Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

NHÀ SƯ THỌT

 


NHÀ SƯ THỌT

Phạm Cao Củng

1

MỘT ANH TRỘM
KHÔNG GẶP VẬN

 

Kỳ Phát vặn khóa, mở cửa vào trong buồng.

Chàng nhìn quanh quẩn, đến bên chiếc giường chăn ga còn phẳng nguyên, mở tủ thấy tầng dưới không còn chiếc va ly nữa thì càu nhàu, lẩm bẩm:

- Cóc khô, cóc khô! Thằng cha lại đi vắng rồi, mà chẳng biết mấy ngày nữa mới về đây!

Nhưng Kỳ Phát cũng cởi bỏ áo ngoài, vắt vào lưng ghế, cắm quạt điện, rồi phàn nàn một mình:

- Được ngày về thăm bạn thì bố lại đi vắng, chán quá!

Nhưng Kỳ Phát bỗng với tay lấy mẩu giấy đè dưới chiếc gạt tàn thuốc lá, để trên bàn:

- Anh chàng để di chúc gì lại đây! À… “Anh Kỳ Phát, tôi đi có việc cho nhà báo, sáng mai mới về. Anh cứ ở lại chơi tự nhiên, trong tủ còn nhiều cà phê, anh đun nước đèn cồn mà pha. Ngăn tủ bên trái còn chai Rhum đấy!

Kỳ Phát gật gù:

- Dưới chỗ đề ngày tháng, anh chàng đã chữa đi ba bận, tỏ ra rằng trong tháng này, anh đã đi xa ba lần rồi, và lần nào cũng cẩn thận để giấy lại cho mình. Và chắc bây giờ giấy cao, chàng hà tiện giấy: viết giấy để lại mà mình không về thì để lần khác dùng chỉ chữa có ngày tháng đi thôi!

Kỳ Phát liếc nhìn lên ảnh bạn trên tường, mỉm cười, có lẽ đã thầm cảm ơn một người bạn tốt, lúc nào cũng nhớ và săn sóc đến mình mặc dầu sau khi đau đớn vì Cúc chết, đã ra đi và chẳng hẹn ngày về… (Xem Kỳ Phát giết người.)

Đổ chai nước lạnh vào ấm, tráng đi rồi lại đổ đầy, đánh diêm châm chiếc đèn cồn lên, Kỳ Phát thong thả sửa soạn đun nước. Chàng tháo giầy, cởi quần ngoài vì hôm nay đã đi đường nhiều hơi mệt, chàng cũng không muốn đi chơi đâu nữa.

Lấy chai rượu mạnh ra, Kỳ Phát rót một cốc nhỏ, đánh diêm châm điếu thuốc lá thơm, rồi gác chân lên bàn mà uống nhấm nháp. Tiếng nước trong ấm reo đều đều, hòa nhịp với ngọn lửa đèn cồn xanh lè, xì mạnh. Kỳ Phát đứng dậy, lấy cà phê ra, bỏ vào bình lọc, lấy cái đĩa ấn cà phê xuống cho chặt, rồi thong thả pha nước sôi vào. Ghé đầu nhìn giọt nước vàng thánh thót rơi xuống Kỳ Phát xoa tay sung sướng.

- Kể sống một đời văn sĩ, tự lập và chẳng bận bịu vợ con như anh chàng này cũng sướng, mình tính dù đã quen hoạt động mà đôi khi hưởng thú nhàn tình này cũng thấy hay hay!

Kỳ Phát đợi cho nước trong bình chảy xuống hết, vừa lúc chàng cũng uống cạn cốc rượu mạnh. Bộ mặt xương xương của chàng trinh thám trẻ tuổi và có tài của chúng ta, nhất là chỗ hai lưỡng quyền cao, đã ửng đỏ. Mặc dầu, chàng cũng với tay lấy chai rượu, rót ra gần đầy cốc để sau khi khuấy đường trong cốc cà phê tan hẳn, nhẹ tay mà chế rượu vào. Đưa cốc cà phê lên ngang mũi hít một hơi dài, Kỳ Phát tắc lưỡi một cái ra ý vừa lòng lắm. Chàng lẩm bẩm:

- Có say cũng không sao, mình đi ngủ chứ có làm gì đâu mà sợ!

Quả vậy, sau khi Kỳ Phát uống cạn cốc cà phê, tráng miệng bằng một chén nước lạnh rồi thì chàng sửa soạn đi ngủ. Trên bàn giấy bấy giờ chỉ còn một ngọn đèn đêm, Kỳ Phát vươn vai, ngáp dài một cái. Một lát sau, trong phòng chỉ còn tiếng chàng thở đều đều. Có lẽ nỗi nhọc mệt khi đi đường, hơi men của cốc rượu mạnh đã làm cho Kỳ Phát vào giấc ngủ một cách dễ dàng mê mệt.

Trên chiếc bàn con để ở cạnh giường, chiếc đồng hồ vẫn tí tách đều đều. Đôi kim dạ quang xanh biếc lừ lừ đuổi nhau, rồi vượt qua, đã được mấy vòng.

Nhưng ngoài tiếng tí tách của đồng hồ, còn tiếng lạch xạch ở ngoài ổ khóa. Vốn quen ngủ một cách tỉnh táo, có lẽ vào lúc khác thì Kỳ Phát đã sực tỉnh rồi, nhưng lần này thì Kỳ Phát vẫn ngáy đều, không hay biết gì cả.

Cho đến khi có tiếng chìa khóa nhè nhẹ xoay hết một vòng.

Rồi im lặng. Rồi cánh cửa từ từ hé mở không một tiếng kẹt nhỏ đủ tỏ người đẩy quả đã quen tính không bao giờ làm bận rộn đến chủ nhân đang yên giấc.

Một bóng đen rón rén tiến vào, rồi chỉ hai phút sau, ngọn đèn đêm đã vụt tắt.

Trên giường Kỳ Phát vẫn ngáy đều.

Cái bóng đen như nép yên một chỗ mà nghe ngóng, mãi một lát sau mới bấm ngọn đèn pin, chiếu ra một vệt sáng nhỏ dài như một tia nắng chiếu qua khe cửa vậy. Vệt sáng ấy vụt cháy, rồi vụt tắt, qua hết góc này đến góc nọ trong phòng. Rồi cuối cùng thì tắt hẳn.

Một tiếng sột soạt nho nhỏ. Trong bóng tối, mấy chiếc ghế hình như có người nhẹ nhàng khiêng dịch ra chỗ khác. Mấy phút yên lặng vừa qua, rồi ánh sáng trong phòng bỗng chói lòa. Bị chói mắt, Kỳ Phát càu nhàu, giơ tay dụi, chưa kịp nhìn rõ cái gì thì đã có tiếng quát khẽ:

- Nằm im, không có chết mất mạng!

Kỳ Phát mở hẳn mắt, hiểu rằng chẳng phải chuyện đùa nữa khi thấy trước mặt mình có một người lạ và ngay trên ngực có hơi lành lạnh của lưỡi dao. Người lạ mặt vận một bộ quần áo ngủ đen nhưng bên ngoài có khoác thêm một chiếc áo bành tô mầu xám. Trông mặt hắn cũng không có vẻ gì hung ác như những kẻ trộm cướp thường, đôi mắt lại thông minh là đằng khác. Không lộ vẻ sợ hãi, Kỳ Phát lại vui vẻ như được xem diễn một tấn trò hay, mỉm cười mà hỏi:

- Chú mình đấy à?

Người lạ mặt cau mày, hỏi lại:

- Cái gì?

Kỳ Phát vừa mở miệng toan nói thì nhanh như cắt, người lạ mặt đã nhét ngay một chiếc khăn tay vào đầy miệng Kỳ Phát, làm cho chàng dù muốn kêu cũng không kêu được nữa. Người kia vẫn gí sát lưỡi dao vào ngực Phát, tiếp:

- Muốn sống chắp hai tay vào nhau đưa ra! Và nhanh lên!

Ngoan ngoãn, Kỳ Phát theo lời, thế là chỉ ba phút sau, người lạ mặt đã dùng một sợi dây tuy nhỏ nhưng chắc, trói chặt hai tay Kỳ Phát lại. Xong xuôi đâu đấy, hắn ung dung ra khóa trái cửa lại, thở mạnh một cái như đắc ý, rồi để gọn gàng một chiếc can và chiếc mũ dạ mầu nhạt vào góc bàn, sau khi đã ngắm nghía kỹ càng lại một lượt.

Tuy hai tay bị trói và giẻ nhét đầy mồm, Kỳ Phát vẫn không tỏ vẻ gì là khó chịu cả, chỉ ung đung đưa mắt nhìn xem cử chỉ của người lạ mặt, thỉnh thoảng lại mỉm cười hình như vui thích lắm.

Nhưng người này thì không thèm để ý gì đến Kỳ Phát nữa. Hắn mê mải lục lọi hết chỗ này đến chỗ khác, rót nốt chỗ thừa trong bình cà phê ra tách, bỏ vào một cục đường, ngoáy cho tan đều rồi uống một hơi cạn hết. Hắn lại mở nút chai rượu mạnh, đưa lên mũi ngửi, rồi rót vài giọt ra cốc. Hắn chỉ nhấp qua một tí, cau mày nhăn mặt lại, vất cốc xuống bàn, rồi lườm Kỳ Phát có ý chê trách con người còn nhỏ tuổi sao đã bê tha rượu chè như vậy.

Hắn đi vòng ra phía tủ, thấy cửa không khóa thì gật gù ra dáng bằng lòng rồi với tay lấy mấy chiếc mắc áo ra. Cẩn thận, hắn cởi áo bành tô, vắt lên tay ghế rồi lại cẩn thận mặc thử bộ áo vừa lấy trong tủ ra. Hắn cũng xóc lại cổ, kéo vạt áo xuống, cài cúc vào cẩn thận, trước khi soi gương, giống hệt như một người sửa soạn y phục lúc sắp đi dự tiệc vậy.

Trong khi ấy, Kỳ Phát vẫn nhìn theo hắn. Vì bị nhét giẻ, Kỳ Phát không cười được, song cứ trông những nét nhăn ở đuôi con mắt thì đủ biết lòng chàng vui thích lắm.

Nhưng bỗng bên ngoài, từ xa xa, có tiếng rao:

- Cà phê ba tê đây!

Người lạ mặt giật mình, nhớn nhác nhìn quanh, khi thấy Kỳ Phát vẫn nằm yên, chiếc khăn tay vẫn còn nguyên trong miệng thì có vẻ đỡ lo, song không dám chần chừ nữa, hắn nhanh nhẹn cởi bỏ chiếc áo mặc thử ra, mặc vội chiếc áo bành tô của mình vào, rồi vơ lấy mấy bộ quần áo trong tủ, chiếc đồng hồ để trên bàn, chiếc lọ cắm hoa, mấy đôi giầy dưới gầm bàn, bỏ cả vào chiếc khăn rộng rồi gói lại.

Liếc nhìn quanh một lượt như soát xem còn có gì đáng giá nữa không, rồi hắn mới khoác bọc vào cánh tay, đội mũ lên đầu, cầm lấy chiếc can đi ra phía cửa định mở khóa.

Nhưng lúc này, Kỳ Phát cũng đã nhanh nhẹn đưa cánh tay lên gạt bỏ chiếc khăn tay mà chàng dùng sức lưỡi đẩy ra khỏi miệng. Hắng giọng một cái, Kỳ Phát dịu dàng gọi tên trộm:

- Này, chú mày!

Tưởng chừng tiếng sét đánh bên mình cũng không sợ hãi bằng, tên trộm hốt hoảng nhìn lại, một tay thì hấp tấp vớ lấy chiếc chìa khóa định mở cửa.

Nhưng Kỳ Phát đã tiếp:

- Đứng yên, hễ chạy, ta kêu thì mi sẽ bị bắt ngay!

Tên trộm lúc này như đã trấn tĩnh lại được. Hắn thấy hai tay Kỳ Phát vẫn còn bị trói chặt thì yên trí, không vội vàng nữa, bỏ chiếc bọc và chiếc can xuống bàn, rút con dao nhọn cầm lăm lăm ở trong tay, rồi nghiến răng bảo Kỳ Phát:

- Hãy liệu cái mồm thì có, hễ kêu, ta đâm chết ngay!

Vừa nói, hắn vừa sấn lại bên Kỳ Phát định dùng phương pháp lúc nẫy, nhưng không, hắn đã tính nhầm… Lưỡi dao nhọn, hắn chưa kịp gí vào ngực thì Phát đã vung mạnh tay một cái, tuột nhanh rút khỏi vòng trói và loáng cái đã nắm tay tên trộm. Và hắn vừa nhăn mặt kêu đau thì Kỳ Phát đã giằng được lưỡi dao, cầm nhẹ trong tay mình, rồi cười nhạt mà bảo:

- Chú mày lẻn vào đây, chú mày trói nghiến ta lại, chú mày uống cà phê, rồi nếm rượu, ta không nói làm sao! Chú mày lấy quần áo ra mặc thử, chú mày bọc lại toan mang đi, ta cũng không “ngon” gì! Nhưng chú mày định ra mà không có một lời chào, một lời cảm ơn thì không thể được!

Tên trộm lúc này thực hốt hoảng quá rồi. Hắn luống cuống như một con chuột nhắt trước đôi mắt của một con mèo già, rồi quay nhìn toan chạy, nhưng nhanh nhẹn, Kỳ Phát đã giơ một tay, nắm hắn lại, rồi dùng một chút sức, ấn vai hắn xuống làm cho hắn khuỵu chân ngã ngồi.

Khinh bỉ, Kỳ Phát vất con dao nhọn xuống góc nhà, rồi kéo ghế ngồi, ung dung bảo:

- Sao mi ngu dốt thế, toan chạy thì chạy sao cho thoát cơ chứ? Mồm miệng mi để đâu, không biết nói năng gì hay sao?

Tên trộm len lét nhìn Kỳ Phát, không dám đứng lên nữa, chỉ kêu van:

- Lạy ông sinh phúc, con trót dại… Ông tha cho…

Kỳ Phát cười nhạt:

- Chắc mi sắp sửa kêu vì túng đói mà phải làm liều, rồi lại kể ra nào vợ dại, con thơ, cha già mẹ yếu. Nhưng thôi hãy xếp những chuyện ấy lại. Ta thấy mi gương mặt cũng sáng sủa đấy, và cách thức hành động cũng khá thạo rồi, nhưng vẫn chưa hiểu mi vào đây, ngoài ý ăn trộm còn ý gì nữa không!

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát đổi giọng, chỉ ghế, bảo:

- Anh hãy ngồi lên đây, tôi hỏi!

Tên trộm ngoan ngoãn theo lời, dáng điệu hung hãn lúc trước không còn chút nào nữa. Kỳ Phát lặng lẽ rút thuốc lá ra, châm hút, rồi đưa cho hắn. Thấy tên trộm không hút, se sẽ cảm ơn thì Kỳ Phát cười bảo:

- Anh không biết uống rượu mạnh, không hút thuốc lá, chắc không hút thuốc phiện nữa thì sao mà phải làm nghề cướp trộm thế này! Anh có sức khỏe, chịu khó làm bất cứ một việc gì, tất cũng thừa kiếm đủ ăn một cách lương thiện, ta thực không hiểu đấy!

Tên trộm nho nhỏ nói:

- Chỉ vì tôi thích!

Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ, gật gù, rồi bỗng hỏi:

- Tên anh là gì?

- Dạ, là Do ạ! Thường gọi là Sáu Do Đường Goòng!

- Bao nhiêu tuổi?

- Thưa, mười chín tuổi!

- Trước có đi học không, đã đến lớp nào?

- Dạ, đến lớp nhất rồi thi hỏng!

Kỳ Phát gật gù:

- Mà anh hẳn thích những chuyện phiêu lưu mạo hiểm và trinh thám từ thuở nhỏ. Anh vẫn ao ước được hành động như những nhân vật ấy… À, nhưng ta muốn hỏi, anh có biết rõ ta làm nghề gì không?

Do ngạc nhiên nhìn Kỳ Phát, một lát thưa:

- Dạ, thằng cu Tẹo mách đất này cho tôi, bảo ông làm nghề viết báo, và ở đây chỉ có một mình, lại thường đi vắng luôn! Như đêm hôm nay, nó bảo tôi rằng ông đi vắng, vậy thành ra nó nói láo!

Kỳ Phát mỉm cười:

- Không, nó nói đúng đấy! Người chủ gian phòng này là bạn của ta. Anh ấy làm nghề viết báo và hôm nay đi vắng… Ta đến đây tìm bạn không thấy, nên ngủ tạm lại. Ta là Kỳ Phát…

Như một tiếng vang, Do ngơ ngác, lẩm bẩm nhắc lại:

- Kỳ Phát!

Thì ra kẻ sống trong mộng phiêu lưu, mạo hiểm, từ xưa đến nay đọc những tin tức trên báo, vẫn thầm phục nhà trinh thám đã nổi danh trong những vụ Vết tay trên trầnNgười một mắt, v.v…

Và Do cúi đầu, nói nho nhỏ:

- Tôi bị ông bắt thực đáng tội, vì ông đã từng bắt được bao kẻ ghê gớm gấp trăm tôi…

Kỳ Phát mỉm cười, gạt đi:

- Tôi cảm ơn lời khen của anh. Nhưng thế là đủ rồi. Bây giờ, tôi chỉ muốn nói để anh biết rằng trước đây, tôi cũng như anh, cũng ham mê đọc những truyện trinh thám, tò mò theo những vụ án lạ đăng trên mặt báo, kỹ lưỡng khảo xét bất cứ việc gì bí mật xẩy ra ở bên mình. Tôi đã học đủ nghề để phòng khi dùng đến, nhưng tôi vẫn làm việc ở một ấp trên trung du, cốt để tự nuôi sống, còn nghề trinh thám kia, thì khi nào có dịp, tôi mới đem ra mà áp dụng, coi như là một trò giải trí mà thôi… Nhưng anh thì lại khác, anh đã vội theo cái chí hướng mạo hiểm kia dự vào việc bất lương, tôi lo rằng không sớm thì muộn, đời anh sẽ có một ngày coi như là hạng “kẻ thù của xã hội”.

Do cúi đầu mà nghe lời Kỳ Phát giảng giải. Cho đến lúc Kỳ Phát móc túi áo, lấy ra 5 đồng, đưa cho Do mà bảo:

- Đây, tôi có số tiền nhỏ, anh cầm lấy tạm đủ chi dùng trong mấy ngày. Nếu anh theo lời tôi, thì sau đó, anh đã có thể kiếm được một việc làm lương thiện…

Do ngần ngại, cầm lấy tiền, mãi mới dám nói:

- Lời ông dạy, muôn đời tôi cũng không dám quên. Tôi chỉ ao ước một điều nếu có thể được thì ông cho tôi theo hầu hạ, trước là đền ơn ông tha tội cho hôm nay, sau là để theo đòi học hỏi được ít nhiều…

Kỳ Phát mỉm cười:

- Điều ấy thì được. Song như tôi đã nói, tôi chẳng phải là một tay trinh thám nhà nghề, vả lại tính phóng đãng đã quen, tôi nay đây mai đó bất thường và chỉ đi có một mình. Nhưng anh hãy yên tâm, hãy kiếm công việc làm ăn tử tế, lúc nào có dịp, tôi sẽ gọi anh, may ra anh có giúp được tôi nhiều việc chăng?

Sau khi đã dặn chỗ ở nhất định của mình cho Kỳ Phát biết, Do cúi chào, toan quay ra nhưng sực nhớ, Do bỗng băn khoăn không biết xử trí thế nào khi trông thấy chiếc mũ dạ và chiếc can mình để ở trên bàn.

 

2

MỘT BÀI HỌC VỀ

LÝ LUẬN CHO KHÔNG!

Kỳ Phát mỉm cười, hiểu ý:

- Chắc sau những lời khuyên giải của tôi, anh đã thấy thẹn thùng khi cầm những vật chẳng phải của mình… Vậy chẳng hay anh đã lấy trộm được chiếc mũ và chiếc can này ở đâu?

Do chưa kịp trả lời thì Kỳ Phát đã giơ tay, bảo im, rồi tiếp:

- À, mà trước khi nghe anh nói, tôi hãy thử theo phương pháp luận lý mà đoán chơi về hai vật này. Âu đó cũng là một cách chỉ dẫn qua cho anh biết về cách luận đoán phòng sau đây có dịp đi tra xét cùng tôi, anh sẽ dùng đến.

Ra hiệu cho Do ngồi xuống ghế, Kỳ Phát cầm lấy chiếc can ngắm nghía. Trong lúc này, Do lặng lẽ nhìn theo những cử chỉ của Phát như một đứa học trò nhỏ nhìn theo thầy giáo làm một bài tính khó ở trên bảng, hay là một khán giả tin tưởng xem diễn trò ảo thuật huyền diệu vậy.

Bỗng Kỳ Phát hắng giọng, liếc nhìn Do rồi mỉm cười, nói:

- Tôi biết rằng người chủ của chiếc can này là một người tầm rất cao, ít ra cũng 1 thước 70 trở lên, ngón tay út có đeo một chiếc nhẫn chạm, có lẽ mặt bằng kim cương và thọt mất một chân…

Thấy Do lộ vẻ kinh ngạc, Kỳ Phát với tay lấy chiếc kính hiển vi để ở mặt tủ, xem xét kỹ lưỡng chỗ cán chiếc can, rồi nói tiếp:

- Chủ nhân chiếc can này lại là một phong lưu công tử, thường đeo găng trắng và hay đi mô tô.

Liếc nhìn Do, Kỳ Phát hỏi:

- Anh có thấy đúng với hình dạng và tính tình của chủ nhà mà anh đã vào ăn trộm chiếc can này không?

Thấy Do lưỡng lự, toan nói, rồi lại lặng yên, Kỳ Phát giục:

- Thế nào, hay là những lời tôi đoán không đúng chăng?

Do se sẽ gật đầu. Kỳ Phát cau mặt, ngẫm nghĩ một lát, sau lắc đầu, bảo:

- Không thể thế được vì theo lý thì phải đúng như vậy!

Do lắc đầu:

- Thưa ông, hay là vì một trường hợp bất thường mà bài tính luận đoán này có thể có hai “lời giải” được chăng? Vì chủ nhà mà tôi vừa vào ăn trộm lại là một ông già tầm người hơi thấp…

Kỳ Phát bỗng cười và cười chán chê một lúc mới vỗ đùi mà nói:

- Thôi, phải rồi, mình thực dốt! Có gì lạ đâu, chủ nhân cái nhà mà Do vào ăn trộm có thể không là chủ chiếc can này vì chiếc can này là của một người khác để ở nhà ấy cũng được cơ mà!

Do gật đầu:

- Vâng, chắc hẳn phải là thế vì tôi xưa nay không hề thấy nói ông đã quyết đoán mà lại bị sai nhầm bao giờ. Nhưng xin ông cho biết tại sao mà ông lại đoán biết chủ chiếc can này là một người tầm rất cao?

Kỳ Phát cười:

- Cái đó không có gì là khó cả. Anh thử đo chiếc can này mà xem, hay thế này thì tiện hơn, anh thử cầm chiếc can, như ta đi chơi, quanh phòng này mấy bước xem có gì là lạ không?

Do làm theo lời Kỳ Phát, để ý nhận xét, một lát rụt rè nói:

- Thưa ông, tôi thấy chiếc can này nặng hơn mọi can thường…

Kỳ Phát gật đầu:

- Cũng có lẽ vì đầu chiếc can này có một miếng chì rất dài… Nhưng còn điều gì lạ nữa không?

Do nghĩ ngợi một lát, rồi nói:

- Tôi thấy chiếc can này hình như dài quá!

Kỳ Phát gật đầu, đắc ý:

- Đúng lắm. Mà anh thấy can hơi dài quá, cầm không vừa tay, chỉ vì người anh thấp. Anh đo cao được bao nhiêu?

- Dạ, 1 thước 67!

- Ừ, thế có phải rằng một người cầm vừa chiếc can này ít ra cũng phải cao hơn anh mấy phân, nghĩa là tầm người ít nhất cũng trên 1 thước 70!

Do cầm chiếc can ngắm nghía, một lát lại hỏi:

- Lúc nãy, ông còn nói người chủ chiếc can này có đeo nhẫn ở ngón tay út?

Kỳ Phát gật đầu:

- Phải, mà tôi nói nhẫn chạm… có lẽ có mặt kim cương… Biết như vậy là vì anh để ý xem kỹ mà xem, chỗ tay cầm can, có nhiều vết sát ở chỗ ngón tay út. Hơn nữa, những vết sát lại sắc và sâu xuống, mà gỗ chiếc can này lại là một thứ gỗ rất cứng, như vậy, tất nhẫn cũng phải có mặt rất rắn, mà đeo mặt nhẫn vào phía trong, như mặt kim cương chẳng hạn…

Do nói thêm:

- Một người có nhẫn kim cương mà đeo mặt vào phía trong, tất phải là một người nhã nhặn!

Kỳ Phát vỗ vai Do, nói:

- Khá lắm, anh tấn tới rồi đó! Bây giờ, anh lại thử theo cách luận lý của tôi mà tìm ra tại sao tôi biết rằng chủ chiếc nhẫn này lại là một người thọt?

Do cầm chiếc can ngắm nghía, hết xoay ngang, lại xoay dọc, mãi mới nói:

- Có lẽ vì ông thấy chỗ gốc chiếc can có vết bùn lên cao quá cả chỗ đầu chì chăng?

Kỳ Phát gật đầu:

- Đúng đấy, nhưng một điều ấy không đủ vì biết đâu chẳng là một sự tình cờ, người ta đã chống chiếc can này vào một chỗ đất mềm ướt chẳng hạn. Tôi chắc rằng là một người thọt là vì nếu để ý xem chỗ sây sát do vết nhẫn, ta đều thấy vết nào cũng chạy từ trên xuống, nghĩa là người cầm phải luôn luôn chống can xuống hết sức mạnh, đúng dáng đi của một người chân bị khập khiễng vậy.

Chỉ chiếc kính hiển vi để trên bàn, Kỳ Phát nói tiếp:

- Những cái nhỏ nhặt quá mắt nhìn không thấy được thì ta đã có chiếc “lúp” này. Nhờ có nó tôi đã thấy được dính vào chỗ xơ ở cán can mấy sợi vải trắng ở chiếc găng trắng dính sót lại. Ngoài ra còn có cả sợi da mềm nữa…

Lấy một chiếc “nỉa” của thợ bạc vẫn dùng, Kỳ Phát gắp một sợi da để lên một tờ giấy trắng, đưa kính hiển vi cho Do xem cẩn thận, rồi nói tiếp:

- Anh cứ nhìn cẩn thận sẽ thấy sợi da có ố dầu máy. Chính vì thế mà tôi biết người chủ chiếc can này thường đeo găng da và đi mô tô. Tóm lại, một người phong lưu, thường đeo găng trắng, lại hay đi mô tô tất nhiên còn phải là một chàng trẻ tuổi và hiếu động.

Do nghe Kỳ Phát, khâm phục vô cùng:

- Nghe những lời ông cắt nghĩa rồi thì tôi tưởng chừng như không có gì là khó khăn cả, vậy mà sao thoạt tiên tôi không nghĩ ra.

Kỳ Phát mỉm cười:

- Muốn nghĩ ra, trước hết phải nhận xét cho thực kỹ lưỡng, sau mới do những điều biết ấy, luận theo lý ra những điều mình chưa biết. Nếu không biết nhận xét hẳn hoi thì dù nghĩ nát óc cũng không ra được điều gì!

Với tay lấy chiếc mũ, Kỳ Phát tiếp:

- Tôi mong rằng do những điều nhận xét ở chiếc mũ này, tôi nhận được ra hình dáng và tính nết người chủ nhà mà anh đã vào ăn trộm, chứ không đến nỗi như chiếc can mà tìm ra người… hàng xóm!

Lật hết trong đến ngoài, xoay quanh chiếc mũ hết chiều này qua chiều khác, Kỳ Phát một lúc sau mới bắt đầu nói:

- Cũng như người chủ chiếc can kia, chủ chiếc mũ này cũng là một người sang trọng song chẳng còn đương thời hoa niên nữa, chứng cớ: đây là một kiểu mũ hạng đắt tiền, nhưng cổ, mà xem trong mũ, tôi thấy có hai sợi tóc, một sợi bạc hết, một sợi nửa đen nửa bạc. Do đó, ta có thể đoán được người này chỉ vào trạc bốn lăm, năm mươi tuổi là cùng.

Chỉ một chỗ dạ ở viền mũ bên trái bị mất gần hết tuyết, Kỳ Phát bảo Do:

- Anh nhìn vết này đoán ra điều gì không?

Do chẳng ngần ngại, nói ngay:

- Đây là vết tay của người chủ mỗi khi cất mũ để chào!

Kỳ Phát gật đầu tiếp:

- Mà vết này lại ở bên trái, tỏ ra rằng người ấy thường dùng tay trái để trật mũ… một người quen dùng tay trái hơn tay phải.

Nhìn kỹ phía trong chiếc mũ một lúc, Phát lại tiếp:

- Có điều hơi lạ là người này tuy đã có tuổi mà cách ăn vận có chỗ lại diêm dúa hết sức. Xem trong lần mũ, ta thấy có nhiều vết brillantine, mà lại chỉ ở già nửa phần phía sau có thôi, nghĩa là người này hơi hói, hay ít nhất trán cũng rất cao!

Do chép miệng thán phục:

- Nếu không nghe ông cắt nghĩa rõ ràng vì sao ông đoán biết thì tưởng chừng như ông có thiên hô, bát sát vậy.

Kỳ Phát mỉm cười:

- À, thế ra lần này tôi đã may mắn được gặp chủ nhân cái nhà anh đã vào ăn trộm rồi, không bị lầm lẫn như lúc nẫy nữa.

Nhìn Do, Kỳ Phát lại tiếp:

- Lúc nẫy mặc dầu anh nói ra miệng tin tôi đoán không sai, nhưng trong lòng tôi e anh chưa chịu hẳn vì biết đâu, thánh nhân cũng còn có lúc nhầm, nữa là tôi! Nhưng bây giờ muốn cho anh biết rõ cái linh diệu của phương pháp luận đoán, tôi nói thêm để anh biết, nhờ ở những điều nhận xét ở chiếc mũ này, tôi biết người ấy là một người nếu không điên thì cũng như dở người…

Do kinh ngạc:

- Mấy điều đoán trước, tôi còn có thể hiểu được, nhưng điều ông vừa nói đó, tôi thực không sao nghĩ ra được vì đâu mà ông biết một cách rõ ràng và chắc chắn như thế?

Kỳ Phát mỉm cười đắc ý:

- Anh lại đã quên điều tôi dặn rồi! Tôi đã chẳng bảo anh rằng trước khi nghĩ ngợi, anh hãy cố nhận xét cho tinh vi đã… Anh thử để lòng chiếc mũ này tới gần mũi anh xem… Ngoài mùi thơm của brillantine, anh còn ngửi thấy mùi ét xăng nữa. Nhìn qua, anh cũng thấy bên trong rất là sạch sẽ, trái hẳn với bên ngoài chiếc mũ, bụi bậm và bẩn thỉu vô cùng…

Ngừng lại một lát như để cho Do có kịp đủ thời giờ suy nghĩ, Kỳ Phát tiếp:

- Anh thử nghĩ mà coi, một người mà chỉ săn sóc chải chuốt có bề ngoài chiếc mũ không thôi, tất nhiên phải là một người chỉ cần có bề mặt. Một người cẩn thận cả bề ngoài, bề trong mới thực là một người sạch sẽ kỹ lưỡng. Nhưng một người mà chỉ để ý đến bề trong mũ, chải cả ét xăng cẩn thận, còn bề ngoài thì để mặc bụi bậm, lem luốc như vậy thì nếu không phải là người điên cũng là một kẻ dở người.

Do gật đầu:

- Những điều ông nhận xét thực không sai một ly. Tôi biết chắc thế là vì tên chỉ điểm cho tôi cũng có nói: “Anh cứ vào mà lấy, trại của lão già này cửa thường bỏ ngỏ, đàn chó dữ lại đưa đi chữa thú y, nhà hắn nghe đồn lại giầu, mà có tính dở người, nửa điên, nửa dại…”

Kỳ Phát cười ngất:

- Thế mà lúc anh vào định làm một chuyến, chỉ lấy được có chiếc can và chiếc mũ thôi ư?

Do chép miệng:

- Thực đến bây giờ tôi cũng vẫn chưa hiểu ra làm sao cả. Lúc vào nhà lão vào khoảng 10 giờ tối, tôi thấy mấy cửa ngõ đều chỉ khép, còn chính lão thì ngủ quay bên chai rượu đã cạn chỉ còn có cặn. Lục soát khắp nơi, tôi không thấy có gì đáng tiền cả, vì mọi thứ đều vất bừa bãi và sứt mẻ. Sau cùng, tôi đánh bạo, lần chiếc chìa khóa của lão, mở được chiếc tủ sắt thì thấy bên trong chỉ có chiếc can và chiếc mũ này. Chẳng nhẽ lại ra không, tôi đành lấy cả mang đi, sau qua đây, sực nhớ gian phòng này cũng có thể hành động được nên tôi lẻn vào làm một chuyến xem có đền bù được chút nào không.

Kỳ Phát cười:

- Và vào đây, đã chẳng được gì lại bị thiệt hại là đằng khác nữa, vì lẽ tất nhiên, khi đã vào con đường chính, anh tất phải để chiếc can và chiếc mũ ở đây chứ còn mang đi làm gì nữa.

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát nghiêm giọng nói:

- Hai vật này, có dịp, ta sẽ trả lại chủ nhân của chúng… Vả linh tính ta hình như đã báo cho biết ngoài những điều nhận xét vừa rồi, hai vật này còn bao gồm nhiều chuyện ly kỳ bí mật khác nữa… Biết đâu, do hai vật này, ta chẳng sẽ có dịp gọi anh đi điều tra với ta một vụ án nào chẳng hạn…

3

MỘT BỨC THƯ

CỦA NGƯỜI ĐIÊN

Tôi ở Hải Phòng lên chuyến tầu 9 giờ. Thuê xe về thẳng nhà, tôi nghĩ ngay đến Kỳ Phát và tưởng tượng sẽ sung sướng biết bao, khi mở khóa cửa vào, tôi đã thấy Kỳ Phát ngồi ở đấy rồi. Nhưng thú thực, tôi không có hy vọng gì lắm, chỉ là vì từ khi Cúc vì Phát mà hy sinh tính mệnh(*) thì Kỳ Phát cùng với Hoàn, con Cúc, ra đi để lại cho tôi mỗi một bức thư từ biệt, không cho biết chỗ ở và cũng không hẹn ngày về… Nhưng theo cuộc dò hỏi của tôi thì hình như ít lâu nay, Phát cùng Hoàn lên một miền quê ở trung du, vừa trông coi giúp Hoàn mọi công việc ở đồn điền vừa dạy Hoàn học thêm trong vụ nghỉ hè… Theo ý tôi đoán thì có lẽ Kỳ Phát muốn theo đúng lời Cúc dối lại, nghĩa là coi Hoàn như con, dạy dỗ Hoàn xứng đáng thành một người con của Cúc.

(*) Xem Kỳ Phát giết người.

Vặn chìa khóa cửa, tôi mạnh bạo bước vào, nhưng bỗng giật mình khi thấy trên bàn mọi thứ cốc tách bừa bãi. Liếc nhìn về phía giường, tôi mừng rú:

- Trời ơi, anh Kỳ Phát!

Và không kịp bỏ chiếc va ly trên tay xuống nữa, tôi chạy thẳng đến bên giường, sung sướng lay gọi bạn:

- Anh Kỳ Phát, anh về bao giờ thế! Thích quá nhỉ, nhưng mệt hay sao mà anh ngủ say thế?

Kỳ Phát từ từ mở mắt. Nhìn tôi một cách thương hại rồi nhẹ nhàng bảo:

- Gớm, anh làm như tôi chết đi, vừa sống lại, hay sang Tân thế giới mới về. Thì anh hãy bỏ va ly xuống kia, thay quần áo, rửa mặt rửa mũi đi đã nào!

Trong khi tôi theo lời Kỳ Phát, mở va ly lấy quần áo thay đổi thì Kỳ Phát đánh diêm, châm thuốc lá hút, rồi chậm rãi, tiếp:

- Không, tôi có ngủ đâu, hay nói cho đúng hơn, tôi không thể nào ngủ được…

Tôi ngờ nghệch nói thêm:

- Anh không nên lo nghĩ nhiều quá!

Kỳ Phát gắt:

- Anh này thực lạ! Tôi nghĩ chứ việc gì tôi lo… Anh hãy cứ xếp soạn mọi thứ xong đi, mấy phút nữa, thằng bé đi mua cho tôi mấy tờ báo về đây, anh hãy sai nó đi ra hiệu mua mấy món về ăn, rồi vừa ăn, tôi sẽ vừa kể cho anh nghe một vụ trộm vừa mới xẩy ra đêm qua…

Tôi nóng nẩy hỏi:

- Trộm ở đâu anh, mà chắc lấy được bạc vạn mới đáng để cho anh chú ý!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, vụ trộm ấy xẩy ra ngay tại trong phòng này, mà “sự chủ” không mất gì cả, trái lại, lại được lợi chiếc mũ với chiếc can kia…

Tôi ngạc nhiên nhìn Kỳ Phát, tưởng chừng như anh chàng này, sau cơn đau đớn đã thành loạn trí rồi vậy.

Nhưng không, suốt trong bữa cơm, Kỳ Phát rành rọt kể lại cho tôi từ lúc đầu tiên Kỳ Phát vào trong buồng này, lúc chàng uống rượu rồi choáng váng nằm ngủ cho đến lúc Do vào thi hành thủ đoạn, song vận không may, gặp phải một tay địch thủ đáng bực thầy!

Kỳ Phát kể xong, còn nói thêm:

- Thằng bé ấy nhét giẻ vào mồm tôi, trói tay tôi lại rồi thì tưởng là chắc chắn lắm tha hồ mà hành động, nhưng nó có biết đâu, công phu tập đã bao lâu, tôi có thể dù bị nhét giẻ vào miệng chặt đến thế nào cũng dần dà dùng hai hàm răng và chiếc lưỡi đẩy ra được. Hơn nữa, một lần xem nhà ảo thuật quốc tế Dewine diễn trò, cho người ta trói, xích hay khóa tay lại, bỏ vào một thùng nước tắm lớn, Dewine sau hai phút cũng có thể tuột tháo tay ra được, tôi nhận xét biết đó chỉ là do công phu luyện tập: Dewine có tài lấy gân làm cho hai cổ tay to ra mỗi bên gần hai phân tây khiến người trói tưởng chặt rồi, nên khi tay nhỏ lại, chỗ trói vẫn lỏng như thường. Ngoài ra anh hẳn biết còn một lối bắt chéo tay cho trói, đến lúc duỗi tay dọc lại thì dễ tuột ra lắm… Chính tôi đã hợp cả hai cách này mà để cho Do trói lại…

Tôi hỏi:

- Nhưng anh cũng hay vẽ sự lắm, sao lúc hắn vừa gí mũi dao vào ngực anh, thừa đủ tài sức bắt hắn, anh không đoạt lấy dao ngay, lại còn chần chừ cho phí mất thì giờ!

Kỵ Phát cười:

- Kể ra thì cũng là vì không có việc gì phải vội vàng. Vả lại sẵn có tính hay nghĩ xa xôi tôi còn sợ Do vào không phải chỉ có ý trộm cắp, biết đâu chẳng phải là một kẻ thù muốn vào hại tính mạng anh.

Tôi cười:

- Tôi không làm hại ai, hiền lành làm chuyện viết báo, không hề công kích ai bao giờ, như vậy thì anh bảo tôi có người thù sao được?

Kỳ Phát nhìn tôi thương hại:

- Anh tưởng thế chăng? Không đâu, anh còn luôn luôn có những thư của các bạn đọc xa gửi về, anh còn có những bạn nhỏ học sinh thân mến, thì anh cũng có những kẻ đứng ngoài ghen tức thù hằn anh… Tôi cũng tin rằng họ ghét anh mà chẳng làm gì anh được, nhưng biết đâu, sự tình cờ đã chẳng gây cho anh một kẻ thù không đội trời chung…

Tôi cười:

- Gớm, anh nói làm cho tôi rợn cả người! Nhưng chắc bây giờ anh đã nhận thấy rằng anh đã tưởng tượng và lo xa nhiều quá! Và tôi dù có kẻ thù chăng nữa thì cũng chỉ đến hạng hèn nhát đặt điều nói xấu mà thôi!

Chợt nhớ, tôi lại hỏi Kỳ Phát:

- Câu chuyện của anh chàng ăn trộm vào đây không gặp vận, anh đã kể hết cho tôi nghe rồi, sao tôi vẫn chưa thấy có chỗ nào làm cho anh phải nghĩ cả!

Kỳ Phát gật đầu:

- Đó chỉ là tôi mới kể cho anh nghe những việc xẩy ra vì những lời mà tôi đã nói cho Do biết. Nhưng còn một cái này nữa thì tôi đã giấu hẳn hắn…

Vừa nói, Kỳ Phát vừa móc túi trên áo ngủ, đưa cho tôi xem một mảnh giấy gấp dài… Kỳ Phát lại nói tiếp luôn:

- Sau khi nhận xét chiếc mũ và thấy trong lần “cầu” da có giấu mảnh giấy này, tôi đoán ngay thế nào cũng có một điều gì bí mật, không chừng mà quan trọng, nên tôi nhanh nhẹn giấu đi, không nói cho Do biết. Ý tôi muốn thử xem Do có quay về đường chính thực hay không đã. Nếu hắn biết theo lời phải, ăn nói hối cải thì ta cũng có thể dùng hắn được vì tôi xem cách hắn hành động cũng gọn gàng lắm, tỏ ra rằng có thể dùng được việc. Trái lại nếu hắn có dối trá đi chăng nữa thì tôi giấu không cho hắn biết tờ giấy này, cũng là một cách tránh cho hắn một mầm tội lỗi!

Tôi chưa trả lời Kỳ Phát vì còn mải đọc tờ giấy, nói là một bức thư thì đúng hơn. Đúng như điều nhận xét của Kỳ Phát, bức thư này, tuy trên đề gửi cho con gái tên Bích Loan song trong thư, nói lôi thôi người nọ sang người kia, có chỗ không có liên lạc đầu cuối gì cả, thực rõ là một bức thư của người nếu không điên thì cũng dở người! Kỳ Phát mở bức thư lên trên mặt bàn, chỉ cho tôi mấy đoạn viết hơi cách nhau vì không dính líu gì với nhau, rồi nói:

- Anh để ý đến những dòng cách xa nhau này và nhất là mầu mực thẫm nhạt, khác hắn nhau này thì có thể biết được rằng người viết thư đã viết những dòng này làm nhiều lần, nhiều bận… Tờ giấy này gọi là một bức thư cũng không đúng hẳn, ta có thể gọi là một mảnh nhật ký ghi chép những ý nghĩ hoặc đã suy tính từ lâu hoặc đã thoáng đến trong bộ óc của một người điên!

Chỉ cho tôi mấy dòng đầu, Kỳ Phát đọc: “Bích Loan ơi, con gái của ta ơi, ta quý con lắm, ta chiều con lắm, ta mà không có con thì ta chết mất, mà không chừng ta phải chết trước con để khỏi trông thấy con bị chết…”

Ngừng lại, Kỳ Phát bảo tôi:

- Anh đã thấy lời lẽ của một người điên rồi chứ? Nhưng ta phải công nhận rằng kẻ điên này tuy tâm trí không còn được tỉnh táo lắm nhưng bao giờ cũng vẩn vơ một ý nghĩ: thương yêu con gái đến cực điểm.

Kỳ Phát lại đọc một đoạn ở phía dưới: “Thằng ấy trước ta tưởng là một đứa khốn nạn, bạc bẽo vậy mà không, nhưng trời ơi, còn làm sao được nữa, việc đã lỡ rồi… Mày mà biết rõ việc này thì mày đến tự tử chết mất, mày mà chết thì ta không sống được, vì thế nên ta không thể nói rõ việc này cho mày biết được. Còn thằng kia nữa, mày muốn giết tao lắm đấy, nhưng giết làm sao nổi…”

Kỳ Phát ngừng lại bảo tôi:

- Mười mấy dòng dưới toàn là những lời nguyền rủa kẻ bạc bẽo, đứa bất nhân, tham tiền hám của… những lời hoàn toàn điên, điên vì tức giận. Nhưng mấy câu tôi vừa đọc cho anh nghe xong làm cho ta nhận thấy một điều rõ rệt: liên lạc với người điên này, có ba người nữa: một người mà hắn gọi là mày, theo ý tôi đoán thì chính là con gái hắn, tức Bích Loan. Một người hắn gọi là thằng ấy, một người hắn gọi là thằng kia, cả hai người này ta thực khó mà đoán ra ai được, nhưng có thể tạm biết rằng một người, trước hắn tưởng là khốn nạn thì sau tỏ ra tử tế, trái lại một người thì hắn nhận thấy là tâm địa độc ác vô cùng…

Tôi xem kỹ lại bức thư một lượt, sau cùng nói:

- Tôi xem tất cả bức thư này chỉ thấy một đoạn dặn Bích Loan sau khi mình chết thì tìm lấy tiền của để lại mà nuôi con và giấu không cho chồng biết là đoạn nói được rõ ràng minh bạch thôi… Đoạn này, theo ý tôi tất phải có liên lạc đến những nét vẽ nguệch ngoạc ở dưới thư mà tôi đoán là một bản đồ chỉ dẫn chỗ giấu của!

Kỳ Phát vỗ vai tôi:

- Khá lắm, anh xét đoán độ này đã sáng suốt rồi đấy! Chúng ta hoàn toàn đồng ý nhau về điều ấy và chúng ta quyết sẽ đoán đúng trừ một trường hợp…

Tôi nóng nẩy hỏi:

- Trừ trường hợp nào?

Kỳ Phát cười ngất:

- Trừ trường hợp hết thẩy những lời viết trong giấy này toàn là những lời nói nhăng nhít, vô nghĩa của một người điên… hoàn toàn điên, không hề bao giờ có một giây phút sáng suốt! Trong trường hợp ấy, thì lẽ tất nhiên cả anh với tôi, chúng ta đều đoán nhầm hết, vì ai mà có tài hiểu được những ý nghĩ của người điên… Hiểu được thì ta cũng lại thành điên nốt mất rồi, còn gì nữa!

Kỳ Phát nói dứt lời, cười lên như phá. Tôi thấy vậy cũng bật cười theo nhưng trong lòng chẳng khỏi lo lắng, không khéo mà suy tính, đoán xét mãi chuyện của người điên, chúng tôi cũng thành điên dại.

 

4

NHỮNG SỰ TÌNH CỜ

KHÔNG AI NGỜ TỚI ĐƯỢC

Cả ngày hôm ấy, Kỳ Phát còn bận đến thăm bè bạn, tôi thì mắc việc ở nhà in, nên hai chúng tôi không hề gặp nhau lúc nào nữa. Cho đến 9 giờ khuya tôi về nhà thì đã thấy Kỳ Phát nằm ngủ rồi. Và anh chàng đã cẩn thận viết mảnh giấy chặn để ở trên bàn dặn tôi rằng: “Hãy để yên cho Phát ngủ, mệt lắm, lại bàn đến chuyện người điên, lại cười nữa, thì không khéo mà thành điên thực mất!” Tôi theo lời, nhẹ nhàng thay quần áo rồi đi ngủ. Song tôi trằn trọc không sao yên giấc được, vì trí óc tôi cứ lẩn quẩn với những lời lẽ trong bức thư kia… Tôi tưởng tượng ra một cảnh gia đình mà ông bố già là một người điên… Ông ấy điên vì sao, không ai biết nhưng dù điên ông ấy vẫn yêu quý con gái vô cùng… Ông già ấy điên vì hối hận chăng? Hay vì quá sợ hãi?… Bao nhiêu dấu hỏi hiện ra trước mặt tôi làm cho tôi hễ nhắm mắt lại là thấy những bộ mặt bơ phờ… những cặp mắt ngầu đỏ… những lời rên rỉ kêu than… và cả những lưỡi dao đẫm máu!

Cho đến sáng hôm sau.

Tôi bừng mắt trở dậy đã thấy đồng hồ chỉ 7 giờ rưỡi. Kỳ Phát ung dung ngồi trên bàn, đương chăm chú đọc báo, bỗng ngừng lại, liếc nhìn tôi rồi mỉm cười hỏi:

- Anh có vẻ mệt lắm, chắc đêm qua đã nghĩ đến những người điên nhiều quá!

Tôi nhăn mặt, thở mạnh:

- Thôi, tôi van anh, khổ quá lắm! Để cho tôi ngủ! Cứ nói mãi những chuyện điên thì đến loạn óc mất!

Kỳ Phát gật gù lạnh lùng đáp:

- Được, cái gì chứ điều ấy thì tôi sẵn lòng! Và như thế là tôi thoát món nợ khỏi phải bàn với anh một vụ án mạng của một người điên mà tôi thấy đăng ở mấy báo sáng nay!

Như bị điện giật, tôi choàng dậy hỏi:

- Làm sao, anh nói gì, người điên bị chết, hay chính người điên giết ai?

Lắc đầu, Kỳ Phát bảo:

- Thôi, tốt hơn là anh hãy ngủ đi. Anh hãy quên chuyện những người điên với một người không sợ thành điên như tôi! Mà chính vừa rồi anh đã van nài tôi như thế cơ mà!

Tôi biết Kỳ Phát đã dỗi, ngoan ngoãn dậy, rửa mặt mũi và thay quần áo, sau đó ngồi ra bàn, toan thò tay lấy tập báo nhưng Kỳ Phát đã chặn tay lên mà bảo tôi rằng:

- Kìa, sao bảo anh còn muốn ngủ nữa cơ mà!

Tôi năn nỉ:

- Gớm, anh cũng ác lắm, để tôi xem qua một tí!

Kỳ Phát gật gù ra dáng đắc ý:

- Nếu tôi không ác thế thì có lẽ anh hãy còn vùi đầu nằm ngủ cho đến trưa. Đây, anh xem có phải là một vụ án ly kỳ không?

Vừa nói, Kỳ Phát vừa chọn một tờ báo, chỉ vào mấy cột đăng ở trang nhất. Tôi đọc, thấy trên là một cái “tít” bằng chữ lớn: Một vụ án mạng bí mật tại ấp Thái Hà - Một ông già dở người bị hung phạm đẩy xuống giếng, tuy giầu có ức vạn mà chỉ để lại có một chiếc két rỗng không.

Kỳ Phát thấy tôi hết sức chú ý, mỉm cười mà hỏi:

- Anh đã thấy xứng đáng là một đầu đề cho một cuốn tiểu thuyết trinh thám chưa?

Tôi không trả lời, đọc tiếp:

“Hồi 11 giờ trưa hôm qua, những người ở ‘xóm trong’ ấp Thái Hà thấy đều ngạc nhiên vì thấy đàn chó ở trại Bích Loan cắn inh ỏi mãi mãi không thôi. Trước người ta còn bàn tán, sau họp nhau đến cổng trại nhìn vào thấy đàn chó lài lớn xưa nay vẫn nổi tiếng là dữ, vẫn còn xích nguyên. Đó là một điều trái với lệ thường vì xưa nay bao giờ chúng cũng được thả trừ có ban đêm vì chủ trại này thường nói ra miệng sợ những quân gian đêm đánh bả. Thấy nhiều người xúm đông ở ngoài cổng, đàn chó lại càng cắn dữ. Bọn hàng xóm lên tiếng gọi thử vì biết không phải chủ nhân đi vắng, mấy cửa ra vào phòng khách, phòng ngủ, thẩy đều mở toang. Nhưng mọi người gọi mãi cũng không thấy ai lên tiếng cả.

Hàng xóm ngờ có sự gì chẳng hay, mới trèo cổng vào, lục lọi tìm tòi khắp nơi cũng không thấy chủ nhà đâu cả, sau cùng tìm ra đến góc vườn, thấy cạnh miệng giếng còn lại đôi giầy của chủ nhân, mặt cỏ ở chỗ ấy lại bị xéo nát hình như có cuộc vật lộn.

Cuộc điều tra của nhà chức trách: Theo cuộc điều tra của nhà chức trách thì chủ nhân khu trại này là ông Hàn Tú. Có người lại còn quen gọi ông là Phán Tú nữa, vì trước đây ông có làm thông phán, sau về hưu trí, tậu trại Bích Loan, đặt theo cùng với tên người con gái. Hai bố con ông Hàn Tú ở đấy, trông coi người trồng hoa, làm vườn, số tiêu dùng trong nhà đã ít mà số thu vào lại nhiều, hơn nữa, ông Hàn lại vốn có tiền nhiều sẵn, nên chẳng mấy chốc mà nổi tiếng giầu nhất ấp, gia tài kể có hàng chục vạn. Khi còn cô Bích Loan ở nhà thì khách khứa đông, người làm lụng sầm uất, nhưng sau khi cô đi lấy chồng, - ông Nguyễn Tâm, thầu khoán - thì ông Hàn không hề giao thiệp với ai nữa!

Trại Bích Loan chẳng những chung quanh có vườn rộng lớn, lại ở biệt tịch một khu nên cảnh tượng rất vắng vẻ. Tính ông Hàn mấy năm về sau lại thành kỳ dị, ít nói năng và ra ngoài nhưng có khi uống rượu một mình thì lại hay khề khà nói bô bô, hình như cãi cọ với một người vô hình vậy. Những người chung quanh cho rằng ông bị tà ma ám ảnh vì trại này vốn có tiếng là đất dữ, chính vì thế mà ông Hàn mới tậu được bằng giá rẻ. Ông Hàn lại không nuôi một người đày tớ nào hết. Ông nhờ một nhà ở khu đầu xóm thổi nấu cơm nước hộ. Nhưng ông không ăn đúng giờ bao giờ, ông dặn cứ làm cơm để sẵn, lúc nào ông muốn ăn thì ông đến gọi mang lại. Nhiều khi ông ăn dồn hai bữa vào một buổi, có khi chỉ ăn một nhưng vì số tiền cơm ông trả hậu, vả không ăn thì chủ thổi cơm tháng càng lợi nên không ai phàn nàn gì cả. Cũng bởi vậy mà cảnh trại rất tiêu sơ, trong nhà chỉ sống lặng lẽ một ông già dở người và đàn chó lài dữ tợn.

 

Là một tai nạn hay một vụ án mạng? Sau khi xem xét khắp nơi, nhà chức trách soi đèn xuống giếng, thấy lờ mờ như vạt áo đen, nên cho người xuống mò thì quả nhiên vớt được xác ông Hàn Tú lên. Theo lời thầy thuốc khám nghiệm thì ông Hàn đã bị ngâm dưới nước từ đêm hôm trước và ông bị chết đuối sau lúc vừa uống rượu say xong. Trong túi ông người ta không thấy có giấy má tiền nong gì cả, chỉ có mỗi một chùm chìa khóa thôi.

Vậy thì đây là một tai nạn xẩy ra hay là một vụ án mạng? Dư luận chia ra làm hai phái, một bên đoán ông Hàn uống rượu say, nhân có tính dở người nên đêm khuya, đi lang thang ở ngoài vườn bị sẩy chân sa xuống giếng. Một bên đoán ông Hàn say rượu nằm ngủ, kẻ gian vào, ông Hàn sực tỉnh, kẻ gian chạy ông đuổi theo ra đến vườn thì hai bên vật lộn, nên mới có khoảng cỏ bị giẫm nát, sau cùng, ông già yếu nên bị kẻ gian đẩy xuống giếng.

Vụ án càng thêm bí mật vì chiếc két rỗng không: Sau khi báo tin cho thân nhân biết, các nhà chức trách đã cho mở những hòm và tủ ra, nhưng vẫn y nguyên không thấy có gì lạ cả. Nhưng đến lúc mở tới két sắt thì ai nấy cùng ngạc nhiên vì bên trong trống rỗng không có lấy một đồng xu nhỏ. Thành ra két sắt mà không có tiền bằng chiếc ngăn kéo bàn giấy, trong còn kiểm được số tiền trên sáu chục bạc lẻ. Theo lời bà Tâm - tức cô Bích Loan khi xưa - khai với các nhà chuyên trách thì tiền để trong ngăn kéo là tiền ông Hàn vẫn chi tiêu vặt. Còn về số tiền trong két sắt thì bà khai không hề biết có bao nhiêu nhưng theo ước lượng thì vừa vàng ngọc vừa tiền mặt phải có tới mười hai, mười ba vạn.

Vậy số tiền lớn ấy đã biến đi đâu mất? Do đó mà giả thuyết mà ông Hàn bị ám sát càng thêm có lý. Nhưng hung thủ là ai, đó cũng lại là một điều hiện vẫn còn ẩn sau màn bí mật. Vợ chồng bà Tâm thẩy đều khai với các nhà chuyên trách không biết ai là kẻ thù của ông Hàn, những người lân cận cũng đều khai một cách lờ mờ, kẻ nói ông Hàn không tiếp khách lạ bao giờ, trừ con gái và con rể cùng một đứa cháu giai lên sáu tuổi, tên là Hợp, nhưng có kẻ nói có khi ông tiếp những bọn khách ba, bốn người thẩy đều như ở xa đến và vẻ mặt đều như hung tợn. Bị các nhà chuyên trách hỏi thêm nhiều nữa nhưng hàng xóm hình như sợ lôi thôi, không khai thêm gì, nói là không biết, lấy cớ là trại Bích Loan ở biệt tịch quá, vả lại ông Hàn có tính dở người nên hành động của ông, họ không chú ý đến lắm.

Hiện các nhà chuyên trách vẫn còn tìm thêm chứng cớ và xét hỏi may ra có tìm hơn được manh mối gì không.

Cuộc điều tra riêng của bản báo phóng viên: "Theo cuộc điều tra riêng của bản báo phóng viên thì buổi chiều hôm trước trời mưa nên lúc chập tối, trời tạnh rồi nhưng vì đường lội nên ở ấp cũng vắng không một ai qua lại. Tuy nhiên, có một người câu cá ở cái lạch gần đấy nói vào khoảng 8 giờ, có một chiếc xe tay hình như trên có hai người ngồi rẽ vào xóm trại Bích Loan.

Bởi câu cá ở đằng xa nên người này không thể nói đích rằng hai người ngồi trên xe diện mạo và ăn vận thế nào và không biết có phải đích đỗ vào trại Bích Loan không.

Một thằng bé phải đi mua dầu lạc cho bố hút thuốc phiện, lúc 9 giờ tối qua trại Bích Loan nói hình như có nghe thấy trong trại tiếng nhiều người cãi cọ và khi nó đã đi cách được mươi thước, hình như có tiếng kêu: Mày có giỏi thì giết tao đi!

Nếu những lời nói trên đây đích xác không có những tiếng hình như, thì chúng ta có thể tin chắc rằng vụ án trên quả thực là một vụ án mạng nhưng có điều chúng ta còn hy vọng là vụ án xẩy ra, các nhà chuyên trách biết ngay, còn có thể dễ tìm ra manh mối, chứ nếu không có đàn chó bị nhốt và bị đói, cắn rầm lên, hàng xóm không biết án mạng, lâu mới phát giác thì hung phạm hoặc những hung phạm đã đủ thời giờ mà cao chạy xa bay rồi.

Được tin gì thêm bản báo lại đăng tiếp ngay để các bạn độc giả cùng rõ.”

Thấy tôi đọc xong, Kỳ Phát mỉm cười nói:

- Thế nào, anh thấy dậy sớm nửa giờ đồng hồ cũng xứng đáng lắm chứ?

Tôi thì đương mải suy nghĩ về những điều quái lạ trong vụ án mạng, thấy Kỳ Phát vẫn đùa, hình như không hề để ý gì cả thì cau mặt bảo rằng:

- Tôi thực không hiểu anh nghĩ ra sao đấy! Một vụ án mạng quan trọng và ly kỳ như thế mà anh không hề chú ý đến và tìm tòi tra xét cho ra thì không khéo anh đã thành điên rồi đấy!

Kỳ Phát cười ngất, châm thuốc lá hút, rồi nói:

- Có anh thành điên thì có. Trước tôi gọi anh thì anh bảo để anh ngủ, hết sức lãnh đạm với việc xẩy ra, mà bây giờ thì lại quá sốt sắng như chính là việc của anh vậy.

Tôi đành thú thật:

- Trước chẳng qua là tôi không biết có việc kỳ lạ đến như thế xẩy ra nên mới muốn ngủ lười một chút…

Kỳ Phát vỗ tay tôi, bảo:

- Thế thì bây giờ anh lại ngủ đi, chứ có làm sao?

Tôi lắc đầu:

- Trước một vụ án mạng ly kỳ như thế anh bảo tôi ngủ yên sao được. Còn anh nữa, ý kiến anh về vụ án này thế nào, chắc hẳn anh đã tìm ra một vài manh mối rồi hẳn!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, tôi không nghĩ ngợi và tìm tòi gì hết vì những điều bí mật ở vụ án này, đều ở hết trong chiếc mũ, mà chiếc mũ thì hiện tôi đã cất kỹ trong tủ kia rồi!

Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:

- Vậy ra tờ giấy của người điên…

Không để tôi nói hết lời, Kỳ Phát bảo:

- Tốt hơn hết là anh hãy ngủ, vì nếu cố suy nghĩ mãi, anh cũng sẽ thành ra điên mất. Hay là… nếu không ngủ được thì hãy nghĩ sang việc khác cho nó được thảnh thơi trí não chốc lát đã!

 

5

MỘT NGƯỜI ĐẾN NHỜ

KHÁM PHÁ ÁN MẠNG

MÀ LẠI KHÔNG MUỐN

TÌM RA THỦ PHẠM

Lúc ấy đã 10 giờ khuya.

Tôi và Kỳ Phát cùng yên lặng đọc sách, báo, không ai nói với ai một câu vì tôi động mở miệng là muốn hỏi đến vụ án mạng ở ấp, mà Kỳ Phát nói gì thì nói chứ hễ dây dưa đến vụ án mạng thì lại nhất định im lìm. Sau cùng, chúng tôi như “dỗi” nhau, mỗi người kiếm lấy một quyển sách hay tờ báo mà đọc cho hết thời giờ.

Và chúng tôi hút mỗi người có trên năm điếu thuốc lá rồi!

Bỗng Kỳ Phát bỏ tờ báo xuống, liếc nhìn đồng hồ rồi vươn vai. Tôi cũng bỏ sách xuống và ngáp một cái dài. Kỳ Phát hất hàm hỏi tôi:

- Đi ngủ chứ?

Tôi khẽ gật đầu, rồi đứng lên rót cốc nước uống. Ngay lúc ấy, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, như rụt rè. Tôi giật mình vì không đoán ra người khách nào đến vào giờ này, còn Kỳ Phát thì lắng tai nghe… Trái hẳn với lệ thường, Kỳ Phát không ra mở cửa ngay, lên tiếng hỏi:

- Ai đấy?

- Dạ, thưa tôi!

Tiếng thưa ấy là một tiếng đàn bà. Không hiểu sao, tôi tự nhiên thấy bối rối, mà Kỳ Phát thì chỉ gật gù và mỉm cười, hình như đắc ý.

Một lát sau, cửa mở. Ánh sáng đèn trong nhà làm người mới vào như chói mắt, chưa nhận rõ gì… Nhưng chúng tôi đã thấy đó là một thiếu phụ, tuổi chừng hăm tư, hăm lăm, ăn vận đại tang, trên nét mặt xinh đẹp lộ nhiều vẻ sợ hãi hơn vẻ u sầu.

Thiếu phụ rụt rè mãi mới nói được:

- Thưa, đây có phải là nhà ông Kỳ Phát không?

Kỳ Phát liếc mắt nhìn tôi. Hiểu ý, tôi đứng dậy, thưa:

- Vâng, xin mời bà vào!

Kéo ghế ngồi, tôi mời:

- Xin mời bà ngồi chơi tạm!

Thiếu phụ như e ngại, chưa dám ngồi, còn hỏi:

- Xin lỗi ông, vậy ra… chính ông là Kỳ Phát?

Tôi còn lúng túng chưa biết trả lời thế nào, thì Phát đã bảo:

- Anh hãy ra khóa cửa lại!

Rồi ngoảnh lại thiếu phụ, Phát điềm nhiên hỏi:

- Thưa, bà là… cô Bích Loan?

Và Phát lại tiếp luôn:

- Hay là bà Nguyễn Tâm thì cũng thế! Nhưng tôi không rõ bà muốn chúng tôi gọi tên nào?

Thiếu phụ kinh ngạc hết sức, ren rén ngồi xuống rồi thưa:

- Vâng, thưa ông, tôi chính là Bích Loan, nhưng… tại sao ông lại biết?

Và thiếu phụ lại liếc mắt nhìn tôi như ngần ngại không biết tôi là ai, sợ câu chuyện mình sẽ nói đây lọt đến tai người ngoài không tiện. Nhưng Kỳ Phát đã mỉm cười, chỉ tôi mà giới thiệu:

- Đây là một người bạn thân của tôi thường vẫn đi giúp tôi trong nhiều việc tra xét, bà cần nói việc gì, xin đừng ngại gì cả… Còn tại sao tôi lại biết bà là… cô Bích Loan, điều ấy, không khó khăn gì cả, vì sáng nay tôi có xem báo, tôi có để ý đến vụ án ở ấp và bây giờ thấy một người ăn vận đại tang như bà đến tìm tôi, tất phải là một người có liên quan vào vụ án mạng này…

Bích Loan thở mạnh. Một lát, nàng nói:

- Tôi vẫn thường được xem báo, thấy thuật những vụ án do ông tra xét ra, trong lòng tôi rất khâm phục, nhưng thực không ngờ chính tôi ngày hôm nay lại đến nhờ ông…

Kỳ Phát chăm chú gạt cho hết những tàn trắng trên điếu thuốc của mình và lơ đãng nói:

- Tôi tin rằng bà đến đây không phải là để nhờ tôi tìm ra thủ phạm vụ án này!

Thiếu phụ giật mình, nhìn Kỳ Phát rồi có lẽ lại toan hỏi cái câu “Tại sao ông biết” lần nữa, nhưng bỗng trấn tĩnh ngay lại, điềm nhiên gật đầu, nói:

- Vâng, quả tôi không dám giấu gì ông, tôi lại đây không phải để nhờ ông tìm ra thủ phạm vụ án mạng như người ta thường nói, vì, chúng tôi là người trong cuộc chúng tôi biết rõ đây không phải là một vụ án mạng mà chỉ là một tai nạn mà thôi…

Kỳ Phát gật đầu:

- Vâng, chúng ta cũng hãy tin như thế, nhưng chẳng hay bà đến muốn bảo chúng tôi giúp việc gì?

Thiếu phụ ngần ngại, đắn đo mãi mà vẫn chưa dám nói thẳng ra. Lâu lâu, mới chầm chậm rào trước đón sau mọi lẽ:

- Các ông thấy một người con gái, khi cha vừa gặp tai nạn nằm xuống xong, đã lại ngay đây để nhờ các ông một việc có… lợi cho mình, thực là một người con đáng chê trách. Không những có tình, còn phải có lý, cha tôi mất đi, chỗ gia sản kia để lại không thấy, còn lại được hơn trăm bạc, mà cha tôi cũng còn có những công việc giao dịch nợ nần, nếu người ta hỏi thì tôi biết lấy tiền đâu và kiểm soát theo cách nào mà thanh khoản cho xong được…

Kỳ Phát như nóng nẩy, gật đầu nói:

- Vâng, tôi thấy báo đăng lúc các nhà chuyên trách mở két ra thì không thấy có gì hết, vậy có lẽ bà cần chúng tôi phải tìm ra số tiền của đó hiện ở đâu hoặc đã lọt vào tay kẻ nào rồi!

Thiếu phụ gật đầu:

- Vâng, chính thế đó!

Kỳ Phát có vẻ nghĩ ngợi một lát, nói:

- Điều ấy, chúng tôi xin giúp bà, nhưng có điều chúng tôi phải nói trước là chúng tôi biết công việc không phải giản dị như thế đâu, nên chúng tôi xin bà hãy để cho chúng tôi đủ thời giờ…

Bích Loan nói:

- Vâng và xin ông cứ tin rằng mọi việc xong xuôi rồi, chúng tôi không dám quên ơn ông!

Kỳ Phát mỉm cười, rồi kiêu ngạo nói:

- Điều ấy thì bà không phải nghĩ ngợi vì tôi không phải là một “trinh thám nhà nghề” nên không hề có lấy của ai một đồng xu nhỏ nào. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng tôi rất cẩn thận. Chúng tôi làm việc gì cũng nghĩ và tự hỏi liệu cái khó nhọc của mình có giúp cho ai được gì không, hay là để một kẻ không đáng hưởng…

Nhưng Kỳ Phát bỗng ngừng lại, vui vẻ xin lỗi Bích Loan:

- Tôi hay nói dài dòng và lôi thôi không ăn nhập gì tới việc này cả, xin bà thứ lỗi cho. Vâng, việc tìm ra cái gia sản kia tôi xin cam đoan sẽ làm được, nhưng tôi muốn bà trả lời, - và nói rất thực, - những điều mà tôi hỏi bà đây…

Bích Loan nhìn Kỳ Phát như muốn dò xem ý tứ. Một lát, nàng nói:

- Vâng, xin ông cứ hỏi, điều gì tôi có thể trả lời được xin trả lời ngay và… trả lời rất thực!

Kỳ Phát chỉ mỉm cười, một lát sau mới rút cuốn sổ tay mà chàng vẫn thường ghi chép những điều quan trọng trong một vụ án, xem lại một lượt, rồi ngẩng lên hỏi rằng:

- Xin bà nói cho tôi biết cụ Hàn mà người ta nói mấy năm gần đây không được sáng suốt lắm, vậy thường thường, lúc nào cũng ngẩn ngơ hay cũng có từng lúc minh mẫn như người thường?

Bích Loan nói:

- Người ta bảo cha tôi dở người nhưng thực ra cũng không đúng lắm. Có lẽ vì nhiều nỗi buồn riêng mà người bây giờ không vui vẻ giao du như trước nữa hoặc luôn luôn dùng chén rượu làm liều thuốc giải phiền mà thấy thế, người ngoài cho cha tôi là điên cuồng chăng? Riêng tôi thì những lúc lại thăm, tôi thấy cha tôi tuy có ít nói, nhưng vẫn tỉnh táo như thường…

Nghĩ ngợi một lát, Kỳ Phát hỏi:

- Tôi hỏi thế này thực tò mò quá, song cần cho việc tìm tòi số gia sản kia… Tôi không hiểu cụ Hàn trước đây buôn bán gì mà giầu lớn nhanh được như thế?

Bích Loan trả lời:

- Cha tôi vốn người tằn tiện, cần cù, khi tậu được trại thì trồng trọt, chăn nuôi, lại thỉnh thoảng thầu một vài việc nên mới có một vốn lớn như vậy…

Kỳ Phát hỏi gặng:

- Nhưng sao tôi lại còn thấy nói ông cụ trước đây thường có buôn bán giao thiệp với những người thường mang hàng Hồng Kông trốn thuế về Hà Nội…

Bích Loan ngạc nhiên không hiểu sao Kỳ Phát lại biết rõ ràng như vậy, nhưng không hỏi, chỉ gật đầu, nói:

- Vâng, nhưng mà việc trước kia… Sau khi đã bốc được một số tiền kha khá cha tôi bỏ nghề buôn nguy hiểm này!

Kỳ Phát hỏi:

- Nhưng những người kia cũng vẫn thường đến giao thiệp làm gì?

Bích Loan lắc đầu:

- Không, họ cũng đều đã bỏ nghề rồi. Người thì tậu đồn điền, người thì mở hiệu buôn bán lương thiện ở mạn ngược hoặc mạn Vân Nam, nhưng thỉnh thoảng cũng có họp nhau lại, về chơi nhà cha tôi; những hôm ấy, không nói thì các ông cũng biết, gặp bạn đã từng chung nỗi nguy hiểm với mình khi xưa, cha tôi vui lắm, uống rất nhiều rượu, nói chuyện rầm rĩ, đi chơi đây đó, tưởng chừng như quên hết mọi nỗi buồn riêng vậy…

Ngừng lại một lát, Bích Loan lại tiếp:

- Tôi không hiểu tại sao ông lại biết cha tôi trước có buôn nghề hàng lậu, nhưng tôi đoán bây giờ ông hỏi thế là vì có ý ngờ bọn người kia đã sang đoạt gia sản của cha tôi. Nhưng tôi có thể cam đoan với ông điều này: những bạn cũ của cha tôi đều là những người rất trung tín, họ đều giầu cả, có người nhiều tiền hơn cha tôi nữa, vậy không có lý gì nghi ngờ họ cả.

Kỳ Phát gật đầu, sau khi ghi chép mấy dòng vào cuốn sổ tay, chàng đứng dậy, nói:

- Bà cho biết bằng ấy điều là đủ cho cuộc tra xét của tôi rồi, vậy xin bà cứ yên tâm, chúng tôi sẽ tìm ra được chỗ gia sản kia… Và chúng tôi sẽ tìm hết cách để cho những kẻ vô lương ở ngoài nhòm nhỏ không có thể nào tiêu dùng được vào số tiền ấy…

Thiếu phụ đã đứng lên, khi nghe thấy câu nói sau cùng này của Kỳ Phát thì hình như muốn hỏi thêm điều gì, song lại thôi và chỉ nói:

- Chúng tôi xin tin cậy ở ông…

Bích Loan đã ra rồi. Kỳ Phát đánh diêm châm thuốc lá, có vẻ suy nghĩ, một lát, gật gù lẩm bẩm:

- Trước hết, ta cần phải tìm cho thấy người thứ ba mới được!

Tôi hỏi:

- Anh nói gì, tôi không hiểu đấy!

Kỳ Phát vén tay áo xem đồng hồ, rồi ngoảnh lại bảo tôi:

- Tôi nói thế này thì hẳn anh hiểu: Bây giờ gần 11 giờ rồi đấy, anh cần phải đi ngủ đi mới được!

Nhưng tôi đâu có chịu ngay, hỏi gặng:

- Lúc nẫy anh vừa nói ông Hàn Tú trước có buôn hàng lậu, vậy tại sao anh lại biết được thế?

Kỳ Phát cười:

- Tôi cũng chiều anh mà trả lời mỗi một câu này thôi nhé! Đó chỉ là vì tôi bạo “bắt nọn” Bích Loan mà thôi. Anh thử nghĩ xem, một người giầu một cách rất nhanh và lại “thường có những bạn bè trông như người ở mạn ngược và có vẻ dữ tợn”, tất phải là một người đã từng buôn bán một cách không hợp pháp… Tôi nói bừa rằng hàng Hồng Kông vì xét ra thời ông Hàn Tú làm giầu là thời phong trào buôn lậu ở Hải Phòng rất thịnh hành…

Không để tôi hỏi thêm gì nữa, Kỳ Phát giục:

- Thôi, anh tắt đèn đi ngủ đi, bất cứ cái gì, chúng ta cũng nên có điều độ, kể cả việc suy nghĩ nữa!

Mặc dầu Phát nói thế nhưng tôi đã ngủ được một giấc, khi choàng mở mắt, hãy còn thấy trong buồng tối, chấm lửa đỏ trên đầu điếu thuốc của Kỳ Phát vẫn lập lòe, tỏ rõ rằng vụ án này không đơn giản như Bích Loan đã nói.

 

6

HUNG PHẠM 6 TUỔI

Sáng hôm sau, tôi trở dậy sớm hơn mọi ngày thường, vậy mà nhìn sang giường bên, Kỳ Phát đã không thấy ở đó rồi. Thì ra có lẽ người bạn tôi quá chăm chú vào vụ án, đêm qua không chừng chẳng chợp mắt lúc nào. Tôi ra bàn rửa mặt đã thấy cạnh chiếc gương, Kỳ Phát ghim một mảnh giấy dặn: “Đến giờ anh cứ đi ăn cơm, chớ có đợi tôi. Nhưng buổi chiều thì chắc chắn tôi sẽ về trước 5 giờ. Và chúng ta đi ăn vào khoảng 6 giờ rưỡi thì vừa tiện”. Tôi đoán chắc Kỳ Phát đã tìm ra một vài giả thuyết về vụ án này, bây giờ chỉ còn phải đi dò xét thử xem những điều ức đoán của mình có đúng không!

Riêng tôi cứ luôn luôn nhớ đến câu nói của Kỳ Phát: “Cần phải tìm ra người thứ ba mới được!” Vậy người thứ ba ấy là ai? Hàn Tú là một, Bích Loan là hai, còn người thứ ba nữa, mà người này mới chính là một vai quan trọng trong vụ án mạng này.

Tôi giở mấy tờ báo, đọc lại cái tin thuật rõ hôm qua, tôi đã suy xét kỹ lưỡng, đối chiếu với tờ giấy giấu trong chiếc mũ, vậy mà thấy man mác, bối rối, không thể nào tìm ra đầu mối của vụ này!

Cho hay ở đời, chẳng phải bất cứ ai cũng có thể có óc trinh thám, có tài luận đoán như Kỳ Phát.

Buổi trưa, khoảng 2 giờ, tôi đương ngủ, bừng mắt dậy thấy có tiếng động cửa. Một thanh niên vận quần áo như người lao động nhanh nhẹn bước vào. Hắn cúi chào tôi rồi đưa ra một tờ giấy: đó là chiếc thiếp của Kỳ Phát dặn tôi đúng 6 giờ chiều thì lại một hiệu ăn quen ở phố Hàng Buồm, lên gác vì Phát đã dặn trước lấy buồng số 8.

Tôi tò mò hỏi thiếu niên:

- Thế ông ấy bây giờ ở đâu?

Người kia chỉ vắn tắt trả lời:

- Ông ấy đi công việc luôn luôn, tôi cũng không được biết!

Rồi hắn cúi chào tôi, quay ra. Mặc dầu hắn cố giấu, tôi cũng thoáng trông thấy hắn như đã mỉm cười…

Tôi phân vân nghĩ ngợi, nóng nẩy đợi cho mau đến 6 giờ. Và tôi mải miết đến nơi hẹn không chậm một phút.

Nhưng Kỳ Phát và chàng thanh niên buổi trưa đã ngồi ở đó rồi. Kỳ Phát trịnh trọng bắt tay tôi, rồi vui vẻ nói:

- Anh đến đúng giờ lắm, thực không biết theo tục lệ của người Annam chút nào! À, mà anh biết anh chàng này rồi chứ!

Vừa nói Kỳ Phát vừa chỉ chàng thanh niên lúc nẫy cũng đương nở một nụ cười bí mật!

Thấy tôi ngơ ngác, Kỳ Phát cười rũ, vỗ vai người trẻ tuổi rồi bảo tôi rằng:

- Do đây mà, anh chàng ăn trộm không gặp vận của chúng ta đây, nhưng bây giờ đã là một người phụ tài xế ở hãng U.D.H.A. rồi!

Bây giờ thì tôi đã hiểu cái nụ cười của chàng trẻ tuổi: anh ta không thể nhịn cười được khi chợt nhớ đến đêm vào làm “một chuyến” ở nhà tôi… Ấy là không may mà gặp Kỳ Phát, chứ nếu thực gặp tôi thì câu chuyện sẽ ra sao?

Kỳ Phát rót nước ra chén rồi gật gù nói:

- Long tỉnh cúc hoa đây! Lượt nước “rửa trà”, chúng tôi uống rồi, anh đến vừa gặp nước thứ hai, chè ngấm!

Tôi tò mò nhìn Kỳ Phát:

- Anh hôm nay vui vẻ lắm, không đến nỗi cáu kỉnh khó tính như hôm qua, tôi chắc công việc dò xét vụ án này, anh đã tìm ra được nhiều manh mối!

 

Kỳ Phát chỉ Do mà bảo:

- Công ấy thì phải về anh Do này. Tôi được một người giúp đỡ thực đắc lực, nếu cứ một mình tôi đi tìm tòi tra xét thì bây giờ đâu đã được ngồi dẩm xà đàng hoàng ở đây!

Và nghiêm sắc mặt, Kỳ Phát nhìn Do nói:

- Anh tinh và nhanh lắm, tôi chắc nghề trinh thám của anh sau này còn có thể tấn tới nhiều hơn tôi không biết chừng!

Do được khen, sung sướng lắm, nhưng cũng lễ phép thưa:

- Dạ, ông cứ dạy thế!

Kỳ Phát cười ngất, chỉ Do mà bảo tôi rằng:

- Anh đã nghe thấy chưa, hắn cứ một điều dạ, hai điều bẩm ông như thế, tôi đã bảo mãi rằng cứ gọi tôi bằng anh cho tiện, vậy mà hắn nhất định không nghe!

Tôi cũng cười gật gù:

- Không, cứ để xưng hô thế cũng phải, vì dù sao thì anh cũng đã trót nhận Do là học trò rồi!

Kỳ Phát đập vào tay tôi bảo:

- Thôi đi ông, ông đừng có “đẩy cây” nữa mà tôi lại lên bộ không nói một điều gì cho ông biết bây giờ!

Tôi đấu dịu:

- Ấy chớ, anh để tôi trông đợi suốt buổi rồi, bây giờ lại còn định hãm nữa sao?

Kỳ Phát gật đầu:

- Muốn thế thì hãy ăn uống cho ngoan ngoãn đã.

Một lát, Kỳ Phát lại quay lại hỏi Do rằng:

- Cái thư tôi viết anh đưa lại cho bà Tâm rồi chứ?

Do gật đầu:

- Đã, tôi đã đưa cho chính tay bà ấy.

- Người ta có nói gì không?

- Bà ấy xem xong dặn sẽ theo đúng lời hẹn.

Tôi ngạc nhiên:

- Anh hẹn bà Tâm lại đây bây giờ?

Kỳ Phát gật đầu:

- Phải, nhưng lát nữa cơ. Bây giờ tôi hãy để cho Do thuật lại anh nghe những điều mà hắn đi dò xét được…

Quay lại phía Do, Kỳ Phát tiếp:

- Anh trước hết hãy kể cuộc dò xét gia đình nhà bà Tâm lại để anh bạn tôi hiểu sơ qua đôi chút!

Do nói:

- Việc ấy không khó khăn gì, theo lời chỉ bảo của ông Phát, trước hết tôi giả vờ làm một thằng xe thất nghiệp, đến tán chuyện ở máy nước… Đúng như lời ông Kỳ Phát nói, ở máy nước là chỗ tụ tập hết thẩy các tin tức của các nhà trong mấy phố lân cận. Mà nhất là những đứa ở cho nhà ông Nguyễn Tâm lại được bọn thầy tớ trọng vọng tợn, vì chúng muốn dò hỏi những đứa này để biết chuyện vụ án mạng ở Thái Hà… Thành ra chính tôi không phải hỏi han gì ai cả, cứ biết lắng tai nghe là đủ. Tôi biết sau khi ông Hàn Tú chết thì ở nhà bà Tâm hai vợ chồng có xẩy ra chuyện cãi cọ. Hình như chồng đổ lỗi cho vợ không biết khéo cư xử với ông cụ để cho ông cụ giận ra ở riêng một mình, mà vợ thì trách chồng bầy cho ông cụ cách uống rượu giải phiền nên mới sinh ra cơ sự. Tôi lại biết được một điều quan trọng nữa là đêm hôm ông cụ Hàn bị chết một cách bí mật thì hai bố con ông Tâm có đến thăm trại Bích Loan…

Tôi giật mình, hỏi Kỳ Phát:

- Nếu vậy thì chắc chính hai bố con Tâm là người ngồi xe đến trại lúc chập tối mà người câu cá đã trông thấy!

Kỳ Phát gật đầu:

- Có lẽ đúng!

Rồi Kỳ Phát lại nói tiếp:

- Biết được điều ấy, tôi chỉ còn việc đi tìm cho ra tên xe nào đã kéo hai bố con ông Tâm đến trại đêm hôm ấy. Được Do giới thiệu cho biết mấy người cai xe, tôi tìm ra tên kéo xe có liên lạc vào vụ này không khó khăn lắm. Song vừa dỗ dành vừa dọa nạt cho tên xe ấy thuật rõ chuyện thì lại là một sự chẳng dễ dàng gì!

Tôi nóng nẩy hỏi:

- Nhưng tôi tin rằng anh đã làm cho hắn phải nói rõ mọi điều không giấu giếm?

Kỳ Phát gật đầu:

- Chúng ta cũng mong như vậy nhưng thực hay không rồi lát nữa đây, chúng ta sẽ biết rõ ràng… Bây giờ tôi chỉ biết thuật đúng như lời hắn kể lại: Hắn nói sau khi kéo bố con ông Tâm đến thì hắn ở ngoài ngồi gác đê. Hắn có nghe thấy bên trong như có người cãi cọ, cuối cùng thì có ánh đèn bấm chiếu ra vườn, nhưng chỉ chốc lát thôi rồi lại tắt ngay. Và sau đấy có tiếng nhiều người ra vườn, hắn không nghe rõ những tiếng người nói nho nhỏ, nhưng thấy rõ tiếng chửi bới lè nhè giọng rượu của cụ Hàn… Cuối cùng, có tiếng cụ Hàn quát: Thằng nhãi ranh kia, mày có giỏi thì giết tao đi… Có tiếng người chạy, người đuổi, nhờ có ánh đèn bấm, tên phu xe thoáng trông thấy nhưng cam đoan thấy rất rõ ràng, thằng bé con, con ông Tâm chạy trước, ông Hàn lảo đảo chạy đuổi theo sau… Rồi cuối cùng, một tiếng rơi tòm xuống giếng làm cho tên xe hốt hoảng nâng càng lên định lảng vì sợ khó đến thân. Nhưng ngay lúc ấy, bố con ông Tâm đã ra, hỏi nó đã thấy những gì, sau cùng cho nó một số tiền bảo hãy nghỉ xe ít lâu và chớ có nói lộ chuyện này ra cho ai biết. Nếu giữ được kín thì rồi ông sẽ cho một cái vốn mà buôn bán…

Kỳ Phát đợi cho Do nói xong, mới gật gù mà hỏi tôi rằng:

- Anh đã thấy chưa, đã thấy cái cớ làm sao mà Bích Loan lại đây chỉ muốn nhờ tìm cho ra cái gia sản kia mà lại không muốn tìm thấy hung phạm?

Tôi nghĩ ngợi, lâu lâu mới lắc đầu:

- Tôi cũng đã hiểu đôi chút, song chưa được rõ ràng lắm!

Kỳ Phát gật đầu:

- Nếu thế thì một lát nữa, Bích Loan đến đây, anh sẽ được hiểu cả. Bây giờ chúng ta hãy ăn uống cho no nê đã vì tôi và Do ngày hôm nay đi nhiều lắm và từ sáng đến giờ mỗi người chỉ mới được có một chiếc bánh tây!

Một lát sau, tôi lại hỏi Kỳ Phát:

- Thế là trong vụ án này, anh đã hiểu rõ đầu đuôi mọi việc rồi?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Kể ra thì vụ án này không có gì là lạ cả. Nếu chỉ cốt tìm ra hung phạm thì tôi chỉ ngồi nhà, đọc mấy bài báo kia cũng có thể hành động được. Nếu chỉ muốn tìm ra chỗ giấu cái gia sản kia thì lại dễ dàng hơn nữa vì sự tình cờ đã để lọt vào tay chúng ta bức bản đồ chỉ chỗ giấu của…

Thấy tôi vẫn chưa hiểu Kỳ Phát định nói gì, chàng tiếp:

- Nhưng trong vụ án mạng này có điều lạ là còn nhiều nỗi uẩn khúc ở trong làm cho cách luận lý của ta nhiều khi thành ra mâu thuẫn. Chẳng hạn như Bích Loan là con, muốn tìm ra gia sản mà lại không muốn tìm ra hung phạm! Lại ông già dở người nữa, để một số tiền lớn lại, nhưng chẳng để ở két, mà giấu đi một nơi, lại giấu luôn cả bức thư mà ta có thể coi như một tờ di chúc trong đó, ngoài những lời tỏ lòng thương yêu con gái, còn có những lời chê trách một kẻ bội bạc vô lương và những lời hối hận mãi sau mới biết một người có lòng thẳng thắn trung nghĩa! Tôi cần phải biết người thứ ba này là ai? Và thứ nhất tôi cần phải làm sao cho chỗ gia sản lớn kia của ông Hàn không bị lọt vào tay kẻ vô lương bất nghĩa.

Rồi nghiêm trang, nói bằng một giọng chân thực và tin tưởng vô cùng, Kỳ Phát tiếp:

- Sự tình cờ tức là Trời. Trời đã nhờ tay Do đưa đến tôi lá chúc thư của một người không có đủ trí sáng suốt để chống chọi vào những kẻ ở quanh mình, tức là Trời muốn tôi giúp một tay cho con người đáng thương kia được thực hiện theo ý muốn.

Chúng tôi đều im lặng. Trước mắt chúng tôi hiện ra hình ảnh một ông già thương con và đã chịu một đời đau khổ, vậy mà vì một sự nhầm lẫn hối lại không sao kịp nữa, nỗi uất ức mỗi ngày một nặng làm cho ông già loạn trí, dở người!

Chúng tôi đều yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, mãi cho đến lúc có tiếng người bồi bàn nói ở đầu cầu thang: “Thưa bà, buồng số 8 ở đằng này!”

Kỳ Phát liếc nhìn Do hình như nhắc lại một điều gì đã dặn trước. Do lặng lẽ gật đầu.

Tôi thấy Bích Loan cũng ăn mặc giống như lần trước đã đến nhà tôi nhưng lần này, trông sắc mặt có vẻ lo nghĩ hơn nhiều.

Kỳ Phát chỉ tay mời thiếu phụ ngồi, rồi nói:

- Tôi xin lỗi bà đã phải hẹn ở chỗ này, nhưng ông Do đây không muốn gặp ở nhà riêng…

Và Kỳ Phát lại nói tiếp luôn:

- Chính ông Do đã lại tìm tôi và nói cho biết vụ ông Hàn mất đi chẳng phải là một sự tự nhiên tai nạn. Chính ông Hàn đã bị người ám sát, hay gây ra tai nạn thì cũng thế!

Do đỡ lời Kỳ Phát, nghiêm giọng nói:

- Chính tai tôi nghe thấy mấy câu ông Hàn nói lúc sau cùng…

Bích Loan ngạc nhiên nhìn Do lộ vẻ sợ hãi. Nhưng Kỳ Phát đã tiếp:

- Ông Do đây không có ý muốn nói cho các nhà chức trách biết việc này, nhân ông có gặp tôi, kể chuyện lại nên tôi nghĩ ngay đến tìm bà hỏi xem có thực không?

Bích Loan không trả lời ngay, cũng không hỏi rõ Do đã biết những chuyện gì, chỉ tìm cách giữ cho Do khỏi làm vỡ lở chuyện ra:

- Việc này nếu tan hoang ra thì nhà tôi sẽ bị mang tai tiếng, vậy trăm sự nhờ ông điều đình với ông Do đây… sao cho ổn thỏa thì thôi…

Do vừa lắc đầu từ chối, thì Kỳ Phát đã đỡ lời:

- Bà đã hiểu nhầm ông Do và ý của chúng tôi. Mời bà lại đây, không phải ông Do muốn bà điều đình mua sự im lặng của ông bằng một giá bao nhiêu. Ông Do chỉ muốn bà nhận rằng bà có biết việc này!

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát nhìn thẳng vào mặt Bích Loan rồi lại tiếp:

- Và tôi cũng muốn biết thêm một ít những uẩn khúc trong vụ án này, có lẽ nó phức tạp hơn như trước chúng ta đã tưởng… Vậy trước hết, bà hãy cho chúng tôi biết tại sao bà lại biết cụ Hàn mất đi không phải là tai nạn?

Bích Loan lắc đầu:

- Không, thưa ông dù sao thì cũng vẫn chỉ là một tai nạn. Nguyên nhà tôi hôm ấy đi cùng cháu Hợp đến thăm thì ông tôi đương ngồi uống rượu. Có lẽ ông tôi đã uống nhiều, nên say, sau cùng hỏi căn vặn cháu Hợp, trách cháu không thiết gì đến ông cả… Khốn nạn, cháu mới năm, sáu tuổi đầu thì đã biết gì nên trả lời ngớ ngẩn mấy câu thành ra ông tôi nổi giận, đuổi cháu ra sân… rồi vì đêm tối trượt chân xuống giếng… Như vậy thì gọi hung phạm là thằng cháu Hợp cũng không đúng hẳn…

Kỳ Phát cau mặt:

- Tôi tưởng sự thực lại khác. Cứ chỗ ông Do và tôi đã biết thì ông cụ có kêu lên mấy câu… mà những câu ấy chỉ rõ Hợp có ý muốn hại ông cụ… Đây là một điều tôi ngờ vực lắm vì dù sao thì Hợp cũng chỉ mới lên sáu tuổi!

Bích Loan lưỡng lự một lát, sau cùng nói:

- Vâng, chính tôi cũng nghĩ như ông. Cháu Hợp chẳng những còn ít tuổi mà nó lại ngoan ngoãn và yêu mến ông tôi lắm… Chính vì thế mà tôi ngờ vực, khốn nhưng chính nhà tôi kể chuyện lại cho tôi nghe, lại đưa cả bằng chứng ra nữa, tức là tên xe đỗ gác đê ở cổng trại, người đã nghe và trông thấy mọi việc xẩy ra…

Kỳ Phát chú ý nghe Bích Loan nói lắm, đến đây buột mồm hỏi lại:

- Chính ông Tâm kể lại và chỉ bằng cớ cho bà thấy?

Bích Loan gật đầu:

- Vâng, và như vậy, tôi còn nghi ngờ sao được nữa! Tôi lo lắng lắm và phải bàn cách với nhà tôi cho tiền người phu xe kia để họ đừng có nói gì lộ chuyện hết!

Kỳ Phát gật gù, lẩm bẩm:

- Như vậy thì cớ sao cụ Hàn lại giấu tiền đi chỗ khác, không để trong két, hay là…

Thấy Bích Loan chăm chú nghe mình, Kỳ Phát vờ làm như lơ đãng song nói rành mạch từng tiếng, bảo:

- Hay là cụ đã có ngờ vực ai rồi, ngờ vực một điều gì rồi?

Mọi người cùng lặng thinh vì chúng tôi đều đợi Bích Loan trả lời, mà thiếu phụ thì chỉ cắn môi im bặt.

Mãi một lúc lâu, Bích Loan mới ngẩng lên nhìn chúng tôi khắp lượt, nói bằng một giọng van nài đáng thương:

- Tôi không hiểu sự thực còn có những gì nữa. Nhưng tôi chỉ xin các ông thương đến đứa con nhỏ của tôi… xin chớ có làm gì để đến nỗi nó phải tủi nhục đau khổ cả một đời…

Và lau dòng nước mắt đã bắt đầu chảy xuống gò má, Bích Loan tiếp, nhỏ như một hơi thở:

- Vì đời tôi chỉ có một mình nó thôi!

Kỳ Phát gật gù, nhìn thiếu phụ, thương hại. Một lát, chàng dịu giọng, nói:

- Vâng, xin bà cứ yên tâm… Bây giờ tôi chỉ xin bà giao cho chúng tôi tất cả những chìa khóa ở trại Bích Loan để cho chúng tôi tiện việc tra xét tìm tòi…

Kỳ Phát lại cẩn thận nói thêm:

- Và xin bà tin rằng chúng tôi sẽ tìm tòi, tra xét một cách rất là kín đáo không một ai biết được!

Bích Loan yên lòng, đưa chìa khóa các cửa các buồng cho Phát. Rồi nàng đứng dậy nhưng sau khi chào chúng tôi, còn năn nỉ:

- Xin các ông hãy thương tôi và… cháu!

 

7

NHÀ SƯ THỌT

Chúng tôi lặng lẽ một lúc lâu.

Rồi không hẹn nhau mà cả ba chúng tôi đều thở dài, Kỳ Phát dằn mạnh chén nước xuống bàn, rồi nói:

- Tôi thú thực không ngờ trong vụ án này, cách tìm ra án mạng và tìm ra chỗ giấu của không khó khăn gì cả, nhưng những điều uẩn khúc lại che kín tất cả trong một nỗi lòng đau khổ đáng thương…

Tôi ngẫm nghĩ một lát, hỏi:

- Có lẽ anh đã nghĩ đến cái cớ làm cho Bích Loan phải giấu anh làm cho việc tra xét khó thêm lên?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, tôi đã nói việc tra xét không có gì là khó cả. Điều chúng ta phải thắng trong vụ này là làm thế nào biết rõ được nỗi lòng u ẩn trong tâm người thiếu phụ đáng thương kia, đã nhận thấy mọi nỗi nguy hiểm quanh mình mà vẫn phải giấu giếm chẳng dám nói ra… Vậy thiếu phụ đã sợ những gì? Ấy là điều chúng ta cần biết trước hết!

Do nói:

- Ta đã biết một điều là thiếu phụ sợ các nhà chức trách biết thủ phạm là Hợp, đứa con sáu tuổi của mình!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Chúng ta đã chắc đâu Hợp là hung phạm?

Tôi chợt nghĩ ra:

- Hay là…

Nhưng Kỳ Phát đã giơ tay, ra hiệu bảo tôi im, rồi chàng chậm rãi nói:

- Chúng ta chưa nên đặt một cái tên nào cho hung phạm vội. Vì trong vụ án này, mặc dầu tìm tòi suy nghĩ bằng cách nào, tôi vẫn còn thấy thiếu một người, người ấy, chúng ta hãy tạm gọi là người thứ ba

Và như đương mải suy nghĩ ở đâu đâu, Kỳ Phát tiếp như nói với riêng mình:

- Người thứ ba tức là người có chiếc can để trong két sắt kia… Nhưng hắn là ai mà cứ phải trốn tránh hoài như vậy?

Buổi chiều hôm ấy, Kỳ Phát và Do cùng đến trại Bích Loan. Muốn cho mọi người khỏi nghi ngờ, Kỳ Phát cẩn thận trước khi vào thăm trại đã đến hỏi dò những người lân cận về trại này, giống hệt như một khách hàng trước khi muốn mua trại hãy mở cuộc điều tra.

Kỳ Phát làm như người cẩn thận lắm, đến đâu cũng nói:

- Tôi chỉ ngại cái đất dữ, vì vừa xẩy ra chuyện chẳng hay, mà chắc có thế nào người ta mới muốn bán ngay đi thế!

Sau đó, Kỳ Phát mới cùng Do vào trong trại và yên tâm tìm tòi tra xét không còn sợ bọn người tò mò nhòm ngó nữa. Kỳ Phát để ý nhìn ngắm hết chỗ này đến chỗ khác, kỹ lưỡng khắp tất cả các phòng, cuối cùng thì ra vườn, đến chỗ giếng tìm tòi, rồi lấy cả thước mà đo từ chỗ giếng đến phòng ngủ. Chỉ những vết giầy trên mặt đất, Kỳ Phát hỏi Do:

- Anh có nhận thấy gì đây không?

Do ngắm nghía kỹ lưỡng, sau bước theo lốt giầy lên đến trên thềm, rồi quay nói với Kỳ Phát rằng:

- Đây là vết giầy vải, lối giầy tầu đen!

Kỳ Phát có vẻ bằng lòng, gật gù:

- Khá lắm, vết giầy đích thị là giầy vải rồi, nhưng tại sao anh lại biết là giầy tầu đen?

Do có vẻ kiêu ngạo, chỉ tay, cắt nghĩa:

- Thưa ông, tôi đã đi ra đến chỗ thềm gạch, thấy người đi giầy đập mạnh chân cho bắn hết bùn, xem những giọt bùn ấy, tôi không hề thấy dây phấn, vậy chắc chỉ có giầy vải đen, thứ giầy mà người ta thường dùng đi ban đêm cho nhẹ!

Kỳ Phát gật đầu, nhưng mỉm cười:

- Anh nhận xét đúng, song tiếc thay chỉ để ý đến cái tỉ mỉ quá mà không để ý tới cái to lớn sờ sờ ngay trước mắt. Khi xem xét vết giầy anh quên hẳn ngay một vết thứ ba ở ngay bên cạnh…

Nhìn xuống dưới đất, Do sực nhớ:

- Thôi, phải rồi, vết gậy chống!

Không để cho Do nói tiếp nữa, Kỳ Phát ngắt lời:

- Nếu để nguyên, thì chắc anh lại sẽ nhận ra rằng đây là một chiếc gậy chặt ở một cành cây còn tươi ra, vì vết gậy chống không được tròn nhẵn, mà chỗ gậy chống vào sỏi lại có thấy vết xanh của vỏ cây… Nhưng những điều chi tiết ấy không quan hệ, ta chỉ biết rằng ngay đêm qua, đã có một người thọt chân đến đây, mà người ấy đến vào khoảng 9 giờ tối, ở cho đến khoảng 2 giờ đêm mới đi!

Do kinh ngạc, hỏi lại:

- Tại sao ông lại biết thế?

Kỳ Phát lắc đầu, chán nản:

- Ấy, đó chỉ là vì anh chưa biết tìm cái đáng nhận xét mà luận lý ra… Đêm qua, mưa lúc 8 giờ rưỡi, vậy người vào đây, để vết chân lại trên đất ướt, tất nhiên phải vào sau lúc trời mưa…

Do cãi:

- Nhưng người ấy có thể vào đây lúc sáng nay, đất cũng vẫn còn ẩm!

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh bẻ ta điều ấy có lý, nhưng lúc nẫy anh đã quên ta cầm lấy chiếc đồng hồ xem, chiếc đồng hồ ấy còn chạy… Mà những thứ đồng hồ chạy được khoảng 36 giờ ấy, nếu quá hạn, không có người lên, tất phải chết ngay. Đằng này, ta vặn thử, thấy dây cót hãy còn chặt lắm, nghĩa là mới chạy được vào khoảng chừng 16, 17 giờ thôi… như vậy tất phải có người mới lên dây đồng hồ vào khoảng 9 giờ tối hôm trước!

Do hỏi:

- Nhưng ông lại biết người thọt chân ấy ở đây cho đến khoảng hai giờ là tại sao?

Kỳ Phát dắt Do vào trong buồng khách, nơi có để chiếc két. Chỉ một cây nến cháy dở ngay ở góc bàn, Kỳ Phát bảo:

- Nến mới cháy hết chừng kia, nghĩa là vào khoảng 2 giờ đêm thì tắt đi! Người thọt chân ra về!

Do nghe Kỳ Phát nói, có vẻ kính phục lắm. Nhưng Kỳ Phát bỗng hỏi:

- Thế anh không luận lý thêm được điều gì nữa à?

Do lúng túng không biết trả lời thế nào thì Phát đã giục:

- Thì anh phải tưởng tượng những ý nghĩ của mình, ví dụ chính mình là người đột nhập vào đây từ 9 giờ, vặn đồng hồ lên để biết giờ giấc và thắp nến lên cho sáng để tiện bề hành động…

Do chợt nghĩ ra, nói:

- Như thế thì bạo quá!

Kỳ Phát gật đầu:

- Đúng! Nhưng tại sao mà dám cả gan như vậy? Do đó ta có thể biết được anh chàng thọt ấy chẳng phải mới đến đây lần đầu. Hắn đến đã quen và đã biết từ giờ nào trở đi thì khu trại này vắng vẻ có thể hành động tự do được.

Ngừng lại một lát Kỳ Phát tiếp:

- Mà đêm nay đây, hắn thế nào cũng còn đến vì hai lẽ: một là ta biết chỗ để của ở đây mà chỗ ấy chưa thấy hắn tìm đến; hai là mẩu nến, bao diêm, những cửa buồng chẳng buồn khóa lại, chiếc cuốc còn vất ở xó vườn, tỏ ra rằng hắn còn định đến ngay đêm sau nên không cần cất vào chỗ cũ kỹ lưỡng.

Do hăng hái nói:

- Ông muốn biết người thứ ba ấy là ai, ông đã biết đêm nay có một người thọt đến đây, sao ông không đón đợi hắn?

Kỳ Phát làm bộ lưỡng lự giây lát nói:

- Nhưng gặp hắn có lẽ nguy hiểm…

Do ngạc nhiên nhìn Kỳ Phát, rồi quả quyết nói:

- Chỉ có cách đó là tìm ra manh mối vụ án này một cách nhanh chóng và chắc chắn thôi, như vậy thì dù nguy hiểm tôi thiết tưởng cũng không nên ngần ngại…

Kỳ Phát vui vẻ vỗ vai Do mà nói:

- Ta nói thử anh vậy mà thôi, chứ một khi đã thích nghề tra xét những vụ án ly kỳ bí mật thì bất cứ lúc nào cũng nguy hiểm và bất cứ sự nguy hiểm nào ta cũng phải coi thường hết. Ta lúc ở nhà, chỉ nhờ linh tính mà đoán chắc thế nào anh chàng thọt cũng còn đến đây, nhưng vì chưa chắc nên muốn đến sớm mà xem xét lại cẩn thận đã…

Do ngạc nhiên:

- Ông biết anh chàng thọt ấy từ nhà?

Kỳ Phát cười:

- Thì ta chẳng nói chuyện với anh ngay từ khi anh gặp ta lần đầu, khi mang chiếc mũ và cái can lại nhà bạn ta và định làm một mẻ, là gì ư?

Khoảng 8 giờ tối thì Phát và Do trở lại trại Bích Loan, lẽ tất nhiên, lần này hai người đến một cách kín đáo chứ không đàng hoàng như buổi sớm. Vẫy tay, Phát bảo Do hãy leo qua giậu như mình, rồi vòng ra mái hiên ngồi, vì Kỳ Phát chọn chỗ này có thể trông được suốt từ nhà trên đến nhà dưới và cả khu vườn nữa. Kỳ Phát ghé tai dặn lại Do lần nữa:

- Chàng thọt này chắc không có tâm địa nguy hiểm gì đâu nhưng có thể hắn đánh để chạy tháo thân được. Vậy ta phải đề phòng… và phải nhớ hắn vóc người cao trên 1 thước 70 cơ đấy nhé!

Do gật đầu:

- Hễ lúc nào ông liệu nên ra mặt thì bước ra. Và ông cố chặn một lối sau, khi ấy tôi đã lẻn ra chặn lối trước, thế nào hắn cũng bị bắt!

Kỳ Phát gật đầu, rồi ngồi tựa lưng vào tường. Do cũng làm theo, nhưng một lát phải ngồi yên quá, Do thấy khó chịu vô cùng, trái lại Kỳ Phát vẫn không tỏ ra vẻ gì vướng vít, ngồi không nhúc nhích nhưng cặp mắt không rời một chỗ nào trong nhà cả. Và Do tự nhiên thấy trong nghề trinh thám, mình còn thiếu thốn nhiều điều kiện tầm thường quá!

Hai người ngồi như vậy được chừng nửa giờ thì bỗng Phát hất hàm ra hiệu cho Do biết. Lúc này, Do cũng đã nghe thấy tiếng động ở phía cửa vào. Nhưng vì trời mưa, rất tối nên dù chú ý, Do cũng không thể nhận ra được người ấy ăn mặc, dáng điệu thế nào! Nhưng không lâu, người ấy đã mở khóa cửa vào, thông thuộc như người đã từng ở lâu nhà này, đến thẳng phòng khách rồi mở cửa vào. Một tiếng quẹt diêm, Kỳ Phát đoán hắn đã thắp ngọn nến lên. Lúc này, Do mới biết Kỳ Phát chọn chỗ nấp thực là thuận tiện, vẫn cứ ngồi nguyên đấy mà nhìn qua chiếc cửa sổ con ngang, hai người có thể nhìn được thấy cả gian phòng khách và gian phòng ngủ.

Nhờ có ánh nến, Phát và Do nhận ra người khách lạ ấy là một nhà sư trẻ, vóc người cao lớn, mặc bộ áo nâu sòng. Mỗi bước đi, người ấy lại phải chống chiếc gậy làm bằng cành tươi xuống, trông có vẻ nặng nề lắm. Nhưng nếu không phải vì đôi chân tàn tật thì con người ấy, với chiếc miệng cười có duyên, với đôi mắt đen láy thông minh, hoàn toàn là một chàng phong lưu công tử…

Kỳ Phát sẽ bấm Do, bảo khẽ như tiếng gió:

- Đã nhìn thấy chiếc nhẫn đeo ở tay chưa?

Do gật đầu kính phục. Lúc này nhà sư thọt đã cởi bỏ áo ngoài ra, chỉ mặc chiếc áo cánh cũng mầu sòng, rồi phất tay cho nến tắt đi, chậm bước ra ngoài hiên, rồi đi rẽ xuống vườn. Đứng lặng lâu một lúc, nhà sư như ngẫm nghĩ, sau cùng, đi ra phía bụi hồng là nơi Do và Kỳ Phát biết có để sẵn chiếc cuốc.

Kỳ Phát hất hàm ra hiệu cho Do biết, rồi nhẹ chân bước theo ra vườn. Do cũng lẻn ra chặn lối trước. Trời lúc này tối lắm, mặc dầu giọt mưa chỉ còn lất phất. Nhà sư vẫn còn chống cuốc đứng yên, hình như có ý nghe ngóng đã. Kỳ Phát và Do như hai cái bóng vẫn tiến lại gần. Nếu là ở trong bãi tha ma thì cảnh ấy, người ta có thể ngờ rằng đó là anh đi đào trộm mả, bên cạnh những oan hồn hiển hiện.

Nhưng cũng vì trời tối, Kỳ Phát tuy đi nhẹ chân mà cũng không sao tránh được giẫm phải một cành cây khô, kêu đánh “rắc”. Nhà sư giật mình nghe ngóng, Kỳ Phát biết không nên chậm một phút nào nữa, bước mau lên. Nhà sư trong lúc thảng thốt chỉ có một cách xoay mình chạy về phía cửa ngoài. Nhưng đã có Do đứng chặn. Do giơ tay ra ôm ngang lấy nhà sư, song Do đã không để ý đến sức khỏe của người cao lớn nên chỉ trong nháy mắt đã bị nhà sư vật ngã rồi. Và hắn cố lê chân thọt chạy ra gần tới cổng.

Kỳ Phát lúc này đã vượt lên chắn lối.

Nhà sư vung chiếc gậy gỗ lên, nhưng nhanh như cắt, Kỳ Phát đã - nói theo lối nhà nghề võ - “nhập nội” - và khi chiếc gậy chưa kịp giáng xuống đã gạt mạnh tay, làm văng chiếc gậy đi và với miếng võ Jiujitsu sở trường của chàng, vừa khóa vừa ôm lấy nhà sư làm cho vừa bị đau, vừa không cựa quậy được chút nào nữa.

Thấy nhà sư có vẻ sợ hãi quá, Kỳ Phát vội nói:

- Ông đừng sợ, Bích Loan bảo chúng tôi đến tìm ông!

Câu nói nhỏ ấy lại có một sức mạnh phi thường, đến nỗi sau đó, Kỳ Phát buông tay ra, nhà sư chỉ còn như người mất hồn, nếu không vịn ngay được một gốc cây thì có lẽ đã ngã rũ xuống rồi!

Không hiểu mình nói câu gì nữa, nhà sư chỉ nho nhỏ nhắc lại như một tiếng vang, âm tự cõi lòng:

- Bích Loan!

Kỳ Phát liếc nhìn, thương hại. Nhưng hai tiếng ấy, với điệu bộ kia đã làm cho Kỳ Phát đoán hiểu được chín phần mười câu chuyện. Lúc này, Do đã đứng sát cạnh bên nhà sư, hình như còn sợ chạy trốn lần nữa. Nhưng Kỳ Phát đã bảo:

- Anh vào buồng thắp nến lên, để chúng tôi vào nói chuyện!

Sau đó, nhà sư ngoan ngoãn bước theo Kỳ Phát, dáng điệu đã trở lại ung dung chứ không còn sợ hãi như trước nữa.

Chỉ ghế mời nhà sư ngồi, Kỳ Phát tự giới thiệu một cách vắn tắt:

- Tôi là Kỳ Phát!

Nhà sư vừa kinh ngạc, vừa kính phục:

- Vậy ra ông là Kỳ Phát, tôi thực không ngờ!

Nhưng Kỳ Phạt không để cho nhà sư nói hết, ngắt lời:

- Còn ông tên là gì, xin cho biết!

Nhà sư không ngần ngại, đáp luôn:

- Tôi xưa kia là Hoàng Văn Tiếp, nhưng nay pháp danh là Tĩnh Tâm!

 

8

MỘT NỖI LÒNG

SAU CÁNH CỬA KHÔNG

Kỳ Phát có vẻ nghĩ ngợi lẩm nhẩm gật đầu:

- Tĩnh Tâm, chắc sư cụ chọn cho ông cái pháp danh này cũng là có lý!

Tiếp thở dài, không nói gì.

Kỳ Phát suy nghĩ một lát, rồi lại dịu dàng bảo:

- Bây giờ thiết tưởng tôi bất tất phải đoán phỏng, tìm tòi, tra xét hay bắt nọn ông để hiểu rõ công việc. Tốt hơn hết là ông hãy kể lại cho tôi nghe câu chuyện mà tôi chắc phải cảm động lắm đã làm cho ông phải chán cảnh đời, nương mình sau cánh cửa không…

Ngừng lại một phút, Kỳ Phát lại tiếp:

- Ông không ngại gì cả. Tôi đến đây là vì Bích Loan cậy đến. Nhưng tôi cũng vẫn có thể không nói cho Bích Loan biết những điều gì mà ông muốn giấu nàng!

Tiếp gật đầu, cảm động:

- Tôi rất cảm ơn ông. Tuy ông chưa nói ra hẳn, song tôi biết ông cũng đã rõ một phần câu chuyện của tôi. Vậy tôi cũng xin thuật rõ để ông biết hết nỗi lòng u uẩn của tôi mà không dám giấu giếm gì cả. Có điều, tôi cầu xin ông chớ có nhắc lại cho ai biết và nhất là Bích Loan…

Kỳ Phát gật đầu:

- Xin ông cứ yên lòng về việc đó. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu cho có thứ tự: Ông bắt đầu biết Bích Loan từ bao giờ nhỉ?

Tiếp lim dim cặp mắt như cố nhớ lại rõ ràng mọi việc. Trên gương mặt cao quý ấy, Do nhận thấy nét ưu phiền tràn ngập, trên đôi mắt thông minh như có tráng một lớp lệ vừa mới ứa ra.

Rồi giữa lúc ai nấy cùng yên lặng lắng nghe, Tiếp bằng một giọng nhỏ nhẹ đã kể lại quãng đời xưa đau khổ:

- Tôi biết Bích Loan cách đây ngoài 8 năm giời. Hồi ấy, nàng còn là nữ sinh một trường Thành chung, ngây thơ và nhí nhảnh, không hề biết rằng trong đời thường có những sự bất ngờ xẩy ra làm cho người ta hối hận hoặc suốt đời đau khổ. Chúng tôi đã yêu nhau. Tôi nhiều tuổi hơn Bích Loan, tôi đã phải khó nhọc để kiếm tiền nhưng tôi vẫn vui vẻ vì tôi sống trong cảnh tự do, tôi lại khỏe mạnh, thích hoạt động, mạo hiểm. Và nhất là tôi sung sướng vì được Bích Loan yêu tôi hết mức. Lẽ tất nhiên, mối tình ấy chúng tôi giấu giếm vì theo ý của Bích Loan thì muốn đợi thi đỗ xong mới lo đến lễ thành hôn. Tôi vốn tính phóng khoáng, vả lại trong gia đình tôi không hề bị vướng víu, cản trở gì nên tin rằng khi nào muốn mượn người mối lái cũng được ngay, mà hôn nhân dù có muộn thì cũng không sao, Bích Loan còn ít tuổi, có thể nhờ đó mà khỏi phải lo lắng về công việc gia đình sớm mất mấy năm.

Ngừng lại một lát, Tiếp lại kể:

- Nhưng tôi đã quá tin ở tương lai… Tôi đã tính đến việc có thể xẩy ra được nhưng không nghĩ tới những sự bất ngờ. Thực vậy, tôi có ngờ đâu, trong một buổi đi săn ở gần ngay đồn điền, tôi gặp trời mưa, đường trơn, sa chân xuống một cái hố lớn, nguyên trước thổ dân đào để bẫy hổ. Đau quá, tôi ngất đi, may được người nhà tìm cách nâng, đưa lên, nhưng nếu các ông lang thuốc chuyên môn có tài tránh cho tôi khỏi phải cưa chân, tôi vẫn không thể nào chống với mệnh trời mà tránh khỏi tàn tật như ngày nay được. Những năm đầu, chân tôi thọt, đi hai tay chống nạng, khổ sở vô cùng, chứ đâu đã được như bây giờ chỉ chống một chiếc can mà đã đi được dễ dàng.

Ngoảnh lại nhìn Kỳ Phát và Do như muốn phân bầy lý lẽ của mình, Tiếp lại nói:

- Các ông thử nghĩ mà xem: Bích Loan đương tuổi xuân, lại trẻ đẹp như thế kia, nay phải lấy một người chồng tàn tật như tôi thì sống làm sao được. Mà dù Bích Loan có vì tình yêu tôi, chịu hy sinh hạnh phúc một đời, thì tôi cũng không muốn vậy. Tôi đã quyết định rồi, sau bao đêm thao thức. Tôi đã quả quyết xa lánh Bích Loan… Một bức thư lạnh nhạt gửi đi, nói vì một lẽ riêng tôi không thể yêu Bích Loan mãi được, tôi đã chịu tiếng bạc tình, bất nghĩa để cho Bích Loan khỏi phí cả một đời… Tôi giấu giếm ở lì hẳn một nơi xa, để dù Bích Loan muốn dò tìm tôi, cũng không thể biết được, và nhất là để cho Loan không thể hiểu rõ được cái cớ tôi đã bỏ nàng. Nếu Loan biết vì tàn tật mà tôi chịu hy sinh thì vốn là người chung thủy và đầy lòng tự ái Bích Loan cũng có thể hy sinh hạnh phúc riêng mình mà đòi chung sống với tôi…

Lấy chiếc khăn lau mồ hôi đọng hột trên vầng trán sớm răn, lúc này đã nổi lên những mạch máu tròn to, khuất khúc, con người đã chịu bao năm đau khổ, tiếp lời:

- Nhận được thư tôi, hình như Bích Loan vừa đau đớn, vừa giận khinh tôi hết sức. Trước hết, nàng hãy tìm hết cách dò la để xem vì cớ gì mà tôi nỡ bỏ nàng. Tôi biết Bích Loan vốn giầu lòng tự ái, dù có tìm thấy tôi chăng nữa, nàng cũng sẽ không thèm van xin tôi nghĩ lại mà nối mối tình xưa… Nhưng Bích Loan đã chẳng thấy tôi, cũng như đã chẳng biết cái cớ đớn đau đã làm cho tôi phải nghiến răng cự tuyệt với nàng. Và cũng từ đấy tôi không được tin tức gì của Bích Loan nữa, vì tôi nhất quyết ở hẳn tại nơi rừng rú, trông coi công cuộc khẩn hoang để quên nỗi đau lòng…

Kỳ Phát ngắt lời hỏi:

- Tôi nghe nói độ ấy ông làm ăn đương thịnh vượng lắm?

Tiếp gật đầu:

- Vâng, đúng khi tôi bị tai nạn thì làm ăn đương phấn phát. Nhưng sau khi ấy thì tôi cũng chán nản, trong người lại mang bệnh nữa nên công việc không được như trước. Sau tôi lại có ý muốn làm lớn một cách rất nhanh để thu vào một số tiền, đủ cho tôi đi du lịch ở ngoại quốc…

Kỳ Phát ngẫm nghĩ, bỗng hỏi:

- Lúc ông có ý định ấy, tất phải là lúc ông được tin Bích Loan đã thành hôn cùng với người khác?

Tiếp gật đầu:

- Vâng, mà đám cưới ấy, họ làm linh đình to tát lắm, có lẽ một phần do ý Bích Loan muốn tỏ cho tôi biết nàng chẳng phải cần tiếc tôi, lúc nào, nàng cũng sẵn sàng có những người ao ước lấy. Mà họ có phần lại giầu có hơn tôi.

Nghiến răng, Tiếp như tức giận, nói:

- Tâm là bạn của tôi, tôi biết. Hắn giầu có lắm và ngoài hắn cũng còn nhiều kẻ giầu có hơn tôi muốn lấy Loan. Nhưng có điều tôi tin chắc không có một ai yêu Loan bằng tôi cả. Loan thì tưởng làm thế để nhắn bảo trêu tức tôi, trái lại, tôi chỉ thương cho Loan mà thôi!

Kỳ Phát gật gù, lẩm bẩm:

- Ấy, những người trong cuộc thẩy đều không sáng việc như thế là thường!

Tiếp cũng đồng ý:

- Ông nói rất đúng, xem ngay Bích Loan thì biết!

Phát nở một nụ cười bí mật, nhắc lại:

- Vâng, cứ xem Bích Loan và ông thì biết!

Tiếp giật mình, hỏi lại:

- Cả tôi nữa? Nhưng tại sao ông biết?

Kỳ Phát gật đầu, mỉm cười:

- Cả ông nữa, nhưng ông hãy kể nốt câu chuyện của ông đi đã!

Tiếp đành phải kể nốt:

- Ý định đi hẳn một nơi xa đã quyết rồi, tôi không còn tiếc gì nữa, nhân lại bị thua thiệt nhiều, tôi lập tức đem bán hết mọi đồn điền cùng sản nghiệp đi… Nhưng liều thuốc xa nhà chỉ càng làm lòng tôi thêm nhớ tiếc. Mấy năm qua, tôi lại trở về, lòng nặng sầu thương nhưng túi thì đã nhẹ tiền bạc. Tôi được tin bây giờ Bích Loan đã có con… Tôi lại biết Tâm và ông Hàn Tú có nhiều chuyện xích mích, cuối cùng thì ông Hàn ra ở riêng tại trại Bích Loan, rất ít khi đến thăm con gái và con rể. Tính nết ông lại thành ra ngớ ngẩn nữa, mặc dầu tuổi ông chưa già đến nỗi phải lẫn cẫn.

Kỳ Phát liếc nhìn Tiếp rồi hỏi:

- Trước cảnh người và cảnh mình, ông hẳn thấy buồn chán lắm!

Tiếp gật đầu:

- Vâng, tôi thấy đời đáng buồn quá. Tôi nghĩ ngoài cách tự tử chỉ còn cách nương mình vào chốn cửa không, ngày đêm kinh kệ để quên niềm trần tục. Lòng đã quyết định, tôi bèn xin thí phát nhưng tôi không ngờ rằng cách đây một năm, tình cờ tôi lại gặp một người liên quan đến quãng đời xưa của tôi…

Do hỏi:

- Ông gặp lại Bích Loan?

Tiếp lắc đầu:

- Không, tôi chỉ gặp ông Hàn Tú. Bữa đó, tôi một mình đương ngồi tụng niệm ở trước Phật đài, bông thấy ở phía sau có người thì thầm khấn vái. Trong những câu khấn, người ấy thường nhắc đến chữ Bích Loan. Tôi giật mình quay lại và tôi đã nhận ra ông Hàn Tú cũng như ông Hàn đã nhận ra tôi. Ông thực không ngờ rằng lại còn gặp tôi, mà lại gặp tôi ngồi trước chiếc mõ quyển kinh, trong một bộ áo mầu sòng… Ông lắp bắp mãi mới nói được một câu: “Kìa, cậu lại ở đây?” Ông vẫn dùng tiếng cậu, như cách đây bẩy, tám năm, mỗi khi tôi lại nhà, ông vẫn dùng để xưng hô với tôi. Chắc ông Hàn nhìn tôi cũng thấy thay đổi lắm, còn tôi thì trông ông khác trước nhiều quá. Một người hồng hào phương phi khi xưa nay chỉ còn là một ông già hom hem, yếu đuối, cặp mắt lờ đục như chẳng còn đủ tinh thần… Tôi đứng dậy… Ông bỗng nắm lấy tay tôi… Hai mắt ông như sáng lên… Thì ra, ông vừa trông thấy tôi khập khiễng với chiếc chân thọt và có lẽ đoán ra một phần sự thực. Ông thở dài và nói rất nhỏ: “Tôi có ngờ đâu… không dè mà chúng ta cùng phải khổ đến thế này!”

Kỳ Phát gật đầu:

- Tôi đoán sau đó, ông Hàn còn kể cho ông nghe nhiều sự thực mà ông trước không có ngờ đến được!

Tiếp nhìn Kỳ Phát, lộ vẻ kính phục vô cùng:

- Ông đoán quả không sai… Sau khi đã bắt tôi kể hết mọi việc trước, nhất là cái cớ mà tôi đã đoạn tuyệt với Bích Loan, ông rớt nước mắt, phàn nàn: “Thực là số giời, chúng ta không làm cách nào mà tránh được. Trước đây, tôi và con Loan cũng cứ yên trí là cậu đã mê một người nào nên dở mặt bạc tình như vậy. Chính vì thế mà khi ấy con Loan đã có chửa, nó cũng nhất định cương cường không chịu để cho tôi tìm cậu điều đình việc gả bán…”

Kỳ Phát lẩm nhẩm gật đầu:

- Phải, thằng Hợp phải là con ông thì những nỗi rắc rối trong vụ án này mới có thể hiểu được.

Tiếp nói:

- Lời ông Hàn thực chẳng khác một tiếng sét đánh bên tai tôi. Vậy ra Hợp là con tôi! Chính vì thế mà ông Hàn phải vội vàng gả Bích Loan cho Tâm, một việc mà ông hối hận quá. Ông thở dài mà bảo tôi rằng: “Tôi thực không ngờ thằng ấy trước tuy kém cậu xa nhưng tôi thấy cũng hiền lành tử tế. Ai ngờ nó chỉ nhằm cái gia tài của tôi… Sự thực không phải nó cưới Loan mà chính nó cưới cái tủ sắt!”

Kỳ Phát hỏi:

- Sau đó, ông luôn luôn đến trại Bích Loan?

Tiếp lắc đầu:

- Cũng thỉnh thoảng thôi! Nhưng hễ rỗi rãi là tôi lại, nhưng phải lén lút vì tôi không muốn cho người ngoài biết, tôi có dặn ông Hàn phải giữ kín đừng nói gì chuyện tôi với Bích Loan cả vì ông nghĩ mà xem: biết thì chỉ thêm đau lòng thôi chứ có được ích gì! Bích Loan thêm khổ mà không chừng biết tôi quanh quất, khám phá ra Hợp là con tôi thì Tâm lại còn lợi dụng cơ hội mà xoay xở tiền nong của vợ hay bố vợ.

Kỳ Phát ngẫm nghĩ một lát, rồi hỏi:

- Thế ông thấy cụ Hàn có phải là điên thực hay không?

Tiếp trả lời:

- Cũng không hẳn là điên. Có lúc ông tinh thần minh mẫn lắm, tính toán công việc có phần lại sáng suốt hơn chúng ta, nhưng có khi thì ông lẩn thẩn vô cùng, như người mất trí vậy. Theo ý tôi thì đó chỉ là một ông già đáng thương, lo nghĩ nhiều, uất ức lắm cho nên thành người quẫn trí, ngơ ngẩn đó thôi!

Kỳ Phát rút cuốn sổ tay, xem lại mấy trang, rồi bỗng hỏi Tiếp:

- Ông có thể trả lời rõ ràng cho tôi biết rằng đêm hôm xẩy ra vụ ông Hàn bị chết, ông đã gặp ông ấy lần cuối cùng vào hôm nào?

Không ngần ngại, Tiếp trả lời luôn:

- Tôi gặp ngay chính tối hôm ông Hàn bị chết. Chúng tôi đương nói chuyện thì chợt thấy xe Tâm và Hợp đến, tôi vội vàng lẩn đi ngay vì không muốn giáp mặt.

Kỳ Phát gật gù nhưng không nói gì. Mãi một lúc sau, chàng mới lại hỏi:

- Đêm hôm qua và đêm hôm nay ông đến đây là có ý muốn tìm ra chỗ ông Hàn giấu của, điều ấy, tôi biết chắc. Song tôi vẫn chưa hiểu một người như ông, chắc bây giờ tiền bạc không quan tâm gì đến nữa, vậy ý ông muốn tìm số tiền giấu kia để làm gì?

Tiếp trả lời ngay:

- Tôi trước có nghe nói ông Hàn có vẽ một bản đồ chỗ để của, cốt để cho Bích Loan sau này, nhưng ông còn muốn rằng số tiền đó qua tay tôi đã và khi nào tôi chắc số tiền kia, Bích Loan và Hợp có thể hưởng được thì hãy giao, vì ông sợ Tâm mà biết có tiền tất nhiên chiếm đoạt, và sau đó, Loan và Hợp hẳn phải bị hắt hủi, khốn khổ. Nhưng hôm cuối cùng, tôi gặp ông Hàn, ông có phàn nàn bị mất bản đồ ấy giấu trong một chiếc mũ để cùng với chiếc can của tôi, ở trong két sắt. Ông ngờ rằng chính Tâm đã mở trộm tủ mà lấy của ông, bản đồ kia thì hắn sẽ dùng để tìm ra chỗ để của, còn chiếc can thì hắn đoán chừng là của tôi, hoặc chỉ thấy để trong két sắt thì ngờ là một vật quý nên tham tâm lấy đi thôi.

Kỳ Phát gật gù rồi lại hỏi Tiếp:

- Nhưng ông hẳn biết cái cớ tại sao ông Hàn lại để cả chiếc can của ông vào trong két sắt như vậy?

Tiếp lắc đầu:

- Điều đó thì chính tôi cũng không biết rõ. Chiếc can ấy, một hôm tôi bị mất ở chùa, tôi tưởng có ai lấy đi, chứ không ngờ chính ông Hàn đã lấy. Ông lấy rồi bỏ vào két sắt, ý định để làm gì, tôi thực không hiểu, hoặc chiếc can ấy sẽ cần cho việc đo đường đất để tìm ra chỗ tiền kia chăng? Tôi không biết chỗ giấu của, nhưng tôi đoán chắc chỉ nội trong khu vườn này thôi, nên nhân dịp Tâm vẫn còn sợ nghi kỵ, chưa dám tìm đào của thì tôi đến lấy trước. Và tôi sẽ theo như ý muốn của ông Hàn giữ tiền đó cho Bích Loan và cho Hợp. Đó là việc cuối cùng trong đời tôi, làm xong, tôi sẽ không còn liên can gì đến việc đời nữa.

Kỳ Phát gật gù, có vẻ suy nghĩ lắm. Một lát, chàng lại nói:

- Tôi muốn hỏi ông một câu cuối cùng nữa: ông có nghi ngờ hoặc biết rõ thủ phạm đã giết ông Hàn là ai không?

Tiếp lắc đầu:

- Không, không có chứng cớ, tôi không dám nghi ngờ cho ai cả. Vả lại, tôi chắc công việc ấy, ông có thừa sức mà đi đến kết quả!

Rồi Tiếp lại nhìn đồng hồ mà nói:

- Tôi đi thế này là giấu sư cụ tôi, nếu ông không cần hỏi han điều gì nữa thì xin cho tôi về!

Kỳ Phát gật đầu và sau khi ghi rõ địa chỉ của nhà sư thọt, Kỳ Phát đưa tiễn ra khỏi trại.

 

9

7 BỨC THƯ

ĐÁNG GIÁ 13 VẠN BẠC

Kỳ Phát và Do về nhà tôi vừa đúng 12 giờ, lúc tôi làm xong công việc sắp đi ngủ. Nhưng thấy Kỳ Phát, tôi vui mừng bảo:

- Thế nào, kết quả ra sao, có được như ý anh muốn không mà sao trông anh có vẻ trầm ngâm nghĩ ngợi thế?

Kỳ Phát lặng lẽ cởi bỏ áo ngoài, chải mái tóc lấm tấm đọng mưa, rồi chậm rãi bảo tôi rằng:

- Kết quả đúng như ý muốn, mặc dầu việc này vẫn làm cho tôi suy nghĩ lắm, vì trong vụ án này, mỗi khi manh mối càng thêm rõ rệt thì tôi lại càng thấy việc khó xử thêm…

Rồi kỹ lưỡng, Kỳ Phát thuật lại từ lúc gặp Tiếp, nhà sư thọt cho đến lúc được nghe kể nỗi lòng của con người đau khổ, đã sống một đời hy sinh lặng lẽ.

Tôi nghe hết mà cũng không thể cầm lòng được, phải thở dài.

Kỳ Phát hỏi lại tôi:

- Anh cần phải hiểu rõ câu chuyện thì rồi chúng ta mới có thể bàn với nhau phương sách xử trí được. Anh còn có chỗ nào chưa hiểu không?

Tôi gật đầu:

- Tôi cũng như Tiếp không hiểu được tại sao mà ông Hàn Tú lại bỏ chiếc can kia vào trong két sắt cùng với chiếc mũ có giấu tờ di chúc?

Kỳ Phát mỉm cười, lắc đầu:

- Theo như ý riêng tôi thì có lẽ trong óc ông già lẩn thẩn ấy đã có phác một chương trình hành động khi ông thấy mình sắp chết. Chương trình ấy, ông chưa thực hành xong cũng như tờ di chúc còn đương viết dở dang. Nhưng ta có thể tạm đoán rằng ông già định giấu chiếc can vào đấy, để cho Bích Loan sau đấy mở két ra, thấy can, tức như thấy Tiếp, thấy cái tàn tật của Tiếp và tất cả một lòng hy sinh… Nhưng thôi, bất tất chúng ta phải tìm hiểu hơn nữa, vì như tôi đã nói với anh, tìm hiểu một người điên thì mình cần phải… cũng điên như họ. Mà hiện thời, anh, Do và tôi, chúng ta đương cần có trí thông minh hoàn toàn sáng suốt thì mới có thể xử trí việc này cho thanh thản được.

Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Có lẽ chúng ta phải tìm ra thủ phạm đã!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Điều ấy không cần vì rõ ràng lắm rồi!

Do nói:

- Nghĩa là thủ phạm tức là Hợp, đứa bé sáu tuổi?

Kỳ Phát mỉm cười:

- Nguyên một lẽ Hợp mới sáu tuổi cũng làm cho ta tin chắc rằng Hợp không phải là người đã giết ông ngoại!

Tôi hỏi:

- Vậy anh bảo ai là thủ phạm?

Kỳ Phát gật gù:

- Trong việc này, ta chỉ cần theo phương pháp thường, tìm xem việc ông Hàn chết thì có lợi gì cho ai. Trong vụ này, tôi chỉ biết có ông Hàn, Loan, Tâm và thằng Hợp. Ông Hàn đã chết, thằng Hợp bé quá nhưng tôi biết còn có người thứ ba mà tôi cần phải tìm cho được. Bây giờ tôi cũng đã được biết rõ Tiếp rồi!

Tôi vội vàng nói:

- Nếu vậy, đích thủ phạm là…

Không để tôi nói hết, Kỳ Phát chặn lại bảo:

- Tôi lại để ý một điều nữa là cứ theo điều xét đoán của chúng ta, Hợp không thể là thủ phạm được, vậy mà có một người cố ý lấy đủ bằng chứng buộc tội cho thằng bé con kia. Làm như vậy, kẻ ấy hẳn phải có lợi, cái lợi tránh tội mình…

Do không thể ngồi im được nữa, nói:

- Đích là Tâm đã giết ông Hàn! Chà, thằng khốn nạn…

Kỳ Phát vẫy tay, bảo Do bằng một giọng dịu dàng nhưng thâm thúy:

- Do, anh chớ vội lấy thế làm tức giận, ở đời, có nhiều những kẻ khốn nạn như thế lắm! Mà họ cư xử như vậy chỉ là vì một lòng tham… Đã nói đến lòng tham thì những cách hành động vô nhân đạo, vô liêm sỉ, táng tận lương tâm, cái gì họ chẳng dám làm!

Tôi hỏi:

- Bây giờ, ý anh định liệu thế nào?

Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ, giây lâu mới nói:

- Trong vụ án này, ta có thể chia ra làm ba việc. Một việc tìm ra thủ phạm. Một việc tìm ra chỗ gia tài giấu đi. Một việc làm cách nào cho gia tài ấy không vào tay kẻ bất lương, để khỏi phụ lòng người đã khuất. Hai việc trên, chúng ta đã tạm gọi như là đã làm xong rồi, nay chỉ phải nghĩ cách xử trí việc thứ ba.

Tôi nói:

- Theo ý tôi thì trước hết hãy đưa Tâm ra trước pháp luật. Xong đâu đó, ta sẽ tìm cái chỗ của giấu kia mà giao cho Bích Loan giữ!

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh nói thế là theo lẽ đương nhiên, cứ thẳng mà làm. Song ý tôi thì nghĩ việc này phức tạp lắm, chứ không đơn giản như chúng ta tưởng. Các anh hãy thử nghĩ xem, Tâm bây giờ mà phải ra trước tòa thì nghĩa là Bích Loan thành ra vợ một kẻ sát nhân, Hợp thành ra con một kẻ sát nhân… không chừng mà dư luận lại cười cả ông Hàn nữa. Họ sẽ dè bỉu mà bảo: ông đã thừa sành sỏi vậy mà còn kén lọc một người rể như vậy, không chừng là một việc báo ứng chi đây!

Tôi gật đầu, cho Kỳ Phát nói phải:

- Không những thế, may mà Tâm không biết việc này còn có liên can đến Tiếp, chứ không, một khi ra tòa, làm gì mà hắn chẳng khai nhà sư thọt ra và như vậy, Tiếp sẽ bị lôi thôi, các nhà chức trách lại mở một cuộc điều tra, công việc còn lâu mới xong, mà kết quả trông thấy là Bích Loan sẽ bị thêm nhục…

Do cũng nói:

- Mà đáng thương hết vẫn là đứa trẻ sáu tuổi kia, khốn nạn, nó có làm gì nên tội mà rồi đây phải mang tiếng suốt đời!

Kỳ Phát suy nghĩ giây lát, rồi hỏi chúng tôi:

- Vậy bây giờ các anh tính sao? Làm thế nào để Bích Loan và Hợp được riêng hưởng cái gia tài ấy. Làm thế nào cho mọi việc đều bưng bít như không, người ngoài không đàm tiếu gì cả! Để cho ông Hàn được vui lòng dưới suối vàng và để cho nhà sư thọt được yên thân nương cửa Phật.

Tôi gật gù, rồi nói:

- Theo tôi thì không có cách gì ngoài cách điều đình với Tâm, chúng ta sẽ đổi cái tự do của hắn để lấy cái gia tài cho Loan và Hợp. Điều kiện của chúng ta là bắt hắn phải bỏ đi thật xa, không bao giờ trở lại, như vậy thì vụ án mạng này, ta cũng yên đi, để mặc cho các nhà chuyên trách coi như là một tai nạn.

Kỳ Phát gật đầu:

- Tôi cũng đồng ý với anh, vì ngoài ra không có phương kế nào thuận tiện hơn nữa. Vậy trong vụ này, anh đã hiểu hết rồi đấy, anh lại là người quen dùng giấy mực, vậy anh hãy ngồi kia viết cho tôi một cái thư, điều đình mọi lẽ cho Tâm biết và bắt hắn phải trả lời ngay, nội trong 12 giờ, nghĩa là đến 6 giờ chiều mai thì hết hạn.

Tôi theo lời, rồi ngồi ở bàn giấy. Trước khi viết, tôi hỏi lại:

- Trong thư, tôi không nói đến việc Bích Loan nhờ anh tìm ra cái gia sản kia chứ?

Kỳ Phát nghĩ ngợi một lát, rồi nói:

- Như thế thì tốt hơn. Vả lại, ta cũng phải lòe nạt cho hắn sợ một chút. Anh cứ viết rằng chính viên thanh tra mật thám Trúc Tâm đã nhờ tôi ở ngoài dò xét hộ!

Tôi gật đầu hiểu ý, một lát sau viết xong, đọc lại cho mọi người nghe một lượt, rồi đưa cho Do, bảo:

- Bây giờ anh hãy dán phong bì lại, rồi nhân tiện về nhà, qua ông Tâm, bỏ hộ vào thùng thư ngay ở ngoài cửa. Sáng mai hắn xem, thì cũng còn gần đủ 12 giờ để nghĩ ngợi!

Kỳ Phát dặn thêm Do rằng khoảng 5 giờ chiều mai hãy lại đây, để đợi tin tức của Tâm một thể.

Do đi rồi, Kỳ Phát sửa soạn đi ngủ, tôi để ý thấy chàng vẫn như còn lo lắng chưa yên dạ, tôi hỏi thì Kỳ Phát trả lời:

- Nhiều vụ trộm cướp bí mật, nhiều vụ án mạng ly kỳ, tôi vẫn coi thường, nhưng lần này tôi đứng trước những hạnh phúc của cả một đời, những tấm lòng hy sinh cao cả, tôi tự nhiên thấy cái nguy hiểm của sự nhầm lẫn do phương pháp xử trí của mình!

Mà thực vậy, Kỳ Phát lo lắng cũng là có lý! Chàng càng lo lắng hơn nữa khi đợi từ sáng đến 5 giờ chiều, chàng vẫn không hề có lời phúc đáp của Tâm.

Do đúng giờ hẹn đến, thấy Kỳ Phát mồm ngậm thuốc lá, đi đi lại lại trong phòng có vẻ xốn xang nóng nẩy lắm, thì sợ hãi, len lén ngồi xuống góc bàn, liếc mắt ra hiệu hỏi tôi. Tôi khẽ đáp:

- Phát vẫn yên trí chỉ khoảng 12 giờ trưa trở về chiều là Tâm phải trả lời. Vậy mà bây giờ 5 giờ rồi, nghĩa là chỉ còn 1 giờ nữa thì hết hạn định của chúng ta… Chểnh mảng như vậy, nghĩa là Tâm không sợ gì lời đe dọa của ta vậy!

Kỳ Phát thoáng nghe thấy lời tôi, đứng dừng lại, ngồi xuống bàn, rồi nói:

- Tâm không sợ mệnh lệnh của chúng ta chắc là vi có một cớ gì khác mà chúng ta không biết! Trong việc này, tôi thấy không có những việc chém giết ghê người, không có những vụ bắt cóc bí mật nhưng tôi thấy có nhiều ẩn khúc âm thầm nhưng nguy hiểm gấp trăm nghìn. Đây không có những khẩu súng lục còn tỏa khói thuốc, không có những lưỡi dao sáng loáng vấy máu người, nhưng tôi thấy có những thứ thuốc độc, mà chỉ một li cũng có thể đoạt sinh mệnh của ta một cách nhẹ nhàng!

Trong khi chờ đợi, muốn cho mọi người cùng đõ sốt ruột, tôi đun ấm nước pha chè tầu… Chén nước ướp thủy tiên thơm mát dường như đã làm cho Kỳ Phát dịu lòng nóng nẩy một đôi phần…

5 giờ rưỡi… 5 giờ 45…

Kỳ Phát vùng đứng dậy, nói:

- À, gớm thực, thằng ấy dám coi thường chúng ta!

Nhưng ngay lúc này có tiếng gõ cửa. Chúng tôi cùng nhìn nhau! Kỳ Phát vừa toan ra mở cửa nhưng nghĩ sao, lại thôi, trong khi Do bước ra vặn khóa. Chúng tôi đều thất vọng. Vì người bước vào chẳng phải là Tâm như chúng tôi mong mỏi mà lại là Bích Loan.

So với những lần gặp chúng tôi, lần này nàng như già thêm mấy tuổi. Hai mắt nàng sâu lóm, đỏ ngầu, chắc vì khóc nhiều quá. Mặt nàng xám nhợt, môi trắng bệch không có lấy một lớp son.

Ngơ ngác như người mất hồn, nàng hình như sợ hãi không biết nên vào hay quay ra mà chạy mất. Chúng tôi còn ngạc nhiên, nhưng Kỳ Phát đã định trí, ung dung bước ra khép cửa lại, rồi bằng một giọng dịu dàng, điềm tĩnh, chàng nhẹ nhàng hỏi Bích Loan rằng:

- Thưa bà, xin bà hãy ngồi xuống đây đã!

Rồi không hỏi gì hết, Kỳ Phát thong thả rót đầy một chén nước trà thơm, đưa cho Bích Loan mà bảo:

- Dù bà có việc gì xẩy ra đi nữa, có chúng tôi cũng không ngại. Bà hãy xơi cạn chén trà đi đã!

Ngoan ngoãn, Bích Loan uống hết chén nước rồi hổn hển, nàng nói:

- Tôi thực không ngờ! Trời ơi, anh Tiếp! Tôi cũng không ngờ Tâm lại khốn nạn đến thế, hắn dám mở mồm ra mà bảo: hắn chỉ muốn đổi 7 bức thư mà lấy 13 vạn bạc!

 

10

MỘT NGƯỜI CHỊU HY SINH…

Như một người bị điện giật, Kỳ Phát vụt đứng dậy, rồi nhắc lại câu nói của Bích Loan:

- Hắn muốn đổi 7 bức thư lấy 13 vạn bạc!

Nhưng chỉ một phút thôi, Kỳ Phát đã lại điềm tĩnh như thường, chàng thong thả rót cho chúng tôi mỗi người một chén nước, chính mình cũng uống một chén rồi chép miệng như một người nhàn nhã nghiện chè, nói:

- Chè này cũng được nước đây. Nhưng thực có uống đến ấm thứ hai mới thấy vị ngon của nó!

Quay lại phía Bích Loan, Kỳ Phát nói tiếp:

- Xin lỗi bà… Chúng ta cần phải điềm tĩnh đối phó lại mọi việc mới được, vậy xin bà hãy thong thả thuật lại cho chúng tôi cái việc vừa mới xẩy ra.

Bích Loan thở mạnh, cố gắng bình tĩnh, rồi bắt đầu kể:

- Tâm vừa nhận được bức thư của ông gởi đến sáng hôm nay…

Chúng tôi để ý Bích Loan gọi tên chồng ra chứ không nói “nhà tôi” như trước nữa.

Loan vẫn kể tiếp:

- Tâm xem xong thì mắt long lên sòng sọc. Ở bao năm với hắn tôi chưa từng thấy cái thái độ ghê gớm dữ tợn như thế bao giờ… Hắn cười gằn, đưa thư cho tôi xem, rồi ra khóa trái cửa lại, vào bảo tôi rằng: “Mợ giỏi thực, nhưng hành động cũng vẫn không ra ngoài những điều tôi dự đoán!” Tôi làm bộ vờ ngơ ngác, không hiểu chuyện gì, thì hắn đã nổi xung, quát bảo tôi rằng: “Nhưng tôi nói ngay để mợ biết rằng Kỳ Phát khoe khoang tài giỏi ở đâu thì được, chứ đối với tôi thì hắn không làm gì được nổi! Nhưng trong việc này, Kỳ Phát mới biết có một phần. Mợ cũng biết một phần, xong tưởng giấu được tôi!” Đến đây hắn ngừng lại nhìn tôi, cười ha hả làm cho tôi ghê rợn, rồi lại tiếp: “Nhưng tôi thì biết rõ lắm, biết hơn những cái biết của mợ và của Kỳ Phát nhiều. Mợ hãy ngồi yên mà nghe tôi thuật lại từ đầu… Tôi biết rõ, trước khi lấy mợ, rằng mợ đã dan díu với Tiếp trong mấy năm…”

Kỳ Phát ngạc nhiên:

- Thế ra hắn cũng rõ chuyện, tôi thực ngu ngốc mà không nghĩ đến chỗ đó!

Tôi nghe Kỳ Phát phàn nàn mà ngẫm nghĩ cười thầm, vì tôi chợt nhớ đến những lúc Kỳ Phát mắng tôi là ngu, vậy ra anh chàng cũng nghiêm nghị với mình như với người vậy.

Bích Loan lại kể tiếp:

- Tâm còn biết hơn tôi nhiều điều nữa. Hắn thuật rõ tại sao mà Tiếp cự tuyệt với tôi… Nguyên Tiếp gặp một tai nạn…

Kỳ Phát ngắt lời:

- Xin bà kể qua đoạn này, vì chúng tôi cũng biết rõ!

Bích Loan ngừng lại một lúc sau đó hỏi:

- Vậy ra ông cũng biết Tiếp đã bị thọt chân, hiện trụ trì tại một chùa gần Hà Nội. Nhưng ông có biết Tiếp thường vẫn đến trại Bích Loan thăm ông tôi không?

Thấy Kỳ Phát gật đầu, Loan tiếp:

- Nhưng tôi chắc ngoài ông tôi, tôi và Tâm thì không ai biết Hợp không phải là con của Tâm, mà chính là con của Tiếp?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Không, Tiếp cũng biết và nhờ có Tiếp kể lại chúng tôi cũng đã biết.

Nhưng Kỳ Phát cau mặt, hỏi lại:

- Vậy ra Tâm cũng biết Hợp chẳng phải là con hắn. Nhưng hắn biết từ bao giờ?

Bích Loan thở dài:

- Tôi nhận thấy Tâm khốn nạn nhất ở chỗ này… Hắn biết rõ hết tình duyên của tôi với Tiếp. Nhưng hắn vẫn làm ngơ mà cưới tôi, đó là vì hắn trông mong ở cái gia tài kia. Khi tôi sinh Hợp, thì hắn biết ngay Hợp không phải là con hắn, mặc dầu, hắn vẫn lặng thinh như không, nhưng hắn nhất định sẽ do điều ấy mà dùng làm cái lợi khí sau này!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Những kẻ tham ở đời thì tôi thấy nhiều người, nhưng tham một cách có phương pháp dự tính từ bẩy, tám năm trước thì tôi thấy có hắn là một!

Rồi Kỳ Phát bỗng sực nhớ, hỏi Bích Loan:

- Nhưng lúc nẫy bà nói: Tâm định đổi 7 bức thư lấy 13 vạn bạc, vậy đó là những thư gì?

Bích Loan thở dài:

- Thực ra không ai dại dột như tôi! Nhưng tôi đã giữ những thư của Tiếp gửi cho tôi, chẳng qua là mặc dầu yên trí Tiếp phụ bạc, tôi vẫn nhớ tiếc mối tình xưa… Tôi không ngờ rằng Tâm đã lục tìm được những thư ấy và hắn giữ để làm cái chứng cớ xoay xở tôi về sau. Thì hắn đã đoán đúng, hắn đã thấy đến lúc cần giơ những thư ấy ra…

Kỳ Phát hỏi:

- Xin bà thuật lại đúng những lời Tâm nói về bức thư cho chúng tôi được biết.

Bích Loan nói:

- Sau khi giở những bức thư cho tôi trông thấy, hắn nói rằng: “Kỳ Phát tưởng dọa nạt nổi tôi sao? Tôi biết Kỳ Phát có tài lắm, nhưng trong vụ này, có lẽ hắn chỉ dùng được tài của mình để tìm ra cái gia tài chôn giấu kia mà thôi!” Ngừng lại một lát, Tâm lại nói: “Tôi biết cái gia tài ấy có tất cả chừng 13 vạn bạc. Trong việc này, chúng ta chỉ có thể điều đình với nhau thôi, chứ dọa nạt thì không được! Kỳ Phát bảo sẽ tố cáo với các nhà chức trách rằng tôi là thủ phạm giết ông Hàn… Tôi cũng không buồn cãi nữa, nhưng tôi chỉ nói để mợ và nhà trinh thám đại tài của mợ biết rằng tôi sẽ bằng lòng ra trả lời pháp luật. Tôi sẽ nhận tội, tôi sẽ chịu tù tội. Nhưng tôi cũng sẽ công bố những lá thư này ra, tôi sẽ làm cho dư luận biết rằng tôi đã bị ông Hàn lừa dối, gả một đứa con gái hư đã có mang với người tình cho tôi. Tôi sẽ nói rõ để ai nấy đều biết Hợp chỉ là một đứa con hoang, bố thực nó, nó không được nhận, mà bố vờ nó cũng không nhận nó! Tôi sẽ bị từ, nhưng với cái gia tài riêng của tôi, tôi có thể thuê ba, bốn luật sư cãi cho tôi nhẹ tội. Lẽ tất nhiên mợ và thằng Hợp sẽ được hưởng cái gia tài 13 vạn kia, nhưng hãy hỏi với cái tiếng xấu kia, mợ có dám trông thấy ai không? Thằng Hợp liệu suốt đời có khỏi bị tủi nhục không? Ấy là tôi chưa kể đến việc có bức thư này, biết rõ Tiếp vẫn đến tìm cụ Hàn, ra trước tòa, tôi có thể buộc tội cho Tiếp chính là thủ phạm vì sự thực, Tiếp đáng ngờ hơn tôi…” Và Tâm kết luận: “Thôi, tôi bất tất phải trả lời Kỳ Phát nữa, 6 giờ hôm nay đây, Kỳ Phát đợi tôi, vậy mợ hãy đến tìm hắn và nói rõ ý định của tôi. Mợ nói giúp hộ tôi bằng lòng đi một nơi nào cho biệt tích, không về nữa, nhưng 13 vạn bạc của cụ Hàn phải về tay tôi mới được. Mợ đã nghe rõ chưa, tôi bằng lòng đổi 7 bức thư này lấy 13 vạn bạc ấy… 13 vạn bạc đổi lấy 7 bức thư và cả cái thanh danh một gia đình, tránh cho cả người chết lẫn người sống khỏi xấu xa nhơ nhuốc, thiết tưởng cũng không có gì là quá đáng vậy!”

Kỳ Phát như tức tối đến cực điểm, tức đến nỗi không gắt lên, không nói to lên được nữa!

Chúng tôi cũng lặng lẽ không dám nói gì. Bỗng Kỳ Phát trở lại điềm tĩnh, nở một nụ cười, rồi gật gù hỏi Bích Loan rằng:

- Bây giờ tôi chỉ cần hỏi bà một điều: Đối với bà thì 7 bức thư ấy và số tiền 13 vạn bạc kia giá trị có ngang nhau không?

Bích Loan gật đầu. Kỳ Phát ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Tôi hỏi bà thế mà thôi, chứ còn nước còn tát, tôi sẽ dùng một phương pháp cuối cùng để tranh đấu trong vụ này. Bây giờ xin bà hãy trở về và hẹn đúng 10 giờ đêm nay, xin mời ông Tâm lại đây, để tôi nói chuyện!

Bích Loan hỏi thêm:

- Tôi có phải nói gì nữa không?

Kỳ Phát lắc đầu:

- Nói thế, tức là Tâm đủ hiểu tôi cần mời hắn đến để điều đình! Nội nhật đêm nay, tôi phải dàn xếp cho xong việc này, để chậm hơn nữa thì không được!

Như một người máy, khiến sao được vậy, Bích Loan không dám hỏi thêm gì nữa, chào chúng tôi mà đi về.

Do đã khóa cửa lại rồi.

Kỳ Phát vùng đứng dậy. Thấy chiếc dép vướng mắt ở lối đi, chàng đá hất tung rồi lẩm bẩm:

- Cóc khô! Cóc khô!

Do liếc nhìn tôi mà mỉm cười. Nhưng Kỳ Phát đã kéo mạnh chiếc ghế, ngồi xuống, rồi nắm tay đấm xuống bàn nói:

- Tức chết đi được, trước thì chúng ta không khám phá được ra vụ này, vì thiếu mất một người… người thứ ba!

Ngừng một lát để suy nghĩ, Kỳ Phát lại gật gù mà tiếp:

- Bây giờ tìm ra thủ phạm đâu vào đấy rồi, đột nhiên chúng ta lại thấy thừa, cũng vẫn… thừa một người thứ ba.

Rồi một lát sau, Kỳ Phát bỗng nghiến răng bảo:

- Ta phải gạt bỏ người thứ ba này đi mới được, vì không còn một cách nào khác nữa!

Tôi rụt rè hỏi:

- Anh nói thế là thế nào, tôi không hiểu đấy.

Kỳ Phát thở dài:

- Có gì mà không hiểu, trong chuyện này, bây giờ, ta chỉ thấy thừa có Tiếp. Thằng khốn nạn Tâm đã vin vào Tiếp mà không sợ chúng ta. Nhưng nếu bây giờ không còn Tiếp nữa, dù Tâm có làm tan hoang câu chuyện ra, dư luận cũng chỉ thương Loan và Hợp thôi, chứ không chê trách đàm tiếu gì cả…

Do bàn:

- Hay là chúng ta khuyên Tiếp nên đi biệt một chỗ khác.

Kỳ Phát thở dài lắc đầu:

- Thế cũng chưa đủ!

Ngồi trầm ngâm một lát, Kỳ Phát bỗng quả quyết rồi lặng lẽ lấy giấy viết thư. Lời thư có lẽ khó khăn lắm nên tôi thấy Kỳ Phát ngừng bút lại mấy lần để suy nghĩ đắn đo.

Viết xong, dán phong bì đâu đấy, Kỳ Phát đưa thư cho Do mà bảo:

- Anh đã biết chỗ trụ trì của nhà sư thọt rồi đấy, vậy anh hãy lại đưa cho tôi bức thư này. Anh không cần trả lời, cứ việc về qua nhà xem có việc gì rồi lại đây trước 10 giờ!

Do đi rồi, chúng tôi cũng mặc áo đi ăn cơm. Trong lúc ăn uống, Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ lắm, có lần, chàng lẩn thẩn bầy những hạt dưa lên hai hàng dài trên bàn, rồi chỉ mà bảo tôi:

- Trong nhà đương ăn tiệc. Khách khứa đã sắp sửa vào ngồi đầy hai hàng ghế. Vậy mà có một người khách không mời nhưng vô tình đến chơi. Cả chủ lẫn khách khứa đều luống cuống không biết xử trí thế nào…

Vừa nói, Kỳ Phát vừa để thêm vào đó một hạt dưa mầu đen, khác với những hạt khác. Và Kỳ Phát nói tiếp:

- Người ta lúng túng khó xử chỉ là vì người khách thừa kia, nay làm biến mất người đó đi thì ai nấy đều thấy dễ chịu cả…

 

Nói đến đây, Kỳ Phát cầm hạt dưa đen kia lên cắn, rồi vất vỏ đi một cách rất là hể hả. Tôi cau mặt, một lát hỏi Kỳ Phát rằng:

- Anh nói thế nghĩa là như thế nào? Tôi ghê rợn khi nghĩ đến trong việc này, nhà sư cần phải chết đi!

Kỳ Phát thở dài, buồn bã:

- Việc phải xử như thế thì làm thế nào được! Lệnh cho nhà sư thọt tự tử đã đưa rồi, ta chỉ còn phải đợi!

Tôi ngẫm nghĩ một lát, sau nói:

- Tôi không nỡ!

Kỳ Phát gật đầu, nhắc lại nhời tôi:

- Tôi cũng không nỡ. Nhưng tôi đã yên lòng được một phần khi nghĩ đến lời Tiếp nói đêm qua: “Tôi sẽ giao số tiền cho Bích Loan và Hợp. Đó là việc cuối cùng của tôi, làm xong, tôi sẽ không còn liên can gì đến việc đời nữa!” Trong lá thư lúc nẫy gửi cho Tiếp, tôi đã nói rõ tình thế cuộc điều đình giữa tôi với Tâm. Và tôi đã đảm nhận việc tìm cái gia tài chôn giấu kia mà giao cho Loan và Hợp vì cái địa đồ của ông Hàn để lại đã ở trong tay tôi rồi…

Tôi nói:

- Tiếp là người thông minh và sẵn sàng hy sinh cho những người mình thân mến, xem bức thư của anh hẳn phải hiểu ngay!

Kỳ Phát không nói gì, lấy thuốc lá ra châm hút nhưng trông diện mạo buồn bã vô cùng…

 

11

VÀ MỘT NGƯỜI SỐNG

ĐỂ SUỐT ĐỜI CẦU NGUYỆN CHO

ĐÁM CHÚNG SINH THAM VỌNG

Tâm đã đến y hẹn, giữa lúc chúng tôi cùng ngồi lặng lẽ không nói với nhau một lời nào. Tôi không muốn nhìn nhận hay nhắc lại đây diện mạo con người táng tận lương tâm ấy nữa.

Hắn đưa mắt thoáng nhìn chúng tôi, rồi bỗng bảo Kỳ Phát:

- Bây giờ tôi mới hân hạnh gặp ông Kỳ Phát, song vẫn nghe tiếng từ lâu.

Kỳ Phát không buồn trả lời câu khách sáo ấy. Chàng chỉ lạnh lùng chỉ ghế rồi nói:

- Mời ông ngồi! Chúng ta bất tất phải dài dòng gì nữa. Tôi nói ngay để ông biết rằng số tiền 13 vạn của ông Hàn Tú để lại hiện có trong tay tôi rồi!

Tâm gật gù ra vẻ bằng lòng lắm. Rồi hắn cũng vỗ túi mà nói:

- Tôi cũng nói luôn để các ông biết rằng 7 bức thư kia, tôi cũng mang theo đây. Các ông xem đó thì biết tôi hết lòng tin cậy ở các ông… vì tôi biết rằng ông Kỳ Phát làm việc gì cũng đường hoàng, chân chính!

Kỳ Phát không trả lời câu nói vừa để khen, vừa để rào trước ấy. Chàng chỉ gật đầu bảo:

- Nhưng nếu tôi không ưng đổi 13 vạn bạc lấy 7 bức thư của ông thì sao?

Tâm cũng không trả lời câu nói ấy, mà hỏi lại Kỳ Phát:

- Vậy ý ông muốn như thế nào?

Kỳ Phát nhìn thẳng vào mặt Tâm, rồi nói:

- Tôi đã viết hết trong bức thư gửi lại ông. Tóm tắt nghĩa là ông bằng lòng trả lại cho Loan 7 bức thư kia thì tôi cũng vui lòng để cho ông muốn đi đâu thì đi và pháp luật sẽ không biết gì về chuyện này, nếu ông không bao giờ quay trở lại.

Ngừng một lát Kỳ Phát lại tiếp luôn:

- Lẽ tất nhiên ông có quyền mang theo tất cả những gì là sản nghiệp riêng của ông. Tôi tuy chưa hỏi bà Bích Loan về việc này nhưng tôi có thể nói chắc rằng bà cũng không tham gì số tiền ấy…

Tâm có vẻ nghĩ ngợi, một lát hỏi:

- Thế Loan lại đây chưa nói gì về ý kiến của tôi ư?

Kỳ Phát gật đầu:

- Có, bà Loan đã nói rõ ràng đủ cả. Nhưng tôi đã nghĩ kỹ, chỉ có thể ưng đổi 7 bức thư lấy cái tự do, mà không chừng là cái tính mệnh, của ông, chứ không thể để vào đó đồng xu nhỏ nào nữa!

Tâm cười nhạt, rồi nhìn Kỳ Phát mà hỏi:

- Thế ông không e ngại gì cho danh dự của Loan, của Hợp ư? Ông không lo gì cho cả nhà sư thọt ư?

Kỳ Phát lơ đãng trả lời, hình như không quan tâm gì về câu nói này lắm:

- Tiếp có còn đâu mà ông nhắc đến!

Tâm giật mình. Hắn ngạc nhiên hỏi vội:

- Ông nói thế là thế nào?

Kỳ Phát vẫn chậm chạp, trả lời:

- Tôi nói thế nghĩa là Tiếp, tức nhà sư thọt đã tự tử rồi.

Tâm không tin, hỏi gặng:

- Có đâu chuyện ấy, ông nói đùa, tôi biết!

Kỳ Phát quắc mắt:

- Với một người như ông thì không bao giờ tôi đùa hết! Tôi nhắc lại để ông biết rằng Tiếp đã tự sát rồi, như vậy nghĩa là bây giờ tha hồ cho ông định làm hại cái danh dự của Loan và của Hợp, nhưng không có ích gì nữa. Một cái chết của Tiếp đủ làm cho mọi người đều nhận thấy trong vụ này Hợp và Loan là những người đáng thương hơn hết. Cái chết của Tiếp có thể ví như một bức tường thành chắn hết mọi lời đàm tiếu.

Tâm có vẻ nghĩ ngợi lắm. Hai mắt hắn cau lại. Hai hàm răng hắn nghiến chặt! Cái tướng vũ phu, tham lam khốn nạn của hắn đã lộ hết cả ra ngoài. Nhưng bỗng hắn cười vang… Rồi hắn gật gù, bảo:

- Thôi, tôi hiểu ra rồi! Tôi biết ông khéo léo lắm nhưng không thể lừa nổi tôi đâu! Không, Tiếp chưa chết! Nghĩa là ông vẫn phải đổi 13 vạn bạc lấy 7 bức thư kia. Sau đó, tôi có đi đâu mới đi!

Kỳ Phát tức tối lắm, vì chàng không thể tìm ra ngay lúc bấy giờ cái chứng cớ gì tỏ rõ Tiếp đã chịu hy sinh. Nhưng ngay lúc này, có tiếng rụt rè gõ cửa… Rồi một chú tiểu mặt không còn một hột máu bước vào:

- Đây có phải nhà ông Kỳ Phát không ạ?

Kỳ Phát vội hỏi:

- Cái gì thế chú? Làm sao?

Chú tiểu vừa thở, vừa nói:

- Sư ông Tĩnh Tâm đâm cổ tự tử rồi! Nguyên lúc sắp thụ trai thì sư ông kêu váng vất, không ăn, một mình lên thỉnh chuông, đọc kệ. Sau đó sư ông trở về phòng riêng và khi tôi vào định giũ giường màn đã thấy sư ông nằm bên vũng máu. Thì ra người đã dùng dao đâm cổ… Cụ tôi thấy thế, định tìm phương cứu chữa, song sư ông đã từ chối, xin sư cụ tha thứ cho, dặn sư cụ muốn biết rõ nguyên ủy cứ hỏi ông. Và trước khi nhắm mắt, sư Tĩnh Tâm đã rút chiếc nhẫn này, đeo ở nơi tay, bảo lại ngay đưa cho ông, nhờ chuyển giao cho bà Loan…

Vừa nói, chú tiểu vừa móc túi đưa cho Kỳ Phát một gói giấy. Kỳ Phát đỡ lấy, rồi bảo chú tiểu rằng:

- Thôi, bây giờ chú hãy về ngay chùa, vì còn bận nhiều việc. Nhờ chú bạch giùm với sư ông rằng sáng sớm mai, chúng tôi xin đến hầu!

Chú tiểu đi rồi, Kỳ Phát ra khóa cửa lại cẩn thận và rút chìa khóa bỏ túi. Chúng tôi nhìn thấy Kỳ Phát bây giờ sắc mặt lạnh như băng, song hai mắt sáng quắc, vô cùng quả quyết.

Chậm chạp, Kỳ Phát bước đến trước mặt Tâm làm cho hắn sợ hãi né lùi mình về phía sau ghế. Nhưng Kỳ Phát chỉ ung dung mở gói giấy, đưa ra trước mặt Tâm chiếc nhẫn vàng, nạm mặt kim cương, loang lổ máu!

Thất sắc, Tâm rón rén đứng dậy.

Kỳ Phát quát:

- Thế nào, mi tin rồi chứ? Ta hẹn cho mi một phút, nếu chiếc đồng hồ treo trên tường kia đánh dứt tiếng chuông 10 rưỡi mà mi vẫn còn chưa ưng thuận thì ta là Kỳ Phát, thề có vong linh Tiếp ta quyết sẽ đưa mi nộp cho các nhà chuyên trách ngay.

Tâm nhìn quanh như muốn tìm lối tháo. Nhưng cả Kỳ Phát lẫn chúng tôi đều đứng dậy, lặng lẽ nhìn hắn với một thái độ quả quyết vô cùng.

Tâm liếc nhìn đồng hồ. Có lẽ hắn đã nhìn thấy rõ ràng chiếc kim từ từ dịch. Một tiếng cạch, tiếp tiếng sè sè của bộ máy bắt đầu chuyển động trước khi đánh chuông… Tâm không dám lưỡng lự nữa, vội rút phắt một gói giấy buộc bằng chỉ đỏ trong túi áo ở trước ngực ra, lấm lét, Tâm đưa tập 7 bức thư cho Kỳ Phát, trong khi tiếng chuông đồng hồ vang âm trong gian phòng lặng lẽ.

Tiếng chuông ấy là tiếng kêu thắng trận. Mà cũng là tiếng thở mạnh, vừa lòng của những người đã khuất!

Kỳ Phát tay chẳng khỏi run run, cởi dây, mở 7 bức thư ra đọc qua, rồi sau khi xem xét lại kỹ lưỡng, gật đầu, ra cửa, rút chìa khóa mở.

Tâm cúi mặt ra theo.

Chiếc cửa đã khép lại. Kỳ Phát trở vào, ngồi phịch xuống ghế. Trên trán chàng, chúng tôi thấy đọng nhiều giọt mồ hôi bóng, lạnh!

Vụ án mạng cũng như những ẩn khúc trong gia đình nhà Bích Loan không một ai ở ngoài biết cả. Trước cảnh rộn rịp náo nhiệt của đời, người ta đã quên không còn nhớ gì đến cái chết kỳ dị của ông Hàn và chuyện Tâm tự nhiên bỏ đi biệt tích.

Nhưng giữa đêm khuya u tịch, trong một ngôi chùa thanh vắng kia, có một thiếu phụ vận đại tang, tang người tình và tang bố, đương sùng kính tập tụng kinh trước khi xin thí phát.

Tiếng mõ gõ đều đều, mở đường cho một người từ nay, nguyện suốt đời sống để cầu nguyện xin Phật tổ tha thứ cho đám chúng sinh đầy lòng tham vọng!

Nguồn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét