Nhà văn Phạm Cao Củng và vợ thời còn trẻ. |
BẮT MA
Phạm Cao Củng
Hồi còn là học trò trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Kỳ Phát đã tỏ ra cho bạn hữu biết tài trinh thám của anh ta. Mà trong các việc anh ta khám phá được ra, việc sau này là một, Phát không phải tra xét khó khăn, anh chỉ lấy trí suy đoán rất sắc sảo và rất nhanh mà cắt nghĩa nhưng điều thoạt nghe tưởng là lạ lùng lắm.
Chiều hôm ấy, một buổi chiều thứ bẩy, học trò lưu trú “Bách nghệ” theo thường lệ được ra ngoài chơi. Phát bảo tôi rằng:
- Chốc nữa chúng ta ra xem ma ném ở nhà ông Sinh!
Ông Sinh là người giữ chức coi kho ở trường Kỹ nghệ, nhà ông chỉ cách trường chừng 20 thước.
Kỳ Phát, tôi, và sáu, bẩy người bạn học nữa, vừa ở trường ra là kéo đến nhà ông Sinh ngay. Chúng tôi vừa bước vào khỏi cổng, qua một chiếc sân cỏ mọc đầy, thì đã nghe thấy tiếng ông Sinh nói to:
- Ấy, nó ném đấy!
Chúng tôi ùa chạy vào. Ông Sinh đương ngồi nói chuyện cùng ông Hòa, một giáo sư chuyên môn ở trường, cầm một viên đá to bằng quả ổi lớn, trao cho chúng tôi mà bảo rằng:
- Các cậu tính thế có lạ không. Tôi và ông Hòa đương ngồi nói chuyện ngay lúc các cậu ở cổng bước vào, thì nó ném hòn đá này chạm vào trần nhà rơi xuống mặt bàn.
Tôi để ý viên đá thấy nó cũng chỉ là viên đá xanh thường, không có gì lạ cả. Tôi hỏi ông Sinh:
- Ông cho là ma ném?
Ông Hòa cười mà rằng:
- Ma nào, làm gì có ma cơ chứ!
Ông Sinh cũng gật đầu mà rằng:
- Tôi cũng ngờ là người, nhưng ai ném?
Tôi hỏi:
- Thưa, thế nó đã ném mấy hôm nay rồi?
- Đã đến bẩy, tám hôm rồi, ngày nào nó cũng cứ chập tối cho đến khoảng 11 giờ đêm là nó ném, thỉnh thoảng lại một hòn, mà viên đá nào cũng cứ chạm vào trần nhà rồi lại rơi xuống đất.
Kỳ Phát chỉ sang gian bên cạnh, chỉ ngăn bằng một bức phên liếp, cao chừng hai thước, nghĩa là còn cách trần nhà năm sáu mươi phân, mà hỏi ông Sinh rằng:
- Gian bên này ai ở mà nó có ném không?
Ông Sinh gật đầu:
- Gian bên ấy ông Thuần ở, nó cũng ném y như là ở bên này.
Kỳ Phát không hỏi gì nữa, chàng đi đi lại lại trong phòng ra dáng suy nghĩ rồi để ý nhìn quanh. Kỳ Phát lại bước ra ngoài sân đi vòng sang nhà ông Thuần ở. Mấy phút sau, chàng đã trở vào, kéo áo tôi bảo chào mà về.
Ra tới ngoài, tôi sốt ruột hỏi Kỳ Phát:
- Anh nghĩ thế nào, ma ném, hay người ném?
- Làm gì có ma. Tất nhiên phải là người!
Tôi bẻ:
- Theo phép trinh thám thì bất cứ một điều gì, mình kết luận thì cũng phải viện chứng cớ; vậy anh bảo là người ném, nhưng lấy lý gì mà nói thế?
Kỳ Phát cười:
- Anh không nghe thấy ông Sinh nói hay sao? Cứ đến khoảng 11 giờ là nó không ném nữa. Tại sao lại 11 giờ? Nghĩa là 11 giờ, lúc nó phải đi ngủ, không thức mà ném mãi được. Anh có thấy ma phải ngủ bao giờ không?
Tôi gật gù cho lời Kỳ Phát nói là có lý.
- Vậy anh bảo ai ném?
Kỳ Phát không trả lời, giơ cho tôi xem một mảnh giấy con rồi bảo rằng:
- Anh trông đây nhé, A là cổng vào, chung quanh là giậu sắt. Nhà ông Sinh và nhà ông Thuần thì cửa ngõ đều giống nhau như hệt. C là cửa ra vào, còn B là chiếc cửa sổ song sắt, cách mặt đất chừng một thước rưỡi.
Tôi nói:
- Tôi chắc là không thể nào ở ngoài ném vào được, vì không có chỗ nấp.
Kỳ Phát lắc đầu:
- Anh nhầm, chung quanh nhà, có nhiều cây to, anh không để ý về bên tay phải có một cây đa cổ thụ và chiếc miếu con thờ thần linh ư?
Tôi gật đầu mà nói rằng:
- Ừ, có thể ném ở ngoài vào được nhỉ!
Phát lắc đầu:
- Nhưng không thể ném được, anh ạ!
- Sao lại thế, anh nói lẩn quẩn đến hay.
- Vì rằng không thể ném được.
- Thế anh bảo ai ném? Người ở trong nhà ném ư?
Kỳ Phát lắc đầu, vỗ vai bảo tôi rằng:
- Bây giờ dẫu tôi có cắt nghĩa thì anh cũng chẳng tin, vậy để bắt chính thủ phạm đã.
- Bao giờ anh bắt?
- Tối mai!
- Anh định bắt cách nào?
Kỳ Phát cả cười:
- Thôi chúng ta về trường, bây giờ đã là ngày mai đâu?
Chiều hôm sau, Kỳ Phát và tôi lại ra ngoài đi chơi. Nhớ lời hẹn hôm trước, tôi hỏi Kỳ Phát:
- Thế nào, anh hẹn tối nay đi bắt ma kia mà?
Phát vén tay áo, nhìn đồng hồ, lúc đó mới ngót bẩy giờ rồi cười mà bảo tôi rằng:
- Bây giờ còn sớm quá, chưa đến giờ “hoàng đạo” nhưng có một điều, nếu anh còn chơi với tôi thì phải nhớ kỹ: Kỳ Phát đã hứa cái gì thì bao giờ cũng làm.
Tôi cười mà bảo:
- Không, có phải tôi ngờ anh nói cuội đâu, nhưng tôi sốt ruột lắm!
- Thế để tôi nói một vài điều cho anh đỡ “nóng lọ” nhé! Tôi bảo người ở ngoài không thể ném được, anh có hiểu tại sao không?
Tôi lắc đầu, Kỳ Phát nói tiếp:
- Người ngoài không ném được vì theo lời ông Sinh nói: viên đá bao giờ cũng chạm vào trần nhà rồi mới rơi xuống…
- Thế nghĩa là?
- Nghĩa là, vì cửa sổ thấp, chỉ cách mặt đất chừng 80 phân tây thôi, như vậy, muốn ném qua cửa sổ cho viên đá chạm vào được trần nhà, thì ít ra cũng phải nấp ngay ở cạnh cửa thì mới ném được.
Tôi hoảng nhiên nghĩ ra:
- Mà nó không thể ẩn núp được, vì người ở trong nhà có thể biết ngay, vả lại tối qua, lúc chúng ta ở cổng đi vào, có viên đá ném vào nhà ông Sinh, nếu có người nấp, chúng ta đã trông thấy rồi.
Kỳ Phát gật đầu:
- Anh luận lý khá đấy, nhưng ý anh xét đoán thì thủ phạm là ai?
- Tôi chắc chỉ ông Thuần hay người nhà ông Thuần.
- Anh nói thế là vì lẽ gì, biết đâu lại chẳng chính bên nhà ông Sinh ném?
Tôi hoài nghi gật gù:
- Ừ nhỉ, mà biết đâu lại chẳng chính ông Sinh ném?
Nhưng Kỳ Phát đã kéo tay tôi mà bảo:
- Thôi muộn rồi, chúng ta về nhà ông Sinh rồi câu chuyện này, lát nữa sẽ bàn nốt.
Chúng tôi trở về nhà ông Sinh, Kỳ Phát bước vào, hỏi:
- Thưa ông, từ nẫy đến giờ, ma nó đã ném hay chưa?
Ông Sinh chỉ năm, sáu viên đá để trên bàn mà bảo chúng tôi:
- Đó, các cậu xem, nó ném đến ngót chục viên rồi!
Kỳ Phát kéo tôi bước ra ngoài, nhưng còn ngoái cổ lại cười bảo ông Sinh:
- Nó ném mãi thì rồi cũng phải mỏi tay, tôi chắc nó thôi không còn ném nữa!
Kỳ Phát lại cùng tôi bước sang nhà ông Thuần. Lúc đó, ông Thuần đi vắng, chỉ có bà vợ và người con rể ở nhà thôi. Anh con rể niềm nở mời chúng tôi vào, bắt tay rồi mời chúng tôi uống nước. Kỳ Phát hỏi:
- Ở bên này cũng bị nó ném như nhà ông Sinh ư?
Anh con rể gật đầu mà rằng:
- Vâng, nó vẫn ném như thường. Ấy, đá nó ném, nhiều quá, tôi còn nhặt chất đống bỏ kia!
Kỳ Phát quay ra xem đống đá, rồi nhặt mấy viên lên tay nhìn. Chàng bỗng tiến đến thẳng trước mặt chàng kia, khoanh tay mà hỏi rằng:
- Nhưng bác thì có tin thực là có ma ném hay không?
Chàng kia mỉm cười, lắc đầu:
- Tôi không tin ma quỷ, chắc phải có người nào ném.
Phát gật đầu:
- Tôi cũng chắc có người ném, vì ném thì có khó gì, ví dụ như bác ở bên này, muốn ném sang bên kia thì chỉ việc ra nhìn ở lỗ hổng chỗ liếp, xem có ai rình mình không, rồi cứ ném thẳng lên, qua chỗ liếp, chạm sang trần nhà bên kia là rơi xuống.
Rồi Kỳ Phát bỗng giơ lên trước mặt anh chàng kia một viên đá đỏ, nhìn thẳng vào mặt chàng mà bảo:
- Như cái viên đá này vừa mới ném xong, có nhiều phẩm đỏ, chắc tay cũng phải có dây phẩm đỏ…
Vừa nói, Kỳ Phát vừa nắm chặt lấy tay chàng kia, giơ lên mà nói dằn từng tiếng:
- Thì tay nó đây, phẩm đỏ đây mà.
Tôi để ý nhìn, thì quả nhiên tay chàng kia có dây phẩm đỏ thực. Chàng kia đờ người ra, hết đường chối cãi. Kỳ Phát nắm chặt lấy vai hắn, lay mạnh mà gắt gỏng:
- Hôm nay thì thôi đi nhé, anh hãy liệu hồn đấy, ông Sinh đã trình Sở Mật thám, anh mà bị bắt thì ngồi tù.
Thế là từ hôm đó, con ma thôi không ném nữa. Đêm hôm ấy dầu chuông ngủ đã đánh mà tôi vẫn nhất định chưa chịu đi ngủ, cằn nhằn bảo Kỳ Phát rằng:
- Anh luận lý ra thế nào mà biết rằng con rể ông Thuần là thủ phạm vụ ma ném này?
Kỳ Phát đã kéo chăn đến cổ, lim dim con mắt, thấy tôi hỏi thì cau có gắt:
- Anh có yên cho tôi ngủ không? Hỏi gì hãy để đến ngày mai!
Tôi nhất định vẫn chưa chịu:
- Anh mà không nói thì tôi nhất định không để anh ngủ yên, anh muốn trốn đằng nào cũng không thoát.
- Anh thực là ác, trời đánh còn tránh bữa… ngủ mà anh thì không, về sau thì đừng oán trách gì trời.
Rồi chàng kéo chăn lên tận mũi mà hỏi tôi rằng:
- Nào, ông bố trẻ, ông muốn hỏi lục vấn con gì thì ông hỏi đi?
- Tôi muốn biết tại sao anh lại đoán hắn là thủ phạm?
- Anh hiểu rõ rằng chỉ có người trong nhà mới ném được thôi chứ?
- Đã, nhưng ai ném?
- Ở trong nhà thì chỉ, hoặc ông Sinh ném sang nhà ông Thuần, hay là ông Thuần ném sang nhà ông Sinh mà thôi. Ông Sinh thì không thể ném được, nghĩa là chỉ có ông Thuần mà thôi!
Tôi vẫn chưa hiểu:
- Tại sao ông Sinh không ném được?
Phát tung chăn ngồi dậy:
- Sao anh ngốc thế, chiều thứ bẩy, khi chúng ta vào, thì ông Hòa đương nói chuyện với ông Sinh, anh liệu ông Sinh lúc ấy có tài thánh cũng không thể ném sang nhà ông Thuần mà ông Hòa không trông thấy.
Tôi ngẫm nghĩ gật đầu, giây lâu mới hỏi Kỳ Phát:
- Nhưng người con rể ông Thuần làm giả ra ma mà ném như vậy có được ích lợi gì không?
- Sao lại không, nhưng điều này thì tôi không được biết rõ. Một là bên ông Thuần muốn ở một mình cả hai gian, vì nhà ấy, trường cho ở nhờ không mất tiền thuê, hai là trước kia vợ ông Thuần có bảo ông Sinh chung tiền sửa sang chiếc miếu ở sau nhà mà ông Sinh không thuận, anh chàng rể thấy vậy muốn làm đẹp lòng bà nhạc, nên bầy ra kế ấy. Thôi nhé, anh tra khảo tôi xong rồi, vậy để cho tôi đi ngủ.
Kỳ Phát nói xong, thò tay kéo chăn lên khỏi đầu. Tôi vội hỏi một câu:
- Kỳ Phát, nhưng anh làm thế nào mà lại bỏ được viên đá đó vào đống đá ở nhà ông Thuần?
Kỳ Phát cười khúc khích trong chăn:
- Tôi đã bảo anh là ngốc mà, việc gì tôi phải bỏ viên đá sang nhà ông Thuần?
- Thế sao tay hắn có phẩm đỏ rõ ràng?
- Có gì là lạ cái ấy, tay tôi có phẩm, bắt tay hắn thì phẩm dây sang tay hắn, nguyên có tật giật mình, khi bị tôi kể rõ ràng cách hành động của hắn, thì hắn hoảng hốt mà không kịp suy nghĩ kỹ, chứ thực ra tôi có chứng cớ gì đâu?
Tôi lại hỏi Kỳ Phát:
- Này Phát, những cái anh đoán, lúc giảng ra thì sao dễ dàng thế, mà tôi thì không đoán ra được ngay từ trước?
Kỳ Phát bị tôi ám mãi, kéo chăn lên quá đầu rồi lẩm bẩm:
- Tại anh là thằng ngốc, hiểu chưa?
Tôi mỉm cười không giận, vì tự hiểu:
- Nếu tôi cũng hiểu biết như Kỳ Phát thì tôi đã chẳng là tôi.
Nhưng kể ra không có tài như Kỳ Phát cũng ức. Mặc dầu, trong những cuộc tình duyên thì chưa chắc chàng đã vượt khác người thường; sau này, ra ngoài, mà cô ả Quý ở phố Tám Gian làm cho anh chàng trinh thám trẻ tuổi của tôi say mê, say mệt. Tôi đã bảo vào mặt Kỳ Phát:
- Tôi sẽ có dịp công bố cuộc tình duyên lạ lùng bí mật của anh chàng tóc điểm hoa râm cùng cô nước da ngăm ngăm đen nhưng cái miệng thì tươi, mà cặp mắt thì mơ màng, đẹp tuyệt.
Kỳ Phát đã giữ lời hứa, tôi chẳng lẽ lại chẳng biết giữ lời hứa hay sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét