, Tào Phi có khá
nhiều nội sủng.Trong đó phải kể đến Quách thị là người được sủng ái nhất, lại
là người nhiều mưu kế, giỏi nịnh nọt, Tào Phi có ý muốn phong làm Hoàng Hậu,
nhưng vì còn có Chân thị là vợ chính thức, nên không phong ngay.
Do Quách thị dèm pha, Chân thị bị thất sủng và bị Tào Phi
lưu ở Nghiệp Thành.
Được một năm sau khi lên ngôi,
năm 221, lúc đó Chân thị sau nhiều năm dài làm vợ Tào Phi, cũng đã phấn nhạt
hoa tàn, hương sắc không còn làm Tào Phi đắm đuối như buổi ban đầu nữa, thì Phi
bắt đầu dở chứng «chán cơm mê phở», sủng ái Quách thị, rồi nhân vì mấy câu thơ
của Chân thị viết để hòai niệm phút «sơ kiến ban đầu lưu luyến ấy», khi
Tào Phi gặp nàng, nay không còn nữa. Nàng tự ví mình bây giờ chỉ như
chiếc quạt hoa, khi gió thu về, bị cất vào kho, không được sử dụng:
人生若只如初见,何事西风悲画扇?
Nhân sinh nhược chỉ sơ kiến, Hà
sự tây phong bi họa phiến ?
Cuộc đời nếu chỉ như gặp nhau
lúc đầu, thì chiếc quạt hoa kia đâu phải chịu cảnh phũ phàng khi gió thu về?
Với lời thơ ví von thương cảm
ấy, Chân thị bị Tào Phi gán cho tội là có lời oán trách, sai sứ giả đến
«tứ tử 賜 死»,
tức ban ân cho cái chết, bắt ép nàng phải tự tử, đúng vào lúc Chân thị 39
tuổi.
Tương truyền rằng, khi chết
Chân thị không có người lo táng liệm. Lại còn bị Tào Phi nhẫn tâm, nhỏ nhen ra
lệnh không cho phép phủ mặt bằng gấm lụa như tập quán thời bấy giờ, mà chỉ cho
phép phủ trên mặt nàng, bằng chính tóc của nàng. Và phải chôn úp sấp, cho không
hưởng được áng dương. Còn miệng thì nhét đầy cám bã, không dùng ngọc ngà châu
báu như nghi thức chôn cất của các bậc quý phi vương hầu thời bấy giờ, vì sợ
nàng tái hồi dương thế. Hoàn toàn trái với những nghi thức trong lễ táng của
người Trung Hoa thời đó, gọi là «phạn hàm 飯含».
Tình lang ơi! Sao nỡ bạc với
nhau đến thế làm gì!
Cái chết của Chân Hậu quả là
một cái chết oan ức, đầy thảm khốc.
Đọa đầy chi bấy hóa công, «hồng
nhan bạc mệnh» ,đến thế thì thôi.
Mãi đến năm 226, khi Tào Duệ
lên ngôi, biết mẹ chết oan, mới phong Chân thị là «Văn Chiêu Hoàng Hậu». Sử
sách thương nàng, thường gọi là Chân Hoàng Hậu, hay Chân Hậu.
Theo Bùi Tòng Chi chú thích
sách «Tam Quốc Chí» của Trần Thọ có dẫn một đọan trong «Hán Tấn Xuân Thu» cho
biết thêm chi tiết liên quan đết cái chết của Chân thị như sau :
“初,甄 后 之 诛,由郭 后 之 宠,及 殡,命 被 髮 覆 面,以 糠 塞 口,遂 立 郭 后,使养 明 帝。帝 知 之,心 常 怀 念,数 泣 问 甄 后 死 状。郭 后 曰‘先 帝 自 杀 (之),何以 责 问 我?且 汝 为 人 子,可 追 仇 死 父,为 前 母 枉 杀 后 母 邪?’明 帝 怒,遂 逼杀 之,敕 殡 者 使 如 甄 后 故 事。Sơ, Chân Hậu chi chu, do Quách thị chi sủng, cập tẫn, mệnh bị
phát phúc diện, dĩ khang tắc khẩu, tọai lập Quách hậu, sừ dưỡng Minh Đế,
Đế tri chi, tâm thường hoài niệm, số khấp Chân Hậu tử trạng. Quách Hậu viết: ’Tiên
đế tự sát chi, hà dĩ trách vấn ngã, thả nhữ vi nhân tử, khả truy cừu tử phụ, vi
tiền mẫu uổng sát hậu mẫu‘ Minh đế nộ, tọai bức sát chi, sắc tẫn giả sử như
Chân Hậu cố sự -
Lúc bấy giờ, việc Chân Hậu bị
giết có liên quan đến việc Quách Hậu được Tào Phi sủng hạnh, chừng lúc
sắp đem vào áo quan, sai người để cho tóc phủ mặt, và lấy cám đổ đầy miệng Chân
Hậu, sau đó lập Quách thị làm Hoàng Hậu và nuôi Tào Duệ. Tào Duệ biết chuyện,
trong lòng thường hoài niệm thương nhớ Chân Hậu, nhiều lần khóc hỏi cái chết
của mẹ mình. Quách Hậu trả lời rằng: Giết bà ấy là tiên đế (tức Tào Phi), sao
lại trách hỏi ta. Vả ngươi là con cái, lẽ nào lại thù hận cha mình đã chết rồi,
và vì mẹ chết oan mà giết mẹ nuôi mình. Tào Duệ nổi giận, sai người ép Quách
Hậu chết và sai người tẩm liệm y hệt như Chân Thị ngày trước.
E- Sơ lược về Tào Thực (曹植)
Bức tranh bối cảnh Thật bộ thi của Tào Thực. |
Vợ trước của Tào Tháo là Lưu
thị sinh ra người con trưởng là Tào Ngang, bị chết trong trận đánh ở Uyển
Thành.Người vợ sau của Tào Tháo là Biện thị, sinh được bốn người con là Tào
Phi, Tào Chương, Tào Thực, Tào Bưu.
Tào Thực (192-232) là một đại
thi nhân nhà Ngụy thời Tam Quốc, tự là Tử Kiến, người Tiêu Huyện, Bái Quốc (nay
là Hào Châu tỉnh An Huy). Một thi nhân tài ba mà các nhà văn học đời sau từng
khen, xếp và hạng «thượng đẳng» thời Ngụy, Tấn; Nam Bắc triều.
Tào Thực bẩm sinh thiên phú có
trí nhớ dai, đọc sách nhiều, từ nhỏ Tào Thực đã tỏ ra thông minh xuất sắc
hơn người. Mười tuổi, Thực đã thuộc lầu hơn mười vạn lời từ phú, và thơ văn.
Xuất ngôn thành luận, hạ bút thành chương, khiến Tào Tháo rất lấy làm kinh ngạc
mới hỏi Tào Thực:
- Ngươi nhờ người khác làm hộ
phải không ?
Tào Thực đáp :
- Xin cha cho con thử ngay
trước mặt.Con nói ra là thành luận, hạ bút là thành văn.Việc gì con phải nhờ ai
làm.
Lịch sử Trung Quốc kể lại rằng
năm Kiến An thập ngũ niên, tức năm 210, Tào Tháo cất Đồng Tước Đài, lúc đó Tào
Thực 19 tuổi, được Tháo bảo làm bài phú «Đồng Tước Đài Phú» để ca tụng vẻ đẹp
của đài này. Bài phú rất được Tào Tháo tán thưởng và khen ngợi, nên phong cho
Tào Thực làm Bình Nguyên Hầu, đồng thời còn khuyến khích Tào Thực,
nói :
- Trước kia ta còn là một viên
lệnh doãn, đồn binh, cũng chỉ mới hai mươi tuổi, nhớ lại những việc làm
hồi ấy, thì không lấy gì làm thẹn, nay con cũng đã trưởng thành, lẽ nào
lại không cố gắng lên.
Trong thâm tâm Tào Tháo còn tin
rằng trong số các người con, Tào Thực là người có thể «định đại sự».
Bỏ trưởng lập thứ, thường là
cái mầm tranh đọat ngôi báu trong nhiều triều đại ở Trung Quốc.
Tào Tháo được tiến tước Vương
vào năm Kiến An nhị thập nhất niên, tức năm 216; lúc đó thì con trưởng của Tào
Tháo là Tào Ngang bị chết trong trận đi đánh Trương Tú rồi.
Người con thứ ba là Tào Chương
là một người võ biền, chỉ có nguyện vọng làm tướng cầm quân nơi chiến trường.
Tháo vốn yêu mến người con út là Tào Xung nhưng đã yểu tử. Việc tranh ngôi báu,
còn lại chỉ có thứ tử là Tào Phi và người con thứ ba là Tào Thực.
Nhưng năm Kiến An nhị thập tứ niên, tức năm 219, lúc đó Tào Phi đã
được phong làm Thế Tử, nhưng trong lòng vẫn chưa yên, vì Tào Tháo vẫn còn để
tâm thương Tào Thực, phong cho Thực làm Nam Trung Tướng Quân, Hành Chinh Lỗ
Tướng Quân, cùng với lão tướng Từ Hỏang cầm quân đi giải cứu cho Tào Nhân đang
bị Quan Vũ vây khốn. Trong tính toán của Tào Tháo, Tào Thực sẽ thắng lợi đến
quá phân nửa, trong trận này sẽ lập được quân công.
Tào Phi thấy vậy, bèn ra
tay trước, Phi từ Nghiệp Thành trở về Hứa Xương, mời Tào Thực uống rượu,
đàm đạo tình huynh đệ. Uống rượu cho đến lúc Tào Thực say túy lúy, bất tỉnh
nhân sự, không còn thụ mệnh cầm quân nổi nữa.
Tào Tháo thấy Tào Thực như vậy,
làm mất niềm hy vọng của mình, bèn rút lệnh không phái Thực đi nữa.
Đến lúc Tào Tháo lâm chung,
không gọi các cố mệnh đại thần đến bên giường, cũng không gọi Tào Phi, và cũng
không gọi Tào Thực, mà chỉ gọi Tào Chương đến. Sau này Tào Chương gặp Tào Thực,
có cho Tào Thực biết: «Phụ thân gọi em đến, nói là muốn nhường ngôi báu
cho anh»
Nhưng ngôi Thế Tử đã vào tay
Tào Phi rồi.
Sự thù ghét, đố kỵ, ý muốn bách
hại Tào Thực đối với Tào Phi là do việc tranh dành quyền lực và ngôi báu
mà ra.
Ngoài ra; còn một nguyên nhân
nữa giữ phần quan trọng, chính là mối u tình sâu đậm của Tào Thực đối với Chân
thị, vợ của Tào Phi.
Theo «Chiêu Minh Văn
Tuyển-Quyển 19» của Tiêu Thống cùng một số văn nhân biên soạn vào thời nhà
Lương đời Nam Triều, thì Tào Thực cũng đã từng muốn lấy Chân thị làm vợ, nhưng
Chân thị đã bị Tào Phi phỗng tay trên mất, khiến cho Tào Thực hết sức bất bình,
đêm ngày tơ tưởng. Bỏ ăn quên ngủ.
Nguyên văn chữ Hán trong «Chiêu
Minh Văn Tuyển»:
魏 東 阿 王,漢 末 求 甄 逸 女,既 不 遂 。 太 祖 回 與 五 官 中 郎 將, 植 殊 不 平 晝 思 夜,廢 寢 與 食
Ngụy Đông A Vương, Hán mạt cầu
Chân Dật nữ, ký bất tọai. Thái Tổ hồi dữ Ngũ Quan Trung Lang Tướng, Thực thù
bất bình, chú tư dạ tưởng, phế tẩm dữ thực
– Đông A Vương nhà Ngụy,
cuối thời nhà Hán, muốn lấy người con gái của Chân Dật, nhưng lúc trở về, Ngụy
Thái Tổ Tào Tháo đã gả cho Trung Lang Tương. Tào Thực rất bất bình, đêm ngày
tưởng nhớ Chân thị, bỏ cả ăn uống.
Đến khi Tào Phi phế Hán Đế lên
ngôi, Tào Thực liền bị Tào Phi giáng làm An Hương Hầu, và nhiều lần, Tào Phi có
ý muốn giết Tào Thực, nhưng nhờ sự ngăn cản của người mẹ là Biện Thị, Tào Thực
được thóat chết.
Theo truyền thuyết, Biện Thái
Hậu, tức mẹ của Tào Phi và Tào Thực, từng có lần nói với Tào Phi rằng :
– Ngươi đã từng giết con ta
là Nhậm Thành Vương, (tức Tào Chương), nay lại muốn giết nốt Trần Lưu Vương,
như vậy ta chẳng còn muốn sống nữa.
Đến khi Ngụy Minh Đế Tào Duệ,
con của Tào Phi và Chân Hậu, lên nắm quyền bính, cũng có lúc mời người chú về
triều. Tào Thực cũng từng khởi thảo những kiến nghị chính trị tốt đẹp, nhưng
Ngụy Minh Đế Tào Duệ bị các triều thần ngăn cản, và bị nghi kỵ. Do đó, trong
suốt thời kỳ Tào Duệ ở ngôi, đến cuối đời Tào Thực vẫn là người ôm chí
lớn mà bất đắc chí.
Cuối cùng, năm 232, Tào Thực
bị khốn quẫn u uất, buồn rầu mà chết.
Nay tại phía nam cách 20 dặm
huyện Đông A tỉnh Sơn Đông còn có ngôi mộ của Tào Thực.
Tào Thực cũng chính là người
sớm nhất cảnh cáo sự chuyên quyền của họ Tư Mã.
Tào Thực từng rất lấy làm lo
ngại việc quyền lực của Tào Duệ bị rơi vào tay người khác, nên Thực từng dâng
biểu cáo giới Tào Duệ.
Nhưng Tào Duệ lại đang dựa vào
tài năng của Tư Mã Ý để chống cự lại cuộc bắc phạt của nhà Thục Hán,
không để ý đến lời khuyên của người chú.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời,
mối uy hiếp của nhà Thục Hán không còn nữa, Tào Duệ bắt đầu đam mê thanh sắc,
săn bắn, không chịu chỉnh đốn những cơ cấu quyền lực ở trong triều. Dẫu rằng
trước khi băng hà, Ngụy Minh Đế Tào Duệ từng lựa chọn và phó thác Tào
Sảng, một người trong tông thất, nhưng là người không có kinh nghiệm thực
tế về chính trị. Và một người nữa là quyền thần Tư Mã Ý, kẻ đã nắm quyền hành
quân sự lâu đời. Nên đến khi Tư Mã Ý muốn chiếm đọat thiên hạ của họ Tào,
thì họ Tào đã mất hết lực lượng để chi trì xã tắc. Trở tay không kịp.
Còn về mặt văn học, Tào Thực là
một đại thi nhân đời Hán. Tạ Linh Vận, văn học gia người nhà Tống thời Nam
Triều, từng có lời nói ca tụng, và đo lường tài năng của Tào Thực bằng câu nói,
trở thành thiên cổ danh ngôn, lưu truyền đến ngày nay:
« \Thiên hạ tài hữu nhất
thạch, Tào Tử Kiến độc chiếm bát đấu, ngã đắc nhất đấu, thiên hạ cộng phân nhất
đấu 天 下
才 有 一 石,曹子 建(植)獨 佔 八 斗,我 得一斗,天 下 共 分一斗 -Tài trong thiên hạ có một thạch, Tào Tử Kiến một mình chiếm
tám đấu, ta chiếm một đấu, cò một đấu chia cho thiên hạ (một
thạch bằng mười đấu, hay 100 thưng».
Những tác phẩm dưới đây được
coi là chủ yếu của Tào Thực:
- Tặng Bạch Mã Vương Bưu 赠 白 马 王 彪,
Đây là một danh tác
của Tào Thực. Khi đó, Tào Thực cùng hai anh em Tào Bưu và Nhậm Thành vương Tào
Chương 曹章 vào triều. Đến Lạc Dương,
Tào Chương bị chết một cách ám muội. Lúc trên đường đi về, hai anh em Tào Thực,
Tào Bưu lại bị quan lại đi theo tìm cách hãm hại, không cho ở cùng một chỗ. Tào
Thực phẫn uất viết bài thơ này tặng Tào Bưu trước khi chia tay.
Bài thơ gồm 7 chương.
Hai chương đầu nói lên sự vất vả dọc đường sau khi rời sông Lạc và phần nào hé
lộ nỗi niềm bi phẫn. Chương ba nói lên ý chính tức những điều ông quá bức xúc
vì bị cắt chia tình cốt nhục và bị chèn ép về chính trị. Chương bốn tả cảnh thu
buồn bã. Chương năm thuật lại cái chết của Tào Chương và nêu lên dự cảm về kết
cục bi đát của những người thân còn lại. Chương sáu mở đầu bằng những lời động
viên Tào Bưu nhưng kết thúc vẫn là những vần thơ chứa chan đầy nước mắt. Chương
cuối nói lên nỗi lòng lúc chia tay và dự đoán khả năng ly biệt mãi mãi.
- Bạch Mã Thiên 白马篇,
Bài này còn có
tên Du hiệp thiên 遊俠篇 (theo Thái bình ngự lãm 太平御覽), là một bài nhạc phủ, thuộc Tạp khúc ca từ, nhưng
không có lời cổ mà do Tào Thực tự sáng tác (tân đề nhạc phủ). Đây là một tác
phẩm tiêu biểu cho những trước tác trong thời kỳ đầu của Tào Thực. Có ý kiến
cho rằng bài này thể hiện chí hướng lập công báo quốc.
- Danh Đô Thiên 名 都 篇,
Danh đô thiên là một bài tân đề nhạc phủ, thuộc Tạp khúc ca từ,
lấy hai chữ ở câu đầu làm tựa. Nội dung bài này được so sánh với thời kỳ niên
thiếu của tác giả, cho thấy cuộc sống của một quý công tử.
- Mỹ Nữ Thiên 美 女 篇,
Đây là một bài tân đề
nhạc phủ, thuộc Tạp khúc ca từ, Tề khúc hành. Lấy hình
ảnh mỹ nữ “Thịnh niên xử phòng ốc” tự ví mình như cô gái đẹp tươi thắm mà không
có chốn gửi thân, tài năng xuất chúng mà chẳng thi triển được điều gì.
- Thất Ai thi 七 哀,
Đề mục Thất ai ý
nói bảy thứ tình cảm kia nay đều biến thành ai (buồn) cả.
Đây là một bài thơ
khuê oán mượn tâm trạng của một người đàn bà trong cảnh xa ngóng trông chồng,
nhưng cũng có thể ám chỉ sự bất hoà giữa anh em Tào Thực, Tào Phi cùng một số
quần thần.
Sự việc và bài thơ này
đầu tiên được thấy chép trong Thế thuyết tân ngữ. Tào Phi từng ra
lệnh cho Tào Thực trong bảy bước phải làm một bài thơ với đề anh em, không xong
thì sẽ chém đầu. Tào Thực bước đi bảy bước và làm bài thơ này. Phi nghe xong,
có ý thẹn liền tha tội chết cho Thực. Tào Thực mượn hình ảnh dùng cành đậu để nấu
hột đậu để ám chỉ việc anh em tương tàn.
Bài thơ này còn có một
dị bản bốn câu được lưu truyền, chép trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn
nghĩa của La Quán Trung:
煮豆燃豆萁,
豆在釜中泣。
本是同根生,
相煎何太急?
Chử đậu nhiên đậu ky,
Đậu tại phủ trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái
cấp?
(Nấu đậu đun cành đậu,
Đậu ở trong nồi khóc.
Sinh ra từ một gốc,
Sao nỡ đốt thiêu
nhau?)
----------------
Chung Vanh, trong «Thi Phẩm» có lời nhận xét về từ phú của Tào Thực như sau: «植 詞 采華 茂,骨氣奇高。建安 詩 人 無 出 其 右 也- Thực từ thái hoa mậu, Kiến An thi nhân vô xuất kỳ hữu dã- Những bài của Tào Thực có vẻ đẹp rực rỡ như hoa nở, khí cốt lạ lùng cao sang, những thi nhân thời kỳ Kiến An chẳng ai có thể bằng được ».
Tào Thực chẳng những được mệnh
danh là «tài cao bát đẩu», chiếm hết một nửa sở học trong thiên hạ như lời Tạ
Linh Vận khen tặng. Và qua bài phú «Lạc Thần Phú», ông đã để lại cho văn học sử
Trung Quốc một bài phú, làm say mê người đọc, ảnh hưởng đến một số văn nghệ
sĩ đời sau. Họ đã căn cứ vào mối u tình lãng mạng bi thống giữa ông với
người chị dâu mà viết nên những kiệt tác khác như:
– Cố Khải Chi vẽ «Lạc Thần Phú
Đồ» được vinh dự khen tặng là «Trung Quốc Thập Đại Truyền Thế Danh Họa Chi Nhất».
- Lý Thương Ẩn viêt «Vô đề», trong bài Vô Đề, thứ hai.
- Bồ Tùng Linh viết «Chân Hậu».
Riêng tôi còn nhớ, cách đây gần
15 năm, ngồi dịch Chân Hậu trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, cũng từng
ngậm ngùi thương cảm cho người bạc mệnh, lòng cũng muốn bắt chứơc cổ nhân «mượn
chùm phương thảo mà hú vía thuyền quyên».
Tất nhiên, nhan sắc Chân thị,
phải thuộc hạng phi thường, đắm nguyệt say hoa, nên chẳng những cả ba cha con
Tào Tháo đều muốn chiếm hữu nàng cho riêng mình, mà Lưu Trinh, một danh
sĩ trong «Kiến An Thất Tử», chỉ vì muốn chiêm ngưỡng nhan sắc của Chân
thị, đến nỗi bị Tào Tháo bắt tội, đầy đi mài đá nặn gạch.
Có người cho rằng Bồ Tùng
Linh có lẽ cũng đồng ý là mối u tình của Tào Thực đối với Chân Thị là có thật,
nên khi ông hư cấu chuyện «Chân Hậu», ông đã để cho Chân Hậu
gặp lại Lưu Trinh ở cõi u minh, cho Chân Hậu có dịp báo đền Lưu
Trinh, kiếp trước vì nàng mà bị tội oan.
Truyện «Chân Hậu», trong «Liêu
Trai Chí Dị» của Bồ Tùng Linh, có một đọan như thế này:
«Lưu Trọng Khanh,
người đất Lạc Thành, thuở nhỏ tư chất chậm chạp, không được thông minh, lanh
lợi, nhưng lại mê say sách vở, điển tịch, thường đóng cửa ở trong nhà một mình
để cố công khổ học, không thích tiếp xúc với người ngòai.
Một hôm, Lưu vừa cầm sách lên
đọc, chợt ngửi có mùi hương thơm ngào ngạt, lan tỏa đầy nhà. Rồi có tiếng vàng,
tiếng ngọc va chạm vào nhau, âm thanh lỏang xỏang.
Lưu giật mình, ngừng đầu lên
nhìn, thì thấy một người đàn bà đẹp từ ngòai cửa bước vào. Đầu cài trâm bạc.
Tai đeo xuyến vàng. Sáng lòa cả mắt. Đám tùy tùng, đầy tớ, hết thẩy đều là
cung nữ. Lưu sợ hãi, vội vã phủ phục xuống đất, vái lậy. Mỹ nhân đến
đỡ Lưu dậy, rồi nói :
- Khanh kiếp xưa khinh bạc ngổ
ngáo, sao bây giờ lại khiêm cung như vậy ?
Lưu nghe trách lại càng sợ,
đáp :
- Thần chưa hề biết chốn Thiên
Tiên, chưa từng được bái kiến Nương nương, không biết đã đắc tội với tôn giá
lúc nao ?
Mỹ nhân lại cười, bảo
Lưu :
- Tương biệt chưa là bao, sao
khanh chóng quên quá vậy. Kẻ bị phạt tội phải đi đầy mài đá nặn gạch, không
phải là khanh đó sao ?
Sau đó đem chiếu gấm ra trải,
đem rượu ngon ra bầy, ép Lưu cùng ngồi đối ẩm, bàn luận cổ kim rất là thâm thúy
trôi chẩy. Lưu chẳng tìm ra được câu nào để đối lại.
Mỹ nhân lại bảo với Lưu :
- Thiếp đi phó yến Dao Trì. Từ
nay chàng sẽ trở thành thông minh uyên bác vô cùng.
Nói xong, sai cung nữ đem thủy
phẩm, thang ốc, dâng lên cho Lưu uống. Chàng uống một hơi cạn sạch, cảm thấy
tâm thần sảng khóai, trong sáng lạ thường.
Bấy giờ nắng chiều đã tắt và
màn đêm bao phủ. Đám cung nữ, người hầu, đều tản mát đi hết, không còn ai.
Mỹ nhân bèn tắt đèn, cởi bỏ
xiêm y, yếm lót, lên giường cùng Lưu chăn gối, ân ái mây mưa vô cùng hoan lạc. Khi
trời gần sáng, đám cung nữ lại tề tập tụ họp nhau đến. Mỹ nhân thức dậy,
trang điểm dung nhan, vấn tóc, cài trâm, xiêm áo chỉnh tề, lộng lẫy như cũ. Nhưng
lặng thinh không hề nhắc gì đến chuyện ân ái đêm qua. Lưu cố sức nài nỉ xin
nàng cho biết tính danh.
Mỹ nhân đáp :
- Nói cho chàng biết cũng chẳng
ngại gì. Chỉ sợ biết rồi chàng thêm nghi ngờ lo lắng. Thiếp đây chính là Chân Hoàng
Hậu, vợ Ngụy Văn Đế Tào Phi. Còn chàng là hậu thân của Lưu Trinh, kiếp xưa vì
thiếp, mà bị tội oan uổng, thiếp không đành lòng, hôm nay gặp lại chàng,
cốt để đền bù mối tình si ngày trước.
Lưu hỏi :
- Còn Ngụy Văn Đế bây giờ ở
đâu ?
Mỹ nhân đáp :
- Phi ấy hở ! Bất quá cũng
thuộc phường «Phụ tặc chi dong tử 父 賊 之 傭 子, cha làm giặc thì con làm mướn». Thiếp ngẫu nhiên tòng du với bọn
vương hầu phú quý đó, vui chơi vài năm qua rồi, chẳng còn để bụng nhớ tới
nữa. Ông ta bị giam ở chốn u minh từ lâu, bây giờ thiếp không biết rõ. Duy có
Trần Tư Vương Tào Thực, thỉnh thoảng thiếp có gặp.
Lúc nàng quay lại, đã thấy kiệu
rồng đến đón, đậu ở ngoài sân. Nàng lấy ra một hộp nhẫn ngọc tặng cho Lưu, rồi
bái biệt lên xe ra về. Lưu từ đó học hành tiến bộ gấp bội, nhưng thường
tưởng nhớ đến Chân Hậu, tinh thần như si, như dại. ………..
(Ngưng trích)
(Bản dịch của Phạm Xuân Hy- Năm
1988)
Việc Tào Thực viết Lạc
Thần Phú để mô tả mối u tình, niềm tương tư, của ông đối Chân thị có thật hay
không, đến nay các nhà nghiên cứu văn học sử Trung Quốc vẫn còn để đó tồn nghi.
Tôi viết bài này để tạ cái tình
tri kỷ thiếu thời của ông bạn họ Đỗ, và nhằm mua vui cho bằng hữu, nhân chợt
cảm thấy cái lạnh của gió thu về, kim phong hiu hắt, lá vàng rơi, tóc bạc
rơi, «Lăng Bộ Vi Bộ» ít hàng cho khuây khỏa tuổi già, lúc chiều tàn cô
quạnh.
Phạm Xuân Hy
Paris ngày 15-10-2012
_______________________________
Chú thích :
Tẩu Hỏa Nhập Ma
走火入魔
Tẩu Hỏa, nguyên dùng để
chỉ lúc tôi luyện ngọai đan, không đúng cách, tạo ra hiện tượng lò luyện nóng
quá độ mà vỡ. Đạo Giáo chỉ việc tu luyện tinh thần nguyên khí, lệch lạc không
đúng phép, vội vã mong muốn tới mục đích, khiến cho xẩy ra tình trạng
nội khí tán lọan, hư hỏa thựơng thăng thiêu đốt ở trên.
Nhập ma chỉ việc luyện công sai
lệch, không đúng phương pháp, tinh thần bị rơi vào cảnh giới ma ảo, nhận giả
thành chân, không thể tự chủ động, thường biểu hiện trạnh thái tâm bệnh;
Đại Lý
大理
Năm Thiên Phúc nhị niên nhà hậu
Tấn thời Ngũ Đại (907-960), tức năm 937, Đoàn Tư Bình, thuộc bộ lạc Bạch
Tộc, tiêu diệt nước Nam Chiếu thành lập ra nước Đại Ly Quốc.
Theo sử sách, thì tổ tiên người
Bạch Tộc đã sinh sống phát triển ở vùng này với nhiều bộ lạc khác, sử gọi
chung những bộ lạc này là «Côn Minh Chi Thuộc».
- Năm 221 TCN, nhà Tần bắt đầu
chiếm vùng tây nam, thành lập các cơ cấu hành chánh để thống trị vùng này.
- Năm 109 trước CN, nhà Tây hán,
vua Hán Võ Đế đem quân đánh bại các bộ lạc «Côn Minh Chi Thuộc», và tại khu vực
Đại Lý lập ra Diệp Du Huyện, mở con đường tơ lụa về hướng nam, và dùng nơi đây
như một trạm vận chuyển tơ lụa từ Tứ Xuyến đến Ấn Độ.
- Đến thời Tam Quốc (220-280),
vùng Vân Nam, Quý Châu, và tây nam bộ Tứ Xuyên được gọi là Nam Trung, do nhà
Thục hán cai trị.
Về sau, có sự nổi dậy của Mạnh
Họach chống lại sự cai trị của nhà Thục Hán (221-263), Lưu Bị phái Gia Cát
Lượng đem quân bình phục, và đặt thành quận Vân Nam ở đấy.
- Năm Khai Hoàng thập thất niên
đời Tùy (581-618), tức năm 597, người «Côn Minh» nổi dậy, nhà Tùy phái Sử Vạn
Tuế đem quân bình định.
Đến nhà Đường (618-907) lập ra
Nhung Châu Đô Hộ Phủ, các huyện thuộc khu vực Đại Lý đều thuộc quyền quản
hạt của Nhung Châu Đô Hộ Phủ.
Đến thế kỷ thứ bẩy, chung quanh
sông Nhị Hải xuất hiện sáu bộ lạc, gọi là lục Chiếu, là Mông Thôi (Trần Trọng
Kim viết là Mông Huề) Việt Tích, Lương Khung, Đặng Đạm, Thi Lương và Mông
Xá .
Xá Chiếu ở phía nam nên gọi là
Nam Chiếu.
Đến thế kỷ thứ 8, Lục Chiếu
được Đường Huyền Tông chi trì Bì La Cáp 皮逻閤 hợp với năm Chiếu kia thành lập chính quyền Nam Chiếu, nhưng sau
mâu thuẫn với nhà Đường xẩy ra cuộc chiến đại quy mô gọi là «Thiên bảo Chiến
Tranh»,vào năm 749 và 754. Nam Chiếu cũng nhiều lần đem quân sang quấy
nhiễu Giao Châu. Và theo sử gia Trần Trọng Kim, thì năm Nhâm Ngọ, tức năm 862,
và tháng Giêng năm Quý Mùi, tức năm 863, Nam Chiếu đem 50 000 quân sang
đánh phủ thành, và trong hai lần Nam Chiếu đã sát hại 15 vạn người dân
Giao Châu. (một con số quá lớn đối với dân số nước ta thời bấy giờ, không thấy
sử gia Trần Trọng Kim dẫn xuất xứ, nhưng trong sử Trung Hoa thường phóng đại tô
mầu con số địch nhân bị giết)
Đến cuối hậu kỳ Nam Chiếu,
trong cung đình xẩy ra hỗn lọan, chi ly phân tán, cuối cùng nước Nam Chiếu bị
diệt vong.
- Năm 937, Điền Tư Bình là
Thông Hải Tiết Độ Sứ, liên hợp với 37 bộ lạc Điền Đông tiến quân vào
thành Đại Lý và lập ra chính quyền Đại Lý Quốc, đóng đô ở Dương Tư Dương Thành,
hạt cảnh ngày nay bao gồm toàn tỉnh Vân Nam, tây nam bộ Tứ Xuyên, chia ra làm
tám phủ, bốn quận, 37 bộ.
Về kinh tế, nông nghiệp, chăn
nuôi, thủ công nghiệp, và luyện thép rất phát đạt, tiêp xúc và trao đổi mậu
dịch với người Tầu, chủ yếu là ngựa. Đại Lý Quốc có giống ngựa nổi tíếng là Đại
Lý Mã 大 理 馬,
một ngày có thể chạy 400 dặm. Ngoài ra có Đại Lý Đao 大 理 刀,
một lọai đao sắc bén, rất nổi tiếng. Trong nước sử dụng Hán văn, và tôn sùng
đạo Phật.
Năm Thiệu Thánh nguyên niên đời vua Tống Chiết Tông, tức năm 1094,
vua đời thứ 14 của Đại Lý là Đoàn Chính Minh bỏ ngôi đi tu, dân lập Cao Khai
Thái lên làm vua, đổi quốc hiệu là Đại Trung Quốc.
- Đến năm 1096, con Cao Khai
Thái là Cao Thái Minh phụng mệnh cha Hoàn ngôi cho Đoàn Chính Thuần, và Đại Lý
Quốc được gọi là Hậu Đại Lý.Năm 1108, Đoàn Chính Thuần bỏ ngôi đi tu, nhường
ngôi cho con là Đoàn Chính Nghiêm, tức Đoàn Dự.
Đoàn Dự, là ông vua thứ 16 của
nước Đại Lý, tức Hiến Tông Tuyên Nhân Đế, là ông vua ở ngôi lâu nhât, sau
ông cũng bỏ đi tu và nhường ngôi cho con là Đoàn Chính Hưng.
- Đoàn Chính Hưng là ông vua
đời thứ 17 của Đại Lý,ở ngôi được 24 năm (1147-1172) thì bỏ đi tu, nhường ngôi
cho con là Đoàn trí Hưng .
- Đoàn trí Hưng ở ngôi
vua từ năm 1172 đến năm1200 làm vua được 28 năm rồi bỏ đi tu hiệu là Nhất Đăng
Đại Sư, ông là người rất tôn sùng đạo Phật, sớm tối kinh kệ, không lo đến
việc triều chính, xây hơn sáu chục ngôi chùa, quốc phí tiêu hao, khiến cho đẩt nước
dần bị suy vi, sau nhường ngôi cho con là Đoàn Trí Liêm.
- Đoàn Trí Liêm ở ngôi từ
1201 đến 1205 thì chết, nhường ngôi cho con là Đoàn Trí Tường.
- Năm 1253, Hốt Tất Liệt
mang quân từ cao nguyên Thanh Tạng xuống miền nam đánh chiếm Hậu Đại Lý. Đoàn Trí
Tường bị bắt.
Nước Đại Lý bị diệt vong. Con
cháu được người Mông Cổ cho trở về thế tập họ Đoàn làm Tổng Quản.
Nước Đại Lý truyền được 22 đời
vua, tổng cộng 316 năm, có 7 ông vua bỏ ngôi đi tu..
Có người đã nhận định rằng, họ Đoàn lấy đạo Nho để
trị nước, dùng đạo Phật để thu phục nhân tâm. Cũng là một điều
hay.Nhưng cuối cùng nước Đại Lý bị Hốt Tất Liệt dùng bạo lực và sức
mạnh tiêu diệt.
Nước Đại Lý bị diệt vong
đến nay đã gần ngàn năm rồi, chắc hẳn người dân Đại Lý vẫn còn có người thương
nhớ nước cũ, buông ra những lời than thống thiết, đứt ruột gan, như tiếng quốc
kêu đêm hè :
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia
gia
Văn Tuyền
Tức nhà văn Phạm Cao Củng, là
nhà văn lão thành từ thời tiền chiến, ông là tác giả của nhiều tác
phẩm trinh thám, Bóng Người Ái Tím Kỳ Phát, Vết Tay Trên
Trần, Kỳ Phát Giết Người, Nhà Sư Thọt, Người, Người Một Mắt, Đám Cưới Kỳ
Phát, Vết Tay Trên Trần, được nhà Văn Vũ Ngọc Phan khen ngợi trong Nhà
văn Hiện Đại là các nhânh vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất
Việt nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta thời đó.
Nhưng riêng với tôi, và
có lẽ cả thế hệ ở tuổi từ 70-75, vẫn còn nhớ, và chưa quên được những truyện
kiếm hiệp như Lục Kiếm Đồng, Chu Long Kiếm, Nhỡn Kiếm Đạo dưới bút danh Văn
Tuyền, không thua kém gì những truyện kiếm hiệp của các nhà văn Trung Hoa. Những
tác phẩm của Phạm Cao Củng cũng đã làm say mê, và từng để lại trong tuổi
thơ ấu của thế hệ tôi biết bao nhiêu là mơ mộng, hàng chuỗi những kỷ niệm
đẹp, đến nay tôi vẫn còn giữ được. Ấy là chưa kể thế hệ của Bé Ngôn Bé Luận ở
Sài Gon sau này.
Số tác phẩm của Phạm Cao Củng
có người cho biết có thể ngang ngửa với số lượng tác phẩm của Lê Văn
Trương. Tiếc thay, là sau này, ở trong Nam, cũng như ngoài Bắc, ông rất ít được
các nhà phê bình văn học nhắc đến, vì thể lọai tiểu thuyết trinh thám, cũng như
kiếm hiệp, bị coi là «văn chương» cấp thấp. Ngòai ra ông có nhiều bút
hiệu khác như Văn Tuyền, Phượng Trì, Trần Lang, Phạm Thị Cả Mốc.
Phạm Cao Củng sinh năm 1913,
cha ông là cụ Tú Kép Phạm Cao Đạt, em của bà Phạm Thị Mẫn, vợ nhà thơ Trần Tế
Xương (tức Tú Xương).
Ông qua đời ngày17-12 -2012 tại
Florida, thọ 100 tuổi, sau khi đã xuất bản cuốn hồi ký Phạm Cao Củng.
Phạn Hàm
飯 含
“Phạn hàm” là một trong những
nghi thức về tang lễ cổ xưa của người Trung Hoa. Người ta bỏ vào miệng người
chết châu, báu, ngọc ngà và tiền bạc cùng những lọai ngũ cốc, và tùy theo địa
vị thân phận của người chết.
“Phạn 飯”
có nghĩa cho bỏ ngũ cốc vào miệng người chết ăn.
“Hàm 含”
có nghĩa là bỏ châu, bảo, ngọc ngà vào miệng người chết cho kín.
Những vật này khác biệt tùy
theo địa vị, thân phận của người chết
– “Phạn 飯”
đối với bậc Quân chủ khi chết thì dùng “lương”, tức một lọai gạo quý. Đối
với Đại phu thì dùng “tắc”, tức hạt kê. Đối với sĩ thì dùng
gạo ré.
-“Hàm 含”
đối với Thiên Tử thì dùng châu báu. Chư hầu thì dùng ngọc.Đại phu thì dung lọai
ngọc cơ, một lọai ngọc xấu, không tròn.
Sĩ thì dùng “bối”, tức lọai
tiền hến.Thứ nhân thì dùng ngũ cốc. Phong tục này cũng biến hóa theo thời gian.
Nhưng chính vì phong tục này, mà sinh ra những kẻ đạo tặc thường đi đào mả
người chết để kiếm châu báu ngọc ngà, làm thương tổn đến lòng hiếu thảo của con
cái người chết. Có cả các bậc tham quan ô lại nữa.
Chân thị là bậc phu nhân, lý ra
được hưởng nghi thức tang lễ quý trọng hơn, nhưng Tào Phi là người thiếu nhân
tình, nên nhét “cám” vào miệng nàng. Ngày nay, cũng thường có câu nói
“cho nó ăn cám”, để chỉ người nhà nghèo không có gạo ăn, nhưng cũng là một câu
nói sỉ nhục.
Tiêu Thống
蕭 統
Tiêu Thống (501-531), là văn
học gia nhà Lương, thời Nam Triều, tự là Đức Thi, tiểu tự là Duy Ma,
người Nam Lan Lăng, con trưởng của Lương Võ Đế Tiêu Diễn, sinh năm Trung
Hưng nguyên niên, đời Hòa Đế nhà Nam Tề mất năm Trung Đại Thông tam niên, đời
vua Lương Võ Đế Tiêu Diễn, chung niên 31 tuổi.
Năm Nguyên Gíam nguyên niên,
tức năm 502, Tiêu Thống được lập làm Thái Tử.Từ nhỏ thông minh sáng suốt. Ba
tuổi được dậy Hiếu Kinh Luận Ngữ. Năm tuổi đã đọc hết nho gia kinh điển. Sách
chỉ đọc xong là nhớ. Tiêu Thống lại là người thông hiểu sự việc. Đối với các
tấu chương của bách quan, có chỗ nào sai, hay cố ý mầu mè, đều được Tiêu Thống
biện luận sửa chữa. Tiêu Thống tính tình khoan hòa, nên thu hút được những kẻ
sĩ có tài, bàn luận về học vấn, trứ thuật văn chương, thu thập sách vở cổ
kim gần ba vạn quyển.
Lúc xét xử án ngục, Thống đa
phần rộng rãi tha thứ, được thiên hạ khen ngợi là nhân từ. Mỗi khi kinh sư gặp
cảnh mưa gió lụt lạo, gạo nước đắt đỏ, Thống phái người tâm phúc, đi khắp ngõ
hẻm hang cùng thấy nhà nào nghèo khổ, hoặc bị lưu ly thất thổ, thì kín đáo ban
phát tiền bạc.
Tiêu Thống còn lập Văn Tuyển
Lâu để đón mời những danh sĩ như Lưu Hiếu Oai, Dữu Kiên Ngô đến thảo luận
về sách vở cổ, mệnh danh là “Cao Tề Thập Học Sĩ”, rồi cùng họ tuyển chọn những
tác phẩm thi văn tiêu biểu từ thời Tần Hán đến nhà Lương tập hợp thành sách
“Văn Tuyển”, gồm 30 chục quyển, một tổng hợp văn học sơm nhất trong lịch văn
học Trung Quốc; có một ảnh hưởng lớn đối với việc sáng tác sau này.
Ngòai ra, Tiêu Thống còn
có văn tập gồm hai chục quyển, những đều mất. Nay còn lưu hành “Chiêu Minh Thái
Tập”, là do người sau thu góp thành.
Năm 531 Tiêu Thống bị bệnh qua
đời, thụy hiệu là “Chiêu Minh Thái Tử”.
Chiêu Minh Văn Tuyển
昭 明 文 選
Chiêu Minh Văn Tuyển là một bộ
tuyển tập văn học đàu tiên của trung Quốc có mọi thể tài, do Thái Tử Tiêu
Thống, con vua Lương Võ Đế thời Nam Triều, tại phủ Đông Cung đã sưu tập gần ba
vạn cuốn sách, rồi đón mời đa số là các nhà văn học gia trứ danh đương
thời đến để cùng nhau biên sọan thành « Chiêu Minh Văn Tuyển », gọi
tắt là « Văn Tuyển », tổng cộng gồm ba chục quển. Từ nhà Tần đến
trước nhà Lương
Tiêu Thống đem những tác phẩm
văn học phân chia ra từng môn, từng lọai. Ông chọn lựa kỹ càng những tác giả
thành công nhât, và những bài văn có tính đại biểu nhất, để cho những độc giả
ít có thời gian có thể thưởng thức được cái tinh hoa của những tác phẩm hay.
Chiêu Minh Văn Tuyển có ảnh
hưởng lớn đối với hậu thế, nên mới có câu nói « Văn Tuyển lan tú tài
bán «文选》烂爛,秀才半 » -Thuộc lầu Văn Tuyển thí coi như đã đậu nửa bằng tú
tài ».
Sau khi Văn Tuyển ra đời, được
khắp mọi nơi nhiệt liệt hoan nghênh ; sau đó có các học giả ở các triều
đại sau làm chú thích thêm về Văn Tuyển. Như Lý Thiện làm chú thích vào năm
Hiển Khánh đời Đường,
Hoàng Giang Nữ Hiệp
荒 江 女 俠
Tôi đọc bản dịch lúc hồi còn
nhỏ có tên là «Hoàng Giang Nữ Hiệp». Sau này có dịp tra cứu tôi mới
biết tên đúng là “Hoang Giang Nữ Hiệp 荒 江 女 俠”, của tác giả Cố Minh Đạo, đăng trên tờ Tân Văn Báo ở Trung Quốc
năm 1929, rất được độc giả hoan nghênh.
và “Vua truyện chưởng” là “Kim
Dung, lúc lên tám tuổi, tức năm 1932, lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi
đọc đến bộ truyện Hoang Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo, cảm thấy rất say mê, từ
đó thường sưu tầm tiểu thuyết thể loại này”. Lớn lên, trở thành «vua truyện
chưởng».
Lý Thiện
李 善
Lý Thiện (ước 630-689) là học
giả đời Đường, người Giang Đô (nay thuộc Dương Châu, tỉnh Giang Tô). Cha của Lý
Ung, theo học với Tào Hiến.
Đời Đường Cao Tông, Lý Thiện
từng trải qua các chức Thái Tử Nội Xuất Phủ Lục Sự Tham Quân, Sùng Hiền Quán
Trực Học Sĩ kiêm Bái Vương Thị Độc, Bí Thư Lang, Kinh Thành Lệnh. Năm Hàm Hanh
nhị niên, tức năm 671, cháu của Võ Hậu là Hạ Lan Mẫn, nhân có tội bị đầy đến
Lôi Châu, Lý Thiện vì quan hệ mật thiết với Hạ Lan Mẫn nên bị liên hệ và bị đầy
đến Diêu Châu. Sau được xá trở về nhà, ngụ cư ở vùng Biện, Trịnh, lấy việc
giảng dậy «Văn Tuyển» làm nghề, các hộc trò của Lý Thiện phần đông là người từ
xa đến.
Lý Thiện là người học thức uyên
bác, nhưng không sành về việc viết văn chương, nên người đời gọi ông là «Lộc
Thư», tức cái rương bằng tre dung để tàng trữ sách vở. Sau nhiều lần thay
đổi bản thảo, vào năm Hiển Khánh tam niên tức năm 658, Lý Thiện Hoàn thành tác
phẩm «Văn Tuyển Chú», gồm 60 quyển, chú dịch rõ ràng, bàng chứng uyên bác, dẫn
chứng hơn 1689 lọai sách, trong đó có nhiều cổ tịch mà sau này đều bị mất
mát, nhờ Lý Thiện làm chú dẫn nên tồn tại từng đọan, từng câu, trở thành một tư
liệu quan trọng việc huấn hỗ, vì vậy «Văn Tuyển Chú» đựoc các học giả hậu thế
tôn sùng.
Tuy nhiên, những chú giải của
Lý Thiện về «Văn Tuyển» thiên về việc tra khảo điển cố, mà sơ sài không giải
quyết những văn nghĩa còn tranh chấp bế tắc.
Ngòai ra; Lý Thiện còn sọan
«Hán Thư Biện Cảm», gồm ba chục quyển, nhưng đều thất lạc.
Lưu Trinh
劉楨
Lưu Trinh 劉楨, là trứ danh thi nhân cuối đời nhà Hán, tự là Công Cán, là một
trong «Kiến An Thất Tử», người Ninh Dương, người Đông Bình Ninh Dương
(nay thuộc Ninh Dương tỉnh Sơn Đông), cháu của Lưu Lương, lúc còn
trẻ nổi tiếng là có tài văn học. Lúc lên tám chín tuổi, có thể đọc thống Luận
Ngữ, và thơ phú hành vạn lời.Tính tình cứng cỏi bất khuất.
Lúc còn nhỏ Lưu Trinh chơi thân
vơi Vương Sán, sau cùng với Ứng Dương được Tào Tháo chiêu mộ dùng làm Thừa
Tướng Duyện Thuộc, hành văn tuấn mỹ, tài tình. Đặc biệt về thơ ngũ
ngôn, lời lẽ chân thật, chất phác, không chuộng điêu luyện, nổi tiếng
đương thời và được người đời nể trọng.
Đại biểu thơ của Lưu Trinh có
bài «Đình Đình Sơn Thượng Tòng» là ưu tú hơn cả. Trong thơ từng mô tả cảnh tùng
bách hiên ngang cứng cỏi đứng chịu đựng giá rét phong sương, đó là tư cách của
Trinh.
Trinh từng được Tào Phi
khen: «Thơ ngũ ngôn của Lưu Trinh thật tuyệt diệu hơn hẳn những người
đương thời».
Một lần Tào Phi cử hành yến
hội, đến lúc uống say, Tào Phi cho vợ là Chân Phu Nhân ra chào khách.
Quan khách tất cả đều phủ phục cúi đầu, không dám nhìn lên. Riêng có Lưu Trinh
lại ngẩng đầu nhìn thẳng để chiêm ngưỡng dung nhan Chân Phu Nhân.
Việc đến tai Tào Tháo, Tháo
không vui, bắt tội Trinh là bất kính, đầy đi mài đá nặn gạch.
Hậu thế xếp Lưu Trinh
ngang hàng với Tào Thực, nên gọi chung là “Lưu Tào”, nhưng tác phẩm của
Lưu Trinh đa số bị thất tán, nay còn lại 15 bài , nội dung phần lớn là thơ thù
tạc.
Tứ Tử
賜 死
Cổ xưa «tứ tử» là hành vi của
kẻ thống trị bức bách kẻ bị cai trị phải tự sát, tương tự như tội chết, thường
vì muốn cho kẻ bị «tứ tử», khi chết còn giữ được sự tôn nghiêm. Chê độ
«tứ tử» phần lớn xuất hiện ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hy Lạp,
Lã Mã. Cổ xưa, kẻ thống trị có uy quyền tuyệt đối. Vạn vật dưới thế gian, kể cả
sinh mệnh của con người, đều bị coi là tài sản của kẻ thống trị. Vì thế, «tứ
tử» được coi là tương đối tôn nghiêm cho người bị giết, do đó được coi là một
ân huệ của kẻ thống trị ban cho. Trước những hình pháp khốc liệt khác, như lăng
trì, chu di tam tộc, cung hình, thì kẻ được «tứ tử», chỉ có các chọn lựa là
chấp được «tứ tử».
Theo sử sách, thì chế độ «Tứ tử»
ở Trung Quốc có sớm nhất là vào thời nhà Thương, cho đến mẫi cuối đời nhà
Thanh, tệ nạn «ban ơn chết» này mới chấm dứt.
“Vô đề”, hai bài; bài 2 (Trùng duy thâm há Mạc Sầu đường)- Lý Thương Ẩn
Trả lờiXóa無題(重帷深下莫愁堂)
重帷深下莫愁堂,
臥後清宵細細長。
神女生涯原是夢,
小姑居處本無郎。
風波不信菱枝弱,
月露誰教桂葉香?
直道相思了無益,
未妨惆悵是清狂(14)。
Phiên âm:
Vô đề (Trùng duy thâm há Mạc Sầu đường)
Trùng duy thâm há Mạc Sầu đường,
Ngoạ hậu thanh tiêu tế tế trường.
Thần nữ sinh nhai nguyên thị mộng,
Tiểu cô cư xứ bản vô lang.
Phong ba bất tín lăng chi nhược,
Nguyệt lộ thuỳ giao quế diệp hương.
Trực đáo tương tư liễu vô ích,
Vị phương trù trướng thị thanh cuồng.
Dịch nghĩa:
Bức màn trong nhà Mạc Sầu tối âm u,
Sau khi đi nằm, thanh âm của đêm yên ả mãi.
Vách núi nơi thần nữ ở, cũng chỉ là giấc mơ,
Nơi Tiểu cô ở vốn không có đàn ông.
Trong sóng gió, không tin cành ấu mềm yếu,
Dưới trăng sương, ai khiến lá quế thơm.
Biết người nói tương tư là vô ích,
Nên chưa đem nỗi đau đổi lấy tiếng cuồng điên.
Bài thơ mượn hoàn cảnh của người con gái chưa thành thân thổ lộ hết tâm trạng đau khổ, bày tỏ sự cảm khái về hoài bão chính trị không được thuận buồm xuôi gió của tác giả. “Thần nữ sinh nhai” chính là tỷ dụ cuộc đời từng trải với bao thăng trầm mộng ảo; “tiểu cô… vô lang” ngụ ý chỉ hoàn cảnh hiện tại bị cô lập không nơi nhờ cậy; “phong ba” ý nói mình xuất thân hàn vi lại gặp phải cảnh bị đè nén nơi chính trường hiểm ác; “nguyệt lộ” (giọt móc dưới ánh trăng) hàm ý bản thân dù có chút tài năng nhưng không được chăm sóc bồi dưỡng thì khó mà phát triển. Phần cuối bài thơ, cho dù đã biết rõ “tương tư …vô ích” cũng vẫn kiên trì lý tưởng không hề thay đổi của mình(15). Ở đây, nhà thơ đem cái không có trong hiện thực khách quan, cũng như không tồn tại một thứ “sinh tử luyến” của hiện thực đời sống, lồng trong cảm hứng chủ quan của mình, tạo nên một khung cảnh giao hòa, âm điệu du dương, tiết tấu linh hoạt, say đắm lòng người. Từ đó có thể thấy, Lý Thương Ẩn là nhà thơ độc đáo bởi “Vô đề” có nội hàm phong phú, nghệ thuật phong phú, tình điệu du dương, nhưng rất khó diễn đạt thành lời. Hình tượng thơ ẩn chứa nỗi niềm tâm sự của tình yêu cháy bỏng nhưng đau khổ đến tận cùng làm hầu hết người đọc đều có thái độ đồng cảm(16).
Về mặt giọng điệu biểu hiện, cái gọi là “giọng điệu”, tức là dùng hình thức bên ngoài để nói cái bên trong hoặc ngược lại, trong đó, cái “tượng” có được là bởi cái “ý”. Nói cách khác, “tượng” là vật dẫn và “phù hiệu” của “ý”, “ý là nội hàm của “tượng”. Trong khi ấy, “tượng” vốn là để chỉ đối tượng của “hướng”(17). Tuy nhiên, trong “Vô đề” Lý Thương Ẩn, thường vận dụng khá thành công những hình ảnh không hoàn chỉnh (khiếm khuyết) cũng như các khoảng trống nghệ thuật để diễn tả vô số cung bậc của ái tình tuyệt vọng, tạo nên nhiều cảnh ngộ độc đáo không thể giải thích mà chỉ có thể cảm nhận. Cuộc đời Lý Thương Ẩn từng gặp nhiều trắc trở với những cuộc tình tan vỡ, tâm hồn bị thương tổn nặng nề, do vậy, thơ ông tràn đầy sắc thái bi kịch của kiếp nhân sinh(18)…