Mai Hương và Lê Phong
Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ
III
Phóng viên và trinh thám
Một mình đi một chiếc
xe tối tân. Người lại tối tân hơn.
Miệng cười như hoa hồng
nhung nở, mắt hình như ngọc huyền dưới hỗ nước trong. Ăn nói bạo dạn làm sao, ý
vị biết chừng nào... Mà cũng kỳ dị biết chừng nào? Trời ơi, sao ta lại gặp cái
bóng tiên nga bí mật kia, trong những trường hợp ghê gớm này? Tại sao họ lại biết
ta, lại có ý ngại ta... Một khách qua đường ư? Hay là một thứ bẫy cạm.
Lê Phong vừa lững thững
bước vừa thầm nói những câu đó- những câu đẹp đẽ, kiểu cách mà người thiếu niên
nào cũng thường nói đến khi thấy cảm động vì một nhan sắc yêu kiều.
Anh mỉm một nụ cười rất
tình tứ rất có duyên. Nhưng cái duyên đó phai dần, miệng cười biến dần, nét mặt
tươi sáng của anh dần dần như ám bóng mây. Đôi mày mỗi lúc một chau thêm, môi
mím chặt lại, mắt đăm đăm nhìn xuống đất lơ đãng như người nghĩ tận đâu đâu.
Bỗng anh ngửng lẽn như
người tỉnh dậy.
Điệu bộ quả quyết, anh
bắt tay lên gió và nói: "Lê Phong ơi? Đừng thở than nữa". Rồi nhảy ba
bước vào cửa sau trường Đại học, ba bước nữa tới cửa giảng đường.
Nhưng ngẫm nghĩ thế
nào, Lê Phong lại quay ra chạy lên cầu thang bên phải, bên phòng thư ký, gõ lên
cánh cửa mấy cái rồi ngả mũ bước vào:
- Thưa ông đây là phòng
giấy trường cao đẳng phải không?
Người thư ký đáp:
- Phải, ông hỏi gì?
- Tôi muốn gọi nhờ điện
thoại về báo "Thời Thế"..: Tôi là phóng viên của nhà báo. Việc cần lắm.
- Mời ông…
Phong cám ơn rồi quay
chuông:
- Allô! 874 s.y.p. 874.
- Allô! Tòa soạn
"Thời Thế? Lê Phong đấy à. Phải rồi...
Trường cao đẳng. Cần lắm,
gọi Văn Bình đến cho tôi dặn đây. Tin sau cùng: Bác sĩ Trần Thế Đoàn chết giữa
lúc đang dự lễ phát bằng... Phải... Chết. Bị giết, bị ám sát. Phải phải, vừa bị
giết xong… 10 giừ 45 phút … Bị giết, bị giết, anh cứ đăng thế… Án mạng rất bí mật,
tôi biết rằng họ sẽ không thể tìm ra hung thủ ngay được. Anh phải nhớ kỹ, các
báo sẽ đăng là bác sĩ chết đột nhiên… Có lẽ sở Liêm phóng cũng vậy. Nhưng tôi
biết… ám sát, phải của tôi, tin của tôi, anh viết thêm rằng phóng viên của báo
"Thời Thế" đang ra công điều tra. Phải... được... à, tý nữa quên. Anh
đổi đầu đề bài phỏng vấn ra thế này: cuộc phỏng vấn vội vàng. Những lời tuyên bố
cuối cùng của bác sĩ Trần Thế Đoàn... Phải, cuối cùng được... càng hay, cho in
thêm bao nhiêu số nữa cũng… Ừ… Phải … anh cứ viết đoạn đầu, khuôn hai tiếp theo
tôi sẽ nói tường tận … Được, tôi sẽ viết ngay… được được…Thôi chào!"
Vừa ra khỏi cửa, Lê
Phong gặp một người vội vã bước tới, anh nhoẻn cười và hỏi:
- Chào ông T. Phụng ông
vẫn mạnh?
- Chào ông Lê Phong.
Ông T. Phụng đứng lại,
ông này vào trạc hăm chín, ba mươi tuổi, mặc xám gọn ghẽ, lịch sự. người nhỏ nhắn
nghiêm nghị, nhưng dễ thương, khuôn mặt xương xương, vẻ mặt thông minh và thành
thực, ông T. Phụng làm ở sở liêm phóng Hà Nội, một người thiếu niên làm việc rất
cẩn thận và minh mẫn, thường gặp Lê Phong trong các vụ bí mật mà ông ta khám
phá được rất chóng ít khi chịu trái ý kiến Lê Phong. Lê Phong không bao giờ giấu
những "bí thuật" của mình. Anh khéo bày diễn những điều xét đoán của
anh một cách khiêm tốn, khiến cho nhà trinh thám của sở Liêm phóng bao giờ cũng
không bị tổn đến lòng tự ái, và thường nhất nhất theo lời chỉ dẫn của người
phóng viên. Tuy hai bên nhiều khi cũng không ăn ý nhau, tuy thỉnh thoáng sự
ganh cạnh nhà nghề có làm cho họ coi nhau như hai địch thủ, và tuy một đôi khi
Lê Phong có trêu tức “nhà liêm phóng” vì bài tường thuật lý thú hóm hỉnh, nhưng
bao giờ gặp mặt, hai người cũng chào hỏi nhau một cách thực như hai người bạn
thân.
Lần này Lê Phong cũng
tươi cười một cách rất thực thà, song trong đôi mắt của anh ta lại có vẻ ranh
mãnh, Lê Phong hỏi:
- Ông đi đâu mà hấp tấp
thế?
Thấy vẻ ung dung của
người phóng viên ông T. Phụng hơi lấy làm lạ, ông ta hỏi lại:
- Ồ! Vậy ra ông chưa biết?
Chả nhẽ ông lại chưa biết?
- Biết gì kia, cái chết
bí mật của bác sĩ Trần Thế Đoàn?
- Phải.
Tôi vừa đánh tin về nhà
báo xong... Tôi lại biết đó là một vụ ám sát nữa.
Ông T. Phụng trừng mắt
hỏi:
- Ông bảo sao? Một vụ
ám sát
- Có lẽ ông lấy làm lạ?
- Tôi không lấy làm lạ.
Tôi chỉ cho là một điều vô lý, một điều vô lý ông bịa ra để nói đùa. Chứ có lẽ
nào một việc ám sát, một án mạng xảy ra trong giữa một hội lễ, xảy ra trước mặt
tôi?
Không, việc náo động vừa
rồi không có điều gì đáng quan tâm. Đó chỉ là một cái chết tự nhiên, chết đột
nhiên, đứt mạch máu, trúng cảm, hay một duyên do nào khác, còn ám sát? Thế hung
thủ ở đâu? …
Lê Phong nhìn thẳng vào
mặt ông T. Phụng, hơi nhách miệng. Một lát anh mới nói:
- Hung thủ đâu? Không
có, hay không thấy, hay chưa tìm thấy đó thôi. Phải, việc ám sát xảy ra trước mắt
mọi người, trước cả đôi mắt tinh tường của nhà thám tử đại tài T. Phụng nữa.
Chính vì thế mà việc này bí mật vô cùng. Có lẽ ông biết rồi, ông vội vã bước đến
đây hẳn là để gọi điện thoại báo tin ghê gớm này đi.
- Không phải. Nhưng ông
chắc là một án mạng thực?
- Chắc.
- Tự sát?
- Người ta không tự sát
ở đây?
- Mà sao ông chắc rằng
bác sĩ Đoàn bị ám sát đã?
Lê Phong hỏi lại:
- Tử thi bác sĩ Đoàn ở
đâu?
- Ở nhà thuốc trường
Cao đẳng.
- Xem xét cẩn thận
chưa?
- Rồi. Không có thương
tích gì. Viên y sĩ nói là bị trúng cảm... Bác sĩ Đoàn vẫn là người không được
khỏe mạnh luôn.
- Nhưng ông, ông đã
khám tử thi chưa?
- Tôi xem qua thôi. Vả
lại cuộc khám nghiệm bây giừ mới đơn sơ chưa biết kết quả ngay... Nhưng này,
sao ông biết là bị ám sát?
- Vì có người báo cho
biết
Ông T. Phụng kinh ngạc:
- Hừ? Có người báo cho
ông biết?
- Phải. Chứng cớ đây.
Lê Phong đưa mãnh giấy
đe dọa ở dưới bực thang cho ông T. Phụng xem và thuật qua hình dạng hai người lạ
mặt anh thấy đứng rình Đoàn, nhưng không nói đến sự kinh ngạc của Đoàn mà anh
biết chính Đoàn cũng muốn giấu sở Liêm phóng, anh cũng không nói gì đến người
thiếu nữ kỳ dị, chỉ kết luận một câu:
- Trong khi tôi nói
chuyện với bác sĩ Đoàn, bác sĩ vẫn khỏe mạnh như thường, không có một triệu chứng
nào có thể cho mình tin rằng sau đó không đầy một giờ, Đoàn bị chết được.
Ông T. Phụng trách:
- Thế sao ông không cho
sở Liêm phóng biết với?
- Biết gì?
- Cái giấy nầy!
- Trước hết, tôi không
sợ những lời đe dọa quá đến nỗi phải cầu cứu sở Liêm phóng. Còn về phần bác sĩ
Đoàn thì tôi cũng không ngờ rằng hung thủ dám giữ đúng lời đe dọa của chúng “Trần
Thế Đoàn sẽ bị giết hôm nay”. Nhưng hôm nay có thể là bây giờ, là chốc nữa là
chiều, là tối... cho đến mười hai giờ đêm... Vừa rồi ông cũng không tin như tôi
rằng bác sĩ Đoàn có thể bị ám sát được… Bởi thế, tôi tưởng rằng sớm ra thì cũng
phải sau khi Đoàn ra khỏi trường kẻ thù của Đoàn mới hạ thủ …
- Nhưng bác sĩ bị giết
bằng cách nào mới được chứ?
Lê Phong đáp:
- Cho đến lúc ông với
tôi tìm ra được thì có trời biết. Nhưng thế nào cũng tìm ra được, trước thì tìm
ra cái lối giết người rất khéo của hung thủ, sau sẽ tìm ra chính hung thủ.
Vâng, thế nào ta cũng tìm được nếu không ông, thì tôi.
Câu ấy nói ra bằng thứ
giọng quả quyết và ngạo nghễ như thách tranh đấu. Ông T. Phụng nhìn người phóng
viên mỉm cười:
- Vâng, chính thế. Nếu
thực là việc án mạng thì hung thủ sẽ bị bắt... bởi tôi.
Lê Phong cũng cười:
- Và bởi cuộc điều tra
của báo "Thời Thế”. Trong lúc đợi đến cái ngày mà tôi mong là gần tới đó,
tôi hãy xin phép ông đi xem qua tử thi bác sĩ Đoàn.
Lê Phong nói rồi quay
đi, nhanh nhẹn vui vẻ như đứa trẻ con, nhưng bỗng ông T. Phụng gọi giật lại:
- Ông Lê Phong?
- Tôi đây.
Lê Phong vừa quay trở lại
vừa nghĩ thầm: "Lòng tự phụ của nhà nghề đấy? ông này hắn muốn chiếm công
một mình, thế nào cũng cản trở ta".
Quả nhiên, ông T. Phụng
nói:
- Ông Lê Phong, bây giờ
là lúc theo lời ông tôi biết đó là việc án mạng, thì tôi không thể cho phép ông
tự tiện xem tử thi được. Tôi rất lấy làm tiếc, nhưng luật phải thế xin ông hiểu
cho.
- Vâng, tôi hiểu rồi.
- Vậy ông sẽ đợi cuộc
xem xét của tôi, tôi sẽ cho ông biết tin ngay, biết trước báo khác.
- Còn việc xem tử thi
thì không phải là việc của tôi, vì tôi chỉ là một nhà báo. Vâng, tôi hiểu.
- Ông thông minh lắm.
- Cám ơn ông.
Lê Phong có vẻ thất vọng,
bắt tay ông T. Phụng lần thứ hai. Anh chậm chạp vừa bước xuống phòng vừa thở
dài, trong lúc ông T. Phụng cũng thở dài, nhưng thở một cách khoái trí.
Ông T. Phụng đợi cho Lê
Phong đi khuất mới vào phòng giấy trường Đại học. Ông đánh điện thoại ra sở
Liêm phóng báo một việc không quan hệ lắm, rồi ngẫm nghĩ một lúc, ông lại gọi
điện thoại cho ông dự thẩm tòa án là bạn ông. Ông nói đến cái chết của người
thiếu niên bác sĩ bằng những lời dè dặt, nhưng cũng đủ làm cho ông bạn ở đây
bên kia dây phải ngạc nhiên.
Ông cố ý cho ông bạn biết
rằng cái chết đột nhiên đó là một án mạng mà không ai ngờ đến, trừ có ông. Ông
sẽ khám phá ra được.
Lúc ra, ông T.Phụng
nhìn qua xuống phòng đến, trước giảng đường: ở đó, người ta đương ồn ào, bàn
tán về cái chết lạ lùng của bác sĩ Đoàn.
Ông ta không chú ý lâu,
rẽ sang tay phải, qua sân quần của trường cao đẳng vừa đến phòng trước là chỗ để
xác người thiếu niên bác sĩ.
Trước khi bước vào ông
mời những người tấp nập đi đi lại lại trước cửa xuống cả sân đợi, rồi gọi hai
người gác ngoài đó dặn cấm không ai được vào đấy.
Rồi trịnh trọng, đạo mạo
ông mở cửa bước đến bên giường người chết, gật đầu chào mấy người sinh viên mặc
áo khán hộ đứng cạnh đấy, và lật tấm khăn xem lại tử thi. Một sinh viên lễ phép
đến gần, trỏ lên mặt và tay bác sĩ Đoàn mà nói:
- Xin ông thanh tra mật
thám chú ý đến những chỗ tím tím ở dưới làn da xanh nhợt này. Từng đốm tròn bằng
đồng hào, thoạt trông thì không ai ngờ gì nhưng xem kỹ thì đó là những triệu chứng
của sự trúng độc. Người chết tất uống phải một thứ thuốc độc mạnh, giết người một
cách nhanh chóng ghê gớm, thứ thuốc độc ngấm nhanh vào máu, nên người chết chưa
chắc đã phải chịu đau lâu nhưng bác sĩ Đoàn - xin ông để ý đến điều này - có uống
gì trong hơn một giờ lúc ngồi dự lễ phát bằng đâu? Thế mà cái thứ thuốc độc kia
lại ngấm nhanh chóng, ngấm nhanh "như nọc rắn độc". Vậy tất nhiên thuốc
độc ấy phải vào máu Đoàn bởi chỗ khác trong thân thể. Tất nhiên phải vào bởi...
thí dụ... chỗ này...
Người sinh viên mặc y
phục khán hộ, sẽ lật tấm khăn phủ phía dưới lên và trỏ vào một điểm nhỏ ở đùi
bên trái bác sĩ Đoàn, màu bầm đỏ, như nốt muỗi đốt, chung quanh cũng có những
đám tròn tím như ở trên tay và trên mặt, nhưng mau hơn và nhỏ hơn nhiều.
- Cái điểm nhỏ này,
thưa ông, nếu nhìn rất cẩn thận sẽ biết rằng đó là một thứ thương tích nguy hiểm
vô cùng, chứ không phải là một nốt muỗi đốt như người ta tưởng. Do chỗ đó mà
thuốc độc ghê gớm ngấm vào được và giết chết Đoàn... Mà, theo luận lý và sự
kinh nghiệm của tôi thì, thưa ông T. Phụng.
Nhưng không để người
sinh viên nói hết, ông thanh tra mật thám xẵng tiếng hỏi:
- Tôi đã bảo ông không
được phép vào khám… ông lợi dụng lúc tôi không có đây để...
- Để tự tiện vào?
Không. Thực ra thì không ai cho tôi vào đây, người ta nhất định gác lối cửa vào
mà tôi thì thế nào tôi cũng phải vào vì việc điều tra của tôi bắt phải thế. Cho
nên tôi mới phải dùng cái mưu nhỏ này, mượn được cái áo "blouse" của
một người bạn thân tức là mượn được cái phép vượt qua các điều nghiêm cấm.
Ông T. Phụng cưới:
- Ông Lê Phong, ông thực
là người tinh quái!
Lê Phong (vì người đó
chính là anh ta) se sẽ ngả đầu:
- Vâng, tôi chính là Lê
Phong và là người muốn giúp ông hết lòng, vì nếu không nhờ thế lực và trí minh
mẫn của ông thì một mình tôi …
Bỗng anh ngừng lại nhìn
trân trân ra phía cánh cửa chợt mở, nhưng chợt khép ngay lại anh thoáng thấy một
người chực lẻn vào trong nhà thuốc.
Người ấy là cô thiếu nữ
dị kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét