Vương Hy Phượng |
Hồi 107.
Cho
của thừa, Giả mẫu hiểu nghĩa lớn;
Phục
chức cũ, Giả Chính đội ơn trời.
Giả Chính vào triều, gặp các vị đại thần viện khu mật, lại
gặp các vị vương gia, Bắc Tĩnh Vương nói:
Hôm nay chúng tôi gọi ông đến theo chỉ ý, hỏi ông mấy việc. Giả Chính vội vàng quỳ xuống.
Các đại thần liền nói:
Những việc anh ông giao thông với quan ngoài, cậy thế mạnh
áp bức người hèn, dung túng con cháu đánh bạc, cưỡng chiếm vợ lương dân làm lẽ,
nó không theo, bức hiếp đến chết, ông có biết không?
Giả Chính thưa:
Tôi từ khi đội ơn Chúa thượng, nhậm chức học chính xong,
đi tra xét việc phát chẩn, hết mùa đông năm kia mới về nhà. Sau đó lại được sai
đi làm các việc công trình, rồi được nhậm chức lương đạo tỉnh Giang Tây, bị hặc
về kinh, vẫn làm ở bộ Công, đêm ngày không dám lười biếng. Tất cả mọi việc
trong nhà, tôi đều không để ý xem xét. Tôi thật là u mê không biết dạy bảo con
cháu, phụ ơn thánh thượng, dám xin Chúa thượng trị tội nặng.
Bắc Tĩnh Vương cứ thế mà tâu lên. Được một lát, trong
cung truyền chỉ vua ra, Bắc Tĩnh Vương thuật lại rằng:
Chúa thượng nhân việc ngự sử hặc tâu Giả Xá giao thông với
quan ngoài, cậy mạnh áp bức người hèn, theo lời quan ngự sử kia tâu lên thì Giả
Xá đi lại với Châu Bình An, bao thầu trong việc kiện tụng. Sau khi tra hỏi Giả
Xá, theo lời khai của Giả Xá thì Châu Bình An vốn là chỗ bà con thông gia qua lại,
chưa hề có can thiệp đến việc quan. Quan ngự sử kia cũng không nêu ra được chứng
cứ rõ rệt. Duy có việc cưỡng bức lấy quạt của anh chàng Thạch ngốc nào đó là có
thật. Nhưng đó chỉ là đồ chơi, không thể xem như việc công bức lấy của cải của
lương dân. Anh chàng Thạch ngốc kia tự tử cũng là do nó điên dại mà làm như thế,
không phải việc bức bách làm cho người ta chết. Nay hoàng thượng khoan hồng,
đày Giả Xá ra nơi đài trạm86 làm việc để chuộc tội. Còn khoản hặc
Giả Trân cưỡng chiếm vợ lương dân làm vợ lẽ, nó không theo bức hiếp nó phải chết
thì xét theo nguyên án ở đô sát viện, thấy chị Hai họ Vưu là vợ chưa cưới của
Trương Hoa, hứa gả từ khi ở trong thai, vì anh ta nghèo khổ tự nguyện thoái
hôn. Mẹ chị Vưu bằng lòng gả cho em Giả Trân làm vợ lẽ, không phải là cưỡng chiếm.
Đến khoản chị Ba họ Vưu tự vẫn, tự ý đem chôn, không báo quan thì xét như sau:
“Chị Ba họ Vưu là em vợ Giả Trân. Nguyên Giả Trân muốn gả chồng cho chị ta,
nhân vì người ta đòi lại vật đính hôn rồi người ngoài lại rêu rao nói xấu, nên
cô ta hổ thẹn tự tử, không phải là Giả Trân bức bách mà chết. Giả Trân là một
viên chức thế tập, chẳng biết pháp luật, chôn trộm mạng người, đáng lẽ phải trị
tội nặng. Nhưng nghĩ anh ta vẫn là con cháu nhà công thần, không nỡ làm tội nên
cũng theo lệ khoan hồng, cách chức thế tập, sai tới ven biển làm việc để chuộc
tội. Giả Dung tuổi trẻ, không liên can gì được tha bổng. Giả Chính coi việc nhà
không đúng đắn, nhưng vì làm quan ngoài đã lâu, mọi việc cũng siêng năng cẩn thận
nên miễn tội”.
Giả Chính xem xong, cảm kích chảy nước mắt, sụp lạy lia lịa,
lại xin vương gia tâu hộ lòng thành của mình.
Bắc Tĩnh Vương nói: Ông nên lạy tạ ơn trên, còn tâu gì nữa?
Giả Chính nói: Kẻ phạm tội này đội ơn trời không xử tội nặng,
đội ơn trả lại giả sản, thật là trong lòng hổ thẹn, sẽ đem tất cả gia tài bổng
lộc do tổ tiên để lại, dành dụm và sắm sửa ra đều đưa vào của công.
Bắc Tĩnh Vương nói: Chúa thượng đãi người dưới nhân từ,
dùng hình sáng suốt cẩn thận, thưởng phạt không sai. Nay đã đội ơn cao sâu, trả
lại tài sản, hà tất ông phải tâu thêm làm gì.
Các quan khác cũng đều nói: Bất tất phải tâu điều đó.
Giả Chính liền tạ ơn, lại lạy tạ vương gia rồi đi ra. Sợ
Giả mẫu lo lắng, ông ta vội vàng về nhà. Bọn người nhà không biết nhà vua cho gọi
Giả Chính vào là việc lành hay dữ, nên đều ở ngoài nghe ngóng. Khi thấy Giả
Chính về nhà, ai nấy mới đỡ lo, nhưng không dám hỏi. Giả Chính vội vàng đến chỗ
Giả mẫu kể lại việc được ơn trên khoan hồng tha thứ như thế nào. Giả mẫu tuy
yên lòng nhưng nghĩ lại: “Hai thế chức đều bị cách. Giả Xá phải đi đài trạm làm
việc, Giả Trân phải đi ra ven biển”, nên đau lòng khóc lóc.
Hình phu nhân và Vưu thị nghe thấy, khóc lóc mãi không
thôi. Giả Chính nói:
Xin mẹ cứ yên lòng. Anh Cả tuy phải đi làm việc ở nơi đài
trạm, nhưng cũng là làm việc cho nhà nước, không đến nổi chịu khổ; chỉ cần làm
cho chu đáo là có thể phục chức. Còn cháu Trân đang ít tuổi, cũng phải cố sức
làm việc. Nếu không như thế, thì mặc dầu cha ông có công đức để lại cũng không
hưởng được lâu.
Ông ta lại nói thêm mấy lời an ủi.
Giả mẫu xưa nay vốn không ưa Giả Xá lắm, còn Giả Trân bên
phủ Đông thì lại xa cách thêm một tầng. Chỉ có Hình phu nhân và Vưu thị thì cứ
khóc mãi.
Hình phu nhân nghĩ bụng: “gia sản sạch không, chồng tuổi
già lại phải đi xa, tuy có thằng Liễn, nhưng xưa nay nó vốn về hùa với chú nó;
nay việc gì cũng nương tựa vào chú Hai, vợ chồng nhà nó tất nhiên lại càng theo
về bên ấy. Chỉ trơ lại một mình cô độc khổ sở, biết làm thế nào? Vưu thị thì
xưa nay một mình trông coi việc nhà ở phủ Ninh. Ngoài Giả Trân, chị ta là người
được tôn quý hơn cả. Vợ chồng lại vốn thuận hòa. Nay Giả Trân mắc tội phải đi
xa, gia tài bị tịch thu hết, sống nương nhờ phủ Vinh. Tuy rằng được Giả mẫu
thương yêu, nhưng dẫu sao cũng vẫn là ăn nhờ ở đậu. Lại đèo thêm Bội Phượng,
Giai Loan nữa và vợ chồng Giả Dung, đều là người không biết sinh cơ lập nghiệp”.
Chị ta lại nghĩ: “em Hai và em Ba chết đều do chú Liễn gây nên, giờ đây bọn họ
yên ổn vô sự, vợ chồng vẫn sum họp như thường, còn mình thì chỉ sót lại mấy đứa,
làm sao sống cho qua ngày?” Nghĩ đến đó, chị ta lại khóc lóc thảm thiết.
Giả mẫu không nỡ lòng, liền hỏi Giả Chính:
Anh Cả con và cháu Trân hiện đã thành án, có thể về nhà
được không? Còn thằng Dung không việc gì, chắc cũng được tha chứ?
Nếu như lệ đã đặt thì anh Cả không về nhà được. Nhưng con
đã nhờ người ta thể theo tình riêng, cho anh Cả và cháu Trân về nhà, để tiện việc
sắp sửa hành lý. Trong nha môn đã nhận lời. Chắc là cháu Dung sẽ cùng ông và
cha nó đều về một thể. Xin mẹ cứ yên lòng, để con lo liệu.
Ta mấy năm nay già cả, chẳng còn ra người nữa, việc nhà
cũng không khi nào hỏi đến. Giờ đây bên phủ Đông bị tịch thu hết, nhà cửa cũng
xung công, không còn phải nói. Kho bạc phủ Tây của chúng ta và đất đai ở phủ
Đông, anh có biết còn lại bao nhiêu không? Hai chú cháu chúng nó ra đi cũng phải
cấp cho chúng mấy ngàn bạc mới được chứ?
Giả Chính đang không biết tính làm sao, nghe Giả mẫu nói,
nghĩ bụng: “Nếu nói rõ ra thì sợ mẹ lo. Nhưng nếu không nói rõ, thì sợ sau này,
và ngay bây giờ cũng không biết lo liệu ra sao”, ông ta liền thưa:
Nếu mẹ không hỏi thì con cũng không dám nói. Nay mẹ đã hỏi
đến việc đó, và hiện giờ cháu Liễn cũng ở đây, con có thể nói, hôm qua con đã
xét việc ấy rồi, bạc ở kho đã hết sạch, chẳng những đã tiêu hết, còn thiếu hụt
phải mắc nợ nữa. Giờ đây việc của anh Cả nếu không bỏ tiền ra lo nhờ người ta,
mặc dù nói chúa thượng khoan hồng, nhưng e rằng chú cháu nó vẫn có điều không
hay. Ngay số bạc ấy bây giờ cũng chưa biết lấy vào đâu. Còn hoa lợi đất đai tỉnh
Đông thì tô năm Dần đã tiêu sang tô năm Mão. Trong một lúc cũng khó lòng mà
xoay xở. Chỉ có cách bán những quần áo và đồ trang sức, nhờ ơn trên không động
đến để làm phí tổn cho anh Cả và cháu Trân thôi. Còn việc ăn tiêu sau này sẽ liệu
cách.
Giả mẫu nghe nói hoảng hốt, chảy nước mắt, và nói:
Làm sao thế? Nhà mình mà đến nông nỗi ấy à. Ta tuy chưa từng
trải, nhưng nghĩ bên nhà ta ngày trước so với bên này còn hơn gấp mười. Cũng chỉ
vì lo tô điểm hão bộ mặt bề ngoài, nên sau mấy năm không xảy ra việc như ở bên
này. Nhưng cũng đã suy sụp. Không đầy hai năm là sạch cả! Theo như anh nói, thì
nhà mình không thể chèo chống được một vài năm nữa à?
Nếu hai thế bổng87 không mất thì bên
ngoài còn có cách xoay xở, giờ đây người ta không còn nhìn vào cái gì làm đảm bảo
thì còn ai chịu giúp đỡ.
Giả Chính nói đến đó, nước mắt tràn ra:
Nghĩ đến bà con, những nhà nhờ tiền của mình thì nay đều
cùng túng. Những nhà không nhờ gì mình lại không chịu giúp đỡ. Hôm qua con cũng
chưa tra xét kỹ, chỉ xem danh sách bọn người nhà. Chưa nói đến tiền tiêu trên
đây chẳng biết lấy vào đâu mà người hầu hạ bên dưới cũng không nuôi được nhiều
như thế.
Giả mẫu đang lo lắng, thì thấy bọn Giả Xá, Giả Trân, Giả
Dung đi vào hỏi thăm sức khỏe. Giả mẫu thấy quang cảnh như thế, một tay nắm Giả
Xá, một tay nắm Giả Trân, khóc oà lên.
Hai người tỏ vẻ hổ thẹn, lại thấy Giả mẫu khóc lóc, đều
quỳ xuống đất, vừa khóc vừa nói:
Con cháu chúng con hư thân, làm hỏng mất sự nghiệp của
cha ông, lại làm cho mẹ phải đau lòng, tội chúng con thật là chết không có chỗ
chôn!
Mọi người thấy quang cảnh như thế, lại đua nhau khóc ầm
lên. Giả Chính đành phải khuyên giải:
Bây giờ trước hết phải kiếm tiền tiêu cho hai chú cháu
đã. Xem chừng chỉ ở nhà được một vài ngày, chậm thì người ta không nghe cho
đâu.
Giả mẫu nín khóc và nói: Thôi hai con hãy về chuyện trò với
vợ đã. Rồi bà ta lại dặn Giả Chính:
Việc này không chờ được lâu đâu! Chắc xoay xở bên ngoài
cũng không ăn thua, nhỡ lại qua mất hạn trên định thì làm sao được? Đành để ta
liệu hộ cho thôi. Vả chăng trong nhà cứ rối bời lên thế này, cũng không phải là
cách lâu dài.
Giả mẫu vừa nói vừa gọi Uyên Ương đến dặn. Bọn Giả Xá ra
ngoài lại cùng Giả Chính khóc lóc một hồi, kể lể những chuyện trước đây tự ý
làm càn, sau này ăn năn, và giờ đây phải ly biệt nhau. Rồi ai nấy vợ chồng cùng
nhau khóc lóc. Giả Xá tuổi đã già, còn có thể dứt tình ra đi. Chỉ có Giả Trân
và Vưu thị làm sao rời nhau cho đành? Bọn Giả Liễn, Giả Dung cũng chỉ biết nắm
lấy cha mà khóc lóc. Dầu nói là nhẹ hơn tội xung quân, nhưng vẫn là cảnh sinh
ly tử biệt, việc đã đến thế đành phải bấm bụng cho qua.
Giả mẫu gọi Hình phu nhân và Vương phu nhân cùng bọn Uyên
Ương mở rương đổ hộp lấy ra hết cả những đồ vật dành dụm từ khi làm dâu đến
nay, lại gọi bọn Giả Xá, Giả Chính, Giả Trân đến chia cho từng phần rõ ràng. Giả
mẫu cấp cho Giả Xá ba ngàn lạng và nói:
Số bạc hiện có ở đây, anh đem đi hai ngàn làm tiền tiêu,
để một ngàn cho chị ấy tiêu riêng. Đây có ba ngàn lạng cho cháu Trân, nhưng chỉ
được đưa đi một ngàn lạng, để lại hai ngàn lạng cho vợ cháu giữ lấy. Ai nấy tự
lo lấy sinh sống. Nhà cửa thì ở chung với nhau, cơm nước thì ăn riêng. Việc hôn
nhân của con Tư sau đây cũng là việc của ta. Tội nghiệp con Phượng lo liệu bấy
lâu bây giờ sạch không, cũng cho nó ba ngàn lạng, giao cho nó giữ lấy không cho
cháu Liễn tiêu. Giờ đây nó còn ốm mê mệt thì bảo con Bình đến mà nhận về. Đây
là xiêm áo của cha ông để lại, cả áo quần và đồ trang sức của ta dùng khi còn
nhỏ, nay ta không dùng đến. Đồ đàn ông thì bảo ông Cả, cháu Liễn, cháu Trân,
cháu Dung đem ra mà chia nhau. Đồ đàn bà thì bảo bà Cả, vợ cháu Trân và con Phượng
đem mà chia nhau. Đây có năm trăm lạng bạc giao cho cháu Liễn, sang năm đưa
linh cữu con Lâm về Nam.
Giả Mẫu phân chia cho con cháu của cải dành dụm cả đời.
Giả mẫu phân phát xong, lại nói với Giả Chính:
Anh nói còn mắc nợ người ngoài, việc đó cũng không thiếu
được. Anh bảo đem số vàng này bán đi mà trả cho người ta. Đó là bọn chúng nó
phá mất của ta đấy. Anh cũng là con ta, ta không hề có thiên vị. Bảo Ngọc đã
nên cửa nên nhà, những vàng bạc và đồ vật còn lại đây ước chừng mấy ngàn lạng,
đều đã cho nó cả. Vợ cháu Châu xưa nay ăn ở hiếu thuận với ta, thằng chắt Lan
cũng tốt, ta cũng chia cho mẹ con nó ít nhiều. Thế là công việc của ta xong
xuôi.
Bọn Giả Chính thấy Giả mẫu phân xử sáng suốt như thế, đều
quỳ xuống khóc và nói:
Tuổi già như thế, bọn chúng con chưa có chút gì hiếu thuận.
Giờ đây lại chịu ơn của người thế này. Thật bọn chúng con lấy làm xấu hổ!
Giả mẫu nói:
Đừng nói nhảm! Nếu không xảy ra tai vạ này thì ta còn cất
đi đấy. Có điều hiện giờ người nhà nhiều quá, chỉ có mình anh Hai đi làm việc,
thì để lại ít người là đủ. Anh nên dặn ngay bọn coi việc gọi mọi người đến đầy
đủ rồi phân phối cho thỏa đáng. Nhà nào cũng có người để sai bảo là được. Giá
hôm nọ bị tịch thu cả thì làm sao nữa. Trong nhà ta đây cũng phải bảo họ sắp xếp
đứa nào nên gả thì gả đi; đứa nào cho về thì cho về. Bây giờ tuy nhà này không
xung công, nhưng anh cũng nên giao cái vườn đi mới phải. Còn đất ruộng thì giao
cho cháu Liễn xem xét đâu đấy. Chỗ nào nên bán thì bán đi, chỗ nào nên để lại
thì để lại. Nhất thiết đừng có làm cái lối tô điểm cái vỏ bề ngoài nữa. Ta cũng
nói trắng ra cho mà biết, chứ bên nhà bà Hai còn giữ mấy lạng bạc của nhà họ
Chân phương Nam, cũng nên sai người đưa trả đi. Giả phỏng lại xảy ra việc gì
thì không phải là bọn họ tránh vỏ dưa lại dẫm phải vỏ dừa hay sao.
Giả Chính vốn là người không biết lo liệu việc nhà, khi
nghe Giả mẫu nói, thì nhất nhất vâng lời, nghĩ bụng: “Mẹ mình thật là người biết
xử trí việc nhà, chỉ tại bọn mình hư thân làm hỏng hết đấy thôi”. Giả Chính thấy
Giả mẫu nhọc mệt, liền mời nghỉ ngơi để di dưỡng tinh thần. Giả mẫu lại nói:
Những đồ vật của ta còn lại cũng chẳng là bao. Chừng khi
ta chết, để sử dụng vào việc hậu sự cho ta. Còn thừa bao nhiêu thì cho bọn a
hoàn hầu hạ ta.
Bọn Giả Chính nghe đến đó, càng thêm thương cảm. Mọi người
đều quỳ xuống nói:
Xin mẹ bớt lo. Mong sao cho bọn con nhờ phúc ấm của mẹ ít
lâu nữa, được ơn trên thương đến, lúc bấy giờ, sẽ lo lắng trông nom việc nhà để
chuộc lỗi trước, và phụng thờ mẹ đến trăm tuổi.
Giả mẫu nói:
Ta mong sao cho được như thế mới tốt. Ta có chết đi cũng
còn mặt mũi mà nhìn cha ông. Các người đừng tưởng rằng ta là người chỉ biết hưởng
phú quý mà không chịu được bần cùng! Chẳng qua mấy năm nay thấy bọn các người
làm ra vẻ bề thế ta đành cứ để mặc, nói nói cười cười, di dưỡng con người
đấy thôi. Ngờ đâu vận nhà suy sụp đến nông nỗi này! Nếu nói đến việc tiếng cả
nhà không thì ta đã biết lâu rồi. Nhưng vì ăn ở quen nết, trong một lúc khó
lòng thay đổi mà thôi. Nay nhân dịp này thu hẹp lại, giữ lấy nếp nhà, nếu không
người ta sẽ chê cười cho. Các người còn chưa biết, chỉ tưởng rằng ta thấy cùng
túng thì hoảng lên muốn chết. Bụng ta nghĩ là nghĩ đến công nghiệp vô cùng lớn
lao của cha ông. Ngày nào ta cũng trông nom cho các người hơn cha ông, biết giữ
được thanh danh. Ai ngờ hai chú cháu nhà nó lại làm cái trò như thế. Giả mẫu
đương nói miên man thì thấy bọn Phong Nhi hoảng hốt chạy đến trình với Vương
phu nhân:
Hôm nay mợ chúng tôi nghe thấy việc ngoài như thế, khóc
lóc một hồi, bây giờ thở không được. Chị Bình bảo tôi đến trình bà lớn.
Phong Nhi nói chưa xong, Giả mẫu nghe thấy liền hỏi: Nó
thế nào rồi? Vương phu nhân trả lời thay: Hiện giờ nghe nói nó nguy cấp.
Giả mẫu đứng dậy nói: Chà? Cái bọn oan gia này, làm ta chết
mất! Nói xong bảo người dìu đi, định thân hành đến thăm.
Giả Chính vội vàng ngăn lại và khuyên:
Mẹ nãy giờ đau lòng mãi, lại lo liệu công việc, bây giờ cần
nghỉ một chút. Dầu cháu nó có việc gì thì chỉ bảo nhà con qua thăm là được. Mẹ
hà tất phải đi sang làm gì? Nếu mẹ lại thương cảm nữa thì có việc gì không hay,
con biết xử trí ra sao?
Giả mẫu nói: Các anh cứ đi, chốc nữa sẽ lại đây, ta có
chuyện muốn nói.
Giả Chính không dám nói nhiều, đành phải đi ra, lo liệu
việc anh và cháu lên đường, lại báo Giả Liễn chọn người theo hầu.
Giả mẫu gọi Uyên Ương sai người mang những đồ vật cho Phượng
Thư theo bà ta đi sang. Lúc đó Phượng Thư đang bị khí quyết88. Bình
Nhi khóc lóc sưng cả mắt. Nghe nói Giả mẫu dẫn bọn Vương phu nhân đến, chị ta vội
vàng ra đón tiếp. Giả mẫu liền hỏi:
Giờ nó ra sao rồi?
Giờ đã hơi đỡ. Cụ đã đến đây, xin mời vào thăm mợ ấy một
chút.
Nói xong, Bình Nhi theo Giả mẫu vào, rồi vội vàng chạy
trước, khẽ vén màn ra. Phượng Thư mở mắt nhìn, thấy Giả mẫu đi vào trong bụng rất
là hổ thẹn. Ban đầu chị ta tưởng bọn Giả mẫu giận mình, không còn yêu thương nữa,
sống chết cũng mặc. Không ngờ thấy Giả mẫu thân hành đến thăm, trong bụng chị
ta khoan khoái, cảm thấy nhẹ nhàng, liền muốn gắng gượng ngồi dậy. Giả mẫu bảo
Bình Nhi giữ lại và nói:
Đừng có gắng dậy! Cháu có đỡ không? Phượng Thư rưng rưng
nước mắt, nói:
Cháu hơi đỡ rồi. Từ khi nhỏ cháu qua đây, bà và thím yêu
cháu biết chừng nào. Ngờ đâu phúc phận của cháu mỏng manh, bị ma quỉ xui giục,
như người mất hồn. Đối với bà và cha mẹ chồng, cháu chưa tròn chút lòng hiếu thảo
để người vui lòng. Thế mà bà và thím còn cho cháu là người, bảo giúp đỡ lo liệu
việc nhà để đến nỗi cháu làm cho thất điên bát đảo, giờ cháu còn mặt mũi nào
nhìn thấy bà và thím nữa. Hôm nay bà và thím lại thân hành đến đây, cháu làm
sao cho xứng đáng, chỉ sợ sống được ba hôm thì lại giảm đi hai hôm thôi.
Nói xong, chị ta nghẹn ngào nức nở.
Giả mẫu nói: Những việc ấy là do bên ngoài gây ra, can gì
đến cháu. Ngay cả những đồ vật của cháu bị người ta lấy đi cũng chẳng đáng kể.
Hiện giờ ta đưa đến cho cháu một ít đồ vật, cháu hãy xem đây.
Nói đến đó, bà ta bảo a hoàn đưa đồ vật đến cho Phượng
Thư xem. Phượng Thư vốn là người tham lam không biết chán, của cải bị tịch thu
hết sạch, cố nhiên là đau xót, lại bị mọi người trách móc, chính là lúc không
muốn sống nữa. Nay thấy Giả mẫu vẫn thương mình. Vương phu nhân cũng không
trách giận mà vẫn đến an ủi mình, lại nghĩ đến Giả Liễn không bị can gì, trong
bụng cũng đỡ lo. Chị ta liền dập đầu trước Giả mẫu và nói:
Xin bà yên lòng, nếu nhờ phúc ấn của bà mà bệnh cháu khỏe
được thì cháu tình nguyện làm con hầu sai vặt, hết lòng hết sức hầu hạ bà và
thím.
Giả mẫu nghe chị ta nói ra vẻ thương tâm, bất giác rơi nước
mắt. Bảo Ngọc xưa nay là người chưa từng trải qua sóng gió bao giờ, trong lòng
chí huyết yên vui, không biết lo lắng, bây giờ đi đến đâu cũng đều là chuyện
khóc lóc, nên lại càng ngơ ngác, thấy người ta khóc cũng khóc theo. Phượng Thư
thấy mọi người lo buồn, lại phải gắng gượng nói mấy câu an ủi Giả mẫu và năn nỉ:
Mời bà và thím về, khi nào cháu đỡ, cháu sẽ qua bái tạ.
Nói xong, chị ta ngước đầu lên. Giả mẫu bảo Bình Nhi:
Con hầu hạ cho tử tế, thiếu cái gì sang bên ta mà lấy.
Nói đến đó, Giả mẫu cùng bọn Vương phu nhân toan về phòng
mình, thì nghe hai ba chỗ có tiếng khóc. Giả mẫu trong lòng thương hại, liền bảo
Vương phu nhân về, và bảo Bảo Ngọc: cháu sang chào bác và anh, tiễn đưa một lúc
rồi về ngay.
Giả mẫu nằm trên giường chảy nước mắt; may có bọn Uyên
Ương dùng đủ mọi cách để khuyên giải, nên cũng tạm yên.
Chuyện biệt ly đau thương của bọn Giả Xá, hãy tạm gác lại
đã. Nay nói đến bọn người nhà theo đi, chẳng có ai bằng lòng cả, trong họ không
khỏi oán giận, kêu van rầm trời. Thật là sinh ly còn đau buồn hơn là tử biệt.
Người nhìn thấy lại càng đau lòng hơn người trong cuộc. Cả một tòa phủ Vinh đầy
những người khóc kêu gào.
Giả Chính là người rất giữ khuôn phép, về mặt cương thường
luân lý cũng rất chu đáo. Sau khi cầm tay từ biệt bọn Giả Xá, ông ta tự cưỡi ngựa
đi trước ra đến ngoài thành, nâng chén tiễn đưa lại dặn dò:
Nhà nước bao giờ cũng thương đến con nhà công thần, phải
ra sức báo đền cho xứng đáng…
Bọn Giả Xá gạt nước mắt, chia tay từ biệt.
Giả Chính dẫn Bảo Ngọc về nhà, chưa kịp vào cửa thì khi ấy
ở ngoài có một số người đang lao nhao nói:
Hôm nay có chỉ nhà vua cho Giả Chính thừa kế chức Vinh quốc
công.
Bọn người ấy đòi tiền mừng, nhưng những người canh cửa
cãi:
Chức thế tập của nhà đây, thì người nhà đây thừa kế, có
gì mà bảo tin mừng! Bọn người kia nói:
Vinh dự của chức thế tập. So với bất cứ quan chức lại
càng khó hơn. Ông Cả nhà các anh làm mất đi, không mong gì lại được nữa. Nay nhờ
ơn thánh thượng như trời bể. Lại cho anh Hai thừa kế. Đó là việc nghìn năm hiếm
có, sao lại không cho tiền mừng? Hai bên đang cãi cọ nhau thì Giả Chính vừa về.
Người nhà trình lại, ông ta cũng mừng, nhưng vì do anh mình phạm tội, nên mới đến
thế. Nghĩ cảm cảnh lại chảy nước mắt. Ông ta vội vàng chạy vào báo với Giả mẫu.
Giả mẫu cố nhiên là mừng rỡ liền nắm lấy Giả Chính nói mấy câu dặn dò phải
siêng năng cố gắng để báo ơn vua.
Vương phu nhân đang sợ Giả mẫu đau lòng, đến để yên ủi
nghe nói lại được phục chức thế tập cũng lấy làm mừng. Chỉ có Hình phu nhân và
Vưu thị trong lòng đau khổ, nhưng không tiện nói ra.
Bọn bà con bạn hữu ở ngoài quen thói xu phụ thế lợi. Ban
đầu thấy nhà họ Giả có việc đều tránh xa không đến; nay thấy Giả Chính được tập
chức, biết là vua còn yêu, nên mọi người đều đến mừng. Ngờ đâu Giả Chính tính
tình thật thà, thấy mình thừa kế chức tước của anh nên trong bụng đâm ra buồn bực,
chỉ biết cảm kích ơn vua mà thôi. Hôm sau, Giả Chính vào cung tạ ơn, lại làm tờ
tâu xin đem nhà vườn được trả lại nộp vào của công.
Hôm nay có chỉ nhà vua cho Giả Chính thừa kế chức Vinh quốc công.
Trong nội đình xuống chỉ bảo không cần phải như thế. Giả
Chính mới yên tâm về nhà. Từ sau tuân theo phận sự của mình mà làm công việc.
Nhưng cảnh nhà tiêu điều, tiền thu vào không đủ chi ra. Giả Chính lại không biết
đưa đón với bên ngoài. Bọn người nhà thấy Giả Chính thật thà. Phượng Thư tâm
đau không thể trông nom việc nhà. Giả Liễn thì ngày càng túng thiếu, khó lòng
tránh khỏi việc cầm nhà bán đất. Mấy tên người nhà có tiền, sợ Giả Liễn làm rầy
rà, đều vờ ra bộ túng bấn để trốn tránh, thậm chí họ xin phép nghỉ rồi không đến,
ai nấy lo tìm đường khác làm ăn.
Riêng có Bao Dũng tuy là người mới đến, lại gặp lúc phủ
Vinh rắc rối, anh ta vẫn hết lòng lo lắng công việc. Thấy bọn người kia lừa dối
chủ nhà, anh ta thường thường bực bội. Nhưng không thể nói được, nên đâm ra tức
giận, hằng ngày cứ ăn rồi lại ngủ. Bọn người kia giận anh ta không chịu hùa
theo mình, liền nói với Giả Chính rằng anh ta cả ngày chỉ uống rượu sinh sự,
không làm việc gì cả.
Giả Chính nói: Hãy mặc kệ đấy. Anh ta là do họ Chân cử đến,
không tiện nói ra. Thôi đành như thêm một người ăn nữa, tuy nói là túng, nhưng
cũng không chi một người.
Ông ta cũng không bảo đuổi đi.
Bọn người kia lại nói với Giả Liễn về Bao Dũng như thế
nào. Nhưng Giả Liễn cũng không dám tự mình tác oai tác phúc đành để mặc đấy.
Một hôm, Bao Dũng bực mình, uống mấy chén rượu, rồi đi
chơi rong ở con đường trước phủ Vinh. Bỗng thấy hai người đang nói chuyện với
nhau. Một người nói:
Anh xem? Tòa phủ lớn như thế, trước đây bị tịch biên,
không biết nay ra sao rồi?
Người kia nói:
Nhà họ làm gì mà suy sụp được? Nghe nói có bà quí phi là
con gái nhà ấy, tuy bà ta chết rồi, nhưng vẫn có thế lực. Vả lại, hồi thường thấy
những người qua lại với họ đều là các bậc vương, công, hầu, bá cả, thiếu gì người
giúp đỡ? Ngay quan phủ doãn lệnh này, trước nhận chức ở bộ hình, cũng là một
nhà với họ đấy. Không nhẽ có những người như thế mà không bênh vực được hay
sao?
Một người lại nói:
Anh ở đây mà chẳng hiểu gì cả. Người khác không nói làm
gì, chứ ông Giả ấy thì lại ghê lắm! Tôi thường thấy ông ta qua lại với hai phủ.
Trước đây quan ngự sử tuy có hặc chúa thượng còn bảo quan phủ doãn tra cứu rõ
ràng sự thực rồi mới xử. Anh có biết ông ta làm thế nào không? Ông ta vốn nhờ
ơn của hai phủ, nhưng sợ người ta nói bênh vực người cùng họ, liền chơi một vố
rất đau, cho nên hai phủ mới đến nỗi bị tịch biên đấy. Anh nói thế tình ngày
nay có ghê hay không?
Hai người ấy vô tâm nói chuyện suông, không biết ở bên cạnh
có người theo nghe được rõ ràng. Bao Dũng trong bụng nghĩ thầm: “Thiên hạ lại
có hạng người như thế! Nhưng không biết họ là bà con thế nào với ông lớn nhà
mình. Ta mà gặp thì ta đánh cho một trận bỏ xác, có xảy ra việc thì ta chịu tội”.
Bao Dũng say rượu đang nghĩ ngợi lung tung, chợt nghe bên
kia có tiếng dẹp đường đi tới. Bao Dũng đứng xa xa, nghe hai người kia thì thầm
nói với nhau: Người đi tới là Giả đại nhân đấy.
Bao Dũng nghe nói trong bụng tức giận, nhân có hơi men,
liền quát to:
Đồ vô lương tâm! Tại sao mà quên ơn họ Giả nhà ta!
Vũ Thôn ngồi trong kiệu, nghe một chữ giả, liền để ý xem,
thấy là một người say rượu, cũng không để ý, cứ việc đi qua. Bao Dũng đang say,
chẳng hiểu hay dở, liền hớn hở thích chí đi về trong phủ, hỏi lại người bạn, mới
biết ông quan mình vừa gặp là do phủ Vinh đề cử lên. Anh ta khoe: Ông ấy không
nghĩ đến ơn xưa, lại làm hại nhà mình. Khi nãy gặp ông ấy, tôi mắng cho mấy
câu, ông ấy không dám nói gì.
Bọn người nhà ở phủ Vinh vốn ghét Bao Dũng, nhưng không
làm sao được, vì chủ nhà cứ để mặc anh ta. Nay thấy anh ta gây chuyện, nhân khi
Giả Chính rảnh việc, họ liền đem chuyện anh ta uống rượu sinh sự trình với Giả
Chính.
Lúc bấy giờ, Giả Chính đang sợ tiếng tăm, nghe bọn người
nhà nói, liền nổi giận, gọi Bao Dũng đến mắng mấy câu. Vì không tiện trách phạt
nặng nên cho anh ta ra coi vườn, không cho đi lại bên ngoài. Bao Dũng là người
tính khí thẳng thắn, đến ở với chủ, thì hết lòng giúp chủ, không ngờ Giả Chính
nghe lời người khác lại mắng anh ta. Anh ta cũng không dám cãi lại, đành phải
thu xếp đồ đạc, vào vườn trông nom và vun tưới cây cỏ.
Chú thích.
[←86]
Nơi biên phòng ngày xưa.
[←87]
Bổng lộc tập chức.
[←88]
Bị khí ngược lên, giá lạnh
chân tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét