Giả Mẫu và già Lưu. |
Hồi 106.
Gây
tai ương, Vương Hy Phượng xiết bao hổ thẹn;
Tránh
họa hoạn, Giả Thái Quân cầu khấn phật trời.
Giả Chính nghe nói Giả mẫu nguy cấp, vội vàng vào xem, thấy
Giả mẫu khiếp sợ, khí ngược lên cổ. Vương phu nhân và Uyên Ương gọi mãi mới tỉnh,
rồi cho uống thuốc viên “sơ khí an thần”. Dần dần Giả mẫu hơi đỡ nhưng cứ
thương tâm chảy nước mắt. Giả Chính đứng một bên khuyên:
Bọn chúng con hư thối, gây nên tai vạ, để mẹ chịu sợ hãi. Mẹ có thư thái ít nhiều thì bọn con mới có thể ở ngoài lo liệu; nếu mẹ có mệnh hệ nào thì tội chúng con lại càng thêm nặng!
Giả mẫu nói:
Ta sống đã hơn tám mươi tuổi. Từ khi còn là con gái, về
nhà chồng, đều nhờ phúc ấm cha ông, chưa bao giờ thấy việc như thế này. Giờ già
rồi, nếu nhìn thấy các con chịu tội, bụng ta sao đành? Chi bằng nhắm mắt để mặc
các con.
Nói rồi lại khóc.
Lúc đó Giả Chính bối rối vô cùng. Bỗng nghe bên ngoài
nói: “Thưa ông lớn, trong cung có tin ra”.
Giả Chính vội vàng đi ra, thì thấy quan trưởng sử phủ Bắc
Tĩnh vương đến nói: Xin mừng cho ngài.
Giả Chính cảm ơn, mời ngồi và hỏi: Vương gia có chỉ dụ
gì?
Vương gia chúng tôi và Tây Bình quận vương vào nội phúc
chỉ tâu rõ việc quan lớn sợ hãi, và lời cảm kích ơn vua. Chúa thượng rất thương
và nghĩ tới quí phi mất chưa bao lâu, không nỡ làm tội, nên vẫn gia ân cho ngài
nhậm chức viên ngoại bộ công như cũ. Gia sản bị niêm phong, chỉ đem phần của Giả
Xá nhập vào của công, còn nửa đều trả lại, và truyền chỉ cho ngài phải tận tâm
làm chức vụ. Chỉ có khế cho vay, thì sai Vương gia chúng tôi tra xét. Nếu có
khoản nào lấy lãi nặng quá lệ, thì đều nhập vào của công, còn những khoản lấy
lãi đúng lệ, cùng giấy tờ nhà cửa ruộng đất, đều trả lại hết. Giả Liễn thì bị
cách chức tha về.
Giả Chính nghe xong, liền đứng dậy sụp lạy cảm tạ ơn vua,
lạy tạ ơn Vương gia, và nói: Xin quan trường sứ bẩm giúp: “sáng mai tôi sẽ đến
cửa cung tạ ơn và đến Vương phủ lạy tạ”.
Viên trưởng sứ ra về.
Một lát, chỉ vua truyền ra, quan thừa biện tuân theo chỉ
ý, tra rõ tất cả, cái gì nhập vào của công thì nhập; cái gì trả lại thì trả.
Tha Giả Liễn ra, còn bao nhiêu đàn ông đàn bà thuộc về nhà Giả Xá, thì đều kê sổ
nhập quan. Đáng thương trong nhà Giả Liễn, ngoài những giấy tờ hợp lệ được trả
lại, còn nửa tuy chưa xung công hết cả, nhưng đã bị bọn người tra soát cướp hết,
chỉ trơ lại đồ dùng mà thôi.
Giả Liễn ban đầu sợ phạm tội, sau được tha, đã là may mắn.
Đến khi nghĩ lại những của cải dành dụm mấy năm nay cùng với của riêng của Phượng
Thư, gần năm bảy vạn lạng bạc, một lúc hết sạch, làm sao khỏi đau lòng. Vả lại
cha thì đang bị giam ở phủ Cẩm y; Phượng Thư thì ốm nguy ngập, nên hắn vừa buồn
bã vừa đau xót. Lại thấy Giả Chính rưng rưng nước mắt, gọi hắn mà bảo:
Ta vì bận việc quan, không trông nom việc nhà được, mới bảo
vợ chồng cháu đến coi giúp. Việc cha cháu làm, đã đành khó lòng khuyên can, còn
việc cho vay lấy lãi ấy, thì do ai làm? Vả lại việc ấy không phải là hạng nhà
chúng ta nên làm. Nay bị xung công, tuy tiền bạc không quan hệ, nhưng tiếng tăm
đồn đại thì còn ra gì nữa.
Giả Liễn quỳ xuống thưa:
Cháu lo việc nhà thật là không dám có chút gì tư túi. Sổ
sách ra vào có bọn Lại Đại, Ngô Tân Đăng, Đái Lương ghi chép. Chú gọi bọn ấy
tra hỏi thì rõ. Hiện mấy năm nay, bạc ở kho chi nhiều thu ít, tuy chưa phải bù
nhưng ở các nơi đã thiếu hụt nhiều. Xin chú hỏi thím thì biết. Còn những món tiền
cho vay lấy lãi ấy, ngay cháu cũng không hiểu là bạc ở đâu, phải hỏi bọn Chu Thụy
và Lai Vượng mới biết.
Cứ như cháu nói, ngay cả việc trong nhà cháu còn không biết,
thì những việc trên việc dưới, cháu lại càng không biết nữa! Bây giờ ta cũng
không tra hỏi cháu làm gì. Hiện nay cháu là người vô tội, phải mau mau dò la
tin tức về cha cháu và việc anh Trân xem sao?
Giả Liễn trong lòng uất ức, nước mắt dàn dụa, vâng lời đi
ra. Giả Chính than thở luôn miệng, nghĩ bụng: “Cha ông mình khó nhọc về việc
nhà vua, lập nên công nghiệp mới được hai chức thế tước, nay đều phạm tội, đều
bị cách cả. Xem chừng bọn con cháu, không một đứa nào nên thân! Trời ơi là trời!
Họ Giả nhà mình sao đến nỗi suy sụp như thế? Mình tuy nhờ ơn trên thương đến,
trả lại gia sản, nhưng rồi việc ăn tiêu cả hai nơi, phải dồn về một chỗ. Một
mình ta chèo chống sao nổi? Vừa rồi thằng Liễn nói lại càng lạ: “chẳng những
trong kho không có bạc mà lại còn nợ nần thiếu thốn. Thì ra mấy năm nay chỉ có
tiếng hão bên ngoài. Mình sao mà ngu dại đến như thế? Nếu thằng Châu còn sống
thì còn có người giúp đỡ. Bảo Ngọc tuy lớn cũng là vô dụng”. Giả Chính nghĩ đến
đó, nước mắt đầm đìa thấu áo, rồi lại nghĩ: “Mẹ mình tuổi cao như thế, con cháu
chưa phụng dưỡng được một ngày nào mà lại làm cho mẹ già khiếp sợ chết đi sống
lại tội này mình còn biết để cho ai”.
Giả Chính đang một mình buồn bã, bỗng thấy người nhà vào
bẩm:
Bà con bạn hữu đến hỏi thăm.
Giả Chính cảm ơn hết thảy mọi người và nói:
Trong nhà gặp lúc không may, chỉ vì tôi không biết dạy bảo
con cháu, cho nên đến nông nỗi này.
Có người nói:
Từ lâu chúng tôi đã biết, ông Cả làm việc không được đứng
đắn. Anh cả Trân bên kia lại càng kiêu căng phóng túng. Nếu vì làm việc quan lầm
lẫn mà phải lỗi, thì cũng không hổ, bây giờ mình gây nên vạ, lại làm liên lụy đến
ông Hai.
Có người nói:
Người ta làm xằng cũng nhiều, nhưng cũng không thấy quan
ngự sử hặc tâu. Nếu không phải là ông cả Trân làm mếch lòng bạn bè, thì đâu đến
nỗi như thế!
Có người nói:
Cũng không nên trách quan ngự sử. Chúng tôi nghe chính là
người nhà ở phủ đây cùng mấy thằng vô lại ở ngoài làm ầm ĩ lên. Quan ngự sử sợ
hặc tâu không thật, cho nên dỗ chúng nói ra. Tôi nghĩ quí phủ đây đối đãi với
tôi tớ rất khoan dung, làm sao còn có việc ấy?
Có người nói:
Bọn đầy tớ không thể nuôi đứa nào hết. Hôm nay ở đây đều
là bạn bầu thân thiết cả, tôi mới dám nói. Ngay khi ngài làm quan ngoài, tôi
cũng không thể tin chắc rằng ngài không ham tiền. Tiếng tăm ở ngoài sở dĩ không
tốt, đều là do bọn tôi tớ gây ra. Ngài cũng nên để ý đề phòng. Nay tuy không động
đến gia sản của ngài, nhưng nếu gặp lúc chúa thượng ngờ vực, thì sẽ không hay.
Giả Chính nghe nói, trong lòng hoảng sợ, liền hỏi:
Các vị nghe tiếng tăm của tôi ra sao? Mọi người nói:
Chúng tôi tuy không biết sự thực. Nhưng nghe người ngoài
nói lúc ngài làm quan lương đạo, có bảo bọn người nhà đòi tiền thế nào đó.
Giả Chính nghe xong, liền nói:
Tôi thật thề với trời xưa nay chưa hề dám nghĩ đến chuyện
đó. Nhưng vì bọn tôi tớ ở ngoài lừa gạt người ta mà gây nên chuyện, thì tôi
cũng phải chịu tội. Mọi người nói:
Giờ đây sợ cũng vô ích, chỉ cần đem bọn người nhà xét tra
cho nghiêm; nếu có đứa nào chống lại chủ nhà, xét cho ra mà nghiêm trị là được.
Giả Chính nghe nói gật đầu. Vừa lúc đó thấy người ngoài cửa
vào thưa:
Cậu Tôn sai người đến nói bận việc không đến được, cho
người đến hỏi thăm, và bảo ông lớn phải nhận trả số bạc mà ông Cả nợ của cậu
ta.
Giả Chính trong lòng bực bội, chỉ nói: Biết rồi! Mọi người
đều cười nhạt và nói:
Người ta bảo Tôn Thiệu Tổ bà con với ngài là người gàn dở.
Quả thật là đúng! Hiện nay ông nhạc bị soát nhà, chàng rể chẳng những không đến
trông nom giúp đỡ mà lại vội vàng đến đòi nợ. Thật là vô lý!
Giả Chính nói:
Bây giờ hãy chưa cần nói. Việc hôn nhân ấy là do anh tôi
làm sai. Cháu gái tôi chịu khổ đã đủ bây giờ lại quàng đến cả tôi đấy.
Đang nói thì thấy Tiết Khoa đi vào thưa:
Tôi dò nghe Triệu Toàn ở phủ Cẩm y nhất định đòi trị tội
như lời quan ngự sử hặc, sợ rằng ông Trân và ông Cả sẽ bị tội nặng.
Mọi người đều nói:
Ông lớn cần phải đi xin với Vương gia, làm sao kiếm cách
cứu vãn mới được. Nếu không thì cả hai nhà sẽ tan tành.
Giả Chính vâng lời và cảm tạ, rồi mọi người ra về.
Lúc đó, chừng vừa lên đèn, Giả Chính vào thăm Giả mẫu, thấy
Giả mẫu hơi đỡ. Về đến phòng ông ta oán trách vợ chồng Giả Liễn không biết gì hết.
Bây giờ xảy ra chuyện cho vay lấy lãi, làm cả nhà mang tiếng. Bây giờ mới biết
rõ Phượng Thư làm. Ông ta rất tức tối, nhưng thấy Phượng Thư hiện đang ốm nặng,
chị ta cũng bị mất hết, cố nhiên trong lòng đau đớn. Vì vậy cũng không tiện quở
trách, đành tạm nín nhịn không nói gì.
Hôm sau, Giả Chính vào cung tạ ơn và đến các phủ Bắc Tĩnh
và Tây Bình lạy tạ. Xin hai Vương gia xét thương anh và cháu mình. Hai vương
gia đều nhận lời. Giả Chính lại đến nhà các quan đồng liêu thân thiết xin họ
giúp đỡ. Giả Liễn thấy tình hình cha và anh xem chừng không xong, chẳng biết
làm thế nào đành phải về nhà. Bình Nhi ngồi trông nom Phượng Thư và khóc lóc.
Thu Đồng ngồi ở buồng bên cạnh oán trách Phượng Thư. Giả Liễn chạy đến một bên,
thấy Phượng Thư chỉ còn thoi thóp, dầu có bao nhiêu lời trách móc, cũng không
thể nói ra.
Bình Nhi khóc nói:
Nay đã đến nỗi này, của cải mất rồi, không thể trở lại được
nữa. Mợ như thế này, cũng phải mời thầy thuốc xem một chút mới được chứ!
Giả Liễn đâm cáu:
Chà! Mạng tao đây khó lòng mà giữ trọn. Còn trông coi đến
nó được à?
Giả Liễn đâm cáu:
Chà! Mạng tao đây khó lòng mà giữ trọn. Còn trông coi đến nó được à?
Phượng Thư nghe nói, hé mắt ra nhìn một cái, tuy không nói gì, nhưng nước mắt trào ra. Thấy Giả Liễn ra rồi, chị ta bèn nói với Bình Nhi:
Chị đừng có u mê không hiểu nữa. Đã đến nỗi nước này. Chị
còn lo đến ta làm gì? Ta chỉ mong chết ngay bây giờ càng hay. Chỉ cần chị còn
nhớ đến ta, sau ta chết rồi, chị nuôi nấng con Xảo cho khôn lớn, ta ở nơi âm ty
cũng cảm kích tình nghĩa của chị. Bình Nhi nghe nói, càng khóc nức nở. Phượng
Thư lại nói:
Chị cũng là người hiểu đời. Dù họ không đả động đến ta.
Nhưng thế nào cậu ấy cũng oán trách ta. Việc này tuy bên ngoài gây nên, nhưng nếu
ta không tham lãi, thì cũng chẳng có việc gì đến ta. Giờ đây uổng phí bao nhiêu
tâm lực suốt đời lo dành phần hơn người ta. Nay trở lại thua kém họ! Ta còn
mang máng nghe nói việc của anh Cả Trân là do cưỡng ép vợ lương dân làm vợ lẽ.
Nó không theo nên bức hiếp nó đến chết. Trong việc này lại có người họ Trương.
Chị nghĩ xem còn có ai nữa? Việc ấy mà xét ra, thì cậu Hai nhà ta không sao
tránh khỏi tội. Lúc đó ta còn mặt mũi nào mà nhìn người ta nữa? Ta muốn chết
ngay. Nhưng lại không chịu nổi những việc nuốt vàng sống, hoặc uống thuốc độc.
Chị còn muốn mời thầy thuốc làm gì. Thế có phải chị không thương ta mà lại làm
hại ta không.
Bình Nhi càng nghe càng đau xót, nghĩ lại cũng khó xử, chỉ
sợ Phượng Thư tìm cách tự tử, nên cứ ngồi giữ miết không rời. May mà Giả mẫu
không biết rõ đầu đuôi, nên gần đây trong người có hơi đỡ. Lại thấy Giả Chính
vô sự, Bảo Ngọc và Bảo Thoa ngày nào cũng ở luôn bên cạnh mình, nên cũng hơi
yên lòng. Giả mẫu xưa nay vốn yêu Phượng Thư, liền bảo Uyên Ương:
Mày đem một ít đồ vật của riêng ta cho con Phượng, và đem
một ít tiền giao cho con Bình để lo hầu hạ con Phượng chu đáo rồi thong thả ta
sẽ xếp đặt.
Giả mẫu lại bảo Vương phu nhân trông nom Hình phu nhân.
Lúc đó phủ Ninh đã xung công, tất cả của cải, nhà cửa, đất đai và bọn gia nô đều
ghi sổ tịch thu hết. Giả mẫu sai người đưa xe đón Vưu thị và con dâu qua bên
này, phủ Ninh tấp nập như thế mà nay chỉ còn lại mẹ con Vưu thị và Bội Phượng,
Giai Loan, ngay một người hầu cũng không có. Giả mẫu cho một ngôi nhà để ở liền
vách với chỗ ở của Tích Xuân. Lại sai bốn bà già và hai a hoàn hầu hạ. Tất cả vật
dụng cơm nước đều do nhà bếp lớn chia phần đưa đến. Áo quần đồ đạc thì do Giả mẫu
đưa cho. Còn những món tiêu dùng lặt vặt cũng do phòng kế toán chu cấp theo như
tiền lương tháng của mỗi người bên phủ Vinh. Tiền tiêu dùng của bọn Giả Xá, Giả
Trân và Giả Dung ở phủ Cẩm y thì phòng kế toán không biết lấy ở khoản gì ra mà
chi nữa. Hiện giờ Phượng Thư không còn gì; Giả Liễn ở ngoài mắc nợ rất nhiều.
Giả Chính không hiểu việc nhà, chỉ cho rằng đã giao cho người ta, tự nhiên có kẻ
trông nom. Giả Liễn không còn cách gì. Nghĩ đến các nhà thân thiết thì nhà Tiết
phu nhân đã suy sụp. Vương Tử Đằng đã chết, còn các nhà bà con khác thì đều
không thể giúp đỡ cho mình. Hắn đành phải sai người ngấm ngầm tới các trại bán
đỡ ruộng đất lấy vài ngàn lạng để tiêu phí trong nhà giam. Bọn tôi tớ thấy chủ
thất thế, cũng nhân dịp làm càn, giả danh mượn trước một số địa tô ở trại phía
đông để tiêu vụng.
Giả mẫu thấy chức tước của cha ông để lại bị cách mất,
con cháu đang bị giam, chờ ngày tra hỏi. Hình phu nhân và Vưu thị đêm ngày khóc
lóc. Phượng Thư bệnh tình nguy cấp, tuy có Bảo Ngọc, Bảo Thoa ở bên cạnh, nhưng
chỉ có thể khuyên giải chứ không thể chia nỗi lo âu được. Vì thế, đêm ngày phiền
muộn, lo trước nghĩ sau, nước mắt không bao giờ khô.
Một hôm, trời đã về chiều. Giả mẫu bảo Bảo Ngọc về phòng,
rồi một mình gắng gượng dậy. Bà ta bảo bọn Uyên Ương đi thắp hương ở các phật
đường, lại bảo thắp hương ở giữa sân, rồi chống gậy đi ra. Hổ Phách biết là Giả
mẫu định lễ phật, liền trải nệm hồng ra. Giả mẫu thắp hương, quỳ xuống sụp lạy
mấy lần, niệm phật một hồi, rồi ứa nước mắt khấn trời đất:
Trời phật ở trên, tôi là họ Sử, dâu nhà họ Giả, thành
kính cầu khẩn, xin đức phật rủ lòng từ bi. Nhà họ Giả chúng tôi mấy đời nay
không dám ngang tàng làm bậy. Tôi giúp chồng dạy con, tuy không làm được điều
thiện, cũng không dám làm điều ác. Chắc là vì bọn con cháu kiêu sa dâm dật, phí
phạm của trời đến nỗi cả nhà bị khám xét. Hiện nay con cháu bị giam, chắc hẳn dữ
nhiều lành ít, đó đều là tội tại một mình tôi không biết dạy bảo chúng nó cho
nên đến nông nỗi này. Giờ đây tôi xin trời phù hộ người bị giam gặp dữ hoá
lành; người có bệnh mau mau mạnh khỏe, dầu cả nhà có tội, tôi tình nguyện xin
chịu một mình. Chỉ mong tha thứ cho bọn con cháu. Nếu trời thương tôi thành tâm
kính cẩn, thì xin cho tôi chết sớm, mà khoan dung tội lỗi cho bọn con cháu.
Giả mẫu lâm râm cầu khẩn đến đó, rồi bất giác thương tâm
nghẹn ngào khóc lóc. Bọn Uyên Ương, Trân Châu vừa khuyên giải vừa dìu vào
phòng.
Giả mẫu thắp hương, quỳ xuống sụp lạy mấy lần, niệm phật một hồi, rồi ứa nước mắt khấn trời đất
Vương phu nhân dẫn Bảo Ngọc, Bảo Thoa tới hỏi thăm sức khoẻ. Thấy Giả mẫu thương khóc, ba người cũng đều khóc theo. Bảo Thoa lại có một nỗi khổ tâm khác: anh mình đang bị giam, sau này xử án không biết có được giảm nhẹ hay không? Cha mẹ chồng tuy rằng vô sự, nhưng gia nghiệp đã tiêu điều; Bảo Ngọc vẫn còn rồ dại, không có chút chí khí, nghĩ đến việc chung thân sau này, lại càng khóc lóc thảm thiết hơn. Giả mẫu và Vương phu nhân, Bảo Ngọc thấy Bảo Thoa như thế, cũng có một nỗi thương cảm riêng, nghĩ bụng: “Bà tuổi già, không được yên tâm. Cha và mẹ thấy quang cảnh này ắt phải đau lòng. Bọn chị em tan tác chia phôi càng ngày càng ít. Nhớ lại hồi ở trong vườn ngâm thơ lập xã, vui vẻ biết chừng nào? Từ khi em Lâm qua đời, mình buồn bực cho đến nay, lại có chị Bảo làm bạn, khóc lóc luôn cũng không tiện. Vả lại thấy chị ta lo cho anh, nhớ đến mẹ, đêm ngày mặt ủ mày chau. Nay thấy chị ta khóc lóc thảm thiết, trong lòng lại càng không nỡ”. Do đó Bảo Ngọc cũng nức nở khóc. Bọn Uyên Ương, Thái Vân, Oanh Nhi, Tập Nhân trông thấy ai nấy cũng đều có mối lo buồn riêng, nên đều đua nhau khóc. Các a hoàn thấy vậy thương tâm cũng khóc lên, không còn có ai khuyên giải. Tiếng khóc cả nhà như rung trời chuyển đất, bọn bà già canh đêm hoảng sợ, vội vàng tin cho Giả Chính biết.
Giả Chính đang buồn bực ở thư phòng, nghe bọn người nhà
Giả mẫu báo tin, trong bụng hoảng hốt, vội vàng chạy vào.
Xa xa nghe tiếng khóc vang lên rất đông. Giả Chính tưởng
là Giả mẫu có việc gì, hồn phách rụng rời. Chạy vội vào, thấy mọi người ngồi thừ
ra khóc, ông ta mới yên lòng, liền nói:
Cụ thương tâm thì cả nhà nên khuyên giải mới phải. Tại
sao lại kéo bè mà khóc như thế?
Mọi người nghe tiếng Giả Chính vội vàng nín khóc, nhìn
nhau ngơ ngác. Giả Chính lại gần yên ủi Giả mẫu và trách mắng bọn họ mấy câu. Mọi
người đều nghĩ thầm: “Bọn mình vốn sợ bà thương tâm, nên đến khuyên giải, tại
sao lại quên bẵng đi; cùng nhau khóc lóc như vậy”.
Đang lúc ngẩn ngơ thì thấy một bà ở bên nhà Sử hầu đi vào
hỏi thăm sức khoẻ của Giả mẫu và mọi người xong, liền nói:
Ông lớn, bà lớn và cô nhà chúng tôi sai chúng tôi đến
nói: “Nghe thấy bên phủ có việc, nhưng vốn không quan hệ gì chẳng qua bị kinh
khủng trong một lúc thôi. Sợ ông bà lo phiền, cho nên bảo chúng tôi đến thưa
chuyện”. Ông Hai ở đây chẳng có gì đáng sợ. Cô chúng tôi vốn muốn sang đây,
nhưng vì chẳng bao lâu nữa thì về nhà chồng, nên không sang được.
Giả mẫu nghe nói, không tiện cảm ơn, chỉ nói:
Các bà về nói hộ, chúng tôi có lời hỏi thăm sức khoẻ. Đây
là vận nhà chúng tôi gặp bước như thế. Cảm ơn ông bà bên nhà tưởng đến. Hôm
khác sẽ xin qua tạ ơn. Cô nhà các bà về nhà chồng, chắc chú rể thì không cần phải
nói nữa, còn gia tư nhà họ ra sao? Hai người đàn bà thưa:
Gia tư thì cũng chẳng sao. Nhưng cậu rể người rất xinh xắn,
tính lại hiền hoà. Chúng tôi đã thấy mặt mấy lần, xem chừng không khác cậu Bảo
đây mấy, và nghe nói, văn tài cũng giỏi.
Giả mẫu nghe xong, vui mừng nói:
Thế thì tốt lắm! Đó là phúc của cô ấy. Nhưng mà nề nếp
nhà chúng ta còn theo lễ phương Nam. Vì thế chúng ta không được thấy mặt chú rể
mới. Hôm trước tôi còn nghĩ đến người bên họ ngoại nhà tôi. Tôi chỉ yêu nhất là
cháu nó, một năm ba trăm sáu mươi ngày thì ở đây đến trên hai trăm ngày. Nay đã
lớn như thế, tôi định kiếm cho nó một người chồng tốt. Nhưng vì chú nó không ở
nhà, tôi không tiện làm chủ. Cháu nó đã có phúc lấy được chú rể tốt, thì tôi
cũng yên lòng. Tháng này nó về nhà chồng, tôi vốn định qua uống chén rượu mừng,
không ngờ nhà chúng tôi xảy ra việc thế này, lòng tôi nóng như nước sôi, đâu
còn sang bên ấy được? Các bà về nói tôi có lời hỏi thăm. Mọi người bên này cũng
đều gửi lời thăm hỏi. Các bà lại nói hộ với cháu nó đừng nghĩ gì đến tôi. Tôi
nay đã hơn tám mươi tuổi, dầu có chết cũng không phải thiếu phúc nữa. Mong sao
cho cháu nó về nhà người ta, vợ chồng hòa thuận, bách niên giai lão là tôi yên
lòng.
Giả mẫu nói đến đó, lại rơi nước mắt. Người đàn bà kia
nói:
Cụ không cần phải thương tâm. Cô tôi về nhà chồng, đến
hôm làm lễ hồi môn rồi thế nào cũng cùng cậu rể tới chào cụ, lúc đó cụ thấy mặt
sẽ vui mừng đấy.
Giả mẫu gật đầu.
Người đàn bà kia đi ra rồi, cũng không ai nghĩ đến chuyện
ấy nữa, chỉ có Bảo Ngọc nghe rồi ngẩn người ra một lúc, nghĩ bụng cứ thế này,
ngày này qua ngày khác, mình khó mà sống nổi. Tại sao người ta sinh ra con gái
cứ lớn lên lại phải đi lấy chồng? Khi đã lấy chồng thì hình như biến thành một
con người khác. Em Sử như thế, lại bị chú ép gả cho người ta, sau này cô ta có
gặp mình cũng sẽ không nhìn ngó gì đến nữa. Ta nghĩ một con người mà đã đến lúc
không ai nhìn đến thì còn sống mà làm gì? Nghĩ đến đó, Bảo Ngọc lại thương tâm,
nhưng thấy Giả mẫu vừa mới yên lặng nên không dám khóc nữa, đành chỉ ngồi buồn
rũ.
Được một lúc, Giả Chính không đành lòng, lại vào thăm Giả
mẫu. Thấy mẹ đã hơi đỡ, ông ta liền gọi Lại Đại bảo đem sổ những người nhà coi
việc trong toàn phủ điểm lại một lượt. Trừ bọn người thuộc về Giả Xá đã xung
công, còn lại hơn ba mươi nhà, cả trai gái gồm hai trăm mười hai người. Giả
Chính bảo gọi bốn mươi mốt người đàn ông hiện đang làm việc trong phủ vào hỏi về
việc tiêu dùng mấy năm nay: thu vào bao nhiêu, chi ra bao nhiêu. Giả Chính xem
thì thấy tiền thu không đủ chi, lại thêm mấy năm nay, tiêu dùng về việc trong
cung. Trong sổ có nhiều khoản phải vay mượn bên ngoài. Lại tra về khoản địa tô
tỉnh Đông thì thấy mấy năm gần đây địa tô nạp vào không bằng một nửa so với đời
cha ông, mà tiêu dùng lại nhiều hơn gấp mười lần. Giả Chính không xem thì thôi,
xem rồi hoảng lên, giẫm chân nói:
Chết thật! Ta tưởng là cháu Liễn coi việc thế nào cũng biết
lo lắng, ai ngờ mấy năm nay, năm Dần đã tiêu lan sang tiền năm Mão. Thế mà vẫn
tô điểm bề ngoài. Cho bổng lộc thế chức là việc không quan hệ gì, làm gì mà chẳng
suy sụp! Bây giờ mình mới biết dành dụm thì đã muộn rồi.
Nghĩ đến đó, ông ta cứ đi đi lại lại, chẳng còn biết làm
cách nào.
Mọi người biết Giả Chính không quen việc nhà, có sốt ruột
cũng vô ích, liền nói:
Ông lớn không cần phải lo phiền, nhà nào cũng như thế cả.
Nếu tính tổng cộng lại thì ngay nhà đức vương cũng không đủ tiêu, chẳng qua chỉ
trau chuốt bộ mặt ngoài, đến đâu hay đấy thôi. Giờ đây ông lớn nhờ ơn chúa thượng
mới có chút gia sản này. Nếu bị xung công hết, không lẽ ông lớn không ăn tiêu nữa.
Giả Chính quát:
Nói nhảm! Bọn tôi tớ chúng bay là đồ vô lương tâm cả! Lúc
chủ nhà còn khá thì chúng bay tiêu pha bừa bãi, đến khi hết sạch, mỗi đứa bỏ đi
mỗi nơi. Kể gì chủ nhà chết với sống? Giờ đây chúng bay nói không bị tịch thu
niêm phong là tốt, nhưng chúng bay biết sao được tiếng tăm ở bên ngoài. Gốc đã
khó giữ thì còn chịu sao nổi bọn chúng bay ở ngoài làm càn, nói láo, lừa gạt
người ta? Khi xảy ra chuyện thì chúng bay đổ vào đầu chủ nhà là xong! Giờ nghe
nói việc ông Cả, anh Trân là do Bào Nhị, người nhà chúng ta rêu rao lộ chuyện.
Nay xem sổ này không có tên Bào Nhị nào cả, là tại làm sao.
Mọi người thưa:
–Tên Bào Nhị không ở trong danh sách này. Trước kia hắn ở
bên phủ Ninh. Vì cậu Hai thấy hắn ta thật thà mới gọi hai vợ chồng hắn qua bên
này. Sau vợ chết, hắn lại về phủ Ninh. Lúc ông lớn bận việc ở cửa quan, cụ bà,
bà lớn, các ông đều đi lên lăng. Cậu Trân coi hộ việc nhà, đem hắn sang, sau đó
hắn lại đi ngay. Mà năm nay ông lớn không coi việc nhà, làm gì mà biết những
chuyện ấy! Ông lớn cứ tưởng rằng trên danh sách không có tên chỉ một người ấy
thôi, không biết rằng là cũng có tôi tớ của họ, rồi tôi tớ cũng lại có tôi tớ nữa
đấy.
Giả Chính nói: Thế thì chết thật!
Rồi ông ta nghĩ rằng trong một lúc chưa có thể xử trí dứt
khoát, đành phải quát mọi người lui ra, nhưng trong bụng đã có ý sẵn sàng, hãy
chờ xem quan trên xét hỏi bọn Giá Xá ra sao rồi sẽ định sau.
Một hôm, Giả Chính đang ngồi trù tính ở thư phòng, bỗng một
người vội vàng chạy vào trình:
Xin mời ông lớn vào cung mau để hầu chuyện.
Giả Chính nghe nói trong bụng hoảng hốt, đành phải đi vào
cung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét