Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

NGƯỜI MỘT MẮT




NGƯỜI MỘT MẮT

Phạm Cao Củng

1. HOA PHONG ĐẠI TỬU CƯ

Mặc dầu có năm chữ tên kêu vang đó, Hoa Phong đại tửu cư sự thực chỉ là một hàng cơm nhỏ ở phố Ninh Giang, ngày thường chỉ có những ông lý dịch có việc lên quan, vào hàng uống rượu. Kể ra thì gọi là một hàng cơm cũng không đúng, vì ở đấy cũng có bán cả mì - thứ mì hộp, và cháo, như hiệu cao lâu khách, ngoài ra lại có cả giường màn sạch sẽ để khách nào muốn nghỉ đêm thì trọ lại.

Chủ hiệu là ông khán Lò, trước đây chỉ là một anh khán thủ nghèo kiết ở trong làng chẳng có một tấc đất mà cắm dùi, nhưng chẳng biết về sau bỏ làng ra ngoài min mỏ làm ăn thế nào, mà cách bẩy năm trở về, anh đã có cái vốn mấy trăm đồng, đủ để mở một hàng cơm nho nhỏ.

Nhờ thời vận khấm khá, chưa bao lâu mà ngôi hàng cơm ấy đã ngày thêm thịnh vượng, anh khán đã lấy được vợ, con một chủ hiệu hàng gạo ở ngay gần đó. Vợ anh lại là con một, nên sau khi ông nhạc, bà nhạc khuất núi đi rồi, anh khán đã thừa hưởng được cái gia tài khá lớn, và từ đó anh không còn phải đứng ngay gần hè, thái bánh phở nữa.

Và có tiền tậu ruộng, cho vay, anh đã được nhiều người quanh quất gọi là ông khán, có khi là ông chủ nữa. Tuy nhiên, anh vẫn ăn mặc xuềnh xoàng, mà cửa hiệu anh cũng không trang hoàng lộng lẫy thêm gì ngoài hai chiếc đèn tua giấy xanh đỏ có dán trang kim treo ở ngoài và tấm màn cửa làm bằng bao vải bột mì, có viết lên trên màn chữ tên hiệu bằng đại tự nét rất già…

Và ông khán Lò có lẽ cũng không có gì phải bận nghĩ nữa nếu một buổi tối kia, không có một người khách lạ đến bảo làm cơm…

… Hôm ấy, lại là một hôm mưa gió, nên hiệu thiếu thốn đủ thứ, gà luộc không có, thịt quay không có, vẻn vẹn có miếng thịt bò treo lại ở chiếc móc sắt mà nếu có làm món xào thì cũng thiếu cả khoai tây và cà rốt.

Chính vì thế mà khi thấy khách vào hàng, gọi pha ấm nước chè mạn, sau lại bảo làm cơm thì chính chủ nhân, ông khán Lò của chúng ta, phải xun xoe đến cạnh, gãi tai mà nói rằng:

- Bẩm ông, hôm nay không may quá, cửa hàng chúng cháu gặp mấy hôm mưa luôn không mua được gì cả, nên thiếu thốn nhiều thứ…

Khách ngẩng đầu lên nhìn ông khán, rồi như ngạc nhiên, hỏi:

- Thế nào, gạo cũng hết ư?

Ông khán nửa ngờ là khách có ý giễu cợt, nửa ngờ là khách có ý khinh cửa hàng mình nên đứng thẳng người lên, tuy lễ phép mà kiêu ngạo trả lời:

- Bẩm ông tuy cửa hàng chúng tôi nhỏ thực nhưng được cái gạo thì không phải mua ngoài bao giờ, hiện thời ruộng nhà đã cho cấy rẽ một nửa mà cũng còn năm vựa thóc đầy ních đã bán tới đâu?

Khách lẩm bẩm gật đầu, sau liếc nhìn ra phía ngoài cửa hàng, chỗ treo những rau thịt rồi hỏi:

- Nếu vậy thì còn thiếu gì, ta chẳng thấy có thịt treo ở đây kia ư?

Ông khán gật đầu thưa:

- Vâng, thịt thì còn, nhưng nhiều thức phụ để xào thì thiếu cả, củ đậu không có mà rau cải cũng không…

Khách gạt đi, mỉm cười:

- Nếu thế thì được rồi, ta có cần gì đâu, ông chủ chỉ việc vào bếp làm cho ta một đĩa thịt bò tái lăn, một đĩa sách trần và nếu nhà có trứng thì tráng mấy quả, thế là đủ rồi.

Và khi ông khán vừa mới quay đi, khách đã gọi giật lại bảo:

- À, mà ông chủ có rượu cúc thì bảo mang ra đây một cút trước, với đĩa lạc rang nhắm cho đỡ lạnh.

Vừa nói khách vừa đứng dậy, cởi bỏ chiếc áo khoác ngoài bằng vải đen sơn bóng, thứ áo đi mưa kiểu cổ. Bà khán lúc này cũng đã ở nhà trong bước ra, trèo lên chiếc ghế, vặn lỏng chiếc ốc cho nước xuống bầu và ngọn đèn bùng to, thêm sáng. Sau đó bà quay về quầy thu tiền, ngồi lúi húi gọt mấy củ cải. Tuy tay bà làm, nhưng mắt bà vẫn không rời khách lạ mà bà để ý ngắm nghía từ lâu…

Khách lạ là một người mặt ngăm đen, già dặn, ước đến bốn mươi tuổi, nhưng trông còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, như người mới ba mươi. Đầu khách rất lớn, có lẽ vì bộ tóc loăn xoăn xòa ra xuống cả thái dương, cặp mắt rất sâu nấp sau đôi kính trắng gọng kền.

Bộ quần áo tây của khách, may bằng một thứ hàng tropical rất đẹp, nhưng đã cũ bạc mầu, và chỗ khuỷu tay hình như đã sờn, gần rách hẳn. Khách lúc nào cũng trầm ngâm nghĩ ngợi, hai mắt nhìn xa xa, nhưng có khi chợt ngẩng trông lên và ngó chăm chú vào chỗ nào thì mắt quắc sáng, tinh nhanh một cách lạ thường, có phần lại như dữ tợn nữa.

Đã có lần bà khán đương nhìn trộm bị khách chợt ngẩng lên bắt gặp, bà sợ hãi vội cúi xuống, và trong bụng nghĩ: “Quái lạ, sao mắt người này nhìn có một cái gì là lạ khác thường?”

Và sau khi liếc trộm một cái rất nhanh, bà lại lẩm bẩm:

- Thôi, phải rồi, ta để ý chỉ là vì mắt ông ấy lác.

Và từ đấy, bà khán cắm cúi gọt củ cải chứ không dám nhìn trộm như trước nữa. Nhưng bỗng khách hỏi:

- Cửa hàng nhà độ này có phát tài không bà chủ?

Bà khán rất bằng lòng vì thấy khách nói rất nhẹ nhàng nhất là lại gọi mình là bà chủ, bà ngẩng lên nhìn ông khách rồi vui vẻ nói:

- Cám ơn ông, hàng chúng cháu độ này ế ẩm lắm, nhất là mấy tháng trước đây, có hàng cao lâu khách mới mở, họ làm cẩu thả lắm, nên bán được rẻ, vả lại, ông còn lạ gì, tính người mình thích mới…

Và bà khán ngồi kể cho khách nghe đủ những chỗ xấu của hiệu khách kia đã đến cạnh tranh với hiệu bà, rồi cũng chung tính với những người đàn bà Việt Nam yêu nên tốt ghét nên xấu, bà đặt điều ra thực chẳng còn sót một thứ gì!

Khách lặng im ngồi nghe, thỉnh thoảng lại nhót một hột lạc rang, nhấm nháp, sau cùng lựa lời nói:

- Vâng, nam quốc nam nhân bao giờ chúng tôi cũng muốn tìm vào cửa hàng của mình!

Được câu nói đưa đà bà khán lại càng thích chí, chuyện nở như gạo rang, và sau đó ít phút bà nhận thấy ông khách hàng là một người nhã nhặn, biết điều và khôn ngoan lắm!

Có một điều mà bà khán vẫn không hiểu được là tại sao lúc trước, bà nhận thấy khách mắt lác, mà bây giờ, trong lúc nói chuyện, bà thấy hai mắt vẫn như thường chẳng có chút gì khác cả.

Một lát sau, các món bưng lên khách ngồi ăn rất ngon lành, thỉnh thoảng lại nói chuyện với vợ chồng ông khán, vì lúc đó, trời mưa to, hàng chẳng có người khách thứ hai nào nữa.

Xem chừng, cả việc đồng áng nhà quê, giá thóc, giá gạo, mọi việc cân đong khách cũng rất thông thạo làm cho hai vợ chồng ông khán phải thì thầm bảo nhau:

- Chắc ông này là một người đi đo giá thóc định đong cho các hiệu trên tỉnh rồi.

Và bà khán lại nho nhỏ bảo chồng:

- Mà ông ấy tử tế quá, lại tự nhiên, chẳng làm bộ làm tịch ngông nghênh như nhiều người tỉnh!

Rồi đêm hôm ấy, khách ngủ trọ lại, sáng hôm sau, khi đưa trả tiền cơm, có hỏi ông khán:

- Nhà có thổi cơm tháng không nhỉ?

Và khách tiếp luôn:

- Tôi có việc muốn ở đây ít lâu, thấy nhà hàng sạch sẽ, ngăn nắp…

Ông khán sau một phút nghĩ ngợi gật đầu bảo khách:

- Vâng, ông muốn trọ tháng cũng được, tuy ở đây có khi đắt hơn mấy hàng cơm phố chợ nhưng chúng tôi làm ăn sạch sẽ và nhà không rộn rịp lắm…

Khách vui vẻ gạt đi:

- Được, về cái tiền nong thì ông bà không ngại, lấy bao nhiêu tôi sẽ xin đưa đủ không dám cò kè gì cả, chỉ muốn ông bà dọn riêng cho một chỗ tĩnh mịch mà thôi!

Và sau khi dặn dò ông khán sửa soạn sẵn sàng cho mình ra đợi chuyến tầu Phòng lấy hòm xiểng, khách ra khỏi Hoa Phong đại tửu cư, chẳng quên gọi thằng nhỏ hầu hạ nước nôi diêm thuốc lại cho một hào.


2
ÔNG KHÁCH LẠ

Khách ở trọ tại nhà hàng Hoa Phong đại tửu cư thấm thoắt đã được hơn bốn tháng. Tuy ở lâu như thế rồi, mà chính vợ chồng ông khán cố ý tìm tòi cũng không biết khách là hạng người nào.

Vì khách ở đó mà không hề có làm công chuyện gì cả. Sáng nào, khách cũng dậy rất sớm, một mình đi bộ lững thững ra ven bờ đê, ngắm trời ngắm nước cho đến lúc mặt trời lên cao khách mới trở về. Buổi đi chơi này đã thành hẳn lệ nên dù có mưa to nữa, khách cũng vẫn chịu khó khoác áo tơi mà đi, tuy những buổi này khách chỉ đi có chốc lát rồi về ngay.

Sau cuộc đi chơi sáng, khách nằm ở nhà xem sách, hoặc báo chí, đến khoảng 10 giờ thì ăn cơm. Cứ đúng 11 giờ khách ngủ trưa và cũng đúng 12 giờ rưỡi thì khách trở dậy.

Từ đó cho đến bữa cơm chiều, công việc của khách không nhất định, hoặc ngồi nhà bàn chuyện mưa gió, thuế má, tế tự với ông khán, hoặc ra đồng xem những bác nông phu cày cấy, đắp bờ tát nước, hoặc cũng có khi tỉ mẩn ngồi tước những lá gồi, lá dừa đan con châu chấu, con tôm hùm cho lũ trẻ chơi, hay lên bờ đê mà xem mấy cậu học trò được nghỉ hè thả diều và chữa lèo cho chúng.

Buổi cơm chiều, khách ăn rất ít nhưng bao giờ cũng khề khà uống vài ba chén rượu. Rồi mồm còn ngậm tăm, khách đã ra bờ sông ngồi câu cá, hay thuê đò trở đi rong hóng mát.

Cách sinh sống đơn giản của khách như vậy nên dù hai vợ chồng ông khán có tò mò đến đâu cũng không thể nào biết thêm về khách. Hơn nữa, ngoài cái tên mà bà khán hỏi, khách đã mỉm cười trả lời nửa đùa nửa thực:

- Kể ra thì tôi có nhiều tên lắm, nhưng bà cứ gọi tôi là ông Tư… Ông Tư Vượng!

Rồi khách lại nheo cặp mắt, cười một cách có duyên vô cùng, bảo bà khán rằng:

- Nhưng mà hễ có ai tò mò thì bà đừng có nói gì cả đấy nhé, vì… tôi cần phải giấu…

Và để cắt nghĩa cái hành tung bí mật của mình, khách liếc nhìn ông khán, cười mà tiếp:

- Mà giấu cũng là vì gặp cái bước khó nói giống như ông chủ nhà ta… mỗi khi quá thôn Đoài ấy mà!

Khách nói như vậy, chính là có ý muốn giễu ông khán chơi vì ông từ lúc làm ăn phát đạt “phú quý sinh lễ nghĩa” ông vẫn dự định lấy một cô gái măng măng ở thôn Đoài làm thứ phòng!

Khách nói bông rất có duyên mà dáng điệu hết sức khôi hài, nên ông khán lẫn bà khán, cho cả đến bồi và cô sen đứng hóng chuyện cũng không sao mà nhịn cười được…

Ấy thế là khách - ông Tư Vượng - thoát được một câu hỏi tò mò, và tài tình nhất là bất cứ lần nào, gặp câu chuyện đến chỗ khó nói là ông lại nghĩ ngay được một câu nói khôi hài rất đậm đà làm cho ai nấy đều cười và quên nhãng hẳn câu mình vừa định hỏi.

Nhưng trong những lúc cửa hàng đã đóng, đèn ngoài nhà đã tắt, nằm trong buồng với nhau, bà khán vẫn thường bàn nhỏ với chồng.

- Quái lạ, nhà có đoán ra được không, tôi cấm hiểu được rằng ông Tư ấy làm việc gì đấy.

Ông khán nghĩ ngợi, ậm ừ bảo vợ:

- Ừ, thực khó mà biết được đấy, trông như điệu bộ một ông ký mà cả ngày nằm nhà, từa tựa một ông thầu khoán hoặc người cân đong mà chẳng hề có làm lụng gì cả.

Nhưng vốn là người lười suy nghĩ, ông khán đã vội gạt đi mà bảo vợ:

- Thôi, mình thì cần gì, cứ biết thổi cơm cho ông ấy ăn, tiền ông ấy giả đủ là được rồi!

Mà thực vậy, về chỗ tiền nong thì ông Tư rất là sòng phẳng. Ngay từ hôm đầu ở trọ ông đã gửi luôn chục bạc, cả tháng tiền cơm, ngoài ra lại cho thêm tháng ấy thằng bếp và con sen mỗi đứa một đồng. Tháng thứ nhì, thì ông Tư lại đưa ra một tờ giấy hai chục, bảo bà khán rằng:

- Thôi bà cứ giữ cả lấy, tôi trả luôn cả tháng sau một thể!

Và cả hai vợ chồng ông khán đều nhận thấy rằng ông Tư tuy mặc quần áo xuềnh xoàng như vậy - tất cả ông chỉ có ba bộ quần áo, mà một bộ đã vá mạng nhiều chỗ, nhưng cũng có thứ ông dùng rất sang, chẳng hạn như thuốc lá thì bao giờ ông cũng hút Camel mà đánh răng thì bao giờ ông cũng phải gửi bác tài xế ô tô con đường Ninh Giang Hải Dương mua hộ trên tỉnh ống thuốc Email-Diamant non hai đồng bạc.

Ông Tư hình như có nhiều tiền lắm, vì đã có lần thấy ông tú già - một danh vọng về chiều của thời khoa cử khi xưa - nhà ở ngay đầu làng ốm nặng, ông Tư chẳng ngại ngùng gì mà đưa cho vay một lúc ngay ba chục bạc. Khi ấy bà khán biết chuyện giãy nảy nói:

- Thế là mất, cho ông tú già vay thì còn bao giờ ông ấy trả nữa?

Thì ông Tư chỉ cười, nho nhỏ trả lời:

- Thì tôi cũng chỉ định đưa giúp ông ấy, phải nói cho vay vì sợ nhà nho câu nệ chẳng muốn nhận tiền của khách lạ!

Mặc dầu, ông Tư có tiền mà chẳng hề chơi bời đàng điếm một thứ gì, có người rủ đánh tổ tôm, ông lắc đầu:

- Tôi không biết đánh tổ tôm, ngay như bất cũng còn chưa biết tính nước nữa là!

Có người ép ông hút thuốc phiện, ông cười lắc đầu:

- Chịu thôi, đã có lần tôi hút thử tiêm nhỏ bằng hột đỗ mà còn nôn nao đến mấy ngày.

Và một hôm, có người mời ông đi hát cô đầu, ông nghiêm sắc mặt, bảo:

- Cái đó thì tôi xin chịu thôi, vì từ xưa đến nay bao nhiêu công việc tôi nhận ra phần nhiều hỏng là đều vì đàn bà, nên tôi rất xa lánh!

Nhưng đến tháng thứ tư kể từ đêm mưa gió, ông Tư đến trọ tại hàng Hoa Phong, thì ông không trả tiền cơm từ đầu tháng nữa. Bà khán tuy lấy làm lạ, nhưng không dám hỏi vì bà vẫn yên trí rằng chắc hẳn ông định để tháng sau trả cả nhân thể cho mình có món tiền tiêu…

Nhưng tháng thứ tư đã hết, lân sang tháng thứ năm mấy ngày, mà bà khán vẫn không thấy ông Tư nói gì đến chỗ tiền trọ cả. Bà đã mấy lần định nhắc, nhưng vì nể, nên lại ngần ngại rồi thôi…

Bỗng một hôm cả phố phủ Ninh Giang náo động. Mà nào có gì lạ đâu chỉ là vì mới có nhiều bọn người Khách, phần nhiều là đàn bà trẻ con, đến phủ tìm chỗ ở. Theo những người thường đọc báo chí thì họ toàn là những kẻ đi lánh nạn chiến tranh về nhà quê trú ẩn, nhưng mặc dầu biết thế và bàn tán thế, những người nhà quê ở quanh đấy vẫn tò mò, túm năm tụm ba đứng quanh họ, hoặc theo dõi họ, nhìn họ bằng một con mắt tò mò, ngờ nghệch buồn cười vô cùng.

Những người Trung Hoa ấy có lẽ mới sang Việt Nam lần đầu nên hầu hết không biết tiếng Việt Nam. Cũng có người biết nhưng nói không sõi và nhiều tiếng phải ra hiệu. Họ đến phủ, sau khi vào quan trình giấy, tản ra ngoài phố hay đến mấy xóm quanh đấy hỏi thuê nhà vì có một hiệu cao lâu khách nhỏ hẹp thì chỉ có thể chứa nhiều lắm là ba gia đình mà thôi.

Khốn thay, họ về thì đông mà phố chỉ có ít nhà cho thuê, hơn nữa, trong những xóm nhà quê thì người ta làm nhà để ở chứ có nhà bỏ trống bao giờ, nên họ vẫn còn phải bơ vơ, nhiều người phải xếp tạm đồ đạc, gói bọc lên ngay vỉa hè mà ngồi nghỉ ngổn ngang.

Và buổi chiều hôm ấy, cửa hàng Hoa Phong xưa nay vẫn vắng teo đột nhiên đông nghịt không còn lấy một bàn để không: Lấy tư cách là một người đã ở lâu thân gần như người nhà, ông Tư nhường chỗ cho khách ngồi, còn mình thì đứng ở quầy tiền cạnh vợ chồng ông khán.

Bỗng ông Tư bảo:

- Hay là nhà ta hãy còn nhiều buồng bỏ không, xếp, dọn lại cho họ ở thuê?

Ông khán gật gù:

- Ừ, cho họ ở thì phát tài lắm vì tôi nghe nói lúc nẫy có người hỏi thuê một gian nhà lá mà giá những chục bạc một tháng!

Vốn có tính cẩn thận và lo xa như những người đàn bà Việt Nam, bà khán vội vàng gạt đi:

- Thôi, tôi xin ông, đừng có tham tiền, mà lôi thôi… Họ không biết tiếng ta, rồi thì líu lường biết lối nào mà hiểu nhau. Mà cho họ ở thì dễ đến lúc muốn họ đi thì khó!

Ông Tư cười:

- Sao bà khó tính thế, họ cũng là người, mà trong lúc hoạn nạn giúp đỡ lẫn nhau mới là phải chứ, hơn nữa, họ lại rộng rãi trả nhiều tiền…

Bà khán vẫn có lý riêng của mình cãi:

- Tiền thì ai chẳng ham, khốn nỗi họ không biết tiếng Việt Nam, ở đây rồi thì hiểu nhau thế nào được chẳng nhẽ khi nhỡ xẩy ra cãi cọ mỗi chốc lại đưa lên quan à?

Ông Tư cười, dịu dàng bảo:

- Bà không sợ điều ấy, họ không biết tiếng Việt Nam thì mình biết tiếng Khách!

Bà khán đã đâm cáu:

- Ông nói thì dễ dàng lắm, nhưng nhà này ai là người biết tiếng Khách, dễ chừng ông hẳn!

Ông Tư không trả lời, chỉ ung dung bước lại trước bàn một gia đình lánh nạn, nói một hồi, lẽ tất nhiên toàn bằng tiếng Tầu cả… Hai vợ chồng ông khán càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy những người kia cũng trả lời lại, và xem chừng vui mừng lắm vì có người hiểu được mình, có thể làm thông ngôn rất dễ dàng cho mọi việc.

Sau đó ông Tư ngoảnh lại bảo vợ chồng ông khán:

- Tôi đã bảo họ ở đây có nhiều buồng có thể ở được, nhưng chẳng hay ông bà định tính tiền cho người ta bao nhiêu một tháng?

Ông khán thực thà bảo:

- Thôi, ông cứ liệu bảo họ, nghĩa là mình cũng tăng đắt lên chút ít thôi!

Nhưng bà khán đã lườm chồng một cái dài mà bảo:

- In ít là thế nào? Ông này thực đến hay!

Và bà lại ngoảnh bảo ông Tư:

- Ông cứ nói giùm bảo họ mỗi buồng tôi cho thuê đúng 25 đồng một tháng, không có ăn uống gì cả!

Ông Tư theo lời, thông ngôn cho bọn kia hiểu, họ lập tức bằng lòng ngay, và ai nấy tranh nhau mà nhận buồng, giả tiền tháng trước ngay. Chỉ trong chốc lát, các buồng trong Hoa Phong đại tửu cư đã chật ních, thành ra còn có nhiều người biết tin đến sau không còn chỗ nữa, mặc dầu có gia đình đã vui lòng thuê cả mấy buồng xép, thường vẫn dùng làm chỗ để thóc gạo nồi niêu, mà cũng trả giá 25 đồng như thường. Sau cùng, có bọn lại phải thỏa thuận với nhau thuê chung một buồng hai gia đình, và trả tăng giá lên 30 đồng để cho bà chủ bằng lòng để ở.

Mấy hôm rộn rịp như vậy - rộn rịp và phát tài nữa - làm cho bà khán hầu như quên hẳn rằng ông Tư đã chịu tiền trọ một tháng mà cả tháng này, ông cũng chưa hề nói gì đến tiền nong cả.




3
ÔNG TƯ VƯỢNG CÒN
BIẾT NHIỀU THỨ NỮA

Và những người đến tị nạn càng ngày càng nhiều.

Có một điều mà vợ chồng ông khán Lò rất lấy làm ngạc nhiên là sau đó, chính ngay trong những bọn người Khách đến ở, có những người họ với họ mà không hiểu nhau, đó chỉ là vì trong số, có lẫn cả người Vân Nam, biết toàn một thứ tiếng Xạ Phang, còn người Quảng Đông thì chỉ biết tiếng Quảng mà thôi…

Nhưng ông Tư Vượng thì hiểu cả hai thứ tiếng. Ông dùng tiếng Vân Nam, Quảng Đông hay Bắc Bình, thứ nào cũng thông thạo không hề có chút ngượng nghịu.

Chính vì thế mà bọn người tị nạn rất mến ông Tư, họ thường rủ ông đi ăn uống, chơi bời, hoặc có mấy người ra dáng bác học thì lại thường mời ông thức những đêm trắng để bàn bạc và khảo luận nhiều điều… Trong những đêm ấy, bà khán tò mò để ý thấy ông Tư có khi hút hàng hai ba chục điếu thuốc phiện mà không hề có tỏ chút ý gì là say sưa cả!

Mà bọn đàn bà Trung Hoa kia cũng thích ông nữa, bởi lẽ ông Tư đánh mạt chược rất cao, làm cho tất cả ai nấy đều thán phục.

Lẽ tất nhiên, phục hơn hết, vẫn chính là hai vợ chồng ông khán Lò, chủ nhân của hiệu Hoa Phong.

Có một điều chúng ta cần phải nói luôn là tuy bằng lòng để cho bọn người kia mời mọc, nhưng ông không hề có bao giờ chịu nhận của họ một đồng xu nhỏ. Có người hỏi, thì ông chỉ cười mà bảo:

- Nghề thông ngôn hướng dẫn có phải là nghề của tôi đâu!

Rồi một tháng ồn ào, rộn rịp cứ thế mà qua…

Một buổi sáng sau khi đọc báo, ông Tư Vượng lại bảo hai vợ chồng ông khán rằng:

- Các quan đầu tỉnh mới đây có lệnh khuyên dân các thành phố lớn nên tản về bớt các miền quê ở cho bớt đông đi, như vậy thì không chừng mà phủ ta rồi đây lại còn có cả những người Nam hay Pháp về ở nữa!

Quả nhiên ông Tư đã nói đúng.

Chỉ trong mấy ngày sau, dân phủ Ninh Giang đã thấy, trước còn lác đác sau nhiều dần, những người ở thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội về ở. Trong số, có cả mấy gia đình người Âu, phần nhiều là đàn bà con trẻ cả.

Thế là ông Tư Vượng, ngoài việc làm thông ngôn giúp những người Khách, lại phải giúp cả việc giao dịch cho mấy người Âu nữa. Và ông nói tiếng Pháp rất nhanh, có phần lại thạo hơn cả mấy cậu học trò lớn nghỉ học ở tỉnh về chơi…

Vì thế mà ông khán Lò lại càng lấy làm lạ, lắc đầu bảo vợ:

- Tôi thực không hiểu sao nữa, ông ấy giỏi thế, cái gì cũng biết, cũng giỏi, vậy mà sao chẳng làm ăn gì cả!

Bà khán cũng có vẻ nghĩ ngợi, lâu lâu mới bảo chồng:

- Tôi nghi lắm, chẳng còn hiểu ông ấy là hạng người gì?

Nhưng ngay lúc này, ngoài cửa hiệu bỗng có chiếc xe hòm sơn mầu cánh gián, bóng loáng xịch đỗ. Anh tài xế vội vã lễ phép mở cửa xe phía sau, để cho hai người xuống.

Ông khán Lò đã nhận ra, luống cuống bảo vợ:

- Ông Cửu Phú!

Và ông khán vội vàng chạy ra cửa đón, khi thấy hai vợ chồng ông Cửu bước vào! Ông Tư Vượng từ lúc nẫy cũng đã để ý nhìn ra, ông hơi lẩm bẩm một điều gì, nhưng sắc mặt không hề có đổi.

Ông Cửu Phú có thể tiêu biểu cho một hạng người giầu xổi ở xứ ta với bộ mặt phì nộn đỏ hồng, bộ râu thưa trên mép, với dáng đi có ý làm ra đường bệ và giọng nói tác sác oang oang… Cùng đi với ông Cửu là một người đàn bà hãy còn trẻ lắm, trạc hai mươi tuổi, ăn vận tân thời đúng kiểu, hai con mắt rất sắc và cái miệng cười rất tươi… Trông người đàn bà trẻ đẹp một cách lộng lẫy như vậy đi với ông Cửu trạc ngoại tứ tuần, ai cũng phải đoán rằng đó là con gái nhớn của ông, giầu từ trong trứng giầu ra, và ở tỉnh đã lâu, nên từ cách trang điểm đến dáng điệu đi đứng đều từa tựa giống đầm!

Ông Tư Vượng như có ý ngắm nghía kỹ lưỡng người đàn bà rồi quay lại hỏi nho nhỏ bà khán:

- Bà cũng biết ông Cửu?

Bà khán gật đầu:

- Có, ông ấy chính là người ở đây, nhưng ra tỉnh buôn bán đã lâu… Ông ấy giầu lắm, ngay phố phủ này, cũng có mấy nếp nhà to tướng cho thuê, nhưng rất ít khi về chơi, hoặc có về thì cũng chỉ thu tiền nhà rồi lại đánh xe đi ngay. Chẳng hiểu sao mà hôm nay lại không có vẻ vội vàng, vào hàng nhà nghỉ ngơi…

Nhưng ngay lúc ấy, ông Cửu ở phía ngoài đã hách dịch bảo ông khán rằng:

- Hôm nay, tôi về đây, định ở chơi ít lâu. Tôi đã lấy lại căn nhà ở đầu phố kia để ở, nhưng chúng nó dọn dẹp chưa xong, có lẽ đến tối nay mới đâu vào đấy được. Vậy buổi sáng và buổi chiều nay ông khán bảo làm cơm cho chúng tôi ăn, nghe không?

Ông khán vâng vâng, dạ dạ, có vẻ kính cẩn lắm, trong khi bà khán ở trong này khẽ bảo nhỏ ông Tư Vượng:

- Thôi, chắc ông ấy cũng như mọi người lánh về nhà quê ở!

Ông Tư vẫn hình như có điều gì nghĩ ngợi, sau cùng hỏi bà khán:

- Nhưng bà có biết người đàn bà đi với ông Cửu kia là ai không?

Bà khán lắc đầu:

- Không, nhưng tôi đoán chắc người này là vợ mới cưới về sau, vì tôi một độ thấy đồn ông Cửu lấy vợ kế, người đảm đang buôn bán và đẹp lắm, hãy còn trẻ măng…

Rồi bĩu môi ra dáng hoài nghi, bà tiếp:

- Nhưng họ nói thì biết vậy, chứ cứ trông cách ăn vận thế kia thì buôn bán cái gì!

Ông Tư Vượng không thèm hỏi gì nữa, nhưng tuy bảo thằng hầu bàn rót cho một chén nước chè tầu nóng mà ông đứng ngay cạnh quầy tiền uống chầm chậm, ông vẫn không rời mắt nhìn cặp vợ chồng sõng lệch kia, mà nhất là người vợ.

Có lúc hình như ông còn lưỡng lự, nửa muốn đứng dậy, nửa muốn bỏ vào trong nhà, nhưng cuối cùng thì ông nhất định ở nguyên chỗ cũ.

Người đàn bà trẻ đẹp kia, ngay từ lúc bước vào nhà hàng Hoa Phong đã tỏ ra ý dè bỉu. Nhưng ông Cửu bảo:

- Ở đây, chỉ có hiệu này là sạch sẽ nhất!

Người đàn bà không trả lời, chỉ sẽ nhún vai, sau cùng nhìn quanh lâu mãi không thấy có chiếc ghế nào vừa lòng hơn mới đành rút chiếc khăn tay phủi mặt ghế rồi hết sức cẩn thận, vén áo ngồi xuống.

Cứ trông điệu bộ ông Cửu thì biết ngay ông hết sức chăm chú và săn sóc chiều chuộng người vợ trẻ của mình. Ông khe khẽ hỏi:

- Mình muốn ăn gì?

Người đàn bà sẽ bĩu môi, lâu lâu mới nói:

- Một miếng bít tết là đủ rồi, còn thì tùy cậu!

Ông Tư Vượng đứng ở trong này nghe thoáng tiếng cậu, cố giấu một nụ cười. Nhưng ở ngoài, ông Cửu đã nhăn nhó bảo vợ:

- Bít tết thì có, nhưng chỉ sợ không có bánh tây.

Rồi ông gọi bồi bàn, hỏi có bánh không, khi thấy nói có thì bắt nó đưa ra xem. Thấy bánh cũ và ỉu, người đàn bà lắc đầu:

- Bánh này chịu thôi!

Ông Cửu cắt nghĩa:

- Ở nhà quê có bánh thế này là khá lắm rồi, họ phải gửi ô tô lấy ở Hải Dương về cơ đấy!

Và như năn nỉ, ông tiếp:

- Thôi mình ăn tạm vậy, để tôi bảo nó bỏ lò lại cho nóng!

Người đàn bà gật đầu một cách uể oải, như bất đắc dĩ phải chiều ý chồng, nhận lời. Rồi trong khi chờ đợi, con người đài các ấy mới bắt đầu nhìn quanh nhà hết bức tranh Đức thánh Quan Công cưỡi ngựa đến bức vẽ hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã cũ treo ở trên tường.

Bỗng người đàn bà giật mình!

Giật mình chỉ vì chợt trông thấy ông Tư Vượng từ lúc nẫy đến giờ vẫn lặng lẽ đứng ở quầy tiền.

Và cho đến lúc này, ông Tư cũng vẫn nhấm nháp chén chè tầu, cặp mắt sau làn kính râm mờ lơ đãng nhìn mãi tận đâu đâu!

Nhưng người đàn bà lại bỗng như ngờ vực chăm chú nhìn kỹ ông Tư Vượng, lim dim cặp mắt như muốn so sánh với một hình ảnh xa xôi nào, và sau đó, thì không còn nghi hoặc gì nữa, vẻ lo lắng, sợ sệt đã hiện ra nét mặt.

Rồi người đàn bà ghé gần sát chồng, nho nhỏ hỏi một điều gì. Ông Cửu Phú liếc nhìn Tư Vượng, rồi lắc đầu, sau đó hất hàm về phía vợ chồng Khán Lò, mà nói khẽ:

- Không, vợ chồng chủ hiệu đây kia cơ!

Người đàn bà lại nói gì rất lâu, rồi thấy ông Cửu Phú sẽ vẫy ông khán lại gần mà hỏi. Ông Cửu nói gì, ông Tư không nghe rõ, nhưng thấy ông khán liếc nhìn mình mà trả lời:

- Không, ông ấy đến ở trọ đây đã mấy tháng nay!

Thấy Khán Lò nói to, đến nỗi ông Tư có thể nghe rõ được, vợ chồng ông Cửu hơi cau mặt tỏ ý không bằng lòng và không nói gì nữa. Một lát sau, các thức ăn đã bưng ra, ông Cửu Phú hình như đói bụng nên ăn uống rất ngon lành, nhưng trái lại, bà vợ trẻ thì chỉ nhấm nháp qua loa, chẳng biết vì món ăn không vừa ý hay là vì còn bận nghĩ về con người đeo kính vẫn lặng lẽ đứng ở cạnh quầy tiền.

Riêng ông Tư Vượng thì khi thoáng thấy người đàn bà nhìn trộm mình, sẽ nở một nụ cười bí mật!



4
MỘT VỤ TRỘM LẠ

Nhưng sau bữa cơm sáng, ông Tư Vượng nằm lì trong buồng mình, chứ không ra ngồi ở ngoài nhà như mọi ngày thường. Và bữa cơm chiều hôm ấy, ông cũng kêu trong người khó chịu bảo thằng nhỏ bưng cơm vào tận trong phòng để ăn, sau đó, ông lại nằm luôn cho đến tối.

Bà khán Lò thấy thế thì thấy bận rộn khó chịu ngay, và cũng sực nhớ rằng ông Tư đã hai tháng nay chưa hề có nói gì đến món tiền trọ cả. Bà lẩm bẩm nói:

- Người gì mà chây lười lạ! Sáng mai tôi phải bảo hắn mới được!

Ông khán biết nghĩ hơn vợ, can:

- Nhà không nên nóng nẩy, người ta là người tử tế…

Bà khán tức tối:

- Thì mình đểu giả hay sao? Nhà thử tính hắn ta chiếm riêng một cái buồng mà mỗi tháng mình chỉ lấy có 10 đồng bạc…

Ông khán đấu dịu:

- Nhưng so với cái giá cách đây bốn tháng thì ông ấy giả 10 đồng đã là hậu lắm rồi!

Bà khán xì một cái rồi nói:

- Thời nào theo giá ấy chứ! Vả lại nào mình có đòi hơn tiền, nhưng lão cũng phải giả sòng phẳng chứ.

Ông khán vẫn cố bào chữa giúp người khách trọ mà ông vẫn quý là người đứng đắn.

- Chắc ông ấy quên!

Bà khán nổi cơn thịnh nộ:

- Phải, quên, chỉ được cái quên ăn người. Sao ông ấy không quên giả tiền nhầm hai lượt? Lão quên thì đã có tôi nhắc, mà đã nhắc thì muốn không nhớ cũng không được nữa.

Tuy nói vậy, nhưng buổi sáng hôm sau, lúc ông Tư ra nhà ngoài uống nước, bà khán không hăng hái như đêm trước nữa. Ta thấy ông khán như lo lắng chỉ sợ vợ mình sam sưa làm quá mà mất lòng khách chăng! Song thực ra, bà khán cũng luống cuống chẳng kém gì chồng, có lẽ bà đã bị cặp mắt lạnh lẽo và điềm tĩnh, nghiêm nghị kia đàn áp mất rồi.

Bà khán hết nhìn trộm ông Tư Vượng rồi lại nhìn chồng một lát sau nói nho nhỏ:

- Hay là mình nói?

Khi thấy chồng lắc đầu, bà khán lườm một cái dài, rồi nhờ có đó, hăng hái bảo:

- Thôi được rồi, để tôi nói!

Và bà quyết định đứng dậy, đến cạnh bàn ông Tư đương ngồi uống nước. Nhưng đến nơi, bà không còn đủ can đảm nữa, nhất là lúc thấy ông Tư thẳng thắn ngẩng lên nhìn. Khi thấy bà khán luống cuống chẳng biết nói sao thì ông Tư dịu dàng hỏi:

- Bà muốn bảo tôi gì, hôm nay tôi cũng rỗi!

Ông Tư nói vậy có lẽ là vì ông tưởng cũng như mọi hôm, bà khán có việc gì muốn nhờ đến mình. Nhưng không, bà khán thấy hỏi, chỉ luống cuống lắp bắp:

- Ông Tư… ông Tư…

Và mãi mãi bà mới nói tiếp được:

- Ông Tư ạ, thế này thì khí không phải quá nhưng nhà độ này tiêu nhiều quá, mà tôi cũng đương cần tiền để sửa chữa lại mấy gian nhà đằng sau…

Với một cử chỉ tự nhiên như người vẫn thường tiêu tiền một cách dễ dàng, ông Tư lập tức rút ví ra trong khi bà khán dịu lời nói tiếp:

- Nếu ông có sẵn tiền thì cho luôn cả mấy tháng, kể cả hai tháng trước với tháng này nữa vị chỉ là đi ba tháng…

Ông Tư giật mình hỏi:

- Chết chửa, vậy ra đã mấy tháng nay tôi chịu tiền trọ chưa trả, nhưng sao bà không nhắc tôi!

Bà khán khéo léo trả lời:

- Kể ra thì ông muốn để đến bao giờ trả cũng được, khốn nhưng cần tiền quá, nên mới dám nhắc, mong ông đừng giận…

Ông Tư lắc đầu:

- Chết chửa, sao bà lại nói thế, tôi thực vô ý và đãng trí quá!

Vừa nói, ông vừa mở ví, lục trong mấy ngăn rút ra mấy tờ giấy một đồng, rồi luống cuống như tìm tòi gì mà không thấy. Sau cùng, ông đỏ mặt lúng túng lẩm bẩm:

- Chết chửa, vậy mà tôi vẫn tưởng hãy còn nhiều tiền…

Rồi ngừng lại một lát, ông Tư chầm chậm nói với bà khán rằng:

- Vậy xin bà rộng cho tôi chiều nay đi lấy, chỉ sáng mai là tôi xin hoàn bà đủ số!

Một ý nghĩ thoáng qua, bà khán vội hỏi:

- Ông định đi đâu lấy tiền, có gần không?

Như hiểu ý bà khán, ông Tư lắc đầu:

- Không tôi chỉ đi gần đây thôi, mà may ra nếu chiều nay, có thư, tôi nhận được tiền gửi kèm thì không biết chừng chẳng phải đi đâu hết!

Rồi buổi chiều hôm ấy, sau khi ăn vội mấy bát cơm, ông Tư Vượng lẩm bẩm:

- Thôi bây giờ chắc không còn có thư nào nữa!

Và ông lại nhìn đồng hồ mà nói:

- Bây giờ ra ngay xe thì may ra kịp chuyến ô tô cuối cùng!

Nhưng chợt nhớ đến thái độ ngờ vực của bà khán buổi sáng nay, ông Tư Vượng rút trong ví ra một chiếc nhẫn - chiếc nhẫn đàn bà có nạm một mặt kim cương rất đẹp - đưa cho bà khán mà nói rằng:

- Tôi xin gửi bà chiếc nhẫn này - ông Tư nói dằn mạnh tiếng “gửi” - vì tính tôi hay đãng trí quá, nhất là trong lúc vội vàng chỉ sợ giữ lại loăng quăng đánh rơi mất.

Và khi thấy bà khán tò mò ngắm nghía chiếc nhẫn, ông Tư cười mà tiếp:

- Chiếc nhẫn này đánh độ ấy đâu 2 đồng cân vàng, không kể chiếc mặt, tính theo giá vàng bây giờ đã non 7 chục rồi…

Rồi ông vội vã bước ra khỏi cửa, gọi xe ra bến ô tô, không kịp nghe tiếng bà khán đột nhiên hối hận gọi ông lại toan đưa trả chiếc nhẫn.

Bà khán đoán chừng ông Tư lên tỉnh, nên khi thấy đêm ông không về cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng sáng sớm, tinh sương, lúc cửa hàng vừa mở, trời hôm ấy lất phất mưa, bà đã thấy ông Tư ở ngoài bước vào quần áo ướt hết, thì ngạc nhiên hết sức vì lúc bấy giờ chưa có chuyến ô tô nào ở tỉnh về cả.

Bà chưa kịp hỏi thì ông Tư đã cởi áo ngoài, rũ cho hết những hạt mưa bám lất phất trên áo rồi vui vẻ nói:

- Trời mưa đột nhiên thành ra bị ướt lạnh quá!

Và luôn đó ông rút ví tiền ra, đưa cho bà khán hai tờ giấy 20 đồng và một tờ giấy 5 đồng mà nói rằng:

- Bà làm ơn nhận cho chỗ 4 chục, còn 5 đồng thì nhờ bà đổi cho tiền lẻ chia cho thằng nhỏ, thằng bếp và con sen để chúng nó ăn quà, diêm thuốc!

Bà khán nhận tiền đưa trả chiếc nhẫn trong lòng phân vân nghĩ ngợi vì bà không hiểu rằng ông Tư đã xoay tiền ở đâu dễ dàng thế: ông Tư mới lật có một ngăn ví mà đã thấy một tập giấy bạc tướng, toàn giấy lớn, ấy là chưa kể mấy ngăn kia cũng đầy phồng!

Rồi ông mua một cốc rượu Rhum mà uống một hơi cạn hết. Như đã thấy dễ chịu ông vào buồng thay áo, sau khi đã dặn bà khán để mặc cho ông ngủ, chừng đến bữa cơm hãy đánh thức.

Nhưng mới khoảng 9 giờ, ông khán đã hoảng hốt vào buồng ông Tư, gọi ông dậy mà bảo:

- Ông Tư ơi, dậy, dậy!

Ông Tư choàng dậy, hỏi:

- Cái gì thế ông khán? Mấy giờ rồi, đã đến bữa cơm đâu!

- Không, nhưng ông dậy ngay vì có trát ở phủ đòi!

Ông Tư hơi biến sắc mặt, nhưng lại điềm tĩnh ngay, hỏi:

- Có việc gì mà quan đòi, đâu, trát đâu?

Nhưng khi ra nhà ngoài, hỏi người lính lệ thì không có trát, người lính chỉ nói:

- Quan tôi bảo mời ông vào ngay, có chuyện cần!

Ông Tư điềm tĩnh bảo:

- Được rồi, cậu đợi một tí, tôi mặc áo xong rồi vào hầu quan ngay!

Năm phút sau, ông Tư đã theo người lính lệ đi, để lại cho vợ chồng ông khán một mối nghi ngờ không bờ bến. Cả hai người hình như cùng theo đuổi một ý nghĩ riêng nên không ai nói với ai, mãi sau cùng, bà khán mới thở hắt ra mà bảo chồng:

- Tôi đã biết ngay mà!

Ông khán ngạc nhiên, hỏi:

- Bà nó bảo biết ngay cái gì?

Bà khán tưởng chồng hỏi vặn, lại càng tức:

- Tôi bảo rằng tôi đã biết ngay sẽ có những việc lôi thôi thế này! Những người ấy khả nghi lắm, mà nhỡ có sao thì thế nào quan cũng đòi mình, không khéo mà bị vạ lây chứ chẳng chơi!

Ông khán điềm tĩnh hơn, bảo:

- Bà nó chưa chi đã cứ cuống lên, để nguyên xem sao đã nào!

May thay, ngay lúc này, một người vận áo lương, quần hộp, đi qua. Ông khán vui mừng gọi:

- Cụ đề ơi, cụ vào cho tôi hỏi chút việc!

Ông đề nhìn lại, thấy khán Lò thì rẽ bước vào hàng, hỏi:

- Ông khán đấy à, có việc gì thế?

Ông khán Lò vui vẻ kéo ghế mời ông đề ngồi, rồi hỏi câu chuyện làm quà:

- Thế nào, nghe nói cụ độ này phát tài lắm có phải không?

- Có gì mà phát tài?

- Gớm cụ lại cứ giấu mãi, độ này bổng thì nhiều mà hôm vừa rồi nghe nói cụ lại được một canh bạc trên tỉnh to lắm!

Rồi ông khán với tay lấy gói thuốc lá mời ông đề hút, rót nước mời ông đề xơi, sau đó vào câu chuyện mình đương nóng muốn hỏi:

- À, nhà hàng tôi có một người trọ, thường vẫn gọi là ông Tư Vượng, chẳng hay lúc nẫy có việc gì mà lệnh quan đòi!

Ông đề nheo cặp mắt như có ý nghĩ ngợi, sau hỏi:

- Có phải cái ông vẫn suốt ngày đeo kính: ngày kính râm, đêm kính trắng ấy phải không? Ông ấy tôi cũng không biết rõ nữa vì cũng vừa mới ở huyện Vĩnh Bảo về, nhưng nghe nói hắn có liên can đến một vụ trộm vừa mới xẩy ra đêm qua!

Bà khán từ lúc nẫy vẫn lắng tai nghe, bấy giờ không nhịn được nữa, vội hỏi:

- Bẩm ông, vậy ra đêm qua phủ ta có trộm, chẳng hay trộm vào nhà ai vậy mà sao tôi không thấy người ta bàn tán gì cả?

Ông đề làm ra dáng bí mật, nhìn trước nhìn sau rồi mới hạ thấp giọng, bảo:

- Đáng lẽ việc quan tôi phải giữ kín nhưng nói cho ông bà biết thì cũng không sao. Nguyên đêm qua nhà ông Cửu Phú bị mất trộm gần 500 đồng một cách bí mật lạ thường, mà chính ông khách trọ ở đây bị tình nghi. Vì muốn giữ kín để tiện việc điều tra nên việc này người ngoài chưa có ai biết cả!

Cái tin này làm cho hai vợ chồng ông khán Lò lo lắng vô cùng. Và luôn luôn, ông chồng nhu nhược ấy bị bà vợ giày vò:

- Nào, ông còn nói cứng mãi thôi, thế nào rồi nhà ta cũng bị lôi thôi to, không khéo mà bị khép tội oa trữ nữa!

Nhưng sự thực, nếu vợ chồng ông khán được biết cuộc thẩm vấn ông Tư Vượng ở trong phủ lúc bấy giờ thì họ còn lo lắng hơn gấp bội.




5
MỘT CUỘC THẨM VẤN GẮT GAO

Lúc ông Tư Vượng vào trong phủ thì quan phủ không có nhà, chỉ có một thầy thừa ngồi ở một bàn giấy nhỏ góc buồng sẽ gật đầu đáp lễ ông Tư rồi chỉ một chiếc ghế không để ở trước mặt mình ra hiệu mời ngồi.

Và ông thừa chẳng để cho ông Tư hỏi gì, nói ngay:

- Quan tôi sáng nay có việc lên tỉnh sớm nên giao việc này cho tôi mở cuộc điều tra.

Rồi chẳng liên lạc gì cả, ông thừa nhìn thẳng vào mặt ông Tư mà hỏi luôn:

- Ông hẳn đã biết vụ trộm xẩy ra đêm qua thế nào rồi chứ?

Ông Tư ung dung lắc đầu:

- Thưa ông, tôi đang ngủ thì được lệnh quan đòi, vả tôi cũng không thấy ai nói chuyện xẩy ra một vụ trộm nào hết!

Ông thừa lại hỏi luôn:

- Nhưng ông có biết ông Cửu Phú chứ?

- Dạ, tôi có được gặp ông ấy, hôm ông ta mới về đây, vào ăn ở hàng Hoa Phong…

- Ông cũng biết bà Cửu?

- Dạ, hôm ấy, ông Cửu cùng đi với bà ấy vào hàng.

Ung dung như người kể lại một chuyện không quan hệ gì, nhưng ông thừa vừa nói vừa nhận xét chẳng sót một nét mặt nào của ông Tư:

- Đêm hôm qua, có lẽ sau khoảng 11 giờ thì ở nhà ông Cửu Phú đã xẩy ra một vụ trộm kể ra thì không lớn lắm, nhưng bí mật vô cùng… Quân gian đã vào lấy mất của ông Cửu một món tiền vừa giấy lớn, giấy nhỏ, tất cả non 500 đồng… Mà tôi chắc phải là một tên trộm đại tài nào mới có thể lấy thoát được vì lẽ nhà ông Cửu rất là kín đáo, tường thì cao, mà cửa nào cũng đều có song sắt cả!

Rồi cũng chẳng liên tiếp gì vào câu chuyện, ông thừa đột nhiên hỏi một câu ra ngoài đầu đề, tựa như lúc nẫy ông đã quên chưa nói:

- À, ông tên thực là gì nhỉ?

Ông Tư như lưỡng lự trong một phút, rồi không nói gì, lặng lẽ rút trong túi ra vừa hình thẻ, vừa căn cước… Ông thừa đỡ lấy, liếc nhìn ông Tư để so với ảnh trong thẻ, sau đó thì lẩm bẩm đọc:

- Trần Đình Vượng, bốn bốn tuổi…

Và lại ngẩng lên, ông thừa hỏi tiếp:

- Thẻ này lại là thẻ miễn trừ?

Ông Tư gật đầu:

- Vâng, trước tôi có đi lính.

Vừa nói, ông Tư vừa rút trong túi ra chiếc nếp-dê của lính, đã cũ, cáu ghét, gần thành nhầu nát, mặc dầu đã có một tờ giấy dầu bọc ở ngoài cẩn thận, hai tay đưa cho ông thừa… Sau khi xem qua, ông thừa lại hỏi:

- Vậy ra ông đã được nhiều bội tinh…

Ông Tư vẫn nhũn nhặn gật đầu, ông thừa lộ vẻ kính trọng, hỏi tiếp:

- Mà trong này, tôi thấy ghi ông có bị thương.

Ông Tư gật đầu:

- Vâng, và vì thế tôi được nhà nước rộng ơn cho lương cấp khá hậu.

Trong lúc ông Tư trả lời thì ông thừa nhìn chăm chú vào mắt ông Tư. Chừng như biết ý, ông Tư bỏ cặp kính râm nhạt, mà từ lúc nẫy ông vẫn đeo nguyên trên mắt xuống, rồi ông điềm nhiên lấy mùi soa lau chầm chậm.

Từ lúc này trở đi, ta nhận thấy ông thừa hình như đổi giọng, những câu hỏi trước kia sắp xoay hẳn ra những câu thẩm vấn gắt gao thì bây giờ lại trở thành thân mật giống như là một câu chuyện nói thường mà thôi. Tuy nhiên trong lời nói, ông thừa vẫn dè dặt, có lẽ vì thói quen của nghề nghiệp mình chăng?

Cười một cách rất tự nhiên, hình như vẫn biết ông Tư từ lâu, ông thừa khéo léo trở lại đầu đề câu chuyện:

- Thực là có nhiều sự tình cờ đến buồn cười… chẳng hạn như chuyện vụ trộm này! Người ta thường nói: một mất mười ngờ chính là vì thế. Ông thử nghĩ mà coi, chỉ vì tự nhiên ông Cửu mất tiền mà đâm ra nghi tất cả mọi người…

Ông Tư sẽ mỉm cười, nói:

- Mà tôi bị ngờ đầu tiên…

Ông thừa gật đầu, liếc nhìn ông Tư như muốn dò xét thái độ:

- Mà họ nghi ông cũng là vì có cớ…

Ông Tư vẫn tự nhiên như không, nối lời:

- Nghi tôi vì có lẽ ở đây, nhiều người rất lấy làm lạ, không hiểu tôi về Ninh Giang ở làm gì, mà tiền chi dùng thường nhật lấy ở đâu ra? Nhưng nếu họ biết tôi về đây đã mấy tháng nay chẳng qua là vì hiện thời trong người không được khỏe muốn tìm một chỗ nào tĩnh mịch, không khí trong sạch để tĩnh dưỡng…

Vốn là người tinh ý, ông thừa biết ngay ông Tư khôn ngoan tự bào chữa cho mình nên khởi thế công ngay:

- Nếu chỉ có thế thì khi “họ” biết rõ ông là một cựu chiến binh, đã bị thương, đã được thưởng luôn mấy mề đay, và thứ nhất là được hưu bổng hậu thì họ sẽ không lấy làm lạ nữa, nhưng khốn thay - có lẽ sự tình cờ - lại có nhiều chỗ mà hiện nay chính tôi cũng chưa hiểu…

Ông Tư nhìn thẳng ông thừa và hỏi:

- Xin ông nói rõ cho tôi được biết!

Ông thừa gật đầu:

- Tôi lấy làm lạ, không hiểu sao mà trước đây ông như thiếu tiền, để đọng lại luôn mấy tháng tiền trọ chưa giả…

Ông Tư ngắt lời:

- Nhưng chính sáng hôm nay tôi đã trả rồi!

Ông thừa giơ tay bảo ông Tư hãy để cho mình nói hết rồi tiếp luôn:

- Vậy mà sáng nay, ông lại có tiền trả chỗ thiếu trước, và lại còn trả thêm cả tháng sau…

Ông Tư cười:

- Xem đó thì biết ở đây, ông có người giúp việc đi lấy tin rất giỏi, mà trái lại, bọn đày tớ ở hiệu Hoa Phong thì bép xép vô cùng!

Như không để ý đến câu nói có giọng mỉa mai ấy, ông thừa vẫn tiếp:

- Chính vì thế mà dù ai vô tình đến đâu cũng phải nghi ngờ… và tự hỏi rằng: vậy món tiền kia ông lấy ở đâu?

Không dùng giọng bóng gió như ông thừa, ông Tư thẳng thắn trả lời:

- Điều ấy thì tôi có thể trả lời ông được một cách dễ dàng: tôi đã lấy món tiền ấy ở trên tỉnh vì chắc những người giúp việc lấy tin cho ông đã trình ông biết rằng buổi chiều hôm qua, tôi đã đáp xe lên tỉnh…

Ông thừa hình như chỉ đợi câu này nên sung sướng hiện ra nét mặt, gật đầu, nói tiếp luôn:

- Vâng, và theo như lời những người lấy tin về cho tôi thì chuyến xe ấy tuy có chạy nhưng mới chạy được sáu cây số thì bị chết máy, tài xế loay hoay chữa mất đến nửa giờ mà xe vẫn không chạy được…

Ông Tư vụt nghe câu này hơi biến sắc, nhưng lại trấn tĩnh được ngay. Ông thừa biết bên địch núng thế tiếp luôn:

- Và tôi đã nghĩ, dù lúc đó ông muốn thuê xe tay lên tỉnh, cũng không thể nào được vì trong thời này bọn phu xe sợ khó khăn, không chịu kéo khách đường trường đêm khuya như vậy!

Rồi trở lại giọng thẩm vấn lúc trước, ông thừa tiếp:

- Vậy ông có thể cho tôi được biết rõ tại sao lại có sự khuất khúc này?

Ông Tư không trả lời câu này, chỉ nhìn ông thừa mà nói:

- Tôi tưởng theo lệ thường, nếu lấy khẩu cung thì bao giờ cũng có người ghi chép…

Chẳng để ông Tư nói hết lời, ông thừa dịu giọng:

- Vâng, do đó, chúng ta nên nhớ rằng đây không phải là một cuộc thẩm vấn chính thức và do đó, trong cuộc nói chuyện thân mật này, ông có thể không trả lời tôi những cái gì ông không muốn nói rõ ra trong khi đợi quan phủ về…

Rồi đứng dậy, như muốn tỏ rằng câu chuyện đến đây là xong, ông thừa tiếp:

- Nhưng vì trước khi đi lên tỉnh, quan phủ có dặn tôi mời ông vào nói chuyện để xem có phải chỉ vì nhiều sự tình cờ mà ông bị nghi oan.

Ông Tư cũng đứng dậy, rồi trước khi ra khỏi phòng, nói:

- Tôi định tìm về đây để cho được yên tĩnh, không ngờ lại có việc rắc rối, thành thử ra dù bây giờ có muốn đi nơi khác cũng không được…

Ông thừa cười, gật đầu:

- Vâng, tuy theo luật thì hiện thời ông vẫn hoàn toàn tự do muốn đi đâu thì đi, nhưng có theo ý riêng tôi, thì ông chưa nên đi đâu vội, hãy để đợi xem việc ngã ngũ ra làm sao đã, vả lại dù sao, cũng là còn do ở quyền quan phủ…

Ông Tư vâng dạ, cúi đầu chào, toan quay ra thì ông thừa sực nhớ, hỏi:

- À, còn một điều nếu có thể thì ông cho tôi biết ông và bà Cửu Phú có quen biết nhau bao giờ không?

Rồi không để cho ông Tư kịp trả lời, ông thừa cắt nghĩa luôn:

- Tôi hỏi như vậy là vì sáng nay, lúc ông Cửu báo tin cho biết xẩy ra vụ trộm thì lập tức tôi lại ngay tại chỗ xem xét. Khi thấy tôi tỏ ý ngạc nhiên vì không thấy có gì khả nghi cả, bà Cửu Phú có nói: “Thấy vụ trộm này lạ lắm, và quân thi hành thủ đoạn được một cách rất thần tình, tôi ngờ rằng bọn trộm quanh đây không có tài ấy, tất phải là những quân đại bợm ở đâu về…” Tôi lắc đầu trả lời: “Nếu có bọn thành tích bất hảo đến địa hạt thì tôi đã biết ngay…” Chẳng để cho tôi nói hết lời, bà Cửu Phú đã tiếp: “Nếu đã là đại bợm thì tất phải khéo léo lắm, và đến đây thay dạng, đổi tên đi, cho không ai nghi ngờ… Song nếu ông để ý dò xét quanh vùng những người khả nghi, chẳng hạn như cái ông gì đeo kính ở hàng cơm Hoa Phong, thì tất nhiên có thể tìm được ra manh mối…”

Nhìn thẳng vào mặt ông Tư, ông thừa tiếp:

- Vậy xem chừng như bà Cửu Phú đã để ý đến ông từ lâu, do đó tôi mới ngờ rằng có thể là một chuyện tư thù mà hỏi ông có quen biết bà Cửu từ trước không?

Ông Tư lắc đầu:

- Không, tôi chỉ gặp bà ấy có một lần ở nhà hàng Hoa Phong chứ tôi không hề có quen biết bao giờ!

Rồi có vẻ nghĩ ngợi, ông Tư tiếp:

- Vậy sáng hôm nay, ông đến khám xét không thấy gì khả nghi ư?

Ông thừa lắc đầu:

- Lúc ấy, mới bốn giờ sáng, vì ông Cửu định dậy sớm lên tỉnh lấy đến tiền mới biết rằng đã mất, lập tức ông báo quan, và tôi lại ngay… Trời hãy còn chưa sáng rõ, nên tôi ngờ rằng khám xét chưa kỹ, bởi vậy tôi định bây giờ sẽ lại đằng ấy xem xét lại một lần nữa!

Ông Tư hơi ngần ngại, sau cùng nói:

- Nếu ông không thấy có điều gì bất tiện thì giá ông cho tôi đi theo cùng, may ra tôi giúp ông được việc gì không?

Ông thừa lưỡng lự một lát, rồi gật đầu bảo rằng:

- Cũng được, vả lại ông cũng nên đến để gặp bà Cửu Phú một lần nữa, may ra ông có nhớ ra rằng đã quen bà ấy từ lâu chăng!

Ông Tư cũng hiểu biết ông thừa đặc biệt cho mình đi theo là ý ông muốn để cho hai người đối chất xem sao, nhưng ông Tư không nói gì cả, chỉ ngoan ngoãn ngồi đợi ông thừa sắp sửa thôi.




6
MỘT NHÀ TRINH THÁM…
BẤT ĐẮC DĨ

Một lát sau, ông thừa bước ra, bảo:

- Thôi, chúng ta đi thôi!

Và từ đó, hai người không nói chuyện với nhau gì nữa, cho đến lúc tới nhà ông Cửu Phú. Đó là một ngôi nhà hai tầng, làm theo kiểu thường, đằng trước có sân “ban công”, phía sau là một cái sân rộng, sau đến nhà ngang, cuối cùng thì là vườn. Trước đây, gian gác vẫn khóa vì trong còn để rất nhiều đồ đạc, chỉ có gian dưới cho thuê thôi, còn nhà ngang thì dùng để chứa thóc. Từ khi ông Cửu về thì gian dưới, ông vừa dùng để ô tô, vừa cho những người nhà nằm, còn trên gác thì hai vợ chồng ông ở.

Khi được tin có ông thừa đến, ông Cửu Phú vội vàng chạy xuống mời lên gác, ngồi ở gian trong vi gian ngoài ông dùng làm buồng ngủ.

Ông Cửu nói:

- Chẳng hay quan đã về chưa, ngài?

Ông thừa đáp:

- Quan tôi chắc cũng phải đến trưa mai mới về được vì Ngài còn bận mấy việc phải ở lại đêm…

Ngay lúc này thì bà Cửu ở trong buồng ngủ ra, bà vui vẻ chào đón ông thừa nhưng khi chợt nhận ra ông Tư thì bà sa sầm nét mặt, lưỡng lự như định quay vào. Ông thừa như cũng hiểu ý, vội nói:

- Hôm nay, tôi dẫn ông Tư Vượng lại đây, cốt để cho tiện việc khám xét…

Câu nói ấy như làm vừa lòng bà Cửu Phú; nên bà vui vẻ liếc nhìn ông Tư mà nói:

- Nếu vậy thì chắc chắn thế nào vụ trộm này cũng tìm ra được thủ phạm.

Không để ý đến câu nói bóng gió ấy, ông Tư Vượng quay nói với ông Cửu:

- Nếu có thể xin ngài làm ơn cho thuật lại vụ trộm đã xẩy ra thế nào cho chúng tôi được biết.

Ông Cửu nói:

- Việc ấy dễ dàng lắm vì thực ra vụ trộm ấy cũng không có gì là rắc rối…

Ông thừa tiếp lời:

- … Nhưng vì giản dị quá nó mới lại càng bí mật mà tôi lo rằng dù bây giờ đến khám xét lần thứ hai cũng khó lòng tìm thấy vết tích gì khả nghi.

Ông Cửu Phú đứng dậy nói:

- Bây giờ xin mời các ngài sang phòng bên tôi sẽ thuật lại rõ ràng.

Rồi bước lại chỗ cánh cửa ngăn đôi hai gian gác, ông chỉ tay mà nói:

- Trước hết xin các ngài hãy để ý những cửa ngõ ở đây, chúng tôi làm rất chắc chắn cẩn thận, mà đêm nào chính tôi cũng khóa cửa hẳn hoi rồi mới tắt đèn đi ngủ. Đêm hôm qua, chính tay tôi khóa cửa…

Ông thừa ngắt lời:

- Nhưng ngài thử cố nhớ xem có thể nào vì đãng trí mà quên chưa vặn vòng khóa chăng.

Ông Cửu lấy vợ ra phân bua nói:

- Không khi nào thế được, vì sau đó trước khi tắt đèn đi ngủ tôi còn nhắc nhà tôi vặn thử quả đấm xem cửa đã khóa chưa?

Và quay lại phía vợ, ông hỏi:

- Có phải lúc ấy đồng hồ nhà đánh 10 giờ không mợ nhỉ?

Bà Cửu sẽ gật đầu. Ông Cửu lại tiếp:

- Tiền thì buổi tối, tôi cẩn thận bỏ trong chiếc sắc của nhà tôi vào trong va ly khóa lại, chìa khóa thì treo ngay ở đầu giường, cạnh chỗ nhà tôi nằm. Vậy mà sáng sớm hôm nay, tôi trở dậy thấy chiếc chìa khóa va ly bỏ ngay cạnh bàn, thì ra quân trộm táo gan đã mở ra, lấy mất chiếc sắc rồi…

Ông thừa rút sổ tay ra hỏi:

- Ngài có thể cho tôi biết rõ số tiền 450 đồng ngài bị mất có mỗi thứ giấy bao nhiêu không?

Bà Cửu đỡ lời chồng:

- Thưa ông, tôi còn nhớ rõ lắm vì đó là tiền người ta mới chồng họ hôm trước, tất cả có ba cái giấy 100, năm cái giấy 20 đồng và năm mươi giấy 1 đồng, ghim từng chục một.

Rồi trong khi ông thừa ghi lấy lời khai của bà Cửu, ông Tư đứng dậy, đi quanh phòng nhìn ngó nhất là những cửa sổ, ông có vẻ để ý lắm, lấy tay mà lay thử từng chiếc song sắt một.

Bà Cửu liếc nhìn theo, rồi nói, chẳng hiểu để cho ông thừa nghe hay là để ông Tư hiểu ý:

- Tên trộm tuy thực là đại bợm, nhưng lần này quyết nó không thoát khỏi vòng pháp luật…

Rồi ngừng lại một lát, bà dằn từng tiếng, tiếp:

- Mà chắc nó trước đây phải can phạm vào nhiều án nặng hơn vụ trộm này nhiều, và lần này bị bắt chắc nó rũ tù, không chừng bị đầy chung thân ở ngoài Côn Đảo…

Ông Tư lúc này hình như hoàn toàn chú ý vào công việc nhận xét, điềm nhiên trở về ghế ngồi, lẩm bẩm:

- Những cửa ở nhà này chắc chắn như thế thì trộm có tài thánh cũng không vào được…

Ông Cửu Phú vốn là người thích khen, nên sung sướng quay bảo ông thừa:

- Đó ông xem, tôi đã cẩn thận thế mà vẫn còn mất trộm, đủ biết chúng táo gan và thần tình đến thế nào… Kể ra những bọn này, bắt được thì phải kết án chém lấy đầu chứ không thì dân lương thiện thực khó mà làm ăn với chúng!

Ông thừa sau khi uống xong mấy chén nước chè tầu ướp thủy tiên, nhìn ông Tư mà bảo:

- Vụ trộm này thực không có gì khuất khúc lắm, bởi vậy cho nên dù đến đây mà khám xét đến mấy lần nữa cũng không thấy có vết tích gì khả nghi cả. Ấy thế mới khó tra xét!

Ông Cửu mỉm cười nói:

- Thực lắm lúc tôi nghĩ lẩn thẩn không khéo nhà này có ma, vì chỉ có vậy thì số tiền kia mới biến đi một cách lạ lùng như thế!

Bà Cửu như không bằng lòng lời nói của chồng, gật:

- Ông nói đến hay, làm gì có ma quỷ cơ chứ!

Rồi quay lại phía ông thừa, bà Cửu tiếp:

- Xin ông cứ làm ơn để tâm tra xét, nếu mà vụ này ra được manh mối, chúng tôi thực chẳng dám quên ơn ông…

Rồi hạ thấp giọng, bà tiếp:

- Hay là ông xem có những kẻ nào quanh vùng này tình nghi thì cứ bắt, gạn hỏi cho kỹ, tất nhiên, thế nào chúng cũng phải thú nhận.

Ông thừa gật đầu:

- Bà không ngại điều đó vì là bổn phận của chúng tôi.

Và hất hàm ra hiệu cho ông Tư, ông thừa nói:

- Thôi, chúng ta xin phép về đi chứ?

Ông Tư tuy gật đầu, nhưng bỗng quay hỏi ông Cửu:

- Tôi quên chưa hỏi ngài rằng chiếc cửa ra vào này, ở phía trong, ngài có cài bằng then gì để cho bên ngoài không mở được không?

Ông Cửu lắc đầu:

- Không!

Bà Cửu vội nói:

- Nhưng tôi bao giờ khóa cửa cũng cẩn thận để nguyên chìa khóa ở đấy và xoay đi nửa vòng cho khỏi rơi xuống…

Ông Tư được lời ấy, mỉm cười, liếc nhìn ông thừa rồi nói:

- Tôi xin ngài chú ý đến điều đó. Bà Cửu vừa mới nói: chiếc cửa này bao giờ cũng để nguyên chìa khóa ở bên trong, nghĩa là ở bên ngoài nếu không cậy khóa thì không thể nào mở được, dù có đúng chìa khóa cũng vậy. Nhưng, như chúng ta đã biết, khóa ở cửa này không hề có vết cậy nào cả.

Ngừng lại một lát như muốn để mọi người chung quanh đủ thời giờ hiểu hết câu nói của mình, ông Tư lại tiếp:

- Nói tóm lại thì vụ trộm này đáng lẽ không thể nào xẩy ra được mới phải, vậy mà ông bà Cửu kêu là mất trộm thì thực là một sự lạ!

Nghe câu nói hoài nghi này, ông Cửu tức giận bảo:

- Có lẽ ông nghi cho tôi nói bịa ra việc mất trộm số tiền ấy chăng? Ông nên biết rằng với tôi, món tiền non 500 đồng ấy, nào có đáng gì mà tôi phải làm thế, nhiều lần đánh xóc đĩa, tôi mất hàng nghìn là thường.

Ông Tư vội vàng đấu dịu:

- Thưa ngài, tôi đâu dám thế, nhưng chẳng qua là tôi bàn đó thôi, vả lại việc tra xét ra manh mối vụ này là ở quyền các nhà chuyên trách mà ông thừa tôi đây hiện là đại diện.

Chẳng muốn để những chuyện khích bác có thể xẩy ra, ông thừa đứng dậy bắt tay ông Cửu mà bảo:

- Thôi, xin phép ngài… Chúng tôi hứa sẽ cố gắng tra xét vụ này cho chóng xong.

Rồi sau khi đã ra khỏi nhà ông Cửu, ông thừa hỏi ông Tư:

- Vậy ý kiến ông thế nào?

Ông Tư cười:

- Tôi thì còn có ý kiến gì nữa vả lại có điều muốn ông chú ý thì tôi đã thưa chuyện rồi!

Ông thừa lẩm bẩm gật đầu, rồi bảo:

- Vậy bây giờ xin ông lại nhà, nếu có điều gì cần hỏi thêm, tôi sẽ cho người lại mời.

Ông Tư vâng dạ, cúi đầu chào, rồi một mình trở về Hoa Phong đại tửu cư.

Và mới ở đằng xa, ông đã thấy nhà hàng có vẻ tấp nập lắm. Thì ra đó chỉ là những người hiếu kỳ đến hỏi thăm ông bà khán Lò.

Khi họ thấy ông Tư ung dung trở về thì ai nấy cùng ngạc nhiên, ngẩn người mà nhìn nhau. Bà khán buột miệng hỏi:

- Kìa, ông được về à?

Ông Tư điềm nhiên trả lời, như không hề có chuyện gì xẩy ra:

- Vâng… à, ở đầu phố có hàng bán mớ cá tươi lắm, bà mua mà kho thì ngon tuyệt!

Rồi ông đến cạnh chiếc bàn nhỏ, rót chén nước chè mạn sen nóng ngụt, đứng ở bên quầy tiền hút thuốc lá nhìn người qua lại, cái thú thường nhật của ông…




7
VÀ MỘT NHÀ TRINH THÁM TÀI TỬ

Mười hai giờ trưa thì Kỳ Phát và tôi về đến Ninh Giang. Chúng tôi đi xe của ông phủ vì ông với chúng tôi là chỗ quen biết, nhân buổi sáng gặp ông có nói cho biết ở hạt ông vừa mới xẩy ra vụ trộm kỳ lạ kể trên.

Rồi ông tiếp:

- Nếu các ông rỗi rãi thì về phủ tôi chơi nhân thể, cũng là một cách thay đổi khí giời.

Kỳ Phát có vẻ lưỡng lự, nhưng khi giở tờ báo Thời Gian thấy nói sẽ phái phóng viên Lê Song về mở cuộc điều tra tại chỗ thì chàng nhận lời ngay. Ông phủ thấy Kỳ Phát bằng lòng về thì vui mừng lắm, bảo:

- Tôi còn ở lại trên này vì công việc chưa xong, vậy đằng nào xe của tôi cũng cho về trước, các ông có thể đi ngay bây giờ!

Kỳ Phát hỏi nhỏ tôi:

- Thế nào, anh có bận gì không? Đi được chứ?

Tôi nghĩ ngợi, sau nói:

- Anh để tôi chạy lại đằng nhà in chừng một giờ cho xong kỳ báo tuần tới, rồi tôi sẽ đi với anh. Ở nhà, anh cứ sửa soạn đi!

Kỳ Phát cười, rút thuốc lá ra châm hút rồi nói:

- Tôi thì lúc nào chẳng sẵn sàng đi việc gì còn phải sửa soạn nữa. Vậy anh liệu về sơm sớm trước khi tôi hút hết điếu thuốc thứ ba… Chúng ta đi ngay như vậy thì có thể kịp về đến Ninh Giang ăn cơm trưa được!

Sự thực thì mấy hôm nay, tôi cũng bận, nhưng ý nghĩ được xem một cuộc tranh tài giữa Kỳ Phát và Lê Song làm cho tôi náo nức, không lòng nào bỏ qua được.

Suốt dọc đường, ngồi trong xe ô tô, Kỳ Phát không nói một câu chỉ ngả người vào phía sau đệm, cặp mắt lim dim, hình như muốn thu hết lực lượng để chờ sẵn một cuộc tranh đấu gay go vậy.

Khi xe còn cách Ninh Giang chừng hai cây số thì Kỳ Phát bảo tài xế:

- Bác tài cho xe chạy lên một quãng nữa rồi đỗ cho chúng tôi xuống nhé!

Anh tài không hiểu ý, lễ phép thưa:

- Hai quan xin cứ về thẳng phủ có hơn không?

Nhưng Kỳ Phát mỉm cười, lắc đầu:

- Được rồi, bác cứ để chúng tôi xuống đây, vả chúng tôi có chút việc riêng…

Anh tài không dám nói thêm gì nữa, dừng xe lại, để cho chúng tôi xuống nhưng trước khi lái xe, còn nói:

- Quan con có dặn xin mời hai quan về xơi cơm trong phủ.

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, chúng tôi có lẽ còn mắc việc mấy hôm rồi mới có thể vào hầu quan phủ được. Nếu quan có hỏi thì bác cũng nói thế hộ cho.

Rồi cẩn thận. Phát dặn lại:

- Và bác đừng nói cho ai biết có chúng tôi về để tra xét vụ trộm nhà ông Cửu Phú thì chúng tôi mới dễ làm việc được. Mà lúc nẫy tôi quên không kịp hỏi quan phủ rằng từ sớm nay ai giữ việc làm biên bản vụ ấy?

Anh tài chỉ tay về phía trước mà nói:

- Con thấy nói quan phủ giao việc cho ông thừa Đạt, các quan cứ tìm đến chỗ ngôi nhà một tầng sơn xanh, ở đầu phố thì hỏi thăm ai cũng biết ngay.

Sau khi tài xế đánh xe đi rồi tôi mới hỏi Kỳ Phát:

- Thế bây giờ anh định đến nhà ông thừa ngay à?

Kỳ Phát mỉm cười, lắc đầu:

- Sao anh nóng nẩy thế, sách chẳng có chữ “Dĩ thực vi tiên” ư? Vậy thì trước hết chúng ta hãy đi tìm chỗ ăn đã, chứ bây giờ hơn 12 giờ rồi, còn gì nữa!

Rồi sau khi đi dạo quanh phố phủ một lượt, Kỳ Phát cùng tôi vào nhà hàng Hoa Phong, ăn vội một bữa cơm rồi tìm đến nhà ông thừa Đạt. Lúc chúng tôi vào thì hình như ông thừa cũng vừa dùng cơm xong mà đương sửa soạn định đi nghỉ trưa. Khi ông biết là chúng tôi thì vui vẻ lắm, gọi người nhà pha nước, rồi niềm nở bảo:

- Các ông không ngại, tôi rỗi rãi thì ngủ trưa nếu không thì thôi, chứ không bắt buộc thành giấc. Vả lại, sự thực, dù có nằm hôm nay vị tất đã ngủ được vì chính tôi vẫn phân vân nghĩ ngợi về vụ trộm bí mật này lắm…

Rồi trong lúc pha nước cho chúng tôi uống, ông thừa rành mạch kể lại cho nghe đầu đuôi vụ trộm. Kỳ Phát nghe có vẻ chú ý lắm, nhất là đoạn thuật về ông Tư Vượng.

Cuối cùng chàng hỏi:

- Thế nghĩa là ông chưa có trát bắt ông Tư?

Ông thừa lắc đầu:

- Kể ra thì lắm lúc tôi muốn bắt lắm, nhưng khi thấy hắn đủ giấy má là một người có danh giá, thứ nữa là cử chỉ đến ngôn ngữ đều rất mực đứng đắn, lễ độ thì tôi lại ngại sợ mình mà bắt nhầm, khi tìm ra được thủ phạm thì mang tiếng.

Tôi nói:

- Nguyên cứ một chỗ hắn không khai rõ việc lấy tiền ở đâu, và đêm hôm xẩy ra vụ trộm hắn làm những gì thì mình có thể bắt được hắn rồi!

Ông thừa gật đầu:

- Cái đó là lẽ cố nhiên, nhưng đến khi hắn lại nhà ông Cửu, tính cho tôi nghe rõ những điều hiển nhiên tỏ ra rằng trộm không thể ở ngoài vào được thì lại đâm ra nghi ngờ…

Kỳ Phát mỉm cười hỏi:

- Ông nghi ngờ ngay chính bà Cửu Phú?

Ông thừa gật đầu:

- Vâng, vì nếu mà vụ trộm xẩy ra trong khi không có ai ở ngoài vào được thì tất nhiên phải là người ở bên trong lấy…

Tôi nói:

- Trong thì chỉ có hai vợ chồng ông Cửu Phú.

Ông thừa nhìn Kỳ Phát, mỉm cười rồi nói:

- Tôi thường có đọc nhiều truyện trinh thám Tây, vẫn thấy những nhà thám tử có danh dùng cái phương pháp loại trừ, nếu nghi ngờ bao nhiêu người, suy tính rồi trừ và loại dần ra, cuối cùng phải trở lại thủ phạm…

Rồi sau một phút nghĩ ngợi, ông tiếp:

- Ông Cửu Phú là người giầu có lớn; lại quyền thu quyền phát trong tay, như vậy không có lý gì mà chính ông phải bầy ra cái trò mà chính mình lại ăn trộm của mình!

Tôi nói:

- Theo cách loại trừ ấy thì chỉ còn một mình bà Cửu Phú!

Ông thừa như lưỡng lự một lát, sau cùng nói:

- Nghĩa là ngoài bà Cửu Phú ra, ta không còn có thể nghi ngờ ai được nữa!

Tôi nói:

- Và ta có thể ngờ chính bà Cửu là thủ phạm nhưng cần phải tìm ra cái cớ tại sao bà phải lấy trộm tiền của chồng thì cái thuyết ấy mới đứng vững được.

Ông thừa nói:

- Chính tôi đã để tâm đến điều đó. Tôi đã mở cuộc điều tra biết rằng bà Cửu Phú được ông chồng rất chiều - mà chiều là phải vì bà Cửu còn trẻ măng như con gái - bà muốn tiêu bao nhiêu, ông thường vẫn đưa cho không có ngần ngại bao giờ cả!

Tôi nói:

- Nếu vậy thì lẽ tất bà không phải lấy trộm số tiền kia!

Ông thừa lắc đầu:

- Nhưng chúng ta nên nhớ một điều là có thể nghi ngờ bà Cửu và ông Tư Vượng có quen biết nhau từ lâu, họ có thù nhau là đằng khác. Chính vì thế mà bà Cửu phải bầy cái trò lấy trộm tiền ra, cốt chỉ để có thể vu tội cho ông Tư Vượng mà thôi!

Từ lúc nẫy đến giờ, Kỳ Phát vẫn ngồi lặng im để nghe tôi và ông thừa bàn định, mãi lúc này mới gật gù nói:

- Phải, cái điều mà bà Cửu và ông Tư thù nhau thì tôi công nhận là có.

Rồi Kỳ Phát nói tiếp một câu, ra ngoài hẳn đầu đề làm cho ông thừa và tôi ngạc nhiên không hiểu gì hết:

- Mà chính đó mới là chỗ đáng để óc suy nghĩ hơn là vụ trộm này, thủ phạm là ai, cách hắn lấy trộm thế nào, đã rành rành ra đấy rồi!

Ông thừa vội hỏi:

- Vậy ra ông đã tra xong vụ này?

Kỳ Phát đứng dậy.

- Tôi chưa mở cuộc điều tra gì hết, nhưng cứ nghe ông nói thì tôi đã hiểu rõ thủ phạm là ai rồi… Nhưng điều đó không cần lắm nếu so với mối thù của ông Tư và bà Cửu.

Chẳng muốn cho ông thừa hỏi thêm nữa, Kỳ Phát kéo tay tôi bảo:

- Thôi bây giờ chúng ta xin phép đi chơi phủ một lát kẻo làm bận rộn chủ nhân nhiều lắm rồi.

Ông thừa như để ý đến vụ trộm nhiều hơn là những câu khách sáo ấy nên gặng hỏi:

- Vậy bao giờ ông có thể cho chúng tôi biết rõ việc này?

Kỳ Phát mỉm cười:

- Lẽ tất nhiên phải là lúc tôi tìm ra đủ manh mối! Có lẽ ông đã quên rằng chúng tôi mới để chân tới Ninh Giang chừng được hơn một giờ!




8
… VÀ MỘT NHÀ PHÓNG VIÊN
TRINH THÁM

Lê Song, chàng phóng viên trẻ tuổi của báo Thời Gian phải đi điều tra vụ trộm bí mật này có lẽ đến Ninh Giang từ sớm. Chàng theo một cách riêng khám xét và dò hỏi ở đâu, những ai điều ấy chúng ta khó mà rõ được.

Chúng ta chỉ thấy vào khoảng 7 giờ tối - giờ này thì ở nhà quê đã như khuya lắm rồi - chàng một mình lững thững ở ven bờ sông nhìn mây nhìn nước, giống hệt một kẻ an nhàn đi hóng gió sau lúc công việc đã xong xuôi.

Nghĩ như thế là nhầm vì thực ra nhìn quanh quẩn, chẳng qua để cho mọi người không để ý chớ sự thật, chàng vẫn không rời một người cũng đi thơ thẩn như chàng ở phía đằng trước cách chừng hai mươi thước.

Hai người theo nhau có lẽ từ lâu nên Lê Song chốc chốc lại xem đồng hồ lại lẩm bẩm:

- Quái lạ, hay hắn chỉ đi chơi phiếm.

Một lát sau, Lê Song lại nói một mình:

- Biết thế ta hãy đi tìm thủ phạm gạn hỏi cho hắn phải thú nhận đã!

Bỗng chàng dừng bước, cúi xuống để buộc dây giầy lại. Khi chàng ngẩng đầu lên thì đã không thấy người đi trước đâu nữa rồi.

Hoảng hốt Lê Song chạy rảo lên mấy bước như kẻ mất cắp, nhưng có lẽ sợ người đi đường để ý nên chàng lại thôi không đuổi nữa. Ngay lúc này, một chiếc xe không ở đằng sau tiến lên chào:

- Cậu đi xe?

Lê Song không một phút chậm trễ. Vẫy tay bảo hạ xe xuống, rồi nhanh nhẹn nhẩy lên, ra hiệu cho xe chạy thẳng về phía trước.

Nhưng anh xe như yếu nên chạy không nhanh làm cho Lê Song phải mấy lần giục:

- Kìa, chạy lên chứ!

Rồi sau khi bảo xe vòng quanh luôn mấy phố, Lê Song tức bực giậm chân xuống sàn xe mà lẩm bẩm:

- Thôi, mất hút nó rồi, còn gì mà theo nữa.

Anh xe bước chậm lại, hỏi:

- Cậu định tìm ai?

Lê Song đương tức gắt:

- Việc gì đến anh, thôi kéo quay lại!

Anh phu xe ngoan ngoãn nghe lời, vòng xe lại nhưng vẫn nói:

- Chắc cậu đi theo dõi người mặc bộ quần áo tây vàng đi trước lúc nẫy?

Lê Song ngạc nhiên:

- Sao anh biết, chắc anh cũng để ý từ lúc nẫy?

Anh xe không trả lời Lê Song chỉ nói tiếp:

- Cái ông ấy vừa lúc nẫy đã gọi xe nhẩy lên bảo chạy rẽ vào trong phố rồi, bây giờ thì còn tìm sao được nữa!

Lê Song thở dài, thất vọng, anh xe lại bắt đầu chạy. Lê Song ngồi ở trên, nghĩ ngợi thế nào bỗng buột mồm nói:

- Nhưng không biết rằng thực hay giả?

Anh xe nghe thấy câu này vẫn đều chân chạy nhưng nói:

- Lẽ tất nhiên là thực chứ lại.

Lê Song thoáng nghe thấy giật mình giậm chân xuống sàn xe mà bảo:

- Thôi dừng lại!

Và chàng tiếp luôn:

- Anh vừa nói gì?

Anh xe vẫn đi bước một thủng thẳng nói:

- Tôi vừa nói rằng lẽ tất nhiên phải là thực!

Lê Song hỏi dồn:

- Nhưng cái gì mà thực với giả chứ?

Anh xe vẫn không dừng bước, trả lời:

- Con mắt chứ cái gì nữa? Lẽ tất nhiên một con mắt của ông Tư Vượng phải hỏng thực vì nếu dối trá điều ấy thì ông thừa Đạt, khi xem quyển nếp dê lính của ông Tư để ý trông đã biết ngay.

Cố lấy giọng tự nhiên như không cảm động gì, Lê Song nói:

- Cứ xem lúc nẫy anh kéo xe khó nhọc vô cùng và lời anh vừa nói đây thì hình như nghề ngựa người chẳng phải nghề của anh?

Cũng dùng một giọng nói ấy, anh xe trả lời:

- Thưa ông, còn theo ý tôi, cứ theo cách thức ông xét đoán và theo dõi người ông nghi ngờ như vậy, đáng lý ông chỉ nên làm một người phóng viên - phóng viên trống trơn thôi chứ chẳng nên nhận danh hiệu lớn là phóng viên trinh thám!

Không thể trấn tĩnh được nữa, Lê Song kêu to:

- Kỳ Phát!

Tiếp sau ngay tiếng kêu này anh xe kỳ dị của chúng ta cũng buông tuột tay xe làm cho xe bị “tùng bê” chỏng gọng, và trong lúc vô tình Lê Song bị ngã nằm co quắp dốc ngược, lúng túng trong mui xe.

Kỳ Phát vẫn tự nhiên, làm ra bộ cuống quít gỡ cho Lê Song và nói:

- Chết chửa, ông ngã có đau không? Tại ông quát một tiếng to quá làm cho tôi giật mình rụng rời cả chân tay… Vả lại, đến ngay như những phu xe chuyên môn cũng có khi đánh “tùng bê” nữa là tôi mới kéo xe… một mùa!

Lê Song bị xỏ ngọt, tức lắm nhưng không làm sao được, chỉ vừa phủi quần áo vừa nói:

- Thế nào, vậy ra chính ông cũng về đây để điều tra vụ trộm của ông Cửu Phú?

Kỳ Phát điềm nhiên nói:

- Ông đã có hẹn lẽ nào tôi lại dám sai?

Lê Song ngạc nhiên:

- Tôi hẹn ông về Ninh Giang bao giờ?

Kỳ Phát mỉm cười:

- Vậy ông đã quên rằng sau khi tìm ra chiếc ảnh khỏa thân để… vất vào lò sưởi, ông chẳng viết thư hẹn tôi khi nào có dịp, sẽ lại gặp nhau ư?

Ngừng lại một lát, Phát lại tiếp:

- Vậy vụ trộm ly kỳ này chẳng đáng để cho chúng ta gặp gỡ sao?

Lê Song bĩu môi:

- Có thế mà ông cho là ly kỳ? Tôi thú thật với ông rằng nếu tôi biết trước nó chỉ đơn giản có thế thì tôi đã chẳng mất công về!

Kỳ Phát nở một nụ cười kín đáo hỏi:

- Vậy chắc chỉ chừng mươi hôm nữa thì ông sẽ tìm ra thủ phạm?

- … ..

(Tiếp theo là câu trả lời của Lê Song nhưng do bản gốc mờ mất một đoạn, nhà xuất bản không khôi phục được.)

Kỳ Phát nói:

- Nói thế, chắc ông đã biết thủ phạm là ai rồi?

Lê Song ung dung trả lời:

- Tôi chưa bắt chỉ là tôi chưa muốn thôi. Và lúc nào, tôi muốn lôi nó ra thì cũng dễ dàng như tôi móc gói thuốc này!

Vừa nói, Lê Song vừa móc trong túi ra một gói Lucky, rút một điếu đưa cho Kỳ Phát:

- Ông xơi điếu thuốc cho ấm!

Kỳ Phát nhận thuốc, móc túi lấy diêm, châm hút, rồi hỏi:

- Vậy ra lần này ông cũng lại muốn đọ trí với tôi chăng?

Lê Song nhún vai, lắc đầu:

- Nếu mà tôi không có lương tâm thì có lẽ tôi nhận lời ông đó. Nhưng không, tôi chẳng muốn thế, tôi chẳng muốn thi tài với ông…

(Bản gốc mờ mất một đoạn, nhà xuất bản không khôi phục được.)

Kỳ Phát giơ tay ra:

- Thế thì nhất định ông nhận đấu với tôi!

Hơi lưỡng lự một phút, sau Lê Song cũng đưa tay ra, bắt tay địch thủ, và nói:

- Đây là tôi chiều ý ông thôi, chứ quả thực ván bài này tôi quyết được rồi, nếu mà ông thắng lần này nữa thì tôi cứ xin ông chặt đầu tôi đi!

Kỳ Phát cười ngất:

- Chặt đầu thì không, nhưng tôi quyết bắt ông phải đổi cái tên đi!




9
NHƯNG ĐÂY MỚI THỰC
LÀ HAI ĐỊCH THỦ

Kỳ Phát thay quần áo xong, trở về nhà hàng Hoa Phong thì gặp tôi, vì đã có hẹn nhau trước ở đó. Lúc này hàng đã vắng khách, chỉ còn mấy người Trung Hoa ngồi nhẩm sà đọc báo, và bàn chuyện thời sự.

Kỳ Phát đã dặn tôi từ trước nên khi vào, tôi đã chọn ngồi một bàn ngay cạnh chỗ quầy tiền. Không hiểu lúc này ông khán Lò đi đâu, chỉ có bà khán đương ngồi chăm chú đánh vần đọc quyển truyện Cúc Hoa. Liếc nhìn quanh không thấy ông Tư Vượng đâu, Kỳ Phát bỗng vờ như bàn chuyện với tôi, nói to đủ để bà khán nghe thấy tiếng:

- Nhưng thế nào thì hắn rồi cũng bị bắt!

Bà khán thoáng nghe thấy, ngẩng đầu lên, lắng tai, trong khi Kỳ Phát nói tiếp, bảo tôi:

- Mà chắc nhà trọ không khéo cũng bị lôi thôi!

Bà khán không thể nhịn được nữa, đứng dậy đến bên bàn chúng tôi, rồi hạ giọng hỏi:

- Tôi hỏi thế này không phải, xin hai ông tha lỗi. Có phải ông đương nói về vụ trộm nhà ông Cửu Phú?

Kỳ Phát không trả lời câu hỏi chỉ nghiêm giọng nói:

- Bà là chủ cửa hàng này?

Nghe giọng nói của Kỳ Phát và nhất là đương lo lắng sẵn, bà khán Lò yên trí ngay rằng Kỳ Phát và tôi là hai nhân viên của Sở Liêm phóng trên tỉnh phái về, nên lộ vẻ sợ hãi, khúm núm thưa:

- Bẩm vâng, nhưng quả thực con oan, cũng tưởng hắn là người lương thiện có ngờ đâu…

Kỳ Phát gật gù nói:

- Chúng tôi hiểu, bà không việc gì mà lo sợ. Nhưng bà cần phải cho chúng tôi biết rõ hắn đến trọ ở đây đã được bao lâu rồi?

Bà khán thấy hỏi, lập tức rành mạch kể lại cho chúng tôi nghe suốt từ đêm mưa gió bà có ông khách lạ đến ăn hàng cho đến khi ông thiếu tiền trọ và sau cùng xẩy ra vụ trộm…

Rồi bà tiếp:

- Quả thực chúng con không thấy cái gì đáng nghi ngờ cả, riêng có một điều mà mãi bây giờ cũng vẫn chưa hiểu là mắt ông ấy có khi như lác, có lúc lại rõ ràng không!

- Nếu vậy thì chắc chắn hắn có một mắt giả rồi!

Tôi nói:

- Thì chính ông thừa Đạt cũng nói thế!

Kỳ Phát không để ý đến câu tôi vừa nói, thở khói thuốc lên trần nhà, lẩm bẩm như suy tính một mình:

- Như vậy thì nghĩa là ông thừa không nhầm… quái lạ thực!

Ngay lúc này, ngoài cửa hàng có chiếc xe xịch đỗ. Kỳ Phát nhận ra đó là bà Cửu Phú thì vội vàng bảo khẽ bà khán Lò:

- Bà không được nói cho ai biết có chúng tôi nhé!

Bà khán vâng dạ, trở về chỗ quầy tiền, vừa lúc bà Cửu Phú ở ngoài bước vào, liếc nhìn quanh nhà một lượt không thấy có ông Tư Vượng thì hỏi:

- Bà chủ, ông Tư Vượng đâu rồi?

Bà khán chỉ tay vào phía trong trả lời:

- Từ sáng đến giờ ông ấy kêu mệt, nằm lì ở trong buồng!

Bà Cửu Phú như lưỡng lự, giây lâu mới hỏi:

- Bây giờ không biết ông ấy đã ngủ chưa?

Bà khán liếc nhìn vào phía trong rồi trả lời:

- Có lẽ đi ngủ rồi vì chỉ thấy để có đèn con!

Bà Cửu Phú như thất vọng, quay trở ra, nhưng sực nhớ, trở lại hỏi:

- Thế ông ấy ở đây không đi đâu bao giờ à?

Bà khán Lò nói:

- Có, lệ thường, sáng nào cũng khoảng 6 giờ thì ông ấy đi chơi, bảo để thở khí giời trong sạch…

- Thế sáng mai ông ấy có đi không?

Bà khán lắc đầu:

- Tôi cũng không biết nữa, nhưng mọi khi thì hình như ông ấy nghiện buổi đi chơi này, nên dẫu trời mưa cũng đi…

Bà Cửu nghe được câu ấy, không hỏi thêm gì nữa cảm ơn rồi chào mà đi ra.

Sáng hôm sau, tuy trời lâm thâm mưa mà Kỳ Phát đã đánh thức tôi dậy sớm và giục mặc quần áo. Tôi hỏi đi đâu thì Phát bảo:

- Anh cứ mặc đi đã, nhanh lên, kẻo mà trễ mất rồi!

Tôi không dám hỏi thêm nữa, mặc vội quần áo rồi theo Kỳ Phát đi. Chàng như đã dự định sẵn nên dẫn tôi một mạch đi vòng theo lối bờ sông đến cạnh nhà hàng Hoa Phong chừng 50 thước thì dừng lại, kéo tôi sát lại và nói nhỏ.

- Hắn chắc sắp ra bây giờ!

Tôi không hỏi nhưng cũng thừa hiểu ý Phát định cùng tôi chờ Tư Vượng ở đấy. Mà nhà trinh thám trẻ tuổi của chúng ta quả nhiên đoán đúng vì chúng tôi đứng chưa được mười phút thì đã thấy ông Tư Vượng khoác chiếc áo tơi đen bước ra. Ông đi chậm chạp đầu hơi cúi, hình như mải nghĩ ngợi điều gì.

Có lẽ vì thế mà ông không để ý đến chúng tôi, lúc này đã nhanh chân rẽ sang phố khác, vẫn dáng điệu trầm ngâm ấy, ông tiến lên dọc theo phố bờ sông. Kỳ Phát đợi cho ông đi cách một quãng mới vẫy chiếc xe tay, cùng tôi ngồi lên bảo kéo theo lối ông Tư vừa đi.

Và Phát dặn tôi:

- Đừng nhìn gì hắn cả nhé!

Thế rồi một lát sau, xe chúng tôi đã vượt qua ông Tư, chạy thẳng lên phía trước. Mười phút sau, Kỳ Phát bảo xe dừng lại, trả tiền đâu vào đấy rồi kéo tôi rẽ xuống bờ sông, kiếm một chỗ thoải dốc, trải tờ nhật trình ra ngồi. Hai mắt sáng quắc, đầy hy vọng, Kỳ Phát xoa tay bảo tôi:

- Theo lệ thường, hắn vẫn ngồi chỗ kia, trên hòn đá xanh lớn, tuy cách đây chưa đầy 8 thước nhưng khuất không thể nhìn thấy chúng ta ở dưới này được…

Và ngừng một lát để nhìn về phía xa, Kỳ Phát nói tiếp:

- Tôi đoán chắc hắn sẽ đến đây bây giờ, và có lẽ không đến một mình đâu!

Điều này, Kỳ Phát đoán không trúng lắm vì mấy phút sau quả nhiên tôi thấy bóng ông Tư Vượng trong bộ áo tơi đen, lừ đừ tiến đến, nhưng ông đến có một mình.

Ông ngồi xuống phiến đá xanh mà Kỳ Phát chỉ cho tôi lúc trước rồi chẳng hề nhìn quanh quẩn, rút trong túi áo khoác ra tờ nhật trình buổi sớm, chăm chú đọc.

Mãi chừng mười phút sau nữa, chúng tôi mới thấy một chiếc xe tiến lại phía này, trong có một người đàn bà ngồi: bà Cửu Phú. Khi bà đã trông thấy ông Tư Vượng ngồi ở đó thì bà mới bảo xe đỗ xuống, rồi sau khi đợi cho phu xe quay đi, nhẹ nhàng đến chỗ ông Tư ngồi.

Lúc này, bà cũng chú ý đến ông Tư quá mà chẳng trông thấy chúng tôi nữa.

Kỳ Phát sẽ nắm lấy tay tôi ra hiệu chú ý hết sức. Thực lúc ấy, chúng tôi quả giống hệt như hai người thợ săn rình bắn thú dữ trong khi con mồi đã buộc sẵn ở đó rồi.

Bà Cửu Phú đã đến sau lưng ông Tư Vượng. Ông thấy động quay đầu lại, rồi sau khi trông thấy bà Cửu Phú, ông lại điềm nhiên cúi xuống đọc báo.

Bà Cửu Phú hơi lưỡng lự, rồi cuối cùng, không thể dùi dắng nữa, cất tiếng gọi:

- Này ông Tham Dị!

Ông Tư Vượng vẫn ngồi im không nhúc nhích!

Bà Cửu đứng lặng giây phút rồi se sẽ gọi:

- Ông Tư Vượng!

Ông Tư quay lại, rồi đứng dậy, bỏ cặp kính xuống, lấy mùi soa lau, và nói:

- Thưa bà!

Bà Cửu tiến đến sát trước mặt ông Tư rồi hỏi:

- Ông chưa nhận được ra tôi ư?

Ông Tư đã lau xong cặp kính, nhẹ nhàng đeo lên mắt rồi lễ phép nói:

- Thưa bà, nếu tôi không lầm thì bà đã có lần đỗ xe ô tô cùng ông nhà vào ăn trong hiệu Hoa Phong là nơi tôi ở trọ. Và một lần, tôi với ông thừa Đạt…

Bà Cửu như sốt ruột, hỏi luôn, chẳng để cho ông Tư nói hết lời:

- Không, tôi muốn hỏi ông đã nhớ đến tên tôi chưa?

Ông Tư vẫn điềm tĩnh như thường, lễ phép trả lời:

- Thưa bà, sau lúc bà đi rồi, tôi có mạn phép hỏi bà chủ hiệu thì bà ấy có bảo cho tôi biết bà là nội tướng ông Cửu Phú, một người có tiếng là giầu có và danh vọng ở phủ này. Cả cái hôm ông thừa dẫn tôi lại…

Bà Cửu giậm mạnh chân xuống đất, nóng nẩy bảo:

- Ông khéo vờ vĩnh lắm…

Rồi đổi luôn sang giọng khác, bà tiếp:

- Mà chính cái lối điềm tĩnh, hầu như chậm chạp của anh làm cho tôi nhận được ngay ra anh lập tức, chắc chắn không sao nhầm được!

Ngạc nhiên, ông Tư Vượng hỏi:

- Bà dạy…?

Bà Cửu cau mặt, tức tối:

- Tôi đã bảo anh đừng vờ nữa cơ mà? Anh nên nhớ rằng khi anh đã nhận được ra tôi là Lệ Nhung ở số 87 Khâm Thiên hay Juliette Tâm, con em của nhà chị Anna cũng thế, thì tất nhiên tôi cũng phải nhận ra anh…

Lạnh lùng, ông Tư nói:

- Thưa bà, tôi là Tư Vượng!

Bà Cửu, tức Lệ Nhung, tức Juliette Tâm, chán nản lắc đầu:

- Tôi khuyên anh chẳng nên chơi cái jeu ấy nữa! Lẽ tất nhiên bây giờ tôi có thể đàng hoàng là bà Cửu Phú được thì anh khó khăn gì mà chẳng hóa được thành ông Tư Vượng. Nhưng chúng mình với chúng mình, thì còn lạ gì nhau nữa, anh Tham Dị nhỉ.

Ông Tư Vượng lắc đầu:

- Xin bà tha lỗi cho tôi, nếu không biết rõ bà là nội tướng ông Cửu thì tôi đã ngờ bà là một người mất trí mới trốn ở nhà thương Vôi ra…

Bà Cửu cười gằn:

- Không, anh đừng nói thế, tôi không điên mà anh cũng không điên! Mà có lẽ chúng ta lại còn sáng suốt hơn nhiều người nữa, chẳng hạn như lão Thừa Đạt! Tôi nói có đúng không, anh Sáu Kền?

Ông Tư Vượng sửng sốt lắc đầu:

- Tôi không hiểu bà định nói những gì, vừa đây, bà gọi tôi là Tham Dị, bây giờ lại Sáu Kền…

Bà Cửu Phú cười nhạt:

- Cũng chưa hết đâu, anh ạ! Anh thì nhiều tên lắm, xưa ở Hà Nội, làm anh chị ở Dốc Hàng Gà, anh có tên là Sáu Kền, nhưng từ khi đứng đầu bọn cướp lớn ở Nhã Nam thì tên chiến của anh lại là Tâm Giò mà đồng đảng thường gọi là anh Bẩy Nhã Nam. Cộn tên hiệu của anh thì nhiều hơn nữa, tùy từng công việc định làm, anh lấy tên là Phán Thao, Tham Dị, Nghị Chí, Hàn Thiệu, có khi lại cả gan mạo xưng là Phủ Ấn nữa… Và cái tên giả cuối cùng của anh ở Ninh Giang này là Tư Vượng…

Bà Cửu nói một hơi như cố ý thu hết sức đánh dồn địch thủ nhất định chiếm lấy phần thắng về mình. Nhưng chỉ nói được đến đấy, bà đã thở mạnh rồi nhọc mệt, bà dịu giọng tiếp theo:

- Anh Sáu ạ, tôi quả thực không biết anh định về Ninh Giang đánh “đất” nào, chỉ vì sự tình cờ mà tôi theo lão Cửu Phú chạy về đây ở… Khi vào ăn ở Hoa Phong, tôi thoáng trông đã nhận được ngay ra anh, mặc dầu bây giờ anh trông già đi nhiều. Mà tôi chắc anh cũng nhận được ngay tôi từ lúc ấy. Tôi lo sợ ngay, vì đã mấy năm sống với nhau, tôi còn lạ gì cái tính cương cường của anh nữa. Có lẽ vì anh tưởng tôi bây giờ được thành bà Cửu Phú thì lên mặt với anh, người mà từ trước đến nay, tôi vẫn sợ hãi và kính phục.

Lời bà Cửu đến đây đã thành ra năn nỉ trong lúc ông Tư Vượng vẫn lạnh lẽo đứng yên, hơi tỏ ra vẻ nóng ruột nữa vì thấy người đàn bà kỳ dị này nói mãi không hết lời.

Ngừng lại giây phút, bà Cửu lại tiếp:

- Mà anh nghĩ coi, trước đây, chính tự anh bỏ tôi vơ vất ở Lao Cai mà đi một mình… Tôi đã tìm anh nhiều lần, nhưng anh nhất định rũ áo không quay lại. Mặc dầu, có phải vì thế mà tôi dám thù ghét anh đâu… Vậy thì sao mà anh lại nỡ nhất định hại tôi, đời tôi bây giờ đương là lúc làm lại hẳn cuộc khác, anh đang tâm nào mà vào lấy chiếc sắc của tôi…

Ông Tư Vượng ngắt lời bà Cửu:

- Bây giờ thì tôi nghe đã hơi vỡ câu chuyện, hiểu ra rằng bà ngờ tôi là một tay anh chị, một tướng giặc, một thủ lĩnh nhiều vụ trộm cướp lớn mà các báo ở đây đã nhiều lần nói tới tên là Sáu Kền hay Tâm Giò gì đó… Nhưng tại sao bà không nghĩ tới chỗ Sáu Kền chẳng phải là tay trộm cắp loàng xoàng, những vụ hắn làm đều là bạc ngàn, tiền vạn trở lên, chứ khi nào lại phải hạ mình về đất Ninh Giang này mà ăn trộm món tiền vặt ba, bốn trăm đồng để trong sắc của bà?

Trong khi ông Tư điềm nhiên nói như vậy thì bà Cửu như đầy hy vọng, bà đợi cho ông Tư nói hết, mới lơi lả nắm cánh tay ông kéo lại sát mình:

- Phải lắm, giọng nói như vậy mới đúng là anh Sáu Kền của Juliette. Nhưng tôi thừa biết anh vào nhà lão Cửu Phú chẳng phải cốt để lấy tiền mà ý định tìm ra một vật gì khả dĩ có thể chứng thực được cái gốc tích chẳng tốt đẹp gì của tôi, và anh sẽ dùng vật đó để phá tan cuộc đời mới của tôi hiện giờ…

Ông Tư Vượng sẽ gỡ tay bà Cửu ra, rồi nói:

- Đến đây, bà định nói gì tôi lại không hiểu nữa rồi!

Mặc dầu, bà Cửu có tiếp:

- Tôi thấy anh đã lấy được vật ấy trong tay rồi thì hoảng sợ quá và làm liều. Tôi đã dại dột tố cáo nghi ngờ anh là thủ phạm vụ trộm ấy để các nhà chuyên trách để ý tới anh. Nhưng sức tôi chống với anh sao được. Đi cùng với ông thừa Đạt đến nhà tôi, anh đã dễ dàng gỡ tội mình một cách rất khéo léo rồi luận lý một cách xa xôi để cho tự ông thừa Đạt phải nghi ngờ chính tôi là thủ phạm vụ trộm ấy.

Ngừng lại một giây để thở, bà Cửu lại vội vàng tiếp:

- Nhưng anh Sáu ạ, bây giờ thì tôi hối lắm rồi. Tôi chỉ cầu xin anh tha thứ cho tôi, trả tôi vật ấy, còn tôi xin hứa với anh sẽ bảo lão Cửu Phú nội nhật ngày mai lại dọn lên tỉnh ở…

Ông Tư Vượng lắc đầu:

- Thôi, bà nói thế là nhiều lắm rồi mà bà càng nói thì tôi lại càng không hiểu thêm được tí gì cả. Tôi chắc khi xẩy ra vụ trộm kia thì bà sinh ra lo sợ và gần như loạn trí. Tôi khuyên bà bây giờ hãy nên về nhà nghỉ tĩnh dưỡng là hơn cả. Rồi đây, nhà chuyên trách sẽ tìm ra thủ phạm vụ trộm mấy trăm đồng kia. Một lần cuối cùng nữa, tôi nói để bà biết chắc rằng tôi chính là tên Tư Vượng và chỉ có một tên là Tư Vượng mà thôi!

Bà Cửu lắc đầu, thất vọng. Nhưng không biết nghĩ ngợi thế nào, đột nhiên bà đổi giọng nhìn thẳng vào mặt ông Tư mà hỏi:

- Bây giờ tôi muốn hỏi anh một lần cuối cùng nữa rằng có phải anh nhất định không ưng lời cầu xin của tôi không?

Trước câu nói đầy vẻ quyết liệt dọa nạt ấy, ông Tư vẫn bình tĩnh điềm nhiên, đáp:

- Tôi đã thưa với bà rằng từ lúc bắt đầu đến giờ bà hoàn toàn nhầm cả, bà nhất định buộc tôi thành những nhân vật ghê gớm mà sự thực tôi chỉ là Tư Vượng, một cựu chiến binh bị trọng thương tại trận hiện thời mong ân chính phủ rộng cho hưởng tiền lương bổng đủ nuôi sống cái thân tàn…

Nhưng chẳng để cho ông Tư nói hết, bà Cửu vùng vằng bảo:

- Thôi được rồi, anh đã nhất định như vậy thì anh đừng có trách tôi. Anh chớ có tưởng tài giỏi như anh thì tôi không làm gì được nổi anh đâu. Anh nên nhớ rằng sống mấy năm bên cạnh anh, tôi đã biết rõ nhiều công việc bí mật của anh mà chính những đồng đảng tâm phúc của anh cũng không biết được…

Rồi giơ tay vẫy một chiếc xe không đương kéo nghễu nghện đằng xa lại, bà Cửu nhẩy lên xe bảo chạy, nhưng còn ngoái cổ lại, cười một cách ghê gớm, nói vọng:

- Hãy coi chừng đó, ông Tư Vượng ạ!




10
HAI THỦ PHẠM

Sáng hôm sau, khi đã nhận được dây thép, Kỳ Phát giục tôi:

- Anh soạn va ly nhanh lên, chúng ta về Hà Nội ngay bây giờ!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Nhưng còn thủ phạm vụ trộm này?

Kỳ Phát vừa thắt vội chiếc ca vát vừa gắt:

- Anh làm nhỡ chuyến xe mất thôi!

Tôi không dám hỏi nữa, vội vàng xếp quần áo vào va ly. Nhưng bỗng ngoài cửa có tiếng gọi:

- Kỳ Phát, ông Kỳ Phát?

Rồi tôi thấy Lê Song ở ngoài hốt hoảng chạy vào. Khi thấy chúng tôi thì chàng phóng viên trinh thám mừng rỡ nói:

- May quá, các ông có ở nhà.

Kỳ Phát mỉm cười hỏi:

- Có việc gì thế ông Lê Song?

Rút thuốc lá ra châm hút, và như cố giữ sự vui sướng đang tràn ngập trong lòng mình, Lê Song nói:

- Tôi đến để mời các ông đi bắt thủ phạm!

Kỳ Phát mỉm cười chỉ chiếc va ly tôi đương sếp soạn:

- Chúng tôi đã biết trước thế nên anh em đã bảo nhau sửa soạn đợi theo ông về Hà Nội.

Thế là mấy phút sau, cả ba chúng tôi đều đã ngồi trên chiếc xe ô tô mà Lê Song đã hỏi mượn ông Cửu Phú đánh đến tận nhà đón chúng tôi. Trên con đường Hải Dương - Hà Nội, Kỳ Phát chỉ lim dim ngủ gà, ngủ gật, trong lúc Lê Song muốn gọi chàng nói chuyện. Mãi cho đến lúc xe quặt vào phố Gia Lâm, Lê Song không nhịn được nữa mới gọi Kỳ Phát bảo:

- Ông Kỳ Phát, lần này ông đã thực chịu thua tôi chưa?

Nhưng Kỳ Phát chỉ lặng yên, mỉm cười…

Một lát sau, xe qua cầu Sông Cái, Kỳ Phát mới hỏi Lê Song:

- Bây giờ ông định dẫn chúng tôi đi bắt thủ phạm ở đâu?

Lê Song xoa tay nói:

- Ông đừng nóng nẩy, chúng ta đến nơi bây giờ!

Và chắc đã dặn tài xế từ trước, nên một lát sau, xe đã dọc theo lối bờ sông, rẽ lên đường đê Yên Phụ rồi đỗ trước một gian nhà hai tầng chơ vơ ở đó. Nhanh nhẹn, Lê Song đã cùng chúng tôi xuống xe.

Liếc nhìn quanh không thấy gì khả nghi, Lê Song bảo tôi và Kỳ Phát:

- Hai ông đứng đợi ở dưới này nhé! Cứ theo như tôi đoán thì có lẽ thủ phạm sẽ chịu hàng ngay, không dám chống cự gì. Nhưng cần phải học đến chữ ngờ mới được, vậy các ông hãy đề phòng, hễ thấy tiếng tôi kêu thì ông Kỳ Phát lập tức xông vào, giúp tôi một tay, còn ông và bác tài thì đứng đón ở ngoài này, bất cứ thấy ai chạy ra là cứ tóm lấy đã.

Dặn dò đâu đấy, Lê Song nhẹ nhàng đẩy cửa, lẻn vào trong nhà. Năm phút qua, mười phút qua… vẫn không có một tiếng động khả nghi nào! Rồi đột nhiên chúng tôi thấy cánh cửa sổ trên gác mở toang ra, Lê Song ngó cổ xuống, mừng rỡ gọi chúng tôi:

- Các ông lên cả đây, xong công việc rồi!

Chúng tôi theo lời, vào nhà, trèo thang, lên gác, Lê Song hớn hở đợi chúng tôi, chỉ một người bị trói gô như chiếc xúc xích nằm ở dưới sàn mà bảo chúng tôi rằng:

- Các ông đã thấy thủ phạm chưa?

Kỳ Phát không nói gì cúi xuống nhìn tận mặt rồi sờ nắn quanh người hắn. Nhưng Lê Song bảo:

- Ông định tìm số bạc mất hẳn, tôi đã tìm rồi, không có, thì ra hắn đã bị đồng phạm lấy rồi. Nhưng không sao, rồi tôi cũng sẽ lấy được!

Tôi liếc nhìn thủ phạm, đó là một người tuổi trạc ba mươi, mặc bộ quần áo vải trắng mới nguyên, sắc mặt xám xanh vì sợ hãi. Lấm lét nhìn chúng tôi, người ấy van lạy:

- Bẩm các quan sinh phúc tha cho chúng con, quả thực chúng con trót dại… Nếu các quan mà bắt tội thì mẹ già, vợ dại, cả nhà không biết sống vào đâu…

Lê Song cười gằn:

- Lạ thực, không hiểu các anh nghĩ sao mà trước thì không thấy nói đến, cứ lúc phạm tội rồi, bị bắt mới nghĩ đến vợ dại với con thơ…

Thủ phạm năn nỉ:

- Bẩm lậy các quan, các quan làm phúc tha cho lần này, bận sau chúng con không dám thế nữa.

Lê Song mỉm cười:

- Cứ một lần thế này cũng đủ rũ tù rồi chứ anh còn muốn mấy lần nữa? Nhưng thôi, việc làm tội thủ phạm chẳng phải là công việc của tôi, vậy thì tôi hẹn cho anh mười hôm anh phải làm thế nào tìm lấy số tiền kia mà hoàn lại hẳn hoi!

Vừa nói, Lê Song vừa rút con dao nhỏ, cắt đứt dây thừng trói cho thủ phạm. Hắn được thả, sung sướng như người sống lại, vái lia lịa chúng tôi rồi chạy xuống gác, hấp tấp thế nào mà suýt ngã đến ba bốn bận.

Sau đó, chúng tôi ra xe ô tô. Anh tài xế hỏi:

- Lúc nẫy tôi vừa thấy bác Hai Tòng hốt hoảng chạy ra đây, bác ấy lên đây từ bao giờ mà tôi hỏi, bác ấy chẳng nói gì cả, bỏ chạy một mạch!

Lê Song ừ ào bảo:

- Phải, hắn lên đây, nhưng có việc vội lại phải đi ngay! Thôi bây giờ xong việc rồi, bác có thể đánh xe về và nói hộ với ông Cửu rằng tôi sẽ có thư xuống sau…

Nhưng Kỳ Phát giữ anh tài lại bảo:

- Bác về làm gì vội, hãy đợi đi với chúng tôi đằng này một lát đã!

Trong khi ấy, Lê Song chép miệng bảo tôi:

- Ấy đó, cứ tin thầy tớ tâm phúc ở lâu năm với mình thì có khi nó vác cả nhà đi! Thằng Hai Tòng này ở với ông Cửu Phú đã đến mười năm nay, thế mà có dịp, nó cũng chẳng từ gì mà không nẫng của ông chủ, bà chủ! Vả lại cũng ngon lắm cơ, nó có chìa khóa riêng, khó khăn gì mà không vào được!

Có một điều mà tôi lấy làm lạ là Kỳ Phát tuy đã đến nước này, mà vẫn điềm nhiên như không, chẳng ngượng nghịu chút nào cả. Tôi sẽ kéo tay Kỳ Phát, nói nhỏ:

- Thôi, chúng ta về đi chứ?

Kỳ Phát lại nói to mà bảo tôi:

- Về ngay thế nào được, ít ra chúng ta cũng phải mời ông Lê Song mấy chén rượu mừng cuộc đắc thắng này đã chứ!

Lê Song nhún nhường:

- Thôi, ông tha phép cho tôi vì tôi cần về ngay tòa báo viết bài bây giờ!

Nhưng Kỳ Phát bảo:

- Ông vội gì thế, vả lại ngày hôm nay thợ nhà in nghỉ, báo mai ngày lễ không ra cơ mà.

Lê Song đành phải theo lời, cùng chúng tôi lên xe ô tô về một khách sạn lớn ở góc phố Hàng Bông, Kỳ Phát vui vẻ bảo tài xế:

- Bác vào ăn cả với chúng tôi cho vui.

Tài xế từ chối:

- Xin mời các ông lên gác, tôi còn phải trông xe.

Kỳ Phát bảo:

- Nếu vậy thì bác ngồi ăn ở dưới nhà, trông xe cũng được cơ mà…

Tài xế cảm ơn, theo vào. Chúng tôi bước lên thang gác, có một đứa nhỏ dẫn đường, Kỳ Phát hỏi:

- Thế nào, có ai lại chưa?

Thằng nhỏ thưa:

- Bẩm ông chưa, nhưng chúng con bầy bàn đã được hơn một giờ rồi!

Sau đó, ba chúng tôi vào một phòng riêng ở trên tầng thứ ba, trang hoàng rất lịch sự, màn cửa toàn chăng bằng nhung xanh biếc. Giữa phòng, một chiếc bàn rải khăn phủ trắng tinh, giữa để một lọ hoa tươi thắm, chung quanh bầy sẵn bát đũa cho bốn người ăn.

Lê Song như hơi nghi ngờ hỏi Kỳ Phát:

- Vậy ra ông đánh dây thép dặn khách sạn dành bàn cho chúng mình từ trước?

Kỳ Phát gật đầu:

- Bây giờ ở đây khách ăn đông lắm, nếu không dặn trước thì phòng riêng ít khi còn chỗ. Vả tôi biết chắc thế nào lần này ông cũng thắng nên sửa soạn tiệc mừng sẵn sàng… để đền ông bữa tiệc cưới mà tôi trót hẹn mời ông lần trước rồi không y lời hứa được…

Lê Song lưỡng lự giây lâu rồi lại hỏi:

- Nhưng sao lại thừa bát đũa một người ăn?

Tôi thực thà nói:

- Chắc đây là bát đũa của bác tài, nhưng bác chẳng chịu lên gác!

Kỳ Phát cười:

- Nhiều người tin rằng khi bầy mâm có thừa bát đũa thì thế nào cũng có khách đột nhiên đến chơi, chẳng biết lần này có đúng không?

Kỳ Phát vừa nói dứt lời thì bên ngoài có một người bước vào làm cho tôi, mà nhất là Lê Song sửng sốt!




11
BA MẶT MỘT LỜI!

Người ấy là ông Tư Vượng.

Ông vẫn giữ cái dáng điệu chậm chạp thường nhật, vẫn bộ quần áo tropical tuy kiểu cắt rất khéo léo nhưng đã nhiều chỗ sờn gần rách. Lặng lẽ ông cúi chào chúng tôi, rồi ngồi xuống chiếc ghế bỏ không, ngay trước bộ đũa bát để thừa sẵn.

Kỳ Phát mỉm cười, giơ tay giới thiệu:

- Đây là ông bạn tôi, Lê Song, phóng viên trinh thám của báo Thời Gian.

Ông Tư Vượng lễ phép cúi chào, nói nho nhỏ:

- Dạ, chúng tôi đã biết!

Kỳ Phát tiếp:

- Còn đây là ông Tư Vượng, chính tên thực là Sáu Kền, Tâm Giò và v.v… một tay cừ khôi trong đám giang hồ, bấy lâu khét tiếng!

Trong khi Lê Song ngẩn người kinh ngạc thì ông Tư Vượng đã lại sẽ cúi đầu, khiêm tốn.

Ngoảnh lại phía Lê Song, Kỳ Phát tiếp:

- Trước hết, ông hãy cảm ơn ông Tư đi, vì đã giúp ông trói thủ phạm sẵn sàng và báo cho ông biết để đến bắt!

Thấy Lê Song ngạc nhiên, Kỳ Phát móc trong túi ra mẩu giấy con, đưa cho chàng mà bảo:

- Mảnh giấy nhỏ này, ông Tư đã cẩn thận gài vào túi Hai Tòng, định để ông xem nhưng vì ông vội tìm tập bạc nên không để ý tới.

Lê Song liếc nhìn vào mảnh giấy thấy có mấy dòng bút chì nguệch ngoạc:

“Ông Lê Song,

Trước hết xin ông hãy tha lỗi cho tôi đã mạo danh ông Văn Huỳnh, người bạn quý của ông mà đánh dây thép mời ông lên đây bắt thủ phạm. Nhưng tôi chắc ông vui lòng tha thứ vì tôi đã gói bọc hàng sẵn sàng, thừng buộc rất chắc, để ông có lên chỉ việc giao ra Sở Liêm phóng là xong.

Tư Vượng”

Lê Song đọc hết, mặt ửng đỏ vì thẹn hối lại lúc trước đã vì lòng hiếu thắng mà nhận liều chính mình đã trói được thủ phạm; tôi thấy thế, vội nói lảng sang chuyện khác:

- Ông Tư tại sao lại biết có chúng tôi ở đây mà tìm đến?

Ông Tư - chúng ta cứ gọi là ông Tư cho tiện - hơi có ý ngạc nhiên, nhìn tôi rồi hỏi lại rằng:

- Vậy ra ông Kỳ Phát không kể chuyện lại cho ông nghe ư?

Thấy tôi lắc đầu, ông Tư lại nói:

- Từ trước đến nay, gặp những tay địch thủ đã nhiều, song quả tôi chưa thấy ai có phương pháp hành động nhẹ nhàng mà quyết liệt như ông Kỳ Phát. Có lẽ đã biết rõ tung tích tôi, và hiểu ý định của tôi toan trốn ra ngoài biên giới nên ông đã đánh dây thép cho đồng bạn đón tôi và bảo: “Ông Tư, anh Kỳ Phát của chúng tôi có dặn chờ ông ở đây và khuyên ông hãy nên trở về Hà Nội, gặp anh chúng tôi tại khách sạn Đông Á, vào hồi 11 giờ đã…” Tôi hơi lưỡng lự, trả lời: “Nhưng tôi vội đi…” Người kia quả quyết bảo tôi: “Rồi ông sẽ đi cũng không sao, vì theo lệnh của anh chúng tôi thì ông nên quay lại đã, như vậy thì ông chỉ chậm nhiều lắm là 24 giờ, trái lại, nếu ông nhất quyết không nghe thì tôi e rằng ông sẽ không thể nào qua biên giới được, chẳng những vậy, lại còn có thể gặp nhiều sự khó khăn nữa là đằng khác. Chẳng nói thì ông cũng biết rằng anh chúng tôi biết rõ lai lịch của ông lắm rồi!”

Mỉm cười như người đã nhận thấy rõ ràng phần thắng ở địch nhân, ông Tư tiếp:

- Và như vậy thì ông tính tôi không theo lệnh mà trở về đây làm sao được?

Kỳ Phát nhún nhường nói:

- Ông dạy quá lời. Có điều, mấy người bạn tôi hơi cương quyết quá, có lẽ đã làm ông mích lòng!

Ông Tư cúi đầu thưa:

- Kể ra thì chính tôi là người có lỗi. Nhưng nghĩ lại thì chẳng qua là việc không may xẩy ra đó thôi, chứ tôi bây giờ nào có thiết gì tiền bạc nữa!

Vừa nói, ông vừa rút trong túi áo ra một gói giấy bạc rồi lại nhìn chúng tôi mà tiếp:

- Nếu các ông hiểu kỹ mọi điều khổ tâm của tôi thì chắc các ông cũng thương chứ không nỡ trách. Để tôi xin kể mọi việc đầu đuôi các ông nghe…

Quay về phía Kỳ Phát, ông Tư nói:

- Riêng ông chắc đã đoán ra được nhiều điều, nhưng tôi cũng cứ kể từ đầu để hai ông đây (chỉ tôi và Lê Song) cùng hiểu rõ. Nguyên trước đây, sống cái đời lao lung ngoài vòng pháp luật tôi đã từng gặp nhiều việc nguy hiểm không kể sao cho xiết. Nhưng không làm sao được, hình như thần định mệnh đã ghi rõ việc ấy trước rồi, dù mình muốn tránh cũng không thể được. Cách đây khoảng năm năm, hồi sống ở vùng Hạ Lý, Hải Phòng, tôi có gặp Juliette Tâm, một con em của nhà Anna. Tuy là gái có giấy, nhưng Juliette rất ngoan ngoãn, và biết điều nữa, có lẽ một phần là nhờ trước đây có một hồi Juliette còn lấy tên là Lệ Nhung làm cô đầu ở Khâm Thiên đây…

Ngừng lại một lát, như để ôn lại đoạn đời oanh liệt trước kia, rồi ông Tư mới tiếp:

- Các ông cũng chẳng lạ gì gái giang hồ, giai tứ chiếng, lúc đã gặp nhau thì một giây một buộc ai giằng cho ra được. Juliette Tâm mến tôi lắm, sau đó thì bỏ nhà Anna mà đi sống cuộc đời phiêu lạc, nay đó mai đây. Được hai năm như vậy, rồi một ngày kia, tự nhiên tôi thấy cái đời nguy hiểm của mình mà có kèm theo một người đàn bà thì vướng víu lắm, nên chẳng để lại một lời tôi bỏ ra đi… Mấy năm qua… một đêm nằm trong tiệm hút ở đường Paul Blanchy Tân Định, tôi lại gặp một người đàn bà thứ hai, mà người ta vẫn thường gọi là cô Năm Đài. Mến tôi vì mọi cách cử chỉ phóng túng, Đài nhất quyết theo tôi ra Bắc nhưng chỉ sống được có một năm phiêu lạc, Đài bị bả kim tiền cám dỗ, cuối cùng thì nhất định bỏ tôi. Nhưng vẫn sợ tôi chẳng để yên, Đài một đêm giấu sẵn con dao nhọn, nhân lúc bất ngờ đâm thẳng vào tôi một nhát. Nhờ có biết võ nghệ ít nhiều, tôi gạt được tay ra, nhưng bị mũi dao sượt qua trúng mắt, bị thương nặng, phải nằm điều dưỡng ở nhà thương gần ba tháng và thay một mắt giả.

Từ lúc nẫy đến giờ, Lê Song vẫn lấy sổ tay ra ghi chép, ngắt lời ông Tư, hỏi:

- Thế bây giờ cô Năm Đài đâu?

Ông Tư mỉm cười một cách chua chát rồi trả lời:

- Trong khi tôi nằm điều trị thì Năm Đài bị bọn đàn em tôi tức giận hạ thủ. Ấy, vụ án mạng độ nào ở con đường Lạch Tray, Hải Phòng mà người đàn bà bị đốt cháy mặt không ai nhận ra căn cước chính là hắn đó.

Thở dài, ông Tư nói tiếp:

- Vụ án mạng này làm cho tôi hối hận lắm vì từ trước đến nay, đã có tới ngót hai mươi năm sống về nghề trộm cướp, quấy nước chọc giời mà tôi không hề có giết ai bao giờ. Bởi vậy cho nên khi ở nhà thương ra, tôi chán nản nhất định giải nghệ, tình cờ lại lục trong túi một kẻ chết đường có giấy má của một người lính bị thương tên là Tư Vượng nên tôi nhất định từ nay cho đến già sống cái đời lương thiện ấy.

Tôi hỏi:

- Vậy ông về Ninh Giang ở có lẽ là chỉ muốn tránh gặp mặt những đồng đảng trước kia?

Ông Tư gật đầu:

- Nhân có để dành từ trước được một ít tiền, khả dĩ có thể sống được hết đời, tôi nhất định về Ninh Giang một ít lâu cho không ai nhắc nhở đến nữa. Nào ngờ, tôi gặp Juliette, bây giờ đàng hoàng là bà Cửu Phú rồi. Tôi đã bắt đầu lo lắng ngay vì linh tính đã báo cho biết cuộc đời yên ổn mới làm thế nào cũng bị mây mờ che ám, quả nhiên…

Lê Song vừa ghi vào sổ tay vừa nhắc:

- Rồi tới lúc vụ trộm xẩy ra…

Ông Tư tiếp:

- Juliette ngờ ngay là tôi lấy, nhưng đoán già chẳng phải tôi định lấy tiền, mà chỉ định lấy chiếc sắc trong có một tờ giấy này có quan hệ đến cả đời hắn…

Vừa nói, ông Tư vừa rút trong túi ra một tờ giấy bìa khá cứng, có dán ảnh, gấp làm đôi, coi chừng đã cũ nát lắm. Rồi ông tiếp:

- Chính đến bây giờ tôi cũng không hiểu Juliette, nhờ có sự giấu giếm mầu mè khéo léo thế nào đã lên được đến địa vị ngày nay, hãy còn giữ chiếc “phích” ghi tên tuổi của gái giang hồ chính thức xưa kia của mình như vậy, nhưng có một điều mà tôi biết chắc là khi Juliette thấy mất tờ giấy nguy hiểm kia thì sợ hãi cuống quít, nhất định dùng bất cứ một cách gì để lấy lại cho kỳ được. Khốn nhưng nào có phải tôi đã lấy.

Ngừng lại một lát, uống cạn chén nước hồng trà nóng ngụt, ông Tư lại kể tiếp:

- Sau cuộc điều tra, tôi biết được rằng là đêm hôm trước, Juliette muốn dò la xem tôi có phải chính là Sáu Kền không, đợi cho chồng ngủ mới lén ra ngoài, sau khi đã khóa trái cửa lại, ra lối cửa sau mà đến nhà hàng Hoa Phong nấp rình hy vọng sẽ bắt gặp tôi ra ngoài thăm đất như mấy năm trước đây! Juliette không ngờ rằng, trong khi mình đi, Hai Tòng, tên quản gia thân tín của ông Cửu Phú bắt gặp, thế là tự nhiên lòng tham nổi lên, hắn dùng chìa khóa riêng mà mở vào lấy cắp chiếc sắc.

Kỳ Phát gật gù:

- Chính vì thế mà lúc lại nhà Cửu Phú với ông thừa Đạt, ông biết chắc Juliette chẳng dám nói ra cho chồng biết đương đêm mình đã lẻn đi, nên vin vào cớ khi có chìa khóa để ở trong thì ngoài không thể mở vào được dù dùng chìa khóa giả giống hệt cũng vậy.

Tôi cũng nói:

- Vin vào cớ ấy, ông chẳng những gỡ mối nghi ngờ cho mình mà còn lại buộc tội được cho Juliette.

Ông Tư lắc đầu:

- Không, xin thề có trời phật tôi không có cái ác tâm ấy, nhưng đến khi Juliette tìm tôi, nói trắng ra rằng đã nhận ra tôi, xin lại tờ giấy nguy hiểm kia. Nhưng nào tôi có lấy đâu cho cam, vả lại tôi cũng chối không phải là Sáu Kền mà chỉ là ông Tư Vượng lương thiện thôi, Juliette không cho rằng thế, tưởng tôi cố ý xử ác nên nổi giận dọa nạt tôi nhiều điều làm cho tôi thấy rõ cuộc yên sống ở đây không thể nào được nữa.

Nhân tiện, thấy Hai Tòng bỏ trốn, tôi ra lệnh cho đồng đảng theo dò, cuối cùng thì theo hắn lên Hà Nội đoạt lấy chiếc sắc vẫn còn đựng nguyên số tiền và cả tờ giấy tang chứng nguy phạm kia. Công việc đã xong xuôi, trói Hai Tòng lại và đánh dây thép cho ông Lê Song đây, đâu vào đấy rồi, tôi định vượt qua biên giới thì vướng phải lưới của ông Kỳ Phát bủa vây…

Lê Song ngừng bút chép, ngẩng đầu lên hỏi:

- Nhưng ông vẫn chưa cho tôi rõ tại sao khi bị nhà hàng đòi tiền trọ, ông đương đêm không lên Hải Dương mà vẫn có thể lấy được tiền để trả?

Ông Tư gật đầu nói:

- Lúc nẫy tôi có nói tôi vốn để dành được ít tiền trước khi về Ninh Giang, tôi có gửi một phần ở người anh em thân, còn một phần thì tôi đem chôn ở ngoài cánh đồng, khi cần đến tiền, tôi định lên Hải Dương lấy vì sẽ dễ dàng hơn là đào số tiền kia, nhưng tôi ra nhỡ chuyến ô tô, nên đành phải lại đi đào vậy. Chính vì ra nhỡ nên tôi vẫn cứ yên trí rằng chuyến xe ấy chạy lên tới Hải Dương, có ngờ đâu xe bị hỏng phải nằm ở giữa đường!

Tôi sực nhớ ra một điều toan hỏi Kỳ Phát, nhưng lại ngại có Lê Song ở đấy nên thôi, nhưng Phát vốn tinh mắt vô cùng hỏi ngay:

- Anh muốn hỏi gì, cứ nói, vì tôi biết ông Lê Song đây chẳng phải là người câu nệ…

Tôi liếc nhìn Lê Song rồi nói:

- Nhưng trong vụ chiếc ảnh khỏa thân, tôi hiểu ông Song kém đức tự tin nên không được cuộc nhưng còn việc này…

Kỳ Phát cười:

- Việc này thì chỉ là vì - ông Lê Song đừng giận nhé - hiếu thắng quá! Khi tôi về tới Ninh Giang hiểu ngay rằng vụ trộm rất tầm thường. Tôi cũng đoán chắc ông Lê Song cũng thừa biết vậy, nên mới lập tâm thách thử ông tìm ra thủ phạm trước. Bởi vậy, ông mới nhất định thắng tôi lần này, chỉ để ý đến Hai Tòng mà bỏ nhãng hẳn ông Tư Vượng…

Ông Tư Vượng nghe Kỳ Phát nói chỉ mỉm cười rồi có lẽ chẳng muốn để Lê Song phải ngượng ngùng, ông hỏi Kỳ Phát:

- Bây giờ số tiền và tờ giấy của Juliette, ông định xử trí thế nào, có thể cho tôi biết được không?

Kỳ Phát không lưỡng lự cầm lấy tờ giấy - sổ đoạn trường của gái giang hồ - rồi mỉm cười nói rằng:

- Tờ giấy này thì lẽ tất nhiên chúng ta gửi về giả Juliette để cho mặc cô ả xây cuộc đời mới, không lo lắng gì cả.

Rồi chàng lại giở bọc bạc ra, soạn ra làm ba tập mà nói rằng:

- Trước hết, chúng ta hãy để phần 10 đồng thưởng cho anh tài xế đã, còn một phần 140 đồng, tôi tưởng nên biếu ông Tư vì chỉ xẩy ra câu chuyện này mà ông bị tổn phí nhiều, còn chỗ 300 đồng thì hoàn về cố chủ…

Mỉm cười, Kỳ Phát nói tiếp:

- Nghĩa là bà Cửu Phú của chúng ta bị thiệt mất tất cả 150 đồng nhưng chắc bà ấy cũng chẳng phàn nàn gì nếu có phải mất tất cả chỗ 450 đồng mà lấy lại được cái sổ đoạn trường kia thì bà ấy cũng vui lòng!

Ông Tư ngần ngại cầm lấy chỗ tiền Kỳ Phát đưa rồi lưỡng lự, ông hỏi:

- Nhưng còn hai ông?

Lê Song lắc đầu:

- Riêng về phần tôi thì những cuộc điều tra thế này, tôi đều đã lấy tiền của nhà báo nên không dám nhận gì ngoài nữa!

Kỳ Phát cũng nói:

- Còn tôi thì chỉ sung sướng ở chỗ một lần nữa tôi làm được cho ông Lê Song tức tối! Mà bây giờ hẳn là ông phải chịu thua rồi?

Lê Song lắc đầu:

- Tôi không chịu thua!

Tôi cười, nói:

- Ông Lê Song nói đúng đó, nói theo giọng cái ông nào đánh cờ ở trong chuyện tiếu lâm: ván thứ nhất: tôi không được, ván thứ hai: người ta không thua, ván thứ ba: tôi xin hòa người ta không cho…

Lê Song cười:

- Ừ, thì cho thua đã làm sao chưa?

Kỳ Phát nghiêm giọng nói:

- Không làm sao hết nhưng tôi có quyền làm theo lời hẹn của ông…

Lê Song vờ như quên khuấy, hỏi:

- Tôi hẹn làm sao nhỉ?

Kỳ Phát mỉm cười:

- Ông hẹn nếu thua thì tôi có quyền bắt ông phải thay cái tên đi.

Lê Song cho thêm thìa đường vào cái chén trà rồi đùa hỏi:

- Thế bây giờ ông muốn bắt tôi đổi tên gì?

Kỳ Phát làm ra vẻ nghĩ ngợi giây lâu mới nói:

- Kể ra cũng khó đấy nhỉ! À, nhưng được rồi ông có thấy bọn trẻ con mỗi khi thấy một cầu tướng đá hụt trái banh thì chúng chế giễu là thế nào không? Chúng gọi là “đá gió”. Gió tức là Phong, vậy tôi yêu cầu ông đổi tên là Phong để kỷ niệm cái cuộc ông đã… bắt gió này!

Rồi đổi luôn ngay sang chuyện khác, Kỳ Phát vui vẻ hỏi Lê Song:

- Ông có thích dùng tôm bể không? Để tôi bảo làm một món xào… chua ngọt nhé!




Viết xong ngày 3 Novembre 1940







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét