Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

ĐÁM CƯỚI KỲ PHÁT


ĐÁM CƯỚI KỲ PHÁT


Phạm Cao Củng

1
NÀNG THIẾU NỮ
MẮT HUYỀN


Lúc ấy mới 4 giờ sáng.

Trên sân ga Hà Nội, ngoài mấy người bán hàng bánh tây và cà phê, chỉ mới có lác đác dăm ba hành khách. Họ phần nhiều đều có đồ đạc kềnh càng cho nên mới phải ra tầu sớm, hòng kiếm một chỗ rộng rãi.

Trong phòng đợi hạng ba chưa có một người nào cả. Có lẽ vì quá 5 giờ rưỡi, chuyến tầu Bắc mới chạy và những bọn khách sang này ít khi bị chen chúc nên không cần ra ga sớm.

Trời lại lất phất mưa. Những ánh đèn thắp theo lối phòng thủ không đủ soi sáng suốt sân ga nên qua từng khoảng tối, người ta mới lại trông thấy rõ những hạt mưa nhỏ, lấp loáng, trắng bóng, như những hạt bụi bay trong một vệt ánh nắng vậy.

Đằng xa, thỉnh thoảng một tiếng còi tầu rúc ngắn làm cho mấy hành khách đứng đợi nghển cổ nhìn… Nhưng không, đó chỉ là những chiếc đầu tầu người ta dồn đường hoặc đến lấy than, nước.

Trời rạng dần. Những hành khách ra đợi tầu cũng mỗi lúc một đông thêm. Sau một tiếng còi rúc dài, một nhân viên Sở hỏa xa từ trong phòng giấy bước ra, tay xách chiếc đèn bão. Đứng cạnh đường tầu, người ấy cầm đèn đưa qua đưa lại để ra hiệu cho đoàn tầu Bắc từ phía xa dồn lại. Các hành khách đã nháo nhào sửa soạn lên tầu. Và khi đoàn tầu vừa dừng bánh họ đã tíu tít chen nhau lên và chỉ thong thả dọn dẹp chỗ ngồi khi thấy số hành khách ra sớm ấy ngồi chưa chật hết được một bên dãy ghế trong hai toa…

Họ vội vàng hấp tấp như vậy cũng không có gì là lạ cả, vì họ đã từng gặp nhiều chuyến tầu chật chội quá, người đứng nêm nhau không còn có một chỗ nào mà lách chân trong khi ở dưới sân ga hãy còn bao nhiêu là hành khách nữa đương ngong ngóng chen lên. Họ đâu có được như chúng tôi là những kẻ “vô công rồi nghề” lấy vé ke ra ngoài sân ga chỉ là một công việc làm khi không còn biết làm công việc gì khác nữa.

Sáng sớm hôm ấy, tôi đương ngủ, bỗng có tiếng động, mở mắt ra đã thấy Kỳ Phát dậy từ bao giờ, đương lúi húi đun đèn cồn. Tôi ngáp dài, hỏi:

- Hôm nay anh làm gì mà dậy sớm thế?

Kỳ Phát cười:

- Tôi chẳng định làm gì cả nhưng vì chợt tỉnh giấc, sực nhớ có ông bạn biếu gói chè tầu bảo rằng ngon lắm nên trở dậy, đun nước uống chơi!

Rồi Kỳ Phát lại tiếp:

- Nước đã sôi rồi đây, anh nằm ngủ lại hay dậy uống nước với tôi, tùy thích!

Tôi tung chiếc chăn đơn, ngồi dậy, cười mà bảo Kỳ Phát rằng:

- Ngủ lại cũng chẳng được nữa, dậy uống nước còn hơn. Tôi lại sực nhớ đến thuở nhỏ ở Nam Định, bao giờ mở mắt thì đã thấy thầy tôi uống tàn ấm nước sáng rồi!

Kỳ Phát gật đầu:

- Uống trà vào những lúc ấy mới hưởng được hết cái hương vị của ấm trà ngon, chứ đến chơi nhà ai, thì nước cũng pha một cách cẩu thả, uống bằng một cách vội vàng, chẳng qua là cái lối “ngưu ẩm” mà thôi!

Ngừng lại một lát để tráng cẩn thận chiếc ấm và đôi chén, rồi Kỳ Phát mới tiếp:

- Cổ nhân xưa chỉ thường uống trà vào hai buổi: sáng sớm tính sương và buổi trưa. Theo như chỗ tôi nhận thấy thì uống trà buổi trưa dễ thấy trà ngon nhất, vì lúc đó, sau những giờ làm việc buổi sáng, người mình thấy hơi nhọc mệt nhưng tâm thần thư sướng. Thong thả nhấp chén trà, ta tự nhiên cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, người khỏi mệt, cổ khỏi ráo. Uống trà vào buổi sớm thì tinh thần mình vẫn còn bị hôn quyện do giấc ngủ vừa qua. Nhưng trà là một món giải khát “thanh tâm, minh mục”, nhờ đó mà người ta thành tỉnh táo một cách dễ dàng, mặc dầu hương vị của trà, ta không thể thưởng thức hết được.

Pha nước sôi cho đều vào ấm, Kỳ Phát thở dài mà tiếp:

- Nhưng cái thú uống trà của cổ nhân, bây giờ còn mấy người biết thưởng thức nữa đâu, họa là một vài người phong lưu tao nhã!

Tôi cười, bảo:

- Nói thế tức là anh giới thiệu gián tiếp cho tôi biết anh là một người trong bọn khách hào hoa.

Kỳ Phát cười, gật đầu:

- Và anh cũng biết trở dậy thưởng trà thì cũng không phải là người tục tử. Nào, chúng ta hãy nâng chén trà thơm cung kính tưởng nhớ đến các bậc tiền bối đã dạy cho ta cách uống trà!

Nhưng vừa mới nhấp một ngụm nhỏ chè nóng Kỳ Phát đã lập tức nhổ đi, cau mặt mà nói rằng:

- Chè gì mà vừa ngái vừa đắng, không có hương vị gì hết! Thực phí cả công chúng mình trân trọng đun pha…

Tôi cũng nếm thử rồi bảo Kỳ Phát:

- Đây là người ta ủ theo vị chè Mỹ, nhưng dù cho ai bảo rằng thứ chè này quý, uống rất sang, thì tôi vẫn nhất quyết không thể ngon bằng chè tầu được. Đó chỉ là một bọn người học làm sang, nhắm mắt khen liều đó thôi.

Kỳ Phát cũng gật đầu bảo:

- Phải rồi, đúng là vị chè Hồng Kông… Thôi, đã trót pha đành cho đường vào uống vậy!

Loay hoay pha đường vào chè một lúc, Kỳ Phát bỗng bật cười mà bảo:

- Thế là cái hứng thú thưởng chè của tôi bị tan vỡ. Chỉ ân hận cho anh bị tôi đánh thức dậy, mất một giấc ngủ ngon!

Nhìn đồng hồ, Kỳ Phát lại bảo tôi:

- Bây giờ mới 4 giờ hơn, ngủ cũng tội mà thức thì chẳng có việc gì làm… Nếu thực ấm chè ngon, có phải rằng bây giờ chúng ta đương ngồi uống nước, bàn chuyện cổ kim, thú biết bao nhiêu không?

Tôi cười bảo:

- Không có việc gì làm thì chúng ta đi chơi chứ có làm sao?

Kỳ Phát đồng tình ngay:

- Anh thực là người thông minh, tháo vát. Phải, chơi Hà Nội trong lúc sáng tinh sương này thực thú vị vô cùng. Nhưng chúng ta chỉ ăn vận thường chứ “lễ phục” vào thì ngại chết!

Thế là một lát sau, chúng tôi đã khoác tay nhau đi chơi ngoài phố vắng. Những ngọn đèn điện đã bắt đầu như mờ dần dưới ánh sáng mặt trời sắp mọc. Lúc này, thành phố Hà Nội hầu như thuộc về một hạng người riêng biệt: bọn thợ thuyền đi làm xa và bọn buôn bán ở ngoài chợ. Những phu xe lúc này chưa đi đón khách, còn gác xe ăn bữa sớm tại các hàng cơm. Chốc chốc mới có một chiếc xe tay kéo khách chơi đêm về sau cuộc vui đen đỏ hay mê mệt ở xóm chị em.

Nhưng chúng tôi đương vơ vẩn đi đến phố Hàng Lọng thì trời bắt đầu lất phất mưa. Sực có một ý nghĩ, Kỳ Phát bảo tôi:

- Trời mưa mà đi ăn sớm thì chưa hiệu nào mở cửa. Hay là chúng ta ra ga chơi?

Tôi gật đầu:

- Phải, chúng ta làm như người đi tiễn bạn ra ga…

Kỳ Phát như nghĩ ngợi, nhắc lại:

- Tiễn những người bạn xa xôi, không quen biết!

Thấy Kỳ Phát như có vẻ buồn, tôi không nói thêm gì nữa. Lấy hai chiếc vé ke, chúng tôi ra ngoài sân ga, lặng lẽ, không chủ định.

Thấy mình thản nhiên bình tĩnh quá với những bọn hành khách hấp tấp vội vàng, chúng tôi tự thấy buồn cười. Nhưng bỗng Kỳ Phát huých cánh tay tôi, bảo:

- Chà, đôi mắt huyền đẹp quá!

Tôi nhìn lại mới biết “đôi mắt huyền” mà Kỳ Phát nói đó là một thiếu nữ tuổi chừng mười tám, người nhỏ nhắn nhưng cân đối, nước da trắng hồng, hai tay xách hai chiếc va ly, đi rất nhanh, bước lên toa hạng ba. Tuy chỉ thoáng chốc, tôi đã nhận thấy thiếu nữ có đôi mắt rất đẹp, đen huyền và trong sáng thông minh, lanh lẹ vô cùng…

Tôi lẩm bẩm:

- Mà nàng đi có một mình!

Không thấy Kỳ Phát nói gì cả, tôi ngoảnh nhìn chàng, thấy Kỳ Phát lúc này như đương suy nghĩ ngẩn ngơ, lơ đãng nhìn về phía toa tầu thiếu nữ vừa lên… Tôi mỉm cười, vỗ vai Kỳ Phát, bảo:

- Anh này làm gì mà than người ra thế? Anh không nghe thấy tôi nói gì à?

Kỳ Phát giật mình, hỏi lại:

- Anh vừa nói gì?

- Tôi nói: Nàng đi có một mình!

- Thế nghĩa là gì?

Tôi cười ngất:

- Nghĩa là mình có thể cũng tạm đoán nàng chưa có chồng, hay ít nhất cũng chưa có người yêu vì nếu có chồng hay người bạn lòng thì chết sống người ấy cũng phải đưa tiễn “đôi mắt huyền” lên tầu!

Nhìn thẳng Kỳ Phát, tôi tiếp:

- Thường nhật, bất cứ trông thấy cái gì anh cũng quan sát kỹ lưỡng và luận lý ngay kia mà. Ý chừng hôm nay anh đã bị thu mất hồn nên không nghĩ đến điều nàng đi có một mình!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Tôi không nghĩ đến điều ấy thực nhưng tôi nghĩ: Nàng cầm hai chiếc va ly! Mà hai chiếc va ly không vì trông nhẹ nhàng quá!

Tôi ngạc nhiên, hỏi:

- Thế nghĩa là gì?

Nhưng Kỳ Phát không trả lời tôi, vẫn chăm chú nhìn về phía toa xe hạng ba, mồm lẩm bẩm:

- Đôi mắt huyền!

Ngay lúc này, tiếng còi của nhân viên hỏa xa thổi mạnh, tiếp theo câu thường lệ bằng tiếng Pháp: “Xin các ngài lên xe cho!” Một tiếng còi của toa máy đáp lại như xé làn không khí. Và tầu cũng bắt đầu chuyển bánh… Nhưng cánh cửa toa hạng ba bỗng bỏ xuống và… “đôi mắt huyền” bỗng nhìn sâu xa về phía chúng tôi.

Kỳ Phát bỗng hỏi tôi:

- Anh có mang theo tiền không?

Tôi ngạc nhiên:

- Anh mua gì bây giờ?

Kỳ Phát gắt:

- Tôi hỏi anh có tiền không? Và có bao nhiêu?

- Tôi tưởng không cần dùng việc gì nên chỉ mang theo chỗ tiền lẻ, chừng 8,9 đồng…

Kỳ Phát nói nhanh:

- Thế thì đủ rồi, anh đưa ngay cho tôi 5 đồng!

Và tôi vừa mới rút tiền trong túi ra thì Kỳ Phát đã vồ ngay lấy, không nói thêm nửa lời, cắm đầu chạy một mạch theo đoàn tầu trong lúc toa máy mới bắt đầu rẽ qua đường “ghi”.

Nửa phút sau, tôi đã trông thấy Kỳ Phát nhanh nhẹn nhẩy bám lên toa cuối cùng, rồi một tay vuốt lại làn tóc, một tay chàng rút mùi soa ra vẫy tôi từ biệt!




2
ANH CHÀNG NỊNH ĐẦM

Chuyến tầu không đông lắm nên Kỳ Phát từ toa cuối hạng tư lên toa hạng ba không có gì là khó khăn cả. Thiếu nữ ngồi đó có một mình, đương chăm chú đọc một cuốn truyện. Kỳ Phát cũng kiếm một chỗ gần đối diện định sẽ đợi dịp gợi chuyện làm quen, nhưng tầu chạy đã lâu mà thiếu nữ không hề ngẩng lên một phút nào cả.

Không chừng, nàng cũng không biết có một người bạn đồng hành vì đôi mắt huyền mà lên Phủ Lạng cùng chuyến tầu này!

Tầu đến Thị Cầu, Kỳ Phát đứng dậy, nhòm ra ngoài cửa sổ rồi nói:

- Tầu đến Thị Cầu rồi, chóng quá!

Thiếu nữ bỏ cuốn truyện xuống, liếc thoáng Kỳ Phát, nhìn xuống sân ga rồi lại toan nhìn vào trang sách, nhưng Kỳ Phát đã kịp hỏi:

- Tôi cứ yên trí rằng cô xuống Thị Cầu, mải xem truyện nên không biết? Vậy cô đi Bắc?

Thiếu nữ không trả lời câu hỏi, chỉ lễ phép mỉm cười:

- Vâng, truyện viết hay quá! Xin cám ơn ông!

Và nàng lại cắm cúi xem không hề nhìn qua đến Kỳ Phát nữa.

Anh chàng trinh thám trẻ tuổi của chúng ta gật gù, lẩm bẩm:

- Khôn khéo lắm, nhưng dù tài giỏi thế nào cũng không thể giấu giếm nổi ta!

Lúc này, người soát vé đến, Kỳ Phát khôn ngoan vờ ngủ để chờ cho thiếu nữ đưa vé ra bấm, chàng mới đứng dậy, liếc nhìn. Biết vé thiếu nữ lấy đi Phủ Lạng rồi, Kỳ Phát mới nói với người soát vé làm cho mình một chiếc vé cũng đi Phủ Lạng vì… lúc ra ga muộn quá mà đông người lấy, chàng phải lấy vé ke, lên tầu chịu phạt vậy!

Nhìn đồng hồ, Kỳ Phát vui mừng thấy chỉ còn ít phút nữa thì đến Bắc Giang. Chàng đã sắp đặt đủ cả mọi cách hành động để theo thiếu nữ cho biết tung tích dù nàng có ý giữ hành tung bí mật. Nhưng tầu vừa tới Phủ Lạng, thiếu nữ đã xách va ly bước xuống, không để ý đến Kỳ Phát. Chàng thong thả bước theo, bỗng thấy thiếu nữ vẫy người phu xe lại hỏi rằng:

- Mợ tôi có nhà không, bác?

Thấy người phu tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu thì nàng đã tiếp ngay:

- Mợ tôi, bà xếp ga ấy mà!

Người phu nghe ra, gật đầu, chỉ tay nói:

- À, vâng, bà xếp có nhà đấy ạ, tôi vừa thấy bà ấy khảo gạo!

Thiếu nữ cảm ơn rồi đi về phía nhà riêng của viên xếp ga. Đứng dừng lại, thấy nàng vào rồi, Kỳ Phát mới tần ngần suy nghĩ, sau cùng chạy theo người phu lúc nẫy, hỏi:

- Này bác cho tôi hỏi thăm một tí! Cô ấy là cháu bà xếp ga ở đây phải không bác?

Người phu nhìn Kỳ Phát rồi mỉm cười, chép miệng bảo:

- Tôi cũng không rõ nữa, nhưng thấy gọi bằng mợ thì chắc hẳn là cháu!

Kỳ Phát lại hỏi:

- Thế cô ấy có hay xuống đây chơi với bà xếp ga không?

Người phu lắc đầu:

- Không, nếu xuống luôn thì tôi đã quen mặt!

Nghe câu này, Kỳ Phát bỗng kêu to lên, làm cho bác phu giật mình ngơ ngác:

- Ừ nhỉ! Rõ mình thực… cóc khô!

Rồi chẳng kịp cảm ơn người phu nữa, Kỳ Phát cắm đầu chạy về phía nhà ông xếp ga. Đúng như lời người phu vừa nói, Kỳ Phát thấy một thiếu phụ ở trong nhà đương khảo gạo nhưng ngoài người ấy ra chỉ còn mấy đứa trẻ con nữa thôi. Nàng thiếu nữ mắt huyền thì không thấy hình bóng đâu nữa! Dầu vậy, Kỳ Phát cũng vào, chào thiếu phụ rồi lễ phép thưa:

- Thưa bà, tôi hỏi thế này khí không phải, vừa rồi, hình như có một cô gái vào đây… Tôi hỏi, bác phu xe bảo thế!

Thiếu phụ lộ vẻ ngạc nhiên, nhìn kỹ Kỳ Phát từ đầu đến chân rồi hỏi:

- Ông hỏi cô ấy làm gì?

Kỳ Phát không hề lúng túng, móc trong túi ra một tờ giấy bạc rồi nói:

- Thưa, lúc nẫy ở trên tầu xuống, cô ấy móc túi có lẽ đánh rơi một đồng bạc, trên toa hạng ba chỉ có tôi và cô ấy… Cô ấy xuống trước, tình cờ tôi trông thấy ở sàn tầu đồng bạc rơi, đoán là của cô ấy nên đi theo gọi trả.

Thiếu phụ lắc đầu:

- Nếu thế thì ông ra ngay ngoài cửa ga may ra cô ấy còn ở đấy, cô ấy vào đây hỏi nhầm nhà!

Kỳ Phát theo tay thiếu phụ chỉ, bước ra ngoài cửa, nhưng trước khi đi còn nói thêm:

- Xin lỗi bà, tại lúc nẫy tôi thấy bác phu bảo cô ấy là cháu bà…

Thiếu phụ cười, lắc đầu:

- Vâng, nhưng cô ấy nhầm, lúc nẫy cô ấy vào đây chào tôi bằng mợ ngay, nhưng khi thấy tôi ngạc nhiên, cô ấy hỏi lại có phải là nhà ông xếp Bách không. Lúc biết không phải cô ấy mới gửi tôi chiếc vé rồi ra lối cửa này!

Liếc nhìn chiếc vé trong tay thiếu phụ, Kỳ Phát thấy đó là một nửa chiếc vé khứ hồi thì lộ vẻ vui mừng, chào thiếu phụ mà bước ra. Nhìn quanh suốt cửa ga, Kỳ Phát không hề thấy bóng “đôi mắt huyền” đâu cả. Chàng chỉ hơi nhún vai, rồi tự nhủ: “Không bằng một người con gái nhé, khoe tài khoe giỏi nữa đi!” Nhưng chàng lại gật gù mà tiếp: “Nhưng không sao, nàng có tài trời cũng không thoát khỏi tay ta! Gọi là có trốn xuống đất ta cũng lôi lên được!”

Nhìn lại đồng hồ, vào trong ga ghi những giờ tầu chạy xuôi, ngược, rồi Kỳ Phát bắt đầu ra hỏi thăm mấy người phu xe còn lảng vảng ở đó. Chàng tả hình dáng thiếu nữ, rồi hứa sẽ thưởng một đồng bạc cho người nào tìm được người phu xe đã kéo nàng lúc nẫy và biết rõ số nhà nàng đã về đâu. Chàng lại dặn họ bây giờ chàng đi ăn cơm ở một hàng trong phố, có được tin gì thì lập tức chạy đến bảo cho chàng biết!

Sau đó, không lo ngại gì nữa, Kỳ Phát yên tâm thuê xe đi vào phố. Muốn cẩn thận hơn, trước khi đi, chàng còn cho thằng bé con bán dầu nước ở cửa ga hai hào, dặn nó hễ thấy hình dáng người con gái nào giống như chàng tả ra ga thì lập tức về báo tin cho chàng biết, chàng sẽ cho thêm mấy hào nữa!

Biết trước rằng với một tỉnh nhỏ như tỉnh Bắc, tất cả chỉ có chừng vài ba chiếc xe kéo thì việc tìm tung tích người nào cũng chẳng khó khăn gì, Kỳ Phát yên tâm vào một hiệu ăn ngồi đợi.

Trong khi chờ nhà bếp làm các món, Kỳ Phát ngoảnh lại nhìn bộ quần áo đã nhàu nát mà buổi sáng chàng đã khoác tạm, chiếc sơ mi đã có vài vết bẩn ở cổ. Kỳ Phát bỗng bật cười, tự hỏi có phải mình điên hay không mà tự nhiên lại đâm bổ đi Bắc Giang một cách vô ý thức như vậy. Nhưng chàng lại bỗng lắc đầu mà lẩm bẩm:

- Nhưng không, nàng có đôi mắt huyền lạ lùng, sâu xa và trong sáng quá! Mà vì cớ gì nàng lại liếc nhìn ta như cợt trêu, như khiêu khích?

Chợt nhớ đến người bạn mình đã “bỏ rơi” trên ga Hàng cỏ, Kỳ Phát mỉm cười:

- Chắc anh chàng cho ta là si tình, vừa bị đánh trúng “tiếng sét” của ông thần mù mắt giương cung đây!

Một lát sau nhà bếp mang món ăn lên, đương lúc đói ngấu, tuy các thức làm chẳng được khéo léo cho lắm Kỳ Phát cũng thấy ngon miệng. Khi chàng ăn xong, vừa gọi cà phê thì ngoài cửa đã thấy lấp ló tên phu xe đương ra ý tìm tòi. Gọi vào, Kỳ Phát thấy hắn nói:

- Thưa ông, con tìm thấy nhà rồi, mời ông uống nước xong rồi con kéo lại!

Kỳ Phát gật đầu, vừa cầm lấy cốc cà phê thì lại đã thấy thằng bé bán dầu nước hốt hoảng chạy đến, vừa thở vừa nói:

- Ông ra ga ngay mới kịp! Tầu sắp chạy rồi, cô ấy đương bấm vé!

Không kịp hỏi thêm gì, Kỳ Phát đứng dậy, mặc áo, ra trả tiền ăn rồi cho luôn thằng bé năm hào. Thưởng cho người phu xe đồng bạc, Kỳ Phát giục:

- Bác kéo hết sức nhanh ra ga kịp được tầu thì tôi cho thêm tiền nữa!

May mắn làm sao, lúc Kỳ Phát đến ga tầu vẫn chưa chạy. Chàng lấy vé, nhẩy vội lên tầu, ngơ ngác tìm suốt mấy toa hạng ba mà không hề thấy bóng nàng thiếu nữ mắt huyền đâu cả. Kỳ Phát lo lắng lẩm bẩm:

- Chẳng lẽ ta lại bị lừa lần nữa!

Sau mấy phút nghĩ ngợi, chàng chuyền tầu xuống toa hạng tư. Lúc này tầu đã chạy, Kỳ Phát nghĩ bụng: “Ta tìm hết các toa mà không thấy thì ga đầu tiên tầu đỗ ta sẽ xuống, trở về Bắc chứ không đời nào chịu!”

Nhưng Kỳ Phát đã quá lo xa. Lúc chàng xuống đến gần toa cuối thì thấy ngay thiếu nữ đương đứng, tay vịn vào mấy bồ hàng xếp ngổn ngang, dưới chân vẫn có hai chiếc va ly mang đi buổi sáng. Chuyến tầu này đông quá, trên ghế người ta đã ngồi thích cánh và vẫn còn nhiều người phải đứng.

Thấy người mình đương lùng tìm, Kỳ Phát mừng quá, nhất định sẽ không rời ra nửa bước, thử xem nàng thiếu nữ bí mật này còn lẩn trốn được đi đâu! Nhưng ngay lúc này, thiếu nữ ngoảnh nhìn lại. Tia sáng của đôi mắt huyền đã gặp cặp nhỡn tuyến của chàng trinh thám trẻ tuổi. Nàng lộ vẻ nửa ngạc nhiên nửa tức tối còn chàng thì như thầm bảo: “Trêu vào tay Kỳ Phát thì trêu sao nổi!”

Kỳ Phát không ngờ rằng có một người đương để ý đến mình. Đó là một chàng thanh niên tuổi trạc hai lăm, vận bộ quần áo tây mầu xám, mắt đeo kính đen, ngồi ở chỗ gần đầu toa. Chàng ta bỗng mỉm cười, hỏi thiếu nữ rằng:

- Thưa, cô đi Hà Nội?

Thiếu nữ trong chớp mắt quan sát người vừa hỏi mình suốt từ đầu đến chân rồi cũng lễ phép trả lời:

- Thưa ông, vâng, chúng tôi về Hà Nội!

Chàng thanh niên vui vẻ đứng dậy, nói:

- Nếu thế thì xin mời cô ngồi chỗ này, kẻo đứng lâu chồn chân, cô chịu sao nổi!

Thiếu nữ cảm ơn rồi không hề ngại ngần ngồi ngay xuống chỗ của anh chàng vừa nhường. Nhưng nàng còn lúng túng chưa biết xếp hai chiếc va ly của mình vào đâu thì anh chàng kia đã đỡ lấy, để một chiếc lên trên giá cao, một chiếc để gọn vào dưới chân thiếu nữ, sau khi bỏ chiếc va ly của chàng trước để ở trên giá xuống!

Vừa xếp lại gọn gàng, anh chàng lịch thiệp này vừa vui vẻ nói:

- Thôi, va ly của tôi để ở dưới này cũng được vì tôi cũng sắp xuống rồi. Còn chiếc va ly lớn của cô thì để lên trên giá kia cho rộng chỗ.

Chỉ chiếc va ly nhỏ để ở dưới chân thiếu nữ chàng ta vừa cười vừa tiếp:

- Chiếc va ly này, cô phải coi chừng mới được, kẻo mà kẻ cắp nó lấy đi thì xong, con đường này bây giờ cũng nhộn lắm!

Một bà già thấy anh chàng cẩn thận thế thì cười mà nói:

- Ông lo xa thế chứ ban ngày ban mặt, ngồi đông đúc thế này, có tài trời thì cũng không nhấc đi được!

Kỳ Phát suốt từ nẫy đến giờ vẫn chăm chăm nhìn chàng trẻ tuổi. Cau mặt, tức giận, Kỳ Phát nghĩ thầm: “Thằng cha nịnh đầm đáng ghét quá, nhe mãi chiếc răng vàng ra tưởng là sang trọng lắm đấy!”

Một hồi còi tầu thét rức tai… Đoàn tầu chạy chậm lại, rẽ vào ghi rồi đỗ lại trước một ga xép. Sau mấy phút ồn ào, kẻ lên người xuống, tầu lại bắt đầu chạy, chầm chậm rồi nhanh dần. Bỗng chàng thanh niên kêu thét, chỉ tay về phía trước:

- Chết rồi, có người chẹt tầu kìa!

Mọi người cùng nhao nhao đứng dậy, kẻ thì cố ghé đầu ra ngoài cửa sổ, xôn xao hỏi nhau tíu tít: “Cái gì? Đâu đâu? Có chết không?” Thừa lúc không ai chú ý, chàng thanh niên đã vụt cúi xuống, rồi nhanh như cắt, toan giật lấy chiếc va ly của thiếu nữ để trước mặt! Nhưng chàng đã tính nhâm từ trước, thiếu nữ khôn ngoan đã dùng chân chặn lấy chỗ sợi dây da buộc va ly còn thừa ra trên mặt sàn, nên bị vướng anh chàng không giật được. Thiếu nữ đã vụt đứng dậy. Không dám chậm một phút, anh chàng ăn cắp hụt đã với tay xách chiếc va ly của mình, chạy vọt ra phía ngoài cửa tầu… Cũng chẳng vừa, thiếu nữ đuổi sấn theo, rồi với kịp tay, kéo lấy chiếc va ly của chàng kia. Chẳng dám vì tiếc của mà bị bắt, anh chàng đành bỏ ra, nhẩy lao mình xuống đường sắt trong lúc tầu đương chạy nhanh!

Việc xẩy ra nhanh quá làm cho mọi người trong tầu không ai kịp nghĩ đến việc giúp đỡ thiếu nữ ngăn cản hoặc bắt kẻ gian. Lúc nó đã nhẩy thoát xuống đường rồi, ai nấy mới nhao nhao lên bàn tán:

- Người ăn mặc sang trọng thế mà là quân cướp giật thì ai mà ngờ được!

- Nó đã khôn nhưng không ngoan thành ra chính mình bị thiệt!

- Tôi không ngờ trông cô ấy nhỏ bé mà nhanh nhẹn đến thế đấy! Phải người khác thì bây giờ đã ngồi trơ ra tiếc của!

Có người lại tò mò hỏi thiếu nữ:

- Chắc nó theo cô từ lâu, biết trong va ly có nhiều tiền bạc nên mới lập mẹo ăn cắp. Cô cũng đã để ý đề phòng từ trước phải không?

Thiếu nữ lắc đầu:

- Thoạt tiên thì tôi cũng không ngờ, nhưng về sau thấy nó săn đón quá, tôi mới sinh nghi, nhất là từ lúc nó cứ nhìn trước nhìn sau rồi kéo dần mãi chiếc va ly của nó ra phía gần cửa toa thì tôi không còn sợ đoán sai nữa!

Một bà cụ hỏi lẩn thẩn:

- Nhưng nghĩ cũng buồn cười, nó đã chủ tâm đi cướp giật, sao lại còn mang đèo một chiếc va ly cho bận rộn khó chạy.

Thiếu nữ cười, cắt nghĩa:

- Đó cũng là mánh khóe của bọn chạy dọc. Chúng cần phải mang theo một chiếc va ly như vậy thì mình mới không ngờ vực gì cả, tin chắc chúng cũng là hành khách lương thiện như mình!

Rồi thiếu nữ lại liếc Kỳ Phát mà nói tiếp:

- Nhưng chúng lừa thế nào nổi được tôi… Những kẻ nào dám trêu vào tay tôi thì chỉ có thiệt hại!




3
NHỮNG VIÊN KHÁN HỘ…
BẤT ĐẮC DĨ

Kỳ Phát cũng thừa biết thiếu nữ ám chỉ mình nhưng chàng không hề nói năng gì cả. Chàng cũng không lấy làm tức tối cho lắm, có phần lại vui vẻ là đằng khác vì có xẩy ra việc này, chàng mới lại càng biết chắc chắn rằng nàng thiếu nữ có đôi mắt huyền chẳng phải là một cô con gái tầm thường. Cuộc theo dõi của chàng có lẽ không đến nỗi phí công là không đem lại một kết quả gì tốt đẹp.

Cẩn thận, chàng suy tính trước những mánh khóe mà nàng có thể đem ra dùng khi tầu đến Hà Nội để lẩn trốn. Chàng đã bầy đặt sẵn sàng mọi cách đối phó quyết chẳng để cho con trạch này lọt thoát ra khỏi kẽ tay.

Đoàn tầu lần lượt đỗ ga này, qua ga khác. Rồi sau khi đỗ ga Gia Lâm, đoàn tầu chầm chậm vượt qua cầu sông Cái. Kỳ Phát để ý thấy một điều là từ lúc nẫy đến giờ, bất cứ tầu đỗ một ga nào, thiếu nữ cũng ló đầu ra ngoài cửa sổ, nhìn trước nhìn sau hoặc đứng dậy, nhìn suốt về phía các toa khác, hình như có ý tìm kiếm một ai vậy.

Kỳ Phát cau mày nghĩ thầm: “Cô ả hẳn lại có người nào hẹn đón đợi!”

Và chẳng hiểu vì sao chàng lại bỗng đã thấy khó chịu vì cái người “thứ ba” ấy! Nhưng đoàn tầu đã qua chiếc cầu, rồi khu phố Hàng Giầy, rẽ về đường Ngõ Trạm. Mấy tiếng còi thét báo cho ga biết tầu Bắc đã về. Những tiếng kèn thổi dài dài của những người phu gác hàng rào chắn đường tiếp nhau nghe như tiếng tù và của bọn tuần ở thôn quê lúc thu không vậy!

Thiếu nữ đã đứng dậy. Hai mắt nàng như thêm sáng, gương mặt lộ vẻ quả quyết vô cùng. Tuy đứng đấy, nhưng nàng không hề sót một hành động nào của những hành khách ở các toa liền cạnh.

Một lúc sau, ga Hàng Cỏ đã sừng sững ngay trước mặt. Thiếu nữ cúi hẳn cổ ra phía ngoài và lúc nàng quay vào thì Kỳ Phát để ý thấy mặt nàng hơi biến sắc.

Qua một phút lưỡng lự, thiếu nữ bỗng như quả quyết hẳn, đến sát cạnh Kỳ Phát hỏi nhỏ rất nhanh:

- Ông là Kỳ Phát?

Ngạc nhiên, chàng trinh thám trẻ tuổi của chúng ta khẽ gật đầu. Cũng bằng một giọng nhỏ, chàng hỏi lại:

- Tôi có thể giúp cô được việc gì chăng?

Nhưng nàng thiếu nữ mắt huyền không trả lời, chỉ nói:

- Tôi xin tin cậy ở ông!

Và không nói thêm gì nữa, nàng xách chiếc va ly nhỏ để ở dưới chân mà lúc nẫy tên chạy dọc đã cướp giật không xong rồi nhanh nhẹn nhẩy xuống sân ga trong khi tầu vẫn còn đà, từ từ chạy…

Kỳ Phát để ý tìm tòi, thấy trước cửa ga có tới bốn, năm nhân viên nha Thương chính đương đứng vẩn vơ chờ chuyến tầu đến. Lúc này, Kỳ Phát không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng biết chắc thiếu nữ là một tay cừ khôi chuyên môn buôn thứ “vàng đen” về Hà Nội, quãng đường mà tay mang thuốc phiện lậu nào cũng phải nhận rằng khó khăn nguy hiểm nhất! Chắc thiếu nữ có tật phải lo, khi đến gần ga chính cũng như khi qua các ga xép, vẫn luôn luôn để ý đến bóng dáng những lính đoan vì nàng chẳng lạ gì, trong nghề nghiệp này thường vẫn chính những người bán hàng lại đi báo để mình bị bắt. Nhưng đã có gan buôn, nàng hẳn cũng có thừa đủ mánh lới, quyền biến để tránh những cạm bẫy, mùng lưới của nhà đoan…

Kỳ Phát lẩm bẩm nhắc lại câu thiếu nữ vừa nói lúc xuống tầu: “Tôi xin tin cậy ở ông!” Chàng có vẻ lưỡng lự đắn đo, nhưng sau cùng khẽ nhún vai, điềm tĩnh kiễng chân, nhấc chiếc va ly lớn của thiếu nữ còn để lại trên giá xuống. Chàng cẩn thận buộc lại chiếc đai da một cách tự nhiên, như chính va ly này là của mình, nay đã đến ga thì sửa soạn để xuống.

Trong khi ấy, thiếu nữ sau khi đã nhẩy xuống sân, đứng lại nhìn trước nhìn sau một chốc, rồi bỗng xách va ly mà chạy vụt rất nhanh ra phía cửa ga hạng tư… Các nhân viên nha Thương chính đã để ý từ lúc nẫy, nay đột nhiên thấy nàng chạy thì nhìn nhau đắc ý rồi một người gọi:

- Này, cô kia, chạy đi đâu đấy, hãy đứng lại đã!

Tuy gọi thế nhưng họ cũng chẳng buồn đuổi theo, có lẽ vì đã biết chắc rằng ngoài cửa ra, chỗ hạng tư đã có một người đồng bạn của họ sẵn sàng đứng đón rồi. Người này, quả nhiên lúc “thấy động” đã khép chặt cánh cửa song sắt lại, tiến về phía trong mấy bước như đón đợi bắt con thú cùng đường!

Nhưng thiếu nữ lúc này đã đột nhiên đứng dừng lại. Nàng buông mạnh chiếc va ly xuống dưới đất đổ lăn nghiêng, rồi giơ một tay lên bóp trán. Hai giây sau, nàng đã loạng choạng toan bước lên một bước, nhưng đứng không vững và ngã quay xuống sân ga. Người lính đoan đứng chờ ở cửa ra vào lúc này đã chạy đến bên nàng… Tiếng người đội đoan ở phía xa chạy lại thét lớn:

- Coi chừng nó vờ đấy! Cẩn thận không nó “thoát” mất đấy!

Nhưng viên đội đã cẩn thận vô ích. Cho đến lúc tất cả bọn nhân viên nha Thương chính chạy tới, vây xung quanh, nàng vẫn nằm nguyên thiêm thiếp, hai mắt nhắm nghiền. Bọn hành khách xuống tầu, bây giờ cũng tò mò đứng xúm lại, bàn tán:

- Có lẽ cô ấy ngộ cảm!

Người khác cãi:

- Không phải, trời này làm gì có gió độc, chắc hẳn cô ấy có chứng động kinh!

Mấy viên cảnh sát phải lại để dẹp bớt người xem trong khi mấy nhân viên nha Thương chính cũng bàn nhau nho nhỏ:

- Không biết có phải thực là “nó” không?

Một người ra dáng sành sỏi, quả quyết:

- Đích nó chứ còn ai vào đây nữa. Chính tôi hồi còn ở Lao Cai đã bị nó ăn vận giả làm gái Mán đẩy xuống suối… Bây giờ nó lớn tuổi hơn, nhưng cặp mắt ấy thì có gọi là chôn cũng không lẫn.

Viên đội cúi xuống xem chiếc va ly, toan mở ra, nhưng va ly lại khóa chặt. Một người lính đoan bàn góp:

- Thiết tưởng ngài đội cũng chẳng cần phải khám va ly vội, dù giả vờ hay ngất đi thực, ta cũng hãy đợi nó tỉnh lại đã!

Lúc này, Kỳ Phát đã xách chiếc va ly lớn của thiếu nữ ung dung bước xuống. Chàng cũng như nhiều người khác tò mò dừng bước lại chỗ bọn nhân viên nha Thương chính đương cứu chữa thiếu nữ trước khi ra khỏi ga. Kỳ Phát cũng chẳng còn lạ gì thiếu nữ đã khôn ngoan giả vờ như thế để cho các nhân viên nhà đoan chú ý hết cả vào nàng và như vậy thì Kỳ Phát tất có thể mang chiếc va ly “quan hệ” kia ra khỏi ga được dễ dàng.

Bỗng có người đặt tay vào vai Kỳ Phát. Dù là người xưa nay vốn bình tình đến bực nào, lúc này chàng cũng phải giật mình, hoảng hốt nhìn lại. Nhưng đó chỉ là viên thanh tra liêm phóng Ch. mặc thường phục, có lẽ ra ga để đón hỏi giấy má những dân Hoa kiều ở mạn trên xuống. Ch. dùng tiếng Việt Nam rất sõi, cười mà hỏi Kỳ Phát rằng:

- Nào, tôi với ông đánh cuộc nào? Ông ước trong va ly có chừng bao nhiêu ki lô nhựa?

Kỳ Phát cười, lắc đầu:

- Điều ấy thì tôi chịu, nhưng nếu giá ông bảo tôi đánh cuộc ước tuổi thiếu nữ thì tôi xin nhận ngay!

Ch. gật đầu, nói:

- Kể ra đời bây giờ cũng không biết thế nào mà xét đoán bề ngoài được, nàng thiếu nữ xinh tươi thơ ngây như thế kia, ai ngờ được nàng là một tay buôn lậu đại tài mà các ông nhân viên nhà đoan đây vẫn phải chú ý đề phòng!

Viên quản Thương chính cũng nói góp vào:

- Ông Ch. nói đúng đó, mà không biết lần này, con quỷ cái lại đem giở những trò gì ra huyễn hoặc chúng tôi đây!

Kỳ Phát không bỏ cơ hội hỏi dò về lai lịch thiếu nữ:

- Quái, nàng tên là gì, ở đâu, có mánh khóe ghê gớm như vậy mà tôi không được biết đấy!

Viên quản Thương chính nói:

- Ông chưa biết ư? Nàng tên là Ngọc, chẳng biết là Thanh Ngọc hay Bích Ngọc gì đó, chính quê ở mạn Trũ, mới về lưu trú ở Hà Nội ít tháng nay. Hiện giờ, Ngọc ở phố…

Nhưng viên thanh tra Ch. đã không để cho viên quản nói hết lời. Ông nheo cặp mắt lại, ra dấu về phía Kỳ Phát rồi ngắt lời:

- Ấy, chớ, ông ạ! Chớ cho chàng hay biết địa chỉ của cô ả! Ngoài cái tài tra xét những vụ án bí mật, chàng lại còn là một người rất phong tình kia đấy!

Ngừng lại một lát, Ch. lại vỗ vai Kỳ Phát mà bảo:

- Có phải không ông? Ông mà biết địa chỉ của nàng, ông cảm cái sắc đẹp và cái can trường ấy, đứng lên mà chỉ dẫn mọi phương pháp kỳ diệu cho nàng thì chúng tôi đây còn hòng đón bắt nàng làm sao nổi!

Ch. vừa nói tới đây thì bỗng có tiếng reo:

- A, cô ả tính lại rồi!

Kỳ Phát liếc nhìn thấy thiếu nữ đã mở mắt, ngơ ngác nhìn quanh, rồi chống tay ngồi dậy… Rụt rè, nàng hỏi:

- Cái gì thế, các ông? Tôi làm sao?

Nhưng viên quản Thương chính đã bằng một giọng nghiêm nghị, bảo nàng:

- Rồi chúng tôi sẽ nói. Bây giờ thi xin cô hãy làm ơn đưa chìa khóa cho chúng tôi khám va ly xem có thuốc phiện không đã!

Không để giục hai lần, thiếu nữ ngoan ngoãn móc túi đưa chìa khóa cho viên quản. Thế là không một ai để ý đến thiếu nữ nữa, họ cùng đổ xô lại phía chiếc va ly. Trong khi ấy, thiếu nữ đưa cặp mắt huyền nhìn thẳng vào Kỳ Phát. Luồng nhõn tuyến không còn cái gì là cứng cỏi, khiêu khích nữa, trái lại, chỉ đầy những ý van nài…

Phía các nhân viên nha Thương chính có xôn xao tiếng nói:

- Không có gì à? Không có lẽ!

- Hay là “hàng” đã thoát được ra ngoài rồi!

- Vô lý, vì trong khi bọn ta ở đây, ngoài cửa cũng vẫn còn người đứng phòng đón bắt người khả nghi kia mà!

Ch. nhìn Kỳ Phát rồi mỉm cười:

- Thôi, các cụ lại bắt hụt một phen nữa rồi! Thấp cơ thua trí đàn bà nhé!

Hạ thấp giọng, Ch. bảo Kỳ Phát:

- Thôi, chúng ta đi ra ngoài kia, kẻo có mặt ở đây, “họ” chỉ thêm ngượng!

Vừa nói Ch. vừa kéo Kỳ Phát đi về lối cửa ga hạng ba. Mấy nhân viên nha Thương chính và Sở Liêm phóng thấy Kỳ Phát đi với Ch. thì còn nghi ngờ gì nữa, vì thế cho nên chàng trinh thám của chúng tôi chẳng phải khó nhọc một chút nào mà cũng đưa được chiếc va ly nguy hiểm ra khỏi cửa ga. Bắt tay Ch. chàng thuê xe về nhà, trong bụng chẳng khỏi buồn cười vì dù anh chàng Ch. xưa nay vẫn tự phụ là có tài “sáng suốt” và “thính việc” đến đâu cũng không thể nào ngờ rằng chính mình đã vô tình “hộ tống” chiếc va ly kia như vậy.



4
CHIẾC VA LY DUYÊN NỢ

Kỳ Phát ngồi yên lặng thở khói thuốc lên trần nhà, không nói gì thêm nữa. Đợi một lát, tôi hỏi:

- Bây giờ, chúng ta làm gì?

Kỳ Phát đưa cặp mắt lờ đờ nhìn tôi, rồi hỏi lại:

- Làm gì?

Tôi gật đầu, chỉ chiếc va ly:

- Phải, chúng ta sẽ làm gì chiếc va ly kia?

Kỳ Phát vẫn không trả lời, chỉ nói:

- Có lẽ anh muốn biết trong đó có đựng gì phải không? Muốn thế thì anh chỉ việc tìm xem trong chùm chìa khóa “bách môn”, thế nào cũng phải có một chiếc mở được.

Tôi lắc đầu:

- Tôi không quá ngây thơ như anh tưởng. Ai còn lạ gì trong va ly đó có thuốc phiện lậu. Nhưng tôi muốn hỏi anh rằng chúng ta sẽ xử trí chiếc va ly ấy cách nào?

Kỳ Phát cười ngất:

- Có lẽ anh sợ nhân viên nha Thương chính đến thăm gian phòng này của chúng ta chăng? Điều ấy anh đừng ngại, vì các nhân viên nha này chỉ nghi ngờ dò xét những kẻ chuyên nghề gian lậu, mà chúng ta thì đâu có phải sống về cách buôn bán đó. Chiếc va ly này, nàng đã nhờ tôi mang giúp trong lúc tôi cũng không còn đủ thời gian để kiếm cách từ chối nữa thì tôi đã làm đầy đủ lời hứa rồi. Nay chúng ta chỉ có việc vất nó đấy, bao giờ nàng đến lấy thì lấy!

Tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Anh có ngại chỗ nàng không biết địa chỉ này không?

Kỳ Phát mỉm cười:

- Hỏi câu ấy nếu anh không ngây thơ cũng ngớ ngẩn. Anh thử nghĩ mà xem, một người con gái sắc sảo, gan dạ như nàng, đủ tài trí làm cái việc nguy hiểm kia, biết tên biết mặt ta từ lâu thì làm gì chẳng biết địa chỉ. Và dù nàng chưa biết chăng nữa, bây giờ biết chắc nàng chỉ cần để ý một chút hẳn cũng phải ra.

Tôi ngắt lời Kỳ Phát

- Vậy xin anh cắt nghĩa cho tôi biết tại sao cách tối hôm qua, cách cả ngày hôm nay và bây giờ đã gần 8 giờ tối rồi, chúng ta vẫn chưa thấy nàng lại lấy chiếc va ly quý hóa. Theo ý tôi thì đáng lý nàng phải đến đây lấy sớm giờ nào hay giờ ấy chứ?

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh nói có lý! Điều ấy thì quả tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ nàng đã gặp một sự cản trở gì!

Chúng tôi ngồi yên lặng giây lát, bỗng Kỳ Phát thở dài. Tôi nhìn Kỳ Phát rồi tinh quái, hỏi:

- Có lẽ lòng anh đang chứa chan thương hại khi nghĩ đến “đôi mắt huyền” của anh đương phải trải qua những cơn sóng gió bất kỳ…

Kỳ Phát cau mặt:

- Anh nói thế là đủ rồi, cái giọng văn chương ấy, tôi khuyên anh hãy nên để dành mà viết những trang tiểu thuyết!

Tôi nói sang chuyện khác:

- À, mà hôm qua anh nói, tên nàng là gì nhỉ?

Kỳ Phát lơ đãng trả lời:

- Viên thanh tra Ch. bảo rằng, nàng tên là Bích Ngọc hay Thanh Ngọc gì đó…

Tôi gật đầu:

- Mà ác hại, nếu hắn cho chúng ta biết chỗ ở của Ngọc thì bây giờ anh em mình chẳng phải ngồi bàn suông như thế này không?

Tôi vừa nói đến đây thì có tiếng gõ cửa se sẽ. Chúng tôi cùng ngẩng nhìn nhau. Rồi nhanh nhẹn, tôi đứng dậy, mở cửa. Tuy chỉ mới thoáng gặp nàng một lần buổi sáng mới rồi ở ga, tôi cũng nhận được ra ngay đó là nàng thiếu nữ mắt huyền đã làm cho Kỳ Phát phải một phen xúc động. Nàng cúi đầu lễ phép chào tôi, rồi liếc mắt nhìn vào trong nhà, thấy có Kỳ Phát thì lộ vẻ vui mừng hết sức.

Tôi đứng lánh mời nàng vào và khép cửa lại. Thiếu nữ vui vẻ nói:

- Tôi chỉ sợ ông Kỳ Phát đi vắng!

Kỳ Phát kéo ghế mời nàng ngồi rồi cũng tươi cười nói:

- Điều ấy thì cô lo xa quá, trái lại, chúng tôi vẫn có ý đợi cô!

Liếc nhìn tôi, Kỳ Phát khẽ bảo:

- Anh hãy thử mở cửa ra xem đã!

Tôi hiểu ý Kỳ Phát vừa toan làm theo lời thì thiếu nữ đã lắc đầu, bảo chúng tôi rằng:

- Các ông không ngại, không có ai theo gót tôi đến đây đâu!

Và mỉm cười, nàng tiếp:

- Kể họ cũng chu đáo, lúc nào cũng sẵn sàng theo dò tôi, nhưng đâu có phải là dễ dàng! Ngay lúc nẫy, cũng có hai người chỉ điểm của nha Thương chính đi theo tôi, nhưng tôi đã bỏ rơi họ từ lâu, chắc bây giờ hai anh chàng đương ngơ ngác tìm quanh, mà kết quả cũng đến tìm thấy nhau là hết!

Kỳ Phát rót nước ra chén, rồi gật đầu nói:

- Cô nói có lý lắm, vì chính tôi đây cũng đã từng được biết cái tài “bỏ rơi” của cô rồi!

Thiếu nữ mỉm cười:

- Thôi, việc đã qua, ông đừng nhắc đến làm chi nữa, tôi cũng chỉ đến biết xin lỗi ông mà thôi.

Ngừng lại một lát, nàng lại tiếp:

- Mà kể ông thực cũng đáng trách, cái lúc tôi vờ ngất đi, tưởng để ông thừa dịp đó mang giúp tôi chiếc va ly ra ngoài ga, không ngờ ông lại điềm nhiên đứng lại xem người ta cứu chữa tôi thế nào, làm cho lúc tôi mở mắt ra thấy ông vẫn đứng cạnh, tay xách chiếc va ly “của nợ” thì tôi sợ hãi quá, tưởng chừng có thể ngất đi được, mà lần này thì ngất thực chứ không vờ nữa!

Tôi cười, nói giỡn:

- Cái va ly kia, cô gọi là “của nợ”, tôi tưởng không được đúng lắm, cứ như chúng tôi gọi nó là “chiếc va ly duyên nợ” thì mới thực trúng nghĩa, vì có nó Kỳ Phát mới được biết cô…

Kỳ Phát cũng tiếp luôn:

- Cô Thanh Ngọc hay Bích Ngọc nhỉ?

Thiếu nữ cười:

- Tôi vẫn có hai tên, muốn gọi Thanh hay Bích cũng được, ngoài ra lại còn nhiều tên nữa… Nhưng tốt hơn hết các ông cứ gọi tôi là Ngọc…

Sực nhớ, nàng lại cười mà bảo Kỳ Phát:

- Tôi chắc hiện thời ông đã có đủ cả “bản lý lịch” về đời tôi rồi đấy nhỉ?

Kỳ Phát mỉm cười lắc đầu:

- Tôi xin thú thực với cô rằng quả thực tôi chữa tìm biết gì hết ngoài một vài điều mà mấy nhân viên nha Thương chính đã nói chuyện với tôi.

Nhìn thẳng vào mặt Kỳ Phát như muốn thâm dò ý tứ, Ngọc hỏi:

- Chắc họ đã nói cho ông biết rằng tôi là một người con gái ghê gớm, xảo trá lắm? Và nhiều khi lại nguy hiểm nữa!

Đổi giọng buồn rầu, Ngọc tiếp:

- Nhưng biết làm sao được, không thế thì theo đuổi sao được cái nghề của tôi hiện giờ? Có lẽ trong thâm tâm ông khinh tôi lắm!

Hai cặp mắt của Ngọc và Phát giao nhau. Một lát, chàng trinh thám trẻ tuổi của chúng ta thở dài, lắc đầu:

- Không, bây giờ cũng như lúc mới gặp cô lần đầu tiên ở ngoài ga, về cô, tôi chỉ chú ý có hai con mắt…

Tôi gật đầu, nói:

- Anh Kỳ Phát nói thực đó, anh đi Bắc sáng hôm ấy chỉ là đi theo đôi mắt huyền!

Tinh quái hết nhìn tôi lại nhìn Kỳ Phát, Ngọc hỏi:

- Các ông có thể cho tôi biết đôi mắt ấy có gì lạ đến nỗi các ông phải chú ý? Hay là nó cũng lộ ra hết thẩy mọi cái xảo trá, gan dạ, nguy hiểm của một người chuyên nghề buôn lậu?

Kỳ Phát chầm chậm lắc đầu:

- Không, tôi không để ý đến những chỗ nhỏ mọn ấy, tôi chỉ nhận thấy trong đôi mắt huyền có một vẻ buồn thấm thìa âm u… vẻ buồn ấy ít nhất cũng phải thấm nhuần vào trong tim óc từ lúc còn thơ…

Không để cho Kỳ Phát nói hết, Ngọc đã đứng dậy, đổi giọng cố làm ra vui vẻ mà bảo chúng tôi rằng:

- Chết chửa, tôi đến đây mục đích chỉ để cảm ơn các ông, sau để xin chiếc va ly của nợ hay… duyên nợ thì cũng thế, vậy mà tôi đã ngồi ở đây lâu quá, làm cho các ông phí mất thì giờ…

Chỉ tay vào chiếc va ly vẫn để ở góc phòng, Ngọc hỏi Kỳ Phát:

- Thưa ông, bây giờ tôi có thể lấy chiếc va ly kia về được chứ?

Kỳ Phát gật đầu:

- Vâng, xin cô cứ tùy tiện. Nhưng xin cô làm ơn cho biết chừng bao giờ chúng ta lại sẽ có dịp được gặp nhau?

Ngọc như nghĩ ngợi, rồi gượng cười, nói:

- Ông vốn là một nhà trinh thám, nay đây mai đó thất thường, mà tôi thì là một người buôn lậu, thường phải lẩn lút trốn tránh, cuộc hẹn hò gặp gỡ giữa chúng ta có lẽ ít khi có được. Vậy tốt hơn hết chúng ta đừng có định kỳ tái ngộ, để tránh sự bẽ bàng cho cả hai.

Ngọc nói câu này bằng một giọng buồn rầu quá, làm cho tôi vẫn định chêm vào một câu gắn bó mà không biết mở miệng nói gì. Cả Kỳ Phát cũng vậy, chàng chỉ nhìn Ngọc bằng đôi mắt đăm đăm.

Ngọc đã xách chiếc va ly, để một tay vào quả nắm cửa. Kỳ Phát vẫn nhìn theo không nói.

Nhưng bỗng Phát tiến nhanh, đến cạnh Ngọc. Chàng ghé sát vào mặt nàng, nhìn chăm chú vào cặp mắt, rồi bông hỏi:

- Quái, hôm nay Ngọc có đánh quầng thâm mắt hay sao?

Ngọc ngạc nhiên, lắc đầu:

- Không, tôi không dùng chì đánh quầng mắt bao giờ!

Kỳ Phát hơi cau mày, lẩm bẩm:

- Nếu thế thì lạ thực! Tại sao hôm trước tôi không thấy quầng mắt cô thâm nhiều như thế này?

Nhưng Ngọc đã liếc nhìn đồng hồ rồi vui vẻ nói:

- Chắc là vì hôm nay trời tối nên ông trông ra thế! Hôm nào có dịp gặp nhau, ông để ý nhìn kỹ lại. Hôm nay thì tôi phải về ngay vì đến giờ hẹn rồi, chậm mấy phút nữa sợ nhỡ công việc mất!

Nói tới câu cuối cùng, Ngọc đã đẩy hé được cánh cửa, cúi nhìn ra phía ngoài rồi bước đi rất nhanh.

Tôi ngồi xuống ghế, lấy thuốc lá ra châm hút. Kỳ Phát vẫn đứng yên cạnh chiếc cửa đóng, ra chiều lưỡng lự. Tôi mỉm cười:

- Anh chàng mất hồn rồi hay sao thế?

Kỳ Phát cau mặt nhìn tôi, nhưng không nói gì, chỉ đến bên tường lấy chiếc xe đạp, cúi thử lại đèn, rồi dắt xe mở cửa đi ra không buồn khép cửa lại nữa.



5
MỘT ÔNG CHÚ KỲ DỊ

Tôi đương chập chờn nửa thức nửa ngủ thì thấy động cửa, Kỳ Phát dắt xe đạp ở ngoài bước vào. Thấy tôi, chàng vui vẻ hỏi:

- Anh chưa ngủ kia à?

Tôi trả lời:

- Tôi cũng vừa mới chợp mắt, không thức đợi anh vì không biết là anh đi theo người trong mộng có trở về đây nữa hay không?

Kỳ Phát cười, ngồi xuống ghế:

- Anh giận tôi, chắc chỉ ước muốn cho tôi chết.

Tôi cười:

- Với những kẻ si tình như anh, cái chết chỉ là sự thường!

Rồi tôi lại hỏi:

- Trông điệu bộ anh vui vẻ như thế kia, hẳn anh đã tìm được nhà của người yêu anh và không chừng đã vớ vẩn vào được, uống mấy chén nước rồi mới dẫn xác về đây chứ gì?

Kỳ Phát cười lắc đầu:

- Thôi đi ông, người yêu với người quý gì? Đó chỉ là vì tò mò mà tôi muốn biết chỗ ở của nàng. Vả lại cũng vì lòng tự ái nữa. Ngọc đã tự phụ không để cho ai theo dõi được, thì tôi quyết theo cho bằng được,

Rót nước, uống hết một cốc đầy, Kỳ Phát mới tiếp:

- Chị chàng cũng tinh quái lắm, ở đây ra, đi bộ một quãng, làm cho mình cứ phải cẩn thận dắt xe đạp đi cách xa, không muốn cho nàng biết tôi theo. Thế mà sau khi qua hai phố, đến một chỗ rẽ, nàng đã nhẩy lên một chiếc xe xích lô ở đó từ bao giờ làm cho tôi đi theo ở phía sau vẫn cứ thong thả bước một mà đi cầm chừng… Nếu phải người khác đến đầu phố không thấy bóng nàng đâu, đã phải ngẩn ngơ quay về, nhưng tôi đoán rõ chuyện, tìm dấu vết xe trên đường một lúc rồi nhẩy xe đạp đuổi theo. Sau khi đã bắt gặp rồi, may một điều là nàng có lẽ đã yên trí không còn ai theo nữa nên chỉ thấy ngồi xe kéo một lần nữa là về thẳng nhà.

Tôi ngắt lời hỏi:

- Thế nhà Ngọc ở đâu?

Kỳ Phát trả lời:

- Ở mãi trên Thụy. Ngọc cũng đã khéo tìm được cái trại ấy, trông khang trang lắm, lại kín đáo nữa…

Tôi cười hỏi tiếp:

- Biết chỗ nàng ở rồi sao anh không dựa xe đạp vào gốc cây, ngồi trên bãi cỏ, nhìn ngóng lên phía cửa sổ phòng nàng, dưới bóng trăng suông trong làn sương đêm, cạnh tiếng dế rì rào và… đợi cho đến sáng, đúng như những cử chỉ của mấy anh chàng đại si tình trong truyện cổ.

Kỳ Phát cười, vỗ mạnh vào vai tôi:

- Anh khéo đặt điều chế giễu tôi lắm. Tôi đâu có phải là si ngốc! Tôi đã chẳng nói cho anh biết rằng tôi theo đuổi nàng chỉ là vì tò mò!

Tôi cười ngất:

- Phải, cũng vì tò mò mà anh mới nhận thấy được quầng mắt Ngọc thâm hơn trước!

Kỳ Phát nhìn tôi rồi hỏi:

- Anh nói thế là thế nào?

Tôi mỉm cười, trả lời:

- Tôi nói thế là có ý khen anh cũng khéo bịa ra chuyện để giữ nàng ở lại đây lâu thêm ít nữa. Nhưng “kẻ cắp bà già gặp nhau”, anh không vừa thì ả cũng không vừa, biết ngay cái ngón của anh chàng, nàng gạt phắt ngay đi và ra về!

Kỳ Phát nắm chặt lấy vai tôi, hỏi:

- Anh quả tin như thế thực à?

Tôi gật đầu:

- Tôi tin như thế mà Ngọc cũng tin như thế!

Kỳ Phát thở dài, ngồi xuống:

- Cứ xét một việc nhỏ như việc này, mới biết dư luận người đời làm khổ cho bao kẻ oan uổng. Khi người ta đã yên trí cái gì thì ngay cũng bẻ thành cong là thế!

Đến lượt tôi ngạc nhiên, hỏi lại:

- Vậy ra anh quả nhận thấy quầng mắt Ngọc có sự lạ chăng?

Kỳ Phát nghiêm giọng, bảo tôi rằng:

- Nếu anh biết rõ được hết những điều tôi lo lắng nghĩ ngợi bấy giờ thì anh hẳn chẳng còn vui vẻ chế giễu tôi nữa. Anh có còn nhớ một hồi trước đây tôi đóng cửa “tạ khách” luôn mấy tháng để khảo cứu về các thứ thuốc độc ở xứ ta không?

Tôi gật đầu:

- Có, khi ấy thấy anh mê mải vừa pha phách thí nghiệm vừa đi tìm tòi đến cả các thứ lá và rễ độc hiếm thấy tại các miền thượng du, hiểm hóc, tôi có hỏi thì anh bảo rằng: làm cái nghề trinh thám, thường vẫn gặp những vụ án mạng dùng thuốc độc. Vậy mình cần phải biết rõ các thứ này, nhận xét hình thể và tính chất của mỗi thứ để đến khi cần đến có thể gọi được tên nó ra ngay. Nhờ đó mà chúng ta dễ tìm ra được manh mối vụ án.

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát tiếp:

- Và đề phòng cả những kẻ thù của mình đầu độc, tôi đã cẩn thận nếm dần cả mọi thứ thuốc độc, khởi đầu bằng một số phân lạng rất ít, để cho không hại cơ thể, sau dần tăng mãi lên. Theo thuyết của nhiều nhà chuyên môn về các chất độc thì cứ tập như thế trong một thời kỳ, về sau có nhỡ ăn phải thứ độc, cũng vẫn còn có thể cứu chữa được. Tôi còn nhớ trong khi dùng thử một thứ cỏ độc trong vùng Yên Bái, gọi là cỏ “mang hoa”, tôi có nhận thấy rằng quầng mắt mình tự nhiên thâm sẫm hẳn lại, nghĩa là giống hệt như quầng mắt của Ngọc…

Nghe Kỳ Phát nói mà tôi tự nhiên thấy lo sợ, hỏi lại rằng:

- Anh nói thế tức là chúng ta có thể ngờ rằng Ngọc bị người đầu độc?

Kỳ Phát gật đầu:

- Phải, nàng bị đầu độc hoặc bằng chính thứ cỏ “mang hoa” hoặc bằng một thứ nào khác, tính chất cũng giông giống như thế!

Nghĩ ngợi một lát, tôi hỏi Kỳ Phát:

- Bây giờ chúng ta làm thế nào?

Kỳ Phát thở dài:

- Còn biết làm thế nào nữa, khi người ta vẫn yên trí rằng tôi là một kẻ si tình, chỉ vờ làm ra chuyện để lưu giữ đôi mắt huyền!

Tôi quả quyết nắm lấy tay Kỳ Phát bảo:

- Không, không thể thế được, khi chúng ta đã biết thì không thể để Ngọc bị đầu độc một cách điềm nhiên như thế được! Biết đâu, ngay đêm nay, nàng chẳng bị uống thêm một liều độc dược nữa và sáng mai…

Không để tôi nói hết câu, như một người bị điện giật, Kỳ Phát đứng phắt dậy:

- Anh nói rất có lý, chúng ta không thể ngồi yên được!

Tôi bàn:

- Hay là chúng ta thử đi vòng lên chỗ nàng ở một lượt xem sao?

Kỳ Phát nghĩ ngợi giây lâu rồi nói:

- Thì cũng chỉ có một cách ấy, mặc dầu sau đó, chúng ta sẽ làm gì, tôi cũng không biết nữa. Nhưng có đi thế thì rồi may ra chúng ta mới có thể ngủ yên được đêm nay!

Một lát sau, chúng tôi đã đến khu chợ Bưởi. Bảo xe đỗ xuống, chúng tôi trả tiền rồi thong thả đi bộ lên một quãng. Liếc nhìn những dãy nhà hai bên đường thấy đều cửa đóng kín mít, Kỳ Phát bảo tôi rằng:

- Lang thang đi chơi trong một khu vắng vẻ, giữa lúc đêm khuya như thế này, tôi chắc chỉ có hai ta mà thôi!

Tôi cười:

- Và có khách đi chơi đêm nào về hẳn cũng phải đoán chúng ta tất phải là những nhà thi sĩ đi tìm vần thơ…

Kỳ Phát cũng cười, tiếp:

- Hay là những kẻ si tình đi theo đuổi một cái bóng yêu đương thì cũng thế!

Tôi vỗ vai Kỳ Phát:

- Anh hôm nay nói giọng văn chương quá, tôi nghi rằng những lời nói đó quả thực thốt tự trái tim…

Nhưng Kỳ Phát bỗng kéo tay tôi dừng lại. Rồi chàng chỉ về phía trước, bảo tôi:

- Anh có thấy bụi cây râm bụt kia không? Cách đó một gian nhà lá là đến cổng trại nhà Ngọc. Nhưng từ chỗ đầu cổng, còn phải đi một quãng, rẽ ngoặt hai lượt rồi mới tới được cửa vườn trong…

Tôi nói:

- Nếu thế thì chúng ta cũng cứ đi đến cổng đã, chứ đứng đây làm gì!

Kỳ Phát vẫn nắm chặt tay tôi, bảo:

- Đến thế nào được, thế anh không thấy chỗ tối kia có bóng hai người đương đứng như rình mò cái gì ư?

Nhìn theo chỗ Kỳ Phát nói, tôi mới thấy quả thực có hai người, một người mặc quần áo ta cộc, một người mặc quần áo tây. Họ đứng sát vào nhau, hình như đương bàn bạc chuyện trò gì, nhưng luôn luôn để ý nhìn vào phía trong trại nhà Ngọc.

Tôi hỏi nhỏ Kỳ Phát:

- Anh có biết họ là ai không?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Tôi làm gì mà biết được, nhưng xem chừng họ đối với nhà Ngọc hẳn cũng không có ý tốt chỉ đâu!

Tôi lại hỏi:

- Vậy bây giờ chúng ta nên làm gì?

Kỳ Phát vẫn không bỏ qua một cử động nào của hai người kia, lắc đầu bảo:

- Chúng ta không làm gì hết, hãy cứ đứng đây đợi xem cách họ hành động thế nào đã. Nhưng cứ xem chừng thì hình như họ đương chờ cho mọi người trong nhà thực ngủ say để vào hành động.

Kỳ Phát nói tới đây thì ở đằng xa, hai bóng người đã tạt qua đường, lẩn vào trong ngõ trại nhà Ngọc. Không chậm một phút, tôi và Kỳ Phát cũng tiến lên và một lát sau đã tới chỗ hai bóng người bí mật vừa đứng. Chúng tôi đều cẩn thận đi sát hẳn vào cạnh những bụi cây bên đường để cho dù hai người kia có để ý quay lại phía sau dò xét cũng không thể trông thấy chúng tôi được!

Lúc này, bốn phía đều yên lặng. Trên đường cái, không một người nào qua lại. Trong những ngõ hẻm hoặc những đường gạch vào làng, một vài con chó nhà nào gầm gừ chứ không hề cắn lên tiếng. Tôi hỏi Kỳ Phát:

- Chúng ta cũng vào trong trại chứ?

Thấy Kỳ Phát vẫn yên lặng, tôi lại bàn:

- Hay là chúng ta cứ đứng đây, lên tiếng gọi, hai tên kia tất sợ trong nhà thức dậy, chạy bổ ra là chúng ta bắt!

Kỳ Phát lắc đầu, không trả lời, chỉ ra hiệu cho tôi đừng nói gì nữa. Và mắt chàng cứ chăm chú nhìn vào phía trong trại. Hai phút sau, Kỳ Phát khẽ nắm lấy tay tôi bảo nhỏ:

- Trong trại có người thức dậy rồi!

Quả nhiên, tiếp lời Kỳ Phát có một tiếng cửa sổ mở mạnh. Rồi có tiếng kêu gọi tíu tít và tiếng người chạy rồn rập. Kỳ Phát bảo tôi:

- Chúng ta phải bắt cho kỳ được hai người kia đấy!

Tôi gật đầu và khi thấy thoáng có bóng một người chạy vọt ra ngoài thì tôi xông đến đón đường ngay. Trong khi ấy, Kỳ Phát cũng nhẩy ra chẹn bắt một người thứ hai vừa chạy ra. Người tôi đuổi bắt nhanh nhẹn lắm. Thấy có người chẹn, hắn chạy quay trở lại, ngược lên phía trên, nhưng tôi nhất quyết không bỏ, rảo cẳng theo gấp. Khi thấy hắn như có ý lẩn vào một bụi rậm, tôi lại càng cố dấn bước, không ngờ rằng đợi cho tôi tới gần bụi, hắn mới lùi ngược ngay lại làm cho tôi vô tình, quá đà, đâm chúi vào trong bụi. Tôi vướng cành lá bị ngã một cái rất mạnh, đến khi lớp ngóp trở dậy được thì kẻ tôi đuổi bắt đã lẩn trốn đi đâu mất rồi.

Dầu vậy tôi cũng cố gượng đau, sung sướng chạy lại phía Kỳ Phát. Lúc này anh chàng đã ôm được kẻ gian, đương vật lộn với hắn. Nhờ có tài nhanh nhẹn, tuy tôi chưa lại giúp sức kịp, Kỳ Phát cũng đã vật ngã được kẻ gian, trong trại có nhiều tiếng người kêu gọi nhau và ánh đèn soi khắp chỗ này chỗ khác.

Một lát sau chúng tôi đã thấy Thanh Ngọc đi đầu, tay cầm đèn điện bấm, theo sau có hai tên người nhà cũng mang đèn, lại thêm mỗi người một chiếc gậy.

Tôi vui mừng gọi:

- Cô soi đèn lại đằng này, anh Phát đã bắt được một tên rồi!

Nhận ra chúng tôi, Ngọc đến ngay, nhưng nàng vừa mới soi đèn rõ mặt kẻ gian đã vội kêu to:

- Kìa, chú Hai Lịch!

Và Ngọc mỉm cười, quay lại phía Kỳ Phát, bảo:

- Thôi ông bắt lầm rồi, đây là ông chú tôi!

Tôi và Kỳ Phát đương vừa ngượng ngùng, vừa buồn cười, không biết nói năng làm sao, thì cái “ông chú” kỳ dị ấy đã lồm cồm đứng dậy, ngơ ngác nhìn quanh rồi toét mồm cười, nghêu ngao hát:

“Chết thời chẳng chết cho yên,
Hết đời cũng được ba vuông bẩy tròn!”



6
GIA ĐÌNH HỌ TẠ

Như ngượng với chúng tôi, Ngọc đập tay vào vai con người kỳ dị ấy, rồi dịu dàng trách:

- Kìa, chú Hai, sao lại thế!

Nhưng không hề để ý đến lời Ngọc nói và cũng chẳng thèm nhìn đến chúng tôi nữa, Hai Lịch chỉ nhe răng cười và luôn miệng nhắc đi nhắc lại hai câu lục bát có niêm mà không có vần kia.

Ngọc còn đương luống cuống chưa biết xử trí ra sao thì đã thấy trong trại đi ra hai người. Đi trước là một người đàn bà già, tuổi chừng năm mươi, dáng điệu trông còn cứng cáp lắm, nhưng gương mặt lộ ra một đời đã lo âu nhiều quá. Người đi sau là một con sen, tay cầm một chiếc đèn bão soi đường. Chưa biết đích bà già đó là ai thì Kỳ Phát đã thấy Thanh Ngọc nho nhỏ nói:

- Mẹ tôi!

Bà già sau một giây nhìn thoáng chúng tôi, quay lại phía con gái như muốn hỏi là ai. Thanh Ngọc biết ý, vội nói:

- Hai ông đây là bạn của con. Lúc nẫy có hai kẻ gian vào nhà ta, hai ông tình cờ đi qua nghe tiếng kêu, xông vào bắt hộ, không ngờ lại bắt nhầm phải chú Hai.

Nghe có người nhắc đến tên mình, Hai Lịch ngẩng lên cười, rồi lại nghêu ngao hát:

Chết thời chẳng chết cho yên,
Hết đời cũng được ba vuông bẩy tròn!

Chúng tôi chắp tay cung kính chào bà cụ. Kỳ Phát thưa:

- Bẩm cụ chúng cháu vì trong lúc đêm tối bất ngờ, bắt nhầm phải ông Hai, thực là có lỗi…

Bà cụ cũng đáp lễ rồi gạt đi:

- Hai ông chủ tâm định giúp chúng tôi, đêm tối bắt lầm là sự thường, có hề gì đâu…

Thanh Ngọc như không muốn cho mẹ nói thêm gì nhiều, vội vàng ngắt lời bảo:

- Thưa mẹ, hai tên gian bỏ chạy cả rồi… Chúng không lấy được gì hết, vậy xin mẹ cứ yên tâm vào nghỉ kẻo đứng đây sương xuống mẹ lại cảm thôi!

Bà cụ gật đầu, chào chúng tôi, rồi kéo Hai Lịch mà bảo:

- Thôi đi chứ, có vào nhà mà đi ngủ không, hay định hát nhảm suốt sáng đấy!

Miệng nói thế, hai mắt bà cụ nhìn chằm chặp vào đôi mắt Hai Lịch làm cho hắn lộ vẻ sợ hãi cúi đầu, rồi không dám nói năng gì nữa, ngoan ngoãn theo bà cụ đi vào trong nhà!

Thanh Ngọc nhìn theo hai người rồi như muốn đỡ ngượng, nàng cười mà bảo chúng tôi rằng:

- Ông ấy chính là chú ruột tôi, trước vốn là một người rất thông minh hoạt bát, chẳng hiểu duyên cớ vì đâu mà đã sáu năm nay bỗng nhiên sinh ra dở điên, dở cuồng như vậy!

Rồi Ngọc lại tiếp:

- Chắc hai ông tình cờ có việc gì đi qua đây hẳn, chứ không thì khu hoang vắng này, ai phải vạ mà đi chơi ở đây!

Kỳ Phát biết Ngọc có ý trách mình tò mò dò xét những hành động của nàng, nhưng lúc này dù có muốn chối cãi cũng không được nữa. Kỳ Phát phải thú thực rằng:

- Kể ra thì chúng tôi rất có lỗi với cô nhưng cô hẳn cũng chẳng lạ gì những người quen dò xét điều tra, thấy bất cứ việc gì hơi là lạ cũng nẩy ý tò mò ngay… Riêng đối với cô, khi nghe thấy cô bảo không ai có thể theo biết chỗ ở của cô được nên chạm lòng tự ái, đã nhất quyết tìm ra…

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát mỉm cười mà nói tiếp:

- Nhưng chúng tôi thực cũng phải khó nhọc lắm mới đạt được ý muốn. Hai anh em lần mò mãi, cuối cùng tìm được đến đây thì trời đã khuya.

Biết ý Kỳ Phát, tôi tiếp:

- Chúng tôi tìm được đến nhà, vừa toan trở về thì bỗng thấy có bóng hai người lảng vảng hình như muốn vào trong trại ăn cắp ăn trộm cái gì…

Kỳ Phát cũng nói:

- Lúc ấy, chúng tôi thật khó xử, vì thấy kẻ gian đã vào rồi, trong nhà có tiếng người sực thức, nếu chúng tôi làm ngơ thì thực chẳng đành tâm, mà xông bắt thì nhỡ không bắt được có phải là không khéo lại bị chính cô nghi oan cho chúng tôi…

Thanh Ngọc cười, lắc đầu:

- Điều đó thì ông không ngại, vì lúc đó không hiểu tại sao, chú Hai Lịch tôi biết có kẻ gian vào nhà, vừa kêu thét lên thì tôi choàng thức dậy ngay. Với tay lấy chiếc đèn bấm, tôi khoác vội chiếc áo ngoài chiếu đèn xuống vườn, còn trông thấy rõ ràng có hai bóng người chạy, một vận áo tây mầu xám và một vận quần áo ta, cộc trắng…

Kỳ Phát cười:

- Nếu thế thì thực chúng tôi không còn sợ bị nghi ngờ oan nữa. Chúng tôi đều mặc quần áo tây trắng.

Thanh Ngọc như có ý nghĩ ngợi, giây lát bảo chúng tôi:

- Nhân thể các ông đã qua đây, xin mời vào trong nhà xơi chén nước đã!

Tôi vội vàng từ chối:

- Thôi, xin cô tha phép cho chúng tôi, vì bây giờ cũng khuya rồi, có dịp, ngày mai chúng tôi lại sẽ xin lên, nhân tiện để xin lỗi cụ bà…

Nhưng Ngọc đã nhìn thẳng vào Kỳ Phát mà nói:

- Các ông vẫn thường quen đi dò tìm, tra xét, hẳn không sợ gì trời khuya mất, vậy xin các ông hãy vào chơi trong nhà chốc lát, nhân thể để tôi bảo người nhà lau giầy và chải áo giúp các ông, chứ không quần áo lấm láp bụi bậm thế kia, đi về các phố đèn sáng trông sao tiện…

Kỳ Phát đã nhận thấy Thanh Ngọc nhìn mình bằng một con mắt khác thường, lộ vẻ van nài kín đáo nên đành ưng lời cùng Thanh Ngọc đi vào trong trại.

Có vào, chúng tôi mới càng thấy trại của nhà Thanh Ngọc thực là khang trang, ngăn nắp, có nhà để xe hơi, có sân gạch rộng, chỗ trồng hoa, chỗ trồng rau, lại có một khu vườn rộng trồng toàn cây có quả.

Tên người nhà đã bật đèn phòng khách, rót nước mời chúng tôi, rồi lĩnh giầy, áo xuống nhà ngang lau chải. Cánh cửa phòng đã khép lại rồi, Thanh Ngọc mới nhìn chúng tôi mà nói:

- Tôi muốn mời hai ông vào đây, nhân thể để nói với hai ông một việc mà hiện thời lòng tôi đương nghi hoặc vô cùng… Buổi tối ông Kỳ Phát có nói rằng không hiểu vì sao quầng mắt tôi hình như thâm hơn trước. Tôi xin thú thực rằng ngay lúc đó, tôi cứ yên trí ông Kỳ Phát nói vậy chẳng qua có ý muốn giữ tôi lại nói chuyện thêm giây lát mà thôi, nhưng không ngờ đến lúc về nhà tình cờ tôi soi gương, quả nhiên có thấy quầng mắt thâm hơn thực…

Ngừng một lát, Thanh Ngọc tiếp:

- Tôi rất hối lúc trước đã gạt câu chuyện đi, không nghe ông nói hết. Nhưng may sao, đêm nay lại được gặp các ông lần nữa.

Kỳ Phát ngắt lời, hỏi:

- Tôi đoán chắc cô còn thấy có điều gì lạ khác nữa?

Thanh Ngọc gật đầu:

- Vâng quả có thế! Tôi nghi hoặc, cố nhớ lại những việc đã xẩy ra thì thấy hai ngày hôm nay, tôi luôn luôn mấy lần thấy đầu choáng mắt hoa, mà ngày thường tôi không hề bị thế. Tôi nghĩ có lẽ vì mấy hôm đi xe, đi tầu, bị cảm liễn nắng gió sinh ra như thế, nhưng khi thấy ông để ý đến quầng mắt, tôi mới ngõ rằng hai việc này có liên can đến nhau.

Thấy Kỳ Phát vẫn lặng yên nghe mình nói, Thanh Ngọc lại tiếp:

- Mà ngay vừa rồi lại sinh ra việc có kẻ gian nhòm ngó, tôi sợ rằng cũng là một việc có dính líu đến hai việc trên đây!

Kỳ Phát gật đầu, nói:

- Cô đoán như vậy thực hợp lý, tôi cũng nghĩ như vậy.

Thanh Ngọc lại nói:

- Trước đây, tôi có xem mấy cuốn sách về y học, tôi có thấy nói rằng xây xẩm mặt mày, quầng mắt thâm đen, có thể là triệu chứng của sự ngộ độc, chẳng hay có phải là trường hợp của tôi không?

Kỳ Phát gật đầu, trả lời:

- Tôi cũng đã để ý đến chỗ ấy, nhưng cũng chưa lấy gì làm chắc lắm. Có một điều cô nên thử nhớ lại xem trong mấy bữa ăn uống vừa rồi, hoặc ở nhà, hoặc ở các tiệm, cô có dùng phải thứ gì độc hay không?

Thanh Ngọc cau mày suy nghĩ một lát rồi lắc đầu nói:

- Tôi vốn tính rất giản dị, trong việc ăn uống cũng vậy, nhất là khi đi ra ngoài, thường chỉ dùng một chiếc bánh mỳ, mấy xu giò chả hoặc quả trứng luộc cũng là xong bữa, nhiều khi ít thì giờ thì nhịn đói qua một vài bữa cũng không sao… Tôi còn nhớ rõ ràng, trong mấy ngày trước đây tôi không hề ăn qua một thứ gì có thể ngờ là độc được!

Nhưng Ngọc bỗng đập tay xuống bàn mà nói rằng:

- Thôi, có lẽ phải rồi!

Nhưng trước khi nói, Ngọc còn cẩn thận ra mở hé cửa, thử nhìn xem có ai nghe ngóng gì không, rồi mới hạ thấp giọng mà nói:

- Bây giờ tôi nhớ ra, buổi sáng sớm hôm nay theo lệ thường tôi trở dậy súc miệng đánh răng xong thì uống tách cà phê người nhà đã quen lệ pha sẵn. Nhưng tách cà phê sáng nay hơi đắng hơn mọi ngày. Bây giờ tôi càng cố nhớ lại càng thấy hình như có mùi vị hăng hắc thì phải!

Quay nhìn Kỳ Phát, Ngọc hỏi tiếp:

- Như vậy, có lẽ tôi đã bị người đầu độc rồi chăng?

Tôi gật đầu:

- Có lẽ thế thực, nhưng cô không hề gì, chỉ là vì hung phạm cho chất độc không đủ mạnh!

Kỳ Phát hỏi lại:

- Đó chỉ là những giả thuyết, chưa có gì là bằng cứ cả. Theo ý tôi thì trước hết, cô cần phải nghĩ xem có kẻ nào thù muốn hại tính mệnh cô không đã?

Thanh Ngọc ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Theo đuổi một nghề nguy hiểm như tôi, rất có thể gây ra nhiều kẻ thù oán. Nhưng riêng về phần tôi thì thực không biết rõ ai là kẻ tử thù!

Tôi bàn:

- Bây giờ trước hết hãy tìm một chỗ làm đầu mối. Như ý tôi thì ta hãy để ý ngay đến kẻ nào pha tách cà phê hôm qua cho cô Ngọc đã!

Ngọc nói:

- Người vẫn chuyên pha cà phê cho tôi là vú già. Vú này nuôi tôi từ lúc mẹ tôi cai sữa cho tôi thuở bé. Đã nhiều lần vú ấy tỏ ra rằng lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cho tôi. Vả lại, vú ấy chồng đã chết, lại không có con nên trong thâm tâm, tôi tưởng chừng như vú ấy cũng thương và yêu tôi như con vú ấy đẻ ra vậy.

Kỳ Phát gật đầu:

- Những vú già trung thành như vậy, tôi đã từng biết. Như thế ta có thể liệt vú vào hạng người không nghi ngờ trong nhà này.

Tôi quay hỏi Kỳ Phát:

- Tôi chắc ý anh lại muốn dùng cái phương pháp loại trừ để tìm dần ra thủ phạm đã bỏ chất độc vào tách cà phê của cô Ngọc chứ gì?

Kỳ Phát gật đầu:

- Tôi quả thật có ý ấy. Bây giờ xin cô cho chúng tôi biết tất cả những người ở trong nhà này.

Thạnh Ngọc nói:

- Riêng về gia đình tôi thì hiện chỉ có ba người. Mẹ tôi, chú tôi và tôi. Còn gia nhân thì tất cả có năm: hai người đàn bà là vú già và con sen, cùng ba người đàn ông thì hai người đi cùng tôi lúc nẫy, một làm vườn và một kéo xe ở cả luôn đây. Còn một người nữa làm bếp, nhưng cứ bẩy giờ tối thì hắn về nhà riêng của hắn.

Kỳ Phát hỏi:

- Trong số năm tên gia nhân, vú già trừ đi không kể rồi, cô có ý nghi ngờ kẻ nào có manh tâm không?

Thanh Ngọc lắc đầu:

- Bọn này tuy tôi không dám tin chắc hẳn nhưng họ cũng thẩy đều ở nhà tôi khá lâu, kẻ ít nhất cũng đã gần được hai năm. Xem chừng không có lý gì mà họ lại muốn hại tôi…

Tôi nói:

- Cô nên nhớ rằng kẻ thù cô có thể dùng tiền mà sai khiến họ dễ dàng…

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh nói điều ấy không hẳn là vô lý nhưng ta sẽ xét đến sau… Vậy sáng mai đây, tôi muốn phiền cô Thanh Ngọc hãy để ý dò hỏi người vú già xem lúc vú ấy pha cà phê thì có bỏ đi đâu không, nếu có thì liệu trong khi ấy có kẻ nào có thể lén bỏ chất độc vào trong tách. Một điều cô nên để ý là khi hỏi phải cẩn thận, đừng cho vú già biết rằng trong nhà này đã xẩy ra một việc đầu độc!

Ngừng một lát Kỳ Phát hỏi Thanh Ngọc:

- Trước khi chúng tôi ra về, nếu cô không trách chúng tôi quá tò mò thì xin cô làm ơn cho biết thêm đôi điều về gia đình của cô…

Thanh Ngọc cười, bảo:

- Ông muốn biết điều gì, cứ hỏi, tôi xin trả lời không giấu giếm, có đời nào con bệnh giấu bệnh tình của mình mà ông lang lại có thể chữa khỏi được. Ông đã giúp tôi tra xét, sau này lẽ tất nhiên có quyền được tò mò. Nhưng gia đình tôi vẻn vẹn có ba người, sống một cách bình thường, cũng không có gì đáng kể.

Thấy Kỳ Phát như ngần ngại muốn nói lại thôi, Ngọc tiếp:

- Tốt hơn hết có lẽ là ông cứ hỏi tôi từng câu, tôi sẽ trả lời và xin hứa rằng trả lời rất thực để công việc tra xét của ông được dễ dàng!

Kỳ Phát gật đầu, rút cuốn sổ tay trong túi ra, rồi nói:

- Nếu thế thì còn gì hay hơn nữa. Trước hết, xin cô cho biết nhà ta, ngoài số tiền cô kiếm ra từ nghề buôn lậu, cô còn những món tiền nào khác nữa không?

Thanh Ngọc nói:

- Không, vì ông hẳn cũng rõ, mẹ tôi đã già yếu mà chú Hai Lịch tôi thì lại dở người, mọi sự chỉ tiêu trong nhà đều phải trông vào việc buôn bán của tôi cả. Nhà tôi cũng không có gì gọi là giầu có, trước đây, khi cha tôi vừa mới nằm xuống thì còn lại kha khá tiền dành dụm, nhưng càng về sau, số tiền ấy càng tiêu hụt đi, hiện nay thì chỉ có thể gọi là đủ chỉ dùng mà thôi!

Kỳ Phát hỏi:

- Ông thân sinh ra cô mất vào lúc cô bao nhiêu tuổi?

Ngọc trả lời:

- Cha tôi mất lúc tôi mười hai tuổi, nghĩa là cách đây đúng sáu năm. Tôi còn nhớ hôm ấy là ngày rằm tháng năm, tôi đương cùng mấy người bạn chơi trăng trên bãi bể Sầm Sơn, vì thường lệ mùa hè, cha tôi vẫn gửi tôi ở nhà một người bạn quen ngoài đó, thì nhận được dây thép của nhà bảo về ngay.

Kỳ Phát ngắt lời hỏi:

- Tôi đoán chắc trước đó, cô không hề thấy nói cha cô ốm yếu gì?

Thanh Ngọc gật đầu:

- Vâng, khi tôi từ Hà Nội ra Sầm Sơn, cha tôi vẫn khỏe mạnh như thường.

Ngừng một lát, nàng tiếp:

- Kể nói như thế cũng không đúng hẳn vì đã lâu, cha tôi bị mắc chứng dở người, cũng gần giống chú Hai Lịch tôi hiện giờ!

Kỳ Phát như chú ý đến đoạn này lắm, chàng ghi chép nhiều dòng vào trong cuốn sổ tay, rồi lại hỏi:

- Cái bệnh… dở người ấy, lúc nào cũng đều đều như bệnh ông Hai bây giờ hay có khi thăng, khi giảm?

Thanh Ngọc nói:

- Đã năm, sáu năm, bệnh cha tôi không thay đổi, nghĩa là vẫn khỏe, ăn ngủ điều hòa nhưng người ngẩn ngơ mất trí sáng suốt, nói năng không ra đâu vào đâu, có khi lại ngồi hàng ba, bốn ngày không hề mở miệng! Nhưng hình như độ tôi sắp đi Sầm Sơn thì bệnh cha tôi có tăng lên chút ít, có mấy đêm gầm thét như sợ hãi cái gì và chừng vài ba lần xé quần áo và đập phá đồ đạc!

Ngừng lại một lát, Thanh Ngọc nói:

- Tôi khi ấy còn bé, không biết, sau này nghe vú già kể lại mới biết rằng trước đó, cha tôi và chú Hai đều đi buôn nghề này, kiếm được khá nhiều tiền, nhưng từ khi cha tôi mang bệnh thì chỉ còn chú tôi buôn thôi, số tiền kiếm được vì thế mà không được như trước. Cha tôi mất đi được ba, bốn tháng thì chú tôi cũng bắt đầu thấy dở chứng bệnh gần giống như cha tôi trước, khởi đầu chỉ buồn bã, ít nói, sau sinh ra mê sảng ban đêm và chừng một năm thì hoàn toàn là người mất trí! Số tiền chỉ dùng trong nhà từ đó đành phải trông cậy vào mẹ tôi, cũng bắt đầu đi làm cái nghề nguy hiểm kia.

Kỳ Phát ngắt lời, hỏi:

- Cô vào nghề đã bao lâu rồi?

Thanh Ngọc trả lời:

- Mới được hai năm nay thôi, vì mẹ tôi mỗi tuổi một già, nghề buôn lậu thì lại rất là vất vả và nguy hiểm. Nghĩ thương mẹ, vả tôi cũng đã lớn, nên tôi nhất định đi tập buôn mấy chuyến, mặc dầu mẹ tôi hết sức ngăn cản. Nhờ trời có được mấy kẻ gia nhân trung thành thạo việc, tôi đi và can đảm lên, mẹ tôi mới yên dạ mà cho tôi đi những chuyến hàng lớn.

Kỳ Phát liếc nhìn đồng hồ rồi nói:

- Thôi, khuya lắm rồi, xin cô cho phép chúng tôi về. Rồi mai hay ngày kia, tôi có dịp hãy lên thăm. Xin cô chuyển giúp lời chào cụ và ông Hai.

Thanh Ngọc cùng một tên người nhà cầm đèn theo tiễn chúng tôi ra tận ngoài đường cái. Trước khi chia tay, Kỳ Phát còn bảo riêng Thanh Ngọc rằng:

- Tôi sẽ xin hết sức chú ý đến việc này, riêng về phần cô từ nay cũng nên đề phòng cẩn thận mọi sự xẩy ra mới được. Điều quan hệ nhất là việc người mưu hại đầu độc, cô chớ có kể ra cho một ai biết cả, dù người thân nhất như bà cụ cũng không. Có thế thì công cuộc tra xét của tôi mới có thể dễ dàng được!



7
BÀN TAY ĐEO GĂNG ĐEN

Kỳ Phát đi đâu đã hai ngày hôm nay rồi, tôi chắc chàng đi dò theo một vài manh mối đã tìm ra trong vụ đầu độc kể trên đây. Tôi lại đoán có lẽ chàng đi tỉnh xa, hoặc đến những nơi rừng thiêng nước độc nào vì khi xếp hành lý, tôi thấy Kỳ Phát cẩn thận mang theo cả chiếc màn gọng và ống thuốc ký ninh.

Trước khi đi, anh có dặn lại tôi rằng:

- Tôi đi ít nhất cũng phải vài ba ngày mới về. Cứ theo chỗ tôi đoán thì chắc từ nay đến đó, Thanh Ngọc chưa hề xẩy ra việc gì nguy hiểm…

Tôi nói:

- Nhưng muốn cẩn thận, anh nên để địa chỉ của anh lại đây để phòng khi xẩy ra sự gì bất trắc thì tôi sẽ đánh dây thép cho anh!

Nhưng Kỳ Phát lắc đầu bảo tôi rằng:

- Nếu có những địa chỉ nhất định thì lẽ tất nhiên phải làm theo cách anh nói, nhưng lần này đi tôi không có chỗ ở nhất định nào. Nhưng anh cứ yên lòng, tôi đoán chắc không xẩy ra sự gì nguy cấp đâu!

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ lâu lâu rồi nói:

- Tôi dặn phòng xa anh rằng nếu Thanh Ngọc thấy xẩy ra sự gì lạ xét ra có thể nguy hiểm đến nàng thì anh khuyên nàng hãy vờ lấy lý do đi đâu đó, rồi đến biệt hẳn một nơi, đừng cho ai biết cả. Nếu không ngại tị hiềm Ngọc có thể ở lại đây vài ngày càng tốt, vì chỗ này hẳn kẻ thù của nàng chưa biết đến, lại thêm có anh nữa khả dĩ có thể bảo vệ được nàng khi cần đến!

Tôi gật đầu:

- Điều ấy thì tôi không dám từ chối, nhưng anh đi đâu cũng nên liệu về ngay vì tôi e sức tôi không đủ che chở cho Thanh Ngọc được. Thà rằng chúng ta biết rõ ngay kẻ thù của nàng là ai, đằng này kẻ thù lúc nào cũng lẩn lút ở trong bóng tối, như vậy chúng ta thực khó mà đề phòng vậy.

Hai ngày đã qua. Mặc dầu chàng đã dặn trước ít nhất vài ba ngày chàng mới về, thì ngày hôm nay tôi đã thấy sốt ruột lắm rồi!

Tuy cố ngồi làm việc cho quên hết những mối lo lắng không đâu, nhưng luôn luôn hình ảnh đôi mắt huyền, người chú rồ dại vẫn hiện ra trước mắt trong khi câu hát nửa như vô nghĩa, nửa như bí hiểm kia vẫn văng vẳng bên tai tôi!

Năm giờ chiều, tôi đi ăn rồi lững thững ra ga. Cũng chẳng biết giờ này có những chuyến tầu ở đâu về nhưng tôi cứ đón thử, chẳng qua để cho hết thời giờ và làm yên những mối lo lắng không đâu. Chuyến tầu Nam đã lên, chuyến tầu Phòng đã tới, hai lần tôi đều ngong ngóng đợi, đợi thấy mặt Kỳ Phát hay đợi cái may mắn tự nhiên thì cũng thể!

Nhưng cuối cùng tôi cũng đành trở về lủi thủi một mình. Vừa mở rộng cánh cửa phòng, tôi đã giật mình vì ngay dưới đất có một mảnh giấy gập, ai đã lùa vào từ bao giờ! Nhặt giấy mở ra đọc, tôi chỉ thấy có ba dòng chữ viết nguệch ngoạc bằng bút chì: “Ông Kỳ Phát, những điều ông đoán quả thực không sai. Tôi đã thấy chứng cớ hiển nhiên định lại báo tin ngay để ông biết nhưng không gặp. Vậy tối hôm nay, đúng 7 giờ, tôi sẽ đến, ông đợi tôi!”

Dưới không ký tên gì cả, nhưng không phải Thanh Ngọc viết thì còn ai vào đây nữa. Tôi cầm tờ giấy đọc đi đọc lại mấy lần và càng đọc thì trong lòng càng thấy hoang mang quá! Thực vậy, Kỳ Phát bỏ đi, không cho tôi biết chỗ tìm chàng, lại giao phó cho tôi việc bảo vệ Thanh Ngọc, nay việc lạ đã xẩy ra, tôi thực lúng túng chẳng còn biết dùng cách nào mà đối phó cả. Tôi lại oán hận cả Kỳ Phát nữa vì chàng chắc hẳn đã biết ít nhiều manh mối về vụ này, vậy mà chàng cũng không hề nói cho tôi biết, như vậy thì có khác nào đưa kẻ mù đến một con đường lạ, dặn cứ việc đi nhưng không đưa cho gậy!

Nhưng may quá, mới sáu giờ rưỡi, tôi đã thấy Kỳ Phát đẩy cửa bước vào. Lộ vẻ hân hoan, chàng xoa tay bảo:

- Tôi đi không phí công một chút nào hết, vụ này, tôi tuy chưa khám phá ra được hẳn nhưng đã tìm được mấy đầu mối có thể gọi là chắc chắn!

Thấy tôi vẫn không nói gì, Kỳ Phát vùng cười ngất:

- Anh giận tôi hay sao mà phụng phịu thế! Nhưng tôi không quên quà của anh đâu, tôi đã mua được một con dao quai thổ, chuôi sừng rất đẹp!

Tôi thở mạnh, bảo Kỳ Phát:

- Anh thực quái ác, làm cho tôi ăn không ngon, ngủ không yên đã mấy hôm nay!

Kỳ Phát cười:

- Tôi mới đi chưa được ba ngày, vậy mà anh làm như tôi đã vắng nhà hàng tháng. Nhưng nào có làm sao đâu, không hề xẩy ra việc gì nguy hiểm cả, đôi mắt huyền của chúng ta vẫn đen vẫn sáng vẫn buồn một cách man mác xa xôi.

Chẳng muốn để Kỳ Phát nói thêm nhiều nữa, tôi lặng lẽ đưa chàng xem tờ giấy của Thanh Ngọc viết. Kỳ Phát đọc qua một lượt, rồi đưa trả, trách:

- Gớm, anh làm cho tôi giật mình. Ngọc viết như vậy chẳng qua là một tin mừng cho ta…

Tôi tức tối:

- Thế mà anh bảo là một tin mừng, tôi thực không hiểu ra làm sao đấy!

Kỳ Phát điềm nhiên gật đâu:

- Tôi nói đó là một tin mừng, vì khi có vụ án bí mật xẩy ra, điều cần nhất là chúng ta cần phải có nhiều đầu mối: đó là những cái mốc đặt cho ta biết đường mà lần tới đích. Chốc nữa Ngọc đến đây thuật cho ta biết rõ sự việc, tức là biết thêm được một đầu mối để đi dò xét vậy.

Kỳ Phát vừa nói hết câu thì có tiếng gõ cửa. Kỳ Phát dặn nhanh tôi:

- Anh đừng có nói gì đến việc tôi đi đâu nhé!

Tôi gật đầu ra mở cửa. Thanh Ngọc thấy có chúng tôi ở nhà, lộ vẻ mừng rỡ nói rằng:

- Tôi lại đây hơi sớm, chỉ sợ các ông không có nhà!

Kỳ Phát kéo ghế mời Ngọc ngồi, rồi nói:

- Lúc nẫy chúng tôi chạy nhanh ra phố. Khi về, thấy giấy của cô để lại, chúng tôi sốt ruột quá, vì chỉ e ngại rằng cô bị ngăn trở điều gì không đến được chăng?

Thanh Ngọc mỉm cười, nói:

- Có lẽ ông lo rằng tôi đã nằm liệt giường rồi, không lại đây được chăng? Kể ra nếu mình vô tình thì có thể thế được lắm nhưng đằng này, nhờ có ông, tôi đã biết mà đề phòng!

Tôi nóng nẩy hỏi:

- Chắc cô đã thấy chứng cớ rõ ràng rằng có người định đầu độc?

Thanh Ngọc gật đầu:

- Và hơn thế nữa, nghĩa là tôi đã trông thấy rõ ràng có tay người bỏ chất độc vào cốc cà phê của tôi!

Kỳ Phát rất chú ý đến câu chuyện Thanh Ngọc kể. Chàng ngồi thẳng thắn lại, khoanh hai tay lên mặt bàn, rồi thong thả nói:

- Xin cô kể rõ ràng việc này lại cho tôi nghe!

Thanh Ngọc như thấy thái độ nghiêm trang của Kỳ Phát thành ra sợ hãi. Nàng lo lắng nói:

- Có lẽ chuyện này quan trọng hơn là tôi tưởng chăng?

Kỳ Phát gật đầu:

- Vâng, rất là quan trọng, vì có thể làm nguy cho tính mệnh của cô!

Thanh Ngọc thở mạnh như trút được một gánh nặng, rồi nở nụ cười:

- Xin lỗi ông, nếu chỉ có thế thì tôi cũng không lo ngại lắm, vì trong đời tôi đã từng kề sát bên cái chết là thường!

Kỳ Phát nhìn thẳng vào đôi mắt của Ngọc. Rồi chậm rãi, chàng nói:

- Nhưng nếu cô chết thì nào có chết được yên? Và nếu ngoài cô ra còn có nhiều người phải thiệt mạng nữa?

Thanh Ngọc thất sắc, hỏi:

- Ông nói làm cho tôi sợ hãi quá, như thế nghĩa là thế nào?

Nhưng Kỳ Phát không trả lời, chàng chỉ giục:

- Trước hết, cô hãy kể cho chúng tôi biết việc vừa xẩy ra đã!

Nghe giọng nói quả quyết của Kỳ Phát, Ngọc đành phải theo lời. Nàng nói:

- Từ hôm xẩy ra việc có mấy kẻ gian chực vào nhà tôi, từ hôm ông dặn tôi phải coi chừng có kẻ đầu độc thì tôi không dám coi thường, nhất nhất từ mọi việc rất nhỏ mọn, tôi cũng chú ý xem xét cẩn thận. Nhưng tôi không thấy một sự lạ gì cả. Mẹ tôi vì đêm hôm ấy dậy bị sương, sốt nằm suốt ngày trong phòng, còn chú Hai Lịch tôi thì luôn luôn nổi cơn điên cuồng khiến cho tôi không biết làm cách nào đành phải bỏ thuốc ngủ vào nước cho chú tôi uống. Do đó, chú tôi ngủ yên được ít giờ, nhưng hễ lúc nào tỉnh dậy là y như nổi cơn ngay. Tôi phần lo săn sóc hai người ốm, phần lo nhận xét mọi việc xẩy ra quanh mình nên đầu óc lúc nào cũng thành ra vơ vẩn nghĩ ngợi. Tôi đã để ý dò xem mọi cách hành động của bọn gia nhân bộc phu thì thấy họ không hề có cử chỉ gì khác cả. Nhưng buổi sáng hôm nay…

Ngừng lại một lát để lau mồ hôi trán bắt đầu đọng giọt, Thanh Ngọc kể tiếp:

- Buổi sáng hôm nay, vì đêm trước phải thức dậy mấy lần pha thuốc cho mẹ tôi uống, nên gần sáng tôi ngủ mệt lắm. Nhưng không hiểu vì có tiếng động gì hay tiếng kẹt cửa phòng mà tôi bỗng choàng sực tình. Tôi thấy cửa phòng hé mở, rồi… thực là một sự lạ, không lẽ tôi mê ngủ, tôi trông thấy rõ ràng có một bàn tay đeo găng đen thò vào phía trong. Ông nên để ý rằng cạnh cửa buồng tôi là chiếc bàn con thường vẫn để lọ hoa và ấm nước. Buổi sáng vú già pha cà phê, theo lệ vẫn cứ thò tay vào để chiếc cốc lên mặt bàn ấy. Nhưng bàn tay đeo găng đen này không cầm cốc để vào mà lại bỏ một thứ bột gì vào trong chiếc cốc cà phê để ở đó từ lâu!

Tôi ngắt lời, hỏi:

- Tôi chắc lúc ấy cô kêu lên?

Thanh Ngọc lắc đầu:

- Vì thường gặp nhiều sự nguy hiểm bất thường, tôi đã quen đi không còn dút dát như các cô con gái khác. Bởi vậy mà tôi không hề kêu lên, - đây cũng là một điều không may, vì nếu tôi kêu thì có lẽ không chừng thủ phạm bị bắt quả tang, - tôi không kêu, chỉ nhẹ nhàng bước xuống giường, toan rón rén ra đến tận nơi nắm chặt lấy bàn tay bí mật kia…

Kỳ Phát tặc lưỡi nói:

- Nếu thế thì cô thực gan hơn nhiều người đàn ông khác. Cô không sợ rằng hung phạm còn một tay nữa và nhỡ tay ấy cầm dao?

Thanh Ngọc mỉm cười:

- Khi mình định bắt kẻ gian, tất mình phải đề phòng, tôi đã rắp bụng khi đến gần cửa, lúc nắm được bàn tay bí mật kia, sẽ lập tức lấy chân hoặc cả người tì sát mạnh vào cánh cửa thì tay kia dù hung phạm có cầm gì cũng phải thúc thử mà thôi!

Ngừng lại một lát, Thanh Ngọc thở dài:

- Nhưng tôi lại không tính trước đến cái giường ác hại. Chiếc lò so nệm hơi chùng, lúc tôi vừa rón chân đứng lên đã két một cái mạnh, thế là nhanh như biến, bàn tay đeo găng đen bí mật kia đã rút vội ra. Cánh cửa cũng đóng sập ngay lại. Không chậm một phút, mà cũng không cần giữ gìn gì nữa, tôi nhẩy bổ ra phía cửa, giơ tay định mở nhưng tức thay, hung phạm đã vừa vặn xong một vòng khóa rồi.

Kỳ Phát từ lúc nẫy vẫn ghi chép vào cuốn sổ tay, lúc này mới ngừng bút ngẩng lên, hỏi:

- Chắc cô phải theo lối cửa sổ mà ra ngoài chứ?

Thanh Ngọc lắc đầu:

- Có lẽ tôi theo lời ông nói mà làm như thế thực, nhưng cửa sổ của tôi mở xuống vườn, không hề có bao lơn hay ống máng gì có thể theo đó mà leo đi đâu được. Vì thế tôi đành phải đập cửa mà gọi…

Thấy Kỳ Phát hơi cau mặt, Thanh Ngọc vội nói tiếp luôn:

- Ngay lúc đó, vú già đến mở cửa cho tôi và lộ vẻ ngạc nhiên vì thấy sắc mặt tôi hoảng hốt, vả lại chắc tiếng tôi gọi cũng chẳng được bình tĩnh như ngày thường. Nhưng sực nhớ đến lời ông dặn không để cho ai biết có vụ đầu độc này, tôi lại trần tĩnh ngay được, chỉ hỏi vú già rằng sao lại khóa cửa phòng tôi như vậy.

Kỳ Phát ngắt lời hỏi:

- Tôi không hiểu tại sao mà cô chưa dậy, cửa phòng cô lại có chìa khóa để ở bên ngoài như vậy?

Thanh Ngọc trả lời:

- Điều ấy không có gì là lạ cả vì theo lệ thường tôi vẫn có một chiếc chìa khóa để ở đầu giường, nhưng rất ít khi dùng đến. Buổi tối, khi vú già đã pha nước và vào trong phòng tôi lần cuối cùng để hỏi xem tôi có cần gì không rồi vú ra, khóa trái cửa lại. Chìa khóa ấy, vú già giữ để đến sáng sớm hôm sau tiện mở cửa đưa cà phê vào cho tôi. Chiếc chìa khóa để ở đầu giường là chỉ để phòng bất thường trong đêm hôm tôi có trở dậy ra ngoài có việc gì không thôi, nhưng rất ít khi dùng đến vì sáng sớm, đúng giờ vú già đã đưa cà phê vào trong khi tôi còn ngủ… Chìa khóa ấy vú già cứ cắm nguyên ở phía ngoài, tình cờ đã giúp cho hung phạm trốn thoát!

Tôi hỏi:

- Chắc vú già cũng ngạc nhiên lắm khi thấy bỗng dưng cửa phòng lại khóa ở bên ngoài?

Thanh Ngọc gật đầu:

- Vâng, nhưng vì tôi không nói cho vú biết nên vú chỉ nghi hoặc rằng chính tay mình đã khóa cửa lại khi đưa cà phê vào rồi! Và sau cùng, vú yên trí rằng đã già nên lẫn cẫn!



8
ĐẾN LÚC TÔI THÀNH
NGƯỜI VÔ DỤNG

Kỳ Phát hỏi:

- Chắc cô cũng để ý và dò hỏi xem có kẻ nào lạ mặt vừa vào trong nhà hoặc nếu hung phạm chính là ở trong số gia nhân thì cô cũng xét xem có kẻ nào đáng nghi ngờ không?

Thanh Ngọc gật đầu:

- Vâng, nhưng có lẽ vì tôi không có tài trinh thám như ông nên tôi không khám phá ra được. Người ngoài thì chắc chắn không có ai vào được vì lúc ấy tên làm vườn vẫn đương ngồi nhặt cỏ, mấy con chó cũng thả, thấy bóng người lạ hẳn chúng sủa rầm rĩ lên ngay. Nhưng còn người nhà cũng không thể nghi cho ai được hết vì chúng đều bận mỗi người một việc. Vú già thì đun nước tắm dưới bếp, con sen thì là quần áo ở nhà ngang, một tên người nhà thì mẹ tôi sai đi lấy thuốc vắng, còn thằng bếp thì đang làm gà ở phía cầu ao… Chú Hai Lịch có lẽ dậy từ sớm nhưng nằm xem báo thế nào mà thiu thiu ngủ trên chiếc ghế ở trong phòng mẹ tôi từ bao giờ. Bà cụ vẫn còn yên giấc, cho đến lúc tôi vào sờ đầu xem có sốt không thì mẹ tôi mới sực tỉnh dậy.

Kỳ Phát ghi chép vào cuốn sổ tay xong, lại hỏi tiếp:

- Việc xẩy ra chỉ có thế thôi phải không cô?

Thanh Ngọc gật đầu:

- Vâng, đầu đuôi chỉ có thế. Cốc cà phê về sau tôi có ngửi thử, quả nhiên có mùi khác thường. Tôi trút cả vào một chiếc lọ và mang theo đến đây đưa ông xem!

Vừa nói, Thanh Ngọc vừa rút trong túi ra một chiếc lọ nhỏ bọc giấy ở phía ngoài. Kỳ Phát mở nút, đưa lên mũi ngửi qua rồi lấy chiếc chén rót ra một ít mà nếm. Thanh Ngọc thấy thế lộ vẻ sợ hãi, toan ngăn cản nhưng thấy tôi vẫn điềm tĩnh ngồi nguyên thì cũng không dám nói gì, chỉ nhìn Kỳ Phát bằng con mắt vô cùng kính phục mà thôi. Chàng trinh thám trẻ tuổi của chúng ta lúc này chăm chú nếm những giọt thuốc độc một cách… ngon lành như một kẻ sành sỏi, thưởng thức hương vị của một thứ rượu ngon vậy.

Chàng hơi nhăn mặt rồi bỗng gật gù mà bảo tôi rằng:

- Sáng sớm mai, anh nhớ đưa lọ này lại cho anh Hưng để anh ấy phân chất ra xem, nhưng có lẽ cũng bằng thừa mà thôi vì tôi đã thấy quả đúng như các vị độc tôi đã từng dùng qua…

Rồi không để cho Ngọc hỏi thêm gì, Kỳ Phát nói ngay:

- Bây giờ thì cô cứ yên trí mà về, tôi có thể nói để cô biết rằng hiện thời tôi đã có đôi chút manh mối về vụ này rồi. Riêng còn một vài điều nữa, tôi cần phải dò xét và suy nghĩ thêm… Theo tôi đoán thì trong vài ba ngày nữa, hung phạm lo lắng cũng chưa dám hành động gì đâu, hắn còn phải nghe ngóng động tĩnh đã. Và từ nay đến đó, chắc tôi đã có thể chỉ mặt vạch tên được hung phạm!

Nhưng Thanh Ngọc tuy đã đứng lên vẫn còn dùng dằng… Kỳ Phát nhận thấy ngay, hỏi:

- Cô còn điều gì muốn nói, xin chớ ngần ngại!

Thanh Ngọc không lưỡng lự nữa. Nàng cúi đầu thú thực:

- Nguyên tôi đã hứa với ông rằng sẽ nói rõ hết mọi việc để cho ông biết, nên tuy ngần ngại định thôi tôi lại nghĩ không yên dạ. Trước đây hơn một năm, tôi có biết một thiếu niên và chỉ coi chàng là một người bạn tốt, hiền lành… Tôi không ngờ rằng chàng vẫn để ý đến tôi từ lâu, nên cách đây hai tháng, có nhờ người đến dạm hỏi. Mẹ tôi thì thuận ngay nhưng tôi còn lưỡng lự vì tôi biết chàng là một người hiền lành, đáng mến, chứ quả thực tôi không chắc sẽ yêu chàng không. Vì thế mà tôi tỏ lời xin để thong thả. Thấy vậy, mẹ tôi cũng không ép. Nhưng ngày hôm qua mẹ tôi có nhắc đến chuyện đó, viện lý ra để tôi thuận lấy chàng. Mẹ tôi khóc lóc làm cho tôi không thể nào cầm lòng cho được…

Kỳ Phát ngắt lời hỏi:

- Và cuối cùng, cô đã trả lời bà cụ thế nào?

Thanh Ngọc thở dài, ngước đôi mắt huyền lên nhìn thẳng vào Kỳ Phát:

- Ông còn bảo tôi biết trả lời làm sao nữa? Tôi rất thương mẹ tôi, vì mẹ tôi đã khổ nhiều rồi… Để mẹ tôi vui lòng, tôi thực chẳng dám từ nan một cái gì!

Ngùng lại một lát, Thanh Ngọc tiếp:

- Thấy tôi ưng thuận, mẹ tôi đã báo tin ngay cho bà mối biết, hình như lại có lời giục nhà trai cưới xin sơm sớm nữa, vì theo lời mẹ tôi nói, thì cụ thấy trong người yếu quá, chẳng biết sống chết thế nào!

Như một người cố nói cho xong để trút hết tất cả những cái nặng nề đương đè nén tâm trí mình, Thanh Ngọc nói tiếp, giọng nhanh hơn:

- Buổi trưa nay, người ta đã đưa trầu đến chạm ngõ, có lẽ trong lúc này mấy người nhà tôi còn đương đi biếu cau trầu những nhà quen biết đây!

Kỳ Phát lặng lẽ nhìn Thanh Ngọc. Mãi một lúc lâu, chàng mới mỉm cười, không biết đấy có phải là cười gượng không, mà bảo Ngọc rằng:

- Cô cứ yên tâm trở về! Và đừng lo ngại gì cả! Tôi hy vọng rằng sẽ không có việc gì đáng tiếc xẩy ra từ nay cho đến ngày vui mừng của cô! Lúc đó, lẽ tất nhiên chúng tôi mong rằng thế nào cô cũng nhớ cho gọi đến uống rượu mừng!

Thanh Ngọc ra khỏi phòng đã lâu. Cánh cửa khép chặt lại không một tiếng động nhỏ. Tôi nhìn Phát lúc này đương thờ thẫn mân mê cán bút đặt nằm cạnh cuốn sổ tay.

Đến bên Kỳ Phát, tôi nhẹ nhàng để tay lên vai chàng, rồi nho nhỏ hỏi:

- Anh nghĩ đến đôi mắt huyền đấy có phải không?

Kỳ Phát thở dài. Chàng gập mạnh cuốn sổ lại, bỏ tuột vào túi, như cố ý xa lìa rất nhanh một ám ảnh gì, rồi quắc mắt nhìn tôi hỏi đột ngột:

- Ai bảo anh rằng tôi yêu Thanh Ngọc?

Tôi lặng lẽ không còn biết trả lời làm sao nữa. May thay, chàng đã nói lảng sang chuyện khác:

- Lúc nẫy, tôi không dám nói cho Thanh Ngọc biết, nhưng cứ như chỗ tôi xét đoán thì việc cưới xin này chỉ càng làm nàng thêm nguy mà thôi.

Tôi ngạc nhiên:

- Có lẽ anh cho rằng hung phạm chính là một kẻ tình địch chăng?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, vì nếu thế thì Thanh Ngọc phải thực lòng yêu cái người định lấy nàng. Đằng này thì trái lại, Thanh Ngọc lấy chồng chỉ là vì bổn phận.

Đánh diêm châm thuốc lá, Kỳ Phát suy nghĩ một lát rồi bỗng nói:

- Mấy ngày sau đây anh có bận gì lắm không?

Tôi lắc đầu:

- Kể ra thì cũng có việc nhưng không cần thiết lắm. Anh muốn bảo gì tôi?

Kỳ Phát vui vẻ nói:

- Nếu thế thì hay lắm! Vậy sáng sớm mai đây anh hãy đến tìm Thanh Ngọc. Tôi sẽ viết riêng cho nàng một cái thư để nàng nhận anh là một người bạn xa mới về chơi ở tạm lại ít ngày…

Tôi hỏi:

- Chắc ý anh muốn tôi ở đó để tiện việc dò xét chứ gì?

Kỳ Phát gật đầu:

- Thế cũng có và một phần nữa cũng là vì muốn cho việc này chóng có kết quả. Tôi xin thú thực với anh rằng vụ án này phức tạp lắm, chẳng phải là một vụ đầu độc thường. Chính tôi tuy có một vài manh mối song vẫn còn có nhiều điều trái ngược, làm cho tôi không hiểu ra làm sao cả.

Tôi mỉm cười:

- Anh mà còn không hiểu thì tôi như xẩm, còn biết đằng nào mà mò nữa.

Kỳ Phát gật đầu:

- Ấy thế mà anh vẫn được việc như thường vì có anh đến đó, không chừng mà hung phạm hoặc những hung phạm, tưởng rằng anh đến để dò xét chỉ lo đề phòng anh thôi, trong khi ấy, tôi ở ngoài có thể hoạt động mà không sợ chúng lưu ý!

Tôi đến ở nhà Thanh Ngọc đã được hai hôm. Ngồi mãi bên cửa sổ, ngắm vườn hoa hoặc nằm hoài đọc sách cũng buồn, tôi chẳng muốn bỏ phí mất thì giờ vô ích ở đây nên nhất quyết đêm nay không ngủ, rình xem có kẻ gian nào lảng vảng hay không. Và trong bụng tôi đã khấp khởi mừng thầm nếu chính tay mình bắt được người nào trong bọn hung phạm thì tất Kỳ Phát phải phục lắm.

Lần này tập sự làm trinh thám tôi cũng mang sẵn đèn điện bấm, thêm một chiếc can làm khí giới, một đoạn dây nhỏ nhưng chắc chắn phòng để… trói thủ phạm!

Mấy con chó trong nhà đã quen tôi nên không cắn. Các cửa sổ mấy phòng trên gác đều đã đóng kín, chắc ai nấy đã ngủ rồi. Tôi rón rén đi khắp chỗ, lắng tai nghe ngóng, mắt cố nhìn vào trong bóng tối xem có gì khác lạ không.

Nhưng vẫn chỉ có tiếng gió rì rào, tiếng giun dế rên rỉ trong những bụi cây đen kịt mà thôi…

Đi quanh quẩn mãi mỏi chân, sau cùng tôi chọn một chỗ kín đáo ngồi xuống, chiếc can vẫn cẩn thận để ở bên cạnh. Bỗng tôi thấy tiếng con chó lớn gầm gừ ở góc vườn phía trước mặt nhưng chỉ vài tiếng thôi rồi im bặt.

Ngạc nhiên, tôi khe khẽ đứng dậy, cố nhìn về phía trước thì hình như có bóng người đương rẽ qua một bụi cây mà tiến về phía ga-ra. Chưa biết xử trí cách nào, tôi còn lưỡng lự thì lại đã thấy ở bên trái hiện ra một bóng đen nữa. Bóng này cũng tiến đi theo về lối ga-ra, nhưng cách bóng trước một quãng.

Tôi nghĩ bụng: “Có hai kẻ gian mà ta có một mình. Nếu bây giờ ta xông ra thì thế nào cũng bị chúng dồn đánh, ta thế cô không làm được việc gì mà biết đâu lại còn uổng mạng. Nhưng nếu cứ đứng đợi đây, nhỡ bọn gian lên được gác trên, thi hành thủ đoạn gì thì mình thực muôn đời phải hối hận.”

Sau cùng, tôi nghĩ ra một kế lưỡng toàn là lên tiếng, nhưng vẫn đứng nguyên một chỗ, làm kế… nghi binh. Như vậy tất hai tên gian phải hoảng sợ bỏ chạy. Lúc ấy, tôi sẽ đuổi theo và chỉ cần bắt một tên, phải, chỉ một tên thôi cũng đủ làm cho Kỳ Phát phải kính phục rồi. Suy tính hẳn hoi, tôi bỗng nhiên quát:

- Ai kia! Đứng lại! Bắt lấy nó!

Quả nhiên bọn gian trúng kế, tên đi trước vội quay chạy tắt về phía cửa vườn, nhưng tên đi sau thì trái lại, lại tiến thẳng về phía tôi rất là hùng hổ. Mặc dầu một chọi một, nhưng tôi có phải là kẻ nhát gan đâu!

Cầm chắc chiếc can trong tay, tôi đợi cho tên kia đến rồi nhanh như chớp vung lên, nhằm ngang người đánh tới. Khốn thay, chiếc can của tôi chưa tới được mình kẻ gian thì nhanh nhẹn hơn, hắn đã sấn đến được sát tôi và chẳng biết đã dùng cách gì, hắn vật tôi ngã quay xuống đất, chiếc gậy cũng như chiếc đèn bấm đều văng mỗi thứ đi một nơi. Tôi vừa toan vùng trở dậy thì tên kia đã giữ hai tay cứng chắc, tì một gối vào cạnh sườn làm cho tôi chết điếng, rồi lạ chưa, hắn ghé vào tai tôi bảo nhỏ:

- Anh này dễ điên đấy chắc?

Trời ơi, tôi nghe quả là đúng tiếng Kỳ Phát. Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

- Kìa, anh Phát, nhưng anh buông tôi ra chứ!

Kỳ Phát bỏ hai tay tôi ra rồi chàng vừa phủi quần áo, vừa lẩm bẩm:

- Cóc khô! Cóc khô! Thực là đồ vô dụng!

Giữa lúc ấy, trên nhà có tiếng lục đục người dậy, người gọi nhau rối rít. Kỳ Phát hậm hực bảo nhanh tôi:

- Tôi đi đây, anh liệu nói thế nào thì nói, cần nhất chớ nhắc đến tên tôi!

Và trước khi có những ánh đèn của Thanh Ngọc và bọn người nhà đủ sáng để soi tỏ khắp khu vườn thì Kỳ Phát đã lẩn trốn về phía nào rồi, không hề còn hình tích đâu nữa!




9
KỲ PHÁT, ÔNG HÃY CƯỚI TÔI

Trước hết, Kỳ Phát hỏi tôi:

- Thế nào, đêm qua rồi anh nói năng ra làm sao?

Tôi mỉm cười:

- Tôi đành phải nói thực một phần nửa, nghĩa là chỉ nói trông thấy có bóng người lẻn vào trong vườn nên xuống đuổi bắt, còn việc gặp anh thì giấu bặt hẳn đi!

Kỳ Phát gật đầu:

- Phải, anh giấu đi là phải, vì việc đó chỉ tỏ ra anh quả thực là một người… vô dụng mà thôi!

Tôi hỏi lại:

- Tại sao anh lại bảo tôi là vô dụng? Anh bảo tôi đến nhà Thanh Ngọc để cho bọn gian chú ý đến tôi, để anh dễ bề hành động, tôi đã làm theo đúng lời…

Kỳ Phát ngắt lời:

- Nhưng nào tôi có bảo anh giở cái tài… trinh thám của anh ra đâu. Anh có biết rằng anh hành động một cách không kín đáo như thế có hại những gì không? Trước hết, anh làm cho nhà Ngọc nôn nao, sau anh làm cho công phu tôi theo dò tên kia suốt một buổi tối vô ích…

Tôi ngạc nhiên:

- Sao anh không nhân dịp mà bắt ngay hung phạm có hơn không?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Bây giờ tôi hãy tạm nói sơ để anh biết rằng những kẻ định đầu độc nhà Thanh Ngọc chẳng phải có một hay hai, ba người, đó là một đảng có tổ chức hẳn hoi. Chính vì thế mà đã tìm ra được manh mối, tôi vẫn không làm sao dò xét để biết thực rõ ràng mọi sự được! Bởi vậy, tôi phải cố gắng theo dõi lấy một tên để may ra có thể biết được cách thức hắn hành động thế nào…

Tôi nói:

- Cứ như tôi nghĩ thì cách giản tiện hơn hết vẫn là bắt lấy một tên gạn hỏi nó tất sẽ tìm ra được chính phạm hoặc đồng phạm.

Kỳ Phát lắc đầu:

- Cách ấy tôi chắc không có kết quả vì luật lệnh của đảng này tôi nghe chừng như nghiêm lắm, kẻ bị bắt tất không dám nói hở gì ra đâu! Nếu không thì chẳng đợi đến bây giờ, tôi đã biết rõ được mọi việc từ mấy hôm nay rồi!

Kỳ Phát sực nhớ, lại hỏi:

- Anh ở luôn lại nhà Ngọc mấy ngày có biết thêm được gì lạ không?

Tôi lắc đầu:

- Trong nhà cũng vẫn chỉ có bằng ấy người. Vì bà cụ đẻ ra Ngọc mệt nên nàng cũng ít đi đâu. Còn ông Hai Lịch thì bệnh tình xem chừng tăng lên. Hắn kêu gào luôn miệng, có lúc nổi cơn lên, mấy tên người nhà phải sấn lại, trói nằm một chỗ, đến lúc nào tình tỉnh mới lại cởi ra…

Kỳ Phát gật gù:

- Phải rồi, mà không chừng còn nổi cơn dữ dội hơn nữa, có khi nguy hiểm đến tính mệnh nữa!

Rồi như mải nghĩ ngợi đâu đâu, Kỳ Phát ngâm nho nhỏ:

Chết thời chẳng chết cho yên,
Hết đời cũng được ba vuông bẩy tròn!

Đột nhiên quay về phía tôi, Kỳ Phát hỏi:

- Tại sao lại thế nhỉ, câu lục bát này nghe ngang lắm vì không ăn vần, hay là cái ông Hai Lịch điên cuồng kia đã nhớ chằng câu nọ vào câu kia chăng?

Nhưng nói đến đây, Kỳ Phát cũng không đợi tôi trả lời làm sao nữa, vụt đứng dậy, rồi như sực nghĩ ra điều gì, đẩy mạnh cửa, rảo bước ra khỏi nhà… Không nhớ khép cửa lại nữa, Kỳ Phát vẫy một cái xe, nhẩy lên, giục kéo nhanh, làm cho tôi nhìn theo hoảng hốt tưởng chừng như chính Phát cũng đã chẳng còn thần trí sáng suốt nữa!

Kỳ Phát đi được chừng hơn một giờ thì Thanh Ngọc đến. Nàng chỉ thấy có một mình tôi thì lộ vẻ lo lắng hỏi:

- Ông Kỳ Phát đi vắng ư? Ông có nói bao giờ về không?

Tôi lắc đầu:

- Không, nhưng chắc cũng chỉ đi quanh đâu đấy thôi chứ không phải đi xa.

Thanh Ngọc ngồi xuống ghế, nói:

- Như vậy để tôi ngồi chờ chốc lát xem sao?

Tôi hỏi:

- Chắc ở nhà đã xẩy ra việc gì quan hệ phải không cô?

Ngọc lưỡng lự giây lát rồi nói:

- Kể ra thì cũng không quan trọng lắm, nhưng vì có sự thay đổi nên tôi muốn bàn với ông Kỳ Phát!

Tôi không hỏi gì nữa, đưa mấy tờ báo cho Ngọc xem, còn tôi cũng ngồi sửa nốt tập bài nhà in mới đưa đến. Khoảng chừng hơn nửa giờ, Kỳ Phát ở ngoài đẩy mạnh cửa bước vào, vui vẻ bảo tôi:

- Trời đã giúp ta! Trời đã giúp ta! Tôi không ngờ rằng làng thơ lại được việc đến như thế đấy!

Nửa sau câu này, Kỳ Phát nói không được tự nhiên nữa, chỉ là vì chàng chợt trông thấy Thanh Ngọc. Muốn cho anh chàng đỡ ngượng, tôi nói:

- Cô Thanh Ngọc đến chờ anh đã lâu!

Kỳ Phát xin lỗi rồi hỏi:

- Có việc gì quan hệ không cô?

Thanh Ngọc lắc đầu:

- Không, nhưng hơi có sự thay đổi: Người định lấy tôi đã từ hôn rồi!

Kỳ Phát ngạc nhiên hỏi:

- Tại làm sao lại có sự lạ thế?

Thanh Ngọc mỉm cười:

- Cũng không có sự gì lạ, đó chỉ là vì chẳng biết anh chàng mong manh nghe ai thuật lại rằng mấy ngày gần đây nhà tôi có nhiều sự xẩy ra ban đêm, lại thêm chú Hai Lịch tôi gào thét suốt ngày nên anh chàng đâm hoảng sợ!

Kỳ Phát cau mặt lẩm bẩm:

- Con trai mà nhút nhát thế thì đáng nhục thực!

Thanh Ngọc điềm nhiên nói:

- Điều ấy chúng ta không cần bàn đến vì tôi với chàng ta có cảm tình gì đâu. Nhưng tôi chỉ khó nghĩ vì thấy thế, mẹ tôi tỏ ý buồn rầu lắm…

Ngừng một phút, Thanh Ngọc lại nói:

- Mà mẹ tôi hình như lại lo sợ nữa! Tôi có nói rằng: Con người hèn nhát tầm thường như thế có gì đáng tiếc, nhưng mẹ tôi không nói gì, chỉ ứa nước mắt khóc. Tôi cố căn vặn mãi, mẹ tôi chỉ nói rằng: “Con không thể hiểu được việc này. Ta chỉ nói một điều là thấy con lấy chồng được ngày nào, là ta yên dạ sớm ngày ấy. Mà cũng chẳng cứ là lấy ai! Miễn là con có chồng, nếu không thì không khéo ta đến chết mất.”

Mỉm cười, Kỳ Phát hỏi:

- Theo như tôi đoán thì chắc cô không đồng ý như vậy?

Thanh Ngọc thở dài:

- Nhưng tôi còn làm sao được. Mẹ tôi chỉ có tôi, người đã từng bị đau khổ khó nhọc lắm rồi… Bây giờ, mỗi khi thấy mẹ tôi phải vì tôi mà khóc thì tôi cứ tưởng chừng như không còn có cách nào đền bù được tội lỗi nữa!

Kỳ Phát hỏi:

- Cô có thể cho biết ý cô hiện nay định như thế nào không?

Thanh Ngọc lắc đầu:

- Tôi đương ở vào một trường hợp thực khó xử quá. Một đằng không theo lời mẹ thì tôi làm cho mẹ tôi đau khổ nhưng một đằng nếu nghe thì tôi thực đã tự hại một đời tôi…

Lưỡng lự trong mấy phút, Thanh Ngọc bỗng quả quyết đứng dậy, nhìn thẳng vào mặt Kỳ Phát nói nhanh:

- Nghĩ kỹ, tôi thấy chỉ còn có một cách là… ông hãy lấy tôi!

Nghe câu nói ngộ nghĩnh ấy, giá vào lúc khác thì có lẽ chúng tôi đã không thể nào nhịn cười cho được. Nhưng lúc này, chúng tôi chỉ ngạc nhiên, nhìn kỹ lại xem Thanh Ngọc có phải vì lo lắng quá mà rối trí không. Nhưng nàng đã điềm tình tiếp:

- Với một người như ông thì tôi mới dám đường đột nói như vậy. Ông chắc đã hiểu tôi… Tôi nghĩ mãi chỉ còn có một cách là nói thực việc này cho ông rõ, yêu cầu ông lấy tôi. Lẽ tất nhiên chỉ là có danh mà không có thực. Sau khi mọi việc yên ổn, ông và tôi, chúng ta sẽ lại ly dị nhau. Tôi dám phiền ông một cách quá đáng như vậy chỉ là vì ông đã hứa sẽ cứu tôi…

Kỳ Phát nghe Thanh Ngọc nói, điềm tĩnh như không, gật đầu:

- Điều ấy không khó khăn gì cả, vì hiện giờ, tôi chỉ sống có một mình, cha mẹ không còn, mà người yêu cũng không có. Như vậy, tất không có gì trở ngại hết!

Có Thanh Ngọc thì Kỳ Phát trả lời điềm tình như vậy, song khi Ngọc về rồi, Kỳ Phát mới thở dài, lắc đầu, bảo tôi rằng:

- Ông trời kể cũng trớ trêu thực!

Tôi phải gượng nói đùa:

- Anh đừng có chán nản gì hết. Riêng ý tôi nghĩ thì việc này rất hay cho anh, mà quả thực là ý trời. Từ trước đến nay, anh không hề nghĩ đến việc lấy vợ, thì bây giờ có người đến ép anh phải lấy.

Kỳ Phát lắc đầu:

- Lấy để rồi ly dị!

Tôi gật đầu:

- Bây giờ thì hãy nói thế, về sau biết thế nào được. Riêng tôi nghĩ thì rất có thể Thanh Ngọc thực tâm muốn lấy anh lắm, nhưng chẳng lẽ chính mình nói, phải rào trước bằng câu: Sẽ ly dị!

Kỳ Phát gượng cười:

- Anh nói như thực ấy. Nhưng đời tôi làm gì có được những sự may mắn như thế!




10
BA VUÔNG BẨY TRÒN

Tin Kỳ Phát lấy vợ do mấy bài đăng trên báo hàng ngày của tôi làm cho dư luận hết sức chú ý. Thực vậy, cái tên Kỳ Phát thì ai còn không biết. Không nhiều thì ít, người ta còn nhớ đến những vụ án mạng, trộm cướp mà chàng đã khám phá ra được bằng cái tài trinh thám có một không hai ở nước ta. Và tự nhiên, người ta đoán ngay rằng đám cưới Kỳ Phát thế nào cũng phải có nhiều sự lạ lùng và bí mật cả từ cách đón dâu, đãi tiệc, làm giá thú, v.v…

Trái hẳn với mọi lần khác, việc này, Kỳ Phát muốn tôi làm hết cách để “quảng cáo” cho đám cưới, vì theo ý anh thì như vậy, anh sệ có thể nhân cơ hội này mà tìm ra được thủ phạm hoặc những đồng phạm vụ đầu độc Ngọc.

Nhưng việc xẩy ra đột ngột quá làm cho chính Kỳ Phát cũng không ngờ tới được. Buổi trưa chúng tôi còn đương bàn nhau trù tính đặt một tiệc trà đãi các bạn quen biết trong cái “dịp vui mừng” này thì có thư của Thanh Ngọc cho người đưa đến. Cầm chiếc phong bì, Kỳ Phát lưỡng lự chưa muốn mở ra đọc, lộ vẻ băn khoăn lo lắng vô cùng. Tôi cũng sợ hãi hỏi:

- Anh đoán có việc chẳng lành xẩy ra chăng?

Kỳ Phát gật đầu:

- Không hiểu sao tôi như có linh tính sắp có nhiều việc quan hệ xẩy đến. Tôi lo rằng có việc án mạng…

Tôi mỉm cười vì thấy Kỳ Phát lúc này không còn điềm tĩnh và sáng láng trong công việc nữa. Nếu thực xẩy ra vụ án mạng nào tại nhà Thanh Ngọc thì dáng điệu của tên cầm thư phải bối rối, hoảng hốt chứ đâu lại bình thản như thế kia?

Và tôi đoán quả không sai. Lúc Kỳ Phát đọc xong thư rồi, chàng mới thở mạnh mà bảo tôi rằng:

- May quá, không xẩy ra việc gì quan hệ lắm.

Rồi chàng quay lại bảo tên người nhà:

- Anh cứ về thưa với cô rằng: xem ông Hai Lịch từ nay đến chiều có lên cơn nữa không? Nếu yên đi thì thôi, bằng không thì cho đưa lại bệnh viện bác sĩ Hùng. Nếu yên mà đến nửa đêm, ông Hai lên cơn dữ dội thì cứ lại gọi ông Hùng, ông ấy sẽ lại ngay. Tôi không cần phải viết thư nữa, vì chiều nay, tôi đi chút việc rồi sáng mai sẽ lên sớm. Anh nói thêm để cô biết rằng bác sĩ Hùng vốn là bạn thân của tôi, tôi sẽ dặn trước và khi xẩy ra việc gì cần kíp, ông ấy sẽ lại ngay!

Tên người nhà về rồi, Kỳ Phát mới đưa bức thư của Ngọc cho tôi xem thì quả không có việc gì quan hệ. Ngọc chỉ báo tin cho Kỳ Phát biết rằng ông Hai Lịch từ sáng đến giờ đã lên hai cơn điên dữ dội, khác hẳn ngày thường. Ngọc hỏi xem nên xử trí làm sao vì Ngọc lưỡng lự quá không biết có nên đưa ông Hai đi bệnh viện không, vì hiện lúc viết thư, ông Hai đã lại tỉnh táo như thường, không sao cả!

Tôi gấp thư lại, một lát, hỏi Kỳ Phát:

- Tôi chắc anh đã có một manh mối gì rồi nên mới lo rằng nhà Thanh Ngọc có xẩy ra án mạng!

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh đoán đúng. Bây giờ, tôi đã biết sơ sơ rằng đây là một việc thù hằn. Kẻ thù đã làm cho Hai Lịch phát điên cũng chính là người đã đầu độc Thanh Ngọc. Nhưng tôi vẫn chưa tìm ra thủ phạm là ai vì tôi vẫn chưa hiểu tại sao mà hai người lại có một kẻ thù chung như vậy. Một điểm đáng ngờ là tại sao bà mẹ Ngọc lại cứ muốn cho nàng lấy chồng ngay!

Ngừng một lát, Kỳ Phát tiếp:

- Tôi ngờ sẽ xẩy ra án mạng một phần là vì tôi nhận thấy độ này Hai Lịch lên cơn dữ dội gấp bội ngày thường. Và cứ như chỗ tôi đã ứng khảo về bệnh điên thì phàm giả một người loạn óc thường mất trí mà vẫn ngoan ngoãn hiền lành, đến lúc nổi cơn dữ dội, tức là lúc sắp chết vậy. Cái chết của Hai Lịch, hiện tôi đương đợi. Tôi cũng không mong tìm cách cứu hắn nữa vì bệnh điên đã lâu năm như vậy, tuần tự đưa người ta vào cõi chết chẳng khác gì bệnh lao, có tài trời cũng không làm sao mà chữa được! Riêng tôi chỉ mong một điều là nhờ ở cái chết của Hai Lịch, nhờ ở cái phút tỉnh táo cuối cùng của hắn, may ra tôi biết thêm được một điều gì cần thiết trong vụ này không?

Tôi gật đầu nói:

- Không chừng lời anh nói sẽ đúng vì những người ốm nặng, trước lúc thở hơi cuối cùng thường vẫn có mấy phút tỉnh táo, tưởng chừng như khỏe mạnh hẳn!

Nhưng chúng tôi đoán chỉ đúng có một phần.

Từ buổi trưa cho đến chiều, đề phòng những sự bất trắc có thể xẩy ra, chúng tôi ai có việc gì đi đâu đều chia nhau mà đi để cho lúc nào ở nhà cũng có người túc trực. Khoảng bảy giờ tối, Kỳ Phát cẩn thận pha hai cốc cà phê đặc sau khi chúng tôi đi ăn cơm về. Chàng vừa khuấy đường vừa cười mà bảo tôi rằng:

- Hôm nay tôi pha đặc hơn ngày thường một chút là có ý muốn phòng lúc nửa đêm có động tình gì, chứng ta ra đi không sợ ngái ngủ nữa!

Sự thực Kỳ Phát nói đùa như vậy mà thôi, chứ anh cũng như tôi, cả hai muốn uống chè tầu hay cà phê đặc đến đâu, lúc cần ngủ, chúng tôi vẫn có thể ngủ được như thường. Được như thế, chính là nhờ Kỳ Phát đã truyền thụ cho tôi một phương pháp thức đêm. Thuyết của anh là: “Muốn tập thức, người ta cần phải tập ngủ.” Câu này, thoạt nghe tưởng như trái ngược, song nghĩ kỹ và nhất là đem thực hành thì thấy rất đúng. Kỳ Phát giảng cho tôi nghe, nói rằng: “Muốn cho khỏi buồn ngủ, trí não ta phải giữ cho tỉnh táo. Đó chính là nhờ ở mãnh lực ý chí. Những người nằm cứ mơ mơ mòng mòng, muốn ngủ không ngủ được mà thức tỉnh hẳn hoi cũng không ra tỉnh hẳn, chính bởi ý chí suy nhược. Tóm lại, để tập cho muốn thức được thức, muốn ngủ được ngủ, cần phải tập cho ý chí mạnh mẽ.” Nhưng trong hai điều muốn thức và muốn ngủ – lẽ tất nhiên tập ngủ vẫn dễ dàng hơn. Vì thế cho nên trước khi muốn tập thức hãy tập “muốn ngủ lúc nào thì ngủ được lúc ấy ngay” đã. Sau đó, muốn tập thức cũng không khó khăn gì. Tôi đã theo lời Kỳ Phát mà tập… ngủ. Nhưng tôi thấy rằng cũng chẳng quá dễ dàng như Kỳ Phát nói. Có nhiều đêm nằm xuống tôi cố ngủ mà không thể nào ngủ được vì trí óc cứ nghĩ lan man, hết chuyện này qua chuyện khác. Cầu cứu Kỳ Phát, chàng bảo: “Những lúc ấy có một phương pháp thần diệu để ngủ đi là… nhất định thức! Anh đương nghĩ lan man, chốc lại nghĩ đến việc cố ngủ thì bây giờ hãy bỏ cái ý muốn ngủ đi, anh hãy nhất định thức và nghĩ vào mỗi một việc thôi. Chẳng hạn như anh nghĩ vào cái cốt truyện anh sắp viết, hoặc anh tính toán cách đối phó với một người bạn mà anh cần phải dò xét họ hoặc anh cố dịch một câu thơ Tây cho thật hay… Trong lúc nhất định thức để cố nghĩ như vậy, trí não anh sẽ bị mỏi mệt và nhờ đó anh sẽ ngủ đi lúc nào không biết!” Phương pháp tập thức và tập ngủ của Kỳ Phát rất là thần diệu, nhờ công phu luyện tập ít lâu, tôi đã theo gần được bằng Kỳ Phát, nghĩa là dù trong lúc tâm thần bối rối đến đâu hoặc chung quanh mình người ta làm huyên náo hết sức, tôi muốn ngủ cũng được. Trái lại, khi muốn thức, tôi có thể thức mấy đêm trắng liền không hề thấy nhọc mệt chút nào…

Đêm hôm đó, chúng tôi đã ngủ rất ngon giấc.

Đó chỉ là vì sau khi đợi lúc đồng hồ điểm chín giờ, Kỳ Phát nhẩy lên giường mà bảo tôi rằng:

- Thôi, anh em ta đi ngủ. Chẳng phải vạ mà thức đợi. Chúng ta hãy ngủ đi để lấy sức vì biết đâu, đêm mai, đêm kia chúng ta sẽ cần phải thức rất nhiều!

Chúng tôi đã ngủ một mạch đến sáng.

Có lẽ chúng tôi còn ngủ mê mệt nữa nếu lúc ấy bên ngoài không có tiếng đập cửa rất cần kíp. Kỳ Phát và tôi cùng choàng dậy. Khoác vội chiếc áo ngoài, tôi chạy ra mở cửa vì trong bụng đã đoán biết chắc đây là người nhà Thanh Ngọc đến báo cho biết một chuyện gì quan hệ.

Nhưng khi mở cửa thì không phải người nhà mà chính là Thanh Ngọc.

Mặt nàng tưởng chừng như không còn một hột máu.

Tôi thấy thế cũng thất sắc vì một người con gái gan dạ như Ngọc mà còn sợ hãi quá đến như thế thì tất phải là một sự gì khủng khiếp vô cùng. Kỳ Phát cố làm ra dáng điềm tĩnh, kéo ghế mời Thanh Ngọc ngồi, rồi nói ngay:

- Ngọc hãy ngồi yên đã! Tôi biết là một vụ án mạng rồi… Nhưng cần phải kể đầu đuôi cho tôi nghe rõ ràng thì mới được!

Thấy thế, Ngọc như đỡ sợ, nhìn Kỳ Phát bằng một con mắt kính phục, rồi hỏi rằng:

- Quái, tại sao mà anh biết? Sao anh không cố cứu chú Hai?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Ngọc hãy kể đầu đuôi cho tôi nghe… Ấy là tôi chỉ đoán thế thôi và tôi cũng không ngờ rằng sự việc xẩy ra sớm đến thế! Ông Hai Lịch lên cơn rồi mất ngay đêm qua phải không?

Ngọc lắc đầu:

- Sự việc xẩy ra ghê gớm hơn thế nhiều. Anh để em kể đầu đuôi anh nghe… Lúc người nhà về, thuật lại những lời dặn bảo của anh, em cũng được hơi yên dạ. Nhất là thấy chú Hai Lịch yên hẳn cơn đi, chú chỉ ngồi bần thần trước bàn giấy, không nói năng gì cả nên em đoán chắc cơn điên của chứ ấy qua hẳn rồi. Lúc ấy, em cũng ngồi gần chứ ấy bằng đây với kia. Đồng hồ vừa đúng bẩy giờ mười lăm. Em đương xem dở tờ báo đột nhiên bỗng thấy chú Hai gọi em bằng một giọng khác hẳn ngày thường và buồn rầu vô cùng. Chú gọi: “Này, cháu Ngọc! Chú bảo cái này!” Em lo lắng vì tưởng chú Hai lại lên cơn, nhưng không, chú tiếp ngay, lời rất từ tốn dịu dàng: “Không, cháu đừng sợ. Bây giờ chú không điên đâu! Chú tỉnh lắm, cháu ạ! Cháu ngồi lại gần đây, chú bảo!” Em để ý nhìn cặp mắt chứ thấy thực quả không phải là cặp mắt đỏ ngầu của người điên mà chỉ là một cặp mắt hiền từ, đượm buồn thương đau đớn. Em đánh bạo kéo ghế ngồi dịch lại, sau khi tính trước rằng nếu chứ quả thực lên cơn điên định làm dữ cái gì thì em nhẩy hai bước là ra đến sân ngay. Em sẽ đóng sập ngay cửa bên lại, thế là không còn sợ gì nữa.

Kỳ Phát ngắt lời, nói:

- Em cần phải thuật lại thực kỹ lưỡng không thiếu sót một lời nào của ông Hai mới được vì những lời đó quan hệ lắm!

Thanh Ngọc gật đầu:

- Vâng, em còn nhớ cả. Nhưng em chỉ sợ rằng không giúp anh được việc gì… Khi thấy em ngồi gần rồi, chú Hai mới tiếp: “Chú tỉnh lắm, nhưng chú biết mình không sống được mấy ngày nữa đâu… Mà không chừng vài giờ nữa đây, hay đến đêm là chú chết…” Không để cho em nói năng an ủi câu gì, chú Hai tiếp luôn: “Cháu đừng nói gì hết… Chú thương cháu lắm song không biết làm cách nào cứu cháu được… Chú sắp chết đến nơi rồi… Cần phải có một người như ông Kỳ Phát…” Thấy nói đến tên anh em vội vàng nói ngay rằng em vốn quen biết anh và anh thường vẫn săn sóc đến em luôn để cho chú Hai yên lòng. Quả nhiên nghe em nói, chú Hai lộ vẻ vui mừng hết sức, rối rít hỏi chỗ ở của anh rồi cuối cùng, bảo rằng: “Nếu vậy thì không e ngại gì nữa rồi. Và chú chết cũng sẽ được yên tâm… Có ông Kỳ Phát giúp đỡ thì cháu và cả nhà ta không còn phải sợ hãi một điều gì hết. Thôi, bây giờ cháu xuống dưới nhà đi và pha cho chú một tách cà phê nóng. Cháu còn nhớ tính chú vẫn chỉ thích uống mỗi một viên đường thôi đấy chứ? Cháu để nguyên chú viết một cái thư cho ông Kỳ Phát…” Thấy em còn ngần ngại chưa đi, chú Hai giục: “Cháu xuống pha cà phê ngay cho chú đi, chú cần phải uống để cho tỉnh lâu lâu một chút!”

Ngừng lại một lát, Thanh Ngọc tiếp:

- Thấy chú Hai nói một cách minh bạch, khôn ngoan như vậy em tin chắc chú đã tỉnh hẳn, nên theo lời, xuống pha cà phê. Tuy vậy, vẫn chưa hết nghi ngờ, một lát sau em đã lại chạy lên thì thấy quả nhiên chú Hai đang ngồi chăm chỉ viết thư. Em yên lòng xuống dưới nhà, bung tách cà phê lên nhưng chưa lên khỏi hai bậc cầu thang đã thấy chú Hai vụt chạy xuống. Em ngẩn ngơ chưa hiểu ra sao thì chú đã đẩy phăng em chạy ra ngõ, chẳng nói chẳng rằng một câu nào. Sợ hãi, em bỏ tách cà phê xuống, rồi cũng chẳng nghĩ đến sự khoác thêm áo ngoài vào nữa, cứ áo cộc mà chạy theo, sau khi gọi thêm người nhà ra theo giúp sức. Chú Hai chạy nhanh lắm, nhưng chú cũng không hề tỏ ra dáng điệu gì là một người điên cả, cho đến lúc chú tới được chỗ hòm thư, rút vội trong túi ra chiếc phong bì, bỏ vào rồi, mới thong thả đi đến chỗ em và hai tên người nhà vừa đuổi tới. Thấy em quần áo xốc xếch, dáng điệu hốt hoảng, chú Hai tỏ vẻ thương hại, bảo: “Khốn nạn, chú đã làm sao đâu!” Mà quả thực thế, chứ vẫn còn tỉnh lắm, hỏi em lúc nẫy bị đẩy dấn có ngã không, cà phê có đổ và rớt vào quần áo không. Nhưng khi em hỏi tại sao chú lại phải vội vàng bỏ thư đi như thế thì chú chỉ cười mà bảo: “Bỏ sớm lúc nào hay lúc ấy mà!” Cho đến lúc về đến nhà, em đưa cà phê đến, chú ngồi thần ra nghĩ ngợi, rồi lắc đầu. Chú không hề nói gì hết và cũng không chịu uống cà phê rồi cách chừng năm, sáu phút sau mắt chú lại đỏ ngầu lên, cả cười khanh khách! Thế là cơn điên đột nhiên trở lại, có phần dữ dội hơn mọi lần trước nhiều.

Ngừng lại một lát, Ngọc lại kể tiếp:

- Và mỗi giờ sau chú Hai Lịch lại càng lên cơn thêm kịch liệt. Chú xé quần áo, đánh ngã chúi cả mấy tên người nhà dù lúc thường sức chú không bằng phần nửa họ…

Tôi ngắt lời:

- Sao Ngọc không theo lời anh Phát dặn đi tìm bác sĩ?

Ngọc lắc đầu:

- Trước em toan cho người đi mời nhưng sau thấy mẹ em nhất định ngăn cản nói rằng đêm hôm chẳng nên phiền người khác, nhân lại thấy cơn điên của chú Hai yên dần, nên em lại thôi. Sau đó, chú Hai nằm yên, ngủ một giấc, em thấy thế cũng mừng bảo người vực chú vào buồng riêng để chú nằm yên và phải thay nhau ngồi canh ngoài cửa buồng. Nhưng họ vô tình không luôn luôn vào xem, thấy trong buồng không có tiếng động gì thì cứ yên trí là chú Hai vẫn ngủ. Nào ngờ tới gần sáng, em vào buồng thăm chú, mới biết chú Hai bị ám hại từ lâu, không hiểu hung phạm vào từ lúc nào mà thắt cổ chú được bằng một dải lụa trắng…

Kỳ Phát ngắt lời:

- Trên dải lụa ấy có thêu hình bẩy chiếc vòng tròn bằng chỉ tơ mầu đỏ máu?

Thanh Ngọc hốt hoảng đứng phắt dậy ngạc nhiên:

- Vâng, đúng thế! Nhưng tại sao anh biết?

Kỳ Phát không trả lời, chỉ tiếp:

- Và nếu em đem đo thì sẽ thấy dải lụa dài ấy vừa đúng ba vuông!

Thanh Ngọc nghĩ ngợi:

- Em không để ý đến điều ấy nhưng có lẽ cũng đúng vì hình như dài cũng vào khoảng ba vuông lụa. Anh Kỳ Phát, lời anh nói làm em sợ quá. Tại sao lại có bẩy cái hình tròn? Tại sao lại ba vuông? Lạy anh, hãy cắt nghĩa cho em biết với!

Kỳ Phát lúc này như đương suy tính việc gì. Chàng lim dim cặp mắt, miệng se sẽ đọc:


Chết thời chẳng chết cho yên,
Hết đời cũng được ba vuông bẩy tròn!

Chúng tôi đều như cơn mê sực tỉnh. Thôi, thực hợp với câu hát mà ngày thường Hai Lịch vẫn nghêu ngao… Ba vuông bẩy tròn thực quả đúng là ba vuông lụa có thêu hình bẩy vòng tròn!

Không thể ngồi yên được nữa, tôi nắm lấy vai Kỳ Phát, không để cho chàng nghĩ ngợi vẩn vơ nữa, cương quyết bảo:

- Anh Kỳ Phát ạ, tôi xin lấy tư cách là một người bạn thân của anh mà khuyên anh rằng không còn lúc nào bằng lúc này, anh nên nói rõ mọi việc cho Thanh Ngọc nghe. Anh không có quyền để Thanh Ngọc phải sống trong cảnh hãi hùng như thế này thêm nữa. Anh cần phải nói rõ ý nghĩa của câu hát lạ kỳ kia cho chúng tôi được biết…

Không để cho tôi nói hết, Kỳ Phát cũng vùng đứng dậy. Chàng cũng dùng cái dáng điệu trang nghiêm và cương quyết mà bảo tôi rằng:

- Còn tôi thì tôi cũng xin lấy tư cách là một người bạn thân của anh mà nói để anh biết rằng anh thực là một… người ngu! Khốn nạn cái câu bí mật kia, tôi chỉ đoán biết lờ mờ, chứ nếu thực đã biết rõ ràng rồi thì lẽ nào lại để cho Hai Lịch phải chết được? Mà đã chắc câu bí mật chỉ có thế thôi đâu?

Ngừng lại một lát như để nén cơn phẫn uất, Kỳ Phát ngồi xuống rồi dịu lời nói tiếp:

- Nhưng anh nói cũng phải: Thực chẳng nên để Thanh Ngọc sống trong cảnh hãi hùng này thêm nữa. Chúng ta cần phải tính cách giải quyết việc này một cách quyết liệt hơn… dù có phải xẩy ra việc gì cũng vậy!

Quay về phía Thanh Ngọc, Kỳ Phát tiếp:

- Em cần phải tin anh hết sức mới được!

Thanh Ngọc chỉ ứa nước mắt, gật đầu, Kỳ Phát tiếp:

- Tin anh tức là bất cứ anh bảo điều gì cũng phải nghe, không cần suy nghĩ, tính toán gì hết!

Thanh Ngọc lại gật. Kỳ Phát như động lòng thương hại, chàng tiến đến bên cạnh Thanh Ngọc se sẽ nắm lấy tay nàng, nhìn thẳng vào đôi mắt huyền đẫm lệ kia rồi dịu dàng bảo:

- Bây giờ, em đừng có lo ngại gì hết. Em hãy về để chỉ dẫn cho các nhà chuyên trách mở cuộc điều tra về vụ này. Một điều cần nhất là em muốn khai gì thì khai nhưng đừng có nói rằng có anh nhận tra xét việc này từ trước… Một mặt, em liệu lời nói với mẹ em, xin cho anh cưới chạy tang ngay sáng mai, rồi buổi chiều sẽ cất đám chú Hai Lịch. Việc này, anh bạn thân của chúng ta đây sẽ giúp chúng ta mà lo liệu mọi sự. Anh ấy cũng không quên đến ngay tòa báo viết mấy hàng chữ báo tin mừng của chúng ta để đăng ngay vào hai tờ báo Tây xuất bản buổi chiều nay…

Thanh Ngọc không hỏi lại, chỉ nhất nhất vâng lời rồi ra về với một lòng tin không bờ bến. Nàng đã đi khỏi, tôi để ý nhìn Kỳ Phát cúi đầu buồn bã ngồi chống tay lên đùi, chốc chốc lại thở dài mà thương hại. Cố làm cho Phát hết chán nản, có thế thì trí óc chàng mới có sức mà làm việc, tôi đến cạnh, vỗ vai chàng mỉm cười mà bảo:

- Kỳ Phát ạ, việc vừa xẩy ra làm cho tôi suy nghĩ tới một câu ngạn ngữ Tây…

Ngạc nhiên, Kỳ Phát ngẩng lên, hỏi:

- Thế nào, anh nói câu ngạn ngữ gì?

Tôi vẫn điềm nhiên mỉm cười:

- Tôi nghĩ tới câu thường nói: Nhiều khi trong sự không may lại có những điều may! Và may không ngờ thực, Kỳ Phát ạ, vì… mặc dầu Hai Lịch đã chết, mặc dầu đôi mắt huyền kia đã phải bao lần ứa lệ nhưng ngày mai đây, chỉ hai mươi bốn giờ qua, thì Kỳ Phát ạ, anh đã được hưởng một diễm phúc tự nhiên rồi, anh đã hoàn toàn là chồng của Thanh Ngọc đủ cả về mọi phương diện tinh thần và…

Không rõ Kỳ Phát dần dần đứng dậy từ bao giờ. Chỉ biết vừa đúng lúc tôi nói đến đó thì bàn tay chàng vụt nắm lại và đưa thẳng một cứ đấm… thôi sơn vào giữa miệng tôi làm cho tôi đau điếng, hoa mắt, ngã quay. Như một kẻ điên, Kỳ Phát trợn mắt bảo tôi:

- Không những anh ngu mà lại còn khốn nạn nữa. Anh tưởng tôi sung sướng lắm phải không? Anh tưởng rằng vụ này chỉ kết quả đến một đám cưới Kỳ Phát là hết, có phải không? Rồi anh hãy mở mắt ra mà xem? Chỉ nội đêm nay thôi, tôi sẽ cho anh thấy nhiều việc rùng rợn, gớm ghê, chứ đâu có đáng vui mừng như anh vừa nói đó!

Tới đây, Kỳ Phát hậm hực với tay lên tường lấy chiếc mũ chụp mạnh vào đầu, rồi đi ra, khép cánh cửa đánh sầm, không thèm để ý đến cú trái đấm của anh có làm tôi gẫy mất chiếc răng nào không nữa!

Chàng trinh thám trẻ tuổi của chúng ta đã ra đi với một tấm lòng đầy phẫn uất! Nhưng chàng cũng đã quả quyết sẽ chiến đấu cho tới cùng!

Kỳ Phát hỡi, người bạn thân của anh có lẽ ngu thật đấy nhưng chưa đến nỗi khốn nạn đâu! Người bạn ấy tuy đã bị đau ê ẩm, tưởng chừng đến sái quai hàm nhưng trong lòng hắn hết sức vui mừng vì đã biết cho anh một ngọn roi đúng chỗ làm cho anh vùng đứng dậy, đem hết tài trí ra mà phấn đấu, mà chống chọi, chứ không chịu ngồi chán nản thở than như một kẻ tầm thường!



11
HÌNH PHẠT CỦA
ĐẢNG THẤT VIÊN

Khoảng tám giờ tối thì Kỳ Phát trở về. Chàng cười, vỗ vai tôi, hỏi:

- Anh không bị đau lắm chứ?

- Không đau lắm, chỉ… êm êm! Nhưng lần sau, anh có đấm thì nhớ… bảo trước cho tôi tránh nhé!

Kỳ Phát cười ngất:

- Tôi đã biết ngay rằng anh không giận tôi mà! Nhưng xin thú thực sau khi ở nhà này đi ra được một lát, tôi trong bụng cũng hơi lo vì chỉ sợ anh mải bóp quai hàm lại quên khuấy mất việc viết đăng tin mừng vào mấy báo cho tôi thôi. Nhưng không, hai tờ báo ra buổi chiều đã đăng tin ấy ngay vào đầu mục Hà Nội, trong khi tôi về đây thấy vắng anh, đi tìm mới biết là anh đã lên nhà Ngọc lo liệu giúp tôi việc xin cưới và việc ma chay…

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát hỏi:

- Các nhà chức trách đến làm biên bản đã xong chưa, có xẩy ra sự gì không?

Tôi lắc đầu:

- Xong rồi và không xẩy ra việc gì hết, một phần là vì người đứng đầu cuộc điều tra là anh thanh tra Trúc Tâm. Thấy tôi, anh biết ngay rằng thế nào cũng có anh nên không hỏi gì nhiều nữa, chỉ hỏi han qua loa cho khỏi tắc trách thôi.

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh Trúc Tâm rất tốt, tôi biết lắm. Và tôi mong rằng trong đêm nay, tôi sẽ có thể khám phá ra được nhiều việc quan trọng để biếu cái công ấy cho anh ta!

Tôi đứng dậy, Kỳ Phát tiếp:

- Và để đền ơn anh đã làm cho tôi lại có nghị lực để làm việc, tôi xin mời anh đi ăn bây giờ…

Tôi lắc đầu:

- Cái đó thì tôi không dám nhận, chỉ là vì có đi bây giờ ăn cũng không ngon… Quai hàm tôi vẫn còn hơi ngường ngượng. Nhưng anh đã muốn đền bù tội lỗi thì có cách là trước khi bắt tôi theo anh đi hành động, hãy ngồi đây thuật rõ cho tôi biết một vài điều mà anh đã khám phá ra được trong vụ này!

Kỳ Phát gật đầu:

- Được rồi, tôi xin chiều ý anh, nhưng chỉ hơi tiếc rằng những điều tôi đã khám phá ra được nó chẳng nhiều nhặn gì cho lắm… Và muốn tiện việc cho anh, anh hãy hỏi tôi từng câu để tôi sẽ theo đó mà nói rõ cho anh nghe!

Tôi được lời Kỳ Phát, sung sướng quá vì thực ít khi mà một vụ án chưa khám phá ra hoàn toàn, Kỳ Phát đã chịu cho tôi biết một điều gì. Tôi hấp tấp hỏi:

- Tôi muốn biết ngay người bỏ thuốc độc cho Thanh Ngọc là ai?

Kỳ Phát mỉm cười, hỏi lại tôi:

- Anh chỉ muốn biết có thế thôi ư?

Tôi gật đầu:

- Vì đó là việc chính trong vụ này!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Nếu thế thì anh nhầm rồi. Đó chỉ là một việc phụ và tôi có thể trả lời anh được rõ rằng: Người bỏ thuốc độc cho Thanh Ngọc chính là mẹ nàng!

Tôi giật mình, hỏi lại:

- Sao lại có chuyện lạ thế? Hay Ngọc không phải là con của bà cụ đẻ ra?

Kỳ Phát cười:

- Lúc đầu tôi cũng như anh, ngờ thế. Song không phải: Ngọc chính là con đẻ…

Tôi ngắt lời hỏi:

- Trước hết, anh cho tôi biết vì cớ gì mà anh lại ngờ rằng chính người mẹ định hại con?

Kỳ Phát gật đầu:

- Điều ấy dễ dàng lắm. Điều thứ nhất, hung phạm phải là người trong nhà vì có thế mới biết cái lệ thường Thanh Ngọc vẫn uống cà phê buổi sáng. Mà người nhà thì có những ai? Vẻn vẹn chỉ có ba đứa đày tớ trai và hai người đày tớ gái. Hôm Thanh Ngọc quả tang bắt được người bỏ thuốc độc tay đeo găng đen thì bọn người nhà thẩy đều mỗi người bận một việc cả. Mà tại sao hung phạm lại phải đeo găng đen nhỉ? Tôi nghĩ chỉ thấy một cớ là cái bàn tay ấy, nếu để không đeo găng, Thanh Ngọc có thể nhận ra được là ai, vì thế hung phạm mới đề phòng đeo chiếc găng vào. Bà mẹ Thanh Ngọc, một người già nhất nhà, có bàn tay gân guốc và nhăn nheo, là người độc nhất có bàn tay mà Thanh Ngọc có thể nhận ra được dễ dàng. Một điều thứ hai nữa là hầu hết những tên người nhà lúc sáng đều do bà cụ cắt đặt mỗi người một việc hoặc làm ở chỗ khuất, hoặc đi nơi khác cốt để cho bà cụ dễ hành động mà thôi. Tôi không nghi ngờ gì cho Hai Lịch hết vì hắn là một người mất trí, vả lại hôm xẩy ra việc này, hắn đương ngủ mê mệt…

Tôi gật đầu:

- Tôi còn nhớ, trước Thanh Ngọc có nói vì muốn cho Hai Lịch đêm khỏi lên cơn, Ngọc vẫn cho Hai Lịch uống thuốc ngủ đều đều…

Ngừng một lát, tôi lại hỏi:

- Nhưng vì cớ gì mà bà mẹ lại có ý muốn ám hại con?

Kỳ Phát gật đầu:

- Điều ấy, thú thực rằng chưa biết được rõ ràng. Nhưng cứ ý tôi phỏng đoán thì bà hành động như vậy là có ý muốn giúp cho Ngọc cái gì…

Tôi mỉm cười:

- Tôi chưa thấy đời thuở nhà ai giúp mà lại… cho uống thuốc độc!

Kỳ Phát gật đầu:

- Kể cũng khó hiểu thực, nhưng hoặc là bà cụ chỉ muốn cho Ngọc ốm nặng thôi? Vì thế cho nên cụ mới cho Ngọc uống dần dần thuốc độc không đến nỗi nguy hiểm đến tính mệnh?

Tôi ngẫm nghĩ một lát, lại hỏi:

- Nhưng tại sao bà cụ lại muốn Thanh Ngọc lấy chồng, bất cứ lấy ai cũng được!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Đó cũng vẫn còn là một điều bí mật. Nhưng tôi chắc có liên lạc tới vụ này, bởi vậy cho nên tôi mới quyết ý làm cho việc dồn dập tới. Nghe được tin ngày mai đây tôi sẽ cưới Thanh Ngọc, vậy chắc bọn hung phạm cũng phải thi hành gấp mưu kế nội trong đêm nay. May ra trong lúc vội vàng chưa xếp đặt được quy củ, chúng ta sẽ nhân đó mà khám phá ra được hẳn vụ này.

Vén tay áo xem đồng hồ, Kỳ Phát tiếp:

- Thôi, bây giờ chúng ta lên nhà Thanh Ngọc thì vừa!

Tôi hỏi:

- Muốn để khỏi xẩy ra sự bất ngờ đến nỗi lỡ việc, anh cần phải dặn tôi kỹ lưỡng mọi việc phải làm!

Kỳ Phát nghĩ một lát rồi nói:

- Chúng ta cũng chưa đoán trước được việc xẩy ra như thế nào mà sắp đặt trước được. Có một điều mà tôi biết chắc là bọn gian đến đấy tất phải có vài ba người. Tôi sẽ giao cho anh cái trách nhiệm là sau khi để mặc tôi theo một tên đứng đầu hành động, anh phải làm bất cứ cách gì để ngăn cản cho những tên đi phụ lực không thể đến phò cứu được tên kia. Và tôi xin nói trước để anh biết rằng công việc ấy có thể nguy hiểm đến tính mệnh.

Tôi cười vỗ vai Kỳ Phát:

- Tôi tuy không có tài trinh thám, song anh có thấy tôi vì sợ nguy hiểm mà không dám đi theo anh bao giờ không?

Muốn cho khỏi tiết lộ công việc hành động, chúng tôi lên tới nhà Thanh Ngọc, dùng chìa khóa riêng mở cửa vào trong vườn. Dẫn tôi đi chỉ bảo địa thế và mọi cách xử sự, Kỳ Phát tiếp:

- Còn tôi thì đợi ở đây, tức là một chỗ gần nhất có thể lên được ngay hoặc phòng Thanh Ngọc hoặc phòng bà cụ đẻ ra nàng.

Tôi sực nhớ bỗng hỏi:

- À, tôi vừa rồi còn quên chưa hỏi anh một điều: Tại sao anh lại biết cái dải lụa kẻ gian đã dùng để hại mạng Hai Lịch lại có bẩy vòng tròn và dài ba vuông?

Kỳ Phát nói:

- Ẩy, chính là lúc Ngọc nói Hai Lịch bị giết do người thắt cổ tôi mới sực nghĩ ra mà hỏi bừa đi đó thôi. Vậy anh không nhớ câu hát của Hai Lịch ư? “Hết đời cũng được ba vuông bẩy tròn.” Lúc chết chẳng phải là lúc hết đời của Hai Lịch ư?

Trước khi đi tới chỗ đã định sẵn, Kỳ Phát trân trọng giơ tay ra bắt tay tôi. Anh cố mỉm cười mà bảo:

- Chúng ta mong rằng lần bắt tay này chẳng phải là lần vĩnh biệt!

Cử chỉ khác thường của Kỳ Phát làm cho tôi tự nhiên thấy lòng bàng hoàng lo sợ. Đứng nấp sau một bụi cây nhỏ, có thể đưa mắt nhìn đủ bốn góc vườn, tôi thấy cảnh nhà này trong đêm như đượm bao vẻ âm u bí mật. Trong một gian phòng trên gác tôi thấy vẫn còn ánh đèn sáng, trong khi các phòng khác đều đã tắt đèn đi ngủ. Tôi đoán chắc đó là phòng đặt thi hài Hai Lịch. Tưởng tượng đến con người đã từng phong trần mạo hiểm sống trong nghề buôn lậu bao năm, nay cũng phải buông xuôi tay sau một cơn điên dữ dội và do ba vuông lụa bí mật của kẻ thù, tôi thấy đời Hai Lịch thực đáng tiếc thương, ân hận. Tiếng gió trong vườn thổi xào xạc vòm cây, vầng trăng lưỡi liềm bắt đầu lên cao nhưng không đủ ánh sáng cho trông thấy rõ mặt người cách xa ngoài mười thước. Tôi đứng sát vào bụi cây, trong tay nắm chắc chiếc ba toong. Tai tôi chốc chốc lại như văng vẳng có tiếng người hát nghêu ngao: “Chết thời chẳng chết cho yên. Hết đời cũng được ba vuông bẩy tròn!” Không hiểu đó có phải là tiếng ai hát thực không hay là chỉ vì tôi lúc nào cũng nghĩ ngợi đến câu hát bí mật ấy nên tưởng tượng ra đó thôi.

Sực nhớ đến Kỳ Phát, tôi để ý tìm chàng trong bóng tối lờ mờ. Phát vẫn đứng nguyên chỗ cũ, toàn thân không động đậy, chỉ chốc chốc khẽ nghiêng đầu chầm chậm quay nhìn bốn phía mà thôi.

Thời giờ vẫn qua đều.

Tôi đợi lâu không thấy gì lạ cả, chán nản quá, mấy lần định rón rén đến cạnh Kỳ Phát hỏi han mấy câu cho đỡ sốt ruột, nhưng nghĩ đến sự quan trọng của đêm nay, nhỡ nhàng một chút có thể hỏng hết việc nên lại thôi không dám đến gần.

Có suy tính như thế cũng hay vì chỉ mấy phút sau, bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng mấy con chó gầm gừ. Chúng hình như ngửi thấy mùi gì là lạ. Rồi mấy tiếng “soạt” tiếp liền nhau. Một con chó cắn lên vài tiếng nhưng lại yên ngay. Tiếng “soạt” đó là do mấy vật gì người ngoài mới ném vào, làm cho bọn chó đánh hơi xúm xít chạy lại. Sợ mấy con vật ăn phải bả độc, tôi vừa định ngồi xuống vỗ tay khe khẽ xuống mặt đất để gọi chó lại, nhưng đứng đằng xa như đoán biết ý định của tôi, Kỳ Phát đã lắc tay ra hiệu và khẽ chỉ tay về một phía góc vườn…

Mấy con chó xúm ăn tỏ vẻ ngon lành lắm. Ăn xong, chúng đều nằm dài mà nhá những mảnh vải bọc, hình như không còn muốn để ý gì đến những việc ở chung quanh nữa. Nhưng nhìn theo tay Kỳ Phát trỏ, tôi thấy rõ ràng ở phía ấy có ba người len lén đi lại. Họ đều mặc quần áo mầu vàng sẫm, chân vận giầy vải đen, đi nhẹ nhàng không một tiếng động.

Tới gần phía cửa vào nhà, cả ba cùng đứng lại nghe ngóng. Họ xúm đầu lại như bàn tán gì với nhau rất nhỏ, rồi một người rút một chiếc chìa khóa ra, tra vào lỗ khóa, loay hoay mất chừng vài phút thì mở được cửa. Trong khi ấy, hai người kia đã lùi bước chia ra gác mỗi người một phía.

Tôi suy tính thấy khó hành động cách nào ngăn cản được cả hai tên này cùng một lúc. Tôi đành liếc tìm Kỳ Phát xem may ra anh có ra hiệu cho tôi biết đường mà xử trí hay không, nhưng tìm đến Phát thì đã không thấy bóng chàng đâu nữa rồi, có lẽ từ lúc bọn ba người bí mật chưa đến chỗ chúng tôi thì Phát đã lẻn ra chẹn trước một lối nào đó rồi.

Tôi đành phải đứng nguyên đó, tay lăm lăm cầm chặt chiếc ba toong, chỉ đợi nếu trên gác có động là lập tức xông ra, không chừng mà tôi sẽ nhằm lúc xuất phát bất ý hạ ngay một tên đã rồi sau đó sẽ đánh tên kia…

Có lẽ cái khoảng thời gian tôi đứng đợi cũng không lâu gì cho lắm, nhưng trong lúc nghiêm trọng ấy thì một phút cũng dài thành một tiếng đồng hồ… Liếc nhìn tôi vẫn thấy hai người kia đứng yên, dựa sát vào hai gốc cây. Nếu không phải là người đã biết có họ nấp đó từ trước thì dù có tới gần họ chừng vài thước cũng không biết có người đứng đó.

Việc đến lúc xẩy ra thì lại nhanh chóng quá. Tiếng kêu đầu tiên, chính là tiếng Ngọc. Tiếp đó, tôi thấy tiếng Kỳ Phát quát: “Ngọc đừng sợ, có Phát ở đây!” Rồi đèn trong phòng Ngọc bật sáng, tôi trông thấy rõ ràng bóng hung phạm chạy trước, Kỳ Phát và Thanh Ngọc cùng đuổi theo sau. Nhưng chưa được ba bước thì tôi thấy Ngọc ngã. Kỳ Phát không ham đuổi, dừng lại đỡ Ngọc. Nhưng từ một phòng bên, tôi đã thấy bóng một người thứ tư chạy ra. Người ấy vụt đuổi theo hung phạm xuống phía cầu thang bên gian nhà để ô tô…

Ngay lúc đó, tên đồng phạm đứng dưới len lén bước, định ra chỗ đầu cầu thang để cứu bạn, song không may cho hắn vừa đến đúng tầm gậy của tôi, thì tôi đã giơ cao ba toong vụt cho hắn một cứ rất mạnh ngang đầu gối. Hắn chỉ kịp kêu được có một tiếng thì ngã gục. Tên đồng phạm thứ hai lúc này đã xông đến. Hắn chỉ có một con dao nhọn ngắn nên tôi cậy có chiếc gậy dài hơn, hăng hái xông thẳng vào định cho tên này chung một số phận với tên kia… Nhưng có lẽ biết thế nguy, hắn đã lén rút trong túi ra một chiếc lọ nhỏ, ném thẳng vào phía trước mặt tôi. Lọ đó rơi cách chỗ tôi chừng một thước, vỡ tan, bắn tóe ra một thứ nước gì mà khi lan tới đất đã bốc lên một thứ hơi trắng đục.

Tự nhiên, tôi thấy choáng váng ngây ngất như người say rượu, lảo đảo chân đứng không vững nữa. Biết đã bị trúng hơi độc, tôi không dám ham đánh nữa, vội vàng rảo chạy lùi lại phía sau và rút mùi soa ra bịt mũi và miệng. Trong khi ấy, tên kia đã đến, cõng xốc đồng bạn lên vai, lẻn chạy ra phía ngoài vườn…

Tôi trông thấy rõ ràng cả mọi sự, nhưng không dám đứng lên vì biết rằng hễ đứng là ngã. Sau đó, tôi lại còn trông thấy rõ cả chính tên hung phạm, vừa ở trên cầu thang chạy xuống, cùng một người đuổi theo sau. Người đó là một bà cụ già: chính là mẹ Thanh Ngọc vậy.

Không hiểu lúc này có một sức mạnh gì ủng hộ mà bà cụ chạy nhanh thế, tay lăm lăm cầm một con dao nhọn, kiểu dao đi rừng của dân thổ mà tôi có thấy treo mấy đôi ở trong phòng khách.

Vượt qua chỗ tôi được chừng sáu bẩy thước thì hung phạm bị bà cụ đuổi theo kịp. Dang thẳng cánh tay, bà cụ vung dao chém phạt xuống, miệng rít:

- Này, cho chết!

Hung phạm không kịp tránh bị trúng nhát dao nơi đầu vai, máu tươi chảy ra nhỏ giọt. Hăng tiết, hắn lập tức quay ngay lại, xông tới đánh bà cụ. Chỉ trong chốc lát, cả hai như một đôi thú dữ, kịch liệt vật lộn trên đám cỏ. Không làm sao đứng dậy để ứng cứu được, tôi đành lấy hết hơi sức gọi Kỳ Phát. Phải gọi mấy tiếng, tôi mới nghe thấy tiếng Kỳ Phát thưa. Chàng đứng ở đầu bao lơn, cầm đèn bấm rọi xuống, khi trông thấy rõ cuộc đánh lộn mới vội vàng chạy xuống. Nhưng có lẽ chàng mới xuống được chừng ba bậc cầu thang tôi đã nghe thấy tiếng bà cụ kêu thét:

- Thôi chết rồi!

Nhưng cũng ngay lúc đó, bà cụ vùng gỡ ra được và trong khi hung phạm chưa ngồi được dậy thì bà cụ đã vung dao đâm chém tới tấp vào kẻ địch. Có lẽ bà cụ trong cơn hăng máu còn băm vằm thêm nữa nếu không có Kỳ Phát xuống tới nơi, soi đèn bảo:

- Bà hãy ngừng tay, nó đã chết rồi!

Bà cụ thở mạnh buông con dao đẫm máu xuống đất. Bà hằn học nhìn kẻ thù đã bị hạ, hai mắt đỏ ngầu, như một người điên. Bà cụ rùng mình khi nghe thấy Kỳ Phát lễ phép giục:

- Thôi, mọi việc xin bà để mặc con… Bà hãy lên thay quần áo rồi đi nghỉ kẻo mệt!

Cũng không trả lời làm sao cả, bà cụ chỉ trừng mắt nhìn xác kẻ thù, rồi lại nhìn Kỳ Phát, cuối cùng lảo đảo vịn tay, lần bước lên cầu thang. Thanh Ngọc lúc này cũng đã tỉnh táo hẳn, đứng trên cầu thang hỏi:

- Chết chửa, mẹ làm sao thế?

Bà cụ chỉ trả lời vắn tắt:

- Không sao cả!

Kỳ Phát vội dặn với:

- Em hãy đỡ mẹ đi rửa chân tay, thay quần áo rồi đặt nằm nghỉ. Anh sẽ lên ngay!

Rồi chàng đến cạnh tôi, hỏi:

- Anh làm sao, bị thương à?

Khi biết tôi chỉ bị trúng hơi độc, Kỳ Phát lập tức chạy ra máy nước, dùng khăn tay thấm ướt, mang lại đắp lên mặt cho tôi. Làm như vậy mấy lần tôi đã tỉnh hẳn, đứng dậy, lắc đầu, nói:

- Bọn này ghê thực, không biết chúng dùng thứ thuốc gì mà lợi hại quá!

Kỳ Phát nói:

- Chắc cũng là một thứ thuốc mê gì đó. Anh nên biết rằng chúng không thiếu gì thứ đề phòng kẻ đuổi theo vì làm nghề buôn thuốc phiện lậu thì lúc nào mà chẳng ngay ngáy sợ nhân viên Thương chính đón bắt!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Thế tên này cũng là bạn đồng nghề với Thanh Ngọc?

Kỳ Phát nói:

- Tất phải là như thế! Để tôi thử xem trong người hắn có mang theo giấy tờ căn cước gì không?

Trong khi tôi cầm đèn soi thì Kỳ Phát cúi xuống lục lọi khắp người hung phạm. Các túi không có đựng giấy tờ gì cả. Đồ vật thì chỉ có một chùm chìa khóa, một con dao con và một bao thuốc lá mà thôi. Nhưng đến lúc nhìn quá ra chung quanh, Kỳ Phát nhặt được một vật tròn tròn như một chiếc ống, một phần nửa thì bằng kền, một nửa thì bằng thủy tính. Cầm lên xem rất cẩn thận, Kỳ Phát khẽ ấn vào một đầu ống thì thấy từ trong lỗ nhỏ ở đầu ống lòi ra một mũi kim tiêm dài. Ấn quá chút nữa, Kỳ Phát chỉ thấy rỏ xuống đất một vài giọt nước trắng đục. Cau mày nghĩ ngợi giây lát, Kỳ Phát lộ vẻ lo lắng, bảo tôi:

- Chúng ta phải lên xem bà mẹ Thanh Ngọc có làm sao không đã!

Chúng tôi lên gác vừa mới vào buồng đã thấy Thanh Ngọc nói:

- Các anh lên vừa may, em lo sợ quá vì không biết mẹ em làm sao lại cứ trừng mắt lên thế này!

Thanh Ngọc nói đúng, cặp mắt của bà cụ lúc đó làm cho bất cứ một ai cũng phải sợ, nó như tia ra lửa, phun ra máu. Hơi thở thì mạnh và giật từng cơn. Hai hàm răng thì nghiến chặt, đôi tay thì run bắn.

Trông Thanh Ngọc lúc đó thực đáng thương. Nàng ôm ngang lưng đỡ mẹ, một tay thì vuốt ngực cho xuôi:

- Mẹ ơi, mẹ làm sao thể? Mẹ có nhận ra con không?

Bà cụ chỉ đưa mắt ngầu đỏ hằn học nhìn khắp mọi người… Thanh Ngọc cuống quýt hỏi:

- Anh Kỳ Phát, em chết mất, làm sao được bây giờ?

Nhưng Kỳ Phát chỉ đứng sững, nghiến răng như muốn cố đè nén hết thẩy mọi nguồn xúc cảm trong lòng. Tôi bàn:

- Hay là anh đứng đây, đế tôi gọi đốc tờ!

Kỳ Phát lắc đầu, thở dài, nói nhỏ:

- Vô ích, chậm mất rồi!

Rồi như sợ Thanh Ngọc nghe tiếng, thất vọng quá, Kỳ Phát nói to:

- Để tôi cứ tiêm cho bà cụ một phát thuốc ngủ xem sao đã!

Sửa soạn xong xuôi, Kỳ Phát ra hiệu cho tôi và Thanh Ngọc. Chúng tôi cùng nắm chặt lấy bà cụ trong khi Kỳ Phát tiêm thuốc. Bà cụ kêu thét, giãy giụa, nhưng Kỳ Phát cũng đã tiêm xong rồi!

Mấy phút sau, bà cụ như tỉnh dần, hơi thở đều hơn và mắt đỡ ngầu đỏ.

Và cuối cùng thì cái nhìn dịu hẳn lại.

Thanh Ngọc mừng rỡ hỏi:

- Mẹ tỉnh rồi chứ? Mẹ nhận ra con chứ?

Bà cụ khẽ gật đầu, ứa nước mắt, hết nhìn con lại nhìn chúng tôi… Và nho nhỏ, bà cụ bảo Kỳ Phát:

- Ông Kỳ Phát, tôi xin nhờ ông…

Kỳ Phát đã tiến đến gần, nói:

- Thưa bà, mọi việc con đã hiểu rõ rồi… xin bà cứ tín cậy ở con!

Bà cụ mỉm cười lộ vẻ sung sướng… Nhưng chưa kịp nói cảm ơn một tiếng, hai tay bà cụ đã bắt đầu lại run, mắt lại dần dần ngầu đỏ… Đẩy mạnh tay Thanh Ngọc, bà cụ thét:

- Buông ra con!

Bị đẩy mạnh, Thanh Ngọc suýt ngã chúi, may Kỳ Phát vừa đỡ kịp. Chúng tôi cùng ngạc nhiên khi thấy bà cụ sấn sổ đến chiếc tủ chè, giơ nắm tay đấm vỡ cửa kính cho nhanh, rồi vớ lấy một lọ nhỏ mầu hung hung đỏ. Thở hồng hộc, bà cụ cố giữ cho tay khỏi run bắn, mở kỳ được chiếc nút lọ ra…

Và bà cụ giơ lọ lên miệng.

Tôi và Thanh Ngọc đoán chắc có sự nguy hiểm, vội vàng xông đến toan cản lại, nhưng chúng tôi đều đã bị Kỳ Phát mỗi tay nắm mỗi người giữ cứng chắc lại. Thanh Ngọc như điên cuồng, kêu thét:

- Anh Kỳ Phát, có buông ra không?

Không thể gỡ nổi tay Phát, Ngọc cúi xuống cắn một miếng vào tay chàng làm cho Phát phải buông ra, nhưng cũng chậm mất rồi, bà cụ đã uống hết lọ thuốc… Và ba phút sau, bà cụ không thở mạnh nữa, hai mắt cũng không ngầu đỏ nữa, dịu dần đi, cho đến lúc tia mắt tắt hẳn, và ngực cũng ngừng thở…

Thanh Ngọc xỉa xói vào mặt Kỳ Phát:

- Anh đã giết mẹ tôi!

Kỳ Phát đau đớn, lắc đầu. Chàng dần dần tiến đến cạnh Thanh Ngọc, trong lúc trên khóe mắt cũng chảy dần hai giọt lệ. Không nói thêm một lời, chàng chỉ đưa cho Thanh Ngọc xem cái ống tròn kỳ dị nhặt được ở cạnh xác hung phạm và chỉ cho nàng thấy một vết tròn, như vết kim tiêm, ở ngay cổ bà cụ, lúc này vẫn còn rớm máu, nhưng chung quanh đã đỏ quầng, sưng mọng.

Tôi hiểu ý, an ủi Thanh Ngọc:

- Đó là Kỳ Phát chỉ muốn làm theo ý muốn của cụ. Phát tiêm của hung phạm mạnh quá, chạy thẳng lên óc và đã làm cho cụ phát điên… nhờ có mũi thuốc ngủ tỉnh ra, cụ đã dùng thuốc độc mà tự tử. Như vậy thì ít nhất cũng tránh được cái khổ sở lúc cơn điên phát lên dữ dội như lúc ông Hai Lịch sắp mất hôm vừa rồi!

Kỳ Phát đọc xong bức thư, lơ đãng bỏ xuống bàn, rồi mỉm một nụ cười đau đớn bảo tôi rằng:

- Nếu bức thư này của ông Hai Lịch đến tay ta trước sáu giờ tối qua thì biết đâu chúng ta chẳng cứu được bà mẹ Thanh Ngọc. Âu đó cũng là một số mệnh!

Ngừng một lát, Kỳ Phát tiếp:

- Tóm lại tất cả mọi điều trong vụ này, tôi đều đoán biết từ trước, trừ mấy câu hát kỳ dị mà có lần tôi đã ngờ bảo anh rằng không hiểu tại sao lại không ăn vần với nhau như thế. Tôi đã hết sức tìm hỏi, có kẻ bảo cho tôi biết rằng câu ấy hình như là một câu trong bản quy định của đảng Thất Viên, một đảng buôn lậu rất lớn, tổ chức có quy củ, lấy bẩy vòng tròn làm dấu hiệu nhận nhau. Nhưng toàn bản quy định ấy thế nào, bắt buộc đảng viên phải theo những điều kiện gì thì không một ai biết rõ. Có lẽ vì lệnh đảng rất nghiêm nên đảng viên không một ai dám lộ ra ngoài. Mà cho đến bây giờ nhờ có Hai Lịch, chúng ta cũng chỉ biết bốn câu vẻn vẹn:

Chết thời chẳng chết cho yên,
Một nhà ba kẻ phát điên, phát cuồng,
Ai mà lòng thú dạ muông,
Hết đời cũng được ba vuông bẩy tròn.

Tôi nghe Kỳ Phát đọc bốn câu quái gở mà thấy rờn rợn cả người vì sực nhớ lại cái giọng nghêu ngao của Hai Lịch trước đây… Tôi hỏi:

- Có lẽ những câu này cốt để cảnh cáo cho những kẻ có lòng phản trắc?

Kỳ Phát gật đầu:

- Đúng thế, đây chính là cách trừng phạt của đảng Thất Viên. Hai Lịch có cho chúng ta biết rằng mỗi khi có một đảng viên manh tâm phản trắc thì hắn và hai người trong dòng máu hắn nữa sẽ bị tiêm một thứ nọc, không rõ là nọc rắn độc hay nọc chó dại. Lẽ định rằng cứ một người phát điên cho tới thời kỳ cuối cùng, bệnh nổi dữ dội nhất thì đảng sẽ phái người đến thắt cổ cho chết và trước đó mấy ngày, người thứ hai đã bị tiêm nọc độc rồi. Khởi từ ông bố Thanh Ngọc, tiếp đến Hai Lịch, cả hai đều bị đảng trừng phạt đúng như luật định. Nhưng còn người thứ ba? Bà mẹ Thanh Ngọc sợ thay cho số phận của con mình mà không có cách nào cứu thoát. Sau cùng vì lòng thương con quá lớn, bà cụ dùng đến phương sách cuối cùng là cho con uống dần dần thuốc độc để cho thoát khỏi cái hình phạt ghê gớm kia.

Tôi ngắt lời, hỏi:

- Nhưng tại sao bà cụ lại muốn cho Thanh Ngọc lấy chồng?

Kỳ Phát trả lời:

- Trong thư Hai Lịch không nói gì tới điều đó, song ta có thể đoán ra rằng chắc luật có định rằng khi người con gái dòng máu phản trắc kia đã lấy chồng, tức là theo dòng họ người chồng thì sẽ không phải chịu hình phạt kia nữa. Đây cũng lại là một cách mẹ Thanh Ngọc muốn hy sinh, vì lẽ tự nhiên người thứ ba bị hình phạt thế tất phải là chính bà: một người thân tình nhất của kẻ phản trắc tuy không thuộc cùng dòng máu. Có lẽ đã biết rõ ý định này nên đảng Thất Viên nhất quyết thi hành đúng luật trước ngày cưới Thanh Ngọc, nhưng họ không ngờ rằng chúng ta cũng nhất quyết phá âm mưu của họ. Trong lúc nôn nóng muốn cứu con, bà cụ đã liều thân giết kẻ đã được đảng sai đi hành động. Người này cần phải tự vệ nên đã phải dùng ống thuốc nọc độc kia tiêm vào bà cụ, những tưởng rằng nọc đó sẽ làm cho bà cụ chết ngay… Nhưng không ngờ bà cụ còn đủ sức hạ kẻ thù, sau đó đã uống thuốc độc quyên sinh như chúng ta biết.

Tôi nghe chỉ thở dài, Kỳ Phát hỏi:

- Ý chắc anh nghĩ thương cho Thanh Ngọc?

Tôi buồn rầu trả lời:

- Và thương cả cho số phận anh nữa!

Kỳ Phát mỉm cười đau đớn, bảo tôi rằng:

- Đã gọi là số phận thì cũng chẳng đáng nên thương! Có một điều phàn nàn là đám cưới Kỳ Phát đáng lẽ phải là một việc vui mừng, rút cục chỉ là hai đám tang thương!

Tôi hỏi:

- Nhưng còn Thanh Ngọc?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Bây giờ không còn phải lo ngại gì cho nàng nữa: luật của đảng Thất Viên đã định ba người trong dòng họ phản trắc phải bị trừng phạt thì tính ra cũng đủ ba người rồi còn gì nữa?

Tôi lắc đầu:

- Không, tôi muốn hỏi: Còn việc anh với Thanh Ngọc thì định sao?

Kỳ Phát thở dài lắc đầu:

- Còn biết định làm sao nữa? Trong lúc Thanh Ngọc đương đau thương hết sức, ta nào có quyền được nói gì? Nghĩa là chỉ còn có một cách đợi cho thời gian dần xóa nhòa mọi việc đã xẩy ra!

Thở mạnh khói thuốc rồi nhìn theo làn khói tỏa dần lên cao, Kỳ Phát gật gù lẩm bẩm, chẳng biết chàng nói cho tôi nghe hay chàng tự an ủi lòng mình:

- Phải, chỉ có thời gian mới làm quên dần những nỗi đau thương đi được!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét