VẾT TAY TRÊN TRẦN
Phạm Cao Củng
1
GIẤU ĐẦU HỞ ĐUÔI
Bạn tôi vào, kéo ghế ngồi,
rút thuốc lá ra châm hút, rồi nhìn tôi mà cười. Tôi vẫn vờ mải miết xem nốt
trang truyện trinh thám, nhưng trộm liếc cái cười tinh quái chế nhạo của bạn,
tôi thấy khó chịu vô cùng. Hắn thở hơi thuốc dài, mơ màng nhìn theo làn khói, rồi
bỗng hỏi tôi rằng:
- Anh xem sắp xong
chưa, nhanh lên để tôi đổi cho quyển khác?
- Anh để tôi còn phải
xem chứ, ai xem nhanh được như anh! Càng xem càng thấy ly kỳ, đọc mãi không
chán. Đêm qua tôi thức đến non ba giờ đêm mới đi ngủ.
- Làm gì mà thức khuya
thế?
Tôi cố làm ra bộ tự
nhiên, cười bảo:
- Thế mà cũng học đòi
làm trinh thám Sherlock Holmes, thức để “đọc truyện” chứ thức để làm gì!
- Ấy thế mà tôi cứ tưởng
anh thức để “tán chuyện” cơ đấy. Anh bất tất phải dối quanh nữa; tôi hỏi, anh
nói cho thực: từ chín giờ tối đến ba giờ đêm hôm qua, anh “tán chuyện” hay “đọc
truyện” trong nhà cô đầu trên Ởn Rợp*.
Ởn Rợp là xóm cô đầu Nam
Định.
Tôi giật mình, không hiểu
ông bạn thân sao biết rõ mọi hành động của mình như thế, nhưng xem chừng giấu nữa
cũng vô ích, chi bằng cứ thú thực là hơn. Tôi bèn mạnh bạo gấp hẳn cuốn sách lại,
giơ tay ra bắt tay bạn rồi nói:
- Tôi xin phục tài anh,
không dám che mắt nhà trinh thám nữa, nhưng tại sao anh lại biết tôi tối qua đi
hát trên Ởn Rợp, nhất là tại sao anh lại biết rằng đi từ chín giờ tối; không lẽ
anh lại theo rình tôi mãi?
- Ai thèm rình anh. Tôi
biết thế chẳng qua cũng là theo phương pháp suy luận của Conan Doyle viết trong
bộ Sherlock. Khi tôi vào, anh vờ xem sách, bộ dạng anh tự nhiên lắm, nhưng anh
đã muốn giấu mà đuôi cứ thò ra. Cái đuôi ấy là mẩu giấy đỏ kia, mẩu giấy anh
đánh dấu để nhớ trang anh đã xem. Tôi nhận thấy lúc anh xem, mẩu giấy ấy gấp ở
những trang anh chưa xem. Nếu anh xem thực thì mẩu giấy ấy anh phải gấp ở những
trang anh xem rồi. Do đó, tôi đoán rằng anh vội vàng mở sách vờ xem khi tôi lại.
Tại sao tôi biết anh lên Rợp? Khốn nạn, đôi giầy lấm đầy bùn kia nó chứng cái
gì? Sáng sớm hôm qua mưa to, đến trưa nắng. Đường các phố rải nhựa, buổi tối tất
đã khô hết. Thế mà giầy anh lấm bùn, vậy hẳn anh đi chơi tối, mò vào đường đất
lội, tất chỉ có đi lu bù trong một nhà nào trên xóm Rợp chứ gì?
- Nhưng tại sao anh biết
tôi đi từ 9 giờ?
Bạn tôi cười chỉ chiếc
đèn cầy để trên bàn mà bảo:
- Ấy, tôi cũng chỉ
đoán. Chiều hôm qua tôi lại đây, nhận thấy phao dầu cây đèn này mới rót đầy.
Bây giờ anh coi, nó đã cạn hết một phần ba, bằng ấy dầu anh chỉ thắp được ba tiếng
đồng hồ, nghĩa là tự lúc lên đèn cho tới quãng chín giờ. Tôi đoán chín giờ là
lúc anh mặc quần áo, tắt đèn bàn học để đi chơi! Anh đã hiểu rõ chưa?
- Tôi hiểu lắm rồi, anh
Kỳ Phát ơi! Tôi càng chơi với anh lâu càng nhận thấy, anh thực là một người kỳ!
Không nói đùa, giá anh đi làm trinh thám thì may ra anh cũng noi gương Sherlock
Holmes, mà nếu anh chuyên nghề ăn trộm thì có lẽ cũng không kém Arsène Lupin là
mấy. Nhưng còn cái án mạng này thì anh đoán ra thế nào?
Tôi vừa nói vừa đưa cho
Kỳ Phát xem tờ thời báo ngày hôm nay, Phát tiếp lấy tờ báo, nhưng không xem. Hắn
để trả báo lên bàn rồi nói:
- Có, tôi đã xem cái
tin ấy. Chắc anh cũng cho cái chỗ đóng cửa kín hết mà người ở trong bị ám sát
là lạ chứ gì?
Tôi ngắt lời:
- Thế anh đoán ra làm
sao?
- Nếu tôi đoán được tôi
đã đi làm thầy bói. Không vịn vào một cái gì hiển nhiên thì lấy đâu mà luận
đoán. Tôi cần phải nhận xét ở một việc đã biết, suy luận rồi mới đoán ra được.
Đó là việc cái phương pháp cốt yếu nhất trong khoa trinh thám Âu Mỹ. Cái án mạng
kỳ quái trong miền Thanh Hóa kia, nếu anh muốn hiểu rõ, thì hôm nào nhân ngày
nghỉ, ta tiện dịp vào Thanh chơi, rồi tra xét cho ra manh mối.
2
CHIẾC Ô ĐÀN BÀ
Chuyến tầu Kỳ Phát và
tôi xuất phát từ sáng sớm. Tuy sớm mà ánh nắng cũng đã gay gắt lắm. Từ Nam Định
qua Trình Xuyên, núi Gôi, tôi để ý nhìn Kỳ Phát chỉ thấy hắn lim dim con mắt,
thỉnh thoảng lại ngáp dài. Đến ga Cát Đằng, tầu vừa đỗ, một bà cụ tay phải cầm
một gói bọc giấy báo, ngoài có giắt chục thẻ hương, vội vàng bước lên. Tay trái
vừa buông cái vạt sau chiếc áo dài mà lúc nẫy bà kéo lên để che nắng, bà cụ đã
nhìn trước, nhìn sau như muốn tìm người quen biết.
Kỳ Phát bỗng đứng dậy.
Hắn tươi cười chào bà cụ rồi nói:
- Mời cụ lên toa trên,
ông phán ngồi ở toa đầu cơ ạ!
Tôi đợi bà cụ bước sang
toa bên rồi mới quay hỏi Kỳ Phát:
- Ông phán nào anh quen
biết mà lúc nẫy không thấy anh chào?
Phát nhìn tôi một cách
khinh bỉ:
- Anh tưởng hễ tôi được
quen với một ông phán thì khi gặp tôi phải chào mọp hay sao?
Hắn không đợi tôi trả lời,
lại thản nhiên ngả lưng vào vách mà lim dim đôi mắt; một lúc sau ở toa bên bước
sang một người trẻ tuổi, vận áo sa-tây. Tôi để ý thấy người ấy đi đi lại lại
trên toa nhìn chúng tôi và nhất là nhìn Kỳ Phát một cách chăm chú lắm. Người trẻ
tuổi bỗng tiến đến bên chúng tôi nghiêng mình chào, rồi hỏi Kỳ Phát:
- Xin lỗi ông, tôi nhìn
ông ngờ ngợ mà lạ sao không nhận được ông là ai, không nhớ rằng đã được gặp ông
vào hồi nào!
Kỳ Phát mỉm cười:
- Thưa, cũng không lấy
gì làm lạ cho lắm, chỉ vì một cớ là tôi chưa từng có hân hạnh được gặp ông bao
giờ, mà lần này được tiếp chuyện ông là lần đầu của tôi vậy.
- Thế sao lúc nẫy…
- Lúc nẫy tôi biết chỉ
là vì tôi thấy bà cụ tìm ông, cũng như tôi biết ông hiện làm thư ký tòa án Nam
Định, nhân ngày nghỉ về quê ăn giỗ.
Cắt nghĩa như thế, thì
có trời hiểu. Bây giờ hồi tưởng đến thái độ ngạc nhiên của người trẻ tuổi lúc ở
trên tầu tôi cũng vẫn còn buồn cười nôn ruột. Nói thực ra, thì ai mà không lấy
làm lạ, nhưng chỉ mỗi tôi là thẹn vì lúc trước đã thốt ra câu hỏi ngờ nghệch
kia.
Thấy tôi thần người ra
nghĩ ngợi, Kỳ Phát vỗ vai tôi mà cười:
- Có thế mà mãi không
nghĩ ra ư? Ninh Bình đây rồi này! Kìa anh trông!
Tôi nhìn theo tay Phát
trỏ, thấy trên sân ga bà cụ lúc nẫy tay cầm bọc, tay che ô đi bên người trẻ tuổi,
áo sa-tây xách va ly, tay xách buồng chuối ngự.
Kỳ Phát nói:
- Anh nhận thấy chưa?
Chính cái ô kia nó dẫn tôi từ bà cụ đến chàng trẻ tuổi. Lúc bà cụ lên, tay kéo
vạt áo che nắng, tôi biết đó là một người quen đi ô, không nón. Mà bà cụ lại ra
ý muốn tìm người quen, tôi sực nhớ đến chàng trẻ tuổi gặp lúc mới lên tầu, một
tay chàng xách buồng chuối, một tay chàng xách va ly. Tôi để ý nhất là ở quai
va ly có buộc một chiếc ô đàn bà. Thường ra một người trẻ tuổi không ai muốn
mang theo ô, nhất là cái ô của đàn bà dùng, trừ ra trong khi bất đắc dĩ lắm.
- Vì thế anh đoán ra rằng:
người trẻ tuổi kia là con bà cụ?
- Tôi phỏng đoán chắc
bà cụ đi trước đã mấy hôm nay vào Cát Đằng thăm bà con, nhân tiện ông con được
ngày nghỉ vào Ninh Bình ăn giỗ một thể. Hai mẹ con đã hẹn nhau đi cùng một chuyến
tầu, nhưng phiền nhất cho ông con là khi ở Nam đi bà mẹ lại bỏ quên chiếc ô ở
nhà, thành ra chàng phải mang theo đi kẻo sợ cụ già không quen nắng gió. Nhờ có
thẻ hương ở bọc cụ già, và buồng chuối của người trẻ tuổi mà tôi đoán rằng: Hai
mẹ con bà cụ vào Ninh Bình ăn giỗ.
Tôi cười bảo:
- Tôi cũng đoán cho anh
xem: Tôi biết bà cụ tuy già nhưng tính lơ đễnh tệ!
Phát cũng cười:
- Anh đoán giỏi đấy nhỉ.
Có cái ô mà bỏ quên tất là lơ đễnh hấp tấp, không biết chừng lúc nẫy xuống vội
vàng bỏ quên cái gì trên tầu cũng nên!
Kỳ Phát bỗng chạy bổ
sang toa bên. Lúc hắn trở về tay giơ cao chục hương vừa đi vừa nói:
- Tức lạ, lúc nẫy tôi
chậm nghĩ quá. Đã để ý đến cái bọc bà cụ cầm không có thẻ hương mà tôi không
nghĩ ngay đến tính lơ đễnh. Thế mới biết lắm cái nhỏ mọn thực dễ dàng mà nhiều
khi ta không nghĩ tới.
Tôi cũng sực nghĩ ra:
- À, anh tại sao mà lại
biết hắn làm tòa án tỉnh Nam nhỉ?
Kỳ Phát cười bảo:
- Câu anh hỏi lại chứng
thêm cho lời tôi vừa nói là đúng. Thực những cái nhỏ mọn dễ dàng ngay trước mắt
mà phần nhiều ta không nghĩ đến. Anh có muốn biết tên tuổi chức nghiệp cái lão
to béo ngồi đối diện chúng ta không? Khó gì, anh nhìn mà đọc trên chiếc danh
thiếp gài ở cạnh va ly kia kìa!
3
OAN THỊ KÍNH
Tầu đã sắp đến Thanh mà
hắn vẫn điềm nhiên ngủ như thường. Tôi định sửa sang lại quần áo, sắp sửa hai
chiếc va ly xong rồi đánh thức hắn dậy thì vừa. Lúc tìm đến vé thì mất, ấy mới
rầy. Sờ hết túi trong đến túi ngoài, đâu cũng không thấy mà còi tầu đã rít lên
mấy bận. Xe hỏa chạy từ từ, ga Thanh Hóa chỉ còn cách vài chục thước. Tôi đành
lay Phát dậy. Hắn mắt nhắm mắt mở hỏi:
- Đến rồi à?
- Đến rồi, dậy đi!
Quái, cái vé tầu mình bỏ đâu mất, làm thế nào bây giờ, không nó tính phạt từ Hà
Nội thì “hao” quá!
Kỳ Phát nhìn tôi từ đầu
đến chân, rồi hắn đứng dậy, nắn các túi tôi như một người nhà đoan khám thuốc
phiện lậu. Tầu đã dừng hẳn, mà vé vẫn chưa thấy. Ấy mới nguy! Kỳ Phát cũng vục
lại túi hắn xem, nhưng chỉ thấy mỗi chiếc vé của hắn.
Như sực nghĩ ra ý kiến
gì, hắn mỉm cười, rút chiếc bút chì trong túi ra viết hí hoáy lên đằng sau chiếc
vé. Rồi hắn xách va ly hất hàm bảo tôi cùng xuống.
Tôi bảo:
- Còn mất vé thì tính
sao?
- Anh cứ mặc tôi!
Hắn vừa nói vừa đưa cho
tôi chiếc vé, tôi cầm lấy nhìn xem thấy mặt sau có viết ba hàng chữ số của phép
tính nhân 78,57 x 9 = 707,13 và chữ ký của Kỳ Phát. Tôi vẫn chưa hiểu ra sao
thì Kỳ Phát đã kéo tôi xuống sân ga.
Hành khách vẫn xô đẩy
nhau ra. Tôi thấy Phát thản nhiên xách va ly ra cổng, nhưng đến bên người thu
vé thì hắn bỏ va ly xuống. Hắn móc túi lấy ví ra.
Tôi bụng bảo dạ: “À, thằng
cha nó chơi khăm mình, ra nó giữ cả hai vé!”
Nhưng không, Phát mở ví
lục soát giấy má trong mấy ngăn rồi… rồi lại bỏ ví vào túi.
Rồi hắn nghiễm nhiên
xách va ly ra. Người thu vé cản lại hỏi vé, Phát quắc mắt hỏi:
- Vé nào nữa, tôi vừa
đưa cho ông thôi!
Thế là cãi nhau tíu
tít, kẻ nói không, người nói có, duy chỉ tôi biết rõ: trong hai người kẻ nói dối
tất không phải là người thu vé. Ông xếp ga ra, hỏi duyên cớ. Thế là lại cãi
nhau tíu tít vẫn kẻ nói không người bảo có.
Kỳ Phát bỗng vỗ tay cười
rầm lên, rồi bảo ông xếp ga rằng:
- À, tôi nhớ ra rồi.
Lúc nẫy ở trên tầu tôi không sẵn giấy, có lấy bút chì tính trên mặt sau chiếc
vé. Đây tôi còn nhớ, tôi làm phép nhân 78,57 x 9, sau tôi buồn tay lại có ký cả
tên vào nữa, ông thử lục tập vé xem có thấy không nào?
Lẽ tất nhiên là có thấy.
Thế là Kỳ Phát đường hoàng xách va ly ra cổng, sau khi nghe lời ông xếp mắng
người làm, và lời xin lỗi của người thu vé. Ra khỏi cổng Phát vỗ vai tôi cười bảo:
- Ta đi thôi chứ, đi mà
tra xét cái án mạng kia, đấy anh xem đọc truyện trinh thám có cái lợi nhỡn tiền
là như thế. Ở Club des Masques cũng có một chuyện từa tựa như vậy. Tôi chỉ hơi
tiếc một điều là chàng thu vé bị cái oan tầy đình, cái oan Thị Kính. Tôi đoán
chắc chàng thu vé tối hôm ấy về nhà sau khi kể chuyện lại cho vợ và con nghe sẽ
nói:“Quái, tôi không lầm mà, rõ ràng hắn để va ly xuống, rút vé ra định đưa vé
nhưng không đưa mà lại bỏ ví vào. Ấy thế mà có vé của hắn trong tay mình, ấy mới
thực là lạ.”
Bây giờ hẳn chàng không
lấy làm lạ nữa, mong chàng hãy đọc ở mấy hàng đây, lời xin lỗi trân trọng của Kỳ
Phát và của người chép chuyện này.
4
CÁNH TAY ĐEN
Thấy chúng tôi nói là
chỗ quen biết ngày xưa với ông cụ thân sinh, ông Nùng Chí tiếp đãi chúng tôi rất
chu đáo. Sau bữa cơm gồm đủ các món sơn hào, ông buồn rầu mà kể lại cho chúng
tôi nghe chuyện cái đêm ghê gớm.
- Các ông đã rõ, châu Lộc
Sơn tuy cách xa tỉnh lỵ những hơn ba ngày ngựa, nhưng không hề có xẩy ra sự gì
ghê gớm bao giờ. Thế mà buổi tối hôm ấy, cũng bằng bây giờ, cha tôi đương ăn
cơm nói chuyện vui vẻ, bỗng im bặt, lắng tai, hình như nghe thấy một tiếng gì
quái lạ. Tôi cũng để ý nghe thì ngoài những tiếng thú rừng bắt đầu đi kiếm mồi
và tiếng gió đập cành cây xào xạc là những tiếng quen của dân miền núi, không
có một tiếng gì lạ cả. Tự lúc ấy, cha tôi như có ý thấp thỏm, lo sợ điều gì. Ăn
vội vàng cho xong bữa, cha tôi kêu trong mình khó ở, rồi thu xếp đi nằm. Cha
tôi ngủ buồng bên cạnh, còn buồng này là buồng tôi ngủ. Đêm hôm ấy, tôi trằn trọc
mãi không chợp mắt được, vẫn ngạc nhiên về cái thái độ lạ lùng của cha tôi.
Kỳ Phát ngắt lời:
- Chắc ông nằm xem truyện
cho qua thì giờ?
Tôi ngoảnh nhìn giường
chủ nhân thấy đầu giường có kê một chiếc kỷ con, trên để mấy quyển truyện Tầu
và chiếc đèn con.
Tôi gật đầu hiểu ý,
nhưng Nùng Chí thì lấy làm ngạc nhiên hỏi:
- Quái lạ! Sao ông biết
tôi hay xem truyện đêm?
Như không để ý đến câu
hỏi, Kỳ Phát giục:
- Ông kể nốt cho chúng
tôi nghe, sau rồi sao nữa?
- Sau tôi mệt quá nhưng
vừa chợp mắt thì bỗng giật mình tỉnh dậy.
Kỳ Phát hỏi:
- Lúc ấy vào quãng mấy
giờ?
- Lúc ấy vừa trống canh
ba được một lát. Tôi tỉnh dậy vì nghe thấy một tiếng kêu dữ dội ở trong buồng
cha tôi. Tôi bèn cầm đèn, xách ba toong chạy tới.
Tôi và Kỳ Phát đều quay
nhìn chiếc cangậy nhỏ
nhắn, chỗ tay cầm có nạm vàng tây, dựng bên cạnh chiếc mắc áo.
Tôi nói:
- Cứ như báo đăng thì
lúc ông sang, cửa buồng ông cụ khóa chặt.
- Vâng, buồng cha tôi
khóa chặt ở phía trong, tôi cố đẩy vào cũng không được… mà bên trong tôi vẫn
nghe hình như có tiếng rên rỉ. Tôi toan chạy xuống đằng cuối vườn gọi lão bộc
Ty Khuông nhưng tôi thoáng thấy, cách đó hai thước trước mặt tôi thoáng thấy một
bóng đen. Tôi nói thoáng thấy là vì, ngay lúc bấy giờ một cánh tay dài thưỡn,
đen nháy, vươn lại phía tôi, giật đổ cái đèn, rồi ghì chặt lấy cổ tôi. Tôi bị vật
ngã xuống dưới đất, tôi hết sức giãy giụa mà không sao gỡ được cái cánh tay
đen, lạnh toát mềm nhũn đương bóp cổ tôi. Sau tôi bị tắc thở, ngất đi, lúc tỉnh
dậy thì đã thấy lão Ty Khuông đương vỗ nước lã vào mặt tôi cho tôi hồi tỉnh. Ty
Khuông kể lại cho tôi nghe rằng…
Kỳ Phát ngắt lời:
- Ty Khuông là người có
thể tin cậy được không?
Nùng Chí gật đầu bảo:
- Lão ở hầu hạ nhà tôi
được hơn hai mươi năm rồi, cha tôi coi lão như người nhà vậy. Lão kể lại rằng…
Tôi nói:
- Giá ông cho gọi Ty
Khuông lên đây thì hay lắm. Chúng tôi được nghe chính mồm lão thuật lại thì có
lẽ hơn.
Kỳ Phát gật đầu như cho
cái ý của tôi là phải. Nùng Chí bèn cho người xuống gọi lão bộc lên. Tôi nhìn Kỳ
Phát thấy hắn có vẻ ung dung lắm. Mồm thở thuốc lá phì phèo, mắt ngắm nhìn
quanh tứ phía. Hắn bỗng chỉ một con dao quai vỏ tre, cán đồng, treo trên tường
mà khen rằng:
- Chủ nhân có con dao tốt
nhỉ, giá có đủ đôi treo thì đẹp biết bao!
Nùng Chí rút con dao xuống
đưa cho chúng tôi xem rồi buồn rầu nói rằng:
- Vâng, con dao này tốt
lắm, nguyên vẫn có một đôi, theo tục lệ trên này dao tốt cứ xếp bạc nén, chém một
nhát đứt hết bao nhiêu là giá bằng ấy. Cha tôi tính ra mua đôi dao này hết hơn
ba mươi đồng, đủ biết cặp dao này quý lắm. Mua được đôi dao thì cha tôi giữ một,
tôi giữ một, ngờ đâu lại bị kẻ sát nhân dùng chính con ấy hại chính cha tôi.
Kỳ Phát hỏi:
- Ông có biết cụ nhà ta
có kẻ nào thù hằn không?
- Không, cha tôi làm
Tri châu vùng này được đến mười năm nay, cứ như tôi biết không hề có một ai thù
oán cả, tôi chắc chỉ có yêu mến mà thôi.
Kỳ Phát bỗng đứng dậy vỗ
vai Nùng Chí một cách thân mật mà bảo rằng:
- Ông nói có lẽ vì
chính ông cũng đương có người yêu mến cơ mà! Chúng ta đều là bạn trẻ, ông cứ tự
nhiên cho. Chắc ông nóng ruột lắm thì phải, vì bây giờ có lẽ đã tới giờ hẹn của
người yêu ông. Ông có thể để mặc chúng tôi hỏi chuyện Ty Khuông cũng được.
Sau khi Nùng Chí ra, Kỳ
Phát bảo tôi rằng:
- Tôi nhận thấy hắn thỉnh
thoảng cứ liếc nhìn ảnh người yêu treo trên tường, lại nhìn đồng hồ, nên tôi
đoán già rằng hắn có người đợi, nên nói thẳng cho hắn đi, chúng mình hỏi Ty
Khuông cho tiện.
Tôi nhìn ảnh một cô Mán
đeo khuyên bạc xinh xắn ngây thơ treo trên tường mà hỏi Kỳ Phát:
- Anh đoán người này có
dính dáng vào vụ án mạng không?
Kỳ Phát không trả lời
ra hiệu bảo tôi im, vừa lúc ấy lão bộc Ty Khuông ở ngoài bước vào.
5
BÓNG ĐEN HAY BÓNG TRẮNG
Ty Khuông là một người
Mán, trạc ngoại năm mươi nhưng trông vẫn còn quắc thước. Cái cằm vuông và đưa
ra, biểu hiện cho tính quả quyết, con mắt sáng lanh, vô hạn buồn rầu mỗi khi
lão nói đến tên ông chủ cũ, đủ cho chúng tôi biết rằng ông châu Nùng Cao xưa
kia tin cậy lão là phải lắm. Chúng tôi đều ngồi lặng yên nghe lão kể, nhất là Kỳ
Phát thì hình như chú ý đến câu chuyện lắm, thỉnh thoảng hắn lại ghi vào sổ tay
mấy chữ.
- Hôm ấy sau bữa cơm
chiều, quan châu có cho gọi tôi lên dặn rằng: “Đêm nay anh phải xem lại cửa ngõ
cho cẩn thận và nên tỉnh ngủ.” Biết hẳn có việc gì quan trọng, đêm ấy tôi định
không ngủ để xem động tĩnh, nhưng sau mệt quá, hai mắt gà gà, thì bỗng choàng tỉnh
hẳn. Lúc ấy trống canh ba vừa điểm xong, tôi nghe thấy ngoài có tiếng động rồi
thoáng thấy có một cái bóng trắng tay dài lắm dễ đến hơn thước rưỡi đi vụt vào
trong nhà. Tôi vội mặc áo, xách gậy đi theo lên nhà trên nhưng bỗng một tiếng
kêu dữ dội ở phía buồng quan châu đưa ra, rồi thấp thoáng ánh đèn, rồi thấy tiếng
cậu Nùng Chí kêu cứu. Hoảng hốt, tôi chạy lên đánh diêm soi thì đã thấy Nùng
Chí nằm ngất trước cửa buồng cha, hơi thở rất nhỏ. Tôi bèn vực cậu dậy, gọi tỉnh
thì thấy cậu bảo vừa bị người bóp cổ.
Kỳ Phát ngắt lời:
- Có, tôi đã được ông
Nùng Chí kể cho nghe đoạn ấy, già không phải kể lại nữa.
Ty Khuông nói tiếp:
- Tôi đoán thủ phạm là
một người rất khỏe vì cổ cậu Nùng Chí có đeo cà vạt cổ cứng mà còn bị nghẹt thở,
nếu không thì có lẽ không sống được đến bây giờ.
Tôi bảo riêng Kỳ Phát:
- Cứ như lời Ty Khuông
thi thủ phạm bận đồ trắng, theo lời thuật của Nùng Chí thì thủ phạm bận đồ đen,
vậy như ý anh đoán thì thủ phạm là bóng đen hay là bóng trắng, hay là hai bóng
cũng chỉ là một thôi?
Kỳ Phát mỉm cười không
trả lời, quay lại bảo lão bộc:
- Bây giờ già đưa chúng
tôi sang xem cái buồng đã xẩy ra án mạng.
Ty Khuông vâng lời, đưa
chúng tôi sang buồng bên. Cánh cửa vừa mở, một luồng gió lạnh tanh tanh đưa ra,
làm tôi phải ghê sợ. Một điều tôi để ý nhất là trong phòng bầy biện rất sơ sài,
trên tường không hề treo một cái tranh ảnh gì cả, ngoài trước cửa ra vào, phòng
có bốn cửa sổ song sắt, đóng kín mít như bưng. Kỳ Phát hình như chú ý đến những
cửa ấy lắm thì phải vì tôi thấy hắn rút trong túi ra chiếc kính lúp, soi từng
khe một. Tận trong góc phòng kê một chiếc giường màn nửa vắt nửa buông, đó là
giường ông châu Nùng Cao. Áp đầu giường, một chiếc kỷ con trên để chiếc đèn Hoa
Kỳ và ba quyển Tam Quốc chữ nho. Cạnh chiếc kỷ, để một chiếc tủ đứng kiểu cũ, Kỳ
Phát để ý nhất đến bốn chiếc khóa đồng mà bảo tôi rằng:
- Anh có nhận thấy cái
gì không?
- Có, những khóa này là
kiểu khóa có tua của Tầu, trông miệng khóa thì hình như hiểm lắm thì phải.
- Anh chỉ nhận có thế
thôi ư?
Rồi hắn quay lại hỏi
lão bộc:
- Già có thể mở cho tôi
xem những ngăn kéo này không?
- Thưa ông, lúc nẫy cậu
Nùng Chí có dặn tôi, ông là một vị khách đặc biệt, ý của ông muốn gì là ý cậu
tôi muốn thế, nhưng chìa khóa ngăn kéo này cậu ấy không để ở nhà mà dù ông có đợi
cậu ấy về cũng chỉ có thể xem được hai ngăn kéo bên phải mà thôi, vì hai chiếc
chìa khóa ngăn bên trái bị thất lạc không sao tìm thấy.
Kỳ Phát không nói gì,
rút trong túi ra một chùm đến hơn hai mươi chiếc chìa khóa rồi tra vào mở thử
nhưng không chiếc nào vừa. Ngẫm nghĩ một lát, Phát bỗng vỗ vai Ty Khuông mà bảo
rằng:
- Tôi biết già thương
ông châu lắm, những công việc tôi làm đây đều chỉ là cốt ý tìm ra hung thủ mà
thôi. Tôi chắc già đã thề báo thù cho chủ, vậy cũng nên giúp tôi trong khi tra
xét, nhất là đừng lấy làm lạ cái gì cả.
Ty Khuông nói:
- Vâng, tôi đã rõ, tôi
xin hết lòng trông cậy ở ông.
Kỳ Phát rút trong ví vài chiếc nĩa** và ba bốn chiếc móc bằng thép. Hắn loay hoay tra vào chiếc khóa. Một lát sau, tôi và Ty Khuông đều lấy làm lạ, vì thấy hắn đã mở được hai chiếc ngăn bên phải rồi. Tôi thấy trong chiếc ngăn trên để toàn giấy má việc quan, ngăn dưới thì để tiền. Kỳ Phát như không chú ý đến hai ngăn kéo này nên khóa lại ngay. Hắn bắt đầu mở đến khóa hai ngăn kéo bên trái.
(**: Một thứ díp dài thợ bạc vẫn dùng.)
6
CHIẾC LỌ CỔ VÀ
KHÚC XƯƠNG TAY
Thấy Kỳ Phát hí hoáy mở
hai ngăn kéo bên trái, Ty Khuông nói:
- Hai chiếc khóa này
các thợ khóa trong vùng chịu không sao mở được, tôi chắc ông cũng…
Lão bộc chưa nói hết lời,
thì Kỳ Phát đã kéo được chiếc ngăn trên phía trái ra. Tôi giật mình ghê sợ vì
thấy để trơ trọi giữa ngăn một chiếc xương ống tay trắng tinh bóng nhoáng. Kỳ
Phát không nói gì, khóa ngăn lại, hí hoáy mở chiếc ngăn dưới. Tôi đương nóng
lòng đợi xem trong cái ngăn cuối cùng này hẳn có cái gì bí mật, nhưng một lúc
sau Kỳ Phát phải đứng dậy lắc đầu nói:
- Tôi cũng chịu, từ xưa
đến nay tôi chưa từng gặp cái khóa nào hiểm như cái khóa này. À, Ty Khuông, lúc
già vào thì thấy ông châu ngã nằm chỗ nào?
Ty Khuông chỉ chiếc kỷ
mà bảo rằng:
- Tôi thấy ông tôi nằm
gục ở áp chiếc kỷ này, ở ngực phía bên trái cắm ngập con dao mà ông tôi vẫn
dùng làm khí giới hộ thân.
- Già nói ở ngực phía
bên trái?
- Vâng, ở ngay dưới vú
độ nửa đốt ngón tay, có lẽ vì trúng tim nên ông châu chết ngay không nói được
câu nào.
Kỳ Phát gật gù như lấy
làm đắc chí lắm. Hắn xem lại các cửa sổ, rút thuốc lá ra châm hút, ngửa mặt thở
khói tròn, nhưng hắn bỗng biến sắc đứng thần ra nghĩ, rồi nhẩy lên giường, nhòm
lên đỉnh màn. Như đã nghĩ ra manh mối, hắn vẫy tôi và Ty Khuông cùng đến, rồi
nhìn thẳng vào lão bộc, hỏi:
- Già ở đây đã lâu năm,
chắc lai lịch chiếc xương ống tay kia già phải biết?
- Không những tôi biết,
mà nhiều người cũng biết, vì ông châu thường nói chuyện đến luôn. Mỗi khi thấy
người hỏi đến, ông châu đều kể lại tấn kịch ghê gớm và buồn cười khi xưa.
… Cách đây sáu năm.
Một buổi tối mùa đông.
Cảnh vật châu Lộc Sơn hình như đương co ro trong khí trời lạnh lẽo. Trong nhà
quan châu, Nùng Cao và người khách lạ đương chén tạc chén thù. Rượu đã ngà ngà.
Nùng Cao mang ra khoe khách một đôi lọ cổ:
- Ông trông xem, đẹp
tuyệt. Nước men trắng như gạo nếp, nét vẽ tinh tế xiết bao! Tôi tưởng cảnh Tô
Vũ mục dương này đến họa ra tranh vẽ cũng không hơn được những nét chấm
ở đây. Nhất là để từ đời Khang Hy đến giờ mà còn nguyên vẹn, không mẻ không sứt
thì thực là của hiếm.
Khách ngắm đôi lọ gật
gù bảo:
- Hiếm thực, mà lại được
cả đôi mới tuyệt!
- Nếu chỉ có một chiếc
thì có gì là quý. Tôi mà mất một chiếc thì thực như thiếu một cánh tay.
Khách ra ý thích đôi lọ
lắm:
- Hay là ông để lại cho
tôi một chiếc.
- Không, tôi đã nói,
thiếu một chiếc là tôi thiếu một cánh tay. Nói giả thử, ông có bằng lòng chặt một
cánh tay đưa cho tôi không?
Khách, có lẽ lúc ấy hơi
men đã bốc, điềm nhiên vén cánh tay trái mà nói:
- Đây ông cứ chặt, tôi bằng
lòng đổi…
Cứ theo lời ông châu kể
chuyện lại thì ta có thể tưởng tượng được cái tấn kịch ghê gớm lạ lùng xẩy ra
như trên. Thế là từ bấy giờ mỗi khi có khách hỏi đến đôi lọ, ông châu sẽ đem
khoe một chiếc lọ và khúc xương tay, bóng nhoáng, nhẵn lì, lau chùi sạch sẽ mà
bảo rằng:
- Đây, chiếc lọ nữa của
tôi đây!
Nếu khách có ngạc
nhiên, ông ấy sẽ lại bắt đầu kể chuyện. “Cách đây sáu năm, một buổi tối mùa
đông…”
Kỳ Phát hỏi:
- Từ khi xẩy ra tấn kịch
già vừa kể, già có để ý thấy tâm tình ông châu thay đổi chút gì không?
Ty Khuông ngẫm nghĩ một
lát rồi nói:
- Ông có nhắc tôi mới
nghĩ ra. Tự khi ấy ông châu tính cẩn thận thêm lên, tối đến ông tự xem xét cửa
ngõ kỹ lưỡng cẩn thận rồi mới đi ngủ.
Kỳ Phát gấp cuốn sổ tay
bỏ túi, rồi bảo:
- Thôi cảm ơn già, tôi
biết thế là đủ rồi. À, cứ theo phong tục miền núi, nhà nào càng giầu thì càng
có lắm chiêng đồng, sao ở nhà đây tôi để ý không có lấy một chiếc?
- Ấy cách đây độ hai
năm, tự nhiên một hôm ông châu cho khiêng bao nhiêu chiêng đồng ở nhà đem đi
bán hết không giữ lại một chiếc nào.
- Tại làm sao già có biết
không?
Ty Khuông lắc đầu trả lời:
- Tôi đoán mãi cũng
không ra, vì trong mấy hôm ấy không xẩy ra sự gì cả. Chỉ có tối hôm trước, trời
đã khuya có một người khách vào chơi. Trời tối, tôi không trông rõ mặt, chỉ biết
hắn khoác một chiếc áo lông cừu dài tới gối, giống như những chiếc áo của bọn
khách Vân Nam vẫn mặc.
Hắn vào buồng ông châu
nói chuyện một lúc lâu. Khi đi, trông hắn có vẻ tức giận lắm, lúc ra đến cổng,
hắn còn ngoảnh lại nói xì xồ một tràng tiếng Khách.
Kỳ Phát như để ý đến đoạn
cuối này lắm.
Ty Khuông đã ra rồi mà
hắn còn đi đi, lại lại ra dáng suy nghĩ lung lắm. Tôi thoáng nghe thấy hắn lẩm
bẩm: Ác giả ác báo, chiếc chiêng đồng, thằng khách Vân Nam…
Tôi hỏi:
- Cái gì mà ác giả ác
báo hử anh?
Kỳ Phát trợn mắt nhìn
tôi gắt tướng:
- Anh lại còn hỏi, ác
giả ác báo, có khúc xương tay mới có chiếc chiêng đồng chớ lại.
Rồi hắn chẳng nói thêm
nửa câu, nằm vật ra giường lim dim đôi mắt. Từng biết tính bạn, tôi biết những
lúc ấy, dù có cậy răng, Phát cũng không nói nửa lời.
7
VẾT TAY TRÊN TRẦN
Sáng sớm hôm sau, tôi bừng
mắt dậy đã thấy Kỳ Phát ngồi ở góc bàn, tay mân mê cái vòng cổ chó săn, thứ
vòng bằng da có đính tua ra phía ngoài cốt để giữ cho các giống thú rừng không
ngoạm được vào cổ chó. Hắn cầm chiếc giũa con giũa các đầu đinh cho thêm nhọn,
rồi nghịch, ướm thử lên cổ mình.
Tôi cười bảo:
- Vừa lắm rồi, có lẽ
cái vòng ấy họ làm ra cốt để cho anh đeo thay vào chiếc cổ cồn đấy!
Kỳ Phát cũng cười mà trả
lời:
- Mà có lẽ thực đấy anh
ạ. Tôi tưởng đeo cái vòng này còn có ích hơn là đeo cổ cồn không những vô ích lại
còn bận rộn.
Tôi nghiêm sắc mặt bảo:
- Thôi không nói đùa nữa.
Cái án mạng kia anh đã tìm ra manh mối chưa, ở ăn hại nhà người ta mãi sao?
Phát tức mình nói:
- Trong hai người đi chỉ
có một người ăn hại thì cũng chưa đến nỗi nào. Việc nó bày ra như thế, việc gì
phải tìm đâu nữa.
Tôi hỏi:
- Tôi vẫn chưa hiểu cái
chỗ Ty Khuông thì trông thấy cái bóng trắng mà Nùng Chí thì trông thấy bóng
đen. Đen và trắng, hai mầu ấy không có thể nói là trông lầm được. Vậy thủ phạm
là ai người bận đồ đen hay trắng?
Kỳ Phát nói:
- Thoạt đầu nghe chuyện
tôi cũng đặt ra câu hỏi ấy. Làm rắc rối câu chuyện trắng đen, chỉ tại anh chàng
Nùng Chí. Thế anh có nhớ Ty Khuông nói đêm ấy hắn sực tỉnh vào hồi nào không?
- Lúc trống canh ba vừa
điểm xong!
- Thế còn Nùng Chí nghe
tiếng kêu vào lúc nào?
- Lúc trống canh ba vừa
điểm xong một lúc!
- Thế nghĩa là từ lúc
Ty Khuông trông thấy bóng trắng cho đến lúc Nùng Chí nghe thấy tiếng kêu chỉ có
mấy phút đồng hồ. Anh tính xem trong một thời hạn ngắn ngủi thế, hung thủ ta ví
dụ là bóng trắng, có thể kịp chạy từ vườn vào trước cửa phòng, rồi từ ngoài lẻn
vào phòng bằng một cách nào ta chưa cần biết, đâm Nùng Cao một nhát rồi lại
thoát ra ngoài được không?
Tôi lắc đầu bảo:
- Dẫu nhanh như điện
cũng không thể được, như thế hung thủ không phải là người bận đồ trắng, tuy
nhiên ta cũng cần biết hắn là ai, lần mò vào trong vườn nhà người ta làm gì
trong đêm khuya tăm tối.
Kỳ Phát cả cười, vỗ vai
tôi mà rằng:
- Hắn chỉ là Nùng Chí
thôi anh ạ!
Tôi ngạc nhiên bẻ lại:
- Không lẽ Nùng Chí, vì
chính hắn bảo hắn nghe thấy tiếng kêu nên sực tỉnh dậy cơ mà.
- Thế mới giấu đầu hở
đuôi! Anh có thấy ai đương ngủ mê, choàng tỉnh dậy mà lại biết rõ ràng vừa trống
canh ba một lúc không? Vả lại theo lời Ty Khuông thuật, thì lúc gọi tỉnh, Nùng
Chí đeo cổ cồn, ca-vát; đời thuở nhà ai đi ngủ mà lại đóng đủ bộ như thế không?
Vả lại trong buồng hắn có treo con dao là một thứ khí giới hộ thân tốt, cớ gì
lúc hắn chạy sang cứu cha lại không cầm dao chỉ mang chiếc cangậy nhỏ tí
bịt vàng?
Tôi như người sực tỉnh,
gật gù bảo:
- Có lẽ hắn đi chơi đâu
về!
- Cố nhiên, tôi đoán hắn
đêm ấy lẻn đi tình tự với người yêu, đã khuya vừa đến vườn thì nghe thấy tiếng
kêu, nên vội chạy vào cứu.
- Thành ra lão Ty
Khuông đương ngủ gà ngủ gật trông thoáng thấy tưởng là hung thủ, mà có lẽ cánh
tay dài lão tưởng tượng chỉ là chiếc can mà thôi.
Kỳ Phát cả cười bảo tôi
rằng:
- Anh đoán đúng đấy,
thôi còn đợi gì mà không đi làm trinh thám?
- Thôi anh đừng chửi
tôi nữa, tôi nghĩ mãi mà không hiểu thủ phạm làm thế nào mà vào được trong
phòng, khi các cửa đều đóng cả.
- Nếu các cửa đều đóng
thì Nùng Cao đã chết từ trước rồi còn gì?
Tôi sực nghĩ ra:
- À, còn cái lỗ hổng áp
mái nhà, trông to hơn chiếc cháp đầu, nhưng dù hung thủ có dùng thang trèo lên
tới cũng chỉ có thể nhòm vào được thôi chớ không thể chui lọt. Vả lại dù chui
qua thì lúc nhẩy vào trong cũng không làm cách nào được.
- Thế anh không thấy
trên trần có vết gì à?
- Có, tôi cũng có trông
thấy những vết lấm ở trên trần nhưng không để ý lắm.
- Thoạt tiên tôi cũng vậy,
về sau lúc hút thuốc ngửa mặt thở khói, tôi bỗng nhận ra rằng: Những vết lấm ấy
theo một dải từ lỗ hổng thẳng đến trên đỉnh màn.
- Vì thế anh mới nhẩy
lên giường nhòm lên màn, nhưng anh có thấy gì không?
- Tôi có nhận ra rằng
trên đỉnh màn có những lốt bàn tay nhỏ xíu, ngay giữa có bốn vết rồi đến góc
màn thì chỉ có từng ba, bốn lốt thôi.
- Thế những vết trên trần
cũng là những vết tay?
- Phải, những vết tay ở
trên trần, thế mới lạ!
- Như ý anh thì đoán
như thế nào?
- Tôi đoán… Tôi đoán rằng
đến đêm nay anh sẽ rõ. Còn mấy cái khóa anh không nhận thấy gì à? Lạ nhỉ? Cái tủ
ấy có bốn ngăn kéo, hai ngăn bên trái, hai ngăn bên phải. Anh có nhận thấy khóa
hai ngăn bên phải khác hai ngăn bên trái không?
- Khóa bên trái hiểm
hơn.
- Gì nữa?
Tôi sực nghĩ ra:
- Ồ nhỉ, tại sao lỗ
khóa bên phải đều quay về phía bên phải mà lỗ khóa bên trái lại quay về phía
bên trái?
- Tại vì hai khóa bên
phải đã có Nùng Chí mở qua, còn hai khóa bên trái thì lúc Nùng Cao chết đến giờ
chưa có ai mở đến cả. Một người thường khóa lỗ khóa quay về bên trái là người
thế nào?
- Là người vẫn quen
dùng tay trái hơn tay phải, vì khóa như thế lúc mở dùng tay trái mới tiện.
Nhưng ông châu Nùng Cao quen dùng tay phải hay trái, có liên quan đến vụ án mạng
này đâu.
Kỳ Phát mỉm cười hỏi:
- Đối với anh thì có lẽ
cái xương cánh tay kia cũng không dính dáng gì đến án mạng hẳn?
- Nhắc đến khúc xương,
tôi lại sực nghĩ ra, sao anh không phá nốt chiếc ngăn kéo dưới ở bên trái ra
xem trong ấy có gì không? Tôi đoán hẳn có nhiều cái lạ kỳ.
- Anh thực thà quá, anh
tưởng tôi chưa xem tới ngăn kéo ấy sao? Anh nên biết rằng ngay lúc có Ty Khuông
ở đấy, tôi đã mở được cái ngăn kéo thứ tư rồi nhưng sợ ở trong ấy có cái gì bí
mật, không tiện cho Ty Khuông biết sợ trở ngại việc tra xét của chúng mình.
- Đối với anh có lẽ
không có cái khóa nào là hiểm cả, chắc đêm qua anh sang buồng bên mở ngăn kéo ấy
xem rồi. Anh thấy có gì lạ?
Kỳ Phát mở ví đưa cho
tôi xem ba mảnh giấy đốt giở nói:
- Trong ngăn kéo tôi chỉ
thấy một đống giấy. Tôi bới tìm chỉ có ba mảnh giấy này là còn có thể đọc được.
Đây anh xem một mảnh có chữ: “… từ 1928; Ta nóng quá những hối…” một mảnh có bốn
chữ: “… Nó giết ta làm…” và một mảnh chỉ có hai chữ: “… Tiếng… đồng…”
Tôi nói:
- Mảnh thứ ba này chắc
chữ giữa bị lửa lém vào, tiếng… đồng… À hay là tiếng chiêng đồng?
- Tôi cũng đoán thế. Cứ
như hai chữ: “… từ 1928” thì ta có thể chắc rằng tập giấy đốt đi này là một nhật
ký từ năm 1928 tức là tháng tư năm 1928. Từ 1928 đến bây giờ là mấy năm rồi nhỉ?
- Đúng sáu năm, anh
đoán làm sao?
Kỳ Phát không trả lời
câu hỏi của tôi, lẩm bẩm một mình:
- Sáu năm, ừ đúng sáu
năm.
Rồi hắn nhìn thẳng vào
mặt tôi nói:
- Anh muốn biết tôi
đoán ra làm sao. Đến tối nay rồi anh sẽ rõ.
Rồi hắn xoay nắm cửa,
đi ra. Trước khi bước khỏi cửa phòng hắn còn ngoái cổ lại bảo tôi rằng:
- À, tôi quên chưa cho
anh biết. Độ chiều nay, Nùng Chí sẽ cho mời bốn thầy khen về lập đàn giải oan
cho ông bố, có lẽ họ cúng lễ suốt đêm nay mới xong, tôi chắc anh là một nhà văn
sẽ lấy làm thích vì được một tài liệu về phong tục ở trên này.
8
TIẾNG CHIÊNG ĐỒNG
TRONG RỪNG THẲM
Họ lập đàn cúng lễ từ
lúc xế chiều. Hỏi ra, theo phong tục vùng này khi lập đàn giải oan cho người chết,
tùy theo giầu nghèo, mời một hay hai, ba thầy khen tức là thầy phù thủy về đàn
hát lễ bái. Tự nửa ngày hôm trước, suốt đêm đến nửa ngày hôm sau mới xong. Đêm
hôm ấy theo tục gia chủ bắt buộc phải mặc quần áo người đã quá cố nằm ngủ chính
ở giường người ấy thọ chung chết. Họ
cho rằng như thế hồn người chết sẽ về báo mộng và dặn bảo mọi điều. Một điều
này tôi lấy làm lạ là Nùng Chí tuy là người Thổ nhưng đã có cái óc mới, không lẽ
lại còn mê tín mà theo thói thường lập đàn như thế? Tôi hết sức xét đoán mà vẫn
chưa ra duyên cớ, trong khi ấy, ở ngoài họ vẫn trống phách vang lừng. Trời tối
dần… tôi nằm không tài nào chợp mắt được, suy nghĩ quanh co, chỉ trở mình hoài.
Kỳ Phát thì ngáy o o ngủ ra dáng bình tĩnh lắm, hình như đã quên lời hứa cùng
tôi: “Đến đêm nay, anh sẽ biết.”
Trống canh hai đã điểm.
Tôi vẫn chưa ngủ được. Tôi đành mặc áo, mở cửa ra sân xem bọn thầy khen cúng lễ
và hát những bài hát thờ nghe thê thảm buồn rầu, chốc chốc lại điểm vài tiếng
trống bập bùng. Lúc tôi quay vào định ngủ thì kỳ lạ, Kỳ Phát đã biến đi đâu mất.
Tiếng trống ở ngoài đã
thưa dần… Tôi nằm vẩn vơ nghĩ ngợi, lắng tai nghe tiếng gió thổi rì rào. Tôi bỗng
giật mình lo sợ, trong rừng thẳm đưa ra tiếng rè rè của chiếc chiêng đồng nghe
ai oán, gớm ghê! Tiếng chiêng chốc chốc lại nổi lên văng vẳng vẫn ở tự trong rừng
thẳm đánh chậm chạp dần từng tiếng một. Tôi nghe tiếng chiêng mà rùng mình, tưởng
ra một bọn người bí mật, khiêng một cỗ quan tài để mộc, đương bước theo nhịp
chiêng, lặng lẽ hạ huyệt trong rừng sâu thẳm.
Tiếng chiêng thỉnh thoảng
vẫn nổi lên. Bỗng trong buồng bên cạnh có tiếng lục đục, rầm rầm rồi tiếng Kỳ
Phát kêu gọi tôi. Tôi khoác vội chiếc áo, cầm đèn pin, rút con dao trên tường,
chạy sang.
Vừa lúc ấy, Nùng Chí và
bọn người nhà cũng cầm đèn chạy đổ lại, cánh cửa buồng vừa mở, tôi thấy Kỳ Phát
đầu tóc bơ phờ, cổ đeo chiếc vòng chó săn đẫm máu, hai tay giữ chặt một con khỉ
lông vàng mượt đang lồng lộn, chí chóe chạy tháo thân. Tôi vội hỏi:
- Anh có việc gì không?
Bị thương ở chỗ nào?
Kỳ Phát lắc đầu, tươi
cười đưa con khỉ cho bọn người nhà trói lại, tháo chiếc vòng ở cổ ra, nói rằng:
- Không việc gì, anh ạ.
Nhưng nếu không có chiếc vòng này thì tôi khó sống được đến bây giờ.
Rồi hắn chỉ con khỉ, bảo
mọi người rằng:
- Đây, tên hung thủ đã
giết ông châu Nùng Cao đây, chính nó đã gây nên án mạng.
Thấy mọi người đều ngơ
ngác, Kỳ Phát cả cười bảo rằng:
- Phải, chính vì con khỉ
này mà ông châu chết. Tôi thoạt vào cái buồng này cũng biết ngay không phải ông
châu bị ám sát. Một cái buồng cửa đóng kín mít như thế này thì hung thủ không
tài nào vào được. Nhưng tại sao các cửa đều đóng như bưng? Tôi đoán rằng ông
châu vốn có người thù, vẫn hồi hộp sợ hãi nên phải đề phòng cẩn mật.
- Tại sao ông chết?
- Tôi đã nghĩ rằng ông ấy
vì sợ hãi, hoặc hối hận quá mà tự tử.
Tôi gật đầu nói:
- Ừ, mà có lẽ tự tử thực.
Kỳ Phát lắc đầu nói:
- Không phải anh ạ. Nếu
ông ấy tự tử tất phải tự cầm dao đâm vào ngực…
Tôi cãi:
- Thế thì đúng lắm, ông
ấy cầm dao tay phải đâm vào ngực phía bên trái.
Kỳ Phát vỗ vai tôi:
- Anh quên hai khóa bên
trái rồi ư? Nếu ông châu cầm dao trái tất đâm vào phía…
Tôi cố cãi:
- Tất cũng về phía bên
trái vì cần phải đâm trúng tim.
- Không anh ạ, nếu tay
trái cầm đâm trúng về phía ngực bên trái thì không được mạnh vì không thuận
tay, mà anh quên rằng lưỡi dao ngập đến chuôi ư?
- Không có người giết,
không phải tự tử, thì tại sao mà chết, lạ thực!
- Cũng chưa thực là lạ,
anh ạ! Rồi anh sẽ được xem nhiều cái lạ hơn nữa.
Rồi hắn chỉ cho chúng
tôi xem dòng máu đỏ trên tường, gần ngay lỗ hổng áp trần nhà và giục Ty Khuông
bảo người đốt đèn đi dò theo vết máu. Chúng tôi lẳng lặng đi theo Kỳ Phát.
Hắn cầm đèn rê xuống mặt
đất rồi cứ lần theo vết máu mà tiến cách độ ba trăm thước thì dòng máu lẩn vào
trong bụi rậm, rẽ gai góc lần vào thì một cảnh tượng ghê gớm làm cho chúng tôi
sửng sốt. Trên mặt cỏ một cái thây người nằm cong queo, bị một con trăn to tướng
quấn chặt. Kỳ Phát giằng dao ở tay tôi đâm thẳng vào cổ con trăn nhưng nó không
động đậy, nhìn kỹ thì trăn bị vô số vết thương đã chết tự bao giờ. Ty Khuông lật
mặt người chết lên xem thì Nùng Chí và hắn cùng kêu lên.
- Lâm Nục, tại sao Lâm
Nục ở đây?
Kỳ Phát nói:
- Phải, Lâm Nục, chính
cái tên đày tớ cách đây sáu năm tự nhiên bỏ nhà này đi trốn biệt. Hắn phải trốn
là vì hắn bị cụt một cánh tay.
Tôi nhìn thây người chết
thấy tay trái bị cụt vào đến khuỷu. Kỳ Phát nhìn quanh, lại rút chiếc chiêng đồng
mắc ở cành cây giơ cho chúng tôi xem mà rằng:
- Lại chiếc chiêng đồng
nữa! Cái lọ cổ, khúc xương tay với chiếc chiêng đồng, chính ba vật này đã gây
nên án mạng. Nhưng ác giả, ác báo, lẽ trời thực chí công!
9
ÁC GIẢ ÁC BÁO
Ông châu Nùng Cao quý
đôi lọ cổ có lẽ hơn con ông là Nùng Chí. Một buổi tối mùa đông, ông ngồi uống
rượu khề khà ngắm đôi lọ để trước mâm ra dáng đắc ý lắm. Một tên người nhà bưng
món ăn lên, khói bay nghi ngút. Nùng Cao vừa kịp nói:
- Lâm Nục, mi để đấy rồi
hâm lại món gân hươu này đi!
Thì ôi thôi, cái ống
tay áo chàm của Nục đã vô ý lôi một chiếc lọ lăn xuống đất, vỡ tan ra từng mảnh.
Mặt ông châu đương đỏ vì say đã xám lại vì giận. Ông quắc mắt chẳng nói chẳng rằng,
rút ngay con dao quai đeo ở đằng cạnh sườn thẳng cánh chém ngay vào cánh tay
Lâm Nục. Lưỡi dao sáng loáng vừa hạ, khúc tay từ bàn đến khuỷu đã rơi xuống bên
mâm rượu, máu chảy chan hòa… Lâm Nục kinh sợ, hoảng chạy. Nùng Cao như điên như
cuồng, tay cầm chiếc lọ, tay nắm khúc xương tay đẫm máu, khanh khách cả cười:
- Lâm Nục, mi làm ta mất
một cánh tay thì ta cũng bắt mi phải để một cánh tay ở lại!
Tấn kịch ghê gớm ấy xẩy
ra trong giây phút trừ hai người trong cuộc thì không ai biết chuyện.
Từ hôm ấy, đôi lọ cổ chỉ
còn một chiếc, từ hôm ấy mới có câu chuyện bịa đặt chặt tay đổi lọ mà ông châu
vẫn kể, mà cũng từ hôm ấy, tên đày tớ Lâm Nục bỏ nhà trốn biệt để lại cho ông
châu Nùng Cao mối lo sợ việc thâm thù.
Bốn năm qua, Nùng Cao
tưởng chừng như chuyện cũ đã phai nhòa, mà kẻ thù có lẽ đã chết hay mất tích ở
một phương nào, thì bỗng một tối một người khách lạ đến chơi. Khách nói tiếng
Vân Nam, khoác chiếc áo lông cừu, khách chẳng là ai xa lạ, chính là Lâm Nục. Hắn
cởi chiếc áo ngoài, giơ cho ông châu xem cánh tay cụt và chiếc chiêng đồng đeo ở
cạnh sườn mà bảo rằng:
- Trước kia ông đang
tâm chặt cánh tay tôi. Vì thế phiêu lưu cho đến ngày nay, tôi lo ăn từng bữa tận
Quảng Châu, Vân Nam vừa bán thuốc nam vừa làm các trò đặt để kiếm tiền. Chiếc
chiêng đồng treo trên cánh tay cụt, tôi qua các thị trấn gõ chiêng cho con khỉ,
con cừu hay con chó làm trò; lần hồi như thế, còn sống về được đến đây, cũng
không phải là dễ. Bây giờ tôi không muốn khó nhọc nữa, tôi cần tiền, ông phải
đưa ngay cho tôi năm trăm bạc.
Lẽ tất nhiên là ông
châu phải đưa, nhưng làm gì cho đủ ngay được số tiền kia. Thế là Lâm Nục giận dữ,
nguyền rủa, lúc đi ra còn chỉ mặt Nùng Cao mà thề rằng:
- Lâm Nục này còn sống
thì Nùng Cao sao cũng có ngày được biết tay.
Từ hôm ấy, ông châu đâm
ra lo sợ, mỗi khi trông thấy chiếc chiêng đồng lại nhớ đến lời thề ghê gớm, vì
thế ông đem bán hết chiêng ở nhà đi.
Hai năm sau, chính cái
đêm ghê gớm, ông châu Nùng Cao đương ăn cơm thì bỗng đâu nghe văng vẳng có tiếng
chiêng đồng đưa từ trong rừng rậm. Ông lo ngại vô cùng, vờ khó ở về phòng ngủ,
ông chèn đóng cửa ngõ kỹ lưỡng, mở ngăn kéo lấy tráp nhật ký ra xem lại rồi
không biết nghĩ sao, ông đốt hết cả.
Sau mệt quá ông đi ngủ,
vất chùm chìa khóa cửa lên đỉnh màn, rút con dao để cạnh ở đầu giường. Chính
cũng cái đêm ấy, Lâm Nục tức giận ra đi, dạy được thêm một con khỉ và một con
trăn, cốt để dùng làm lợi khí báo thù.
Hắn đã biết phòng ngủ
ông châu nên luyện cho con khỉ biết dùng chìa khóa để mở cửa phòng. Gần trống
canh ba, hắn cho con trăn lao mình vào cái lỗ hổng áp trần nhà, rồi cho con khỉ
leo lên. Một đầu bám vào bờ tường, một đầu quấn vào dây màn ở trong phòng, trăn
làm thành một cái cầu để cho khỉ leo qua. Chính trong khi đi trên cái dây lạ
lùng ấy, khỉ ta chới với giơ tay lấy thăng bằng, nên thỉnh thoảng lại chạm lên
trên trần, in nên những vết tay nhỏ xíu. Khỉ xuống đỉnh màn nhặt chùm chìa khóa
loay hoay thế nào đánh rơi ngay xuống đất. Khỉ nhẩy xuống nhặt, vừa gặp ông
châu nghe tiếng động rút dao choàng dậy, khỉ hoảng sợ nhẩy chồm lên vai ông
châu làm cho ông ngã sấp. Lưỡi dao vô tình cắm ngập vào ngực, đưa ông châu về
nơi chín suối.
Nghe thấy kêu, Nùng Chí
ở ngoài vườn chạy về phòng mình cầm đèn sang vừa gặp Lâm Nục lao trăn sang quất
đổ chiếc đèn, quấn ngay vào cổ Nùng Chí. Nhờ có Ty Khuông đến cứu, Nùng Chí
thoát chết là vì thế.
Tôi ngắt lời Kỳ Phát hỏi:
- Tại sao anh biết con
khỉ lấy chìa khóa ở đình màn?
Kỳ Phát mỉm cười trả lời:
- Anh thực vô tâm, anh
đã quên rằng trên màn chỉ có một chỗ có bốn vết tay, còn toàn ba vết là gì?
- Anh cũng vô tâm chưa
kể cho nghe tấn kịch đêm qua chính anh là chủ động.
- Anh để tôi kể tuần tự
thì mới có thể hiểu được chứ. Sau khi tôi biết được thủ phạm là ai, tôi chỉ việc
bày một kế để cho hắn tự chui vào cạm là xong. Tôi chắc Lâm Nục lòng oán chưa hả,
sao cũng còn chờ cơ hội để hại Nùng Chí nữa. Tôi bày ra cơ hội ấy, xui Nùng Chí
lập đàn giải oan, cốt để cho Lâm Nục biết rằng Nùng Chí sẽ ngủ ở trong phòng
Nùng Cao khi trước. Đến khuya tôi sang bảo Nùng Chí để tôi ngủ ở đấy. Quả nhiên
đến đêm, sau khi nghe tiếng chiêng báo hiệu, con trăn và con khỉ của Lâm Nục lại
theo đường cũ mà vào. May tôi đề phòng trước, con trăn quấn cổ tôi thì bị những
đinh ở vòng cổ đâm bị thương nên nó phải bỏ ngay. Khi tôi nắm được con khỉ thì
anh vào.
Tôi nói:
- Có lẽ con trăn bị đau
quá, bản tính hung dữ nổi lên, nên trả thù người dạy mà quấn chết Lâm Nục.
- Chính thế, thực là ác
giả ác báo, Nùng Cao không nhẫn tâm chặt tay Lâm Nục thì đâu đến nỗi chết, mà
Lâm Nục nếu không có gì đang tâm hại người vô can là Nùng Chí thì làm gì có
chuyện này!
Thấy tôi ra dáng suy
nghĩ, Phát vỗ vai tôi hỏi:
- Nghĩ gì mà thần người
ra thế?
- Tôi nghĩ anh cũng buồn
cười, chỉ đi tra xét không công cho người ta mãi thế này sao?
Kỳ Phát buồn rầu nói:
- Có, tôi có một lần đi
tra xét mà có lợi cho tôi, đó là một đoạn tình sử trinh thám trong đời tôi.
Tôi cười:
- Anh mà cũng có tình,
lạ nhỉ!
Phát nghiêm sắc mặt bảo
tôi:
- Anh đừng tưởng chỉ
anh là biết tình, để khi nào có dịp, tôi sẽ kể cho anh nghe.
- Anh kể ngay có tiện
không?
Nhưng Phát không trả lời,
hắn đã dựa vào vách ngủ tự lúc nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét