Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

KHO TÀNG HỌ ĐẶNG

KHO TÀNG HỌ ĐẶNG

 Phạm Cao Củng

1

MỘT BỨC THƯ LẠ


Ba mươi Tết. Trên con đường Thái Bình - Tân Đệ vắng ngắt không có một ai. Mấy nhà lá bên vệ đường phên cài kín mít, tuy nhiên còn ánh lửa soi ra, có lẽ ánh đèn để trên bàn thờ ông vải. Đằng xa, lờ mờ chiếc đèn bóng, kéo trên chiếc nêu cao, bị gió đưa qua lại, nhấp nhánh trên bụi tre, trông như ngọn lửa ma trơi dập dờn ngoài mộ địa.

Lúc bấy giờ có lẽ đến gần mười một giờ đêm vì tiếng trống canh hai đã điểm từ lâu lắm. Nhưng gió càng to, mưa phùn càng thêm nặng hạt, làm cho khí trời đã lạnh lại buốt hơn. Xa tít, trông về tỉnh Thái, một ánh đèn dần dần tiến lại. Vừa vượt qua dốc, ánh đèn bỗng dừng hẳn, nhận kỹ trong bóng tối, qua những hạt mưa bay, ánh sáng xanh ấy chỉ là một chiếc đèn xe đạp. Người trên xe nhẩy xuống dắt xe lại bên cây nhãn vệ đường, dựa xe vào đó rồi cúi xuống xem bánh trước. Hắn bỗng đứng dậy, rút mùi soa ra lau tay, mồm lẩm bẩm:

- Cóc khô! Rõ cóc khô cái anh Cao Viên, lốp xe thế này mà cũng dám đưa mình mượn để đi đường trường! Ngót mười một giờ đêm rồi mà xe thế này thì bao giờ mới về đến Nam được. Đây đã đến Thẫm rồi đây!

Thẫm, chỉ mỗi một tiếng ấy đã làm rùng mình nhiều khách bộ hành qua con đường Thái Bình - Tân Đệ. Thẫm, hơn mười năm về trước mới đáng ghê hơn nữa. Ai qua Thẫm hơi sớm một chút hoặc hơi quá về chiều, trời đã nhá nhem thì không bỏ mạng ở đấy cũng phải bỏ túi bạc giắt trong mình. Thẫm là chỗ quân côn đồ đã chọn để chẹt người lấy của. Thẫm là chỗ mà từ khách bộ hành đến bọn phu xe đi qua, ai cũng một lòng nơm nớp lo sợ. Nhưng cái tên ghê gớm ấy có lẽ chưa đủ làm lo ngại cho người đi chiếc xe đạp kia, dù một mình trên đường trường khuya khoắt giữa cái đêm vắng vẻ tối om, cái đêm Ba mươi Tết.

Hắn vén tay áo xem đồng hồ rồi nói:

- Kém 5 đầy 11 giờ. Thẫm rồi đây, ừ thì ta trọ lại Thẫm chớ sao?

Rồi hắn cười khanh khách nói một mình:

- Có lẽ dễ cái anh cóc khô Cao Viên cũng a tòng với bọn cướp Thẫm mà cố ý làm cho mình phải bắt buộc dừng lại đây chăng! Cũng chẳng hề chi, ta lại có dịp xem những ông tướng Thẫm có tai có mỏ đến thế nào?

Một con chó mực to sù chạy từ đồng ruộng sang đường cái. Nó hướng vào người khách lạ mà sủa vang, khách điềm nhiên dắt xe về phía con chó. Nó vừa cắn vừa lùi, sau cùng lách mình chui qua liếp một căn nhà lá lụp xụp ở ngay vệ đường, rồi cứ đứng trong mà sủa ra. Khách thò tay bấm chuông xe đạp, tiếng chuông vang vang làm lấp hẳn tiếng tràng pháo nhà ai đốt mãi tận chân trời.

Tiếng một cụ già trong nhà nói:

- Kìa con, mở liếp xem ai ở ngoài mà chó sủa thế?

Khách ở ngoài nghe rõ, lên tiếng:

- Thưa, tôi đây ạ. Xe đạp đi đến đây bị nổ lốp, cụ làm ơn cho vào ngủ trọ.

Tiếng một người con gái nói ra:

- Ông đứng đợi một chút, để tôi thắp cây đèn to.

Một tiếng đánh diêm, ánh sáng ngọn đèn ở trong đã rọi qua khe liếp. Giây lát chiếc cánh liếp đã kéo hẳn sang một bên, một người đàn bà ngó cổ ra ngoài nói:

- Ông cho xe vào trong này!

- Chào bà! Vâng, bà đứng xê kẻo bánh xe quệt vào lấm áo.

Xe đã qua bậc cửa. Nhờ ánh đèn ở trong sáng tỏ, ta bây giờ mới nhận rõ được người khách lạ. Tầm người cao và gầy, khách vận âu phục, khoác ngoài một chiếc áo tơi đen, đội chiếc mũ dạ cũng mầu đen sụp xuống gần đến mắt. Khách bỏ mũ, cởi chiếc áo tơi rồi xoa tay lại cạnh lò bánh chưng đứng sưởi. Ngọn lửa chiếu vào mắt khách sáng ngời, khách chẳng phải ai xa lạ, chính là chàng Kỳ Phát.

Kỳ Phát, phải, chính là Kỳ Phát, nhà trinh thám đại tài đã khám phá ra vụ án mạng bí mật ở vùng Thanh mà các báo ở đây đã tranh nhau đăng tin dạo nọ, phải, vẫn là cái chàng trẻ tuổi, thông minh, ranh mãnh lúc nào cũng ưa hoạt động và thích vui cười.

Chàng trạc hăm mốt, hăm hai, tóc vuốt ngược, da ngăm ngăm đen, cằm tròn và ngắn, không có vẻ gì là thông minh lanh lợi cả.

Nhưng nhận kỹ trên đôi má lưỡng quyền cao, một chiếc trán rộng mà vuông, đủ tỏ ra rằng chàng là một người có nhiều nghị lực.

Dưới đôi lông mày to nhưng thưa, cặp mắt sáng quắc lanh lẹ, chứa đựng cả tính cương quyết, mạnh bạo và trí thông minh lạ thường. Chẳng khác cặp mắt nhà thôi miên, luồng nhỡn tuyến ấy thoáng chiếu vào ai cũng đủ làm cho người ta sợ hãi, kính nể và yêu mến. Chàng hơ tay lên ngọn lửa, rồi quay vào phía một cụ già khoác chiếc áo bông, ngồi thu lu ở trên giường mà nói:

- Thực là làm phiền cụ quá. Chúng cháu dở việc cần ở Thái mà ngót 9 giờ mới xong, định đạp vội xe về Nam thì trời lại ngược gió quá mà lại đổ mưa to. Đến đây hỏng xe, nên mới dám vào quấy quả cụ và bà…

Người đàn bà lúc đó đã cài xong chiếc liếp vừa quay vào. Kỳ Phát bấy giờ mới để ý kỹ, chàng lấy làm thẹn vì trong câu xưng hô chàng đã dùng tiếng “bà” lúc nẫy. Thiếu nữ, người đàn bà ấy chỉ là một thiếu nữ, trạc mười bẩy, mười tám, khuôn mặt tròn, nước da trắng đỏ. Chiếc khăn nâu non vấn lẳn làn tóc mây. Chiếc áo lương đã hơi bạc, cách ăn vận mộc mạc quê kệch ấy chưa đủ làm cho thiếu nữ giảm cái vẻ đẹp tự nhiên. Nguyên một cái miệng nàng cũng đủ làm nhiều người ngơ ngẩn: hai hàm răng đen nhỏ lộ ra giữa cặp môi thắm, luôn luôn mỉm cười, cái mồm tươi đẹp như hoa, thực tình tứ đáng yêu vô hạn. Nàng đi lấy ấm chén, nhấc chiếc siêu sành để bên lò bánh rồi tìm chè pha nước.

- Thôi, cô đừng cho uống nước nữa! Thực làm phiền cô quá!

Nhìn bộ chén, Kỳ Phát nhận ra bốn chiếc bốn thứ, cái cảnh nghèo nàn nhưng vẫn còn cố giữ vẻ nền nếp đã tỏ ra rõ rệt. Tò mò, Phát nhìn quanh gian nhà. Áp vách, chiếc bàn thờ ông vải bầy biện một cách rất sơ sài. Bộ đồ thờ bằng gỗ mộc, đĩa ngũ quả bằng đất, chiếc lộc bình đã hơi mẻ miệng; những thứ ấy trông thực tồi tàn nhưng được cái rất là sạch sẽ, không hề có một chút bụi bám.

Kỳ Phát nhấc chén nước, nói:

- Mời cụ xơi nước, mời cô… Thực làm phiền cụ quá!

- Vâng, mời thầy (ông cụ trả lời) không có hề chỉ, ai chả có lúc lỡ làng.

- Nhưng giữa đêm Ba mươi…

- Lại càng hay chớ sao, như thế này mới thực là xông đất, chứ cứ chọn người, nói trước nhờ người ta đến thì còn gì là nghiệm nữa. Năm nay, nhờ thầy, may ra tôi làm ăn khá giả…

Nhưng ông cụ ngắt lời, lắng tai nghe… Đằng xa có tiếng ai nói to, lảm nhảm. Thiếu nữ cũng lắng tai, rồi bảo ông cụ:

- Thằng Nghé đã đi uống rượu say ở đâu về, thầy ạ!

- Nó lại vào phá nhà ai rồi đòi chén chứ gì?

Thấy Kỳ Phát ra dáng ngạc nhiên, ông cụ cắt nghĩa:

- Ấy đã sáu, bẩy hôm nay, thằng Nghé đi biệt tích ở đâu về xóm, hung bạo, ngỗ nghịch, nó chẳng nể một ai cả. Nó vào miếu, hạ xôi gà trên bàn thờ xuống ăn, rồi cởi trần ra ngủ ngay dưới bệ. Thế mà thần Phật chẳng vật ngay nó chết đi. Cả ngày say bí tỉ…

Kỳ Phát ngắt lời:

- Cụ bảo nó đi biệt tích mới về?

- Vâng, từ ngày nó say rượu, rồi đánh bố thì nó trốn đi biệt, có lẽ đến sáu năm nay, phải, đúng sáu năm, ngày ấy cháu nó mới 11 tuổi.

Tiếng thằng Nghé càng ngày càng gần, nó lè nhè, nói lảm nhảm:

- Chúng mày… chúng mày đã… đã biết tay ông chưa? Say… ông chưa say đâu… còn chai rượu trên bàn thờ sao không mang cả xuống đây? Ái chà say!

Tiếng chân nó bước chậm chạp, nặng nề, có lẽ nó đương lảo đảo, chân nam đá chân chiêu… Soạt! Tiếng tay nó vịn vào chiếc liếp ngoài hè.

Ba người trong nhà đều lắng tai nghe, riêng thiếu nữ và ông cụ già thì có dáng lo ngại. Nó đập phên mà gọi:

- Ông Cả! Mở cửa cho tôi vào với, năm mới… Nghé đây, Nghé đi xông nhà, chả say… nhưng rượu ty không bao giờ ngon bằng rượu lậu… mở cửa… ông Cả.

Ông Cả trong nhà vội bảo nhỏ Kỳ Phát:

- Xin lỗi thầy, tránh voi chẳng xấu mặt nào, tôi và thầy nên lánh mặt thì hơn.

Rồi cụ kéo Kỳ Phát ngồi thụp xuống, nấp đằng sau chiếc chum gạo để ở góc nhà, trong xó tối.

Thằng Nghé ở ngoài vẫn đập cửa gọi:

- Mở cửa, ta vào đánh chén với nào! Năm mới… chả say…

Ông cụ vội bảo nhỏ thiếu nữ:

- Cúc, con ra mở liếp, nói dối rằng thầy đi vắng!

Tiếng gọi càng gấp. Nóng ruột, thằng Nghé co cẳng đạp vào vách thình thình… Cánh liếp vừa mở, ngọn gió lạnh ở ngoài ào vào, làm cây đèn để trên chõng suýt tắt.

Hơi rượu sặc sụa đưa vào.

- Ông Cả cho tôi đánh chén với nào!

- Chào bác, thầy tôi ra đình lễ giao thừa chưa về.

- Cô à cô Cúc! Ông Cả đi vắng à, chà tôi chưa say, mà chúng nó cứ bảo rằng say.

Thằng Nghé vừa bước thêm một bước thì nó ngã nghiêng, suýt bổ vào Cúc. Nàng sợ hãi, bước lùi về đằng sau. Thằng Nghé dựa lưng vào chiếc cột bương, nhăn nhở, nheo cặp mắt nhìn chòng chọc vào thiếu nữ. To lớn, lực lưỡng, trời rét như cắt mà nó đánh có một chiếc áo cánh thâm phanh cả ngực. Đầu húi ca rê, nhưng tóc đã bắt đầu mọc dài, mắt đỏ tía, trên má dán một lá thuốc cao to tướng, trông hung tợn như một thằng ăn cướp, nó bè nhè, nói:

- Ông Cả… ông đi vắng, nhưng cô… cô ở nhà. Đi lấy rượu uống chơi nào… năm mới… chúc cô năm… năm nay lấy chồng nhà… Nào mang rượu ra đây mình đánh chén với ta…

Nó nhăn nhở, lảo đảo tiến vào… Cô Cúc kêu thét, thằng Nghé giơ tay ôm choàng lấy thiếu nữ. Nhưng một cánh tay nhỏ bé vỗ mạnh vào vai nó, thằng Nghé giật mình, buông Cúc ra, ngoái cổ lại. Nhanh như chớp, cánh tay nhỏ bé đã đưa lên in vào má thằng Nghé một cái tát trái nên thân. Thừa dịp cô Cúc đẩy thằng Nghé, chạy tít ra góc nhà. Thằng say rượu, có lẽ lúc ấy nó đã hết say, lui lại một bước, đứng thủ thế. Trước mặt nó là Kỳ Phát. Chàng nhìn vào thằng Nghé, hai luồng nhỡn tuyến giao nhau, người ta có cái cảm tưởng đứng trước cuộc cầm cự của một người chủ xiếc và con thú dữ. Cứ kể đồng cân thì Kỳ Phát có lẽ không đủ sức mà chịu nổi một quả đấm của bàn tay hộ pháp kia, nhưng trông chàng không có vẻ gì là sợ hãi cả. Trước thái độ hung dữ của thằng Nghé, chàng điềm nhiên giơ tay sửa lại cái cà vạt mầu hồng… Thừa lúc bất ý, vụt một cái thằng Nghé đã nhẩy đến sát bên chàng, tay cầm một con dao găm sáng loáng, nhọn hoắt mà không biết nó rút ra tự lúc nào. Nhưng lưỡi dao chưa kịp hạ thì nhanh như cắt, Kỳ Phát đã giơ tay phải lên đỡ và bắt tay thằng Nghé. Chàng đưa thêm tay trái lên nữa, chưa đầy một giây đồng hồ, thằng Nghé bị khóa tay đau kêu thét, lưỡi dao nhọn đã rời tay mà rơi xuống đất. Trông cảnh tượng lúc bấy giờ thì đáng buồn cười hơn là sợ hãi. Hai cổ tay to béo của thằng Nghé bị nắm chặt cứng trong hai bàn tay nhỏ bé nhưng gân guốc của Kỳ Phát. Thằng khốn nạn cố cựa muốn gỡ ra nhưng tay nó đã bị kẹp chặt vào chiếc khóa tay bằng sắt rồi. Tức tối vô cùng, thằng Nghé hằm hè như muốn nuốt sống ngay chàng trẻ tuổi. Kỳ Phát nhìn chăm chăm vào mặt nó, chàng mỉm cười ra dáng thương hại mà bảo nó rằng:

- Nếu mầy có học qua võ Nhật thì đã biết cái miếng khóa tay tao vừa dùng gọi là ussighi rồi.

Nhân lúc bất ý, thằng Nghé vung mạnh tay một cái nhưng vô hiệu. Kỳ Phát bỗng trợn mắt, nhìn thẳng vào nó, sát gần mặt vào thằng khốn nạn mà ghé tai bảo nhỏ một câu gì. Không biết câu nói nhỏ ấy là một câu phù chú mầu nhiệm đến thế nào mà tự nhiên thằng Nghé đã bỏ bộ mặt hung dữ thay vào bộ mặt sợ hãi vô cùng.

Kỳ Phát buông hai tay ra, thằng Nghé lấm lét giơ một tay lên trán chào, rồi lủi thủi đi ra. Nhưng Kỳ Phát gọi giật nó lại. Chàng cúi nhặt con dao găm, trao trả nó, rồi giơ tay đẩy nó ra ngoài. Chàng lúi húi cài cánh cửa liếp lại rồi quay vào. Chàng bỗng bật cười. Trong nhà, ông Cả và cô Cúc đều trố mắt nhìn chàng, vừa khâm phục vừa ngạc nhiên trước thái độ phi thường của người khách lạ.

 

2

CHIẾC ĐĨA GIA BẢO

Ông Cả, từ bây giờ ta gọi chủ nhân ngôi nhà này là ông Cả cho tiện, có vẻ kính trọng Kỳ Phát một cách lạ. Ông bảo cô Cúc lấy chiếc chiếu mới cạp điều gác trên xà nhà xuống để khách nằm.

Thấy người quá trọng đãi, Kỳ Phát luôn luôn từ tạ:

- Thôi cụ để mặc cháu, thực làm phiền cụ quá!

- Không, thầy để mặc tôi, nếu vừa rồi mà không nhờ có thầy thì biết đâu nhà tôi…

Kỳ Phát vội gạt:

- Thôi, chuyện nhỏ đã qua, cụ bất tất phải nhắc lại làm gì.

- Nhưng tôi vẫn áy náy chả biết lấy gì mà tạ ơn thầy.

- Cụ chớ nói quá thế, cháu không được vui lòng. Chính cụ và cô đây mới thực là ân nhân, nếu không có cụ vì tấm lòng tốt chẳng ngại phiền nhiễu cho cháu vào trọ, thì từ Thẫm về Tân Đệ, qua quãng đường nguy hiểm giữa tối Ba mươi, cháu biết đâu lại chẳng bị côn đồ làm hại…

- Thầy chớ nhún mình, tài thầy như thế thì bọn côn đồ kia có xá kể gì. Tôi chỉ ân hận nhà nghèo không lấy gì mà…

Kỳ Phát mỉm cười, ngắt lời:

- Cụ đã có ý muốn trả ơn, nói thế chớ cũng chẳng có gì đáng gọi là ơn, thì xin cụ vui lòng tha thứ cho cháu cái lỗi đường đột: cháu muốn cụ cho xem và kể chuyện chiếc đĩa cổ lớn để trên bàn thờ kia, thoáng nhìn hình như là đồ quý lắm thì phải.

Ông Cả cũng cười mà nói:

- Thầy tinh mắt thực, cái đĩa kia chính là một chiếc đĩa cổ quý lắm. Nhưng nếu nó chỉ là một đồ cổ thì, nói thầy đừng cười, lắm lúc nhà túng bấn đã phải cầm bán đi rồi, chẳng còn giữ được đến bây giờ…

Kỳ Phát như để ý đến câu chuyện lắm, chàng nói:

- Có lẽ là một của gia bảo?

- Vâng, đó là một vật di truyền của tổ phụ chúng tôi để lại. Nguyên họ tôi chia ra bốn ngành.

Ông Cả đang nói dở câu chuyện thì cô Cúc ở ngoài sân bước vào nói:

- Trên chùa đã gióng chuông trống, có lẽ giờ tống cựu đã đến. Con đã bầy cúng ở ngoài sân rồi thầy ạ.

Ông Cả bảo Kỳ Phát:

- Mải nói câu chuyện cổ, giao thừa đến mà không biết. Mời thầy xơi nước, tôi lễ xong rồi vào sẽ nói nốt chuyện thầy nghe.

Nói xong, ông Cả bước ra sân sắp sửa lễ vật. Trong nhà, cô Cúc lúi húi bên lò đương gắp bánh chưng ra. Kỳ Phát ngồi trên chiếc kỷ tre, đưa con mắt nhận xét mà nhìn thiếu nữ. Cúc bây giờ thực đẹp. Đứng gần lò sưởi hai má hây hây thêm phần lộng lẫy. Ánh lửa chiếu vào càng làm sáng cái vẻ hồng hào của nước da trắng bóc. Nồi bánh chưng vừa mở, một làn hơi nước tỏa lên bao bọc quanh mình Cúc. Một nhà thi sĩ đứng trước cảnh ấy đã có ngay cảm tưởng là đứng trước một vị nữ thần tuyệt đẹp đang ẩn hiện trên đám mây mờ, nhưng Kỳ Phát, chàng chỉ là một nhà trinh thám, nên gật gù, ngắm Cúc mà tự nghĩ:

- Ừ, khuôn mặt tròn, mồm tươi, môi hơi dầy, đó là biểu hiện người đa cảm, nhưng cứ trông cặp mắt sáng nhanh, mỗi khi thoáng thấy mình nhìn ngắm thì hơi cau lại làm cho ta đoán nàng là một người quả quyết, hơi có vẻ kiêu ngạo nữa là đằng khác. Nhưng dù sao, Cúc cũng là một cô gái đẹp đáng yêu.

Kỳ Phát nghĩ lại buồn cười, lòng tự nhủ lòng:

- Đáng yêu, Cúc đáng yêu thì có liên can gì đến ta? Óc một nhà trinh thám là nhận xét chứ không tưởng tượng, mà không tưởng tượng thì khó lòng yêu được.

Mấy tiếng chuông con sẽ đánh ở ngoài sân làm cho Kỳ Phát thôi nghĩ ngợi. Chàng nhìn theo Cúc đang bầy lại lễ vật trên bàn thờ ông vải.

Nàng đánh diêm, thắp hương rồi ngồi sụp xuống chiếu mà lễ. Tiếng chuông chùa đằng xa gióng lên một hồi vang động. Đằng chân trời nổ lép bép tràng pháo giao thừa nhà ai vừa đốt, tiếp liền một hồi pháo nổ ngoài sân, luồng gió lạnh ở ngoài đưa vào, cùng với làn khói pháo mịt mù. Ông Cả ngoài sân bước vào đon đả tươi cười mừng Kỳ Phát:

- Năm mới, mừng thầy năm nay…

- Mừng cụ tăng thọ, vạn sự…

Tiếng nổ tràng pháo bên hàng xóm làm lấp hẳn tiếng mừng tíu tít của khách và chủ. Ông Cả quay bảo Cúc:

- Con vào bóc bánh chưng và cắt thêm mấy khúc giò… Thầy hãy uống với tôi mấy chén rượu thưởng xuân rồi tôi kể câu chuyện cổ tích cho mà nghe.

Uống một hơi cạn chén, ông Cả chỉ chiếc đĩa để trên chiếu mà nói:

- Thực là năm mới nói chuyện cũ. Đĩa này không phải chỉ có một chiếc. Nguyên họ Đặng nhà tôi chia ra làm bốn ngành mà tôi là ngành trưởng. Ba ngành kia thì hai ngành ở Tân Đệ, còn ngành út thì hiện giờ ở Nam Định. Mỗi ngành đều lấy một chữ đệm khác nhau. Ngành tôi là Đặng Vũ, hai ngành thứ là Đặng Thế, ngành thứ ba là Đặng Liên, ngành út là Đặng Bá. Trừ chi Đặng Bá, ba ngành trên đều sa sút cả. Chúng tôi tuy nghèo nhưng chính là dòng dõi thế phiệt, tổ phụ chúng tôi trước đã từng làm quan to, thường phụng mệnh sang sứ Tầu.

Kỳ Phát ngắt lời hỏi:

- Xin lỗi cụ, tôi muốn biết ngài tên thực là gì?

- Tổ phụ chúng tôi tên thực là gì, tôi cũng không được biết, vì theo lời ông cha kể lại thì cuốn gia phả nhà họ Đặng chúng tôi đã bị một trận hỏa tai làm cháy mất, di tích để lại chỉ còn bốn chiếc đĩa cổ này mà thôi.

Kỳ Phát hỏi:

- Đây một chiếc, còn ba chiếc kia đâu?

- Ba chiếc kia thì ba chi họ kia giữ, hiện nay vẫn còn cả.

- Khi giao bốn chiếc đĩa thì các cụ có dặn điều gì chăng?

- Có, nhưng mơ hồ khó hiểu lắm. Tôi còn nhớ, khi ấy tôi mới mười chín thì cha tôi bị bạo bệnh mà từ trần. Lúc hấp hối, vì tôi là con cả, nên cha tôi gọi riêng tôi vào phòng, chỉ chiếc đĩa để trên bàn thờ mà bảo rằng: “Lượng (Lượng là tên tôi), con là con cả, bổn phận của con là phải giữ chiếc đĩa kia, một vật di tích của nhà ta. Dù thế nào con cũng không được đem cầm bán đi, con nên thận trọng mà giữ bảo vật này, vì nhờ nó mà có thể trở nên giầu có ức triệu được. Đến ngày giỗ tổ, tức là đêm hôm rằm tháng tám, theo như lệ trong họ ta, bà con sẽ về đây làm giỗ. Bốn chiếc đĩa hôm ấy sẽ để chung vào một mâm mà bầy cúng.” Tôi có hỏi lại cha tôi tại sao giữ chiếc đĩa này lại có thể trở nên giầu có được thì cha tôi lắc đầu mà bảo rằng: “Chính cha cũng không rõ, ông con lúc mất đi có dặn lại như thế, thì cha lại y lời mà dặn lại con, chớ chính cha cũng không hiểu rõ làm sao cả. Có lẽ những vật này là của quý thiêng liêng, tức cũng như thần tài của nhà ta vậy.”

Kỳ Phát hỏi:

- Thế như ý cụ thì thế nào?

- Ý tôi thì cho rằng các ngài dặn lại thế cốt ý để cho con cháu mong được cái lợi kia mà không cầm bán của di tích này, chứ thực ra chẳng có của cải nào cả. Tuy nhiên tôi dù nghèo đến bực nào cũng không nỡ rời bỏ cái vật di truyền của tổ phụ tôi để lại, chỉ hiềm cái tôi hiếm hoi chẳng có con trai.

Kỳ Phát ngoảnh nhìn cô Cúc đang ngồi vá chiếc áo the trên chõng. Ông Cả con mắt đăm đăm, buồn rầu mà thở dài… Trong nhà im lặng như tờ, đằng xa, thỉnh thoảng điểm một vài tiếng nổ của chiếc pháo lệnh nhà ai đốt tận chân trời… Chẳng muốn để cái cảnh nặng nề buồn tẻ ấy kéo dài ra mãi, Kỳ Phát nói:

- Thứ rượu này ngon lắm, mời cụ xơi!

- Không dám, mời thầy, tôi thực vô ý quá, mới đầu năm đã nói chuyện buồn, thầy tha lỗi cho tôi nhé!

Chuyện trò hồi lâu, như sực nghĩ ra, ông Cả hỏi:

- Năm nay thầy về Nam ăn Tết cùng các cụ ở nhà chăng?

Kỳ Phát buồn rầu trả lời:

- Thầy u cháu chỉ sinh ra mỗi mình cháu, đều mất sớm cả rồi, cháu bây giờ là một người tứ cố vô thân.

- Thế thầy về ăn Tết ở nhà ai?

- Thực ra cháu bây giờ không có Tết. Trong năm, cháu có người bạn thân viết thư bảo Tết về nhà chơi nên cháu định về nhà hắn ta ở Nam mấy hôm, vì hỏng xe nên vào quấy cụ ở đây.

- Có làm gì cái nhỏ mọn ấy. Thầy đã vào đây, nhân tiện ở lại đây ăn Tết với tôi cho vui, chứ ngày mai năm mới lại ở nhà người ta, dẫu là bạn thân chăng nữa, cũng có điều bất tiện.

- Thưa cụ, nhưng…

Chẳng để Kỳ Phát nói hết lời, ông Cả nói tiếp:

- Thầy không nên nề hà mới phải. Thầy ở lại đây chơi mấy hôm, nếu thầy bỏ đi ngay thì tôi áy náy vô cùng. Vả lại trong mấy ngày Tết, thế nào thằng Nghé chè chén say sưa cũng còn có lần lại đây quấy rầy, nếu không có thầy thì bố con tôi khó biết chống cự làm sao với quân cường bạo được.

Kỳ Phát lưỡng lự, ngần ngừ… Chàng nhìn chiếc đĩa cổ để trên bàn thờ mà suy nghĩ: Đối với một người trời sinh ra đã có bộ óc trinh thám thì bao giờ cũng ham mê mọi sự gì có vẻ bí mật, ngoắt ngoéo ở trong. Thoạt trông thấy chiếc đĩa, Kỳ Phát đã đoán ngay rằng khi một vật quý giá còn lẫn ở trong một nhà nghèo kiết, hẳn cũng có nguyên ủy làm sao, mà từ lúc chàng nghe được câu chuyện ông Cả kể thì chàng đã đoán ngay rằng: Nhờ bốn chiếc đĩa cổ ấy với bốn chi nhà họ Đặng thế nào chàng cũng khám phá ra một việc gì bí mật ly kỳ từ mấy trăm năm về trước…

Chàng ngắm chiếc đĩa cổ rồi ngoảnh nhìn cô Cúc… Cúc, dưới ánh ngọn đèn Hoa Kỳ, vẫn cắm cúi ngồi khâu…

Chàng mỉm cười, gật gù, lẩm bẩm. Ở hay đi? Chiếc đĩa cổ và câu chuyện bí mật của chi nhà họ Đặng đã làm chàng lưỡng lự nửa ở nửa đi nhưng có lẽ chính cô Cúc xinh tươi kia đã làm cho chàng quả quyết mà ở lại. Kỳ Phát, chàng thiếu niên trinh thám có lẽ cũng biết yêu chăng?


3

CÂU NÓI BÍ MẬT

Sáng sớm hôm sau, gà vừa gáy lần thứ nhất, Cúc đã cựa mình trở dậy. Nàng xách cái siêu khe khẽ toan mở cửa xuống bếp đun nước nhưng giật mình, nàng đứng sững: cánh cửa ngách đã mở tự bao giờ. Ngạc nhiên, nàng ngó qua khe cửa khép nhìn ra sân: trên khoảng đất nện phẳng lì, dưới giàn trầu không, nàng trông thấy Kỳ Phát đang chạy, nhẩy, giơ tay, giơ chân, hơi thở phì phò… Chàng để đầu trần, tóc vuốt ngược, tuy trời lạnh mà chỉ mặc mỗi chiếc áo chemise lụa mầu xanh. Nghe thấy tiếng động, chàng dừng lại, khi trông thấy Cúc thì mỉm cười. Cúc e lệ khẽ đẩy cửa bước ra sân. Kỳ Phát nhanh nhẩu nói:

- Năm mới, xin chúc cô năm nay buôn bán phát tài và…

Chàng định mừng thêm một câu có vẻ khôi hài nhưng lại thôi ngay, vì chàng sực nhớ đến câu thằng Nghé chớt nhả mừng Cúc buổi tối hôm qua. Cúc thẹn thùng đáp lại rồi rảo bước vào trong bếp. Kỳ Phát nhìn theo mỉm cười. Trưa hôm ấy, giữa lúc bên hàng xóm pháo nổ liên thanh, tiếng chúc mừng ồn ào thì Kỳ Phát lên con sốt kịch liệt. Có lẽ vì tối hôm trước ngấm nước mưa nên cảm hàn, chàng phát nóng rét, mê man không biết gì cả. Trời đã sẩm tối, Phát bỗng sực tỉnh, mở choàng mắt thấy Cúc đứng ở cạnh giường tay cầm một bát thuốc khói bốc lên nghi ngút.

Nàng nói:

- Ông dậy xơi thuốc!

- Cảm ơn cô, thực làm phiền cô quá!

Kỳ Phát hỏi:

- Cụ vừa vào trong làng chúc Tết?

- Vâng, thầy tôi vừa đi xong thì ông dậy.

Kỳ Phát nhìn Cúc một cách ranh mãnh rồi mỉm cười hỏi:

- Cô muốn hỏi tôi rằng tại sao tôi thoạt choàng dậy mà biết ngay cụ nhà vừa đi phải không?

Cúc trố mắt nhìn Phát, ngạc nhiên. Chàng thiếu niên tinh ranh lại nói tiếp:

- Cô lại muốn hỏi tôi cái câu bí mật tôi bảo thằng Nghé hôm qua nữa chứ gì?

Cúc hỏi:

- Tại sao trí tôi nghĩ mà ông lại biết rõ như thế?

- Cũng không có gì lạ, cô ạ. Thoạt nghe câu tôi hỏi, cô có ý ngạc nhiên, mồm mấp máy nhưng rụt rè chưa nói. Tôi biết cô muốn hỏi cái câu bí mật hôm qua là vì tôi thoáng trông thấy cô ngoảnh nhìn ra cửa rồi lại quay vào nhìn góc nhà chỗ cô chạy lùi tối qua. Tôi biết trong óc cô vừa thoáng hiện lên cái tấn kịch buổi trước nên tôi đoán ra được.

- Nhưng thầy tôi…

- Cái đó lại dễ hiểu hơn nữa. Tôi bừng mắt dậy, không thấy cụ đâu, tình cờ trông thấy trong cái bát điếu còn chiếc đóm chưa tắt hẳn mà ngước nhìn lên, có ý nhận kỹ, tôi còn thấy một làn khói tỏa mờ.

Cúc cười bảo:

- Vì thế ông biết thầy tôi vừa hút thuốc xong thì đi nhưng ông chắc đâu mà dám đoán thế, biết đâu chính tôi vừa mới hút thuốc thì sao?

Phát cũng cười, trả lời:

- Đối với những người hơi có óc trinh thám một chút thì bất cứ lúc nào bất luận việc gì cũng đều để ý nhận xét cả. Như việc này tôi dám đoán chắc thế là vì tối qua tôi để ý cụ nhà hút thuốc thở khói, cô ngồi khâu nơi chõng có giơ tay phẩy trước mặt. Một người đã biết hút thuốc thì không khi nào sợ khói thuốc đến thế!

Cúc ngẫm nghĩ gật đầu… Nàng nhìn Kỳ Phát chăm chú rồi bỗng hỏi đột ngột:

- Tôi muốn biết tên ông là gì?

Kỳ Phát cả cười trả lời:

- Giá cô cứ hỏi thẳng ngay rằng: tên ông có phải là Kỳ Phát thì có phải rõ ràng hơn không?

Cúc chẳng giấu vẻ mừng rỡ, niềm nở mà nói rằng:

- Trước tôi xem báo cũng không ngờ ở đời này trong nước Nam ta lại có người kỳ tài đến như thế, nay được gặp mặt tôi lại chắc rằng như tài ông thì có thể khám phá ra những vụ án bí mật hơn nhiều nữa.

- Cô quá khen, tôi thực lòng không dám nhận. Tuy nhiên, cảm lòng ái mộ, tôi tự nghĩ chưa biết lấy gì mà tạ lại.

Cúc nói:

- Ông không nên khách sáo quá thế! Ngay đêm qua, thấy các cử chỉ hào hiệp và bí mật của ông tôi đã có ý ngờ, sau sáng hôm nay thấy ông mới lại nhà tôi lần đầu, chưa thuộc đường lối đã biết chỗ treo chìa khóa, lại khi mở cửa ra sân tôi không biết vì không hề có một tiếng động…

Kỳ Phát nhún nhường:

- Kể ra thì cũng chẳng có gì là lạ cả vì nghề tôi đã bắt buộc tôi nhiều khi phải làm việc một cách rất nhẹ nhàng không ai nghe thấy tiếng gì.

- Nhưng còn chìa khóa?

Kỳ Phát lắc đầu cười bảo:

- Không, tôi thú thực rằng chìa khóa tôi không biết để ở chỗ nào nhưng cần phải dậy sớm tập thể thao mà chẳng muốn làm kinh động mọi người, tôi đã dùng chìa khóa của tôi mà mở.

Cúc hỏi:

- Ông cũng có chìa khóa giống ư? Tôi tưởng rằng thứ khóa hiểm ấy thì không có cái nào giống nhau cả.

Kỳ Phát khẽ nở một nụ cười bí mật mà bảo rằng:

- Không có ạ! Ở đời này, chiếc khóa nào cũng có thể có một chiếc chìa thứ hai được.

Cúc ngẫm nghĩ rồi nói:

- Hồi hôm, ông như để ý đến chuyện chiếc đĩa cổ nhà tôi lắm, tôi đoán ông đã hiểu rõ hết uẩn khúc ở trong rồi!

Phát cười, lắc đầu:

- Có đâu nhanh chóng được như thế, nhưng về việc này, ý riêng cô thế nào?

- Tôi không đồng ý với thầy tôi. Tôi cho câu các cụ ngày xưa dặn lại rằng sẽ trở nên giầu có vì chiếc đĩa kia là có ý chớ không phải là câu nói không đâu. Hoặc là bộ đĩa này có liên can…

- … Đến những tiền của, hoặc châu báu mà ông cụ tổ chôn giấu ở một nơi nào…

Cúc hớn hở nói:

- Ông cũng cùng một ý kiến với tôi sao?

Rồi Cúc buồn rầu mà nói rằng:

- Tôi cũng không có ý ham muốn gì sự giầu sang, nhưng chẳng nói ông cũng biết, thầy tôi thì yếu đuối, một mình tôi là con gái, tuy vẫn hết sức làm ăn buôn bán mà nhiều khi cũng thấy sự túng thiếu co ro. Bây giờ thì không sao, nhưng…

Kỳ Phát nói tiếp:

- Nhưng tới khi cô xuất giá…

Cúc cau mày, ngắt lời Kỳ Phát:

- Không, chỉ sợ nhỡ khi thầy tôi đau yếu thì không biết xoay xở vào đâu, vì thế nên ông có thể…

- Vâng, tôi xin hết sức tìm tòi cho ra manh mối việc này. Thành công hay không tôi chưa dám chắc, nhưng cần nhất là những điều tôi cần biết tôi có hỏi, cô phải nói thực và rõ ràng thì mới có đủ tài liệu làm việc được.

- Cảm lòng ông giúp đõ, từ nay tôi xin tin cậy ở ông, nhưng một điều cần nói cho ông biết trước là việc hôn nhân của tôi, xin đừng ai nhắc đến, vì tôi không muốn nói đến chuyện ấy một chút nào.

Kỳ Phát mỉm cười, hỏi:

- Nhưng cô có thể cho tôi biết vì cớ làm sao?

Cúc buồn rầu mà nói rằng:

- Chính tôi cũng không hiểu. Tôi còn nhớ hồi ấy tôi mới lên mười, một buổi tối mùa hè, tôi ra cầu ao rửa chân, thoáng nghe thấy bên kia bờ ao hai người nói chuyện. Người đàn ông nói: “Nhưng bây giờ việc đã thế này, mình bảo tôi làm sao được?” Tiếng người đàn bà trả lời giọng mếu máo như đương khóc: “Thì mình phải về thưa với thầy u đến nhà tôi xin cưới chứ gì, nếu để chậm làng biết bắt vạ thì tôi chết mất.” Người đàn ông bảo: “Nhưng nếu thầy tôi biết chuyện thì thầy tôi không bằng lòng mà u tôi cũng riếc là lấy con đĩ.” Người đàn bà gắt: “Mình không phải mắng tôi, chính tại mình dỗ ngon dỗ ngọt…” Tiếng hai người bỗng nói khẽ, tôi không nghe rõ nữa nhưng bỗng tiếng người đàn bà nói to: “Đồ sở khanh.” Tiếng người đàn ông quát: “Này sở khanh.” Rồi tiếp theo tiếng “tòm”, người đàn bà đã bị người đàn ông đẩy ngã xuống nước. Tôi hốt hoảng kêu cứu nhưng thầy tôi và mấy người lớn hàng xóm đều lên đình ăn cỗ, ở nhà chỉ có bọn lên mười, mười hai như tôi cả. Chúng tôi kêu chán cũng chẳng thấy ai thưa, mà ở dưới ao vẫn còn tiếng vùng vẫy bì bõm… Sợ quá, chúng tôi ôm nhau mà khóc cho đến lúc bọn người lớn về vớt xác người đàn bà lên thì đã chết tự bao giờ. Họ bảo: Đâu đã có chửa được đến ba tháng.

Kỳ Phát nói:

- Rồi từ đấy…

Cúc gật đầu nói tiếp:

- Rồi từ đấy, tôi đâm ra nghĩ ngợi có ý sợ và…

- … Và khinh ghét hết tất cả bọn đàn ông chúng tôi?

- Và ngày nay, hễ nói đến chuyện hôn nhân thì tôi không muốn nghe chút nào nữa.

Kỳ Phát gật gù nói:

- Tôi không ngờ rằng một chuyện cách đây bẩy năm trời mà còn làm cô có tư tưởng chán đời người đến thế!

Cúc giật mình hỏi:

- Cách đây bẩy năm! Tại sao ông biết năm nay tôi mười bẩy tuổi?

Kỳ Phát cười, trả lời:

- Tôi biết rõ thế là vì hồi hôm cụ nhà nói chuyện đến thằng Nghé tôi có để ý đến câu: “Cách đây đúng sáu năm, ngày ấy cháu mới mười một tuổi”, mười một với sáu chẳng là mười bẩy là gì.

Kỳ Phát lại nói tiếp:

- Ấy về nghề trinh thám thì chẳng có gì khó cả, miễn là cái mắt cái tai lúc nào cũng để ý là được. Ấy nhiều cái thoạt tiên tưởng là khó hiểu chứ thực ra chẳng có gì là bí mật cả. Như câu tôi nói với thằng Nghé hôm qua…

Cúc tươi cười nói:

- Ừ nhỉ, tôi muốn biết câu ấy là câu gì lắm!

Như muốn trêu Cúc, Phát chưa nói ngay mà nói dài giọng:

- Thấy cụ bảo: cách đây sáu năm nó đã đi biệt tích mới về được bẩy, tám hôm nay. Vì sự liên tưởng, tôi sực nhớ ngay một tin vặt tôi vừa đọc ở báo mấy hôm trước. Đó là tin một tên cướp của đốt nhà bị án tám năm khổ sai vừa vượt ngục. So hình dạng thì giống thằng Nghé lắm, chỉ khác một chỗ là tên cướp kia bị bắt có bị tuần tráng đâm trúng một nhát vào má, mà má thằng Nghé không có cái sẹo nào cả.

Cúc nói:

- Nhưng má nó có một lá cao dán, biết đâu…

Phát cười, gật đầu, nói:

- Chính tôi cũng nghĩ thế nên khi ra mặt chống cự lại nó, tôi cố ý tát nó một cái vào má, cùng chỗ lá cao để xem rằng chỗ má nó có mụn nhọt hay không.

- Có, tôi để ý khi ông tát, nó không ra dáng đau đớn gì cả.

Phát nói tiếp:

- Nhờ đó tôi biết chắc lá cao chẳng qua chỉ dùng để che giấu vết sẹo kia mà thôi. Biết thế, tôi bèn ghé tai mà dọa nó rằng: “Vừa vượt ngục ra, anh lại muốn vô khám lần nữa sao?” Nó chột dạ thế là không dám làm dữ nữa.

Cúc nói:

- Sau khi nghe ông kể, thì câu nói kia không có gì là bí mật nữa. Hay là ở đời này không có gì là bí mật khó hiểu với ông?

Kỳ Phát ra dáng ngẫm nghĩ, chàng khẽ lắc đầu mà rằng:

- Không, ở đời này còn nhiều việc bí mật và khó hiểu lắm, cô ạ.



4

BA TRANG NHẬT KÝ
CỦA KỲ PHÁT

6 Février: Ở đời chỉ có tình là khó hiểu, là bí mật hơn cả. Một vụ án mạng khó khăn, một vụ trộm cắp ly kỳ, nếu để ý tra xét rồi luận lý mà đoán thì còn có thể khám phá ra được, chứ về ái tình thì không làm sao mà hiểu rõ. Ta yêu Cúc rồi sao?

7 Février, 11 giờ đêm: Có lẽ ta yêu Cúc thực rồi. Ừ, về cái kho tàng chôn giấu kia, ta cứ việc cố công dò xét, nhưng vừa rồi ta lục lọi hòm Cúc làm gì? Để thỏa ý tò mò, nhưng ta với Cúc có liên can gì mà ta săn sóc đến nàng thế? Ta đã yêu Cúc.

Tại sao? Ta không biết, ái tình là một điều bí mật mà.

Ta đã để ý xem chiếc đĩa, ta biên riêng ra một tờ cho rõ ràng.

Chiếc đĩa nhà họ Đặng

Bề cao: 42.

Đường kính: 235 ly.

Men trắng như hạt gạo nếp.

Mặt trên: chấm một lão tiều phu ngoảnh nhìn ánh mặt trăng lấp ló sau vòm cây cổ thụ. Đằng xa hai chiếc thuyền buồm và đàn chim bay về tổ. Cạnh đề hai câu thơ chữ Nôm, nét nguệch ngoạc, rất xấu:

“Đến Văn Lý sự mấy ai tay

Đông hai mươi bước thêm hai bước”

   Một hàng chữ Nho: Đại Nguyên nguyên niên tạo.

Dưới nữa hai con dấu chữ triện.

Để ý: Cần phải xem hai chữ triện ấy là chữ gì.

Đáng ngờ hai câu thơ chữ Nôm. Sao lại chữ Nôm?

8 Février: Ta mắc vòng tình ái thì không thể dò xét được mất. Vả lại Cúc có yêu ta đâu, có lẽ nàng chỉ phục ta thôi. Biết bao giờ cho cái cảnh tượng ghê gớm khi xưa xóa nhòa trong trí nhớ nàng được? Ta tin rằng từ cái trọng vì tài, đến cái yêu vì nết cũng không xa nhau là mấy. Ta cần phải làm sao cho nàng hết sức phục ta. Ta thế nào cũng phải tra xét cho ra cái kho tàng kia mới được. Kỳ Phát mà cũng biết yêu, lạ nhỉ?

Bốn ngành nhà họ Đặng:

Ngành thứ nhất - Đặng Vũ Lượng, góa vợ sớm, tính phúc hậu thực thà. Một người con gái: Đặng Thị Cúc, tính nết đáng yêu.

Ngành thứ hai - Đặng Thế Xương, tính vui vẻ mà thực thà. Con trai: Đặng Thế Thịnh, Đặng Thế Mỹ.

Đã lại chơi: sau khi nghe Vũ Lượng giới thiệu thì Thế Xương vui vẻ đưa ngay chiếc đĩa gia bảo cho ta xem.

Hình dáng chiếc đĩa này cũng y như chiếc thứ nhất, duy bức chấm có khác. Trên cây thợ vẽ lại chấm thêm một con khỉ đương ngồi nhìn lão tiều phu. Hai câu thơ đề thì khác hẳn. Vẫn nét chữ nguệch ngoạc, rất xấu.

“Bẩy bước nên thơ đứng ngắm cây.

Tây một trăm giây, thẳng một dây.”

Phía dưới cũng vẫn mấy hàng chữ Nho và cái dấu triện kỳ khôi khó hiểu.

Ngành thứ ba - Đặng Liên Ty người sắc sảo nhưng có thể tin cậy được. Ba con trai: Đặng Yên, Đặng Liên Ba, Đặng Liên Phúc. Một người con gái: Đặng Thị Bạch Liên. Chiếc đĩa của Liên Ty: giống hai chiếc của hai ngành trên. Bức vẽ thì khác hẳn: đằng xa, một dải núi xanh; phía bên phải, dưới cụm tre um tùm, vài chiếc nhà lá xiêu vẹo. Bên trái, đồng cỏ xanh rì, ba bốn nông phu đương cuốc ruộng. Trên đề hai câu thơ chữ Nôm:

“Nguyệt lão giấu mình xoay tả hữu

    Nằm sấp chịu đòn trăm sáu trượng.”

Mặt dưới giống hai chiếc đĩa kia, cũng vẫn con dấu chữ triện kỳ khôi bí mật.

Ngành thứ tư - Đặng Bá Vy, ba vợ, không có một đứa con nào. Giầu nhất trong họ. Theo lời Vũ Lượng thì là một người giảo quyệt gian trá không thể tin cậy được. Ba vợ hắn đều ở nhà quê coi sóc ruộng nương thóc lúa. Hắn có một nhà riêng ở thành phố Nam Định, phố Cửu Long, số nhà… Vũ Lượng có gửi thư cho Bá Vy nói rõ đầu đuôi và ngỏ ý muốn mượn chiếc đĩa cổ. Cách ba hôm sau, Bá Vy có thư trả lời. Đây chép nguyên văn bức thư ấy:

“Nam Định, ngày…

Tôi đã nhận được thư bác hôm qua, vội trả lời bác rõ:

Nếu cái kho tàng tưởng tượng kia có thực thì ý tôi miễn nghĩ bất tất phải nhờ đến người ngoài làm gì, mình biết bụng dạ họ thế nào, tôi chỉ sợ có nhiều điều rắc rối về sau. Ý riêng tôi thì chắc chẳng có của cải nào cả, chẳng qua anh chàng Kỳ Phát là một kẻ giang hồ cốt vẽ chuyện để xoay tiền mà thôi.

Nhưng đó là ý riêng của tôi, bác nghĩ chín rồi cứ phải mà làm. Có một điều là tôi không tin cái ảo mộng kia nên tôi không muốn dính dáng đến việc ấy. Bác có hỏi mượn chiếc đĩa thì không may quá, tôi vừa bị một mẻ trộm to (các báo đều có đăng tin này) mà chiếc đĩa cổ kia cũng bị kẻ trộm lấy rồi, còn đâu.

Nhân thể, tôi báo trước để các bác biết rằng: Kỳ tháng tám giỗ tổ nhà họ ta năm nay tôi không về được vì rằng tôi vừa được phép bỏ thầu một lô ruộng muối dưới mạn bể, công việc làm bận rộn đến hạ tuần tháng chín mới xong nên tôi phải luôn luôn ở trông nom dưới ấy.

Sau tôi có lời kính chúc bác và cháu Cúc được bình yên khỏe mạnh tôi mừng.

Kính thư,

Đặng Bá Vy.”

Đọc thư nầy nên để ý ba điều:

- Bá Vy có ý xúc xiểm không cho ta dò xét vụ này.

- Bá Vy mất trộm (đáng ngờ) chiếc đĩa cổ.

- Bá Vy năm nay không về giỗ tổ.

Tóm lại, Bá Vy là một người đáng chú ý nhất.

11 Février: Ta ở đây đã ngót nửa tháng trời rồi mà chưa tra xét thêm được chút nào cả. Một người si tình không có thể là một nhà trinh thám được. Mỗi lúc ta để ba chiếc đĩa ra mà ngắm nghía ngẫm nghĩ, mong tìm được vài tia ánh sáng để rồi luận lý ra, thì óc ta lại vẩn vơ ở đâu đâu.

Ta luôn luôn nghĩ đến Cúc mà Cúc có yêu ta đâu. Một hôm ta đánh bạo thú thực hết cùng nàng, những mong giải tỏa tấm lòng, nhưng nàng chỉ trả lời một câu làm ta thất vọng: “Anh Phát ạ, tôi không thể yêu anh được, vì cái tình yêu của tôi đã chết rồi. Đứng trước đàn ông tôi vẫn có ý nghĩ chán ghét thế nào…”

Ta thể nào cũng phải đoạt được tấm lòng Cúc nếu không ta là một người hèn lắm.

13 Février: Trước mặt ba chi nhà họ Đặng, ta đã quả quyết hẹn tìm ra cái kho tàng kia. Ta hẹn từ ngày hôm nay đến ngày giỗ Tổ họ Đặng, tức là ngày rằm tháng tám, ta sẽ đạt tới mục đích. Cả họ đều bằng lòng chia đều cho ta một phần cái kho tàng kia và tặng thêm ta bộ đĩa cổ nữa.

13 Février: 12 giờ đêm. Ta biết Cúc định sáng mai đi nhưng Cúc có vẻ lãnh đạm cùng ta vô cùng. Nàng có thể khinh tất cả giống đàn ông được nhưng ta không muốn nàng khinh ta. Một phần cái kho tàng kia, ta không cần, bộ đĩa kia ta không ham, ta chỉ muốn đoạt được tấm lòng yêu của Cúc mà thôi! Thế nào ta cũng phải tìm được ra cái kho tàng nhà họ Đặng, ta sẽ được luôn thể cái kho tàng quý báu độc nhất vô nhị ở trong đời là Cúc yêu dấu của ta.

Ta ngờ rằng: Bá Vy đã biết ít nhiều manh mối về vụ này. Việc thứ nhất ta làm là tìm ra chiếc đĩa cổ thứ tư.


 

5

KỲ PHÁT BỊ GIAM

9 giờ đêm. Đã ba, bốn hôm nay trời mưa dầm, gió lạnh. Vì thế tuy còn sớm mà thành phố Nam Định im lặng như tờ. Ngã tư Cửa Đông, dưới chiếc tán bằng xi măng cốt sắt, thầy cảnh sát ẩn mình trong chiếc áo tơi vải sơn, y như có vẻ buồn chán về phố xá tẻ ngắt, người qua lại lưa thưa, đợi đến nửa giờ cũng không có lấy một chiếc ô tô đi qua mặt.

Phố Bến Nước lại càng buồn hơn nữa. Trông xa tít về mạn bến tầu, mấy chục ngọn đèn điện đứng chơ vơ bên vệ đường nhựa bóng nhoáng như sơn. Dưới mấy chiếc ao tù trong đám sen Nhật Bản, lũ ễnh ương thi nhau ì ọp…

Lủi thủi từ đằng xa một chú khách già, vai khoác chiếc hòm tây sắt, đi lại. Vai so, da mặt xanh xám, thỉnh thoảng chú lại rao phá sa, phá sa bằng một giọng rè rè, rõ là tiếng một tay cự phách trong làng dân bẹp.

Đến đầu phố Carreau(*), chú đi chậm bước lại dưới ánh đèn 100 nến ngay góc phố, hai mắt chú càng có vẻ thâm quầng sâu lõm. Hiệu tạp hóa khách lớn nhất thành Nam ngay đầu phố lúc ấy cũng bắt đầu đóng cửa. Trong một hiệu cao lầu anh hầu sáng vắng khách đương ngáp dài bên những treo thịt bò, lạp xường, hành ớt, tuy rằng lúc ấy ở ngay trên gác, tiếng lạch cạch của bàn mạt chược đang vui vẻ đánh. Qua hiệu sách giữa phố, chú khách bán lạc rang khẽ liếc mắt nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường về phía bên tay phải. Trong hiệu mấy cô bé con đương đùa nghịch nhau bên chồng báo chí, tiếng cười nói lẫn với khúc phong cầm gian trong đưa ra.

(*): Nay là đoạn đầu từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến gốc đa Hàng Sắt, phố Lê Hồng Phong, Nam Định.

Chú khách khẽ nói:

- Hà ma, mới có 9 giờ 35!

Qua phố Carreau, chú rẽ sang Hàng Thiếc. Đi được độ năm, sáu bước, chú đứng dừng lại, núp dưới hiên một nhà bỏ trống, trên cửa có dán giấy cho thuê. Trông trước, trông sau chú bỗng rút chìa khóa trong túi ra, mở khóa cửa, lẩn vào trong nhà. Chú đóng trái cửa lại rồi se sẽ bước lần lên thang gác. Đến bên trước cửa sổ nhìn về phía đằng sau, chú chăm chú nhìn sang gác căn nhà đối diện quay mặt về phố cửa Đông. Trong cửa kính một bóng người qua lại. Chú nhìn một hồi lâu rồi lẩm bẩm:

- Cóc khô! Cóc khô! Sao cái đêm nay lâu thế!

Chú vén tay áo nhìn giờ chiếc đồng hồ đeo tay, ngoảnh lên, ánh đèn trước nhà đối diện đã tắt tự lúc nào. Chú xoa tay cười một mình mà rằng:

- Mình tưởng dễ nó không đi chắc. Nhưng còn kịp chán, chuyến xe lửa đêm tốc hành trong Thanh ra 10 giờ 8 phút mới chạy cơ mà!

Đợi trong dăm phút nữa, chú mở cửa ra sân gác rồi nhanh nhẹn theo bờ tường, trèo sang nhà đối diện. Rút chiếc đèn bấm trong túi ra, chú soi lỗ khóa lúi húi trong giây lát, chú đã mở được cửa mà vào trong gác. Đàng hoàng, chú với tay lên tường bật đèn. Khác hẳn cử chỉ chậm chạp lúc còn đi trong phố, bây giờ chú có vẻ nhanh nhẹn lạ thường. Vội vàng, chú lục hết ngăn kéo này sang ngăn kéo khác, gặp nhiều tập giấy chú chịu khó giở xem từng tờ rồi ở đâu lại xếp gọn vào đấy. Mở một chiếc ngăn tủ, chú rút ra hai ba tập giấy bạc. Chú bĩu môi ra dáng khinh bỉ rồi vất trả, khóa lại tử tế. Mở chiếc tủ búp-phê, chú có ý xem xét kỹ lưỡng từng chiếc đĩa. Chú lẩm bẩm:

- Cóc khô! Không biết thằng cha giấu đâu mà kỹ thế.

Một tiếng động dưới nhà làm cho chú vội vàng tắt điện. Tiếng giầy lộp cộp bước lên thang gác. Đèn điện bật. Một người trạc ba mươi tuổi, to lớn ngơ ngác nhìn quanh phòng. Hắn đến bên bàn giấy rồi nhìn mấy chồng sách, mấy chiếc ngăn kéo rồi mỉm cười. Cởi chiếc áo ba-đờ-suy vắt lên mắc, hắn xoa tay ra dáng khoái chí lắm. Tên khách bí mật lúc nẫy đã biến đâu mất! Có lẽ nghĩ thế nên hắn mở cửa sổ ngoảnh nhìn ra phía ngoài. Mở tủ lấy ra chiếc đèn đun nước, hắn cắm điện đun nước rồi bầy ra bàn hai cốc cà phê, một đĩa đựng đường bằng bạc, một hộp sữa bò đặc.

Rút thuốc lá ra châm hút, hắn ung dung ngồi đợi, mấy ngón tay gõ nhịp xuống bàn. Nước trong ấm đã bắt đầu sủi. Hắn bỗng nói:

- Nào ông khách quý của tôi đâu? Mời ông ra xơi với tôi một cốc cà phê nóng!

Vừa nói, hắn vừa đến bên chiếc tủ áo đứng giơ tay khẽ gõ.

Trong tủ, một tiếng người vui vẻ nói ra.

Entrez!

Hai cánh cửa tủ mở, chú khách bước ra. Chú giơ tay bắt tay người to lớn và nói:

- Ông Bá Vy, tôi rất lấy làm hân hạnh được gặp ông. Tôi xin tự giới thiệu…

Người to lớn nói:

- Bất tất giới thiệu, tôi vẫn nghe danh Kỳ Phát, bây giờ mới được gặp mặt. Mời ông ngồi chơi, bận sau ông lại có gặp tôi đi vắng, xin ông cứ mở cửa dưới nhà mà vào tự nhiên cho!

Kỳ Phát - phải, chính tên khách già bán lạc rang là Kỳ Phát trá hình - cũng cười mà rằng:

- Vâng được phép ông, bận sau có dịp tôi sẽ lại chơi luôn. Bây giờ ông hãy cho tôi xem chậu nước để rửa mặt, kẻo chất collodion tuy làm được thành những vết nhăn trên trán nhưng nó co da lại, khó chịu lắm.

Nói xong, Kỳ Phát lại bàn rửa mặt, mở nước rửa. Chàng xoa xà phòng, vừa quay lại bảo Bá Vy rằng:

- Ông nhận ngay được ra tôi, thế mới biết nghề trá hình của tôi còn vụng về lắm lắm.

Bá Vy thú thực:

- Không, ông trá hình giỏi lắm, tôi thực không nhận được, nhưng tôi đoán chỉ có ông mà thôi.

Kỳ Phát rửa mặt xong thì nước vừa sôi, Bá Vy pha cà phê, ân cần mời Kỳ Phát:

- Ông xơi đường hay xơi sữa?

- Vâng, ông để mặc tôi, hai miếng là đủ, tính tôi không thích ngọt.

- Tôi quen thói mất rồi, tối đến không có cốc cà phê sữa thì không chịu được.

Hai người thù địch ngồi đối diện nhau nói toàn những câu khách sáo. Kỳ Phát lúc đó có cảm tưởng vừa bắt tay một võ sĩ trên đài, hai bên tuy cùng cười nói nhưng trong bụng đã rắp lát nữa sẽ cho nhau những quả đấm rất hiểm rất đau.

Kỳ Phát bỗng dằn mạnh chiếc cốc lên bàn rồi nói:

- Bất tất chúng ta phải giữ miếng nhau mãi nữa, ta nói thẳng ngay là hơn. Ông Bá Vy, tôi muốn xem chiếc đĩa cổ.

- Tôi bị trộm lấy mất rồi!

- Ông bất tất phải nói dối, tôi biết chắc rằng chiếc đĩa ấy còn ở trong nhà này, cũng như tôi biết rõ rằng: ông đã hơi biết manh mối về kho tàng kia!

Bá Vy ra dáng khinh bỉ, mỉm cười:

- Ông đã biết chắc thế thì từ lúc nẫy đến giờ sao ông không lục tìm cho ra có được không. Trước tôi tưởng ông cũng vào hạng giỏi giang hơn thế này cơ đấy! Ông đánh một dây thép giả làm người gọi tôi lên Hà Nội có việc cần, nhưng từ lúc bắt đầu xe hỏa chạy thì tôi nóng ruột lạ thường. Tôi ngờ đó là một kế “điệu hổ ly sơn” của ông. Thực vậy, đến ga Đặng Xá tôi quả quyết xuống thuê xe về, quả nhiên bắt gặp ông đang lục lọi ở nhà tôi. Ông Kỳ Phát, thủ đoạn của ông chỉ là thủ đoạn của một tên trèo tường khoét vách mà thôi.

Dưới lời mỉa mai của Bá Vy, Kỳ Phát ung dung trả lời:

- Bây giờ ông nói tôi mới rõ, trước tôi cứ tưởng rằng quên lời tổ phụ định chiếm đoạt riêng một mình của cải của ông cha để lại mới là quân ăn cướp cơ đấy.

Như không nén được cơn giận, Bá Vy vùng đứng dậy. Nhanh như cắt Kỳ Phát đã giơ tay đấm chéo vào quai hàm Bá Vy làm cho hắn bị ngã ngất quay xuống sàn.

Nhưng hai bàn tay to lớn bỗng ôm chặt lấy Kỳ Phát. Ngoảnh nhìn lại, chàng nhận ra thằng Nghé. Vùng vẫy, chàng cố vật lộn cùng thằng tù vượt ngục. Giây lát, thắng thế, chàng đã đè được đầu gối lên ngực thằng Nghé nhưng Bá Vy, lúc đó đã hồi tỉnh, thừa cơ hội, vớ lấy chiếc ba toong giơ thẳng cánh nện vào đầu Kỳ Phát. Bị đau, chàng trinh thám trẻ tuổi ngã xuống, bất tỉnh nhân sự.

Tới lúc tỉnh dậy, chàng đã thấy mình bị nhốt vào trong một chiếc buồng chật hẹp. Bốn bề đều kín mít như bưng, buồng chỉ có mỗi một lỗ trống bằng hai bàn tay. Bá Vy đứng ngoài nói vọng vào:

- Ông Kỳ Phát, tôi xin lỗi ông nhé. Nhà tôi chỉ có mỗi chiếc buồng tối nguyên để rửa ảnh này là tiện tiếp ông thôi! Nếu ông thấy bó cẳng quá, muốn ra thì chỉ việc lấy danh dự mà hứa với tôi rằng: “Ra khỏi đây ông sẽ bỏ không theo đuổi việc nhà họ Đặng” là lập tức tôi để ông tự do ngay. Ông hứa đi, tôi tin lời ông lắm.

Kỳ Phát vui vẻ trả lời:

- Xin cám ơn ông. Cũng như ông quen uống cà phê sữa buổi tối, tôi có thói hễ đã dúng tay vào việc gì thì dù sao cũng không chịu bỏ dở dang.

- Vậy tôi bắt buộc phải nhốt ông ở đây suốt đến ngày 17 tháng tám, vì hôm đó, kho tàng kia sẽ về tay tôi rồi. Ông đừng hòng trốn, buồng này kín cả, chỉ có mỗi một cửa thì bằng lim chắc lắm. Nếu ông kêu, thằng Nghé là tên tử thù của ông đứng gác ông sẽ dùng khẩu súng bắn chim tôi giao cho nó mà kết liễu đời ông bằng một phát đạn ghém.

Kỳ Phát cười vang mà rằng:

- Ông lầm, việc gì tôi phải trốn, phải kêu, tôi muốn ra khỏi đây lúc nào chẳng được! Tôi hiện đang cần chỗ tĩnh vì tôi đang có việc nghĩ, nếu tôi bông lông ở ngoài thì tôi lại nghĩ vơ vẩn không sao dò la manh mối được. Vì thế nên tôi xin cảm ơn ông mà nhận thuê căn phòng này trong một tháng. Phải, ông Bá Vy ạ, chỉ trong một tháng, vì hôm nay là 15 tháng hai tây - đến 15 tháng ba tôi sẽ không thuê buồng ông nữa. Tôi cần phải ra vì khi đó chắc tôi nằm đã nghĩ ra manh mối vụ này, vả lại, đến trung tuần tháng ba, trời bắt đầu sang hè, ở cái buồng chật hẹp này sao được hợp vệ sinh, ông nhỉ!

Chẳng muốn nghe lời giễu cợt của Kỳ Phát, Bá Vy tức tối quay đi… Kỳ Phát cả cười, chạy đến bên lỗ trống gọi với:

- Ông Bá Vy ơi! Ông nhớ dặn đầu bếp nhá: sáng tôi quen ăn 11 giờ, chiều 6 giờ, ông đừng bầy vẽ gì cả, ông nhớ bảo nó: tôi không biết ăn thịt bò, rất ghét cá, hai món thích nhất là trứng tráng và giò lụa.

Bá Vy đã đi xa, Kỳ Phát cười, vào nằm lên trên chiếc ghế vải, lim dim đôi mắt. Chàng ngủ quên lúc nào không biết, đến lúc tỉnh dậy đã thấy để trên chiếc án con, cạnh lỗ hổng, bữa cơm chiều: một đĩa tây cơm nóng, một bát canh, bốn món xào tươm tất ngon lành.

Rồi hết ngày này sang ngày khác, Kỳ Phát chỉ hết ngủ lại hút thuốc lá, lấy giấy bút vẽ, viết… Thấm thoắt đã được 25 ngày. Một điều mà Kỳ Phát phải thú nhận là Bá Vy tuy có dã tâm giam cầm chàng nhưng về các thứ cần dùng và cơm nước ăn uống thì thực là chu đáo. Sau khi ăn cơm xong và tráng miệng bằng quả táo tây, Kỳ Phát ghé lỗ hổng mà bảo rằng:

- Này Nghé, tôi cảm ơn ông nhá, tại trời bức lắm rồi, chứ được anh hầu hạ tử tế thế này tôi không muốn đi một chút nào cả! Còn có bốn, năm hôm nữa tôi đã phải xa anh rồi.

Rồi bữa cơm nào cũng thế, sau khi ăn tráng miệng Kỳ Phát lại làm ra vẻ buồn rầu bịn rịn mà từ biệt thằng Nghé, làm cho thằng này trước còn cho là câu nói đùa sau cũng đem lòng ngờ vực…

Sáng hôm rằm tháng ba tây, thằng Nghé theo lệ thường đưa bữa cơm qua lỗ hổng. Hai mươi phút sau, nó lại toan dọn đi thì lạ chưa các món ăn đều còn để nguyên vị cả. Ngạc nhiên, nó ghé mắt qua lỗ hổng nhòm vào thì nó bỗng thất kinh, trong buồng không có một ai, trên chiếc ghế vải, để trên chiếc khăn xếp gọn, có một tập giấy bạc, gài vào một lá thư. Hoảng hốt, thằng Nghé mở khóa đẩy cửa vào, nó đọc lá thư thấy mấy chữ:

“Ông Bá Vy,

Y hẹn, tôi xin trao lại ông 15 đồng là tiền cơm trọ. Xin lỗi ông, khi đi không có lời chào ông được. Kỳ Phát.

Tái bút - Đây tất cả 17 đồng. Hai đồng thừa là tiền tôi cho riêng thằng Nghé mua diêm thuốc. K.P.”

Thằng Nghé đút vội tập giấy bạc vào túi áo trong rồi chạy ra đánh dây thép báo tin cho chủ vì lúc đó Bá Vy đang ở chơi ở huyện Hải Hậu. Có một điều đáng để ý mà thằng Nghé trong lúc hoảng hốt không trông thấy là trên án tuy các món ăn còn nguyên, nhưng đĩa cơm thì biến đi đâu mất!



6

NGÀY GIỖ TỔ

Ra khỏi nhà Bá Vy, việc thứ nhất của Kỳ Phát là lên hiệu cao lâu, vì bữa sáng chàng chưa có một hột nào vào bụng cả. Luôn bốn, năm hôm sau, người ta thấy chàng ở Hà Nội, mỗi ngày hai buổi vào Trung ương thư viện xem sách. Rồi người ta thấy mất hút chàng mấy tháng sau.

Mãi tới hôm 14 tháng tám, vào khoảng 4, 5 giờ chiều, ta mới lại thấy chàng, mồm thổi sáo, đạp xe đạp từ Tân Đệ về Thẫm. Tới nhà ông Cả Lượng, chàng đẩy liếp bước vào trong nhà, Cúc đang ngồi nhặt đậu hòa lan trong sân thấy động ngoảnh ra, sau khi nhận ra Kỳ Phát thì nàng lộ vẻ vui mừng vô hạn. Kỳ Phát dựa xe đạp vào tường rồi nói:

- Cúc trông tôi khác lắm sao! Có lẽ tôi đen hơn trước nhiều thì phải vì đi nắng và bị rám gió bể. Ông nhà đi đâu vắng?

- Thầy tôi đi Tân Đệ sáng nay để mời các chú tôi về giỗ tổ. Thế nào, lời anh hẹn hồi đầu năm liệu có thành sự thực được không?

Kỳ Phát cười nói:

- Nếu tôi nói sai lời thì đâu lại dám vác mặt tới đây ngày hôm nay. Khi đã hứa thì Kỳ Phát bao giờ cũng giữ lời. Nhưng, nhưng còn việc kia hẳn Cúc đã nghĩ lại rồi chứ?

Cúc cũng cười mà rằng:

- Anh bất tất phải nhắc lại, cũng như Kỳ Phát, bao giờ Cúc cũng giữ lời hứa. Tôi đã từng nói với anh nhiều lần, tôi thề không yêu ai bao giờ…

Tiếng xe xịch đỗ ngoài cửa, làm đứt quãng câu chuyện của hai người. Thoáng trông thấy Kỳ Phát, Vũ Lượng hớn hở đi vào, theo sau là Thế Xương và Liên Ty. Mấy người đều hỏi dồn Kỳ Phát về tin tức cái kho tàng kia nhưng chàng chỉ nói mập mờ, sau cùng chàng bảo:

- Tôi đã hẹn đến hôm rằm thì xin để đúng ngày mai tôi sẽ nói. Có một điều cần nói với các ông trước là ngày mai nên sửa lễ và cúng sớm thì hơn.

Tối hôm đó, trừ bọn người nhà rối rít về cỗ bàn, ba anh em nhà họ Đặng không một ai nhắm mắt. Sáng tinh sương hôm sau người nhà đã bầy cúng. Sau khi hạ lễ ăn uống, trông đồng hồ mới ngót tám giờ… Kỳ Phát ra hiệu gọi ba anh em họ Đặng sang gian bên, đóng trái cửa lại rồi nói rằng:

- Tôi đã hẹn đến hôm nay sẽ nói rõ về cái kho tàng kia, vậy nay xin giữ lời hứa. Các ông nhìn bốn chiếc đĩa cổ để trên bàn này…

Ba người kia đều ngơ ngác hỏi:

- Cái đĩa Bá Vy sao lại ở đây, Bá Vy đưa cho ông hồi nào?

Kỳ Phát nói:

- Cái điều ấy chưa cần biết bây giờ. Tôi xin nói tiếp, các ông hãy nhìn kỹ bốn chiếc đĩa cổ xem có những cái gì là lạ, đáng chú ý nhất.

Vũ Lượng nói:

- Tôi chỉ lạ sao những câu thơ đề ý nghĩa mờ mịt chẳng ra làm sao cả!

Thế Xương nói tiếp:

- Mà lời thơ lại không có liên tục gì với bức chấm nữa.

Liên Ty nói:

- Tôi vẫn chưa hiểu tại sao những đĩa này làm ở bên Tầu mà thơ lại viết chữ Nôm.

Kỳ Phát gật đầu nói:

- Chính tôi cũng đã để ý đến những điều ấy, nhất là đến câu hỏi của ông Liên Ty. Ngoài ra tôi lại còn để ý đến phía dưới chiếc đĩa có hai dấu triện kỳ khôi bí mật. Thoạt tiên ta hãy nói về những câu thơ. Đọc liền tất cả thì được một bài như sau này:

Đến Văn Lý sự mấy ai tầy

Đông hai mươi bước thêm hai bước

Bẩy bước nên thơ đứng ngắm cây.

Tây một trăm giây, thẳng một dây.

Nguyệt lão giấu mình xoay tả hữu

Nằm sấp chịu đòn trăm sáu trượng

Công hầu mở mặt chạy Đông Tây.
Kho tàng đâu thấy, thấy trên mây!

Liên Ty nói:

- Trong tám câu, chỉ có mỗi câu cuối cùng là có liên lạc với việc chúng ta đang dò xét mà thôi.

Kỳ Phát nói:

- Phải, các ông đã nghe rõ chưa, tám câu, nghĩa là một bài thơ bát cú!

Thế Xương nói tiếp:

- Một bài thơ bát cú không có vần, có luật nào cả!

Kỳ Phát cãi:

- Sao lại không có vần, còn nó chưa có luật thì ta đặt lại đúng chứ sao. Bây giờ tôi hãy bầy bốn chiếc đĩa theo thứ tự từng ngành một, rồi tôi bắt đầu đọc vòng tròn mỗi chiếc đĩa một câu, hết vòng tôi lại bắt đầu đọc những câu thứ hai…

Thế Xương nói đùa:

- Ông làm như một bài “chức cẩm hồi văn”!

Kỳ Phát nghiêm sắc mặt nói:

- Mà thực vậy, đây các ông nghe:

Đến Văn Lý sự mấy ai tầy
Bẩy bước nên thơ đứng ngắm cây.
Nguyệt lão giấu mình xoay tả hữu
Công hầu mở mặt chạy Đông Tây.
Đông hai mươi bước thêm hai bước
Tây một trăm giây, thẳng một dây.
Nằm sấp chịu đòn trăm sáu trượng
Kho tàng đâu thấy, thấy trên mây!

- Bây giờ đúng là một bài thơ bát cú.

Vũ Lượng nói:

- Ông Kỳ Phát đoán đúng, vì hai câu tam tứ, và ngũ lục đều có đối hẳn hoi.

Thế Xương nói:

- Nhưng bài thơ ấy vẫn không có nghĩa lý gì cả!

Kỳ Phát quắc mắt nhìn Thế Xương rồi hỏi:

- Ông tưởng vậy ư? Thế thì ông lầm. Đặt bài thơ lại thế, thi bây giờ lại hợp vào những bức chấm lắm rồi.

Liên Ty hỏi:

- Nhưng sao lại thơ chữ Nôm?

Kỳ Phát nói:

- Chữ Nôm lắm chứ, vì ông cụ tổ chẳng là người Việt Nam ta sao?

Liên Ty lật úp một chiếc đĩa xuống rồi hỏi:

- Nhưng ông đã đọc được hai dấu triện này chưa?

Kỳ Phát hỏi lại:

- Như ý các ông thì là thứ chữ gì?

Cả ba người đều ngắm nghía hai dấu triện mà ngẫm nghĩ.

Liên Ty nói:

- Cứ trông hai chữ này thì chữ đầu có lẽ là lối chữ Phạn!

Thế Xương cũng cười, nói đùa tiếp:

- Mà chữ thứ nhì có lẽ là chữ Tây!

Vũ Lượng nghiêm nét mặt nói:

- Tính ông chỉ hay nói đùa, thời bấy giờ làm gì có chữ Tây!

Kỳ Phát nói:

- Không, ông Thế Xương nói đúng đấy, hai chữ ấy chính là chữ Tây. Chữ đầu là chữ M, chữ sau là chữ Polo, M. Polo, chính là Marco Polo.

Ba anh em nhà họ Đặng đều ngạc nhiên nói:

- Ông nói tôi vẫn chưa hiểu đấy!

Kỳ Phát nói:

- Thoạt tiên tôi cũng không hiểu như các ông, về sau chịu khó tra khảo về lịch sử nên mới hiểu rõ được M. Polo, chính là Marco Polo!


7

MỘT CHÚT VỀ LỊCH SỬ

Năm 1257, Hốt Tất Liệt lên ngôi vua Mông Cổ. Sau khi cải cách theo dân Trung Hoa, Hốt Tất Liệt dời đô Kakoroum về Bắc Kinh lấy tên là Chitson mà đặt niên hiệu là Đại Nguyên. Sau khi thành chúa tể đất Trung Hoa, Khan Koubilai kiếm cách chinh phục lại những nước chư hầu, nhất là bốn quận Giao Chỉ, Chàm, Cao Miên và Miến Điện (1279)(*).

(*):Theo sách Histoire de I’Asie Par Réné Grousset.

Theo một sách khác (*) thì chép như sau:

(*):Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, quyển Thượng.

Đến năm Tân Mùi (1271) vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt cải Quốc hiệu là Đại Nguyên (Tai Yun) rồi cho sứ sang dụ. Thánh Tôn cáo bệnh không đi.

… Đến năm Ất Hợi (1275), Trần Thánh Tôn cho sứ sang Tầu nói rằng: “Nước Nam không phải là Mường Mán mà đặt quan Giám thị, xin đổi quan Đại lỗ Hoa xích làm quan Dẫn tiến sứ. Vua nhà Nguyên thấy dụng mưu không được, quyết ý cử binh sang đánh nước Nam.”

Nhưng hồi đó Khâm mạng Trần Thánh Tôn sang Tầu là ai. Trong cuốn Hưng Đạo Đại Vương (*) có chép rằng:

(*): Hưng Đạo Đại Vương của Phan Kế Bính.

“Đời vua Trần Thánh Tôn, nước Mông Cổ sai sứ sang nước ta, vua nhận chiếu không bái mạng và không trọng đãi sứ thần, vua Mông Cổ viết thư bắt lỗi, Thánh Tôn sai Lê Đà và Đinh Củng Viên sang sứ Mông Cổ để biện bác.

… Lê Đà, Đinh Củng Viên sang đến triều đình Mông Cổ, vua Mông Cổ mắng rằng:

- Các ngươi là sứ thần Nam Man có phải không?

Lê Đà, Đinh Củng Viên tâu rằng:

- Tâu thiên triều Hoàng đế, mọi rợ mới gọi là Man. Nước chúng tôi là Văn Hiến, không tranh bờ lấn cõi nước nào, mà cũng không hà hiếp ai, không gọi là Man được. Chúng tôi là sứ thần Nam Quốc chứ không phải là sứ thần Nam Man.

Vua Mông Cổ thấy nói có ý xỏ xiên, tức giận quát rằng:

- Nam chúa nhà các ngươi không biết sức minh, làm sao dám ngạo nghễ với Thiên triều?

- Chúa chúng tôi cũng chịu Thiên triều là to lớn hơn mới cống hiến, sao gọi là ngạo nghễ?

- Vậy chứ sao chiếu thư đến không lạy mà lại không trọng sứ thần?

- Lễ bái chẳng qua là hư văn che mắt thế gian ở ngoài, Chúa chúng tôi kính trọng Thiên triều là cốt trong lòng. Thiên triều nếu xử nhân đạo với ngoại quốc thì dù chẳng giữ lễ nhưng vẫn kính trọng muôn phần; nếu không có bụng kính trọng thi cho bầy hương án, áo mũ lễ thì thụp cũng chẳng ra gì. Còn sứ thần chẳng qua là một người của Thiên triều sai sang, bệ hạ là vua một nước lớn, chúa tôi cũng là vua một nước nhỏ, có chịu thì chỉ chịu kém bệ hạ mà thôi, có lẽ đâu lại chịu kém cả thầy tớ của Thiên triều.

Vua Mông Cổ hầm hầm quát rằng:

- Quân ta đi đến đâu tan đến đấy, chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan, chúng bay có biết không?

Đinh Củng Viên tâu rằng:

- Hoàng Đế đem nhân nghĩa mà trị Thiên hạ thì ai chẳng kính phục; nếu chỉ cậy binh hùng tướng dũng thì nước nào chẳng có binh có tướng, có sông núi hiểm trở. Nước chúng tôi tuy nhỏ mọn cũng xin ra tiếp ứng quân của Thiên triều!

Vua Mông Cổ thấy sứ thần đối đáp trôi chảy rất lấy làm kính phục bèn cho hai người ra sứ quán nghỉ ngơi và trọng thưởng vàng bạc, châu báu không biết bao nhiêu mà kể…”

Liên Ty ngắt lời Kỳ Phát hỏi:

- Tôi vẫn chưa thấy ông nói đến Marco Polo?

Kỳ Phát nói tiếp:

- Trong sử có chép rằng: Hốt Tất Liệt có giao dịch với Marco Polo là một nhà phiêu lưu đại danh, Marco Polo là người có công giúp cố đạo truyền bá đạo Gia tô trong nước Trung Hoa.

- Vậy thì…

- Theo ý tôi đoán thì Đinh Củng Viên chính là ông tổ nhà họ Đặng.

Thế Xương bẻ:

- Tôi không hiểu cái chỗ ông họ Đinh lại làm tổ một nhà họ Đặng được!

Kỳ Phát cười trả lời:

- Ông bẻ rất có lý, nhưng hiện giờ ông hãy chịu khó tin rằng: Đinh Củng Viên chính là tổ nhà họ Đặng, còn tại sao, sau này tôi sẽ nói ông nghe.

Rồi Kỳ Phát tiếp:

- Đinh Củng Viên được nhiều châu báu quá, đã dự tính ngay rằng khi về nước sẽ chôn giấu ở một nơi nào cốt để truyền lại cho con cháu đời sau.

Chắc vì một cớ bất ngờ, Đinh Củng Viên và Marco Polo gặp nhau, Củng Viên ngỏ ý mình cho Polo biết, thì Polo có bầy cách và vẽ một cái bản dự tính giúp Củng Viên. Viên bèn làm một bài thơ thay tờ di chúc để chỉ chỗ chôn của, rồi thuê một lò sứ bên Tầu làm bốn chiếc đĩa và chứa tám câu thơ vào đấy. Marco Polo có săn sóc đến thơ khi nặn những đĩa này, nên theo lời Polo thợ sứ Tầu có chứa tên Polo xuống dưới mỗi chiếc đĩa để làm kỷ niệm về sau.

 

8

NGÔI MỘ CỔ

Trên đường Hải Hậu, Văn Lý - Chợ Cồn, một chiếc xe hơi trong có ba anh em họ Đặng và Kỳ Phát bon bon chạy trên đường đá. Tới Văn Lý trời đã khuya, khoảng 8, 9 giờ đêm. Ánh trăng rằm tháng tám đã bắt đầu soi sáng vào những thửa ruộng muối trắng tinh trông như mặt thủy. Trong làng trẻ con họp nhau rước đèn. Trên con đường ngõ ngoằn ngoèo uốn khúc, ánh đèn xếp và đèn thiềm thừ lấp ló sau rặng tre xanh. Tiếng gõ vào chiếc dây thép trắng trên chiếc thùng sắt tây hòa lẫn với tiếng hát trống quân của đôi bên nam nữ thỉnh thoảng lại bị át mất dưới tiếng trống và tiếng thanh la của bọn mứa sư tử đi qua.

Chiếc xe hơi bỗng đỗ. Bọn bốn người bước xuống và cùng đi về phía bãi bể. Ba anh em họ Đặng đều lẳng lặng đi theo Kỳ Phát, không ai nói năng một câu gì.

Ngoài bãi gió thổi ào ào, tiếng sóng bể ầm ầm dữ dội. Chị Hằng tròn xoe lơ lửng trên cao như đứng ngắm nhìn những làn sóng bạc đầu, óng ánh dạt dào trông như một đàn rồng trắng uốn khúc, đua nhau chạy vào trong bãi cát. Kỳ Phát vén tay áo xem giờ rồi quay lại bảo ba anh em họ Đặng:

- 10 giờ rưỡi. Các ông trông đằng trước có thấy cái cây cổ thụ rườm rà đứng chơ vơ kia không? Ta đến đấy thì vừa đúng 11 giờ.

Cả bọn bốn người rảo bước, một lúc sau đã đến gốc cây, Liên Ty trông ngắm rồi nói:

- Cây quéo này có lẽ đã sống trăm năm dư.

Kỳ Phát gật đầu trả lời:

- Ông nói có lẽ nhưng lát nữa ta hãy nói chuyện, bây giờ chúng ta hãy ngồi dưới gốc cây ăn uống thưởng nguyệt trung thu đã.

Nói xong chàng vui vẻ mở va ly rải xuống đất một chiếc khăn vải sơn, rồi bầy ra nào bánh mặt trăng, bánh nướng, xôi, thịt gà, lại có cả một chai rượu Mai quế lộ nữa. Bốn người ăn uống chuyện trò vui vẻ; ba anh em nhà họ Đặng được ngắm vũ trụ bao la, gió mát trăng thanh hầu như đã quên mục đích của bọn bốn người là đi tìm cái kho tàng ông cha khi xưa để lại. Riêng một mình Kỳ Phát thì như có ý trông đợi một việc gì, chàng thỉnh thoảng lại vén tay áo xem giờ.

Chàng bỗng tự nhiên nói:

- Uống rượu trông trăng không có thơ không thú, để tôi xin đọc một bài các ông nghe.

Rồi chàng hắng giọng, ngâm to bài thơ bát cú:

Đến Văn Lý sự mấy ai tầy

Bẩy bước nên thơ đứng ngắm cây.

Nguyệt lão giấu mình xoay tả hữu

Công hầu mở mặt chạy Đông Tây.

Đông hai mươi bước thêm hai bước

Tây một trăm giây, thẳng một dây.

Nằm sấp chịu đòn trăm sáu trượng
Kho tàng đâu thấy, thấy trên mây!


- Tôi hiểu rồi “Đến Văn Lý”, đây chẳng là bãi bể Văn Lý là gì?

Kỳ Phát cười bảo:

- Mà có cả chị “Nguyệt” và cây nữa!

Xem đồng hồ, chàng nói tiếp:

- 12 giờ đúng, thôi bây giờ ta làm việc. Các ông để tôi đóng vai Tào Tử Kiến bẩy bước nên thơ!

Vừa nói chàng vừa đứng dậy đi xa phía gốc cây bẩy bước rồi chàng đứng lại. Ba anh em họ Đặng đều theo đến bên Kỳ Phát. Chàng trinh thám trẻ tuổi chỉ lên trên cây mà bảo ba người rằng:

- Các ông “đứng ngắm cây” xem có thấy gì lạ không?

Liên Ty nói:

- Tôi để ý trăng bây giờ bị lấp sau thân cây.

Kỳ Phát nói:

- Đó là “Nguyệt giấu mình”. Ngay chỗ bóng trăng bị lấp có hai cành cây đâm ra hai bên, hai bên “tả hữu”, các ông hiểu chưa? Các ông hãy nhận kỹ lấy hai cành cây ấy.

Kỳ Phát chạy lại gốc, cởi áo ngoài rồi leo lên thoăn thoắt. Đến chạc hai cành cây ấy thì chàng ngồi nghỉ rồi leo ra một cành.

Liên Ty ở dưới lẩm bẩm:

- Phải rồi, cành bên Đông và cành bên Tây.

Ra đến đầu cành, Kỳ Phát rút trong túi ra chùm chìa khóa buộc vào một sợi dây dài rồi dòng xuống. Kỳ Phát lúc bấy giờ trông có vẻ như một bác thợ nề đương so dây “quả dọi”. Chùm chìa khóa gần chấm đất thì Liên Ty lấy một chiếc que cắm xuống đất làm đích đánh dấu. Kỳ Phát lại trèo sang cành cây thứ hai, rồi cũng dòng chùm chìa khóa xuống, Liên Ty lại lấy que đánh dấu.

Ra dáng ngẫm nghĩ, Liên Ty đếm từ chỗ đích thứ nhất bước về phía đông hai mươi hai bước. Lúc đó, Kỳ Phát đã xuống tới đất. Chàng nhìn theo Liên Ty và mỉm cười, Liên Ty bước đủ hai mươi hai bước thì dừng lại, lấy mũi giầy gạch xuống đất một dấu chữ thập rồi đứng thần người ra băn khoăn nghĩ ngợi.

Kỳ Phát cả cười hỏi:

- Còn về phía tây nữa chứ?

Liên Ty nói:

- “Đông hai mươi bước thêm hai bước” tôi hiểu, nhưng “Tây một trăm giây thẳng một dây” thì tôi chịu. Một trăm giây là gì?

Kỳ Phát nói:

- Là một trăm giây đồng hồ, ông quên rằng chính Marco Polo một người Âu đã bầy cho Đinh Củng Viên cách giấu của này rồi ư?

Rồi chàng nhìn đồng hồ, bảo Liên Ty đứng ra chỗ chiếc que đánh dấu thứ hai, rồi nói:

- Đến ba, thì ông đi về phía tây nhé. Một, hai, ba, ông đi đi. Ông đừng bước nhanh quá thế. Thôi ông đứng lại mà đánh dấu.

Rồi Kỳ Phát lẩm bẩm một mình:

- Đi về phía tây một trăm giây đồng hồ rồi “thẳng một dây”, thôi phải rồi!

Kỳ Phát bèn cùng Liên Ty căng một chiếc dây thẳng nối liền hai chỗ đánh dấu. Ra dáng đắc ý, Kỳ Phát xoa tay nói:

- Bây giờ ông chỉ việc đo từ chỗ đánh dấu, theo đường thẳng của chiếc dây ra một trăm trượng là xong.

Rút chiếc thước cuộn trong túi ra, Kỳ Phát và Liên Ty đo dài ra 424 thước. Nhưng cả bọn bốn người đều sửng sốt. Ngay dưới đất, phía trước mặt bốn người đều trông thấy một lỗ tối om. Kỳ Phát bật đèn pin soi miệng lỗ, chàng nhặt được một mẩu thuốc lá Ăng-lê. Chàng giậm chân mà rằng:

- Cóc khô, cóc khô! Thằng Bá Vy đến trước mình rồi!

Chàng bảo mọi người bật đèn rồi mạnh bạo leo xuống dưới lỗ hổng. Đó là một đường hầm xuống thẳng, có bậc đá hẳn hoi. Xuống chừng 20 thước, đường dần dần hẹp lại rồi rẽ sang ngang. Đi quanh co một lúc lâu, bốn người đến trước một chiếc cửa cuốn bằng gạch cổ. Chàng trinh thám trẻ tuổi vui mừng quay lại bảo bọn ba người rằng:

- Các ông đừng sợ, đây lốt chân rõ lắm. Bọn Bá Vy hai người tuy đã vào đến đây nhưng chưa ra, ta đã vào được thì dù sao bọn họ cũng phải chia đều.

Quả nhiên, bước qua chiếc cửa cuốn, bốn người vào trong một chiếc hầm rộng rãi. Phía trong cũng rõ bóng hai người: Bá Vy và thằng Nghé đương hì hục đào cuốc. Kỳ Phát cười nói:

- Ông Bá Vy, ông tìm nhanh lên chớ, để rồi chúng ta chia nhau.

Bá Vy giật mình ngoảnh lại, chẳng nói chẳng rằng, Vy giơ khẩu súng trường lên vai nhằm Kỳ Phát bắn luôn một phát. Chàng trẻ tuổi ngồi thụp ngay xuống, rồi thuận tay cầm chiếc đèn pin kiểu lớn, to bằng cổ tay ném thẳng vào mặt Bá Vy. Tiếng súng nổ còn vang trong hầm tối thì bỗng một tiếng rầm ghê gớm làm mọi người hoảng sợ. Một góc gian hầm, chỗ Bá Vy đứng sụt xuống. Trong giây phút gạch, đá, đất, sỏi đổ xuống ào ào.

Ba anh em họ Đặng run lên cầm cập, nói không thành tiếng, tưởng như phen này sáu mạng người đều bị chôn sống dưới hầm. Nhưng may thay, chỉ trong giây phút tiếng nổ sập đã im bặt, làn cát bụi đã tan dần, bọn Kỳ Phát nhìn nhau thấy ai nấy thất sắc, nhưng gian hầm chỉ sụt có một góc thôi. Kỳ Phát lau mồ hôi trán rồi cùng ba anh em họ Đặng bới đống gạch đá cứu bọn Bá Vy, thằng Nghé. Trong giây lát Liên Ty và Thế Xương đã lôi được thằng Nghé ra nhưng đầu nó bị một tảng đá lớn đè phải, đã giập óc chết tự bao giờ. Vũ Lượng và Kỳ Phát ra sức tìm kiếm Bá Vy. Bới đống gạch lên, Kỳ Phát đã đỡ được Bá Vy ngồi dậy. Trên trán Vy, chỗ thái dương, một dòng máu ri rỉ chảy ra. Uống xong ngụm nước lã, Bá Vy dần dần hồi tỉnh, giơ tay lên bóp trán, ra dáng đau đớn vô cùng. Trước cảnh tượng thương tâm, cả bọn mấy người đều yên lặng nhìn nhau!

 

 

9

ĐÃ SINH DU
SAO CÒN SINH LƯỢNG

Giây lát Kỳ Phát hỏi:

- Ông có dễ chịu không, liệu có còn đủ sức để chúng tôi vực ra khỏi hầm và đưa về cứu chữa ở nhà thương Văn Lý không?

Bá Vy vẻ mỉm cười lắc đầu nói rằng:

- Cám ơn ông, tôi biết chết đến nơi rồi, bất tất phải nhọc lòng ông nữa.

Kỳ Phát hỏi:

- Ông tìm được ra ngôi mộ cổ này, hẳn là đã tìm ra được tờ di chúc của tiền nhân để lại. Bây giờ mệnh ông gần hết, ông nên nghĩ đến ba chi nhà họ Đặng ngày nay sa sút nghèo nàn mà đưa cho chúng tôi xem tờ di chúc đó.

Bá Vy ra dáng nghĩ ngợi rồi nói:

- Được, tôi sẽ chiều lòng ông, nhưng trước hết ông hãy cho tôi biết cách ông làm thần tình thế nào mà trốn thoát nhà tôi độ ấy.

Kỳ Phát cười nói:

- Cách tôi trốn rất tầm thường, ông ạ. Thoạt tiên tôi phao ngôn lên rằng đúng ngày rằm tôi trốn để thằng Nghé đem lòng ngờ vực. Đúng sáng hôm rằm, tôi viết một bức thư để lại, gài vào tập giấy bạc để lên chăn rồi tôi trèo lên mấy chiếc nẹp ngang cánh cửa để nấp. Thằng Nghé bưng cơm cho qua lỗ hổng, tôi cố hết sức nín hơi, nép sát vào cánh cửa.

Một lát nó thấy cơm còn nguyên, đâm hoảng, ngó cổ vào thoáng không trông thấy tôi thì nó yên trí ngay rằng theo lời tôi hứa, đúng hôm rằm tôi trốn khỏi phòng rồi. Nó trông thấy tập giấy bạc và cái thư, vội mở cửa vào xem vì tính tò mò và tham lam nữa.

Bá Vy ngoảnh trông xác thằng Nghé, nhổ nước bọt xuống đất rồi mắng cái xác chết rằng:

- Mày là quân tham lam phản chủ, bây giờ chết thực đáng đời! Kỳ Phát, ông tính nó tệ thế thì thôi, về cái thư và tập giấy bạc, nó im lìm không có nói chuyện gì với tôi cả. À nhưng còn chiếc đĩa cổ?

Kỳ Phát nói tiếp:

- Thằng Nghé xem xong bức thư, đút tập giấy bạc vào túi áo trong, rồi hấp tấp đi báo tin cho ông hay. Nó không ngờ rằng khi nó mở khóa cửa vào thì tôi đã từ trên nẹp cửa nhẩy xuống đứng nép vào tường, khi nó đẩy cánh cửa vào, thì cánh cửa che lấp tôi đi. Thằng Nghé ra rồi, cửa đã sẵn sàng mở toang, tôi cứ việc đàng hoàng thò tay ra lấy chiếc đĩa cơm rồi xuống nhà dưới đi ra phố. Kể về cái đĩa này, tôi cũng hết sức phục ông. Thấy tôi có ý tìm tòi chiếc đĩa, ông nghĩ ngay ra kế lấy son giả men sơn lên đĩa, làm giả như lối đĩa tây, rồi dùng ngay để xới cơm cho tôi ăn, chắc không khi nào tôi có ngờ đến câu “mỡ để miệng mèo”. Nhưng có một điều ông không tính đến là sơn bị nóng thì hay bong, ông dùng đĩa sơn để xới cơm nóng thì thực là thất sách. Một mẩu sơn bong để lộ ra men chiếc đĩa cổ, đã tình cờ giúp tôi biết rõ cái mưu ông.

Bá Vy buồn rầu mà đọc một câu trong Tam Quốc:

- Tức thực, trời đã sinh Du, cớ sao còn sinh ra Lượng!

Câu than ấy nếu thốt ra trong lúc khác có lẽ làm nhiều người mỉm cười nhưng trong cái lúc quan trọng này thì không hề có ai nhích mép.

Kỳ Phát hỏi Bá Vy:

- Có phải ông tìm thấy tờ chúc thư không? Ông đưa ngay cho chúng tôi xem.

Bá Vy rút thuốc lá trong túi ra châm một điếu hút rồi mời mọi người:

- Việc gì ông phải vội thế, để tôi kể lại cả đầu đuôi câu chuyện ông nghe: Hôm ấy tôi đang ở nhà bỗng thấy một người to béo tức là thằng Nghé dẫn một người nữa lại nhà tôi, điều đình bán cho tờ di chúc của ông tổ họ Đặng để lại. Người lạ mặt có đưa cả cho tôi xem cuốn gia phả nhà hắn, thì ra hắn là con cháu tên Lê Kỳ, trước là người hầu cận của ông tổ nhà chúng tôi. Sau khi ông tổ mất, Lê Kỳ lại ở hầu hạ người con trưởng, lúc đó hắn đã ngẫu nhiên lên chức quản gia rồi. Một đêm kia trong nhà phát hỏa, ông con trưởng bị thiệt mạng trong đám than hồng. Cuốn gia phả họ Đặng chúng tôi cũng bị đốt cháy. Quản gia Lê Kỳ có chạy được một chiếc tráp, trong có tờ di chúc của ông tổ để lại. Chúc thư lời lẽ nói lờ mờ khó hiểu. Bấy giờ nhà Lê Kỳ cha truyền con nối để lại cho nhau mà không ai tìm ra chỗ giấu của được. Bấy giờ tên này nhờ thằng Nghé đứng môi giới nên mang đến bán cho tôi. Mua lại tờ chúc thư, tôi phải mất 350 đồng và phải nhận thằng Nghé làm thủ túc vì thằng Nghé có hẹn với tôi rằng nếu kho tàng kia mà tìm ra, hắn sẽ lấy một phần tư.

Tiếng Bá Vy đã nhỏ dần dần, hai mắt hắn thâm quầng đã chớp chớp luôn. Kỳ Phát vội giục:

- Vậy chúc thư ấy đâu?

Tiếng Bá Vy bây giờ nói đã hơi ngòng ngọng, hắn hổn hển nói:

- Ông… ông để một lát nữa… tôi sẽ…

Bá Vy thu hết hơi tàn, móp má hút thuốc lá. Hắn lim dim con mắt, thở khói thuốc phì phào. Bá Vy bỗng mở choàng mắt nhìn ba anh em nhà họ Đặng rồi nhìn Kỳ Phát mà khanh khách cười. Tiếng cười ghê gớm, vang trong hầm tối nghe rợn tóc gáy y như là nghe thấy tiếng cười của ông thần chết. Kỳ Phát nhẩy đến cạnh Bá Vy giằng vội lấy điếu thuốc lá đã cháy gần hết. Vội vàng, Phát giở mẩu thuốc lá ra xem, thấy cuộn ở giữa những sợi thuốc một tờ giấy bản con. Tờ giấy đã bị cháy gần hết, còn lại mỗi một mẩu nhỏ.

Kỳ Phát vò đầu giậm chân mà rằng:

- Hổ tôi, tờ di chúc cháy mất cả rồi.

Bá Vy hai mắt sáng quắc, mỉm cười mà nói rằng:

- Phải, thế là mất tờ di chúc. Thôi Kỳ Phát ạ, anh đừng tìm ra kho tàng nữa nhé. Nếu Bá Vy không chiếm được thì trong đời này không ai tìm thấy nữa đâu.

Rồi nấc lên một cái, Bá Vy trợn mắt lăn vật xuống… Tiên miệng hắn vẫn còn nở một nụ cười chế nhạo hiểm độc vô cùng.

Thế Xương bây giờ mới lên tiếng nói:

- Thôi chúng ta ra đi thôi chứ.

Nhưng quay mình trông lại, Thế Xương đã kêu thét, chỉ và bảo mọi người rằng:

- Chết chưa, bây giờ làm thế nào? Lối ra của chúng mình cũng bị đất sụt lấp cả lối rồi.

Kỳ Phát đương tức mình phát cáu:

- Đấy, ông muốn ra thì cứ ra. Này đây, ông còn không tin nữa thôi.

Kỳ Phát vừa nói vừa dí vào tận mắt Thế Xương mẩu giấy con cháy dở, trong còn thấy chữ:

“Đặng Củng Viên di chúc”.

 

10

PHÚT CUỐI CÙNG
CỦA CHÀNG KỲ PHÁT

Cả bọn đều hoảng kinh, có lẽ trừ Kỳ Phát. Chàng trinh thám trẻ tuổi ra dáng suy nghĩ lung lắm. Chàng luôn luôn đi lại trong hầm.

Liên Ty rụt rè hỏi:

- Bây giờ ông tính sao, cứ như diện tích cái hầm này, chúng ta chỉ đủ khí trời để thở trong ba tiếng đồng hồ nữa mà thôi.

Kỳ Phát chưa kịp trả lời, Vũ Lượng đã kêu:

- Chết chửa, nước ở đâu mà thấm vào thế này?

Thực vậy, phía vách bên tả nước ở ngoài rỉ vào rất nhiều, Kỳ Phát chẳng nói chẳng rằng, quỳ gối xuống vốc một ít nước lên nếm.

Chàng thất sắc bảo Liên Ty rằng:

- Nước mặn ông ạ. Có lẽ vì hầm sụt, nước biển ở ngoài theo mạch tẩm vào rồi. Chúng ta không sống được đến ba giờ đâu, nước chảy vào mạnh như thế này thì chỉ nội trong nửa giờ là ngập hầm mà thôi.

Mọi người đều hoảng kinh, hỏi Kỳ Phát:

- Chết mất, thế ông có kế gì chưa?

Kỳ Phát lắc đầu nói:

- Bây giờ chỉ còn một cách là tìm ngay được tới chỗ để châu báu, có lẽ may ra lại có lối khác thông lên mặt đất!

- Nhưng chỉ còn có nửa giờ!

- Còn nửa giờ nghĩa là còn những 30 phút để nghĩ chứ sao!

Kỳ Phát tháo chiếc đồng hồ tay giao cho Liên Ty mà nói rằng:

- Ông tính từ ba giờ trở đi, lúc nào được đúng 25 phút bảo tôi. Trong 25 phút này tôi cấm không ai được nói gì, để yên tôi nghĩ.

Nói xong chàng dựa vào vách phía hữu khoanh tay đứng nghĩ. Trong hầm im lặng như tờ. Nước bể bên ngoài vẫn róc rách chảy vào.

Trong hầm đã bắt đầu khó thở, mực nước đã dần dần lên quá cổ chân.

Kỳ Phát hơi thở điều hòa, hai mắt lim dim. Thế Xương ngoảnh nhìn đồng hồ, tiến đến bên Kỳ Phát, vỗ vai chàng mà bảo:

- Này ông ngủ đấy ư? Đã mất 10 phút rồi đấy!

Kỳ Phát chẳng nói chẳng rằng, điềm nhiên giơ tay đấm chéo Thế Xương một cái vào quai hàm làm cho hắn ta ngã ngất. Rồi Kỳ Phát lại khoanh tay, điềm nhiên đứng ngẫm nghĩ, hai lông mày chàng nhíu lại đủ tỏ ra rằng óc chàng đương làm việc dữ lắm… Mực nước đã lên khỏi đầu gối… Kỳ Phát mở choàng mắt, hỏi Liên Ty:

- Mấy phút?

- Còn 4 phút.

Hai mắt Kỳ Phát sáng quắc, chàng nhìn chòng chọc về phía trước mặt, hình như đương hết sức chống chọi cầm cự với sự thất bại đương nhiên…

Nước chảy vào càng ngày càng mạnh. Mực nước đã lên đến ngang lưng…

- Mấy phút?

- Còn 2 phút.

Trong hầm im lặng như tờ… Kỳ Phát bỗng thở mạnh như có ai vừa đỡ cho hòn đá to đè trên ngực, chàng đưa tay lau mấy giọt mồ hôi trán rồi nói:

- Xong rồi, tôi nghĩ ra rồi. Phải, “kho tàng đâu thấy, thấy trên mây”.

Vớ lấy chiếc cuốc tay, Kỳ Phát giơ cao đập khẽ lên trên trần hầm.

Vài ba mảnh đất mỏng theo nhau rơi lõm bõm xuống nước, để lộ ra một phiến đá hình vuông.

Thế Xương, khi đó đã hồi tỉnh, hợp sức cùng ba người nâng phiến đá lên. Nhận kỹ, Kỳ Phát biết đó lại là một lối để lên tầng hầm trên.

Bốn người đều đỡ nhau trèo lên. Ánh đèn vừa bật, một cảnh tượng chói lòa vừa bầy ra trước mắt bốn người…

Trong hầm ngổn ngang không biết bao nhiêu là thoi vàng bạc, giữa hầm một chiếc bệ đá, trên để một bát hương cổ. Kỳ Phát lại gần xem xét rồi chàng bưng bát hương xuống, cùng với ba anh em họ Đặng cố sức nâng mặt chiếc bệ ra. Mọi người đều sửng sốt, tưởng như lạc vào trong một thế giới thần tiên. Trong bệ xếp đầy không biết bao nhiêu là châu ngọc. Viên nhỏ, viên to, miếng mầu hồng hòn mầu biếc, dưới ánh đèn pin, đống châu báu sáng lòa phản ra muôn ánh hào quang… Kỳ Phát nhặt một viên ngọc nhỏ mầu lục lên tay xem ngắm rồi bảo mọi người rằng:

- Cứ một viên dạ quang này thì tất cả vàng bạc xếp ở góc hầm kia cũng chưa đủ mua nổi được!

Chàng hớn hở cười tiếp:

- Tôi đoán hầm nầy rất gần mặt đất, chắc ta theo đường hẹp kia một quãng là đến mặt đất ngay!

Có lẽ Kỳ Phát đoán đúng vì chỉ hơn một giờ sau, chàng đã quay ô tô lại về tỉnh lỵ. Chàng cho xe chạy từ từ, ngoảnh lại bảo anh em họ Đặng rằng:

- Ta nên vặn máy từ từ thôi nhỉ, kẻo bây giờ cái kho tàng ức triệu để trong xe kia bị lật xuống ruộng thì nguy biết mấy!

Chàng lại mỉm cười, bảo Thế Xương rằng:

- Ông không giận tôi đấy chứ? Ông tha lỗi cho tôi rồi tôi sẽ kể cho ông nghe một đoạn dã sử mà cắt nghĩa tại sao ông Đinh Củng Viên lại chính là ông tổ nhà họ Đặng.

… Tục truyền rằng Củng Viên thuở nhỏ, nhà rất nghèo, tuy thông minh nhưng không có tiền đâu mà ăn học. Lấy nghề chài lưới nuôi thân, Đặng Củng Viên năm 15 tuổi đã phải lênh đênh trên mặt nước. Một hôm kia, sóng to gió lớn, chiếc thuyền câu của anh chàng họ Đặng bị dòng nước cuốn trôi. Củng Viên những tưởng gửi thân miệng cá, may sao lại trôi giạt vào áp thuyền một vị phu nhân kia. Phu nhân họ Đinh, người rất phúc hậu nhưng hiếm hoi chưa kẻ nối dòng, thấy Củng Viên linh lợi thương tình, bèn cho là nghĩa tử. Từ đó Củng Viên bèn đổi là họ Đinh. Sau lúc làm nên, Đinh Củng Viên dặn con cháu sau này lại đổi về họ Đặng, vì thế mà ngày nay trong tờ di chúc, tướng công vẫn ký tên là Đặng Củng Viên.

 

11

MỐI TÌNH KỲ PHÁT

Vẫn trên con đường Thẫm. Trong nhà Vũ Lượng, đèn thắp sáng choang. Một bàn tiệc xếp đặt theo lối tây, khăn trải bàn trắng xóa. Giữa bàn, một chiếc ghế còn bỏ trống, có lẽ ghế ông chủ tiệc. Trong những người ngồi đó, ta nhận thấy ba anh em nhà họ Đặng, hai con trai Thế Xương, ba con trai Liên Ty. Trong tiệc chỉ có hai người đàn bà là Cúc và Bạch Liên, con gái út của Liên Ty.

Thỉnh thoảng Vũ Lượng lại liếc mắt nhìn đồng hồ rồi nói:

- Quái lạ, bao giờ Kỳ Phát cũng đúng hẹn, mà đã kém 5 đầy 9 giờ vẫn chưa thấy Phát đâu.

Liên Ty nói:

- Còn những 5 phút cơ mà, Kỳ Phát là người nói đúng từng phút một!

Cúc luôn luôn xem giờ. Nàng hôm nay lộ vẻ vui mừng, hai má đỏ hây, nét xinh đẹp trông gấp vạn bội.

Kém 1 phút đầy 9 giờ! Mọi người đều im lặng. Đồng hồ trên vách bỗng dõng dạc điểm chuông. Cúc hồi hộp ngoảnh nhìn ra ngoài cửa, hai má ửng hồng. Nhưng không, cánh cửa vẫn đóng im, ngoài hè không một tiếng động. Chuông đồng hồ vừa điểm đến tiếng thứ chín thì mọi người ngạc nhiên ngơ ngác nhìn lên mái nhà. Một hồi chuông đồng hồ báo thức réo vang, rồi… từ trên nóc nhà rơi xuống chính giữa bàn tiệc một lá thư.

Thế Xương nói:

- Chắc là thư của Kỳ Phát. Hẳn vì một cớ gì không lại nên gài máy chiếc đồng hồ treo lên nóc nhà, đúng giờ thì thư rơi xuống.

Vũ Lượng xé thư đọc to cho mọi người nghe:

“Thưa các ông,

Hôm nay là bữa tiệc ăn mừng của nhà họ Đặng, tôi không đúng hẹn thực là có lỗi. Nhưng chắc các ông cũng miễn chấp cho vì tôi là một kẻ phiêu lưu không hề ham muốn một sự gì ở đời này cả.

Tôi không ham muốn vì có điều tôi ham muốn nhất thì lại không được.

Thôi xin kính chào các ông và xin chúc các ông an hưởng mọi sự giầu sang.

Kỳ Phát tái bút: Châu báu về phần tôi xin gửi cả ở ông Vũ Lượng. Món tiền ấy tôi xin mừng cô Cúc làm của hồi môn. Còn bốn chiếc đĩa cổ tôi xin đưa vào Viện bảo tàng Louis Finot (*) gọi là tặng vật của Kỳ Phát”.

(*): Nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Vũ Lượng đọc xong thư, suốt bàn tiệc đều ngạc nhiên, cô Cúc mặt đương hồng hào bỗng xám nhợt, bất tỉnh, cô ngã gục xuống mặt bàn… Ngoài đường làn gió thổi hắt hiu… Một chàng trẻ tuổi đứng trước nhà Vũ Lượng rảo cẳng bước đi, chàng lủi thủi bước dần vào trong bóng tối.

Kỳ Phát kể chuyện có ý ngậm ngùi… Tôi hỏi:

- Chàng thiếu niên ấy là anh chứ gì?

Kỳ Phát buồn rầu trả lời:

- Phải, tôi đứng nấp ngoài cửa để xem câu chuyện kết thúc ra sao, khi thấy Cúc ngã gục thì tôi mới bỏ đi.

- Nhưng còn cái thư kia?

- Nào có máy móc gì đâu, tôi có ý treo sẵn chiếc đồng hồ báo thức vặn kim sẵn sàng từ buổi trưa. Tôi buộc lá thư vào một sợi dây nhỏ dòng qua nóc nhà; tôi ở ngoài đợi, khi thấy chiếc đồng hồ réo chuông thì giật mạnh chiếc dây. Dây đứt, lá thư rơi xuống, mọi người tưởng tôi gài máy móc nọ kia chớ nếu họ chạy ngay ra cửa thì đã bắt gặp tôi đương nhòm khe cửa rồi.

Tôi nói:

- Anh cũng ác. Cúc nghe tin anh không trở lại, ngã ngất đi, nghĩa là Cúc đã yêu anh đến cực điểm, sao anh nỡ lòng ngoảnh mặt làm ngơ?

Kỳ Phát mỉm cười, cái cười chua chát, trả lời:

- Không hiểu lúc bấy giờ tôi nghĩ sao mà không thiết gì Cúc nữa. Hay là lúc bấy giờ vì lòng tự kiêu, tôi có ý muốn trả thù Cúc khi trước để tôi mong ước, hoặc là khi thấy hạnh phúc khó khăn nó đến tay tôi một cách dễ dàng nhanh chóng quá, tôi có ý chán ghét vô cùng.

Tôi an ủi Kỳ Phát:

- Nhưng anh chớ lấy làm phiền lòng, biết đâu Cúc chẳng dốc lòng mà đợi chờ anh?

Kỳ Phát rút mùi soa ra lau đôi giọt lệ long lanh trên mắt rồi chàng ngậm ngùi mà bảo tôi rằng:

- Không, anh ạ, đời tôi là một đời phiêu lưu, có lẽ số trời định vậy nên không bao giờ tôi có thể vui được cảnh gia đình. Ngay từ thuở nhỏ tôi cũng vậy…

Tôi nói:

- Chơi với anh đã lâu, bây giờ tôi mới thấy anh nói đến đời niên thiếu lần đầu.

Kỳ Phát nói:

- Phải, nói mà làm gì, kể lại mà làm gì quãng đòi xưa, quãng đòi ly kỳ, bí hiểm, đau khổ vô cùng…

Nói xong, bạn tôi gục xuống chăn mà ngủ. Nhưng tôi biết, Kỳ Phát ngủ đâu chóng thế. Hai vai rung động, bạn tôi đang thổn thức, nhớ quãng đời xưa… Tôi không muốn hỏi thêm Kỳ Phát gì nữa, vì chơi với nhau còn lâu, biết đâu Kỳ Phát lại chẳng có dịp tự nhiên kể cho tôi nghe quãng đời thuở nhỏ.


Số phận của cô Cúc được thuật lại trong câu chuyện: Kỳ Phát giết người

------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét