Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

CHIẾC TẤT NHUỘM BÙN

 


CHIẾC TẤT NHUỘM BÙN



Phạm Cao Củng

1

TÔI LÀ MỘT THẰNG ĂN CẮP

Chúng tôi đều ngồi im lặng… Cảnh bến tầu Nam Định vốn đã buồn, tối hôm ấy lại buồn hơn nữa. Gió lạnh, hạt mưa lất phất bay. Con đê nhỏ bằng xi măng lượn theo dọc sông trông xa như một con rắn dài nằm phơi chiếc bụng da trắng hếu. Một vài chiếc thuyền nan lơ lửng, leo lắt ngọn đèn. Đằng xa, áp bờ sông bên kia, chiếc lò vôi nung đỏ, tỏa ra trong bóng tối một ánh lửa hồng làm cho người ta nghĩ đến chiếc vạc dầu khổng lồ ở dưới âm ty.

Ngồi trên đê, Kỳ Phát đưa mắt trông ra xa. Hắn lấy ngón tay sẽ đập rơi tàn thuốc lá, rồi mơ màng nhìn theo làn khói tỏa bay.

Giữa cảnh êm đềm yên tĩnh, mọi vật hình như đều say sưa trong giấc mộng, Kỳ Phát lúc đó có dáng điệu một nhà thi sĩ đương trầm ngâm trước một cảnh nên thơ hơn là dáng điệu một tay thiếu niên trinh thám kỳ tài. Có lẽ ít ai ngờ rằng chính chàng trẻ tuổi ấy đã khám phá ra những vết tay trên trần mà tìm ra thủ phạm vụ án mạng bí mật trong Thanh dạo trước (Xem Vết tay trên trần.) và do một bài thơ kỳ dị đã lấy được cái kho tàng (Xem Kho tàng họ Đặng.) khi xưa.

Tôi ngoảnh nhìn Kỳ Phát không thấy một cái gì là thay đổi: vẫn bộ mặt xương xương với cặp lưỡng quyền cao, vẫn mái tóc lòa xòa vuốt ngược lốm đốm hoa râm.

Bỗng chúng tôi cùng quay đầu trông lại. Trong một căn nhà lụp xụp ngoảnh mặt ra sông, một mụ đàn bà đương một tay nắm tóc, một tay cầm roi, vụt lấy vụt để một thằng bé con độ mười hai, mười ba tuổi. Thằng bé khóc lóc kêu van mà mụ đàn bà cứ thẳng tay vụt mạnh. Mụ vừa đánh vừa nghiến răng rít lên rằng:

- Con cái đâu lại có con cái như thế này bao giờ? Mới nứt mắt ra mà đã ăn cắp tiền, tiêu bậy!

Tôi quay bảo Kỳ Phát:

- Anh nghĩ thế nào? Cứ ý tôi thì đánh đập thế này tuy hơi quá nhưng mà cần. Bằng tí tuổi đầu mà đã gian tham, bé ăn trộm gà, lớn ăn trộm trâu, nếu không thẳng tay trừng trị thì từ đồn điền trí cụ đến nhà pha Hỏa Lò cũng không xa là mấy.

Tôi bỗng thấy cặp mắt Kỳ Phát sáng quắc. Hắn vất điếu thuốc lá đương hút dở, nhìn trừng trừng vào mặt tôi rồi dằn từng tiếng mà bảo rằng:

- Câu này thì anh nên ghi nhớ để nghiệm về sau: khi anh thấy một người đàn bà đánh trẻ về tội ăn cắp - cứ cho rằng người đàn bà ấy là mẹ đứa trẻ - anh cũng chớ tin ngay rằng thằng bé quả là một thằng ăn cắp!

Tôi không lạ gì Kỳ Phát. Muốn biết rõ Kỳ Phát, tôi đã từng chia hắn ra làm hai: Kỳ Phát lúc tĩnh và Kỳ Phát lúc động. Kỳ Phát lúc tĩnh thì yếu ớt, nhu nhược, hay nghĩ vơ vẩn và ít nói, những khi ấy thì đừng ai mong hỏi hắn gì, nhất là điều hắn đã muốn giấu thì cậy răng hắn cũng không nói nửa lời. Kỳ Phát lúc động thì lại khác hẳn: hai mắt sáng quắc, chân tay luôn luôn cử động, hắn đã biện thuyết về một vấn đề gì thì nói mãi kỳ cho người ta nghe phải phục thì mới thôi.

Tôi biết Kỳ Phát lúc này vừa mới ở trạng thái tĩnh sang trạng thái động. Nhớ tới hôm nào, khi Kỳ Phát khám phá ra cái kho tàng kể chuyện lại cho tôi nghe xong có nói tiếp:

- Đời tôi có lẽ toàn là những cái phiêu lưu bí mật, ngay từ lúc tuổi thơ, tôi đã bị nhiều nỗi khổ lạ lùng…

Lúc đó tôi có hỏi ngay về cái đời thuở nhỏ của Kỳ Phát song hắn nhất định không nói, tôi bèn nhân lúc này mà gợi chuyện ra.

Làm ra bộ ngớ ngẩn, tôi hỏi Kỳ Phát:

- Anh nói thế là thế nào, tôi không hiểu đấy!

Kỳ Phát có vẻ tức tối, vùng giơ tay nắm chặt lấy hai vai tôi, nhìn vào tận mặt mà bảo rằng:

- Anh không hiểu, phải anh không hiểu, vậy tôi nói câu này cho anh hiểu nhé: “Tôi cũng là một thằng ăn cắp!”

 

2

MỘT GIA ĐÌNH BÍ MẬT

Rồi một lát, không đợi tôi hỏi thêm, hắn kể cho tôi nghe câu chuyện dưới đây:

… Trước hết, tôi hãy nói cho anh biết một điều mà chưa có dịp nào tôi nói đến là nơi sinh trưởng của tôi. Chính quê tôi ở Hải Dương. Lúc tôi 12, 13 tuổi, thì tôi đã bắt đầu hiểu biết. Nhà tôi ở giữa một phố chính, trông lộng lẫy nhất, tuy chỉ có hai tầng, nói rõ thế để anh hiểu rằng nhà tôi cũng là một nhà giầu có trong thành phố. Gia đình tôi tất cả chỉ có ba người: thầy tôi, dì tôi và tôi. Ngoài ra còn một vú già, ước bốn mươi tuổi, trước là vú sữa nuôi tôi, về sau vì chồng chết nên lại đến ở làm vú dọn. Chúng tôi sống một cái đời rất là yên tĩnh: tôi hàng ngày đi học ở lớp ba, dì tôi thì ngày mùa cân gạo bán cho khách trú, tuy gọi là buôn bán, nhưng chỉ cốt có một công việc mà thôi, chứ không cốt trông vào đó mà sống. Thầy tôi thì ốm yếu, luôn luôn ở trong buồng, không hề bước ra khỏi ngưỡng cửa, cơm nước đều do vú già bưng vào đến tận giường cả. Thầy tôi không thích huyên náo - dì tôi vẫn bảo thế - vì vậy mà tự nhiên tôi không bao giờ dám vào phòng thầy tôi, trừ khi thầy tôi cho gọi. Mà những dịp ấy cũng rất hiếm, thường chỉ hai, ba chủ nhật mới có một lần. Tôi còn nhớ, mỗi bận tôi vào là trong lòng tôi nghi ngờ, nghĩ ngợi, tôi có thể nói là chưa có gia đình nào lại có ông bố lạ lùng, bí mật như vậy. Tôi thấy vú già bảo thầy tôi gọi thì vội rón rén bước vào.

Trong phòng ánh sáng chỉ lờ mờ: một ngọn đèn Hoa Kỳ thắp nhỏ để trên chiếc giá treo ở góc tường. Trên giường chiếc màn lan tiêu bỏ kín mít làm tôi không nhận rõ rằng thầy tôi bây giờ già hay trẻ, gầy hay béo, ngồi hay nằm nữa. Thực vậy, đã bốn, năm năm nay, tôi chỉ được thấy thầy tôi ở trong phòng tối mà thôi, cũng vì thế cái hình ảnh người thuở xưa, lúc tôi lên 7, lên 8 tuổi chỉ còn lờ mờ trong trí nhớ.

Thầy tôi thấy tôi vào, se sẽ bảo:

- Phát đấy ư con? Con đóng cửa lại rồi đứng đây thầy bảo. Con độ này học hành thế nào, có hay phải phạt không?

Lần nào vào, thầy tôi cũng chỉ hỏi việc học hành thế thôi, rồi chỉ độ năm, sáu phút là thầy tôi bảo, vẫn giọng se sẽ, yếu ớt, nhưng đầy vẻ yêu thương:

- Thôi con ra mà học bài, để thầy nằm nghỉ. Con khép chặt cửa lại!

Chỉ có thế mà thôi. Một điều tôi tức bực nhất là tôi không biết mẹ tôi là ai cả? Có lần tôi đã đánh bạo hỏi dì tôi thì dì tôi có vẻ không bằng lòng, gạt phắt đi:

- Trẻ con nào, đi mà học bài, tao không biết!

Thấy dì gạt đi thì tôi không dám hỏi nữa, nhưng tôi lại chờ lúc vắng vẻ hỏi vú già, vì tôi chắc vú già đã nuôi tôi từ thuở bé, tất biết rõ ràng. Thấy tôi hỏi, vú lộ vẻ ngạc nhiên, rồi có ý nghĩ ngợi, sau buồn rầu lắc đầu mà bảo tôi rằng:

- Tôi mới đến ở sau này, nên không biết, anh ạ!

Vốn có tính tò mò, tôi nhất định chưa chịu thôi. Một hôm thầy tôi theo lệ thường gọi tôi vào. Hỏi han xong, thầy tôi, cũng như mọi khi, bảo:

- Thôi con ra mà học bài để thầy nằm nghỉ. Con khép chặt cửa lại!

Nhưng lần này thì tôi không ra. Thầy tôi có vẻ ngạc nhiên:

- Phát, cái gì thế con?

Tôi ngập ngừng mãi, sau hỏi ngay một câu:

- Còn… mẹ con đâu, thầy?

Thì thầy tôi chỉ đáp:

- Rồi thầy sẽ nói cho con biết, con ra mà học bài, thầy mệt không muốn nói nhiều.

Tôi biết thầy tôi có ý nói lảng nên vẫn chưa chịu ra:

- Thầy nói cho con biết ngay, mẹ con đâu?

- Mẹ con… mẹ con đã mất rồi, mất đã lâu rồi! Thôi, con ra, khép cửa lại!

Tôi nghi hoặc hỏi lại vú già thì vú già cũng ngạc nhiên:

- Ai bảo anh thế?

- Thầy tôi!

- Ừ… ừ… bà mất sớm rồi, sinh ra cậu xong rồi mất!

Như thế thì tôi còn biết hỏi ai được nữa. Tôi vẫn chưa chịu, còn đương nghĩ cách cố căn vặn cho ra, thì bỗng thầy tôi lên bạo bệnh.

Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó, tôi đi học về, thấy một chiếc ô tô đỗ ở ngoài cửa. Tôi ngạc nhiên vội chạy vào nhà, thì vừa bước qua ngưỡng cửa, đã thấy một ông Tây béo đi cùng với một người Annam xách cái va ly nhỏ đi ra, theo sau là dì tôi.

Ông Tây béo trông thấy tôi thì quay hỏi xì xồ. Người xách va ly chỉ tay, bảo dì tôi:

- Cậu em đấy phải không?

Sau khi nghe lời người Annam thông ngôn lại, ông Tây béo nhìn tôi ra dáng thương hại, kéo tôi lại gần, vỗ khẽ vào má tôi, xì xồ câu gì tôi không hiểu, xong có vẻ âu yếm lắm.

Ông Tây đi rồi, vú già hỏi:

- Ông đốc tờ bảo gì anh đấy?

- Đốc tờ nào?

- Ông Tây vừa lúc nẫy ấy mà!

- Thầy tôi làm sao, vú?

- Ông mệt nặng, đốc tờ xem cũng chịu rồi, nói khó lòng mà qua khỏi được.

Tôi vội cất cặp chạy vào buồng trong, nhưng dì tôi đẩy tôi ra, khép chặt cửa lại, bảo đừng vào, để yên cho thầy tôi ngủ. Vú già dắt tay tôi lại đằng bàn, xới cơm cho tôi ăn rồi bảo:

- Anh cứ ăn cơm đi đã, kẻo canh nguội cả!

Nhưng lúc ấy tôi còn nuốt làm sao được. Vú già vẫn ngồi ở bên cạnh. Tôi rất lấy làm lạ không hiểu sao thầy tôi nguy kịch mà dì tôi cũng không cho tôi vào, nhất là vú già ngày thường vẫn âu yếm, săn sóc tôi như mẹ với con, thế mà bây giờ cũng ngồi liền đấy hình như chỉ cốt để giữ tôi lại.

Bỗng trong buồng thầy tôi nấc lên một tiếng to. Vú già thất sắc. Tôi bỏ bát nhẩy bổ vào buồng.

Dì tôi toan cản lại, nhưng không hiểu lúc đó tôi hùng hổ khỏe mạnh đến chừng nào, mà tôi đẩy bắn dì tôi sang bên, chạy đến cạnh giường.

Trời đã tối, trong buồng lại càng tối hơn nữa.

Tôi rụt rè bước đến cạnh màn, khe khẽ gọi:

- Thầy! Thầy ơi!

Thầy tôi nhận ra tôi khẽ hỏi:

- Phát đó con? Con đứng đấy, đừng mở màn ra.

Ánh đèn Hoa Kỳ nhỏ không đủ chiếu ánh sáng qua chiếc màn lan tiêu mầu hoa đào.

Tôi nhìn lờ mờ thấy chăn nhiễu thầy tôi kéo lên quá cổ. Nhưng hình như thầy tôi ngần ngại, chưa muốn ra, thỉnh thoảng thầy tôi lại quay nhìn dì tôi. Một lát sau, thầy tôi bỗng ho sù sụ, rồi nấc lên mấy tiếng. Tôi toan nhẩy bổ lại chỗ thầy tôi nằm, nhưng dì tôi đã nắm chặt lấy hai vai tôi. Có lẽ thầy tôi đã đâm ra mê sảng. Thầy tôi chỉ cố kêu được ba tiếng còn rõ ràng:

- Phát! Mẹ con…

Nhưng thầy tôi ú ớ nói không ra nữa, tôi cảm thấy lúc đó thầy tôi cố hết sức vùng vẫy để chống chọi với cái chết đương đứng chờ bên để lôi đi. Thầy tôi giãy giụa, bỗng thò một cánh tay ra khỏi chăn, vẫy gọi, hay định nắm bắt một vật gì, tôi trông rõ lắm, thầy tôi xòe bàn tay rồi lại nắm vào như vậy ba lần.

Nặng nề, thầy tôi bỏ thõng tay xuống, rồi nghiến răng, thầy tôi rên rỉ:

- Liên, liên…

Tiếng thở khò khè, giọng nói lại ú ớ thành ra tôi cũng không dám nói chắc rằng thầy tôi nói lúc bấy giờ là “liên” hay “yên”, là “biên” hay cái gì nữa.

Vậy ta cứ ví dụ là “liên”. Mà liên là gì? Đó là tiếng đầu của một câu nói mà thầy tôi không có sức nói hết, hay là tên người nào? Hay là tên mẹ tôi? Mấy câu hỏi đó còn đương làm rộn rã bộ óc thơ ngây của tôi, thì một bí mật khác đã theo ngay đến.


3

NGƯỜI HAY MA

Thầy tôi mất đã được nửa tháng. Nhà tôi - nhà tôi nghĩa là chỉ còn có ba người, kể cả vú già - vẫn sống một cái đời yên lặng như trước. Tôi đi học như thường, tối về ngủ một mình trên gác. Đối với dì tôi, nhất là từ hôm thầy tôi mất đi, tôi thấy có một sự lạnh nhạt chia rẽ làm cho tôi không thể nào thân với dì tôi được. Thấy thế, vú già, một hôm bảo tôi rằng:

- Cậu không nên thế, dì cũng như mẹ, ghẻ lạnh như vậy người ta cười.

Thấy tôi không trả lời, vú già nói tiếp:

- Khốn nạn, từ khi ông mất, bà có lẽ thương khóc quá độ mà thành ra đau mắt!

Có thương khóc thực hay không thì tôi không biết, song có một điều rõ rệt là dì tôi đau mắt. Đã mấy hôm nay, dì tôi luôn luôn đeo kính đen, tối nào cũng tra thuốc. Có lẽ dì tôi đau mắt lắm, nên nhà dưới dì tôi không cho thắp đèn điện nữa, kêu chói, chỉ dùng ngọn đèn dầu nhỏ mà thôi. Trên gác, chỗ bàn tôi học thì vẫn thắp đèn điện như thường.

Một hôm trời mưa, tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Tôi bèn trở dậy, bật đèn lên, lấy mấy bộ truyện quốc ngữ ra đọc vì ngày hôm sau là chủ nhật, tôi không có bài vở gì làm cả. Xem được độ hai trang truyện, tôi bỗng ngạc nhiên kinh hãi vì ở nhà dưới có tiếng người thì thầm to nhỏ. Tôi quên chưa nói rõ là khoảng gác chỗ kê bàn tôi học ở ngay trên gian buồng dì tôi ngủ. Chắc không phải là vú già đương nói chuyện với dì tôi, vì theo lệ thường, 9 giờ tối là dì tôi đi ngủ, khóa cửa ngách lại, để vú già ngủ ở ngoài hàng. Tôi nghi ngờ vô cùng, vì lúc đó dễ đã đến 1, 2 giờ đêm. Nhưng biết đâu, hay là vú già cùng dì tôi có điều gì bí mật phải bàn bạc với nhau?

Vốn sẵn tính tò mò từ thuở nhỏ, tôi quyết khám phá ra điều bí mật. Rón rén ra lối cửa thang, tôi lần bước xuống dưới nhà, nhưng ác chưa, cửa thang lại khóa chặt rồi. Đó là một điều lạ, vì ngày thường không bao giờ như thế.

Không làm sao được, tôi lại rón rén lên gác. Dưới nhà, tiếng nói vẫn xì xào…

Tôi ghé sát tai xuống ván gác xem vú già và dì tôi bàn chuyện gì mà bí mật làm vậy, nhưng không, lạ chưa, tuy tôi không nghe rõ được câu gì, nhưng tôi biết chắc đó là giọng nói của một người đàn ông. Một người đàn ông! Vậy người đó là ai, chắc chỉ có thể là nhân tình của dì tôi. Chà, con dâm phụ quái ác thực, thầy tôi mất có lẽ ngoài mộ chưa mọc cỏ!

Sáng hôm sau, tôi dậy sớm xuống nhà dưới, cửa thang đã mở khóa từ bao giờ. Có lẽ dì tôi còn ngủ, vì cửa buồng đóng chặt. Tôi ra ngoài cửa hàng thì thấy cửa khép, tôi ngồi đợi một lúc thì vú già đi mua xôi về cho tôi, lệ thường hôm nào cũng vậy, tôi trở dậy thì đã có quà sáng sẵn sàng, tôi chỉ rửa mặt, ăn quà rồi đi học.

Thấy tôi, vú già ngạc nhiên hỏi:

- Cậu hôm nay dậy sớm thế?

Tôi không trả lời, nhìn thẳng vào mặt vú già làm cho vú càng ngạc nhiên:

- Cái gì thế, cậu?

- Vú phải nói thực cho tôi biết: Hôm qua ai nói chuyện gì trong buồng dì tôi mà khuya thế?

- Không, có ai đâu.

- Vú đừng giấu tôi!

- Khốn nạn tôi mà giấu cậu thì…

- Vú không phải thề, tôi tin lời vú lắm, vì tôi biết vú nuôi tôi từ thuở nhỏ, mà có lẽ ở nhà này - thầy tôi ốm yếu không kể - chỉ có vú là thương yêu, săn sóc tôi mà thôi. Nhưng thực đêm qua tôi nghe rõ dưới buồng dì tôi có tiếng người nói chuyện, mà tiếng đàn ông.

- Sao cậu không xuống xem?

- Tôi định xuống, nhưng cửa thang gác khóa chặt rồi.

Vú già ngẫm nghĩ lẩm bẩm:

- Thế thì lạ thực! Nhưng không có lẽ, vì nếu có người vào thì tôi đã biết. Từ khi ông mất đi, nhà đơn người, nhất là độ này bà đau mắt không cho bật đèn thì tôi sợ kẻ gian phi dòm dỏ, trời sẩm tối là tôi đã bắc ghế ngồi coi cửa.

Tôi hỏi:

- Nhưng còn đêm?

Vú già lắc đầu:

- Đêm thì lại càng không thể lẻn vào được, vì cửa nhà ngoài thì chìa khóa tôi giữ, mà khi đi ngủ, tôi lại bắc chõng nằm ngay ngang cửa. Cậu đã biết tính tôi thính ngủ lắm, đừng nói rằng mở cửa, chỉ hơi động một chút là tôi cũng đã tỉnh rồi!

- Nếu vậy thì lạ thật, chẳng lẽ tôi mê hoảng!

- Có lẽ thế thực, chắc là vì ông mới mất, cậu ngủ trên gác có một mình, nên thần hồn nát thần tính, đâm ra mê hoảng đó thôi!

Vú già thì bảo thế, nhưng khốn nạn, tôi có mê đâu? Vậy là người hay ma? Nếu là người thì ít ra cũng phải kiếm cách mà vào chứ? Nhà tôi rất là kín đáo, không có cửa sau, vậy người lạ mặt vào bằng cách nào và vào giờ nào?

Bí mật!

Đêm hôm đó, tôi lại thức, nhưng không nghe thấy tiếng gì lạ, mà cửa thang cũng không khóa. Song cách hai hôm sau, đêm nào tôi cũng thức, thì tôi lại nghe thấy tiếng người nói chuyện, cũng vẫn tiếng đàn ông, mà cửa lần này cũng khóa.

Tôi thề rằng sẽ dò ra manh mối. Từ đó không một cử chỉ, không một hành động nào của dì tôi mà tôi không để ý đến. Tôi nhận thấy một điều lạ là sao độ này dì tôi hay đi chơi luôn; cứ buổi chập tối là tôi thấy dì tôi mặc quần áo ra đi, không biết đi có việc gì, mà trời rét lại đau mắt, dì tôi phải đeo kính đen, trùm khăn tua mà cũng chịu khó đi, lạ nhất là không đi lâu, dì tôi chỉ đi chừng năm phút, mười phút rồi lại về, nhưng chỉ một chốc lại ra đi. Tôi đã cố hết sức đoán mà không hiểu sao dì tôi lại đi đi, về về luôn thế.

Nhưng tôi đã thề sẽ dò ra manh mối!


4

NÉT GẠCH CHÌ XANH

Muốn tìm ra manh mối, chỉ có một cách giản tiện, dễ dàng hơn cả là đi theo xem dì tôi đi đâu. Chiều hôm đó, tôi quyết tâm theo dì.

Qua một phố vắng, dì tôi bỗng trông trước trông sau, rồi đứng dừng lại trước một nhà bỏ trống, ngoài có dán giấy “Cho thuê nhà dưới”. Nhưng trên gác có cầu thang đi riêng, cũng khóa cửa.

Dì tôi mở khóa lên thang, tôi vơ vẩn đứng đợi một lát chừng độ năm phút, dì tôi xuống, khóa cửa lại, rồi về nhà. Độ mười phút sau, dì tôi lại ra đi, tôi cũng theo y như lần trước, dì tôi cũng lên gác cái nhà bỏ trống. Đến lần thứ ba cũng vậy, mà lần nào cũng chỉ ở trên chừng năm, sáu phút mà thôi.

Vậy trên gác ấy có gì? Ai ở? Sao lại luôn luôn khóa cửa? Đến lần thứ tư thì tôi quả quyết theo lên. Đợi dì tôi lên khỏi thang gác, tôi cũng theo vào, nép mình đứng sau cánh cửa. Một lát dì tôi xuống, vô tình bước ra, khép cửa, khóa lại, thành ra tôi nghiễm nhiên được ở trong cái nhà bí mật. Tôi định bụng sẽ lên xem xét qua loa, vì chắc chỉ lát nữa dì tôi đã lại đến rồi. Tôi vội vàng chạy lên gác, nhưng tôi bỗng kinh ngạc ngẩn người, vì cái gác tôi định lên xem xét chỉ là… một gian gác trống, không có một đồ vật nào. Nói rằng không có đồ vật thì không đúng lắm, vì trên tường có treo một chiếc mắc áo. Ngoài ra thì không có bàn, không có ghế, không có gì cả. Gian gác có bốn cửa: hai cửa sổ và hai cửa ra vào. Một cửa thông xuống sân đằng sau nhà dưới thì đóng chặt, có một chiếc nẹp gỗ thì đóng đanh ngang. Một cửa thì ra chiếc sân nhỏ ngoài hiên, nhìn xuống dưới đường. Thấy trong gác không có gì lạ, tôi ra hiên chỉ nhặt được chiếc tất lớn, “gót có nhuộm bùn”. Tôi để ý xem kỹ thấy chiếc tất không có gì lạ cả, bèn bỏ đấy mà vào trong gác. Tôi bỗng để ý đến một vật treo trên mắc áo, mà lúc nẫy tôi không trông thấy. Vật đó là chiếc hốt để nong giầy tây bằng sừng, trông cũng giống như mọi chiếc hốt bình thường.

Tôi nhận kỹ biết ngay chủ nhân của nó là một người không cẩn thận, vì ở chiếc hốt ấy cũng có vết bùn dây.

Không có gì lạ hơn nữa, tôi bèn xuống thang gác, định lại đứng nấp sau cánh cửa để hễ dì tôi vào là tôi lẻn ra.

10 phút, 15 phút, dì tôi vẫn chưa đến. Tôi đứng dựa vào góc tường nghĩ ngợi, lúc đó mới nhận thấy mọi cái táo bạo nguy hiểm trong cách hành động của tôi. Nhỡ tôi lên gác mà có người ở trên ấy thì sao? Tôi lúc đó dầu sao thì cũng vẫn là một đứa trẻ con, 12, 13 tuổi, như vậy thì liệu chống chọi làm sao với những kẻ thù?

20 phút đã qua! Ấy mới nguy, nhỡ dì tôi không lại nữa thì thật là tôi bị nhốt ở trong này, chẳng khác gì một con chuột nhắt bị sa vào cạm. Tôi lo sợ, nhìn quanh, tìm kế thoát thân… Trong bóng tối lờ mờ, tôi bỗng nhìn thấy ngay dưới chân tôi một miếng giấy mầu đỏ, vuông vuông. Tôi cúi xuống, nhặt lên xem thì đó chỉ là một quyển lịch con bỏ túi.

Bỗng ngoài cửa có tiếng mở khóa. Tôi vội vàng nín thở, đứng nép vào tường. Cửa mở, dì tôi vào, lên thang gác, tôi vội vàng lẻn bước ra ngoài…

Suốt đêm hôm đó, tôi không sao ngủ được. Tôi giở từng trang quyển lịch hình như cố hết sức đọc ở những giờ tầu chạy, những tên ngày, tên tháng, để tìm ra manh mối câu chuyện bí mật này. Nhưng trong quyển lịch không có biên một chữ gì, tôi chỉ thấy có “bốn nét chì gạch xanh” cách nhau chừng ba hôm một; có lẽ để đánh dấu ngày. Giở sang trang bên kia, vào một ngày thứ sáu, tôi thấy có ba dấu gạch chữ thập, cũng nét chì xanh. Chỉ có thế mà thôi.

Chỉ có thế mà thôi, thi tôi còn biết tìm ra manh mối làm sao được?

Tôi gục đầu suy nghĩ: gian gác trống, cái mắc áo, chiếc tất nhuộm bùn, cái hốt giầy, quyển lịch bỏ túi, những nét gạch chì xanh, từng ấy thứ đều bí mật cả. Trong khi tôi đang nát óc để tìm ra manh mối, thì ở dưới nhà, trong buồng dì tôi, khổ chưa, họ vẫn nói chuyện thì thầm. Mà cửa gác cũng khóa, chẳng lẽ họ khóa được cửa, lại khóa luôn cả bộ óc xét đoán của tôi sao?

Thất vọng, tôi không buồn thay quần áo, nằm lăn ra giường ngủ. Tôi tức bực vô cùng và tự nghĩ:

- Thế là một đêm vô ích! Thế là mai vào lớp, nếu bị gọi đọc bài sẽ lại phải đòn. Thứ tư vốn có nhiều bài đọc, mà mình chưa học được chữ nào.

Mai là thứ tư, à, mai là thứ tư nhỉ? Mai là thứ tư, nghĩa là hôm nay là ngày thứ ba! Hôm nay là ngày thứ ba, khốn nạn, thế mà tôi không nhớ ra, không nghĩ đến.

Tôi vùng trở dậy lại bàn học, bật đèn lên, giở quyển lịch nhỏ ra xem ngày lại. Đích phải rồi, vậy ra bốn nét gạch chì xanh đều là để đánh dấu những đêm mà người đàn ông bí mật vào buồng dì tôi trò chuyện. Cái đêm thứ bẩy là đêm đầu tiên tôi dậy nghe thấy tiếng trò chuyện ở dưới nhà, thì ở trong quyển lịch cũng có đánh dấu một nét chì xanh. Trên nét ấy còn một nét nữa, vào ngày thứ năm, xong có lẽ đêm hôm đó tôi ngủ mệt nên không biết. Dưới nét gạch ngày thứ bẩy lại có một nét gạch vào ngày thứ năm. Tôi nhớ lại chính hôm thứ năm ấy, tôi cũng thấy có tiếng trò chuyện mà cửa thang cũng khóa. Còn nét gạch sau cùng thì vào ngày thứ ba, chính vào ngày hôm nay, chính vào ngày mà hiện giờ ở dưới nhà họ đương trò chuyện.

Tôi đã cởi được một nút bí mật. Vậy ra họ chỉ khóa được cửa thang, chứ chưa đủ lực mà khóa được bộ óc tôi. Nhưng còn ba nét gạch chì xanh vào ngày thứ sáu? Nghĩa là còn cách hai ngày nữa đây!

Song bây giờ tôi không bối rối nữa, tôi tin rằng tôi sẽ tìm ra manh mối câu chuyện bí mật này. Gian nhà trống, cái mắc áo, chiếc tất nhuộm bùn, cái hốt giầy, những vật đó sẽ là cái biển cắm đường để dẫn lối cho tôi đi tìm ánh sáng…

Bây giờ thì không còn cái gì là bí mật nữa!

Sáng hôm sau, lúc ở nhà trường về, tôi học cách của những anh bạn lười, chuyên đi nhà thương để được nghỉ, nghĩa là tôi lấy thuốc lào dí vào mắt để vờ làm đau mắt. Ăn cơm xong, tôi bèn mở tủ lấy cái lọ thuốc đau mắt dì tôi vẫn thường tra, tôi đương loay hoay với cái nút cùng chiếc ống thủy tinh rỏ thuốc, thì dì tôi đến bên lúc nào không biết, bỗng giật phắt lấy lọ thuốc và tát cho tôi một cái nên thân.

- Ai cho mày nghịch, hử?

- Không, con đau mắt!

Dì tôi nhìn tôi chòng chọc, thấy mắt tôi quả nhiên đầy tia máu đỏ thì bỗng hối mình quá nóng, ôn tồn bảo tôi rằng:

- Chết chưa, ra thằng bé đau mắt thực; khốn nạn, dễ con lây dì hẳn. Nhưng thuốc này nặng lắm, con tra không được, để dì mua cho thuốc khác.

Rồi dì tôi móc túi cho tôi một hào “để ăn quà”, hình như cốt để đền cái tát lúc nẫy. Tôi bỏ hào vào túi. Dì tôi quay đi, vui mừng. Bằng một cái tát trái, dì đã cho tôi biết một cách rõ rệt rằng những điều tôi ức đoán đều đúng cả.

Tôi đã biết rõ “người ấy” vào bằng cách nào. Tôi sẽ biết rõ “người ấy” là ai, và bắt quả tang trong lúc họ hành động, vì tôi đã đoán chắc họ đương mưu tính việc gì.

5

CHẠY ĐẰNG GIỜI

Hôm thứ sáu, sau bữa cơm chiều tôi xin phép dì tôi đi chơi.

Khác hẳn mọi ngày thường còn hỏi han cặn kẽ, lần này dì tôi bằng lòng cho phép ngay. Tôi bèn tìm vú già, bảo vú rằng:

- Có người thực, vú ạ!

Vú già không hiểu tôi định nói gì, ngẩn người hỏi lại:

- Người nào?

- Người vẫn thường lẻn vào nhà ta.

- Không có lẽ.

- Được, rồi vú xem. Song hôm nay, tôi muốn ngồi canh cửa xem nó vào lúc nào. Nhưng tôi sợ dì tôi mắng, hễ dì tôi có hỏi thì vú bảo tôi đi chơi rồi nhé.

Nói xong, tôi trèo lên vựa thóc - nhà tôi buôn thóc gạo - ở ngay áp cửa, lấy dao díp khoét cót ra một lỗ nhỏ để nhòm. Vú già thì bắc chiếc ghế ngồi ngay bên cửa. Một lát sau, dì tôi ra, dưới ánh ngọn đèn Hoa Kỳ lờ mờ, tôi thấy dì tôi rút khăn lau chiếc kính, rồi cuốn lại khăn quàng bằng len đan. Trước khi đi, dì tôi quay lại hỏi vú già:

- Cậu Phát đâu, hẳn lại đi chơi rồi?

- Vâng cậu ấy vừa đi.

- Con nhà thế thì thôi. Tôi đi đằng này một lát, vú trông kỹ cửa nhá.

Một lát sau, dì tôi về. Rồi dì tôi lại đi, rồi lại về. Rồi lại đi, rồi lại về, lần nào cũng chỉ cách nhau chừng độ mươi, mười lăm phút thôi. Rồi cách một lúc lâu, chừng độ nửa giờ, tôi không thấy dì tôi đi nữa. Tôi tự nghĩ:

- Không có lẽ chỉ có thế thôi.

Quả nhiên, dì tôi lại ra đi. 10 phút sau lại trở về, rồi lại đi, rồi lại về. Vú già sốt ruột, lẩm bẩm:

- Đi gì mà khỏe đi lắm thế?

Nhưng đã thôi đâu, dì tôi lại ra đi. Tôi ngồi trong vựa thóc, vì phải ngồi xổm lâu, lại có lắm mọt, nên vừa mỏi, vừa ngứa. Tuy nhiên, tôi vẫn bền gan ngồi đợi. Một lát sau, dì tôi về.

Hai bàn chân tôi đã thấy tê dại, tưởng chừng đứng lên thì không bước đi được nữa. Đàn muỗi vo vo bên tai, trước mũi, tinh một mùi cám. Trong nhà, đồng hồ chậm chạp điểm chín tiếng… Một lát sau, dì tôi về, về rồi thay quần áo, không đi nữa. Đợi lúc dì tôi ở trong nhà, tôi trong vựa thóc trèo ra. Vú già vừa chèn cửa vừa quay lại hỏi nhỏ tôi:

- Thế nào, cậu ngồi rình có thấy nó vào không?

Tôi nghĩ một lát rồi lắc đầu trả lời:

- Không, tôi không thấy gì lạ cả.

Nhưng sự thực thì tôi đã thấy rồi, cũng như tôi biết chắc “nó” đã vào rồi.

Tôi vào trong nhà, rửa mặt, rửa chân, tỏ ra vẻ vừa mới chạy nhẩy ở ngoài phố về.

Rồi tôi cởi bỏ áo ngoài, lên gác đi ngủ. Nhưng lên đến nửa cầu thang, tôi đã trèo xuống, rồi rón rén, lẩn ra trèo luôn vào vựa thóc.

Đèn trong nhà đã tắt. Nằm co trên đống chiếu, rồi nghe rõ thấy dì tôi rón rén lên thang gác. Một tiếng vặn chìa khóa. Nếu tôi thực ở trên gác thì đã bị nhốt rồi.

Trong buồng đã bắt đầu có tiếng trò chuyện rì rầm. Lúc đó, tôi tức tối vô cùng, những muốn chạy ập vào trong phòng, bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, nếu tôi làm ra to chuyện bây giờ thì rồi vú già biết, hàng xóm biết, cả tỉnh biết, lúc đó, liệu thanh danh nhà tôi còn gì. Tôi chắc hẳn nếu thầy tôi còn sống, tất cũng không muốn tôi làm như thế.

Bởi vậy cho nên tôi đành nằm trong vựa thóc mà đợi sáng. Cái đêm ấy sao nó mới dài. Về sau này, tôi thức suốt đêm để bắt kẻ gian rất nhiều, song không bao giờ thấy hồi hộp như đêm hôm ấy.

Sáng sớm hôm sau, đồng hồ vừa gõ năm tiếng thì vú già trở dậy, theo lệ thường, mở cửa đi mua quà sáng cho tôi. Thì tôi chỉ đợi có lúc ấy, cái lúc mà trừ tôi, dì tôi và người lạ mặt thì không còn ai nữa.

Tôi quả quyết chạy thẳng đến buồng dì tôi, xô cửa bước vào. Dưới ánh ngọn đèn Hoa Kỳ, cạnh chiếc bàn con, tôi trông thấy rõ ràng một người đàn ông, mặc áo sơ mi lụa, đương ngồi xếp những vòng, hoa, xuyến, hột vào trong một chiếc khăn mặt lớn.

Tôi lúc đó oai hùng như một tay đại trinh thám vào sào huyệt bắt được một đảng cướp lớn, chỉ tay, thét lớn:

- Mày có chạy đằng giời!

Nhưng nó không “chạy đằng giời” thì lại chạy đằng cửa. Nó vớ vội lấy chiếc khăn đầy đồ tư trang, đẩy tôi sang một bên mà chạy ra. Tôi nhanh tay giật ra, làm cho nó đánh tuột cả vòng, hột tung tóe xuống đất. Tôi toan đuổi theo, nhưng dì tôi đương nằm trong màn đã nhẩy xổ ra nắm chặt lấy tôi, ghì lại.



6

SÁU ĐI BẨY VỀ

Kỳ Phát kể đến đây thì ngừng lại. Tôi hỏi:

- Rồi sao nữa? Kể ra anh mới ít tuổi mà khám phá ra được thế thì cũng đã giỏi lắm rồi.

Kỳ Phát mỉm cười:

- Có lẽ cũng là bẩm tính trời sinh, nên tôi có óc trinh thám ngay từ thuở nhỏ. Chỉ buồn cười độ ấy trước khi vào bắt gian tôi đã suy tính kỹ càng, thế mà cũng vẫn sót một điều là quên rằng mình mới đứng cao bằng cái ô thì bắt sao được những người lớn như ông hộ pháp.

Tôi gật đầu rồi hỏi:

- Câu chuyện đến đây là hết ư, hẳn phải còn đoạn kết chứ?

Kỳ Phát có vẻ tức tối, chỉ tay vào ngực:

- Đoạn kết là: tôi thành một thằng ăn cắp, anh đã hiểu chưa? Lúc đó, dì tôi kêu ầm phố lên rằng tôi là một thằng bé ăn trộm gà, lớn ăn trộm trâu, mới nứt mắt mà đã có gan thừa lúc dì tôi còn ngủ, lẻn vào phòng ăn cắp vòng, hoa, xuyến, hột. Ấy, tôi bị một trận đòn chí tử, giống y như hệt cái cảnh mẹ đánh con lúc nẫy.

Thấy tôi có vẻ suy nghĩ, Kỳ Phát hỏi:

- Anh còn có điều gì chưa hiểu?

- Tôi vẫn chưa hiểu tình nhân của dì anh lẻn vào trong nhà lúc nào?

- Có gì mà không hiểu. Sáu đi, bẩy về mà lại!

- Sáu đi, bẩy về?

- Phải, sáu đi, bẩy về. Để nguyên, tôi cắt nghĩa từ đầu cho anh nghe. Anh đã hiểu ba nét gạch chì xanh trong quyển lịch là gì chưa?

Tôi gật đầu:

- Chỉ có ba nét gạch ấy là cuối cùng, nghĩa là chỉ còn mỗi đêm ấy là người lạ mặt lẻn vào nhà. Đoạn cuối anh vừa kể đã cho tôi biết rằng: Dì anh và người ấy bên nhau để thu xếp tiền nong, vàng bạc chuyển vận ra ngoài, có lẽ chỉ còn đợi ngày cùng nhau đi trốn.

- Còn gian gác trống?

- Cái đó thì tôi không hiểu.

- Ấy, thoạt tiên tôi cũng không hiểu, nhưng sau cứ nghĩ mãi, xem gian gác trống, chiếc mắc áo, cái hốt xỏ giầy, và chiếc tất nhuộm bùn có liên quan gì với nhau thì lâu dần vỡ lẽ… Anh vẫn chưa hiểu ư? Vậy tôi hỏi anh nhé: chiếc mắc áo dùng để làm gì?

- Để treo áo.

- Cái chausse-pied?

- Anh này hỏi ngớ ngẩn! Để lót vào gót mà đi giầy, chứ còn dùng làm gì nữa.

- Đi giầy gì?

- Giầy tây.

Kỳ Phát vỗ vai tôi:

- Ừ, giầy tây. Anh nên nhớ rằng: chiếc tất ấy là một chiếc tất to, nghĩa là đàn ông đi, thế mà có dây bùn, nghĩa là tuột giầy, giẫm ra đất chớ gì? Vậy anh có thấy ai đi giầy tây, mà đến nỗi tuột chân ra ngoài đất bao giờ không?

Tôi gật gù nghĩ ngợi:

- Ừ, lạ nhỉ!

- Do đó, tôi đoán rằng gian gác trống này cốt chỉ để người đàn ông đến thay quần áo. Hắn đến, cởi quần áo treo lên mắc, tháo giầy, rồi mặc quần áo đàn bà vào.

Tôi cãi:

- Ừ, cho cải dạng thế thì cũng phải tìm cách lẻn vào nhà anh chứ?

- Việc gì phải lẻn. Hắn trùm khăn quàng đầu, đeo kính đen lên, rồi đàng hoàng vào nhà. Vú già vô tình, thấy dì tôi đi đi, về về luôn, không để ý, thế là hắn vào không khó khăn gì cả. Nhưng đã hơi đoán ra, nên hôm thứ sáu, tôi nấp rình xem những điều mình đoán có đúng không? Quả nhiên tôi thấy dì tôi đi, rồi về, rồi đi, rồi về, rồi lại đi, lại về, rồi lại về mà không đi nữa. Đấy anh xem, chỉ có “sáu lượt đi” mà “bẩy lượt về”, vậy thì lượt về thứ sáu, chính là hắn, mà lần về thứ bẩy mới thực là dì tôi.

- Thế là dì anh giả vờ đau mắt à?

- Cố nhiên là giả vờ. Làm ra như thế có hai điều lợi: một là được đeo kính đen, người tình nhân cũng đeo như thế, thì sự phân biệt càng khó; hai là có cớ mà không cho thắp điện, với ngọn đèn dầu lờ mờ, cái cớ giả dạng thay người thi hành càng dễ.

- Chiếc tất nhuộm bùn, phải rồi, anh có kể lại: cái đêm mà anh nghe thấy họ trò chuyện lần đầu là một hôm giời mưa.

- Phải, có lẽ vì không quen đi giầy đàn bà, nên sáng sớm hắn về mới trượt chân ra ngoài, khi định đi vào giầy tây, thấy dây ra chiếc chausse-pied mới biết là tất lấm, nên quẳng bỏ đi.

- Lúc sáng hắn về… Ừ vào đã vậy, nhưng hắn làm cách nào mà ra được?

- Có khó gì, anh quên rằng, theo lệ thường sáng nào vú già cũng khép cửa, đi mua quà sáng cho tôi ư?

Tôi cố nhớ lại, rồi quay hỏi Kỳ Phát:

- Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như trong Arsène Lupin cũng có một đoạn nhỏ giống như câu chuyện này thì phải.

Kỳ Phát cả cười, vỗ vào vai tôi mà bảo rằng:

- Vậy thì anh thực là một thằng ngốc. Anh tưởng là giống nhưng giống thế nào được; một đằng thì Lupin tự nhiên mà nhận thấy, còn tôi thì theo cách luận lý mà xét đoán ra.

- Nhưng còn cái hành tung bí mật của mẹ anh?

- Tôi thú thực rằng tôi chưa có dịp nào mà tra xét ra cả, nhưng đời còn dài, tôi thề sẽ quyết khám phá ra mẹ tôi là ai, còn sống hay đã chết, và thầy tôi làm sao mà lạ lùng bí mật như vậy. Lặng yên một lúc, rồi Kỳ Phát nói tiếp:

- Tôi kể cho anh nghe chuyện này chẳng qua là muốn tỏ cho anh biết rằng: anh chớ thấy một đứa bé bị đòn về tội ăn cắp, mà vội cho nó là thằng ăn cắp thực!

- Vẫn biết thế, nhưng anh cũng phải nhận rằng: những câu chuyện như chuyện của anh thì rất hiếm, trăm năm mới có một lần.

Kỳ Phát cả cười:

- Thôi đi anh, anh đừng vội quả quyết thế, ngay đời tôi cũng đã bị hai lần, cũng như lần trước, bận sau cũng chính tôi khám phá ra một vụ trộm mà chính tôi lại bị nghi ngờ là thủ phạm.

Tôi vừa toan bảo hắn kể chuyện cho nghe, thì như đã đoán được ý tôi, Phát nhìn thẳng vào mặt, mỉm cười mà bảo tôi rằng:

- Nhưng tôi không kể chuyện ấy ngay bây giờ cho anh nghe đâu, anh thực lạ, ai lại tham đâu mà tham thế, vả lại sách đã có chữ rằng: “Phàm người đã ngáp thì không nên kể chuyện nữa”, mà chính tôi thì buồn ngủ lắm rồi…


-------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét