SỬ KÝ II. LIỆT TRUYỆN (QUYỂN HẠ)
Phạm Văn Ánh dịch
QUYỂN 113
NAM VIỆT LIỆT TRUYỆN
Nam Việt vương Úy Đà, người Chân Định, họ Triệu. Nhà Tần
đã thôn tính được thiên hạ, đánh chiếm bình định Dương Việt, lập ra các quận Quế
Lâm, Nam Hải, Tượng Quận, đưa đám lưu dân đến sống chung với dân Việt mười ba
năm. Thời Tần, Đà được làm Huyện lệnh Long Xuyên, quận Nam Hải. Đến thời Tần Nhị
thế, Quận ủy Nam Hải là Nhâm Hiêu bị bệnh sắp chết, triệu Huyện lệnh Long Xuyên
Triệu Đà đến nói: “Nghe nói bọn Trần Thắng làm loạn, nhà Tần vô đạo,
thiên hạ khốn khổ, bọn Hạng Vũ, Lưu Quý[1], Trần
Thắng, Ngô Quảng, ai nấy nổi lên tụ họp quần chúng ở các châu quận, như đàn hồ
tranh nhau thiên hạ, Trung nguyên náo loạn, không biết chỗ nào yên, hào kiệt phản
lại Tần, cùng nhau dựng lập. Nam Hải hẻo lánh xa xôi, ta sợ quân trộm cướp xâm
lấn đất đai đến đây, ta muốn dấy quân cắt đứt đường mới, tự phòng bị, đợi chư hầu
có biến, lại gặp lúc bệnh nặng. Hơn nữa Phiên Ngung dựa vào núi non hiểm trở, gần
Nam Hải, từ đông sang tây mấy nghìn dặm, nếu được người Trung nguyên tương trợ,
nơi đây cũng thành bá chủ một châu, có thể dựng nước. Các trưởng lại trong quận
không ai đáng tin cậy, cho nên triệu ông đến để nói việc đó.” Rồi viết
thư giao cho Đà, thay mình giải quyết công việc của Quận ủy Nam Hải. Hiêu chết,
Đà liền truyền hịch cho các đất Hoành Phố, Dương Sơn, Niết Khê Quán rằng: “Quân
trộm cướp sắp kéo đến, hãy kíp chặn đường, tập trung quân để tự phòng giữ!” Nhân
đó [Triệu Đà] từng bước dùng pháp luật để giết các trưởng quan do nhà Tần đặt,
dùng bè đảng của mình thay làm Quận thú. Tần đã bị đánh rồi diệt vong, Đà liền
đánh chiếm Quế Lâm và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương. Sau khi Cao đế
bình định thiên hạ, do Trung nguyên lao khổ nên bỏ qua không giết Đà. Nhà Hán
năm thứ mười một, sai Lục Giả nhân đó lập Đà làm Nam Việt vương, cùng chẻ tín
phù để thông sứ[2], hòa hiếu
quy tập người Bách Việt, không để họ trở thành mối nguy cho biên cương phía
nam, Nam Việt tiếp liền ranh giới Trường Sa.
Thời Cao hậu, quan hữu ty đề nghị cấm Nam Việt buôn bán đồ
sắt ở các chợ vùng biên. Triệu Đà nói: “Cao đế lập ta, cùng nhau thông
sứ, trao đổi hàng hóa, nay Cao hậu nghe lời gièm của bề tôi, phân biệt man di,
ngăn cấm đồ dùng, đó hẳn là kế của Trường Sa vương, muốn dựa Trung nguyên, đánh
diệt Nam Việt rồi làm vua cả hai vùng, tự lập công lao vậy.” Thế là Đà
liền tự tôn hiệu thành Nam Việt Vũ đế, phát binh tấn công các ấp biên giới Trường
Sa, phá hủy mấy huyện rồi rút về. Cao hậu sai tướng quân Long Lự hầu là Táo
mang quân đến đánh. Gặp thời tiết nóng nực, ẩm thấp, sĩ tốt phần lớn bị bệnh dịch,
quân không thể vượt núi Dương Sơn. Hơn một năm sau, Cao hậu băng hà, liền bãi
binh. Triệu Đà nhân đó đem quân uy hiếp biên giới, đem của cải hối lộ Mân Việt,
Tây Âu và đất Lạc, nô dịch rồi khiến họ quy thuộc, từ đông sang tây trải hơn vạn
dặm. Bèn ngồi xe hoàng ốc cắm cờ bên trái[3], ban chiếu
lệnh xưng là “chế”, ngang hàng với Trung nguyên[4].
Đến thời Hiếu Văn đế năm đầu, mới cai trị thiên hạ, sai sứ
báo cho chư hầu, Tứ di[5] từ đất
Đại vào triều để thể hiện ý hướng khi mới lên ngôi, tỏ rõ ân đức lớn lao. Bèn
cho là mộ của cha mẹ Triệu Đà ở Chân Định, cho phép [Triệu Đà] lập ấp giữ gìn
phần mộ, hằng năm các tiết phụng thờ tế tự. Triệu các anh em họ, ban cho quan
cao lộc hậu, sủng ái họ. Hạ chiếu cho bọn Thừa tướng Trần Bình tiến cử người có
thể đi sứ Nam Việt, Bình nói Hiếu Chỉ và Lục Giả thời tiên đế đã quen đi sứ Nam
Việt. [Vua] bèn triệu Lục Giả, cho làm Thái trung đại phu, sai đi sứ; nhân đó
trách Đà tự lập làm Hoàng đế, không sai sứ giả đến thông báo. Lục Giả đến Nam
Việt, Nam Việt vương rất lo sợ, viết thư tạ tội, nói rằng: “Bề tôi đại
trưởng lão phu ở man di là Đà, trước đây Cao hậu ngăn cách phân biệt Nam Việt,
trộm ngờ Trường Sa vương gièm pha thần, lại từ xa nghe tin Cao hậu giết hết
tông tộc của Đà, khai quật thiêu đốt mồ mả tổ tiên, cho nên bất chấp tất cả,
xâm phạm biên giới Trường Sa. Hơn nữa phương nam thấp ẩm, trong cõi man di, Mân
Việt ở phía đông, nghìn người xưng vương, Âu Lạc phía tây là nước để trần cũng
xưng vương. Lão thần trộm xưng đế hiệu, tạm lấy đó tự làm vui, nào dám đem việc
ấy báo với thiên vương!” Bèn dập đầu tạ lỗi, nguyện mãi làm phiên thần,
dâng cống. Thế là [Triệu Đà] bèn hạ lệnh trong nước rằng: “Ta nghe, hai
bên hùng cường không thể đứng chung, hai người hiền năng không thể ở cùng một đời.
Hoàng đế là thiên tử hiền năng. Từ rày về sau, bãi bỏ chế độ xe hoàng ốc cắm cờ
bên trái dành cho Hoàng đế.” Lục Giả về báo lại, Hiếu Văn đế cả mừng.
Đến thời Hiếu Cảnh đế, [Triệu Đà] xưng thần, sai người vào triều thỉnh mệnh,
nhưng Nam Việt ở nước mình vẫn trộm dùng đế hiệu như cũ, sứ giả vào chầu thiên
tử, xưng vương như chư hầu khác. Đến năm Kiến Nguyên thứ tư, Triệu Đà chết.
Cháu nội Triệu Đà là Triệu Hồ làm Nam Việt vương. Bấy giờ
Mân Việt vương là Dĩnh cất quân tấn công thành ấp ở biên giới Nam Việt, Hồ sai
người dâng thư báo lên: “Hai nước Việt đều là phiên thần, không được tự
ý dấy binh tấn công nhau. Nay Mân Việt đem binh xâm phạm đất của thần, thần
không dám hưng binh, xin thiên tử hạ chiếu lệnh.” Vì thế Hoàng đế cho
Nam Việt biết trọng nghĩa, giữ đúng chức phận, dấy binh giúp họ, sai hai tướng
quân đến hỏi tội Mân Việt. Quân chưa qua núi, em của Mân Việt vương là Dư Thiện
giết Dĩnh rồi đầu hàng, thế rồi bãi binh.
Thiên tử sai Trang Trợ sang tuyên dụ Nam Việt vương, Hồ dập
đầu nói: “Thiên tử vì thần, dấy binh hỏi tội Mân Việt, thần dẫu chết
cũng không biết lấy gì báo đền ơn đức!” Sai Thái tử Anh Tề vào làm Túc
vệ. Triệu Hồ nói với Trợ rằng: “Nước tôi mới bị giặc cướp, sứ giả hãy
đi trước đi. Hồ đang ngày đêm chuẩn bị hành trang vào bái kiến thiên tử.” Trợ
đi rồi, đại thần can Hồ rằng: “Nhà Hán dấy binh giết Dĩnh, cũng là để dọa
Nam Việt. Vả lại tiên vương xưa có nói, thờ thiên tử chỉ mong không thất lễ,
quan trọng là không thể vì những lời tốt đẹp mà vào chầu. Vào chầu thì không được
về, là cái thế mất nước vậy.” Thế là Hồ cáo bệnh, rốt cuộc không vào
triều kiến. Hơn chục năm sau, Hồ đổ bệnh nặng, Thái tử Anh Tề xin về. Hồ mất,
thụy là Văn vương.
Anh Tề lên thay, giấu ngọc tỷ của Vũ đế trước đây. Khi
Anh Tề vào làm Túc vệ ở Trường An, lấy người con gái họ Cù ở Hàm Đan, sinh con
là Hưng. Đến khi lên ngôi, dâng thư xin lập Cù thị làm Hoàng hậu, Hưng làm người
kế vị. Nhà Hán nhiều lần phái sứ giả dụ bảo Anh Tề, Anh Tề vẫn thích tự ý nắm
quyền sinh sát, sợ vào triều kiến sẽ phải theo pháp luật nhà Hán, như chư hầu
khác, cố ý cáo bệnh, không chịu vào chầu. Sai con là Thứ Công vào làm Túc vệ.
Anh Tề mất, thụy là Minh vương.
Thái tử Triệu Hưng lên thay, mẹ làm Thái hậu. Thái hậu từ
khi chưa làm vợ của Anh Tề, từng tư thông với An Quốc Thiếu Quý người Ba Lăng.
Sau khi Anh Tề mất, năm Nguyên Đỉnh thứ tư, nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quý đến dụ
Nam Việt vương và Thái hậu vào triều, như các chư hầu khác; sai bọn biện sĩ
Gián đại phu Chung Quân tuyên giảng hiểu dụ, bọn dũng sĩ Ngụy Thần phụ vào chỗ
thiếu khuyết, Vệ úy Lộ Bác Đức đem quân đóng đồn ở Quế Dương, chờ sứ giả. Nam
Việt vương tuổi còn nhỏ, Thái hậu là người Trung nguyên, từng tư thông với An
Quốc Thiếu Quý, khi [An Quốc Thiếu Quý đi] sứ đến, lại cùng tư thông. Người
trong nước biết việc đó, phần nhiều không theo Thái hậu. Thái hậu sợ sinh loạn,
cũng muốn dựa uy nhà Hán, nhiều lần khuyên Nam Việt vương cùng quần thần xin nội
thuộc. Liền nhân đó phái sứ giả dâng thư, xin được như các chư hầu khác, ba năm
một lần triều kiến, bỏ hết quan ải biên giới. Thiên tử đồng ý, ban ấn bạc cho
Thừa tướng Lã Gia, cùng ấn cho Nội sở, Trung úy, Thái phó, các chức quan khác
được tự thiết lập. Bỏ hình phạt cũ là thích chữ vào mặt, cắt mũi, dùng pháp luật
nhà Hán, như các chư hầu khác. Sứ giả đến đều lưu lại để vỗ về Nam Việt. Nam Việt
vương và Thái hậu sửa soạn hành trang cùng hậu lễ chuẩn bị vào chầu.
Thừa tướng Lã Gia tuổi cao, phụ tá ba đời vương, hơn bảy
mươi người trong tông tộc làm trưởng lại, con trai đều lấy con gái của Nam Việt
vương, con gái đều được gả cho vương tử, anh em trong tông thất, lại thông hôn
với Tần vương ở Thương Ngô. Ở trong nước, Lã Gia quyền thế rất lớn, được người
Việt tin cậy, nhiều người làm tai mắt, được lòng người hơn cả Nam Việt vương.
Nam Việt vương dâng thư lên, Lã Gia nhiều lần can ngăn nhưng vương không nghe.
Lã Gia có lòng làm phản, nhiều lần cáo ốm không gặp sứ giả nhà Hán. Sứ giả đều
chú ý đến Gia, nhưng tình thế chưa thể giết. Vương và Thái hậu cũng sợ bọn Gia
ra tay trước, liền bày tiệc rượu, dựa quyền thế của sứ giả nhà Hán, âm mưu giết
bọn Gia. Sứ giả đều ngồi hướng về đông, Thái hậu hướng về nam, Nam Việt vương hướng
về bắc, Thừa tướng Lã Gia và đại thần đều hướng về tây, cùng ngồi hầu rượu. Em
trai Gia làm võ tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Trong tiệc rượu, Thái hậu bảo
Gia rằng: “Nam Việt nội thuộc, là lợi cho nước, nhưng tướng quân khăng
khăng cho là bất lợi, là cớ làm sao?” Lấy việc ấy khích cho sứ giả nổi
giận. Sứ giả nghi hoặc nhìn nhau, không ai dám hành động. Gia thấy không có tai
mắt ở đó, liền dậy đi ra. Thái hậu tức giận, muốn dùng giáo đâm Gia, nhưng
vương ngăn lại. Gia ra ngoài rồi, chia quân của em hộ vệ về phủ, cáo ốm, không
chịu gặp vương và sứ giả. Bèn âm mưu cùng đại thần làm loạn. Vương vốn không có
ý giết Gia, Gia biết điều đó, vì thế mấy tháng liền không hành động. Thái hậu
có tính dâm, người trong nước không theo, muốn một mình giết bọn Gia, nhưng
không đủ sức.
Thiên tử hay tin Gia không nghe theo Nam Việt vương,
vương và Thái hậu yếu sức lại thế cô, không thể áp chế, sứ giả thì khiếp nhược
không quyết đoán; lại cho vương và Thái hậu đã nội phụ nhà Hán, chỉ riêng Lã
Gia làm loạn, không đủ để dấy binh, định sai Trang Sâm[6] đem
hai nghìn người đi sứ Nam Việt. Sâm nói: “Vì giao hảo mà đi sứ, cần mấy
người là đủ rồi; vì dùng vũ lực mà đến, hai nghìn người không đủ hành sự.” Sâm
từ chối, cho là không thể, thiên tử bãi chức của Sâm. Hàn Thiên Thu là tráng sĩ
đất Giáp vốn làm tướng cho Tế Bắc vương khi trước, hăng hái nói: “Với
nước Việt cỏn con, lại có Nam Việt vương và Thái hậu nội ứng, một mình Thừa tướng
Lã Gia gây hại được gì, xin được đem hai trăm dũng sĩ đi, ắt chém Lã Gia về
báo.” Thế là thiên tử sai Thiên Thu cùng em trai Vương thái hậu là Cù
Lạc đem hai nghìn người vào nước Việt. Bọn Lã Gia liền làm phản, hạ lệnh cho
trong nước rằng: “Nhà vua còn nhỏ, Thái hậu là người Trung nguyên, lại
dâm loạn với sứ giả, chỉ muốn nội thuộc, mang hết đồ quý báu của tiên vương vào
dâng thiên tử để xu nịnh, nhiều người đi theo, khi tới Trường An, sẽ đem bán
làm nô bộc. Vì cái lợi thoát thân nhất thời, không ngó ngàng đến xã tắc họ Triệu,
không có ý lo tính cho muôn đời.” Bèn cùng em trai đem quân đánh giết
Nam Việt vương, Thái hậu cùng sứ giả nhà Hán. Sai người báo cho Tần vương ở Thương
Ngô cùng các quận huyện, lập người con do con trưởng của Minh vương với vợ người
Việt sinh ra là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua. Rồi Hàn Thiên Thu đem quân đến,
phá được mấy ấp nhỏ. Sau đó, Việt mở đường thẳng cấp lương, cách Phiên Ngung bốn
mươi dặm, đem quân đánh bọn Hàn Thiên Thu, rồi tiêu diệt hết. Sai người đóng
hòm niêm phong tiết phù của sứ giả nhà Hán, để ở biên tái, nói khéo là tạ tội,
rồi phát binh giữ chỗ trọng yếu. Thiên tử bèn nói: “Hàn Thiên Thu tuy
không thành công, cũng đứng đầu hàng tiên phong trong quân.” Phong con
trai của Hàn Thiên Thu là Diên Niên làm Thành An hầu. Cù Lạc, chị là Thái hậu,
đi đầu trong việc nội thuộc nhà Hán, con trai Cù Lạc là Quảng Đức được phong
làm Long Kháng hầu. Bèn hạ chiếu xá tội tù nhân: “Thiên tử suy yếu, chư
hầu đánh nhau, chê trách bề tôi không biết thảo phạt nghịch tặc. Nay bọn Lã
Gia, Kiến Đức làm phản, tự lập một cách yên ổn, lệnh cho tội nhân cùng các vùng
Giang, Hoài về phía nam đem mười vạn quân lâu thuyền đến hỏi tội chúng.”
Mùa thu năm Nguyên Đỉnh thứ năm, Vệ úy Lộ Bác Đức làm Phục
ba tướng quân, đem quân ra Quế Dương, xuống Hối Thủy; Chủ tước đô úy Dương Bộc
làm Lâu thuyền tướng quân, đem quân ra Dự Chương, xuống Hoành Phố; hai vị vốn
được phong hầu ở nước Việt đã trở về chính nghĩa[7] làm
Qua thuyền tướng quân và Hạ lệ tướng quân, đem quân ra Linh Lăng, người xuống
Ly Thủy, người đến thẳng Thương Ngô; sai Trì Nghĩa hầu dùng các tội nhân ở Ba
Thục, phát binh ở Dạ Lang, xuống sông Tang Kha, cùng hội quân ở Phiên Ngung.
Mùa đông năm Nguyên Đỉnh thứ sáu, Lâu thuyền tướng quân
đem tinh binh đi trước vây hãm Tầm Hiệp, phá Thạch Môn, thu được thuyền và thóc
của Nam Việt, nhân đó tiến quân, bẻ gãy mũi tiên phong của Nam Việt, đem mấy vạn
quân chờ Phục ba tướng quân. Phục ba tướng quân dẫn theo tội nhân, đường sá xa
xôi, đến sau kỳ hẹn, hội quân với Lâu thuyền tướng quân, được hơn nghìn quân, rồi
cùng tiến. Lâu thuyền tướng quân đi trước, đến Phiên Ngung. Kiến Đức và Gia đều
giữ thành. Lâu thuyền tướng quân tự chọn chỗ thuận tiện, ở mặt đông nam; Phục
ba tướng quân ở mặt tây bắc. Đến chiều tối, Lâu thuyền tướng quân đánh bại người
Việt, phóng hỏa đốt thành. Người Nam Việt vốn nghe danh Phục ba tướng quân, chiều
tối, không biết quân của Phục ba nhiều hay ít. Phục ba liền lập doanh trại, sai
sứ giả chiêu hàng, ban ấn tín, lại hạ lệnh chiêu hàng lẫn nhau. Lâu thuyền tướng
quân ra sức tấn công, thiêu đốt địch, trái lại lùa địch vào trong doanh quân Phục
ba tướng quân. Tảng sáng, trong thành đều hàng Phục ba tướng quân. Lã Gia và Kiến
Đức cùng mấy trăm bộ thuộc đương đêm trốn ra biển, đi thuyền sang phía tây. Phục
ba tướng quân lại nhân hỏi những quý nhân đã đầu hàng, nhờ đó biết Lã Gia đi
đâu, liền sai người đuổi theo. Viên Hiệu úy tư mã cũ là Tô Hoằng bắt được Kiến
Đức, được phong làm Hải Thường hầu; viên quan Lang nước Việt là Đô Kê bắt được
Lã Gia, được phong làm Lâm Sái hầu.
Thương Ngô vương Triệu Quang, cùng họ với Việt vương,
nghe tin quân Hán đến, cùng Huyện lệnh Kiệt Dương nước Việt tên là Định, xin nội
thuộc Hán; quan Giám ở Quế Lâm nước Việt là Cư Ông hiểu dụ Âu Lạc nội phụ nhà
Hán, hai người đều được phong hầu. Quân của Qua thuyền tướng quân và Hạ lệ tướng
quân cùng quân Dạ Lang do Trì Nghĩa hầu đưa đi chưa đến nơi, Nam Việt đã được
bình định. Liền lập [Nam Việt] thành chín quận. Phục ba tướng quân được phong
thêm. Lâu thuyền tướng quân do đem quân vây hãm và đánh thành kiên cố, được
phong làm Tướng Lương hầu.
Từ lúc Uý Đà mới xưng vương trở về sau, được năm đời,
chín mươi ba năm, nước Nam Việt bị diệt vong.
Thái sử công bàn rằng:
Uý Đà xưng vương,
Vốn do Nhâm Hiêu.
Gặp Hán mới lập,
Liệt làm chư hầu.
Long Lự rời ẩm, dịch[8];
Đà được thể càng kiêu.
Âu Lạc hỗn chiến,
Nam Việt lao đao.
Quân Hán tiến đến,
Anh Tề vào chầu.
Về sau mất nước,
Điềm từ Cù nữ.
Lã Gia kém trung,
Khiến Đà vô hậu.
Lâu thuyền dục loạn,
Ngông ngạo mê hoặc.
Phục ba khốn cùng,
Trí càng sáng suốt,
Nhân họa thành phúc.
Thành bại chuyển đổi,
Ví như nẩy mực[9].
Uý Đà chi vương / Bản do Nhậm Hiêu.
Tao Hàn sơ định / Liệt vi chư hầu.
Long Lự ly thấp dịch / Đà đắc dĩ ích
kiêu.
Âu Lạc tương Công / Nam Việt động
diêu.
Hán binh lâm cảnh /Anh Tề nhập triều.
Kỳ hậu vong quốc / Trưng tự Cù nữ.
Lã Gia tiểu trung / Linh Đà vô hậu.
Lâu thuyền túng dục/Đãi ngạo thất hoặc.
Phục ba khốn cùng/Trí lự dũ thực /Nhân
họa vi phúc.
Thành bại chi chuyển / Thí nhược củ mặc.
Chú thích.
[1] Lưu Quý: tức Lưu Bang.
[2] Nhà Hán khi phong chức tước cho bề tôi thì dùng lệnh phù
làm tín vật, chia làm hai, giao cho người được phong giữ một nửa để làm tin.
[3] Xe của Hoàng đế, dùng lụa vàng làm lọng che; dùng đuôi
mao ngưu, một loài bò có đuôi dài trang trí trên cờ cắm bên trái xe.
[4] Ý nói Triệu Đà dùng xe cộ, xưng hiệu... giống như Hoàng đế
nhà Hán.
[5] Ý nói các tộc người thiểu số. Người Trung Quốc
xưa cho mình là Hoa, Hoa Hạ, cho tộc người thiểu số vùng xa là Man, Di, Địch,
Nhung, gọi chung là Tứ di.
[6] Trang Sâm: cũng
phiên là Trang Tham.
[7] Ý nói đã
theo hàng nhà Hán.
[8] Ý nói
quân đội của Long Lự gặp nơi ẩm thấp, bệnh dịch nên phải rời đi chỗ khác.
[9] Đoạn này
rất đáng chú ý, vì Thái sư công đánh giá bằng thơ, khác hẳn các phần khác. Phần
thơ này phiên âm Hán - Việt như sau:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét