Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

BÁT CƠM SIẾU MẪU







BÁT CƠM SIẾU MẪU

Phạm Cao Củng

Năm ấy, tỉnh Hồ Bắc phải chịu một nạn đói ghê gớm, đấy là một thiên tai tệ hại nhất, trong số ba “nạn giời” mà các nhà du lịch thường vẫn nói: nước Tầu thường vẫn bị đe dọa luôn luôn bởi nạn thủy lao của sông Hoàng Hà, nạn dịch tả và nạn đói!

Thì năm đói ấy, tỉnh Hồ Bắc gặp nạn trầm trọng hơn cả. Toàn dân trong tỉnh phải ăn rau, ăn củ và trừ những trường hợp bất thường lắm, người ta mới dám dùng đến gạo, coi như quý chẳng kém gì châu bảo.

Khổ nhất là những người già nua tuổi tác, rụng răng, trơ lợi mà phải cố nhai những thứ rễ cây rắn như đá. Mà khổ hơn nữa, lại là lão già họ Phương.

Người ta thường vẫn gọi lão là Phương ngũ gia vì họ chỉ biết lão họ Phương và là con thứ năm trong nhà thì phải. Lão đến tỉnh Hồ Bắc này đã lâu lắm. Và cùng đến với lão là tất cả những sự chém giết gớm ghê. Vì lão chính là một tên giang hồ luân lạc, khó biết được rằng hắn đã làm tướng cướp hùng cứ những phương nào hoặc đã chịu bao nhiêu án đi đầy biệt xứ? Người ta chỉ biết rằng ngày ấy, giữa mấy huyện giáp giới địa đầu Hồ Bắc có những vụ tranh chấp đất đai ghê gớm lắm. Dân chúng đã kiện nhau chán chê, đã chửi rủa nhau hết lời và chỉ còn độc một phương cách giải quyết vấn đề tương tranh này bằng võ lực, lẽ phải tự muôn đời bao giờ cũng thuộc về phần kẻ khỏe.

Dân chúng từng cá nhân trong địa phương đánh nhau chán, lại rủ từng bè lũ gây hấn, kết quả chẳng bên nào là khỏi bị thiệt hại: kẻ bị thương, người mất mạng… Và khi đã đem ra tranh chọi hết kẻ tài ba hẳn chúng lại đi tìm kiếm những tay giang hồ võ sĩ tứ phương về đàn áp nhau, các cuộc đấu tranh mỗi lúc một thêm lớn và lan rộng…

Phương ngũ gia đến Hồ Bắc chính là vào dịp cuối cùng của cuộc hiềm khích lưu huyết này. Lão đến cùng dăm tên thủ hạ, đứa nào cũng mạnh khỏe gan dạ, thân đầy chạm trổ, đầu mặt đầy vết sẹo.

Chúng đến là do dân huyện Thanh Kỳ mời về, để đối phó với bọn giặc Ngọa long cương ghê gớm, có tài dùng dao tẩm thuốc, phóng ra trăm phát không sai một. Rồi cuộc thách thử khiêu khích bắt đầu. Bọn sáu thầy trò Phương ngũ gia há phải là những người sợ chết. Họ coi thường lưỡi dao tẩm thuốc của lũ giặc Ngọa long cương cũng như họ đã coi thường dao kiếm lợi hại của anh hùng trong thiên hạ.

Cuộc giao đấu thực là gay go. Trước tiên, họ còn biểu diễn các món tài nghệ để dọa dẫm nhau hòng đối phương thấy ghê gớm mà tự xin rút lui một cách hòa bình, trật tự. Nhưng rồi sau, bên tám lạng kẻ nửa cân, chẳng ai chịu phục ai và những trận tỉ thí bắt đầu. Họ đánh nhau đây mục đích chính chỉ là vì tiền. Nhưng họ cũng thi thố tài năng để bảo toàn danh dự. Bởi vậy cho nên mỗi một đường quyền, lưỡi kiếm của họ là một mong muốn cho địch thủ phải bại vong dù có phải chính mình thiệt mạng. Bên này có kẻ chết thì rồi bên kia cũng có kẻ thở hơi cuối cùng! Và kết cuộc thì đôi bên không còn một người nào, riêng chỉ có còn lại trơ độc một lão già họ Phương với một vết thương của dao tẩm thuốc ở trên cánh tay phải.

Đồng bọn đã mạng vong, cuộc giao tranh giữa hai địa phương hiềm khích cũng tạm thời đình chỉ… Phương ngũ gia chán nản trước cuộc kết liễu đau đớn của mình, đành ở lại đây để chữa thuốc. Cánh tay phải của lão từ nay thành ra tê liệt, cái danh tiếng bách chiến bách thắng từ thời xưa đến nay không còn đem ra dùng được việc nữa.

Con hổ xám dữ tợn của rừng thiêng từ nay đành thúc thủ ở một huyện nhỏ, với cái nghề chỉ dẫn cho dân làng tập luyện vũ nghệ. Phương ngũ lão, cũng không thể làm được một võ sư nữa, vì cánh tay bị tê liệt hẳn rồi, còn có thể biểu diễn - phải, chỉ biểu diễn thôi - quyền thuật được nữa đâu!

Nhưng thời bình trở lại, võ nghệ đối với dân làng cũng không cần thiết cho lắm nữa, người ta đua nhau học hành văn chương thi phú, và những kẻ dùng đến võ biền không ngoài mấy bọn tuần đinh có nhiệm vụ canh gác cho dân hàng huyện.

Danh vọng của Phương ngũ lão vì thế cũng mỗi ngày một xuống. Nhưng lão không phải vì thế mà không đủ sinh nhai… Lão còn có một nghề nữa mà mỗi khi ta dùng đến thì lại thuê tiền bạc lão, một số tiền lớn khả dĩ có thể chi dùng hàng năm sáu tháng.

Đó là nghề… chém người!

Các đức tính gan dạ liều lĩnh của kẻ giang hồ tứ chiếng đó là một điều không ai dám bàn cãi. Mà một cánh tay phải kia bị tê liệt không phải đã làm cho con hổ dữ hết cách hại người. Với một cánh tay trái khỏe như sắt và mạnh như chớp, Phương ngũ lão vẫn còn có thể hạ sát một cách nhanh chóng và gọn ghẽ dễ dàng. Ai có kẻ thù muốn cho về chầu tiên tổ thì hãy tìm đến lão. Với một số tiền xứng đáng, lão có thể hứa chắc chắn ngày… hạ huyệt của kẻ vô phúc trên đường đời trong lúc này, gặp lão!

Những cuộc chém giết có hiểm, thì cái mạng con người mới có giá trị. Phương ngũ lão cũng căn cứ vào cái luật thiên nhiên mà kiếm sống một cách dễ dàng.

Nhưng, như ta đã thấy, tình Hồ Bắc năm ấy lại gặp một nạn đói ghê gớm. Cái chết vì thiên tai đe dọa kinh khủng quá, đến nỗi người ta không còn nghĩ đến chém giết ai nữa mà chỉ lo giữ cho mình khỏi chết - chết đói!

Phương ngũ lão bỗng nhiên thành… thất nghiệp! Và chính lão cũng sợ hãi chưa biết rõ sinh sống bằng cách nào: lão không sợ chết gươm dao nhưng lão không khỏi ngại ngùng khi nghĩ đến cái cảnh chết lả dần dần vì dạ dày bị trống rỗng hàng tháng…

Phương ngũ lão lại khổ sở hơn nữa, vì lão năm nay đã già, hàm răng rụng gần hết, các thứ rễ cây tạm thời còn cứu sống được bọn người trai trẻ qua ngày thì lão không làm sao mà gặm được.

Lão bán dần các áo và đồ đạc.

Những thứ vô ích cho đời sống lúc này còn đáng giá được bao lăm?

Cuối cùng, lão đành bán cả mũi chủy, sắc như nước, một vật mà từ xưa đến nay, không bao giờ rời lão!

Mũi chủy ấy đã lập được nhiều chiến công oanh liệt cho Phương ngũ lão, vậy mà bây giờ mang bán cũng chẳng được bao tiền. Lão vẫn còn tiếc rẻ mọi vật đã bao năm không rời lão nên cuối cùng lão chỉ xin cầm chứ không bán đứt. Mụ già họ Tương xem ngắm mũi chủy, gật gù bảo lão Phương rằng:

- Mũi chủy này chỉ đáng giá ở cái chuôi bằng bạc chạm trổ công phu, nhưng thời này, ai dùng đến binh khí nữa. Vậy cái chuôi bạc, người ta sẽ đúc lại là làm các đồ trang sức, còn cái lưỡi kia, có tiếc thì tra thêm chiếc cán gỗ vào, dùng làm dao chọc tiết lợn thì chắc cũng tốt!

Trời ơi, lão Phương nghe mụ Tương nói dùng mũi chủy đã từng thấm máu anh hùng thiên hạ làm dao chọc tiết lợn, có khác gì Quan Vân Trường thấy người bán dùng con Xích thố để làm ngựa kéo xe…

Nhưng thời thế đã mạt anh hùng!

Việc chính lúc này không phải là đem bàn giá trị của mũi chủy, mà chỉ là điều đình cách nào cho mụ Tương bằng lòng cầm mũi chủy cao thêm được vài ba đĩnh bạc!

Đã năm ngày hôm nay, Phương ngũ lão không hề có một hạt cơm vào bụng. Ông già giang hồ ấy thấy mình khó còn cách nào sống được vì ngoài bộ quần áo lót mình, lão không còn có lấy một vật gì khả dĩ đổi lấy được một chén gạo hẩm để nấu cháo nữa.

Lão lang thang ngoài đường, giống hệt những con chó đói vô chủ, gầy gò, dơ xương sườn, xương sống. Bỗng lão chợt nghe thấy tiếng người vui vẻ hỏi:

- Phương ngũ gia đi đâu đấy?

Phương lão nhìn lại, thấy người vừa gọi mình đó chính là Lý Sinh, anh chàng bán hàng tơ lụa. Lý Sinh vốn là con nhà gia thế, trước kia đã theo học và đã nổi tiếng là một nho sinh có văn tài. Nhưng mấy cơn bạo bệnh liên tiếp đến làm cho Lý Sinh bỗng trở nên ốm yếu, người gầy nhom, trí nhớ kém cỏi, hai mắt mờ quáng, gân tay run rẩy, không thể theo học được nữa. Thực là một tai hại cho nhà họ Lý vì từ xưa đến nay, ai cũng biết dòng dõi Lý gia thế phiệt trâm anh, không năm nào mở khoa thi mà không có người thi đậu bảng vàng…

Không có sức khỏe để theo học, Lý Sinh đành phải bỏ bút nghiên mà trở về theo nghề của mẹ là nghề buôn vóc lụa. Cũng vì yếu ớt mà trong năm đói, tuy buôn bán thua lỗ, Lý Sinh cũng vẫn phải ăn com, ăn mỗi bữa một bát để cầm hơi thôi, chứ không thể nào ăn rễ, ăn củ được.

Lúc ấy, Lý Sinh đương sửa soạn ăn cơm… Chàng vui vẻ mời Phương lão:

- Lão trượng hãy vào đây xơi chén trà nóng đã!

Phương lão bước vào hàng… Hơi cơm nóng thơm ngát làm cho Phương lão như tỉnh táo hẳn lên. Lý Sinh hỏi:

- Lão trượng độ này phát tài chứ? Người đã dùng cơm chưa?

Phương lão thở dài:

- Trong năm đói này, người ta chẳng cần giết ai nữa, vì cứ để nguyên cũng đủ chết đói rồi…

Phương lão không nói dối… Vì chính lão lúc này đói quá, cũng đã hoa mắt, lao đao suýt ngã gục xuống nếu không kịp với tay vịn được vào thành trường kỷ.

Lý Sinh hình như hiểu ý vội vàng nói:

- Chắc người đi chơi sớm, chưa kịp dùng cơm, và tiện đây hãy xin ăn một bát cho vui…

Phương lão hết lời từ chối nhưng Lý Sinh nhất định xới cơm và ép nài. Cầm lấy đĩa cơm, Phương lão ngần ngại:

- Nhưng còn tiên sinh?

- Xin lão trượng đừng ngại, vãn sinh vừa mới xong rồi, bát hãy còn để kia!

Nhìn theo tay chỏ của Lý Sinh, Phương lão trông thấy trong gầm tủ hàng có úp một chiếc bát thực, Phương lão cám ơn rồi ăn cơm… Nguồn sinh lực như trở lại với con người đã năm, sáu ngày chưa có hột cơm nào vào bụng. Lý Sinh nhìn ông già ăn một cách ngon lành bỗng thở dài:

- Ông trời sinh ra mạnh khỏe như lão trượng cũng là một hạnh phúc không gì bì được!

Phương lão ngừng tay đũa, mỉm cười:

- Khỏe mạnh vũ dũng như lão cũng chẳng gì! Vẫn chết đói, thì yếu ớt ngay như tiên sinh lại còn hơn.

Lý Sinh lắc đầu… Một lát chàng mới nói:

- Vãn sinh nói như thế là vì trong đời vãn sinh đã bị một cái nhục vô cùng nhục mà không làm gì được chỉ vì yếu ớt. Hôm ấy, vào buổi chợ, tên hung đồ Hoàng Mãnh vào cửa hàng cửa vãn sinh hỏi mua hàng, chỉ toàn mua rẻ, vãn sinh không bán cho hắn nên hắn tức tối hất cả chồng tơ lụa xuống đất rồi sỉ nhục vãn sinh rằng: “Mi tưởng còn cao quý lắm ư? Là con nhà văn học mà bây giờ phải ngồi bán hàng đầu chợ thế này, chẳng phải đó là kết quả nghiệp chướng nhà họ Lý bạc ác bất nhân lắm đó sao?” Bị sỉ nhục và bêu riếu tổ tôn, vãn sinh tức chết đi được, đứng dậy toan đánh Hoàng Mãnh nhưng hắn đã gạt tay nhẹ một cái làm cho vãn sinh ngã bò lăn ra đất, trong khi Hoàng Mãnh cười kiêu hãnh bỏ đi…

Phương lão lúc này đã ăn xong, đặt bát xuống và đỡ lấy chén trà Lý Sinh vừa pha đưa mời… Phương lão dọn bát đũa thì Lý Sinh vội nói:

- Thôi lão trượng cứ để mặc vãn sinh thu dọn.

Nhưng Phương lão không nghe… với tay lấy chiếc bát úp dưới gầm tủ hàng toan chồng cả vào nhau rồi mang đi rửa. Ngạc nhiên hết sức, Phương lão thấy chiếc bát rếch mà Lý Sinh nói vừa mới ăn rồi bỏ vào đó vẫn sạch nguyên, tỏ rõ Lý Sinh đã nói dối, chàng đã nhịn ăn mà đãi khách.

Bát cơm Siếu Mẫu lúc này thực đáng giá nghìn vàng…

Phương ngũ lão như có vẻ suy nghĩ nhiều lắm. Con người giang hồ tóc bạc đã nhận thấy mình đã chịu một cái ơn quá nặng.

Từ cửa hàng họ Lý ra, Phương ngũ gia đến thẳng ngay nhà mụ Tương. Thấy lão hỏi đến mũi chủy còn để đấy hay đã đem bán, mụ Tương thở dài trả lời:

- Thời đói kém này, người ta cần ăn hơn chơi nên mũi chủy của lão trượng đã bầy chán chê cũng chẳng có anh đồ tể nào hỏi mua, tôi lại vất ở xó hòm kia!

Phương lão nằn nì xin mụ Tương cho mượn lại mũi chủy trong một buổi thôi rồi cam đoan lại mang trả. Mụ Tương biết Phương lão nói không sai lời bao giờ nên bằng lòng cho mượn. Cầm mũi chủy thân mến trong tay, Phương ngũ gia thấy sung sướng như một người mẹ đi vắng lâu ngày mới được trở về bồng bế con yêu…

Rồi lão bỏ mũi chủy vào trong tay áo, thẳng lối ra Đông môn. Gặp Hoàng Mãnh đương ngồi uống rượu trong một hàng thịt chó, Phương ngũ gia ung dung bảo:

- Lão muốn gặp ngài nói chuyện riêng một phút ngay bây giờ!

Hoàng Mãnh nhìn dáng điệu lão Phương, đoán biết thế nào cũng có sự không hay nên liếc mắt ra hiệu cho một thằng bé con tay xách giỏ nhãn đứng gần đó. Thằng bé hiểu ý, bước đến gần Hoàng Mãnh, giơ giỏ nhãn mời:

- Xin mời ngài, hãy mua giúp cho tôi chùm nhãn, ăn cho khỏi tanh miệng!

Hoàng Mãnh thò tay lấy chùm nhãn. Nhưng cùng một lúc hắn cũng lấy cả khẩu súng lục liên giấu ở trong giỏ, rồi nhanh nhẹn bỏ súng vào túi áo mình. Ngoảnh nhìn Phương lão, Hoàng Mãnh hỏi:

- Xin lão trượng đi trước, tôi sẵn sàng đi theo nghe chuyện…

Phương ngũ gia bước ra khỏi hàng thịt chó, rồi đứng lại. Ung dung, Phương lão nói:

- Hoàng Mãnh hẳn nhớ trước đây đã có lần sỉ nhục Lý Sinh… Vậy hôm nay ta đến đây gặp ngươi để trả thù ấy!

Chưa nói dứt lời, nhanh như chớp mũi chủy đã tung ra, Hoàng Mãnh ngã gục xuống. Nhưng trước khi tắt thở, hắn còn kịp thu hết tàn lực rút súng nhằm bắn theo Phương lão liền ba phát…

Phương lão trúng đạn, cố gắng lảo đảo về đến nhà Lý Sinh thì gục xuống. Kẻ giang hồ tóc bạc chỉ còn kịp dặn lại một câu:

- Tiên sinh nhớ mang giả ngay mũi chủy cho mụ Tương, không có mụ thấy lâu lại tưởng lão sai lời hứa!


----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét