Edward Weston |
Edward
Weston – Tinh hoa của chủ nghĩa Hiện đại Mỹ trong nhiếp ảnh
Với
phong cách táo bạo trong việc xử lý vật thể hoặc cơ thể về mặt hình thức, kết cấu
và ánh sáng, Edward Weston đã trở thành nhân vật trung tâm của sự phát triển
nhiếp ảnh Hiện đại ở California và là nét chấm phá độc đáo của Nhóm F/64. Những
bức ảnh hiện thực có độ phân giải cao của Weston về các hình dạng hữu cơ và những
điều kỳ diệu hiện đại đã khuyến khích người nhìn xem xét lại những vật thể có vẻ
tầm thường và hình thành mối liên hệ mới với chúng.
Càng
về giai đoạn sau của sự nghiệp, tác phẩm của Weston ngày càng trở nên trừu tượng,
tập trung vào hình thức với mục đích nắm bắt bản chất của đối tượng được khắc họa.
Những phong cảnh rộng lớn, uốn lượn được biến thành những mô hình phẳng; những
hình thể khỏa thân bị cắt xén thì trở thành những hình dạng thuần túy; những loại
rau tròn trịa bắt đầu mang hơi hướng của con người trong các tác phẩm của
ông.
Khỏa thân (Nude) (1925) của
Edward Weston, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Thành phố New York. Ảnh chụp cận
cảnh một phụ nữ khỏa thân, nằm sấp, phần trên vai và ngay dưới hông. Những đường
cong uyển chuyển trên lưng người mẫu tỏa ra một loại ánh sáng, nổi bật trên nền
trung tính thiên tối gợi cho người xem khung cảnh của đường chân trời.
Edward Weston không chỉ thay đổi cách người xem nhìn các vật thể thông thường mà còn cả cách chúng ta nghĩ về phương tiện chụp ảnh. Những tác phẩm được phóng đại về những địa điểm và đồ vật quen thuộc của ông, khơi dậy lòng hiếu kỳ và bày ra trước mắt người xem một khung cảnh, một góc nhìn rất lạ kỳ. Weston đã đưa nghệ thuật vượt ra khỏi lĩnh vực của chủ nghĩa tượng hình, không còn bắt chước hội hoạ, đồng thời khẳng định vị thế là một phương tiện nghệ thuật đúng nghĩa.
Lá bắp cải (Cabbage Leaf) (1931) của Edward Weston, Viện Nghệ
thuật Chicago. Lá bắp cải mở rộng nhận thức trực quan của người ta về loại rau
bình thường và quen thuộc này với hình ảnh đơn độc của một chiếc lá bị bong ra.
Cấu trúc các đường gân nhô cao và các đường vân thẳng của hình dạng héo úa nổi
lên rõ ràng trên nền phẳng, tối khiến vật thể nom giống như một tác phẩm điêu
khắc. Điều này tạo ra một sắc thái tinh tế của sự duyên dáng và chuyển động
trong tác phẩm. Tác phẩm đã nâng tầm một thực phẩm thông thường thành một đối
tượng của mỹ thuật.
Câu
chuyện đằng sau bức ảnh Pepper No. 30 (Quả ớt chuông số 30)
bài viết: Phạm Hải Đăng
Đằng sau mỗi bức ảnh là cả 1 câu chuyện
Pepper No. 30 (quả ớt chuông số 30) là tên của bức ảnh bạn đang xem. Có lẽ bạn đã từng thấy qua bức ảnh này, đây là một trong những bức ảnh rất nổi tiếng được chụp bởi nhiếp ảnh gia lừng danh Edward Weston (1886-1958) .
Thời điểm bức ảnh ra đời là vào năm 1930, khi ông đã bắt đầu lớn tuổi. Sau một thời gian dài lang thang khắp nơi chụp phong cảnh và những cô gái, Edward Weston chuyển sang chụp những chủ thể "tầm thường" mà ông tìm thấy xung quanh mình. Ông gọi đó là chụp "tĩnh vật" (still lifes). Ông cũng chuyển từ thể loại ảnh mờ mờ ảo ảo mang tính "nghệ thuật" sang thể loại ảnh rõ nét mang tính "nhiếp ảnh".
Sau
khi chuyển hướng sang những chủ thể "tầm thường", đến năm 1929,
Edward Weston đặc biệt quan tâm đến quả ớt chuông (pepper). Ông đã chụp rất nhiều
ảnh về quả ớt chuông với hậu cảnh thường là những tấm rèm hay tấm bìa trắng,
nhưng kết quả thu được không khiến ông hài lòng do độ tương phản giữa chủ thể
và hậu cảnh quá lớn.
Vào
ngày 03/08/1930, Edward Weston nhặt được một cái phễu bằng thiếc, ông đã đặt quả
ớt chuông vào trong cái phễu và tiến hành chụp. Ban đầu, ông dự định chụp với
thời gian phơi sáng là 6 phút. Sau khi bấm máy, ông đã bỏ đi làm việc khác
trong thời gian chờ đợi, và đến tận 6 giờ sau ông mới nhớ ra và quay lại hoàn tất
bức ảnh của mình. Mặc dù vậy, kết quả thu được đã khiến Edward Weston vô cùng
hài lòng - do được đặt trong cái phễu kim loại nên ánh sáng từ môi trường đã đổ
khá đồng đều lên quả ớt, tạo nên những ven sáng, nhấn mạnh từng đường nét trên
thân của nó.
Mặc dù rất hài lòng với bức ảnh này, nhưng Edward Weston lại khá thất vọng với
cái cách mà người khác đón nhận nó. Đối với ông, tuy ông có nâng nó lên với những
mỹ từ cao xa thật, nhưng đây chỉ là quả ớt; trong khi đối với nhiều người xem,
họ cho rằng đây là một bức ảnh "gợi dục", làm họ liên tưởng đến những
thứ như cơ thể người trần truồng, hai người đang "mây mưa" hay thậm
chí là cơ quan sinh dục nam hay nữ ...
Dù
sao đi nữa, đây vẫn là một bức ảnh được công nhận là một trong những biểu tượng
của nhiếp ảnh hiện đại và được nhiều người săn lùng. Hầu hết các bản in của bức
ảnh này do Edward Weston thực hiện đều đã được nằm trang trọng trong những viện
bảo tàng , trong khi những bản in do con trai ông là Cole Weston thực hiện thì
được bán rộng rãi hơn cho công chúng.
Một số ảnh do Edward Weston chụp
Tác
giả bài viết: Minh
(7bua), vuanhiepanh.com minh họa thêm
Xem thêm
Nấm- Toadstool, 1931 |
Vỏ (Shell) (1927) |
Đá mòn -Eroded Rock, Point Lobos, 1930 |
Bertha, Glendale |
Bertha, Glendale |
Cameron, Arizona 1941 |
Charis, Lake Ediza |
Dunes, Oceano 1936 |
Dunes, Oceano 1936 |
Nautilus 1927 |
Pepper 1929 |
Prologue to a Sad Spring1920 |
Rain over Modoc Lava Beds 1937 |
White Sands, New Mexico 1941 |