8 GIỜ KÉM 5
1
MỘT LỜI GIỚI THIỆU
CHẾT NGƯỜI
Trời mưa lầm lội. Trên con đường về phủ Khoái Châu thuộc tỉnh Hưng Yên, một người phu già ì ạch kéo chiếc xe áo tơi kín mít.
Trời mưa, hai người ngồi trong xe không trông ngắm được cảnh vật bên ngoài, thế mà họ cũng không hề nói chuyện với nhau nửa lời cho đỡ buồn, quên cái thời giờ chán nản đường trường. Họ đều có ý nghĩ riêng, thỉnh thoảng họ lại ngoảnh nhìn nhau, con mắt đầy vẻ căm hờn. “Họ” đây là hai người: một thiếu phụ và một thiếu niên.
Dùng hai chữ “thiếu niên” đây là cho nó có văn vẻ chứ thực ra chàng thiếu niên của chúng ta chỉ là một cậu bé 11, 12 tuổi, cặp mắt sáng, khuôn mặt tròn, đầu đội mũ trắng còn mới nguyên. Ta nói ngay cậu bé con đó là chàng Kỳ Phát mà người thiếu phụ là dì cậu. Các bạn nên nhớ rằng khi chuyện này xẩy ra thì Kỳ Phát mới là một đứa trẻ học lớp ba, chớ chưa phải một trang thiếu niên tóc điểm bạc, có tài trinh thám hơn người.
Ngồi trong xe, Kỳ Phát lúc đó nghĩ ngợi lung lắm. Chàng bực tức vô cùng vì mấy hôm trước đây, nhờ có “chiếc tất nhuộm bùn” chàng đã khám phá ra vụ tư thông của dì chàng. Thì ra cái con dâm phụ chồng mới chết được vài hôm đã dắt trai về nhà, nó ngồi cạnh chàng! Chính nó, lúc chàng nhẩy vào bắt gian đã to mồm lu loa vu cáo cho chàng cái tội đê hèn: sáng sớm tinh sương lẻn vào buồng dì mở hòm ăn cắp. Cả vú lấp miệng em, hãy hỏi ai cãi cho ra nỗi oan Thị Kính này. Hàng phố, hàng xóm, sáng hôm đó đổ lại xem ai cũng nhìn Kỳ Phát bằng con mắt khinh ghét. Một bà cụ già chép miệng mà nói rằng:
- Gớm thời văn minh bây giờ trẻ con bằng tí tuổi đầu mà đã có gan tướng cướp.
Một bà to béo đến xem cũng thuận tay tát cho thằng bé con đứng cạnh mình một cái tát nên thân và rít lên:
- Còn mày nữa, mà đổ đốn thế thì bà giết sớm.
Kỳ Phát đứng giữa đám người độc ác bất công đó, cặp mắt rưng rung. Nhưng chàng đỡ uất ức một hai phần khi bỏ màn đi ngủ, vú già đến bên an ủi:
- Thôi cậu đừng khóc nữa, tôi biết lắm, chắc chẳng bao giờ cậu lại thế!
Kỳ Phát cảm động nắm lấy tay vú già nức nở. Chàng không ngờ rằng trong nhân loại lúc bấy giờ lại có người không ngờ là chàng ăn cắp.
Nói thế thì không đúng, Kỳ Phát biết chắc có một người không bao giờ lại tin chàng có cái dã tâm đó. Người ấy là mẹ chàng. Nhưng mẹ chàng lúc này ở đâu, còn sống hay đã chết, chàng cũng không hay nữa.
Khi dì chàng thấy việc tư thông của mình bị bại lộ thì việc trước nhất là nghĩ cách nhổ cái gai trước mắt, rút cái gậy trong bánh xe, nghĩa là tống cổ thẳng ra khỏi nhà. Nhưng khốn thay, con ác phụ không thể nào xử thẳng tay được, vì dẫu sao, miệng tiếng thế gian cũng bảo: “Dì ghẻ, con chồng”.
Nhưng nó đã nghĩ ra một diệu kế là gửi Kỳ Phát lên phủ Khoái Châu, ở nhà một người anh họ mình, lấy cớ rằng bây giờ ở nhà chỉ toàn đàn bà, Kỳ Phát hay chơi bời lêu lổng, nay gửi lên Khoái Châu thực tiện người rèn cặp. Thế là hôm đó, một hôm trời mưa lầm lội, Kỳ Phát cùng dì và một chiếc hòm nhỏ, đi xe lên phủ Khoái Châu “du học”. Đến nơi dì chàng đưa chàng lại chào ông giáo Hy, một ông giáo có tiếng dữ đòn nhất trường, rồi lễ phép mà thưa với ông giáo rằng:
- Thưa ông, thầy cháu mất sớm, trăm sự chúng tôi đến nhờ ở ông. Cháu nó được cái thông minh, nhưng, biết lòng con không ai bằng mẹ, chúng tôi không dám giấu cháu nó bướng bỉnh lại có ý gian lắm ạ!
Thế là bà mẹ hiền từ ấy đã gửi gắm chàng Kỳ Phát cho ông giáo bằng một lời giới thiệu quý báu. Nếu cái xéc-ti-phi-ca xấu đã làm cho một thầy ký không kiếm được việc làm, một quyển li-vê xấu đã làm cho một cậu học trò không xin học được ở trường nào, thì cái lời giới thiệu chết người kia đã làm cho Kỳ Phát lần thứ hai mang tiếng là thằng ăn cắp. Cái lời giới thiệu ấy đã làm cho ông giáo Hy tự nhận mình là một nhà trinh thám.
Kết quả trước tiên của lời giới thiệu chết người ấy là ngay hôm đầu tiên đi học, Kỳ Phát được gọi lên trước bàn học, ngớ ngẩn trước cặp mắt trố và to của ông giáo Hy:
- Tôi bảo cho anh biết trước: anh không bướng được với tôi đâu! Hừ, bé ăn trộm gà, nhớn ăn trộm trâu! Anh trừng mắt nhìn tôi đấy, phải không? Lần đầu tôi tha cho không đánh đòn, nhưng anh phải chép, đến chiều nộp, câu này: “L’honnêteté est la mère de toutes qualités.” Thôi, về chỗ!
Ông giáo Hy đã thực hành câu: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy học trò từ thuở bơ vơ mới lại!
2
KHÔNG CÁNH MÀ BAY
Một hôm thứ bẩy, trời rét như cắt, ông giáo Hy thu thủ trong chiếc áo ba-đờ-suy, đi bộ từ nhà sang trường. Gió lạnh, tuy ông đã kéo cổ chiếc áo dạ lên tận gáy, thế mà chiếc mũi ông, vừa cao vừa to, cũng bị cóng mà thành ra đỏ. Ông tới trường, bắt tay các bạn đồng nghiệp, rồi nhìn đồng hồ nhà trường lấy lại đồng hồ của mình, và ra bàn nước, hút thuốc. Ông thở hơi khói thuốc lào, uống hụm nước lạnh. Thấy hơi bức, ông quay về lớp, treo chiếc áo ba-đờ-suy lên mắc rồi nói chuyện với các bạn hữu.
Một lát sau, trống trường điểm ba tiếng vào học, ông giáo Hy thong thả bước về lớp, vỗ tay cho bọn học trò xếp thành hàng vào.
Rồi ông thò tay vào túi áo khoác, treo trên mắc, lấy chiếc đồng hồ ra. Ông vừa toan quay bước lên bục, song ông thoáng nhìn đồng hồ, ông dừng bước, đưa đồng hồ lên tai nghe. Ông sẽ lắc đồng hồ cho chạy nhưng có lẽ chiếc đồng hồ của ông vẫn nhất định chết nên ông đành cau mày thở dài, rồi lại bỏ đồng hồ vào áo ba-đờ-suy.
Xong ông lên bục dạy học trò như thường. Thời khắc qua… Tới giờ chơi ông giáo Hy lên buồng trên uống nước. Trước khi ra khỏi lớp ông còn quay lại mà bảo Kỳ Phát, hôm đó chàng còn phải ở lại trong lớp chép bài vì chàng giữ Cahier de Roulement.
- Anh bướng vừa chứ, ngồi mà chép bài thực cẩn thận không có chốc nữa tôi soát lại còn “phốt” thì chớ chết!
Giờ chơi vào, ông giáo Hy vẫn dạy học như thường, nhưng tới lúc trống về, ông mặc áo ba-đờ-suy vào, ngẩn người tìm tòi hết túi trong, túi ngoài, rồi bỗng giận dữ bảo tụi học trò:
- Hãy khoan, không được ra vội!
Rồi ông thở dài, lắc đầu gọi:
- Kỳ Phát, anh lên đây tôi bảo.
Cả lớp đều ngạc nhiên, ông giáo Hy nhìn Kỳ Phát từ đầu đến chân rồi chép miệng:
- Gớm thật!
Kỳ Phát ngạc nhiên, chàng tức mình vì thấy bọn học trò đứng xung quanh nhìn chàng như nhìn một con vật lạ:
- Thưa thầy bảo con gì ạ?
- Lại còn bảo gì? Thôi anh đừng vờ nữa, muốn sống thì đưa trả ngay đây!
- Thưa thầy trả cái gì ạ?
- Này trả cái này!
Vừa nói, ông giáo Hy vừa thuận tay tát cho Kỳ Phát một cái tát đổ hào quang hai mắt. Bản tính Kỳ Phát rất bướng, hắn chỉ nhịn nhục có chừng thôi, khi quá mực thì không chịu nữa. Hắn đỏ mặt nhìn thầy giáo:
- Nào tôi có lấy cái gì?
- Phải, không lấy, chỉ lấy cái đồng hồ thôi!
Bị người vu oan, Kỳ Phát nhất định cãi:
- Tôi lấy bao giờ, không tin thì thầy khám cặp tôi mà xem.
Ông giáo cười nhạt lắc đầu:
- Thôi đừng gái đĩ già mồm nữa! Tôi còn lạ gì cái phường ăn cắp, đứa nào lấy chẳng tẩu tán tang vật ngay đi dại gì lại giữ trong mình để người ta khám thấy!
- Thế thầy lấy cớ gì mà bảo tôi lấy cắp chiếc đồng hồ của thầy?
Ông giáo Hy bị Kỳ Phát hỏi vặn thì tức lắm. Phải, làm một ông giáo mà bị học trò hỏi vặn thì còn giời đất nào chứng cho nữa?
Ông giáo cười gằn mà bảo Kỳ Phát:
- Cần gì phải chứng cớ! Thì ai còn lạ gì tính anh, đến mẹ anh cũng còn bảo tôi hôm xin cho anh vào học: “Cháu nó có tính gian lắm, ông phải coi chừng!” Thì gian nghĩa là gì? Gian nghĩa là ăn cắp! Hãy hỏi từ lúc vào học đến lúc về lúc nào tôi cũng ở trong lớp trừ lúc giờ chơi, thì lại chỉ có mình anh ở trong lớp. Vậy trừ anh ra thì còn ai vào đây mà lấy nữa?
Ông giáo Hy suy xét như vậy thì thật là hợp lý, nhưng còn nhiều chỗ ông không biết đến cũng như ông không biết rằng cái người đàn bà ông bảo là mẹ Kỳ Phát không phải là mẹ, mà chỉ là người dì độc ác mà thôi!
3
MỘT ÔNG GIÁO
KIÊM NHÀ TRINH THÁM
Thế là ngay lúc bấy giờ, ông giáo Hy theo Kỳ Phát về nhà, ông lập tức phân bua câu chuyện cho mọi người nghe:
- Thực là mất biến nhanh như điện. Thì buổi sáng hôm nay, lúc 7 giờ, tôi ở nhà đi lại trường. Việc thứ nhất là tôi lấy lại đồng hồ vì chiều nay tôi có việc cần phải đi Hà Nội cho đúng giờ. Nhưng đồng hồ tôi mỗi ngày nhanh 15 phút, bởi vậy lúc đó tuy đồng hồ nhà trường đã 7 giờ 15 mà tôi lấy đồng hồ tôi đúng 7 giờ, vì tôi ước lên tới Hà Nội đồng hồ chạy nhanh lên thì vừa đúng.
Lấy lại đồng hồ xong, tôi bỏ vào túi áo ba-đờ-suy, treo ở lớp, rồi ra nói chuyện với các ông giáo. Lúc trống vào học, tôi vừa toan lấy đồng hồ ra để dạy học trò, thì đã thấy đồng hồ chết lúc 8 giờ kém 5, nên tôi đành bỏ vào túi áo. Lúc giờ ra chơi thì tôi cũng để đồng hồ ở trong lớp, có ngờ đâu lúc tan học sờ đến đồng hồ thì đã mất từ bao giờ.
Người anh họ Kỳ Phát hỏi:
- Nhưng tại sao ông giáo lại nghi cho Phát lấy?
- Khốn nạn, không nó lấy thì ai vào đây nữa. Sáng nay, trong lúc giờ chơi, chỉ có nó là được phép ở trong lớp mà thôi! Nhưng mất chó phải rào rậu, từ nay tôi cấm hết tất cả học trò, không trừ một ai, được lai vãng trong lớp lúc giờ chơi nữa.
Người anh họ quay lại bảo Kỳ Phát:
- Thôi, anh có trót dại thì đưa trả ông giáo đi!
Kỳ Phát lặng yên không trả lời. Trong óc chàng hình như đang mải nghĩ điều gì.
Ông giáo Hy thấy Kỳ Phát không nói thì nhìn thẳng vào mặt chàng mà bảo rằng:
- Lặng im nghĩa là thú tội, vậy anh lấy giấu đâu đưa trả tôi, rồi tôi tha cho.
Kỳ Phát cũng vẫn không nói. Không thể nén giận được nữa, ông giáo dí ngón tay vào trán Kỳ Phát, nghiến răng, rít lên rằng:
- Mày to gan lắm, và sau thì đi ăn cướp, con ạ!
Bây giờ Kỳ Phát không uất ức nữa và manh mối vụ trộm tuy nhỏ nhặt nhưng lạ lùng này chàng đã đoán được cả rồi. Chàng chỉ cần suy nghĩ kỹ lại xem những điều mình ước đoán có đúng không.
Nhưng chàng đã đoán trúng.
Chàng vui mừng lộ ra nét mặt, không nghĩ ngợi gì vì trong óc chàng đã có một kế hoạch hành động hẳn hoi.
Buổi chiều hôm đó, ông giáo Hy cũng yên trí vào lớp dạy học với một kế hoạch hành động. Việc thứ nhất là ông bắt Kỳ Phát quỳ ở một góc lớp với một chiếc biển treo lủng lẳng trước ngực, trên đề mấy chữ: “Je suis un voleur”, rồi ông ra lệnh cho tất cả học trò từ nay không ai được bén mảng vào lớp nữa.
Tuy bị hình phạt một cách đê nhục như vậy, Kỳ Phát cũng không để ý gì mấy, bởi lẽ trong óc chàng đương bận nghĩ ngợi, đắn đo thử xem những điều dự đoán của mình có thể sai nhầm được không. Nhưng chàng đã nghĩ kỹ lắm mà không hề thấy có chỗ sơ sót nào, nên bỗng sung sướng và mỉm cười! Cái mỉm cười ấy, cũng không thoát khỏi cặp mắt rình mò của ông giáo Hy. Và thấy thế, ông cau mặt tức tối lắm rồi quả quyết lẩm bẩm:
- À, mày cười, mày tưởng tao không có cách gì bắt quả tang mày được hay sao, trứng lại đòi khôn hơn vịt à?
Và bởi thế, trong lúc Kỳ Phát quỳ mà ngẫm nghĩ xem mình nên hành động như thế nào cho tới kết quả thì ông giáo Hy cũng đi đi lại nghĩ phương pháp điều tra bắt thủ phạm của mình!
Một lát sau, tới giờ ra chơi, ông giáo Hy bảo tất cả học trò rằng:
- Từ hôm nay, dù giữ Cahier de Roulement nữa, tôi cũng không cho phép một người nào được vào trong lớp trong giờ nghỉ. Ai mà không tuân lệnh sẽ bị phạt nặng!
Nhưng sau khi nói thế, ông gọi một ông giáo lớp bên cạnh vừa đi ngang qua đó mà bảo rằng:
- Bác Huỳnh, bác làm ơn trông hộ học trò tôi ở sân, tôi vãng qua nhà lấy cái này một tý rồi lại sang ngay.
Rồi ngoảnh lại Kỳ Phát, ông quát:
- Còn mày thì cho ra sân chơi một tý rồi lát nữa lại vào quỳ!
Kỳ Phát sung sướng đứng dậy, ra sân chạy quanh mấy vòng cho đỡ cuồng chân, vì quỳ luôn mấy giờ đồng hồ, chàng thấy hai đầu gối tê buốt như dần. Kỳ Phát để ý xem kỹ, thấy suốt mấy dãy lớp, không có một ai qua lại, bọn các ông già chia ra kẻ thì đi lại trong sân để coi sóc học trò, người thì đứng xúm lại bàn uống nước, vừa hút thuốc, vừa nói chuyện.
Kỳ Phát thấy không một ai để ý đến mình thì yên dạ, len lén ra phía sau trường, vòng đến chỗ lớp mình, rồi nhanh nhẹn nhẩy qua cửa sổ vào lớp. Không ngần ngại gì cả, chàng lập tức đến ngay bàn Sáu, một người bạn học mình, ngồi ở cuối bàn thứ ba. Chàng vội vàng lục chiếc cặp của Sáu, rồi tỏ vẻ thất vọng, xếp trả vào ngăn bàn, sau đó lại sang chỗ ngồi của Thái, ngồi ở đầu bàn nhì. Lần này, sau khi xem kỹ lưỡng hơn, và để ý cúi sát xuống mặt ghế, nhòm vào trong ngăn, Kỳ Phát hình như cũng vẫn chưa tìm thấy cái mình định tìm nên lắc đầu mà thở dài. Liếc nhìn ra sân, Kỳ Phát thấy bọn học trò vẫn vui chơi, và mấy thầy giáo vẫn ung dung chắp tay sau lưng đi đi lại lại, thì cũng yên bụng, lại đến chỗ ngồi của Sâm và lần này cũng lại cúi lục cặp như hai lần trước.
Và lần này nữa, chàng lại lắc đầu, xếp trả cặp sách vào mà đứng dậy. Song bỗng Kỳ Phát thoáng trông thấy cái gì ở trên mặt bàn, chàng sung sướng lộ ra nét mặt, lập tức cúi xuống xem xét rồi lại lấy trong đám sách ra một mảnh giấy thấm mà lau đi lau lại mặt bàn. Sau khi lật chiếc giấy thấm lên xem. Kỳ Phát thở mạnh vui vẻ reo lên rằng:
- Đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!
Nhưng cũng ngay lúc này, một tiếng reo khác tiếp liền, to hơn và già dặn hơn:
- Đúng rồi, không còn nghi ngờ gì nữa!
Thực là chẳng khác nào một tiếng vang vậy. Tiếng vang ấy lại nói thêm:
- Mày tưởng khôn hơn tao hẳn, con ơi!
Kỳ Phát sợ hãi nhìn lại, thấy thầy giáo Hy lúc này đương vui vẻ chống tay vào bậc cửa sổ mà nhẩy vào. Hăm hở, thầy tóm lấy gáy Phát, du một cái cho ngã xuống đất rồi xách một cánh tay ra đến cửa lớp, trông chẳng khác gì anh hàng thịt chó lôi xềnh xệch con vật khốn nạn rong đường. Rồi vẫy tay gọi bọn học trò chơi gần đấy, cùng những bạn đồng nghiệp của mình đến mà dõng dạc chỉ Kỳ Phát mà nói với mọi người rằng:
- Này, lại mà xem, thằng ăn cắp bị tôi bắt quả tang… Nó cũng ranh lắm, lúc tôi vờ có việc qua nhà, thì nó chưa vào lớp ngay, hãy vờ chạy chơi ngoài sân một vòng đã. Nhưng tôi còn hơn nó nhiều, tôi vẫn nấp rình ở phía ngoài, đợi cho cu cậu lẻn ra phía sân sau, nhẩy qua cửa sổ mà vào lớp, tôi mới lẻn trở vào rồi theo đến cạnh cửa, đứng đợi ở ngoài xem cu cậu làm những trò gì! Quả nhiên nó không ngờ gì hết, lục hết ngăn này đến ngăn khác, ý hắn để xem trong có để tiền, hoặc có sách thì ăn cắp…
Nhìn mọi người khắp lượt như để khoe khoang cái tài trinh thám của mình, ông giáo Hy tiếp:
- Từ hôm tôi mất chiếc đồng hồ, tôi đoán chắc thế nào thấy ngon quen mùi, nó còn ăn cắp nhiều thứ khác, nên để ý rình, quả nhiên không sai, hôm nay bắt được quả tang, hẳn nó không còn chối cãi vào đâu được nữa!
Rồi chấm hết cho cuộc diễn thuyết bất thường này, ông giáo Hy thuận tay, tát cho Kỳ Phát một cái rất mạnh, ngã chúi xuống đất.
Đến lúc học trò vào lớp thì sau khi nghĩ ngợi kỹ lưỡng, ông giáo Hy gọi Kỳ Phát lên trước mặt mà bảo rằng:
- Bây giờ ta hỏi mày một lần cuối cùng, mày ăn cắp chiếc đồng hồ, đem giấu đâu, hay bán đắt, bán rẻ cho ai thì lập tức nói ngay, như vậy thì ta mới có thể tha tội cho mày, nếu không thì mày sẽ chết đòn!
Kỳ Phát lặng im, nhìn ông giáo, không nói, vì chàng biết, dù mình nói ra bây giờ không đủ chứng cớ để gỡ tội cũng là vô ích mà thôi!
Kỳ Phát lặng im thế làm cho ông giáo Hy không chịu được nữa, hăm hở đứng dậy, tiến đến trước mặt Kỳ Phát, cười nhạt mà nói rằng:
- À, được rồi, mày định gan với ta có phải không? Nhưng ta bảo cho mày biết, ta đã trừng trị được những đứa bướng bỉnh gan dạ gấp mười mày!
Lặng yên một lúc, ông thay giọng, điềm tĩnh hẳn lại, gật gù mà bảo một cách nhẹ nhàng rằng:
- Thôi cũng được, nhẹ không ưa, ưa nặng, vậy từ buổi sáng mai trở đi, mỗi khi vào lớp học, học trò ngồi yên đâu đấy, là lập tức anh lên nằm ở trên bục kia, để chịu mười roi đòn. Buổi học nào cũng thế, thử xem anh gan hay tôi gan?
Buổi tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, Kỳ Phát một mình đến nhà Sâm. Sâm là con cụ chánh Bá, một người vào bực nhất, nhì trong phủ. Thấy Kỳ Phát thấp thoáng đằng xa, Sâm lúc ấy đương đứng chơi ngoài cổng, định lảng chạy vào trong nhà, nhưng Kỳ Phát đã lên tiếng gọi:
- Anh Sâm ơi! Tôi biết rõ chuyện rồi!
Sâm nghe thấy Kỳ Phát nói thế càng lộ vẻ luống cuống, đành đứng im mà đợi. Kỳ Phát đã đến nơi, thấy mặt Sâm xám ngắt, ngơ ngác nhìn mình thì bất giác thương hại, vỗ vai mà bảo rằng:
- Tôi hiểu rõ chuyện, tôi biết không phải anh định lấy cắp đồng hồ, chỉ vì tính tò mò mà bất đắc dĩ phải giữ lại như vậy. Và sau anh không dám trả nữa… Nhưng anh không nên để tôi phải đòn oan như vậy!
Sâm như hối hận, rơm rớm nước mắt nói rằng:
- Tôi không ngờ anh lại hiểu rõ chuyện như vậy. Chỉ vì tôi rút rát quá thành ra để anh mang tiếng oan… Mấy hôm nay tôi khổ lắm…
Kỳ Phát hỏi:
- Nhưng bây giờ đồng hồ đâu rồi, vẫn còn hỏng phải không?
Sâm đưa Kỳ Phát vào trong nhà, lấy đồng hồ trao cho rồi lo lắng nói:
- Nhưng anh trả cách nào để cho thầy giáo khỏi biết!
Kỳ Phát mỉm cười:
- Sáng mai tôi chỉ việc kiếm cách bỏ vào túi áo ba-đờ-suy trả thầy, rồi khi thầy hỏi, không ai nhận thì thôi chứ gì?
Sâm đưa Kỳ Phát ra cửa, sực nhớ, hỏi rằng:
- À, nhưng vì ai nói mà anh biết được việc này.
Kỳ Phát lắc đầu:
- Không, có ai biết mà nói được! Để tôi cắt nghĩa cho anh nghe, chỉ nhờ có chỗ 8 giờ kém 5 mà tôi tìm được ra người đã lấy, nói trót cầm thì đúng hơn, chiếc đồng hồ của thầy giáo Hy.
Thấy Sâm ngạc nhiên không hiểu, Kỳ Phát tiếp:
- Anh nên để ý một điều là: thầy giáo Hy sáng hôm ấy đến trường lúc 7 giờ 15. Vì thầy cần lên Hà Nội nên lấy đồng hồ lại, để chậm 15 phút vì lẽ đồng hồ thầy chạy nhanh, như vậy thì lên đến Hà Nội, đồng hồ sẽ vừa đúng. Vậy mà lúc vào học, thầy lấy đồng hồ xem, thấy đồng hồ chết và kim chỉ 8 giờ kém 5. Anh hãy nghĩ mà coi, đồng hồ của thầy giáo tuy nhanh nhưng có phải trong khoảng non một giờ đồng hồ “từ 7 giờ đến 8 giờ” đồng hồ có thể chạy nhanh lên được tới trên 15 phút không? Thực là vô lý. Như vậy, ta có thể biết chắc rằng trước khi thầy giáo vào lớp học, áo ba-đờ-suy còn treo ở trên mắc, thì đã có người lên lấy đồng hồ ra, vặn lại rồi. Tôi đoán hẳn phải có một anh bạn nào tính tò mò, nhân vào sớm giờ thấy áo thầy giáo treo trên mắc, biết trong đó có đồng hồ nên tinh nghịch lén lấy ra mở, xem máy, vặn đi vặn lại và bởi vậy làm cho đồng hồ hỏng máy không chạy nữa!
Rồi đến giờ vào học, anh chàng ấy mới vội vàng bỏ đồng hồ vào túi trả thầy, tưởng rằng thầy sẽ không để ý đến, ngờ đâu, vừa vào lớp, thầy đã giở đồng hồ ra rồi. Và cũng bởi thế anh chàng kia sợ hãi, chờ cho đến giờ chơi, lại lẻn vào lớp, định lấy đồng hồ mở máy ra chữa. Song loay hoay chưa kịp lắp vào trả, vả lại đồng hồ cũng chưa chạy, anh chàng kia chợt thấy tôi ở ngoài vào (mãi về sau tôi mới nhớ lúc ra chơi tôi có bỏ lớp ra ngoài mất một lúc) không giấu đi đâu kịp, vội vàng bỏ đồng hồ vào túi và chạy ra khỏi lớp. Anh chàng này, không định lấy đồng hồ vậy mà thành ra ăn cắp bất đắc dĩ…
Sâm chú ý nghe Kỳ Phát, tỏ vẻ kính phục mà nói rằng:
- Anh kể việc đã xẩy ra đúng như hệt chính mắt anh trông thấy vậy. Tôi đã hiểu từ chỗ 8 giờ kém 5 mà anh luận ra có kẻ nghịch đồng hồ trước khi vào học, nhưng tôi cũng chưa biết vì đâu mà anh biết tôi chính là thủ phạm?
Kỳ Phát gật đầu:
- Khi đã biết thế, tôi chỉ còn nhớ ra xem trong lớp thường có những bạn nào hay đến trường sớm và hay cất sách trước vào lớp để ra sân chơi. Tôi thấy có ba, bốn anh nhưng để ý tìm tòi, không thấy cặp ai có dấu gì khả nghi cả, (vì tôi đoán có lẽ anh chàng ăn cắp bất đắc dĩ ấy không dám mang đồng hồ ra khỏi lớp ngay). Khi tìm đến chỗ anh ngồi thì tình cờ tôi thấy trên mặt bàn có vết dầu máy, khi tôi lấy giấy thấm lên lau thì vết dầu lại càng rõ rệt. Như vậy thì chắc chắn anh đã tháo máy đồng hồ để lên bàn rồi còn gì nữa.
Sâm ngắt lời hỏi:
- Có phải chính lúc anh đương vào lục xét ấy, thì thầy giáo rình, nhẩy vào, bắt gặp?
Kỳ Phát buồn rầu, gật đầu:
- Chính thế, thầy vào, bắt được tôi đương lục sách, như vậy thì tôi dù có muốn chối cãi cũng không được nữa. Vả lại, tôi đã biết anh bất đắc dĩ mà làm việc ấy, anh xưa nay vốn là một người học trò chăm chỉ và ngoan ngoãn, tôi vẫn mến, tôi tự nhiên không muốn nói rõ việc ra đợi đến tối nay, lại anh, nói chuyện cho anh nghe và bàn cách xử trí.
Kỳ Phát thuật câu chuyện này, đến đây thì lặng thinh, không nói nữa. Tôi hỏi:
- Nhưng kết quả việc này ra sao?
Kỳ Phát đăm đăm cặp mắt như nhìn về khoảng xa xôi, lâu lâu mới nói:
- Kết quả thì buồn cho tôi lắm, anh ạ! Sáng hôm sau, dù tôi đã lén bỏ được chiếc đồng hồ vào túi thầy giáo Hy mà không một ai biết rồi, lúc thầy tìm thấy, thầy cũng sung sướng như một nhà trinh thám đã tra ra án mạng, giơ cao chiếc đồng hồ lên mà bảo học trò rằng:
- Đó, các anh xem, chiếc đồng hồ bây giờ đã lại tự nhiên bay vào túi tôi rồi.
Và giữa lúc bọn học trò đương ngơ ngác, thầy vẫy tôi lên trước bàn, nghiêm sắc mặt mà bảo:
- Ta biết ngay mà, anh chắc không bao giờ gan được bằng ta. Nhưng sự thực, ta cũng không ngờ rằng mới có một trận đòn và ra lệnh mới ấy, mà sáng nay chiếc đồng hồ đã lòi ra rồi!
Nhìn tôi không chớp, thầy giáo Hy lại tiếp:
- Anh đã biết sợ, thì tôi cũng rộng lượng mà tha thứ cho anh, vậy anh hãy nằm xuống kia, tôi đánh cho anh mười roi nữa thôi, còn từ chiều thì tha cho hẳn!
Và thầy giáo Hy làm đúng theo như lời nói. Tôi lặng lẽ nằm xuống bục, chịu mười roi quắn đít, song trận đòn ấy, tôi sung sướng mà chịu, chứ không oán hận gì ai!
------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét