Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

XIV Trá hình

 

Thôn nữ Bắc kỳ- Tranh Nguyễn Sơn Nam

 

Mai Hương và Lê Phong

Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ

 

XIV

Trá hình

Đến phố hàng Buồm, Lê Phong xuống xe vào một hiệu cao lâu lớn.

Anh lên thẳng trên gác, mũ chụp thấp, cổ áo đi mưa bẻ cao, cái "phu la" quấn che hẳn nửa mặt dưới, nên người hầu sáng chạy đến chả biết anh là Tây hay Việt Nam.

Lê Phong bước vào một căn buồng ăn nhỏ, thứ buồng riêng, kín đáo, đứng thành hàng ở hai bên lối đi, anh dặn:

- Trứng lập là, bít tết, rau, rồi cà phê. Vội lắm, trong mười phút có xong được không?

- Được. Nhưng trứng làm mấy quả?

- Sáu quả, mau lên...

Người hầu sáng đi rồi, anh đến ngay trước cái gương to treo phía tường trong, bỏ mũ, bỏ "phu la" rút đôi lông mày với bộ râu tây giả, nhả hai miếng bông gòn, anh nhét vào mồm trước để độn cho đầy hai má, lấy ra bộ ria khác thay, ngắn và đen hơn, dán lên hai bên mép đoạn lim dim mắt đeo thêm đôi kính trắng thu cả những thứ vừa nhả ra nhét gọn vào hai túi cùng với chiếc mũ dạ ướt. Rồi sau cùng, Lê Phong cởi cái áo đi mưa.

Bằng ấy công việc chỉ trong ba, bốn phút là xong. Ngắm lại trong gương thì anh đã thành một người khác hẳn. Mặt xương xương, da mái mái, đôi mắt hấp háy như người cận thị, lại thêm cái áo phủ (trench coal) màu tro nhạt mặc trong cái áo đi mưa lúc nãy, anh gật gù nghĩ bụng:

- Thế này thì đến thánh cũng không nhận được Lê Phong, vì ta cần phải ẩn hình, để cho thành rối mắt, bọn quỷ quyệt kia không thể nhận ra được ...

Lúc người hầu sáng bưng đồ ăn bước vào thì thấy anh đương hí hoáy viết lên cuốn sổ con, hắn ta hơi ngạc nhiên nhưng lẳng lặng đặt đĩa trứng với đĩa thịt lên bàn, rồi ra. Lê Phong gọi lại:

- Này, cho anh hai hào: nhưng anh phải giúp tôi việc này.

- Anh có thể ra phố mấy phút được không?

- Được.

- Anh cầm hộ tôi mảnh giấy này đến phố hàng Bún, đến số nhà 45 bis, nhà rất lớn, có cái biển đề hai chữ  «Thời Thế » ... Anh biết quốc ngữ chứ?

- Biết.

- Anh bấm chuông rồi đưa giấy này cho người cầm vào. Tiền xe đây.

Mảnh giấy của Lê Phong là bức thư viết bằng thứ tiếng riêng, chỉ có một người trong nhà báo hiểu. Người đó là Văn Bình.

Văn Bình đọc xong lời dặn của Lê Phong, lập tức bảo người đánh xe hơi, còn mình thì chạy sang "Studio" phòng ảnh, gọi:

- Anh L, xuống nhà in bảo một số thợ in phải đến đây từ năm giờ sáng mai để làm việc. Mai báo ra sớm, anh Minh ở lại buồng ảnh, anh Lạc không được rời téléphone, anh Ban, anh sang với tôi ở luôn đây, sắp máy ảnh, đèn magnésium, đợi lát nữa đi lấy tin cần.

- Ở đâu?

- Chưa nhất định. Nhưng tin đặc biệt! Ta sẽ chụp được cả những hình ảnh đặc biệt…

- ... Đêm nay Lê Phong có cách bắt được bọn giết bác sĩ Đoàn. À quên? Một anh bảo xếp ngay mấy hàng này ở khuôn đầu: "Vụ án mạng hôm qua. Cuộc săn bắt hung thủ", chữ Capitales 86 chạy dài cả trang báo.

Lúc đó "Thời Thế" hoạt động một cách vui vẻ sung sướng. Khắp cả phòng tòa soạn, những tay trợ bút lanh lợi đương chăm chỉ tường thuật những công việc kỳ dị mà nhà phóng viên trẻ tuổi đã làm khoảng từ chín giờ sáng đến bây giờ, một cử chỉ của Lê Phong, một lời dự đoán của Lê Phong, hoặc một mưu cơ nào của anh trong lúc điều tra vụ này, anh đều có một cách riêng truyền tin cho nhà báo biết tức khắc.

Cắt đặt xong đâu đó, Văn Bình bảo mấy người phóng viên chụp ảnh cứ ở tòa soạn đợi, rồi xuống xe hơi đi liền. Lúc tới hiệu cao lâu hàng Buồm, Văn Bình chạy lên buồng trên gác thì tên hầu sáng bảo Lê Phong đã xuống dưới nhà và đang đợi mình trong lúc uống cà phê.

Văn Bình xuống nhà, đưa mắt nhìn các bàn, nhưng không thấy Lê Phong đâu hết. Anh nghi hoặc, đến một bàn gần cửa là chỗ khách ăn vắng nhất, ngồi xem xét lại lần nữa, nhưng vẫn không thấy Lê Phong.

Trong đám khách đang kẻ ăn, người uống. Văn Bình thấy một người thiếu niên hao hao giống Lê Phong, đã toan đi lại gần xem, nhân thể tìm kỹ một lượt. Bỗng có tiếng thìa gõ vào chén từng năm tiếng một, khiến Văn Bình quay nhìn sang cái bàn kế gần đấy, một người mặc áo tăng-cốt màu tro, ria mép đen, kính trắng gọng đồi mồi, đầu đội mũ Mossant mềm, đang hút thuốc lá trước chén cà phê uống cạn.

Tay người ấy vẫn gõ nhịp năm lên cạnh chén rồi gõ nhịp ba, rồi nhịp ba xen với nhịp năm.

Văn Bình lẩm bẩm:

- Thôi đích rồi?

Và lại gần người kia, nhng người kia vẫn thản nhiên trông khói bay, Văn Bình do dự một lát, rồi bật cười gọi:

- Lê Phong?

Thì người kia quắc mắt nhìn anh một cách lạ thường, nhưng vẫn không nói gì, vẫn ngồi yên. Văn Bình phải dằn lòng về chỗ cũ ngồi đợi. Tuy người ấy có vẻ lơ đãng và tuy đôi mắt lim dim hấp háy kia như không chú ý đến vật gì hết, nhưng Văn Bình cũng biết rằng hắn ta không bỏ sót một cử chỉ nào của những khách ngồi trong hàng.

Lúc một người trẻ tuổi đứng lên ra ngoài, người đeo kính trắng mới đứng lên, nhưng không ra theo. Hắn đến gần, sẽ vỗ lên vai Văn Bình và nói:

- Văn Bình?

Văn Bình vui vẻ quay lại cười và khen:

- Ồ! Lê Phong! Anh trá hình thực là...

Nhưng Lê Phong vội ngắt lời, giọng nói hơi xẵng:

- Anh thực là vô ý tứ.

Văn Bình hỏi:

- Sao?

- Anh làm như đây là cái buồng kín không bằng. Tại làm sao tôi phải cải dạng chứ? Thế mà anh chực đọc tên tôi ra cho chúng nó ngờ !

- Chúng nó? Ai?

- Cái thằng vừa qua đây!

- Sao? Nó là người thế nào?

- Tay chúa trùm trong vụ án mạng!

Rồi thấp tiếng xuống anh nói tiếp:

- Phải! Tay thủ phạm chính! Một mình nó gây ra các việc đấy anh nghe chưa? Trông người lịch sự đẹp trai lại có vẻ học thức lắm, thông minh lắm. Nhưng lai lịch của nó tôi biết cả rồi. Anh về, mở tủ "tài liệu" của tôi ở tòa soạn ra mà lục xem, ngăn chữ D, tập số XII, chính nó đấy.

- Ồ? Thế ra nó đi Tây về?

- Ừ? Một du học sinh. Nhưng du học sinh có nhiều hạng! Bây giờ thì nó khó thoát tay tôi lắm... Tôi biết nó sẽ đi đâu, sẽ làm gì đêm nay. Ồ! Mà nó giỏi không biết ngần nào! Một tay đại bợm tối tân, làm việc có óc khoa học...

- Thế sao anh không bắt ngay lấy?

- Vô ích. Không có bằng cớ. Bây giờ hơi cử động khác là nó biến ngay, mà dẫu có bắt ngay được, nó cũng sẽ là người vô tội trước pháp luật. Nó với con Mai Hương là một cặp xảo trá ghê gớm, nhưng nó ghê gớm hơn, vì con Mai Hương tôi còn thấy được vài lần, còn để cho biết hành động nhiều lần: thằng này thì... đến bây giờ tôi mới trông thấy lần thứ nhất.

Lê Phong cau mày, mắt tư lự sau hai mắt kính.

- Duy có điều này tôi chưa thấy rõ được là con ấy với thằng ấy, hai đứa có liên lạc gì với nhau...

- Chúng nó cũng là quân gian đồ cả, chứ gì.

- Đã đành, nhng tôi vẫn thấy còn nhiều điều bí ẩn; còn những việc quái lạ; việc giao tiếp của tôi vẫn có vẻ thụ động... vẫn như dựa theo vào trường hợp, dựa theo một cách mơ hồ vào các trường hợp.

Lê Phong thở dài, nhìn đồng hồ:

- Các việc lạ, các việc quan trọng dần dần kế tiếp nhau nhanh chóng quá; những mưu cơ của tôi cũng phải theo nó mà sắp đặt nên không thể hoàn hảo được cho tôi vừa lòng...

Cho nên đến đêm nay, chỉ trong nội đêm nay, đáng lẽ tôi phải tin chắc chắn rằng sẽ bắt đợc hung thủ như mọi lần khác, thì tôi lại ngờ vực; lại phải nói bướng, lại không biết rằng kẻ vào tròng là bọn kia hay chính là tôi...

Mắt anh trông xuống, luôn luôn nhìn cái đồng hồ đeo tay, lời nói buồn rầu, vì là những lời thú thực sự thất bại của anh.

Lần đầu tiên Văn Bình thấy vẻ chán nản trên mặt Lê Phong và thấy người con trai ấy không tự tin ở sức mình.

- Trời ơi? Trời ơi! (Lê Phong nghiến răng lại nói) Trời ơi! Thì giờ sao đi chậm lạ thường thế này...

Rồi Lê Phong lẩm bẩm như nói một mình, Văn Bình không nghe rõ câu nào, chợt hỏi:

- Bây giờ mấy giờ?.

- Mười giờ hơn.

- Anh quên cơm chiều?

- Quên. Nhưng vừa nghĩ ra. Phải ăn mới có đủ sức để mà bắt hùm, hay để... hùm bắt.

Mặt Lê Phong lại tươi cười và mất hết những nét buồn bực căm giận lúc trước. Anh vừa lấy thuốc lá mời bạn vừa nói:

- Phải. Nguy hiểm lắm, Văn Bình ạ... Chốc nữa tôi sẽ lén vào sào huyệt của chúng đây... Tôi sẽ thấy được đông đủ các mặt gian ác... Mà chỉ một mình tôi xông pha mới không hỏng việc và có làm sao chỉ một mình tôi chịu thôi... Nhng không hề gì. Tôi quyết rằng phần thắng sẽ về ta, phải không. Tôi đã sắp đặt mọi việc rồi, cái bẫy cái lưới của tôi đã đặt rồi... Tuy không được hoàn hảo nhưng cũng không đến nỗi tồi lắm.

Lê Phong gõ điếu thuốc lá xuống bàn, mắt lơ đãng nhìn đi, miệng mím lại nửa như cười, nửa như nhăn:

- Mai Hương, ừ, Mai Hương là người thế nào, sao tôi vẫn chưa phân biệt được rõ rệt hành vi của con quái ác này? Tại sao? Bao nhiêu việc, bao nhiêu người trong tấn kịch này đều lạ lùng, đều khác mọi lúc thường... cho cả đến tôi nữa.

- Tôi có giúp được anh việc gì bây giờ không?

Lê Phong không trả lời, điếu thuốc đã ngậm lên miệng nhưng chưa châm.

Một lát anh mới se sẽ hỏi:

- Anh đã làm đủ các điều tôi dặn rồi chứ?

- Rồi.

- Anh cũng nhớ cái kế hoạch tôi tính rồi.

- Nhớ.

- Được. Thế là đủ lắm...

- Tôi còn phải làm những gì khác nữa?

- Chốc nữa về tòa báo, không cần nói trước những việc chưa xảy đến nhé?

- Thế nghĩa là...

- Nghĩa là việc này quan trọng không thể nói chắc trước được.

- Tuy thế, tôi vẫn tin tài của anh.

- Cám ơn... Nhng tôi lần này không dám nói quyết một điều gì bởi vì ...

Lê Phong đánh diêm, đưa lửa lên châm thuốc, nhng anh không hút vội, cái diêm cháy gần hết, đầu thuốc lá đã đen xám, mà Lê Phong vẫn ngậm im bên khóe mép, mắt liếc ra phía cửa, không nói, không nhúc nhích...

- Lê Phong, gì thế, anh?

Lê Phong vội giữ tay Văn Bình lại; buông luôn que diêm xuống, mắt không rời phía cửa, hỏi rất khẽ:

- Ô-tô anh đỗ đâu?

- Bên kia đường, kế đây là nhà...

- Thế ư? Ôi quên không dặn anh đỗ xa hơn...

- Sao?

- Không. Im.

Mặt Lê Phong vẫn nhìn mãi ra đường, rồi bỗng nói rất nhanh:

- Anh ra ngay? Lên ô-tô ngay; mau lên, đứng để cho nó nghi có tôi ở đây! Đi !

- Nhưng.

- Nhưng gì nữa. Đi mau lên, "nó" nhận ra ô- tô rồi! Đi đi!

Rồi Lê Phong ngồi xuống bên bàn, điềm nhiên ăn. Trong lúc đó thì Văn Bình kinh ngạc bước ra và thấy bóng một người thiếu nữ thong thả bước vào cửa hiệu.

- Con hổ cái (Lê Phong vừa nhai bánh vừa lẩm bẩm), con hổ cái giỏi thực? Nếu ta không muốn bắt mày ngay trong tổ thì bây giờ mày còn chạy lối nào...

Mai Hương (vì người thiếu nữ ấy chính là Mai Hương) lững thững bước vào đưa cặp mắt đen láy nhìn mọi người và hình như không biết có Lê Phong ngồi đó.

Cô ta đứng lại một lát rồi đi thẳng lên phía gác, lúc qua ghế Lê Phong ngồi, cô ta đứng lại toan quay gót, rồi không biết ngẫm nghĩ thế nào, ngồi xuống bên cái bàn Lê Phong ngồi lúc nãy nghĩa là ở ngay bên cạnh bàn Lê Phong hiện đang ngồi.

Anh phải lấy hết nghị lực mới ép mình không nhảy lên để nắm lấy cô ta: trống ngực anh đập rất dữ.

Lê Phong ngả người trên ghế, khuỷu tay chống xuống bàn và tay kề lên má để che một phía mặt, cổ bành ra mồm hơi né,để cái môi dưới trề xuống và đôi mắt cố làm cho ra vẻ cận thị hơn lên.

Anh có cái cảm giác như Mai Hương nghe thấy trống ngực mình, rồi như đoán biết được cái bác trưởng giả ngô nghê kia là chính mình, chính Lê Phong.

Lê Phong nghĩ bụng thế, nhưng vẫn ngồi đó xem Mai Hương sẽ giở trò trống gì. Sau thấy người thiếu nữ nhìn ngang và trông rõ mặt anh mà vẻ mặt bình thường, anh mới dám tin rằng nó vẫn chưa nhận ra được.

Bây giờ Lê Phong mới chậm chạp đứng dậy, thong thả bước ra bàn tính tiến trả tiền, vừa thong thả bước lên một cái xe vừa hất tay xua đuổi lũ ăn mày đứng chực ở cửa. Nhưng xe vừa chạy được mươi bước về phía đường Phúc Kiến, anh đã đòi xuống, trả vội mấy xu rồi trở gót đi ngược lên...

Anh đứng len vào một hàng tạp hóa nhỏ kế cửa hiệu cao lâu như người ẩn mưa, vì trời vẫn mưa nặng hạt, vừa giơ tay xem lại giờ, thì đã thấy Mai Hương, mình mặc áo tơi cao su màu sẫm, bước ra đi về phía Mã Mây.

Lê Phong đi theo liền, nhưng có ý để người thiếu nữ cách mình hai chục bước.

Người thiếu nữ đi nhanh, nhưng anh cũng không mất hút.

Qua một tiệm nhảy, cô ta ghé vào đó chừng ba, bốn phút, lúc trở ra mang một bọc vuông to ở một tay:

- Năm bộ sách của bác sĩ Đoàn! Nhưng sao nó lại giữ ở đây. Được rồi ta sẽ biết.

Ngời thiếu nữ lại đi trước, và anh ta lại vừa ẩn vừa theo sau.

Đến một căn nhà cửa mở hé, Mai Hương lại rẽ vào. Lê Phong mỗi lúc một lấy làm lạ thêm, nhưng anh vẫn yên lặng đứng rình gần đấy và để ý nhớ số nhà vừa rồi. Lần này cũng như lần trước, người thiếu nữ không ở lâu, lúc cô ta bước ra, bao giờ cũng trông trước trông sau nhưng tất nhiên Lê Phong không để cho cô ta biết anh vẫn theo đuổi.

Qua phố hàng Buồm đến phố Mã Mây, qua một tiệm nhảy thưa người, qua một vài tiệm hút ở cách nhau không xa. Rồi đến một cái cổng lớn ở một đoạn đường vắng tanh và om tối.

Người thiếu nữ đứng lại trước cổng, nhìn quanh quất và nghe ngóng đến hơn một phút rồi mới thoăn thoắt bước vào.

Lê Phong cười gằn sau một cái cây to:

- Hổ cái vào hang!

Và đứng rốn lại để dán lại bộ ria mép.

Anh vừa dè giữ bước lại phía cổng được mấy bước, bỗng nhảy lùi lại đứng nấp ở chỗ cũ: sau hàng rào sắt, anh thoáng thấy một bóng đen ở trong nhà đi ra. Cái bóng đen ấy là Mai Hương. Lê Phong cố nép mình sau cái cây, vì thấy cô ta bước về phía mình, nhưng còn cách xa. Mai Hương đã gọi xe nhảy lên.

Lê Phong nghe có tiếng bảo phu xe:

- Hàng Điếu.

Anh phải chạy đến bốn chục thước mới gặp được cái xe nữa, vừa lên anh đã giục chạy và mắt không rời cái xe bọn kia trước mặt. Lê Phong nghĩ thầm:

- Quái lạ! Lần này sao nó cũng lại ra, mà lúc ra mình không thấy mang cái gói xách kia... có lẽ nó đã để cả ở trong tiệm cho bọn đồng đảng... Được lắm. Ta không thể để cô em trốn thoát được nữa. Cái lưới của Lê Phong đầy mắt lắm, bền chặt lắm... Ta đã thất bại nhiều lần vì tay cô em thực... Nhưng,nhưng lần này...

Đến phố hàng Điếu.

Lê Phong vội bảo xe đứng lại, dặn phu xe lững thững đi bước một làm như kéo xe không. Trên kia, người thiếu nữ vừa xuống xe và chạy tọt vào một căn nhà đèn thắp sáng trưng:

- Lại một tiệm nhảy nữa? Quái, nó vào làm gì đấy!

Đợi đến năm phút chưa thấy người thiếu nữ ra, anh đã sinh nghi, rồi mỗi lúc một thêm sốt ruột.

Lê Phong liền bảo xe dừng lại, bước xuống trả tiền, rồi không dự bị, chạy sấn vào.

Trong tiệm, từng cặp trai gái đang nhảy theo điệu "fox"nhịp nhàng. Lúc thấy người thiếu nữ đang ngồi ở phía trong, anh liền sấn lại gần, nhất định lần này sẽ không để lỡ cơ hội.

Bỗng nhiên Lê Phong đứng sững lại kinh ngạc, người thiếu nữ vừa ngẩng lên, Lê Phong hai mắt trợn trừng, chỉ kêu lên được một tiếng "Ồ" trong đó như chứa chất không biết bao nhiêu sự tức giận.

- Thôi ta đã bị nó lừa rồi!

Nói đoạn, Lê Phong hầm hầm chạy đến trước mặt người thiếu nữ lúc ấy giương đôi mắt mệt nhọc nhìn anh.

Cô ta chả hiểu ra sao, thì anh đã hỏi:

- Cô ở tiệm hút Mã Mây về phải không ?

Người thiếu nữ đáp:

- Phải. Thế sao?

- Cô gặp một người con gái ở đó?

- Phải...

- Người ấy quen cô?

- Không.

Lê Phong quắc mắt nhìn:

- Không quen! Không quen sao cô lại đánh tháo cho nó?

- Ô hay ! Ông này hỏi mới lạ! Tôi đánh tháo cho ai mới được chứ.

- Cho Mai Hương? Con Mai Hương không trút cái áo đi mưa này để cô mặc là gì? Cô có nhận là đã giúp Mai Hương trốn thoát tay tôi không?

- Ồ! Mai Hương nào!

Lê Phong tức lắm, bộ điệu hung hăng như người sắp làm dữ, khiến cho mấy cặp đang nhảy phải bỏ dở bài khiêu vũ dồn đến vây chung quanh cô.

Họ chắc sẽ xảy ra một chuyện kịch liệt như họ thường gặp ở đây.

Người thiếu nữ cũng ra ý bực dọc. Bộ mặt gầy gò, đầy những phấn, của một thứ nhan sắc tàn héo, có một vẻ lờ đờ chán nản, tỏ ra cô ta là một hạng người nghiện hút và sống trong những thú vui hại người.

Lê Phong toan kéo cô ta đứng dậy và chực sừng sộ hỏi nữa, thì một người đàn ông trẻ tuổi, chững chạc trong bộ áo smoking tiến đến và hỏi anh bằng một câu tiếng Tây:

- Vous désirez? Monsieur, (ngài muốn hỏi gì?)

- Tôi muốn hỏi cô này một việc cần. Cô này vừa ở tiệm hút Mã Mây ra và đã làm tôi lầm với một người tôi đang theo bắt.

Lê Phong chợt nghĩ ra một ý và chợt hiểu rằng cử chỉ mình hơi đường đột, nên dịu lời hỏi ngời con gái:

- Tôi cần phải hỏi cô để tránh cho cô một việc lôi thôi với sở mật thám. Vậy cô nên nói rõ cho tôi biết Mai Hương, người con gái lúc nãy, có thực quen với cô không?

Nghe đến hai tiếng "mật thám", ngời con gái có vẻ hơi lo, thấy Lê Phong nhắc lại câu hỏi vừa rồi, nên vội vàng đáp:

- Không? Tôi không quen. Lúc nãy, ở tiệm Mã Mây bước xuống thì gặp một người đi vào trong sân. Chỗ ấy tối, tôi không nhận được là ai.

- Đàn ông hay đàn bà?

- Đàn bà. Con gái thì đúng hơn. Cô ta thấy tôi, lên tiếng hỏi: "Tuyết đấy phải không" Tôi bảo: "Không, Nga đây."

- "À ! Nga đấy à? Đi đâu?" Tôi nói là đến đây thì cô ta mừng rỡ, bảo: "Chị đến bar cho em gửi áo này nhé, chốc nữa tình nhân của em nó có lại thì chị đua nó mang về nhà cho em. Ngoài ấy mưa, cho chị mượn mặc nhân thể". Tôi tưởng cô ta cũng là người quen, nên hỏi tình nhân cô ta là ai, thì cô ta đáp:

"Một người đeo kính trắng, mặc áo tăng cốt, râu mép lún phún, và tên là Lê Phong?

- Là Lê Phong!

Lê Phong giật mình nhắc lại câu đó, và trong lúc mọi người lấy làm lạ nhìn anh, thì anh chỉ lẩm bẩm nói:

- Ồ! Con giặc cái! Con giặc cái! Nó đáo để thực? Thật ra nó biết mình thế nào cũng mắc mưu...

Rồi không nói gì thêm: anh tức khắc chạy ra, lên xe, giục xe chạy mau về Mã Mây, và lẩm bẩm luôn mồm:

- Con bé tinh quái đến thế là cùng! Ồ! Thế ra trong lúc nó lừa cho ta đuổi một người vu vơ, thì nó có đủ thì giờ báo cho đồng đảng nó biết... Và lại cười ta nữa! Cười ta là thằng ngốc. Ồ! Lê Phong ! Mi thực là...

Anh tìm hết các tiếng không hay để tự mắng. Đến phố Mã Mây anh bảo xe ngừng, rồi xuống cắm đầu chạy như thằng điên về phía tiệm thuốc phiện.

  

 

← XIII. Năm bộ sách quý                                                                       XV. Mắcbẫy→



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét