Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

ĐÔI HOA TAI CỦA BÀ CHÚA




ĐÔI HOA TAI CỦA BÀ CHÚA



Phạm Cao Củng


1
BA ĐỒNG TIỀN CỔ

Tỉnh Kiến An hôm nay rộn rịp lạ. Đó chỉ là vì theo lệnh các nhà đương chức thi hành công cuộc phòng thủ, nhiều tốp phu đã bắt đầu mang xẻng cuốc đến những bãi trống để đào hầm trú ẩn. Là một tỉnh nhỏ vẻn vẹn có mấy phố ngắn, Kiến An không đến nỗi buồn tẻ quá là nhờ những chuyến xe ô tô Hải Phòng - Nam Định, hàng ngày liên tiếp nhau đến đỗ ở phố Chợ để đón khách. Nhưng quang cảnh tỉnh có rộn rịp cũng chỉ rộn rịp được trong chốc lát mà thôi, vì một khi những chuyến xe đi rồi, để lại bên vệ đường những vết gio than còn nóng, những hàng quà rong đã lẻ tẻ trở vào quán chợ, theo sau một lũ ăn mày, thì tỉnh Kiến An lại trở lại cảnh lặng lẽ âm thầm.

Nhưng sáng sớm hôm nay, ngay chân núi Ối, ông cai Ba cẩn thận đo đi, đo lại bãi đất trống rồi sau khi cắm mấy chiếc mốc làm bằng đoạn sắt chấn song nhỏ, ông chỉ cho hai người căng dây và vạch phấn. Chỉ trong chốc lát, mấy hàng vạch phấn đã in rõ ràng trên mặt cỏ xanh, vẽ thành hình đường gấp khúc song hành bề rộng ngang chừng một thước tây. Những bọn trẻ ở đâu đã tò mò đến đó, đứng nhìn. Chúng thì thạo và chỉ chỗ, đố nhau biết được ông cai đã làm gì. Mấy bà lão đi chợ ngang qua đó cũng dừng chân đứng lại rồi một bà đánh bạo hỏi:

- Ông cai ơi, ông vẽ vôi làm gì đấy hử ông?

Một người phu nhanh nhẩu bảo:

- Vẽ để đào chứ còn để làm gì nữa!

Nhưng một bà lão cãi lại:

- Chắc các ông nói đùa chứ cống gì mà lại đào từng khúc quanh co thế này?

Thế là ông cai Ba lại phải mất một ít thời giờ để cắt nghĩa cho mấy bà lão nhà quê biết thế nào là phương pháp phòng thủ thụ động, thế nào là những hầm trú ẩn và vì sao người ta lại phải đào gấp khúc như vậy. Nghe hiểu chuyện, mấy bà lão mới nhìn nhau cười mà bảo:

- Có thế chứ, nếu ông không nói rõ, tôi lại cứ tưởng là ông “đạc điền” hay là “họa đồ” gì vậy.

Mấy bà lão chất phác đi rồi, ông cai Ba mới lắc đầu mà lẩm bẩm:

- Người đâu mà có những người ngây ngô như vậy, chẳng còn hiểu biết một tí gì cả. Ai đời thuở nào lại “đạc điền” ở chỗ xó chân núi này!

Ông cai Ba xưa nay vẫn có cái giọng khinh người như vậy, mặc dầu ông chỉ là một người cai thầu khoán, chẳng tài giỏi gì hơn ai. Nhưng sự thực, những chỗ hiểu biết của ông cũng không đến nỗi nhỏ hẹp quá. Ông tính vốn tò mò, thích học hỏi, tư chất lại cũng khá thông minh, nhưng số phận ông hẩm hiu làm sao bởi mặc dầu cố sức cậy cựa đến đâu, ông cũng vẫn không làm nên được trò trống gì ngoài cái chức cai thầu khoán.

Tóm lại, ông chính thuộc vào cái hạng người “bất đắc chí” vậy.

Vì thế cho nên, ông thường không thèm giao du với những bạn đồng nghiệp của ông, không ưa đi hát hay đánh bạc với họ, mỗi lúc rảnh rang công việc, ông chỉ thích tìm tòi những sách vở nào kỳ lạ, hoặc về khoa học, hoặc về địa dư, lịch sử, xem thôi. Thấy tính nết ông chí thú như vậy, nhiều người quen biết ông đã phải khen rằng: “Cứ như ông cai Ba thì thực ai có tốt phúc lắm mới được ông chấm làm vợ!”

Nhưng về việc này, ông không hề vội vàng. Sinh sống ở đất Kiến An đã ba năm nay, ông không hề có chơi bời hoặc bắt nhân tình, nhân ngãi với ai. Mãi người ta mới thấy ông nhờ người đánh tiếng hỏi con gái ông chánh Hợp. Biết tin này, ai ai cũng phải gật gù khen ông cai là hóm, vì người ông định hỏi là con một, nhà ông chánh lại giầu và là người thế lực trong vùng. Được làm con rể ông chánh Hợp hẳn ông cai Ba không còn sợ thiếu cơ hội để thực hành cái “trí lớn kinh doanh” mà ông hoài bão đã lâu.

Tiếc thay, một lần nữa cái số phận hẩm hiu lận đận của ông lại làm cho ông không được toại ý. Ông chánh Hợp đã trả lời bà mối rằng con gái ông hãy còn nhỏ dại quá, ông chưa hề nghĩ đến việc hôn nhân. Sự thực, ông chánh không thuận gả con cho ông cai Ba chỉ là vì ông chánh chẳng muốn có một người tế tử chỉ làm cai thầu khoán. Tuy trả lời bà mối nhã nhặn như vậy, nhưng với mấy người đến hỏi han về việc này, ông chánh Hợp có vẻ khinh bỉ mà cười nhạt bảo rằng:

“Thực đũa mốc chực chòi mâm son, cái thứ thằng cai thầu khoán ấy làm con rể tôi sao đúng!”

Mong manh biết tin này, ông cai Ba xấu hổ vô cùng và từ khi có chuyện ấy, ông dù mưa nắng, bao giờ cũng đạp vòng xe đạp ra lối khác chứ không dám qua cửa nhà ông chánh nữa.

Một câu chuyện nhỏ nhặt như chuyện hỏi vợ không xong của ông cai Ba cũng đủ làm cho nhiều người trong tỉnh lấy đó làm đầu đề bàn đi tán lại. Chẳng phải là vì người ta có tính xấu bới móc chuyện người, nhưng vì tỉnh Kiến An nhỏ hẹp quá, người ta thường buồn chán quá, không có chuyện gì mà nói, nên một khi có xẩy ra việc gì dù tầm thường, cũng thành ra quan trọng.

Chuyện ông cai Ba vừa mới nhàn nhạt dần thì dân trong tỉnh lại vui mừng vì thấy có cuộc phòng thủ, đào hầm trú ẩn, một đầu đề có thể coi là quan trọng và không chừng sẽ đủ cho người bàn tán quanh co đến mấy chục ngày. Vì thế cho nên tuy chẳng có gì mà dân trong phố cũng rủ nhau đi xem đào hầm, đứng xúm xít mà chỉ trỏ chuyện trò, bàn tán lắm câu rất là ngô nghê quê kệch.

Ông cai Ba nghe mãi phải chán ghét, tức mình bỏ trèo lên trên một tảng đá cao, ngồi riêng biệt ra để tiện vừa trông phu, vừa khỏi phải trả lời những câu hỏi lẩn thẩn.

Ông ngồi như thế cho mãi đến chiều. Mặt trời đã bắt đầu gác chếch, mà bọn phu cũng đã đào được khá sâu. Ông cai Ba vừa nhìn ra phía xa, vừa nghĩ bụng: “Ta ngồi đây nửa giờ rồi xuống biên công cho phu về nghỉ.”

Nhưng giữa lúc ông còn vẩn vơ nghĩ chuyện đâu đâu, thì đã thấy có tiếng cãi nhau của mấy người phu đứng xúm cả lại.

- Của người ta tìm thấy chứ lại!

- Thôi đi! Nhận chằng thế nào được, chính chỗ ấy là của người ta, vừa đào lên!

Ông cai Ba nghe tiếng rầm rĩ, vội vàng trèo xuống, đến bên bọn phu, dùng giọng kẻ cả mà bảo rằng:

- Có làm đi mà về không, cái gì mà cãi nhau ồn lên thế?

Mấy người phu lúc này lại tranh nhau mà nhờ ông cai Ba phân xử, mỗi người viện một lý, líu ta líu tíu mãi, ông hỏi đi hỏi lại mới vỡ chuyện ra rằng bọn phu vừa đào đất tìm được mấy đồng tiền lạ, mà họ yên trí là tiền vàng.

Cầm lên tay hai đồng tiền vừa to gấp đôi tiền thường vừa dầy nặng, ông cai Ba cố đọc những nét chữ đã gần mờ hết rồi cầm cạnh một đồng mài thử xuống phiến đá. Một lát, ông xem kỹ lưỡng rồi mới đưa trả bọn phu, mỉm cười mà bảo rằng:

- Mới có thế mà đã tranh nhau cuống quýt, tiền cổ thực đấy, nhưng là tiền bằng đồng chứ vàng với bạc gì!

Bọn phu xúm lại xem kỹ càng một lượt mới cùng cười mà bảo:

- Ừ, bằng đồng thực nhỉ, thôi, anh nào muốn “khước” thì xin về đeo cổ cho con!

Nhưng ông cai Ba sực nhớ đến nhiều tin mà ông đã được đọc trên các báo gần đây, nói tới những vụ đào đất rồi tìm thấy cổ mộ, hoặc hang lạ ở những vùng như Ninh Bình, Bắc Giang chẳng hạn. Ông lập tức hối bọn phu đào nhanh xuống sâu hơn nữa xem có thấy gì lạ không. Bọn này cũng hy vọng rằng sẽ tìm được thấy tiền của hoặc vàng bạc chôn giấu, nên cùng hăm hở đào đất, không cần thôi thúc mà công việc tiến nhanh một cách lạ lùng.

Nhưng họ đã phí công vô ích. Sau đó nửa giờ, trừ một đồng tiền cổ, giống như hai đồng trước, nhưng bị mẻ mất một chỗ, họ không tìm thấy gì hơn cả. Mặt trời lúc này đã khuất hẳn sau rặng núi Thiên Văn. Ông cai Ba mở cái túi xem giờ bảo bọn phu rằng:

- Đến giờ nghỉ rồi, các bác ạ. Dầu có gì nữa thì cũng hãy để đến ngày mai!

Bọn phu theo lời, lần lượt xoa bàn tay phùi đất bám đầy, rồi nhẩy lên trên miệng hố. Nhưng một người lúc nhẩy lên đã hất mạnh túi áo, đánh tuột một bao diêm, lăn xuống góc hố phía trong cùng, thành ra đã nhẩy lên rồi lại phải trèo xuống. Cúi mình tìm nhặt bao diêm, đột nhiên người này bỗng kêu bảo anh em:

- Có cốt, các chú mình ạ! Đây này, xuống mà xem, tớ thò tay thế nào sờ ngay phải mẩu xương sọ nhẵn thín!




2
VỤ ÁN TỪ 600 NĂM TRƯỚC

Bọn phu, những người nhanh nhẹn thì nhẩy ngay xuống xem, còn mấy người già thì chép miệng, lẩm bẩm:

- Xương cốt chứ cái quái gì mà rối lên! Tìm thấy thế này chỉ tổ xúi quẩy bọn mình!

Trong khi ấy, cai Ba đã xuống dưới hố, chăm chú nhìn mấy người phu ranh mãnh đương lấy mũi cuốc móc dần những đất ở chung quanh chiếc xương sọ ra. Một lát sau, Cai Ba nhận thấy rõ ràng đó chẳng phải chỉ có một chiếc xương đầu, mà có đủ cả một bộ hài cốt nằm dọc theo chiều hố đào ở bên cạnh, vì thế cho nên lúc nẫy bọn phu đào sâu thẳng xuống không thấy được.

Cai Ba bỗng đứng lên bảo mọi người rằng:

- Thôi, thế là hôm nay chúng ta phải về chậm, vì thấy cốt thì phải trình báo ngay mới được. Nhưng anh em cũng đừng có phàn nàn gì cả. Hẳn linh hồn ông nào, bà nào cũng sẽ biết cho mà phù hộ chúng mình làm ăn phát đạt!

Sau đó, cai Ba phân mỗi người đi một việc. Người thì đi báo cẩm, người thì về báo với ông chủ, người thì về báo giúp cho nhà trọ mình đừng có chờ cơm, còn mấy người nữa thì cầm giúp hộ anh em những xẻng cuốc về trước cho được việc. Cắt đặt xong xuôi, cai Ba bảo:

- Các bác đi ngay đi, một mình tôi đứng đây trông là được rồi!

Và mỉm cười, cai Ba đùa tiếp:

- Vả cũng chẳng ngại ông ấy bỏ chạy đi đâu mà sợ!

Ai nấy đi rồi, cai Ba đi đi, lại lại, có vẻ như suy nghĩ nhiều lắm. Một lát như quả quyết, cai Ba mới lại nhẩy xuống dưới hố, lúi húi xem xét chỗ có bộ cốt rất lâu, rồi khi nhẩy lên, phủi sạch bàn tay bám đất, cai Ba cau mày, lẩm bẩm:

- Quái, không biết bộ hài cốt này chôn dưới đất tự những năm nào?

Trong khi ông còn đương ngồi ngắm nghía những đồng tiền cổ chưa đoán đọc được những chữ in trên mặt thì các nhà chuyên trách đã lần lượt đến.

Sau khi xem xét, ông chánh Cẩm hạ lệnh thu giữ mấy đồng tiền cổ, cắt cảnh binh thay phiên canh gác suốt đêm để sáng mai sẽ đào sâu và rộng ra nữa. Vì có mấy đồng tiền cổ, ông chánh Cẩm có vào trình quan sứ và sau khi bàn bạc hai ngài nhất định đánh điện lên cho ông Giám đốc trường Bác cổ biết để tùy ông định liệu. Ngay buổi tối hôm ấy, ông Giám đốc đã đánh điện trả lời, dặn rằng nếu không tìm thấy gì lạ hơn nữa thì chỉ gửi ba đồng tiền cổ lên Hà Nội; trái lại, nếu thấy có nhiều vật gì khác nữa thì lập tức gọi điện thoại để ông xuống Kiến An trông nom việc đào tìm, vì theo lời ông Giám đốc, tại khu núi ấy, sách xưa ghi chép nói có nhiều di tích thượng cổ lắm!

Tin đám phu của ông cai Ba đào được cốt và ba đồng tiền cổ đã làm cho dư luận tỉnh Kiến nôn nao. Có lẽ đêm hôm ấy, nhiều nhà đã thức khuya hơn lệ thường, để bàn tán về chuyện này, có nhiều ông già bà cả nói rằng đó chính là hài cốt của mấy người Tầu xưa kia sang tìm của bên đất ta, phù phép thế nào để đến nỗi bị chết tươi ngay trong khe núi, nhưng lại có nhiều người khác dám đánh cuộc rằng đó chỉ là một trong bọn dư đảng của đốc Tít hồi xưa thua chạy lạc lõng ẩn trên núi, sau vì hết lương thực phải chết đói ở đấy!

Và mới tờ mờ sáng hôm sau, khu núi Ổi đã có đầy người hiếu kỳ vòng quanh đón xem, chen đẩy nhau rối rít làm cho mấy người cảnh binh phải khó nhọc lắm mới giữ được trật tự.

Bọn phu của ông cai Ba hôm nay cũng tự nhiên thấy kiêu hãnh có lẽ vì được mọi người chú ý và suốt từ tối hôm qua, họ đã phải tiếp rất nhiều người quen đến hỏi han rộn rịp. Ông cai Ba hôm nay cũng đã thay bộ quần áo tây vàng mới. Ông đã sai thằng nhỏ nhà trọ đánh chiếc giầy của ông thật kỹ vì riêng ý muốn nhân dịp có các quan chứng kiến, tỏ rõ ra rằng cái óc hiểu biết của ông chẳng phải chỉ tầm thường như phần nhiều những người cai khác.

Đã từng đọc nhiều cuốn sách nói về cuộc khảo sát những cổ mộ ở Ai Cập, ông cai Ba đã theo đúng cách thức chia khu núi ấy ra làm nhiều khoảng, đánh dấu sẵn sàng và có ghi chép vào cuốn sổ tay của ông, rồi ông mới bắt đầu cho bọn phu đào tìm từ phía xa vào. Khi đã gần đến chỗ có bộ hài cốt, ông cai Ba cẩn thận bảo những người phu đào bới rất công phu, cố làm sao cho không gẫy một mảnh xương hay sót một vật gì rất nhỏ. Vì thế cho nên ông đã lấy lên được hai viên đá nho nhỏ, vuông vuông, mầu đen nhánh. Ông cẩn thận đem trình ông quản được lệnh đứng giám đốc chỗ đó, thì ông này thấy thái độ quan trọng của ông cai phải bật cười mà hỏi rằng:

- Hai viên đá thường này, đâu mà chẳng thấy có, ông cũng mang lên đây làm gì?

Tuy chẳng dám lộ ý khinh ông quản không biết gì, ông cai Ba cũng nói:

- Ngài chưa để ý đó mà thôi. Nếu xem kỹ ngài sẽ thấy tuy hai viên đá vuông nhưng đều hơi vẹt và nhẵn ở một phía.

Ông quản còn đương xem lại và gật gù cho là phải thì ông cai Ba đã kiêu hãnh nói tiếp:

- … Đó là vì đây là hai viên đá lửa của thời xưa, cách đây đã mấy trăm năm nay… Không chừng là một thứ đá lửa chính của bên Tầu đưa sang, vì có một lần tôi được lên xem nhà Bảo tàng Hà Nội, cũng thấy có một viên giống như thế này!

Ông quản thấy cai Ba nói rành mạch như vậy, có vẻ cảm phục lắm, mân mê mãi hai viên đá lửa rồi tẩn mẩn thử đánh mạnh vào nhau thì quả nhiên có tia lửa tóe ra thực. Nhưng cai Ba đã vội cản lại mà bảo:

- Ấy chết. Ngài đừng có thử thế mà khác dấu đi, quan Đốc trường Bác cổ về lại kỳ kèo!

Vừa nói, cai Ba vừa rút cuốn sổ tay, cẩn thận ghi chỗ đã tìm thấy hai viên đá lên trên chiếc “bản đồ” mà mình đã phác họa từ lúc trước.

Trong khi ấy, bọn phu đã bới xong hẳn bộ hài cốt ra rồi. Bên cạnh, họ còn thấy cả một chiếc túi da đã mục nát hết, mấy chục đồng tiền đồng, ba đĩnh bạc, một đôi hoa tai mặt ngọc và một con dao quai ngắn, cán cũng bằng bạc, chạm trổ rất tinh vi.

Thấy những vật này, viên quản lập tức cho người về trình với quan sứ. Ngài lập tức gọi điện thoại lên cho ông Giám đốc trường Bác cổ biết. Ông Giám đốc được tin mừng rõ lắm, một mặt nhờ quan sứ ra lệnh đình việc đào tìm và canh phòng cẩn mật, một mặt bảo người sửa soạn xe để về ngay Kiến An.

Thế là non hai giờ sau, ông Giám đốc đã cùng mấy nhân viên trong trường gồm người thợ chụp ảnh, người chuyên môn lấy dấu vết bằng hoạt thạch và hai người thư ký. Ông Giám đốc cầm xem hai viên đá và mấy đồng tiền, trân trọng hơn ta xem ngắm đồ châu báu. Ông gật gù ra dáng đắc ý lắm, chỉ bảo cho mấy người giúp việc bắt đầu kẻ ghi chép, người vẽ, người đo… Ông chỉ tỏ ý phàn nàn rằng mình đến hơi chậm một chút, nên không được biết chắc chắn vị trí bộ hài cốt, chỗ tìm thấy mấy đồng tiền, đôi hoa tai và con dao quai, vì theo như lời tuyên bố của ông, việc đào tìm này sẽ có quan hệ đến vấn đề lịch sử học, địa dư học, địa chất học và… gì gì học nữa, trong khoảng năm, sáu trăm năm về trước!

Nhưng cai Ba đã kính cẩn tiến lên, trình ông Giám đốc cuốn sổ tay có ghi chép rất cẩn thận từ lúc chưa đào khoảng đất này lên. Ông Giám đốc nhìn mấy trang ghi chép, không khỏi ngạc nhiên vì thấy một người cai lục lộ lại thông thạo như một nhà chuyên môn vậy. Ông khen ngợi cai Ba không tiếc lời, sau cùng còn quay lại nói cả với quan sứ rằng:

- Tôi xin chúc mừng ngài đã có một người giúp việc minh mẫn và quý báu như vậy. Hắn đã làm cho nhiệm vụ của tôi dễ dàng đi hẳn một phần!

Cai Ba nghe hiểu, sung sướng lộ ra mặt, nhưng sau đó thì lại như có vẻ băn khoăn nghĩ ngợi điều gì.

Ông Giám đốc trường Bác cổ lau kỹ chiếc mục kỉnh, xem xét những đồng tiền, vết tích chiếc túi da và nhất là con dao quai, rồi gật gù mà bảo quan sứ rằng:

- Bây giờ thì tôi có thể nói quả quyết với ngài rằng di hài này là một người Tầu, sống trước chúng ta đây đúng 564 năm…

Ngừng lại một lát, ông lại tiếp:

- Và để tôi xem kỹ lại bộ hài cốt, sẽ có thể ước đoán được rằng người Tầu đó thuộc về dân bộ lạc nào…

Chỉ mới xem qua bộ xương ngón chân và bộ xương hông, ông Giám đốc đã đắc ý bảo mấy người thư ký:

- Trước hết, ta biết người này thuộc giống người Hán, tuổi vào khoảng 40 cho đến 45. Nhưng muốn biết rõ hẳn bộ lạc thì phải cần xem cái xương sọ…

Vừa nói, ông Giám đốc vừa lấy mấy chiếc thước riêng, bước lên phía trên. Nhưng ông vừa ngồi xuống, nâng chiếc xương sọ lên, đã giật mình mà bảo quan sứ rằng:

- Bây giờ thì tôi phải trình ngài định liệu vì đây chính là một vụ án mạng. Người xấu số này đã bị kẻ gian dùng một vật gì tròn và nặng đánh vào đầu đến nỗi bị dập vỡ mất một góc xương sọ.

Ông Giám đốc đã nói một cách nghiêm trọng như là vụ án mạng vừa mới xẩy ra cách đó mấy giờ. Mà những người đứng đó cũng đều như bị dẫn dụ, thấy đều nhìn quanh như muốn tìm xem hung phạm có còn lẩn lút đâu đây, quên khuấy đi rằng nếu có thực phải là một vụ án mạng thì hung phạm dù có thoát lưới pháp luật, cũng đã từ trần -như lời ông Giám đốc trường Bác cổ đã nói - cách đây ít ra là… sáu trăm năm.




3
SỰ TÌNH CỜ QUÁI LẠ

Kỳ Phát bỏ tờ báo xuống chiếc bàn đầu giường rồi quay lại hỏi tôi rằng:

- Anh đã xem hết cái tin Một vụ án mạng sáu trăm năm trước rồi chứ?

Tôi gật đầu, bảo:

- Đã, tin ngay tiên trang nhất, đăng liền bốn cột, ai mà không phải đọc? Kể cũng ly kỳ đấy nhỉ, có phần còn hơn nhiều chuyện kỳ ảo quái đản người ta vẫn thường bịa đặt ra!

Chỉ thấy Kỳ Phát mỉm cười, tôi hỏi tiếp:

- Vụ án mạng này như ý anh thì đoán thế nào?

Kỳ Phát vùng dậy cười ngất. Và chàng chỉ kéo chiếc chăn lui lên quá ngực mà bảo tôi rằng:

- Này, trời đã vào hạ tuần tháng hai rồi mà sao bỗng nhiên trở lạnh quá như thế này? Hôm nay ai đi chùa Hương, nằm ngủ ở chùa trong thì đêm phải biết!

Tôi khó chịu vì thấy Kỳ Phát như không hề để ý đến lời tôi nói chút nào. Cau mặt, tôi hỏi lại:

- Anh không nghe thấy câu tôi vừa hỏi sao? Vụ án mạng ly kỳ này, anh đã tóm được manh mối nào chưa?

Kỳ Phát nhìn tôi, thương hại, rồi lại bỗng cười vang, có phần ròn rã hơn lúc trước. Mãi chàng mới quay hẳn lại phía tôi mà bảo rằng:

- Kể ra anh cũng ngộ thực. Anh cũng không hơn gì bọn người kia, nghe lời ông Giám đốc tuyên bố nghiêm trọng, đã tưởng như vụ án mạng vừa xẩy ra cách đây mấy giờ! Anh bảo tôi suy nghĩ và tìm tòi làm gì cơ chứ, trong khi muốn tìm ngay hài cốt thủ phạm cũng không thể đào đâu ra được!

Tôi không biết cãi lại Kỳ Phát làm sao, nhưng nghĩ ngợi một lát, tôi lại nói:

- Dù sao thì cũng là một vụ án mạng!

Kỳ Phát ngắm nghía tôi kỹ lưỡng và mỉm cười. Giây lâu, chàng mới vỗ vai tôi mà bảo:

- Tôi đương nhìn kỹ xem độ đến bao giờ thì anh bỏ hẳn viết báo và làm văn để đổi hẳn thành nghề trinh thám! Hiện giờ, tôi đã thấy có sự biến đổi rồi! Như một thầy trạng sư lúc nào cũng quen miệng hùng biện dù là lúc cãi nhau với vợ, hay một vị bác sĩ trông thấy người nào cũng là có bệnh, anh hiện nay đã sắp bị “mất nếp vì nghề nghiệp”, nghĩa là thấy bất cứ một việc gì cũng cho là một chuyện ly kỳ, cần phải tìm ra manh mối và thủ phạm!

Tôi cãi:

- Nhưng đây quả thực là một vụ án mạng, còn ly kỳ hay không thì anh đã thấy rõ ràng đấy.

Kỳ Phát gật đầu:

- Vâng, tôi xin chịu rằng quả đúng như thế vì “cãi với một người đã có sẵn định kiến” như anh thì… thực là vô ích!

Biết rằng Kỳ Phát cố ý trêu tức, tôi đành “giảng hòa” mỉm cười bảo:

- Không hiểu có phải hôm nay gặp ngày anh ngang cành bứa thế hay không, chứ nếu quả ý anh định trêu tôi thì thực không thể làm cho tôi tức được!

Kỳ Phát cười, ngồi dậy, kéo chiếc gối, đệm ra phía sau lưng, rồi bảo tôi rằng:

- Nói thế mới là người biết điều chứ! Nếu cứ nóng nẩy như lúc trước thì anh chỉ đến tức tối mà bỏ bữa cơm sáng nay! Xem như lời thuật trong báo thì ta có thể biết được chắc chắn rằng đây là một vụ án mạng vì thù hằn.

Tôi gật đầu:

- Anh nói có lý, vì nếu hung phạm định giết người để lấy của thì mấy đĩnh bạc, đôi hoa tai ngọc và con dao quai chạm trổ tỉ mỉ, hắn đã lấy đi rồi!

Kỳ Phát nói:

- Đó, anh cũng biết có kém gì tôi đâu!

Tôi lắc đầu:

- Nhưng tôi muốn biết thủ phạm là ai, vì cớ gì mà hắn lại thù giết người kia…

Kỳ Phát ngắt lời tôi:

- Muốn biết những điều đó, anh cần phải đi tìm một thầy bói nào giỏi, gieo quẻ thì mới có thể biết được, chứ tôi thì xin chịu! Anh vẫn nhất định quên con số sáu trăm năm…

Tôi vừa định nói thì Kỳ Phát đã gạt đi, bảo tôi rằng:

- Muốn cho anh bỏ hẳn cái định kiến kia đi, tôi cần phải nói ngay để anh biết rằng cái việc sáu trăm năm trước, ta chớ nên chú ý quá mà bỏ qua việc hiện tại ngay trước mắt!

Tôi ngạc nhiên, hỏi Kỳ Phát:

- Chắc anh đương theo dò một vụ án nào mà còn giấu chưa cho tôi biết chứ gì?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, nhưng có một chuyện có liên quan đến vụ án mạng sáu trăm năm trước này.

Tôi tung chăn ngồi hẳn dậy, trách Kỳ Phát:

- Thế mà suốt từ lúc nẫy anh không nói cho tôi biết! Câu chuyện làm sao, ai bị giết?

Kỳ Phát kéo tôi nằm xuống rồi bảo:

- Ấy, anh lại sắp sửa nóng nẩy rồi! Câu chuyện không có gì là vẻ trinh thám, ly kỳ hay rùng rợn đâu, có lẽ chỉ là một câu chuyện buồn cười. Nhưng cũng có đôi chút liên quan đến vụ án mạng sáu trăm năm trước.

Tôi giục:

- Thì anh nói ngay đi, tôi nóng ruột lắm rồi!

Kỳ Phát liếc nhìn tôi, rồi chậm rãi nói:

- Ấy, thế thì không được. Cổ nhân chẳng có câu “Việc vội là việc hỏng” hay sao? Anh có bình tĩnh thì tôi mới kể cho anh nghe được!

Tôi đành chịu, bảo:

- Tôi bình tĩnh rồi, vậy anh hãy kể đi!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Anh còn giục, tức là chưa bình tĩnh. Vậy anh hãy chịu khó nằm yên. Thằng nhỏ đương pha cà phê sắp xong rồi, chúng ta hãy uống xong xuôi đâu đấy đã, lúc ấy, tôi sẽ bắt đầu kể cho anh nghe!

Biết rằng lúc này có giục cũng chẳng được, tôi đành bảo Kỳ Phát:

- Nhưng trong khi đợi, anh cũng có thể nói sơ qua một chút cho tôi nghe chứ?

Kỳ Phát cười, gật đầu:

- Tôi nhắc lại để anh khỏi thất vọng: Chuyện tôi sắp kể đây có tính cách buồn cười hơn là trinh thám! Luôn tiện, tôi cũng cho anh biết rằng thực cũng phải có một sự tình cờ quái lạ thì mới xẩy ra những chuyện này, cách hàng năm, sáu trăm năm mà còn đôi chút liên quan. Cả hai chuyện đều có dính líu đến đôi hoa tai mặt ngọc!




4
ĐÔI HOA TAI CỦA BÀ CHÚA

Kỳ Phát chầm chậm uống hết cốc cà phê rồi bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện mà chàng báo trước có tính cách buồn cười hơn là trinh thám:

- Cách đây vừa đúng năm tháng, chính là hồi anh đi vào Sài Gòn chơi, hay làm cái “công chuyện” gì, tôi cũng không nhớ nữa, cũng vào khoảng giờ này, tôi nằm một mình ở đây chẳng có việc gì làm cả, buồn quá, đọc báo đã hết cả quảng cáo rồi, thì chợt có người gọi cửa. Tôi ra mở thì đó là một người vận âu phục, vào trạc băm hai, băm ba tuổi, hai mắt thâm quầng, đầu tóc bơ phờ. Nếu hắn không lễ phép chào hỏi thì tôi đã ngờ đó là một người loạn trí.

Ngừng lại để châm điếu thuốc lá hút, Kỳ Phát sau đó lại kể tiếp:

- Thấy hắn vừa nói vừa thở, tôi thương hại mời vào ngồi ghế, rót nước đưa uống đâu đấy, rồi mới hỏi cái cớ xui hắn đến tìm tôi. Trước thái độ bình tĩnh của tôi, hắn như đỡ lo lắng sợ hãi, bắt đầu khen tặng tôi đủ điều, nào nghe danh tiếng, nào nghe các báo ca tụng, tóm lại toàn là những điều vô ích làm cho tôi sốt ruột vô cùng. Sau hết hắn mới vào việc, rút trong túi ra một chiếc hộp giấy đỏ, để lên mặt bàn. Mở chiếc hộp, hắn đưa cho tôi xem một đôi hoa tai ngọc rồi sau một lúc rụt rè, bảo tôi rằng: “Thưa ông, tôi xin biếu ông đôi hoa tai này!”

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát như có ý nghĩ ngợi, lâu lâu mới lại tiếp:

- Phải, hắn nói câu ấy hay một câu nghĩa cũng tương tự như vậy, với một dáng điệu nửa như ngượng ngập nửa như lo sợ, làm tôi ngạc nhiên vô cùng. Thực vậy, anh thử nghĩ mà coi, một buổi sáng vừa bừng mắt, trở dậy, người ta thấy một người lạ mặt không quen biết bao giờ bỗng nhiên mang đến cho một đôi hoa tai thì ai mà không phải lạ lùng, kinh ngạc. Nhưng tôi chẳng muốn làm cho hắn bối rối thêm, chỉ điềm nhiên gật đầu bảo hắn rằng: “Ông đã có lòng cho thì tôi xin nhận, nhưng trước hết ông cần phải nói cho tôi biết rõ đầu đuôi câu chuyện đã!” Tôi nói bắt nọn hắn như vậy chỉ là vì tôi thừa biết hắn có hành động lạ lùng ấy thế nào cũng phải có một cái nguyên cớ gì lạ lùng chẳng kém! Quả nhiên hắn thuật lại cho tôi nghe cái lý lịch của đôi hoa tai mặt ngọc…

Tôi ngắt lời Kỳ Phát:

- Nhưng trước hết, anh hãy cho tôi được trông thấy mặt đôi hoa tai ấy!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Tôi đâu có giữ mà đưa cho anh xem được! Anh hãy nghe hết câu chuyện tôi kể đã! Trước hết, hắn nói cho tôi biết rằng hắn tên là An, Nguyễn Đình An thì phải, chính quê ở Thái Bình, bố mẹ đã mất, hiện đã có vợ và một đứa con trai mới lên bẩy tuổi. Vốn là con nhà giầu từ trong trứng, hắn không phải lo nghĩ kinh doanh gì cả, mọi việc buôn bán, đong cân hắn đều giao cho người vợ đảm đang tháo vát. Cái đời sống yên tĩnh ấy có lẽ kéo dài cho đến khi trăm tuổi bạc đầu nếu không có đôi hoa tai này từ đâu dẫn đến…

Ngừng lại một phút, Kỳ Phát mỉm cười mà bảo tôi rằng:

- Kể nghĩ ở đời cũng thực là hay, khi mà số phận xui nên thì lại chính mình đi chuốc mua lấy vạ! Như anh chàng An này, nếu không vì trời xui khiến thì bỗng nhiên sao anh lại có cái ý nghĩ đi du lịch? Nói hai chữ này cho lớn mà thôi, chứ sự thực anh chàng chỉ bàn với vợ, muốn đi cho biết đó biết đây, lấy một món tiền, tạm biệt cái cảnh bến sông Bo, đò Tân Đệ, để đi nghỉ mát Sầm Sơn một lần… Đường từ Nam Định vào Thanh, anh chàng thấy cái gì cũng lạ, chú ý suốt cả từ cái ngọn cỏ lau, bông trắng, mọc cao ở vệ đường, cho đến ngôi chùa Non Nước mà anh chàng gật gù cho là “hữu tình” có một. Nhưng đến lúc tầu vượt con đường vòng vào cầu Hàm Rồng mới thực là anh chàng thấy trong lòng xúc động. Nghe những người đi cùng chuyến tầu, chỉ dòng nước sông Mã cuồn cuộn chảy, thuật lại cái công cuộc xây dựng chiếc cầu treo, nào chuyện một vị kỹ sư lúc đã hoàn thành cái cầu mà chỉ qua có một đêm nước lũ dồn về làm trôi băng cầu, hại bao nhiêu công của đến nỗi vị kỹ sư thất vọng mà tự tử, nào chuyện mấy người thợ chuyên môn lên bắt chiếc đinh ốc trên đỉnh chiếc cầu treo đều chóng mày mặt mà ngã xuống sông mất tích, cho đến lượt người cuối cùng lên đã bắt xong đinh ốc, ra hiệu cho người ở dưới biết, vỗ tay reo hò, sung sướng quá cũng trượt chân ngã nốt… Được nghe bao nhiêu chuyện kỳ thú như thế, anh chàng càng ngẫm càng thấy câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là đúng!

Tôi thấy Kỳ Phát kể dằng dai quá, ngắt lời:

- Anh nói, tôi vẫn chưa thấy việc liên can đến đôi hoa tai mặt ngọc?

Kỳ Phát gật đầu:

- Tôi kể lại anh nghe kỹ lưỡng thế không phải là thừa, vì nhờ đó anh sẽ biết rõ được tâm trạng của “người anh hùng” trong chuyện của chúng ta. Anh chàng An sau đó được ra tắm nước bể Sầm Sơn lần đầu, cũng nhẩy đùa với sóng, cũng về trướt nước ngọt, cho đến một ngày anh thấy nhớ nhà, nhớ cái cảnh được săn sóc hầu hạ chu đáo chứ không đến nỗi cơm hàng cháo chợ như bây giờ. Thế là anh chàng An của chúng ta sửa soạn va ly ra về…

Tôi ngắt lời Kỳ Phát lần nữa:

- Đi tắm bể rồi về, tôi vẫn chưa thấy chuyện đôi hoa tai!

Kỳ Phát mỉm cười, gật đầu:

- Không, đã đến đôi hoa tai ấy rồi đây. Khi ngồi tầu tới quá ga Đồng Giao, đột nhiên anh chàng thấy có một người hành khách ngồi bên mình, rụt rè đưa ra một đôi hoa tai mặt ngọc, nói rằng vì sa cơ, nhỡ bước nên muốn bán đi để kiếm lấy một cái vốn mà buôn bán, tìm kế sinh nhai. Anh chàng nghe lời nói có vẻ thực thà nên động lòng ái ngại, vả lại nghe người hành khách nói bán hoa tai chỉ xin lấy ba chục đồng là giá cũng hời, nên anh chàng bằng lòng mua ngay. Không phải chỉ vì tham rẻ mà chàng mua, nhưng một phần nữa cũng là vì sau một tuần lễ vui thú ở bãi bể Sầm Sơn, lúc về chàng cũng muốn có một cái quà tặng vợ.

Tôi hỏi Kỳ Phát:

- Chắc đôi hoa tai ấy là của kẻ gian lấy trộm ở đâu, sợ tội nên anh chàng mới phải đem ra đây cầu cứu anh!

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh nói có một phần đúng. Nhưng chuyện thực còn ly kỳ hơn thế nữa. Lúc về nhà được chừng vài ba ngày, tự nhiên anh chàng An của chúng ta đâm ra sốt nóng, sốt rét mê man… Cứ theo như ý tôi đoán theo lẽ khoa học thì có lẽ vì chàng không quen nắng gió, mấy ngày dầu dãi ở Sầm Sơn bị nhiễm cảm vào, khi đi tầu lại nhọc mệt, nên lúc về mới nổi cơn nóng sốt. Nhưng người nhà đâu có cho là thế, thấy lúc anh chàng mê man nói nhảm lại cho là bị ma quỷ thần thánh trêu quở. Thế là người ta cầu cúng trừ tà tróc ma đủ thứ, một mặt mời những vị danh y bốc thuốc cho An. Nhờ đó, sau mấy ngày nằm liệt giường anh chàng An của chúng ta khỏi hẳn, ăn cơm giả bữa và béo tốt như xưa. Nhưng một buổi sáng, thằng con trai anh lại lên cơn sốt, cũng mê man chẳng khác gì bố ngày trước. Người nhà nghe đồn có một ông lang khách chữa thuốc cho trẻ con có tiếng vừa mới đặt gót giang hồ đến tỉnh Thái mấy hôm nay, mà người đón, người mời không một lúc nào ngớt. Khi ông lang khách đến xem cho thằng bé, người nhà thuật cả lại chuyện chính anh An bị ốm lần trước cũng cùng một chứng bệnh như thế. Ông lang khách tỏ ý giật mình, rồi ông một mặt bốc thuốc cho thằng bé, một mặt giục người nhà sửa lễ để ông cúng bái. Chẳng biết cái ông lang kiêm thầy phù thủy này xoay xở thế nào mà quả nhiên đêm hôm ấy thằng bé đã cắt cơn sốt, rồi sáng hôm sau thì tỉnh táo hẳn. Cả nhà mừng rõ khôn cùng, nhưng lại càng xiết bao lo lắng khi ông lang khách nhấc chén nước trà thơm, ung dung nhìn chủ nhân mà bảo rằng:

- Việc huyền cơ trời đất, đáng lẽ thì tôi không nói, nhưng thấy cách đối đãi của chủ nhân đây trung hậu, nên tôi không nỡ để cho cả nhà chủ nhân gặp nạn nguy vong…

Nghe ông lang báo cho cái tin dữ dội ấy, hai vợ chồng anh chàng An đều xanh mắt, cuống quýt hỏi kỹ, thì ông lang mới nói rằng: “Cứ như quẻ độn ngày hôm qua thì tôi biết chắc nhà này đã bắt được, hoặc mua phải một vật gì linh thiêng, nên mới gặp luôn luôn tai nạn, sau đây chắc có nhiều sự quái ảo sinh ra nữa!”

Tôi ngắt lời Kỳ Phát:

- Chắc lại vẫn là câu chuyện đôi hoa tai!

Kỳ Phát mỉm cười, gật đầu:

- Thì còn ai vào đấy nữa! Anh chàng An của chúng ta cũng nghĩ ngay đến đôi hoa tai mặt ngọc mua được giữa đường, lo lắng, nhìn vợ rồi đành thú thật với ông lang khách.

Tôi cười bảo Kỳ Phát:

- Hẳn ông lang khuyên hai vợ chồng An hãy đưa đôi hoa tai cho ông ta “làm ơn” giữ cho thì sẽ được tai qua nạn khỏi!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Anh đoán thế thì nhâm, một kẻ giang hồ thuật sĩ như lão lang khách này mánh khóe đâu phải chỉ có thế. Hắn nhất định “làm tiền” vợ chồng An hẳn hoi. Khi thấy “gia chủ” năn nỉ cầu cứu mình tìm cách giải thoát cho, lão lang khách nhất định chối từ, viện lẽ rằng nói như thế, lão cũng đã làm “lộ thiên cơ” lắm rồi, nếu nói rõ ràng thêm nữa thì chính mạng lão sẽ bị nguy. Vả lại, lão cũng đã đến ngày phải đến lấy thuốc của một người bạn mang ở bên Tầu sang. Nếu lỡ kỳ hẹn thì thiệt hại mất ba, bốn trăm bạc vì sẽ phải mua lại thuốc ở hiệu bên này, đắt lắm! Anh cứ nghĩ mà xem, hai vợ chồng An đời nào còn dám để vị cứu tinh của mình bay đi chỗ khác. Hai vợ chồng cùng lạy van hết nước hết cái, hẹn ngoài số tiền đền bù thiệt hại về chỗ thuốc không mua được, số tiền lập đàn “thế mệnh” cho lão lang khách, gia chủ còn đưa một số tiền mấy trăm bạc nữa. Mãi lão lang mới nhận lời và sau mấy ngày cầu cúng lễ bái mới bảo cho vợ chồng An biết rằng đôi hoa tai đó là của bà Liễu Hạnh Công chúa, thường gọi Đức Thánh Mẫu đền Sòng.




5
LÁ CẨM NANG QUÁI DỊ

Sực nhớ đến câu tục ngữ “Của bụt mất một đền mười”, hai vợ chồng An thấy lạnh cả người, lập tức lậy van lão lang khách xin làm ơn cứu cho thì lão trả lời rằng cúng bái như vậy cũng đã đỡ được một phần lớn, chỉ còn phải sửa một lễ tạ nữa vào đền Sòng, để trả đôi hoa tai là xong. Lão lại bấm độn nói rằng chính đôi hoa tai này là của một vị quan Tầu, sang lễ đền Sòng thấy linh ứng nên thành tâm mang cúng Thánh Mẫu. Thường nhật, đôi hoa tai này vẫn để tại chính cung, chẳng hiểu làm sao mà quân gian lại lấy trộm được. Thấy cả nhà vừa thoát được một tai nạn gớm ghê, vợ chồng An cung kính đưa tạ thầy khách đúng như lời hẹn. Ngoài ra lại năn nỉ nhờ đi cùng với An vào đền Sòng để chỉ bảo cho cách lễ bái, nhưng lão lang khách từ chối nói còn phải đi có việc cần, chỉ nhận làm giúp mấy lá sớ. Trước khi từ biệt chủ nhân, lão thầy khách còn trân trọng giao cho vợ chồng An một phong cẩm nang, dặn rằng khi nào nguy cấp thì mở ra xem, sẽ thấy ứng nghiệm.

Tôi ngắt lời Kỳ Phát:

- Câu chuyện đôi hoa tai của bà Chúa như thế tưởng đã kết thúc, sao mà anh chàng An còn mang ra cho anh để làm gì?

Kỳ Phát cười bảo:

- Chuyện đã kết thúc làm sao được vì khi An thân đưa lễ vật và đôi hoa tai vào đền Sòng, vị thử từ nhận đủ lễ vật, nhưng không nhận đôi hoa tai mặt ngọc, vì rằng đôi hoa tai ấy không phải là của đền. Quẻ bói của lão lang khách đều hoàn toàn sai sự thực, không làm gì có chuyện vợ viên quan Tầu hay khách thập phương nào cúng đôi hoa vào đền cả. Vị thủ từ lại bảo: “Hay là ở đền, phủ nào khác, vậy ông thử đi dò tìm xem.” Anh chàng An thì còn biết dò tìm bằng cách nào nữa, sau khi về nhà ít hôm, hỏi han mấy người, sực nhớ đến tôi nên ra đây tìm đến!

Tôi cười bảo Kỳ Phát:

- Thôi, tôi hiểu rồi, hắn mang ra giao đôi hoa cho anh, nếu anh không mê tín thì giữ lấy, hắn cũng không sợ tội vạ gì nữa hoặc nếu anh cũng e sợ thì tất phải cố công tìm ra đôi hoa tai mặt ngọc nguyên ở đền chùa nào thì mang đến mà trả.

Kỳ Phát cười:

- Có lẽ hắn nghĩ như thế thực đấy, nhưng tôi đâu có thời giờ mà làm những việc vô ích như vậy, mà giữ đôi hoa tai kia, tôi giữ làm gì kia chứ?

Tôi hỏi:

- Thế rồi, sau, anh “giải quyết cái vấn đề khó khăn” ấy bằng cách nào?

Kỳ Phát trả lời:

- Tôi chỉ khuyên hắn hãy theo lời tôi, về nhà lập một ban thờ, đặt đôi hoa tai mặt ngọc ấy lên, tuần rằm cúng lễ, như thế vừa không sợ tội mà lại còn được phúc là đằng khác nữa. Anh chàng nghe tôi nói có lý, sung sướng quá, hết lời khen tôi là người cao kiến, hứa về nhà sẽ theo đúng lời chỉ bảo và hẹn tôi có dịp thế nào cũng xuống Thái chơi!

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát bảo tôi rằng:

- Ấy, câu chuyện đôi hoa tai buồn cười như thế, tóm lại, chỉ có anh lang khách bịp già là lợi mấy trăm bạc ngon ơ, riêng vợ chồng An vừa mất của vừa lo ngày đêm “sốt vó”!

Tôi ngẫm nghĩ một lát, bỗng bảo Kỳ Phát rằng:

- Sao ở đời lại có người dễ tin như vậy nhỉ. Lại còn phong cẩm nang của lão lang khách nữa, chẳng biết trong đó thằng cha viết quỷ quái những gì?

Kỳ Phát cười mà bảo:

- Ấy chắc là ghi chép mấy việc tiên tri sai cả mười phần mười. Mặc dầu, hắn cũng trân trọng dặn chủ nhân giữ kỹ vì còn muốn làm cho anh chàng An bán tín bán nghi. Chưa dám mở cẩm nang ra, tất nhiên, An chưa dám quyết thực rằng lão lang khách chỉ là tên bợm.

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát lại nói tiếp:

- Nếu mà An xem được tin “một vụ án mạng sáu trăm năm trước” đăng trên báo hôm nay, hẳn lại phải một lần lo nghĩ, vì tôi chắc từ bấy đến giờ, mỗi lần hắn nghe thấy ai nói đến đôi hoa tai mặt ngọc là một lần hắn lại phải giật mình.

Kỳ Phát và tôi lúc này bỗng tưởng tượng ngay đến cái bộ mặt lo lắng và băn khoăn của An khi đọc cái tin quái lạ trên mặt báo. Không biết trong lòng con người chất phác ấy sẽ bàng hoàng và sợ sệt đến như thế nào?

Càng nghĩ, chúng tôi càng không thể nhịn được, rồi không bảo nhau mà cùng cất tiếng cười vang!

Ngay lúc này có tiếng người gõ cửa. Có lẽ khách đã gõ từ lúc nẫy, nhưng phần vì gõ nhè nhẹ rụt rè, phần vì chúng tôi cười to quá, nên không ai nghe thấy tiếng.

Chúng tôi cùng im bặt mà nhìn nhau. Linh tính của chúng tôi như đã báo cho biết có sự gì! Một lát, Kỳ Phát mới hất hàm ra hiệu cho tôi đi mở cửa, trong khi chàng ngồi dậy, xếp vội mấy chiếc gối trên giường lại cho đỡ bừa bộn.

- Thưa, ông Kỳ Phát có nhà không ạ?

Tôi chưa kịp trả lời thì khách đã thoáng trông thấy Kỳ Phát lúc ấy cũng vừa nhìn ra, reo to lên rằng:

- A, ông có nhà rồi, thực may quá!

Kỳ Phát mời khách vào nhà, giới thiệu:

- Ông An, ở Thái Bình! Còn đây là bạn thân của tôi thường giúp tôi trong nhiều cuộc tra xét!

Tôi nhìn An, thấy đúng quả như lời Kỳ Phát đã tả. Nhưng có điều này chắc mặt mày An phờ phạc hơn trước. Liếc nhìn thấy tờ báo mở rộng để trên chiếc bàn đầu giường, An hỏi chúng tôi:

- Các ông đọc tin vụ đào thấy hài cốt ở Kiến An rồi chứ?

Kỳ Phát gật đầu, nhưng hỏi lại:

- Ông ở Thái lên phải không? Sao ông biết được sớm thế vì thường thì mười một, mười hai giờ báo ở trên này mới gửi tới Thái kia mà!

An nói:

- Sáng nay, tôi có người nhà mang hàng về đi chuyến ô tô sớm nhất. Vì thế tôi có báo xem ngay và tiện thể lên tìm các ông luôn…

Ngừng lại một lát như cố trấn tĩnh, định những việc gì nên kể trước, kể sau, cho khỏi rối mạch lạc câu chuyện, An nói:

- Các ông hẳn thấy việc này có dính líu đến đôi hoa tai mặt ngọc, đôi hoa tai của bà Chúa?

Kỳ Phát gật đầu:

- Có, tôi đã xem kỹ. Vậy ông chỉ kể chuyện riêng về đôi hoa tai của ông thôi! Hiện ông vẫn còn để ở nhà chứ.

- Vâng, chúng tôi vẫn đặt trên ban thờ, theo như lời ông dạy. Trong nhà làm ăn bình thường không xẩy ra sự gì lạ cả, nhưng cách đây mấy hôm, không hiểu vì sao tôi bỗng nhiên thấy trong người nóng nẩy, bồi hồi lạ! Và sáng hôm nay thì tôi thấy cái tin kỳ quái đăng trên báo!

Kỳ Phát vội nói:

- Ông không nên lo lắng! Việc của ông có liên can gì đến việc này đâu! Tôi xin cam đoan với ông như thế!

Nhưng lời nói quả quyết ấy của Kỳ Phát không đủ làm yên lòng An. Hắn lưỡng lự một lát hình như không dám nói trái lại ngay lời Phát, lâu lâu mới rút trong túi ra một chiếc phong bì lớn mầu nâu, để lên bàn, rụt rè nói:

- Thưa ông, nhưng vì còn cái này!

Kỳ Phát hơi ngạc nhiên, một lát nghĩ ra, cười ngất:

- A, ông muốn nói tới cái cẩm nang của ông lang khách kia hẳn! Ông cho phép tôi nói thực nhé, tôi như ông thì việc trước nhất là đem vất chiếc phong bì này vào trong lò bếp!

Nhưng An tỏ vẻ thất vọng, lắc đầu:

- Bây giờ không được nữa rồi vì tôi đã mở xem…

Kỳ Phát giật mình, hỏi lại:

- Ông đã mở xem, nhưng trong có viết bậy bạ những gì kia chứ?

Vừa nói, Kỳ Phát vừa cầm lấy chiếc phong bì, rút tờ giấy ở trong ra… Đó là một tờ giấy hoa tiên mầu hồng hồng, phía góc có in hình cành mai, con nhạn. Trên giấy có viết mấy dòng chữ Hán, Kỳ Phát loay hoay nhìn tờ hoa tiên, một lát mới hỏi An:

- Tôi không đọc được chữ Hán, nhưng ông thì chắc là đọc được. Vậy ông hãy làm ơn cắt nghĩa sơ sơ cho tôi nghe xem lão lang khách ấy đã cố ý dọa dẫm ông những gì! Chắc đây cũng là một cớ để hắn đến xoay xở tiền nong của ông đây!

An đỡ lấy tờ giấy. Nhưng trước khi cắt nghĩa những câu chữ Hán, An nói:

- Đây là tôi chỉ biết nói theo nghĩa đen của câu, chứ nghĩa bóng thì lờ mờ khó hiểu lắm, có lẽ phải cao kiến và đạt lý như ông Kỳ Phát mới có thể hiểu được… Trong tờ giấy này, bẩy câu đại ý nói: “Đời người phù hư mộng ảo, kiếp này qua kiếp khác: của châu ngọc, thanh gươm sắc, thẩy đều là những vật giết người. Năm kiếp trước mi bị người hại, thì kiếp này mi lại hại người. Ôi, nghiệp báo oan gia, nợ máu lại phải trả bằng máu!” Chính nghĩa là như thế, song sự thực chủ ý nói gì tôi không hiểu ra sao cả. Chẳng hay các ông có ý kiến gì không?

Kỳ Phát mỉm cười:

- Tôi chỉ có một ý kiến: Lão lang khách cố ý muốn dọa dẫm ông để hòng sau này hắn có trở lại, sẽ lại có dịp làm tiền ông lần nữa!

An nói:

- Ông nói cũng có lẽ, nhưng tại sao lại có những chỗ phù hợp với cái tin đăng trên báo ngày hôm nay… Châu ngọc, tất phải có đôi hoa tai mặt ngọc, thanh gươm tức là con dao quai, năm kiếp trước tức là năm trăm năm trước…

Kỳ Phát lắc đầu:

- Câu viết trong cẩm nang, lời lẽ mơ hồ, giống hệt như những câu sấm truyền muốn đoán ra nghĩa gì cũng được hết. Tốt hơn cả là ông hãy cứ trở về Thái Bình, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, vì tôi cứ trông sắc mặt ông thì biết tình thần ông hiện đương rối loạn lắm đó!

Nhìn thẳng vào mặt An như muốn lấy đôi nhỡn tuyến mà ngự trị một người đương lưỡng lự, Kỳ Phát hỏi:

- Vậy ý ông nghĩ thế nào?

An cúi đầu rụt rè thưa:

- Vâng, tôi xin theo đúng lời ông!

Vừa nói An vừa đứng dậy, cúi chào chúng tôi rồi chầm chậm bước ra cửa như người còn ngái ngủ. Cánh cửa đã khép lại, Kỳ Phát nhìn tôi mà thở dài, lắc đầu:

- Cứ như thế này mãi thì không khéo mà anh chàng đến phát điên mất!

Tôi nói:

- May mà gặp được anh có đủ giọng nói quyết liệt làm cho hắn yên lòng. Tôi bây giờ mới thú thực chứ lúc nẫy nghe An đọc bản cẩm nang, tôi cũng rờn rợn, lo lo, vì sao mà có nhiều chỗ phù hợp thế nhỉ.

Kỳ Phát cười:

- Có thế thì mới đủ làm cho An, mà không chừng cả anh, phát điên nữa! À, để ta thử xem lại bản cẩm nang nào!

Nhưng chiếc phong bì để lại trên bàn chỉ là chiếc phong bì không! Thì ra lúc nẫy đọc xong, An đã bỏ tờ giấy hoa tiên quái gở vào trong túi.

Kỳ Phát cau mày nghĩ ngợi, một lát lắc đầu nói:

- Nếu thế thì không khéo An không về thoát được Thái Bình đâu. Ra ngồi ô tô, tỉ mẩn đọc lại những câu ghê gớm trong cẩm nang không khéo mà hắn đến đâm bổ đi Kiến An mất thôi!

Nhìn đồng hồ, Kỳ Phát bảo tôi:

- Thôi, “cứu nhất nhân đắc vạn phúc” anh hãy chịu khó một tí. Bây giờ anh hãy ra ngay bến ô tô Thái Bình, hễ thấy An thì anh bảo hắn đưa cho tôi bản cẩm nang, nói rằng tôi sẽ dùng để giải thoát cho hắn… Hắn có hỏi lôi thôi thì anh cứ vờ bịa ra rằng tôi cũng biết phù phép, phép mường mán, hay ma gà, ma xó gì cũng được, miễn làm sao lấy về đây bản cẩm nang, và làm cho hắn tin tôi mà yên lòng. Sau đó, anh sẽ đợi cho đến lúc ô tô chạy, anh hãy về!

Tôi theo lời Kỳ Phát, mặc vội quần áo, rồi gọi xe ra bến ô tô Cửa Nam. Nhưng tìm quanh quẩn, tôi không thấy có An. Hỏi thăm mấy người hành khách ngồi chờ ở đấy từ lâu, tả rõ hình dạng An thì một người nói rằng: “Lúc nẫy có một người đúng như thế ra ngồi chờ ô tô đi Thái Bình, nhưng một lát sau lại xuống, mặc cả xe ra ga, mặc dầu vé ô tô đã lấy rồi!” Tôi lập tức lại phóng xe ra ga tìm An vì đoán có lẽ đúng như lời Phát nói, An đã đáp xe lửa ra Hải Phòng để đi Kiến An, nơi đã xẩy ra… cái nợ tiền kiếp của hắn!

Nhưng ra đến ga thì, chuyến tầu Hải Phòng vừa chạy được ba phút. Tôi tìm khắp mấy buồng đợi, chỗ buồng phát vé hạng tư và hạng ba, ngoài sân ga, cũng đều không thấy bóng An đâu cả, nên đành phải trở về. Thấy dáng điệu của tôi, Kỳ Phát đoán ra ngay hỏi:

- Thế nào, tầu Hải Phòng chạy rồi ư?

Tôi gật đầu chán nản, chẳng buồn hỏi lại xem tại sao Phát lại đoán biết được thế. Kỳ Phát lúc này cũng như bận nghĩ về việc gì. Chàng cầm lấy tờ báo, đọc kỹ lại bài tường thuật vụ đào thấy hài cốt ở Kiến An rồi bỗng bảo tôi rằng:

- Anh mấy hôm nay có rỗi không?

- Kể thì cũng bận viết, nhưng không cần lắm. Anh muốn bảo gì tôi?

Kỳ Phát giở cuốn sổ tay xem giờ tầu, rồi bảo:

- Nếu thế thì anh sắp sửa quần áo đi Hải Phòng - Kiến An bây giờ. Tôi vì có mấy việc gấp phải ở lại Hà Nội, nên không thể đi được, vả lại có lẽ cũng không cần phải tôi đi làm gì vô ích. Vậy anh hãy đi Kiến An, cũng không cần để lộ tung tích cho An biết làm gì, vì như thế hắn chỉ thêm hoảng sợ mà thôi. Anh sẽ ở vài ngày ở Kiến An, cốt nhất một điều là phải luôn luôn để ý đến An, vì tôi chỉ sợ hắn lo nghĩ hoảng hốt quá thành điên, làm nhiều chuyện dại dột mà thôi… Cách hơn một giờ nữa thì có chuyến autorail đi Hải Phòng, anh sửa soạn va ly đi thì vừa! Có tin tức gì, anh sẽ viết thư, đánh dây thép, hoặc gọi điện thoại lên cho tôi, nếu là việc cần!




6
DƯ LUẬN TÌNH KIẾN
MỘT LẦN NỮA
ĐƯỢC DỊP BÀN TÁN


Kiến An, ngày 6 tháng tư

Anh Kỳ Phát,

Tôi ra ga vừa kịp chuyến autorail, anh ạ! Nếu chùng chình một tí nữa thì nhỡ. Về đến Hải Phòng, tôi lại đi quanh mấy vòng vì vẫn hy vọng gặp được An trước khi hắn ra Kiến An, nhưng không thấy. Buổi chiều tôi đáp ô tô đi Kiến An, thế nào gặp phải chuyến xe hỏng máy giữa đường thành ra chậm mất hơn một giờ. Mãi đến nhá nhem tối mới tới Kiến An. Tìm chỗ ngủ và tắm rửa thay quần áo là vừa đi ngủ, 8 giờ tối, Kiến An bằng Hà Nội 11 giờ rồi. Vì ngoài phố, nhà nào cũng đóng cửa hết.

Viết thư này, sai người đi bỏ ngay để cho anh khỏi sốt ruột, tôi định sáng sớm mai sẽ đi tìm An một cách kín đáo như lời anh dặn!

Bạn anh


Kiến An, ngày 7 tháng tư, 8 giờ tối

Anh Kỳ Phát,

Tôi đã tìm thấy tung tích của An. Công việc này cũng không khó khăn gì mấy, vì anh hẳn đã biết, tỉnh Kiến An chỉ có lèo tèo vài phố mà có ai lạ mặt đến tỉnh là người ta thấy ngay. Anh có thể đoán được rằng hiện An ở nhà ai không? Chắc anh không thể tưởng tượng được là vì anh chàng lờ ngờ ấy làm thế nào mà lại mò ngay vào ở trọ cùng một nhà với cai Ba, người đã tìm ra bộ hài cốt kia. Theo ý tôi đoán chắc khi An xuống đây, hỏi thăm về vụ đào thấy cốt thì người ta chỉ hắn đến tìm cai Ba vì, thực vậy, còn ai biết rõ chi tiết chuyện này hơn cai Ba nữa. Sáng nay, tôi đi loanh quanh, có thoáng thấy An đứng bên cạnh cai Ba ở chỗ đường đào hầm trú ẩn. Có lẽ hắn hy vọng sẽ còn tìm thấy một vài dấu vết gì khác nữa chăng?

Bộ hài cốt kia thì hiện đã gói ghém, sắp sửa gửi lên Viện Bác cổ trên này, theo như lời thỉnh cầu của ông Giám đốc. Hình như ông lại có thưởng cho bọn phu mỗi người mấy đồng, và riêng cai Ba một chục bạc và dặn hễ có thấy gì lạ nữa thì phải báo ngay cho các nhà chuyên trách biết.

Buổi chiều tôi lại thấy An đi vẩn vơ trong phố. Lẳng lặng theo hắn, tôi thấy anh chàng đi không có chủ định, cuối cùng thì lên núi Thiên Văn, ngồi một chỗ mà nhìn xuống tỉnh. Tôi lo lắng chỉ sợ có một phút chán nản, hắn nhẩy đại xuống núi thì thực là nguy!

Bây giờ anh bảo tôi làm thế nào, chẳng nhẽ cứ đợi và theo chân hắn mãi. Quen sống ở Hà Nội nay cùm chân ở Kiến An tôi thấy khổ lắm rồi!

Bạn anh


Kiến An, ngày 9 tháng tư

Anh Kỳ Phát,

Qua một ngày không viết thư cho anh nhưng sự thực có việc gì đâu mà viết. Tôi chỉ còn đợi thư anh bảo về Hà Nội, là xách va ly đi ngay. Tôi đã sửa soạn xong rồi. Mấy cuốn truyện mang từ Hà Nội về, đọc hết cả rồi, buồn chết người đi được. Tôi đã đi mua thếp giấy định ngồi viết một truyện ngắn, hay một bài thơ, để gửi cho ông bạn ở Sài Gòn, ra một tờ tuần báo đã lâu mà tôi có hẹn sẽ viết giúp một vài bài. Nhưng không khí tỉnh Kiến An làm sao ấy, không thể nào mà ngồi viết được, nhìn qua cửa sổ thấy hai ông hàng xóm phía bên hữu đương ngồi hút thuốc vặt và đánh cờ, trong khi những bà hàng xóm bên phía tả họ họp nhau đánh chắn, nói cười rầm rĩ.

Anh Phát ạ, thư này gửi đi lúc 10 giờ sáng, tôi bắt đầu tính hễ được 48 giờ qua, dù không có thư anh tôi cũng cứ về Hà Nội.

Còn An, thì mặc hắn với đôi hoa tai và pho cẩm nang của hắn!

Bạn anh


Kiến An, ngày 9 tháng tư, 4 giờ chiều

Anh Kỳ Phát,

Bức thư sáng vừa gửi đi thì tôi lại nhận được thư sau, vội trả lời ngay để anh biết. Việc trở về Hà Nội, tôi đã quyết định rồi, mặc dầu trong thư anh khuyên tôi nên ở lại thư thả đã! Nhưng ở lại làm gì kia chứ, trong khi thấy An, người “anh hùng” trong câu chuyện của chúng ta, vẫn sống một cách yên tình ở đây, có phần lại hơn khi ở nhà nữa, cứ mỗi lúc tôi thấy hắn khoác tay anh chàng cai Ba đi chơi trong phố, hoặc khề khà uống rượu trong cao lâu thì ớn lộn ruột lên được. Hắn có biết đâu trong khi ấy có một người lạ - là tôi - đương chán nản vì bị chôn sống trong cái lỗ Kiến An!

Tôi thực không hiểu tại sao An với cai Ba lại dễ thân với nhau đến thế! Tôi có hỏi dò la mấy người thì họ nói cai Ba cũng có biết ít nhiều về khoa tử vi và tướng số, như vậy chắc việc này là do cai Ba làm thân với An… Phải, gặp một người cả tin sẵn tiền để tiêu phí như An, hắn dại gì mà không tìm cách lợi dụng!

Thôi chẳng còn chuyện gì mà nói nữa. Tôi chỉ nhắc lại để anh biết rằng cái khoảng 48 giờ tôi còn ở Kiến An thì tính đến bây giờ đã quá đi được 6 giờ rồi nghĩa là tôi chỉ còn phải ở lại đây có 42 giờ nữa thôi!

Bạn anh


Kiến An, ngày 10 tháng tư

Anh Kỳ Phát,

Không khéo mà tôi chưa về Hà Nội được theo dự định đâu, anh ạ! Nhưng anh chớ vội mừng: anh chàng An của chúng ta vẫn khỏe mạnh và… đáng ghét như thường! Hắn ta có phần lại béo và trắng ra chứ không hề nổi cơn điên mà làm việc gì dại dột! Vậy mà tôi vẫn phải ở lại đây là vì vừa có một sự lạ! Để tôi nói ngay kẻo anh sốt ruột: Cai Ba lại vừa tìm thấy ở khu hầm trú ẩn này một sợi dây chuyền bằng vàng. Sợi dây này bị đứt giữa quãng, nhưng chỗ cái khóa móc hai dầu dây lại vẫn nguyên vẹn. Khoảng dưới dây có đeo một chiếc hộp tròn bằng đồng, có thể bửa ra làm đôi được giống như cái hộp đựng dây cót đồng hồ vậy. Trong hộp không có gì cả, chỉ toàn đất. Phía ngoài hộp hình như có khắc chữ nhưng nét mờ lắm rồi, không thể nào đọc được. Nhưng cứ như ý tôi đoán thì có lẽ đó là những nét bùa… Đọc đến đây, có lẽ anh đã mỉm cười mà cho rằng tôi bây giờ đã bị đôi hoa tai của bà Chúa ám ảnh nên bất cứ sự gì cũng cho là huyền bí hết thảy!

Từ khi cai Ba tìm thấy chiếc dây chuyền này, An như có vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Chính hắn đã được thấy chiếc hộp này trước tiên vì sáng hôm nay theo lệ thường hắn vẫn đi theo cai Ba đến các nơi làm lụng…

Lấy tư cách là nhà báo, nên tôi được xem chiếc hộp ấy kỹ lưỡng và đã xin phép chụp được chiếc ảnh kèm theo đây để anh xem. Dư luận tỉnh Kiến An một lần nữa lại có dịp bàn tán. Gớm, họ kể đi, kể lại làm cho mình chán cả tai, mặc dầu mình chính là người xuống đây vì việc ấy! Tôi lúc này thực không thiếu gì đầu đề và cốt truyện để viết. Nguyên có một sợi dây chuyền và chiếc hộp, người ta đã đặt ra được nhiều chuyện rất ly kỳ, lạ lùng một cách không ngờ! Kể cứ theo đó, sắp đặt lại, thêu dệt ra đôi chút cho văn chương là đã có đến hơn chục chuyện kỳ quái rồi đó!

Để tôi kể vài thí dụ cho anh nghe: Cái hộp ấy, người ta bảo chính là đựng một thứ nước phép mà những người Tầu vẫn dùng để đi tìm của. Đeo nó trước ngực rồi cứ tâm tâm niệm niệm mà đi, lúc nào nghe thấy nước trong hộp sôi, nóng lan ra ngực thì là nơi đó có của chôn, cứ việc đào lên là thấy. Nước ấy vì lâu ngày nên khô đi rồi chứ nếu còn thì đáng giá mấy nghìn đồng vì các kỹ sư tìm mỏ cũng phải tranh nhau mà mua về dùng.

Có người thiết thực hơn, bảo rằng cái hộp ấy chỉ là hộp đựng thuốc lào (nhưng nhỏ thế thì đựng được bao nhiêu thuốc, Kỳ Phát nhỉ!). Cái người nêu lên giả thuyết này căn cứ ở hai viên đá lửa tìm thấy trước và chẳng cần phải dò hỏi, ta cũng có thể đoán chắc rằng người dựa vào lý này hẳn phải là một anh chàng nghiện thuốc trong túi bao giờ cũng có sẵn hộp thuốc với bao diêm!

Lại còn có thuyết này nữa mới ngộ! Người ta bảo kẻ thiệt mạng kia chính là một tên “giang hồ hảo hán” trong “phái lục lâm”. Chắc hắn lần mò sang bên nước ta là định để mở một cái “hắc điếm” hoặc đi dự cuộc “đả lôi đài” nào đó. Người ta quả quyết rằng con dao quai kia chính là khí giới hộ thân của hắn còn đôi hoa là của hắn đã bắt được ai “nộp tiền mãi lộ”. Vậy bây giờ mới đến cái hộp tròn bằng đồng kia! Người ta nói trong hộp đó có đựng một thứ bột mầu vàng: thuốc này thường vẫn dùng để gẩy một chút vào thây người bị giết, lập tức thây ấy sẽ biến ra nước và tan đi hết!

Thôi, nếu cứ kể mãi thì đến mấy trang giấy nữa cũng không hết được. Nếu anh lấy làm lý thú thì tôi xin mời anh ra đây. Tôi chắc từ lúc bỏ thư này đến lúc anh đặt chân lên đất Kiến An, người ta đã đẻ thêm ra vô số là chuyện nữa!

Bạn anh

Tái bút: Tôi quên chưa nói để anh biết rằng từ sáng đến giờ đã xẩy ra hai sự đánh nhau vỡ đầu chảy máu, nguyên do chỉ là vì người ta bàn tán về chiếc hộp và sợi dây chuyền, mỗi người cố cãi cho lý của mình nên cuối cùng phải dùng đến võ lực. Nếu có vì chuyện này mà xẩy ra án mạng thì tôi sẽ đánh dây thép cho anh ngay!

Điện tín Kiến An - Hà Nội, số 786, đánh lúc 7 giờ 16 phút, 11 chữ: Một vụ án mạng vừa xẩy ra. Kỳ Phát xuống ngay!





7
TỈNH KIẾN AN LÚC
CÓ CHUYỆN THÌ LẠI XẨY RA
NHIỀU CHUYỆN QUÁ

Chuyến tầu Hải Phòng lên hôm nay chậm mất 15 phút nên đúng 11 giờ rưỡi đêm mới tới ga Hà Nội. Theo lệ thường mọi khi thì tôi vẫn đi ăn tí chút gì đã, rồi mới về nhà, nhưng lần này vì nóng ruột quá, nên ra khỏi ga lập tức tôi lên xe đi về.

Gian nhà của chúng tôi từ trước vẫn mỗi người giữ một chìa khóa để đi về cho tiện nên đến nhà không cần gọi cửa, tôi cứ việc mở vào. Chẳng cần để ý đến chỗ đèn tắt tối om, tôi cũng biết trước rằng thế nào Kỳ Phát cũng đi vắng. Nhưng khi tôi bật đèn lên, thấy trên bàn kẹo bánh còn bỏ bừa bãi, tờ dây thép của tôi cũng vất trên giường thì tôi ngạc nhiên hết sức. Vậy ra Kỳ Phát vẫn ở Hà Nội chứ không đi đâu hết! Thế mà tôi ở Kiến An lớp ngóp lên vì yên trí anh chàng đã đi đâu xa vắng!

Ngay lúc này Kỳ Phát đẩy cửa vào! Anh chàng nhìn tôi, không nói gì, lẳng lặng cởi bớt áo ngoài rồi hỏi:

- Hết hạn bốn tám giờ rồi phải không?

Tôi cau mặt, hỏi lại:

- Anh chưa đọc dây thép của tôi ư?

Kỳ Phát không trả lời, chỉ hất hàm về phía giường ngủ, chỗ mảnh giấy xanh của nhà Bưu điện còn nằm trơ ở đó.

Tôi tức giận, không nhịn được nữa, hỏi:

- Anh vừa đi đâu thế?

Kỳ Phát vẫn điềm nhiên, trả lời:

- Tôi đi xem chiếu bóng! Lâu lắm mới được một phim hay.

Nhưng tôi đã ngắt lời Phát, gắt:

- Nếu thế thì lạ thực, anh có nhận được dây thép của tôi, vậy mà anh vẫn bình tĩnh đi xem chiếu bóng thì lạ thực!

Kỳ Phát hình như cố nhịn cười, nhìn tôi, gật gù mà bảo:

- Anh đóng kịch khá đấy!

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Anh nói gì đó! Anh này điên rồi hay sao?

Kỳ Phát lúc này mới hơi đổi sắc mặt:

- Thế không phải anh định đùa tôi sao?

Tôi thở dài ngồi phịch xuống ghế:

- Trời ơi, đánh dây thép rõ ràng như thế mà lại bảo là đùa thì lạ thực!

Kỳ Phát cũng ngồi xuống ghế:

- Khổ quá! Tôi cứ yên trí là anh đùa vì rằng trong cuối thư trước, anh có dặn nếu có xẩy ra án mạng thì anh đánh dây thép. Sau đó tôi nhận được điện tín nói đã xẩy ra vụ án mạng, yên trí rằng anh vì ở Kiến An buồn quá, nên đùa tôi chơi! Vậy ra không phải là họ vì bàn tán chuyện chiếc dây chuyền mà đến nỗi đánh nhau chí mạng ư?

Tôi chép miệng, lắc đầu:

- Thế mới biết cũng may mà tôi nóng ruột về đây, chứ không cứ nằm chờ ở Kiến An thì không chừng xẩy ra bao vụ án mạng nữa mà vẫn không thấy bóng vía anh đâu! Đánh dây thép xong, đợi mãi không thấy anh xuống, tôi đoán anh đi vắng nên thấy việc cần, vội đi ngay Hà Nội để tìm anh!

Kỳ Phát liếc nhìn đồng hồ, rồi hỏi:

- Tầu chắc vừa mới đến, anh chưa ăn gì phải không?

Thấy tôi lắc đầu, Kỳ Phát tiếp:

- Nếu vậy, anh hãy đi ăn với tôi, rồi chúng ta nói chuyện!

Một lát sau, chúng tôi đã ngồi trong một tiệm ăn. Lúc này vì đã khuya nên khách cũng không đông cho lắm. Kỳ Phát gọi bảo làm mấy món rồi bắt đầu hỏi tôi:

- Nào, bây giờ anh hãy kể đầu đuôi vụ án mạng cho tôi nghe. Không phải An đã tự tử chứ?

Tôi lắc đầu, Kỳ Phát hỏi lại ngay:

- Thế hắn bị người giết ư?

Tôi lắc đầu:

- Có người bị giết, nhưng không phải là An!

Kỳ Phát thở mạnh, nói:

- Nếu thế thì tôi đã yên lòng được một phần rồi! Vậy ra vụ án mạng này với câu chuyện quái dị đôi hoa tai của bà Chúa không liên quan gì với nhau cả!

Tôi lắc đầu:

- Có liên quan lắm chứ. Nhưng anh để tôi kể cho mà nghe chứ đừng hỏi ngắt quãng thế! Sáng sớm hôm nay, tôi vừa ngủ dậy thì thấy người chủ trọ bảo tôi: “Ông ạ, đêm qua ở chỗ núi Ổi vừa xẩy ra vụ giết người ghê gớm quá!”

Tôi xám mặt, vì cũng như anh lúc nẫy yên trí kẻ thiệt mạng chính là An, kêu lên:

- Chết chửa, thế à?

Người chủ trọ có lẽ sợ tôi thấy có chuyện ghê gớm xẩy ra không dám lưu lại đất Kiến An lâu nữa, như thế hắn sẽ mất một món khách sộp, nên vội bảo tôi:

- Không, ông ạ, tỉnh chúng cháu năm chừng mười họa mới xẩy ra một việc như thế này. Vả lại cháu chắc chỗ ấy cũng có cái dớp hay làm sao nên ông chánh mới gặp nạn ở đó, ngay chỗ người ta trú ẩn, vừa tìm thấy cốt hôm nọ!

Thấy người chết chẳng phải là An, tôi đỡ lo hỏi lại:

- Ông chánh nào chết, hử ông? Tại sao ông ấy lại bị người giết, có kẻ thù hay sao?

Người chủ trọ lắc đầu:

- Tôi cũng không rõ nữa. Tên ông ấy là chánh Hợp, một người quyền thế ở vùng này! Nhà ông ta giầu lắm mà cũng không bủn xỉn keo cứ gì mà bảo có người thù!

Tôi nói:

- Nếu thế thì chắc là của hại người rồi. Ý chừng đêm qua, ông ấy có mang theo nhiều tiền, quân gian biết thóp nên giết để chiếm đoạt số tiền lớn kia!

Người chủ trọ lắc đầu:

- Không, câu anh nói có lý nhưng không đúng, vì tôi nghe nói các nhà chuyên trách lúc đến khám còn thấy trong túi ông ta những bốn chục đồng. Như vậy nếu phải thực là kẻ gian tất chúng lấy hết chứ đời nào lại còn bỏ tiền lại.

Kể đến đây, tôi ngừng một lát rồi nói tiếp:

- Thế là ngay lập tức tôi đi đánh dây thép cho anh trước khi đến nơi xẩy ra vụ án mạng.

Kỳ Phát gật đầu:

- Mọi việc anh làm có thứ tự lắm. Đáng trách tôi không đoán ra việc này, cứ yên trí là anh nói đùa.

Tôi cũng cười:

- Lúc giận thì trách anh thế thôi, chứ riêng tôi cũng có lỗi. Nếu trước trong thư anh không nói đùa thế thì về sau làm gì anh lại ngờ vực.

Kỳ Phát gật đầu:

- Có điều cũng may, là anh chàng An của chúng ta chưa việc gì. Chàng vẫn béo trắng ra như lời anh nói trong thư trước phải không?

Tôi lắc đầu:

- Từ sáng hôm nay tôi không gặp mặt hắn đâu cả, thực trái với ý tôi đoán thế nào xẩy ra vụ này hắn cũng phải đến chỗ ấy trước tiên.

Kỳ Phát với tay lau đũa bát trên bàn rồi nói:

- Nào, bây giờ anh kể nốt cái đoạn anh đi điều tra xem ra sao.

Tôi trả lời:

- Kết quả chẳng có gì đáng kể anh ạ. Lúc tôi đến chỗ núi Ổi thì thi thể ông chánh Hợp người ta đã đưa vào nhà xác rồi. Nhờ có cái các trợ bút của một báo hàng ngày có giá trị, tôi mới được phép vào xem. Chánh Hợp năm nay tuổi chừng ngoài năm mươi nhưng trông người khỏe mạnh, quắc thước lắm…

Lúc này Kỳ Phát rút trong túi ra cuốn sổ tay, chốc chốc lại ghi chép những chỗ mà chàng cho là liên quan đến việc tra xét vụ án mạng.

Tôi tiếp:

- Người ta lại đồn ông này là một tay giỏi võ nữa, vì thế cho nên tuy nhà ông giầu nhưng trộm cướp không dám bén mảng đến…

Kỳ Phát ngắt lời tôi hỏi:

- Chánh Hợp có hay đánh bạc không?

Tôi ngạc nhiên:

- Tại sao anh lại hỏi câu ấy?

- Anh vừa nói lúc nẫy rằng chánh Hợp bị giết đêm qua phải không?

- Phải, vào khoảng một, hai giờ sáng gì đó. Ấy là theo lời bác sĩ mổ khám tử thi nói thể!

Kỳ Phát gật đầu:

- Vì thấy chánh Hợp đi khuya thế nên tôi mới ngờ rằng hắn đi đánh bạc về chăng?

Tôi lắc đầu:

- Điều này tôi không nghĩ tới nên không hỏi!

Kỳ Phát ngẫm nghĩ một lát rồi lại tiếp:

- Rồi chúng ta lại phải dò xem chánh Hợp có phải là người chơi bời trai gái hay không nữa.

Tôi nói:

- Có lẽ anh nghĩ rằng chánh Hợp bị giết do có kẻ thù vì tình chăng? Điều này thì tôi đã dò hỏi chắc chắn. Chánh Hợp về vấn đề này là người rất đứng đắn, không hề ham mê tửu sắc. Một chứng cớ là vợ ông ta chỉ sinh trọn một con gái vậy mà bao người khuyên ông lấy vợ kế để đẻ đứa con trai nối dõi mà ông nhất định không thuận.

Kỳ Phát giục tôi ăn vì bồi bàn đã đưa các món ra. Một lát, chàng mới hỏi:

- Chánh Hợp bị hung phạm đánh mấy vết thương mà đến nỗi bỏ mạng?

Tôi nói:

- Chỉ có hai vết thương: một vết đánh bằng vật tròn trúng đầu và một vết đâm bằng dao trúng ngực. Cái vật tròn hung phạm dùng, người ta không tìm thấy, chỉ thấy có con dao còn cắm ngập vào tử thi.

- Anh có xem con dao không?

- Có, đó là một thứ dao bỏ túi, nhưng to và khỏe, chuôi bằng sừng, gấp lại được, mà người ta vẫn gọi là dao đi săn.

- Các nhà chuyên trách có tìm thấy vết tay không?

Tôi trả lời:

- Đây mới là một điều lạ, Sở Mật thám không tìm thấy hơi một vết tay nào cả?

- Các nhà chuyên trách đã tìm ra chút ít manh mối nào chưa?

Tôi lắc đầu:

- Cho đến lúc tôi ra xe ô tô đi Hải Phòng thì chưa thấy tìm được manh mối nào cả. Nghe nói mấy viên thanh tra liêm phóng ở đây đã tỏ ý thất vọng lắm lại lo sợ không tìm ra thủ phạm nữa. Và như thế thực là rầy rà to, bởi lẽ tỉnh Kiến An, xưa nay vốn là tỉnh không có xẩy ra những chuyện nghiêm trọng bao giờ, nay xẩy ra một việc mà Sở Liêm phóng lại không tra xét ra thì chẳng hóa chẳng được việc gì hay sao?

Kỳ Phát hỏi lại:

- Có phải lúc nẫy anh nói rằng tìm trong túi chánh Hợp còn có bốn chục bạc phải không?

Tôi gật đầu:

- Còn tất cả đúng ba mươi bẩy đồng, năm hào, hai xu lẻ.

- Ngoài ra còn giấy tờ gì gọi là quan hệ không?

Tôi lắc đầu:

- Điều này, tôi đã hỏi kỹ, ngoài số tiền trên trong túi chánh Hợp chỉ còn có mấy tờ giấy quan huyện gọi về việc bầu cử, hai cái thẻ sưu năm ngoái và năm nay, cùng một chiếc thẻ căn cước nữa.

Sực nhớ, tôi bảo Kỳ Phát:

- À trong túi chánh Hợp còn một vật đáng để ý là chiếc quả đấm bằng đồng, mạ kền, thứ có đinh nhọn ở bốn vòng ngón tay!

Kỳ Phát ghi câu cuối cùng này vào sổ xong thì gấp lại, bỏ túi, bảo tôi rằng:

- Chắc anh cũng không còn gì đáng nói nữa, vậy chúng ta ăn đi thôi rồi về đi ngủ cho có sức. Sáng mai tôi còn bận một chút việc ở Hà Nội, đến trưa thì chúng ta có thể đi Kiến An được!




8
LỜI HỨA CỦA KỲ PHÁT

Sáng sớm hôm sau, Kỳ Phát trở dậy, dặn tôi cứ ngủ yên cho đẫy giấc, và hẹn chừng mười giờ thì về. Tôi theo lời, ngủ lại, đến lúc chợt tỉnh nhìn đồng hồ đã thấy chín giờ rưỡi. Tôi trở dậy thay quần áo và rửa mặt, gội đầu. Vừa xong thì có tiếng gõ cửa. Tôi chải vội cái đầu rồi ra mở, thấy đó là một thiếu phụ ăn vận theo lối cổ nhưng sang, đi cùng một đứa bé con trai chừng sáu, bẩy tuổi. Thiếu phụ chào tôi rồi hỏi:

- Xin ông tha lỗi, ông có phải là ông Kỳ Phát không ạ?

Tôi trả lời:

- Anh Phát là bạn tôi. Anh ấy vừa đi có chút việc, chắc chỉ chốc lát nữa thì trở về. Chẳng hay bà muốn hỏi bạn tôi có việc gì?

Thiếu phụ như có vẻ ngần ngại, giây lát rụt rè nói:

- Chúng tôi mới ở Thái Bình lên. Tôi là vợ ông An…

Tôi vội vàng mời thiếu phụ vào nhà rồi nói:

- Vậy mà tôi không biết, xin bà tha lỗi cho. Tôi đã được gặp ông nhà một lần ở đây…

Thiếu phụ lo lắng hỏi tôi:

- Thưa, có phải ông gặp thầy cháu cách đây đã năm, sáu hôm rồi phải không ạ?

Thấy tôi gật đầu, thiếu phụ tiếp:

- Hôm ấy, thầy cháu bảo lên trên này tìm ông Kỳ Phát, nhưng từ hôm ấy đến nay, chúng tôi không được tin tức gì cả. Chúng tôi sốt ruột lắm, nhà lại bận mà neo người nên mãi hôm nay mới lên đây được…

Tôi vội vàng nói cho yên lòng thiếu phụ:

- Điều ấy thì bà không ngại vì chúng tôi biết hiện ông An đương ở chơi ngoài Kiến An…

Thiếu phụ thở mạnh như người trút được gánh nặng:

- Nếu thế thì may quá. Thưa ông, hẳn ông đã biết rõ chuyện nhà chúng tôi, ít lâu nay thường xẩy ra những chuyện rắc rối không đâu chỉ thêm lo lắng… Thầy cháu thì như tâm thần không định, hoảng hốt thế nào, nên khi ra đi dặn có mấy hôm về mà bặt tin nên tôi lo ngại lắm. Nay thấy ông nói thế chúng tôi mới được yên lòng…

Thiếu phụ vừa nói đến đây thì tôi thấy tiếng xe Kỳ Phát đỗ ở ngoài cửa. Tôi vui vẻ bảo:

- May quá, anh Phát tôi đã về!

Kỳ Phát bước vào, thiếu phụ cung kính đứng dậy chào, làm cho Kỳ Phát ngạc nhiên nhìn tôi để hỏi. Tôi vội nói:

- Đây là bà An vừa ở Thái Bình lại tìm anh.

Kỳ Phát cúi chào thiếu phụ rồi nói nhanh hỏi nhỏ tôi một câu bằng tiếng Pháp:

- Anh chưa nói gì về vụ án mạng chứ?

Tôi sẽ lắc đầu rồi nói to bảo Phát:

- Bà An thấy ông ấy đi lâu không về, không có tin tức gì nên lên đây hỏi thăm. Tôi vừa báo cho bà biết tin mừng rằng ông hiện vẫn ở chơi ngoài Kiến An, chắc gặp bạn vui, nên chậm về đó thôi!

Thiếu phụ nói với Kỳ Phát rằng:

- Thường ngày, thầy cháu vẫn nói rằng ông là một bậc cao kiến. Chúng tôi thì đàn bà ngu dốt, vả lại cũng bận buôn bán luôn luôn, nhân thể lên đây, vậy xin ông làm ơn cho biết rằng liệu thầy cháu có việc gì không?

Kỳ Phát cố cười một cách tự nhiên nói rằng:

- Bà bảo còn xẩy ra được việc gì cơ chứ! Tôi xem ông nhà là một người đứng đắn, không ham mê chơi bời gì hết, vậy ở nhà lâu buồn, ông đi chơi giải trí đó thôi!

Thiếu phụ vội nói:

- Thưa ông không, chúng tôi không lo thầy cháu ham mê gì, nhưng còn chuyện đôi hoa tai.

Kỳ Phát gạt đi:

- Đôi hoa ấy tôi đã dặn ông nhà cứ việc đệ cúng lên ban thờ ở nhà, sẽ chẳng phải lo xẩy ra việc gì mà lại còn được thần thánh che chở cho nữa. Bà không phải lo ngại…

Thiếu phụ lại nói:

- Nhưng vừa rồi thầy cháu nói chuyện đâu ở Kiến An có xẩy ra việc gì, người ta đào được cốt thế nào, mà lại cũng hợp vào với chuyện đôi hoa tai…

Kỳ Phát quả quyết bảo:

- Điều ấy thì bà nhầm, tôi biết chắc hai việc không có liên can gì đến nhau cả!

Thiếu phụ rụt rè một lát rồi lại nói:

- Nhưng còn bức cẩm nang của ông lang khách? Thầy cháu có cắt nghĩa cho nghe, chúng tôi lấy làm lo sợ lắm!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, những câu ấy chỉ là những câu dọa nạt vô lý và buồn cười… Đó cũng là một cách của bọn giang hồ thuật sĩ thường làm để xoay xở tiền nong. Hắn có làm cho ông bà sợ thế thì lần sau đến, hắn mới có cách làm tiền chứ?

Thiếu phụ chỉ đứa con trai lên bẩy tuổi đứng bên mà bảo Kỳ Phát rằng:

- Thưa ông, lời ông nói, chúng tôi tin là đúng. Tuy nhiên, không hiểu làm sao mà chúng tôi vẫn cứ lo ngại, có lẽ vì có thằng bé này chăng? Thực vậy, nếu thầy cháu có xẩy ra sự gì thì thực hai mẹ con chúng tôi mất hẳn một cái cột trụ, không còn biết xoay xở ra làm sao nữa!

Ngừng lại một lát, thiếu phụ lại nói:

- Hay là chúng tôi xin phép ông ra Kiến An tìm thầy cháu về?

Kỳ Phát vội nói:

- Điều ấy thì rất không nên! Có nhiều cớ: một là bà ra ngoài ấy lạ lùng, khó biết đâu mà tìm; hai là bà đi vắng nhiều ngày, công việc ở nhà sẽ không có ai trông nom, thiệt hại lớn. Điều thứ ba nữa là sự thực, ông nhà có mải vui thì cũng chỉ có ở lại Kiến An vài ba ngày nữa là cùng, không hề xẩy ra sự gì hết!

Thấy thiếu phụ vẫn không hết hẳn nỗi lo âu hiện trên nét mặt, Kỳ Phát tiếp:

- Một điều nữa bà không cần phải ra Kiến An là vì ngay chiều nay đây, chúng tôi cũng có chút việc ra ngoài đó, vậy sẽ tiện dịp rủ ông nhà về cả một thể… Tôi sẽ nói luôn để ông biết rằng bà ở nhà đương mong…

Thiếu phụ thấy Kỳ Phát nói thế, mừng rỡ quá, vội thưa:

- Hay là nhân thể, ông cho chúng tôi đi theo ra ngoài ấy! Chúng tôi cũng chưa được biết tình Kiến An bao giờ!

Kỳ Phát lắc đầu, mỉm cười:

- Tỉnh Kiến An nhỏ và buồn lắm, không bằng tỉnh Thái đâu! Bà cứ yên lòng, tôi ra Kiến An chiều nay thế nào cũng rủ ông cùng về… chậm lắm là ba hôm nữa…

Quay lại phía tôi, Kỳ Phát hỏi:

- Có lẽ công việc của chúng ta may ra chỉ hai ngày là xong chứ gì?

Tôi biết ý Kỳ Phát nói:

- Vâng, chậm lắm thì đến ba ngày là cùng.

Kỳ Phát quay lại phía thiếu phụ nói:

- Vậy bà cứ yên tâm về Thái. Trưa nay chúng tôi đi Hải Phòng rồi ra Kiến An ngay… Bà đừng lo ngại gì cả! Tôi xin hứa chắc với bà rằng dù có xẩy ra việc gì bất ngờ nữa, tôi cũng không để ông gặp phải sự khó khăn gì… Xin bà cứ tin ở lời của tôi.

Sợ thiếu phụ nói dằng dai nữa làm mất lòng Kỳ Phát, tôi phải nói:

- Xin bà hãy theo lời anh Kỳ Phát. Anh ấy rất ít khi hứa với ai điều gì, nhưng đã hứa thì bao giờ anh ấy cũng làm trọn lời hứa!

Thiếu phụ không dám vật nài thêm, đứng dậy định cáo từ chúng tôi, nhưng lại dừng lại, ngần ngại rụt rè, giây lát mới lúng túng mở chiếc ví tay ra…

- Thưa ông, thế này chúng tôi thực là không phải lắm…

Kỳ Phát vội gạt đi:

- Bà đừng ngại gì cả… Chúng tôi không dám nhận tiền nong gì đâu! Vả lại hôm nay, chúng tôi đi Kiến An là có việc riêng của chúng tôi, không phải vì việc bà mà phải tốn phí.

Không biết nói sao, thiếu phụ đành phải ân cần cảm tạ, rồi cáo từ chúng tôi mà ra về, sau khi dặn thêm nếu có tin gì thì đánh dây thép về Thái Bình cho biết ngay!

Một lát, Kỳ Phát mới quay về phía tôi, bảo rằng:

- Tôi thấy đàn bà có nhiều tính xấu quá. Có thể gọi là có đủ không thiếu một tính xấu nào, nhưng vừa lúc nẫy, trước vẻ mặt băn khoăn của vợ An, tôi nhận thấy đàn bà cũng kéo lại được một chỗ tốt là chỗ biết lo lắng về chồng mặc dầu cái nguyên do lo lắng ấy cũng vẫn là bởi lòng ích kỷ!

Tôi chưa kịp nói gì thì Kỳ Phát đã tiếp ngay:

- Nhưng lòng ích kỷ thì ai ở đời mà không có! Ví dụ ngay như việc này, chúng ta đã giúp việc cho An mà không cầu lợi, cũng vẫn là do lòng ích kỷ: chúng ta muốn thỏa mãn cái ý muốn tò mò trí xét đoán của chúng ta…

Tôi cười:

- Nào tôi có cãi anh đâu mà anh cứ viện lý và giảng giải mãi.

Kỳ Phát nói:

- Nhưng tại tôi thấy anh nhìn tôi bằng một con mắt hoài nghi…

Tôi lắc đầu:

- Không, tôi không nghi ngờ gì về câu anh nói, nhưng tôi có vừa tự hỏi: những ý nghĩ của anh vừa rồi đó có phải là triệu chứng của một người sắp sửa nghĩ đến việc lấy vợ hay không?

Kỳ Phát không nói gì, chỉ sẽ so vai nhưng tôi thấy ở mắt anh tự nhiên có một nỗi buồn man mác… Nhưng chỉ thoáng chốc thôi, Kỳ Phát đã trở lại vui vẻ, linh hoạt, vỗ vào vai tôi mà bảo rằng:

- Cứ đứng mà bàn chuyện nhảm mãi, anh đã quên rằng chúng ta phải ra chuyến ô tô ray lúc một giờ rồi hay sao? Thế nào, anh đã sửa soạn gì xong chưa?

Tôi trả lời:

- Va ly tôi đã sẵn đó, chỉ còn cho thêm vào mấy bộ quần áo của anh là xong. Ngoài ra, anh có cần mang theo thứ gì nữa không?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, các thứ sau để tôi mang theo va ly riêng của tôi phòng khi có việc, anh hoặc tôi, một người phải về Hà Nội. Bây giờ, chúng ta hãy đi ăn cơm đã!

Một lát sau, chúng tôi đến một hiệu ăn ở phố Hàng Da, vừa lên gác đã thấy viên thanh tra liêm phóng Trúc Tâm đợi ở đó rồi. Bắt tay chúng tôi, Trúc Tâm nói:

- May quá, tôi vừa ở Lao Cai về thì nhận được giấy của anh Phát!

Kỳ Phát hỏi:

- Thế nào, anh có thể đi Kiến An được không hay phải mắc việc gì ở Sở?

Trúc Tâm lắc đầu:

- Không, thực là vừa gặp dịp. Thấy tôi đi khó nhọc mấy hôm về ông sếp cho nghỉ luôn một tuần lễ!

Kỳ Phát vui vẻ nói:

- Một tuần thì thừa thãi quá. Có một điều tôi hơi ân hận là vì đáng lẽ anh phải nghỉ ngơi thì lại kéo anh đi có việc!

Trúc Tâm vỗ vai Kỳ Phát bảo:

- Anh mới có giọng khách sáo ấy đối với anh em từ bao giờ thế?

Tôi cũng cười, nói:

- Rồi anh Trúc Tâm xem, còn có nhiều hoạt động và ý nghĩ lạ nữa kia, mà tôi gọi là “triệu chứng của một người sắp sửa lấy vợ”…

Kỳ Phát cũng cười:

- Thôi không nói đùa nữa, chúng ta ăn uống sơ sơ cái gì rồi ra ga chuyến một giờ trưa nay. Để tôi thuật sơ lược việc này cho anh Trúc Tâm nghe đã!

Chúng tôi chọn một bàn ở góc phòng, rồi Kỳ Phát bắt đầu thuật mọi việc xẩy ra cho Trúc Tâm nghe. Trúc Tâm nghe đoạn, vui vẻ nói:

- Tôi không ngờ việc lại ly kỳ đến thế, cứ thực mà nói thì anh không phải ân hận gì về chỗ làm bận rộn tôi, mà chính tôi phải cảm ơn anh cho đi dự cuộc tra xét lý thú này mới phải!

Kỳ Phát nói:

- Nhưng anh nên nhớ rằng lần này anh đi là đi việc tư, chứ không phải là việc công, nhân danh thanh tra liêm phóng đâu nhé!

Trúc Tâm gật đầu:

- Cái đó thì đã hẳn, mặc dầu riêng đối với tôi hai việc không có can hệ gì cả!

Tôi cũng nói:

- Chúng ta sẽ nói là tình cờ ra chơi, và mấy viên thanh tra liêm phóng ngoài Kiến An thấy có cả anh lẫn Kỳ Phát giúp đỡ một tay hẳn là sung sướng lắm! Thực là chẳng khác gì đương gặp tai ách mà bỗng có quý nhân phù trợ vậy!

Kỳ Phát cười, chỉ tôi mà bảo Trúc Tâm rằng:

- Đó, anh nghe, nghe giọng nói ấy thì là triệu chứng gì, có phải là biểu hiện của một anh sắp phát điên vì những chuyện huyền bí như đôi hoa tai của bà Chúa và pho cẩm nang không?




9
CUỘC THẨM VẤN
NHỮNG CHỨNG TÁ

Ngồi trên ô tô ray, Trúc Tâm có hỏi lại tôi một vài chi tiết trong chuyện này mà lúc nẫy Kỳ Phát thuật lại đã sơ lược đi. Còn Kỳ Phát, trong lúc tôi và Trúc Tâm nói chuyện, lơ đãng nhìn ra phía ngoài, hoặc tỉ mẩn nghịch vặn tấm cửa kính lên lên xuống xuống.

Trúc Tâm hỏi lại tôi:

- Thế nghĩa từ lúc xẩy ra vụ án mạng, anh chưa hề gặp mặt An?

Tôi lắc đầu:

- Chưa, đó là một điều lạ vì thường nhật An vẫn dậy sớm đi chơi hoặc ra ngoài bờ sông hoặc thơ thẩn trên núi…

Ngừng lại một lát, tôi tiếp:

- Không chừng mà An ốm. Có thể thế được lắm vì một người sẵn có tinh thần bạc nhược, lại luôn luôn lo âu xúc động thì rất dễ sinh bệnh!

Trúc Tâm lắc đầu:

- Tôi không đồng ý. Trong chuyện này, tôi thấy những cử chỉ và hoạt động của An đáng ngờ lắm! Anh có chắc An thực là một người quá ư chất phác không? Hay lại chỉ là một tên hết sức giảo quyệt rắp mưu đóng vai trò ấy để lừa gạt các anh?

Tôi hỏi lại:

- Anh bảo An định lừa chúng tôi làm gì kia chứ?

Trúc Tâm cười trả lời:

- Nếu tôi biết rõ thì có lẽ hiện giờ chúng ta chẳng cần ra Kiến An làm gì nữa. Nhưng đó cũng chỉ là một ức thuyết thôi!

Tôi ngẫm nghĩ một lát, lắc đầu mà bảo Trúc Tâm rằng:

- Không đời nào lại có chuyện ấy được, anh ạ! Nếu anh trông thấy bộ dạng lo âu của An, anh sẽ không bao giờ lại có ý nghi ngờ thế!

Trúc Tâm cười:

- Ấy, chỉ nhờ ở chỗ tôi không được thấy cách đóng trò khéo léo của An, nên tôi mới sáng láng mà xét việc.

Tôi hơi bị chạm lòng tự ái, bảo Trúc Tâm rằng:

- Nếu chỉ có một mình tôi thì bảo còn có thể nhầm, bị người ta lừa gạt được, nhưng anh quên rằng còn có Kỳ Phát nữa hay sao? Mà anh nên chú ý đến chỗ Kỳ Phát đã gặp hai lần, chứ không phải trong chốc lát gì!

Trúc Tâm gật gù nói:

- Vì thế nên tôi mới hồ nghi quá, chẳng còn biết đoán chuyện này ra sao nữa.

Một lát, Trúc Tâm bỗng quay lại hỏi Kỳ Phát rằng:

- Thế nào, việc này anh đã có chút ít manh mối nào chưa?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Chưa có gì là chắc chắn cả. Nhưng tôi đã thấy một vài chỗ đáng ngờ.

Hiểu nhầm câu nói của Kỳ Phát, Trúc Tâm quay lại bảo tôi:

- Đó, anh thấy chưa, chính Kỳ Phát cũng phải ngờ vực An.

Kỳ Phát lắc đầu:

- An thì có gì mà đáng ngờ. Hắn chỉ là một kẻ quá ư nhút nhát, lại mê tín hơn đàn bà. Tôi ngờ là ngờ mấy điều trong cái chết của chánh Hợp.

Trúc Tâm hỏi:

- Anh có thể nói cho chúng tôi biết ngay bây giờ được không?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Những chỗ ngờ của tôi cần phải tra xét lại đã. Nói ra bây giờ cũng vô ích, chỉ thêm chúng mình cãi lý với nhau mất thời giờ. Tốt hơn hết là chúng ta đợi ra đến Kiến An đã.

Khoảng hơn ba giờ thì chúng tôi đến Hải Phòng. Vừa gặp chuyến ô tô, chúng tôi đi Kiến An ngay và nửa giờ sau chúng tôi đã lững thững đi ở phố chợ Kiến An. Kỳ Phát bảo tôi:

- Thôi, bây giờ anh đi về nhà trọ cất va ly trước đi. Rồi sau đó anh hãy tìm chúng tôi ở chỗ núi Ổi.

Tôi y lời, thuê xe đưa những va ly về nhà trọ. Sau khi dặn bảo chủ nhà sửa soạn chỗ ăn ở, tôi quay ra núi Ổi. Từ xa, tôi đã thấy Kỳ Phát và Trúc Tâm ngồi trên một tảng đá lớn, hai người có vẻ đương tranh luận điều gì kịch liệt lắm. Tôi mừng thầm vì đoán chắc hai người đã khám phá ra được manh mối gì quan trọng… Nhưng khi đến gần, nghe rõ, tôi mới biết Kỳ Phát và Trúc Tâm đương bàn chuyện… thế giới tíu tít cả lên…

Tôi khó chịu nói:

- Theo ý tôi thì không phải chúng ta ra ngồi ở Kiến An này để bàn chuyện năm châu. Anh đã quên rằng chỗ trước mặt chúng ta đây vừa mới xẩy ra một vụ án mạng mà bây giờ có lẽ hãy còn vết máu?

Kỳ Phát cười ngất:

- Đó, anh thấy không, người bạn thân của chúng ta chưa có thể làm nên trò trống gì được cả, trong khi tâm thần lúc nào cũng nóng nẩy. Chẳng biết cụ Khổng hay thầy Mạnh trước kia đã có câu rằng: Trước hết hãy tĩnh lòng, sau đó mới tề gia, trị quốc và bình thiên hạ! Anh khá ngẫm lấy đó và răn lấy đó!

Sợ tôi phát cáu, Trúc Tâm nói qua chuyện khác:

- Thôi, không nói đùa nữa, anh vừa về nhà trọ có nghe thấy tin tức gì mới lạ không?

Tôi lắc đầu:

- Nhưng hình như cuộc thẩm vấn vẫn tiếp tục tiến hành. Sở Mật thám hiện đã cho gọi các người chứng tá để xét hỏi.

Trúc Tâm nghĩ ngợi một lát rồi bảo chúng tôi rằng:

- Ông chánh mật thám ở đây tôi có biết. Hay là chúng ta hãy vào gặp ông ấy, nếu xin phép được dự cuộc thẩm vẩn thì hay biết bao.

Kỳ Phát gật đầu:

- Được thế thì còn gì tốt hơn nữa.

Trúc Tâm nói:

- Và lẽ tất nhiên tôi phải giới thiệu cả anh.

Kỳ Phát nói:

- Đành vậy chứ sao! Có một điều, anh đừng có nói rằng chúng ta ra đây cốt để tra xét vụ án mạng này.

Thấy có danh thiếp của Trúc Tâm đưa, ông chánh lập tức bảo người tùy phái mời vào phòng ngồi đợi. Một lát ông ra, niềm nở bắt tay chào rồi hỏi rằng:

- Chẳng hay có ngọn gió tốt đẹp nào đưa ông đến đây thế?

Trúc Tâm giới thiệu Kỳ Phát và tôi với ông chánh rồi nói rằng:

- Chúng tôi ở mãi Hà Nội náo nhiệt quá nên rủ nhau đi Hải Phòng, sau nhân tiện ra đây ở mấy hôm chơi cho yên tĩnh…

Ông chánh sực nhớ, cười mà bảo chúng tôi rằng:

- Nếu thế thì thực không may cho các ông quá, vì cái tỉnh Kiến An xưa nay vẫn yên tĩnh, độ này chẳng hiểu sao bỗng xẩy ra nhiều chuyện quá.

Kỳ Phát gật đầu nói:

- Chắc ý ông muốn nói đến vụ đào khảo cổ vừa rồi. Nhưng không sao, vì chúng tôi về vấn đề khoa học ấy thì thực là những kẻ “ngoại đạo”, chẳng hiểu biết một tí gì hết!

Ông chánh cười mà bảo chúng tôi:

- Nào có phải chỉ riêng một việc ấy! Mà các ông không biết rõ cũng phải vì tôi đã dặn các phóng viên ở đây trong khi đương mở cuộc điều tra thì đừng có tường thuật gì lớn trên các báo e trở ngại đến công việc của chúng tôi. Bởi thế mà các ông không ngờ rằng một tình nhỏ và yên tĩnh như Kiến An này lại có thể xẩy ra một vụ án mạng khá ly kỳ…

Trúc Tâm làm ra bộ ngạc nhiên, hỏi lại:

- Ông vừa nói một vụ án mạng ly kỳ?

Ông chánh gật đầu:

- Vâng, kể đối với tôi chẳng giấu gì các ông, vụ án mạng ấy, hiện tôi chưa hề tìm được ra manh mối gì cả, và chỉ lo rằng nếu không tìm ra thủ phạm thì thực rầy rà…

Trở lại tươi cười, ông chánh nói tiếp:

- Nhưng may thay, run rủi thế nào lại gặp được ông Kỳ Phát và cả ông thanh tra Trúc Tâm nữa, như vậy thì tôi thực không phải lo ngại gì, vì thủ phạm dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể nào thoát được bàn tay của nhà trinh thám đại tài, Sherlock Holmes nước Nam…

Kỳ Phát tươi cười, từ tạ, thì ông chánh nói tiếp ngay:

- Mà sao các ông đến lại vừa gặp lúc tôi đương thẩm vấn mấy người chứng tá, nếu các ông không có việc gì cần thì vào dự thính, tôi thiết tưởng cũng dễ dàng cho cuộc tra xét sau này!

Bọn Kỳ Phát và tôi được lời, lập tức cảm tạ và theo ông chánh vào trong phòng thẩm vấn. Kéo ghế mời chúng tôi ngồi, ông chánh chỉ một người đàn ông tuổi chừng bốn mươi lăm, đứng ở trước bàn nói rằng:

- Người này đã thấy xác ông chánh Hợp trước tiên…

Quay lại phía người ấy, ông chánh nói tiếp bằng tiếng Việt Nam rất sõi:

- Ông hãy thuật kỹ lại một lượt ông thấy những gì cho ba ông này nghe!

Người kia ngừng lại một lát như để sắp đặt cho câu chuyện có đầu cuối, rồi nói:

- Thưa các ông, vì tôi sáng sớm nào cũng phải đi lấy thịt về làm hàng, nên hồi bốn giờ hay kém mươi mười lăm phút đã đi qua chỗ núi Ổi rồi. Hôm ấy, vì trời hơi mưa phùn nên tối quá, tôi phải cầm một bó đuốc nhỏ để soi đường, chứ không thì cũng không nhìn thấy xác ông chánh. Lúc thoạt trông, tôi cứ tưởng rằng là một đống đất mới đào vun lên, sau chợt có trận gió làm tạt vạt áo đen của ông chánh bay lên tôi mới biết… Đến cạnh nhìn kỹ vì tôi cũng còn ngờ là một kẻ ăn mày ăn xin nào ngủ vùi, ngủ gục ở đó, đến khi thấy dòng máu loang đỏ trên mặt đất mới biết là có người bị giết. Tôi vội tri hô lên…

Kỳ Phát ngắt lời hỏi:

- Ông có thể nói cho tôi biết rằng lúc ông đến gần rặng núi Ổi, có thấy phía trước hay phía sau có người đi lại lẩn quất không?

Người chứng đáp:

- Thưa ông, không!

Trúc Tâm hỏi gặng lại:

- Ông thử cố nhớ xem, hay là vì ông không chú ý đến mấy…

Người chứng lắc đầu:

- Thưa, tôi nhớ lắm, vì lúc qua núi Ổi, trời gió vừa lạnh lại vừa mưa, thấy đường xá vắng tanh, tôi có lẩm bẩm phàn nàn rằng: Thực vì nghề nghiệp, miếng cơm, manh áo, mình mới phải ra đi lúc nửa đêm gà gáy thế này, chứ ngoài mình ra còn ai phải vạ mà dầu dãi đi bây giờ!

Kỳ Phát lại hỏi:

- Nhưng sau lúc ông tri hô lên thì có ai lại ngay không?

Người chứng đáp:

- Thưa, có mấy người lên tiếng trả lời nhưng một lúc sau họ mới chạy tới.

Kỳ Phát hỏi:

- Tất cả có mấy người chạy đến, ông có quen biết họ không?

Nhưng ông chánh đã đỡ lời nói:

- Tôi đã mở cuộc điều tra, tìm thấy hai người đến thứ nhì và thứ ba, họ cũng đương ở ngoài kia, để tôi cho gọi vào!

Người chứng thứ nhất đã ra rồi, người thứ hai và thứ ba bước vào, Kỳ Phát khéo léo hỏi họ mấy câu để xem họ có liên can gì về vụ án mạng này không, hoặc có gì tỏ ra rằng người chứng thứ nhất đã khai sai sự thực. Lúc mấy người đều ra rồi, Kỳ Phát lắc đầu bảo ông chánh:

- Tôi chắc ông cũng đã mở cuộc điều tra về lai lịch mấy người này, có thấy gì khác không chứ như vừa rồi thì họ đã tỏ ra rằng thực lắm!

Ông chánh gật đầu:

- Bản trình của mấy thám tử đều nói rằng họ đều là người làm ăn lương thiện cả. Như vậy thì vụ án mạng này khó mà tra ra được. Nhân tiện tôi muốn hỏi ông có cần phải hỏi đến người con gái ông chánh Hợp không? Tôi cũng có đòi cô ta đến đây, nhưng nếu không cần thì cũng chẳng nên làm cho một người con gái phải thêm đau đớn…

Kỳ Phát ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:

- Thôi, đã gọi đến thì chúng ta cứ mời cô ấy vào đây!

Ông Chánh bấm chiếc chuông để trên bàn gọi người tùy phái bảo gọi cô Lâm, con gái ông chánh Hợp vào. Quen thói nhà nghề, sau ba giây cô vào ngồi yên trên ghế trong phòng, chúng tôi đã thấy rõ cô là một người con gái thông minh, dáng điệu mạnh bạo, nhưng tướng người hay cảm xúc. Không để ông chánh nói gì, Kỳ Phát đã đỡ lời hỏi ngay:

- Xin cô hãy cho chúng tôi biết rõ ràng về vụ án mạng này!

Cô Lâm chừng cũng hơi ngạc nhiên vì thấy ông chánh không hỏi mà lại Kỳ Phát hỏi. Nhưng chỉ thoáng chốc, bằng một giọng rành rọt và lưu loát, cô thuật lại cho chúng tôi biết rõ nào ông chánh bao nhiêu tuổi, người cẩn thận làm ăn thế nào, ông không có ai thù hằn, vậy mà có kẻ nỡ ám hại… Cuối cùng cô yêu cầu các nhà chuyên trách để tâm dò xét thì cô và người đã khuất đều được cảm ân… Cô đã ngừng nói, Kỳ Phát mới hỏi:

- Tôi muốn hỏi kỹ lại cô một điều: cô có chắc ông chánh chỉ mang có số tiền ấy thôi, hay còn mang tiền nhiều hơn thế nữa không?

Cô Lâm trả lời:

- Điều ấy thì tôi chắc lắm vì chính trước khi đi, cha tôi đã đưa cho tôi kiểm lại!

Kỳ Phát lại hỏi:

- Lúc nẫy cô còn quên một điều là chưa nói cho chúng tôi biết hôm đó, ông chánh đi có nói rằng đi đâu không?

Cô Lâm như có vẻ lúng túng, một lát lắc đầu nói:

- Thưa ông, không, vả chúng tôi cũng không hỏi vì cha tôi thường vẫn đi chơi loanh quanh như thế là thường… Vậy chắc buổi tối hôm ấy cha tôi cũng chỉ định đi chơi, hóng mát chẳng hạn!

Kỳ Phát đưa mắt ra hiệu để cho ông chánh biết rằng cuộc thẩm vấn thế là xong, ông có thể cho con gái ông chánh Hợp ra. Khi trong phòng chỉ còn có chúng tôi, ông chánh mới xoa tay mà nói rằng:

- Ý ông nghĩ thế nào? Những người chứng tá khai trình một cách rành mạch như vậy mà tôi không nhận thấy được một chút gì gọi là manh mối, thì vụ án mạng này tôi thực có ít hy vọng tra ra thủ phạm được.

Kỳ Phát cũng gật đầu nói:

- Vâng, những lời khai trình rành mạch quá!

Ông chánh có lẽ không để ý, nhưng tôi thì thấy rõ câu ấy Kỳ Phát hình như đã nói bằng một giọng khác thường. Tuy nhiên, tôi cũng không hiểu câu ấy, Kỳ Phát có ý ám chỉ vào người làm chứng nào, người thứ nhất… thứ nhì… hay chính là cô con gái ông chánh Hợp!




10
NGƯỜI CHỨNG KHẢ NGHI

Buổi tối hôm ấy, Kỳ Phát ăn cơm xong rồi đi ngay. Trúc Tâm và tôi ở nhà bàn bạc mãi về vụ án mạng này mà vẫn không ra manh mối, sau cùng, Trúc Tâm bảo tôi rằng:

- Bây giờ, anh hãy ở nhà đợi anh Phát về, tôi muốn tìm gặp An một chút!

Tôi ngần ngại nói:

- Theo ý anh Kỳ Phát thì hình như anh không muốn cho An biết bọn ta đến đây, vậy nếu anh có đi, hỏi han gì An thì nhớ đừng cho hắn biết là có tôi và Phát ở Kiến An!

Trúc Tâm gật đầu nói:

- Được, tôi hiểu rồi, anh không ngại. Vả lại hôm nay, tôi đến tìm An cốt chỉ để biết mặt hắn, xét qua cử chỉ của anh chàng này xem có thực đúng chất phác thô sơ như lời các anh tả không hay chỉ là một tài tử đóng trò khéo léo? Có lẽ tôi cũng không hỏi gì đến vụ án mạng hoặc đôi hoa tai đâu!

Trúc Tâm đi chỉ chừng nửa giờ thì trở về. Lúc ấy mới hơn chín giờ. Chàng lắc đầu mà bảo tôi rằng:

- Tôi chưa gặp được An. Chủ trọ nói rằng An bị mệt mấy ngày hôm nay, nên không muốn tiếp chuyện ai cả. Nhưng tôi có nói chuyện một lát với bác cai Ba cùng trọ ở đấy… Bác nói năng rất hoạt bát, sau khi thuật lại cho tôi nghe cuộc đào thấy bộ hài cốt người cổ ở núi Ổi, bác có phàn nàn rằng có lẽ ở chỗ ấy có cái rớp nên sau lại xẩy ra vụ án mạng ông chánh Hợp. Theo lời bác nói thì dư luận tỉnh Kiến rất nôn nao vì việc này, ai nấy lo sợ và chỉ khi nào các nhà chức trách điều tra ra thủ phạm rồi thì người ta mới ăn no, ngủ yên được thôi!

Sực nhớ, Trúc Tâm lại hỏi tôi rằng:

- Thế từ lúc nẫy đến giờ, Kỳ Phát vẫn chưa về đây lần nào ư?

Tôi chép miệng:

- Những đêm cần phải đi dò xét như đêm nay thì Phát đi về có giờ giấc nào đâu! Không chừng một, hai giờ, không chừng đi cho đến sáng mai mới về!

Ngừng lại một lát, tôi tiếp:

- Thôi, chúng ta cứ đợi cho đến mười một giờ không thấy về thì đi ngủ.

Nhưng mười một giờ đã quá từ lâu mà cũng vẫn chưa thấy hình bóng Kỳ Phát đâu cả… Tôi và Trúc Tâm cùng sửa soạn đi ngủ, nhưng vì trong lòng cùng vấn vương về vụ án mạng chánh Hợp nên cả hai trằn trọc mãi, chốc chốc lại trở dậy, uống nước.

Cho đến lúc đồng hồ đánh mười hai giờ một lát thì Kỳ Phát về. Thấy chúng tôi đã đi nằm, chàng nhẹ nhàng thay đổi quần áo ngủ, không có hơi một tiếng động nhỏ, ý chừng chẳng muốn làm cho chúng tôi tỉnh dậy. Nhưng tôi biết dù có cố nằm yên cũng chẳng ngủ được, nên gọi Kỳ Phát bảo:

- Này, thế nào anh, đã tìm ra chút ít manh mối nào chưa?

Kỳ Phát quay lại nhìn tôi, rồi cười mà bảo:

- Vẫn còn thức kia à, tôi cứ tưởng anh đã ngủ rồi!

Lúc này, Trúc Tâm cũng choàng mở mắt mà bảo rằng:

- Tôi cũng đã ngủ đâu! Sự thực thì cố ngủ mà không thể ngủ được vì cứ nghĩ vẩn vơ thế nào! Nhưng may thay, anh đã về, anh hãy kể cho chúng tôi nghe kết quả cuộc tra xét của anh! Thủ phạm tên là gì?

Kỳ Phát cười ngất:

- Anh không giễu tôi đấy chứ? Tôi đã làm gì mà tìm ra được thủ phạm?

Trúc Tâm nói:

- Nhưng chắc anh không chối rằng lúc nẫy đi chính là để dò tìm manh mối vụ án mạng.

Kỳ Phát gật đầu:

- Lẽ tất nhiên tôi đi chính là vì việc đó nhưng kết quả chưa có gì lấy làm đắc ý lắm, mặc dầu quả thực cũng đã thấy được đôi chút tia sáng…

Tôi nói:

- Anh nói thế tức như người khác tuyên bố rằng kết quả đã nắm chắc trong tay!

Trúc Tâm cũng giục:

- Vậy anh hãy thuật lại cho tôi nghe đi!

Kỳ Phát gật đầu bảo:

- Được, nhưng trước hết, anh hãy cho tôi biết cuộc điều tra vừa rồi của anh đã!

Trúc Tâm vờ chối:

- Nào tôi có điều tra gì đâu! Có ông bạn tôi đây làm chứng!

Kỳ Phát gật đầu bảo:

- Thôi, chứng với chiếc làm gì, những bằng cớ đã hiển nhiên ngay trước mắt kia, chối cũng chẳng được!

Trúc Tâm ngạc nhiên, một lát nhìn quanh rồi nói:

- Ừ, tôi chịu là có đi rồi, nhưng tại sao mà anh lại biết?

Kỳ Phát cả cười:

- Tại tôi bắt nọn anh chứ sao. Nào, anh đi dò hỏi đã được những gì?

Trúc Tâm đành kể lại đầu đuôi cho Kỳ Phát nghe lúc đến tìm An không gặp thế nào rồi lại hỏi:

- Cuộc điều tra của tôi kết quả đáng buồn như thế, nhưng chắc về phần anh thì được may mắn hơn tôi nhiều!

Kỳ Phát như có vẻ suy nghĩ nhiều lắm. Chàng đi đi lại lại trong phòng một lúc lâu mới hỏi Trúc Tâm:

- Anh có thấy nói An uống thuốc tây, hay thuốc ta gì không?

Trúc Tâm lắc đầu:

- Hình như An không chịu uống thuốc ta, mặc dầu chủ trọ nói có biết một ông lang hay lắm! An chỉ sai mua gói Aspirine về uống rồi nằm lì ở trong phòng thôi!

Thấy Kỳ Phát lộ vẻ lo lắng, Trúc Tâm nói tiếp:

- Nhưng tôi chắc bệnh tình của An cũng không có gì đáng ngại, cứ nằm yên tình mấy ngày tức khắc thuyên giảm. May thay ở đấy lại được bác cai Ba có vẻ săn sóc đến An lắm, bác có nói với chủ trọ ra lệnh cấm những người nhà ra vào buồng An làm phiền nhiễu. Riêng một mình bác luôn luôn ở đó phòng ngày đêm xem An có cần đến gì không?

Kỳ Phát có vẻ chăm chú nghe lời Trúc Tâm nói lắm. Chàng bỗng với tay lấy những quần áo vừa mới cởi ra xong, định mặc vào, nhưng chẳng biết nghĩ ngợi thế nào chàng lại vắt lên mắc và lên giường đi ngủ, vừa kéo chăn vừa lẩm bẩm:

- Thôi, vội vàng bây giờ cũng chẳng được gì, thà cứ để đến mai?

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Anh nói thế nghĩa là thế nào?

Kỳ Phát có lẽ trong trí đương mải tính toán công việc bị tôi hỏi ngắt quãng thì hơi gắt, nói rằng:

- Nghĩa là tôi muốn cho giam ngay An lại một chỗ thì hơn!

Sáng hôm sau tôi và Trúc Tâm dậy đã lâu, Kỳ Phát mới sực thức. Không đợi chờ gì cả, tôi nhắc lại ngay câu nói khó hiểu tối hôm qua mà hỏi:

- Anh nói làm cho chúng tôi không thế nào hiểu được nhưng thấy anh lẳng lặng nằm im không dám hỏi gì thêm nữa! Nhưng bây giờ thì chắc anh có thể cắt nghĩa cho chúng tôi nghe!

Kỳ Phát vừa súc miệng, vừa quay lại phía Trúc Tâm hỏi:

- Anh dậy đã lâu chưa? Không nghe thấy bàn tán đêm qua mới xẩy ra vụ án mạng nào nữa chứ?

Trúc Tâm cười lắc đầu:

- Anh có lẽ bây giờ vì nghĩ ngợi nhiều quá, nên đâm ra quẫn rồi… Tỉnh Kiến An đây có phải là Mạc Xây hay Nữu Ước mà có lắm chuyện quái gở luôn ngày này, ngày khác thế!

Kỳ Phát thở mạnh, nói:

- Nếu vậy thì may lắm! Nào bây giờ chúng ta hãy lại thăm ông chánh liêm phóng!

Trúc Tâm đầy hy vọng, hỏi:

- Chắc anh đến báo cho ông biết thủ phạm là ai?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, tôi đến nhờ ông cho giam An lại.

Và chẳng để chúng tôi hỏi han lôi thôi thêm nữa, Phát tiếp:

- Các anh bất tất hỏi gì bây giờ, cứ đến đấy khắc biết!

Một lát sau, chúng tôi đã vào buồng ông chánh. Trông vẻ mặt ông hân hoan lắm. Kéo ghế mời chúng tôi ngồi, ông cười mà hỏi:

- Các ông kể cũng tài thực, tại sao mà biết tin chóng thế. Tôi vừa định cho người đến mời các ông lại!

Kỳ Phát ngạc nhiên:

- Không, chứng tôi có được biết tin gì đâu. Lành hay dữ?

Ông chánh cười mà bảo:

- Nếu vậy thì xin ông hãy yên lòng vì là một tin mừng: Thủ phạm vụ chánh Hợp đã bị bắt.

Ngừng lại một lát như muốn để cho chúng tôi nóng lòng muốn biết hơn lên, ông chánh lâu lâu mới tiếp:

- Tôi thực không ngờ rằng vụ này lại tìm ra thủ phạm một cách dễ dàng đến thế! Thành ra không phải làm khó nhọc đến các ông nữa, nhưng nghĩ kỹ thì chắc cũng do các ông một phần lớn: Hẳn thủ phạm đã mong manh biết có các ông ra đây, sớm muộn hắn cũng bị bắt thôi nên thà ra thú trước!

Trúc Tâm hỏi:

- Vậy chính thủ phạm tự ra đầu thú. Hắn tên là gì?

Ông chánh gật gù, trả lời:

- Kể ra thì cũng không hẳn là tự ý hắn. Nói rằng hắn bị thúc bách ra thú thì đúng hơn. Nhưng để tôi kể đầu đuôi thì các ông mới có thể hiểu chuyện được. Nguyên từ lúc các ông về rồi tôi nghĩ mãi chẳng ra manh mối gì cả, sau cùng tình cờ - phải, vẫn cái ông thần tình cờ thường giúp các nhà trinh thám - tôi chợt nghĩ rằng: “Một tỉnh Kiến An nhỏ bé và yên tĩnh xưa nay đột nhiên lại xẩy ra vụ án mạng ghê gớm, tất không phải là chính dân trong tỉnh là thủ phạm. Nhưng nếu người lạ thì một tỉnh nhỏ như Kiến An tìm ra chẳng khó khăn gì!” Nghĩ như thế, tôi bèn nhất định cho các thám tử đi dò tại các nhà trọ, các hàng cơm… Khi được bản danh sách ấy, cũng chỉ có hơn một chục người, lập tức tôi cho giấy gọi đến… Họ đều đến đủ mặt, tôi hỏi lý lịch đều không có gì là khả nghi cả, trừ có một người cáo ốm, không đến.

Kỳ Phát ngắt lời ông chánh mà nói tiếp:

- Người ấy, tên là An!

Ông chánh không thể nào giấu nổi được sự ngạc nhiên, hỏi lại:

- Sao ông biết! Nếu thế thì tài quá thực!

Kỳ Phát không đáp, chỉ điềm tình giục:

- Xin ông hãy kể nốt cho chúng tôi nghe đã!

Ông chánh gật đầu:

- Việc này, chắc ông biết rõ hơn tôi, nhưng tôi cũng xin cứ nói trước rồi để ông thuật cho nghe sau cách tra xét thần tình của ông… Lúc nẫy, tôi kể đến chỗ An cáo ốm không đến… Tôi sinh nghi ngay, vừa định ngày hôm sau thôi thúc một lần nữa, thì sáng sớm tinh sương hôm nay, An đã đến đây…

Kỳ Phát giật mình:

- An đến đây, lạ quá nhỉ. Nhưng hắn đến để làm gì?

Ông chánh thấy Kỳ Phát lộ vẻ ngạc nhiên thì có ý sung sướng lắm, tươi cười trả lời:

- Hắn đến để thú với tôi rằng chính hắn là thủ phạm giết ông chánh Hợp!

Kỳ Phát vùng đứng dậy:

- Không có lẽ!

Bây giờ mới đến lượt ông chánh ngạc nhiên:

- Ông làm cho tôi không hiểu câu chuyện này ra sao nữa! Ông biết trước rằng An đáng tình nghi, ông biết rằng An cáo ốm…

Kỳ Phát ngắt lời:

- Phải, tôi còn biết nhiều điều nữa, nhưng không có lẽ nào An lại là thủ phạm giết ông chánh Hợp!

Ông chánh nhìn Kỳ Phát như tỏ ý thương hại, một lát mới dịu dàng bảo chàng rằng:

- Nhưng ông không nghe thấy lời tôi vừa nói xong hay sao: Chính An đã thân đến đây thú tội!




11
MỘT THỦ PHẠM NHẤT ĐỊNH
BUỘC TỘI CHO MÌNH

Kỳ Phát vẫn lắc đầu:

- Không có lẽ nào thế!

Ông chánh ung dung đứng dậy, đến bên một chiếc tủ, rút ra một tập bìa mầu xanh, trên đề bằng bút chì đỏ mấy chữ: Vụ án chánh Hợp. Ông lục tìm một tờ giấy đưa cho Kỳ Phát xem rồi nói rằng:

- Tôi cãi với ông cũng là vô ích, xin ông hãy đọc tờ ghi lời khai của An sẽ rõ!

Chúng tôi cùng xúm đến bên Kỳ Phát ghé đọc. Đó là tờ khai của An cung xưng rằng chính chàng đã giết ông chánh Hợp, giết trong một cơn điên cuồng mà cũng là vì có mối thù từ trước! Chàng xin nhận hết tội lỗi, rất hối vì đã làm cho một người con gái bị mất chỗ tựa nương, cuối cùng xin báo cho người nhà ở Thái Bình biết để ra cho An nhắn nhủ vài lời.

Kỳ Phát xem xong, chỉ nhún vai mà không nói gì. Ông Chánh nói thêm rằng:

- Có lẽ ông cho An là điên cuồng chăng?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Cũng không là điên cuồng hẳn. Nhưng trước hết, xin ông cho biết rằng ông đã theo lời dặn mà báo cho vợ con An biết chưa?

Ông chánh trả lời:

- Đã, vả lại tôi nghĩ rằng như thế may ra hỏi thêm được mấy chứng tá nữa và vụ án này nhờ thế mới có thể rõ ràng hẳn được.

Thấy Kỳ Phát lặng im không nói gì, ông chánh hỏi:

- Có lẽ ông không đồng ý kiến về việc ấy chăng?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Như ý tôi thì có vợ con An ra chỉ thêm khó khăn cho cuộc tra xét…

Ông chánh hỏi lại:

- Ấy là tôi nói thế mà thôi, như vụ này thì còn gì mà tra xét nữa?

Kỳ Phát thản nhiên, nói:

- Không, tôi nói đây tức là cuộc tra xét của tôi!

Rồi bỗng đứng dậy, Kỳ Phát bảo ông chánh:

- Bây giờ thì tôi chỉ xin ông gia ơn cho tôi một điều là ông cho phép tôi được vào thăm An trong nửa giờ!

Ông chánh vui vẻ gật đầu:

- Được, điều đó thì không khó gì cả, để tôi viết mấy chữ…

Và ông lấy luôn một tờ giấy phép, chính tay viết mấy dòng rồi đóng dấu. Trao cho Kỳ Phát, ông chánh nói thêm:

- Đây, ông muốn vào thăm mỗi ngày mấy lượt cũng được, và lâu chừng nào tùy ý. Tôi có dặn riêng ông chánh đề lao rằng ông vào cốt để tìm thêm chứng cớ cho vụ này, nên phải đặc biệt để ông tự nhiên…

Mỉm cười, ông chánh tiếp:

- Nhưng có điều ông cũng nên mở cuộc điều tra gâm gấp, vì ít ngày nữa, lẽ tất nhiên án này phải tự tòa…

Kỳ Phát cảm ơn ông chánh, ung dung nói:

- Tôi chỉ xin ông nhiều nhất là bốn mươi tám giờ!

Kỳ Phát vừa ra đến cửa Sở, đã gặp vợ An khóc khóc mếu mếu đứng đấy. Thấy chúng tôi, vợ An như người tỉnh hẳn lại líu tíu hỏi:

- Vậy ra ông còn ở ngoài này… Tôi được tin, lên Hà Nội tìm mới biết ông đi vắng… Tôi vừa đến đây, định xin vào yết kiến ông chánh thì người loong toong nói ông chánh còn có khách, phải chờ! Ngờ đâu, khách lại là ông!

Không để cho chúng tôi kịp nói năng gì, vợ An đã tiếp:

- Xin các ông thương chúng tôi, kêu với ông chánh tha cho nhà tôi ra. Quả thực nhà tôi vô tội vì đâu có gan làm những việc ghê gớm ấy?

Kỳ Phát dịu dàng nói:

- Xin bà cứ yên lòng…

Vợ An lại nói:

- Ruột gan tôi bây giờ như tan nát. Tôi không còn biết nói năng xử trí ra sao… Muôn sự xin nhờ các ông hết thẩy… Ông kêu với ông chánh một lời…

Trúc Tâm lắc đầu:

- Việc này khó khăn lắm vì chính ông nhà lại đã cung khai rồi!

Vợ An giãy nảy nói:

- Chết chưa, sao lại cung khai bậy bạ thế! Chắc nhà tôi điên rồ rồi hay sao nên mới đâm ra thế! Nhưng tôi biết chắc rằng nhà tôi không khi nào có gan cầm dao giết người… Nhà tôi tù tội làm sao thì mẹ con tôi đến chết mất…

Tôi thấy tình cảnh khốn quẫn của người thiếu phụ gặp tai bay vạ gió cũng động lòng thương an ủi:

- Xin bà cứ yên lòng, chốc nữa, chúng tôi sẽ đến…

Nhưng Kỳ Phát đã vội lừ mắt, rồi ngắt lời tôi bảo:

- Chúng tôi sẽ liệu cách cứu ông nhà ra khỏi vòng tội lỗi. Tôi có thể nói ngay bây giờ để bà được yên tâm: Chính tôi cũng hết sức tin rằng ông An nhà không phải là thủ phạm. Khốn nhưng bà tin thế, tôi tin thế, không có giá trị gì trước pháp luật cả. Chúng ta phải có chứng cớ… Bây giờ là lúc tôi đương đi tìm những chứng cớ xác thực ấy đây…

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát tiếp:

- Nhưng nếu thực bà tin cậy ở tài tôi có thể cứu được ông An thì bà phải để yên cho tôi tìm tòi, tra xét… Bà làm cuống quýt lên thì chỉ khó khăn thêm cho công việc của tôi… mà không chừng thủ phạm biết tin, trốn chạy thì thực là cái nguy không sao cứu gỡ cho ông An được nữa!

Vợ An tỏ vẻ lo lắng, sợ hãi hỏi:

- Vậy bây giờ ông dạy tôi nên làm thế nào?

Kỳ Phát nhìn thẳng vào mặt thiếu phụ mà nói:

- Bà nên nghe tôi mà cho cháu về ngay Thái Bình!

Nhưng thấy vẻ mặt quá lo âu của thiếu phụ, Kỳ Phát dịu bớt lời tiếp:

- Hoặc nếu bà nóng ruột muốn đợi tin lành thì bà phải về nhà trọ, yên lặng ở đó đợi lúc tôi đến báo tin… Vừa rồi, tôi có hẹn với ông chánh rằng sẽ tìm ra thủ phạm vụ này nội trong bốn mươi tám giờ nhưng riêng với bà tôi có thể nói rằng tôi có thể hy vọng sẽ làm cho ông nhà được tự do sau đây lâu nhất là hai mươi giờ!

Thiếu phụ theo lời, đi rồi, Kỳ Phát mới quay lại trách tôi:

- Anh này thực ngờ nghệch quá, suýt nữa nói rằng chúng ta sắp sửa vào thăm An thì vợ hắn nhất quyết đòi theo, có phải rầy rà cho chúng ta không!

Tôi nói:

- Nhưng trông người đàn bà khốn quẫn quá tôi thương hại…

Kỳ Phát lắc đầu:

- Tôi cũng thương, nhưng có phải cứ để chồng người ta ngồi tù mãi là thương đâu! Anh nên nhớ rằng chính tôi là người nóng nẩy, bồn chồn hơn ai hết vì rằng tôi đã hứa từ trước rằng quyết sẽ không để cho An phải việc gì!

Chúng tôi vừa nói vừa đi về phía nhà lao. Đưa tờ giấy của ông chánh Sở Liêm phóng ra, viên quản đề lao cẩn thận gọi điện thoại hỏi lại một lượt sau đó thì niềm nở mời chúng tôi vào, vừa cười vừa nói rằng:

- Xin các ông cứ tự nhiên. Như thế này, các ông không phải là những người được phép đến thăm phạm nhân, mà chính là viên chức liêm phóng đã tra xét. Như vậy tức là ông muốn đến lúc nào cũng được…

Tò mò nhìn chúng tôi, viên quản lại cười mà tiếp:

- Tôi vừa được ông chánh cho biết rằng ba ông đều là người có danh vọng, nhưng tôi không rõ ông nào là ông Kỳ Phát, ông nào là ông thanh tra Trúc Tâm, ông nào là phái viên của tờ báo giá trị nhất Hà Nội…

Chúng tôi đành phải lại theo phép xã giao, giới thiệu lẫn cho nhau, từ tốn mấy lời rồi mới vào buồng giam của An.

Anh chàng lúc này trông không còn ra người nữa, kể so với mấy lần trước đến tìm chúng tôi thì còn phờ phạc, ngơ ngác gấp mấy mươi lần… Hai mắt chàng sâu hoắm hẳn xuống, đôi má lớp vào như già thêm mấy tuổi, cặp môi nhợt nhạt như một người bị bệnh thiếu máu lâu năm!

Cánh cửa vừa mở, thoáng nhìn thấy chúng tôi, mắt An sáng hẳn lên, đứng phắt dậy. Nhưng chàng lại bỗng buồn rầu ngồi xuống, thở dài, đưa tay lên dụi mắt!

Kỳ Phát tiến đến gần bên, để một tay lên vai rồi ôn tồn bảo:

- An tưởng mê ngủ hay sao đấy?

An giật bắn người lên. Chàng ngơ ngác nhìn chúng tôi một lúc lâu, rồi lộ vẻ vui mừng nói:

- Các ông ra đây từ bao giờ? Làm sao mà xin được phép vào thăm tôi… Tôi đương sốt ruột về ở nhà quá, nhưng may có các ông vào đây, tôi sẽ có thể dặn được mọi điều… Được tin này thì nhà tôi đến chết mất thôi, mà thằng cháu chẳng biết độ này có chịu ăn chơi không?

Ngừng lại một lát, An thở dài:

- Chắc nó không ngờ đâu lại có một người bố là kẻ sát nhân!

Kỳ Phát dịu dàng bảo:

- Ông cần phải bình tĩnh mới được! Mọi việc ở nhà ông không việc gì phải lo! Ai nấy đều khỏe mạnh cả và cũng chưa được tin dữ dội này… Vậy bây giờ chỉ cần làm thế nào để tỏ được nỗi oan của ông, rồi ông sẽ bình tình về nhà, làm như không có việc gì xẩy ra cả!

An ngạc nhiên, nhìn Kỳ Phát rồi hỏi:

- Luật pháp công minh lắm, che giấu thế nào được! Vả lại tôi đã cung khai tường tận mọi việc rồi!

Kỳ Phát sẽ lắc đầu:

- Tờ cung đó, tôi đã xem, nhưng tôi biết đó chỉ là vì lúc ông đương mê mẩn tâm thần nên mới khai bậy bạ như vậy. Tôi biết chắc rằng ông không phải là thủ phạm giết ông chánh Hợp!

An bỗng cười, cái cười nghe mới rùng rợn làm sao:

- Chắc chính tay tôi giết hắn thì tôi hẳn phải biết rõ hơn ông!

Kỳ Phát hỏi:

- Nhưng vì cớ gì mà ông giết chánh Hợp!

Ngần ngại một lát, An nói:

- Tôi giết vì thù…

Kỳ Phát tiếp ngay:

- Chắc ông muốn nói cái thù tiền kiếp!

An giật mình, hỏi lại:

- Tại sao ông lại biết thế!

Kỳ Phát ung dung, rút thuốc lá ra hút:

- Lẽ tất nhiên tôi phải biết, nhưng ông cũng cứ kể tôi nghe rồi tôi sẽ cắt nghĩa để ông hiểu cái thù tiền kiếp ấy duyên do thế nào?

An ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Tôi đã trót thề với người ta vì thế nên mới không khai trong tờ cung. Nhưng ông đã biết rõ việc này… Vả lại, tôi cũng muốn để ông thuật lại cho nhà tôi nghe, cho con tôi về sau này nghe, để nó biết rằng tôi chỉ vì định mệnh mà đã giết người…

Ngừng lại một lát, An lại tiếp:

- Thực có số mệnh, ông ạ! Tôi cũng không ngờ rằng cái cẩm nang của lão lang khách lại đúng đến thế! Mà lạ một điều là ngay năm, sáu trăm năm trước cũng đã có một bản cẩm nang đúng hệt như thế rồi!

Kỳ Phát điềm tĩnh hỏi:

- Bản cẩm nang kia thế nào, ông đọc được ở đâu?

An nói:

- Ấy, chính là ở trong chiếc hộp tròn bằng đồng đen ở cổ người bị giết sáu trăm năm trước… Buổi sáng hôm ấy, tôi và bác cai Ba đi chơi quanh, đến chỗ hầm trú ẩn đào ở núi Ổi, tình cờ tôi chợt trông thấy sợi dây chuyền và cái hộp tròn… Chúng tôi lấy lên xem, thấy từ sợi dây đến chiếc hộp đều chạm trổ tỉ mỉ biết ngay là vật cổ…

Kỳ Phát ngắt lời:

- Có, tôi đã được xem kỹ lưỡng!

An gật đầu:

- Nhưng ông chắc không ngờ rằng trong hộp đó lại có một tờ giấy nhỏ, viết câu cẩm nang, giống hệt như bản cẩm nang của tôi… Bản cẩm nang tuy để đã năm, sáu trăm năm nhưng chữ không đến nỗi phai lắm, còn đọc được, có lẽ là vì để trong hộp kín!

Kỳ Phát gật đầu:

- Ông nói cũng có lẽ, nhưng để lâu ngày, nắp hộp han gỉ ông mở ra được tất phải khó khăn lắm!

An lắc đầu:

- Không, tôi xoay một vòng thì mở được hộp ra ngay. Ông cai Ba không biết chữ nho, nên bảo tôi đọc cho ông nghe…

Kỳ Phát hỏi:

- Thế bây giờ bản cẩm nang ấy ông để đâu?

An trả lời:

- Tôi đốt đi mất rồi, đốt cùng với cả bản cẩm nang của tôi! Nhưng tôi còn nhớ lắm, để tôi đọc đại ý nghĩa mấy câu ấy ông nghe: “Đời người phù hư mộng ảo, kiếp này qua kiếp khác: của châu ngọc, thanh gươm sắc, thẩy đều là những vật giết người. Năm kiếp trước mi bị người hại, thì kiếp này mi lại hại người. Ôi, nghiệp báo oan gia, nợ máu lại phải trả bằng máu! Như thế mới là hợp lẽ chính vậy!” Câu cuối cùng này bản cẩm nang của tôi không có!

Kỳ Phát rút cuốn sổ tay ghi chép mấy dòng, An nói tiếp:

- Thấy hai bản giống nhau quá, tôi sợ hãi toát mồ hôi, thấy thế, ông cai Ba có bàn với tôi hãy giấu bức cẩm nang đi mang về nhà rồi sẽ đưa trình các nhà chuyên trách…

Kỳ Phát hỏi:

- Sau bàn tán thế nào mà ông lại giết chánh Hợp!

An ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:

- Tôi cũng chẳng hiểu làm sao nữa… Hình như tôi để ý một điều là tại sao mà lão lang khách lại không biết nốt câu cuối cùng trong cẩm nang của tôi? Theo lời cai Ba thì đó là vì lão lang khách sợ lộ thiên cơ, mắc tội. Tôi nghĩ mãi về câu cuối cùng, thấy theo nghĩa thì không có gì là quan hệ cả… Nhưng sau cùng, chợt thấy chữ Hợp có khuyên son, tôi đoán: Hay đó là một tên người. Cai Ba cố lục lọi trong trí, sau bảo tôi rằng: “Trong số những người hắn quen biết ở Kiến An cũng nhiều nhưng không có ai tên là Hợp cả ngoài ông chánh Hợp!” Nghe tên chánh Hợp, tôi giật mình… Phải rồi, “hợp lẽ chính”, hay “lẽ chánh” thì cũng vậy, nếu thế thì tất phải là chánh Hợp rồi… Lúc đó trong óc tôi bối rối quá, vì tôi nghĩ lan man đến nhiều chuyện ghê rợn mà tôi không dám mang ra nói với cai Ba… Thấy tôi có vẻ ưu phiền, cai Ba quả thực là một người tốt, hắn luôn luôn khuyên tôi không nên nghĩ ngợi. Khi người ta đã tin số phận thì cứ mặc số phận muốn xoay xở ra thế nào thì xoay!

Kỳ Phát sực nhớ bỗng hỏi:

- Rượu thường ông uống có được nhiều không nhỉ?

An lắc đầu:

- Không, tôi vốn không uống được rượu. Nhưng từ ngày ra Kiến An cùng trọ với cai Ba thấy hắn bữa nào cũng uống, mời tôi nên tôi tập uống dần dần.

Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ bảo An:

- Xin ông hãy thuật lại cho tôi nghe thực rõ ràng lúc ông giết chánh Hợp như thế nào?

An lắc đầu:

- Có lẽ lúc ấy tôi như điên cuồng, nên bây giờ không thể nào nhớ được rõ nữa. Hình như buổi tối hôm ấy, tôi uống rượu say hơn ngày thường, rồi tôi đi nằm… Rồi không biết làm sao tôi vùng dậy, hay là có ma quỷ ám ảnh gì tôi mà tôi đi đến rặng núi Ổi, rồi giết chánh Hợp…

Cố hết sức nhớ lại những việc xẩy ra mà không thể được, sau cùng, An đành lắc đầu mà tiếp:

- Tôi không thể nào nhớ lại được rõ ràng mọi việc… Tôi chỉ biết rằng sau đó, tôi trở về nhà, ngủ quên đi cho đến lúc gần sáng thì cai Ba bỗng gọi tôi mà hỏi tại sao quần áo tôi lại có vết máu… Tôi như người mê chợt tỉnh, sợ hãi lắm, nhưng chẳng biết trả lời được mấy câu đã lại quay ra ngủ… Vào khoảng năm giờ thì tôi chợt tỉnh hẳn. Tôi nghe thoáng qua thấy bên ngoài bọn người nhà nói có xẩy ra vụ án mạng ở núi Ổi, chợt nhớ lại quần áo mình đầy máu, tôi sợ hãi quá, chân tay bủn rủn hẳn ra, muốn bỏ trốn mà không sao đứng dậy được. May thay có cai Ba. Hắn thấy quần áo tôi đẫm máu, lại thấy người bị giết quả là chánh Hợp, đúng như lời trong cẩm nang thi không nghi ngờ gì nữa, buồn rầu bảo tôi rằng: “Đây quả thực là cái nghiệp chướng truyền kiếp. Nhưng ông đừng ngại, tôi sẽ không hở ra cho ai biết. Bây giờ cần nhất là ông hãy thay quần áo rồi vờ kêu ốm mệt, để cho khỏi ai ra vào phiền nhiễu làm gì. Những quần áo kia đợi lúc vắng người, tôi sẽ mang giặt cho hết tang tích.”

Thở dài, An ngừng một lát rồi lại tiếp:

- Tôi lúc ấy như người mất hồn nên ông cai Ba bảo gì tôi đều nhất nhất vâng lời. Nhưng càng nằm, càng nghe thấy bên ngoài bàn tán đến cuộc tra xét gắt gao của các nhà chức trách, tôi thấy rằng sớm muộn rồi tôi là hung phạm cũng bị khám phá ra. Tôi thấy lạnh người khi nghĩ đến lúc vào nằm đề lao, lúc vợ và con tôi nghe thấy tin dữ. Ông cai Ba quả thực là người tử tế, ông luôn luôn ra vào săn sóc tôi, báo cho tôi biết cuộc điều tra đã tiến hành đến đâu, hỏi đến những chứng tá nào! Tôi hết sức lo sợ, thấy mình mẩy đều nóng rực, chẳng khác người phát sốt chút nào. Nhưng tôi lại còn hãi hùng hơn nữa khi được giấy của ông chánh Sở Liêm phóng gọi tới hầu. Tôi tự hỏi: “Hay là các nhà chức trách đã tìm ra chính tôi là thủ phạm rồi chăng?” Chính cai Ba cũng đồng ý với tôi điều này. Hắn có vẻ nghĩ ngợi lắm, sau cùng bảo tôi rằng: “Bây giờ ông chỉ còn một cách là cáo ốm, nói sẽ xin đến hầu sau rồi mình sẽ liệu cách xử trí cho ổn thỏa!” Cách xử trí ấy, cai Ba khuyên tôi nên liệu phương trốn tránh. Hắn nói có quen biết một người bạn thân ở nhà quê về vùng Hải Dương, có thể gửi tôi đến ẩn náu ở đấy được. Nhưng tôi đã đắn đo mãi, nhận thấy rằng lưới pháp luật khó mà tránh thoát, lẩn trốn chỉ thêm mang tội mà thôi, chỉ bằng cứ ra thú cho xong. Tôi sẽ nhận đã hành động trong phút điên cuồng không còn ý chí, như vậy may ra tòa có xử nhẹ cho chăng!

Nghĩ đi nghĩ lại, khi đã nhất quyết rồi, tôi mới đánh thức cai Ba dậy. Lúc ấy mới chừng 3 giờ sáng. Nghe tôi kể lể mọi nỗi, cai Ba tỏ vẻ thương hại mà bảo tôi rằng: “Ông nghĩ thế cũng phải, và như thế có lẽ lại hơn. Chắc quan tòa cũng sẽ lượng xét cho ông. Số mệnh đã thế mình muốn tránh cũng không được. Có một điều là nếu ông thuật rõ mọi sự thì tôi sẽ có lỗi vì đã giấu câu chuyện bức cẩm nang để trong cái hộp dây chuyền. Không khéo mà rồi tôi cũng mang tội!” Chẳng muốn để người phải vạ lây vì mình, tôi có hứa chắc chắn với ông cai Ba rằng sẽ giấu kín chuyện ấy. Tội vạ chính tôi gây nên thì một mình tôi cam chịu. Nhưng hôm nay, gặp ông, tôi muốn thuật để ông rõ là để rồi đây, dù tôi có phải tù tội thế nào, ông sẽ kể lại kỹ càng cho vợ, cho con tôi nghe để những người thân mến ấy biết tôi thực là vì cái tai ách truyền kiếp nên mới nhúng tay vào máu người!

An kể đến đây thì ngừng lại, nhìn chúng tôi như van xin, cầu khẩn. Kỳ Phát không nói gì, chỉ vén tay áo xem đồng hồ rồi bảo chúng tôi:

- Thôi, chúng ta đi ra!

An ngơ ngác nhìn theo chúng tôi rồi như người mất hồn, chớp mắt luôn mấy cái, nằm vật xuống chiếc phản lim đóng liền hẳn vào tường.




12
CON DAO GẪY MŨI

Ra khỏi nhà lao, Trúc Tâm hỏi:

- Kỳ Phát, anh nghĩ thế nào?

Phát không trả lời câu hỏi, chỉ nói:

- Theo lời hẹn với ông chánh liêm phóng thì chúng ta còn bốn mươi tám giờ nữa, nghĩa là thừa đủ mà hành động. Tuy nhiên cũng phải làm việc nhanh chóng hết sức mới được vì cứ để An thế này trong vài ngày nữa thì thế nào hắn cũng thành một người điên cuồng hẳn. Hắn sẽ ở nhà lao ra, nhưng chỉ là để vào ở nhà điên suốt đời!

Tôi gật đầu, nói:

- Tôi cũng tin như vậy. Nhưng bây giờ anh đã có dự định gì chưa?

Kỳ Phát nói:

- Bây giờ, tôi sẽ cố đi tìm lấy vài chứng cớ nữa. Các anh đừng có hỏi gì lôi thôi mới được và hãy đi giúp tôi việc này…

Quay lại phía Trúc Tâm, Kỳ Phát hỏi:

- Thế hôm nọ anh lại nhà trọ tìm An, gặp cai Ba, anh tự giới thiệu là gì?

Trúc Tâm trả lời:

- Tôi tự xưng là nhà báo!

Kỳ Phát gật đầu, nói:

- Nếu vậy thì hay lắm rồi. Bây giờ, cả hai anh cùng đi với nhau, đến tìm cai Ba, đưa danh thiếp cho hắn xem cẩn thận, rồi tùy ý các anh muốn làm thế nào để rủ hắn đi chơi… càng xa càng hay…

Tôi nói:

- Anh càn chúng tôi giữ hắn cho đến bao giờ?

Kỳ Phát có vẻ nghĩ ngợi, rồi nói:

- Tôi chỉ cần đến độ hai, ba giờ chiều thôi!

Tôi gật đầu:

- Nếu thế thì để chúng tôi kéo hắn về hẳn Hải Phòng, đúng ba giờ mới lại đưa hắn về đây. Chúng tôi sẽ nói là nhà báo phải về hỏi thêm về vụ đào được cổ vật, sau rủ hắn đi chơi Hải Phòng, để gặp chính ông chủ báo hiện đương có việc ở đó…

Kỳ Phát vui vẻ nói:

- Nếu thế thì hay lắm rồi. Và trước khi về đây, anh cũng nên rủ hắn đi ăn, cho uống hơi ngà ngà say thì lại càng tốt lắm!

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát tiếp:

- Nếu những điều tôi đoán mà đúng thì chiều nay, chúng ta sẽ đến gặp cai Ba và tôi muốn hắn trả lời tôi một cách rất thực vài điều tôi cần biết!

Hai vai kịch tôi và Trúc Tâm đóng không bị hỏng một chỗ nào cả. Cai Ba thấy mình được mọi người chú ý đến rất là đắc ý. Sau một bữa hết tới bốn ấm Mai-khôi-lộ, thấy đồng hồ đã đánh hai giờ rưỡi, tôi mới rủ mọi người cùng về Kiến An. Hơi men chếnh choáng, cai Ba ha hả cười lớn mà vỗ vai chúng tôi, bảo:

- Các ông về Kiến An phải lắm. Tối nay chúng ta sẽ đi hát chơi cho vui! Ít khi gặp được những người như các ông, ở tỉnh Kiến toàn là những người thô lậu hết!

Chúng tôi chỉ mỉm cười, không nói gì, dìu cai Ba ra xe tay… Tôi sẽ bảo nhỏ Trúc Tâm:

- Chắc bây giờ ở nhà trọ, Kỳ Phát đã bắt đầu nóng ruột, chờ chúng ta rồi đây!

Nhưng chúng tôi đã đoán lầm. Sau khi đưa cai Ba về tận nhà, bắt tay tạm biệt hắn rất là chặt chẽ và hứa sẽ gặp buổi tối ở xóm chị em, chúng tôi trở về nhà trọ. Chúng tôi không thấy Kỳ Phát đâu cả! Ngạc nhiên, chúng tôi rủ nhau ra ngoài cửa đứng chờ, nhưng ngóng mãi mà chẳng thấy bóng dáng Kỳ Phát đâu cả. Tôi sốt ruột, bảo Trúc Tâm:

- Hay là chúng ta thử đi quanh phố xem có gặp không?

Trúc Tâm chưa kịp trả lời thì một người phu, quần nâu, áo tây vàng, ngồi ở hè từ lâu, bỗng ngẩng lên hỏi tôi rằng:

- Các ông đương chờ ai có phải không ạ?

Tôi đoán là người của Kỳ Phát dặn ngồi đó chờ chúng tôi để báo tin tức gì, nên vội trả lời:

- Phải, có ai dặn gì chúng tôi phải không?

Người phu đứng dậy, đến trước mặt chúng tôi chỉ mỉm cười mà không nói gì! Tôi ngạc nhiên, gắt:

- Cái bác này mới hay chửa, tôi hỏi sao không trả lời!

Nhưng Trúc Tâm đã cười phá lên, bảo:

- À, thôi, phải rồi! Kỳ Phát!

Trong phút chốc, cái nhìn, cái nhếch miệng của người phu bỗng khác hẳn. Tôi đã nhận rõ ràng là chàng trinh thám trẻ tuổi và có tài! Tôi trách:

- Sao anh còn làm ra cái trò này cho mất thời giờ?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, tôi vừa đi công việc về! Nhưng không thể mặc thế này mà về buồng của chúng mình được, tôi đành phải ngồi đây đợi. Lúc thấy các anh về, đã toan gọi, nhưng sau tôi muốn thử xem cái tài thay hình đổi dạng của tôi còn hay là đã đến lúc “về chiều” rồi!

Trúc Tâm cũng cười, tiếp:

- Và để xem rằng… chúng tôi đã có “mắt” chưa?

Ba chúng tôi cùng trở về buồng: Kỳ Phát rửa sạch những lượt phấn, nét vẽ, bỏ bộ tóc giả, rồi thay quần áo xong đâu vào đấy rồi mới hỏi:

- Mọi việc xong xuôi, không xẩy ra việc gì chứ?

Tôi gật đầu:

- Xong cả. Cai Ba không nghi ngờ gì hết, có lẽ hiện giờ hắn đương nằm quay ra ngủ ở nhà trọ ấy.

Trúc Tâm cũng hỏi Kỳ Phát:

- Trông dáng điệu của anh vui vẻ lắm, chắc mọi việc cũng đã có kết quả tốt đẹp?

Kỳ Phát gật đầu:

- Kể thì mười phần đã xong đến chín, riêng tức một điều, cái phần thứ mười kia lại là phần quan trọng nhất. Nhưng không sao, chúng ta sẽ tìm cho ra cái chứng cớ cuối cùng bây giờ!

Tôi hỏi lại:

- Nhưng đi đâu, muốn cẩn thận, anh hãy dặn bảo chúng tôi trước mọi điều!

Kỳ Phát trả lời:

- Chúng ta đến tìm cai Ba, nhưng cũng không có gì phải dặn trước các anh. Để một mình tôi xử trí là đủ! Có các anh đi chỉ cốt cho thêm phần long trọng!

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát bỗng bảo:

- À, để tôi cũng phải dặn anh Trúc Tâm mấy câu khai mào cho tôi mới được, có làm thế thì cái vai của tôi đóng sau mới dễ dàng đi một phần được!

Mười phút sau, chúng tôi đã đến nhà trọ của cai Ba, Trúc Tâm hách dịch hỏi chủ trọ:

- Ở đây có ai tên là cai Ba không?

Khi chủ trọ sợ hãi nói có thì Trúc Tâm đã lấy chiếc danh thiếp của mình ra, bảo chủ trọ đưa vào cho cai Ba, và chúng tôi đi theo vào luôn.

Có lẽ cai Ba cũng chỉ vừa đọc xong được hết cái dòng “Trúc Tâm, thanh tra liêm phóng”, thì chúng tôi bước ập vào. Hất tay bảo chủ trọ ra ngoài, Trúc Tâm nhìn cai Ba, mỉm cười bảo:

- Bây giờ thì tôi đến tìm ông để xin lỗi vì lúc nẫy chúng tôi đã giấu giếm không cho ông biết sự thực. Sau để nói cho ông biết cái “ông chủ nào” mà chúng tôi bảo đương muốn gặp ông chính là ông này vậy.

Kỳ Phát sẽ rún vai, rồi bảo:

- Đối với một người hiểu biết và khôn ngoan như ông cai Ba thì tôi thiết tưởng không cần nói úp mở như vậy. Tôi xin giới thiệu ngay: Tôi là Kỳ Phát!

Cai Ba giật mình, nhắc lại với một giọng nửa như kính phục nửa như sợ hãi:

- Kỳ Phát!

Kỳ Phát gật đầu:

- Xem đó thì đủ hiểu rằng ông đã biết tôi. Nhưng tôi cần phải nói ngay rằng tôi đến tìm ông hôm nay, không phải là có ý làm hại gì ông. Trái lại, tôi muốn giúp ông một việc lớn!

Lúc này, cai Ba như đã trấn tĩnh lại được, hắn tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi lại chúng tôi:

- Các ông nói làm cho tôi chẳng hiểu cái gì cả!

Kỳ Phát chép miệng:

- Nếu thế thì ông thực chẳng hiểu rõ câu tôi định nói rồi. Ý ông thanh tra Trúc Tâm đây thì muốn làm thẳng theo luật pháp nhưng tôi không muốn thế, tôi muốn đến đây để cứu ông…

Cai Ba cười, hỏi:

- Tôi làm gì mà phải cứu với vớt?

Kỳ Phát để một tay lên vai cai Ba rồi nhìn thẳng vào mắt hắn, bảo:

- Ông đã giết ông chánh Hợp!

Cai Ba lắc đầu:

- Ông nói vô lý lắm! Chính ông An là thủ phạm, ông ấy đã thú hết tội rồi!

Kỳ Phát lắc đầu, đẩy cai Ba ngồi xuống chiếc ghế, còn mình cũng ngồi xuống một chiếc đối diện rồi nói rằng:

- Đó là điều ông tưởng làm cho mọi người phải tin như thế!

Không để cho cai Ba cãi lại, Kỳ Phát tiếp:

- Ông hãy ngồi yên để tôi kể lại mọi việc ông đã làm. Rồi ông sẽ thấy rằng ông đã khôn nhưng không ngoan, ông cố đổ lỗi cho An, xong vì quá cẩn thận, ông lại chính tay để lại bao chứng cớ tỏ ra rằng An vô tội… Tôi nhắc lại một lần nữa, tôi chỉ cố ý đến đây để cứu ông…

Cai Ba tỏ ý hoài nghi, mỉm cười nói rằng:

- Tự nhiên đến cứu một người không hề có quen biết, ông thực cũng là người hiếm có ở đời này!

Kỳ Phát gật đầu:

- Ông sẽ thấy là có lý khi biết trong việc này tôi lại cứu luôn được cả một người mà tôi hứa bảo toàn: người đó chính là An.

Cai Ba cũng cười mà nói:

- Tôi cũng đoán thế ngay từ trước. Nhưng xin ông hãy cho biết tại sao ông lại cứ buộc cho tôi tội đã giết ông chánh Hợp!

Kỳ Phát gật đầu:

- Điều đó rất dễ dàng. Để tôi kể từ đầu đuôi ông nghe. Tôi biết ông vốn có trí muốn làm lớn vì biết mình cũng có chút ít tài học hơn nhiều người. Nhưng những việc xẩy ra ít khi vừa ý ông… Bỗng có việc đào thấy hài cốt, ông tự nhiên thấy mình thành ra quan trọng. Ông lại càng thấy số phận của ông hẩm hiu… Tôi cần phải nói thêm một điều rất quan trọng mà không ai biết là chính ông đã tìm ra sợi dây chuyền và chiếc hộp tròn bằng đồng.

Cai Ba cười ngất:

- Trời ơi, tôi không ngờ cái tài trinh thám của ông mà mọi người thường thán phục lại chỉ có đến thế. Điều ông vừa khám phá ra đó tiếc thay các báo lại thuật rõ ràng từ lâu!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Chỗ tôi biết khác một điều là sợi dây chuyền và chiếc hộp đồng kia, ông đã tìm thấy ngay hôm đầu tiên cùng một ngày với bộ xương chứ không phải mấy ngày hôm sau… Tôi đã hỏi kỹ lưỡng những người phu đào hôm ấy, họ kể lại rõ ràng thì tôi biết ông đã khôn khéo sai họ mỗi người đi mỗi ngả để ông một mình ở lại tìm tòi… Có lẽ vì ông đoán chắc thế nào cũng có tiền của. Khi tìm thấy chiếc dây chuyền bằng vàng thì ông lập tức giấu đi ngay…

Cai Ba hỏi:

- Nếu quả thực tôi tham sợi dây chuyền bằng vàng thì cớ sao mấy hôm sau tôi lại còn đưa ra làm gì?

Kỳ Phát trả lời:

- Đó là tại ông muốn bỏ cái lợi nhỏ để cầu cái lợi lớn. Ông vốn biết chánh Hợp là một tay buôn lậu rất giỏi, thường thường vẫn cứ mang tiền ra chỗ núi Ổi để đón những tay buôn lậu đưa hàng ở mạn Hải Phòng sang… Có lẽ ông để ý từ lâu nên biết trước cả những ngày mà chánh Hợp mang tiền lấy hàng, rồi chợt gặp An, nghe kể lại những câu chuyện quái dị như đôi hoa tai của bà Chúa và bức cẩm nang, ông nghĩ ngay ra được một mẹo…

Ngắt lời Kỳ Phát, cai Ba hỏi:

- Ông vừa nói chánh Hợp có mang nhiều tiền đêm hôm ấy nghĩa là trái với lời khai của con gái ông ta…

Kỳ Phát gật đầu, trả lời:

- Ấy chính nhờ ở lời khai của cô Lâm mà tôi biết rõ được sự thực việc này.

Quay lại phía tôi, Kỳ Phát tiếp:

- Anh hẳn thấy cô Lâm với khuôn mặt ấy, cô Lâm phải là người xúc cảm. Như vậy thì sao những lời khai của cô lại trơn tru và rành mạch quá thế, tỏ ra rằng cô đã sắp đặt lời khai từ trước: Cô lại nói chánh Hợp đã đưa tiền cho cô đếm trước khi đi chơi - mà chỉ đi chơi phiếm để hóng gió - thì thực là một điểm vô lý. Ngoài ra, tôi còn nghi ngờ một điều này nữa.

Chánh Hợp không phải là người đi đánh bạc vậy mà đêm tối, chánh Hợp mang những thứ khí giới phòng thân như dao găm, quả đấm tất nhiên phải là đề phòng gặp những người hung hãn khó tin… Do đó, tôi mới tìm tòi trong các giới buôn lậu, thấy rõ được cái nghề bí mật của chánh Hợp. Con gái chánh Hợp không dám khai đêm ấy bố có mang nhiều tiền, chỉ là vì sợ pháp luật tìm ra sự bí ẩn kia thôi!

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát quay về phía cai Ba, nói tiếp:

- Biết chánh Hợp mang theo tiền, ông quyết hạ thủ để chiếm đoạt. Cùng một lúc, ông lại trả được mối thù xưa: Cái thù chánh Hợp đã dám khinh khi ông không thuận gả con gái. Nhưng muốn tránh khỏi tội lỗi, ông cần phải dàn xếp một vở kịch mà vai chính là An. Biết tâm thần An hiện trong cơn rối loạn, ông lập tức viết một bức cẩm nang giống hệt như bức của An, chỉ thêm có mấy chữ trong đó ông cố ý đặt cho có tên chánh Hợp. Bỏ bức cẩm nang vào trong chiếc hộp đồng, ông vất xuống hố đào, rồi buổi sáng rủ An ra đó. An trông thấy, ông nhặt lên vờ không biết chữ nho, đưa An đọc, rồi lại xui hắn giấu bức cẩm nang đi, mang về nhà đốt, chỉ đưa trình các nhà chuyên trách có sợi dây chuyền và chiếc hộp không thôi. Ông đã giục An đốt ngay bức cẩm nang do tay ông viết đi để cho mất tang tích, vừa để cho An khi nghĩ lại, nghi ngờ, không còn mà xem xét lại được.

Cai Ba lúc này thái độ đã như hơi khác, hắn khiêu khích nhìn Kỳ Phát rồi hỏi:

- Ông kể tiếp đi, câu chuyện vu vơ của ông nghe cũng có đôi chút thú vị đấy!

Kỳ Phát vẫn điềm tĩnh như thường. Chàng thong thả tiếp:

- Mưu sâu đã rắp, ông chỉ còn phải làm thế nào cho tâm thần An thêm rối loạn. Ông luôn luôn rủ hắn đi uống rượu giải buồn. Rồi đúng đến hôm ông biết chánh Hợp đi lấy hàng, ông để cho An uống rượu say hơn mọi ngày, tôi còn ngờ ông có pha thêm ít chút thuốc mê vào nữa. Thần trí An rối loạn thành ra An đi lúc nào cũng không biết mà về lúc nào cũng không hay, bởi vậy cho nên khoảng một, hai giờ đêm, sau khi thi hành thủ đoạn xong xuôi, (ông đã cẩn thận bọc chuôi dao, không để lại một vết tay nào) ông về cởi trả bộ quần áo mà ông lột của An khi mê ngủ, phòng bất ngờ có kẻ nào trông thấy cũng vẫn yên trí là An, rồi ông mặc vào cho An cẩn thận. Còn lớp kịch cuối cùng nữa là xong trọn vở. Ông vờ đánh thức An dậy, chỉ cho hắn thấy quần áo vấy máu, tất nhiên hắn sẵn yên trí sớm muộn việc trả thù tiền kiếp kia cũng xẩy ra, nên không nghĩ ngợi gì mà cho ngay rằng ma quỷ run rủi, chính mình đã giết chánh Hợp…

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát lắc đầu mà bảo:

- Nhưng ông lại nghĩ chu đáo mà vẫn sơ suất một điều tức là ông không ngờ An là người dưới quyền tôi bảo vệ. Không khi nào tôi để cho người ta vu oan giá họa cho hắn một cách dễ dàng như vậy. Mục đích của tôi chỉ là để cứu An, chứ không phải là để bắt ông, vậy tôi muốn bàn với ông một cách như thế này…

Cai Ba ngắt lời Kỳ Phát hỏi:

- Nhưng trước hết, tôi muốn ông cho biết ông có chứng cớ gì hiển nhiên buộc tội cho tôi không?

Kỳ Phát vén tay áo xem đồng hồ rồi nói:

- Bây giờ đã bốn giờ mười lăm. Tôi có để một bức thư thuật rõ vụ này cho ông chánh Sở Liêm phóng biết, ngoài bì có hẹn ông đúng sáu giờ hãy mở đọc. Như vậy tức là ông còn non hai giờ nữa để sửa soạn mà trốn đi nơi khác. Chúng ta không nên dằng dai thì mới được. Ông muốn biết chứng cớ ư, thì những tập giấy bản và thoi mực tầu, ông dùng để viết mạo bức cẩm nang, ông chẳng còn để ở trong chiếc ngăn kéo thứ tư bên tay phải kia là gì? Chứng cớ ư, thì ông quên rằng lần mở chiếc hộp đồng trước mặt An, ông mở rất dễ dàng, mặc dầu hộp đồng bị chôn dưới đất năm, sáu trăm năm, gỉ xanh bám chặt. Đó là vì lần trước, ông nhặt được chiếc hộp, gỉ sét bám chặt quá, ông phải dùng mũi dao cậy mãi mới mở được hộp ra. Hiện thời chiếc hộp ấy, tôi còn thấy rõ ràng vết dao nậy…

Nói đến đây, nhanh như chớp nhoáng, Kỳ Phát đã bước đến sát cạnh cai Ba, thò tay vào trong túi hắn, lấy ra một con dao đồng con. Vừa mở lưỡi dao, Kỳ Phát vừa tiếp:

- Còn con dao thì đây, vết gẫy ở mũi còn rành rành… Ông có còn muốn thêm nhiều chứng cứ nữa không?

Cai Ba biết mình không thể nào đối địch lại được với Kỳ Phát. Hắn đành chỉ cúi đầu, hỏi:

- Thưa ông, vậy bây giờ ông định như thế nào?

Kỳ Phát cười vang nói:

- Đó, nói như vậy mới là người biết điều… Bây giờ tôi muốn bàn với ông như thế này: Ông hãy viết cho tôi mấy chữ, nhận tội đã giết chánh Hợp để tôi có thể cứu An thoát khỏi nhà lao. Tôi sẽ để cho ông có thời giờ đi trốn tránh ở đâu tùy ý. Trái lại, nếu ông không nghe theo thì ngay bây giờ tôi giữ ông ở đây, cho một người đi báo Sở Liêm phóng. Nhưng ông là người khôn ngoan, thế nào ông chẳng đánh nốt nước bạc cuối cùng nữa. Còn non hai giờ để đi trốn, tôi tưởng với một người khéo léo như ông, lại có số bạc lớn cướp được của chánh Hợp trong tay, cũng là một cái hy vọng lớn thoát khỏi vòng pháp luật vậy.

Cai Ba như suy tính trong một phút, rồi không nói gì, đến bên bàn viết mấy chữ vào trong tâm thiếp, rồi đưa cho Kỳ Phát. Chàng xem lại, bỏ chiếc thiếp vào trong túi, nhìn đồng hồ rồi bảo cai Ba:

- Ông nên đi ngay đi, bỏ phí một phút nào tức là nguy thêm một phút đó.

Đứng tránh sang một bên nhường lối cho cai Ba, Kỳ Phát tiếp:

- Luôn tiện, tôi mách giùm ông: Hiện thời ở Hải Phòng có nhiều tầu lớn cập bến. Khoảng một giờ nữa thì tầu Siac-Hang nhổ neo chạy Hương Cảng và bẩy giờ tối thì tầu Vallut đi Port Said…

Cai Ba không kịp nghe hết nữa, lấy vội mấy thứ cần dùng rồi dắt xe đạp ra đường, phóng một mạch… Kỳ Phát nhìn theo, sẽ nhún vai, rồi nói:

- Thôi, cho mi đi chịu tội ở đâu tùy ý!

Chứng kiến tấn kịch gay go quyết liệt này, chúng tôi như bàng hoàng ngơ ngẩn, cho đến lúc Kỳ Phát kéo tay chúng tôi ra ngoài, bảo:

- Dễ các anh định ngủ lại trong buồng kẻ sát nhân chăng?

Trúc Tâm lắc đầu chép miệng:

- Cách tra xét chứng cớ, cách thẩm vấn tội nhân của anh thực trên đời có một! Có một điều tôi không hiểu là con dao gẫy mũi ấy, nhân lúc cai Ba bị chúng tôi dẫn đi Hải Phòng, anh lẻn vào phòng hắn lục tìm thấy thì tại sao mà lúc cai Ba về, anh lại biết rằng hắn đã bỏ dao ấy vào túi rồi?

Kỳ Phát cười ngất:

- Đến anh còn nghi hoặc như vậy thì hèn chỉ cai Ba tâm thần đương bối rối chẳng tin ngay là thực! Tất cả những chứng cớ tôi chỉ có một con dao gẫy mũi kia… Tôi vẫn cầm ở trong tay, mang theo từ lúc ở nhà cai Ba ra. Vừa rồi, tôi thò tay vào túi áo hắn chỉ là một cách diễn trò của nhà ảo thuật đó thôi, nhưng vì hắn không ngờ nên mới tin ngay rằng thực… Cai Ba đã chịu thú nhận, thực là một sự may mắn cho chúng ta, chứ nếu hắn một mực bướng bỉnh thì cũng còn phải tốn công điều tra mới đủ chứng cớ buộc tội cho hắn được. Mà mất thêm nhiều ngày giờ nữa tức là tôi sai hẹn với vợ An, ngoài ra tôi lại còn lo An của chúng ta thành điên cuồng mất!

Nhìn đồng hồ, Kỳ Phát bảo tôi:

- Bây giờ chúng ta phải chia công việc ra mà làm mới được: Anh thì về Hải Phòng rồi ngược Hà Nội ngay đi, lại tòa soạn mà viết bài, đăng vào báo ngày mai… Ông Giám đốc được bài tường thuật này hẳn phải sung sướng đến chết đi được. Tôi thì báo cho vợ con An biết tin mừng và để chờ An về nhà… Còn anh Trúc Tâm thì tôi nhờ anh một việc: Anh sẽ đến tìm gặp ông chánh liêm phóng. Anh sẽ thuật rõ cho ông nghe mọi việc từ đầu… Anh sẽ đưa cho ông tấm thiếp có lời cai Ba thú tội và xin ông ký ngay giấy tha cho An ra… Và anh cũng nên đưa An về nhà trọ vì cái cảnh chồng vợ, bố con trùng phùng ấy thực xứng đáng đền bù cho mọi sự khó nhọc của chúng ta mấy ngày hôm nay… Có điều anh nên nhớ kỹ là mình cũng phải giữ lời hứa với cai Ba, anh cứ xem đúng đồng hồ sáu giờ hãy đưa cho ông chánh xem chiếc thiếp thú tội của hắn!

Trúc Tâm có vẻ ngần ngại, một lát nói:

- Nếu vậy thì thà chúng ta cứ đợi đến đúng sáu giờ, ông chánh xem bức thư của anh tức khắc hiểu ngay, tôi đến bây giờ chỉ là thừa và ông có thể trách tôi sao lại để tội nhân trốn thoát!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Tôi chắc ông chánh sẽ không trách anh đâu mà sợ.

Vỗ vai Trúc Tâm, Kỳ Phát cười mà tiếp luôn:

- Việc này thế nào anh cũng phải đi, không sợ thừa đâu, muốn dọa nạt cho cai Ba thấy tình thế cấp bách không thể nào trù trừ được nữa, tôi mới nói dựng đứng lên thế chứ sự thực có viết bức thư nào cho ông chánh liêm phóng mở đọc lúc đúng sáu giờ đâu.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét