Tranh Đới Đôn Bang |
HỒI 5.
Mưu
sâu kế hiểm
Vì
cái tang của Trác Nhị thư mà phải sau bốn mươi chín ngày, Tây Môn Khánh mới tới
được nhà Vương bà nhờ lo chuyện mối manh, rồi nói:
– Nếu bà lo việc này cho thành, tôi xin tặng mười lạng bạc.
Vương
bà nói:
–
Cái đó đã đành, nhưng với đám này, không những tôi phải cực nhọc lo liệu, mà Đại
quan nhân cũng phải đủ năm điều kiện thì mới được. Thứ nhất là phải đẹp trai,
thứ nhì là phải sành sỏi, thứ ba là phải có tiền, thứ tư là phải chịu khó kiên
nhẫn chờ đợi, thứ năm là phải mất nhiều công phu. Có đủ năm điều ấy thì việc mới
thành.
Tây
Môn Khánh nói:
–
Tưởng cái gì thứ năm điều ấy thì tôi có đủ. Thứ nhất, như bà đang thấy đây, diện
mạo tôi đâu phải xấu xa; thứ nhì, tôi từ nhỏ đã ra vào đủ chốn ăn chơi nên cũng
tạm hiểu đời; thứ ba, tôi chẳng giàu sang nhưng cũng đủ sống; thứ tư, tôi rất
kiên nhẫn chịu đựng; thứ năm, tôi bằng lòng tốn nhiều công phu, nếu không tôi tới
lui nơi này làm gì. Cho nên bà cứ ráng lo giùm cho xong việc đi, tôi cam đoan hậu
tạ.
Vương
bà nói:
–
Tuy Đại quan nhân có đủ năm điều đó, nhưng tôi vẫn còn e ngại một điều.
Tây
Môn Khánh vội hỏi:
–
Còn e ngại điều gì nữa?
Vương
bà đáp:
–
Chuyện này cực kỳ khó khăn, cần đến tiền bạc nhiều, nhưng từ trước đến nay tôi
nghe nói Đại quan nhân là người hà tiện lắm. Tôi cứ thật tình mà nói, xin đừng
để bụng mới được.
Tây
Môn Khánh hơi ngượng:
–
Thì trong vụ này, tiền bạc thế nào tôi cứ theo đúng lời bà là được chứ gì?
Vương
bà bảo:
–
Nếu Đại quan nhân đã chịu chi tiền thì để tôi nói cho ngài nghe diệu kế của
tôi, nhờ đó ngài có thể gặp mặt trò chuyện với cô ta.
Tây
Môn Khánh mừng lắm hỏi:
–
Kế gì vậy?
Vương
bà cười khanh khách bảo:
–
Đại quan nhân cứ đi về, chừng dăm tháng nửa năm nữa, tới đây tôi sẽ nói cho mà
nghe.
Tây
Môn Khánh khẩn khoản:
–
Bà đừng đùa nữa chứ, giúp tôi cho xong, tôi đền ơn xứng đáng.
Vương
bà nói:
–
Kế của tôi thần tình lắm, Đại quan nhân đã thật lòng thì tôi xin nói. Cô này
tuy xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng trăm phần lanh lợi, đàn hát giỏi, nữ
công thêu thùa cũng khá, lại biết đọc sách, ngâm thơ, đánh cờ, uống rượu, cái
gì cũng hay. Cô ta tên là Kim Liên, con cái nhà họ Phan, trước cư ngụ ở Nam
môn. Lúc trước bị bán cho Trương Đại Hộ, tại đây cô ta được học về âm nhạc đàn
ca. Khi Đại Hộ sắp chết thì đem gả cho anh chàng Võ Đại, từ đó tới nay cô ta buồn
khổ lắm, thường than thở với tôi. Nhà bên đó có chuyện gì cũng thường mời tôi
sang giúp. Cô ta cũng nhận tôi làm mẹ nuôi. Hàng ngày, Võ Đại đi bán bánh từ sớm,
nếu Đại quan nhân theo kế của tôi thì trước hết hãy mua một xấp lụa xanh, một xấp
lụa trắng đem tới cho tôi sẽ đưa qua bên đó, nói là muốn may quần áo, nhờ cô ta
lựa ngày gọi giùm một thợ may tới may. Nếu cô ta từ chối thì việc coi như bỏ.
Còn nếu cô ta vui vẻ bảo là để cô ta may cho mà không cần gọi thợ may, như vậy
là việc đã được một phần. Rồi tôi sẽ mời cô ta sang đây may cho tôi, nếu cô ta
bằng lòng tức là việc được hai phần. Tôi sẽ dọn tiệc rượu nhỏ mời cô ta. Nếu cô
ta từ chối, lấy cớ là bất tiện, để cô ta đem về nhà may, thì thôi. Mà nếu cô ta
im lặng, tức là nhận lời, như thế là việc được ba phần. Hôm đầu, ngài đừng đến,
đợi mấy hôm sau, vào khoảng giờ Ngọ[16], ngài ăn mặc chải chuốt tới đây, đứng
ngoài đằng hắng cho tôi biết, rồi vờ nói là lâu không tới uống trà, tôi sẽ ra mời
ngài vào phòng, nếu cô ta thấy ngài vào mà đứng dậy đi về thì tôi cũng chẳng có
cách gì giữ lại, như vậy thì thôi. Còn nếu cô ta cứ ngồi yên, thì như vậy là việc
được bốn phần. Lúc đó tôi sẽ nói rằng ngài chính là người có lòng rộng rãi mua
lụa cho tôi để may quần áo, rồi nhân đó khoa trương cho ngài. Ngài sẽ tiếp lời
tôi mà hỏi chuyện nàng, nếu cô ta không chịu trả lời thì thôi. Còn nếu cô ta tiếp
chuyện ngài, tức là việc đã được năm phần. Sau đó tôi mới khoe tài giỏi giang của
cô ta, ngài mới bỏ tiền ra hỏi mua những đồ may vá, nếu cô ta không chịu mà bỏ
về thì thôi, còn nếu cô ta ngồi yên tức là việc đạt được sáu phần. Rồi tôi giả
vờ ra ngoài mua món gì, tôi nói với cô ta là ở nhà tiếp ngài giùm tôi một chút,
nếu cô ta không chịu mà đứng dậy bỏ về thì thôi, còn nếu cô ta ngồi yên không
nói gì tức là đã bảo bảy phần thành công rồi. Đến khi tôi mua các thứ trở về,
bày tiệc rượu trên bàn, mời cô ta cùng uống với ngài, nếu cô ta không chịu đối ẩm
với ngài mà bỏ về thì thôi, còn nếu cô ta ngần ngừ không quyết liệt từ chối, tức
là đã tám phần thành công. Rồi lúc rượu được vài tuần, cô ta vui vẻ chuyện trò,
tôi giả vờ nói là hết rượu, ngài mới lấy tiền ra khẩn khoản nhờ tôi đi mua thêm
rượu và các món đồ ăn, tôi bèn đi ra và khóa cửa ngoài lại, nhốt hai người
trong nhà tôi, nếu cô ta sợ hãi đứng dậy đòi về thì đành thôi, còn nếu cứ ngồi
yên tức là đã chín phần thành công chỉ còn một phần nữa là hoàn toàn. Phần sau
chót này mới khó, ngài đừng vội vã hấp tấp mà hư việc, trước hết phải dùng lời
ngọt ngào mà tán tỉnh, sau đó thì mới dùng tới tay chân mà dò xét, chẳng hạn
ngài dùng tay áo gạt rơi đôi đũa xuống đất rồi vờ cúi xuống nhặt lên, đồng thời
lấy tay vuốt nhẹ chân cẳng cô ta, nếu cô ta giẫy nảy lên mà làm ồn thì tôi đứng
ngoài sẽ vào ngay để can thiệp làm dịu chuyện, sự việc như vậy là đành tạm ngừng
ở đó vậy. Còn nếu cô ta không nói gì tức là công việc mười phần hoàn hảo. Lúc
đó thì ngài muốn làm gì không được. Nhưng sau đó thì ngài trả công cho tôi thế
nào?
Tây
Môn Khánh mừng lắm, hớn hở nói:
–
Thật là diệu kế, nhưng có vẻ khó khăn quá.
Vương
bà bảo:
–
Khó khăn mà được mới thích chứ, lúc đó thì đừng quên mười lạng bạc của tôi đấy
nhé.
Tây
Môn Khánh bảo:
–
Tôi đâu phải người vô ơn bạc nghĩa mà bà sợ, nhưng chừng nào mới thi hành diệu
kế này?
Vương
bà đáp:
–
Chỉ chiều tối nay là có tin tức. Bây giờ nhân lúc Võ Đại chưa về tôi sẽ sang
ngay nói chuyện dò ý xem sao. Ngài nên sai người đem lụa tới ngay, đừng chậm trễ.
Tây
Môn Khánh đứng dậy nói:
–
Đây là việc của tôi, chậm trễ sao được.
Nói xong cáo từ, ra phố mua mấy xấp lụa đem về nhà, sai Đại An đưa tới ngay cho Vương bà.
–
Sao mấy hôm nay không thấy cô qua bên tôi uống trà nói chuyện?
Kim
Liên đáp:
–
Mấy hôm nay tôi không được khỏe nên lười biếng, chẳng muốn đi đâu.
Vương
bà nói:
–
Nhà có lịch không cô? Tôi muốn mượn về để chọn ngày tốt may ít quần áo mặc cho
có với người ta.
Kim
Liên hỏi lại:
–
May quần áo gì vậy?
Vương
bà đáp:
–
Tôi già rồi, chẳng biết sống chết lúc nào nên phải có cái quần cái áo, rủi
thình lình nằm xuống thì cũng có mà mặc, vả lại hiện giờ ở nhà chẳng có ai.
Kim
Liên hỏi:
–
À mà anh nhà đi đâu, mấy hôm nay không thấy?
Vương
bà đáp:
–
Thằng con trai tôi đi theo học buôn bán làm ăn ở xa rồi, từ hôm nó đi tới nay
tôi cũng chẳng nhận được tin tức gì cả, tôi thật sốt ruột quá đi mất.
Kim
Liên lại hỏi:
–
Chẳng hay anh nhà năm nay bao nhiêu rồi?
Vương
bà đáp:
–
Nó hãy còn nhỏ, mới mười bảy.
Kim
Liên nói:
–
Mười bảy thì cũng lớn rồi, sao ma ma không kiếm con dâu để đỡ đần tay chân?
Vương
bà nói:
–
Thì tôi cũng nghĩ vậy, nhà thì neo người nên tôi cứ bận rộn tối mắt tối mũi suốt
ngày, để lần này nó về sẽ tính. Mấy ngày nay tôi cũng thấy mệt mỏi, toàn thân
đau như dần mà mà lại húng hắng ho, đêm không ngủ được nên lo sợ lắm, phải chuẩn
bị ít quần áo mới. Cũng may là có một vị quan nhân cự phú vẫn thường hay tới
nhà tôi dùng trà, thấy hoàn cảnh tôi như vậy thì thương tình cho ít lụa quý để
may quần áo, cho nên định sang đây hỏi ngày tốt rồi gọi thợ tới nhà may quần
áo. Nghĩ lại thân tôi thật khổ hết sức.
Kim
Liên nghe xong cười bảo:
–
Chỉ sợ là tôi vụng về, may không vừa ý ma ma, chứ nếu ma ma không chê tôi vụng
về thì cứ để đó tôi may cho, hồi nào tôi cũng rỗi rãi, chẳng biết làm gì cho
qua thì giờ.
Vương
bà khấp khởi mừng thầm, cười bảo:
–
Thật ra thì tôi không dám làm phiền, nhưng nếu được cô thương mà trổ tài khéo
may cho, để lúc tôi nhắm mắt có cái áo mà mặc thì có chết đi tôi cũng được an ủi.
Chỉ sợ là đại gia ở nhà không bằng lòng. Lần trước cũng chỉ vì vụ may áo mà tôi
vô tình làm khổ cô.
Kim
Liên sốt sắng:
–
Không hề gì, tôi đã hứa là làm. Ma ma cứ đem lịch về lựa ngày hoàng đạo để tôi
may quần áo cho.
Vương
bà nói:
–
Tôi làm sao mà coi lịch được, có gì lại phải đi nhờ người khác. Cô đây là người
giỏi chữ nghĩa, biết ngâm thơ đọc sách thì mới coi được chứ tôi làm sao coi.
Kim
Liên mỉm cười cầm cuốn lịch lật ra coi một lúc rồi bảo:
–
Ngày mai là ngày phá nhật, ngày kia cũng không tốt, ít nhất phải ngày kìa mới
được.
Vương
bà tiếp lấy cuốn lịch, để lại lên tường rồi nói:
–
Được cô đây nhận lời may giùm là phúc đức cho tôi lắm rồi, cho nên nghĩ lại
cũng chẳng cần phải chọn ngày làm gì. Tôi cũng mới hỏi, người ta bảo là ngày
mai là ngày phá nhật, nhưng tôi thì chẳng cần kiêng kỵ gì cả.
Kim
Liên nói xuôi:
–
Thì có kiêng cũng vẫn hơn chứ.
Vương
bà nói:
–
Nếu quả cô đã có lòng nhận lời may giùm thì ngày mai xin mời cô quá bộ sang bên
tôi.
Kim
Liên hỏi:
–
Để tôi may ở nhà cũng được chứ gì?
Vương
bà nói:
–
Nhưng tôi thì lại thích được ngồi nhìn cô may, mà bên tôi thì chẳng có ai coi
sóc nhà cửa cả.
Kim
Liên bảo:
–
Nếu vậy thì để ngày mai, ăn cơm xong tôi sẽ sang.
Vương
bà mừng quá, hết lời cảm tạ rồi cáo từ, xuống lầu mà về.
Tối
hôm đó, Vương bà nhờ người đến báo tin cho Tây Môn Khánh biết, hạn là cách một
ngày thì tới.
Sáng
hôm sau Vương bà dậy sớm, dọn dẹp căn phòng bên trong cho đẹp đẽ rồi chuẩn bị
trà nước kim chỉ rồi ngồi đợi Kim Liên sang. Về phần Võ Đại ăn sáng xong thì
đem bánh đi bán như thường lệ. Chồng đi rồi, Kim Liên buông mành trước xuống,
đóng cửa ngoài lại, dặn Nghênh Nhi coi nhà rồi theo cổng sau mà sang nhà Vương
bà.
Vương
bà vui mừng khôn xiết, niềm nở mời vào phòng rồi pha trà Hồ Đào Tùng mời uống.
Sau đó đem mấy xấp lụa ra đạt trên bàn. Kim Liên bắt đầu đo cắt. Vương bà đứng
bên hết lời khen ngợi:
–
Thật khéo quá chừng, tôi đã sáu bảy chục tuổi rồi mà cả đời chưa từng gặp một
người tài khéo như cô.
Kim
Liên mỉm cười không đáp, yên lặng cắt may. Tới gần trưa, Vương bà dọn cơm thật
ngon mời Kim Liên ăn. Cơm xong, nghỉ ngơi chuyện vãn một lúc, Kim Liên lại tiếp
tục công việc. Tới gần chiều mới cáo từ mà về. Cũng may, vừa về tới nhà thì Võ
Đại cũng về gọi cửa. Kim Liên vội ra mở cửa, Võ Đại bước vào, thấy sắc mặt vợ
hơi hồng bèn hỏi:
–
Nàng đi đâu về vậy?
Kim
Liên đáp:
–
Vương ma ma nhờ tôi sang may giùm ít quần áo để dùng vào hậu sự, lại mời tôi ăn
cơm, tôi mới ở bên đó về.
Võ
Đại bảo:
–
Sang làm giúp thì được, nhưng đáng lẽ không nên ăn cơm bên đó mới phải. Mình nhờ
người ta nhiều rồi, bây giờ người ta nhờ lại thì mình làm giúp, sao lại ăn uống
để làm phiền người ta, về nhà ăn không được sao? Sáng mai nàng có sang đó may
quần áo thì nhớ lấy ít tiền hoặc mua ít đồ ăn gì mà trả lễ cho người ta. Tục ngữ
có câu “bán anh em xa mua láng giềng gần”, mình đừng để hàng xóm phiền lòng. Nếu
người ta không chịu cho nàng trả lễ thì nàng đem vải về nhà mà may, miễn sao
may đẹp thì thôi chứ gì.
Kim
Liên gật đầu.
Sáng
hôm sau, ăn sáng xong Võ Đại lại đem bánh đi bán. Vương bà chờ cho Võ Đại đi khỏi,
vội đích thân sang đón Kim Liên. Kim Liên may tới gần trưa thì lấy ba trăm quan
tiền đưa cho Vương bà mà bảo:
–
Ma ma cầm lấy mua gì về mình cùng ăn.
Vương
bà giẫy nảy lên:
–
Chết chửa, sao lại ngược đời thế này? Già nhờ cô nhọc công làm giúp, có lý nào
lại nhận tiền của cô?
Kim
Liên bảo:
–
Thì ông chồng tôi dặn vậy, lại còn nói rằng nếu ma ma không chịu nhận tiền để
mua đồ ăn thì tôi phải đem vải về nhà may chứ không được sang đây nữa.
Vương
bà nghe xong, sợ hỏng chuyện, đành phải nhận tiền, nhưng bù vào đó là những món
ăn rất thịnh soạn. Hai người ăn uống chuyện trò vui vẻ. Ăn xong, Kim Liên chỉ
nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục làm việc. Tới gần chiều thì về nhà. Ngày thứ ba,
sau khi chờ cho Võ Đại ra khỏi nhà, Vương bà tới cổng sau gọi:
–
Cô ơi, tôi sang đón cô đây.
Kim
Liên từ trên lầu ngó đầu xuống bảo:
–
Tôi sang bây giờ đây.
Hai
người cùng vào phòng Vương bà. Vương bà đem trà lại, Kim Liên bắt đầu làm việc
ngay.
Vương
bà ngồi bên thỉnh thoảng nói và ca tụng.
Tới
gần trưa thì Tây Môn Khánh mang theo ít lạng bạc, ăn mặc chỉnh tề, tay cầm quạt
Kim Xuyến thong thả tới trước nhà Vương bà, đằng hắng mấy tiếng rồi gọi vào:
–
Vương ma ma có nhà không? Hồi này sao không thấy đến tôi chơi?
Vương
bà giả vờ đứng dậy hỏi:
–
Ai gọi tôi ngoài đó vậy?
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Tôi đây mà.
Vương
bà ra mở cửa rồi cười bảo:
–
Tưởng ai, té ra là Tây Môn Đại quan nhân, ngài tới thật đúng lúc, xin mời vào.
Nói
xong dắt Tây Môn Khánh vào phòng rồi nói với Kim Liên:
–
Đây là vị quan nhân đã có lòng cho tôi mấy xấp lụa đó.
Tây
Môn Khánh ngắm Kim Liên, nàng mặc chiếc áo lụa bạch, chiếc quần hồng, nhan sắc
muôn phần xinh đẹp. Kim Liên thấy Tây Môn Khánh vào thì cúi mặt xuống. Tây Môn
Khánh liền bước tới thi lễ. Kim Liên vội đặt đồ may xuống, thẹn thùng đáp lễ.
Vương bà chỉ Kim Liên bảo:
–
Mấy xấp lụa mà Đại quan nhân cho già, chẳng biết nhờ ai may giùm, cũng may là
có cô đây ở kề bên nhà, rất giỏi nữ công, lại có lòng nhận lời may giúp. Thật
là trời giúp già này. Cô đây may cực khéo, thật ở đời khó có người nào khéo léo
như thế. Đại quan nhân bước tới mà coi này.
Tây
Môn Khánh hiểu ý, bước tới gần Kim Liên, cầm tấm áo đang may dở lên coi, xuýt
xoa khen ngợi rồi nói:
–
Nương tử đây quả là tuyệt khéo, tiên nữ trên thượng giới cũng chỉ khéo đến thế
này mà thôi.
Kim
Liên cúi đầu mỉm cười thỏ thẻ:
– Quan nhân quá khen.
Tây
Môn Khánh vờ hỏi:
–
Ma ma à, tôi quả là đường đột, nhưng xin mạo muội hỏi nương tử đây chẳng hay từ
đâu tới vậy?
Vương
bà bảo:
–
Thì Đại quan nhân thử đoán xem.
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Kẻ hèn này làm sao đoán được.
Vương
bà cười khanh khách:
–
Thì xin thỉnh Đại quan nhân cứ ngồi xuống đi đã rồi tôi nói.
Tây
Môn Khánh bèn ngồi xuống, đối diện với Kim Liên. Vương bà bảo:
–
Để tôi nói cho mà nghe, nương tử đây chính là người vô tình buông tấm mành khiến
Đại quan nhân đụng đầu đó.
Tây
Môn Khánh vờ ngạc nhiên:
–
À thì ra nương tử đây, thật là hân hạnh cho tôi được tình cờ tái ngộ. Chuyện
hôm nọ quả tôi chẳng bao giờ quên được.
Kim
Liên vẫn cúi đầu cười thưa:
–
Hôm nọ là tôi vô tình lỡ tay, tôi cũng đã xin lỗi rồi, xin quan nhân đừng để
tâm.
Tây
Môn Khánh vội nói:
–
Tôi đâu dám vậy.
Vương
bà nói:
–
Đây là Võ Đại nương ở ngay cạnh nhà tôi đấy.
Tây
Môn Khánh nói:
–
Nếu vậy thì hôm nay tôi đường đột thất kính quá.
Vương
bà lại hỏi:
–
Nương tử à, nương tử có nhận ra Đại quan nhân đây không?
Kim
Liên đáp:
–
Thưa quả là tôi không nhận ra, và cũng chưa có hân hạnh quen biết.
Vương
bà nói:
–
Đại quan nhân đây là Tây Môn Đại quan nhân, một cự phú trong huyện này, Huyện
quan vẫn thường cùng Đại quan đây giao hảo thân mật lắm. Đại quan nhân đây quả
là tiền muôn bạc vạn, lai có cửa hiệu dược phẩm lớn nhất trong huyện. Nhà cửa
thì ôi thôi vàng bạc châu báu chất đầy. Vị Đại nương của Đại quan nhân đây cũng
là do tôi làm mối, đó là tiểu thư của gia đình Ngô Thiên Hộ. Đại nương quả là một
người hiền đức đảm đang.
Đoạn
quay sang hỏi Tây Môn Khánh:
–
Sao hồi này không thấy Đại quan nhân tới đây uống trà.
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Trong nhà cũng nhiều chuyện bận rộn, vả lại tiện nữ ở nhà cũng có người tới hỏi.
Do đó cũng không được rảnh.
Vương
bà nói:
–
Đại thư ở nhà đã hứa hôn với gia đình nào vậy? Sao không để tôi làm mối cho?
Tây
Môn Khánh nói:
–
Chúng tôi đã thuận gả tiện nữ về làm dâu của Dương Đề đốc, chỉ huy Thập bát vạn
cấm quân của Đông Kinh. Người con trai tên Kính Tế, mới mười bảy tuổi, cũng hãy
còn đi học. Sở dĩ không dám nhờ tới ma ma là vì trong gia đình chúng tôi đã có
Văn tẩu nhi và Tiết tẩu nhi đứng ra lo giùm, tuy nhiên nếu ma ma chịu giúp thêm
vào thì để tôi về nhà dọn tiệc rượu mời ma ma tới.
Vương
bà cười:
–
Nói là nói vậy mà thôi chứ chuyện đã xong rồi thì còn cần đến tôi làm gì, bây
giờ tôi chỉ còn đợi đến ngày đám cưới của Đại thư thì tới uống chén rượu mừng
nói câu chúc tụng mà thôi.
Hai
người nói thêm vài câu chuyện nữa, trong khi đó Kim Liên vẫn tiếp tục may áo.
Vương bà vào trong đem ra hai chung trà bốc khói, một cho Tây Môn Khánh, một
cho Kim Liên rồi bảo:
–
Nương tử à, xin dùng với quan nhân đây một chén trà cho vui.
Nói
xong liếc nhìn Kim Liên rồi lại nhìn Tây Môn Khánh mà giơ bàn tay lên. Tây Môn
Khánh ngầm hiểu là việc đã năm phần thành công. Thật đúng với câu “trà là gợi
chuyện, rượu là ông mai”. Sau khi khoa trương Tây Môn Khánh một hồi, Vương bà
nói:
–
Nếu Đại quan nhân không tới đây thì già cũng chẳng bỏ nhà mà đi mời được. Nay Đại
quan nhân tới thật là đúng lúc, thế mới biết miếng ăn miếng uống cũng là duyên
tiền định. Tục ngữ có nói “Một người khách không làm phiền tới hai người chủ”,
vậy mà Đại quan nhân đây thì bỏ tiền ra mua lụa cho tôi, còn nương tử đây thì
nhọc công may áo cho tôi, một bên có của một bên có công, cả hai đều là người
ơn của tôi cả, thật là một mình tôi mà một lúc làm phiền tới hai người. Hôm nay
chẳng gì cũng là gặp gỡ vui vẻ, tôi đề nghị là Đại quan nhân nên bỏ tiền ra để
tôi mua rượu thịt về làm tiệc mời nương tử đây cùng dự cho vui. Đại quan nhân
tính sao?
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Tôi quả là vụng về, không nghĩ tới điều đó, tiền bạc thì có sẵn đây.
Nói
xong móc hầu bao lấy ra một lạng bạc đưa cho Vương bà. Kim Liên thấy vậy vội lắc
đầu bảo:
–
Chết! Tôi không dám vậy đâu.
Tuy
nói vậy nhưng vẫn ngồi yên, tay mân mê tấm áo may dở. Vương bà thấy vậy yên bụng
lắm, bèn cầm tiền mà bảo:
–
Thôi để tôi đi mua bán cho sớm nhé, phiền nương tử ở nhà tiếp Đại quan nhân đây
giùm tôi.
Vừa
nói vừa bước từ từ ra phía cửa nhưng không quên theo dõi phản ứng của Kim Liên.
Kim Liên thấy Vương bà đi bèn nói:
–
Ma ma à, trời cũng trưa rồi xin cho tôi về.
Tuy
miệng nói vậy nhưng vẫn ngồi yên, tiếp tục may áo. Vương bà đi thẳng ra cửa,
khóa trái cửa lại, rồi đứng ngoài cửa theo dõi tình hình.
Trong
này, Tây Môn Khánh say sưa ngắm Kim Liên. Kim Liên thỉnh thoảng lại liếc nhìn Tây
Môn Khánh rồi lại tiếp tục cúi xuống khâu áo.
Vương
bà thấy có vẻ êm, vội đi mua gà vịt, thịt lợn thịt dê và các thứ hoa quả về,
làm một bữa tiệc linh đình, rồi dọn ngay tại bàn trong phòng. Tiệc dọn xong
xuôi. Vương bà bảo:
–
Nương tử à, dẹp chuyện khâu vá lại đi, dùng chén rượu đã.
Kim
Liên đáp:
–
Ma ma ngồi tiếp Đại quan nhân đi, tôi không dám đâu.
Vương
bà nói:
–
Bữa tiệc này là của Đại quan nhân đây đãi nương tử mà, nói vậy sao được.
Nói
xong rót rượu ra. Kim Liên miễn cưỡng nhập tiệc. Tây Môn Khánh nâng chung rượu
lên bảo:
–
Ma ma à, làm sao phải mời nương tử đây uống cho thật tình mới được.
Kim
Liên vội nói:
–
Thưa, tôi uống ít lắm, uống nhiều không được đâu.
Vương
bà khẩn khoản:
–
Già này biết nương tử uống được mà, xin mở lòng uống ít chén cho khỏi phụ lòng
Đại quan nhân đây.
Nói
xong nâng chung đưa cho Kim Liên. Kim Liên tiếp lấy chung rượu, hướng về hai
người chúc câu vạn phúc. Tây Môn Khánh cầm một đôi đũa đưa cho Vương bá mà bảo:
–
Xin ma ma thay tôi tiếp đồ ăn cho nương tử.
Vương
bà bèn lựa những món ngon nhất gắp đầy bát cho Kim Liên. Mọi người vui vẻ ăn uống.
Qua vài tuần rượu Vương bà vào trong hâm lấy thêm rượu. Ngoài này Tây Môn Khánh
đặt đũa xuống hỏi:
–
Kẻ hèn này mạo muội, xin nương tử thứ lỗi, chẳng hay năm nay thanh xuân nương tử
bao nhiêu?
Kim
Liên cúi đầu đáp lí nhí:
–
Thưa tôi đã hai mươi lăm tuổi rồi.
Tây
Môn Khánh bảo:
–
Như vậy nương tử đây đồng canh với tiện nội[17] ở nhà. Tiện nội tôi tuổi Canh
Thìn, tức là tuổi con rồng, sinh đúng vào ngày rằm tháng tám.
Kim
Liên đỏ bừng đôi má:
–
Chết, Đại quan nhân đem gà mà so với phượng như vậy đâu được. Làm vậy tôi mang
tội.
Vương
bà từ trong ra nghe vậy liền bảo:
–
Nương tử quả là người rất mực tinh tế, thảo nào cái gì cũng giỏi, từ chuyện nữ
công may vá, cho đến cầm kỳ thi tửu đều xuất sắc hơn người.
Tây
Môn Khánh nói:
–
Người như nương tử đây quả là hiếm có.
Vương
bà tiếp lời:
–
Tôi nói thật, xin Đại quan nhân bỏ lỗi cho, đây là chỗ thân tình nên tôi mới
nói. Đại quan nhân giàu sang tột bực, ở nhà thê có, thiếp có, tuy toàn là người
hiền lành đẹp đẽ, nhưng quả tình là không có ai được như nương tử ở đây đâu.
Tây
Môn Khánh thở dài làm bộ buồn rầu:
–
Tôi quả là người bạc phúc bạc phần, tuy có tiền nhưng không có được lấy một người
tâm đầu ý hợp.
Vương
bà hỏi:
–
Còn vị Đại nương ngày trước thì sao?
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Người vợ trước của tôi, lúc còn sinh tiền đâu có giống như người vợ hiện nay,
tuy ở nhà mà như nhà vô chủ chẳng biết quán xuyến gia đình gì cả.
Vương
bà nói:
–
Lâu quá tôi cũng quên đi, Đại nương ngày xưa quả là đảm đang lắm.
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Đúng vậy, người vợ trước của tôi họ Trần, tuy xuất thân gia đình nghèo khó
nhưng giỏi giang lanh lợi lắm, thay tôi lo được hết mọi việc trong ngoài. Chẳng
may mất đi đã được ba năm rồi. Tiện nội của tôi hiện nay phần cũng vì hay đau yếu
nên không coi sóc nổi việc nhà. Mỗi lần nhắc tới chuyện gia đình, tôi thật khổ
tâm quá.
Vương
bà cười:
–
Đại quan nhân đừng giận, tôi nói thật, cả Đại nương lúc trước lẫn Đại nương
cũng không ai đẹp đẽ tài giỏi như nương tử đây đâu.
Tây
Môn Khánh gật gù:
–
Ma ma nói rất đúng.
Vương
bà lại cười hỏi:
–
Tôi nghe nói hình như Đại quan nhân có nhà riêng ở ngoài với một bà nào nữa phải
không? Sao không cho tôi biết?
Tây
Môn Khánh đáp:
–
À đó là ca nữ Trương Tích Xuân đó mà, nhưng nàng ta là loài ca kỹ, tôi đâu
thích gì?
Vương
bà hỏi tiếp:
–
Tôi cũng nghe nói là Lý Kiều Nhi cũng được nhờ vả Đại quan nhân nhiều lắm phải
không?
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Lý Kiều Nhi thì tôi đã cưới về rồi, nếu nàng tỏ ra đảm đang tháo vát biết quán
xuyến công việc nhà thì tôi sẽ nâng lên hàng chính thất.
Vương
bà lại hỏi:
–
Còn Trác Nhị thư coi vậy mà vắn số nhỉ?
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Trác Nhị thư thì cũng chẳng nên nhắc tới nữa. Từ hồi được tôi cưới về làm đệ tam
phòng thì cứ đau yếu luôn, gần đây bệnh tình trầm trọng mà qua đời.
Vương
bà hỏi:
–
Giả dụ như bây giờ có một người cực xinh đẹp mà lại giỏi giang tháo vát, rất hợp
ý Đại quan nhân thì Đại quan nhân tính sao.
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Có lẽ cái duyên số tôi nó chẳng ra gì, bây giờ còn biết mong mỏi vào đâu được nữa.
Tây
Môn Khánh và Vương bà cứ vừa ăn uống vừa nói chuyện như vậy. Lát sau Vương bà vờ
đứng lên bảo:
–
Nguy rồi, hồi nãy quên mua rượu, bây giờ hết rượu rồi làm sao? Thôi để già chạy
đi mua thêm rượu nhé.
Tây
Môn Khánh lại móc hầu bao ra, lấy chừng ba bốn lạng bạc vụn đưa cho Vương bà mà
bảo:
–
Ma ma cầm lấy mà mua rượu, còn dư bao nhiêu thì cứ cất đi.
Vương
bà hết lời cảm tạ, liếc nhìn thấy Kim Liên cúi đầu không nói gì thì mừng lắm, cầm
tiền đứng dậy bảo:
–
Già tới đường Đông Nhai mua rượu ngon, lại phiền nương tử nhọc công tiếp Đại
quan nhân giùm, bình trên bàn cũng còn ít rượu đó.
–
Thôi, nếu còn rượu thì ma ma đừng đi nữa, bấy nhiêu đó Đại quan nhân uống đủ rồi,
tôi thì không uống rượu được nữa đâu.
Vương
bà bảo:
–
Có gì đâu mà ngại, Đại quan nhân đây cũng là chỗ thân tình mà.
Kim
Liên nói:
–
Không được đâu...
Tuy
miệng nói vậy nhưng vẫn ngồi yên. Vương bà thấy vậy vội đi ngay ra cửa, đóng cửa,
khóa kỹ lại rồi đứng ở ngoài mà nghe ngóng. Trong này, Tây Môn Khánh đăm dăm
nhìn Kim Liên rồi hỏi:
–
Hồi nãy ma ma có nói nhưng tôi quên mất, dám hỏi nương tử họ gì?
Kim
Liên cúi đầu mỉm cười đáp:
–
Họ Võ.
Tây
Môn Khánh vờ hỏi lại:
–
Họ Đỗ à?
Kim
Liên cười, liếc Tây Môn Khánh mà bảo:
–
Quan nhân có đôi tai không được tốt lắm. Tôi họ Võ.
Tây
Môn Khánh cười bảo:
–
Tôi lãng tai thật sao? Nhưng họ Võ thì ở huyện Thanh Hà này ít lắm, chỉ có anh
chàng bán bánh người lùn tịt tên là Võ Đại, thường gọi là Võ Đại lang mà thôi.
Chẳng hay nương tử có họ hàng gì với Võ Đại lang chăng?
Kim
Liên mới nghe thì đỏ bừng mặt, nhưng sau đó thì mỉm cười đáp:
–
Chồng tôi đó.
Tây
Môn Khánh im lặng giây lát rồi làm bộ thở dài. Kim Liên liếc Tây Môn Khánh tủm
tỉm cười hỏi:
–
Quan nhân không buồn khổ, không oan ức thì tại sao lại thở dài?
Tây
Môn Khánh đắm đuối nhìn Kim Liên đáp:
–
Tôi thở dài vì nương tử đó.
Đoạn
giở hết lời ngon tiếng ngọt rót vào Kim Liên. Kim Liên im lặng ngồi nghe, đôi
má đỏ bừng, tay mân mê gấu áo. Lát sau Tây Môn Khánh cởi áo ngoài đưa cho Kim
Liên mà bảo:
–
Xin cảm phiền nương tử để giùm tôi cái áo này lên giường kia.
Kim
Liên không nhận, chỉ cười mà nói nhỏ:
–
Sao quan nhân không làm lấy mà lại sai người khác?
Tây
Môn Khánh cười bảo:
–
Nếu nương tử không chịu giúp tôi thì tôi phải làm lấy chứ sao?
Nói
xong nhoài người liệng cái áo vào giường, rồi cố ý gạt rơi đôi đũa của mình xuống
đất. Khéo làm sao, đôi đũa rơi ngay cạnh chân Kim Liên. Tây Môn Khánh giả vờ
không biết, liệng áo xong, rót rượu mời Kim Liên rồi nhớn nhác nhìn quanh trên
bàn để tìm đôi đũa của mình. Kim Liên thấy vậy tức cười bảo:
–
Có phải đũa của quan nhân đây không?
Vừa
nói vừa chỉ ngay xuống chân mình. Tây Môn Khánh nghe vậy bèn đứng dậy, đi vòng
sang phía Kim Liên rồi ngồi thụp xuống, nhưng không nhặt đũa lên, mà lại sờ vào
đôi hài của Kim Liên. Kim Liên cười bảo:
– Cái gì lạ vậy? Tôi kêu lên bây giờ.
Tây
Môn Khánh sợ hỏng việc, vì thấy việc đã thành công tới chín phần mười, vội đứng
dậy cười bảo:
–
Tôi thực lòng yêu mến nương tử lắm, xin nương tử thương tình mà đền đáp cho phần
nào.
Kim
Liên ngẩng lên mỉm cười tình tứ hỏi:
–
Quan nhân nói vậy nghĩa là thế nào?
Tây
Môn Khánh bèn cúi xuống ôm lấy Kim Liên, nàng định đẩy ra nhưng Tây Môn Khánh
đã nói:
–
Xin nương tử thương tôi, từ hôm gặp mặt nương tử, tôi không ăn không ngủ được,
lúc nào cũng chỉ mơ tưởng đến nương tử mà thôi.
Kim
Liên nói trong vòng tay Tây Môn Khánh:
–
Quan nhân đừng lừa dối tôi, chẳng qua quan nhân uống rượu rồi nói vậy mà thôi.
Tây
Môn Khánh kề sát tai Kim Liên mà nói:
–
Nếu nương tử quả vô tình thì chắc tôi không sống nổi. Nói xong lại xiết mạnh
vòng tay. Kim Liên khẽ nhoài người ra, ngước nhìn Tây Môn Khánh mà bảo:
–
Đây là nhà của Vương ma ma, vả lại bây giờ đang lúc thanh thiên bạch nhật, thế
này coi sao được?
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Hiện tại trong nhà chỉ có hai đứa mình, ma ma đâu có thể về ngay, có gì mà ngại?
Kim
Liên mỉm cười không nói, chỉ đưa sóng mắt đa tình đắm đuối nhìn người tình mới.
Tây Môn Khánh dìu Kim Liên vào giường, rồi quay ra khép cửa phòng lại...
Qua
phút mây mưa, hai người đang thề non hẹn biển, trao đổi những lời ân ái keo sơn
thì bỗng cửa phòng sịch mở, cả hai đều kêu lên kinh ngạc. Vương bà bước vào, chỉ
ngay mặt Kim Liên mà mắng:
–
Ái già, giỏi thật, tôi mời cô sang đây là để may quần áo cho tôi, vậy mà cô dám
làm chuyện trên bộc trong dâu[18] thương phong bại lý như thế này
hay sao? Rồi Võ Đại lang biết được thì làm sao tôi tránh khỏi liên lụy, chi bằng
tôi tìm gặp Võ Đại lang nói trước là hơn.
Nói
xong làm bộ quay ra. Kim Liên mặt đỏ bừng vội chạy níu áo Vương bà mà nói:
–
Ma ma, xin đừng vội...
Rồi
cúi đầu không nói được gì nữa. Vương bà đứng lại bảo:
–
Nếu muốn yên thì cô phải nghe tôi đây. Từ nay, những lúc có Võ Đại ở nhà, mỗi lần
Đại quan nhân đây muốn gặp thì không được trái ý. Gọi lúc nào phải sang ngay
lúc đó, nếu trái lời, tôi sẽ nói hết cho Võ Đại nghe.
Kim
Liên vừa hổ thẹn vừa buồn rầu, muốn nói mà không nói nên lời. Vương bà hỏi:
–
Thế nào? Cô có chịu như vậy không?
Kim
Liên gật đầu. Vương bà quay sang Tây Môn Khánh:
–
Như vậy là công việc đã thập phần hoàn hảo, không sai lời tôi nói một ly. Quan
nhân hứa những gì, xin đừng thất hứa. Nếu không, tôi cũng sẽ nói hết với Võ Đại.
Tây
Môn Khánh đáp:
–
Ma ma cứ yên tâm, làm sao thất hứa được.
Vương
bà bảo:
–
Lời nói thì không lấy gì làm bằng cớ, xin cả hai người cùng để lại cho tôi một
vật gì làm tin.
Tây
Môn Khánh rút cây kim cài khăn ra đưa cho Vương bà. Kim Liên định cắt tay áo hoặc
để lại vật gì, nhưng sợ về nhà Võ Đại thấy mất sẽ sinh nghi nên cứ do dự chưa
quyết. Vương bà một mặt hối thúc, một mặt cầm kéo cắt luôn một mẩu thắt lưng của
Kim Liên, sau đó vui vẻ mời cả hai trở lại bàn tiệc. Ba người lại ăn uống như
cũ, nhưng không khí đã nhạt nhẽo. Lát sau Kim Liên đứng dậy cáo từ, theo cổng
sau mà về nhà.
Từ
đó, ngày nào Kim Liên cũng gặp gỡ Tây Môn Khánh tại nhà Vương bà, ân ái mặn nồng,
keo sơn gắn bó. Nhưng người xưa đã nói: “Việc tốt chỉ biết trong nhà, việc xấu
tự khắc bay xa ngàn trùng”, cho nên chỉ sau đó chừng nửa tháng là hầu như cả
huyện Thanh Hà đều biết chuyện Tây Môn Khánh tư tình với vợ Võ Đại lang. Chỉ
riêng mình Võ Đại là vẫn không hề hay biết.
***
Trong
huyện Thanh Hà có một thiếu niên họ Kiều, lúc đó khoảng mười sáu tuổi, làm nghề
đẩy xe nên còn có tên là Vận Ca, nhà chỉ còn cha già. Ngoài giờ đẩy xe, Vận Ca
chỉ quanh quẩn tại mấy cao lâu tửu điếm trước huyện để mọi người sai vặt, kiếm
thêm tiền. Vận Ca thường được Tây Môn Khánh sai bảo luôn.
Một
hôm Vận Ca có một giỏ tuyết lê, đang định đi tìm Tây Môn Khánh để bán thì gặp một
người có tiếng là lắm chuyện, vừa cười vừa bảo:
–
Vận ca à, ngươi muốn tìm Tây Môn Đại quan nhân phải không? Để ta chỉ cho.
Vận
Ca đáp:
–
Nếu vậy thì còn gì bằng, xin chú chỉ giùm.
Người
nhiều chuyện bảo:
–
Từ ngày Tây Môn quan nhân tằng tịu với vợ Võ Đại tới giờ thì ngày nào hai người
cũng hẹn hò gặp gỡ nhau bên trong quán nước của mụ họ Vương. Giờ này chắc là
Tây Môn quan nhân đang ở đó, ngươi cứ tới là gặp.
Vận
Ca cảm ơn rồi xách giỏ tới quán nước của Vương bà, thấy Vương bà đang ngồi
trong nhà liền đặt giỏ tuyết lê xuống mà gọi:
–
Ma ma à.
Vương
bà nhìn ra:
–
Vận Ca đấy hả, ngươi tới đây làm gì vậy?
Vận
Ca cười đáp:
–
Tôi tới tìm Đại quan nhân để kiếm ít tiền về nuôi cha già.
Vương
bà vờ bảo:
–
Ở đây làm gì có Đại quan nhân nào.
Vận
Ca ỡm ờ:
–
Thì Đại quan nhân nào cũng được.
Vương
bà khó chịu:
–
Nhưng Đại quan nhân nào thì cũng phải có họ có tên chứ.
Vận
Ca đáp:
–
Đại quan nhân này, họ có hai chữ.
Vương
bà hỏi:
–
Hai chữ gì?
Vận
Ca cười:
–
Thì hai chữ “Tây Môn” chứ hai chữ gì nữa, thôi ma ma cho tôi vào gặp Đại quan
nhân nhé.
Nói
xong xồng xộc đi vào. Vương bà vội chạy ra nắm lại mà mắng:
–
Thằng khỉ này hay nhỉ, đi đâu mà cứ xồng xộc vào nhà người ta vậy?
Vận
Ca đáp:
–
Thì tôi vào tìm Tây Môn Đại quan nhân.
Vương
bà mắng át:
–
Đừng có nói láo, nhà tao mà làm gì có Đại quan nhân nào.
Vận
Ca cười:
–
Sao lại ngăn cản tôi? Ma ma kiếm cơm thì cũng phải cho tôi kiếm chút cháo chứ?
Bộ coi thường tôi sao?
Vương
bà mắng:
–
Thằng chết đâm kia, mày là cái gì mà tao phải...
Vận
Ca chặn lời:
–
Chẳng là cái gì hết, nhưng nếu tôi nói chuyện này với anh bán bánh thì ma ma
nghĩ thế nào?
Vương
bà giận tím gan mắng:
–
Mày là thằng chết đâm...
Vận
Ca tiếp ngay:
– Còn bà là quân chết bầm...
Vương
bà tức giận, bèn túm Vận Ca mà đánh. Vận Ca la lên:
–
Tôi làm gì mà bà đánh tôi?
Vương
bà buông tay ra mắng:
–
Thằng giặc non chết đâm kia, mày mà nói hở gì ra thì biết tay bà...
Vận
Ca đối đáp:
–
Mụ giặc già chết bầm kia, tôi làm gì mà mụ đánh tôi?
Vương
bà với tay lấy cây gậy đánh đuổi Vận Ca chạy ra đường, lại liệng cả giỏ tuyết
lê ra đường, những trái tuyết lê ngon lành giờ đây lăn lóc khắp mặt đường. Vận
Ca vừa khóc vừa chửi mắng Vương bà, lại vừa lom khom chạy nhặt những trái tuyết
lê. Sau đó một tay xách giỏ lê, một tay chỉ vào Vương bà mà bảo:
–
Mụ giặc già kia, chống mắt lên mà xem. Tôi sẽ nói chuyện nay cho Võ ca ca nghe
rồi xem mụ còn ngồi đó mà ăn tiền được không?
Nói
xong hầm hầm bỏ đi.
Chú thích.
[16] Theo
niên lịch cổ, người Á Đông phân chia một ngày làm 12 khoảng thời gian, mỗi khoảng
ứng với 2 giờ đồng hồ hiện nay và đặt tên theo các con giáp bắt đầu từ Tý cho đến
Hợi.
Mỗi ngày cũng phân ra làm 100 khắc (vạch
khắc trên thùng nhỏ nước tính giờ, một ngày đêm thì nước rỏ hết một thùng, mỗi
khắc tương đương 15 phút).
Giờ Ngọ: từ 11h00-13h00.
[17] Từ
chỉ vợ mình một cách khiêm tốn khi nói với người khác
[18] Trên
bờ sông, trong bãi dâu, ý nói trai gái dâm ô bất chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét