Mai Hương và Lê Phong
Tiểu thuyết trinh
thám Thế Lữ
IV
Mỹ Châu và Trọng Thủy
- Lần này thì
"giai nhân" phải có cánh mới trốn thoát được.
Lê Phong vừa nói vừa
bỏ bộ áo khán hộ ra, nhưng mắt vẫn không rời khỏi "giai nhân" lúc ấy
thoăn thoắt bước về phía cửa sau phòng ký túc.
Anh trao bộ áo cho một
người gác gần đó dặn đưa trả "quan" thanh tra mật thám, rồi một tay
giữ chặt lấy cái máy ảnh đeo lên nách, anh chạy rất nhanh quá sân, vừa chạy vừa
nghĩ thầm:
- Con người kỳ dị đến
thế là cùng. Mà đẹp cũng đến thế là cùng. Nhưng cô ấy là ai? Là người thế nào?
Bao nhiêu cử chỉ đều làm cho mình ngờ là người có liên lạc mật thiết với vụ án
mạng.
Trong phòng ký túc
đông nghịt những người ở giảng đường vừa kéo ra. Lễ phát bằng tuy không đình lại
vì việc xảy ra, nhưng cũng hết vẻ long trọng.
Lê Phong thích bên phải
bên trái, nhìn đây nhìn đó, anh bực mình hết sức vì không thể tìm thấy người
thiếu nữ, mà cũng không thể tiến lên được dễ dàng.
- Con chim xanh lại
bay mất rồi!
- Con chim xanh nào?
Lê Phong quay lại
nhìn thì người hỏi câu vừa rồi là ngườI quen. Anh trả lời:
- Một cô đẹp nhất đám
này. Cầm ví da, máy ảnh, mặc áo nhung thẫm...
Người bạn cười:
- Thế thì là một con
chim xanh thực, vì tôi không thấy đâu.
- Anh tìm để làm gì?
Lê Phong không nói
gì, vẫn cau có trơ tráo nhìn khắp mọi người, rồi sấn sổ đi ra phía cửa chính.
Tới đó, mặt anh bỗng
hớn hở. Anh trông thấy chiếc "Nervasport" vẫn còn đỗ đằng xa.
Trong xe không có người,
mà người có xe thế nào cũng ra đây. Ta chỉ có việc đứng rình một chỗ.
Anh đưa mắt bao quát
nhìn quanh một lượt rồi lững thững đi lần vào đám người, bước về phía trước ô-
tô, bụng bảo dạ:
- Chốc nữa cô ta
ra... Ta phải tìm cách để giữ lại... Hay là...
Lê Phong nghĩ đến
cách mở buồng máy làm hỏng dây điện cho xe không chạy được. Nhưng anh lắc đầu:
- Không xuôi! Mình
không có quyền phạm đến của người khác... Mà không thế con chim lại trốn thoát.
Ta đuổi sao kịp một chiếc xe nhẹ, mới, lại đuổi theo một người định trốn ta... Ồ!
Thế này hơn?
Anh liền cắm cổ chạy
như bị hổ đuổi, không đầy hai phút,đâm thẳng vào hãng Babilot gần đó, nắm lấy
người Pháp hỏi:
- Ô tô! Tôi cần thuê
một chiếc ô tô mới, bao nhiêu một giờ cũng trả. Tôi là phóng viên nhà báo. Việc
khẩn cấp.
Người Pháp nhìn anh
ta như mỉm cười:
- Thưa ông phóng
viên, đây không có xe cho thuê.
- Thế tôi muốn mua...
mua thì được chứ!
- Được nhưng ông
không được lợi dụng để làm một cuộc chơi phiếm đâu.
Lê Phong khó chịu ra
mặt, hơi có giọng gắt:
- Tôi không chơi phiếm.
Việc tôi cần lắm. Hay tôi mua thực. Bao nhiêu?
- Cái nào?
- Cái kia, cái màu
beige, bao nhiêu?
- Bảy nghìn.
Lê Phong toan nói
"tôi lấy ngay", nhưng tưởng đến cái nhăn mặt của ông chủ nhiệm khi thấy
anh tiêu tán đến thế, thì nguôi dần cơn nóng nảy.
- Vả lại (anh vừa ngồi
vừa buồn vội quay lạ) nhà báo tuy phải trả, nhưng việc mình cũng không lợi
hơn... Xe mới người ta cho chạy đến 60 cây số một giờ là cùng mà cái xe kia
thì...
Anh mừng rằng chiếc
xe "Nervasport" vẫn đỗ nguyên chỗ cũ. Bỗng anh tìm thấy một kế, reo
lên một tiếng, quay vào hiệu xe gọi:
- Cho tôi một thùng dầu
máy.
Người Pháp hơi lấy
làm lạ:
- Dầu máy?
- Phải.
- Thứ nào?
- Thứ nào cũng được.
Cần lắm, ông bảo đem ngay ra đây.
Lê Phong nâng thùng dầu
nhỏ người ta đưa ra, gật đầu bằng lòng, trả tiền rồi hỏi nữa:
- Ông có cuộn dây
thép nào không? Cho tôi xin một đoạn... Một thứ quà biếu người mua hàng sòng phẳng.
Lê Phong giễu câu đó
bằng một nụ cười rất đáng yêu.
Người Pháp cũng mỉm
cười, bảo người đem cuộn dây thép gần đó ra cho Lê Phong và thân mật bảo Lê
Phong:
- Ông là một người
phóng viên rất lạ lùng.
Rất vội thì đúng
hơn... Nếu ông đọc báo tối, nếu ông biết đọc quốc ngữ, ông sẽ thấy bài tường
thuật sắp đăng...
Lê Phong không nói hết
lời, cảm ơn người Pháp bằng cái gật đầu, rồi cầm đoạn dây chạy đến gần chỗ chiếc
xe của người thiếu nữ.
Anh quấn một đầu dây
vào cái quai xách, lần đến sau xe, cúi xuống cho người ta không trông thấy rồi
buộc rất chặt cái thùng dầu máy xuống gầm xe. Công việc rất nhanh và cũng may
chỗ ấy vắng người, nên khi Lê Phong đứng lên cũng không ai để ý đến, mấy phút
sau Lê Phong thấy người thiếu nữ ló ra khỏi cửa trường Cao đẳng. Anh vội lẩn mặt
để rình xem. Người thiếu nữ đứng lại một lát như có ý xem xét rồi thong thả bước
về xe hơi, mặt có vẻ lo âu, đôi mắt đen lấm lét đưa ra hai bên rồi vội vã mở cửa
xe máy chạy tức khắc. Lê Phong đợi xe rẽ sang đường Carreau và khuất hẳn rồi
anh mới ở chỗ cũ nhảy ra, mỉm cười xoa tay vào nhau:
- Bây giờ thì ta
không sợ mất tích cô em nữa, vì ta đã có vết lông ngỗng của cô em đi đường.
Rồi ngoắt chạy về
phía nhà hát Tây, anh gọi chiếc xe bảo:
- Xe, về hàng Bông.
- Thầy cho tám xu.
- Cho hào sáu, chạy
thật nhanh.
Ngồi lên xe, anh cứ
luôn mồm giục:
- Mau lên? Mau lên!
Mau nữa lên! ồ anh này trông khỏe trai mà chạy chậm thế...
Người phu xe ngả hẳn
thân về đằng trước chạy như ngựa thế mà Lê Phong cứ kêu chậm:
- Nhanh lên nữa, vội
lắm. Hứ... giá tôi kéo thì anh phải biết... chạy! Chạy mau lên.
Vụt có chiếc xe đạp ở
đầu hàng Khay băng lại. Lê Phong nện chân xuống sàn xe hét:
- Đứng
Rồi nhảy xuống gọi:
- Này Thúy! Thúy, xuống,
đi đâu đây?
Người đi xe đạp bóp
phanh đứng lại:
- Đến Cao đẳng lấy
tin!
- Không cần. Xe hơi
có nhà không?
- Không. Ông chủ bút
đi có việc.
- Xong khuôn nhất rồi
chứ?
- Vâng. Ông cần xe
ngay ư?
- Thôi được. Đưa xe đạp
đây. Anh về nhà báo bảo tôi đi có việc gấp, chốc nữa lại hiệu An Thi lấy xe đạp
về.
Quăng một hào trả phu
xe, anh nhảy lên xe đạp phóng lấy phóng để, vừa phóng vừa nghĩ bụng:
- Thuê một chiếc xe
đuổi theo cũng được, vì ta dã có nàng Mỹ Châu rắc lông ngỗng đưa đường. Giá đuổi
bằng mô- tô thì mau hơn, nhưng tất nó nghi, xe đạp hơi chậm, nhưng kín đáo.
Đến hàng Bông, Lê
Phong nhảy vào một hiệu cho thuê xe, mặc cả rất chóng, ký giấy xong lên xe đi
liền, anh không thèm tưởng đến luật trong thành phố, cho xe chạy nước đại, qua
phố nhà thờ, qua Jauréguiberry, gặp đường Carreau thì anh rẽ ngang, đôi mắt dán
xuống đường nhựa:
- Đây rồi, «lông
ngỗng thiếp đưa đường» đây rồi..., cái thùng dầu máy ta chọc thủng có một lỗ
con thế mà cũng được việc đáo để.
Rối cứ theo những giọt
dầu nhỏ thưa trên mặt đường như một tràng hạt dài vô tận, Lê Phong thẳng đường
Carreau đi mãi tới tòa án. Anh cho xe chậm lại khi rẽ qua nhà pha hỏa lò, vì những
giọt dầu cũng nhỏ theo lối đó, nhưng anh hơi lấy làm lạ vì thấy đến mặt trước cửa
đề lao, thì một vũng dầu to đọng lại hình như trước đó người thiếu nữ có ngừng
lại đó ít lâu. Từ chỗ vũng dầu to trở lên, anh lại thấy "tràng hạt
dài" lại nối theo và đi về phía Hàng Bông thợ nhuộm.
Đến phố Jean Soler vết
dầu lại chạy thẳng rỏi rẽ vế đường Gambetta. Gần hết đường Gambetta xe anh lại
chậm lại lần thứ hai để xem xét. Anh nhận ra thì đến chỗ đó, giọt dầu nhỏ thưa
hơn lần.
Một là dầu trong
thùng còn ít. Điều đó không chắc vì ít ra thùng dầu đến đây mới còn non một nửa,
hai là nàng Mỹ Châu tân thời của ta cho xe chạy mau hơn lên.
Lê Phong tin điều thứ
hai là đúng hơn vì khi hết đường Gambetta, đến chỗ rẽ sang tay trái, lối xuống
Cống Vọng anh thấy vết bánh xe sát lên rất rõ:
- Chỗ này cô ta bóp
phanh mạnh, mà xe lúc ấy đang chạy nhanh...
Rồi cũng mở thêm ga,
anh lại theo vết dầu rẽ sang tay trái.
Lúc ấy Lê Phong mới
có thì giờ xếp đặt các ý tưởng.
Anh vừa chăm chú theo
vết "lông ngỗng” vừa nghĩ thầm:
- Người con gái này mỗi
lúc một khả nghi thêm... Cái án mạng tối kỳ bí hiểm kia thực là một việc giết
người có phương pháp rất chu đáo, và chủ động việc đó hẳn là những tay giảo quyệt
ghê gớm, trong đó có những người mưu trí, học thức và cả người nhan sắc lạ thường
này... Ồ có thể thế được ư? Ở cái nước Nam yên lặng này, lại nảy nòi ra được
một thứ người đẹp phạm tội ác một cách khôn khéo đến thế ư? Mà khôn khéo hơn cả
các vụ án mạng khôn khéo bên Âu, Mỹ. Họ giết một người cả quốc dân chú ý, giết ở
giữa một đám hội lễ, trước mặt công chúng,trước mặt các thám tử hộ vệ mấy người
có quyền thế... trước cả mắt ta! Thế mà có ai ngờ đâu, cả ông T. Phụng nào biết
là Đoàn chết vì những tay ám sát kia đâu? Ta là người đầu tiên thấy những triệu
chứng thứ nhất hiện ra mà cũng chưa thể nào biết được cách chúng hành động.
«Nếu sự tình cờ không
cho ta trông thấy hai người lạ mặt trong cái khoảnh khắc nói chuyện với Đoàn rồi
lại cho ta gặp người con gái kia... thì... Nhưng đối với Đoàn, cô ta là người
thế nào? Chính cô ta đã dùng một cách tuyệt xảo nào ta chưa hiểu được để giết
Đoàn, hay cô ta chỉ là người có can thiệp đến vụ án mạng độc nhất mà lại có một
người rất đẹp, rất kỳ dị ở trong.
Vì tình ư? Vì thù ư?
Hay là một cuộc âm mưu vì tiền? Hay là một hình phạt của một hội đồng đảng
chánh trị?
Cái bóng dáng kiều lệ
ấy sao mà khác thường thế mà sao lại có duyên đến thế. Ừ, con người mới đáng
yêu làm sao !»
Đôi mắt sáng suốt của
người phóng viên trẻ tuổi ấy tuy nhìn trân trân lên mặt đường phẳng, tuy không
rời những điểm dầu đen láy lấp lánh dưới ánh mặt trời, nhưng cũng thoáng qua một
vẻ mơ màng, một vẻ mơ màng tươi cười và tình tứ dịu dàng và cảm động, hình như
cái đẹp, cái duyên của người nhan sắc đã khiến cho lòng ai luyến tưởng đến bao
nhiêu cử chỉ khác lạ, đến bao nhiêu điều tối tăm đáng ngờ vực, đáng đề phòng.
Lê Phong bỗng bật cười,
ngồi thẳng người lên, tuy dáng ngồi của anh vẫn ngay thẳng như thường, "vẫn
không ủy mị" như anh chợt tưởng thế.
- Hừ! Nhu cảm!
Sensiblerie? Có lẽ cô em là một tiên nga, nhưng một vị tiên nga nguy hiểm, cho
đến cái ngày ta tìm ra được điều vô lý là cô ta nhúng tay vào tội ác, thì cô ta
vẫn còn là kẻ thù của ta. Bây giờ thì là cuộc săn đuổi kỳ cùng. Cuộc săn đuổi
mà phần thắng về ta. Lê Phong! Vì ngay lúc đầu tiên cái mưu rắc lông ngỗng đưa
đường kia đã có kết quả hay... Trọng Thủy sẽ cố tìm, mà thế nào cũng tìm được
cô em, nàng Mỹ Châu tinh quái của tôi ạ!
Lê Phong thích chí vì
câu nói ấy, miệng nhoẻn cười một cách khoái trá, nhưng rồi thu ngay lại, mắt
nhìn dính lấy một chỗ.
- Ồ này Mỹ Châu dừng
chân ở đây ư?
Vì trên mặt đường,
qua nhà thương Cống Vọng, anh thấy một khoảng dầu tròn to bằng miệng chậu đọng
lại đó thành một vũng và hai dòng nhỏ chảy xuống rãnh đường.
Lê Phong hãm xe. Nhìn
lên thì chỉ còn mờ hai vết bánh chạy dài và rẽ về một phía đường nhỏ: những giọt
dầu đến đây đứt quãng, anh đoán rằng trong thùng không còn giọt nào.
- Nhưng cô ta đỗ xe ở
đây làm gì? Đỗ hẳn lâu vì chỗ này dầu đọng lại nhiều lắm.
Lê Phong đang suy
nghĩ, chợt để ý đến một mảnh giấy nhỏ cách đấy mười thước, ghếch lên bờ cỏ,
hình như bị các xe qua lại làm bay lên mấy lần. Lê Phong thoạt tiên tưởng là một
mảnh giấy thường nhưng anh một lúc một chú ý thêm: khổ giấy và mẫu giấy giống
như mảnh anh nhặt được ở trường Cao đẳng.
Nghi hoặc, Lê Phong
bước lại, cầm lên xem rồi tráo mắt rất lớn đọc những chữ sau này, cũng vạch bằng
bút chì và cũng là lối chữ in hoa:
«Ông Lê Phong, phóng
viên trinh thám,
«Ông đừng theo đuổi vết
lông ngỗng của nàng Mỹ Châu nữa, cái thùng dầu buộc ở dưới hậu xe tôi, tôi đã
biết ngay từ lúc ở trường Cao đẳng, vì tôi vẫn để ý đến ông lắm. Ông nên về đi
việc án mạng Trần Thế Đoàn ông không thề tìm ra thủ phạm được đâu, cũng như
không thề tìm được lối nếu tôi không muốn ông tìm thấy».
Lê Phong nén những tiếng
bẳn gắt, mỉm cười một cách chua chát:
- Hừ? Thế này thì gớm
thực, thế này thì táo tợn thực, họ lại chế giễu mình, lại khinh thường mình, họ
lại (chỗ này Lê Phong có vẻ sượng sùng) biết cả ý nghĩ trong thâm tâm của mình
nữa. Phải, Mỹ Châu đi trốn Trọng Thủy, khác với chuyện dã sử, nhưng cũng khác với
chuyện dã sử, Trọng Thủy Lê Phong thế nào cũng tóm được Mỹ Châu. Ờ, không ví
von để hỏi mà xem cô ả đi lối nào!
Lê Phong theo vết xe
đi một quãng xa nhưng chỉ theo được mười thước đã không thể nhận được nữa, vì
trên mặt đường còn bao nhiêu vết xe qua lại đè lên. Anh đứng lặng một hồi
lâu,cúi đầu ngẫm nghĩ trước một đường đá rẽ sang một bên rồi chậm chạp bước về,
thở dài một tiếng buồn bực vô cùng rồi nói:
- Vô ích, con chim
xanh bay rồi!
← III. Phóng viên và trinh thám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét