Chân dung nhà văn Phạm Cao Củng |
BÓNG NGƯỜI ÁO TÍM
Phạm Cao Củng
1
NHỮNG BÔNG HOA LẠ
Dựa lưng vào sườn đồi,
một ngôi nhà hai tầng, kiểu “biệt thự”, dựng ngay giữa một vườn hoa rộng rãi.
Đó là nhà của… ông chủ, theo như lời bọn tá điền trại Cúc Lâm nói thế, khi ta hỏi
họ. Nhưng sự thực, ông chủ của họ đã mắc bệnh từ trần ngoại mười năm nay, bà chủ
sau đó mấy năm hình như cũng đã gặp một tai nạn mà mất đi, nay khu đồn điền này
thuộc về người con trai chừng 20 tuổi.
Cứ trông những đồi chè,
vườn cà phê bao la man mác, người ta chỉ biết đây là một đồn điền trù phú vào bậc
nhất nhì hạt Đoan Hùng, nhưng nếu trông một vườn trồng toàn cúc, cúc đại đóa,
cúc kim bàn, cúc bạch phấn hồng… thôi thì đủ thứ, ít nhất người ta cũng phải có
cảm tưởng rằng chủ nhân dải đất này chẳng phải là một nhà trọc phú.
Có lẽ cũng vì thế mà có
tên là trại Cúc Lâm, một tên xứng đáng với khu vườn rộng rãi bao la, cúc mọc
như rừng, nhưng được chăm bón một cách cẩn thận vô cùng tưởng chừng như thứ hoa
này là một hình ảnh tôn thờ nào vậy. Song, như ta đã biết, chủ đồn điền này, hiện
thời chỉ là một chàng thiếu niên tuổi chừng 20, cái tuổi bồng bột đâu có phải chỉ
thích lặng lẽ những vườn hoa cây cảnh.
Thực vậy, Hoàn, tên người
chủ đồn điền, mà bọn người làm cũ vẫn thân mật gọi là cậu Hoàn, vốn là một
chàng thanh niên năng động, hào phóng, suốt ngày hoặc quần ngựa hoặc đi săn.
Chàng tính tình rất là vui vẻ, dễ dãi, những người ăn làm không ai là không
kính mến; họ thường bàn riêng với nhau rằng sau này thực cô con gái nào đại
phúc mới lấy được người giầu có, đẹp trai và phúc hậu như thế!
Chàng yên lòng đi săn bắn,
quần ngựa, không cần phải lý gì đến việc trông đồn điền một chút nào, đó chỉ là
vì mọi việc cai quản đều là do một người khác trông nom.
Người ấy, chính tên là
gì, bọn tá điền tò mò đến đâu cũng không sao mà tìm biết được. Họ chỉ thấy Hoàn
kính cẩn gọi là anh Cả nên cũng theo mà gọi là ông Cả mà thôi. Họ đã đành phải
dẹp tính tò mò khi đã cố công dò hỏi người vú già, nguyên chính là vú nuôi Hoàn
từ lúc lọt lòng, mà cũng không biết được. Vú già chỉ lắc đầu trả lời:
- Không phải tôi giấu
giếm các bác đâu, chính tôi cũng không biết thực. Quả khi còn sinh thời ông chủ
trước, tôi không hề thấy ông Cả này đến nhà lần nào… Đến khi ông thất lộc, tôi ốm
nghỉ về nhà quê mấy năm, lúc cậu Hoàn gọi ra trông nom thì mới biết bà chủ cũng
mất rồi, mà chẳng hiểu từ đâu có ông… anh Cả này về!
Cách đây đã lâu lắm,
ông Cả và Hoàn đã về đồn điền trong một buổi sáng mùa thu. Ngay ngày hôm sau,
ông xem xét lại sổ sách, giấy má, cắt đặt mọi việc thông thạo vô cùng. Và ông
săn sóc nhất đến vườn cúc, mấy năm trước đây chẳng được trông nom như thời còn
ông chủ cũ.
Ông vốn là người ít nói,
lúc nào cũng như chiều tư lự việc gì, cặp mắt nhìn một cách sâu xa, chìm đắm! Mọi
việc ông xử rất nghiêm, nhưng không hề khắc nghiệt, nên những người dưới vừa sợ,
vừa yêu.
Mà họ xử cũng không có
gì là quá đáng vì chính ngay cậu Hoàn, chủ họ, đối với ông cũng một niềm len
lét dù ông chỉ là một anh Cả mà thôi. Họ còn nhớ một lần, chẳng hiểu cậu Hoàn
đã trái lời ông, phạm lỗi gì mà ông nghiêm nghị gọi đến trước mặt răn dạy từng
lời, trong khi Hoàn sợ hãi cúi đầu như trước một cha già vậy.
Sự thực, ông Cả cũng
chưa có gì là già hết. Đoán tuổi cũng gần khó như tìm biết tên ông. Cứ xem cách
xử sự chín chắn, lời nói đanh thép của ông thì phải đoán ông tới ngoài 40 tuổi.
Cứ nhìn bộ mặt thì chỉ vào khoảng 30, nhưng nếu được chứng kiến lúc ông một tay
kìm hai con ngựa kéo xe đương bất kham phải đứng dừng ngay lại, lúc ông thoăn
thoắt trèo lên ngọn cây dừa hái một quả mà đến tay chuyên môn trèo giỏi nhất đồn
điền phải chịu, thì người ta lại tưởng chừng như ông chưa quá 25 tuổi.
Ông chính vào hạng người
già sớm, nhưng chỉ đến một hạn tuổi thôi, rồi từ tinh thần đến sức lực đều như
dừng hẳn lại, không thấy già thêm hơn nữa.
Ngoài thú chăm vườn
hoa, ông cũng ưa săn bắn nữa, nhưng hình như ông thích do thể thao hơn là do cầm
thú. Mặc dầu ông có tài bắn ít người sánh kịp nhưng thực ít khi người ta thấy
ông giơ súng mổ cò, bao giờ cũng nhường cho Hoàn hay những người bạn trẻ quanh
vùng hạ sát.
Nhưng mấy buổi hôm nay,
người hơi mệt nên không thấy ông ra thăm vườn. Thay cho ông, người ta thấy Do
đi xem xét mọi nơi, trước hết đi thăm những nương chè đương hái ở xa, sau mới về
vườn cúc.
Công việc của Do trong
đồn điền không có gì là nhất định. Khi thì Do là người thư ký trông coi về thư
từ sổ sách, lúc Do lại là một người tài xế đánh xe hơi cho ông Cả hoặc Hoàn đi
Phú Thọ, hay về Hà Nội.
Có điều, Do cũng như
Hoàn, vô cùng kính trọng ông Cả, còn chính Do cũng được Hoàn đối đãi thân mật
như một người bạn vậy.
Lúc này, Do vừa ở đồi
chè về.
Chàng có lẽ theo lời dặn
của ông Cả, trước hết hãy đi quanh trại một lần, sau mới len vào trong những
khóm cúc. Đằng đông, mặt trời mới mọc, hồng thắm nhưng không chói chang. Trên
nhiều bông cúc đại đóa hãy còn đọng giọt sương đêm…
Nhưng bỗng Do dừng bước,
ngạc nhiên. Chàng chăm chú nhìn lên trên ngọn một cây trầu thẳng tắp và cao vọi.
Chợt Do thấy phía sau
có người bảo:
- Lạ quá nhỉ, cao thế
kia, ai trèo lên được.
Do giật mình quay lại:
- Chết chửa, ông…
Ông Cả mỉm cười, vỗ vai
Do:
- Anh chắc cũng không
ngờ rằng đôi chân luôn mấy năm quen qua rừng, leo đồi nay vẫn còn những bước nhẹ
nhàng, không một tiếng động, dù đi trên đường đá sỏi, như của thời xưa…
Giơ một bàn tay lên che
bớt ánh nắng sớm, ông Cả tiếp:
- Chưa kể ngọn cây cao
chót vót kia, trèo lên rất khó, nguyên một điều từ sáng sớm nay, cổng trại vẫn
khóa chặt mà có người vào được, cũng đã là một sự kỳ!
Mà kỳ lạ thực, vì gài
trên ngọn cây trầu, cả hai người rõ ràng trông thấy một bó hoa nhỏ mầu tím, còn
tươi nguyên, cũng buộc bằng một chiếc băng lụa mầu tím. Ông Cả có vẻ nghĩ ngợi,
đi quanh co trong vườn mấy bước rồi bỗng hỏi Do:
- Sáng nay, anh dậy lúc
mấy giờ?
- Thưa ông, vào khoảng
4 giờ hơn một chút.
Nhưng bỗng Do sực nhớ:
- Ngày thường, tôi cứ đồng
hồ đánh 4 rưỡi rồi mới dậy, nhưng hôm nay tôi nhớ đã sực thức vì nghe thấy tiếng
con Lutô và con Môdor cắn ran…
Ông Cả giơ tay lên, bóp
trán rồi buồn nản nói rằng:
- Tinh thần tôi khéo mà
hỏng mất rồi… Mọi khi có thế đâu, lần này mới hơi khó ở có vài hôm mà đã ngủ li
bì, cả hai con chó cùng cắn mà tôi không biết gì cả.
Rồi ông hỏi lại:
- Nhưng ngay lúc ấy anh
có để ý xem xét luôn chứ?
Do cúi đầu:
- Tôi đã hơi cẩu thả một
chút vì lúc ấy đương ngái ngủ… Thấy chó sủa, tôi chỉ mở cửa sổ mà nhìn khắp vườn
thôi.
- Anh không thấy gì lạ
cả ư?
Do lắc đầu:
- Thưa ông, không! Sau
thoáng trông thấy phía xa có mấy đứa trẻ con đi, tôi đoán chắc chúng đã tinh nghịch
ném chó nhà, nên chó mới cắn như vậy!
Ông Cả gật gù:
- Để ta thử tìm xem thì
biết ngay!
Rồi ông cùng Do đi vòng
quanh khắp vườn, để ý xem xét trên mặt cỏ, trên đường sỏi, rất là cẩn thận. Sau
đó, ông lại ra phía cổng, bảo Do đưa cho mình chiếc chìa khóa, thử vặn đi, vặn
lại mấy lần, rồi se sẽ lắc đầu. Sau cùng ông ra khỏi vườn, đi vòng quanh mấy lượt,
trong khi Do đi bên, lo lắng, đón đợi từng nét thay đổi trên bộ mặt trầm ngâm…
Bỗng ông chỉ tay xuống
đất, bảo Do:
- Anh có thấy gì không?
Do ngồi thụp xuống đất,
theo tay chỉ của ông Cả, xem xét kỹ lưỡng bốn lốt tròn tròn, nho nhỏ của một
con gì, hãy còn in rõ trên mặt đất cát. Rồi Do lại rút chiếc kính hiển vi ở
trong túi ra, định soi kỹ lại, nhưng ông Cả đã mỉm cười, kéo Do đứng dậy mà bảo:
- Thôi bất tất phải
dùng những dụng cụ chuyên môn ấy làm gì, vô ích. Anh hãy theo ta ra quá phía
này!
Thế là cả hai người
cùng chầm chậm dò theo vết chân kia, cho tới một chỗ cách chừng 50 thước thì lạ
thay, những vết chỉ còn lại ba, và cứ cách một quãng ngăn ngắn mới lại có một
chỗ đủ bốn… Hai người đi tất cả chừng hơn 100 thước thì đành phải quay về vì ở
đây, đất đã rắn, không còn thấy dấu vết gì nữa.
Ông Cả bỗng hỏi:
- Anh nhận thấy những
gì lạ?
- Thưa ông có những vết
chân nhưng tôi không sao đoán ra được vật gì, có lẽ là giống cầy, hoẵng chăng?
Ông Cả cười, lắc đầu:
- Cầy, hoẵng gì mà lại
có vết chân như thế?
Do gật đầu, tiếp:
- Vâng tôi cũng ngờ lắm,
vì tại sao đoạn sau, chúng ta chỉ thấy có ba vết chân thôi.
Ông Cả gật gù bảo:
- Phải nói rằng có từng
quãng ba vết chân, lại tới quãng ngắn bốn vết mới đúng… Nhưng anh còn quên một
điều là tới quãng sau này, ngay gần vết chân vật, còn vết chân người nữa!
Do sực nhớ:
- Vâng, tôi cũng trông
thấy nhưng cũng không để ý, đó hình như là vết chân đi giầy đế cao su đúc!
Ông Cả gật đầu:
- Anh nói đúng. Tiếc
thay, vết giầy không được rõ lắm nên ta khó mà luận lý biết thêm được gì nữa…
Có điều cứ như những vết chân kia, anh có thể biết được là vật gì không?
Thấy Do nghĩ ngợi,
không trả lời được, ông Cả cười bảo:
- Thì anh hãy cứ tìm
xem giống vật nào có thể… đi ba chân được hay… ba tay thì cũng thế!
Do vụt nghĩ ra:
- Thôi, đích là giống
khỉ rồi, vì chỗ có vết chân giầy cao su là chỗ khỉ có người dắt, người đi
nhanh, kéo khỉ theo, con vật nhiều lúc phải bám một tay lên giữ dây xích chỉ chạy
bằng… ba tay thôi!
Ông Cả gật đầu:
- Mà từ chỗ ta chỉ thấy
có toàn bốn vết chân, lại không thấy vết giầy nữa, tức là lúc người dắt đã tháo
khỉ ra rồi, để mặc cho khỉ chạy đi còn mình thì đứng lại đợi!
Do vui vẻ nói:
- Ông đã luận lý ra thế
thì không còn điều gì bí mật nữa; ta có thể đoán biết rằng người kia đã buộc sẵn
bó hoa vào cổ khỉ, để cho nó vào trại ta, leo lên ngọn trầu và dắt bó hoa lên đấy!
Vì thế cho nên khi thấy chó cắn dữ tôi nhìn xuống không thấy có người, và ngọn
trầu cao thế cũng có kẻ trèo lên đến tận nơi được.
Hai người vừa nói chuyện
vừa quay về… Đến trước cổng trại, ông Cả dừng bước, đứng ngắm nghía những bông
hoa lạ trên ngọn cây cao, rồi chau mày, lẩm bẩm:
- Lạ thực…
Do vừa ngạc nhiên, vừa
kinh sợ, hỏi lại:
- Ông bảo gì cơ?
Ông Cả hơi gắt:
- Thế anh không thấy rằng
tự nhiên có kẻ công phu dắt bó hoa lên ngọn cây trong vườn ta, tất không phải cốt
để tặng anh, hay tặng tôi, mà chính là vì có một cớ gì bí mật khác!
2
MỘT ĐÔI GIAN PHI
Do nhận thấy ông Cả có
vẻ nghĩ ngợi lắm nên cũng vô cùng lo lắng. Có lẽ Do cũng chẳng lạ gì, ông Cả vốn
là người thận trọng, mọi việc đều làm có phương pháp quy củ, lại rất bình tĩnh
trước mọi sự hiểm nguy, nay ông phải để tâm suy xét tất chẳng phải là việc bình
thường.
Do thấy nhiều lúc ông Cả
như ngồi đứng không yên, đôi khi ông lại đi vòng quanh ra vườn một lượt, tưởng
chừng như có tai nạn xẩy đến bất thình lình. Do biết ông Cả một lòng săn sóc
Hoàn hết sức, có lẽ một người cha yêu thương con nhất mực cũng chỉ đến thế là
cùng; ông phải lo lắng vì không chừng mà linh tính ông đã báo cho biết trước sẽ
có một sự gì nguy hiểm cho Hoàn.
Còn nếu chỉ nguy hiểm
cho ông Cả, thì điều này - Do biết chắc chắn lắm, - thì ông đã coi thường rồi,
chẳng bận tâm nhiều đến như vậy.
Nhưng tại sao mà trong
bữa cơm, ông Cả tuy nhiều khi chú ý dò xét từng cử chỉ của Hoàn, ông vẫn không
hề nói qua tới những bông hoa lạ thấy ở trong vườn. Tuy nhiên bộ mặt âu lo của
ông Cả cũng đã làm cho Hoàn chú ý. Mãi mãi Hoàn mới dám hỏi:
- Thưa anh, hình như
anh trong người mệt hơn thì phải…
Ông Cả nhìn Hoàn một
cách tò mò:
- Ai bảo với Hoàn thế?
- Dạ, thưa không. Nhưng
em xem anh ăn như không được ngon miệng, người trông cũng mỏi mệt… Anh lại
không chịu xơi thuốc, hay là để chốc nữa em đi mời ông lang?
Ông Cả mỉm cười:
- Không, tôi chỉ mệt
thường thôi, và hôm nay đã thấy dễ chịu…
Hoàn tiếp:
- Xin anh thận trọng và
tĩnh dưỡng cho chóng khỏe… Sáng nay, em thấy anh đi nhiều quá, mà người mới mệt.
Ông Cả lắc đầu:
- Hoàn đừng lo, tôi
không sao đâu, có điều độ này tôi ngủ sớm hơn một chút, chắc chỉ vài hôm nữa là
lại khỏe khoắn như thường ngay!
Rồi ông Cả nói lảng
sang chuyện khác, hỏi Hoàn về sự học hành, bàn về mấy cuốn truyện Pháp mà một
hiệu sách ở Hà Nội mới gửi lên… Buổi trưa Do rón rén vào trong phòng ông Cả, thấy
trái với lệ thường, ông không ngủ chỉ nằm lặng lẽ hút thuốc lá. Có lẽ ông đương
mải nghĩ ngợi điều gì, nên Do vào mà ông không biết, mãi tới khi Do khe khẽ hỏi:
- Thưa, ông không nghỉ
trưa?
Ông Cả giật mình - đây
cũng lại là một điều lạ - và sau khi nhận ra Do, ông cười bảo:
- Không, nhưng có việc
gì thế, anh?
- Thưa ông, không, tôi
đi qua, thấy cửa phòng hé mở, biết rằng ông chưa ngủ nên vào hỏi xem ông có cần
sai bảo việc gì không?
- Cảm ơn anh, tôi không
cần gì hết. Anh cứ nghỉ ngơi một lát rồi thì đi xuống ấp Đôn Hạ thử hỏi lại xem
đôi ngựa ấy người ta có ưng bán cho mình không?
Do vâng lời, quay ra,
nhưng ông Cả bỗng gọi lại, dặn thêm:
- À, còn việc sáng ngày
hôm nay, anh nhớ đừng cho ai biết đấy nhé, cả Hoàn cũng vậy!
Buổi chiều ông Cả chỉ bảo
người nhà pha sữa uống chứ không xuống ăn cơm. Hoàn vào thăm ông bảo người đã tỉnh
táo, nhưng vì còn hơi mệt nên không muốn ăn đó thôi. Và ông dặn người nhà để
ông nghỉ yên, đừng có ai ra vào gì cả, nếu có cần sai bảo điều gì, ông sẽ có
chuông gọi!
Trời đầu thu nhưng đã bắt
đầu chóng tối. Kèm theo làn gió lạnh, thêm vào mấy hạt mưa bay, cái cảnh trại ấp
ở miền trung du càng thêm buồn tẻ. Nằm một mình trong phòng, ông Cả chăm chú
xem sách. Tuy vậy tai ông hình như vẫn không hề bỏ sót một tiếng động nhỏ nào ở
bên ngoài. Đôi khi, ông dừng đọc, khẽ liếc mắt nhìn ra phía ngoài cửa sổ, rồi
sau đó lại yên lặng nằm xem sách như trước.
Chuông đồng hồ đã đánh
7 giờ rưỡi, bên ngoài như có tiếng dép bước nhè nhẹ. Ông Cả lắng tai nghe, rồi
bỗng buông sách xuống, nhắm mắt lại vờ ngủ. Tiếng dép đến trước cửa buồng thì dừng
lại, và sau mấy phút thì quay đi.
Ông Cả nằm yên như vậy
chừng năm phút rồi nhẹ nhàng trở dậy, mặc thêm áo ngoài, xỏ chân vào chiếc dép
nhẹ. Ông rón rén đến bên cửa nghe ngóng một lát, rồi giơ tay khóa cửa lại, sau
đó bước ra phía cửa sổ.
Cánh cửa vừa hé mở, gió
lạnh bên ngoài đã ào vào. Ông Cả hơi rùng mình nhưng mặc dầu vậy, chỉ một phút
sau, ông đã lanh lẹ nhẩy ra khỏi cửa sổ, đứng cheo leo trên bờ tường. Khép cánh
cửa lại cẩn thận, ông đứng yên nghe ngóng một lát, rồi như khinh thường sự
chóng mặt, và cả luật thăng bằng nữa, ông thoăn thoắt men bờ tường đi rất nhanh
ra đến chỗ góc sân, tưởng chừng như những tay chuyên môn đi dây thép trong rạp
xiếc cũng có những bước chắc chắn như thế là cùng.
Chỗ ông Cả dừng bước có
một chiếc ống máng xuôi xuống cho đến dưới đất. Nhờ đó ông leo xuống rất dễ
dàng, và mấy phút sau, ông đã vuốt ve mấy con chó vừa thấy động chạy lại, cho
chúng khỏi sủa.
Trong nhà, hầu hết các
cửa đều đóng kín. Ông Cả kéo cổ áo lên cho khỏi lạnh rồi nhẹ chân đi ra phía vườn
cúc.
Những cụm hoa tốt quá,
nhiều chỗ cao gần tới ngực, nên ông Cả đi xa chừng 10 thước nhưng dù để ý tìm
tòi cũng không biết ông ở chỗ nào và đương bận làm gì!
Làn gió chớm lạnh thoảng
qua, đượm mùi hương cúc. Những giọt mưa thu gần tạnh hẳn, chỉ còn lất phất vài
hạt nhẹ bay. Trong bầu không khí yên tĩnh, vọng đằng xa đưa lại tiếng ví von
tình tứ của bọn gái sấy chè.
Nhưng lạ chưa, rõ ràng
ông Cả từ lúc nẫy đã đi về phía đằng cổng vườn, mà sao bây giờ từ phía trong
nhà lại có một bóng đen khác nhẹ bước đi ra. Cũng như ông Cả, bóng đen này cẩn
thận đi không một tiếng động và cũng nghe ngóng tứ phía hình như có ý sợ hãi điều
gì, hoặc chờ đợi một người nào.
Cái giả thuyết thứ hai
này có lẽ đúng hơn vì chốc chốc, ta lại thấy bóng ấy giơ tay áo xem đồng hồ, rồi
lại đi đi lại lại.
Trong nhà chuông đồng hồ
đã đánh 9 tiếng.
Bỗng tự đằng xa vẳng lại
tiếng còi miệng, thổi một điệu mới. Cái bóng đen như nhận ra hiệu, lập tức rảo
bước đi về phía cửa vườn và một lúc sau cả hai đã sóng bước vào trong vườn. Họ
đi sát cạnh nhau, nói với nhau những điều gì, khó mà ai biết được vì họ nói nhỏ
lắm. Có lẽ chính ngay ông Cả cũng vậy, nên ta thấy ông chẳng biết nấp tự đâu, lờ
mờ rón rén tiến sát gần vào họ, nhưng vẫn cố ý lẩn tránh sau những bụi cây để
cho khỏi lộ hình tích.
Nhưng bỗng một tiếng
kêu rít, tiếng kêu rùng rợn giữa đêm khuya!
Tiếp đó là tiếng chó
trong trại Cúc Lâm đua nhau sủa ran, rầm rộ. Và cũng tiếp đó, chúng ta nghe thấy
tiếng ông Cả lẩm bẩm:
- Cóc khô! Cóc khô!
Mình quên khuấy mất con khỉ nhãi ranh rồi!
Thực vậy, nếu không có
con vật tinh khôn thính mũi thì có lẽ dù ông Cả lên đến gần hơn nữa, hai cái
bóng kia còn đương mê mải chuyện trò cũng không biết được.
Nhưng bây giờ thì họ đã
giật mình, hoảng hốt. Ta thoáng thấy một bóng đen vụt chạy ra phía cổng vườn.
Ông Cả chẳng buồn đuổi nữa, chỉ bấm chiếc đèn pin theo: ánh sáng trắng vệt dài,
tuy đôi chỗ bị lấp cành lá, nhưng vẫn đủ cho ta nhận ra người bỏ chạy là người
thiếu nữ mặc chiếc áo mầu hồng gụ, tay còn dắt một con khỉ nhỏ mầu vàng nhạt.
Ông chỉ kịp nhận được thế
đã phải vội vàng nhẩy tránh sang bên cạnh. May mà ông nhanh chân chứ không thì
đã phải trúng một ngọn gậy bằng trời giáng rồi. Ngọn gậy ấy đánh hụt xuống mặt
đất mạnh đến nỗi những sỏi cát bắn tóe lên tứ phía rào rào… Ông Cả chưa kịp nói
gì thì ngọn gậy thứ hai đã đánh lia ngang, nhưng cũng như lần trước, ông lại
tránh được và không chậm một phút nào, ông xông ngay vào sát cạnh bóng đen kia,
rồi trong lúc người này thu được gậy về toan đâm ngọn thứ ba thì ông Cả đã giơ
cạnh tay, phạt nhanh một cái vào cánh tay kẻ địch làm cho hắn kêu ái và bỏ rời
chiếc gậy ra.
Ông Cả bật ngọn đèn bấm
lên.
Ánh đèn chiếu rõ làm
cho ta nhận thấy người đứng đấy chẳng phải ai xa lạ, chính là Hoàn vậy.
Anh chàng có lẽ đương
giận dữ lắm, mắt sáng quắc, mặt đỏ hồng… Những điệu bộ ấy, khi nhận ra người đứng
trước mặt mình chính là ông Cả, thì không còn nữa. Và trong chốc lát, ta chỉ
còn thấy ở hắn một chàng trai trẻ vừa sợ hãi vừa xấu hổ.
Hoàn kêu nho nhỏ:
- Chết chửa, anh!
Ông Cả điềm tĩnh trả lời:
- Phải chính tôi đây!
Nhưng chỉ trong một câu
ngắn ngủi ấy, ta đã thấy bao hàm biết bao nhiêu là sự buồn rầu oán giận. Hoàn
chỉ biết cúi đầu…
Ông Cả như không muốn
trông lâu cái bộ mặt đáng ghét ấy nữa, nên tắt đèn đi, rồi bảo Hoàn:
- Thôi, chúng ta hãy
vào nhà đã!
Hoàn ngoan ngoãn nghe
theo, nhưng khi hai người vừa bước tới hàng hiên, đã thấy Do ở trong cầm một
chiếc can lớn bước ra:
- Kìa, ông! Cậu Hoàn?
Ông Cả mỉm cười, trả lời:
- Sao anh xuống chậm thế,
lúc nghe tiếng chó sủa thì tôi xuống đây ngay, cả Hoàn nữa. Nhưng không có gì hết.
Không biết con khỉ nhà ai đánh tuột xích, lần vào trong vườn mình, bọn chó thấy
hơi lạ ra cắn nên con nhãi mới kêu rít lên thế!
Và ông tiếp:
- Thôi, chúng ta về ngủ
đi thôi!
Nghe ông Cả nói, nhất
là thấy cái nhìn của ông, Do biết rằng mọi việc mình chỉ được phép hiểu đến thế.
Và Do ngoan ngoãn trở về phòng riêng của mình.
Còn Hoàn thì ông Cả bảo:
- Hoàn hãy theo về
phòng tôi!
Hoàn cúi đầu lặng lẽ đi
theo, không dám nói một lời. Rồi cửa phòng đã đóng lại, đèn sáng bật lên, ông Cả
mới khoanh tay, nghiêm nghị nhìn thẳng vào mặt Hoàn, dằn từng tiếng mà bảo:
- Bây giờ tôi muốn biết
tại sao Hoàn lại xử sự như thế?
Hoàn cúi đầu, lúng túng
mãi, lâu lâu mới nho nhỏ nói:
- Thưa anh, em đã trót
yêu Nhung…
Trước vẻ sợ sệt quá của
Hoàn, ông Cả thành ra thương hại và buồn cười. Nhưng ông cố nghiêm nét mặt và bảo:
- Không, tôi không hỏi
Hoàn về điều ấy. Ai mà chẳng có phút yêu bồng bột, nhất là đương tuổi của Hoàn.
Thấy ông Cả nói thế,
anh chàng si tình như yên dạ, ngước mắt lên nhìn ông Cả như muốn cảm ơn, nhưng
ông đã lắc đầu mà tiếp:
- Tôi không muốn hỏi về
điều ấy, nhưng tôi muốn hỏi anh mấy điều khác quan trọng hơn nhiều!
Hoàn lo lắng, sợ hãi
quá, vì đã bao năm ở với ông Cả, Hoàn vẫn được ông thân mến, coi như em ruột,
hơn nữa, coi như con đẻ, đôi khi, ông gọi Hoàn bằng em, nhưng thường thì chỉ gọi
tên trống trơn thôi. Nhưng lần này, ông đã lạnh lùng nghiêm nghị gọi Hoàn bằng
“anh” để hỏi mấy điều vô cùng quan trọng!
Ông Cả lặng yên một
lúc, rồi bằng một giọng thâm trầm ông nói:
- Trước hết, tôi muốn hỏi
anh rằng tại sao khi anh yêu cô Nhung nào đó, anh không hề nói cho tôi biết mà
phải lén lút như vậy, hay là anh nghĩ tôi là một “người ngoài” không đáng, và
cũng không cần phải nói cho biết… Nếu bây giờ anh nghĩ đã lớn rồi, không cần phải
có tôi nữa thì để ngày mai tôi sẽ thu xếp đi nơi khác!
Hoàn rơm rớm nước mắt:
- Lạy anh! Đừng nói thế!
Khi còn bé em chỉ biết anh hết lòng săn sóc đến em, lúc lớn, nghe anh kể lại
chuyện xưa, em mới hiểu thực anh đã đối với em như một người cha nuôi vậy! Việc
thầm trộm yêu Nhung, chỉ là vì em sợ anh trách mắng, không dám nói ra!
Nghe Hoàn nói, ông Cả
như cũng cảm động. Ông dịu bớt giọng, hỏi tiếp:
- Về điều ấy, tôi hãy
biết thế, nhưng đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu tại sao mà lúc thấy tiếng động,
Hoàn giơ gậy đánh tôi chẳng khác kẻ thù?
Hoàn cúi đầu thưa:
- Xin anh hiểu cho em!
Nguyên Marie không thiếu gì kẻ ước mong…
Ông Cả ngắt lời:
- Hoàn nói Marie là ai
vậy?
- Thưa anh, Nhung còn
tên là Marie, hình như có làng Tây. Marie chẳng những xinh đẹp, tính tình tự
nhiên lại vô cùng vui vẻ, nên không thiếu gì kẻ say mê, nhưng nàng chỉ để ý đến
một mình em… Thấy chúng em yêu nhau, rất nhiều kẻ ghen ghét, trong số đó có
Trinh…
Ông Cả hỏi:
- Trinh nào, có phải là
con trai ông Châu Đinh Văn Lãng không?
Hoàn gật đầu:
- Vâng, chính hắn. Trước
hắn chơi với em cũng khá thân, sau giận cũng chỉ là vì ghen tức… Không muốn cho
người ngoài biết, nhất là Trinh, những cuộc gặp gỡ chuyện trò, Marie đã nghĩ ra
một ký hiệu riêng…
Ông Cả ngắt lời:
- Ta đã hiểu bó hoa do
con khỉ giắt lên ngọn cây trầu rồi. Hoàn đừng hỏi gì cả hãy kể nốt chuyện đi!
Hoàn phải nén tò mò,
nói tiếp:
- Chính vì thế mà khi
nghe có tiếng động, lại có ánh đèn loé ra, em yên trí ngay là Trinh và cơn giận
nổi lên, em cứ giơ gậy mà vụt bừa.
Ông Cả không thể nhịn
được cười, gật gù nói:
- Phải, cứ yên trí thế
thì có khi đánh chết oan người khác. May mà ta trước đây cũng có học đòi qua
loa mấy thế đánh đỡ, chứ nếu không thì chẳng vỡ đầu cũng phải què cẳng vì Hoàn!
3
VỤ BẮT CÓC
TRÊN ĐƯỜNG CỔ NGƯ
Tôi đương mải làm việc
thì có tiếng người gõ cửa. Tôi vẫn cúi viết, miệng bảo: Cứ vào!
Viết xong câu, tôi ngẩng
đầu lên thấy khách là một chàng trai trẻ chừng 20 tuổi. Chàng lễ phép cúi chào
tôi trong khi tôi ngạc nhiên, cố nhớ mà không nghĩ ra bộ mặt ngoan ngoãn, với
đôi mắt tinh nhanh, cái miệng cười tươi kia, tôi đã từng gặp ở đâu rồi!
Nhưng chàng trẻ tuổi đã
hỏi:
- Thưa ông, anh Cả tôi
đã lại đây chưa ạ?
Tôi lại càng ngạc nhiên
hơn nữa hỏi lại:
- Cậu hỏi anh Cả nào?
Chàng trẻ tuổi đáp:
- Dạ, thưa là ông Kỳ
Phát! Tôi là Hoàn…
Thôi tôi đã nhớ ra! Trời
ơi! Vậy ra đó là Hoàn, con của Cúc, người bạn tình lý tưởng của Kỳ Phát! Thế mà
tôi không nghĩ ra, bây giờ tôi nhìn lại mới càng thấy giống, từ cái nhìn đến
cái cười của Hoàn thẩy đều nhuộm cái vẻ êm dịu đáng yêu của Cúc khi xưa… Mấy
năm đã qua rồi! Từ khi đền ơn Kỳ Phát, Cúc đã hy sinh lấy thân đỡ đạn cho người
tình nàng yêu và tôn thờ trong tâm tưởng, thì anh chàng trinh thám trẻ tuổi của
chúng ta đã theo đúng lời hứa với người quá cố, coi Hoàn như con, trông nom và
dạy dỗ trong cái ấp miền trung du kia, tưởng chừng như không còn nhớ đến cái đời
hoạt động khi xưa nữa*(Xem Kỳ
Phát giết người.). Thỉnh thoảng Kỳ Phát và tôi cũng có thư từ
cho nhau, nhưng Kỳ Phát viết rất ngắn, không ngoài mấy câu hỏi thăm về công việc
làm ăn và sức khỏe, nên cận trạng của Kỳ Phát ra sao, tôi không thể biết được!
Nhưng hôm nay đột nhiên
Hoàn về đây, lại có Kỳ Phát nữa, hẳn là có chuyện lạ! Tôi lo lắng hỏi:
- Thế Kỳ Phát đâu? Có
việc gì nguy hiểm không?
Hoàn mỉm cười cúi đầu
nói:
- Thưa ông không, anh Cả
lúc xuống ga, bảo tôi cứ đến đây trước, vì anh còn phải trông cho phu xe xếp va
ly… Thằng xe của tôi lại đi nhầm lối nên tôi cứ tưởng anh Cả đã đến đây rồi!
Hoàn vừa nói tới đây
thì có tiếng xe đỗ ngoài cửa, với tiếng càu nhàu mắng phu xe:
- Cóc khô, anh đi lạc
đường, xa là tự anh, anh lại còn muốn vòi vĩnh cái gì! Ấy là may mà tôi tìm
ngay được, chứ nếu không, tôi đi trình bóp thì
liệu lúc anh bị bắt có chối được cái tội định kéo va ly của tôi để chiếm hay
không?
Nghe rõ tiếng Kỳ Phát,
tôi vội vàng ra mở cửa. Hoàn cũng chạy ra xách đỡ va ly vào. Phát bắt tay tôi
mà bảo:
- Gặp thằng xe ngớ ngẩn
quá, đã không thuộc đường lại cứ kéo va ly chạy trước, làm cho tôi đi tìm hết cả
hơi!
Rồi nhìn tôi, Kỳ Phát cả
cười tiếp:
- Sao anh nhìn tôi tò
mò như nhìn con vật lạ thế? Tôi thay đổi đi nhiều phải không?
Tôi gật đầu thú thật:
- Trông anh da trắng trẻo
hơn trước, hơi đẫy ra một chút nữa, cách ăn mặc thì đứng đắn hơn…
Kỳ Phát vỗ mạnh vào vai
tôi mà ngắt lời:
- Anh cũng khéo nói lắm,
nhưng tôi biết tôi lắm chứ! Chính thực ý anh muốn nói tôi độ này xanh, yếu hơn
trước, béo bệu, đó chỉ là ít hoạt động, ăn xong, rồi nằm… Còn quần áo thì lôi
thôi quá, diện cái lối “phú quê”…
Tôi cũng cười, bảo:
- Nhưng về tinh thần
thì không thấy khác gì cả, vui, trẻ như thường!
Kỳ Phát cười ngất:
- Thôi tôi cảm ơn anh!
Nhưng dù anh khéo nói đến thế nào, chúng ta cứ trông thấy Hoàn lớn lên bằng kia
rồi, cũng đủ biết rằng chúng ta phải có thay đổi!
Vừa cởi bỏ áo ngoài, Kỳ
Phát vừa đổi giọng, hỏi tôi rằng:
- À, mà anh có biết tôi
bỗng dưng về Hà Nội, mà định ở lại nhiều ngày là vì có chuyện gì không?
Tôi lắc đầu. Kỳ Phát
khoanh tay lại, ưỡn ngực, rồi trịnh trọng bảo:
- Thế thì tôi cần phải
giới thiệu để anh biết rằng ông Cả hôm nay về Hà Nội là cốt để dò xét hỏi vợ
cho cậu Hoàn!
Liếc nhìn Hoàn, Kỳ Phát
chép miệng tiếp:
- Đó, anh đã thấy cái
chỗ chúng ta đã già rồi hay chưa?
Rồi Kỳ Phát vui vẻ kể lại
cho tôi nghe câu chuyện rắc rối làm sao mà Phát lại khám phá được ra cái tình
duyên thầm kín giữa Hoàn và Nhung… Trong khi Kỳ Phát kể chuyện, Hoàn chỉ thẹn
thò cúi mặt, và tôi lại càng thấy Hoàn có nhiều chỗ giống Cúc vô cùng… Kỳ Phát
nói tiếp:
- Theo lời Hoàn nói thì
Nhung, hay Marie Nhung thì cũng thế, là con một nhà đại thương ở tỉnh này,
nhưng bây giờ nghỉ không gia nhập nữa. Người ta vẫn lấy cái tên cũ ngày xưa mà
gọi ông ta là Ký Hồng. Vì trước ông xuất thân làm ký cho một nhà thầu khoán…
Tôi gật đầu:
- Ông Ký Hồng ở dốc
Hàng Kèn thì tôi có biết tiếng, ông ấy góa vợ, có người con trai đã đi đâu mất
tích, nhà giầu lắm, nhưng…
Thấy Hoàn chăm chú
nghe, tôi không nói nữa, một lát mới tiếp:
- Nhưng ông ấy vẫn chịu
ở vậy một mình, nuôi người con gái chứ không lấy vợ khác nữa!
Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ,
một lát mới nói:
- Tôi định về đây sẽ dò
xét nhà ông Ký, và nhất là tính nết của người con gái, vì anh cũng chẳng lạ gì
đương tuổi trẻ như Hoàn, khi bị trúng “tiếng sét của ái tình” thì mê muội không
biết gì nữa!
Quay lại phía Hoàn, Kỳ
Phát bảo:
- Chắc Nhung đã biết
Hoàn và tôi về dưới này rồi chứ?
Hoàn gật đầu:
- Vâng, em đã gửi thư
cho Nhung biết ngay từ lúc anh bảo em sửa soạn mọi việc giao cho anh Do ở nhà
trông coi!
Kỳ Phát nghĩ ngợi, rồi
bảo:
- Nếu thế thì Hoàn sẽ lại
nhà Nhung bây giờ, - tôi xem chừng nhà ấy cũng cho con gái giao thiệp tự do
không cấm đoán lắm - Hoàn sẽ cho Nhung biết rằng chúng ta đã về và hỏi xem nếu
tiện thì để tôi đến chơi nói chuyện với ông Ký.
Ngừng lại một lát, Kỳ
Phát tiếp:
- Thì mình hãy lấy tư
cách là bạn của ông Cả Lâm, anh họ của ông Ký Hồng, ở trên Đoan Hùng mà lại
chơi, cũng không sao cơ mà! Rồi sau này, xét xem Nhung là người khá mình muốn
ngỏ nhời lúc nào chẳng được!
Hoàn vâng lời, ra đi. Kỳ
Phát bỗng hỏi tôi:
- Thế nào, anh bảo thế
nào?
Tôi hỏi lại:
- Anh hỏi cái gì, tôi
không hiểu!
- Tôi muốn hỏi câu anh
định nói về Ký Hồng lúc nẫy mà sau ngại có Hoàn anh không muốn nói là câu gì?
- À, tôi lúc ấy định
nói: nhưng người ngoài họ chê rằng ông ấy ác lắm. Song ta phải công bình mới được,
có nhiều người rõ ràng vì lương thiện, chăm chỉ mà làm nên giầu cũng bị mang tiếng
chẳng tàn ác chẳng nên giầu!
Kỳ Phát gật gù:
- Ta hãy cứ biết dư luận
bên ngoài nói thế, đằng nào tôi cũng phải gặp mặt và lúc đó mới có thể biết tường
tận được!
Nhưng cái ý định này của
Kỳ Phát không thực hành được vì sau khi Hoàn về, có nói cho chúng tôi biết ông
Ký Hồng hiện thời đương ở chơi tại nhà một người bạn ở Hải Phòng, có lẽ chừng
ít ngày nữa mới lên.
Trong khi ấy, Kỳ Phát vẫn
tìm cách dò hỏi nhà của ông Ký Hồng. Hình như cuộc điều tra này không làm cho Kỳ
Phát hài lòng lắm, nên tôi xem chừng Phát có vẻ suy nghĩ và hơi buồn. Đã có lần
Kỳ Phát bảo tôi:
- Không chừng mà việc
Nhung và Hoàn không thể thành được mất!
Và Kỳ Phát không nói
thêm gì nữa, nhưng tôi để ý thấy Phát không nóng nẩy gặp ông Ký Hồng lắm, tôi
đoán chừng chắc Phát chỉ sợ một khi gặp những điều dò xét được kia thấy đúng chắc,
thì lúc ấy thực khó mà nói cho Hoàn gác bỏ tình yêu kia đi!
Nhưng một sự bất ngờ đã
xẩy ra làm cho Kỳ Phát không còn thể nào trù trừ được nữa!
Đêm rằm tháng tám!
Thành phố Hà Nội nhộn nhịp tưng bừng với những ánh đèn giấy và tiếng trống sư tử.
Thấy Kỳ Phát đã đi dự tiệc trông trăng với những người bạn thân thiết, Hoàn
cũng sắm sửa đúng hẹn với Nhung đi chơi thuyền trên Hồ Tây.
Một con thuyền, hai
trái tim, với một vầng trăng!
Nhung và Hoàn đã nói
chuyện với nhau những gì, chắc, không một ai được biết. Nhưng dù họ không nói một
câu nào hết thì những cái nhìn âu yếm, những cái cười đắm say, cũng thừa đủ
thay cho những lời đối với người ngoài thì vô nghĩa nhưng đối với họ thì đậm
đà, tha thiết biết bao!
Và mãi quá 12 giờ, có lời
Nhung giục, Hoàn mới chịu ghé thuyền vào bờ. Trên đê Cổ Ngư lúc này đã không
còn đông như trước nữa. Mà tiếng trống sư tử cũng đã thưa dần. Riêng có chị Hằng
trên cao là vẫn tròn và sáng tỏ.
Hai người đi cạnh nhau,
chầm chậm, chốc lát đến trước cửa đền Quan Thánh, Nhung nhìn lại phía sau như
muốn tìm tòi cái gì. Hoàn hỏi:
- Em muốn gọi xe về
chăng?
Nhung lắc đầu:
- Không, đi bộ về thích
hơn. Em nhìn lại vì thấy thoáng hình như có kẻ theo sau chúng ta!
Hai người đã đi quá đến
góc phố đằng kia, bỗng có chiếc xe hơi ở đằng sau chậm chậm rẽ sát vào ngay cạnh.
Hoàn vội vàng kéo tay Nhung tránh vào mà bảo:
- Kìa, xe ô tô!
Nhưng chiếc xe đã đỗ lại,
tuy máy chưa tắt. Rồi một đầu người đeo kính đen thò ra khỏi cửa xe, khẽ gọi:
- Cô Nhung!
Nhung hỏi:
- Ai đấy?
Vừa hỏi, Nhung vừa tiến
sát đến cạnh chỗ người đeo kính đen thì lạ chưa, người này đã giơ hai tay, nắm
lấy Nhung và kéo tuột vào trong xe. Hoàn chỉ đi cách chừng ba bước còn kịp nghe
thấy tiếng Nhung kêu:
- Anh Hoàn cứu em với!
Mấy tiếng sau cùng này,
Nhung kêu không rõ, có lẽ đã bị kẻ kia bịt lấy miệng rồi! Hoàn hốt hoảng chạy
lên, nhưng vừa tới nơi, người trong xe đã co cẳng đạp cho Hoàn một cái ngã
quay.
Cửa xe đã đóng lại đánh
sầm! Và chiếc xe cũng vụt chạy đi, nhanh hết sức! Hoàn đã lóp ngóp bò dậy, hốt
hoảng chạy theo xe mấy bước nhưng một phút sau, chiếc xe bí mật đã rẽ ở đầu đường…
Hoàn sực nhớ lại lời Kỳ
Phát: “Dù việc cấp bách đến thế nào cũng chớ có luống cuống!” Hoàn cố trấn tĩnh
lại được, nghĩ ngay nên làm việc gì trước nhất bây giờ. Chợt nhớ đến đầu phố
Quan Thánh có một bóp cảnh
sát, Hoàn không chậm chạp một chút, chạy đến và trình vụ bắt cóc vừa rồi…
Lập tức những hồi
chuông điện thoại réo vang… Tin xẩy ra vụ bắt cóc trên đường Cổ Ngư đã từ bóp
phụ Quan Thánh truyền tới bóp chính, rồi lại từ bóp chính sang ty Mật thám, qua
các bóp phụ khắp thành phố, lan tới cả sở Liêm phóng khắp các tỉnh lân cận
trong một khoảnh khắc không tới 15 phút đồng hồ.
Nhưng chỉ mươi phút
cũng đã đủ cho bọn gian bắt cóc Nhung thi hành kế hoạch của chúng, có tính toán
và định liệu chu đáo từ trước rồi, nên dù các nhà chuyên trách hành động một
cách nhanh chóng và có phương pháp như vậy cũng vẫn không tìm được tăm tích bọn
chúng đâu cả.
4
2 VẠN RƯỠI BẠC TRONG
24 TIẾNG ĐỒNG HỒ
Hoàn vừa như khóc mếu,
vừa kể vụ xẩy ra cho Kỳ Phát và tôi biết. Nhưng lúc chúng tôi dự tiệc Trung thu
về thì đã khuya lắm rồi. Chuông đồng hồ đã đánh 1 giờ từ lúc chúng tôi đứng dậy
ra về.
Kỳ Phát bữa nay hơi
choáng váng say, đó chỉ là vì chàng đã vui chén trong một buổi rất ít khi họp mặt
đủ bạn bè thân cũ như vậy. Nghe Hoàn thuật lại, Kỳ Phát cau mày suy nghĩ, rồi bỗng
đứng dậy, đổ một thau nước lạnh đầy rửa mặt. Chàng lại ăn hết một quả chanh cho
tỉnh rượu, rồi ung dung ngồi lại bàn, bảo Hoàn rằng:
- Hoàn hãy kể cho tôi
nghe những việc vừa xẩy ra một lượt nữa xem nào!
Ngoan ngoãn, Hoàn theo
lời, thuật lại rành rọt, Hoàn thuật đến đâu thì Kỳ Phát lại lấy sổ tay ghi chép
đến đấy. Kỳ Phát có một dấu hiệu để ghi riêng những điều cần nhớ, người ngoài
không thể đọc được, nhưng chàng xem quen, có thể đọc trơn như một tay chuyên
môn đọc những dấu lối tốc ký vậy!
Kỳ Phát nghe xong, gật
gù, nhưng không nói gì, một lát sau, mới lấy danh thiếp viết mấy chữ, bỏ phong
bì, đưa cho Hoàn và dặn:
- Ngay bây giờ, em hãy
lại địa chỉ này, đưa cho Trúc Tâm. Nếu thấy người nhà nói đi vắng, thì em lại
vào ngay sở Mật thám mà tìm hắn, nếu không thấy nữa thì đi tìm thêm ở mấy địa
chỉ mà anh đã ghi vào phía sau phong bì, nói tóm lại, em phải làm thế nào mà nội
đêm nay đưa thiếp này cho Trúc Tâm mới được!
Hoàn trước khi đi, còn
hỏi lại:
- Sau đó thì em phải
làm gì nữa?
Kỳ Phát mỉm cười:
- Sau đó thì em “phải”
về ngay nhà mà đi ngủ. Những vụ như thế này không phải rằng cứ thức suốt đêm,
nghĩ ngợi vẩn vơ hay đi lang thang ngoài phố mà có thể tìm ra được. Càng những
lúc bối rối, lại cần phải ngủ cho đủ giấc, người có khỏe khoắn thì tinh thần mới
sáng suốt được.
Hoàn đi rồi, Kỳ Phát cười
mà bảo tôi rằng:
- Tôi dặn thì dặn mà
thôi, chứ tôi đố thằng bé đêm nay có chợp mắt được!
Tôi gật đầu, rồi hỏi:
- Anh tìm Trúc Tâm làm
gì?
Kỳ Phát ngạc nhiên:
- Anh đã quên không còn
nhớ Trúc Tâm là ai hay sao?
Tôi cười:
- Tôi còn lạ gì Trúc
Tâm là một viên thanh tra mật thám có tài, nhưng rất phục anh và lúc nào cũng sẵn
sàng giúp chúng ta trong mọi công việc. Tôi hỏi là hỏi anh trong thiếp viết gì
cho Trúc Tâm, hay là anh đã tìm ra thủ phạm rồi, mà cần nhờ đến Trúc Tâm để bắt?
Kỳ Phát cười:
- Khoan, khoan, sao anh
nóng nẩy thế! Tôi chỉ là người, không phải là thần thánh. Trong thiếp kia, tôi
chỉ viết dặn Trúc Tâm hễ thấy có manh mối gì thêm về vụ bắt cóc này thì bất cứ
giờ phút nào cũng lập tức báo cho tôi biết ngay, nhưng tôi cố ý làm ra quan trọng
thế, cốt cho Hoàn thấy tôi đã bắt đầu hành động, hắn yên trí khỏi cuống cuồng
và chỉ có thế thì tôi mới có thì giờ mà nghĩ ngợi được.
Tôi hỏi:
- Riêng anh thì đã có
giả thuyết gì chưa?
Kỳ Phát lắc đầu:
- Chưa, vì hiện trong
tay chúng ta chưa hề có manh mối nào cả, mặc dầu cứ theo nguyên câu chuyện của
Hoàn kể, tôi cũng đã chú ý đến mấy điều…
Tôi nóng nẩy:
- Anh để ý đến những điều
gì?
Kỳ Phát cười:
- Ấy, anh là người
ngoài cuộc mà còn nóng nẩy như thế thì cũng không nên trách Hoàn! Anh muốn biết
hiện thời tôi để ý đến điều gì ấy ư?
Chỉ tay về phía chiếc
bàn đêm để cạnh giường, Kỳ Phát tiếp:
- Tôi đương để ý đến đồng
hồ đã quá 2 giờ đêm rồi, và nếu ta không ngủ đi bây giờ thì mai không làm được
việc gì hết.
Tôi lắc đầu:
- Tôi thì trái lại,
chưa thấy buồn ngủ gì cả, một phần cũng bối rối không ngờ giữa thành phố Hà Nội
lại có xẩy ra vụ bắt cóc lối Mỹ như thế bao giờ.
Kỳ Phát hơi bĩu môi rồi
nhẩy lên giường đắp một chiếc chăn đơn qua ngực, rồi bảo tôi rằng:
- Anh chưa buồn ngủ thì
càng hay. Vậy anh hãy đợi Hoàn về, bảo hắn rằng tôi dặn hãy đi ngủ đi và cả anh
cũng thế!
Dứt lời, Kỳ Phát quay mặt
vào phía tường, không nói thêm một tiếng gì nữa.
Non 3 giờ đêm, Hoàn mới
về, sau khi đã cố tìm khắp chỗ để đưa cho Trúc Tâm bức thư của Kỳ Phát. Thấy
tôi còn thức mà Kỳ Phát đã ngáy o o, Hoàn có vẻ như không ưng ý, nhưng tôi bảo
Hoàn rằng:
- Hoàn không phải lo ngại.
Tôi đã từng dự vào nhiều cuộc tra xét của Phát, thường anh ấy vẫn có những cử
chỉ kỳ khôi, song ta cứ tin rằng hễ vụ nào có anh mở cuộc điều tra thì bao giờ cũng
có kết quả mỹ mãn.
Và tôi khuyên Hoàn nên
đi nghỉ vì đã 3 giờ đêm rồi, muốn làm việc gì cũng không được nữa, thà ngủ lấy
sức còn hơn!
Hoàn đành phải nghe
theo lời, nhưng nằm bên, tôi thấy Hoàn trằn trọc luôn luôn, biết rằng anh chàng
cần phải cố gắng lắm mới ngủ yên giấc được.
Sáng hôm sau, lúc tôi
thức dậy thì đã hơn 7 giờ, đáng lẽ còn nằm ngủ lại giấc nữa, song nhìn quanh thấy
cả Kỳ Phát lẫn Hoàn đều vắng bóng, tôi mới vội vàng đi rửa mặt. Ra đến bàn viết,
đã thấy có hai mảnh giấy để lại, một của Kỳ Phát, một của Hoàn. Giấy của Kỳ
Phát có viết:
“Trúc Tâm cho người lại
tìm, tôi phải đi ngay, bữa cơm sáng đừng chờ!” Cạnh ký tên Kỳ Phát có ghi thêm:
“4 giờ rưỡi”.
Giấy của Hoàn viết: “6
giờ, em dậy đã thấy anh Cả đi rồi. Em cũng đi nghe ngóng tin tức. Anh đợi em 11
giờ và cho em đi ăn cơm với!”
Tôi ngồi xuống bàn, định
làm việc nhưng trí óc vẩn vơ quá, không sao mà viết được một dòng nào. Người lại
buồn ngủ quá, hai mắt cứ nặng trĩu nên tôi đành lại phải lên giường đi ngủ vậy…
… Cho đến lúc Kỳ Phát
lay tôi và gọi rầm rĩ:
- Định ngủ lấy chết đấy
à, còi 10 giờ từ lúc nẫy kia đấy!
Tôi vươn vai, ngáp dài…
Kỳ Phát cười bảo:
- Chẳng cứ nói đêm qua
chưa buồn ngủ nữa thôi! Người ta có cái lạ lắm là lúc chưa cần cố gắng làm việc
thì lại cứ phí sức vô ích, đến lúc cần phải làm thì lại cứ vươn vai, với ngáp!
Tôi không cãi lại, dậy
rửa mặt, uống nước. Người đã thấy bình tĩnh, tôi mới hỏi Kỳ Phát:
- Buổi sáng nay, anh hẳn
đi được công việc lắm! Trúc Tâm mờ sáng đã gọi anh có việc gì đấy?
Kỳ Phát cởi bỏ áo
ngoài, rồi thong thả bảo:
- Kể ra thì việc cũng
không có gì là quan hệ lắm. Trúc Tâm báo cho tôi biết nhà chuyên trách đã tìm
thấy chiếc ô tô của bọn gian. Lẽ tất nhiên, bọn gian thì đã tẩu thoát mất rồi.
Chiếc xe ấy thấy để ngay sát hè đường, quá chỗ cổng sau vào vườn bách thú chừng
60 thước!
Tôi nói:
- Các nhà chuyên trách
tất đã tìm ra chủ chiếc xe ấy và như thế là đã có đường tìm đến bọn hung phạm.
Kỳ Phát bĩu môi, cười
nhạt:
- Nghe anh nói thì dễ
dàng lắm, nhưng bọn gian đâu có ngây thơ như anh tưởng. Phải, nhà chuyên trách
đã tìm ra chủ chiếc xe ấy một cách dễ dàng, đó là trạng sư Hồng, nhà ở con đường
452… Nhưng chính trạng sư đã trình các nhà chuyên trách rằng vào khoảng 8 giờ tối,
trạng sư đã bị quân gian lấy mất chiếc ô tô khi vào một nhà ở phố Carreau*.
Thì ra bọn gian lấy cắp ô tô chủ ý dùng vào việc bắt cóc Nhung, sau khi chúng
đã khôn ngoan kẻ lại số xe.
(* Nay là phố Lý Thường Kiệt.)
Tôi thất vọng:
- Nếu thế thì việc tìm
ra chiếc xe không giúp chúng ta được gì thực! Chỉ làm hại anh bị mất giấc ngủ
buổi sáng!
Kỳ Phát lắc đầu:
- Nhưng tôi không tiếc
vì đã tìm ra được tờ giấy này!
Kỳ Phát gọi là tờ giấy
thì không đúng vì chàng chỉ đưa ra một “mẩu giấy” mầu tím nhạt, chẳng biết xé ở
đâu ra, trên chỉ có bốn chữ đánh máy, dòng thứ nhất, chữ “chú”, dòng thứ nhì,
hai chữ “đúng 12”, dòng thứ ba một chữ “tiền”…
Tôi lẩm bẩm:
- Nếu tìm ra được nhiều
mảnh xé nhỏ của một bức thư, - ta cứ ví dụ đây là một bức thư - thì còn có hy vọng
chắp lại để đọc, đằng này có một mẩu giấy không hơn 4 chữ thì còn dùng làm việc
gì được!
Kỳ Phát lắc đầu:
- Không, trong những
khi chúng ta đương thiếu manh mối thì một điểm rất nhỏ cũng quý vô cùng!
Và sau một lúc như suy
nghĩ, bỗng tôi thấy Kỳ Phát lẩm bẩm như tự trả lời mình:
- Thôi, đúng rồi, vì thế
nên trong xe không có mùi gì lạ cả!
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Anh đã luận lý ra điều
gì rồi chăng?
Kỳ Phát chưa kịp trả lời
thì ngoài cửa có tiếng gõ. Kỳ Phát cười mà bảo tôi rằng:
- Thực là vừa gặp dịp
đương lúc tôi không muốn trả lời anh! Thôi, anh hãy ra mở cửa cho Hoàn vào?
Tôi hỏi lại:
- Sao anh biết là Hoàn?
Kỳ Phát cười ngất, vỗ
vào vai tôi:
- Thôi, anh này đâm ra
lẩn thẩn rồi! Một người chuyên môn trinh thám như tôi mà nghe tiếng giầy của một
người ở cùng mình hàng 7, 8 năm giời không nhận ra được thì thà chết đi cho
xong!
Một lát sau, Hoàn bước
vào, vẻ mặt bơ phờ, cứ nhìn cũng biết anh chàng si tình ấy đã phải suy nghĩ nhiều
lắm. Chàng thấy Kỳ Phát lập tức hỏi ngay:
- Thế nào, anh Cả đã
tìm ra manh mối gì chưa?
Kỳ Phát vẫn chú ý nhận
xét Hoàn, lắc đầu:
- Không có gì quan trọng
cả, Trúc Tâm mới thấy chiếc ô tô của quân gian bỏ lại, nhưng đó là chiếc xe
chúng đã lấy cắp của trạng sư Hồng!
Tôi để ý đến chỗ Phát
không nói tới mẩu giấy mầu tím và cũng không hỏi xem Hoàn có tin tức gì không.
Chắc điều thứ hai này Hoàn cũng để ý thấy nên chàng đã toan nói gì, sau lặng lẽ
bước tới bàn rửa mặt.
Kỳ Phát nhìn theo, mỉm
cười, đợi cho Hoàn rửa mặt xong đâu vào đấy rồi, mới đột nhiên hỏi rằng:
- Việc của em suy tính
mãi mà cũng không tìm được cách nào để giải quyết cho xong có phải không?
Thực khó mà tả nỗi ngạc
nhiên và sợ hãi của Hoàn trong lúc này. Anh chàng ngơ ngác hỏi lại Kỳ Phát rằng:
- Thế nào, anh Cả cũng
đã biết chuyện 2 vạn rưỡi bạc rồi ư? Thế mà anh không nói gì cả?
Kỳ Phát kéo Hoàn lại gần
mình, sốc lại cho chiếc cổ áo - những cử chỉ săn sóc thân mến của một người cha
- dịu dàng bảo Hoàn rằng:
- Câu ấy, đáng lẽ để
anh trách em thì mới đúng! Vì anh nào có biết chuyện vạn bạc, nghìn bạc nào
đâu!
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Thế sao anh vừa nói
câu kia?
Kỳ Phát cười, trả lời:
- Thì câu ấy cũng chỉ
là một câu nói dựa theo lối các thầy tướng số, nghĩa là nói một câu có rất
nhiều nghĩa nhưng không rõ ràng, để bất cứ trường hợp nào cũng đúng được.
Và quay lại phía Hoàn,
Phát tiếp:
- Nào, bây giờ thì em kể
cho anh nghe việc mấy vạn bạc đi!
Hoàn không nói gì, chỉ
rút trong túi ra, đưa cho Kỳ Phát một mảnh giấy trên viết bằng chữ mực đen,
nhưng viết toàn lối chữ in, có lẽ để đề phòng các nhà chuyên trách so tự dạng…
Trong giấy chỉ viết vắn tắt mấy dòng: “Hỡi người thân yêu nhất của cô Nhung, nếu
người muốn cho Nhung khỏi phải chết một cách rất là khổ sở, nhục nhã thì nội
trong 24 giờ, phải đưa ngay lên trên đê Cổ Ngư 2 vạn rưỡi bạc, chôn giấu dưới gốc
cây xoan tây thứ 8, hàng bên phải, kể từ đầu đường Quan Thánh trở đi! Nếu không
y hẹn hoặc mưu mô với nhà chuyên trách thì đừng mong gặp mặt Nhung nữa!”
Tôi sau khi đọc xong
câu đe dọa cuối cùng tỏ vẻ nghi ngờ nói:
- Nhưng có chắc bọn này
đã bắt cóc Nhung không?
Hoàn gật đầu, trả lời:
- Chắc lắm, vì bọn gian
có kèm theo cả một bức thư của Nhung!
Vừa nói, Hoàn vừa mở ví
lấy ra một mảnh giấy trắng, viết bằng bút chì:
“Hoàn thân yêu của em.
Lúc này, Nhung biết
Hoàn hẳn đương lo lắng lắm. Nhưng mình đã bị mắc tay chúng rồi, còn làm sao được
nữa. Hoàn hẳn đã đọc bức thư đòi 2 vạn rưỡi bạc kia, vậy Hoàn hãy cố nằn nì với
ba Nhung để ông cụ cho tiền chuộc Nhung về, không có thì Nhung chết mất. Hiện
thời, chúng nhốt Nhung riêng một gian phòng, đối đãi cơm nước tử tế, nhưng
trông chúng đều hung ác lắm, chỉ sợ mình mà không nghe theo lời chúng thì những
cách hành động của chúng hẳn phải vô cùng độc ác, dã man! Thôi, Nhung không được
phép viết nhiều, một chữ ký tên của người vợ chưa cưới của Hoàn là đủ.
NHUNG”
5
MỘT NGƯỜI CHA SẮT ĐÁ
Kỳ Phát đọc cả bức thư
nhiều lần, rồi lặng lẽ không nói gì cả. Tôi hỏi:
- Bây giờ anh định thế
nào?
Kỳ Phát lạnh lẽo trả lời:
- Theo ý tôi thì thiết
tưởng cứ như lệ thường giao những thư này cho các nhà chuyên trách đã! Nhưng
tôi còn muốn biết ý Hoàn!
Hoàn có vẻ suy nghĩ, một
lát nói:
- Thưa anh, như ý em
thì thiết tưởng không nên trình bức thư này cho các nhà chuyên trách, vì Nhung
sẽ bị nguy mất!
Kỳ Phát mỉm cười mà bảo:
- Cái đó là tùy Hoàn,
riêng phần anh thì chỉ biết cố sức tìm ra Nhung mà thôi! Nhưng ngay bây giờ,
anh cần phải nói cho em biết rằng vụ này chẳng giống như mọi vụ bắt cóc thường…
Rồi Kỳ Phát quay bảo
tôi:
- Chúng ta mải nói chuyện,
quên cả đi ăn cơm rồi, vậy thì bây giờ chúng ta hãy đi ăn cho chắc bụng đã, sau
tính toán gì hãy hay!
Nhưng bữa cơm sáng nay,
Hoàn cố mãi cũng chỉ ăn được mỗi một bát. Nhiều lúc anh chàng nhìn Kỳ Phát như
muốn hỏi điều gì, nhưng sau lại thôi.
Ăn xong, Hoàn ngần ngại
một lát, sau bảo Kỳ Phát:
- Thưa anh, cho phép em
đi đằng này một lát!
Kỳ Phát nhìn Hoàn, rồi
mỉm cười, mà bảo:
- Em đi mua vé số phải
không?
Thấy Hoàn ngơ ngác
không hiểu, Kỳ Phát tiếp:
- Mua vé số để đợi được
mấy vạn bạc chuộc Nhung chứ gì!
Rồi nghiêm sắc mặt, Kỳ
Phát tiếp:
- Anh nói đùa thế mà
thôi, em cứ đi cho được việc. Còn về phần anh thì em cứ yên tâm, anh vẫn đương
tìm tòi để biết rõ tung tích của Nhung…
Hoàn đi rồi, Kỳ Phát
nhìn tôi mà bảo:
- Hẳn anh chàng “oán”
tôi lắm đấy!
Tôi gật đầu:
- Mà oán là phải vì tôi
xem như anh không để ý đến chuyện Nhung bị bắt cóc, anh coi thường như một trò
đùa vậy!
Kỳ Phát nhìn tôi, nở một
nụ cười bí mật, rồi bảo:
- Anh nói đúng, thực là
một trò đùa!
Và để tránh những câu hỏi
tò mò của tôi, Kỳ Phát tiếp:
- Nhưng hiện thời bây
giờ, anh có biết Hoàn đi đâu không?
- Tất là phải đi tìm
Nhung!
Kỳ Phát lắc đầu:
- Không, hắn đi tìm… 2
vạn rưỡi bạc! Nhưng đào ở đâu ra bây giờ? Tất phải nằn nì với ông Ký Hồng mà
xin số tiền ấy. Tôi rất mừng nhân dịp này mà biết rõ được ông Ký có phải là người
không có lương tâm như thiên hạ nói hay không.
Kỳ Phát đoán đúng! Quả
nhiên Hoàn muốn “đào” ra được 2 vạn rưỡi bạc trong 24 tiếng đồng hồ chỉ còn có
cách nằn nì với ông Ký Hồng mà thôi. Hoàn phải nằn nì, chỉ là vì ông Ký cũng đồng
ý kiến với Kỳ Phát, muốn đưa những bức thư “tống tiền” kia trình các nhà chuyên
trách.
Ông ung dung bảo:
- Bọn chúng dọa già, dọa
non thế mà thôi, chứ hại mạng con Nhung thì chúng được cái gì! Ý của chúng chỉ
là “làm tiền” thôi!
Hoàn nói:
- Nhưng con sợ rằng
chúng sau 24 giờ không thấy ta làm theo ý muốn chúng, tất nhiên chúng tức giận
mà hại mạng Nhung!
Ông Ký lắc đầu:
- Không, chúng còn viết
thư cho ta nữa, không chừng lại đòi một số tiền kém hơn trước… Mà trong khi ấy
thì các nhà chuyên trách đã có đủ thời giờ khám phá ra sào huyệt chúng rồi!
Hoàn nằn nì:
- Xin ông thương cho,
con lo cho Nhung lắm!
Ông Ký cau mặt, bảo:
- Cậu tưởng tôi không
lo sao, nhưng tôi “lo một cách bình tĩnh”. Cậu nóng nẩy lắm mà nóng nẩy chỉ vô
ích!
Hoàn ngồi yên một lúc rồi
nói:
- Hay là cho con vay
trước vậy. Hiện nay, con không có 2 vạn rưỡi bạc là không có tiền mặt, chứ chỉ
năm hôm, là con có thể có được một cách dễ dàng. Lúc ấy, con sẽ hoàn lại ông.
Ông Ký cười nhạt:
- Vậy ra cậu cho rằng
tôi có ý tiếc tiền… Tôi biết cậu có đồn điền ấp trại lớn lắm! Tôi thì không có,
nhưng tiền mặt ở trong nhà lúc nào cũng có sẵn, chẳng phải chỉ có chừng vài vạn
mà còn nhiều hơn thế nữa.
Vừa nói ông vừa đứng dậy,
rút chìa khóa mở chiếc két ra: bên trong xếp chặt ních giấy bạc. Ngay lúc này
có thằng đầy tớ vào hỏi:
- Thưa ông chiều nay
ông có xơi cơm nhà không?
Ông Ký lắc đầu:
- Không, ta đã hẹn đi
ăn cơm với ông Tham Cảnh và ông Hai Thi. Anh chốc nhớ gọi tê-lê-phôn nhắc hai
ông ấy nhé!
Đợi cho tên người nhà
ra rồi, Hoàn mới đột nhiên hỏi:
- Con không hiểu tại
sao mà ông không muốn cứu ngay Nhung thoát vòng nguy hiểm.
- Không phải tôi không
muốn cứu, nhưng là vì không cần phải cứu ngay bây giờ. Thôi bất tất cậu phải
nói nhiều lời…
Giọng nói hai bên đã thấy
cao. Lẽ tất nhiên là Hoàn tức lắm. Chàng thực không hiểu sao ở đời lại có những
người cha lòng dạ sắt đá đến như vậy. Nếu phải vào địa vị Hoàn thì dù 2 vạn rưỡi
chứ 5 vạn rưỡi chàng cũng sẵn sàng phí đi để cứu Nhung. Chàng nhìn thẳng vào mặt
ông Ký Hồng mà nói:
- Con thương Nhung lắm.
Ông Ký lạnh lùng trả lời:
- Phải, tôi biết!
Rồi ông tác sác bảo:
- Cậu thương Nhung thì
mặc cậu, nhưng cậu muốn lấy tiền ngay bây giờ thì tôi không bằng lòng đưa! Cậu
không thể bắt buộc tôi được!
Càng trông thấy cái bộ
điệu của Ký Hồng lúc bấy giờ, Hoàn lại càng không thể nào chịu được.
Chàng cũng không nể cái
người cha sinh ra người yêu của mình nữa!
Vì thế cho nên những lời
qua tiếng lại mỗi lúc càng thêm gắt gao và nặng nề, điểm thêm những tiếng đập
chân thình thình và những tiếng đập bàn chan chát!
Và lúc Hoàn ở nhà ông
Ký Hồng ra thì đã hơn 5 giờ chiều. Đàn chó ở trong sân thấy người lạ, sủa dữ dội,
Hoàn đợi mấy phút không có người ra mắng chó, - chắc thằng bếp hay thằng xe đều
có việc đi đâu vắng, - đành phải rút chiếc mùi xoa trắng trong túi ra, vừa đi
giật lùi, vừa xua chó ra tới cổng.
Chàng thấy chán nản vô
cùng! Chàng thấy đời chẳng tốt đẹp như trước đây chàng vẫn yên trí; có những người
mẹ thân mến, sẵn sàng hy sinh như mẹ mình xưa kia, có những người anh đạo đức
và khoan hồng như anh Cả! Bây giờ, chàng đã thấy ở đời cũng có những người cha
sắt đá, nghĩ đến tiền hơn nghĩ đến con, như ông Ký Hồng…
Hoàn đi lang thang
ngoài phố.
Nghĩ quanh quẩn, Hoàn bỗng
dưng đâm ra oán cả Kỳ Phát! Hoàn giận sao tài Kỳ Phát không đem ra ứng dụng vào
lúc này, hay là Phát cũng dửng dưng đối với việc Nhung! Mà có lẽ thế thực
chăng, vì Hoàn còn nhớ tới bộ điệu và lời nói chẳng có vẻ gì là sốt sắng của Kỳ
Phát.
Vậy ra người đời lạnh
lùng và độc ác đến như thế kia ư?
Không có một người nào
biết thương đến Nhung ngoài chàng hay sao?
Đèn điện ngoài phố lúc
này đã bật! Hơi thấy đói bụng, Hoàn rẽ vào một hiệu cao lâu bảo làm một món,
nhưng ngồi đợi một lát, lo lắng đến tình cảnh cấp bách của mình, mối nguy không
thể tránh được của Nhung, Hoàn thành ra bồn chồn, nóng ruột quá, lại đứng dậy
ra hàng trả tiền mà đi. Người thu tiền không hiểu sao lại có người khách lạ
lùng vào bảo làm, rồi lại trả tiền ăn trước khi món làm xong, và bỏ đi mất!
Nhưng trí óc Hoàn bây
giờ hoàn toàn lo về việc Nhung, đâu có để ý đến chuyện nhỏ mọn ấy. Chàng nghĩ
mãi, thấy kiếm ra 2 vạn rưỡi bạc trong 24 tiếng đồng hồ không còn cách nào nữa,
sau cùng đành phải quyết định sáng sớm hôm sau về đồn điền, và chàng sẽ dùng hết
cách để bán đắt rẻ một món gì đấy để lấy tiền…
Nhưng còn Kỳ Phát? Liệu
Kỳ Phát có ưng không? Hoàn không dám chắc, khi nhớ đến thái độ gần như lãnh đạm
của người anh Cả trước việc của Nhung… Và càng nghĩ đến, Hoàn lại càng thêm giận
Phát, rồi Hoàn lẩm bẩm:
- Việc của mình, mình
phải lo. Ta đành cứ làm liều, rồi xong việc anh Cả có trách mắng thì mình chịu
vậy!
Nghĩ thế, Hoàn không muốn
về nhà nữa, vì sợ gặp Kỳ Phát lại hỏi han lôi thôi, thong thả đi tìm một phòng
ngủ để thuê!
6
DÒNG MÁU TRÊN CẦU THANG
Tiếng chuông điện thoại
kêu réo. Thằng xe và thằng bếp đương ngồi khểnh tán chuyện vì rỗi rãi ông chủ
không ăn cơm nhà, vội vàng đứng dậy.
Thằng bếp bảo:
- Chắc ông còn đương dở
thay quần áo đi ăn tiệc, nên không trả lời tê-lê-phôn, anh chạy ra nghe đi!
Thằng xe gật đầu:
- Chắc lại ông Tham Cảnh
hỏi ông chủ đã đi chưa chứ gì!
Tiếng chuông điện thoại
vừa ngừng lại réo vang. Thằng xe không dám chậm trễ nữa, vội vàng chạy lên. Nó
đoán quả đúng, sau khi trả lời rằng ông chủ đương sửa soạn, thì ông Tham Cảnh ở
đầu dây đằng kia bảo: “Anh vào thưa với ông chủ rằng nhanh lên nhé, chúng tôi
hiện đã đang đợi ở nhà hàng Joseph rồi.”
Thằng xe gác ống nghe,
rồi đi về phía buồng ngủ. Nó hơi ngạc nhiên vì thường ông chủ vẫn rất đúng hẹn,
sao hôm nay lại chậm chạp như vậy. Nó lẩm bẩm lúc rồi bắt đầu trèo lên chiếc cầu
thang gạch: “Chắc vì bị anh Hoàn quấy rầy, nên ông mất thời giờ như thế.”
Nhưng thằng xe chưa
trèo lên được ba bậc đã ngạc nhiên dừng lại. Nó thấy chân giẫm phải một cái gì
dinh dính… Thấy một dòng nước chảy từ trên cửa buồng ngủ xuống, thằng xe lẩm bẩm:
- Quái, không biết ông
cụ đánh đổ nước gì thế này!
Vừa nói nó vừa giơ chân
lên xem… Ánh đèn điện ở ngoài phố, qua một khu vườn nhỏ còn đủ cho nó nhận ra
cái nước dinh dính ở chân mầu đỏ thẫm, như mầu máu!
Hoảng hốt nó kêu lên:
- Ông ơi! Ông ơi!
Rồi lại tiếp luôn:
- Anh bếp! Anh bếp!
Nhanh lên!
Thằng bếp vội vàng chạy
ra, miệng hỏi tíu tít:
- Cái gì đấy? Cái gì đấy?
Thằng xe lúc này đã sợ
quá, rủn chân không bước được, chỉ bảo thằng bếp rằng:
- Anh thử lên buồng ông
chủ xem sao lại có dòng máu chảy loang xuống cầu thang thế này!
Thằng bếp mạnh bạo hơn,
bước vội lên và vẫn nhớ theo lệ thường, dừng chân đứng gõ cửa buồng ngủ. Không
có ai trả lời, mà bên trong đèn vẫn sáng, nó thử cầm xoay nắm cửa thì thấy
không khóa, nên đẩy vào! Ánh sáng đèn trong phòng toả ra, làm đỏ tươi dòng máu
chảy ở cầu thang, cũng như cho ta thấy sắc mặt xanh nhợt của thằng xe, hai đầu
gối đương run bần bật! Cả thằng bếp cũng không hơn gì, vì nó đã trông thấy rõ cảnh
tượng rùng rợn ở trong phòng: ông Ký Hồng ngồi gục đầu vào một chiếc bàn viết
nhỏ, sau lưng, một lưỡi dao găm cắm ngập đến gần tận chuôi. Từ chỗ bị thương chảy
ra một dòng máu thấm đẫm áo, loang ra mặt đất rồi theo mạn dốc mà chảy ra phía
cửa. Trong buồng, mọi đồ đạc vẫn y nguyên, ngọn đèn để bàn vẫn cháy, trước mặt
ông Ký còn gói thuốc lá. Trên chiếc gạt tàn còn gác một điếu thuốc hút dở nhưng
tắt tự bao giờ.
Thằng bếp hoảng sợ, vội
bảo thằng xe gọi dây thép nói cho sở Liêm phóng biết, nhưng thằng này mặt tái
nhợt không còn hột máu, không sao mà bước chân đi được. Thằng bếp phải dìu bạn
xuống rồi quay máy báo tin cho các nhà chuyên trách biết.
Chỉ 5 phút sau, nhân
viên nhà Liêm phóng đã có mặt tại chỗ, trong số đó có viên thanh tra Trúc Tâm.
Cuộc khám xét cũng giống
như mọi vụ thường, nghĩa là cũng chụp ảnh chỗ người thiệt mạng nằm, giữ gìn những
vật thường cầm đến để lấy vết tay, như quả nắm cửa, chìa khóa, nhất là chuôi
chiếc dao găm. Trúc Tâm lại cẩn thận lấy cả vết giầy dưới đất nữa.
Xét khắp cả trong phòng,
Trúc Tâm không thấy có dấu vết gì là cuộc vật lộn, chống cự, và liên lạc với lời
thầy thuốc khám nghiệm thi thể nói người thiệt mạng bị vết thương trúng tim nên
chết ngay tức khắc, Trúc Tâm đoán chắc ông Ký Hồng đã bị hung phạm đâm trong
lúc bất ngờ, giữa khi ông ngồi suy nghĩ vẩn vơ trong phòng ngủ, lưng quay ra
phía cửa… Trúc Tâm đoán ông Ký đang ngồi suy nghĩ là vì trước mặt ông không hề
có sách vở, hoặc giấy bút gì cả để đoán ông đương đọc hay viết, vả lại gói thuốc
lá và điếu thuốc cháy dở càng chứng tỏ cái giả thuyết của Trúc Tâm.
Muốn biết trong phòng
có mất vật gì không, Trúc Tâm cần phải hỏi Nhung, con gái ông Ký, nhưng khốn
Nhung hiện còn bị bắt cóc chưa biết ở đâu. May thay, hai tên người nhà vốn ở với
ông Ký đã từ lâu, những lúc Nhung đi vắng xa hàng tháng, chúng cũng vẫn hầu hạ
ông Ký được chu đáo, nên Trúc Tâm có thể tạm căn cứ vào lời khai của chúng được.
Bắt lần lượt thằng xe và thằng bếp vào trong phòng ngủ xem xét một lượt, rồi hỏi
riêng rẽ từng đứa, cả hai đều khai giống nhau, nghĩa là trong phòng ngủ không hề
mất qua một vật gì cả.
Trúc Tâm nghĩ ngợi rồi
lẩm bẩm:
- Hay là ông Ký Hồng bị
kẻ thù giết?
Chưa căn cứ vào đâu mà
dám chắc, Trúc Tâm xem xét tử thi kẻ bất hạnh lại một lần nữa, vì chàng vẫn e rằng
con mắt khoa học của viên thầy thuốc vẫn có thể quên sót không bằng con mắt
trinh thám của mình! Nhưng Trúc Tâm cũng không thấy có gì khả nghi cả. Lục lọi
đến các túi, Trúc Tâm thấy trong ví có vừa giấy lớn giấy con, hơn một trăm bạc,
một số tiền như thế đối với một người giầu có như Ký Hồng cũng không có gì là lạ.
Có điều Trúc Tâm càng lưu ý đến cái giả thuyết lúc nẫy của mình. Phải, tất là một
kẻ thù đã ám hại Ký Hồng, chứ nếu kẻ gian giết vì tiền bạc, tất nhiên việc thứ
nhất của hắn là chiếm lấy chiếc ví kia…
Nhưng đột nhiên, Trúc
Tâm lấy làm lạ rằng trong túi ông Ký Hồng, cũng như ở đầu giường, trong ngăn
kéo, không thấy có một chiếc chìa khóa nào cả, mà hỏi lại người nhà thì chúng đều
nói ông Ký bao giờ trong túi cũng có một chùm chìa khóa gồm có những chìa khóa
ngăn kéo làm việc, chìa khóa tủ, và chìa khóa két. Còn chiếc chìa khóa buồng ngủ
và buồng ăn, buồng làm việc đều buộc làm một.
Chìa khóa két, ba tiếng
này như một tia sáng chói lòa trước mắt Trúc Tâm. Để những nhân viên phụ việc
ghi chép những điều cần biết để làm biên bản, Trúc Tâm đi cùng thằng xe xuống
dưới buồng làm việc. Thử đẩy cửa thấy khóa, Trúc Tâm hỏi:
- Thế chìa khóa buồng
này đâu?
Thằng xe thưa:
- Lúc nẫy con đã thưa với
ông rằng cả ba chìa khóa buồng ngủ, buồng ăn và buồng khách, đều buộc làm một
và do ông con giữ!
- Thế nghĩa là lúc nào
cũng chính tay ông Ký mở cửa và khóa cửa các buồng ư?
Thằng xe lắc đầu:
- Thưa ông không, mỗi
buồng đều có hai chìa, một chìa ông con giữ và một chìa anh bếp giữ. Chính anh
bếp vẫn vào xếp dọn các phòng và quét tước, nhưng ông con cũng giữ chìa khóa là
vì muốn những lúc anh bếp bận hoặc đi chợ, ông con không phải đợi lấy chìa
khóa!
Rồi tên xe nhanh nhảu
nói:
- Thưa ông, để con bảo
anh bếp lên mở cửa!
Trúc Tâm gật đầu, nhưng
vội gọi giật lại mà bảo:
- Anh đứng đấy tôi hỏi
mấy điều đã! Việc ông Ký bị giết, anh có nghi cho ai không?
Thằng xe lắc đầu:
- Thưa ông không.
- Anh có biết ai là kẻ
thù của ông Ký không?
- Thưa ông, chủ con ít
giao thiệp, chỉ có mấy người bạn thì đều là thân thiết cả. Bạn sơ thì rất hiếm,
mà con cũng không nghe thấy nói có ai là kẻ thù cả!
Trúc Tâm nghĩ ngợi một
lát rồi nói:
- Anh có nghi ngờ gì thằng
bếp không?
Thằng xe lắc đầu:
- Thưa ông, không, suốt
từ lúc ông con có khách cho đến tối, lúc nào con cũng ở cạnh anh bếp vì hôm nay
rỗi rãi, con cũng theo anh ấy đi chợ chơi. Vả lại, anh bếp ở với ông chủ con
lâu lắm rồi, chắc phải trung thành lắm nên ông chủ mới tin cậy thế!
Trúc Tâm hỏi:
- Anh vừa nói ông chủ
có khách, vậy khách nào thế?
- Thưa ông, đó là cậu
Hoàn, con nghe nói hình như là người định lấy cô Nhung…
Trúc Tâm gật đầu:
- Thôi, được rồi, anh
hãy đi tìm anh bếp lên đây!
Một lát sau, tên bếp lấy
khóa mở cửa buồng. Trúc Tâm hỏi:
- Chùm chìa khóa này
anh vẫn thường treo ở đâu?
- Thưa ông không, chìa
khóa bao giờ con cũng giữ trong người không rời ra bao giờ cả!
Trúc Tâm không hỏi thêm
gì nữa, bật đèn trong phòng lên. Đó là một phòng làm việc rộng rãi, ngoài chiếc
tủ giấy má, chiếc bàn giấy rộng lớn, mấy chiếc ghế để tiếp khách, chỉ còn một
chiếc két sắt kê sát góc tường mà thôi.
Trúc Tâm đứng ngắm
nghía suốt trong gian phòng, rồi đến bên cạnh tủ sắt. Một linh khiếu đã như báo
trước cho Trúc Tâm biết trong tủ tất phải có một sự lạ lùng… Chàng chầm chậm
soi đèn bấm, nhìn kỹ lưỡng chỗ tay cầm, chỗ lỗ khóa rồi bảo người lấy vết tay cẩn
thận, xong đâu đấy mới thử kéo cánh cửa sắt ra.
Nhưng cánh cửa đóng chặt.
Trúc Tâm bảo người đi
tìm thợ khóa, còn mình thì cẩn thận xem xét lại gian phòng một lượt nữa. Cuộc
tìm tòi hình như không đưa đến kết quả gì cho chàng nên ta thấy chàng lẩm bẩm:
- Có lẽ chính là kẻ thù
hạ sát thật chăng?
Thợ khóa vẫn chưa đến,
Trúc Tâm ngồi xuống ghế, rút cuốn sổ tay ghi chép mấy điều mà chàng cho là quan
trọng rồi hỏi tên bếp rằng:
- Anh đến ở với ông Ký
Hồng lâu lắm rồi phải không?
Tên bếp gật đầu, trả lời:
- Thưa ông, vâng, con
còn chỉ kém mấy tháng nữa thì ở hầu ông con vừa đúng được 9 năm.
Trúc Tâm tiếp:
- Thế tất anh phải biết
những kẻ thù của ông Ký là ai?
Tên bếp có vẻ nghĩ ngợi
một lát, lắc đầu, đáp:
- Thưa ông, con chắc những
người ghét ông con thì hẳn cũng có nhiều, vì ai mà tránh được, nhưng có kẻ thù
đến mưu hại thì con không hề biết!
- Ông Ký bị giết anh có
nghi cho ai không?
- Thưa ông không!
Ngay lúc này thì người
thợ khóa đến.
15 phút sau thì mở cánh
cửa két ra được. Thấy tiền để ở trong két rất nhiều, Trúc Tâm lẩm bẩm:
- Chắc không phải hung
phạm thi hành thủ đoạn vì tiền!
Rồi chàng quay lại hỏi
tên bếp:
- Số tiền để ở trong tủ,
chắc cô Nhung phải biết! Nhưng ngoài ra còn ai, ví dụ như người thư ký, kế toán
biết không?
Tên bếp lắc đầu:
- Thưa ông không! Đã
lâu nay không kinh doanh gì mấy, ông con không dùng đến thư ký nữa. Mà cho đến
cả cô Nhung cũng khó biết trong két có bao nhiêu vì cũng thường xuất nhập luôn
luôn… Nhưng con biết ông con vẫn có một quyển sổ két, để trong ngăn kéo bàn giấy
kia để ghi chép mọi khoản chi tiêu, chắc cũng có ghi cả số tiền còn lại trong
két!
Trúc Tâm gật đầu:
- Nếu thế thì hay lắm,
để tôi xem!
Và lần này nữa, mở các
khóa ngăn kéo bàn giấy, Trúc Tâm lại phải nhờ đến tay thợ khóa vì cả chùm chìa
khóa của ông Ký Hồng đều không tìm thấy một chiếc nào. Mở cuốn sổ ra xem, đúng
như lời tên bếp nói, Trúc Tâm thấy trong đó ông Ký có ghi đủ cả mọi khoản chi
thu, cũng như số tiền hiện có trong tủ sắt. Trước khi kiểm điểm số tiền hiện có
trong két, Trúc Tâm hãy xem xét các tủ, các ngăn kéo, lục đọc những giấy má,
nhưng không hề thấy có gì lạ cả.
Nhưng đến lúc kiểm tiền,
so với số ghi trong sổ, thì Trúc Tâm ngạc nhiên thấy két thiếu đúng 2 vạn rưỡi
bạc!
7
MỘT THÁM TỬ ÂN HẬN
TRƯỚC SỰ THÀNH CÔNG
CỦA MÌNH
Chúng tôi yên lặng nhìn
nhau có tới ba phút.
Rồi Trúc Tâm bỗng thở dài:
- Tôi thực ân hận quá,
nhưng không thể làm sao được! Cái số tiền mất lại đúng 2 vạn rưỡi bạc!
Kỳ Phát bây giờ đã điềm
tĩnh lắm rồi, chàng gật gù nhắc lại:
- Ừ, sao lại 2 vạn rưỡi
bạc!
Trúc Tâm cũng tiếp:
- Phải, 2 vạn rưỡi bạc,
đúng với số tiền mà bọn bắt cóc Nhung đòi chuộc! Tôi đã hỏi kỹ lưỡng hai tên
người nhà, chúng đều trả lời: người khách mà ông Ký Hồng tiếp cuối cùng là
Hoàn! Tên xe lại nói thêm rằng giữa lúc hai người đương nói chuyện với nhau, nó
có việc vào hỏi ông Ký thì thấy lúc ấy cửa tủ sắt mở, ông Ký và Hoàn hình như
đương cãi cọ kịch liệt…
Kỳ Phát cười nhạt:
- Vì thế mà anh ngờ cho
Hoàn giết ông Ký chứ gì?
Trúc Tâm lắc đầu:
- Anh chắc không lạ gì
tính tôi vốn cẩn thận, nhất là việc này lại dây đến Hoàn tức là một người tôi
cũng coi như em vậy! Thoạt đầu, tôi nghi cho hoặc tên bếp hoặc tên xe, hoặc cả
hai tên thông đồng với nhau để ám hại chủ. Nhưng cuộc thẩm vấn của tôi đã thấy
rõ ràng cả hai đứa đều thực, nhất là tên bếp, nếu nó muốn lấy tiền trong két, tất
nhiên nó phải hủy ngay cuốn sổ kia đi đã!
Kỳ Phát ngắt lời:
- Anh không cần phải
nói nhiều về hai tên người nhà, cứ theo lời anh thuật lại tôi đã biết chúng đều
vô tội!
Tôi đỡ lời Kỳ Phát bảo
Trúc Tâm rằng:
- Anh Phát muốn anh thuật
rõ mọi việc làm cho anh không ngần ngại gì mà bắt ngay Hoàn!
Trúc Tâm nhìn Kỳ Phát,
lộ vẻ thương thay cho bạn, một lát một thong thả nói:
- Vâng, để tôi xin kể,
và tôi rất tiếc rằng có nhiều chứng cớ rõ ràng quá. Sau khi thấy số tiền mất
đúng 2 vạn rưỡi bạc, và biết Hoàn là người cuối cùng đã có chuyện cãi cọ với
ông Ký Hồng, lập tức tôi sai người một mặt đến tìm anh và Hoàn, một mặt tôi giục
những người lấy dấu tay cho tôi biết kết quả. Cả hai việc không đem lại cho tôi
gì, vì xét ra không có một dấu tay nào, - có lẽ thủ phạm đã khôn ngoan dùng bao
tay cao su - còn anh và Hoàn cùng đi vắng cả; anh thì vừa đi xong, mà Hoàn thì
đi ngay từ buổi sáng, lúc người lại tìm đúng 12 giờ, cũng chưa thấy Hoàn về ngủ.
Lập tức tôi đánh điện đi khắp các bóp phụ ở mọi đầu phố, xem có thấy ai hình
dáng giống Hoàn không, vì anh hẳn cũng biết như tôi, những kẻ sát nhân thường
sau khi thi hành xong thủ đoạn hay đi vơ vẩn lang thang lắm. Tôi lại sực nhớ có
kẻ hung phạm sau công việc tàn ác rồi lo sợ quá, phải dùng đến rượu để cho lòng
thêm hăng hái, nên thân đi hỏi các hiệu cao lâu, hàng rượu, xem có ai hình dáng
giống Hoàn vào không.
Tôi ngắt lời:
- Chắc anh đi mất công
vì tôi vốn biết Hoàn không hề bao giờ uống rượu!
Trúc Tâm gật đầu:
- Cũng có lẽ thế thực,
mặc dầu, tôi cũng được thấy tung tích của Hoàn…
Kỳ Phát giật mình:
- Anh thấy Hoàn ở hiệu
cao lâu nào?
Trúc Tâm lắc đầu:
- Không, tôi chỉ dò được
một hiệu cao lâu Hoàn vào, bảo làm món ăn, nhưng rồi không đợi làm xong, trả tiền
bỏ đi… như một người điên, hay một người đương bối rối vì đã nhúng tay vào máu
người cũng thế!
Kỳ Phát lạnh lùng nói:
- Anh cứ kể nốt, bất tất
phải chốc chốc lại buộc tội như thế!
Trúc Tâm gật đầu tiếp:
- Nửa giờ sau, tôi được
tin báo Hoàn đã thuê một buồng ở phòng ngủ phố Cửa Đông. Không chậm trễ một
phút nào, tôi lập tức cùng hai người giúp việc đến ngay. Hỏi lại bồi, nhận đích
hình dáng của Hoàn, tôi gõ cửa phòng… Gọi mãi đến mười phút, sau nóng ruột quá,
tôi đập cửa thình thình mới thấy Hoàn lên tiếng và ra mở.
Kỳ Phát ngắt lời, hỏi:
- Vậy ra Hoàn đã ngủ rồi!
Trúc Tâm gật đầu:
- Mà ngủ mệt là đằng
khác nữa, nên mãi đến lúc tôi đập cửa, Hoàn mới sực thức, ra vặn khóa mở cửa…
Anh nên để ý điều này: chìa khóa Hoàn vẫn cắm nguyên ở cửa khi đi ngủ… Hoàn thấy
tôi lộ vẻ sợ hãi lắm nhưng còn vờ hỏi: “Ông có tin tức gì của Nhung rồi chăng?”
Tôi đáp: “Không, nhưng tôi có tin của ông Ký Hồng, ông vừa bị người ám sát!”
Câu này làm cho Hoàn choáng váng, miệng hỏi: “Thế Nhung có việc gì không?” Chân
thì bước ra nhưng hai người phụ việc của tôi đã giữ Hoàn lại. Và hai anh có
đoán được tôi đã tìm thấy ở trong phòng Hoàn vật gì không?
Kỳ Phát mỉm cười một
cách khinh khi, trả lời:
- Hẳn anh đã tìm thấy
con dao vấy máu giống y như ở trong các tiểu thuyết trinh thám vậy?
Trúc Tâm lắc đầu:
- Anh đã quên rằng con
dao nhọn còn cắm ngập vào vết thương ư? Nhưng tôi tìm được một vật cũng quan hệ
chẳng kém gì con dao: tôi đã tìm thấy chùm chìa khóa của ông Ký Hồng dưới nệm của
Hoàn!
Tôi ngắt lời:
- Nhỡ có kẻ thù Hoàn vất
chìa khóa vào định buộc tội cho Hoàn thì sao?
Trúc Tâm gật đầu:
- Chính Hoàn cũng kêu
lên như vậy, khốn nhưng, như tôi đã nhắc các anh chú ý từ trước: lúc Hoàn ngủ
thì cửa phòng khóa mà chìa khóa lại cắm nguyên ở bên trong, nghĩa là không có kẻ
nào ở ngoài vào được… Thấy tôi vặn lý ấy, Hoàn lại vờ suy nghĩ rồi bỗng nói với
tôi rằng: “Trong lúc Hoàn vừa đặt mình, mơ màng sắp ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa.
Hoàn ra mở nhưng lúc ấy hình như choáng váng tê mê không nhớ thêm gì nữa!” Thực
có kẻ nào đã vào chăng? Hay là Hoàn mê ngủ? Hay là chỉ một chuyện bịa đặt để
toan chối lỗi nhưng không đứng vững và không có đầu cuối gì cả. Có điều rõ ràng
là chiếc khóa kia còn cắm nguyên ở ổ khóa mà trong phòng chỉ có một mình Hoàn,
nghĩa là ngoài Hoàn ra, không có ai vào trong phòng cả. Vì nếu vào, thì khi họ
ra, ai khóa cửa lại ở phía bên trong cho họ? Nếu là Hoàn, thì Hoàn phải biết người
ấy là ai?
Tôi ngắt lời:
- Nhưng Hoàn bảo rằng
choáng váng tê mê không biết gì cơ mà?
Trúc Tâm cười nhạt:
- Không biết là ai
nhưng lại biết khóa cửa lại rồi đi ngủ, nói thế thì vô lý không sao mà tin được!
Kỳ Phát gật gù nhưng vẫn
không bỏ giọng chế nhạo:
- Trúc Tâm, anh luận lý
khá quá!
Không lạ gì giọng Kỳ
Phát, Trúc Tâm hơi cau mặt, rồi bảo:
- Anh Kỳ Phát ạ, nhưng
cũng chưa hết chứng cớ đâu, tôi còn đo giầy, so với vết ở lối cầu thang thì
đúng là vết giầy của Hoàn!
Kỳ Phát vẫn điềm nhiên
hỏi:
- Anh hẳn còn thêm chứng
cớ nữa?
Trúc Tâm gật đầu:
- Anh đoán đúng: sực nhớ
đến việc kẻ gian dặn chôn tiền ở đê Cổ Ngư, tôi lập tức cho người đi tìm đúng
chỗ, thì quả nhiên thấy đúng 2 vạn rưỡi bạc mà ông Ký Hồng đã mất!
Kỳ Phát mỉm cười:
- Tôi như anh thì tôi
đã cho người nấp bốn ngả rình xem, may ra có bắt được cả bọn hung phạm đã bắt
cóc Nhung không.
Trúc Tâm nói:
- Có, tôi đã làm đúng
như lời anh vừa nói, tiếc thay, tôi không thấy được kẻ nào khả nghi cả. Tôi chắc
chúng cũng vẫn cho người dò xét, khi thấy việc tống tiền đã đến tai nhà chuyên
trách thì chúng không dám màng tới chỗ để tiền nữa!
Kỳ Phát vươn vai, ra
dáng mỏi mệt, rồi ngáp dài mà hỏi Trúc Tâm rằng:
- Bây giờ tôi muốn anh
kết luận!
Trúc Tâm nói:
- Tôi kết luận rằng
chính Hoàn đã giết ông Ký Hồng. Chắc hẳn sau khi nhận được thư tống tiền, dọa nạt,
Hoàn thương Nhung quá, lo sợ không biết tìm cách nào để đào ra được 2 vạn rưỡi
bạc. Túng thì phải tính, một khi người ta đã mù mắt vì ái tình thì không nghĩ
gì nữa. Vả lại chính Hoàn cũng đã phải nổi giận vì ông Ký keo kiệt không muốn bỏ
tiền ra chuộc con… Không kể chùm chìa khóa là tang chứng làm cho Hoàn không thể
chối cãi được, cứ nguyên một chỗ tủ két thiếu đúng 2 vạn rưỡi bạc, đủ rõ kẻ ám
hại ông Ký chính là Hoàn, vì nếu là kẻ khác tham tiền thì hẳn khi chúng đã mở
được két, phải lấy một số tiền hơn thế nữa, khi tủ của ông Ký Hồng đầy lèn những
bạc. Nhưng đối với Hoàn thì không, Hoàn chỉ cần đúng số tiền ấy để cứu Nhung,
Hoàn đâu có phải là kẻ giết người vì tham tiền của!
Kỳ Phát gật gù:
- Tôi chịu anh đấy!
Trúc Tâm có vẻ đắc thắng,
nói:
- Đó, anh coi, sự thực
đã hiển nhiên như vậy nên tôi dù thương Hoàn như thế nào cũng không thể làm
trái với bổn phận được! Thực trong cuộc thành công này, tôi lấy làm ân hận vô
cùng!
Kỳ Phát lạnh lùng lắc đầu:
- Không, anh hiểu nhầm
câu tôi nói! Ý tôi muốn bảo rằng tôi thực chịu không hiểu tại sao mà anh ngang
bướng thế, nhất định bắt Hoàn phải là thủ phạm, cố sức luận lý một cách… vô lý
vô cùng!
Trúc Tâm ngạc nhiên, hỏi
lại:
- Anh nói sao, tôi
không hiểu!
Kỳ Phát điềm tĩnh trả lời:
- Tôi nói rằng mặc dầu
những bằng cớ của anh, tôi vẫn bảo rằng Hoàn vô tội!
- Anh căn cứ vào đâu mà
quả quyết như vậy?
Kỳ Phát gật đầu:
- Anh cứ yên tâm, rồi
tôi sẽ có những bằng cớ! Thôi, bây giờ thì anh về nghỉ trưa và cứ yên lòng mà
ngủ, chớ có ân hận gì cả, vì Hoàn sẽ không bao giờ vì anh mà phải tù tội!
Trúc Tâm lắc đầu:
- Tôi đánh cuộc với
anh…
Kỳ Phát cả cười:
- Càng hay lắm, vì tôi
cũng đương định bảo anh! Vậy hễ bao giờ mà Hoàn rõ ràng vô tội được ra thì anh
phải đãi chúng tôi một bữa tiệc mừng đấy nhé!
Vừa nói, Kỳ Phát vừa đẩy
Trúc Tâm ra ngoài rồi đóng cửa lại.
8
MẢNH ÁO MẦU TÍM
Nhưng lúc Kỳ Phát trở
vào thì tôi không thấy chàng còn cái dáng điệu ngạo nghễ kia nữa. Chàng bơ phờ
ngồi xuống ghế, rồi thong thả, thở dài bảo tôi rằng:
- Tôi tức vì Trúc Tâm bắt
Hoàn nên khiêu khích anh chàng như vậy mà thôi, kể ra tôi thực không công bình
một chút nào!
Tôi nhìn Phát thương hại:
- Vậy anh cũng tin rằng
Hoàn là thủ phạm ư?
Kỳ Phát lắc đầu:
- Không đời nào!
- Nhưng anh hẳn đã có
chứng cớ?
Kỳ Phát gật đầu:
- Tôi có một chứng cớ
chính: Hoàn là con của Cúc! Tôi bao giờ cũng tin chắc một người con của Cúc tất
không bao giờ lại làm những việc như vậy!
Tôi buồn rầu, lắc đầu:
- Khốn, nhưng cớ đó chỉ
là cớ… tinh thần đối với riêng anh thôi, không thể dùng làm một cớ đưa ra trước
pháp luật được!
Kỳ Phát thở dài, gật đầu:
- Quả có thế! Nhưng được
cái tôi đã thấy có nhiều manh mối trong vụ này, tôi hy vọng sẽ do đó mà tìm ra
được nhiều chứng cớ xác thực!
Tôi hỏi:
- Anh sẽ cố tìm ra hung
thủ đã giết ông Ký Hồng?
Kỳ Phát lắc đầu:
- Đó là việc của các
nhà chuyên trách. Tôi bây giờ cần nhất chỉ là việc làm sao giãi tỏ được nỗi oan
của Hoàn!
Và quả quyết, Phát tiếp:
- Và tôi tin chắc sẽ phải
thành công, nếu không thì từ nay, anh sẽ không thấy ai nhắc đến tên Kỳ Phát nữa!
Buổi trưa, Kỳ Phát ngủ
thực đẫy giấc rồi dậy tắm rửa thay quần áo. Chàng trinh thám của chúng ta lúc
này có vẻ sảng khoái lắm, thổi còi miệng sửa nắn chiếc ca vát trước gương rất cẩn
thận như thời phong nhã khi xưa.
Gọi xe lại phòng ngủ mà
đêm trước Hoàn đã nghỉ lại, Phát chọn một buồng sang trọng, rồi hẹn ở nhiều
ngày, tưởng chừng như là một khách quý, giầu sang ở nơi xa đến thăm Hà Nội. Cho
luôn mấy tên bồi một số tiền khá hậu, Kỳ Phát đã làm cho chúng dù đứa lười biếng
nhất cũng trở thành nhanh nhẹn và lễ phép vô cùng.
Rồi đó, một cái vẫy
tay, một cái hé miệng của Kỳ Phát thẩy đều là những hiệu lệnh mà người ta răm rắp
làm theo rất nhanh và cẩn thận. Ngoài ra Kỳ Phát lại còn luôn luôn sai đi sắm
thứ này, đi mua món ăn khác, những cái mà bọn bồi đều có thể ăn bớt được rất
nhiều, nên chúng lại càng tranh nhau mà chiều chuộng phục dịch chàng.
Nhưng sự thực, vào đây,
Kỳ Phát chỉ cố ý tìm thêm mấy chứng cớ mà chàng do lời kể của Trúc Tâm đã thấy
hình bóng ở trong tâm trí.
Chàng dần dà hỏi tên bồi
hết chuyện này sang chuyện khác, rồi bỗng nhắc lại vụ bắt Hoàn:
- Tôi qua Hà Nội cũng sợ
lắm, vì chỗ phồn hoa này những kẻ cường bạo thực không thiếu gì!
Tên bồi lắc đầu gãi
tai, thưa:
- Cậu không việc gì mà
ngại, không dám nói khoe, chứ cứ nguyên mắt chúng con, ai gian ai ngay, chúng
con biết ngay, đứa nào mà lảng vảng định xoay xở cậu thì gọi là cứ chết với
chúng con!
Kỳ Phát cười:
- Anh bảo anh sành
trông người, thế cái hôm thằng cha giết ông Ký Hồng rồi đến đây ngủ trọ, sao
các anh không nhận ngay ra được kẻ sát nhân.
Tên bồi cũng cười:
- Quả thực chúng con
không ngờ! Nhưng cứ thấy bộ dạng anh chàng ấy đến đây thuê buồng, rồi một mình
nằm quay ra ngủ ngay thì cũng khả nghi lắm…
Kỳ Phát hỏi:
- Tôi nghe thấy có người
nói thủ phạm hiện vẫn chối, mặc dầu bị bắt quả tang chùm chìa khóa ở phòng hắn.
Hắn cứ kêu oan, bảo có người thù vất chìa khóa vào buồng!
Tên bồi bĩu môi, bảo:
- Chúng con ở đây nào
có biết nó là cha căng chú kiết nào mà thù!
- Nhưng còn những người
ngoài vào đây! Tôi còn lạ gì tại các lữ điếm, người ra vào ban tối lũ lượt,
khách vào trọ, khách quen của người trọ, những hàng quà bánh mà khách gọi mua, ấy
là chưa kể khách đã lấy buồng rồi còn ra vào nhiều lượt mà không ai có quyền hỏi
cả! Như thế thì dù có người vào buồng tên sát nhân kia trong lúc hắn ngủ các
anh ở đây cũng không thể biết được.
Tên bồi có vẻ nghĩ ngợi,
một lát nói rằng:
- Những điều cậu vừa
nói rất đúng. Nhưng hôm ấy trời lại hơi mưa, mà không phải tối thứ bẩy, chủ nhật
đầu tháng gì nên không có lắm người đi chơi. Con còn nhớ lúc ấy tuy không phải
đến lượt con gác đêm nhưng vì anh Ba bận đi gọi một cô trên Hàng Bún nên con ngồi
ngoài cửa thay…
Kỳ Phát ngắt lời:
- Gọi là ngồi gác,
nhưng hẳn anh cũng lại nằm khểnh trong buồng chứ gì?
Tên bồi cười, trách nịnh:
- Gớm, cậu thì cái gì
cũng biết. Lúc ấy khách buồng số 10 vừa cho được điếu Lucky, con bèn nằm khểnh
mà hút thuốc, tuy vậy ai ra vào con cũng biết, con chẳng thấy… có một ai vào buồng
của tên sát nhân cả.
Kỳ Phát ngắt lời, hỏi lại:
- Tại sao anh đương nói
lại vừa dừng lại thế?
Tên bồi trả lời:
- Nguyên lúc con vừa nằm
hút thuốc, vừa nhìn ra có thấy một người con gái đi vào… Chị chàng ý hẳn cũng
là con nhà tử tế chứ không phải là cánh chơi nên xem chừng còn
rụt rè lắm…
Kỳ Phát vội hỏi:
- Người ấy vào buồng
hung phạm phải không?
Tên bồi lắc đầu:
- Không, con đã bảo cậu
rằng không có ai vào buồng hắn cả mà! Thấy chị chàng, con nghĩ thầm: “Cô ả nào
thế này, mà mới mặt thế!” Con liền nhổm dậy, nhìn theo xem thì ra chị chàng vào
buồng số 8, buồng lão khách béo! Chẳng rõ thằng cha tậu được ở đâu mà được “món
sộp” thế? Con nghĩ bụng để đợi xem, cô ả lúc nào ra về thì theo xem ở đâu để có
những khách quý như cậu thì chúng con đi gọi!
Kỳ Phát cười:
- Thế bây giờ anh biết
chỗ ở của “em” rồi chứ?
Tên bồi thở dài:
- Nếu thế còn nói chuyện
gì nữa, bây giờ con đã tìm cho cậu rồi! Khốn, nằm hút hết điếu thuốc lá mà cũng
chẳng thấy chị chàng ra, sau một lát thì anh Ba về, con đi ngủ.
Kỳ Phát ngẫm nghĩ một
lát rồi hỏi:
- Cô bé hẳn xinh lắm phải
không, anh có thấy rõ mặt chứ?
Tên bồi lắc đầu:
- Không, trời thì tối
mà chị chàng lại đi nhanh, con không nom rõ mặt nhưng chắc phải kẻng vì
cái “co” người đẹp lắm!
Kỳ Phát như thất vọng,
nhưng lại hỏi:
- Thế cô ả mặc áo mầu
gì?
Tên bồi tò mò nhìn Kỳ
Phát, buồn cười cho cái anh chàng này chưa chi mới nói thế mà đã có vẻ mê tít
đi rồi, trả lời:
- Cô bé mặc cái áo mầu
tím, trông nổi lắm!
Tên bồi đi rồi, Kỳ Phát
lẩm bẩm nhắc lại:
- Cô bé mặc cái áo mầu
tím!
Và chàng nhất quyết dò
hỏi thêm nữa để cho biết con người này, một mình vào trong một phòng ngủ, có
liên can gì đến vụ án mạng của Hoàn không. Mà người đầu tiên chàng hỏi thêm, tất
phải là Ba, tên bồi săm giữ việc gác đêm, sau khi lên Hàng Bún về.
Tên bồi này cũng vui vẻ
trả lời hết thẩy mọi câu hỏi của Kỳ Phát vì chúng đều biết càng được việc cho
những khách sang như Kỳ Phát thì chúng lại càng được nhiều tiền thưởng. Trước hết
Kỳ Phát hỏi hắn về Hoàn, tên bồi này cũng như tên trước nói cứ trông bộ điệu
Hoàn “gian” lắm nhất là thường thường thì rất ít khi có chàng trai trẻ đến đây
có một mình mà lại chịu thuê phòng… ngủ một mình! Nheo cặp mắt ra dáng tinh
ranh, Ba lại tiếp:
- Con nói riêng với cậu
thôi nhé! Sự thực, anh chàng ấy chẳng phải đến có một mình đâu, vì lúc đã khuya
khuya, con còn thấy có một “tiểu thư” ở buồng hắn ra… Con bé mặc áo mầu tím,
len lét che mặt mà ra về, ý chừng cũng chưa thạo nên còn thẹn thùng… Nhưng con
không dám nói với ai hết, vì mật thám mà biết thì con lại phải ra làm chứng lôi
thôi!
Kỳ Phát không hỏi thêm
gì nữa, vì như thế là đối với chàng thừa đủ rõ ràng lắm rồi. Chàng đã biết rõ
hôm ông Ký Hồng bị ám sát thì Hoàn đến phòng này ngủ, song, chẳng biết rõ có hẹn
nhau trước không, mà Hoàn không ở đây có một mình. Còn một người thứ hai nữa, tức
là người con gái áo tím.
Nhưng người ấy là ai, cả
hai tên bồi đều không nhận rõ mặt. Kỳ Phát sực nhớ đến “lão khách béo” mà tên bồi
thứ nhất nói “cô gái áo tím” đã vào buồng.
Lân la làm quen với người
khách béo ấy, chẳng mấy chốc mà Kỳ Phát đã có thể nheo cặp mắt cười mà hỏi rằng:
- Cái nị hôm nọ phát
tài nhé, vớ được đâu cô ả hẩu leng thế?
Lão khách béo cũng cười
mà hỏi:
- Cô ả nào cơ chứ, ngộ
có biết đâu?
- Lại còn cứ vờ giấu
mãi, cái cô mặc áo tím vào buồng nị tối hôm ấy mà, ngộ trông thấy rõ ràng…
Chợt nhớ, lão khách béo
cười khà khà mà bảo:
- Tưởng là ai, cái cô ả
ấy vào nhầm buồng ngộ đấy! Cô đẹp thực, ngộ tưởng cũng là gái kiếm tiền định giữ
lại nhưng không được!
- Thế nị có nhớ mặt
không, nếu còn nhớ thì để ngộ chỉ xem có phải cái cô ở đằng này không, phải thì
ngộ giới thiệu cho…
Lão khách lắc đầu:
- Ngộ cũng không nhớ được
mặt nữa, vì khi cô ấy vào, đứng nhìn ngộ, rồi kéo vạt áo che mặt đi, mà nói rằng
vào nhầm buồng… Ngộ cũng nóng nẩy quá, tắt ngay đèn đi, định đóng cửa giữ lại
nhưng cô ấy đã đẩy ngộ ngã xuống giường rồi chạy ra.
Rút trong ngăn kéo ra một
mảnh áo mầu tím Huế, lão khách béo vừa cười vừa bảo Kỳ Phát:
- Ngộ với tay nắm lại,
nhưng chỉ vớ được vạt áo thì cô ả đã giựt mạnh làm cho trong tay ngộ chỉ còn lại
mảnh áo này thôi.
Kỳ Phát cầm lấy mảnh áo
mầu tím ngắm nghía giây lát rồi nói rằng:
- Nị cho ngộ mượn mảnh
áo này, để ngộ giơ cho cô ả ngộ quen xem, nếu thấy cô ả đổi sắc mặt thì biết
ngay và lúc ấy ngộ sẽ tìm cách giới thiệu cho nị nhé.
Lão khách béo thích chí
cười tít mắt, nắm lấy tay Kỳ Phát, luôn miệng khen cái anh tống kính fẳng
dẩu rằng, hẩu lớ, hẩu lớ.
9
MỘT KẺ CHUYÊN MÔN
ĂN CẮP CHÌA KHÓA
Suốt cả buổi hôm ấy, Kỳ
Phát khóa cửa ngồi trong buồng mà ngắm nghía mảnh áo mầu tím… Nhiều lúc, chàng
bỗng đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng như có vẻ suy nghĩ điều gì nhiều lắm.
Chàng lại rút cuốn sổ con trong túi ra đọc đi đọc lại những điều mình ghi chép,
rồi bỗng đập bàn đứng dậy, bảo:
- Phải, chỉ có một người
thôi, không còn ai vào đây nữa!
Và chàng mặc áo, đội mũ
ra đi. Rẽ qua vào mấy tòa soạn tờ báo hàng ngày, Kỳ Phát thuê đăng mấy dòng ở mục
rao vặt, xong đâu đấy thì về dốc Hàng Kèn. Chàng đi qua đi lại mấy lần nhà ông
Ký Hồng, rồi mới yên trí đi rẽ về phố Chợ Hôm, vào một hiệu cao lâu khách.
Trong khi đợi bếp làm các món ăn, Kỳ Phát giở một tập báo mà chàng vừa mua được
ra xem kỹ lưỡng và cẩn thận như một người nhàn rỗi không có việc gì lo nghĩ cả.
Mà có lẽ thực, vì suốt
mấy ngày hôm nay, Kỳ Phát không hề ngồi yên được mà đọc báo bao giờ, nhưng bây
giờ thì thái độ chàng thản nhiên lắm, chẳng những ngồi đọc các việc lớn xẩy ra
trong nước, việc thế giới năm châu, lại đọc cả những truyện dài, truyện dịch -
một món mà xưa nay Kỳ Phát không hề có đọc bao giờ!
Chàng mỉm cười và lẩm bẩm:
- Cái truyện trinh thám
Tây của anh nào chọn được đây, hay lắm, nhưng chỉ phải cái dịch tồi quá.
Đầu bếp đã bưng các món
ăn lên. Tuy ngồi có một mình nhưng Kỳ Phát cũng khề khà, ăn uống rất chậm hệt
như có mấy người bạn cố tri vui chuyện vậy.
Ăn xong, nhấm nháp tách
cà phê một cách ngon lành, Kỳ Phát liếc nhìn đồng hồ rồi lại giở báo xem mục:
cuộc vui buổi tối. Chàng gật gù:
- Phim rạp Majestic hôm
nay xem được đây!
Và quả nhiên, lúc ở hiệu
cao lâu ra, Kỳ Phát đi về phía nhà chiếu bóng, lấy vé vào xem thực. Nhưng có lẽ
chàng chỉ muốn cho chóng hết thời giờ thôi vì ta thấy chàng luôn luôn vén tay
áo xem đồng hồ. Chừng gần 11 giờ thì Kỳ Phát bước ra khỏi rạp, đi một mạch về
phía nhà ông Ký Hồng.
Đường phố lúc ấy hoàn
toàn vắng vẻ. Kỳ Phát yên lòng rút túi ra một chùm chìa khóa rồi thoáng chốc đã
mở cửa vào. Mấy phút sau, chàng đã lên trên cầu thang, bật chiếc đèn pin mà soi
lỗ khóa buồng ngủ của Ký Hồng. Thực một tên trộm chuyên môn cũng phải ghen với
Kỳ Phát vì chàng mở được khóa phòng này cũng không khó khăn gì hơn khóa cổng dưới
nhà. Đứng lặng yên một lát để nghe ngóng, không thấy có gì lạ, Kỳ Phát mới bắt
đầu lục tìm những ngăn kéo chiếc bàn nhỏ để trong phòng. Có lẽ chàng chủ tâm định
tìm một giấy tờ gì, nên mảnh giấy con, quyển sổ nhỏ chàng cũng giở xem kỹ lưỡng.
Nhưng có lẽ cuộc tìm
tòi này không có kết quả như ý chàng muốn hay sao, mà ta thấy chàng cau mày lại,
lẩm bẩm luôn miệng: Cóc khô! “Cóc khô!” là hai tiếng tả sự bực dọc riêng của
chàng trinh thám trẻ tuổi này.
Chàng đành đứng dậy, đi
đi lại lại trong phòng mà nghĩ ngợi. Ngọn đèn pin chàng đã tắt từ lâu vì ngoài
đường bây giờ đã rộn rịp tiếng người đi lại, có lẽ là những khách đi xem chiếu
bóng tan về.
Nhìn quanh phòng một
lúc lâu, chàng bỗng lầm bầm:
- Thôi, đích phải ả đây
rồi!
Ghé mắt nhìn qua cánh cửa
chớp thấy ngoài đường bây giờ đã trở lại vắng vẻ như trước, Kỳ Phát mới lại bật
đèn pin lên mà tìm ở trên mặt giường, rồi dưới nệm. Một tiếng kêu khẽ vì sung
sướng, Kỳ Phát lật hẳn chiếc nệm dầy lên, rồi rút ra một quyển sổ nhỏ. Ngoài
quyển sổ ấy, Kỳ Phát đọc thấy rõ ràng một dòng chữ viết bằng nét đậm: “Mảnh đời
phiêu lạc của tôi”…
Trở lại phía bàn, Kỳ
Phát dùng một bàn tay che bớt cho ánh sáng khỏi lọt ra ngoài phòng, rồi chăm
chú giở đọc cuốn nhật ký của Ký Hồng. Những trang viết ấy có lẽ kể nhiều điều
bí ẩn trong đời Ký Hồng lắm nên chốc chốc Kỳ Phát lại phải chép miệng mà lẩm bẩm:
“Chà thực không ngờ con người ấy lại gian ác đến thế!”…
Nhưng đọc đến một
trang, bỗng Kỳ Phát phải cau mày, rồi bỗng thở mạnh một cái sung sướng mà nói rằng:
- Có thế chứ! Ta đoán
quả không sai!
Và những trang dưới, Kỳ
Phát chỉ xem qua chứ không đọc kỹ như những trang trên nữa, cuối cùng thì Kỳ
Phát gấp cuốn nhật ký lại, bỏ vào túi áo trong… Rút mùi soa trong túi ra, chàng
cẩn thận xóa những dấu vết chân tay mình để lại trong phòng rồi cẩn thận đứng
nghe ngóng hồi lâu, sau đó mới mở cửa buồng mà lẻn ra ngoài. Mấy phút sau, cánh
cửa giậu sắt cũng như cánh cửa phòng ngủ nhà Ký Hồng đã khóa lại như cũ.
Sáng sớm hôm sau, trong
phòng cho thuê, Kỳ Phát giở mấy tờ nhật báo, chàng tìm đọc mục rao vặt. Chàng
sung sướng đọc lại những dòng mà chàng đã thuê đăng hôm qua: “Trọng thưởng cho
ai có thể cho biết tin tức hoặc tung tích một thiếu nữ mặc áo tím đi ở phố C.
Hoặc hàng L. Hồi 7, 8 giờ hôm thứ ba vừa qua, cùng mách được mấy điều khả nghi ở
phòng ngủ Đ.L. Tìm gặp hoặc hỏi ông T.T. Ở số… phố…”
Kỳ Phát xoa tay một
cách vui vẻ mà lẩm bẩm:
- Bẫy đã mắc rồi, ta chỉ
còn việc kiên tâm mà đợi đàn chuột đến!
Thực vậy, suốt ngày hôm
ấy, Kỳ Phát không đi đâu cả. Chàng khóa chặt cửa buồng lại, nằm liệt vị ở trên
giường nhưng không một phút nào là rời cái lỗ nhỏ ở cánh cửa sổ. Do chỗ thủng ấy,
Kỳ Phát có thể kín đáo biết được rõ ràng hết thẩy mọi người ra vào phòng ngủ
này.
Đến bữa, Kỳ Phát cũng
không thiết đi ăn nữa. Chàng sai bồi đi mua mấy thức về, rồi ngồi luôn trên giường
mà ăn vì mắt cũng vẫn không bỏ một phút nào mà không nhìn ra chỗ thủng ở cánh cửa.
Cho đến lúc lên đèn. Quang cảnh trong khách sạn đã bắt đầu thấy rộn rịp, Kỳ
Phát lại càng chú ý rình, giống hệt một nhà thiện xạ đã thoáng thấy mùi gây gây
của con thú dữ ở đằng xa…
Mà quả nhiên, gần 8 giờ,
Kỳ Phát để ý đến một thằng bé con, tay xách chiếc hộp gỗ, luôn miệng rao “đánh
giầy, đánh mũ”, đi lảng vảng qua lại trước lữ điếm ba, bốn lần…
Rồi nhìn trước nhìn
sau, có lẽ thấy vắng người nó đi thẳng vào trong khách sạn. Nhưng nó im tiếng
không rao lanh lảnh như trước nữa. Nó nhìn quanh khắp lượt như có ý tìm tòi cái
gì, sau cùng thì lưỡng lự đứng trước cửa phòng Kỳ Phát.
Lúc này, chàng trinh
thám của chúng ta đã đặt mình nhẹ nhàng nằm xuống giường và lim dim mắt như
đương ngủ mệt. Cánh cửa phòng dần dần hé mở…
Thằng bé ghé đầu rụt rè
nhìn vào, nó se sẽ chào:
- Đánh giầy, mũ không
ông?
Không thấy Kỳ Phát trả
lời, thằng bé yên dạ nhè nhẹ thò tay vào chỗ ổ khóa rồi khe khẽ rút chiếc chìa
khóa ra. Cũng như lúc nẫy, cánh cửa lại chầm chậm đóng lại, không một tiếng động.
Kỳ Phát chống tay ngồi
dậy, ghé mắt qua lỗ trống để xem thằng bé làm gì thì thấy nó nhớn nhác nhìn
quanh, rồi lại tiến sang buồng bên cạnh. Ba phút sau, Kỳ Phát đã lại thấy nó bỏ
vào túi một chiếc chìa khóa cửa.
Kỳ Phát lẩm bẩm:
- Quái lạ!
Trong khi ấy thằng bé
đã lại đến trước cửa phòng mà Hoàn đã thuê tối hôm xẩy ra án mạng. Lần này nữa,
nó lại se sẽ hé cánh cửa ra… Nhưng có tiếng người hỏi:
- Ai đấy!
Thằng bé giật mình, run
run trả lời:
- Tôi đây, ông có đánh
giầy mũ không?
Nhưng hình như nó đã trấn
tĩnh lại được ngay nên Kỳ Phát đã thấy nó tiếp bằng một giọng vui vẻ:
- Đánh giầy mũ ông nhé,
kem phấn của con tốt lắm, thượng hảo hạng!
Rồi chẳng hiểu người
trong phòng trả lời làm sao mà thằng bé đẩy cửa vào hẳn, năm phút sau, nó đã lại
ra, bỏ vào túi mấy đồng xu nhưng ngoài ra còn thu thu ở trong tay một chiếc…
chìa khóa cửa.
Kỳ Phát không lưỡng lự
gì nữa. Chàng vùng dậy, xỏ vội đôi giầy, mặc rất nhanh quần áo. Thằng bé đánh
giầy mũ lúc này đã ra đến cổng nhưng nó đi chưa được 15 thước thì đã bị Kỳ Phát
lặng lẽ theo dõi đằng sau. Như đã làm trọn công việc rồi, thằng bé không bỏ một
phút phí ở ngoài đường, rảo bước đi về phía Hàng Lọng, rẽ xuống chợ Cửa Nam rồi
vòng về đường Cột Cờ…
Nó có vẻ sung sướng lắm
nên thổi sáo luôn mồm. Qua đài Trận vọng Tướng sĩ, chợt linh tính như báo cho
biết có người theo, thằng bé chợt quay lại. Chẳng hiểu nó có biết là Kỳ Phát
theo dõi hay không, chỉ thấy nó cắm đầu bỏ chạy. Không biết làm thế nào nữa, Kỳ
Phát cũng đành rảo cẳng đuổi theo. Mấy phút sau, chàng đã nắm được vai nó kéo lại
làm cho thằng bé sợ hãi quá mặt tái xanh không còn hột máu, chắp tay vái lấy
vái để kêu van:
- Lạy ông sinh phúc tha
cho cháu, bận sau cháu không dám thế nữa!
Kỳ Phát nghiêm sắc mặt,
bảo:
- Mày muốn sống phải
thú thực.
Thằng bé sếu mếu nói:
- Vâng, lạy ông, ông đừng
bỏ tù cháu, tội nghiệp… Cháu trót dại!
- Mày đã ăn cắp được những
gì từ trước đến nay, phải nói cho thật!
- Dạ lạy ông, cháu vẫn
đi đánh giầy mũ, không dám ăn cắp ăn nẩy gì cả, trưa nay cháu qua nhà kia ở đường
Quần Ngựa, vào chào đánh giầy đánh mũ, gặp một cô con gái hỏi cháu vớ vẩn nhiều
chuyện, sau cùng cho cháu tiền, và hỏi cháu rằng có biết phòng ngủ Đ.L. không?
Khi cháu nói có thì cô ấy hẹn rằng nếu tối nay, lại đấy, làm cách nào mà ăn cắp
được chìa khóa buồng số 11, hay 12, cháu không nhớ rõ, mang về cho cô ấy thì cô
ấy sẽ cho 5 đồng bạc… Cháu ngần ngại nói từ trước đến nay không hề làm như thế
bao giờ thì cô ấy bảo cháu đừng sợ, cứ vờ vào chào đánh giầy, đánh mũ rồi nhân
lúc bất ý rút lấy chiếc chìa khóa đem về!
Kỳ Phát giục:
- Rồi sao nữa?
Thằng bé sợ hãi, thưa:
- Lạy ông, tha cho
cháu, cháu xin kể hết! Sau cháu tham tiền quá, bèn đánh liều làm theo lời dặn của
cô ấy, khốn, nhưng cháu khuấy quên, không nhớ buồng số mấy nên phải ăn cắp luôn
cả mấy chiếc chìa khóa đem về…
Nói đến đây, thằng bé
rút trong túi ra ba chiếc chìa khóa, đưa cho Kỳ Phát mà nói:
- Ông tha cho cháu, đây
chìa khóa, cháu xin giả lại ông, thực ngoài ra cháu không hề có dám lấy một thứ
gì khác nữa. Ông cứ khám cháu thì biết…
Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ,
cầm lấy ba chiếc chìa khóa, bỏ túi, rồi nói:
- Được rồi, ta sẽ tha
mày, nhưng ngay bây giờ mày phải dẫn ta đến nhà cô ấy đã!
Thằng bé nằn nì nói:
- Lạy ông, tha cho
cháu. Cháu sợ lắm, trông cô ấy tuy đẹp nhưng có vẻ dữ lắm. Trước khi cho cháu
đi, cô ấy có rút con dao nhọn sáng loáng, chỉ cho cháu xem rồi bảo: Hễ theo lời
chị thì bao nhiêu tiền, chị cũng cho nhưng nếu bép xép với ai thì chết đừng có
kêu oan!
Kỳ Phát nghiêm sắc mặt,
dọa thằng bé:
- Mày phải đưa ta đến
ngay, đừng có nói lôi thôi, không có thì ta đưa về bóp.
Mày không việc gì mà sợ, đã có ta!
Thằng bé không làm sao
được đành phải dẫn Kỳ Phát đi về lối Quần Ngựa, nhưng lúc qua chợ Ngọc Hà, nó
bước chầm chậm lại, rồi chỉ tay, bảo Kỳ Phát:
- Đây, nhà cô ấy ở đây
kia, cái nhà son đỏ ngay bên cạnh hiệu thợ rèn ấy.
Và nhân lúc Kỳ Phát còn
đương mải nhìn theo tay trỏ, thằng bé tinh ranh đã ghé răng cắn một cái vào tay
Kỳ Phát, làm cho chàng phải rụt tay về, rồi nhanh như cắt, nó chạy bán sống bán
chết về con đường ăn thông sang Ô Cầu Giấy.
10
BỮA TIỆC MỪNG BẤT ĐẮC DĨ
Buổi sáng, tôi trở dậy,
chợt nhớ đến vụ ám sát ông Ký Hồng, lo lắng hết sức vì thấy Hoàn vẫn bị giam mà
Kỳ Phát đi đâu luôn mấy ngày hôm nay không hề thấy tin tức gì cả.
Nhưng rửa mặt, đánh
răng xong tôi bỗng thấy một phong thư, ai lùa xuống dưới khe cửa từ bao giờ.
Tôi ngạc nhiên, nhặt lên, xé đọc thì hết sức vui mừng vì nhận ra chính chữ của
Kỳ Phát. Thư viết vắn tắt mấy câu, theo giọng một thiếp mời:
“Thưa bạn. Đúng 11 giờ
trưa hôm nay, mời bạn đến nhà hàng Grand Lac xơi chén rượu nhạt, dự bữa tiệc mừng…
bất đắc dĩ với chúng tôi thì chúng tôi lấy làm hân hạnh vô cùng. Báo tin luôn để
bạn biết rằng cùng dự tiệc sẽ có cả bạn Kỳ Phát và Hoàn.
Ký tên: Trúc Tâm.”
Tôi sung sướng quá, vì
biết rõ thế là Kỳ Phát đã thành công. Kỳ Phát đã tìm ra đủ chứng cớ để tỏ rõ
Hoàn là người vô tội. Tôi nóng nẩy mong cho chóng đến 11 giờ vì lúc ấy chẳng những
tôi được gặp Hoàn, một người có thể gọi là sống lại, tôi lại còn được Kỳ Phát
thuật rõ cho biết chàng đã luận lý cách nào mà tìm ra chứng cớ Hoàn chẳng nhúng
tay vào vụ giết Ký Hồng… Và tôi cũng mong biết thủ phạm vụ này là ai, kẻ nào đã
giết Ký Hồng một cách khéo léo như vậy và nguyên nhân vụ ám sát vì đâu.
Đúng giờ, đến chỗ hẹn,
tôi đã thấy Trúc Tâm ở đó rồi. Chàng vui vẻ bắt tay tôi rồi nói:
- Kỳ Phát viết thiếp
cho anh, nói là bữa tiệc mừng bất đắc dĩ nhưng tôi xin cải chính là tôi rất vui
mừng mà được mời các anh dự bữa tiệc này, có thế thì lòng tôi mới được yên!
Tôi gật đầu nói:
- Tôi hiểu anh lắm! Chẳng
qua Kỳ Phát muốn đùa anh nên nói như vậy thôi!
Rồi tôi lại hỏi ngay
Trúc Tâm:
- Hoàn đâu? Được tha từ
bao giờ? Ai là thủ phạm, hử anh?
Trúc Tâm mỉm cười, đưa
nước cho tôi, rồi nói:
- Anh hãy súc miệng.
Anh hỏi nhiều quá, nhưng thôi, hãy đợi Kỳ Phát lại, anh ấy sẽ kể lại cho anh
nghe tường tận hơn. Vả lại sự thực, chính tôi, anh ấy cũng mới cho nghe chứng cớ
tỏ rõ Hoàn chẳng phải là thủ phạm, còn những chi tiết trong vụ này thì tôi cũng
chưa hiểu đầu cuối ra sao cả.
Ngay lúc này Kỳ Phát bước
vào, theo sau là Hoàn. Chàng vui vẻ bảo tôi rằng:
- Tôi đoán ngay rằng thế
nào anh cũng lại trước, thực đúng vì tôi chưa thấy một người bạn nào nóng nẩy bắt
mọi người kể chuyện cho nghe bằng anh.
Trúc Tâm cũng cười bảo:
- Ấy, anh ấy cũng vừa hỏi
dồn tôi ba, bốn câu, tôi bảo hãy đợi anh đến để anh kể đầu đuôi cho nghe…
Kỳ Phát gật đầu:
- Được rồi, tôi sẽ thuật
lại mọi việc để ông bạn nóng tính này và anh nghe và nhất là cho Hoàn biết rõ mọi
sự nữa, chứ hiện thời thì anh chàng như mới ở trên cung trăng lạc xuống.
Xốc lại áo cẩn thận, Kỳ
Phát hắng giọng, rồi tiếp:
- Trước hết, tôi hãy mở
đầu chuyện bằng một câu danh ngôn, chẳng biết là của Ấn Độ hay Ma-la-hà… Câu ấy
là: Men rượu tình ái cũng làm say người, mờ mắt, ù tai, mất trí khôn chẳng kém
gì thứ rượu nặng nhất!
Liếc nhìn thấy Hoàn cúi
đầu, tôi đỡ lời, nói:
- Thôi, anh hãy kể đi,
tôi vẫn biết anh có cái tài thuật lời danh nhân, những câu “Khổng Tử viết” mà
chính anh bịa ra rồi!
Kỳ Phát gật đầu, quay lại
nhìn Hoàn rồi nói:
- Tôi muốn mở đầu vụ
này bằng câu ấy là vì đến bây giờ, tôi vẫn giận Hoàn, nó đã tỏ vẻ nghi ngờ tôi
không săn sóc gì đến nó, hay nói cho đúng hơn, đến việc người yêu của nó.
Trúc Tâm liệu lời chống
chế giúp Hoàn:
- Hắn còn ít tuổi, vả lại
trong lúc mê muội nên thế. Song bây giờ hẳn Hoàn đã hối hận lắm!
Kỳ Phát sẽ nhún vai rồi
nói:
- Điều đó thì chưa chắc
lắm. Mặc dầu, bây giờ tôi vui lòng nói rõ mọi việc cho hắn nghe… Chính anh đây,
(Kỳ Phát chỉ tôi), cũng đã có ý trách tôi sao không chịu hoạt động, tìm tòi tra
xét gì, khi được tin Hoàn về báo Nhung đã bị bắt cóc. Bây giờ tôi nói thẳng
ngay rằng khi ấy, vừa nghe Hoàn kể lại chuyện xong, tôi đã có ý nghi ngờ rằng
đó chỉ là một trò dàn cảnh vụng về…
Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:
- Thế Nhung thực không
phải bị người bắt cóc hay sao?
Kỳ Phát bĩu môi nói:
- Làm gì có chuyện thực
khi cứ nguyên nghe câu chuyện Hoàn kể lại đã có bao nhiêu điều vô lý! Này nhé,
khi chiếc xe dừng lại cách Nhung mấy thước, có kẻ gọi: Cô Nhung! Nếu Nhung chẳng
phải nghe rõ tiếng người quen, hoặc có mưu mô gì với nhau, thì không có lý gì
Nhung lại bỏ Hoàn đấy mà chạy lên để cho kẻ lạ mặt kéo tuột vào trong ô tô… Một
điều nữa, là Hoàn thấy Nhung khi ở đầu đường Cổ Ngư tới quá cửa đền Quan Thánh,
luôn luôn nhìn lại phía sau, như có ý tìm tòi cái gì đến nỗi Hoàn phải để ý hỏi
Nhung có phải muốn gọi xe không…
Tôi ngắt lời Kỳ Phát,
nói:
- Phải, tôi có nhớ Hoàn
kể lại rằng lúc ấy Nhung trả lời không.
Kỳ Phát gật đầu:
- Nhung không tìm xe mà
cứ quay lại luôn luôn thì chỉ là vì có hẹn người đợi… đợi để bắt cóc mình…
Hoàn nghe đến đấy, toan
ngắt lời Kỳ Phát, để cãi lại, nhưng sau lại rụt rè im lặng. Cử chỉ ấy, không
thoát khỏi mắt Kỳ Phát, chàng gật gù liếc nhìn Hoàn rồi mỉm cười, nói rằng:
- Nhưng đó chỉ mới có
hai điều khả nghi, cần phải thêm một vài điều nữa thì những người nặng lòng tin
như Hoàn mới không cãi vào đâu được. May thay, tôi đã sẵn có! Các anh hẳn còn
nhớ sáng sớm hôm sau, Trúc Tâm báo cho tôi biết đã tìm thấy chiếc xe ô tô của bọn
hung phạm…
Trúc Tâm gật đầu:
- Phải, ở gần ngay chỗ
con đường Rond Point, rẽ vào lối sau Bách thú.
Kỳ Phát gật gù, bảo:
- Mà chúng ta cũng chẳng
lạ gì chỗ ấy gần một dinh cơ nhà binh, suốt đêm ngày lúc nào cũng có lính bồng
súng canh gác. Như vậy thì nếu bọn gian đỗ xe ở đấy, để đưa Nhung về giam ở một
nhà gần đấy…
Trúc Tâm ngắt lời:
- Khu ấy thì chỉ có thể
đưa về lối Ngọc Hà, Quần Ngựa, hay xa hơn nữa thì Ô Cầu Giấy.
Kỳ Phát gật đầu:
- Anh nói có lý, nhưng
hãy để tôi kể tiếp. Nhưng từ lúc xe ô tô đỗ lại, đến lúc dẫn Nhung về tới nhà
giam, sao Nhung không kêu la cầu cứu? Phải, tại sao khi chỉ một tiếng kêu nhỏ
thôi, ở chỗ ấy bất cứ lúc nào, Nhung cũng có thể làm cho mấy người lính gác kia
phải để ý?
Tôi ngẫm nghĩ một lát,
hỏi:
- Nhưng tôi ví dụ rằng
lúc ấy, Nhung bị đánh thuốc mê rồi?
Kỳ Phát gật đầu:
- Phải, Nhung chỉ có thể
bị đánh thuốc mê thôi, vì nếu chúng nhét giẻ vào mồm thì Nhung vẫn có thể cựa
quậy, vật lộn với chúng được và như thế thì bọn lính gác đã biết rồi… Tôi nghĩ
như vậy nên đã để ý xem trong xe có còn phảng phất mùi thuốc mê không, nhưng
tôi không hề thấy một mùi gì lạ cả, như ngay hôm ấy về nhà, tôi đã nói với anh.
Nhìn về phía Hoàn, Phát
tiếp:
- Như thế nghĩa là nếu
Hoàn lúc ấy không hoảng hốt gì cả, cứ bình tĩnh chắp hai tay về phía sau lưng,
đi tản bộ về phía này sẽ thấy Nhung cùng bọn hung phạm vui vẻ nhanh nhẹn chạy về
phía Ngọc Hà, hay Quần Ngựa, Cầu Giấy như lời anh Trúc Tâm vừa nói. Không chừng
mà chính Nhung lại giục những ông tướng bắt cóc ấy chạy nhanh theo mình cơ đấy.
Ấy là tôi chưa kể đến mẩu giấy mầu tím có mấy chữ tuy không liên lạc thành câu,
nhưng đã rõ ý hẹn hò… Giờ ấy đã đúng vào giờ Nhung bị bắt cóc mà mảnh giấy ấy lại
là mầu tím… Hoàn của chúng ta đây sẽ nói cho các anh biết rằng người yêu của
Hoàn vốn thích mầu tím: áo tím, giấy viết thư mầu tím, cả bó hoa cho con khỉ
gài lên trên cây cũng vẫn đều một mầu tím.
Tôi thấy Hoàn cúi đầu
không dám nói gì, thương hại quá nên cố sức tìm ra những lý lẽ để đánh đổ những
chứng cớ buộc tội gắt gao của Kỳ Phát. Tôi hỏi:
- Nhưng còn tờ giấy hăm
dọa để đòi tiền chuộc 2 vạn rưỡi bạc? Như ý anh nói thì có lẽ cô con gái nguy
hiểm ấy đã bầy trò ra thế để định lấy tiền của bố hay sao?
Kỳ Phát vội lắc đầu:
- Không, tôi có nói thế
đâu! Tôi chỉ nhận thấy một điều đến ngay lá thư hăm dọa kia cũng lại càng tỏ ra
rằng Nhung không phải thực là bị bắt cóc. Các anh thử nghĩ mà xem, nếu thực có
kẻ bắt cóc Nhung định để tống tiền, tất nhiên kẻ ấy cần phải suy nghĩ tính toán
lắm, làm cách nào khi người nhà đưa tiền chuộc, hắn có thể lấy được một cách dễ
dàng, không sợ sa vào lưới pháp luật! Trái lại, việc của Nhung thì khác hẳn. Kẻ
bắt cóc chú ý làm ra chuyện rắc rối như dặn chôn tiền vào gốc cây thứ mấy, thứ
mấy nhưng lại không để ý đến chỗ khoảng đường Cổ Ngư là một nơi nhận tiền nguy
hiểm nhất. Thực vậy, đó là một con đường độc đạo, các nhà chuyên trách có thể nấp
đâu rình cũng rất dễ dàng và một khi thấy kẻ bắt cóc đến lấy tiền, chỉ một tiếng
còi hiệu, đầu đường Quan Thánh có người chặn, đầu dốc Yên Phụ có người chặn thì
hãy hỏi kẻ bắt cóc chạy làm sao cho thoát! Do đó, tôi luận lý ra rằng kẻ viết
thư ấy không cần gì đến việc tới chỗ hẹn lấy tiền!
Tôi cười, lắc đầu:
- Anh càng nói nhiều
tôi lại càng thấy vụ án này bối rối và khó hiểu quá! Nhung bầy ra trò bắt cóc,
bầy ra trò tống tiền mà không cốt lấy tiền, thì Nhung có phải điên đâu mà làm
ra những sự rắc rối vô ích ấy?
Kỳ Phát cũng cười, gật
đầu:
- Đó là vì anh chỉ mới
nghĩ đến một vụ bắt cóc, quên khuấy mất vụ ám sát rồi! Nay nếu anh nghĩ cả đến
hai việc thì sẽ thấy liên lạc với nhau hết sức… Nếu không có việc tống tiền 2 vạn
rưỡi bạc thì làm gì có việc Hoàn phải cãi cọ với ông Ký Hồng, làm gì có việc
ông Ký Hồng bị ám sát…
Tôi nóng nẩy hỏi:
- Anh vẫn chưa nói rằng
ai là thủ phạm giết Ký Hồng?
Kỳ Phát nhìn thẳng vào
mặt tôi, rồi tiếp ngay:
- Là Nhung chứ còn ai
vào đấy nữa?
Tôi lắc đầu:
- Câu ấy anh cần phải
cân nhắc cẩn thận chớ buộc tội vội vàng cho người. Anh đã quên rằng Nhung là
con gái của Ký Hồng rồi ư?
Kỳ Phát mỉm cười:
- Không, tôi không quên
và tôi cũng tự hỏi tôi nhiều lần như thế! Bảo rằng Nhung giết Ký Hồng, nhưng tại
cớ gì? Thì đây, một đêm tôi đột nhập vào khám xét buồng ngủ Ký Hồng, đã thấy tập
nhật ký này…
Vừa nói Kỳ Phát vừa rút
trong túi ra một cuốn giấy nhỏ. Chàng để lên bàn rồi nói tiếp:
- Tập nhật ký này dài lắm
và cũng có nhiều đoạn ly kỳ, hay ho lắm, có thể giúp tài liệu cho một nhà văn
nào thích viết về loại xã hội rất tốt. Đọc cuốn này, các anh sẽ thấy những mưu
mô xảo trá của Ký Hồng buôn bán lừa đảo man trá thế nào mà có thể giầu nhanh được
như thế. Các anh sẽ thấy một quãng đời, Ký Hồng đã làm nghề buôn thuốc phiện lậu,
làm giấy bạc giả, vào sinh ra tử nhiều phen… Các anh sẽ đọc suốt ba trang giấy
đặc câu chuyện Ký Hồng trả thù một kẻ đã dám rắp tâm phản bội mình… Kẻ ấy là
ai, ở đâu, trong nhật ký không nói rõ, chỉ gọi bằng mày, bằng mi,
bằng thằng kia mà thôi, nhưng nhật ký cho ta biết rằng kẻ thù ấy
có một người con gái bị Ký Hồng bắt cóc mất từ hồi còn bé. Chúng ta không rõ
cái âm mưu thâm độc của Ký Hồng định dùng đứa con gái kia trả thù kẻ địch bằng
cách nào, chỉ biết một điều Nhung chính là đứa con gái ấy.
Tôi giật mình, hỏi lại:
- Vậy ra Nhung không phải
con đẻ của Ký Hồng?
Kỳ Phát gật đầu:
- Bây giờ ta hãy ví dụ
đứa con gái kia nhớn lên, vốn sẵn có cái máu huyết ghê gớm nguy hiểm của bố mẹ
truyền lại, đứa con gái ấy tình cờ một hôm bắt được tập nhật ký của Ký Hồng. Nó
đã rõ được chẳng những Ký Hồng không phải là bố đẻ lại còn là một kẻ thù. Như
tôi vừa nói, sẵn có cái tính hung bạo của bố mẹ lưu lại trong mạch máu, tất
nhiên nó phải nghĩ đến cách trả thù.
Trúc Tâm gật đầu nói:
- Như thế, ta phải đặt một
giả thuyết nữa thì mới thấy được liên lạc trong hai vụ ám sát và bắt cóc.
Tôi bảo Trúc Tâm:
- Có phải anh định nói
rằng Nhung phải có thù với Hoàn?
Trúc Tâm gật đầu:
- Phải, vì thế cho nên
Nhung mới tìm cách giết Ký Hồng mà Hoàn lại phải mang tội, tức là kế một phát
tên giết được hai chim vậy!
Tôi suy nghĩ một lát, rồi
nói:
- Tôi vẫn chưa hiểu rõ
cái cách Nhung đổ tội cho Hoàn thế nào?
Kỳ Phát nói:
- Trước tôi cũng phải
nát óc vì cái cớ: chìa khóa để ở trong sao lại có người ngoài vào được mà vẫn
không thể nào cắt nghĩa cho ra. Sau tôi đành phải tạm gác điều đó, trước hết
hãy đi tìm những chứng cớ xem có phải thực có người vào buồng Hoàn không? Muốn
biết thế, tôi phải đến dò hỏi ngay tại phòng ngủ Đ.L…
Tới đây, Kỳ Phát kể lại
cho mọi người nghe công cuộc dò tìm của chàng, những lời nói của hai tên bồi và
nhất là của lão khách béo. Chàng lại tiếp:
- Đã biết chắc rằng có
một người con gái bí mật định vào buồng Hoàn nhưng khi thấy có người trông thấy
phải vờ rẽ vào buồng tên khách béo. Tôi lại ví dụ người con gái ấy sau khi đã
gõ cửa buồng Hoàn, dùng một thứ hương xông cho Hoàn mê ngay đi, bỏ vào đấy chùm
chìa khóa của Ký Hồng, một chứng cớ không thể chối cãi buộc tội cho Hoàn, rồi
đi ra sau khi khóa trái cửa lại.
Tôi ngắt lời:
- Nhưng đã khóa trái cửa
tức là chìa khóa không có cắm ở bên trong nữa. Mà như anh vừa nói thì Hoàn đã bị
mê rồi, lẽ nào còn có thể trở dậy mà cắm trả chìa khóa vào chỗ cũ?
Kỳ Phát gật đầu:
- Phải, chỉ còn mỗi một
điều ấy nữa, cắt nghĩa được tức là tỏ rõ Hoàn vô tội. Không còn một manh mối
nào nữa, tôi đành phải nhờ đến ông thần may mắn thường vẫn giúp các nhà trinh
thám. Tôi lập tức đăng báo hứa thưởng cho những ai có thể cho tôi biết một chút
dấu tích gì của người con gái bí mật kia. Tôi không hy vọng gì có người đến báo
nhưng tôi hy vọng thủ phạm sau khi đọc lời dọa nạt của tôi nói đã tìm thấy nhiều
vết tích khả nghi ở phòng ngủ của Hoàn, sẽ phải lo sợ tìm cách tiêu hủy cái vết
tích gì còn để sót lại… Quả nhiên sự may mắn đã giúp tôi… Mất công chờ đợi, tôi
đã bắt được một kẻ chuyên môn chỉ ăn cắp chìa khóa!
Tới đây, Kỳ Phát lại kể
tiếp cuộc rình bắt thằng bé đánh giầy, mũ thế nào, và lúc nó dẫn Kỳ Phát đến
nhà thủ phạm thì bỏ chạy ra sao, rồi lại tiếp:
- Thằng bé tuy bỏ chạy,
nhưng nhà thủ phạm tôi đã biết! Tôi chẳng ngại ngùng gì, lẻn vào - vì lúc ấy cửa
chỉ khép - lên thẳng gác, thấy đó là một gian nhà bỏ trống, ngoài một chiếc
chăn dạ để nằm, vất ở một xó thì không còn đồ vật gì khác nữa. Vất bừa bãi trên
mặt sàn, tôi thấy mấy vỏ hộp cá sạc-đin, vài mẩu bánh tây khô, mấy
chiếc vỏ chuối! Tôi đoán chắc đây là nơi thủ phạm tạm trú ẩn, lấy chăn và sàn
gác làm giường, lấy bánh tây và đồ hộp làm bữa. Và trong bếp, tôi thấy có nhiều
than vải mới đốt, lúc tìm mãi mới thấy được một mẩu lụa tím này!
Vừa nói, Kỳ Phát vừa
rút trong túi ra một mẩu lụa gần sém cháy hết, nhưng vẫn còn giữ mầu tím và so
sánh vẫn còn thấy đúng với mẩu áo tím mà Kỳ Phát đã lấy được của người khách
béo.
Tôi hỏi:
- Thế anh có đợi Nhung
về hay không?
Kỳ Phát cười:
- Tôi đợi làm gì, việc
bắt thủ phạm có phải là công việc của tôi đâu, mà là của ông bạn thân chúng ta
đây.
Vừa nói Kỳ Phát vừa liếc
nhìn Trúc Tâm. Anh chàng đành cúi đầu thú thực:
- Tiếc quá, lúc anh Kỳ
Phát lại bảo tôi thì cuộc vây bắt đã thành vô công hiệu. Con chim xanh đã cất
cánh từ bao giờ rồi.
Nhìn thẳng vào mặt Kỳ
Phát, Trúc Tâm nói:
- Nhưng tôi đoán chắc
anh Phát quái ác thế nào trước khi rời khỏi gian nhà ấy cũng đã để lại một dấu
hiệu gì cho Nhung biết mà trốn đi.
Kỳ Phát mỉm cười một
cách ranh mãnh và bí mật:
- Việc ấy tôi nhãng
quên đi mất rồi, tôi không cần nhớ vì như tôi nói việc bắt thủ phạm có phải là
việc của tôi đâu. Tôi chỉ có một trách nhiệm là tỏ rõ nỗi oan cho Hoàn.
11
MỘT BÀI HỌC
VỀ SỰ OÁN CỪU
Tôi ngẫm nghĩ một lát,
sau hỏi Kỳ Phát:
- Nhưng anh vẫn chưa
cho tôi biết Nhung làm cách nào mà có thể ra khỏi buồng rồi mà vẫn có thể khóa
trái cửa lại trong khi chìa khóa vẫn cắm ở bên trong?
Kỳ Phát gật đầu:
- Điều ấy cũng không
khó khăn gì lắm, có điều càng giản dị thì ta lại càng không nghĩ tới! Đây, anh
hãy xem chiếc chìa khóa này, sẽ hiểu ngay!
Vừa nói, Kỳ Phát vừa
rút trong túi ra một chiếc chìa khóa sắt. Tôi thoáng nhìn không thấy gì cả,
nhưng sau tôi bỗng chú ý đến chỗ đầu chìa khóa lại có một lỗ rỗng vuông. Tôi ngẫm
nghĩ, sau đành phải hỏi:
- Tại sao lại có lỗ
vuông này nhỉ?
Kỳ Phát mỉm cười:
- Tôi thực không ngờ
Nhung lại có óc về cơ khí đến thế! Anh hãy tưởng tượng mà xem, có gì là khó
đâu! Sau khi Hoàn bị mê đi rồi, Nhung đặt Hoàn nằm lên giường cẩn thận, giấu
chùm chìa khóa két của ông Ký Hồng xuống dưới nệm, rồi đứng ở bên trong, tra
chìa khóa vào cửa buồng như ta muốn khóa buồng ở phía trong vậy. Sau đó, Nhung
ra khỏi buồng, lấy ra một thứ chìa khóa khác. Chiếc chìa này chỉ là một thanh sắt
vuông, lắp vào đúng với lỗ vuông ở chiếc chìa khóa để sẵn ở bên trong. Bây giờ
Nhung chỉ còn việc cầm chiếc chìa khóa ngoài vặn, chìa khóa bên trong cũng
quay, thế là cửa đóng. Nhung rút chìa ngoài ra, thế là chìa khóa trong vẫn ở
nguyên chỗ cũ làm cho người vô tình phải yên trí rằng chính người bên trong
khóa vậy.
Trúc Tâm gật gù:
- Nhung nghĩ ra kế che
mắt các nhà chuyên trách ranh mãnh thực. Chúng ta phải biết Nhung đã rắp tâm từ
lâu lắm, mọi việc đều chuẩn bị sẵn sàng nên mới bầy cảnh được hoàn toàn đẹp đẽ
như vậy!
Kỳ Phát cười:
- Anh khen Nhung là phải,
vì anh vẫn còn chưa khỏi cái bệnh thông thường là đứng trước một việc gì mà có
chứng cớ rõ rệt rồi, các anh lập tức yên trí ngay, chỉ nghĩ đến việc buộc tội
thủ phạm, chứ không nghĩ đến cách gỡ tội nữa!
Ngừng lại một lát, Kỳ
Phát tiếp:
- Cứ nguyên một điều
anh nói Hoàn vì phạm tội, trong lòng hoảng hốt, mọi việc hành động đều lúng
túng không đâu ra đâu cả, như vậy sao lúc anh đến gõ cửa phòng, Hoàn lại ngủ
say, mãi mới trở dậy.
Tôi gật gù:
- Phải, nguyên một điều
ấy đã vô lý rồi.
Hoàn bây giờ mới chầm
chậm ngẩng đầu lên, nhìn chúng tôi, rồi hỏi Kỳ Phát:
- Những điều anh luận
lý đều đúng và rõ ràng quá, nhưng anh còn quên một điều chưa nói cho em rõ là
vì cớ gì mà Nhung lại thù em đến bực tốn công bầy ra cái kế thâm độc ấy.
Tôi và Trúc Tâm đều yên
lặng đợi Kỳ Phát trả lời, vì nhận thấy lời nói của Hoàn quả có lý.
Nhưng Kỳ Phát mãi mãi vẫn
không trả lời, sau cùng mới nhún vai mà nói:
- Điều ấy, thuộc vào phạm
vi tình cảm. Hoàn và Nhung trong cuộc tình duyên, có điều gì xích mích mà Hoàn
không để ý nhưng Nhung thì hết sức chú ý đến.
Và Phát quay lại phía
chúng tôi như để phân bua:
- Các anh hẳn đã từng
thấy rằng người đàn bà thực khó hiểu, có khi chỉ vì một câu chuyện nhỏ mọn, người
đàn ông chúng ta không để ý mà đàn bà họ bị chạm lòng tự ái, liệt ta vào hạng tử
thù ngay!
Hoàn vừa toan nói gì
thì tên bồi bỗng ở ngoài lễ phép vào thưa:
- Thưa, ở ngoài có người
nói muốn hỏi ông Hoàn có tí việc.
Hoàn lập tức đứng dậy,
nói:
- Quái lạ, không biết
ai, để em ra xem.
Hoàn đi rồi, tôi mỉm cười
bảo Phát:
- Nếu tôi không lầm thì
cách anh lý luận vừa rồi, tiếng nôm thường vẫn gọi là… cãi bừa.
Kỳ Phát cũng cười,
không nói gì, một phần cũng là vì Hoàn ở ngoài đã đi vào. Tôi hỏi:
- Ai hỏi gì Hoàn đấy?
Hoàn lắc đầu:
- Không, có mấy người bạn
thấy tin em bị nạn lại hỏi thăm, họ cố nài mời dự tiệc mừng, khi em nói đương
ăn, họ lại mời tiệc trà tối nay.
Kỳ Phát gật đầu:
- Anh em họ có lòng mến
mình như vậy, cũng nên đi, đừng từ chối mà phụ lòng người!
Câu chuyện đến đây đã
xoay ra hướng khác. Không khí trong bàn tiệc đã thành nhẹ nhàng vui vẻ vì không
một ai nhắc đến những vụ bắt cóc và án mạng nữa.
Một lát, Kỳ Phát bỗng
vươn vai, rồi cười mà bảo tôi rằng:
- Anh ạ, tôi độ này có
lẽ già đi rồi hay sao mà mới ngồi có một tí đã mỏi lưng quá, các anh cứ ăn uống
đi, tôi đứng dậy đi lại mấy bước cho nó khỏi mỏi đã. Nhân thể để hút mấy hơi thuốc
lá cho giã rượu.
Nói xong, chàng đứng dậy,
ra quầy hàng lấy thuốc lá châm hút, rồi lại trở vào mà đứng chống tay vào ghế của
tôi, nói chuyện. Vô ý, một lần gạt tàn thuốc lá trên tay, Kỳ Phát đã để bụi bay
vào vai áo Hoàn. Tôi định giơ tay phủi bụi cho Hoàn thì Kỳ Phát đã phẩy hộ.
Chàng gật gù:
- Trời chớm rét, uống
rượu, hơi say say, hút mấy hơi thuốc lá thơm ngon, quả có thú thật.
Trúc Tâm cũng gật đầu
nói:
- Chẳng mấy khi anh em
có dịp thong thả ngồi ăn uống với nhau như thế này, tôi muốn rằng anh em đều uống
thực say mới hả.
Và để làm khuôn mẫu,
Trúc Tâm rót đầy chén rượu của mình, uống một hơi cạn hết. Mặc dầu tôi từ chối
vì tửu lượng rất kém, Trúc Tâm cũng ép uống nửa cốc. Riêng có chàng thì mỗi cốc
đầy đều uống một hơi cả, chẳng mấy chốc mà mặt đã đỏ bừng, chuếnh choáng, cười
nói rầm rĩ. Và lúc tiệc tan, Trúc Tâm lảo đảo chân nam đá chân chiêu, phải bám
vào Kỳ Phát mới khỏi ngã khuỵu.
Tiệc tan, Hoàn về nhà
ngủ một giấc rồi xin phép đi chơi, dặn sẽ không về ăn cơm chiều. Còn Kỳ Phát
thì dặn tôi:
- Anh để tôi ngủ yên giấc
nhé, đúng 7 giờ sẽ gọi. Rồi chúng ta đi ăn cơm!
Và trong lúc tôi làm việc
thì Kỳ Phát ngủ ngáy o o, tỏ ra rằng trong mấy ngày hôm nay, có lẽ anh đã phải
thiếu ngủ nhiều quá! 7 giờ 15, Kỳ Phát mở choàng mắt nhìn tôi, rồi nói:
- Chết chửa, mấy giờ rồi?
-7 giờ 15!
Kỳ Phát choàng dậy, càu
nhàu:
- Tý nữa thì nhỡ việc,
sao tôi dặn anh đánh thức tôi 7 giờ đúng cơ mà!
Tôi cười:
- Tại tôi thấy anh ngủ
ngon giấc quá nên không nỡ đánh thức.
Kỳ Phát giục tôi:
- Thôi, anh đứng dậy sửa
soạn đi, kẻo muộn rồi! Anh cứ thương hại tôi như thế vài lần thì… rồi tôi đến
phải tuyệt giao với anh mất!
Tôi mặc quần áo, vừa cười
mà bảo:
- Gớm, đi ăn cơm mà như
đi việc quan vậy!
Kỳ Phát vội rửa mặt, chải
đầu, nghiêm sắc mặt bảo tôi:
- Anh tưởng chỉ có việc
đi ăn cơm thôi sao?
Tôi giật mình, hỏi lại:
- Thế còn việc gì quan
trọng khác nữa? Sao anh không bảo tôi biết trước!
Kỳ Phát không nói gì,
chỉ nhanh nhẹn đi giầy mặc áo. Một lát sau, chúng tôi đã ra khỏi nhà. Kỳ Phát
chép miệng bảo tôi:
- Anh hay nói thừa nhiều
quá và nói không đúng lúc một chút nào cả!
Thấy tôi toan hỏi lại,
Kỳ Phát đã chẹn lời, bảo:
- Không, bây giờ chúng
ta đi ăn, thì hãy ăn cho xong bữa đã, sau chuyện trò gì, hãy hay!
Và đến lúc ăn uống xong
xuôi, xem đồng hồ mới 8 giờ 10, Kỳ Phát mới ung dung châm thuốc lá, bảo tôi rằng:
- Chúng ta hãy còn sớm
giờ một chút, nào, anh muốn hỏi han gì thì hỏi đi?
- Tôi muốn biết chúng
ta sẽ đi đâu bây giờ, và có việc gì?
Kỳ Phát thở khói thuốc,
mỉm cười, trả lời:
- Chúng ta đi về chùa
Láng! Để xem cái tình của Nhung đối với Hoàn có thể tin cậy được không?
Thấy tôi lộ vẻ không hiểu,
Kỳ Phát cắt nghĩa:
- Anh hẳn nhớ lúc ăn
cơm trưa, Hoàn có người đến hỏi. Lúc vào, trông bộ điệu, tôi thấy anh chàng
lúng túng mà tay vừa mới từ túi áo trên bỏ xuống. Tôi nghi ngờ ngay nên vờ đánh
rơi tàn thuốc lá vào áo Hoàn, phủi hộ hắn và dùng tài mọn móc túi, lấy được mảnh
giấy để trong…
- Chắc là thư của
Nhung?
- Anh đoán đúng, trong
thư Nhung nói: Hoàn dù thế nào cũng hãy thương Nhung, cho Nhung gặp lần cuối
cùng để bộc bạch tấm lòng. Họ hẹn nhau ở chùa Láng hồi 9 giờ 15 tối nay!
Rồi Kỳ Phát đứng dậy ra
trả tiền nhà hàng, khi ra tới đường thì chép miệng bảo tôi:
- Tôi bảo những kẻ yêu
say mê chẳng khác gì mù, thực đúng! Đó anh xem, mình hết lời cắt nghĩa cho Hoàn
nghe, mà nào nó có chịu tin! Chính vì thế mà tôi cứ để yên thử xem cô ả còn những
mưu kế gì định thi thố ra cho hết. Và may ra, do đó, tôi có thể biết được cái cớ
Nhung thù Hoàn!
Rồi Kỳ Phát thú thực:
- Chính về chỗ này, tôi
chưa biết rõ nên lúc Hoàn hỏi vặn, tôi không biết nói năng làm sao cả, sau đành
phải cãi xúy xóa!
… Chừng nửa giờ sau,
chúng tôi đã từ con đường Ô Cầu Giấy rẽ vào chùa Láng. Chung quanh đều vắng ngắt,
con đường đất trước mặt chỉ lờ mờ do ánh trăng cuối tháng.
Kỳ Phát dừng bước nhìn
quanh, rồi khẽ bảo tôi:
- Anh và tôi phải khéo
khéo lẩn sau những gốc cây nhé, họ ngồi kia!
Tôi nhìn theo tay chỉ,
thấy quả nhiên ở vệ đường, có bóng hai người ngồi. Chúng tôi tiến lên chừng 10
thước nữa thì dừng lại và cùng nép vào sau một thân cây vì hai bóng đen kia đã
đứng đấy. Họ đi sát cạnh nhau, thủ thỉ có lẽ toàn là những lời âu yếm. Chúng
tôi cũng lần lần đi theo… Bỗng tôi thấy cái bóng nhỏ quay lại nhìn quanh như
xem có ai là người lạ, làm cho Kỳ Phát vội kéo tay tôi tiến nhanh lên và bảo khẽ:
- Nhung sắp hành động
cái gì, chúng ta đến gần họ hơn chút nữa mới được.
Và quả nhiên, Phát đoán
đúng. Trong lúc Hoàn không để ý, Nhung từ từ thò tay rút trong người ra một con
dao nhọn, sáng loáng, rồi giơ cao, định đâm chéo vào phía sau lưng Hoàn. Nhưng
Kỳ Phát đã kêu thét:
- Hoàn!
Hoàn giật mình quay lại,
vừa kịp tránh khỏi mũi dao, nhưng Nhung như một con hổ dữ, đã sấn sổ bước đến,
đâm chém lia lịa. May mà Hoàn cũng nhanh nhẹn, lại được Phát dạy cho dăm ba miếng
võ nên những nhát dao chí mạng, Hoàn chỉ bị sượt vào vai vào tay mà thôi!
Phát và tôi đều cắm cổ
chạy lên tiếp cứu. Nhưng đến nơi thì vừa lúc Hoàn đã giằng được dao của Nhung,
đẩy ngã xuống, túm lấy tóc, giơ dao lên toan đâm xuống. Nhưng Kỳ Phát đã tới kịp
giữ lấy dao. Hoàn như điên cuồng nói:
- Anh để em cho nó một
nhát, nó thực là giống yêu tinh, vừa rồi hãy còn thơn thớt thề giời thề đất.
Nhung nghe Hoàn mắng
nhiếc, chỉ cười nhạt. Rồi Nhung gật gù bảo Kỳ Phát rằng:
- À, ông Kỳ Phát đấy à?
Ông quả có tài thực. Nhưng đứa em ông thì ngu dốt quá lắm! Này Hoàn, mi tưởng
ta yêu mi thực sự? Đừng có nhầm thế, trái lại ta chỉ muốn moi gan mổ ruột mi
thôi!
Rồi quay lại phía Kỳ
Phát, Nhung rít lên:
- Còn mi nữa! Mi hãy giết
chết ta ngay đi, ta có sợ gì đâu! Ta chỉ tiếc kế của ta không thành! Nhưng ta
có chết cũng hả lòng, vì đã hết sức báo thù!
Kỳ Phát dịu dàng bảo:
- Nhung nói tôi không
hiểu, tôi với Nhung nào có thù gì?
Nhung gầm lên:
- À, mi nói mi không
thù, vậy kẻ nào đã dang tay bóp cổ chết ông phán già ở Tân Mai! Ông già ấy
chính là cha đẻ ra ta!
Nhung cười như một kẻ
điên dại:
- Ta có hai kẻ thù: lão
Ký Hồng đã hại cha ta và bắt ta về. Còn mi thì đã vì Cúc mà giết cha ta. Nhờ có
tập nhật ký của Ký Hồng, ta đã biết rõ uẩn khúc và sau khi tìm tòi dò hỏi, ta
biết được cha ta là ai nhưng ta lại cũng biết luôn cha ta đã bị mi giết rồi.
Chính vì thế mà ta phải bầy mưu lập kế giết được Ký Hồng và buộc tội cho Hoàn.
Hoàn là con của Cúc, Hoàn lên đoạn đầu đài mới thực làm cho mi phải đau đớn,
xót xa hơn là chính mi bị giết!
Kỳ Phát thở dài… Chầm
chậm, chàng gỡ con dao ở tay Hoàn ra, rồi khẽ bảo:
- Thôi, con đứng dậy!
Tha cho Nhung! Cổ nhân có nói: oán cừu nên cởi chứ không nên buộc! Nếu cứ oan
oan tương báo mãi thì biết bao giờ cho xong được.
Rồi Kỳ Phát kéo Hoàn
cùng tôi đi về lối đường cái, trong khi Nhung mắt vẫn gườm, đứng dậy, rồi đi
lùi lại phía sau, tắt qua đồng ruộng. Nhưng một hồi còi dài đã rít lên trong
đêm tối. Tôi nghe rõ tiếng Trúc Tâm quát:
- Nhung, hãy đứng lại!
Kỳ Phát giậm chân kêu:
- Thôi chết Nhung rồi,
Trúc Tâm tại sao lại biết mà rình bắt ở đây!
Nhung lúc này đã cắm đầu
chạy, Trúc Tâm quát:
- Đứng lại ngay, không
có ta bắn chết.
Nhung vẫn chạy. Một tiếng
nổ, một làn ánh sáng loé ra. Như một con vật bị đạn, Nhung cố chạy thêm mấy bước,
rồi ngã gục. Cả bọn chúng tôi và Trúc Tâm cùng hai người mật thám phụ đã ùa chạy
tới. Dưới ánh đèn pin chúng tôi đã thấy rõ Nhung rên rỉ trong vũng máu, viên đạn
của Trúc Tâm đã ác nghiệt trúng bụng, làm loang đỏ hẳn một vạt áo dài mầu tím.
Trúc Tâm tỏ vẻ hối hận:
- Tôi nhằm chân, không
ngờ trúng bụng…
Nhưng Hoàn đã cúi xuống,
ôm Nhung lên, để dựa đầu vào ngực mình:
- Nhung ơi, em thấy thế
nào?
Nhung chỉ nhăn mặt,
không trả lời và nhìn Kỳ Phát bằng một cái nhìn vô cùng khinh bỉ. Phát như hiểu
ý, vội bảo Trúc Tâm:
- Anh hãy nói cho Nhung
biết không phải tôi đã nói cho anh biết đến đây vây bắt nàng! Tôi không đến nỗi
hèn như vậy.
Trúc Tâm gật đầu:
- Tôi xin lấy danh dự
ra mà công nhận điều đó. Nguyên buổi sáng, lúc Phát vờ đánh rơi tàn thuốc vào
áo Hoàn để lấy trộm được mảnh giấy Nhung viết hẹn Hoàn, tôi có để ý thấy nên đợi
cho Phát xem xong, bỏ vào túi áo mới lại vờ say, ngã xiêu cho Phát đỡ, rồi nhân
lúc bất ý mà đoạt mảnh giấy kia. Vì thế mà tôi mới biết chỗ hẹn mà đón bắt
Nhung ở đây.
Kỳ Phát vỗ vai Trúc Tâm
bảo:
- Thực là kẻ cắp gặp bà
già, tôi chịu anh đấy!
Trúc Tâm mỉm cười bảo:
- Điều đó không lấy gì
làm lạ, vì như anh đã nói: việc bắt Nhung là bổn phận của tôi!
Nhưng Hoàn bỗng kêu thất
thanh:
- Các anh ơi, Nhung làm
sao thế này!
Vì dưới ánh đèn điện
sáng trắng, mặt Nhung đã bềnh bệch dần dần… Đôi mắt tinh nhanh trong sáng, đẹp
một cách huyền ảo đâu còn nữa. Tử thần đã thế vào đôi mắt lờ đờ đùng đục!
Hoàn lấy tay kéo má
Nhung để quay mặt nàng nhìn về phía mình:
- Nhung ơi, chết Hoàn mất
thôi! Em làm sao thế?
Nhưng Nhung không còn
nói được nữa. Tuy nhiên, có lẽ nàng vẫn còn nghe hiểu, nên cố giương cặp mắt
sáng lại một lần cuối cùng nhìn Hoàn, mỉm cười, rồi cố thu hết tàn lực để bàn
tay lạnh của mình vào trong tay Hoàn, giữa lúc Trúc Tâm và hai người phụ việc
kính cẩn ngả mũ chào linh hồn một người bắt đầu bước sang thế giới khác!
Hoàn đã bỏ về đồn điền
để cố lãng quên đoạn đời tình đau đớn.
Một buổi tối, Kỳ Phát,
Trúc Tâm và tôi cùng ngồi hút thuốc lá và nhấp chè. Chúng tôi cùng ngồi im lặng
đã lâu vì mỗi người cũng theo một ý nghĩ riêng. Bỗng Kỳ Phát dằn mạnh chén nước
xuống khay, làm cho chúng tôi cùng giật mình ngẩng nhìn. Kỳ Phát có vẻ suy
nghĩ, chầm chậm bảo:
- Các anh ạ, có lẽ Hoàn
minh mẫn hơn tôi! Nhung quả thực có yêu Hoàn.
Cánh cửa sổ bên ngoài đập
mạnh, kêu rầm. Thu đã qua. Gió đông đã bắt đầu thổi.
===
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét