Nhà thơ Thế Lữ ngày trẻ |
Nhà thơ Phạm Đình Ân, tác giả công trình nghiên cứu “Thế Lữ - tác gia và tác phẩm” khẳng định: "Truyện kinh dị Thế Lữ là những tác phẩm văn xuôi mang tính nghệ thuật, có một vẻ đẹp riêng và hấp dẫn, cho thấy một khía cạnh khác đáng lưu ý ở tài năng Thế Lữ. Truyện kinh dị Thế Lữ cũng có chất thơ, chất lãng mạn, xen kẽ các chi tiết và ẩn vào bên trong, không cần theo đuổi những yêu cầu của thể loại. Tác giả không nghiêng về việc tìm hiểu, mô tả, khoe hay giãi bày kiến thức."
MỘT TRUYỆN GHÊ GỚM
Tác giả Thế Lữ
- Phải, thực là truyện
ghê gớm, truyện dị thường mà ghê gớm nhất là vì có thật, không huyền hồ như những
truyện cổ tích yêu quái lạ thường nghe kể lại hay thường đọc thấy trong những tập
truyền kỳ.
Ông cụ ngồi tiếp truyện
mây ông khách người làng, ngừng lại để rót thêm nước. Trên khuôn mặt rắn rỏi,
đăm đăm một vẻ trang trọng ưu tư. Hút tàn mồi thuốc lào, uống cạn một bát chè
tươi, ông hắng giọng rồi lại nói:
- Tôi bình sinh biết
đã nhiều truyện kỳ dị mà không hề có thấy kinh lạ sợ hãi, vì mình đã biết trước
là những điều hoang đường không đáng tin. Nhưng đến câu truyện này thì lại
khác. Chính tôi phải một phen hút chết ở câu truyện này đây. Các ông ạ, mỗi lần
một bóng một mình trong lúc đêm khuya mưa gió sùi sụt, mà nghe thấy tiếng ễnh
ương nó ỳ oặc, tiếng ếch nhái nó nghiến răng bốn bề, tôi lại nhớ ngay đến truyện
trước. Bên tai như vang những tiếng người chết nó cười, nó kéo từng đoàn từng
lũ đến đầu giường tôi nằm mà tranh nhau nguyền rủa tôi. Cố tình quên cũng không
thể được. Tôi đã trải một bước nguy hiểm quá, phải một phen khiếp sợ thái quá,
hầu như lạc mất hồn vía, còn sống lại chỉ như để mà nhớ mãi, tâm trí như cái
kho tích chứa bao nhiêu điều quái gở đã qua.
Năm Minh Mệnh thứ
sáu, tôi hỏng kỳ thi hội lần thứ ba. Bấy giờ tuy mới hăm hai tuổi, nhưng khí
khái càng mạnh thì thất vọng càng sâu, uất cho phận mình lại càng khinh những
tài học non nớt mà gặp vận. Ba kỳ thi lạc đệ, nhà lại nghèo thêm, sinh ra chán
ghét đường công danh, lấy cớ không đủ lực theo đuổi khóa sau mà coi rẻ việc đèn
sách. Nhân vẫn tập tành mấy món võ nghệ, sở đắc về đường quyền kiếm cũng không
đến nỗi thiếu kém, nên cái lòng ưa mạo hiểm bốn phương được thể ngày một thêm
hào hùng. Tôi bèn quyết chí bỏ làng, viết một bài ca từ gửi cho mấy người trong
chỗ thân bằng gọi là đáp lại những lời khuyên can, mà cũng là để từ biệt hẳn cái
đời văn chương kinh sử.
Rồi “bán kiên hành lý
nhất thân khinh”, cuộc đời giang hồ kể lắm bước gian truân nhưng cũng đem lại cho
mình nhiều cái thú đột ngột.
Hồi đó, mấy khúc trường
hành của tôi làm từ ngày còn ham mê đường khoa hoạn, vẫn được cái may là gợi
hào hứng những bạn tri kỷ không quen biết ở nhiều nơi. Vì thế mà có được những
cuộc gặp gỡ thực bất ngờ, nhân mới nhận ra rằng mỗi bước đường đi lại khiến
mình sợ hãi thay cho cái lúc do dự toan ở lại với nơi quê quán. Mỗi bước đường
đi, lòng được quyến luyến thêm một cảnh lạ người mới, trí được phong phú thêm
những tư tưởng đằm thắm, những kinh nghiệm không thường.
Nay đó mai đây, khi
lưu luyến hằng năm ở một miền sơn thôn bình tịch, khi thì ngày ngày lận đận qua
những miền thâm u thưa vắng bóng người. Bất cứ ở đâu, dù xa xôi hiểm trở đến
đâu cũng mặс, hễ nghe có tiếng bậc ẩn sĩ hay có tay võ nghệ cao siêu, thì thế
nào tôi cũng phải tìm gặp. Đó là hữu ý mà đến, những cũng có những phen tình cờ.
Một lần, người ta chỉ lầm đường, tôi lạc vào sào huyệt của một bọn cường khấu.
Ngót nửa năm trời, mình phải làm một hảo hán bất đắc dĩ, qua được những tai
nguy là nhờ có phần quyền thuật đã thêm vững chãi, mà trốn được thoát cuộc đời
hung bạo ấy, lại là nhờ ở phần mưu trí nhà nho. Kể cái hồi gian hiểm sống chung
với bọn cướp rừng này cũng lắm trặng ly kỳ. Nhưng so với câu truyện dưới đây
thì cái tính mệnh của tôi lần trước chỉ như mới vướng phải bụi gai, còn lần sau
thực như sa vào cạm ác thú.
Cũng vì cái tai tiếng
là đã đi với kẻ cướp mà tôi không ở yên được một chỗ. Người đời đã hay nghi kỵ,
lại nhân cái tính tình phóng lãng của mình không hợp với thói lệ thường ngày,
ác cảm dễ sinh, rồi do thế, một lời đắc ý ngang tàng hóa thành những lời võng
ngạo. Tôi đang ngồi dạy lũ trẻ ở nhà một người riêng có bụng mến mình thì được
tin có trát nã gấp. Một ông bạn tâm phúc đến bảo mình rằng những bài ca từ của
tôi súc tích những ý phạm thượng, mà cái hình trạng ban nghịch đã lộ rõ ở thái
độ của tôi, ở cuộc đời của tôi, nhất là ở hồi gần đây tôi “đã từng giao thông với
quan giặc cướp”. Tôi biết trước, một án cữu như thế chỉ có mọt hình pháp, mà những
người đã kết án, tôi lại biết là một vài người đồng học với tôi trước kia… Tìm
cách minh oan tức là làm việc tối vô ích. Tôi chỉ còn một kế là lại đi. Bước
giang hồ chỉ như mở rộng thêm, xa thêm. Chỉ khác là cuộc đời lữ thứ của tôi từ
đó lại canh cánh một nghĩa nữa là đời phóng trục. Mình tự phóng trục mình, mà
đi là không hẹn ngày về.
Tôi theo đường tắt
qua Lạng Giang. Ở Yên Thế ít ngày, rồi đi ngược sâu mãi vào trong cảnh sơn lâm,
đổi họ đổi tên, nhưng tính danh dù để nguyên cũng vô hại. Bọn Nùng, Thổ man dã ở
các nơi tôi đến trú ngụ là những người chất phác, tôi có đem hết nỗi bất hạnh của
mình nói thực ra, họ cũng vẫn quý mình như lúc họ mới biết.
Sống chung với người sơn dã, quen phong tục, thuộc ngôn ngữ, tôi dần dần cũng thấy tâm tư đơn giản như họ, rồi thành yêu chung trọng lẫn, tôi nhiều lúc coi mình là người đường rừng mà vẫn lấy làm vui. Trước còn ở miền dưới cũng thừa thấy yên thân. Nhưng lâu ngày quên cả truyện trước, tính thích xông pha lại đến giục giã, tôi cứ lần hồi đi ngược mãi lên. Mỗi bước như một kích thích thêm lòng hiếu kỳ. Trong cái phong thổ rừng thiêng nước độc, còn chứa chất không biết bao nhiêu sự dị thường lẩn quất ở bóng tối vòm cây, ở giải nước sâu váng xanh, ở những trận gió ồn ào như có rất nhiều thanh âm gở lạ. Tiếng chim kêu cũng phảng phất thành những lời nói. Những tên đất, tên làng là những tên, những tiếng khác tai. Mỗi cảnh vật đều có một sự tích oan khiên, hay khủng khiếp. Tôi từng nghe tiếng ngọn suối ban đêm như than khóc, người thổ nói là tiếng kêu khóc của đôi trai gái bị hại ở lưng bờ. Hang núi, mạch rừng, thác, đèo... mỗi nơi có một tên phát tích ở một truyện thảm khốc hay rùng rợn. Bóng oan khuất như gây ra các sự kinh hoàng, người ta dù cứng bóng vía đến đâu cũng không thể không thấy một thứ ghê rợn lạnh lùng rất khó nói. Đâu đâu cũng toàn là những truyện kinh người hết. Nào truyện ma gà, truyện hùm tinh, truyện lợn biết hát, truyện thần rắn, truyện Mán làm mắm trẻ son... Họ thuật lại cho tôi nghe như những việc hiển nhiên, sự khủng khiếp lộ ra trên nét mặt kính cẩn đạng đột.
*
**
Chỗ tôi ở lâu nhất là
một làng ở phía bắc trấn Lạng Sơn, tên gọi là Bản Khau, hay là Khau Gié. Tiếng
là một làng, song chỉ lác đác mươi nóc nhà tranh, hoặc dựng cao trên sàn hoặc
lèn đất làm tường. Dân cư, phần lớn là người Nùng, sinh nhai bằng nghề trồng hồi
với nghề săn bắn. Người Nùng ở đấy săn rất giỏi, cung nỏ bách phát bách trúng,
lại riêng có tài dùng hỏa mai học được chẳng biết ở một người Tàu nào họ truyền
dạy cho đã lâu đời. Những cuộc đi săn của họ, họ coi quan trọng lắm: rất nhiều
nguy hiểm mà cũng cực kỳ vui. Tôi ở với họ liền ba bốn năm, rất lấy làm vừa
lòng, không muốn đi nơi khác nữа. Khi nào săn ở rừng xa, rừng dữ, thì gần hết cả
làng cùng đi.
Lần ấy định sẵn ở tận
Lũng Sa, Mùng Sáy, gần miền cương giới. Sáng hôm đi, bạn săn dậy thực sớm. Hơn
hai chục đàn ông, tay lao tay nỏ, gậy guộc khí giới đủ mọi thứ, cơm nước xong,
mọi người đeo theo một nải gạo hoặc lương khô đủ dùng trong mười mấy ngày. Đàn
bà con trẻ với những ông cụ già tuổi quá thì sắm sửa giúp những vật dụng lặt vặt.
Đầu canh tư thì lên đường. Bọn ở lại ra tận đầu làng tiễn chân. Gặp những dịp
này, tôi là người hăm hở bận rộn hơn hết, vì mỗi năm họ mới đi như thế có một lần,
vào hồi cuối thu.
Từ canh tư hôm trước,
đi không nghỉ. Đường càng gần tối càng gập ghềnh. Phải qua những nguồn suối dềnh
lên một mặt bất ngờ, có khi phải chịu ngừng lại lâu, ngồi đợi cho nước rút xuống.
Qua canh năm đêm hôm sau thì đã trông thấy Lũng Sa. Sương còn đặc. Giải rừng lớn,
hinh bóng còn chập chờn. Tuy mô núi không cao, xem ra chỉ ấp thoai thoải giữa
những đồi trụi mống trọc ký khu hơn nhiều, nhưng cứ nhìn cái dáng lù đen của những
vòm già lá kết, cũng đủ đoán biết cái tính ác dữ không phải là ngoa truyền.
Lũng Sa có tiếng là hoang hiểm. Thực là một cảnh săn tốt đối với con nhà đi
săn.
Chúng tôi không ai tưởng
đến nghỉ ngơi, thẳng bước vào tìm chỗ làm chòi. Trú ngụ ở đâu khác, cũng làm
cho dân làng quanh quất đó kinh nghi. Đi toán đông thì chỉ ăn ngủ ngay trong rừng
là tiện.
Tìm được một khoảng vừa
ý, từ cửa rừng đi vào không xa lắm, chúng tôi đang chia nhau người đẵn cây, người
kéo lá, thì một anh trong bọn bỗng reo lên, gọi tất cả chạy đến một đám cây thắp
bùm tum. Phát cành rứt rợ vào хеm, thì ra đấy là một tòa cổ miếu. Chung quanh
miếu có tường quây, nhưng tường phần lớn sập đổ gần tới móng. Mái cũng vậy, bẹp
chĩu dưới những đợt lá nặng, chỉ ở một góc bên trong còn lại dấu vết mấy chiếc
rầm mục với vài ba miếng ngói đen sì. Ánh sáng qua những tán cây soi xuống tha
hồ. Trước miếu có một khoảng sân khá rộng, gạch đã nứt vỡ hay bật chồi lên vì rễ
cây to, mà hầu hết bị cỏ lá với đất rêu phủ kín khắp mặt. Không còn cảnh nào có
vẻ hoang phế hơn nữa. Cả cái bệ chính giữa cũng lở nứt, có chỗ như bị xô, bị
húc nhiều lần. Hương khói lạnh lẽo hẳn đã lâu lắm rồi, sự linh thiêng có lẽ
không bằng một cái chòi lá đơn sơ dựng ở một quãng nách đèo hay hốc suối. Nhưng
tôi vẫn lấy làm nghĩ ngợi mãi, trong lúc bọn người Nùng sạo sục mà chẳng thấy
gì thêm. Miếu tuy bỏ vắng, nhưng cũng đã phụng sự một uy quyền nào ở đây, không
thì cũng đã yên ủi một vong hồn bị oan khuất. Cái nơi nguy hiểm ghê gớm là cảnh
rừng này, một thuở xa xăm nào đó, cùng đã từng có vết chân người. Mấy chữ đá thảo
còn sót lại ở những chỗ trước kia là cột viết câu đối. Tôi không thể nào đọc
rõ: hằn chữ với màu mực đã mòn lẵn mất hết. Một mảnh đại tự mập mờ không đủ cho
mình đoán được là chữ “Hải” hay là chữ “Mai”.
Có người bàn nên dùng
chỗ này, đắp đất chất gạch cho cao tường thêm, để thay cho cái chỗ ở bằng chòi
định làm khi trước. Ý kiến ấy được mọi người khen hay. Chúng tôi liền đem chỗ
cây, lá, mây, nứa, đá kiếm được, chất cả lại trước khu miếu. Rồi lèn vách, trồng
cột, lợp gồi, đan liếp… không mấy chốc dựng thành cái nhà một gian rộng rãi, có
tường dầy, có cửa phên chắc chắn, vừa làm nơi ăn chốn ngủ, vừa có chỗ chứa sấy
vật săn được, tiện lợi không đâu bằng. Làm xong nhà thì ống cơm nếp lùi cũng vừa
chín, chúng tôi ngả lưng ra ăn uống no nê rồi vun thêm lá khô bên ngoài giải
lèn đất mà nghỉ ngơi.
Đi đường xa, lại vừa
lợp lát tuy có mệt nhưng tôi cũng không muốn ngủ. Mình là người hay thẩn thơ gặp
cảnh lạ, cảnh mới bao giờ cũng thấy lòng bồi hồi náo nức. Tôi ra cửa ngồi đó một
mình. Cái khoảng phát quang chạy ngang trước mắt như một con đường, mà bên kia
đường chằng chịt, uốn éo chúm rủ cả một phần rừng xanh lúc đó như sấn lại trước
mặt. Tôi vui mắt mải xem bầy khỉ đu nhẩy trên những dâv võng cành lá gần đó. Một
vài con mễn xuống bám ở những chạc thấp nhất, nhòm nhòm nghé nghé vào gian nhà
mới của chúng tôi ra vẻ hết sức ngạc nhiên.
Bỗng có tiếng lạ tai.
Tôi giật mình. Cùng một lúc với tiếng sột sạt, lùm cây rậm trước cửa rung động
một vẻ khác thường. Hình như có một con vật đang rẽ lá lách cành mà tiến đến.
Tôi sửng sốt, đứng phắt dậy, quay vào trong lều. Các bạn săn ngủ ngon giấc quá.
Tôi không đánh thức ai vội, vớ lấy một cái nỏ, chĩa vào lùm cây, một hai chỉ đợi
bắn. Thì lùm cây lại thấy yên, không còn rung rẩy nữa. Nhưng có tiếng chân rẽ về
phía khác. Bước chân mau nhẹ, dẫm lên một lối chừng quang phẳng nhất, mà nghe mỗi
lúc một xa dần. Tôi đoán có lẽ không phải là thú dữ, vì nếu phải, tất nó đánh
hơi thấy, đã xông ra hại mình rồi. Nghĩ thế nên vững tâm hơn, tôi liền rẽ
ngang, chạy theo một lối nhỏ, cây thưa, cứ tiếng chân dẫm lá của con vật làm chừng
mà đuổi nó. Tôi hết sức đuổi, сố tình tìm bắn cho bằng được. Được chừng quá
trăm bộ đến một chỗ ngoặt, cây chen mau, nhưng lối không dốc, tôi sấn bước nhảy
cho chóng tới gần con vật. Thoáng một cái, trong một vùng quang có ánh nắng ló
xuống tận cỏ, tôi thấy bóng một người. Không thể trông rõ mặt được: tuy cách
nhau chỉ vài chục bước nhưng hắn lẩn nhanh lắm, như biến vào đám cây lá, mà từ
lúc ấy, không để lại một tăm hơi nào. Chỉ kịp nhận ra là người ấy to béo, quần
áo màu chàm bạc, đầu lại có đuôi sam. Chắc hắn là một người Tàu. Nhưng người
Tàu ấy là hạng người nào, ở đâu đến đây, mà đến cái chốn nguy hiểm này làm gì?
Bảo là đi săn chăng? Người Tàu họ không săn ở đây. Mà có chăng nữa tất phải đi
thàn đoàn, thành bọn; mấy ai dám xông pha vào một mình. Điều kỳ dị hơn nữa là
sao hắn lại có vẻ lẩn lút, thấy tôi lại trốn chạy như một kẻ gian đồ? Hay có lẽ
hắn quả là một tên cường bạo? Một tội nhân vượt ngục hay một kẻ vong mệnh bị
truy tầm tróc nã gì đây chăng?
Tôi vừa quay trở về vừa
nghĩ bụng thế, thỉnh thoảng vẫn rờn rợn ngoái lại đằng san. Về nhà, ngồi vẩn vơ
mãi cũng không đoán rа người khách ban nãy là người thế nào. Bọn người Nùng ngủ
dậy, thấv tôi vẫn tư lự. Tôi đem việc vừa rồi kể lại rành mạch cho họ nghe.
Không ai tin. Họ bảo tôi rằng không có gì đâu, không đời nào có người dám táo tợm
một mình vào trong nơi ghê sợ này như thế cả. Tôi nói là chính mắt tôi trông thấy
người khách, tôi lại cầm chính cái nỏ kia đuổi theo hắn. Họ vẫn một mực không
chịu tin. Mà như thế không phải để chọc tức tôi. Họ quả quyết bảo không thể có
người nào dám cả gan vào rừng này được. Người nhiều tuổi nhất trong bọn phân giải
câu chuyện tôi như thế này: cái người mà tôi trông thấy, không phải là người. Hẳn
trước đây có anh khách nào đó, vì không biết mà đi qua rừng một mình rồi bỏ mạng;
vong hồn không tiêu tan được, vẫn lẳn quất ở đây, rồi bây giờ làm ma rừng, hiện
lên để trêu tôi đó. Rồi mọi người thành thực tin, khăng khăng tin là thế. "Phải,
phải, ma khách đấy. Ở trong rừng thì nhiều ma lắm, nhưng đừng sợ nó thì nó sợ
mình". Trí nghĩ họ thực đơn giản quá. Tất nhiên tôi không thể cũng tin như họ
được, nhưng cũng không сố biện bạch làm gì, dẹp chuyện đó lại cũng như họ thản
nhiên gạt hẳn ra ngoài tâm trí. Đến lúc sửa soạn khí giới, bàn tính cuộc săn
đêm, thì tôi cũng không còn chút băn khoăn nào nữa.
Chúng tôi ở đó được
ba hôm, ngày thì ngủ, đêm lại đóng cửa kéo nhau khua động vây đón rộn cả mấy
khu rừng. Săn có hai đêm mà được cả một cặp hổ, con đực to lớn lạ thường, hai
con hoãng, ba con nai, một con hươu nhung. Hổ thì chỉ lột da, dóc cốt. Những
con khác mới giữ lấy cả thịt, phần lớn phơi, sấy hoặc ướp; còn thì nướng ăn tại
trận cùng với lương thực đem theo từ nhà. Vụ săn xem chừng còn may mắn nhiều;
cuộc xông pha càng nguy hiểm càng thấy có hứng thú. Mọi người đều lấy làm vui vẻ
sốt sắng, thường cười nói bảo nhau: "Trời giáng thiên tai cho rừng nàv nên sai
toán thiên tướng chúng ta xuống sát phạt một mẻ".
Chiều ngày thứ ba,
tôi thức dậy trước nhất. Tôi mở cửa vừa bước chân ra khỏi miếu, vụt đã thấy
bóng người khách kỳ dị hôm đầu. Lần này thì tôi trông thấy mặt cùng với nửa người
phía trên của hắn. Khuôn mặt to phính, nhô rа giữa cụm lá, lặng lẽ mà nham hiểm,
lại như vừa ngạc nhiên vừa căm tức. Trong có giây lát mà hình ảnh ấy như in mãi
trong tâm trí tôi. Nhất là hai con mắt xếch của hắn tuy nhỏ mà sáng lạ, sắc lạ,
long lanh một vẻ độc ác ghê người. Thấy tôi, chừng sững sờ, hắn chưa kịp lủi. Rồi
tức khắc, hắn thụt vào mau như kiến. Thoáng cái đã mất hút y như là không có
bao giờ! Tự nhiên cơn giận bừng bừng nổi, tôi trở vào, vớ lấy cái cung sắt lớn,
miết đuổi theo. Tôi không cần gọi bọn người Nùng, rắp tâm hễ trông thấy thì dù
là người khách hay là ma khách tôi cũng bắn chết.
Tôi sấn chạy vào lối
hắn lủi, nhẩy những bước rất táo tợn qua những đám gai góc. Đuổi một chặp hết sức
khẩn bách, tôi đã trông thấy hắn chỉ còn cách tôi độ năm chục bộ. Sợ hắn sớm
lách vào đám rậm mất, tôi không đợi gần đích, vừa chạy vừa giương cung. Khoan
bước để hất một cành lá đâm ngang, thì thằng khách đang khom người. Nó tìm cách
lẩn đấy! Tôi liền phóng ngay phát tên ra. Rắc, rắc! mấy tiếng cành gẫy cùng với
tiếng lá xô. Mười phần chắc bắn trúng cả mười, nhưng trông lên thằng khách đã
đâu mất. Rồi, ngay lúс ấy, từ cái phía sột soạt ấy, một vật loáng dài như một
thân cây, quẫy cựa trong khoảng vòm tối tranh sáng. Tôi nhận ngay ra là con
trăn! Một thứ trăn lớn nhất, khoẻ nhất. Nó lẳng lặng mà tiến thẳng lại trước mặt
tôi chậm chạp lừ lừ, lại có vẻ thản nhiên, nhưng quả thực là ghê gớm! Tôi biết
cái nguу hại cấp thiết đến bực nào rồi. Phát tên vừa buông đã thành hư vô. Rút
bắn phát nữa tôi lại thấy trật đích mà trật một quãng xa như người bắn vụng!
Trong lúc đó, con trăn vươn lên một chặng đáng sợ. Tôi vội vã quay đầu chạy.
Con trăn lặng lẽ trườn theo. Gần về đến khu miếu, tôi hét rất lớn để kêu gọi bạn
săn. Họ đã ngủ dậy cả. Nghe tiếng tôi, một vài người nhanh chân xông ra trước.
Con trăn coi như không thấv ai, nó cứ đuổi tôi mãi. Sau, tất cả bọn giáo mác gậy
guộc ồ cả ra, kẻ sỉa, người nện, nó mới quẫy ra chạy. Con trăn khoẻ mà lại dai
đòn một cách quái lạ. Suýt nữa nó quấn được mấy người lúc nó vượt qua cửa miếu.
Tuy bị thương nhiều vết nặng mà nó còn bắt chúng tôi phải đuổi xa đến mấy trăm
bộ nữa mới chịu nằm im. Con trăn chết rồi, hai mắt vẫn mở như sống.
Bọn người Nùng hỏi
tôi sao đi ra sớm thế, mà đi xa trong rừng sao không gọi ai cùng đi? Tôi thuật
chuyện đuổi thằng khách cho họ nghe. Họ cười ồ cả lên. Tôi ngạc nhiên, họ lại
càng cười to. Rồi ôn tồn phân giải cho tôi biết rằng: "Nó là ma đấy, thằng
khách là ma rừng đấy, sao lại đuổi bắn nó? Bây giờ thì nó đây rồi, con ma ấy
đây rồi!".
Vừa nói họ vừa trỏ
vào con trăn, vỗ tav lên vai tôi để yên ủi tôi: “Con ma ấy nó nhập vào con này.
Bây giờ con này nó chết, con ma nó cũng chết”.
Câu nói của họ rất
thành thực, có một giọng quả quyết rất chắc chắn. Tôi cũng thấy sờn lòng, thế
gian quả có những sự biến ảo hiển nhiên đến thế được sao? Thằng khách kia chỉ
là một hình ma! Mà con ma lại hóa ra con trăn bị giết chết? Thực là kỳ quái hơn
cả mọi điều kỳ quái! Tôi nhìn xuống. Hai mắt con vật mở, như vẫn nhìn tôi trừng
trừng! Tôi rợn người lên một lượt, sợ hãi trà lạnh khắp thịt da. “Có lẽ là ma
quái thực cũng nên... Lúc trước rõ ràng phát tên của mình nhắm trúng thằng
khách. Thoát được tất phải do một sự may mắn kỳ diệu lắm lắm, không thì tất do
một sức huyền bí nào! Vậy mà nó thoát khỏi, nó biến mất, rồi tức thì thấy tiến
ra cái quái vật này". Tôi vốn không tin ma quỷ mà lúc đó cũng phải nhận rằng
yêu dị chưa hẳn là chuyện hoang đường.
Nhưng dù sao tôi cũng
đã qua được lúc nguy rồi. Người khách kia, dù là người hay là giống hung thần
nào tôi cũng không cần quan tâm nữa. Người Nùng nói có lý lắm. Đuổi bắt nó làm
gì. Tự dưng chúng nó có làm hại được mình bao giờ đâu?
Phải đến ba bốn người
mới lôi xác con trăn được dễ dàng. Ai nấy gật gù bảo nó lắm mỡ, lóc ra thắp đèn
thì tốt không gì hơn; da nó là thứ bịt chuôi dao rừng vừa bền vừa quý.
Tôi đi đầu đoàn. Đến
quãng rẽ trông thấy được cửa miếu, tôi hốt nhiên kêu lớn tiếng kinh ngạc. Tôi
thoáng thấy thằng khách! Nó vừa lẻn vào trong lều.
Tôì hét ầm lên bảo
cho các bạn săn biết.
Bọn người Nùng vẫn
chưa nghe ra, đủng đỉnh hỏi:
- Lại cái gì đấy?
- Thằng khách!
- Thằng khách nào?
- Thằng khách, chứ
còn thằng khách nào!
- Nhưng thằng khách
làm sao?
- Nó vừa vào trong miếu.
Tôi bảo họ bỏ con
trăn đấy, cùng xông về với tôi. Nhưng không một ai vội vàng. Họ lại còn ra ý
không tin.
- Không có gì đâu mà,
không có gì đâu, anh trông lầm đấv.
Tôi phải nhắc đi nhắc
lại:
- Chính nó, tôi trông
thấy chính nó! Không thể sai được!
Rồi săm săm tôi chạy
về! Chợt chột dạ. Tôi đứng lại giục, họ vẫn chùng chình vừa lắc đầu vừa gàn:
- Đã bảo không có gì
mà, sợ gì mới được chứ!
Tôi bực dọc quá phát
gắt lên:
- Thì cứ về với tôi
хеm nào! Chẳng lẽ tôi lại mờ quáng đến thế?
Mãi lúc ấy họ mới miễn
cưỡng mà theo tôi.
Tuy để chậm mất một
quãng khá lâu, nhưng trong lúс đó tôi vẫn không rời mắt khỏi cửa miếu. Chiều đã
mái bóng, nhưng đến một con chuột ra vào bấy giờ tôi cũng thấy được rõ. Thằng
khách chắc chắn vẫn còn trong lều.
Tôi vung thanh đao dựt
ở tay một người để xông lên trước, quvết bắt, mà thế nào cũng bắt được thằng
khách cho bọn người Nùng hết nói là ma.
Tôi bước vào. Bọn người
Nùng cũng đã ồ tới chật cả cửa. Trong lều im phăng phắc. Tôi quay mắt nhìn đến
cùng kẽ mọi xó tối. Kỳ dị thật. Không thấy qua bóng vết thằng khách đâu.
Đánh đuốc lên xem
nào!
Lửa sáng, soi cũng chẳng
thấy gì khác. Cũng không có gì thay đổi, đồ vật mọi chỗ vẫn у nguyên. Trong lều
còn một vài chỗ dấp lá khô, nhưng đống thấp, bới tìm chỉ thêm việc. Tường vách
làm để phòng ngữ thú rừng, một con mèo không lọt được, mà lúc đó vẫn kín, không
một dấu dao khoét nào qua. Vậy thì thằng khách trốn đàng nào? Chỉ có lối сửa
thì tôi đã để ý chăm chú lắm rồi, không thể nào nó ra khỏi mà tôi không trông
thấy được!
Tôi kinh ngạc hết sức.
Nhớ lại thì cái bóng thằng khách lúc lẻn vào vẫn rõ rệt, cái mình áo chàm, cái
đuôi sam đen, cả đôi ống quần nịt quấn của nó, nhất nhất tôi thấy rành rẽ. Cả
cái vẻ lén lút của nó nữa. Thế mà rồi thành hư ảo, mà sự biến ảo chỉ có tôi
trông thấy, hình như chỉ ngạo nạt riêng một mình tôi. Các bạn săn thì không ai
ngẫm nghĩ lâu. Họ cứ tin theo ý họ vẫn tin, một mực bảo tôi rằng: «Chỉ là mа đấy
thôi, đừng sợ nó. Ma không bao giờ làm chết những người ngay thẳng hiền lành».
Tôi không hiểu nên cho thế nào là phải, tâm trí như rối loạn, vừa hoảng sợ ngấm
ngầm, vừa tức giận, bó gối ngồi bực dọc một xó; mặc những người kia hì hục lột
da con trăn.
Họ thấy tôi chưa từng
băn khoăn quá như thế bao giờ. Thấy một người gan dạ vui vẻ như tôi mà bỗng có
thái độ đổi khác đến thế, họ cũng phải sinh ngờ vực, cũng phải hiểu rằng những
điều tôi trông thấy tất hẳn là những điều phi thường. Sau cùng, người trưởng
đoàn đồ là tôi gặp bóng thần rừng, hay chính thần miếu. Vị thần khu cổ miếu nay
bị bọn tôi đến quấy rối sự yên tĩnh, hiển hiện lên để tỏ ý giận dữ; đã thế thì
chỉ có việc cúng bái là yên ngay. Họ vừa sửng sốt vừa trầm trồ như mới vỡ ra một
lẽ tất nhiên không thể nào khác được. Trong bọn có người thường nhật làm thầy
«mo» cho cái ý vừa rồi phải đem làm ngay. Hắn liền đốt lửa giữa lều, gõ thanh
la, niệm thần chú để tạ ông “thẻng” ông "thần" ở đấy: “Xin ông “thẻng” ông "thần" ở đây cho phép bọn người đi săn ngụ trong miếu này, săn trong rừng này", để người
đi săn giết nhiều hổ, nó vẫn làm hại cho con cho cháu người dân người làng, nó
vẫn ăn trộm con lợn, con bò của người dân người làng... xin ông đừng giận người
đi săn làm chi nữa”.
Cầu cúng xong, thế là
yên chuyện. Bọn họ lại nói đến cuộc săn, không ai nhắc đến người khách hay ông
thèng thần nữa. Gặp phải sự cản trở cho công việc họ, thì họ giết phắt kẻ làm
trở ngại kia đi. Nếu lại là thần thánh hay tà ma xui nên thì họ cầu đảo, phù
chú. "Đói khát thì ăn thì uống, đau ốm thì thuốc, thì bùa". Sự cầu cúng họ tin
có hiệu lực vững vàng như kết quả của mọi sự thiết thực. Phần tôi, tôi không thể
dễ dãi yên lòng được như thế. Tuy không lộ vẻ lo ngại nhiều, vì không muốn họ
cho mình quá nhút nhát, song tôi thành ra ít nói, lúc nào cũng trầm ngâm cố giải
những điều kỳ quặc nọ. Cả những lúc săn bắn trong rừng, tôi cũng không thể quên
đi được, mỗi chốc lại tưởng chừng sắp thấy một sự lạ nào xảy ra…
Chiều tối hôm sau,
nhân phấn khởi về số vật săn khá nhiều trong đêm vừa qua, lại hăm hở sửa soạn
săn vây lớn đêm sắp tới, mọi ngườt ăn uống một bữa ồn ào vui vẻ khác thường. Họ
rót cho tôi một gáo rượu đầy, bông đùa mấy câu về những chuyện ma rừng, lại ép
tôi uống thực nhiều để thêm vững trí. Tôi không hay rượu, nhưng bữa này lấy
vui, rượu cần thơm ngon một hứng vị riêng, tôi cũng sẵn lòng cười nói như thường,
tâm trí nhẹ hẳn đi; những việc quái dị, những điều lo ngại không còn gì quan trọng
mấy nữa. Mình lại tự nhủ: Ừ, tội gì mà thắc mắc. Mình là người chính trực,
không làm hại ai, không có gì tà khuất trong lòng, thế thì dù có những loài yêu
quỷ hung bạo thật chăng nữa, chúng nó đã dám làm gì được mình. Chuyện nói bữa
đó nhiều câu thực hào hùng, rượu uống cũng hăng hái, lúc sực nhớ đến cái hại
quá chén, biết nghĩ đến sự nên ngừng lại để khỏi phải bỏ cuộc săn, thì đã say mất
rồi. Tôi đứng lên được, nhưng bước đi cố gắng cũng không giữ nổi thăng bằng, ăn
được chút nào thì chỉ chực những nôn hết. Một người bạn săn phải đỡ lấy tôi. Mấy
người khác dọn vội lấy một góc kín rồi cùng vực tôi đến, đặt nằm yên đấy. Tôi
mơ hồ thấy mấy bộ mặt cười cợt, hiền lành cúi xuống, rồi từng khoảng ánh lửa
trong lều đổi chỗ, bước chân của bạn săn nhẹ nhõm, với những tiếng trò chuyện
như thấp xuống, như thì thào!
Tôi ngũ một giấc thẳng,
không biết được bao lâu. Lúc thức dậy, bàng hoàng, nhưng tỉnh ngay tức khắc. Chừng
đã khuya lắm. Trong lều, tối như bưng. Bấy giờ hơi rượu đã tan hết. Sờ quanh
mình thì biết là đang đè lên đám lá khô. Trên bụng đắp một manh chiếu cói. Nằm
dốn một lúc nhìn đến nhức mắt cũng không biết được là đang ở khoảng nào, cũng
không rõ cửa ở phía nào. Bạn săn có lẽ đi đã lâu lắm. Thử cố nghe xem có thấy
tiếng tù và hay tiếng thanh la đưa vọng lại không. Tịnh không. Bầu tối nghịt
đen. Tiếng rừng đêm cũng như nhỏ xuống mãi. Trong lòng tôi tự nhiên thấy ghê sợ
quá, mình như bị bỏ vào một chốn ngục sâu lạnh lẽo kín mít, trong đó đầy những
sức âm u quái gở, không mong có ai ngó ngàng cứu vớt mình. Tôi lại nhớ ngay đến
thằng khách, nhớ đến con trăn lớn, nhớ hết các việc dị kỳ mấy hôm vừa qua...
Nghĩ cứ giận bọn người Nùng sao nỡ để tôi trơ trọi chốn này. Chắc hẳn tôi say
quá, họ biết không thể đi săn được, đành để tôi ngủ yên ở nhà. Nhưng họ có ngờ
đâu là tôi không thể yên tâm được, đối với những điều xảy rа kia, tôi có dửng
dưng được như họ đâu?
Có tiếng động khác
tai.
Bên ngoài, những bước
chân như đang tiến lại. Tôi lắng nghe. Không thể lầm được. Tiếng chân bước đều,
thong thả, mà như quen đi trên đường lối gần đấy... Nhưng khi gần tới chỗ mà
tôi đã nhận ra là phía cửa thì bước đi lại ra chiều dè giữ rón rén. Loáng
thoáng có ánh lửa đuốc. Vì thế tôi mới nhận được phương hướng cùng với chỗ mình
vẫn còn nằm. Bước đi càng thêm nương nhẹ, có vẻ nghe ngóng, lá khô bên ngoài bị
xéo dị xuống mà tiếng nghe vẫn êm. Rồi im hẳn. Lửa đuốc như sáng to hơn. Một tiếng
cọt- kẹt từ từ mở cửa phên. Một bó đuốc đưa vào cùng một cánh tay áo chàm, rồi
cả một người lách vào! Tòi nhận được mặt ngay.
- Chính là thằng
khách!
Tôi tái hẳn người đi.
Mép chiếu đã kéo lên tới gần mắt, tôi cố thu hình lại, mong cho nó không biết
trong này có người. Cũng may, bấy giờ tôi nằm ở một góc miếu phía trong cùng,
nơi xếp những lương khô, mình khuất sau mấy nải gạo mà bọn người Nùng kéo ra có
lẽ để dọn cho tôi được chỗ kín gió mà sạch sẽ cao ráo nhất. Từ góc đó, tôi có
thể trông qua những quãng hở để xem cử động của thằng khách mà nó thì khó thấy
được tôi.
Thằng khách giơ bó đuốc
nhựa lên nhìn khắp lều một lượt, xem chiều yên trí rằng bọn đi săn thực không
còn một ai ở nhà. Tuy vậy, lúc nào nó cũng vẫn có vẻ giữ gìn, đề phòng, hai mắt
sắc, nhanh như lửa, liếc đây liếc đó; mà tai thì lúc nào cũng như lóng nghe. Nó
bước lên một bước, ngảnh nhìn ra cửa một cái, cúi xuống cắm bó đuốc ở một kẽ gạch,
rồi rút ở lưng ra một con dao rừng lớn, nhìn thẳng về phía tôi. Trống ngực tôi
đánh mạnh rất dữ. Có lẽ nó nghe tiếng mất. Nó cứ nhìn về phía tôi mãi, nhất định
không rời mắt đi đâu. Nó nghĩ ngợi, như còn lưỡng lự nghi ngờ một lát, rồi
thong thả bước lại góc miếu, lôi một nải gạo áp tường bê lên rồi vứt lên người
tôi. Tôi phải hết sức nhịn mới khỏi kêu. Hai nải gạo nữa lại đè lên tôi, một ở
chính giữa bụng, một ở dưới đầu gối. Dễ thường nó giữ cho tôi không dậy được chắc.
Tôi vừa nghĩ thế thì nó đã nhặt con dao lên ướm, trỏ cái mũi vừa sắc vừa nhọn
vào cạnh sườn tôi. Tôi không còn hồn vía nào. Toan vùng chạy, nhưng chân tay lại
bị bó ép trong mảnh chiếu dưới ba nải gạo nặng, thì con dao đã cắm xuống cách
đùi tôi chỉ độ một gang. Thằng khách cúi khom người, mặt nó sát gần với mình
tôi, đang lúi húi vun những lá khô đất vụn mới rấp lại chỗ ấy. Nó chưa biết có
tôi ở đó cũng là một sự lạ. Cái khăn chàm quấn trên đầu tôi tuy sổ ra nhưng búi
tóc buột xuống thò ra ngoài mép chiếu khá nhiều. Hay nó biết mà làm như không?
Tôi thực khổ sở vì điều ngờ vực ấy. Nhưng có lẽ ánh đuốc xa, nó lại sấp bóng,
mà những áo tơi, bao tải thì hỗn độn trong góc miếu, vì thế mà tôi chưa bị lộ
diện cũng nên. Tôi nhíp mắt nhìn xuôi xuống xem nó làm gì thì cái chuôi dao
đang bị hai tay nó ấn xiêu về phía lòng nó: nó đang bẩy một cái gì ở dưới đất.
Tôi không phải chú ý lâu đã thấy chồi lên mội phiến gạch lớn dầy lắm, vuông mà
to gấp hai ba chiếc bàn cờ. Tiếng động chạm lúc thằng khách lôi nhích phiến gạch,
nghe có âm vang khác lạ. Tôi nhận ra đó là nắp đậy của một cái hầm đào.
Người tôi mỗi lúc một
cứng ra như gỗ, hết sức ghìm giữ hơi thở, vì để nó biết thì chỉ một nhát dao
kia là uổng đời. Lúc đó, nó còn mải chưa để ý, nhưng lát nữa nó đem bó đuốc lại
soi xuống hầm, mà tôi thì nằm sờ sờ ra đấy, dưới ánh sáng rõ, thì thoát sao cho
khỏi đôi mắt sáng như hai mũi gươm kia!
Thằng khách tra dao
vào vỏ, nâng phiến gạch nặng lớn như thế mà coi ra vẻ rất nhẹ nhàng. Lúc nó kéo
hẳn sang một bên miệng hầm thì bỗng thình lình cái nải gạo trên bụng tôi lăn
ngay xuống. Cổ tôi tắc lại vì sợ. Lần này thì hẳn nó biết. Nhưng nó vô tình. Nó
cho là việc tự nhiên lúc xê dịch phiến gạch vừa rồi, nên lấy chân ấn hai nải gạo
còn lại trên người tôi vào quá phía trong. Có lẽ lúc ấy cả người tôi cũng chỉ
là một bọc lương hay một bó chiếu gì đó. Nó hắng giọng khạc nhổ một cái rồi vừa
lẩm bẩm nói vừa bước ra phía cửa phên. Cửa vẫn chỉ mở hé. Nó mở rộng thêm chút
nửa, đến bên toan nhổ bó đuốc, nhưng sau ra khỏi lều tay không. Tôi dè chừng nó
còn định mang xuống hầm một vật gì nữa.
Tôi liền hất chiếu
vùng dậy. Phải lợi dụng cái khoảnh khắc thằng khách vắng mặt ở đấy. Chưa kịp có
mưu kế gì, tôi nhảy một bước đến bên vách, hàng nhấc lấy cung tên treo ở tầm
tay. Trông trước trông sau, không có một chỗ nào khả dĩ ẩn được kín đáo, thì tiếng
lá khô bên ngoài đã lạo xạo. Túng thế, tôi thấy chỉ còn cách trốn xuống ngay dưới
hầm. Cái tiếng nải gạo rơi xuống đó lúc trước, nghe gần lắm, hầm tất cũng chẳng
sâu bao nhiêu. Tôi bèn lẹ chân nhảy xuống. Trong trí bấy giờ đã tính sẵn: nếu
không tìm được chỗ nào khuất, nếu thằng khách xuống hầm còn có thể vớ được tôi
thì thừa lúc anh chàng bất ngờ, cắm ngay cho mấy mũi tên sắt này vào gáy là rảnh
chnyện.
Chân tôi chạm tới đất
thì vừa vặn ngồi lên nải gạo lăn xuống vừa rồi. Đất dưới chân ẩm, nhưng không mềm
nhẽo. Hầm tối như hũ nút. Quờ tay sờ soạng chỉ thấy quãng không đen ngòm. Trông
lên, chếch phía trên đầu là cái khung vuông, ánh sáng đỏ mờ mờ; đó là cái miệng
hầm nắp mở ra gần hết.
Cứ trông qua cái miệng
hầm ấy cũng đoán được hành vi thằng khách trên miếu lúc đó. Bó đuốc chừng nó đã
nhổ lên, rồi đi soi mói khắp mọi xó. Khoảng mái lá tôi trông được bên trên, ánh
sáng lúc tỏ, lúc mờ, có lúc tối hẳn. Có lẽ thằng khách bấy giờ mới sinh nghi,
hoặc vẫn chưa đành tâm về hồi хеm xét sơ qua lúc đầu, nên soi lại để cho thực vững
bụng. Xem chừng nó không bỏ sót một chỗ nào. Tôi nghĩ mà hú vía. Giá nó cẩn thận
như thế từ lúc trước, lúc tôi còn nằm dí ngay trước tầm dao của nó thì muôn phần
không có một phần mong vẹn toàn.
Ánh lửa biến dần, rồi
lại sáng lên rất mau. Rồi sau cùng, tôi trông thấy cả ngọn đuốc. Thằng khách đã
cắm bó củi nhựa ngay cạnh miệng hầm. Nhờ có sáng, tôi nhận ngay được một cái
hõm thụt vào vách đất cách tôi không đầy ba bước, khuất sau một thứ cột cây mà
lúc ấy tôi mới thấy hiện ra. Tôi nép ngay vào cái hõm để ẩn. 'Trên kia, thằng
khách đưa xuống một cái thang. Một cái thang nhỏ, ngắn, làm sơ sài bằng những
gióng cây không thẳng. Nhanh nhẹn như nó mà phải dùng thang mới xuống được đã
là một điều bất ngờ. Lúc nó xuống thang, tôi lại thấy nó phải dò dẫm. Chân nó
chậm chạp đặt vào từng bậc, như miễn cưỡng bị ai bắt xuống. Thì ra nó mang trên
vai một vác lớn, một thứ bọc vải dài, xem chừng khá nặng, lại đèo thêm một gói
nhỏ cũng bọc vải, buộc ở một bên. Xuống hết bực, nó đi ngay vào trong bóng tối,
có vẻ quen chân lắm. Tôi đoán chừng chứ không trông thấv nó đặt cái vác nặng xuống
một chỗ. Một lát, tay không, nó trở ra, leo lên thang lấy bó đuốc xuống, nhân
thể đậy lại cái nắp hầm.
Nó đem bó đuốc vào, cắm
bên cạnh cái bao đã đặt trước một thứ bệ đất, trên đó có mấy đồ thờ cũ, kiểu lạ,
chỉ thấy ở những đình chùa của người Tàu. Chỗ ấy cách tôi chừng hai chục bộ. Nó
còn trở lên xem lại chỗ miệng hầm một lần nữa. Biết là nắp hầm đẫ đậy thực kín,
nó mới yên tâm xuống, đến bên hai cái bọc, mở cái nhỏ lấy ra vàng, hương xếp
lên mặt bệ. Nó thắp hương cây cắm vào hai cái lọ vuông, châm thêm điểm hương
vòng rất lớn vẫn treo đó từ trước, rồi đốt bốn ngọn nến sáp cắm sẵn trên bốn
cái giá nến bằng đồng hun. Lúc đó, tôi mới đế ý xem xét.
Hầm này không biết có
từ đời nào, hầm đào do hạng người nào, mà sâu rộng được đến thế! Chu vi có đến
ngót ba miếng, gần theo hình chữ nhật, song không được ngay gọn; bề cao một người
trung bình сố nhảy lên mới với được đến trần. Bề đất trần dầy non một thước, có
những dầm lớn bắc ngang giữ lấy những bắp tre dài đặt dọc. Bảy tám súc cây để
nguyên thân, chỉ đẽo có vỏ ngoài, dựng thành hai hàng cột không thẳng, không đều,
xiêu vẹo, cong queo. Từ chỗ bệ thờ, lửa nến, lửa đuốc, chiếu lòe ra những hình
đen ngả lên mặt đất, giải lên trên trần, to lạ lùng và dài ngoằng ngoẵng, nhích
động như linh hoạt, theo những lúc ánh sáng bập bồng. Bóng tối, lửa đỏ, cảnh tượng
chập chờn âm u, tôi khác nào ở giữa một nơi yêu dị kinh hoàng. Không khí trong
hầm lại bức nặng. Hơi mục, hơi ẩm, hơi dễ ngái, đất lạnh, bọc thấm tận da thịt
mình; mà lẫn với mùi hương nến, mùi khói nhựa ở bó đuốc tàn ngọn, lại thoảng những
hơi cá ươn, cóc chết trong đám vẩn rác ruộng hôi. Một thứ sương mờ loe quanh mấy
quầng sáng trên bệ đất.
Phía trước chân bệ, một
khoảng đá lớn bằng nửa cái chiếu, phẳng liền như chỉ độc một phiến. Thằng khách
lom khom quỳ trên đó, bên cạnh cái bao lớn đặt chếch một bên. Vách hầm bên hữu
treo hai thanh mác cực lớn, tuy hoen rỉ nhưng vào hạng cổ khí rất tốt. Sát vách
bên tả, một bảng gỗ to, cao gấp rưỡi cánh phản, dầy đến ngót nữa gang, dựng đứng
như một thứ bia.Trước mặt bảng gỗ lủng lẳng những vòng sắt móc sắt với xích sắt
mắc treo tận dầm trần. Dưới chân bảng gỗ cuộn nằm ngổn ngang những sải dây thừng
nhỏ có, lớn có. Thoạt tiên, tôi cho chốn này là một thứ sào huyệt của một bọn
giặc cướp nào, không thì cũng là một nơi ngục thất bí hiểm đặc biệt, mà những
hình cụ đó tất dùng vào một việc tra tấn hành phạt riêng. Từ lúc thấy thằng
khách vẫn quỳ gối trước bệ, lầm rầm như khấn khứa, nhân lại thấy nó mang cái
bao xuống theo,thì tôi đoán ngay rằng: có lẽ thằng khách đem yểm vàng yểm ngọc
chi đó. Cái bao kia tất không đựng cái gì khác một số của vĩ đại phi thường. Sự
tình cờ khiến tôi bắt gặp cái công việc mà nó hết sức giữ kín đáo. Tôi nghĩ bụng.
Hẳn là thế thực. Có vàng bạc đem chôn giấu tất nhiên phải cẩn mật lắm: những việc
rình mò, lẫn trốn của thằng khách mấy hôm trước kia cũng không có gì lạ lùng
quá đáng nữa. Thế thì mình chỉ việc đợi cho nó cất xong bao của rồi lên khỏi,
là mình sẽ có cách thoát thân. Tôi nghĩ vậy, nên kiên lòng vừa chờ vừa хеm.
Sau khi cầu cúng vị
thần mà tôi độ là Tài thần của nó, thẳng khách dậy lôi cái bao vải chàm ra để nằm
chính giữa phiến đá, dụi tàn cho cháy to chỗ đuốc còn có một đoạn ngắn, rồi
dùng lưỡi dao rạch ngược để mở cái bao ra. Nó rút bỏ một ít mảnh vải lót đi,
bên trong còn bọc một lần chăn màu tro. Khi những mối buộc, thắt ở mấy góc đã cởi
đến nút sau cùng, thì, kỳ dị quá, tôi thấy lại là một người, một người con gái
Tàu, quần áo thường ngày nhưng vào hạng lịch sự khác xa với cách ăn mặc thô dày
của thằng khách. Người con gái trạc độ mười tám hai mươi tuổi. Nước da xanh,
lúc đó xám mét vẫn không làm kém vẻ đẹp của khuôn mặt nhỏ, nét đều mà thanh.
Hai mắt nhắm nghiền dưới ánh đuốc sáng gần đó, cô ta im bặt như chết. Nhìn kỹ mới
biết là hơi thở rất nhẹ, như chỉ còn thoi thóp. Thằng khách không ra vẻ để ý đến
vội, thong thả kéo cái bọc nhỏ lại, mở lấy ra một cái bầu, bình tĩnh đổ vào miệng
người con gái, rồi lặng lẽ ngồi chờ. Tôi thốt nhiên rợn lòng, sực nhớ đến một
điều kinh khủng, một công việc ghê gớm trong những truyện yểm vàng của người Tàu.
Mình thường nghe nói
đến nhiều phép người Tàu họ giấu của ở nước ta, mà cách hiểm độc nhất là bắt một
người con gái còn trinh, cho ngậm nhân sâm, gắn trám đường vào mồm mà táng sống
trong một sinh phần riêng hay trong một hầm huyệt nào để làm thần giữ những của
để trong đó. Tôi chắc hẳn một cảnh tượng giết người độc địa như thế sắp diễn ra
trước mắt tôi. Thằng khách đem người con gái vào nơi rừng sâu biệt tích này làm
gì? Chẳng phải cũng là để khoá miệng một cách thái ác, rồi bắt chết dần ở đây
sao? Duy tôi còn ngờ một điểm: bọn người Tàu thường bắt con gái nước Nam ta để
phong thần, chứ chưa từng nghe thấy họ dùng соn gái nước họ. Tôi nghĩ bụng, hay
đây là một sự bất đắc dĩ, một biến thái cũng nên.
Người con gái dầ dần
tỉnh dậy. Cô ta ngồi lên, ngơ ngác giữa một cảnh lạ như còn trong mộng. Mắt cô
ta chớp đến bа bốn lần, rồi lại chớp nữa. Lúc gặp mắt thằng khách, cô ta trân
trân nhìn một lát, bỗng biến hẳn sắc mặt, miệng há, con ngươi long lanh, người
co rúm lại. Tất cả thân hình cô ta thành một dáng khiếp sợ dữ dội mà im lìm. Cô
ta muốn gào thét mà đã như tuyệt hẳn mất hơi. Rồi mãi sau, mới run run khắp
mình, vừa run vừa lê dần, cố lùi xa lại đằng sau. Thằng khách bất thình lình vồ
sấn ngay lấy hai tay cô ta, nhoẻn miệng như người nhăn, cười lên những tiếng đắc
ý, ngạo nghễ mà nghe thực quái lạ. Thoắt một cái, nó ngừng bặt, hai mắt mở như
điên khùng, nó nghiến răng lại vừa rít vừa trỏ tay lên bệ thờ, gầm ghè nói một
thôi một hồi những câu tôi không hiểu gì, chỉ đoán là những lời nạt nộ tức tối.
Người con gái сố vùng được, ríu chân mà chạy. Thằng khách chỉ nhảy một bước nắm
được vai lôi cô ta lại, rồi xô cho ngã lăn trên phiến đá, rúi vào chân bệ. Những
tiếng đe dọa chửi mắng lại tuôn ra không ngừng. Người con gái giấu mặt khóc, cố
nói to trong những tiếng nức nở. Tất nhiên tôi không hiểu gì hết. Cứ thấy câu
nói nhắc đi nhắc lại những tiếng này: “Ngộ, ngộ... ngộ dẩu... cái gì... chồi
cô”. Giọng nói như van vỉ, như phân trần.
Thằng khách thấy thế,
tớn môi lên cười, trông đến là khả ố. Nó quắc hai mắt sáng như hai điểm lửa, rồi
chõ cái mặt đầy những hằn học sát vào tận mặt cô ta. Người con gái quay cổ đi.
Nó liền nắm ngay lấy mớ tóc sõa, vặn cho đầu cô ta ngẩng lên mà khạc nhổ ra một
mẻ những lời cục cằn nữa. Người cọn gái chỉ biết khóc, hai bàn tay nắm lấy nhau,
run bật lên. Nó trỏ ngón tay đâm vào tận trán cô ta, rồỉ sấn sổ đến định lột áo
người con gái. Cô ta hết sức chống cự, úp sấp người xuống để giấu ngực. Thằng
khách phải giằng co mãi, sốt ruột, soắn ngay lấy tóc lôi cô ta đến chân bàn gỗ
dầy. Nó xách cô ta kéo dậy như xách một con mèo, đẩy cho đứng dựa vào bảng gỗ,
lấy thừng trói mỗi cổ tay vào vòng xích lủng lẳng rủ xuống. Hai tay cứ thế giơ
mãi lên phía trần hầm. Hai chân cô ta dẫy đạp vung lên, nó ghì xuống, buộc vào
hai cái vòng sắt phía dưới. Trói xong cả bốn chân tay, nó hục hặc vừa mắng chửi
vừa giằng rứt hết mấy lần áo trên thân người con gái. Vải lụa tơi tả thành trăm
mảnh theo hai bàn tay vũ phu. Cô ta không thể vùng vẫy ngăn cản được, cứ thảm
thiết mà gào khóc. Nó mặc kệ. Lột hết áo, thằng khách lại xé đến quần.
Tôi đứng trong xó tối,
bấy giờ vừa lo sợ vừa kinh dị, lại vừa tức giận, chưa biết thằng khách còn hạ
những thủ đoạn đê mạt độc địa tới bực nào, Chân tay tôi như bị tê liệl đi, thần
trí không được yên vững. Tuу sẵn cung tên đó mà tôi không dám dùng, không những
khó lựa chiều vì hàng cột án ngữ, tay cung của tôi bấy giờ lại không được thực
mấy. Tôi sợ rằng bắn ra rất dễ sai, không khéo nhằm thằng khách mà lại trúng
vào cái thân thể lõa lồ kia mất. Tôi lại tính đến cái nguy khác nữa, thằng khách
mà biết tôi ở đó tất không để cho tính mệnh tôi vẹn toàn. Dưới cái hầm bí hiểm
của nó đây, nó khác nào một bạo thần vô địch. Mỗi lúc xem thái độ nó, nhìn cử
chỉ nó, tôi một nhận thêm ra nó có một sức lợi hại chẳng phải vừa... Trông người
con gái thảm hại quá! Vừa khiếp hãi, vừa thẹn thùng, kêu gào cũng vô ích, van vỉ
chỉ chuốc lấy sỉ nhục thêm: cô ta tỏ ra một vẻ tuyệt vọng bi đát đến cùng cực.
Hãm trong cái cảnh ác hại ghê gởm này, cô ta chắc hẳn không còn một ai biết đến,
không thể có một sự tình cờ nào đến cứu được mình..
Bó đuốc tắt hẳn rồi.
Bốn ngọn nến hoe quầng như rung rinh hoài. Thằng khách ngạo nghễ nhìn từ đầu đến
chân người con gái, cười gằn lên mấy tiếng thô bỉ. Nhân đó, tôi ngờ rằng đây là
một chuyện cưỡng dâm, một chuyện hãm hiếp ô uế cũng không biết chừng. Có lẽ, ở
nơi khác, thằng khách đã bị xấu hổ, đã bị người con gái khinh bỉ, cự tuyệt, nên
nó lập mưu bắt cô ta xuống đây để tha hồ mà lăng nhục... Mấy phen tôi giương
cung toan bắn, nhưng sau cùng lại thôi. Tâm thần tôi không ổn định. Thằng khách
lại không ở ngoài cái đường xuyên nguy hiểm cho người con gái. Phát tên buông
ra, rất có thể giết chết người tôi muốn cứu, vả lại, như tôi đã nói, chỉ sớm
gây họa cho chính mình tôi.
Tôi hôi hộp mà cứ
phân vân mãi. Cái ý nghĩ cứu người con gái liền theo với cái ý nghĩ liều chết?
Liệu cứu có nổi không? Hay đành cứ đứng yên mà coi cái hành vi khốn mạt của con
vật bỉ ổi đó? Tôi thở thấy bức nặng. Cái không khí bấy giờ sao mà kỳ ảo lạ, y
như ám ảnh mình, làm mê loạn trí minh mẫn của mình. Thằng khách lại cười. Tiếng
cười hề hề, nghe mà thêm lợm tởm cả mình lên. Nó đã áp đến gần người con gái
Tàu. Người con gái đã ríu cả lưỡi vào, nói, khóc không ra tiếng nữa. Tôi bấc
giác nhắm mắt lại, quay mặt đi, như không nỡ nhìn một cảnh nhễ nhại rác rưởi. Cả
tấm lòng bất bình chợt thấy hổ thẹn quá đỗi, thấy mình vô lý, thấy mình hèn
nhát không đáng làm một người con trai! Chẳng biết mình giận mình hay giận nó
hơn, nhưng sự phẫn nộ lúc đó ghê gớm lắm. Tôi quay lại, quả quyết, chân dọn sẵn
bước nhảy ra. Nhưng điều trông thấy trước mắt lại thực bất ngờ. Tôi kinh lạ, đứng
sững đó, không hiểu ra sao hết.
Thằng khách lúc ấy lại
đang quỳ gối trước bệ, mình cúi gằm, hai tay chống đất, gần như phục vị trên
phiến đá, không một chút cử động nào qua. Thế là nghĩa lý gì? Nó cứ im lặng như
thế mãi, tưởng không bao giờ ngồi lên. Mãi sau tôi mới thấy hai vai nó dần dần
rung rẩy, mỗi lúc một rõ nhịp với tiếng sụt sùi, rồi nức nở, trước còn nhỏ sau
to thêm, rồi sau cùng bỗng òa lên những tiếng khóc lớn. Tiếng khóc nghe ra thảm
thiết cay đắng, bào gan xé ruột, vang âm đầy cả cái hầm đất. Thằng khách vừa
khóc vừa đen đét vỗ hai tay lên phiến đá, trước bệ thờ. Từ những ngọn lửa bập bồng
cho đến các đồ đạc, hình ảnh trong chốn này lức đó như có một cảm giác, một tâm
hồn như xúc động cùng với tôi. Tiếng khóc càng lớn, tôi càng thấy kinh dị, tưởng
đâu như trời đất điên đảo, rừng núi chuyển lay, tất cả sập đổ xuống cái hầm này
mà lấp dí cả, mà chôn tươi vùi sống ba sinh mạng, thằng khách, người con gái lẫn
tôi.
Trong có chốc lát thì
giờ, tôi thấy kế tiếp diễn qua mỗi điều một thêm kỳ quặc, mà mau chóng quá, đến
nỗi trí tôi không kịp hiểu, không kịp suy lường. Ngờ thằng khách là gian đồ, rồi
tức khắc lại tưởng nó là một kẻ có của mà hiểm ác, đang cho nó là một con dâm
quỷ khốn mạt, thì lại thấy cơ sự vừa rồi; mỗi lúc nó lại hiện ra hình trạng
khác hẳn. Có lúc tôi chực không tin rằng mình còn là người dương gian. Trong cảnh
huống kia, gặp những điều biến đổi dị thường ấy giống như ở giữa một trường ác
mộng, ai là người chẳng phải thất thần? Tôi đi săn trải những phen rất hiểm
nghèo, đã từng bị hổ báo nhảy chồm đến tận vai mấy lần hút chết. Nhưng tôi đều
coi thường. Ngay lúc lâm nguy mà trí vẫn tỉnh, gan vẫn vững. Là vì những nguy
nan đó dầu đến thế nào cũng không ra ngoài chừng mực, người đi săn ai cũng đón
đợi những phen như thế, ai cũng trải qua ít ra cũng vài ba phen. Nhưng mà những
cảnh tượng trong cái hầm đất kia, tôi tưởng chả cần phải gặp thêm một lần nào nữa
mới biết thế nào là sợ hãi. Suốt đời tôi, tôi có qnên được bao giờ đâu?
Thằng khách khóc một
hồi lâu lắm. Bỗng nó vùng dậy, khạc nhổ, rồi lấy ở đâu ra bốn năm cái roi mây dài,
vẫn còn màu xanh chắp cả lại mà vút ngang mình từ mặt đến chân người con gái.
Cô la gào lên những tiếng rất đau đớn, răng rít chặt, mình oằn oại như con rết
bị chịt đầu. Trong lúc đánh, thằng khách quát tháo không ngơi mồm, như muốn nhồi
nhét bao nhiêu câu nguyền rủa căm hờn vào những vết lằn đỏ nổi trên khắp thân
thể người con gái. Vụt bằng roi chán, nó lại cứ mặt cô ta nó vả. Hai bàn tay hộ
pháp ấy vả chán lại cầm roi vút. Người con gái khóc khản cả cổ, tiếng sặc nghẹn
vì nước mắt, vì máu mồm trào ra. Nhưng nó vẫn không nghỉ tay. Mớ tóc dài rũ từng
món hỗn độn ở bên mình cô ta, mỗi lần vướng vào bàn tay hay vào ngọn roi, lại bị
nó giật đến nghẹo hẳn đầu đi trong lúc nó phải gỡ. Sự đau đớn tưởng đến ê chề rồi,
đến một độ khiến xác thịt người ta không biết đau thêm nữa. Thằng khách bật lên
cười mấy tiếng quái ác, lấy trong bọc ra một nắm lá tươi, trông tựa như lá trúc
đào, cùng với một nắm muối. Nó vò hai thứ ấy với nhau rồi đem cái bã xanh nhẽo
nhớt kia mà sát vào những lằn roi rớm máu. Người con gái thét lên một tiếng
rùng rợn, mặt sắt lại, đầu gục xuống ngực, người lịm bặt đi. Trong hầm lặng lẽ
một lát ngắn, rồi lại vang ầm lên vì tiếng thằng khách vừa líu lô kể lể, vừa
gào khóc. Nó quỳ gối, lưng cúi, tay chống lên phiến đá, vẻ khúm núm trước cái bệ
thờ.
Khóc chán, nó lại đứng
lên xỉa xói người con gái. Cô ta vẫn bất tỉnh. Hồi lâu, nó đi vốc nước đọng ở một
chỗ hõm sâu bên vách hầm toan vã lên mặt người con gái, thì cô ta đã thở một
hơi mạnh. Đôi mắt nhắm chậm chạp mở. Cô ta cất tiếng rền rĩ, lời nói ngắt những
đoạn nức nở, giọng tha thiết như kêu van. Cái câu ngộ… chồi cô vẫn thấy nhắc đi
nhắc lại nhiều lần. Nhưng thằng khách không thôi xỉa xói, chửi rủa. Không cần
phải hiểu nghĩa, cứ nghe lời tuôn ra từng thôi, từng tràng vội vãi, tôi cũng biết
thằng khách nạt nộ những câu ghê gớm chừng nào. Cô ta vừa lắс đầu vừa năn nỉ
luôn miệng. Biết cô ta đã tỉnh hẳn, thằng khách mới lấy ra một con dao nhọn,
sáng như tráng bạc, giơ lên tận mặt cho cô ta nhìn. Người con gái lặng người đi
vì vừa nghe thấy một câu dọa ghê sợ, Dứt lời, thằng khách mở hẳn cái gói riêng,
lấy ra một bó đến ngót hai chục con dao nhọn cũng sáng cũng sắc như con trước.
Nó gằn lên mấy tiếng cười mà nhảy lùi lại. Người соn gái vừa rú một tiếng thì một
con dao đã phập cắm vào sát bên sườn cô ta. Nó nhặt con dao thứ hai, lùi đúng
chỗ cũ, một tiếng cười một vút tay, ánh sắc loáng, mũi dao bập sát bên vú. Nò
ném mấy con sau cũng một điệu như thế. Dao chỉ bén sát da thịt chớ không hề phạm
vào ngirời. Dao đến cắm bên сổ, dao đến cắm hai bên đùi, con thì mém trên đỉnh
đầu, con thì chỉ ly sợi tóc nữa, cắt mất tai. Thì ra thằng khách dùng một
phương pháp khủng bố cực kỳ nham hiểm. Mỗi nhát dao nó ném ra, khiến người con
gái tường là nhát dao tối độc. Lần nào người con gái cũng tưởng bị dao giết chết.
Như thế tức là chết đi rồi sống lại, sống lại để chịu chết thêm chưa biết đến
bao nhiêu lần. Chẳng biết rắp tâm từ bao giờ mà thằng khách tìm được cách hành
hình hiểm độc đến thế. Dao ném đã gằn hết, còn lại con sau cùng nó sợ người con
gái chết khiếp từ trước khi nó giết, nên còn giữ lại, cầm lủng lẳng ở hai đầu
ngón tay. Im lặng một lúc hồi hộp. Người con gái xem chừng cũng hiểu. Tính mệnh
cô ta sắp đến lúc liễu kết; nhát dao ấy mới thật là nhát hại người. Thằng khách
nhìn như để hưởng cái thảm khốc sau cùng ở tội nhân của nó. Mắt nó nheo lại,
long lanh cái ánh quái ác hơn cả mọi lúc trước. Tiếng cười của nó làm tôi sởn lạnh
khắp mình. Nỏ nhảy lui đến cữ trước, miệng mím răng nghiến nổi gân hàm, nó lừ lừ
mắt nhằm một chỗ hiểm trên thân người con gái. Con rắn độc ngóc cổ lên để rình
bổ, vẻ ghê gớm thế nào thì giáng điệu thằng khách cũng thế. Nó thong thả, nó chậm
chạp nữa, đưa cái bàn tay cầm dao lên cạnh vai, nhè nhẹ sẽ dướn về phía sau,
theo điệu tay giơ. Cái cử chỉ khủng khiếp lạ lùng. Tôi nóng bừng mặt lên. Cái
tên lắp sẵn ở cung để giữ mình vút ra cùng một lúc thằng khách hất tay qua sau
gáy. Con dao văng ra một chỗ, thằng khách chỉ «ấy a!» một tiếng, rồi bóp lấy
tay mà nhăn.
Vẻ rõ rệt nhất trên mặt
thằng khách không phải là đau nhưng là kinh sợ. Nó không hiểu một sức thần bí
gì vừa hiện ứng, trước hết trông lên bệ thờ, rồi lấm lét quay nhìn về phía tôi.
Tôi biết là cơ sự đã đến lúc kịch liệt. Tôi không thấy mình sợ hãi thái quá nữa,
cũng không hề ân hận gì về sự liều lĩnh vừa rồi. Tôi lắp sẵn tên để đợi, trí xếp
đặt đường lối sẽ đối phó... Ngoài kia, thằng khách đã rút được mũi tên ra khỏi
cánh tay. Vết thương khá nặng mà không làm nó tê liệt. Nó chẹt lấy chỗ áo thủng
cho máu đỡ chảy, lắng tai nghe ngóng rất cẩn thận, vẻ kinh ngạc trên mặt dần dần
thêm vẻ tức giận trông dữ dội không biết ngần nào. Hai con mắt sắc dị thường của
nó nhìn soi vào khoảng bóng tối như trông được thấy tôi. Nó bước một bước, hai
bước, định tiến đến phía tôi ẩn, nhưng dừng ngay lại, ra chiều e dè, rồi từ từ
nó đi giật lùi lại đằng sau, xiên về phía người con gái, cử chỉ lờ đờ bí hiểm,
nhưng tôi đoán trên cái khuôn mặt mờ tối sấp bóng kia đang hiện những ý nghĩ những
mưu mô quỷ quvệt khó lường. Nó cứ lui hoài. Tôi chưa đoán được nó giở ngón gì
thì thoáng một cái, rất nhanh, nó vung tay giằng một con dao bên cạnh người con
gái. Tức khắc một ánh loáng sắc bay vào người tôi. Tôi né mình tránh được, thì
con dao khác đã cắm phập vào mé dưới cái cột gỗ, ngay cạnh chân tôi. Con thứ ba
liệng tới một bên vai, nhưng không cắm vào vách hầm, rơi xuống. Tôi cúi toan nhặt,
vừa may thoát được một mũi chí nguy: đứng thì thế nào cũng bị trúng giữa ngực.
Không thể yên chỗ được. Tôi liền nhảy bổ ra, bắn cho nó một tên vào giữa bụng.
Nhưng nhanh như vượn, thằng khách gạt được rất dễ dàng. Nó ném con dao nữa ra,
lại rút mũi tên đâm cạnh bảng gỗ mà ném lại tôi. Tôi bắn phát nữa thì nó lánh
ngang, bắt ngay đurợc chiếc tên mà cười. Tôi rợn tóc gáy lên vì thấy cái tài
nghệ phi thường ấy. Nó ném tên lại, tôi may mà tránh được. Hai bên cách nhau chỉ
còn hơn chục bước, cùng lấy những cột cây để lẩn nấp, nhưng xem chừng thằng
khách nóng tiến đến tôi mau hơn. Nó không cần giữ gìn nhiều nữa. Tôi chắp tên bắn
ra giữa lúс nó hở mình nhất, nhưng nó lại tránh được như chơi. Tôi vừa đặt phát
nữa thì nó đã xông lại trước mặt gạt tay tôi, đấm thẳng một cái miếng thượng,
Tôi né được, vội nhảy giữ thế. Nó đánh gấp ra, khiến tôi sợ bí đường phải tiến
về phía bệ thờ, sau hàng cột tay phải. Tôi đã tưởng nó chỉ cốt chẹn lối ra,
nhưng sau tôi nhận thấy ngay là nó còn có ý xem xét: nó sợ ngoài tôi, còn có
người nào khác xuống đấy nữa chăng. Thừa lúc đó, tôi vớ ngay được thanh mác
đương treo, liền múa hết vòng rộng ra. Vừa múa vừa định trí.
Hiệp xung đột vừa rồi,
tôi vì may mà không chết. Còn thằng khách thì quả thực là một tay tuyệt giỏi; to
béo thì to béo, nhưng mau lẹ một cách bất ngờ. Ngón võ của tôi lúc ban đầu, chừng
nó không coi ra trò gì cả. Tuy thế, hết sợ hãi, lại thêm kích thích, chiếm được
thanh mác, tôi thấy cũng có thể bắt chấp được tài thuật của kẻ thù. Trong lúc
giao tranh, thắng thế thì dễ lạm, võ thư thường khẩn thiết răn người ta về cái
họa khinh địch. Tôi nhớ điều đó lắm. Thanh mác lợi hại thực, nhưng không hẳn để
cho mình cầm được phần thắng dễ dàng đâu! Nhưng không nguy hiểm như lúc tay chỉ
có cung tên, tôi không luống cuống chút nào như trưức nữa. Tiến đã vững, lùi đã
có ích. Thằng khách chỉ có một mũi tên sắt sau cùng của tôi để đối lại. Tôi chú
ý không cho nó kịp lấy được thứ khí giới nào khác, nhất là cố ngăn không cho nó
giằng thêm dao ném lại tôi. Nó cúi xuống nhảy lên, tránh được những miếng công
phu nhất của tôi: mà chỉ đầu mũi tên của tôi trong tay nó cũng khiến được tôi
luôn luôn phải tỉnh ý thủ ngự.
Nó biết rằng tôi khó
lấy được đà chém bổ xuống, vì trần hầm thấp, mà phạt ngang thì chỉ có lợi ở khoảng
giữa hầm. Vì thế gần hàng cột vẫn là một phương hay nhất để cầm cự với đường
mác сủа tôi. Nó cứ giữ một mực thế mà đợi lúc tôi hở cơ. Tôi quen mưu nó rồi,
bèn tính sẵn cách trừ nó. Tôi tính thế này: hết sức đánh cho nó phải xa hàng cột,
lừa khi nó áp gần vách tôi sẽ dùng hư công. Dử đánh một chiều, làm như để hết
tinh thần về một bên, rồi tức thì, đà lưỡi mác cho một nhát phản diện, thế là
xong đời anh chàng.
Song nó chống giữ rất
kín, rất vững, không một lúc nào sợ sệt, lại thường chực lấn đất của tôi. Cái
chủ ý rõ rệt nhất của nó có lẽ là mong tôi chém mạnh, hụt nó, bập lưỡi mác vào
cột gỗ. Tôi biết thế vì hai ba lần suýt mắc phải cái nước đó. Một lần chỉ thiếu
một ly nữa là tôi bị nó bắt được tay. Dụng tử công phu mới khiến được nó đi vào
thế của mình. Lưỡi mác của tôi cấp thiết mà ý tứ lắm lắm. Nó phải chuyển chỗ dần
dần lùi về một bên, chỗ ấy là sau hàng cột phía hữu. Tôi mừng thầm. Lại thấy
như nó không ngờ vực gì, tôi càng thêm phấn khởi. Nó vẫn tỏ ý ngạo mạn; mình né
chân lượn, mà miệng vẫn cười một vẻ rất khinh thường. Tôi nổi giận, đánh càng
hăng. Sau cùng, sự tiến thoái của nó đã có vẻ hỗn loạn. Tôi không để nó kịp điều
khiển lại cử chỉ, sấn đến công kích rất dữ. Rồi, xuất kỳ bất ý, tôi thét lên một
tiếng, lưỡi mác hết sức vằng đưa ngang cổ nó.
Đến loáng một cái, mấy
ngọn nến, cả cái bệ, đảo lộn một vòng, cùng với hình người, chân cột, trần hầm,
cùng dốc ngược quanh tôi.
Tôi đã lăn quay dưới
đất. Thằng khách nhảy ngay lại. Cả cái thân xác vạm vỡ của nó ngồi đè lấy ngực
tôi.
Thì ra, ngay từ lúc đầu,
thằng khách đã biết ý tôi định. Lợi dụng ngay cái mưu tôi toan đem lừa nó,
tương kế tựu kế, nó mờm cho tôi ham đánh, rồi chờ lúc tôi xuất lực bình sinh ra
chém, nó đâm soài người xuống đất, đưa cả sức mạnh lia tay mà gạt ống cẳng tôi.
Tôi thình lình xiêu người đi, gần như bị hất lung lên, đầu trao xuống theo một
đường cánh cung nguy hại.
Lưỡi mác văng ra, tay
tôi bị trói nghiến lại. Hai chân chỉ đá đạp quãng không, cũng bị giữ nốt, kẹp ở
trong bàn tay nó thắt lại như gọng kìm. Không thể nào vùng được lên. Trên người
tôi, một quả núi nén dị xuống. Lúc thằng khách đứng dậy thì hai cổ tay tôi quặt
ra sau lưng, cùng chung một dây thừng trói lẳn vào thịt.
Nó không nói nửa tiếng
từ lúc tôi ra mặt. Bấy giờ cũng vẫn lẳng lặng, nó kéo tôi lại để gần cái phiến
gỗ dựng đứng, cạnh chân người con gái Tàu. Cô ta nhìn tôi chăm chăm, đầu tóc rũ
rợi, nét mặt thiểu não, có vẻ tự hỏi, không hiểu tôi là người thế nào, vào đây
có ý gì để cho thằng khách nó tóm đuợc.
Tôi bụng bảo dạ:
«Thôi thế là hết. Định cứu người con gái, mà rồi đến mình cũng khó lòng cứu nổi
mình. Cái chết thực mười phần cầm chắc cả mười. Chỉ còn cách là đành tâm mà chịu.
Oán thán nữa, có ích gì đâu? Chỉ hận rằng mình phải chết mà không biết người
con gái đáng thương kia phải đau đớn ô nhục đến thế vì tội tình gì. Tôi nhìn
lên, cô ta vẫn chưa khỏi lấy làm lạ, nhưng đôi mắt ra chiều cũng ái ngại cho
tôi. Cô ta cũng biết rằng đã vào tay giống lang sói kia thì chỉ có việc đợi nó
giết chết. Tôi cũng chẳng còn một chút hy vọng nào khác, chỉ mong cho nó hạ thủ
mình càng mau chóng càng hay. Nhưng ao ước đến như thế cucng không xong. Thằng
khách đâu có chịu cho tôi thoát nợ ngay! Nó cúi xuống soi mói nhìn khắp người
tôi, để lộ một cái vui ác nghiệt, miệng nó nhếch ra, một vẻ cười hóm hỉnh, ngạo
nghễ, như bảo cho tôi biết rằng nó đã nghĩ được lối ghê gớm để làm tội tôi.
Cái vết thương do mũi
tên tôi bắn, chừng đến bấy giờ mới bắt đầu tấy; hoặc vì mải đối địch với tôi
nên lúc nãy nó chưa để tâm. Tôi thêm sởn gáy vì chợt thấy cái vẻ căm tức im lặng
của nó. Đôi mắt kia hẹn cho tôi một hình phạt xứng đáng. Nó liếc nghiêng nhìn
tôi một cái trong lúc quẳng mũi tên nó vừa nhặt lên хеm. Tôi cứ lấy làm tiếc rằng
đó chỉ là thứ tên bịt sắt dùng để giết thú lớn vì sức mạnh thôi, chứ nếu là tên
tre ngâm thuốc độc thì tình thế có lẽ ổn tiện lắm.
Máu ra cũng khá nhiều
đọng quện lại ở ngoài lần vải, nhưng vết thương không nặng lắm. Nó vén ống tay
áo lên, tôi mới biết nó bị toạt đứt thịt ở khoảng giữa bắp nhỏ; xương cửa tay
không việc gì. Lấy một nắm là dấu mà người đi rừng ai cũng nhớ mang theo, nó nhai
dịt vào chỗ đau cùng với một thứ thuốc bột; xé vải buộc lại, co duỗi mấy cái nhẹ
nhàng, rồi cứ giữ cánh tay thực thẳng, chừng nó dùng một phép nội công mà tôi từng
nghe nói đến sự công hiệu, để cho thương tích khỏi làm liệt gân về sau. Phàm
chi thể bị dấu, cần phải giữ yên một chiều, để thuốc ngấm càng lâu càng có cơ
chóng lành, lại cũng phải giữ yên tĩnh cả thần thái.
Trong thì khắc thằng
khách ở yên, có lẽ vừa để nghỉ ngơi, nó phục vị xuống trước bệ thờ. Tôi nghe thấy
tiếng lầm rầm từng hồi. Chừng nó tạ cái tội bất cẩn để cho người ngoài lẻn được
vào đây. Tiếng khấn nhè nhẹ, đều đều, rồi sau dần im hẳn, chẳng biết nó đắm
chìm vào những tư lự trầm ngâm nào... Nó cứ nằm phục vị như thế hoài. Nến trên
bệ còn có vài đốt ngón tay, lửa không gió nhưng chốc chốc lại khe khẽ tạt ngọn.
Tôi nằm hơi nghiêng ra, mình đè lên một cánh tay bị trói, người chênh chếch với
chiều dọc phiến đá, đầu về phía cửa hầm. Hai vòng sắt mắc vào cái rầm trần ở
ngay trên mắt tôi thẳng lên. Gần đấy là hai tràng xích sắt kéo rút tay người
con gái Tàu. Tôi ngảnh nhìn cô ta thì thấy đang mấp máy môi như muốn nói gì, đầu
cử động, mắt long lanh những ý muốn cho tôi hiểu. Tôi chăm chú một lúc mới nhận
thấy cô ta đưa mắt cho tôi để ý đến con dao rơi ở bên cạnh mình. Tôi càng lấy
làm lạ: có lẽ nó xui mình tự tử để tránh khỏi cái lúc đáng sợ sau cùng hay sao?
Nhưng người con gái vẫn ra hiệu, cấp bách hơn trước. Mắt cô ta vừa cau vừa trợn,
đảo đưu nhìn con dao, nhìn thằng khách, nhìn tôi. Tôi chợt hiểu, liền se sẽ lê
mình cho tay thu được con dao, cố lựa lưỡi dao lách vào những vòng dây thừng
trói cổ tay, rồi hết sức cứa. Dao sắc, chỗ buộc tuy chặt nhưng cũng dễ đứt. Tôi
vừa nhìn thằng khách vừa thong thả gấp chân lại cho gót sát với mông. Tìm mãi
không thấy đầu mối, tôi đành phải cắt giữa khúc quấn. Thằng khách vẫn nằm phục,
thấy tôi thở mạnh, ngảnh đầu xuống nhìn. Tôi đờ người rа. Cổ tắc nghẹn. Nhưng
may chân lúc ấy chưa gỡ xong, mà tay vẫn quặt ra sau lưng giữ nguyên cái vẻ bị
trói. Nó không ngờ vực gì, lại cúi trán sát đất, lại phục vị như cũ. Bấy giờ
tôi mới dám thở. Người con gái sợ quá, vẫn chưa hoàn hồn. Thoát được dây trói
chân, không một tiếng động nhỏ, tôi dốn lại một lát ngắn, rồi lấy hết gân sức
nương giữ cho êm nhẹ, tôi đứng đậy, rón rén bước đến chỗ thằng khách, lăm lẳm
con dao, nhằm một chỗ trên lưng nó để đâm. Trước khi cắm ngon lưỡi dao vào xác
thịt to béo kia, làm sao tay tôi như trùn lại, tâm tôi thấy ngần ngại một cách
thực là kỳ dị. Trong giây thoáng mà bao nhiêu ý vương vít. Tôi phải giận mình
là nhu nhược vô lý, phải thúc giục mình bạo dạn để lấn át cái thứ tâm trạng
quái lạ lúc ấy... Không giết nó chết là nó giết chết mình kia mà!
Thằng khách như sẵn
lưng đón cái chết. Tôi lăm lẳm cầm vững chuôi dao trong nắm tay, giơ cao lấy đủ
tầm, mắm môi đâm xuống. Bất đồ thằng khách vừa đến lúc ngồi thẳng dậy! Con dao
trượt sát cánh tay trái nó. Tôi chúi dụi ngã xiêu theo đà, cố đứng lại thì nó
đã vội cướp sấn lấy tay tôi, bóp cho con dao rơi xuống. Túng thế, tôi xuất lực
đấm trái một đấm vào bên má. Hai mắt nó hốt hoảng, mặt bì ra trong lúc kinh ngạc.
Tôi giật được cánh tay phải về. Rồi «chát» một cái liền theo, tôi cho luôn một
tống vào mang tai nữa. Nó đã bíu được tôi lại, nhưng quả đấm sau rất dữ, lại
vào chỗ phạm nên nó gục xuống, ôm lấy chân tôi. Tôi đạp nó ngã ngửa ra, rồi vội
vàng đến bên người con gái toan gỡ trói hộ. Cô ta thở như bị đè nén, nhất định
không chịu, lấy đầu ra hiệu giục giã, như bảo tôi trốn ra ngay tức khắc. Tôi
chưa có chủ định gì rõ rệt, lại thêm luống cuống vì thấy thằng khách đang cựa
mình. Tôi liền chạy lại cửa hầm, leo lên thang, lấy tay nâng phiến gạch bên
trên, nhưng khỏng thấy chuyển. Càng vội vàng càng thấy sức đuối, hỳ huỵch mãi,
cái nắp hầm vẫn không nhích qua chút nào. Ngảnh xuống хеm thì thằng khắch đã chỗi
dậy được. Nó loạng choạng bước tới chân thang. Tôi lo cuồng lên. Còn bao nhiêu
gân sức dồn cả lên đẩy một cái cực mạnh. Cửa hầm mới thấy hé bật được ra. Chỉ gắng
húс một cái mạnh nữa cho phiếu gạch nhích thêm ít nữa là tôi chui qua được,
nhưng thằng khách đã đến nơi rồi. Tôi liền bám mép gạch, du bổng người lên, đạp
rối rít vào đầu, vào ngực, vào vai thằng khách. Nó điên tiết nắm lấy hai chân
tôi lôi tuột xuống, rồi cứ thế kéo thẳng đến trước bệ thờ. Lần này nó trói tất
nhiên là kỹ lưỡng. Dây nghiến tưởng cắt được ống chân cổ tay mình. Ấy là nó bị
thương đấy chứ không thì chưa biết tôi còn đau đớn tới bậc nào. Tay tôi ngoặt
ra sau, bị trói cũng như lần trước, và cũng như lần trước cùng một sợi dây cổ
chân. Rồi từ mắt cá lên đến vai, một cuộn dây trão quấn thêm mấy vòng nữa. Thực
là hết mong lại có cách thoát thân! Vả lại cũng đừng có hòng thằng khách lại sơ
ý đến lần nữa. Nghĩ mà cứ lấy làm hối hận mãi: mình thực đáng giận vì đã quá
ngu ngốc. Thằng khách bị điếng người lúc nãy, sao tôi không biết thừa cơ lấy
dao, lấy mác hay cái gì đó mà giết phăng ngay nó đi. Thực chẳng dại nàо giống
cái dại nào. Mà cái dại dột này, mới thực là cay đắng, thực là khốc hại! Nhưng
lúc bối rối thì cũng không thể nói mạnh được. Vả lại tôi cũng tưởng có thể
thoát được khỏi tay thằng khách mà không phải giết nó kia! Tôi còn mong có thể
đi gọi bọn người Nùng xuống giúp tôi bắt sống lấy nó. Tôi vốn không bao giờ
khinh sát. Người Nùng cũng vẫn cười tôi về chuyện đó, họ bảo tôi lẩn thẩn, hay
nghĩ rắc rối. Nếu ở địa vị tôi, thì họ không hề do dự, sử gọn được ngay. Ăn năn
thì sự đã rồi. Thằng khách trói tôi xong đang chọn một sợi dây thừng to, ra ý sửa
soạn cho tôi một hình phạt mới.
Nó chập cái dây,
chung đôi lại, ném quảng gấp khúc cho mắc lên một chiếc móc sắt trên trần rồi
kéo tôi lại, buộc một đầu dây vào chỗ thừng trói chân tôi, rồi sau cùng cầm nửa
phần dây kia mà kéo. Hai chân tôi bị rút ngược lên gần chạm tới cái rầm ngang,
đầu dốc xuống, cách mặt đất độ hơn một sải tay. Người tôi lủng lẳng như một bó
giò treo. Mọi vật trong hầm tôi trông đều đảo lộn lại một vẻ kỳ quặc. Người con
gái ở cách tôi vài ba bước, không hiểu sao lại nức nở khóc. Thấy vậy, thằng
khách quắc mắt, luôn ra một mẻ lời tức giận, cột đầu dây xuống một vòng sắt dưới
đất rồi lấy roi vun vút quất lên mình cô ta. Không chịu nổi, người con gái lại
bật lên khóc. Tiện tay, thằng khách quất luôn cả tôi.
Bấy giờ máu khắp mình
tôi dồn cả xuống mặt. Đầu ù, mắt hoa, đã mặt nóng như hơ lửa, cổ chân đau như bị
tiệnmình mẩy nhức nhối vừa bởi làn dây thắt, vừa bởi lằn roi. Hình như thằng
khách có một thuật riêng về đòn vọt. Mỗi cái vụt của nó tôi lại phải nghiến
răng lại để khỏi kêu. Tôi cố vững lòng khẳng khái. Nét mặt không đổi, nhất quyết
không lộ ra vẻ sợ hãi đau đớn. Mắt tôi lẳng lặng nhìn thằng khách cho nó thấy
tôi khinh bỉ nó không biết ngần nào. Nó càng thêm tức tối. Nó tưởng tôi phải
van vỉ nỏ, có lẽ nó muốn xem tôi khổ sở kêu khóc cũng nên. Tính mệnh tôi ở
trong tay nó, đã đành. Nhưng như thế chưa hẳn là tôi bị thua nó. Tôi còn một sức
để nó phải thấy là phần thắng ở tôi, ấy là sự nhẫn nhục, sự thản nhiên, cái
thái độ khinh sinh của người quân tử. Thành thực mà nói, tôi đã phải gắng sức
kiên cường, phải tưởng nhớ đến các gương oanh liệt, mới cầm vững được can trường.
Nó thấy tôi không thèm coi sự hành hạ của nó vào đâu, nó giận sôi lên. Nó rít
răng lại mà đánh tôi như một thằng điên cuồng. Roi rát như đốl da thịt tôi, quất
gấp trận đồ hồi lên cái thân trơ trơ sắt đá. Mồ hôi đã thành giọt lăn trên mặt
tôi. Tôi hết lòng mong nó tức giận nữa lên, đến phát khùng lên mà giết ngay tôi
tức khắc.
Nó vẫn không quên người
con gái. Vì thế ngừng được một lát, tiếng khóc của cô ta lại từng chặp nổi lên
áo não thê thảm bên tai tôi. Có gan chịu nổi thứ đòn thù dữ dội kia, tôi lại
không nén được lòng thương con người tội nghiệp ấy. Thực đáng thương lắm. Trai
trẻ như tôi bấy giờ mà còn phải trẹo hàm răng đi đề cố nin thinh, huống chi một
người con gái уếu ớt, thân thể lại bộc lộ. Thằng khách lúc đó trông hung bạo
hơn cả loài ác thú. Tôi thù ghét nó đã đến cực độ. Sự phẫn nộ đã đến lúc khó
nén được yên. Tôi đem hết khinh bỉ vào trong một câu rẽ rọt, ghê gớm, như một lời
tuyên án, một lời nguyền. Tôi nhìn thẳng vào mặt nó mà nói: «Đồ phi nhân loại,
chúng ta chết đi vong hồn sẽ báo oán, sẽ theo đuổi mày không biết đến mấy mươi
đời». Thằng khách ngừng tay lại, nhìn tôi sừng sộ một lúc, rồi mặt đang trang
nghiêm, nó bỗng nhăn tít lên mà cười. Nó vừa đưa đẩy gật gù cái đầu vừa cúi xuống
gần mặt tôi, sì sồ nói như bảo cho tôi biết rằng: «Mày cứ đợi đó, ta cho mày biết
một lối chết thực là hay hay!».
Nó đi lấy nến đốt nối
vào bốn cây cháy gần hết, rồi nhăn nhở đi nhổ một con dao trên phiến gỗ, đưa
qua mắt cho tôi xem. Nó nói gì tôi không hiểu nhưng vỡ nghĩa ngay, vì con dao
kia, nó đem trồng đẵng chuôi xuống đất, mũi dao trỏ thẳng lên chính đầu tôi.
Tôi đoán lát nữa, dao cắm đã vững chặt, nó sẽ cắt đứt cái phần dây vẫn giữ tôi
lửg lơ dưới trần hầm; tôi sẽ rơi tuột xuống, đầu tôi sẽ đâm xuống lưỡi dao, hay
nói đún hơn, lưỡi dao cắm ngập vào đầu tôi.
Nhưng nào nó đã cho
tôi hưởng cái chết nhanh chóng ấy! Như thế thì chả khác nào thí ngay cho tôi một
nhát rảh đời sao? Cái phần dây rút tôi lên móc sắt trần hầm, vẫn buộc một quãng
ở cái vòng sắt đầu phiến đá lớn; thằng khách quay mình tôi lại để tôi dễ nhìn
thấy nó cởi nút buộc ra. Cởi xong, hai tay nó nắm chắc lại, rồi thả dần ra cho
đầu tôi hạ xuống đất. Nghĩa là nó muốn làm một ác thần cầm giữ cái giờ tận số của
tôi. Nó thả xuống, chỉ cho mũi dao chạm vào da tóc, là lại kéo người tôi lên
ngay. Kéo hết mực lại thả xuống, Cứ thế tái tam tái tứ, lần nào tôi cũng tưởng
là lần quyết liệt cuối cùng! Có lúc buông từ từ để tôi thấy cái ghê buốt xuyên
từ óc vào suốt sống lưng; rồi thoắt lúc lại buông mau. Tay nó điều khiển một
cách khôn khéo rất tinh ma, vừa kéo tôi lên cao, bỗng nó để tuột dây, đầu tôi vừa
chấm mũi dao thì nó giữ lại kịp. Nó cười khoái trá lắm, trong lúc ấy thì tôi
toát mồ hôi lạnh. Lối giả vờ quái gở ấy nhắc lại luôn mấy lần. Ví phỏng tôi
giàu có mà nó dùng cách ấy để khảo của thì có lẽ tôi đến phải xưng. Nhưng đổi lấy
một lời năn nỉ bấy giờ thì dù có phương khủng khiếp hơn cũng vô ích. Tôi không
dám nói là mình không sợ chết, nhất là cái chết theo kiểu độc địa kia. Lòng tôi
lúc ấy chua xót vô cùng, tâm trí cũng dị kỳ lắm. Vẫn mong cho nó giết đấy, lúc
tưởng phải chết lại mong nó khoan tay. Cái lòng muốn rứt cho xong tức thì lại
có lòng muốn sống thêm chút nữa đối ngay lại. Thằng khách có biết tâm sự tôi
không mà nó làm khổ tôi đến thế? Tuy vậy, tôi nhất định không để lộ một vẻ gì
khiếp nhược ra bề ngoài. Cả đến sắc mặt tôi cũng cố không để biến.
Thằng khách thấy tôi
trơ trơ, không một tiếng kêu hốt nhiên, không một hơi thở mạnh, thì căm giận lắm.
Cái lối hành hình của nó hóa ra nhàm, hóa ra nhụt trước sự kiên cường khó chuyển
của tôi. Trước nó còn hầm hầm phun ra những lời tức tối sau nó như lấy làm lạ,
nhìn tôi chăm chú, lẩm bẩm nói như thách thức, như nạt nộ: «Được lắm, được lắm,
rồi mày biết tay ta!». Rồi nó cột dây lại như cũ, ngồi nhìn quanh quẩn, ra vẻ
suy nghĩ nhiều lắm. Tôi biết nó đang nghĩ cách hiểm ác hơn làm tôi đến điều khốn
khổ. Nhưng tôi đã nhất quyết không đẻ nó được vui sướng mà trông thấy cái chết
trong lòng tôi lúc bấy giờ.
Người con gái rũ rợi
lõa lồ kia vẫn không nhịn được rên khóc. Tiếng khóc nấc lên từng trội. Tóc cô
ta xõa thành nhiều món hỗn độn, bết vào nước mắt nước mũi, với những vết máu rướm
trên mình. Tôi bị treo cách bảng gỗ dựng không xа, song dần dần mắt tôi hoa
lên, lắm lúc chỉ trông thấy một hình thể mờ trắng, có những ánh lửa lấp lóe
trên mấy lưỡi dao sát cạnh cô ta. Thằng khách chừng không để tâm đến cô ta nữa.
Nó đứng dậy quay đầu
nhìn khắp hầm dáng vẻ băn khoăn suy tính. Mắt nó gặp mắt tôi hai ba lần, hằn học,
thâm hiểm. Bỗng nó phát tay lên đùi một cái, reo lên một trặng cười thích ý,
nói lảm nhảm một thôi một hồi. Tôi chớp mắt, chăm chẳm đợi, thì thấy nó ôm ở
đâu ra một tảng đá lớn, rồi nhanh nhảu đi lôi cát nải gạo ở chân thang vào để một
bên. Тrоng hầm đất này, cái hình vóc to sù kia qua lại, cử động có một vẻ hoạt
bát dị kỳ như một bóng ác quỉ trong một địa ngục lạnh lẽo.
Nó hạ tôi xuống, lựa
cho ngực với bụng tôi nằm áp mặt đất, bên cạnh con dao, nhưng chân vẫn bị treo
ngược. Tôi không rằng, không nói, không có một mảy may chống cự vô ích, cứ lẳng
lặng mà xem nó làm. Nó cởi bỏ cái dây trão quấn bó người tôi ở lần ngoài cùng
đi, rồi kéo hai tay trói ké sau lưng tôi mà buộc làm một với hai chân; gối tôi
liền gấp lại. Tôi chẳng khác gì một con vật sắp bị đem làm thịt. Người tôi lủng
lẳng sát đất, ngực ưỡn lên mũi dao sắc, búi tóc xổ rủ xuống hai bên thái dương.
Thằng khách lại rút
tôi lên, rút lên giữa chừng cái khoảng từ trần hầm với mặt đất. Giữ như thế làm
mực nhất định, nó bắt người tôi bị kéo lên hạ xuống mấy lượt nữa. Chỗ móc sắt
dây thừng cọ đi cọ lại từ trước lúc đó đã nhẵn bóng, tay kéo đã thêm dễ, mà tiếng
dây siết đã êm hơn. Chán rồi nó mới đem buộc kỹ lưỡng đầu nải gạo với tảng đá
lúc nãy vào với nhau, lại buộc phần dây thừng buông kéo tôi vừa rồi vào hai thứ
ấy. Buộc xong, nó còn thử xem nải gạọ với tảng đá có đủ nặng, cho người tôi khỏi
lôi bỗng lên được không, Thử đã vừa ý - sức nặng của tôi với hai vật kia vẫn
thăng bằng - thằng khách liền buông tay ra. Người tôi lúc ấy lửng lơ, không rơi
lên được lưỡi dao dưới đất. Thằng khách bèn lấy con dao khác, chọc một lỗ ở đáy
nải cho gạo chảy ra dần. Bấy giờ tôi mới hiểu cái độc kế của nó.
Nó khoanh tay ngắm
cái công trình cơ xảo độc dữ của nó, vẻ đắc chí hớn hở trên mặt. Tôi lấy làm áo
não mà hiểu rằng lần này thế là hết, lần này thì cái phép tuyệt diệu của nó sẽ
đưa thẳng tôi đến cái chết sau cùng. Nó đang ngồi chăm chú dò xem thần sắc của
tôi, sực nhìn lên thấy người con gái đang nức nở. Nó đùng đùng nổi giận, vớ roi
nhẩy lên vừa quát tháo vừa thẳng cánh vụt. Người con gái lại gào khóc. Nó càng
hăng đánh. Tiếng roi bay vút vút như quật đen đét vào trong những tiếng kêu thảm
thê. Tôi nghe chừng người con gái đã nhược sức lắm. Trận đòn vẫn dữ, mà tiếng
khóc như yếu đi, nghe càng chua xót, càng não lòng thêm, nhất là vì tôi biết
cái số mệnh của tôi cũng không được bao lâu nữa.
Dòng gạo trắng bên cạnh
tôi vẫn không ngừng chảy. Cái dây treo tôi bắt đầu cựa ở chỗ móc sắt, các thớ
da thịt thân thể tôi gai sởn cả lên. Huyết mạch chuyển qua từng dội sóng bàng
hoàng. Người tôi chốc chốc lại tưởng tụt mau xuống một cái.
Nải gạo đã vơi đi đến
chừng ba bốn đấu, hạt gạo rơi bắn tản mạn trên mặt đất đã thấy dần dần thành có
chỏm, mà mỗi khắc một cao dần. Thằng khách chợt để ý. Nó vội lấy chân vun hết gạo
hất thực xa. Từ lúc ấy nó vẫn coi chừng giữ cho cái khoảng đất chung quanh con
dao bao giờ cũng quang phẳng.
Lưỡi dao loáng sắc,
yên lặng chĩa cái mũi nhọn lên ngực tôi, như đợi chờ đó đã lâu, như một thứ khí
giới yêu ma, chồi mọc lên từ một cõi âm ty nào. Lưỡi dao đó chỉ lát nữa sẽ ngập
vào tim phổi tôi. Tôi sẽ dẫy dụa hấp hối không biết bao lâu, rồi người sẽ cứng
còng, chân tay co quặp trong một dáng thiểu não!
Gạo cứ chảy. Tôi cảm
thấy từng mẩu dây chậm chạp tuột qua vòng móc. Chẳng mấy chốc nữa đồng cân bên
gạo rút đi, mà người tôi sẽ gấp mau sức nặng thêm hoài!
Tôi thực là trông rõ
thấy mình chết.
Mặt tôi nóng như tức
máu, những vết trói, dấu đòn không biết đau nữa, trống ngực đập đến tức thở,
hai tai nghe ồ ào muôn nghìn tiếng rất lạ lùng. Ồ! Cái chết phi thường, cái chết
tai quái! Nải gạo kia tức là một thứ đồng hồ, mà gạo trong nải tức là những giọt
nước vô cùng thảm khốc, vô cùng khắc nghiệt, mà mau chóng làm sao! Gạo tuy cứ đều
đều từ từ mà rơi, nhưng thoát ra lẻ nào vực nào là cái chết nghiêm khẩn, khắt
khe lại gần chừng ấy! Cái thời khắc vừa quá ngắn, lại vừa dài ghê!
Tôi bắt nghĩ đến thân
thế tôi, đến quê hương tôi, nghĩ đến tất cả các bằng hữu thân thích tôi, đến cuộc
đời của tôi đáng lẽ còn dài, còn nhiều bước hạnh ngộ tốt đẹp, còn bao nhiêu hứng
vị sẽ được hưởng ở bao nhiêu độ tiến của tuổi trời... đột nhiên đến bây giờ là
đoạn, là tuyệt! Tôi phải chết. Mà chết bởi một kẻ thâm độc ở đâu chợt đến, chết
vì một việc kỳ quái, vô nghĩa lý; chết thầm kín, chậm chạp giữa lúc khỏe mạnh,
tỉnh táo; tronq giờ bi đát, không được xuôi ruỗi, không ai phủ khăn vuốt mắt;
chịu để cho lưỡi dao bình yên giết hại; chết trong lúc làm trò vui mắt cho một
con quái vật nó lấy câu nguyền rủa để làm lời tiễn tống mình. Bao nhiêu ý nghĩ
chua xót thấm thía!
Người tôi hạ xuống một
gang, rồi hai gang.
Nhưng tôi biết trước
rằng chẳng mấy chốc, khi nải gạo vơi quá nửa, nhẹ bỗng đi thì tôi sẽ rơi xuống
thẳng một mạch, chứ không dần dà được mãi như lúc này. Ý nghĩ cay đắng ấy làm
chói buốt tâm can. Chẳng biết tôi làm thế nào mà giữ được thần sắc lạnh lùng,
chứ thực tôi thấy lòng tôi thảm hại quá, thiểu não quá. Mắt tôi đến lúc lóa
thêm rồi, nhìn cái chân quét gạo của thằng khách chỉ thấy một hình thù xẫm xanh
cử động, nhưng lưỡi dao như sáng thêm, dài thêm. Cái dây chão kia thực là dây
treo tính mệnh tôi, mà thực cũng mảnh hơn sợi tóc.
Dòng gạo trắng đổ xuống
một vệt thẳng mơ hồ. Cái thăng bằng thiên lệch nhiều. Nải gạo với tảng đá không
ở tầm nhìn của tôi nữa. Càng khắc tôi càng thấy người thêm nặng. Giá tôi quẩy mạnh
lên một cái thì xong nợ tức thì. Nhưng tại sao lại không? Tôi cứ ở yên, cố sức
lặng yên... Cứ y như là vẫn trông mong một sự gì đây: nhưng bấy giờ thì trông
mong gì được! Nải gạo nhẹ lắm rồi. Dây chuyển qua chỗ móc sắt cấp thiết thêm.
Tôi nín thở lại mà gạo vẫn cứ chảy.
Chẳng biết vì cớ gì
người con gái gần tôi vẫn khóc; thằng khách đã nghỉ tay đánh từ lâu. Tôi phảng
phất thấy một khuôn mặt tròn nhăn nhở cười, nhe trắng một miệng răng. Nó áp mặt
rất gần để xem tôi hấp hối. Miệng nó thổ ra những tiếng như gầm ghè, hục hặc. Rồi
lại hề hề cười. Vừa cười, vừa hô, vừa lấy tay đánh nhịp như để thúc giục cho gạo
chảy mau hơn nữa, cho tôi thêm mau rơi xuống, cho mũi dao cắm ngay vào ngực
tôi.
Tôi chịu sự khốn khổ
đến mực cùng tột mất rồi, phải nhắm mắt lại để đợi, mà cũng là để thôi nhìn cái
mặt ác thú kia. Tỏi buông sức сố gắng ra, tâm thần hồ thành mê loạn. Chỉ trong
khoảng hai hơi thở, hai nhịp trống ngực mà tôi thoáng nghĩ đến trăm nghìn muôn ức
hình ảnh kỳ quặc, thoáng nghe thấy hỗn hòa những tiếng ồn ào... Mà bên tai vẫn
nhận rõ tiếng người con gái vẫn còn thút thít, với lại tiếng thằng khách hô nhịp
không ngơi mồm. Rồi như xôn xao tiếng người thưa thưa gọi gọi, lại như huỳnh huỵch
những tiếng tấp nập сhen chúc ở đâu đây. Người tôi như ngã từ trên mây, rơi tuột
xuống rất nhanh. Nhưng không qua một chút gì là đau đớn hết. Có tiếng gọi ồn tồn
ngay bên cạnh:
- Anh Triệu à, anh
còn tỉnh chứ?
Tôi thấy tôi chổng
lên, rồi hạ nằm nghiêng dưới đất. Tiếng vừa rồi cũng như nói trong thế giới
nào. Tôi mở mắt, thấy toàn là mặt quen cả; không biết xuống đây từ bao giờ? Bạn
săn của tôi đã lấy dao gỡ hết dây trói, chân tay tôi đã thoát nhưng vẫn tê dại,
họ phải sốc đỡ ngồi lên. Tôi vẫn mơ màng chưa hiểu ra sao. Bao nhiêu miệng cùng
thăm hỏi mà mình vẫn ừ ào chưa nói lên được. Trông đến người con gái thì mặt
xám ngắt như chàm đổ, bấy giờ bất tỉnh, vẫn bị giăng trói, vẫn trần truồng. Tôi
cũng không phân giải được câu nào, chỉ lấy tay ra hiệu cho họ nhổ dao quanh
mình rồi cởi trói cho cô ta. Còn thằng khách thì đã bị năm sáu người đè xuống,
đang lấy dây quấn chịt từ đầu đến chân.
Bấy giờ tôi biết là
thoát nạn rồi, nhưng phải nghĩ mới dám tin là chắc chắn.
Một lúc lâu nữa tôi mới
thực hoàn hồn.
Người con gái hơi thở
đã mạnh, mặt đã lại sắc dần, họ đã lấy quần áo của tôi mặc cho, đặt nằm một nơi
đợi cô ta hồi tỉnh. Tôi bèn đem việc ở dưới hầm sơ lược kể cho họ nghe, nhân lại
hỏi sao họ biết được tôi bị khốn, ở đây mà xuống cứu.
Người Nùng đêm ấy bàn
nhau nghỉ săn sớm, cuối canh ba đã gọi nhau trở về, khác hẳn lệ thường cứ đến gần
sáng mới nổi hiệu mãn cuộc. Họ định trưa mai đem da cọp đi trình ông châu Lũng
Sa. Vào đến miếu, họ không thấy tôi đâu, điểm xem thì lại thấy mất một nải gạo.
Họ còn chưa hiểu duyên cớ thì bỗng văng vẵng nghe tiếng rên khóc cùng với tiếng
quát tháo. Họ ngạc nhiên lắm, lẳng lặng tìm sục các nơi xem. Không thấy gì cả,
nhưng tiếng khóc tiếng mắng vẫn còn. Trước họ còn tưởng là chính ông thần miếu
này đang nạt nộ, sau mới chợt tìm ra lối xuống hầm. Thì ra lúc tôi chực trốn
lên, tôi đã mở hé được phiến gạch mà thằng khách vô tình không đậy lại. Tiếng
dưới hầm do đấy vẳng lên, người Nùng mới vì thế biết được lối xuống. Cũng may họ
không làm ồn. Còn thằng khách thì phần đang mãi hò hét, phần không ngờ, nên
không nghe thấy gì hết. Họ mở nắp hầm lên, trước hết trông ngay thấy người con
gái trước phiến gỗ, thấy tôi đang bị treo, rồi thấy thằng khách quay lưng ra,
tay đang khoa, miệng hò hét. Họ máy nhau rón rén xuống cả nấp sau bóng cột, rồi
cùng một lượt ồ lại bắt thằng khách. Hai bên xung đột một lúc thằng khách mới
chịu thua. Trong khi đó, hai người đến cứu tôi. Họ vừa kịp đón lấy tôi chính giữa
lúc tuột thẳng xuống. Trước hết lấy chân xéo đổ con dao dưới đất, một người bế
nâng tôi lên cho người kia cắt dây.
Thực hú vía! Muôn phần
tôi không ngờ được một là lại còn được sống ở đời. Trong bụng vui mừng mà tôi vẫn
rờn rợn bàng hoàng, tâm thần như chưa thực hẳn.
Chúng tôi bàn định
ngay hôm ấy sáng rõ thì dẫn người con gái với thằng khách lên châu Lũng Sa để
quan châu tra vấn. Tôi bảo bọn săn hãy vực người con gái lên trên miếu để khi tỉnh
dậy khỏi phải trông thấy quang cảnh khủng khiếp dưới hầm.
Bỗng từ chỗ thằng
khách nằm, mấy trặng cười rống lên. Tiếng cười nghe thực ghê rợn, không ra tiếng
cười ròn, không ra tiếng khúc khích mà cũng không hẳn là cười nữa. Cứ thấy khê
nặc lên từng hồi những tiếng «hô hô», «hệch hệch», rất lớn, vang âm quái gở,
nghe gần tựa như tiếng ễnh ương hay ếch trâu nó ỳ òa ỳ oặc liên thanh sau những
trận mưa rào. Ai nấy kinh ngạc đứng phỗng ra, lúc đến gần, soi đuốc xem thì thằng
khách máu trào ra như chan, đỏ ngòm hai tay nó, lại vũng cả một khoảng mặt đất.
Thì ra tay bị trói đè trên bụng, nó đã сố lần lách vào lần áo trong móc ruột ra
mà tự tử! Ngăn cản thì đã quá muộn. Thằng khách không dãy dụa, chỉ co giật mấy
cái rồi đờ người, nằm im. Nó chết rồi mà hai mắt vẫn trừng trừng còn mở, nhìn
trao tráo vào mắt tôi. Tôi rùng mình bất giác lại tưởng đến hai mắt tôi bắt chợt
hôm nào, rồi lại nhớ đến hai mắt con trăn... Mắt người đã chết rồi mà sao vẫn
có cái sức yêu ma đến thế! Suốt đời, tôi khó mà quên đi được, mà mỗi khi hốt
nhiên nghĩ tới thì vẻ nhìn quái gở lúc đó vẫn còn xiên qua khắp tâm hồn tôi. Lại
còn tiếng cười kia nữa, tiếng cười kỳ quặc, khủng khiếp! Tôi tưởng như đó là những
câu đe dọa ghê gớm; trước khi nó chết, hình như thằng khách hẹn với tôi rằng nó
sẽ không quên tôi, nó còn tìm được mưu độc hại cho bằng được tôi để báo oán.
Trong cuộc đời tôi sau này, mỗi khi bị hiểm trở, mỗi lần mắc phải tai ương nào,
tôi lại nghi là do vong hồn con ác quỉ kia xui nên. Cả trong yên vui tôi cũng
thường chột dạ. Oan khí như không bao giờ tiêu tán hết, bao nhiêu căm hờn, bao
giờ cũng theo đuổi bước đời của tôi, ám ảnh sự thái bình của tôi; không có cách
nào trừ đi được.
Cả bọn người Nùng đều
lắc đầu le lưỡi trước cái chết đột nhirrn mà phi thường này. Còn tôi thì như đã
quen, đã dạn những điều quái đản từ trước, tôi không lấy sự thằng khách cấu rốn
tự tử làm quá đỗi lạ lùng. Chỉ ngấm ngầm lo sợ không dám nhìn đôi mắt mở của thằng
khách. Tôi nín thinh, vừa rờ tay thăm lại những dấu đòn trên người, vừa đi xem
xét khắp hầm vừa ngẫm nghĩ.
Tôi bụng bảo dạ: những
việc xảy ra dưới hàm này đêm hôm đó, tất thằng khách đã rắp từ lâu, mà chừng
làm quen tay lắm, cho nên mới sẵn những hình cụ, như bảng gỗ, những móc xích với
những dây thừng. Các thứ ấy đã cũ, đã rỉ cả. Công việc hắn làm có lẽ không hề
ai biết, không từrng có ai cản trở. Bỗng đến nay, thấíy một bọn người từ đân
đâu kéo đến làm cho hắn kinh lạ. Hắn phải để mắt dò xét cẩn thận; những lúc thốt
nhiên thấy cái bóng áo chàm xanh trong rừng, có lẽ chính là những lúc thằng
khách lẩn lút quanh quất đó mà dòm dỏ chúng tôi. Cả bận hắn lẻn vào trong nhà lều,
hẳn cũng là một phen trốn tránh giữa lúc bí thế; không chừng thằng khách nhân dịp
ấy còn muốn gây cho cái thói mê tín của người Nùng thêm vững, để cho họ đừng
chú ý đến các tính cách công việc riêng của hắn cũng nên. Hay ngoài ra, lẻn vào
lều, hắn còn chủ ý gì khác nữa, thì tôi không đoan ra được. Lúc hắn lẻn vào
trong miếu, chỉ có tôi trông thấy hút; nhưng dù cho cả mọi người trông thấy nữa,
hắn cũng biến mất tích như một bóng ma. Lúc ấy thì nào ai ngờ đâu ngờ đến cái hầm
dưới đất? Thằng khách chỉ việc lật cái phiến gạch, nhảy xuống, đậy lại như cũ,
thế là đủ cho bọn người sẵn lòng tin chuyện biến ảo, yên trí là vừa gặp vía quỉ
thần. Trốn ở dưới hầm, giá thằng khách biết rằng trên miếu người ta đang lửa
hương cầu cúng hắn, chắc cũng phải lấy làm buồn cười. Rình mò nghe ngóng mấy
hôm, thằng khách dò biết chắc chắn rằng chúng tôi là bọn đi săn, mà chỉ ban đêm
mới kéo ra khỏi miếu, hắn mới đem tội nhân của hắn xuống. Hắn không ngờ là
trong miếu đêm ấy lại có tôi, sự tình cờ đã khiến tôi biết được những “chuyện
kín” ghê gớm dị thường kia, lại cũng khiến tôi phải một phen kinh khủng hút chết.
Song thằng khách là
người thế nào? Vì những lý do gì mà lại đến tận chốn này mà thi hành những việc
độc ác như thế? Trong mình nó không có qua một thứ giấy má nào để người ta có
thể biết được tên tuổi, lai lịch của nó.
Thằng khách đã chết
thì bao nhiêu ẩn tình về chuyện này họa chăng chỉ có người con gái Tàu kia là
biết được ngành ngọn. Từ hôm đưa cô ta đi trình Ông châu thì cô ta bị một cơn sốt
kịch liệt rồi cứ mê mê mẩn mẩn, khi cười khi khóc như người hóa điên. Ông quan
châu biết chưa thể tra vấn được, nên cắt người săn sóc thuốc thang đợi cô ta
hoàn lại tính người. Trong khi đó, thổ dân ở những thôn gần đó, không mấy ngày
là không nói đến việc xảy ra trong rừng lớn Lùng Sa. Người thì cho rằng người
con gái kia là một vật hy sinh đem đến cho con yêu trong miếu ăn thịt, người
thì lại bảo là thằng khách cưới vợ cho Thần Rừng. Vì thế có kẻ lo sợ rằng vị thần
Lùng Sa sẽ oán bọn người Nùng đi săn, rồi oán lây cả đấn dân làng, vì bọn đi
săn đã làm chết mất thằng khách là người hằng năm vào trong hầm cúng tế. Nhiều
người kể cho tôi nghe rằng, mấy năm trước đây, họ trông thấy một người khách to
béo thường vào trong rừng hoang, khi đi một mình, khi dắt theo một người con
gái; cứ gặp thấy người làng là ù té chạy, rồi không biết biến đằng nào mất.
Những điều ức đoán với
cách giảng nghĩa của họ cũng như của bọn người Nùng bạn săn với tôi, đều mơ hồ
lắm. Lòng tin tưởng của họ ngây ngô, đơn giản nhưng là vững mạnh. Tôi cũng
không muốn biện bạch với họ làm gì. Tuy vậy, cũng có điều khiến tôi suy nghĩ,
là thấy họ nói đã từng gặp thằng khách một vài lần. Về điều này nhiều người cam
đoan là không sai, vì đã có nhiều người trông thấy. Thế thì có lẽ cái cảnh tượng
tôi được “thực mục sở thị” đêm hôm xưa, quả như điều tôi đã đoán trước, không hẳn
chỉ mới diễn ra lần đầu. Mà nếu thằng khách không bị bại lộ thì chưa biết chừng
nó còn ngấm ngầm tác ác đến bao nhiêu phen nữa.
Ông châu Lũng Sa cùng
những người có trách vụ hoặc chú ý đến chuyện này, trong khi đợi người con gái
bình phục, đều băn khoăn như tôi. Thằng khách là hạng người nào? Cái hầm đất
kia với nó có những quan hệ gì? Những việc nó hành động là do những căn nguyên
nào? Khó lòng phân giải được cho xuôi ổn.
Khám xét trong hầm
cũng không thấy ngách ngả nào thêm nữa. Hầm đào chừng lâu lắm, cách chống đỡ rất
kiên cố, mà xem ra đào cùng thời dựng tòa miếu. Không thể nào đoán được miếu ấy
thờ ai. Có lẽ miếu dựng lên chỉ để làm nơi đánh dấu, hoặc để người ra vào hầm
đó không bị nghi ngờ gì. Cửa hầm thì ở một góc miếu phía tay tả (kể lúc mình
ngoảnh mặt vào trong), nhưng hầm lại đào ở hẳn khu ngoài. Tìm kỹ lưỡng, thì thoạt
tiên ngoài những cái tôi trông thấy ngay đêm bị nạn, chỉ thấy thêm được ít
lương khô cùng với mấy nén bạc thằng khách đem theo. Mãi sau vì cái mùi thối
nát khác thường, không thể ngờ là do xác chết của thằng khách xông ra được, người
ta mới đào một vài chỗ lên xem thì thấy những xương người đen sì; thịt chưa rữa
hết, có đến hai ba bộ. Những sự kỳ bí chỉ tối tăm dày đặc thêm lên.
Người con gái Tàu thì
ngày càng kiệt lực. Cô ta không mê hoảng như mấy hôm đầu nữa, song bệnh tình trầm
trọng như thế, xem chừng cũng không đậu được bao lâu. Một hôm tôi ở bản Khau đến
thăm cô ta bên châu, cô ta ứa nước mắt không nói gì cả. Tôi lấy giọng ôn tồn dịu
ngọt yên ủi cô ta. Tuy không hiểu tiếng, nhưng cũng biết là lời ân cần khuyên
nhủ mình, cô ta nhè nhẹ mỉm cười, đầu khe khẽ gật.
Cách đó ít bữa, tôi lại
đến châu Lũng Sa thì được tin người con gái Tàu đã chết. Tôi bùi ngùi lắm, toan
trở ra về thì ông châu cho người lưu lại, mời tôi vào nói chuyện. Ông ta lấy
trong tráp, đưa ra cho tôi một phong thư dày, nói là của người con gái Tàu để lại,
dặn gửi riêng cho tôi. Bức thư dài lắm, nét bút ẻo lả, viết lối hành khải, nhiều
dòng chữ líu ríu chi chít nhưng cũng đủ rõ ràng. Ông châu nói rằng trước hôm cô
ta tắt nghỉ, lại thấy tươi tỉnh, ra hiệu mượn bút giấy, nhờ người đỡ ngồi dậy để
viết bức thư này. Trong thư, người con gái Tàu kể rõ tên tuổi, lai lịch mình, với
cái duyên cớ vì đâu cô ta bị thằng khách hành hạ. Nhờ đó tôi biết được phần lớn
câu chuyện. Mãi mấy năm về sau, được gặp một viên quan Tàu trong sứ bộ Trung Quốc
sang giao thiệp với triều đình ta, ngẫu nhiên tôi nhắc đến việc xưa thì thấy
ông phó sứ ấy nói là đồng quận với thân nhân người con gái Tàu. Hợp với lời trần
bạch trong thư của cô ta, câu chuyện ông quan Tàu thuật lại với tôi đã khiến
tôi biết được hết đầu cuối những điều mà tự mình suy tầm, tưởng khó lòng thấu
rõ được.
Cô ta tên Thúy Liễu,
con gái họ Lâm, quê ở mạn Phù Nam bên Tàu, cha mẹ nhà nghèo, chỉ có một mụn con
gái làm của báu. Năm cô ta lên chín, hai ông bà kế nhau tị trần. Trong họ có bà
dì nhà cũng khá giả, động lòng vì cái cảnh thương tâm cùng mực đó, đem Thúy Liễu
về nuôi. Thúy Liễu ngoan nết lại thông minh, bà dì hết lòng chăm nom dạy dỗ,
nhan sắc ngày một thêm dịu dàng, được nhiều người quý mến khen ngợi. Đến năm cô
ta mười tám, bà dì từ chối các đám giàu có, gả Thúy Liễu cho một viên huyện
quan họ Mã, tính tình thuần lương.
Mã Sinh là người ở xa
đến, mãi đâu từ trên Hàn Khẩu. Nhậm huyện này kể đã năm sáu năm, mà chưa lần
nào về thăm quê nhà. Từ ngày lấy nhau, vợ cũng không từng về được chào lạy họ mạc
bên chồng. Mã Sinh quý vợ lắm, tình ngày thêm khăng khít mà hai người trọng lẫn
kính chung. Nhưng Mã Sinh vốn ít nói, về chuyện tổ phụ mình, chàng lại kín đáo
lạ thường. Thúy Liễu thường bất chợt thấy chàng băn khoăn lo lắng, có hỏi thì
chỉ đáp là bận lòng về việc quan. Được dịp, giục về thăm quê, chàng bao giờ
cũng tìm được cớ thoái thác. Mã Sinh làm quan hết lòng chăm chỉ, rất mực liêm
khiết; thái độ nhũn nhặn; tính hiếu thiện, hay thương giúp người khốn cùng. Cả
huyện ai cũng yêu mến mà nể sợ. Cảnh gia đình tuy thanh bạch song thực là đằm
thắm êm ái. Mã Sinh như thế có thể gọi là người được sung sướng ít ai bì. Nhưng
cái mối u uẩn kia bởi đâu, khiến vẻ mặt chàng lúc nào cũng có bóng ưu phiền?
Thúy Liễu hết cách ý tứ để dò xét cũng không thể nào biết được. Có những buổi
chồng nàng lặng lẽ thái quá, lại có những khi cười nói hớn hở một cách không được
tự nhiên, những lúc đó Thúy Liễu lại lo hơn, mắt chàng thoáng qua những vẻ hoảng
hốt.
Một hôm, thần sắc Mã
Sinh biến loạn, một vẻ rất đáng sợ. Chàng bỗng như cuồng dại, không thể giữ gìn
được cử chỉ, cả ngày bứt rứt đứng ngồi không yên chỗ, mà cứ quanh quẩn ở hậu đường.
Đến tối, sai tôi tớ mỗi người một việc, chàng gọi Thúy Liễu vào phòng, cầm lấy
hai tay nàng rồi rưng rức lên khóc. Thúy Liễu hết lời khuyên van căn vặn mãi,
chàng mới đem chuyện kín ra kể cho vợ nghe.
Ông thân sinh ra cha
Mã Sinh là Mã Hồng, trước kia làm quan cao phẩm, có thế lực lớn. Khi hồi hưu, vẫn
giữ thói thị oai thường làm nhiều điều tà khuất ức bách dân gian. Tuổi tuy già
nhưng tính đam mê nữ sắc đẹp không bớt. Đàn bà con gái, cứ thấy ai lia mắt là
sai bắt về cho bằng được, gây ra nhiều tình cảnh oan khổ mà không ai dám hé
răng. Sự buông túng ngày một tệ thêm, vợ con trong nhà khuyên can thế nào cũng
không nổi.
Trong bọn người bị cưỡng
đoạt có Trương Thị là người nhan sắc hơn cả. Trương Thị khảng khái trinh liệt,
một mực không chịu để người nhục phạm được mình. Mã Hồng dụ dỗ chỉ uổng lời, đe
dọa cũng không thấy chuyển. Sau cùng Hồng sai lột hết xiêm áo của Trương Thị,
trói chân tay lại mà hành hạ, dùng cách tàn ngược để bắt phải theo. Trương Thị
phần đau đớn, phần hổ thẹn, đến hôm thứ ba, Mã Hồng mở cửa phòng giam bước vào
thì đã thấy người đàn bà cắn lưỡi chết. Mã Hồng vội sai người đắp điếm rồi ngầm
đem vùi một góc vườn ngoài.
Chồng Trương Thị là
Lý Chu, cùng với con trai đi buôn ngọc ở các nơi xa về căm tức đến phẫn uất,
Chu biết rằng mình thấp cổ bé miệng, dù có phá sản để đi kêu đi khiếu cũng vô
ích; cái quyền thế của họ Mã vững chắc như thành liền. Những nhà giầu có chẳng
kém gì nhà Lý, vai vế lại không phải tầm thường mà đối với sự tàn ác của Hồng
cũng đành phải nhịn nín. Chu nuốt hận, nuôi chí báo thù.
Chu để tâm hết sức dò
xét, biết được chỗ đất chôn Trương Thị, nhân một đêm tối, đào lên đem xác về
mai táng hẳn hoi. Trông thấy cái thân hình lõa lồ của vợ, Chu cuồng dại lên vì
đau xót, thề nguyền rất độc rằng sẽ ăn gan uống máu Mã Hồng. Nhưng Mã Hồng đã dự
mưu từ trước, dùng luôn việc báo thù của Lý Chu để hại Lý Chu.
Một đêm Chu lẻn được
vào tướng phủ, thấy Mã Hồng ngồi đọc sách ở đại sảnh một mình Chu nhảy xổ lại
đâm thì bị gia đinh của Hồng phục sẵn đó đổ ra bắt Chu trói lại. Muốn trừ tiệt
hậu họa, Hồng bèn nghĩ ra một kế thâm độc là mua chứng cớ, hãm Lý Chu vào tội
thái ác, Mã Hồng vu cho Lý theo nghịch đảng ước với giặc về mưu sát công thần. Trong
nước bấy giờ, vào khoảng năm Đạo Quang thứ mười, bề ngoài vẫn bình trị, nhưng
ngấm ngầm đã có những mối loạn lẩn nấp lẫn với những bọn cường khấu ở một vài
nơi. Đạo sớ của Mã Hồng tâu lên, triều đình tin ngay, tức khắc truyền chỉ bắt lấy
cả nhà Lý Chu và hạ lệnh tru lục, Mã Hồng tịch thu lấy sản nghiệp của họ Lý,
bao nhiêu bạc vàng châu báu riêng lượm lấy hết, trích ra phần lớn đút lót cho mạnh
thêm vây cánh, cho việc mưu tính của y chóng xong: Việc bức tử Trương Thị, người
ta có đoán biết cũng làm ngơ, lấp liếm dưới của hối lộ và quyền thế.
Con trai lớn của Lý
Chu là Lý Thạch đang trên đường lên Bắc Kinh để chạy chọt cố kêu oan cho cha
nghe tin biến, tức khắc quay lại, nhưng không dám về nhà nữa. Hắn phải ẩn náu
trốn tránh đến điều cơ cực. Khi cả nhà bị đem xử tử thì Lý Thạch đã lẩn lút ở
miền Nam. Đến đâu cũng thấy bị truy nã, hắn phẫn chí, theo bọn cướp lớn Linh
Lâm, một đảng có tiếng là xuất quỷ thần.
Cách đó ba năm, Mã Hồng
đương ung dung tác uy, tác hại thì bị một người giữa đêm nhảy vào nội đường giết
chết, cắt đầu mang đi. Bên cạnh thây, một bức thư ký tên Lý Thạch. Trong thư,
Lý Thạch thách thức, đe dọa hẹn rằng sẽ giết ba đời họ Mã để rửa hờn. Việc ám
sát Mã Hồng, người nhà hết sức bưng bít để tránh thêm phần nhơ nhuốc cho gia
thanh, vì thế, người đến phúng viếng có hỏi, Mã phu nhân đều trả lời rằng tướng
công vì ngộ cảm mà tạ thế. Mã Hồng bị giết, tống táng vừà được ba ngày, thì
chính thất phu nhân tự dưng không biết đi đâu mất. Cả nhà chưa hiểu sao, cũng
chưa kịp thăm hỏi các chỗ thân thích bỗng một buổi sáng Mã Hoằng là trưởng nam
nhà họ Mã dậy sớm chợt thấy một mũi tên cắm ở cửa phòng phu nhân. Cuối tên buộc
một cuốn giấy. Giở ra đọc thì chỉ có năm chữ: “Hảo hán báo mẫu cừu”. Mã Hoằng
nhớ ngay đến bức thư bên cạnh thây cha, biết rằng mẹ chàng cũng mắc tay Lý Thạch.
Hoằng lo sợ lắm. Mấy lời nguyền cả quyết báo thù kia, Lý Thạch tất không đời
nào quên. Vậy thì mình, cùng với anh em mình, rồi vợ con mình, rồi đây tất sẽ lần
lần bị hại. Cơ nguy bao bọc lấy con cái họ Mã trong cái trùng vây thù oán vô
hình. Họ không cho tiếng tăm lọt ra ngoài, nhưng ngày đêm vẫn tìm hết phương kế
phòng ngừa.
Mã Hoằng có độc nhất
một con trai là Mã Sinh, bấy giờ tuổi đã mười bốn. Mã Sinh đang ham chuyên việc
khoa cử thì thấy cha bắt sửa soạn gấp rồi gửi mình cho một người cố hữu ở tận
Quảng Tây. Trước khi chia tay, Mã Hoằng ghé tai dặn dò cẩn thận rằng, việc nhà
chớ nên đem thổ lộ với ai, đi xa như thế lấy tiếng là du học, nhưng chính là để
lánh họa. Mã Sinh cứ đi xuống Quảng trước, rồi độ dăm bữa nửa tháng gì, khi nào
thu xếp cửa nhà xong, cha mẹ sẽ liệu xuống sau.
Mã Sinh đến Quảng Tây
được hai hôm thì có hai tên đầy tớ cẩn tín ngày đêm đi từ nhà đến báo luôn mấy
tin dữ. Mã Hoằng bị một mũi dao phóng chết trong phủ rồi ngay đêm sau Mã Thao,
em ruột Hoằng cũng bị giết vì một mũi tên. Tìm hung thủ không những không thấy
mà rồi mẹ với cô dì Mã Sinh cũng không biết bị bắt đi bằng cách nào.
Thế là chỉ trong vòng
hai tháng trời, con gái anh em nhà họ Mã cùng bị hại về tay Lý Thạch. Trong lá
thư đầu nó đã nói: Lý Thạch còn báo thù nữa kỳ lấy được mạng đủ ba đời thù nhân
để hả oan hồn của cha mẹ họ hàng. Vậy thì rồi cũng đến lượt Mã Sinh. Sinh còn sống
ngày nào còn phải lo sợ ngày ấy.
Ở nhà vị thân nhân của
cha, Sinh hết sức kín tiếng. Quảng Tây cũng xa nơi hoạn họa hàng trăm nghìn dặm
sơn xuyên. Tuy vậy Mã Sinh không mấy lúc dám ra ngoài. Một tiếng động cũng khiến
chàng nghẹn hơi. Chàng e dè những kẻ ra vào, ngờ vực cả kẻ hầu cận. Thỉnh thoảng
phải đi đâu, chàng tránh hết những đường vắng, nhưng cũng không yên bụng ở những
chỗ đông người. Sinh thấy kẻ thù đón mình ở khắp các nẻo.
Nhưng hết năm nọ sang
năm kia, lạ thay, Mã Sinh vẫn vô sự.
Chàng không ứng thí
nhưng được hưởng lệ tập ấm ở Quảng được năm năm thì chàng đặc cách được bổ nhiệm
một huyện ở Phù Nam. Kẻ thù chết rồi, hay bị bắt rồi chăng? Sao chàng không được
tin tức gì? Sinh quyết rằng sự yên ổn đó không phải là do ở sự Lý Thạch lạc mất
tăm tích chàng: chàng trốn tránh ở đâu mà cái chí báo thù kia không tìm thấy được?
Có lẽ Mã Sinh vốn là người chuộng nhân nghĩa, đã hết lòng làm điều thiên, cố ý
chuộc lại tội lỗi của ông cha, nên đã được thần minh giữ gìn chăng? Mã Sinh
nghĩ thế nên khi làm quan, cái phẩm hạnh với đức độ liêm khiết của chàng trong
quan liêu không ai sánh kịp. Hai mươi tuổi thì lấy vợ. Gặp được Thúy Liễu là
người vừa đẹp vừa hiền, Mã Sinh thầm tạ ơn trời, tưởng sẽ được yên tâm mà hưởng
thú đình viên. Không ngờ, một buổi sớm ra công đường lúc chưa có ai, một phát
tên cắm trên án với một bức thư của Lý Thạch, thư rằng:
“Cha mẹ họ hàng ta
đang an cư lạc nghiệp, tổ phụ nhà ngươi dùng thủ đoạn thái ác mà giết hại, khối
máu căm giận chưa biết bao giờ mới tan. Ta may còn lọt sống lại đây, nên quyết
đem cái mạng thừa này làm cho ba đời nhà ngươi cùng chịu với cha mẹ ta một số
phận. Bấy lâu ngươi chưa phải chết là vì ngươi chưa có gia đình để ta đến phá.
Bây giờ ngươi đã có vợ, là đã đến giờ ta ra tay. Thủ cấp ngươi, ta đem tế cha
ta, còn tính mạng vợ ngươi ta sẽ đem tế mẹ ta ngày nay ở dưới cửu tuyền vẫn đợi
trông ta báo phục”.
Thúy Liễu nghe chồng
kể hết căn do câu chuyện kia, lo sợ lắm, bàn với chồng tìm cách tị lánh hoặc đề
phòng. Mã Sinh lắc đầu thở dài, chàng biết rằng kế nào cũng vô hiệu: vì nếu
mình còn có thể trốn chạy, ngăn ngừa để thoát khỏi tay nó được, tất nó đã không
bắn thư đe trước làm gì. Vả lại Mã Sinh vẫn giấu kín việc nhà, cả đến Thúy Liễu
mãi bây giờ sự đã đến nơi, chàng mới đem tâm sự ra thổ lộ cho hết. Thúy Liễu
nghĩ cũng không thấy được mưu nào có thể tránh được họa nữa, phần thương chồng
phần tự thương mình, rồi hai người chỉ biết ôm nhau mà khóc.
Mã Sinh cùng với vợ
ngồi sợ hãi thâu đêm. Tường tuy cao cửa tuy kín, nhưng thâm nghiêm sao được bằng
dinh phủ của cha ông chàng? Mã Hoằng cũng vẫn biết trước có ngày Lý Thạch đến,
đã tìm hết phương đề phòng cẩn mật. Thế mà tên cướp rừng tự xưng là hảo hán kia
cũng lẻn được vào tận nơi mà trả thù. Huống chi một khu huyện đường bé nhỏ này
thì ngăn ngừa sao nổi cái tài nghệ thần bí của nó. Mã Sinh đành bó tay chịu,
phó mặc thân mình cho số mệnh, kẻ thù đến chỉ cố hết lời kêu xin cho Thúy Liễu
khỏi chết oan vì chàng.
Qua mấy trống canh
nôn nao trong sự lặng lẽ hãi hùng, bỗng có tiếng động trên mái ngói. Rồi cửa
phòng bật mở, một người to béo, nai buộc gọn ghẽ, nhảy vào, tay giơ một con dao
sáng. Thúy Liễu rú lên một tiếng, ngất lịm đi. Rồi về sau tâm thần hoang mang,
cứ ngơ ngác như ăn phải bùa; Lý Thạch đem đi đâu cũng theo, bảo gì cũng nghe
nhưng không hiểu gì hết.
Mãi cho đến lúc Lý Thạch
bỏ vào đẫy vác nàng xuống cái hầm kia, Thúy Liễu mới tỉnh lại để chịu hành hạ.
Hầm đất này trước kia
nguyên là một nơi giấu của Lý Chu tìm được cùng với một bọn chuyên đi tìm vàng
các nơi. Bao nhiêu vàng ngọc của người Tàu cất ở đó từ xưa, đều về tay bọn Lý
Chu hết; của cải không còn gì ở trong nữa, Lý Thạch bèn dùng cái hầm bỏ không
làm nơi mai táng hài cốt song thân, rồi sắm các hình cụ để làm tội các kẻ hắn
đem xuống. Cái hình phạt Thúy Liễu phải chịu đó, nó nói cho biết là để tế vong
hồn cha mẹ nó. Vì thế, trước khi ra tay, nó nhớ đến cái thảm cảnh nhà nó phải
chịu nên động lòng gào khóc trước cái bệ nó thiết lập lên như một bàn thờ.
Trong cơn thịnh nộ, Lý Thạch vừa nguyền rủa vừa quát tháo, hét vào mặt Thúy Liễu
mà bảo rằng: bao nhiêu con trai nhà họ Mã đều phải chết như phụ thân nó, mà con
gái, con dâu nhà họ Mã cùng chịu một khổ hình cay độc nhơ nhuốc như mẹ nó đã bị
hành hạ khi xưa. Khi nó đã giết được đủ ba đời nhà Mã Hồng, nó sẽ đào lấy những
thủ cấp chưa kịp cắt đem xuống chôn cùng với những thây bị hành hình ở trong hầm
này, để cho cha mẹ nó ở dưới âm ty còn được báo thù một phen nữa.
Duyên do câu chuyện
ghê gớm kia, phần lớn thuật lại ở bức thư của Thúy Liễu viết cho tôi lúc biết
mình không sống được nữa. Bức thư tôi vẫn còn giữ. Lời chân tình có một giọng
tha thiết mà cảm động, nhất là đoạn cuối cùng:
“Tiện thiếp nhờ được
tráng sĩ ra tay hào hiệp, nên thoát khỏi lưỡi dao độc địa của thù nhân. Những
tưởng thân được sống để còn mong có ngày báo đáp cái ơn cứu mệnh. Nào hay bấy
nhiêu hình cực khổ, cùng với bấy nhiêu điều khủng khiếp, đã khiến thiếp mang trọng
bệnh mà từ bỏ trần gian.
Những việc trên đây,
đáng lẽ thiếp phải biết giữ kín nhưng nghĩ rằng chiếc thân gửi nơi đất lạ,
không đành làm một khối oan hồn kỳ bí, khiến cho ân nhân không hiểu những tội
tình kia thiếp chịu là duyên cớ vì đâu. Vậy tiện thiếp không quản bại nhược cố
tĩnh tâm thần, để lại mấy hàng này, xin ân nhân soi xét”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét