Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

QUYỂN 111 VỆ TƯỚNG QUÂN, PHIÊU KỴ LIỆT TRUYỆN

 

SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)

Phạm Văn Ánh dịch

Hoắc Khứ Bệnh (140-117 TCN)


QUYỂN 111 

VỆ TƯỚNG QUÂN, PHIÊU KỴ LIỆT TRUYỆN

Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh

Đại tướng quân Vệ Thanh, người ở Bình Dương, cha là Trịnh Quý, làm chức lại, giúp việc trong nhà Bình Dương hầu, tư thông với hầu thiếp Vệ Ảo của Bình Dương hầu, sinh ra Thanh. Anh cùng mẹ với Thanh là Vệ Trưởng Tử, còn chị là Vệ Tử Phu ở nhà Công chúa Bình Dương, được thiên tử sủng ái, nên Thanh mạo nhận họ Vệ. Thanh tự Trọng Khanh. Trưởng Tử lại có tự là Trưởng Quân. Mẹ của Trưởng Quân là Vệ Ảo. Con gái lớn của Ảo là Vệ Nhụ, con gái thứ là Thiếu Nhi, con gái út là Tử Phu. Sau, em trai của Tử Phu là Bộ, Quảng cũng mạo nhận họ Vệ.

Thanh làm gia nhân nhà Bình Dương hầu, thuở nhỏ theo cha, cha sai đi chăn dê. Các con của người mẹ đã chết đều coi Thanh như nô bộc, không xem là anh em. Thanh từng theo vào phòng ốc trong cung Cam Tuyền, có tội đồ bị phạt đóng gông sắt nói với Thanh rằng: “Người sang quý thay, sẽ làm quan đến tước hầu.” Thanh cười nói: “Người do nô bộc sinh ra, không bị roi vọt chửi mắng là đủ rồi, sao mà được phong hầu!”

Thanh lớn lên, làm kỵ sĩ trong nhà Bình Dương hầu, theo Công chúa Bình Dương. Mùa xuân năm Kiến Nguyên thứ hai, chị Thanh là Tử Phu được sủng ái nên vào cung. Hoàng hậu là con gái của Đường Ấp Đại trưởng Công chúa, không có con, đố kỵ. Đại trưởng công chúa nghe tin Vệ Tử Phu được sủng, mang thai, sinh lòng ganh ghét, bèn sai người bắt Thanh. Bấy giờ Thanh giúp việc cung Kiến Chương, chưa ai biết đến. Đại trưởng Công chúa bắt Thanh bỏ tù, định giết. Bạn của Thanh là Kỵ lang Công Tôn Ngao cùng các tráng sĩ đến cứu được, vì thế Thanh thoát chết. Hoàng thượng biết chuyện, bèn triệu Thanh vào làm giám sát trong cung Kiến Chương, rồi làm Thị trung, được hiển quý như các anh em cùng mẹ, trong mấy ngày được thưởng đến ngàn vàng. Nhụ làm vợ của Thái bộc Công Tôn Hạ. Thiếu Nhi trước tư thông với Trần Chưởng, Hoàng thượng triệu Chưởng vào, cho làm quan hiển quý. Từ đấy Công Tôn Ngao càng thêm hiển quý. Tử Phu làm Phu nhân[1]. Thanh làm Thái trung đại phu.

Năm Nguyên Quang thứ năm, Thanh làm Xa kỵ tướng quân, đi đánh Hung Nô, dẫn quân ra Thượng Cốc; Thái bộc Công Tôn Hạ làm Khinh xa tướng quân, đem quân ra Vân Trung; Thái trung đại phu Công Tôn Ngao làm Kỵ tướng quân, đem quân ra Đại Quận; Vệ úy Lý Quảng làm Kiêu kỵ tướng quân, đem quân ra Nhạn Môn, mỗi cánh một vạn quân kỵ. Thanh đến Long Thành, chém được mấy trăm đầu giặc. Kỵ tướng quân là Ngao mất bảy nghìn kỵ binh; Vệ úy Lý Quảng bị giặc bắt, trốn thoát về, đều đáng tội chém, được chuộc tội làm dân thường. Công Tôn Hạ cũng không lập được công gì.

Mùa xuân năm Nguyên Sóc thứ nhất, Vệ phu nhân sinh con trai, được lập làm Hoàng hậu. Mùa thu năm ấy, Thanh làm Xa kỵ tướng quân, đem quân ra Nhạn Môn, thống lãnh ba vạn kỵ binh đánh Hung Nô, chém được mấy nghìn địch. Năm sau, Hung Nô vào giết Thái thú Liêu Tây, bắt được hơn hai nghìn người ở Ngư Dương, đánh bại quân của Hàn tướng quân. Nhà Hán lệnh cho tướng quân Lý Tức đánh chúng, đem quân ra đất Đại; lệnh Xa kỵ tướng quân Vệ Thanh dẫn quân ra Vân Trung, sang phía tây, đến Cao Khuyết. Bèn cướp đất Hà Nam, kéo đến Lũng Tây, bắt chém được mấy nghìn địch, bắt mấy chục vạn súc vật, khiến Bạch Dương, Lâu Phiền vương phải bỏ chạy. Bèn lập đất Hà Nam thành quận Sóc Phương. Lấy ba nghìn tám trăm hộ phong cho Thanh làm Trường Bình hầu. Hiệu úy của Thanh là Tô Kiến có công, đem một nghìn một trăm hộ phong cho Kiến làm Bình Lăng hầu, sai đắp thành Sóc Phương. Hiệu úy của Thanh là Trương Thử Công có công, phong làm Ngạn Đầu hầu. Hoàng thượng nói: “Hung Nô đi ngược lẽ trời, làm loạn nhân luân, bạo ngược với tôn trưởng và người già, chuộng thói trộm cắp, lừa dối các tộc man di, ngấm ngầm bàn mưu, cậy có binh lực, nhiều lần xâm hại biên giới, cho nên phải dấy binh khiển tướng, để hỏi tội chúng. Kinh Thi chẳng có ghi: 'Bởi đánh Hiểm Duẫn, kéo đến Thái Nguyên', 'Xuất xe kìn kìn, đắp thành phương bắc'. Nay Xa kỵ tướng quân Vệ Thanh vượt Tây Hà đến Cao Khuyết, chém được hai nghìn ba trăm thủ cấp, xe lương, súc vật, của cải đều thu làm chiến lợi phẩm, đã được phong hầu, bèn phía tây bình định đất Hà Nam, chiếu theo biên ải Du Khê xưa, cắt đứt Tử Lĩnh, bắc cầu qua Bắc Hà, thảo phạt Bồ Ni, phá tan Phù Ly, chém quân khinh kỵ tinh nhuệ của địch, bắt được ba nghìn bảy mươi mốt tên ẩn trốn, tra hỏi rồi bắt được đông đảng, lùa hơn trăm vạn ngựa bò dê về, bảo toàn được quân binh về, phong thêm cho Thanh ba nghìn hộ.” Năm sau, Hung Nô vào giết Thái thú Đại Quận là Hữu, vào bắt hơn nghìn người ở Nhạn Môn. Năm tiếp sau, Hung Nô đem đại quân vào đất Đại, Định Tương Thượng Quận, bắt giết mấy nghìn người Hán.

Năm sau, mùa xuân năm Nguyên Sóc thứ năm, nhà Hán lệnh cho Xa kỵ tướng quân Vệ Thanh đem ba vạn quân kỵ ra Cao Khuyết; Vệ úy Tô Kiến làm Du kích tướng quân, Tả nội sử Lý Trở làm Cường nỗ tướng quân, Thái bộc Công Tôn Hạ làm Kỵ tướng quân, Thừa tướng nước Đại là Lý Sái làm Khinh xa tướng quân, đều thuộc quyền chỉ huy của Xa kỵ tướng quân, cùng ra Sóc Phương; Đại hành lệnh Lý Tức, Ngạn Đầu hầu Trương Thứ Công làm tướng quân, đem quân ra Hữu Bắc Bình, cùng tấn công Hung Nô. Hữu hiền vương của Hung Nô chống lại bọn Vệ Thanh, cho là quân Hán không thể kéo đến, uống rượu say. Quân Hán ban đêm kéo đến, bao vây Hữu hiền vương, Hữu hiền vương kinh sợ, đương đêm chạy trốn, đi theo chỉ có một ái thiếp và mấy trăm tráng kỵ, phá vây chạy về phía bắc. Khinh xa hiệu úy nhà Hán là bọn Quách Thành đuổi mấy trăm dặm, không kịp, bắt được hơn chục Tỳ vương của Hữu hiền vương, hơn một vạn năm nghìn nam nữ, cùng mấy nghìn mấy trăm vạn súc vật, rồi dẫn quân về. Đến biên ải, thiên tử sai sứ giả cầm ấn đại tướng quân, phong cho Xa kỵ tướng quân Vệ Thanh làm đại tướng quân ngay trong quân doanh, các tướng đều thuộc quyền chỉ huy của đại tướng quân, đại tướng quân lập hiệu lệnh rồi đem quân về. Thiên tử nói: “Đại tướng quân Vệ Thanh đích thân thống lãnh quân sĩ, ra quân thắng lớn, bắt được hơn chục tiểu vương của Hung Nô, phong thêm cho Thanh sáu nghìn hộ.” Rồi phong các con Thanh là Kháng làm Nghi Xuân hầu, Bất Nghi làm Âm An hầu, Đăng làm Phát Can hầu. Thanh cố từ tạ, nói: “Thần may được đứng trong đội ngũ thân tín, nhờ thần uy của bệ hạ, quân đội đại thắng, đều nhờ các Hiệu úy ra sức chiến đấu. Bệ hạ gia ơn cho Thanh, các con Thanh còn trong tã địu, chưa từng lao khổ lập công, Hoàng thượng gia ơn cắt đất cho ba người tước hầu, đó không phải chú ý của thần khi đứng trong đội ngũ thân tín, khuyến khích quân sĩ ra sức chiến đấu vậy. Ba người bọn Kháng sao dám nhận trước phong!" Thiên tử nói: “Ta không quên công của các Hiệu úy, nay hãy liệu việc này đã.” Bàn triệu các Ngự sử vào nói: “Hộ quân Đô úy Công Tôn Ngao ba lần theo đại tướng quân đi đánh Hung Nô, thường làm Hộ quân, giúp các Hiệu úy bắt được tiểu vương Hung Nô, nay lấy năm nghìn một trăm hộ phong cho Ngao làm Cáp Kỵ hầu. Đô úy Hàn Duyệt theo đại tướng quân ra Dũ Hồn, đến tận vương đình của Hữu hiền vương Hung Nô, chiến đấu dưới cờ đại tướng quân, bắt được các tiểu vương, cắt một nghìn ba trăm hộ phong Duyệt làm Long Ngạch hầu. Kỵ tướng quân Công Tôn Hạ theo đại tướng quân bắt được các tiểu vương, cắt một nghìn ba trăm hộ phong cho Hạ làm Nam Giáo hầu. Khinh xa tướng quân Lý Sái hai lần theo đại tướng quân bắt được các tiểu vương, cắt một nghìn sáu trăm hộ phong cho Sái làm Lạc An hầu. Hiệu úy Lý Sóc, Hiệu úy Triệu Bất Nguy, Hiệu úy Công Tôn Nhung Nô, mỗi người đều ba lần theo đại tướng quân đi bắt được các tiểu vương, cắt một nghìn ba trăm hộ phong Sóc làm Thiệp Chỉ hầu, cắt một nghìn ba trăm hộ phong cho Bất Nghi làm Tùy Thành hầu, cắt một nghìn ba trăm hộ phong cho Nhung Nô làm Tòng Bình hầu. Tướng quân Lý Trở, Lý Tức cùng Hiệu úy Đậu Như Ý có công, ban tặng tước quan nội hầu, mỗi người hưởng thực ấp ba trăm hộ.” Mùa thu năm ấy, Hung Nô vào đất Đại, giết Đô úy Chu Anh.

Mùa xuân năm sau, đại tướng quân Vệ Thanh đem quân ra Định Tường, Cáp Kỵ hầu là Ngao làm Trung tướng quân, Thái bộc là Hạ làm Tả tướng quân, Hấp hầu Triệu Tín làm Tiền tướng quân, Vệ úy Tô Kiến làm Hữu tướng quân, Lang trung lệnh Lý Quảng làm Hậu tướng quân, Hữu nội sử Lý Trở làm Cường nỗ tướng quân, đều thuộc quyền đại tướng quân chỉ huy, chém được mấy nghìn thủ cấp rồi rút về. Hơn tháng sau, lại cùng kéo ra Định Tương đánh Hung Nô, chém được hơn vạn địch. Hữu tướng quân là Kiến, Tiền tướng quân là Tín cùng hơn ba nghìn kỵ binh gặp quân của Thiền vu, giao chiến hơn một ngày, quân Hán tổn thất gần hết. Tiền tướng quân vốn là người Hồ, đầu hàng Hấp hầu, bị nguy, Hung Nô dụ hàng, liền đem khoảng tám trăm quân kỵ còn lại, sang hàng Thiền vu. Hữu tướng quân Tô Kiến mất gần hết quân, một mình trốn thoát, về trình diện đại tướng quân. Đại tướng quân hỏi bọn Quân chính là Hoành, Trưởng sử là An, Nghị lang là Chu Bá: “Kiến đáng tội gì?” Bá đáp: “Từ khi đại tướng quân xuất quân, chưa từng chém thuộc tướng. Nay Kiến bỏ quân, đáng chém để tỏ rõ uy phong tướng quân.” Hoằng và An nói: “Không phải. Binh pháp nói: 'Quân ít dẫu giữ vững, vẫn bị đại địch bắt.' Nay Kiến đem mấy nghìn mà chọi mấy vạn quân của Thiền vu, dốc sức giao chiến hơn một ngày, quân sĩ chết hết, không dám hai lòng, tự quay về. Tự quay về mà bị chém, là khiến người sau không có ý về nữa. Không nên chém.” Đại tướng quân nói: “Thanh may được đứng trong hàng ngũ thân tín của triều đình, không lo không có uy, nhưng Bá nói ta phải tỏ uy, rất trái ý ta. Thêm nữa chức phận của ta dẫu có thể chém tướng, song vì sự tôn sủng của mình nên ta không dám tự ý giết tướng ở ngoài biên cảnh, hãy đưa về để Hoàng thượng tự định đoạt, như thế để bệ hạ thấy kẻ làm tôi không dám chuyên quyền, chẳng cũng phải lẽ sao?" Chư vị quân lại đều nói: “Phải”. Bèn giam Kiến vào xe tù giải về, vừa vào biên tái liền bãi binh.

Năm ấy, con chị gái đại tướng quân Hoắc Khứ Bệnh mười tám tuổi, được sủng ái, làm Thị trung của thiên tử. Hoắc Khứ Bệnh giỏi cưỡi ngựa bắn cung, hai lần theo đại tướng quân, vâng chiếu tham dự cùng các tráng sĩ, làm Phiêu diêu hiệu úy, cùng tám trăm quan khinh kỵ kiêu dũng tách khỏi đại quân mấy trăm dặm để giành chiến công, bắt chém được nhiều quân địch. Thế nên thiên tử nói: “Phiêu diêu hiệu úy Khứ Bệnh chém được hai nghìn hai mươi tám tên, cùng Tướng quốc, Đương hộ chém được hàng tổ phụ của Thiền vu là Tịch Nhược Hầu Sản, bắt sống chú út của Thiền vu là La Cô Tỷ, hai lần đứng công đầu trong quân, cắt một nghìn sáu trăm hộ phong cho Khứ Bệnh làm Quán Quân hầu. Thái thú Thượng Cốc là Hác Hiền bốn lần theo đại tướng quân, bắt chém được hơn hai nghìn địch, cắt một nghìn một trăm hộ phong Hiền làm chúng Lợi hầu.” Năm đó, tổn thất mất quân của hai tướng quân, mất Hấp hầu, quân công không nhiều, cho nên đại tướng quân không được phong thêm. Hữu tướng quân là Kiến bị giải đến, Hoàng thượng không giết, xá tội, chuộc làm dân thường.

Sau khi đại tướng quân về, được tặng nghìn vàng. Lúc này Vương phu nhân đang được Hoàng thượng sủng ái, Ninh Thừa khuyên Đại tướng quân rằng: “Nguyên do tướng quân công lao chưa nhiều mà được hưởng vạn hộ, ba con trai cũng được phong hầu, đều nhờ Hoàng hậu vậy. Nay Vương phu nhân được sủng ái nhưng tông tộc chưa giàu sang, xin tướng quân đem nghìn vàng được ban để chúc thọ song thân Vương phu nhân.” Đại tướng quân bèn đem năm trăm cân vàng chúc thọ. Thiên tử biết chuyện, hỏi đại tướng quân, đại tướng quân thực tình đáp lại, Hoàng thượng bèn phong Ninh Thừa làm Đô úy Đông Hải.

Trương Khiên theo đại tướng quân, do từng đi sứ Đại Hạ, bị giữ lại lâu ở Hung Nô, dẫn đường cho quân, biết rõ chỗ có nước và cỏ, nên quân không bị đói khát, nhân trước đó đi sứ nước phương xa có công, được phong làm Bác Vọng hầu.

Quán Quân hầu Hoắc Khứ Bệnh được phong hầu ba năm, mùa xuân năm Nguyên Thú thứ hai, phong Quán Quân hầu Khứ Bệnh làm Phiêu kỵ tướng quân, đem một vạn kỵ binh ra Lũng Tây, lập được chiến công. Thiên tử nói: “Phiêu kỵ tướng quân thống lãnh quân sĩ vượt qua núi Ô Lệ, thảo phạt Tốc Bốc, lội sông Hồ Nô, kinh qua năm nước, không cướp xe lương cùng dân chúng của những kẻ đã biết sợ phục, mong bắt được con của Thiền vu. Sáu ngày di chuyển tác chiến, qua núi Yên Chi hơn nghìn dặm, giáp chiến với địch, giết Chiết Lan vương, chém Lô Hồ vương, giết toàn quân địch, bắt được con trai Hồ Da vương cùng Tướng quốc, Đô úy, giết hơn tám nghìn quân địch, tịch thu người vàng tế trời của Hưu Chư, phong thêm cho Khứ Bệnh hai nghìn hộ.”

Mùa hè năm ấy, Phiêu kỵ tướng quân và Cáp Kỵ hầu là Ngao cùng đem quân ra Bắc Địa, chia đường tiến quân; Bác Vọng hầu Trương Khiên, Lang trung lệnh Lý Quảng cũng đem quân ra Hữu Bắc Bình, chia đường tiến quân: cùng đánh Hung Nô. Lang trung lệnh đem bốn nghìn kỵ binh đến trước, Bác Vọng hầu đem một vạn quân kỵ tới sau. Tả hiền vương của Hung Nô đem mấy vạn quân kỵ bao vây Lang trung lệnh, Lang trung lệnh giao chiến hai ngày, quân chết quá nửa, nhưng cũng giết được rất nhiều. Bác Vọng hầu đem quân đến, quân Hung Nô rút lui. Bác Vọng hầu hành sự chậm trễ, đáng chém, chuộc tội làm dân thường. Còn Phiêu kỵ tướng quân ra Bắc Địa, đã tiến sâu vào đất địch, lạc đường với Cáp Kỵ hầu, không gặp được nhau. Phiêu kỵ tướng quân vượt núi Cư Diên, đến núi Kỳ Liên, bắt được rất nhiều địch. Thiên tử nói: “Phiêu kỵ tướng quân vượt núi Cư Diên, rồi qua Tiểu Nguyệt Chi, tấn công núi Kỳ Liên, bắt được Tù Đồ vương, hai nghìn một trăm địch đầu hàng, chém được ba vạn hai trăm thủ cấp, bắt được năm tiểu vương và mẹ của năm tiểu vương, bắt được Yên chi của Thiền vu và các vương tử cả thảy năm mươi chín người, hàng Tướng quốc, Tướng quân, Đương hộ, Đô úy tổng cộng sáu mươi ba người, đại quân tổn thất ba phần mười, gia phong cho Khứ Bệnh năm nghìn hộ. Ban tặng Hiệu úy đã theo đến Tiểu Nguyệt Chi tước Tả thứ trưởng. Ưng kích tư mã Phá Nô hai lần theo Phiêu kỵ tướng quân chém được Tốc Bốc vương, bắt Kê Tư vương, Thiên kỵ tướng bắt được tiểu vương cùng mẹ của tiểu vương, hàng vương tử trở xuống cả thảy bốn mươi mốt người, bắt được ba nghìn ba trăm ba mươi địch, lần đi trước bắt được bốn nghìn một trăm địch, cắt một nghìn năm trăm hộ phong cho Phá Nô làm Tòng Phiêu hầu. Hiệu úy Cầu vương Cao Bất Thức theo Phiêu kỵ tướng quân bắt được vương tử Đồ Vương của Hô Vu trở xuống mười một người, bắt được một nghìn bảy trăm sáu mươi tám tên địch, cắt một nghìn một trăm hộ phong cho Bất Thức làm Nghi Quán hầu. Hiệu úy Bộc Đa có công, phong làm Huy Cừ hầu.” Cáp Kỵ hầu là Ngao tiến quân chậm trễ, không hội quân được với Phiêu kỵ tướng quân, đáng chém, chuộc tội làm dân thường. Tướng sĩ, binh mã thuộc quyền các lão tướng không bằng Phiêu kỵ, Phiêu kỵ thường qua chọn lựa kỹ càng, phải dám tiến sâu vào đất địch, thường cùng quân kỵ mạnh đi trước đại quân, quân cũng được trời giúp, chưa từng bị khốn quẫn tuyệt vọng. Còn các lão tướng thường hành động chậm chạp, tuột mất thời cơ. Do đó Phiêu kỵ ngày càng được thân cận hiển quý, sánh ngang đại tướng quân.

Mùa thu năm ấy, Thiền vu giận Hồn Da vương cư trú ở phía tây nhưng nhiều lần bị quân Hán đánh, thiệt hại mấy vạn người vì quân của Phiêu kỵ. Thiền vu giận, định triệu Hồn Da vương về giết. Hồn Da vương cùng bọn Hưu Chư vương bàn mưu định hàng nhà Hán, sai người đến biên giới báo tin. Bấy giờ Đại hành Lý Tực đắp thành phía trên sông Hà, gặp sứ giả của Hồn Da vương, liền ruổi ngựa truyền tin. Thiên tử nghe tin, sợ chúng trá hàng rồi đánh úp biên giới, bèn lệnh Phiêu kỵ tướng quân đem quân nghinh đón. Phiêu kỵ vượt qua Hoàng Hà, đối diện với quân của Hồn Da vương. Tỳ tướng của Hồn Da vương thấy quân Hán mà nhiều người không muốn hàng, có ý bỏ trốn. Phiêu kỵ liền phóng ngựa vào quân doanh Hồn Da vương gặp mặt, chém tám nghìn người định bỏ trốn, rồi sai một mình Hồn Da vương ngồi xe dịch trạm sang nhà Hán, đem hết quân vượt qua sông Hà, quân hàng có mấy vạn, nói phao lên mười vạn. Đến Trường An, thiên tử ban thưởng cho mấy chục vạn. Phong cho Hồn Da vương vạn hộ, làm Tháp Âm hầu. Phong cho tỳ tướng Hô Độc Ni làm Hạ Ma hầu, Ưng Tý làm Huy Cừ hầu, Cầm Lê làm Hà Kỳ hầu, Đại đường hộ Đồng Ly làm Thường Lạc hầu. Thế rồi thiên tử khen ngợi công của Phiêu kỵ tướng quân rằng: “Phiêu kỵ tướng quân Khứ Bệnh thống lĩnh quân đội tấn công Tây Vực vương của Hung Nô là Hồn Da vương, vương cùng quần chúng ban đầu đều muốn bỏ chạy, bèn đem quân lương tiếp tế, lại đem hơn vạn cung thủ giết những kẻ hung hãn bỏ trốn, giết được hơn tám nghìn quân địch, hàng phục được ba mươi vua nước khác, quân sĩ không bị thương tổn, mười vạn quân chúng trong lòng đều phục, vẫn phải vất vả chiến đấu, từ biên tái Hoàng Hà, cơ hồ không còn mối lo, may được yên ổn dài lâu. Cắt một nghìn bảy trăm hộ phong thêm cho Phiêu kỵ tướng quân.” Giảm nửa số lính thú ở Lũng Tây, Bắc Địa, Thượng Quận, để bớt lao dịch cho thiên hạ.

Một thời gian sau, lại chia những người đã hàng dời ra ở năm quận ngoài biên tái trước đây, đều ở Hà Nam, nhân phong tục cũ, cho làm thuộc quốc của nhà Hán. Năm sau, Hung Nô xâm phạm Hữu Bắc Bình, Định Tương, bắt giết hơn nghìn người.

Năm tiếp sau, thiên tử cùng các tướng bàn rằng: “Hấp hầu Triệu Tín vạch kế sách cho Thiền vu, thường cho quân Hán không thể vượt sa mạc, ở lại một cách dễ dàng được, nay huy động đại quân tiến đánh, tình thế đó ắt được như ý muốn.” Khi ấy là năm Nguyên Thú thứ tư.

Mùa xuân năm Nguyên Thú thứ tư, Hoàng thượng lệnh cho đại tướng quân Vệ Thanh, Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh mỗi người mang năm vạn kỵ binh, bộ binh và mấy chục vạn quân vận chuyển theo sau, còn binh sĩ nào dám ra sức chiến đấu, tiến sâu vào đất địch đều thuộc quyền chỉ huy của Phiêu kỵ. Phiêu kỵ lúc đầu muốn ra Định Tương để cự với Thiền vu. Bắt được tù binh, nói Thiền vu ở phía đông, triều đình bèn đổi lệnh, sai Phiêu kỵ ra Đại Quận, lệnh Đại tướng quân ra Định Tương Lang trung lệnh làm Tiền tướng quân, Thái bộc làm Tả tướng quân, Chủ tước Triệu Thực Kỳ làm Hữu tướng quân, Bình Dương hầu là Tương làm Hậu tướng quân, đều thuộc quyền Đại tướng quân. Quân binh lập tức vượt sa mạc, nhân mã cả thảy năm vạn kỵ binh, cùng bọn Phiêu kỵ tướng quân đánh Thiền vu Hung Nô. Triệu Tín vì Thiền vu bàn mưu rằng: “Quân Hán đã vượt sa mạc, người ngựa mỏi mệt, Hung Nô có thể ngồi mà thu tai địch[2].” Liền đem các xe lương lánh xa tận miền bắc, đem hết tinh binh chờ ở phía bắc sa mạc. Đúng lúc quân của đại tướng quân ra khỏi biên ải trên nghìn dặm, thấy quân Thiền vu bày trận đợi sẵn, thế là đại tướng quân lệnh cho chiến xa vây xung quanh làm doanh trại, rồi tung năm nghìn quân kỵ sang đánh Hung Nô. Hung Nô cũng tung hàng vạn quân kỵ. Đúng lúc mặt trời sắp lặn, gió lớn nổi lên, cát tạt vào mặt, quân hai bên không trông thấy nhau, quân Hán lại tung thêm hai cánh quân tả hữu bao vây Thiền vu. Thiền vu thấy quân Hán đông, quân ngựa lại mạnh, nếu đánh ắt Hung Nô bất lợi, trời tối, Thiền vu liền ngồi xe sáu con loa kéo, cùng mấy trăm quân kỵ mạnh, xông thẳng vòng vây quân Hán ở hướng tây bắc mà chạy. Trời đã tối, quân Hán và Hung Nô hỗn chiến, thương vong đại để ngang nhau. Tù binh do Tả hiệu úy quân Hán bắt được nói trời chưa tối Thiền vu đã bỏ trốn, quân Hán nhân đó huy động khinh kỵ ban đêm đuổi theo, đại tướng quân theo sau. Quân Hung Nô cũng tan chạy. Về sáng, đi được hơn hai trăm dặm, không bắt được Thiền vu, nhưng bắt giết được hơn vạn địch, rồi kéo đến thành Triệu Tín ở núi Điền Nhan, thu được quân lương tích trữ của Hung Nô. Quân Hán lưu lại một ngày rồi rút, đốt hết lương thảo còn lại trong thành rồi về.

Lúc đại tướng quân giao chiến với Thiền vu thì quân của Tiền tướng quân là Quảng, Hữu tướng quân là Thực Kỳ chia nhau theo đường phía đông, có lúc lạc đường, chậm mất cơ hội đánh Thiền vu. Đại tướng quân dẫn quân về qua phía nam sa mạc, gặp được Tiền tướng quân và Hữu tướng quân. Đại tướng quân định sai sứ về báo, lệnh Trưởng sử căn cứ tội trạng ghi trong văn thư, xét hỏi Tiền tướng quân là Quảng, Quảng tự sát. Hữu tướng quân về triều, bị giao cho pháp quan, chuộc tội làm dân thường. Quân của Đại tướng quân vào quan ải, trước sau bắt chém được một vạn chín nghìn địch.

Lúc ấy quân Hung Nô mất Thiền vu trong hơn chục ngày, Hữu lộc lãi vương nghe tin đó, tự lập làm Thiền vu. Sau Thiền vu tìm được quân chúng, Hữu vương bèn bỏ danh hiệu Thiền vu.

Phiêu kỵ tướng quân cũng chỉ huy năm vạn kỵ binh, xe cộ, tương đương đại tướng quân, nhưng không có tỳ tướng. Dùng bọn Lý Cảm làm Đại hiệu, nắm quyền tỳ tướng, kéo quân ra đất Đại, Hữu Bắc Bình trên nghìn dặm, tiến thẳng đến quân cánh tả của Hung Nô, bắt chém địch, lập công nhiều hơn cả Đại tướng quân. Quân rút về, thiên tử nói: “Phiêu kỵ tướng quân Khứ Bệnh cầm quân, đích thân chỉ huy quân sĩ bắt được của bộ tộc Huân Chúc, cho ít của cải, chặn sa mạc lớn, vượt sông Chương Cừ mới phá được, lại giết Tỷ Xa Kỳ, chuyển sang đánh Tả đại tướng, đoạt được cờ trống, vượt qua Ly Hầu. Qua sông Cung Lư, bắt được bọn Đốn Đầu vương, Hàn vương gồm ba người, hàng Tướng quân, Tướng quốc, Đương hộ, Đô úy tám mươi ba người, tế trời trên núi Lang Cư Tư, tế thần đất ở núi Cô Diễn, lên núi trông ra Hàn Hải. Bắt được bảy vạn bốn trăm bốn mươi ba tù binh, quân mang đi thiệt hại ba phần mười, lấy được lương thảo của địch, đem quân đi đánh rất xa mà không hết lương thảo, cắt năm nghìn tám trăm hộ phong thêm cho Phiêu kỵ tướng quân.” Thái thú Hữu Bắc Bình là Lộ Bác Đức thuộc Phiêu kỵ tướng quân chỉ huy, hội quân ở Dư Thành, không lỡ hẹn, theo đến núi Đào Đồ, bắt giết được hai nghìn bảy trăm địch, cắt một nghìn sáu trăm hộ phong cho Bác Đức làm Phù Ly hầu. Đô úy Bắc Địa là Hình Sơn theo Phiêu kỵ tướng quân bắt được tiểu vương của Hung Nô, cắt một nghìn hai trăm hộ phong cho Sơn làm Nghĩa Dương hầu. Những người trước đã quy thuận là Nhân Thuần vương Phục Lục Chi, Lâu Chuyên vương Y Tức Côn, đều theo Phiêu kỵ tướng quân, có công, cắt một nghìn ba trăm hộ phong cho Phục Lục Chi làm Tráng hầu, cắt một nghìn tám trăm hộ phong cho Y Tức Côn làm Chúng Lợi hầu. Tòng Phiêu hầu Phá Nô, Xương Vũ hầu An Kê theo Phiêu kỵ tướng quân, có công, phong thêm cho mỗi người ba trăm hộ. Hiệu úy là Cảm thu được cờ trống của địch, được làm quan nội hầu, thực ấp hai trăm hộ. Hiệu úy Từ Tử Vi, tước Đại thứ trưởng. Nhiều lại tốt trong quân được làm quan, ban thưởng. Còn Đại tướng quân không được phong thêm, các lại tốt trong quân không ai được phong hầu.

Khi hai đạo quân ra biên ải, số ngựa quan và ngựa tư là mười bốn vạn, nhưng số ngựa lúc đại quân vào ải không đầy ba vạn. Bèn đặt thêm chức Đại tư mã, Đại tướng quân và Phiêu kỵ tướng quân đều làm Đại tư mã. Định ra luật lệnh, Phiêu kỵ tướng quân được phẩm trật và bổng lộc ngang hàng Đại tướng quân. Từ đấy về sau, Đại tướng quân Vệ Thanh ngày càng sụt giảm, còn Phiêu kỵ tướng quân ngày càng hiển quý. Những bạn cũ hoặc môn hạ của đại tướng quân phần lớn bỏ đi phụng sự Phiêu kỵ tướng quân, liền được quan tước, chỉ có Nhâm An không chịu đi.

Phiêu kỵ tướng quân là người ít nói, không hay biểu lộ, nhưng có chí khí, dám làm. Thiên tử từng định dạy binh pháp của Tôn tử, Ngô Khởi cho, Phiêu kỵ tướng quân đáp: “Cốt mưu lược thế nào mà thôi, không cần phải học theo binh pháp thời cổ.” Thiên tử xây dựng phủ đệ cho, lệnh Phiêu kỵ tướng quân đến xem, đáp rằng: “Chưa diệt Hung Nô, không tính đến việc nhà vậy.” Từ đó Hoàng thượng càng thêm tin yêu, quý trọng. Nhưng lúc ít tuổi làm Thị trung, quen biển quý, nên không chú ý đến binh sĩ. Khi dẫn quân xuất chinh, thiên tử sai Thái quan mang cho mấy chục cỗ xe, lúc về, xe chở gạo thịt thừa mứa nhưng quân sĩ lại có người chết đói. Khi ở ngoài biên tái, sĩ tốt thiếu lương ăn, có người không dậy nổi, nhưng Phiêu kỵ tướng quân vẫn kẻ vạch trên đất để chơi bóng da. Có nhiều việc tương tự như vậy. Đại tướng quân là người nhân ái thiện lương, lấy hòa nhã nhún nhường làm vui lòng Hoàng thượng, nhưng thiên hạ chưa có ai khen.

Ba năm sau khi Phiêu kỵ tướng quân xuất quân năm Nguyên Thú thứ tư, chết vào năm Nguyên Thú thứ sáu. Thiên tử rất thương tiếc, huy động quân giáp sắt ở thuộc quốc dàn hàng từ Trường An đến Mậu Lăng, dựng mộ làm tượng ở núi Kỳ Liên. Ban cho thụy, kết hợp vũ dũng và công lao mở đất, gọi là Cảnh Hoàn hầu. Con trai là Thiện, nối tước hầu. Thiện nhỏ tuổi, tự Tử hầu, được Hoàng thượng yêu quý, những mong sau khi trưởng thành sẽ cho làm tướng. Được sáu năm, năm đầu niên hiệu Nguyên Phong, Thiện chết, thụy là Ai hầu. Không có con, tuyệt tự, nước phong bị phế.

Từ sau khi Phiêu kỵ tướng quân chết, con trưởng của đại tướng quân là Nghi Xuân hầu Kháng phạm pháp, bị mất tước hầu. Năm năm sau, hai người em của Kháng là Âm An hầu Bất Nghi cùng Phát Can hầu là Đăng đều mắc tội dâng vàng khi tế lễ sai quy định, bị mất tước hầu. Hai năm sau khi mất tước hầu, nước phong của Quán Quân hầu bị phế. Bốn năm sau, đại tướng quân Vệ Thanh chết, thụy là Liệt hầu. Con trai là Kháng thay làm Trường Bình hầu.

Từ sau khi đại tướng quân bao vây Thiền vu, được mười bốn năm thì chết. Rốt cuộc không đánh Hung Nô lần nào nữa, vì ngựa nhà Hán ít, mà phía nam thì diệt hai nước Việt, phía đông chinh phạt Triều Tiên, đánh người phương và người di ở phía tây nam, vì thế nhiều năm không đánh người Hồ.

Do đại tướng quân lấy Bình Dương trưởng Công chúa nên Trường Bình hầu là Kháng được thay tước hầu. Được sáu năm, phạm pháp bị mất tước hầu.

Dưới đây là chiến công của hai đại tướng quân cùng các tỳ tướng:

Thống kê lại, đại tướng quân Vệ Thanh, trước sau bảy lần đi đánh Hung Nô, bắt chém được trên năm vạn địch. Lần thứ nhất giao chiến với Thiền vu, thu được đất Hà Nam, rồi lập quận Sóc Phương, lại được phong thêm, cả thảy một vạn một nghìn tám trăm hộ. Phong ba con trai tước hầu, mỗi người được hưởng một nghìn ba trăm hộ. Gộp lại là một vạn năm nghìn bảy trăm hộ. Các Hiệu úy, tỳ tướng do theo đại tướng quân nên được phong hầu gồm chín người. Tỳ tướng cùng các Hiệu úy đã làm tướng gồm mười bốn người. Tỷ tướng Lý Quảng có truyện riêng. Những người không có truyện riêng gồm:

Công Tôn Hạ

Tướng quân Công Tôn Hạ, người ở Nghĩa Cừ, tiên tổ dòng dõi người Hồ. Cha Hạ là Hồn Da, thời Cảnh đế làm Bình Khúc hầu, phạm pháp nên mất tước hầu. Thời Vũ đế còn là Thái tử, Hạ làm Xá nhân. Vũ đế lên ngôi được tám năm, lấy thân phận Thái bộc, làm Khinh xa tướng quân, đóng quân ở Mã Ấp. Bốn năm sau, lấy thân phận Khinh xa tướng quân đem quân ra Vân Trung. Năm năm sau, lấy thân phận Kỵ tướng quân theo đại tướng quân, có công, được phong làm Nam Giáo hầu. Một năm sau, lấy thân phận Tả tướng quân, lại theo đại tướng quân ra Định Tường, không lập được công. Bốn năm sau, do dâng vàng khi tế lễ sai quy định, bị mất tước hầu. Tám năm sau, lấy thân phận là Phù Tư tướng quân dẫn quân ra Ngũ Nguyên hơn hai nghìn dặm, không lập được công. Tám năm sau, lấy thân phận là Thái bộc, làm Thừa tướng, được phong Cát Dịch hầu. Hạ bảy lần làm tướng quân đi đánh Hung Nô tuy không có công lớn nhưng hai lần được phong hầu, làm đến Thừa tướng. Do liên quan đến việc con trai là Kinh Thanh gian tình với Công chúa Dương Thạch, dùng thuật vu cổ, bị giết cả họ, không người nối dõi.

Lý Tức

Tướng quân Lý Tức, người Úc Chất. Phụng sự Cảnh đế. Đến khi Vũ đế lên ngôi được tám năm, làm Tài quan tướng quân, đóng quân ở Mã Ấp; sáu năm sau, làm tướng quân, đem quân ra đất Đại; ba năm sau, làm tướng quân, theo đại tướng quân ra Sóc Phương, đều không lập được công. Trước sau ba lần làm tướng quân, sau từng làm chức Đại hành lệnh.

Công Tôn Ngao

Tướng quân Công Tôn Ngao, người Nghĩa Cừ. Lấy thân phận quan Lang thờ Vũ đế. Vũ đế lên ngôi được mười hai năm, làm Kỵ tướng quân, kéo quân ra đất Đại, tổn thất mất bảy nghìn quân, đáng chém, chuộc tội làm dân thường. Năm năm sau, lấy thân phận Hiệu uý theo đại tướng quân, có công, được phong làm Cáp Kỵ hầu. Một năm sau, lấy thân phận Trung tướng quân theo Đại tướng quân, hai lần ra Định Tường, không lập được công. Hai năm sau, làm tướng quân đem quân ra Bắc Địa, trễ hẹn với Phiêu kỵ tướng quân, đáng chém, chuộc tội làm dân thường. Hai năm sau, lấy thân phận Hiệu úy theo đại tướng quân, không lập được công. Mười bốn năm sau, lấy thân phận Nhân Vu tướng quân đắp thành Thụ Hàng. Bảy năm sau, lại lấy thân phận Nhân Vu tướng quân lại dẫn quân đánh Hung Nô, đến Dư Ngô, thiệt hại nhiều sĩ tốt, bị giao cho pháp quan, đáng chém, vợ chết, trốn đi sống trong dân gian năm sáu năm. Sau bị phát giác, bị bắt. Liên quan đến việc vợ dùng thuật vu cổ, bị giết cả họ. Trước sau bốn lần làm tướng quân, đi đánh Hung Nô, một lần được phong hầu.

Lý Trở

Tướng quân Lý Trở, người Vân Trung, thờ Cảnh đế. Vũ đế lên ngôi được mười bảy năm, lấy thân phận Nội sử làm Cường nỗ tướng quân. Một năm sau, lại làm Cường nỗ tướng quân.

Lý Sái

Tướng quân Lý Sái, người Thành Kỷ. Phụng sự Hiếu văn đế, Cảnh đế, Vũ đế. Lấy thân phận Khinh xa tướng quân theo đại tướng quân, có công, được phong làm Lạc An hầu. Rồi làm đến Thừa tướng, phạm pháp rồi chết.

Trương Thứ Công

Tướng quân Trương Thứ Công, người Hà Đông. Lấy thân phận Hiệu úy theo tướng quân Vệ Thanh, có công, được phong làm Ngạn Đầu hầu. Sau đó, Thái hậu băng hà, làm tướng quân, đóng quân ở bắc quân. Một năm sau, làm tướng quân, theo đại tướng quân, lại làm tướng quân, phạm pháp nên mất tước hầu. Cha Thứ Công là Long, là người vũ dũng thiện xạ trong quân khinh xa vậy. Vì giỏi bắn cung, được Cảnh đế sủng ái, thân cận.

Tô Kiến

Tướng quân Tô Kiến, người Đỗ Lăng. Lấy thân phận Hiệu uý theo tướng quân Vệ Thanh, có công, làm Bình Lăng hầu, lấy thân phận tướng quân đắp thành Sóc Phương. Bốn năm sau, làm Du kích tướng quân, theo đại tướng quân ra Sóc Phương. Một năm sau, lấy thân phận Hữu tướng quân lại theo đại tướng quân ra Định Tương, Hấp hầu trốn mất, mất cả quân binh, đáng chém, được chuộc tội làm thường dân. Sau đó làm Thái thú Đại Quận, rồi chết, mộ tại làng Đại Do.

Triệu Tín

Tướng quân Triệu Tín, lấy thân phận Tướng quốc của Hung Nô ra hàng, được làm Hấp hầu. Vũ đế lên ngôi được mười bảy năm, làm Tiền tướng quân, giao chiến với Thiền vu, thua trận, hàng Hung Nô.

Trương Khiên

Tướng quân Trương Khiên, vì đi sứ Đại Hạ, trở về, được làm Hiệu úy. Theo đại tướng quân, có công, phong làm Bác Vọng hầu. Ba năm sau, làm tướng quân, đem quân ra Hữu Bắc Bình, sai hẹn, đáng chém, được chuộc tội làm dân thường. Sau đó đi sứ Ô Tôn, làm Đại hành lệnh rồi chết, mộ tại Hán Trung.

Triệu Thực Kỳ

Tướng quân Triệu Thực Kỳ, người Đoạt Hu. Vũ đế lên ngôi được hai mươi hai năm, lấy thân phận Chủ tước làm Hữu tướng quân, theo đại tướng quân ra Định Tường, lạc đường, đáng tội chém, được chuộc tội làm dân thường.

Tào Tương

Tướng quân Tào Tương, lấy thân phận Bình Dương hầu làm Hậu tướng quân, theo đại tướng quân ra Định Tương. Tương là cháu nội Tào Tham vậy.

Hàn Duyệt

Tướng quân Hàn Duyệt, cháu dòng thứ của Cung Cao hầu. Lấy thân phận Hiệu úy theo đại tướng quân, có công, được làm Long Ngạch hầu, do dâng vàng phục vụ lễ tế không đúng quy định, bị mất tước hầu. Năm Nguyên Đỉnh thứ sáu, lấy thân phận Đãi chiếu làm Hoành hải tướng quân, đánh Đông Việt có công, được làm Án Đạo hầu. Năm Thái Sơ thứ ba, làm Du kích tướng quân, đồn quân ở các thành ngoài Ngũ Nguyên. Làm Quang lộc huân, đào tượng gỗ bùa phép ở cung Thái tử, bị Vệ thái tử giết chết.

Quách Xương

Tướng quân Quách Xương, người Vân Trung. Lấy thân phận Hiệu úy theo đại tướng quân. Năm Nguyên Phong thứ tư, lấy thân phận Thái trung đại phu làm Bạt Hồ tướng quân, đóng đồn ở Sóc Phương. Trở về đánh Côn Minh, không có công, bị tước ấn tín.

Tuân Trệ

Tướng quân Tuân Trệ, người Quảng Võ, Thái Nguyên. Vì giỏi đánh xe nên được tiến kiến, làm Thị trung, rồi Hiệu úy, nhiều lần theo đại tướng quân. Năm Nguyên Phong thứ ba, làm Tả tướng quân đi đánh Triều Tiên, không có công. Do bắt Lâu thuyền tướng quân, phạm pháp, xử tội chết..

Thống kê lại, Phiêu kỵ tướng quân Khứ Bệnh, trước sau sáu lần xuất quân đánh Hung Nô, trong đó bốn lần làm tướng quân, bắt chém được hơn mười một vạn địch. Đến khi Hồn Da vương đem mấy vạn quân đầu hàng, liền khai mở đất Tửu Tuyền, Hà Tây, khiến phía tây ngày càng ít bị Hồ xâm phạm. Bốn lần được phong thêm, trước sau được phong một vạn năm nghìn một trăm hộ. Các Hiệu úy, quan lại có công được phong tước hầu gồm sáu người, rồi sau có hai người làm tướng quân.

Lộ Bác Đức

Tướng quân Lộ Bác Đức, người Bình Châu. Lấy thân phận Thái thú Hữu Bắc Bình theo Phiêu kỵ tướng quân, có công, được phong làm Phù Ly hầu. Sau khi Phiêu kỵ tướng quân chết, Bác Đức lấy thân phận Hiệu úy làm Phục ba tướng quân, chinh phạt, phá được Nam Việt, được phong thêm. Về sau do phạm pháp, mất tước hầu. Làm Cường nỗ đô úy, đóng đồn ở Cư Diên, rồi chết.

Triệu Phá Nô

Tướng quân Triệu Phá Nô, vốn người Cửu Nguyên. Từng trốn sang Hung Nô, rồi về hàng Hán, làm Tư mã của Phiêu kỵ tướng quân. Lúc ra Bắc Địa có công, được phong làm Tòng Phiêu hầu. Do dâng vàng trong lễ tế không đúng quy định, bị mất tước hầu. Một năm sau, làm Hung Hà tướng quân, đánh Hồ đến sông Hung Hà, không lập được công. Hai năm sau, đánh bắt được Lâu Lan vương, lại được phong làm Trác Dã hầu. Sáu năm sau, làm Tuấn Kê tướng quân, chỉ huy hai vạn kỵ binh đánh Tả hiền vương của Hung Nô, Tả hiền vương giao chiến với Phá Nô, đem tám vạn kỵ binh bao vây, Phá Nô bị bắt sống, rồi mất hết quân. Ở Hung Nô mười năm, lại cùng Thái tử là An Quốc trốn về nhà Hán. Sau do liên quan đến thuật vũ cốc, bị giết cả họ.

Từ khi họ Vệ hưng khởi, đại tướng quân Vệ Thanh được phong tước, sau, họ hàng năm người được phong hầu. Trước sau cả thảy hai mươi tư năm, rồi năm người được phong hầu đều bị tước hết, họ Vệ không còn ai làm tước hầu.

Thái sử công bàn rằngTô Kiến nói với ta: “Tôi từng trách đại tướng quân là bậc tôn quý và được trọng vọng, nhưng không được các đại phu hiền năng trong thiên hạ khen ngợi, mong đại tướng quân xem xét việc với chọn hiền năng của các danh tướng thời xưa, gắng gỏi mà làm." Đại tướng quân từ tạ nói: “Từ Ngụy Kỳ và Vũ An hậu đãi tân khách, thiên tử thường nghiến răng. Họ thân cận và dựa vào sĩ đại phu, chiêu tập người hiền, năng, giáng truất kẻ kém cỏi, nhưng đó là quyền của vua. Kẻ làm tôi theo pháp luật, tuân thủ chức trách mà thôi, sao còn chiêu tập kẻ sĩ!” Phiêu kỵ tướng quân cũng theo ý đó, ông ta làm tướng quân như thế đấy.

Chú thích.

[1] Phu nhân: hạng hầu thiếp của Hoàng đế, trên bậc Quý tần và Quý nhân.

[2] Thu tai địch. Ý nói thu thắng lợi. Xưa, khi giao chiến giết được địch thì cắt tai mang về để tính công ban thưởng.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét