Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 112 BÌNH TÂN HẦU, CHỦ PHỤ LIỆT TRUYỆN

 https://www.dtv-ebook.com/doconline.php?hash=MTgzODg=#epubcfi(/6/28[id18]!4/2/2/1:0)


SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

QUYỂN 112 

BÌNH TÂN HẦU, CHỦ PHỤ LIỆT TRUYỆN

 

Bình Tân hầu Công Tôn Hoằng

Thừa tướng Công Tôn Hoằng, người huyện Tiết, nước Truy Xuyên, đất Tề, tự là Quý. Thuở trẻ, làm viên ngục lại huyện Tiết, có tội, bị bãi chức. Nhà nghèo, chăn lợn bên biển. Hơn bốn mươi tuổi, bèn học Xuân thu và các loại tạp thuyết. Nuôi mẹ kế rất hiếu thuận, kính cẩn.

Năm Kiến Nguyên thứ nhất, thiên tử mới lên ngôi, chiêu tập kẻ sĩ hiền lương có tài văn học. Năm ấy, Hoằng sáu mươi tuổi, vì là hiền lương nên được trưng dụng làm Bác sĩ. Đi sứ Hung Nô, về báo lại, không hợp ý Hoàng thượng, Hoàng thượng giận, cho là không có tài năng, Hoằng bèn cáo ốm, từ chức trở về.

Năm Nguyên Quang thứ năm, có chiếu trưng cầu kẻ sĩ giỏi văn học, nước Truy Xuyên lại tiến cử Công Tôn Hoằng. Hoằng từ tạ người trong nước rằng: “Tôi từng sang phía tây theo chiếu lệnh, bị cho là không có tài nên xin bãi quan mà về, xin chọn người khác.” Người trong nước cổ tiến cử Hoằng, Hoằng đến chỗ quan Thái thường. Các nho sĩ có đối sách được Thái thường lệnh trưng vời có đến hơn trăm người, Hoằng xếp cuối cùng. Đối sách được trình lên, Hoàng thượng chọn đối sách của Hoằng đứng nhất. Triệu vào triều kiến, thấy tướng mạo rất đẹp, phong làm Bác sĩ. Lúc bấy giờ mở đường đến tây nam di, đặt thành quân, dân Ba Thục khổ sở về việc đó, chiếu sai Hoằng đến thị sát. Trở về báo việc, ra sức cho tây nam di là đất vô dụng, Hoàng thượng không nghe.

Hoằng là người lỗi lạc, hiểu biết rộng, thường cho bệnh của bậc làm vua là không quảng đại, bệnh của bề tôi là không biết kiệm ước. Hoằng mặc áo vải thô, bữa cơm không ăn hai món thịt. Mẹ kế mất, để tang ba năm. Mỗi khi vào triều bàn việc, khơi mở mối manh sự việc, khiến nhà vua tự chọn quyết định, không chịu đối diện tranh luận trong triều. Thế rồi, thiên tử xét sự đôn hậu của Hoằng, có thừa khả năng biện luận, am hiểu văn chương pháp lệnh, sự vụ của quan lại, lại biết điểm chuốt bằng nho thuật, rất thích. Trong vòng hai năm, Hoằng làm đến Tả nội sử. Hoằng tâu việc, việc gì cho là không thể giải quyết, không tranh biện việc đó trong triều. Hoằng từng cùng quan Chủ tước đô úy là Cấp Ảm xin tiếp kiến lúc thanh nhàn, Cấp Ảm nêu việc trước, Hoằng đẩy đưa sau, thiên tử luôn thích thú, nói gì cũng nghe, từ đấy càng thêm thân quý. Từng cùng các công khanh nghị bàn ước định sự việc, nhưng đến trước mặt Hoàng thượng, thảy làm trái ước định, thuận theo ý chỉ của Hoàng thượng. Cấp Ảm vào triều chất vấn Hoằng rằng: “Người Tề phần lớn giảo trá mà không có tình thực, ban đầu bàn với bọn tôi thế này, nay đều đổi thành thế kia, đó là bất trung.” Hoàng thượng hỏi Hoằng, Hoằng tạ lỗi rằng: “Phàm người biết thần thì cho thần là trung, người không biết thần thì cho thần là bất trung.” Hoàng thượng cho lời Hoằng là phải. Các sủng thần bên cạnh Hoàng thượng thường hủy báng Hoằng, Hoàng thượng càng hậu đãi Hoằng.

Năm Nguyên Sóc thứ ba, Trương Âu bị bãi chức, Hoằng được phong làm Ngự sử đại phu. Bấy giờ triều đình thông đường đến Tây Nam Di, phía đông đặt quận Thượng Hải, phía bắc đắp thành Sóc Phương. Hoằng nhiều lần can ngăn, cho là khiến triều Hán mỏi mệt để ban cấp cho vùng vô dụng, xin dừng việc đó. Nhà vua liền sai bọn Chu Mãi Thần nêu mối lợi khi lập quận Sóc Phương để trách vấn Hoằng, hỏi mười điều, Hoằng không đáp được lấy một. Hoằng bèn tạ lỗi rằng: “Kẻ thô lậu ở Sơn Đông này, không biết việc đó có những lợi ấy, xin bỏ những việc ở Tây Nam Di và Thương Hải để tập trung việc ở Sóc Phương.” Hoàng thượng liền đồng ý.

Cấp Ảm nói: “Hoằng địa vị vào hàng tam công, bổng lộc rất nhiều, nhưng lại mặc áo vải thô, đó là giả dối.” Hoàng thượng hỏi Hoằng, Hoằng tạ tội rằng: “Có việc đó. Trong hàng Cửu khanh người thân với thần không ai hơn được Ảm, nhưng nay lại chất vấn Hoằng giữa triều đình, thực sự trùng bệnh của Hoằng. Thân là tam công mà mặc áo vải thô, đúng là khéo giả dối để cầu danh. Vả thần nghe nói Quản Trọng làm Tướng quốc nước Tề, có đài Tam Quy, xa xỉ ngang vua, Hoàn công nhờ ông ta mà thành nghiệp bá, nhưng trên thì tiến vượt nhà vua. Yến Anh làm Tướng quốc cho Cảnh công, bữa ăn không dùng hai món thịt, thiếp không mặc áo tơ, Tề cũng yên trị, như thế là hạ mình sánh với dân. Nay Hoằng thân là Ngự sử đại phu, mà mặc áo vải thô, tự quan Cửu khanh trở xuống cho tới tiểu lại, không có phân biệt, đúng như lời Cấp Ảm nói. Hơn nữa, nếu không có lòng trung của Cấp Ảm, sao bệ hạ nghe được những lời ấy.” Hoàng thượng cho là khiêm nhường, càng thêm hậu đãi, cuối cùng thăng làm Thừa tướng, phong tước Bình Tân hầu.

Hoằng là người hay nghi kỵ, bề ngoài rộng lượng trong lại thâm sâu. Những ai từng có hiềm khích với Hoằng, tuy vờ đối tốt, nhưng ngầm trả miếng. Giết Chủ Phụ Yển, đày Đổng Trọng Thư ra Giao Tây, đều Hoằng ra tay cả. Bữa ăn của Hoằng tuy chỉ một món thịt, gạo chưa tróc vỏ, nhưng bạn bè cũ cho đến tận khách thân thiết, đều nhờ Hoằng chu cấp ăn mặc, Hoằng đem hết bổng lộc chu cấp cho họ, trong nhà không có của dư. Sĩ nhân cũng vì thể coi là người hiền.

Hoài Nam, Hành Sơn mưu phản, đang ráo riết trị tội bọn cùng bè đảng. Hoằng bệnh nặng, tự cho không có công mà được phong hầu, địa vị đến chức Thừa tướng, nên phò tá minh chúa để vỗ yên đất nước, khiến người người đi theo con đường của thần tử. Nay, chư hầu âm mưu làm phản, đó đều do Tể tướng không làm tròn chức phận, sợ ốm rồi chết, không trọn vẹn được chức trách. Bèn dâng thư rằng: “Thần nghe nói, đạo phổ khắp thiên hạ có năm, dùng để thi hành có ba. Thứ bậc vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ, lớn nhỏ, năm điều đó là đạo phổ khắp thiên hạ vậy. Trí, nhân, dũng, ba điều đó là đức phổ rộng trong thiên hạ, dùng để thi hành. Cho nên nói rằng: “Dốc sức làm là gần với nhân, ham học hỏi thì gần với trí, biết liêm sỉ thì gần với dũng"[1]. Biết ba điều đó thì biết tự chế ước bản thân; biết tự chế ước bản thân, sau sẽ biết cách chế ước người khác. Thiên hạ chưa có ai không chế ước được bản thân mà có thể chế ước được người khác, đó là đạo lý trăm đời không đổi vậy. Nay bệ hạ đích thân thi hành đại hiếu, noi gương Tam vương, dựng đạo nhà Chu, kiếm tài Văn vương, Vũ vương, cấp bổng lộc khích lệ người hiền, xét tài năng để trao chức quan. Nay bề tôi là Hoằng, khí chất như con ngựa hèn mỏi mệt, không có công hãn mã, bệ hạ đặc biệt sủng ái cất nhắc vào hàng ngũ, phong làm liệt hầu, đến chức tam công. Hoằng tài đức không đủ để khen ngợi, vốn có bệnh, sợ sớm vùi thân chó ngựa ở ngòi rãnh, rốt cuộc không lấy gì báo đền ơn đức và trọn vẹn chức phận. Nguyện trả lại ấn phong hầu, đem xương tàn trở về, đặng tránh đường cho bậc hiền năng.” Thiên tử trả lời thư rằng: “Xưa nay, thưởng người có công, khen người có đức, giữ thành quả tiền nhân thì chuộng văn, gặp buổi ly loạn thì chuộng võ, chưa từng thay đổi bao giờ. Trẫm vốn hy vọng kế thừa ngôi vị lớn lao, sợ không thể yên, những muốn cùng đại thần cai trị thiên hạ, ông nên biết điều đó. Đại để quân tử ham thiện mà ghét ác, ông hãy cẩn trọng hành sự, luôn ở bên trẫm. Ông chẳng may nhiễm bệnh sương móc, sao lại lo mình không khỏi, dâng thư xin trả tước hầu, đòi đem xương tàn về quê, đó tỏ rõ rằng trẫm không có đức vậy. Nay sự vụ có chút rảnh rang, ông hãy bớt lo nghĩ, tập trung tinh thần, lo việc thuốc thang chữa trị.” Nhân đó ban cho được nghỉ dưỡng cùng thịt bò, rượu, lụa màu. Được mấy tháng, bệnh có phần thuyên giảm, vào triều xử lý công việc.

Năm Nguyên Thú thứ hai, Hoằng ốm, rồi chết khi đang làm Thừa tướng. Con là Độ thừa kế, làm Bình Tân hầu. Độ làm Thái thú Sơn Dương hơn chục năm, vì phạm pháp, bị mất tước hầu.

Chủ Phụ Yển

Chủ Phụ Yển, người Lâm Truy nước Tề, học theo thuyết Tung hoành, tuổi già bèn học Kinh DịchXuân thu, cùng học thuyết bách gia. Yển du học nước Tề, trong các nho sinh, không ai hậu đãi Yển. Các nho sinh nước Tề cùng bài xích ruồng bỏ, khiến Yển không có chỗ dung thân. Yển nhà nghèo, vay mượn không được, liền lên phía bắc du học ở Yên, Triệu, Trung Sơn, đều không được hậu đãi, chịu cảnh rất khốn quẫn nơi đất khách. Khoảng niên hiệu Nguyên Quang năm thứ nhất thời Hiếu Vũ đế, Yển cho là chư hầu không có nước nào đáng đến du học, liền sang phía tây vào quan ải bái kiến Vệ tướng quân[2]. Vệ tướng quân nhiều lần nói với Hoàng thượng, nhưng Hoàng thượng không triệu. Tiền không đủ chi dùng, ở lại lâu ngày, các vương công cùng tân khách phần nhiều ghét bỏ Yển, Yển bèn dâng thư lên triều đình. Buổi sáng thư tấu lên, chiều tối được triệu kiến. Thư của Yển nói chín việc, tám việc về luật lệnh, còn việc khác là can ngăn chinh phạt Hung Nô. Lời thư viết rằng:

“Thần nghe, đấng minh chúa không ghét việc nghiêm túc khuyên can để mở rộng tầm nhìn, bậc trung thần không dám tránh việc bị phạt nặng để can ngăn thẳng thắn, do đó khiến chính sự không thất sách mà công lao truyền lại muôn đời. Nay thần không dám giấu lòng trung, tránh cái chết để hiến kế ngu muội, mong bệ hạ xá tội mà xét soi.

Tư Mã pháp[3] viết: “Nước tuy lớn, hiếu chiến ắt diệt vong; thiên hạ tuy thái bình, quên chiến tranh ắt gặp nguy.” Thiên hạ đã thái bình, thiên tử tấu khúc khải hoàn, xuân thu hai mùa săn bắn, chư hầu mùa xuân chỉnh đốn quân lữ, mùa thu rèn luyện binh sĩ, là để không quên việc chinh chiến. Huống nữa nổi giận là việc trái đức, binh khí là thứ hung hiểm, tranh đấu là thứ tiểu tiết. Bậc nhân quân thời xưa hễ nổi giận ắt phơi thây đổ máu, cho nên thánh vương thận trọng việc đó. Phàm người chuộng chiến tranh, dốc sức vào việc dụng võ, chưa từng có ai không hối hận về sau. Xưa kia, Tần Thủy Hoàng đế dựa uy phong chiến thắng, xâm lấn thiên hạ, thôn tính các nước, thống nhất bốn biển, công ngang thời Tam đại. Chuộng thắng không thôi, muốn đánh Hung Nô, Lý Tự can rằng: 'Không thể đánh được. Hung Nô chỗ ở không có thành quách, không có kho lẫm tích chứa của cải, rời chuyển như chim bay, khó lòng chế phục được. Khinh binh tiến sâu, lương thảo ắt cạn; vận lương đi theo, chở nặng không kịp tiến đánh. Được đất của họ không đủ coi là lợi, được dân của họ không thể sai giữ được. Thắng ắt giết đi, đó không phải cha mẹ dân vậy. Trung nguyên hao phí, Hung Nô thích chí, đó không phải kế sách lâu dài.' Tần Thủy hoàng đế không nghe, bèn sai Mông Điềm đem quân đánh Hồ, mở rộng đất hàng nghìn dặm, lấy Hoàng Hà làm ranh giới. Đất đó vốn mặn, ngũ cốc không mọc. Rồi sau sai tráng đinh trong thiên hạ đến giữ Hà Bắc. Quân đội dãi nắng dầm sương hơn chục năm, chết không kể xiết, rốt cuộc chẳng thể vượt Hoàng Hà lên phía bắc. Há do quần chúng không đông, binh khí không đủ ư? Tình thế không thể làm được vậy. Lại sai người trong thiên hạ vận chuyển lương thảo, xuất phát từ Hoàng, Thùy, Lang Da, men theo các quận ven biển, chuyển đến Bắc Hà, đem ba mươi chung nhưng đến chỉ còn một thạch. Đàn ông vất vả canh tác mà không đủ cung ứng lương thảo, đàn bà dệt sợi không đủ làm màn trướng. Trăm họ mệt mỏi, người cô quả già trẻ không thể nuôi nhau, chết đói đầy đường, nên thiên hạ mới phản Tần vậy.

Đến khi Cao hoàng đế định thiên hạ, thu các đất ở biên giới, nghe tin Hung Nô tụ tập bên ngoài Đại Cốc, muốn tiến đánh chúng. Ngự sử Thành Tiến can rằng: Không thể đánh được. Thói của Hung Nô, tụ lại như thú, phân tán như chim, theo chúng như bắt bóng. Nay đem thịnh đức của bệ hạ để tấn công Hung Nô, thần trộm thấy nguy thay! Cao đế không nghe, liền lên phía bắc đến Đại Cốc, quả bị vây khốn ở Bình Thành. Cao hoàng đế rất hối hận về việc đó, bèn sai Lưu Kính sang kết minh ước hòa thân, sau đó thiên hạ quên việc can qua. Cho nên binh pháp viết: 'Dấy quân mười vạn, ngày mất nghìn vàng.' Tần thường tập hợp mấy chục vạn trọng binh, dẫu có công phá được địch, giết được tướng, bắt sống được Thiền vu, cũng không đủ bù vào phí tổn của thiên hạ. Trên khiến kho phủ trống không, dưới khiến trăm họ mỏi mệt, lại khiến nước ngoài vui thích, đó không phải việc hoàn mỹ. Hung Nô khó chế phục được, không chỉ một đời vậy. Ruổi ngựa đi trộm cướp xâm lấn, coi đó là nghề, tính trời xui nên như thế. Trên thời Ngu, Hạ, Ân, Chu, vốn không bắt thuế khóa lao dịch, xem như cầm thú, không phải con người. Hoàng thượng trên không xét truyền thống đời Ngu, Hạ, Ân, Chu, dưới lại noi theo sai lầm của các đời gần đây, đó là lo lắng lớn của thần, là khó nhọc của trăm họ. Và lại, dùng binh lâu ắt sinh biến, chiến tranh khốn khổ thì lòng người thay đổi. Như thế khiến dân ở biên giới mỏi mệt sầu khổ rồi sinh lòng ly tán, tướng soái quan lại nghi ngờ nhau rồi cấu kết người ngoài, cho nên Úy Đà, Chương Hàm mới thành được mưu riêng. Xét chính trị nhà Tần sở dĩ không thi hành được, vì quyền chia cho hai người, là minh chứng chuyện được mất vậy. Cho nên Chu thư viết: 'Yên hay nguy do ban bố chính lệnh, còn hay mất do cách dùng người.' Xin bệ hạ xét kỹ, để tâm suy nghĩ cho chín chắn.”

Bấy giờ Từ Nhạc người Triệu, Nghiêm An người Tề đều dâng thư nói về quốc sự, mỗi người nói một việc. Từ Nhạc viết:

“Thần nghe nỗi lo của thiên hạ là ở chỗ đất lở, không phải chỗ ngói tan, xưa nay đều thế. Thế nào gọi là đất lở? Cuối thời Tần chính là như vậy. Trần Thiệp không có ngôi cao nghìn cỗ xe, không một thước đất, bản thân không phải hậu duệ của vương công đại thần, danh môn lệnh tộc, không được khen nơi xóm làng, không hiển năng như Khổng tử, Mặc tử[4], Tăng tử[5], không giàu có như Đào Chu[6], Y Đốn[7], mà dấy từ ngõ thẳm, vung kích хе, múa côn, trật vai áo hô lớn mà thiên hạ hùa theo, nguyên do vì đâu? Do dân khốn quẫn mà chúa không thương xót, dưới oán mà trên không hay, lề thói đã loạn mà chính trị không sửa, đó là ba nguyên do khiến Trần Thiệp nổi dậy. Cái đó gọi là đất lở. Cho nên nói nỗi lo của thiên hạ là ở chỗ đất lở. Thế nào gọi là ngói tan? Là nói về quân của Ngô, Sở, Tề, Triệu vậy. Bảy nước âm mưu làm việc đại nghịch, đều xưng hiệu vua có vạn cỗ xe, binh giáp có mấy chục vạn, uy đủ để trị nghiêm trong cõi, của đủ để khuyến khích sĩ dân, nhưng không thể sang tây cướp thước tấc đất nào mà thân còn bị giam cầm ở Trung nguyên, nguyên nhân vì đâu? Không phải quyền bính kém kẻ thất phu, quân binh yếu hơn Trần Thiệp, mà lúc bấy giờ, đức trách của tiên đế chưa sa sút còn dân chúng đông đúc an cư lạc nghiệp, cho nên chư hầu không được bên ngoài giúp đỡ. Như thế gọi là ngói vỡ. Cho nên nói nỗi lo của thiên hạ là ở chỗ ngói vỡ. Từ đó mà xét, thiên hạ nếu thực có thế đất lở, dẫu kẻ sĩ áo vải ở nơi ngõ thẳm, có kẻ cũng cầm đầu làm ác khiến bốn bể lâm nguy, như Trần Thiệp vậy. Huống chi còn những kẻ như vua Tam Tấn! Thiên hạ tuy chưa thịnh trị, nếu không có thế đất lở, dẫu có nước mạnh quân hùng cũng không thể quay gót mà sẽ bị bắt giữ, như Ngô, Sở, Tề, Triệu vậy. Huống hồ quần thần, trăm họ có thể làm loạn ư! Hai điều đó đủ soi tỏ lẽ an nguy, là điều hiền vương cần để tâm và xét kỹ vậy.

Gần đây, ngũ cốc Quan Đông thất bát, mùa màng chưa phục hồi, dân nhiều người cùng khốn, lại thêm chiến tranh ở biên giới, theo ý mà xét, thì dân sẽ có chỗ không yên. Không yên cho nên dễ biến. Dễ biến là cái thế đất lở vậy. Vì thế riêng bậc hiền chúa phải xem gốc của muôn biến, sáng tỏ mấu chốt của an nguy, tu chỉnh từ trên miếu đường, rồi trừ lo khi chưa hình thành. Cốt yếu là khiến thiên hạ không còn cái thế đất lở mà thôi. Cho nên dẫu có nước mạnh quân hùng, bệ hạ cũng có thể đuổi thú đang chạy, bắn chim đang bay, mở rộng khu vườn du ngoạn, mặc sức thưởng lãm, trọn niềm vui ruổi rong, an nhiên tự tại. Bên tai không dứt tiếng vàng đá tơ trúc, trước mặt không thiếu tự tình trong màn trướng và tiếng cười của bọn lùn tịt làm trò, mà thiên hạ chẳng cần lo lắng. Đâu cần danh vọng phải như vua Thang, vua Vũ, đâu cứ phong tục phải như Thành vương, Khang vương! Dẫu vậy, thần trộm cho bệ hạ là bậc thánh trời sinh, tư chất khoan hòa nhân ái, nếu thực coi thiên hạ là trách nhiệm, thì danh vọng của vua Thang vua Vũ không khó so, phong tục của Thành vương Khang vương có thể hưng khởi lại. Làm được hai việc đó, rồi ở chỗ đích thực của tôn quý và yên ổn, phát dương tên tuổi, mở rộng tiếng thơm với đời, thân với thiên hạ mà hàng phục Tứ di, ơn đức dồi dào khiến mấy đời hưng thịnh, quay mặt về nam dựa vào bình phong vén ống tay áo mà vái các vương công, đó là điều bệ hạ cần làm vậy. Thần nghe toan tính nghiệp vương không thành, chí ít cũng đủ để yên định. Yên định thì bệ hạ muốn gì chẳng được, làm gì chẳng xong, đánh đâu chẳng hàng phục được”

Nghiêm An dâng thư nói:

“Thần nghe, nhà Chu có thiên hạ, cai trị hơn ba trăm năm, thời Thành vương và Khang vương thì thịnh trị, hơn bốn mươi năm không dùng đến hình phạt. Tới khi suy vi, cũng hơn ba trăm năm, cho nên Ngũ bá thay nhau dấy lên. Ngũ bá thường phò tá thiên tử hưng lợi trừ hại, giết bạo ngăn tà, chấn chỉnh bốn biển, để tôn thiên tử. Ngũ bá đã mất, hiền thánh không ai nối, thiên tử đơn độc yếu thế, hiệu lệnh không được thi hành. Chư hầu mặc ý hành sự, mạnh hiếp yếu, đông ép ít, Điền Thường cướp quyền nước Tề, Lục khanh chia phần nước Tấn, đều thành các nước chiến tranh, là lúc mở đầu nỗi khốn khổ của dân. Thế rồi nước mạnh chuộng việc đánh dẹp, nước yếu chỉ lo phòng giữ, hợp tung liên hoành, ruổi xe đánh nhau, giáp trụ sinh chấy rận[8], dân không biết tố khổ với ai.

Đến thời Tần vương, xâm lấn thiên hạ, thôn tính các nước, xưng hiệu là Hoàng đế, thâu tóm chính sự trong bốn biển, phá hủy thành quách của chư hầu, tiêu hủy vũ khí của họ, đúc thành chuông và giá chuông, để tỏ rằng không dùng đến nữa. Dân lành tránh được đất nước chiến tranh, may gặp thiên từ sáng suốt, người người cho là được sống lại. Giả sử nhà Tần giảm hình phạt, nhẹ thuế khóa, bớt lao dịch, quý nhân nghĩa, rẻ quyền lợi, chuộng trung hậu, bớt trí xảo, thay đổi phong tục, giáo hóa bốn biển, ắt đời đời được yên vậy. Nhà Tần không thi hành theo phong khí đó, mà nói tục cũ, người giỏi trí xảo, tranh được quyền thì cất nhắc, người trung hậu thành tín thì bị ngăn chặn; pháp luật hà khắc, chính lệnh, khắt khe, kẻ xu nịnh nhiều, hằng ngày chỉ nghe tán dương, tâm ý ngày càng kiêu ngạo. Muốn ra uy ngoài bốn biển, bèn sai Mông Điềm đem quân lên phía bắc đánh Hồ, mở rộng đất đai, đóng quân ở Bắc Hà, mau chóng vận lương theo sau. Lại sai quan Úy là Đồ Tuy đem quân lâu thuyền[9] xuống phía nam đánh Bách Việt, sai Giám Lộc đào kênh vận lương, tiến sâu vào Việt, người Việt lẩn trốn. Dùng dằng lâu ngày, lương thực cạn kiệt, người Việt tấn công, quân Tần đại bại. Nhà Tần bèn sai Uý Đà đem quân đóng ở nước Việt. Bấy giờ, mối họa của Tần là phía bắc đối địch người Hồ, phía nam mắc phải nước Việt, trú quân tại vùng đất vô dụng, chỉ tiến mà không thể lui. Qua hơn chục năm, trai đinh mặc giáp, nữ đinh vận lương, khổ không sống nổi, tự kết liễu trên cây bên đường, người chết khắp nơi. Đến khi Hoàng đế nhà Tần băng hà, thiên hạ làm phản. Trần Thắng, Ngô Quảng dấy ở đất Trần, Vũ Thần, Trương Nhĩ khởi ở nước Triệu, Hạng Lương dấy binh ở nước Ngô, Điền Đam khởi binh ở nước Tề, Cảnh Câu dấy binh ở đất Dĩnh, Chu Thị dấy binh ở nước Ngụy, Hàn Quảng dấy binh ở nước Yên, các hào kiệt nơi núi sâu hang thẳm cũng đều nổi dậy, không sao chép hết. Nhưng đều không phải hậu duệ của công hầu, chẳng phải thuộc lại của trưởng quan. Không có thế lực gì, nổi lên từ xóm ngõ, cầm kích nắm côn, nhân thời thế mà đều hành động, không mưu tính mà cùng nổi dậy, không hẹn ước mà cùng hội họp, đánh chiếm đất đai, làm đến bá vương, do thời cuộc khiến nên như vậy. Nhà Tần sang thì có ngôi thiên tử, giàu thì có cả thiên hạ, nhưng bị tuyệt diệt không được tế tự, là vì cái họa lạm dùng vũ lực. Cho nên nhà Chu mất vì yếu, nhà Tần mất vì mạnh, họa là do không biết biến thông vậy.

Nay muốn chiêu dụ nam di, khiến nước Dạ Lang vào chầu, hàng phục người Khương người Bặc, chiếm lấy Uế Châu, xây dựng thành ấp, tiến sâu vào Hung Nô, thiêu hủy Long Thành của họ, những người bàn nghị tán dương việc đó. Đó là cái lợi cho bề tôi, không phải kế sách lâu dài của thiên hạ. Nay, Trung nguyên không còn kinh sợ khi nghe chó sủa, nhưng bên ngoài thì phiền lụy vì phòng bị ở phương xa, khiến quốc gia mỏi mệt, không phải cách để yêu thương chúng dân. Thi hành điều ham muốn khôn cùng, vui lòng thỏa ý, kết oán với Hung Nô, không phải cách để giữ yên biên cương. Họa kết lại mà không cởi, quân nghỉ rồi lại dùng đến, người gần thì sầu khổ, kẻ xa thì kinh sợ, đó không phải cách để giữ lâu. Nay thiên hạ chế giáp mài gươm, vót tên trữ nỏ, vận chuyển lương thảo, chưa lúc nào ngơi, đó là nỗi lo chung của thiên hạ vậy. Phàm dùng binh lâu thì sinh biến, việc phiền nhiều thì sinh lo. Nay, đất các quận ngoài có chỗ rộng mấy nghìn dặm, thành ấp mấy mươi tòa, khống chế các đất, uy hiếp chư hầu bên cạnh, đó không phải cái lợi cho tông thất. Trước xem nguyên nhân diệt vong của Tề và Tấn, do tông thất suy yếu, Lục khanh cực thịnh; sau xem nguyên nhân diệt vong của nhà Tần, do hình pháp khắc nghiệt, dục vọng khôn cùng. Nay quyền của Quận thú, không chỉ quan trọng như Lục khanh; đất mấy nghìn dặm, không chỉ dựa vào nơi xóm ngõ; giáp binh khí giới, không chỉ dựa vào dùng kích dùng côn; nếu gặp phải biến cố muôn đời có một, dẫu tránh không nói đến cũng không thể được vậy.”

Thư trình tấu lên thiên tử, thiên tử triệu kiến ba người, bảo rằng: “Các ông ở đâu? Sao gặp nhau muộn thế!” Thế rồi Hoàng thượng bèn phong Chủ Phụ Yên, Từ Nhạc, Nghiêm An làm Lang trung. [Yển] nhiều lần tấn kiến, dâng sớ bàn việc, hạ chiếu phong làm Yết giả, rồi thăng làm Trung đại phu. Trong một năm, Yển được thăng chức bốn lần.

Yển nói với Hoàng thượng rằng: “Thời xưa, chư hầu không rộng quá trăm dặm, hình thế mạnh yếu dễ dàng khống chế. Nay chư hầu có nước có mấy chục thành liên tiếp, đất vuông ngàn dặm, lúc bình thường thì kiêu sa dễ dâm loạn, lúc nguy cấp thì cậy mạnh rồi họp nhau để phản nghịch triều đình. Nay dùng pháp luật để cắt bớt đi, thì liền manh tâm phản nghịch, chuyện Triều Thố trước đây là như thế đó. Nay con em chư hầu có nước đến hàng chục, nhưng con đích được kế vị, còn lại tuy là cốt nhục, nhưng không có một thước một tấc đất phong, vậy thì đạo nhân hiếu không được tuyên dương. Xin bệ hạ lệnh cho chư hầu được mở rộng ân điển cho con em, đem đất phong hầu cho. Bọn họ ai nấy được như ý nguyện, Hoàng thượng thi hành ân đức, thực chất là chia nhỏ nước họ, không tước bỏ mà khiến họ dần yếu.” Thế là Hoàng thượng theo kế sách đó. Lại nói với Hoàng thượng rằng: “Mậu Lăng[10] mới lên ngôi, các hào kiệt giàu có trong thiên hạ, cùng dân chúng làm loạn, đều dời đến Mậu Lăng, trong làm tăng thực lực của kinh sư, ngoài để tiêu trừ bọn gian hoạt, đó gọi là không giết mà hại được trừ.” Hoàng thượng lại theo kế đó.

Tôn lập Vệ hoàng hậu, đến chuyện phát giác việc kín của Yên vương Định Quốc, đại khái Yến cũng có công[11]. Đại thần đều sợ miệng lưỡi ông ta, phải hối lộ tặng ngàn vàng. Có người nói với Yển rằng: “Quá hoành hành rồi.” Chủ Phụ đáp: “Tôi búi tóc du học hơn bốn mươi năm, bản thân không được thỏa nguyện, cha mẹ không coi là con, anh em không chịu thu nhận, còn tân khách bỏ rơi tôi, tôi nguy khốn từ lâu rồi. Và bậc trượng phu khi sống không được ăn năm vạc[12], thì chết cũng phải dùng năm vạc mà nấu. Tôi đường xa trời tối, cho nên làm việc theo lối trái ngược bạo liệt.”

Yển ra sức nói về sự phì nhiêu của đất Sóc Phương, bên ngoài có Hoàng Hà ngăn trở, Mông Điềm đắp thành để đuổi Hung Nô, bên trong bớt được người vận chuyển, đồn thú, chở theo đường thủy, mở rộng cương giới Trung nguyên, diệt được gốc của người Hồ. Hoàng thượng nghe thuyết đó, giao cho công khanh bàn nghị, đều nói không tiện lợi. Công Tôn Hoằng nói: “Thời Tần thường phát động ba mươi vạn quân đắp thành ở Hà Bắc, rốt cuộc không thành, thế rồi phải bỏ.” Chủ Phụ Yển vẫn cố thuyết về sự tiện lợi của kế hoạch đó, cuối cùng Hoàng thượng theo kế của Yển, lập quận Sóc Phương.

Năm Nguyên Sóc thứ hai, Chủ Phụ Yển nói về chuyện Tề vương trong cung gian dâm, làm việc tà vạy, Hoàng thượng phong Chủ Phụ Yển làm Tướng quốc nước Tề. [Chủ Phụ Yển] đến nước Tề, triệu hết anh em tân khách, phát năm trăm cân vàng cho họ, trách rằng: “Lúc xưa ta nghèo, anh em không cho ta cái ăn cái mặc, tân khách không cho ta vào cổng; nay ta làm Tướng quốc nước Tề, các ông nghênh đón ta, có người đón từ nghìn dặm. Ta với các ông tuyệt giao rồi, đừng vào cổng của Yển nữa?” Bèn sai người đem việc Tề vương thông gian với chị gái, đánh động Tề vương, Tề vương cho là trước sau không thoát được tội, sợ bị xử chết như Yên vương, bèn tự sát. Quan hữu ty báo lên triều đình.

Hồi đầu khi Chủ Phụ còn là kẻ áo vải, từng du học Yên và Triệu, đến khi hiển quý, liền cáo giác việc nước Yên. Triệu vương sợ Yển sẽ là mối họa của nước mình, định dâng thư nói việc riêng của Yển, nhưng vì Yển làm quan trong triều, không dám tố cáo. Đến khi Yển làm Tướng quốc nước Tề, ra khỏi Quan Trung, liền sai người dâng thư, cáo giác Chủ Phụ Yển nhận vàng của chư hầu, vì thế nên con em chư hầu nhiều người được phong thưởng. Đến khi Tề vương tự sát, Hoàng thượng nghe tin cả giận, cho rằng Chủ Phụ uy hiếp Tề vương khiến ông ta tự sát, bèn triệu hồi giao cho pháp quan luận tội. Chủ Phụ thừa nhận việc nhận vàng của chư hầu, nhưng không uy hiếp khiến Tề vương phải tự sát. Hoàng thượng định không giết, bấy giờ Công Tôn Hoằng làm Ngự sử đại phu, bèn nói: “Tề vương tự sát không người nối dõi, nước phong bị phế thành quận, nhập vào nhà Hán, Chủ Phụ Yển vốn đầu têu việc ác, bệ hạ không giết Chủ Phụ Yển, không lấy gì để tạ lỗi thiên hạ.” Thế là giết cả họ Chủ Phụ Yển.

Lúc Chủ Phụ Yển đang giàu sang, được sủng ái, tân khách có hàng nghìn, đến khi bị giết cả họ, không một ai đến thu dọn chôn cất, chỉ có Hào Khổng Xa dọn dẹp mai táng. Hoàng thượng sau khi biết việc, cho Khổng Xa là bậc trưởng giả.

Thái sử công bàn rằngCông Tôn Hoằng tuy có tu dưỡng đức hạnh, đạo nghĩa nhưng cũng là gặp thời. Nhà Hán hưng khởi hơn tám mươi năm, Hoàng thượng đang cùng chuộng văn học, chiêu vời hiền tài, để mở rộng đạo Nho, Mặc, Hoằng được cất nhắc đứng đầu. Chủ Phụ Yển đương nắm quyền, các công khanh đều khen ngợi, đến khi danh tiếng bị mất, bản thân bị giết, kẻ sĩ đua nhau kể xấu. Đáng buồn thay!

Thái hoàng thái hậu hạ chiếu cho Đại tư đồ, Dại tư không rằng:

“Từng nghe: Đạo trị quốc, khởi đầu là khiến dân giàu; cốt yếu của việc khiến dân giàu là ở chỗ tiết kiệm. Sách Hiếu kinh viết: 'Khiến trên được yên, dân được trị, không gì tốt hơn lễ'[13]. 'Lễ mà xa xỉ, kiệm ước còn hơn'. [14] Xưa, Quản Trọng phò tá Tề Hoàn công, làm bá chư hầu, có công chín lần hội hợp chư hầu, một phen khuông phò thiên hạ, nhưng Trọng Ni bảo ông ta không biết lễ, vì ông quá xa xỉ, như thể nhà vua vậy. Hạ Vũ làm cung thất thấp, mặc quần áo xấu, các bậc thánh đời sau không noi theo. Do đó mà nói, cai trị đạt đến thịnh vượng, đức trạch dồi dào, không gì hơn là tiết kiệm. Dùng sự cần kiệm để giáo hóa dân, thì trên dưới có thứ bậc, ơn cốt nhục lại thêm thân, gốc của việc tranh tụng sẽ dứt. Như thế nhà nhà người người được đầy đủ, là gốc của việc không cần dùng đến hình phạt chăng? Há không chuyên chú ư! Tam công đứng đầu bách quan, là khuôn mẫu của muôn dân. Chưa từng có chuyện cây thẳng mà bóng cong. Khổng tử chẳng nói đấy ư, 'Ngài dẫn dắt bằng sự chính đáng thì ai dám không chính đáng'[15], 'Cất nhắc người thiện mà giáo hóa người kém thì người ta khuyến khích nhau noi theo'[16]. Từ khi nhà Hán hưng khởi đến nay, các trọng thần thân cận đích thân thi hành kiểm ước, khinh tài trọng nghĩa, biểu hiện rõ ràng thì không ai sánh bằng Thừa tướng trước đây là Bình Tân hầu Công Tôn Hoằng vậy. Chức vị Thừa tướng mà mặc áo vải, ăn cơm gạo xay, bữa không quá một món thịt. Với bạn cũ và tân khách thân thiết, đều chia bổng lộc cấp phát cho họ, không có của nả dư thừa. Thực là trong tự giản ước, ngoài theo chế độ. Cấp Ảm chất vấn ông ta, việc mới truyền đến triều đình, đó có thể gọi là giảm chế độ mà có thể thi hành vậy. Đức trạch dồi dào mới làm được, nếu không thì không thể làm được, so với người trong thì xa xỉ ngoài thì giả dối để được lời khen, thực rất khác nhau. Vì có bệnh nên xin cáo lão hồi hương, Hiếu Vũ hoàng đế liền có lời chế rằng: 'Thưởng có công, khen có đức, thích điều thiện, ghét điều ác, ông nên biết điều đó. Hãy bớt lo nghĩ, di dưỡng tinh thần, dùng thuốc thang chữa trị.' Ban cho được trị bệnh, thịt bò, rượu, cùng các thứ lụa. Được mấy tháng, bệnh khỏi, lại lo xử lý công việc. Đến năm Nguyên Thú thứ hai, mất khi đang ở chức Thừa tướng. Biết bề tôi không ai bằng vua, đó là minh chứng vậy. Con của Hoằng là Độ thừa kế tước phong, sau làm Thái thú Sơn Dương, vì phạm pháp, bị mất tước hầu. Ôi, tỏ đức hiển nghĩa, dùng để dẫn dắt phong tục, thi hành giáo hóa, chế độ của thánh vương, là đạo không đổi vậy. Ban cho những người có thể nối tước vị trong số con cháu của Công Tôn Hoằng tước Quan nội hầu, thực ấp ba trăm hộ, cho xe ngựa triệu đến, ghi tên chuyển lên quan Thượng thư, trẫm sẽ đích thân gặp mặt phong tước.”

Ban Cố xưng tụng rằng:

“Công Tôn Hoằng, Bốc Thức, Nghệ Khoan đều có đôi cánh của chim hồng nhưng bị khốn trong bầy én sẻ, lẩn khuất xa xôi trong đám lợn dê, không gặp được thời, sao có thể đạt đến địa vị đó? Lúc ấy nhà Hán hưng khởi được hơn sáu mươi năm, bốn bể yên bình, kho lẫm đầy đủ, nhưng Tứ di chưa vào chầu, chế độ còn nhiều thiếu khuyết, Hoàng thượng đang muốn tuyển dùng người tài văn võ, cầu mà như không tìm được. Bắt đầu dùng xe lót bánh bằng cỏ bồ[17] để đón Mai Sinh, gặp được Chủ Phụ Yển rồi than thở[18]. Quần thần hâm mộ hướng về, người có tài lạ cùng ra phụ tá. Bốc Thức được cất nhắc từ chăn nuôi, Hoằng Dương được cất nhắc từ buôn bán, Vệ Thanh được cất nhắc từ thân phận nô bộc, Nhật Bị xuất thân là tù binh, họ cũng như hạng đắp tường, nuôi trâu thuở trước vậy[19]. Nhà Hán thu dụng được nhiều nhân tài nhất từ trước đến nay. Nho nhã có Công Tôn Hoằng, Đổng Trọng Thư, Nghệ Khoan; tín cẩn có Thạch Kiến, Thạch Khánh; chất phác chính trực có Cấp Ảm, Bốc Thức; tiến cử người hiền có Hàn An Quốc, Trịnh Đương Thì; chế định pháp lệnh có Triệu Vũ, Trương Thang; văn chương có Tư Mã Thiên, Tương Như; hoạt kê có Đông Phương Sóc, Mai Cao; ứng đối có Nghiêm Trợ, Chu Mãi Thần; lịch số có Đường Đô, Lạc Hạ Hoành; âm luật có Lý Diên Niên; tính toán có Tang Hoằng Dương; đi sứ thì có Trương Khiên, Tô Vũ; tướng soái có Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh; nhận di chiếu có Hoắc Quang, Kim Nhật Bi. Ngoài ra không sao ghi hết. Vì thế tạo nên công danh sự nghiệp, chế độ văn chương, đời sau không theo kịp. Hiếu Tuyên đế kế thừa đạo thống, tu chỉnh sự nghiệp to lớn, giảng luận Lục nghệ, chiêu vời lựa chọn anh tài, rồi Tiêu Vọng Chi, Lương Khâu Hạ, Hạ Hầu Thắng, Vi Huyền Thành, Nghiêm Bành Tổ, Doãn Canh Thủy nhờ nho thuật nên được tiến dụng; Lưu Hướng, Vương Bao nhờ văn chương mà được rạng danh. Tướng võ tướng văn có Trường An Thế, Triệu Sung Quốc, Ngụy Tương, Bỉnh Cát, Vu Định Quốc, Đỗ Diên Niên; trị dân có Hoàng Bá, Vương Thành, Cung Toại, Trịnh Hoằng, Thiệu Tín Thần, Hàn Diên Thọ, Doãn Ông Quy, Triệu Quảng Hán, đều có công tích hậu thế ghi nhận. Các bậc danh thần khác, đều xuất hiện sau vậy.”

 

 

Chú thích.

[1] biết liêm sỉ thì gần với dũng. Là lời Khổng tử, chép trong sách Trung dung của nhà nho.

[2] Vệ tướng quân Tức tướng quân Vệ Thanh.

[3] Tư Mã pháp: một bộ binh thư thời cổ, tương truyền do Khương Tử Nha soạn.

[4] Mặc tử: tức Mặc Địch, người khai sáng phái Mặc gia, chủ trương kiêm ái.

[5] Tăng tử: tức Tăng Sâm, cao đồ của Khổng tử, là người phát huy tư tưởng của thầy truyền cho hậu thế qua sách Đại học (sau liệt vào bộ Tứ thư: Đại họcTrung dungLuận ngữMạnh tử.

[6] Đào Chu: tức Phạm Lãi, người nước Việt thời Xuân thu, sau khi giúp Việt vương Câu Tiễn đánh bại Ngô vương Phù Sai, rồi cho Câu Tiễn không phải là người có thể chung hưởng thái bình, bèn thoái ẩn, đổi tên là Si Di Tử Bì, làm nghề buôn bán, trở nên hết sức giàu có. Do ông chuyển đến đất Đào nên được gọi là Đào Chu công, hay Đào Chu.

[7] Y Đốn: một đại phú thương thời Chiến quốc. Có sách cho ông người nước Lỗ, được Đào Chu công dạy cho nghề chăn nuôi, sau nhờ đó mà trở nên hết sức giàu có.

[8] Giáp trụ sinh chấy rận. Ý nói chiến tranh liên miên không dứt.

[9] Lâu thuyền: một dạng chiến thuyền thời cổ.

[10] Mậu Lăng: chỉ Hán Vũ đế.

[11] đại khái Yến cũng có công: Hán Vũ đế ban đầu lấy nàng Trần Kiều, rất yêu, lập làm Hoàng hậu, nhưng Tử Kiều không có con. Sau, Hán Vũ đế sủng ái nàng Vệ Tử Phu, Tử Phu sinh được con trai, Vũ đế lập Tử Phu làm Hoàng hậu.

Yên vương Lưu Định Quốc vốn người tông thất nhà Hán, tư thông với mẹ kế, đoạt vợ của em, việc bị phát giác, bị giết. Ở đây, tác giả các trên đều có sự can thiệp của Chủ Phụ Yển.}

[12] không được ăn năm vạc. Ý nói được hưởng lộc của hàng đại phu.

[13] Dẫn theo chương thứ 12 "Quảng yếu đạo" của sách Hiếu kinh.

[14] Đoạn này dẫn lời Khổng tử trả lời Lâm Phỏng người nước Lỗ hỏi về gốc của lễ, chép trong thiên "Bát dật" sách Luận ngữ.

[15] Đoạn này là lời Khổng tử trả lời Quý Khang từ người nước Lỗ, chép trong thiên "Nhan Uyên". sách Luận ngữ.

[16] Đoạn này là lời Khổng tử trả lời Quý Khang từ nước Lỗ, chép trong thiên "Vị chính" sách Luận ngữ.

[17] Xưa, dùng xe bọc bánh bằng cỏ bồ đón hiền sĩ để xe chạy thêm êm, nhằm tỏ rõ niềm trận trọng đối với người hiền tài.

[18] Chỉ việc Hoàng đế nhà Hán khi gặp được Chủ Phụ Yển liền than thở là gặp được Yển quá muộn.

[19] Tương truyền Phó Duyệt thời nhà Thương từ người đắp tường rồi được trọng dụng, làm đến Tể tướng; Ninh Thích thời Xuân thu từ người chăn trâu rồi làm đến thượng khanh.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét