Mai Hương và Lê Phong
Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ
XIII
Năm bộ sách quý
Cô Lý Tuyết Loan nửa
phút sau cũng lên tới gác.
Lúc cô vào buồng học (một
gian phòng xinh xắn ở ngay cạnh hai gian rộng lớn ăn thông nhau) thì thấy Lê
Phong đứng trước một cái bàn giấy con, nét mặt đăm đăm, đôi mắt cau có, đang
cúi đầu suy nghĩ và hình như không để ý gì đến cô. Người thiếu nữ lo ngại nhìn
anh, chú ý đến vẻ yên lặng của anh hơn là đến đôi lông mày quá rậm với bộ râu
Tây giả dán rất khéo ở trên mép.
Có lẽ cô nghĩ đến những
trường hợp kỳ dị vừa rồi, có lẽ cô nghĩ đến câu nói kỳ dị của Lê Phong lúc bảo
cô rằng: nhà cô đang có biến lớn.
Việc biến lớn ấy là việc
gì? Có phải việc bắt tên đầy tớ mà cô thấy bị trói dưới nhà không? Nếu chỉ có
thế thì sao lúc ở ngoài đường Lê Phong lại có cử chỉ hấp tấp đến thế.
Không, hẳn có việc gì
khác lạ. Mà theo cô xét thì lúc đó thực không có điều gì khác xảy ra hết. Cả
nhà đều có vẽ yên tĩnh, và vẫn có thứ tự như thường… Tuy vậy, cái dáng lo âu của
Lê Phong hẳn có một duyên cớ quan trọng nào đây?
Tuyết Loan lưỡng lự muốn
hỏi Lê Phong một câu, nhưng xem ra hình như anh không biết có ai ở trong này,
cho đến lúc cô lại gần anh, kéo ghế mời anh ngồi, Lê Phong cũng không nhúc
nhích. Cứ thế cho đến hai, ba phút.
Sau cùng, Lê Phong thở
dài. Anh thong thả ngồi xuống, chống khủyu tay lên bàn, rồi như nói một mình:
- Việc nghiêm trọng đến
thế thực không ngờ! Một là kẻ gian đã chiếm được thứ của quý mà chúng vẫn tìm,
nếu thế thì chúng đã trốn tránh ngay rồi: hai là chúng chưa chiếm được, nếu
chưa thì còn có nhiều chuyện lạ, còn nhiều hành động táo tợn của chúng, mà chỉ
nội đêm nay thôi.
Tuyết Loan còn đang ngạc
nhiên, thì Lê Phong đã quay lại hỏi:
- Cô Tuyết Loan, mời cô
ngồi đó và xin trả lời tôi từng điều một, lời khai của cô sẽ giúp tôi nhiều việc
có ích lắm.
Rồi, như một dự thẩm ra
án, anh trịnh trọng hỏi Tuyết Loan:
- Bác sĩ Trần Thế Đoàn
hồi chưa là lưu học sinh, vẫn ở trong buồng học này phải không?
Tuyết Loan đáp:
- Vâng, buồng này anh
Đoàn dùng để vừa học vừa làm một công việc riêng.
- Đó là việc gì, xin cứ
nói thực ra, vì chỉ riêng cô với bác sĩ biết. Chính bác sĩ Đoàn cũng đã địng
đem việc ấy ra nói riêng với tôi, và định hỏi ý kiến tôi nữa, nhưng không ngờ lại
xảy ra cái án mạng sáng ngày.
"Cái án mạng ở trường
Cao đẳng, trong việc riêng của bác sĩ, bọn hung thủ là những tay ghê gớm, giảo
quyệt không thể lường được... Chúng không những là kẻ hại một người thân nhất của
cô. Chúng còn định hại cô nữa! Thế thì tôi không nên giấu cô một câu
gì..."
Lời nói của Lê Phong rất
thành thực giọng nói có một sức xúi giục lạ thường. Tuyết Loan lưỡng lự một
lát, rồi tỏ ra vẻ quả quyết. Hình như lúc đó cô căm tức bọn hung thủ hơn là lo
sợ cho tính mệnh cô.
Lê Phong xem đồng hồ
đeo tay, rồi nhìn thẳng vào mặt thiếu nữ, khuôn mặt trái xoan, trên đó cũng có
những nét êm đềm, điều hoà, ít thắm tươi, của một nhan sắc điềm đạm.
Lê Phong lấy sẳn bút giấy
để biên chép những điều đáng nhớ, người thiếu nữ se sẽ nói bằng một thứ giọng
thấp và buồn:
- Thưa ông, tôi cũng
không còn nhẽ nào giấu ông nữa, vì bây giờ thực tôi không còn tâm trí nào tưởng
đến cái việc đã hại mất người tôi quý mến nhất đời. Xin ông cho phép tôi kể
rành mạch ông nghe, mong rằng do những điều tôi kể ra, ông có thể tìm bắt đưọc
những quân gian ác mà anh Đoàn tôi biết là vẫn quanh quất ở bên mình.
- Ông Đoàn biết?
- Vân, vì xem vẻ lo âu
của Đoàn sáng ngày nay, trước khi đi dự lễ phát bằng, thấy anh bối rồi đọc một
bức thư gửi đế, tôi căn vặn hỏi thì anh chỉ nói: "Em Loan ơi, anh có những
kẻ thù, kẻ ghen ghét nó thấy kết quả rực rỡ của anh mà căm tức, có lẽ chúng còn
tìm cácg hãm hãi anh nữa..." Trước tôi còn tưởng anh Đoàn nói đến những kẻ
tình địch với anh trong việc học, sau mới biết là những bọn gian ác ghê gớm hơn
thế. Tôi biết được cũng do bức thư anh vô ý bỏ quên ở nhà.
- Bức thư ấy nói những
gì?
- Bức thư nặc danh,
trong toàn những lời đe dọa, đại khái nói: "Đoàn phải bỏ việc khảo cứu năm
pho sách chữ nho mà anh mua được ba năm về trước, phải bỏ hết các điều dự định,
nếu không thì sẽ bị hại".
- Bức thư đâu?
- Tôi đưa cho ông chánh
mật thám mất rồi. Lúc chiều ra sở tôi đã khai hết sự thật.
- Ông T.Phụng có ngỏ ý
kiến riêng về việc này không?
- Không. Ông chỉ dặn
tôi phải giữ kín đừng nói việc đó ra cho ai và nhất là... Nhất là đừng nói với
ông?
Lê Phong mĩm cười:
- Hay! Ông T.PHụng
thông minh thực. Ông biết thế nào tôi cũng tìm cô để hỏi. Nhưng điều ông không
ngờ đến, là việc này, tôi đã biết nhiều sự rất lạ lùng. Vâng, xin cô chú ý nghe
tôi nói... Cái cớ chủ động trong vụ ám sát này, chỉ là ở trong năm pho sách chữ
nho mà cô vừa cho tôi biết, năm pho sách cổ, cái giá trị về y học có lẽ không
có mấy, nhưng đó là một thứ sách quý vô song. Năm pho sách ấy, một hôm tình cờ
ông Đoàn mua được của một người Thổ trong một kỳ nghĩ mát ở SaPa cách đây ba
năm. Người Thổ này tên là Nùng- Da, nhà nghèo, cả gia tài chỉ có những gươm cổ,
sách cổ của một người quan tàu ngày xưa để lại. Câu chuyên lôi thôi lắm, tôi
cũng sợ bị sự tình cờ, trong việc đi làm phóng sự miền thượng du nên biết được.
Nùng- Da, có thuật qua cho tôi biết về việc bán năm bộ sách cho người ở Hà Nội
lên chơi đó và có khoe với tôi rằng bộ sách thuốc hắn không dùng làm gì được,
mà người mua lại trả hắn một giá rất cao.Từ hồi ấy, tôi để tâm ngay, tin rằng
trong sách hẳn có ẩn những điều bí mật, thí dụ như có những dấu hiệu, hoặc những
kiểu, những chữ sắp đặt một cách không khéo, chỉ vẽ cách tìm một kho của chôn
giấu trên miền thượng du... Nhưng điều chú ý của tôi dần dần cũng phai lạt và
quên hẳn đi. Đến nay, biết được người có năm bộ sách kia chính là bác sĩ tôi mới
lại nhớ ra, thì bác sĩ Đoàn đã bị hại. Đó là những điều quan hệ đến vụ án mạng
này, để sau này tôi tìm thấy những pho sách kia, tôi sẽ xem xét cẩn thận
hơn..."
Lý Tuyết Loan vội hỏi
Lê Phong:
- Nhưng thưa ông sao vừa
rồi ông nói rằng ông sẽ tìm ra năm pho sách kia? Năm pho sách vẫn ỏ trong phòng
này, vẫn xếp ở ngăn tủ kia...
Vừa nói người thiếu nữ
vừa trỏ vào cái tủ sách trước mặt.
Lê Phong quay lại lắc đầu
nói:
- Không, mất rồi !
- Mất rồi? Ô hay, có
đâu, vẫn dựng kia thôi, ông cứ với tay ra cũng lấy được.
Lê Phong lắc đầu:
- Phải, với tay lấy thì
được, nhưng chỉ lấy được năm quyển giấy trắng, năm quyển sách chỉ lấy được năm
bộ thực, có cái bìa ngoài! Thưa cô Tuyết Loan, kẻ gian đã có thì giờ đánh tráo
của giả lấy của thực. Cái mục đích của chúng chỉ ở năm pho sách đó, chúng định
hại cô cũng chỉ cốt thế, nay chúng đã chiếm được là xong của chúng, nếu không,
cô đã bị hại từ lúc nãy rồi!
Cô Tuyết Loan chỉ ngạc
nhiên khi nghe Lê Phong nói dứt câu. Cô chạy đến ngăn sách lấy những cuốn sách
chữ nho cũ xuống xem, thì quả như lời đoán của Lê Phong; trong sách chỉ toàn giấy
trắng.
Nhưng Lê Phong mỗi lúc
một thêm kinh ngạc, vì ngoài sự thản nhiên bình tĩnh, cô Lý Tuyết Loan không tỏ
ra vẻ phàn nàn hay tiếc những của quý đã mất. Cô thản nhiên đặt những pho sách
xuống, rồi lẳng lặng nhìn Lê Phong.
Một lát cô mới nói:
- Thưa ông, năm bộ sách
của anh Đoàn vẫn còn ở nhà.
Lê Phong càng ngạc
nhiên:
- Sao? Cô bảo sao? Vẫn
còn ở nhà?
- Vâng.
- Thế ra chúng chưa lấy
năm bộ để ở ngoài tủ này sao?
- Chúng lấy rồi!
- Lấy rồi?
- Vâng. Nhưng không phải
là những bộ sách đáng cho ông lo ngại đến.
- Tôi không hiểu, xin
cô nói rõ.
- Những bộ sách chúng lấy
mất cũng là những bộ sách giả. Tuy bề ngoài và cả chữ trong sách nữa, đều giống
in như năm bộ "sách thực" mà anh Đoàn mua được, nhưng trong sách chỉ
khác đôi chút, là những điểm câu, những nét thừa là những dấu hiệu bí mật mà
anh Đoàn và tôi đã tìm ra...
- Cả cô cũng tìm ra.
- Vâng. Chúng tôi đã dụng
công tìm xét trong hai năm nay.
- Mà kết quả...
- Kết quả phi thường!
Đem ghép những chữ rải rác trong các trang của năm pho sách lại chúng tạo thành
một bản di chúc dặn chỗ tìm đến một kho vàng bạc, châu báu của người Tàu... Một
kho của quý vô cùng...
- Những pho sách ấy ở
đâu?
Lý Tuyết Loan đáp:
- Ở trước mặt ông.
- Trước mặt tôi.
- Vâng.
Lê Phong chỉ thấy những
số báo để ngổn ngang bề bộn trên bàn giấy. Đó là những tờ báo quốc ngữ hoặc chữ
Pháp xuất bản ở Hà Nội nhưng anh chú ý thấy ngày xuất bản đã xa hẳn, trong đó
có cả một tờ đình bản đã trên một năm.
- Thưa ông (lời Tuyết
Loan) cả năm pho sách chúng tôi phải tháo ra đế giấu như thế mới không lo mất.
Đó là mưu kế của anh Đoàn.Vì anh vẫn bảo tôi rằng những của này không phải chỉ
mình chúng tôi để tâm đến mà thôi...
"... Ngoài chúng
tôi ra, còn có kẻ muốn chiếm đoạt lấy cho bằng được... Còn mưu đóng năm bộ sách
giả, bìa , giấy, chữ giống in năm pho sách chính, cũng là công nghiệp của anh
Đoàn. Không ngờ cái mưu ấy chỉ giữ sách lại, còn chính tính mệnh mình
thì..."
Người thiếu nữ cố nén sự
cảm động, quay mặt nhìn đi chỗ khác.
Lê Phong chợt lo sợ đứng
phắt dậy:
- Cô Tuyết Loan! Cô Tuyết
Loan!
Tuyết Loan nhìn Lê
Phong ra ý hỏi...
Lê Phong lo âu đáp:
- Nếu thế thì tính mệnh
cô không được yên hẳn. Phải, tôi thấy rõ rồi, tôi thấy rõ cái nguy hại sắp tới.
Bọn gian đồ thế nào cũng biết chúng bị lừa, thế nào cũng hiểu rằng những pho
sách thực hiện còn trong tay cô... Vậy thì chúng cũng chưa chịu bỏ.
Rồi lấy mũ đội, anh giục
Tuyết Loan xuống nhà dưới, vừa xuống vừa lẩm bẩm:
- Cái dây tôi đã tìm gỡ
ra gần hết. Phải, nội đêm nay, nội đêm nay thôi.
Anh gọi em của Tuyết
Loan:
- Ông Phương, ông nghe
tôi dặn đây, cả cô Tuyết Loan cũng nghe tôi: các cửa ngõ, các lối ra vào nhà
này ông phải tự tay đi đóng kín cả lại! Rồi ngồi yên trong nhà đợi cho tới lúc
tôi về. Ngoài tôi ra, nhất thiết không được cho ai vào, ai cũng không được vào,
ông nghe chưa?
- Vâng.
- Được rồi. Bây giờ tôi
có việc quan trọng phải đi ngay. Lúc về tôi sẽ có hiệu riêng.
Lê Phong ghé tai hạ thấp
tiếng như nói thầm chỉ để hai người nghe thấy rồi lại tiếp:
- Ông với cô Tuyết Loan
nhớ lấy nhé.
- Vâng.
- Nếu tôi đoán không lầm,
chỉ nội đêm nay thôi.
Rồi quay ra, chạy ra đường,
nhảy lên cái xe của thằng Biên vẫn chờ, kéo đến hàng Buồm, nhưng lúc đến quá chợ
Hôm, thì anh nên gót giày xuống sàn xe bảo đứng lại, anh nhảy xuống bảo:
- Thôi, để tao gọi xe
khác, chốc nữa mày đến tiệm thuốc phiện Mã Mây đón tao... Phải theo đúng những lời
tao dặn ở nhà, nghe không? Chỉ một đêm nay thôi.
"Nội đêm nay, một
là cả tao lẫn cô Tuyết Loan bị giết ngay, hai là ... Cả bọn hung thủ đều bị bắt".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét