Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

VII Mặt đối mặt

 

Picasso- Thiếu nữ trên bãi biển 1929

Mai Hương và Lê Phong

Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ

 

VII

Mặt đối mặt

Lê Phong liền nhảy lên một chiếc xe kéo gần đó giục xe chạy hết sức, mắt vẫn nhìn dán lấy màu áo người thiếu nữ, miệng lẩm bẩm:

- Lần này mà trốn thoát thì một là cô ta có phép lạ, hai là... chính mình là một đồ tồi.

Anh định bụng rằng sẽ dùng hết cách để dò biết tung tích người con gái cho bằng được, sẽ đuổi theo cho đến cùng thế giới, sẽ giữ cô ta lại hỏi cho ra các điều khó hiểu mà nếu cần, anh sẽ gọi lính cảnh sát giúp sức nữa cũng nên.

Lúc ấy thì Lê Phong không ngờ nữa, anh đoán chắc, anh tin chắc chắn rằng cô ta chính là chủ động trong vụ ám sát, một người nham hiểm, một tên gian ác, và thấy lòng tức giận căm ghét người thiếu nữ như một kẻ thù.

Hai xe còn cách nhau có chừng ba mươi thước. Dư xa để anh có thể lánh bóng được và đủ gần để anh nhận được các cử chỉ của cô.

Người thiếu nữ hình như không để ý gì đến Lê Phong. Hình như cô ta cũng không biết rằng anh đang đuổi theo, cứ thản nhiên như chẳng ngờ sự gì, không một lần nào Lê Phong thấy cô ta ngoảnh đầu trông lại.

Nhưng Lê Phong chợt giữ ý. Trên kia, người thiếu nữ giở cái ví đầm mở ra trước mặt và đang như chăm chú tô lại cặp môi son. Anh ngồi né sang một bên xe, cố ý cho mấy người trên chiếc xe hơi vừa vượt lên che khuất mình, và lẩm bẩm nói:

- Cái gương. Phải, cái gương ở ví đàn bà thỉnh thoảng cũng dùng vào những việc khác việc trang điểm .

Chiếc xe hơi đi khỏi, nhìn lên vẫn thấy người thiếu nữ chưa đậy ví lại. Lê Phong khó chịu vì biết rằng trong mảnh gương thế nào cô ta cũng soi thấy bóng anh.

- Không cần. Trông thấy ta, nhưng cũng không thoát khỏi tay ta được.

Xe đến trước hiệu "gôđa" thì bị nghẽn lối vì mấy chiếc xe hơi ở Tràng Tiền và ở cuối hàng Khay qua lại liên tiếp.

Dưới này, Lê Phong thúc xe chạy lên. Người thiếu nữ lúc ấy mới có vẻ bối rối.

Cô ngoảnh trông vội lại, bảo hạ xe xuống trả tiền; trông lại lần nữa, rồi nhanh chân bước vào cửa chính hiệu «gôđa».

Lê Phong không để mất một giây.

Anh theo tới nơi thì vừa kịp thấy người thiếu nữ thoăn thoắt đi đến chỗ bán sách, giấy. Chỗ đó rộng và vắng người, nên Lê Phong không sợ cô ta lẩn mất. Anh quăng tiền trả phu xe,rồi tức khắc chạy vào...

Anh sửng sốt và thấy một thứ cảm giác khó chịu lạ lùng vì trái với điều anh tưởng, người thiếu nữ không trốn tránh đang ung dung đứng giở xem một cuốn sách Tây.

Lê Phong ngừng bước lại, chưa biết nên xử trì ra sao, thì thấy người thiếu nữ ngửng lên nhìn. Hai người đứng cách nhau không đầy một thước. Mắt cô ta vẫn đen sáng và vẫn có cái ánh cười cợt như lúc Lê Phong trông thấy lần đầu.

Nửa phút lặng thinh.

Sau cùng người con gái hỏi một cách rất tự nhiên:

- Lại gặp ông?

Làm như hai bên gặp nhau chỉ là vì ngẫu nhiên chứ không phải Lê Phong theo đuổi.

Lê Phong không kịp nghĩ gì hết. Anh gần như quên cả các điều kỳ dị; nghe tiếng nói nhẹ nhàng, trông cái miệng cười tươi, với thấy cả cái dáng kiều lệ đáng yêu của cô ta có một vẻ dịu dàng, âu yếm, quyến luyến lạ thường. Anh bất chợt thấy mình đứng phỗng người ra trước cái nhan sắc kia thì bực mình, đến đổ tội cho hai con mắt người thiếu nữ.

- "Phải (anh nghĩ bụng thế). Hai con mắt sắc đen lánh, sâu xa nầy, còn giấu không biết bao nhiêu điều bí hiểm độc ác... Ta chớ tin cái bề ngoài hiền lành".

Nhưng đó là lý sự của trí, còn lòng anh thì có nghĩ thế đâu. Anh lại sắp thấy cử chỉ của mình lúc đó là ngây ngô, là lố bịch, và thấy cần phải hỏi một câu gì mới được, vì anh theo đuổi cũng chỉ cốt để hỏi cô ta kia mà! Lê Phong hỏi rằng:

- Thưa cô ...

Người thiếu nữ lại nhìn Lê Phong:

- Thưa ông?

Nhưng Lê Phong quả quyết đột ngột, dằn từng tiếng:

- Thưa cô Mai Hương...

- Mai Hương Henriette? Vâng, ông muốn dạy điều gì?

Cách ngắt lời của người thiếu nữ tại làm cho anh thêm khó chịu lần nữa.

- Thưa cô, trong vụ án mạng ở trường Cao đẳng - vụ án mạng mà cô đã biết rất rõ - tôi thấy cô là một người rất đáng chú ý, một người có can thiệp mật thiết, một người rất khả nghi... cho nên tôi tưởng cần phải hỏi cô...

- Ông cần phải hỏi tôi? Ông nghĩ tôi? Mà tại sao mới được?

Cô ta cười, nói tiếp luôn:

- Tại tôi là một người thiếu nữ có mặt ở trường cũng như ông, cũng như bao nhiêu người, trong lúc xảy ra án mạng?

Lê Phong cau mày:

- Tại thế với lại nhiều cớ khác nữa, vì cô, phải, vì chính cô đã viết cho tôi cái giấy này trước khi xảy ra án mạng... (Lê Phong đưa ra mảnh giây đe dọa nhặt được ở chân thang trường Đại học) và cái giấy thứ hai này lúc cô chạy trốn tôi trên đường Cống Vọng (Lê Phong lại giơ ra cái giấy thứ hai), lại chính cô đánh điện thoại báo cho tôi biết rằng sáng mai sẽ lại có vụ ám sát nữa.

Người thiếu nữ bật cười:

- Hay nhỉ. Thế nghĩa là ông cho tôi là người chủ mưu các việc ám sát? Một tay sát nhân đi nói trước cho người ta biết, đi tố cáo mình với người khác ... mà người khác ấy lại là nhà trinh thám phóng viên Lê Phong! ...

Lê Phong không để ý đến vẻ mỉa mai trong câu nói:

- Khi người ta là sát nhân, người ta có đủ mọi sự táo bạo. Nhất là khi người ta giết người (Lê Phong nhìn thẳng vào mặt người con gái), biết giết người một cách quỷ quyệt như bọn hạ thủ bác sĩ Đoàn.

- Vả lại cô báo trước cho tôi cốt để dọa tôi, để làm cho tôi sợ cách hành động của bọn cô, cô sợ báo thù, không dám tìm xét việc này... và (Lê Phong càng nói càng thấy lời nói thao thao không ngắt) và để cho cô yên tâm làm các điều gian ác không dè, không hối hận, thản nhiên, bình tĩnh trước mắt mọi người .

Tiếng Lê Phong nói sẽ, nhưng giọng quả quyết, anh đứng gần lại người thiếu nữ, đôi mắt nghiêm nghị lạnh lùng như muốn thôi miên:

- Nhưng còn có tôi, khi bọn cô làm nhưng việc tải ác ghê gớm ấy. Tôi sẽ khám phá ra sào huyệt bọn gian ác mà nay tôi đã biết những tay trọng yếu, nếu tôi chưa có quyền bắt cả bọn, ít ra tôi cũng có cách làm cho cả bọn cô phải vào vòng pháp luật. Tôi sẽ dò xét, sẽ truy nã, rồi sẽ tố cáo... Phải! Tôi có cách! Mà chỉ nay mai thôi, bọn cô sẽ không ẩn mãi được trong bóng tối...

Suốt trong mấy phút Lê Phong nói, người thiếu nữ giương mắt nhìn anh một cách vừa tinh nghịch, hóm hỉnh, vừa ngây thơ như đứa trẻ thấy người lớn làm một trò hay hay.

Sau cùng, cô ta cũng nghiêm sắc mặt nói lại:

- Ông làm như chính tôi là thủ phạm thực, có lẽ ông tìm cách bắt tôi ngay bây giờ cũng nên. Mà như thế chỉ vì ông gặp tôi luôn, vì ông theo đuổi tôi và nhận được mảnh giấy mà ông nhất định bảo là tôi viết... Trong lúc ấy thì những thủ phạm chính thức vẫn không được cái hân hạnh ông để ý đến như tôi... mà ông lấy những chứng cớ gì buộc cho tôi là thủ phạm mới được chứ?

Lê Phong thấy những lời ấy nói ra một cách thành thực, bạo dạn và lại có lý nữa, cũng hơi lấy làm khó nghĩ, nhưng anh nhớ lại nhưng cử chỉ lạ lùng của cô ta từ lúc sáng nên thong thả trả lời:

- Có những trường hợp khác thường. Tôi thấy cô ra mặt rồi lại tìm cách lẩn tránh... Tại sao cô lại tránh tôi.

- Tại sao tôi lại tránh ông. Mà tại sao ông lại tưởng tôi trốn tránh? Khi người ta theo một người đi trước, thì người đi trước nhất định là một kẻ chạy trốn ư? Ồ thế thì những ý nghĩ của ông kể cũng giản tiện thực... mà...

Bỗng nhiên, người thiếu nữ im bặt, đôi mắt lấm lét, cô ta cố sức giấu sự bối rối mà không được, khiến Lê Phong quay lại nhìn, giật mình kinh ngạc. Anh vừa thấy hai người lạ mặt bước vào.

Một người bé nhỏ trạc ba mươi tuổi, mặc quần áo tây màu tím thẫm, đeo kính trắng; cổ quấn cái phu la lụa ngũ sắc, trước ngực, sợi dây đồng hồ vàng đeo lủng lẳng mấy cái vuốt cũng bằng vàng. Người có vẻ giàu sang, nhưng dáng hơi quê kệch. Theo sau hắn ta là một người to lớn, lanh lẹ nhưng hơi khúm núm như một kẻ bề dưới theo một người trên.

Hắn ta mặc quần áo tây màu tro, ngoài khoác cái áo đi mưa và cụt một tay trái.

- Người cụt tay.

Lê Phong se sẽ nói thế, rồi ngoắt quay lại thì thấy người thiếu nữ đã trấn tĩnh. Cô ta toan bước tiến lên, nhưng Lê Phong cản lại, nắm hai tay cô đẩy lùi vào góc căn bán sách là chỗ vắng nhất, đôi mắt ghê gớm nhìn như hai mũi tên cắm vào mắt cô ta, anh nói rất nhanh rất nhỏ nhưng đủ cho cô nghe thấy:

- Dẫu thế nào cô cũng phải đứng đây, phải im, không được nói, không được cử động, không được tìm cách thoát thân. Không thì tôi thề sẽ sai bắt cô ngay tức khắc. Khi Lê Phong đã quả quyết là làm thẳng tay... cô cứ đứng yên đấy, nghe không,đứng với tôi... để tôi xem hai đứa kia giở trò gì...

Hai người lạ mặt đi qua căn bán nước hoa, qua chỗ bày các thứ vải màu, rồi đi đến cái chân thang gác cách xa đó, đứng lại  đưa mắt nhìn quanh quất như có ý tìm tòi, Lê Phong dìu người thiếu nữ tránh vào một chỗ khuất. Lúc thấy hai người lên gác, Lê Phong lại nắm rất chặt hai cổ tay người thiếu nữ và dọa:

- Cô không được có một cử chỉ nào khác... nếu không....

Người thiếu nữ nhíu đôi lông mày lại kêu đau, cố cựa ra nhưng không được!

- Ô hay? Ông có quyền gì mà...

Cô im ngay...

Anh toan nói thêm, bỗng lại thấy hai người lạ mặt trên gác bước nhanh xuống, và đang vội vã bước ra cửa.

Tức khắc anh nhảy xổ ra để đuổi, nhưng bị người thiếu nữ hết sức níu lại, khiến anh lại càng ham đuổi thêm. Anh vung mạnh một cái rồi chạy ra, hai tai còn nghe tiếng con gái gọi to:

- Ông Lê Phong! Đứng lại? Ông Lê Phong. Đứng lại! Trời ơi?

Ra đến cửa, anh chỉ còn kịp, trông thấy số chiếc xe ô-tô hòm trên đó có hai người lạ mặt. Xe rẽ về phía sở cảnh sát hàng Trống và chạy rất nhanh.

Lê Phong bực dọc quay vào, thì người thiếu nữ dị kỳ đã không còn đó nữa.

Lê Phong biết không thể tìm thấy người thiếu nữ tinh quái kia được, chỉ đưa mắt nhìn khắp nhà hàng một lượt, rồi bước ra, anh nghĩ thầm:

- Mai Hương, Henriette Mai Hương... con gái Việt Nam vào làng Tây... nhà giàu lớn... người lanh lẹ một cách, xem ra lại là người học rộng nữa... ừ thế mà. Anh không có thể hiểu đối với vụ án mạng cô ta có liên lạc thế nào, theo các việc xảy ra thì một là cô chủ mưu việc này, hai là cô là một tay lanh lợi của bọn sát nhân. Một bọn sát nhân hành động rất lặng lẽ, rất chu đáo,rất bí mật, chẳng khác gì một đảng gian ác tổ chức rất khéo ở các nước Âu Tây. Mà cả người thiếu nữ cũng vậy. Cũng lạ lùng,cũng thấy nguy hiểm, cũng có những cử chỉ dị thường của một con nữ tặc bên Mỹ hay bên Anh. Ta có ngờ đâu rằng nước Nam này lại nảy nòi ra những vật quái ác thế.

Anh nghĩ đến người thiếu nữ thoát khỏi tay anh một cách dễ dàng như mấy lần trước thì tự hổ thẹn như một người bị kẻ khác khinh thường, coi mình như một trò cười. Rồi nghĩ đến lúc cô ta trông thấy hai tên lạ mặt ở trong hiệu «gôđa» Lê Phong không thể nén được giận:

- Ồ! Nó quỷ quyệt đến thế là cùng! Cái vẻ tươi cười thản nhiên lúc đối diện với ta sao mà đóng khéo thế... Tí nữa ta đã tưởng là ta nghĩ lầm, tí nữa ta tin rằng nó chỉ là một người thiếu nữ thích mạo hiểm và để ý đến vụ án mạng cũng như ta... ngờ đâu, chính nó, đã đánh tháo cho hai tên kia, nó toan giữ ta lại lúc ta chực đuổi chúng...

Lê Phong bực tức lắm. Anh ta lại buồn nữa. Bây giờ là lúc anh không được bán tín bán nghi về cái "tội ác" của người con gái, là lúc anh đã chắc chắn biết rằng cô chỉ là một nhân vật nguy hiểm, anh thấy ảo não về những cảm tưởng chua cay chưa từng có bao giờ.

Lê Phong gọi một chiếc xe, nhảy lên gieo người xuống nện xe, bảo chạy về phía chợ Hôm. Rồi ngồi bần thần trêln đó, anh lắc đầu thở dài:

- Trời ơi! Tại sao một người có duyên, một bực nhan sắc đến thế kìa, lại học thức, lại giàu có... mà lại đi làm những việc tối tăm đến thế. Giết người? Hay chẳng gì cũng đồng mưu với một bọn giết người... Thế nghĩa là tay kia đã dúng vào máu? Đã thành một kẻ đáng khinh bỉ, đáng thù. Tại sao những việc ghê gớm bí mật kia chẳng là những việc dành riêng cho bọn mấy ông đàn ông thô bỉ, độc ác kìa? Hữ? Tại sao?

Lê Phong lấy làm lạ rằng, sao mình lại có nhưng ý tưởng băn khoăn vừa rồi. Mọi lần, anh theo đuổi dò xét một việc gì, anh có cái tâm trạng sáng suốt, bình tĩnh của một nhà khoa học thản nhiên tra cứu. Lần này thì khác, anh thấy lòng bối rốI trí mờ ám, nghị lực cũng như thiếu sót, anh không kịp phân biệt rõ một manh mối nào của bao nhiêu trường hợp vừa qua.

Lê Phong nhắc đi nhắc lại một trăm lần rằng Mai Hương, người thiếu nữ dị kỳ, là một kẻ nay mai anh sẽ đưa ra trước công lý với bao nhiêu điều buộc tội ghê gớm, khe khắt. Nhưng trong thâm tâm của anh, anh lấy làm khổ sở lắm. Không chắc anh đã có can đảm làm.

Lê Phong sực kinh ngạc mà nghĩ rằng:

- Hay là...

Nhưng anh chưa dám tự thú thực với mình cái điều vữa nghĩ đó. Anh chỉ vội vàng trách anh, giận anh hết lòng hết sức và cho rằng mình vừa có những ý tưởng điên cuồng. Anh xua tay lên gió như ruồng đuổi cái ám ảnh, miệng nói:

- Không! Không! Không thế được. Ta điên hay sao? Không.

Người phu xe đang cắm cổ chạy, bỗng đứng lại ngoảnh đầu ra ý hỏi anh, Lê Phong bật cười:

- Ồ! Vô lý! Không, cứ kéo?

Rồi lấy thuốc lá hút, Lê Phong thở một hơi rết dài, rất nhanh, rất mạnh, đôi mắt lanh lẹ ngước nhìn trong những ngọn cây lần lượt qua trên đầu anh.

Qua số nhà 99, anh liếc mắt nhìn thoáng một cái, biết cô Lý Tuyết Loan vẫn ở sở mật thám chưa về, toan đi thẳng, bỗng thấy tên đầy tớ mở cổng chực ra.

Anh nện gót giày ngừng xe lại gọi khẽ:

- Đan!

Tên đầy tớ nhận được anh ra dáng mừng và hỏi Lê Phong:

- Thế nào? Sao lúc nãy anh đi ngay thế?

- Yên đã. Ta đứng tránh ra một chỗ nói chuyện tiện hơn.

- Hai người đã qua đây rồi chứ?

- Ba cụt với chủ Du ấy à? Rồi. Tôi thấy họ đi ô-tô đến đây đỗ lại một tí rồi đi ngay. Đi về phía bờ Hồ.

- Thế không dặn gì thêm.

- Không, dặn gì thì họ sai người dặn. Không bao giờ họ bảo thẳng tôi... Vả lại...

- Được rồi, cô Tuyết Loan vẫn chưa về?

- Chưa. Thế anh cũng chưa gặp "họ"?

"Họ" đây vừa có thể là hai người lạ mặt, vừa có thể là cả một đảng mà hai người đứng đầu. Lê Phong chưa biết tên Đan muốn nói đến ai, nên trả lời một câu không nhất định:

- Chưa gặp vội, thôi tôi đi. Cẩn thận nhé.

Lê Phong muốn hỏi thêm, nhưng sợ tên đầy tớ sinh nghi, nên anh bí mật đưa mắt cho nó một cái, rồi quay gót.

Lúc trở lại chỗ xe hơi của anh đỗ, Lê Phong mỉm cười, xoa tay:

- Trần Xuân Đan tức Hồng, Mai Hương tức người thiếu nữ kỳ dị, Ba cụt tức người cụt tay, chủ Du tức là người lạ mặt thứ hai... Được rồi, cái đầu mối dây của mối bòng bong ta đã gần tìm được thấy.

 

 

 ← VI. TACÒN GẶP NHAU                                   → VIII. CÁI BÓNG THEO HÌNH

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét