Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

150. Chân Hậu

 

Một phần bức tranh Lạc Thần phú đồ- Cố Khải Chi 

150. Chân Hậu (Chân Hậu)

 

Lưu Trung Kham ở huyện Lạc Thành (tỉnh Hà Nam) lúc trẻ ngu độn nhưng say mê sách vở, thường đóng cửa học tập, không giao thiệp với người ngoài. Một hôm đang đọc sách, chợt ngửi thấy mùi hương lạ thơm nức cả phòng, kế có tiếng vòng ngọc khua rất gấp, giật mình ngoảnh nhìn thì thấy một mỹ nhân bước vào, trâm vòng sáng rỡ, nguời theo hầu đều ăn mặc lối cung nữ. Lưu hoảng sợ lạy phục xuống đất, mỹ nhân đỡ lên nói “Tại sao chàng lại trước khinh nhờn mà sau cung kính?". Lưu càng sợ hãi, nói "Người là thiên tiên ở đâu ta còn chưa được biết, vậy trước đây ta xúc phạm lúc nào?”. Mỹ nhân cười nói “Chia tay đã được bao lâu? Kẻ bỉ cách chức mải miết ngồi cao mài gạch[179] không phải là chàng sao?”. Rồi mở túi gấm lấy rượu quỳnh tuơng ra bày tiệc, giục Lưu ngồi xuống đối ẩm, cùng bàn chuyện kim cổ, thông tuệ phi thường. Lưu mờ mịt không biết đối đáp ra sao, mỹ nhân nói “Ta chỉ tới dự tiệc ở Dao Trì có một lúc mà chàng đã trảí qua mấy kiếp, hết cả thông minh rồi”. Bèn sai người hầu lấy nước nóng hoà với cao Thủy Xương dâng lên, Lưu nhận lấy uống cạn, chợt thấy tâm thần nhẹ nhõm, đầu óc sáng láng.  


Lát sau trời tối, người theo hầu tản đi hết, mỹ nhân tắt đèn cởi áo, cùng Lưu vui thú. Trời chưa sáng, đám gái hầu đã tới tụ tập, mỹ nhân trở dậy ăn vận như cũ, riêng đầu tóc vẫn tề chỉnh không phải chải lại. Lưu nằn nì hỏi họ tên, mỹ nhân đáp "Nói ra cũng không hề gì, chỉ e chàng thêm ngờ sợ mà thôi. Thiếp là Chân hậu, chàng là hậu thân của Công Cán. Ngày trước chàng vì thiếp mà bị tội, nên trong lòng thiếp thấy bất nhẫn. Cuộc gặp gỡ hôm nay cũng tạm gọi là để báo đáp mối tình si vậy". Lưu hỏi Ngụy Văn[180] hiện ở đâu, mỹ nhân đáp "Tào Phi chẳng qua chỉ là đứa con tầm thường của lão cha làm giặc, thiếp ngẫu nhiên gặp kẻ phú quý thì theo chơi đùa vài năm, chuyện qua rồi cũng chẳng lưu luyến gì. Trước đây y vì việc của A Man[181] nên bị giam cầm lâu ngày dưới U minh, hiện nay không rõ ra sao. Nhưng Trần Tư[182] thì giữ chức coi sổ sách cho Thượng đế, thỉnh thoảng thiếp cũng có gặp". Kế có cỗ kiệu rồng tới dừng trong sân, mỹ nhân bèn rút chiếc nhẫn ngọc tặng Lưu rồi từ giã lên kiệu, mây đưa mù cuốn mà đi. Lưu từ đó học hành tấn tới nhưng nhớ nhung người đẹp, thẫn thờ như ngây.



Vài tháng sau thì héo hon như sắp chết, mẹ không biết vì sao, lấy làm lo lắng. Chợt có một bà già trong nhà hỏi Lưu “Lang quân đang nhớ nhung ai lắm phải không?". Lưu thấy lời nói hơi đúng, không giấu được nên ậm ừ. Bà già nói “Lang quân cứ viết một phong thư, ta có thể mời tới cho". Lưu vừa sợ vừa mừng, nói "Bà có thuật lạ mà trước nay cứ bị vùi chôn giữa đám người tầm thường, nếu quả mời được tới đây thì ta không dám quên ơn”. Bèn viết thư đưa, bà già ra đi, nửa đêm trở về nói với Lưu "May mà không hỏng việc. Ta vừa tới cổng, người gác cho là yêu quái định bắt trói. Ta bèn đưa thư của lang quân ra, y cầm vào rồi lát sau ra gọi ta vào trong. Phu nhân cũng ngậm ngùi than thở, nói rằng không thể gặp lại, cũng định viết thư trả lời, nhưng ta thưa rằng lang quân ốm nặng, không phải một lá thư mà chữa khỏi được. Phu nhân nghĩ ngợi một lúc rồi buông bút nói “Vậy xin phiền báo trước với chàng Lưu rằng ta sẽ đưa ngay tới cho chàng một người vợ đẹp". Lúc ta ra về lại dặn dò rằng đây là việc trăm năm, không được nói lộ ra mới có thể sống với nhau lâu dài".


Lưu mừng rỡ hứa sẽ theo lời. Sáng hôm sau quả có bà lão dắt một cô gái dung nhan tuyệt đẹp tới gặp mẹ Lưu, tự xưng là họ Trần, cô gái là con ruột, tên Tư Hương, xin đem gả cho Lưu. Mẹ Lưu rất thích cô gái, bàn việc sính lễ, nhưng họ Trần không đòi hỏi tiền bạc gì cả, qua đám cưới là đi. Lưu ngầm biết là việc lạ hỏi riêng cô gái là có quan hệ thế nào với phu nhân. Nàng đáp "Thiếp là con hát cũ ở đài Đồng Tước”[183]. Lưu ngờ là ma, nàng nói “Không phải đâu. Thiếp và phu nhân đều có tên trong sổ tiên, nhưng vô tình mắc tội cùng bị đày xuống nhân gian. Phu nhân đã về ngôi cũ, thiếp thì chưa hết hạn bị phạt nhưng phu nhân xin với Thiên tào cho thiếp theo để sai phái, mọi việc đều chỉ phải theo lệnh của phu nhân, vì vậy cũng thường được gần gũi hầu hạ người".

 
Một hôm có bà già mù dắt con chó vàng tới nhà xin ăn, gõ phách ca hát. Cô gái vừa bước  ra xem thì con chó giật đứt dây xông vào cắn. Nàng hoảng sợ bỏ chạy thì tà áo đã bị cắn đứt. Lưu vác gậy đuổi theo đập, con chó càng giận dữ nhai xé manh áo dứt được, trong chớp mắt đã nát vụn ra. Bà già mù nắm lông gáy nó rồi buộc lại dắt đi. Lưu vào thăm thấy cô gái vẫn còn đầy vẻ sợ sệt, bèn nói “Nàng là người tiên, sao còn sợ chó?". Nàng đáp “Chàng không biết, chứ con chó ấy là lão A Man hóa thân, giận thiếp không tuân theo lời dặn lúc chia hương đấy”. Lưu định mua con chó để đập chết, nàng nói “Không được đâu. Thượng đế phạt y như vậy, đâu được giết càn". Được hai nãm, ai gặp cô gái cũng kinh ngạc vì thấy nàng quá đẹp, mà hỏi tới lai lịch thì rất mơ hồ, nên đều ngờ nàng là yêu quái. Mẹ hỏi, Lưu cũng nói qua loa về chuyện lạ. Mẹ cả bảo phải bỏ vợ nhưng Lưu không nghe. Mẹ bèn ngầm mời thuật sĩ tới làm phép ở sân, vừa chỉ đất dựng đàn thì cô gái đà buồn bã nói “Vốn hẹn ước sống với nhau đến lúc bạc đầu, nay mẹ già đã ngờ vực thì tự rõ đã hết tình nghĩa rồi. Có điều muốn thiếp tự đi cũng không khó, chứ loại bùa chú ấy mà sai khiến nổi thiếp à!". Rồi bó củi châm lửa ném xuống dưới bậc thềm, trong chớp mắt khói mù toả ra che kín cả phòng ốc, đối diện không nhìn thấy mặt nhau. Kế có tiếng nổ ầm ầm như sấm sét, rồi màn khói tan đi nhìn lại thì thuật sĩ đã bảy khiếu đổ máu chết rồi. Vào phòng tìm thì cô gái đã biến mất, gọi bà già lên hỏi cũng không rõ đã đi đâu rồi. Lúc ấy Lưu mới kể lại cho mẹ biết rằng bà ta là hồ.


Dị Sử thị nói: Buổi đầu lấy chồng họ Viên, sau về làm vợ họ Tào, cuối cùng lại có tình vơi Công Cán, ngươi tiên lẽ ra không nên như thế. Song bình tâm mà bàn thì đứa con soán ngôi của A Man mà lại có được người vợ trinh tiết sao? Còn con chó nhân thấy người con hát cũ lẽ ra phải hiểu lời dặn thêu giày lúc chia hương là ngu muộí mới đúng, chứ lại còn ghen tuông à! Than ôi, kẻ gian hùng không biết tự thương xót mình, khiến người sau phải thương xót vậy.

 ---

[179] Mài gạch: dịch chữ “ma chuyên”, lấy từ tích “Lưu Trinh ma thạch" (Lưu Trinh mài đá). Lưu Trinh là người thời Tam quốc, thông minh mẫn tiệp, học rộng biết nhiều, làm Tùng sự cho Thế tử Tào Phi, con Tào Tháo. Trước đó Phi theo Tháo đi đánh Viên Thiệu, bát được vợ Viên Hy tức con dâu Thiệu là Chân thị, dung mạo rất xinh đẹp bèn mang về nạp làm Chính phi. Sau Phi cướp ngôi nhà Hán lên làm vua, phong Chân thị làm Hoàng hậu. Khi Phi còn là Thế tử có lần uống rượu cùng các quan say rồi gọi Chân thị ra chào tân khách, mọi người đều quỳ rạp không ai dám ngẩng nhìn, chỉ riêng Lưu Trinh vẫn nghiễm nhiên ngồi ngó. Hôm sau Phi tỉnh rượu nhớ lại, giận Trinh vô lễ bèn cách chức bắt ra quán Thượng Phương mài đá.

[180] Ngụy Văn: tức Tào Phi, cướp ngôi nhà Hán dựng ra nhà Ngụy thời Tam quốc, được nhà Ngụy tôn là Ngụy Văn đế.

[181] A Man: tên tự của Tào Tháo lúc nhỏ, đây dùng với ý khinh bỉ.

[182] Trần Tư tức Tào Thực, em Tào Phi, rất thông minh tài giỏi. Khi Tào Phi lên ngôi vương thay cha là Tào Tháo, ghét tài Thục nên phong làm Trần Tư vương, bắt phải đi xa kinh đô.

[183] Đài Đồng Tước: cuối thời Hán, Tào Tháo nắm quyền Thừa tướng, khuynh loát triều đình. Có người đào được con chim sẽ bằng đồng dâng lên, Tháo cho là điềm lành nên sai dựng một ngôi đài cao, gọi là đài Đồng Tước, đưa các tỳ thiếp về đó ở. Trước khi chết, Tháo đem những hương liệu quý cất riêng ra chia cho họ làm vốn, dặn là hãy làm nghề khâu giày mà sống, có ý muốn họ không đi lấy chồng khác, giữ lòng chung thủy với mình.


1 nhận xét:

  1. Chung Vanh, trong «Thi Phẩm» có lời nhận xét về từ phú của Tào Thực như sau: «植 詞 采華 茂,骨氣奇高。建安 詩 人 無 出 其 右 也- Thực từ thái hoa mậu, Kiến An thi nhân vô xuất kỳ hữu dã- Những bài của Tào Thực có vẻ đẹp rực rỡ như hoa nở, khí cốt lạ lùng cao sang, những thi nhân thời kỳ Kiến An chẳng ai có thể bằng được ».
    Tào Thực chẳng những được mệnh danh là «tài cao bát đẩu», chiếm hết một nửa sở học trong thiên hạ như lời Tạ Linh Vận khen tặng. Và qua bài phú «Lạc Thần Phú», ông đã để lại cho văn học sử Trung Quốc một bài phú, làm say mê người đọc, ảnh hưởng đến một số văn nghệ sĩ đời sau. Họ đã căn cứ vào mối u tình lãng mạng bi thống giữa ông với người chị dâu mà viết nên những kiệt tác khác như:
    – Cố Khải Chi vẽ «Lạc Thần Phú Đồ» được vinh dự khen tặng là «Trung Quốc Thập Đại Truyền Thế Danh Họa Chi Nhất».
    - Lý Thương Ẩn viêt «Vô đề», trong bài Vô Đề, thứ hai.
    - Bồ Tùng Linh viết «Chân Hậu».
    Riêng tôi còn nhớ, cách đây gần 15 năm, ngồi dịch Chân Hậu trong Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, cũng từng ngậm ngùi thương cảm cho người bạc mệnh, lòng cũng muốn bắt chứơc cổ nhân «mượn chùm phương thảo mà hú vía thuyền quyên».
    Tất nhiên, nhan sắc Chân thị, phải thuộc hạng phi thường, đắm nguyệt say hoa, nên chẳng những cả ba cha con Tào Tháo đều muốn chiếm hữu nàng cho riêng mình, mà Lưu Trinh, một danh sĩ trong «Kiến An Thất Tử», chỉ vì muốn chiêm ngưỡng nhan sắc của Chân thị, đến nỗi bị Tào Tháo bắt tội, đầy đi mài đá nặn gạch.
    Có người cho rằng Bồ Tùng Linh có lẽ cũng đồng ý là mối u tình của Tào Thực đối với Chân Thị là có thật, nên khi ông hư cấu chuyện «Chân Hậu», ông đã để cho Chân Hậu gặp lại Lưu Trinh ở cõi u minh, cho Chân Hậu có dịp báo đền Lưu Trinh, kiếp trước vì nàng mà bị tội oan.
    Truyện «Chân Hậu», trong «Liêu Trai Chí Dị» của Bồ Tùng Linh, có một đọan như thế này:
    « Lưu Trọng Khanh, người đất Lạc Thành, thuở nhỏ tư chất chậm chạp, không được thông minh, lanh lợi, nhưng lại mê say sách vở, điển tịch, thường đóng cửa ở trong nhà một mình để cố công khổ học, không thích tiếp xúc với người ngòai.

    Trả lờiXóa