Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

VI Ta còn gặp nhau

 

Vô Thường- Tranh Lề Cù Thuần

 

Mai Hương và Lê Phong

Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ

 

VI

Ta còn gặp nhau

Lê Phong không nói gì thêm nữa, lấy mũ ra ngay. Bỗng anh quay vào vặn Téléphone:

- Allo! Thưa bà ở đây báo "Thời Thế" 874. Bà làm ơn cho biết người gọi ba phút trước đây ở số bao nhiêu... Không được ư? Thưa bà, bà làm ơn cho tôi, cần lắm... Không phải là abonné? Người ấy gọi ở phòng điện thoại công? Này tôi có thể biết ở nhà dây thép nào không?... Vâng. Cảm ơn bà...

Lê Phong đặt máy nói xuống lẩm bẩm:

- Lý Tuyết Loan, vị hôn thê của bác sĩ Đoàn, sáng mai sẽ bị giết trong giờ giảng học. Ồ, có thể như thế được chăng?

- Mà chính hung thủ, hay là chính một người trong bọn hung thủ vụ ám sát bác sĩ Đoàn báo cho tồi biết trước.

Chợt nghĩ ra một ý, Lê Phong mở cửa, xuống nhà dưới, qua phòng trị sự, qua cổng nhà báo, rẽ về phía tay trái vào nhà bưu điện phụ ở gần đó, lễ phép hỏi người thư ký:

- Thưa ông, ông có nhớ chừng năm phút trước đây có ai vào đánh téléphone không?

Người thư ký nhà bưu điện có vẻ lưỡng lự.

Lê Phong chắc họ muốn giữ bí mật nhà nghề, nên vội tươi cười nói:

- Xin ông cứ yên tâm, vì người đó chính là người nhà tôi. Một người đàn ông, cụt một tay... Tôi chắc ông còn nhớ rõ... vì mới đây chừng năm phút...

Người kia đáp:

- Có. Cách đây năm phút, có người vào gọi điện thoại, nhưng không phải là người ông nói.

- Vậy là ai được...?

- Một người đàn bà, một cô thiếu nữ thì đúng hơn.

- Một người thiếu nữ

- Phải.

- Đẹp?

- Đẹp lắm.

- Mang ví đầm màu xanh phớt?

- Phải

Lê Phong sẽ kêu lên một tiếng:

- Trời! Lại người thiếu nữ kỳ quái?

Rồi không kịp cảm ơn, Lê Phong quay ra chạy về nhà báo gọi Văn Bình:

- Anh Bình, anh cho thêm một tin sau cùng nữa về vụ án mạng trường Cao đẳng; "Hung thủ còn giết người. Tính mệnh của vị hôn thê bác sĩ Đoàn, bọn sát nhân đã định trước. Bản báo phóng viên đang điều tra...". Đại ý là thế, anh viết dộ 10 dòng, đặt ở trang hai, dưới bài tường thuật...

- Được. Còn gì nữa không?

- Còn anh phải có mặt tuôn ở đây để đợi tín của tôi. Anh sẽ giữ các báo hàng ngày ra hôm nay để xem đối với vụ này họ nói thế nào. Nghĩa là anh phải để tâm theo đuổi việc này trong lúc tới theo đuổi bọn hung thủ. Bây giừ tôi hãy đến phỏng vấn cô Tuyết Loan đã. Nhà cô ta ở đâu nhỉ?

- Ở đường Huế, số nhà 99 hay 97 gì đó.. .

Lê Phong liền ghi số nhà rồi lấy xe hơi của nhà báo đi liền.

Ngồi trên xe, anh tự nghĩ:

- Bây giờ mới có ba giờ chiều, mình còn cả một buổi chiều nay, mà nếu cần, thì còn cả một đêm nay để tìm và để ngăn ngừa công việc của hung thủ. Phải, chúng hành động thực là khôn khéo, cái án mạng ở trường Cao đẳng chúng tính toán giỏi đến nỗi ta trông thấy cái chết, ta biết trước cái chết của bác sĩ Đoàn mà không làm gì được. Chúng tin mưu cơ của chúng một cách vững vàng đến nỗi dám báo trước công việc với ta. Sáng ngày một bức thư, vừa rồi gọi téléphone, hai lần báo tin hai việc giết người. "Báo trước nghĩa là biết, rằng không có cách gì cản trở việc hành động bí mật của chúng. Nhưng cũng để thách ta, để đe dọa ta đừng có tra xét đến, mà để dọa ta cũng tức là để ý đến ta, tức là sợ ta, một ông T. Phụng, một nhà thám tử kể cũng không thiếu tài, với cả sở Liêm phóng ở nước này, chúng không coi vào đâu, nhưng chúng sợ ta - việc điều tra của Lê Phong có thể hại cho chúng được".

Lê Phong ra vẻ tự đắc và vui hưởng lấy cái sung sướng của một người biết mình có tài. Rồi anh lại nghĩ:

"Những chữ "tài" với chữ "tai" quá gần nhau thực... Ta chưa biết rồi đây ta sẽ gặp những tai nạn gì? Lời đe dọa của bọn kia không phải là một câu chuyện đùa. Cái chết của bác sĩ Đoàn đã cho ta thấy rõ. Một cái chết phi thường ghê gớm, tối kỳ bí mật. Lại có vẻ thần quái nữa. Hung thủ quanh quất đâu đây,hung thủ không dùng đến những khí giới thường có. Hung thủ không ra mặt. Thế mà giết người được, giết một cách chắc chắn, nhanh nhẹn biết chừng nào? Đến mai là một người sẽ bị giết mà cũng theo một phương pháp thần bí ấy, biết đâu ngườI bị giết thứ ba chẳng là ta? Bởi vì xem ra ta cũng hơi chướng ngại cho bước đi của chúng". Ồ! Hay lắm, kịch liệt lắm. Cả một thiên tiểu thuyết mạo hiểm mà trong đó ta là vai anh hùng trừ gian!

Lê Phong mỉm cười:

"Hay là gian trừ cũng không biết chừng. Nhưng không hề gì cuộc chiến đấu càng gay go càng thú. Chỉ phiền việc này bí mật quá, nên trong có một khoảng mấy giờ đồng hồ đã xảy ra biết bao nhiêu điều rắc rối khiến cho trí ta không kịp suy tưởng... Từ sáng đến giờ ta chỉ như một vật thụ động, ta làm việc theo trí phán đoán thì ít, phần nhiều chỉ theo những trường hợp xảy ra, mà trong bao nhiêu việc xảy ra, lúc Đoàn bị giết lúc khám tử thi, lúc đi theo vết xe ô- tô, lúc nghe máy nói ở "Thời Thế", bao giờ cũng thấy bóng người thiếu nữ, nhận thấy những cử chỉ, những hành vi kỳ dị... mà chỉ thấy riêng có một mình cô ta trong cả một vụ rắc rối này thôi..."

Trong thâm tâm người thiếu niên thấy nảy ra những ý tưởng rất khác thường. Anh không chịu tin rằng một nhan sắc vui vẻ đến thế lại có thể chủ động những tội ác ghê gớm đến thế. Vậy mà bao nhiêu điều anh trông thấy đều rành mạch tố cáo với anh rằng cô ta là thủ phạm, không thì ít ra cũng là một người trong bọn thủ phạm.

"Mà vì đâu họ giết người, vì cớ gì họ giết người một cách gần như công nhiên? Ta biết được "cái duyên cớ” chủ động đó thì việc tra xét ta mới dễ dàng, nhưng hiện giờ ta chưa thể thấy rõ một manh mối nào hết".

Nghĩ đến Lý Tuyết Loan, Lê Phong se sẽ gật đầu:

- Bọn hung thủ định giết vị hôn thê của bác sĩ Đoàn, sau khi đã giết ông ta hẳn có một mục đích quan trọng. Điều đó cho ta biết rằng án mạng này không phải vì chuyện tình. NgườI ta vì ghen hoặc vì muốn chiếm đoạt người tình, thường chỉ trừ đi một, đôi bạn yêu nhau. Đây thì cả hai người cùng là tội nhân của quân gian ác. Vậy thì thù ư? Ta liệu hỏi Lý Tuyết Loan sẽ biết.

Xe đến đường Huế, đỗ trước một cửa hàng nhỏ, quá chợ Hôm, Lê Phong xuống đi bộ chừng một trăm thước, vừa để tìm nhà, vừa để xem xét. Lúc đến nhà số 99, anh đứng lại giả vờ lấy thuốc lá hút để đưa mắt nhìn lại đằng sau. Anh có ý xem có kẻ nào đi theo anh, hoặc đứng rình đâu đó không. Lúc biết chắc không có gì khả nghi, anh mới bấm chuông đứng đợi. Anh hỏI người đầy tớ ra mở cổng.

- Nhà cô Tuyết Loan đây phải không?

- Vâng. Nhưng cô tôi đi vắng.

Lê Phong ra vẻ bất mãn:

- Đi vắng Vừa đi hay đi đã lâu?

- Cô tôi vừa đi được chừng mười phút thôi... Đâu như trên sở mật thám người ta gọi.

- Anh chắc chứ. Mà này, anh có biết sở mật thám gọi về việc gì không?

Thấy vẻ săn đón của Lê Phong, người đầy tớ nhìn anh ta hơi ngạc nhiên và đáp:

- Tôi không được biết. Cô tôi chốc nữa về, ông lại chơi...

Nói rồi hắn đi trở vào. Lê Phong vội gọi:

- Này... Đan !Thế nào?

Người đầy tớ bỗng quay ngoắt lại, kinh ngạc vô cùng, nhưng Lê Phong vẫn bình tĩnh nhắc lại:

- Đan? Thế nào? Đến mai đấy chứ?

Rồi không để người đầy tớ có thì giờ đáp, anh hỏi luôn:

- Bây giờ những ai có nhà?

- Nhưng...

- Thực! Ai có nhà bây giờ. Việc cần kíp lắm. Cô Loan đi vắng lúc này thật là may.

Người đầy tớ bỗng bỏ hẳn vẻ ngờ nghệch, đôi mắt sắc của hắn liếc nhìn vội vào một cái, rồi vừa mở cổng vừa nói nhỏ:

- Thế ra anh là ...

- Phải... Nhưng mau lên. Ai ở nhà bây giờ?

- Thằng em nó. Thằng này thì không đáng lo.

- Sao không cần phải dò kỹ nó mới được.

Tên đầy tớ toan nói nữa, song Lê Phong ra hiệu bảo im, rồi cất mũ chào một người thiếu niên ở trong nhà ló đầu ra. Anh bước vào nói rất nhanh một câu với tên đầy tớ và cố ý nói khẽ cho hắn không hiểu là nói gì.

Lúc hắn khép cổng rồi đi ra sau nhà. Lê Phong mới bảo người thiếu niên:

- Thưa ông, tôi là Lê Phong, muốn thưa chuyện với ông về một việc rất quan trọng.

- Vâng, mời ông vào.

Lê Phong vào một gian nhà trang hoàng lối mới, lịch sự và ý nhị nhưng anh để ý đến các cửa hơn.

- Ông gọi đầy tớ lấy nước uống đi, nước thường thôi, không cần pha trà.

Người thiếu niên lấy làm lạ, nhưng cũng nghe theo, bấm chuông gọi tên Đan rót nước bưng ra, rồi lại cho nó xuống. Lê Phong không uống, đợi tên đầy tớ ra khỏi, đặt chén xuống khay rồi nhích lại gần hạ thấp tiếng hỏi người thiếu niên:

- Ở đây nói chuyện, bên ngoài có nghe được không?

- Không?

- Nhưng ta cũng nên nói nhỏ. Trước hết xin ông biết rằng tôi đến điều tra một việc có liên lạc với cô Tuyết Loan. Tôi là phóng viên báo «Thời Thế».

- Vâng, tôi vẫn biết tiếng ông.

- Càng hay... Như thế thì ông tin tôi hơn. Vậy xin nói ngay cho ông rõ: "Cô Tuyết Loan hiện đang bị người ta mưu hại, mà những kẻ âm mưu là thủ phạm trong vụ ám sát bác sĩ Đoàn".

Người thiếu niên giật mình:

- Thế ra anh Đoàn tôi bị ám sát thực ư?

- Vâng. Nhưng việc này sau hãy nói đến. Hiện giờ cái nguy hại đang ở bên mình cô Tuyết Loan… Cô đến sở Liêm phóng phải không?

- Vâng.

- Ông chắc chứ!

- Vâng. Vì có giấy gọi. Tôi cũng đọc giấy ấy.

- Nếu vậy, được. Chả tôi sợ giấy đó là một mưu đánh lừa của bọn gian...

Rồi không có liên lạc, anh chợt hỏi:

- Tên đầy tớ vừa rỗi mới đến ở phải không?

- Vâng, mới đến chừng bốn hôm nay. Nó ở thay cho thằng ở trước xin phép nghỉ.

- Nó làm ăn còn vụng lắm, phải không?

- Vâng.

- Tên nó là gì?

- Là Hồng.

- Theo trong thẻ thuế thân?

- Không. Theo lời nó nói.

- Sao ông không xem thẻ của nó?

- Nó nói là bỏ quên ở nhà trọ chưa tìm thấy.

Lê Phong chau mày hỏi:

- Nó nói thế mà ông tin được sao? Tên nó không là Hồng mà là Đan, nó ở đây không phải hầu hạ nhà này, nhưng để dò xét ông phải đề phòng cẩn thận mới được.

- Trời. Thế ra ông biết từ trước?

- Không. Tôi vừa biết xong. Lúc tôi bấm chuông, thấy ông gọi thằng Hồng ra mở cổng, mới biết nó chưa quen nghề làm đầy tớ và mới biết nó mới đến ở đây. Hai ống tay nó sắn rất cao để dọn dẹp, khác với thói quen của các đầy tớ thường, cũng vì thế, tôi thấy chữ Trần Xuân Đan, mà lại xưng là Hồng, lại làm đầy tớ của cô Tuyết Loan, vẻ mặt lại không có vẻ gì lương thiện... Bằng ấy cớ đủ làm tôi sinh nghi mới vờ thử làm một người đồng đảng, hỏi qua nó mấy câu, anh chàng mắc mưu ngay tức khắc. Bây giờ ông nghe tôi: "Bác sĩ Đoàn có nhiều việc kín mà bọn gian dò biết. Có lẽ việc kín đó, cô Tuyết Loan là vị hôn thê của bác sĩ cũng biết một phần lớn, nên chúng mới định hại cả cô. Những việc kín đó là những việc gì, ông có thể biết được không?

- Không. Tôi là lưu học sinh ở trường Albert Sarrawt, không mấy khi về nhà, nên cũng không hay gặp chị tôi với anh Đoàn. Vả lại đã là việc riêng của hai người thì...

- Ông Đoàn là vị hôn phu của cô Tuyết Loan từ bao lâu?

- Từ hơn một năm nay? Thưa ông, kể ra thì anh Đoàn là người nghèo. Song thân mất đã lâu, họ hàng cũng không còn ai gần gụi, anh là người rất có chí, lại rất tốt, chúng tôi biết là người có tương lai rực rỡ, nên thầy me tôi vẫn có bụng yêu. Đoàn đến dạy riêng tôi với em gái tôi hỏi ba năm trước đây để lấy tiễn ăn học, nhân thế được thầy me tôi mời ở trọ đây luôn thể. Mãi đến khi anh xin được lương ở trong trường mới thôi. – Chị Loan tôi với anh Đoàn xem ra rất tương đắc, bởi thế khi chị không thuận người đến hỏi thì thầy me tôi hiểu là chị đã ưng Đoàn. Đoàn một lần có ngỏ ý với thầy me tôi thì hai cụ bằng lòng ngay, nhưng việc hôn nhân anh Đoàn định đến ngày thi xong mới tính đến.

"Đoàn rất hiếu học. Bản luận án anh soạn công phu lắm. Công nghiên cứu trong các sách cổ về y học Tàu đủ khiến cho các giáo sư phải hết lòng ngợi khen. Tôi chú ý đến những sách chữ nho mà Đoàn mua về rất nhiều, và vì chị tôi thường nói đến hơn. Chị Loan tôi cũng biết chữ nho và thường để tâm tìm kiếm những sách mà Đoàn dặn mua giùm... Nhưng tôi tưởng những điều này không có ích cho ông mấy.

Lê Phong lắc đầu:

- Không, không? Trái lại có ích lắm xin ông cứ nói.

Người thiếu niên nói tiếp:

- Đoàn bao giờ thấy một bộ sách cũ cũng tỏ ra quý hóa, trân trọng. Anh thường bảo chị Loan rằng: cứ là sách cổ, những bộ ấy cũng đủ có giá trị lắm rồi, huống chi lại còn giúp cho việc khảo cứu của anh được thiều điều hay nữa. Có bộ anh coi quý hơn vàng ngọc, giữ gìn cẩn thận như người giữ của, mà khi đem ra thì anh có vẻ sung sướng như người được nâng niu những vật quý báu nhất trên đời.

Lê Phong ngắt lời hỏi lại:

- Nhưng ngoài bộ sách, ông Đoàn còn vật gì đáng chú ý nữa không?

- Không. Ông định nói vật gì kia?

- Vàng, ngọc, một thứ đồ cổ, mặt nhằm, thanh đao cổ... chẳng hạn?

- Không.

- Thế trong đời bác sĩ, ông xem có ai thù oán gì không?

- Theo ý tôi thì Đoàn chỉ có những bạn thân.

- Bạn thân là những ai?

- Một vài người trong trường thuốc.

- Thế còn cô Tuyết Loan?

- Chị tôi cũng chỉ có những chị em bạn cũ ở trường nữ sư phạm. Từ ngày xin học ban Hồng thập tự, chỉ có một, hai cô bạn mới thường qua lại đây.

- Cô Tuyết Loan mai có đi học không?

- Có lẽ không, chị tôi không thiết làm gì nữa. Sáng ngày,khi nghe thấy tin Đoàn chết, tôi tưởng chị đến phát điên mất...Thầy me tôi về ấp vắng với đứa em nhỏ, còn tôi thì không biết an ủi thế nào cho phải. Sự đau đớn tuyệt vọng của chị tôi thật đáng thương.

"Chúng tôi không ngờ đến việc ám sát như tin ông vừa rồi, nhưng giá chị tôi biết thì có lẽ còn khổ hơn thế nữa".

Lê Phong xem đồng hồ rồi bảo thiếu niên:

- Bây giờ tôi phải đi có việc, mà cô Tuyết Loan chắc chưa về được ngay, vậy để lúc khác, để chiều hôm nay, tôi sẽ xin đến hỏI thêm cô Tuyết Loan ít điều cần biết. Bây giờ phải yên lặng, dặn cô Tuyết Loan cũng vậy, và khi thuật đến việc tôi đến phỏng vấn, thì phải khéo giữ đừng cho tên đầy tớ nhà ông nghe thấy hay ngờ vực điều gì. Đối với nó, ông vẫn sai bảo như thường nhưng phải để mắt xem từng cử chỉ của nó, nhất là phải xem có ai hỏi han nó điều gì không, và phải để ý nhận xem người đó là hạng người thế nào, ông nhớ nhé.

- Vâng. Thế ra việc này bí mật thế kia ư?

- Bí mật và ghê gớm hết sức. Kê thù quỷ quyệt lẩn trong bóng tối mà hành động nhưng chưa chắc đã thoát khỏi tay tôi... à, còn điều này tôi muốn dặn ông... Hai cụ khi nào về, ông với cô Tuyết Loan cũng đừng đả động gì đến các việc bí mật vội. Các cụ lo sợ không có ích gì... Thôi chào ông...

Có tiếng xe đỗ ngoài vệ đường. Rồi tiếng chuông bấm, nhìn ra qua hàng rào lưa thưa cây lá, Lê Phong thấy bóng một người đàn bà.

- Có lẽ cô Loan đã về.

Người thiếu niên đứng dậy chạy ra xem. Lê Phong cũng đứng dậy theo, thì thấy chàng ta vui vẻ gọi bằng tiếng Pháp:

- Ô kìa! Cô Henriette! Cô đi đâu thế?

Người thiếu nữ ngoài cổng đáp lại cũng bằng tiếng Pháp:

- Anh Phương, anh ở đây à? Tôi đến hỏi cô Tuyết Loan...

- Tuyết Loan là chị tôi. Cô vào chơi.

Lê Phong lúc ấy cũng tới sau lưng người thiếu niên. Anh bỗng kêu lên một tiếng hỏi:

- Ô kìa?

Thì người thiếu nữ cũng vừa nhận được ra anh, vội vàng,quay ra nhảy lên chiếc xe tay bảo chạy ngay tức khắc.

Người thiếu niên ngạc nhiên nhìn Lê Phong thì thấy anh trừng mắt và lăm lăm muốn chạy đuổi theo. Chàng ta vội hỏi:

- Ai đấy?

Lê Phong không đáp, hỏi lại:

- Ông quen cô này à?

- Vâng.

- Quen thân?

- Không. Bạn cùng học một trường cô ta, ở ban triết học từ hồi đầu năm, nhưng bây giờ hình như không học nữa.

- Trường Lycée Albert Sarraut?

- Vâng.

- Lưu học sinh?

- Không ở ngoài.

- Con cái nhà ai thế ?

- Tôi không biết, hình như nhà giàu lớn và là con đỡ đầu của một người Sài Gòn vào làng Tây.

- Tên cô là Henriette à?

- Vâng, Henriette Mai Hương... nhưng tại sao định hỏi chị tôi lúc trông thấy ông cô ta lại chạy mất?

Lê Phong không đáp, ngẫm nghĩ nửa phút, bắt tay người thiếu niên rồi ra ngay.

Lê Phong đã trông hút bóng cái xe tay và đã nhận kịp được số xe Amic 846. Anh mắm môi chạy một mạch về phía nhà chớp bóng Majestic. Được chừng ngót trăm thước, thì anh vui mừng nhận thấy người thiếu nữ vẫn chưa rẽ sang phố khác, đang cho xe tiến thằng về phía bờ hồ.

 

 

·        ← V. Tin dữ trong giây nói                                                     VII. Mặt đối mặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét