1
BỨC DANH THIẾP ĐÁNG NGỜ
Phạm Cao Củng
Kỳ Phát
cười mà bảo tôi:
- Anh
đánh cờ mà không chịu nghĩ, như thế cả đời thua, mà thứ nhất là không bao giờ
cao được.
Tôi cũng
cười, bày ván cờ khác rồi trả lời:
- Tôi chịu
không làm sao được, vì tôi dẫu có muốn nghĩ cũng không nghĩ ra.
Phát cau
mặt:
- Sao lại
không ra, chỉ có một điều là anh không chịu nghĩ.
- Khổ,
oan cho tôi quá, nhưng tôi nghĩ mà không ra, thì anh bảo tôi làm sao được! Anh
đánh một nước tính luôn mấy nước sau, tôi thì chịu.
Phát vẫn
không chịu:
- Nghĩa
là anh lười nghĩ.
Tôi cười:
- Anh cứ
kêu tôi lười hoài, nhưng tôi hãy hỏi anh: ví dụ như vụ án mạng ở trong Thanh mà
người ta đã nói dạo trước (Xem Vết tay trên trần.), việc tìm ra cái
kho tàng nhà họ Đặng (Xem Kho tàng họ Đặng.), cái bí mật trong chiếc
tất nhuộm bùn (Xem Chiếc tất nhuộm bùn.), dễ thường anh cũng bảo rằng
ai cũng có thể khám phá ra được cả sao?
Phát
châm thuốc lá hút rồi gật đầu:
- Phải,
ai cũng có thể khám phá được, nếu ai cũng chịu nghĩ.
Tôi lắc
đầu:
- Không
anh ạ, chịu nghĩ chỉ là một điều, mà có khối óc trinh thám đặc biệt như anh mới
là điều quan trọng hơn cả.
- Cái điều
ấy thì tôi chắc ít người có lắm.
Phát thở
một hơi thuốc lá dài, rồi có vẻ chán nản, bảo tôi rằng:
- Tôi thấy
phần nhiều người nước ta đều giống như anh hết, bất cứ việc gì, chưa làm đã kêu
khổ, hình như tự biết là một kẻ không làm được cái thá gì hết thẩy. Như vậy thì
bao giờ mà thành công được việc gì hơi quan trọng một chút?
Tôi cười:
- Không
hiểu hôm nay anh ăn phải món gì mà sinh ngôn luận thế, có mỗi một ván cờ, mà
anh bàn ngay ra chuyện đời được. Anh lại khéo léo mạt sát cả nước ta là nước
văn hiến…
Phát tức
mình, giơ tay xóa cả bàn cờ tôi vừa bày xong rồi vất điếu thuốc lá chàng đương
hút dở mà bảo tôi rằng:
- Thôi,
nói với một người bướng như anh là vô ích, mà đánh cờ với một người không chịu
nghĩ như anh lại càng vô ích hơn nữa.
Cố ý
trêu cho Phát tức, tôi khoanh tay nhìn chàng mà hỏi:
- Vậy
bây giờ, không đánh cờ mà trời mưa buồn không đi chơi đâu được thì anh định làm
gì?
Phát
cáu:
- Thì
tôi ở nhà để nghĩ, nghĩ xem những người bướng và lười như anh thì sống để làm
gì?
Tôi cười:
- Tôi đã
nghĩ ra rồi, anh ạ! Tôi sống để mà trêu anh.
Có lẽ
Phát biết tôi có ý chọc tức chàng nên Phát đánh diêm, châm điếu thuốc khác, rồi
ra tựa cửa sổ nhìn những giọt nước mưa tí tách, nhất định không nói nữa.
Tôi nhìn
theo Phát mà mỉm cười.
Kỳ Phát,
cái anh chàng có tài trinh thám bao giờ cũng vui vẻ ưa hoạt động của tôi chỉ có
mỗi lúc này là cáu kỉnh, ấy là lúc lâu mãi không có cái gì lạ lùng bí mật để
chàng tra xét nghĩ ngợi.
Người ta
khi rỗi thì thấy nôn nao, khó chịu, Kỳ Phát của tôi lúc này cũng đói, nhưng đói
trong khối óc ham luận lý xét đoán của chàng. Kỳ Phát chỉ có mỗi một tính xấu ấy.
Muốn chữa cho chúng, tôi đã có một cách là khi nào chàng cáu kỉnh thì tôi lại
càng trêu chàng kỳ cho đến khi nào chàng hết cáu mới thôi.
Bỗng có
tiếng gõ cửa. Thằng xe nhà ông Tham Lượng bước vào. Nó cúi chào tôi rồi lại bên
Kỳ Phát, đưa một chiếc phong bì danh thiếp. Phát mở xem, rồi quay bảo thằng xe:
- Cho
anh về, thưa với ông rằng ta sẽ lại ngay!
Thằng xe
đi rồi, Kỳ Phát đọc thư lại một lần nữa, rồi đi lại bên, vỗ vai tôi mà bảo rằng:
- Bây giờ
thì tôi đố anh trêu làm sao cho tôi tức được.
Tôi giật
mình hỏi:
- Thế
nào, anh lại có việc gì để tra xét rồi hẳn?
Phát gật
đầu:
- Nho nhỏ
thôi, nhưng tôi ngờ rằng có nhiều cái lạ. Đấy, anh đọc đi!
Tôi cầm
lấy tấm danh thiếp của Phát trao cho. Đó là cái thư của Tham Lượng, một người bạn
của Kỳ Phát và cả của tôi nữa.
Trong
danh thiếp có viết mấy dòng:
“Anh Kỳ
Phát,
Nếu anh
rỗi rãi, thì lại chơi tôi ngay. Tôi có một việc trộm thường, nhưng rất bí mật,
nếu được anh tra xét giúp cho thì hay lắm.
Thế nào
anh cũng lại, và trời mưa thì anh xơi cơm luôn thể ở đằng tôi cho vui.
Anh lại
ngay.
Tham Lượng”
Tôi xem
xong, gật đầu:
- Thực
là buồn ngủ lại gặp chiếu manh, sướng anh nhé! Nào, chúng ta mặc áo lại anh
Tham Lượng.
Phát vẫn
đứng yên hỏi:
- Anh
cũng đến à?
Tôi ngạc
nhiên:
- Sao lại
không đến? Tham Lượng cũng là bạn của tôi, vả lại từ trước đến nay chưa hề bao
giờ anh đi khám phá một vụ nào mà lại không rủ tôi cùng đi, như vậy, lần này
cũng phải giống như mọi lần trước.
Kỳ Phát
lắc đầu:
- Không,
lần này thì anh ở nhà.
- Tại
sao?
- Tại
anh là một người chỉ biết nói bướng và lười nghĩ, để anh đi theo cũng vô ích
thôi, vì đúng như lời anh nói, trời sinh anh ra ở đời chỉ có một việc là trêu
tôi thôi, vậy anh hãy ở nhà đợi đến lúc nào tôi cáu.
Tôi làm
lành:
- Thôi Kỳ
Phát ạ, bây giờ tôi phục lời anh nói là phải lắm rồi, người ta ai cũng có thể
suy nghĩ được, vậy có dịp tốt để tôi nghĩ, bổn phận của anh là để tôi đi theo.
Phát cười:
- Anh hỏi
bây giờ thì đã khá muộn, nhưng tôi cũng không cố chấp làm gì.
Tôi vội
đi mặc áo:
- Anh rộng
lượng quá!
Phát giơ
tay, cản tôi lại:
- Anh
hãy khoan đừng có tán dương tôi vội. Ừ, thì anh đi, nhưng trước hết, anh phải
làm sao cho tôi tin được rằng tới đó, anh sẽ chịu nghĩ.
Tôi gật
đầu:
- Được rồi,
anh hãy để tôi lại đấy rồi tôi nghĩ cho anh xem!
Phát lắc
đầu:
- Không,
anh phải nghĩ ngay từ bây giờ!
Tôi ngạc
nhiên hỏi:
- Anh bảo
tôi nghĩ từ bây giờ, nhưng đã có cái gì để xem xét mà nghĩ ngợi luận đoán được.
Phát giơ
chiếc danh thiếp:
- Có cái
này!
Rồi Phát
nói luôn:
- Đây
anh xem lại, anh xem và nghĩ rồi nói cho tôi biết anh đã nhận xét được điều gì?
Tôi ngạc
nhiên cầm tấm danh thiếp, xem kỹ lại một lượt, rồi một lượt thứ ba nữa nhưng
ngoài mấy câu trên kia, thì không có gì đáng để ý cả. Tôi trao trả Kỳ Phát, lắc
đầu:
- Tôi chịu
rồi, không nhận thấy gì cả.
Kỳ Phát
mỉm cười bảo:
- Thôi,
anh lại lười nghĩ rồi. Vậy anh ở nhà nhé, tôi đi đây!
Tôi cũng
phát tức, giật lấy chiếc danh thiếp mà bảo rằng:
- Anh
không phải nói, anh đưa tôi xem lại lượt nữa.
Nhưng
cũng chẳng hơn gì lần trước, lần này tôi vẫn không thể nào mà nhận ra được cái
chỗ khác thường đáng để ý ấy.
Kỳ Phát
thì đứng yên mà nhìn tôi. Lâu lâu, chàng mỉm cười mà nói rằng:
- Thế
nào, anh đã nghĩ ra rồi chứ?
Tôi miễn
cưỡng gật đầu:
- Có, tôi nhận thấy có một chỗ chữa, chữa viết thêm vào chữ ngay.
Phát gật
đầu:
- Phải,
anh đã tấn tới đấy, nhưng chỗ chữa ấy thì nghĩa là thế nào?
Tôi cố
nghĩ rồi đành nói:
- Chữa
viết thêm như thế nghĩa là tính anh Tham Lượng không được cẩn thận, nhiều khi lại
thay đổi ý kiến luôn.
Kỳ Phát
bĩu môi:
- Thôi,
anh bất tất phải nói nữa, nghĩa là có lẽ anh không thể nào nghĩ được, hay là
anh không có óc cũng vậy!
Tôi
không cãi lại, chỉ tự an ủi và nhủ thầm: "Ta không có óc, nghĩa là ta
không có óc trinh thám mà thôi. Như vậy thì cũng không đến nỗi nhục lắm."
Nhưng Kỳ
Phát đã giục tôi:
- Thôi,
anh mặc áo, chúng ta đi, kẻo anh Tham Lượng chờ!
Tôi tuy
mừng thầm, nhưng vẫn còn làm bộ:
- Nhưng
trước hết, anh hãy nói cho tôi biết cái danh thiếp này anh nhận thấy những gì
đáng để ý?
Phát lắc
đầu giục:
- Thì
anh hãy đi đã nào, anh nóng muốn biết sao không cố mà tìm ra?
Tôi cau
mặt:
- Thì
anh nói ngay cho tôi biết đã nào, hãy nói cho tôi biết để khi nào lại đằng ấy;
tôi mới còn có thể nghĩ thêm được ra cái gì khác nữa chứ!
Phát lắc
đầu:
- Anh thực
không biết điều chút nào cả, nhưng thôi tôi cũng chiều anh, nói cho anh biết một
chút vậy: Thế xem bức danh thiếp này, anh không nhận thấy rằng trong lúc anh
Tham Lượng ngồi viết thì có chị ấy đứng bên à?
Tôi ngạc
nhiên, hỏi:
- Quái lạ,
sao anh lại biết thế nhỉ? Tôi không hiểu đấy!
Phát cười
nhạt:
- Tại rằng
anh không có óc, hiểu chưa, mà nói luôn cho anh biết rằng chỗ nhận xét ấy chưa
là điều quan trọng nhất. Nhưng thôi, nói ra anh lại hỏi vặn tôi, anh cứ đi đi,
rồi sẽ hay!
2
MỘT VỤ TRỘM LẠ
Chúng
tôi lại nhà anh Tham Lượng. Hai vợ chồng anh thấy chúng tôi thì mừng lắm. Chị ấy
cười mà bảo:
- Anh Kỳ
Phát, lần này thì việc nhà, hẳn là anh phải tìm ra cho được!
Tôi cũng
cười:
- Kỳ
Phát lúc nẫy cũng đã bảo tôi rằng: anh ấy đương trong lúc không có công việc
gì, vậy mà anh lại cho công việc, đáng lẽ anh phải mang lễ lại tạ ơn anh chị cơ
đấy!
Chị Tham
Lượng cười, mời chúng tôi ngồi rồi nói rằng:
- Các
anh hãy ngồi xuống đây. Nhà tôi vừa bị một vụ trộm, tuy không lấy gì làm to lắm…
Tôi hỏi:
- Chị bị
mất trộm cái gì?
Chị Tham
Lượng nói:
- Tôi bị
mất chuỗi hột vàng…
Kỳ Phát
giật mình:
- Chuỗi
nào, hay là chuỗi hột vàng mà có ba viên ngọc bích ở giữa ấy, chuỗi hột chị vẫn
thường đeo?
Chị Tham
Lượng gật đầu:
- Vậy
chính chuỗi hột ấy, vì tôi còn có chuỗi nào khác đâu!
Tôi cũng
giật mình:
- Chết
chửa, mất chuỗi hột quý ấy mà chị lại bảo là vụ trộm nhỏ.
Anh Tham
Lượng gật đầu:
- Nghĩa
là đã mất rồi thì nói to, hay nhỏ nào có khác gì. Thực ra thì cũng không đáng
bao nhiêu, vả lại của đi thay người…
Chị Tham
cau mặt:
- Nào
tôi có làm ác cái gì mà cậu bảo của đi thay người, vả lại tuy chuỗi hột vàng
không đáng mấy nhưng có ba viên ngọc bích quý lắm.
Phát gật
đầu:
- Có,
tôi có biết ba viên ngọc ấy. Mà hiện thời, toàn cõi Việt Nam không chắc có lấy
được một viên nào nước ngọc đẹp được giống như thế nữa.
Chị Tham
Lượng gật đầu:
- Tôi
không nói ngoa đâu, thực như thế đó, và ba viên ngọc ấy là do của ông cụ Tổ nhà
tôi để lại, nguyên cụ ngày xưa làm quan ngự y trong nội, chữa khỏi được bệnh
cho vua gì gì đấy, nên vua mới ban cho ba viên ngọc ấy.
Tôi hỏi:
- Chị đã
trình Sở Mật thám chưa?
- Chưa,
vì nhà tôi bảo: đừng trình vội, hãy nhờ anh Phát tra xét xem thế nào đã!
Kỳ Phát
mỉm cười:
- Vậy có
lẽ anh Tham tôi tin cái tài tôi hơn Sở Liêm phóng đấy nhỉ?
Anh Tham
Lượng gật đầu:
- Cái đó
thì đã hẳn, chẳng thế tôi lại tìm anh trước!
Phát cũng
gật đầu; nhưng mỉm cười một cách hoài nghi. Rồi Phát bảo Tham Lượng:
- Nào,
bây giờ anh chị hãy kể cho tôi nghe chuyện mất chuỗi hột ấy thế nào?
Tham Lượng
nói:
- Không
có gì rắc rối cả, anh ạ, nghĩa là chuỗi hột ngọc ấy nhà tôi để trong két rồi
sáng hôm sau, mở két ra, thấy mất.
Phát hỏi:
- Khóa vẫn
y nguyên chứ?
Tham Lượng
gật đầu:
- Vẫn y
nguyên, đó mới là một điều lạ!
- Nếu chỉ
có đúng như lời anh kể mà mất được thì cũng lạ thực đấy, nhưng tôi chắc rằng
không phải chỉ có thế thôi đâu!
Tham Lượng
quay lại bảo vợ, hình như muốn lấy vợ làm chứng cho lời nói của mình:
- Mợ nhỉ,
câu chuyện chỉ có thế; có lạ, tôi mới phải mời anh lại chứ!
Kỳ Phát
nghiêm sắc mặt lại bảo vợ Tham Lượng rằng:
- Vụ trộm
đã xẩy ra lâu rồi, khám xét vết tích bây giờ rất khó vì dù có vết tay chăng nữa,
thì anh chị cũng đã làm nhòe mất cả rồi. Vậy chỉ còn có một cách hy vọng để lấy
lại chiếc chuỗi hột ấy là chị hãy kể hết sức minh bạch những việc đã xẩy ra,
như vậy thì tôi mới có thể mong tìm ra thủ phạm.
Chị Tham
vội nói:
- Khốn nạn,
thì nào tôi có giấu gì đâu, đã định giấu thì còn mời anh lại đây làm gì?
Kỳ Phát
gật đầu:
- Không,
nghĩa là tôi nói trước vậy mà thôi, nào, chị hãy kể lại thực tường tận cho tôi
nghe đi. Chị còn thấy chuỗi hột ấy lần cuối cùng vào lúc nào?
Chị Tham
Lượng nói:
- Anh để
tôi nói rõ ràng anh nghe. Nguyên hôm kia, nghĩa là hôm thứ bẩy, tôi và nhà tôi
đi xem hát tại Nhà hát lớn. Tôi định đeo chuỗi hột đi thì nhà tôi bảo nên để ở
nhà, vì ở đấy đông nhỡ ra chen nhau, đứt mất thì sao. Thực là tại nhà tôi, chứ
nếu đeo đi thì có lẽ lại không bị mất!
Tham Lượng
cãi:
- Phải,
bây giờ nói thế nào chẳng được, nghĩa là số đã mất của thì trăm đường tránh
cũng không thoát được.
Chị Tham
gật đầu:
- Cậu
thì chỉ cho tại số, sao ngày thường thì cậu ghét số mệnh thế?
- Ấy bây
giờ tôi mới nhận ra rằng mọi sự ở đời quả có số thực!
Kỳ Phát
ngắt lời hỏi:
- Chị
không đeo chuỗi hột đi đêm hôm ấy, vậy để ở nhà thì cất vào đâu?
- Tính
tôi vốn cẩn thận nên bỏ chuỗi hột vào chiếc két kia.
Phát
nhìn theo tay chỉ, thấy chiếc két sắt kiểu lớn, ba ổ khóa.
Phát gật
đầu lẩm bẩm điều gì không rõ, giây lát mới hỏi tiếp:
- Chị có
khóa két lại chứ?
- Vâng,
chính tay tôi khóa lại cẩn thận.
- Mấy giờ
chị đi xem?
- Lúc ấy
vào quãng 8 giờ rưỡi.
Phát cười
mà hỏi rằng:
- Chắc
chị không quên mang chìa khóa đi.
Chị Tham
Lượng cũng cười:
- Anh
nói mới lẩn thẩn, có mỗi cái két mà lại quên không mang chìa khóa đi thì lạ thực,
bao giờ chìa tôi cũng giữ, nhưng vì hôm ấy mặc bộ áo vải “phin” mỏng quá, nên sợ
rách túi tôi giao cho nhà tôi giữ.
Phát vẫn
cười quay hỏi Tham Lượng:
- Còn
anh, hẳn anh cũng nhớ mang theo, tôi chỉ lo anh đãng trí lại để quên ở nhà
thôi!
Tham Lượng
lắc đầu:
- Không,
lúc ra khỏi nhà, nhà tôi mới đưa chìa khóa cho tôi, mà lúc về thì tôi lại trao
trả nhà tôi ngay.
Phát có
vẻ nghĩ ngợi, sau bỗng nói lẩm bẩm:
- Quái lạ,
hôm ấy, tôi cũng có đi xem sao lúc tôi nhìn thấy chị thì lại không thấy anh
đâu: tôi lại cứ yên trí rằng chỉ có một mình chị đi xem thôi, còn anh ấy không
đi vì bận việc!
Chị Tham
Lượng hỏi:
- Có phải
anh nhìn thấy tôi lúc “giờ tạm nghỉ” không?
Kỳ Phát
gật đầu:
- Vâng,
đúng đó, chắc lúc ấy anh Tham ra ngoài hàng hiên hút thuốc.
Tham Lượng
lắc đầu:
- Không,
lúc đó tôi có tí việc phải về nhà… Tôi quên chưa lấy cái thư bỏ vào thùng, cái
thư cần gửi để nhà dây thép cho đi chuyến sáng sớm mai!
Phát
nhìn thẳng vào mặt Tham Lượng rồi đột ngột hỏi:
- Anh về
tận nhà Bưu điện bỏ thư thì kịp về xem lúc mở màn sao được?
Tham Lượng
lắc đầu:
- Không,
tôi bỏ ngay chỗ hòm thư đầu phố!
Chị Tham
Lượng nói:
- Ấy bỏ
ngay đầu phố, thế mà cũng mất xem một đoạn vì quá được chốc lát thì nhà tôi mới
về kịp.
Rồi chị
Tham lại cười:
- Ấy vì
vội vàng vậy, vội đến nỗi trượt chân ngã lấm cả quần, đây này anh xem.
Phát
nhìn theo tay chỉ, rồi chàng đứng dậy hỏi:
- Bộ quần
áo này như mới may đấy chứ, sao mới mà anh mặc không giữ gìn nên chóng hại quá.
Phát lại
về chỗ ngồi, rồi hỏi tiếp:
- Anh đi
bộ hay sao mà đến nỗi ngã?
Tham Lượng
lắc đầu:
- Không,
tôi đi xe nhưng vì lúc vội bước xuống, vướng quần phải bánh xe.
Phát gật
đầu:
- Phải,
chẳng thế người ta lại chẳng có câu ví: “Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá
mà quàng phải gai”.
Tôi thấy
Phát cứ đùa hoài khó chịu quá, bảo:
- Gớm,
anh cứ bông đùa thế thì tra xét thế nào được.
Kỳ Phát
nhìn tôi rồi cười mà rằng:
- Nào tới
tra xét, vậy chị biết mất chuỗi hột hồi lúc nào?
Chị Tham
Lượng nói:
- Tôi biết
mất ngay từ sáng sớm hôm sau. Lúc mở két ra thì chuỗi hột đã không cánh mà bay.
Kỳ Phát
lại hỏi:
- Ngoài
chuỗi hột ra chị có mất gì nữa không?
- Không,
vả lại tiền thì tôi để trong ngăn kéo ở trong tủ, muốn mở lại phải dùng chìa
khóa nữa.
Kỳ Phát
hỏi:
- Vậy chị
có nghi ngờ cho ai trong nhà này không?
- Không,
vả lại trong nhà hôm ấy thì chỉ có thằng xe ở nhà mà thôi. Con sen mới xin về
hôm trước.
Kỳ Phát
hỏi:
- Có lẽ
là thằng xe lấy?
Tham Lượng
lắc đầu:
- Không,
thằng xe này ở đã lâu, vả lại tôi biết nó là người thực thà cẩn thận.
Tôi nói
một câu hoài nghi:
- Ở đời
không biết đâu mà lường được. Nhiều khi mình tin cậy hết sức mà lại gian giảo
không chừng!
Kỳ Phát
gật đầu bảo:
- Phải,
anh nói đúng, chúng mình không còn tin ai hết. Thì ta hãy thử hỏi thằng xe!
3
THẰNG XE KHẢ NGHI
Chị Tham
Lượng gọi thằng xe ra. Phát nhìn nó như thôi miên vậy, rồi bỗng hỏi rằng:
- Thế
nào, anh không lấy chuỗi hột ngọc chớ?
Thằng xe
thưa:
- Thưa
ông, con không dám ạ. Vả có muốn lấy cũng không được. Chuỗi hột ấy bà con bỏ
vào trong két.
Kỳ Phát
gật đầu:
- Có, ta
biết, nhưng trong lúc ông bà đi xem thì anh không đi đâu chứ?
- Thưa
ông, con ở nhà không đi đâu hết.
Kỳ Phát
lại hỏi tiếp luôn:
- Thế có
ai vào trong nhà lúc ông đi vắng không?
- Thưa
ông, không ạ, vì con ở trong bếp.
- Lúc
ông về thì anh ở đâu?
- Lúc ấy
con ở ngoài cửa, ông con về, con chạy vào trong nhà thì vừa sôi nước, con pha
chè mới cho ông con uống rồi ông con lại đi ngay.
Kỳ Phát
hỏi:
- Ông về
vội lắm phải không anh?
- Vâng,
ông con về một cái lại đi ngay.
Tham Lượng
cười:
- Chẳng
vội lại ngã lấm quần.
Rồi Tham
Lượng lại bảo Kỳ Phát:
- Ngay
hôm thấy mất chuỗi hột tôi cũng gọi nó lại hỏi luôn nó cũng trả lời như vừa nói
với anh lúc nẫy. Vụ trộm này tôi không còn hiểu ra sao cả. Thực là bí ẩn.
Tôi hỏi
Phát:
- Thế
nào? Anh đã thấy manh mối chưa?
Phát lắc
đầu:
- Chưa
nhưng chắc cũng phải tìm ra. À, nhưng chị Tham, tôi mà tìm ra chuỗi hột ngọc
thì chị thưởng cho tôi gì nào?
Chị Tham
cười mà rằng:
- Chưa
chi đã đòi công, thì tùy đấy, muốn lấy công gì cũng được.
Phát gật
đầu:
- Nghĩa
là thế này thôi vậy, mất lòng trước hơn được lòng sau, hễ mà tôi tìm ra thì trước
hết chị phải cho tôi đi hát với anh Tham một đêm.
Tôi cười:
- Thế
còn tôi anh quên à?
- Ừ, hát
với cả anh nữa, rồi hôm sau thì chị làm một bữa tiệc đãi tôi, ăn uống tráng miệng
xong đâu đấy, tôi sẽ đưa chuỗi hột giả lại. Chị có bằng lòng như thế không?
Chị Tham
cười:
- Vâng,
ông muốn gì cũng được. Miễn là ông tìm được lại cho tôi chuỗi hột.
Kỳ Phát
đứng dậy bảo:
- Thôi,
chúng tôi không muốn ăn cơm hôm nay đâu, chị đừng bảo nó làm nhé!
Chị Tham
Lượng không nghe bảo:
- Không,
ai lại thế, các anh ăn cơm với chúng tôi cả cho vui, tôi đã bảo nó làm cơm rồi.
Phát lắc
đầu:
- Tôi
không tin lời chị được.
- Thật đấy
anh ạ, chẳng tin thì anh vào mà xem.
Kỳ Phát
vào xem thực, chàng chạy thẳng vào bếp rồi cười mà rằng:
- Nào
cơm đã thổi đâu, chị chỉ khéo nói.
Phát nói
tiếp:
- Trong
nhà này thế mà nhiều chỗ giấu tốt đáo để.
Nói một
câu không có liên lạc gì cả, thế rồi Phát lại bảo khẽ tôi:
- Thôi
chúng ta về, ở lại đây vô ích, vả lại tôi còn muốn thử lại xem những lời tôi
đoán có đúng hay không.
Phát nói
như vậy nên mặc dầu cho vợ chồng anh Tham Lượng giữ thế nào, Phát cũng nhất định
trở về.
Lúc ngồi
xe về nhà, tôi hỏi Phát:
- Thế
nào, anh nhận xét thấy những gì rồi?
Phát cười,
bảo tôi rằng:
- Anh
này lạ nhỉ, đáng lẽ phải chính tôi hỏi anh câu ấy mới phải chứ, vì anh đã quên
rồi sao? Lúc ở nhà đi tôi đã bảo anh phải nghĩ.
Tôi gật
đầu:
- Có,
tôi đã nghĩ rồi.
- Vậy
anh nhận thấy thế nào?
- Tôi chỉ
biết có thằng xe ăn cắp.
Phát gật
đầu:
- Anh
khá đấy, nhưng tại sao anh lại đoán thằng xe ăn cắp.
Tôi thấy
Phát khen, cũng hơi có chút tự đắc, ung dung cắt nghĩa:
- Thì
trong nhà chỉ có ba người: anh Tham Lượng, chị Tham Lượng và thằng xe. Lẽ tất
nhiên chị Tham Lượng không ăn cắp của chị ấy, anh Tham Lượng cũng không ăn cắp
nốt, chỉ còn có thằng xe.
Phát
nhìn tôi nói:
- Chỉ có
thế mà anh đoán rằng thằng xe ăn cắp?
Tôi gật
đầu. Kỳ Phát vỗ vai tôi bảo:
- Vậy ra
anh thực là… một thằng ngốc!
Tôi vẫn
chắc ở cái lý của tôi nên cãi:
- Có anh
là thằng ngốc. Tôi hãy hỏi: vậy không phải thằng xe ăn cắp thì ai?
Phát điềm
tĩnh bảo:
- Tôi bảo
anh là thằng ngốc là vì theo luận lý giản tiện mơ hồ như thế, mà anh dám kết luận
như thế thực là ngốc. Tôi có thể cũng theo cách luận lý của anh, nhưng thằng xe
là một người cả hai vợ chồng anh Tham cùng tin cẩn, vả lại nó không có chìa
khóa giả mà mở két (một chiếc két sắt chẳng phải rằng bất cứ chìa khóa giả nào
cũng mở được). Vậy thằng xe không thể là thủ phạm.
Rồi Phát
cười:
- Theo
cách lý luận thì có lẽ thủ phạm là… anh hay tôi ấy.
Tôi khó
chịu lắm, gắt:
- Sao
lúc nào anh cũng đùa như vậy? Tôi hỏi thực, anh đã tra ra rồi chứ?
Phát gật
đầu:
- Đã, thủ
phạm là thằng xe!
Tôi lại
càng tức:
- Vậy
anh có hơn gì tôi?
- Có chứ,
vì tôi không luận lý một cách mơ hồ như anh.
- Thế
anh bảo nó lấy vào lúc nào?
- Lấy
lúc tạm nghỉ ở Nhà hát lớn, lấy lúc Tham Lượng về lấy phong thư.
Tôi muốn
hỏi thêm nữa nhưng Kỳ Phát đã giục:
- Anh đã
đói chưa? Chúng ta đi hiệu ăn.
Về vấn đề
ăn uống thì tôi với Kỳ Phát bao giờ cũng đồng ý nhau. Chúng tôi đã ăn xong, lúc
uống nước, tôi lại hỏi:
- Thế
nào, anh đã tìm ra thủ phạm, vậy còn đợi gì mà không lấy lại chuỗi hột ngọc?
Phát
nhìn tôi:
- Nghe
chừng anh nóng đi hát lắm có phải không?
Tôi lắc
đầu:
- Không,
nhưng tôi nóng muốn biết kết quả ra sao.
Phát
không trả lời câu tôi nói, bỗng hỏi:
- Thường
thì giờ tạm nghỉ ở nhà hát bao lâu nhỉ?
- Chừng
mươi, mười lăm phút. Nhưng gánh Tân Kịch Đoàn diễn hôm ấy thì lệ bao giờ cũng
nghỉ mười lăm phút.
Phát lại
hỏi:
- Anh có
đồng hồ đấy chứ?
Tôi gật
đầu, Phát gọi hầu sang thu tiền, rồi ra khỏi hiệu hỏi tôi:
- Đâu đồng
hồ của anh đâu?
Tôi lấy
đưa cho Kỳ Phát, chàng sung sướng bảo:
- May
quá, lại có thể tính được từng giây.
Phát lại
gọi xe, tôi hỏi:
- Đi
đâu?
Phát
không trả lời, bảo phu xe:
- Nhà
hát đấy!
Rồi suốt
trong lúc ngồi xe, Phát để ý nghĩ ngợi tính toán không nói một lời nào. Tôi
cũng không dám hỏi, một lát sau xe đến Nhà hát lớn, Phát cùng tôi đi vào một hiệu
cho thuê xe đạp ở ngay cạnh nhà hát. Tôi hỏi:
- Trời
mưa, anh thuê xe đạp đi đâu?
Phát
không trả lời, đưa gửi giấy căn cước thuê một chiếc xe đạp biển sơn thẻ số.
Chàng lật giở mấy tờ rồi nói:
- Nhiều
người thuê nhỉ, nhà hàng đại phát tài.
Chủ nhà
chép miệng:
- Chẳng
ăn thua gì ông ạ, chỉ đủ đóng thuế và vào đồ chữa là vừa.
Phát dắt
xe ra dặn tôi:
- Bây giờ
anh nhớ nhé. Chúng ta cùng về nhà anh Tham Lượng, anh đi xe tay tôi đi xe đạp.
Anh thuê xe đi trước đi, tôi cũng đạp xe theo luôn. Anh sẽ đợi tôi ở nhà anh Tham
Lượng. Nhưng mà không vào, anh cứ ngồi đợi tôi ở đấy, hễ Tham Lượng có hỏi thì
anh bảo: Tôi đi đâu có chút việc, rồi cũng đến đó ngay.
Phát lại
dặn thêm:
- Anh nhớ
đừng có nói hở cho anh chị ấy biết một chuyện gì nhé!
Và dựa
xe chạy thục mạng.
Tôi không
hiểu ra sao cả nhưng cũng cứ làm theo lời Phát. Tôi lên xe tay, còn Phát thì cắm
đầu mà đạp xe đạp.
4
MỘT THỦ PHẠM
Khi xe
tôi vừa đến nhà Tham Lượng thì đã thấy Phát gác xe đạp đứng đón ở nhà bên cạnh.
Phát thấy tôi, xem đồng hồ rồi chẳng nói chẳng rằng lập tức lại nhẩy lên xe đạp.
Tôi toan hỏi nhưng xe đạp của Phát đã vụt đi rồi.
Tôi vào
nhà anh Tham Lượng, anh chị ấy đều ngạc nhiên, vì không hiểu tôi đến có việc
gì. Chị Tham thì trách:
- Các
anh khách sáo quá chừng, bảo ở lại ăn cơm lại từ chối đây đẩy.
Tôi tìm
cớ nói:
- Không,
quả chúng tôi về có việc cần, nếu không thì ăn cơm ở đây cũng như ở nhà, có gì
mà ngại.
Tham Lượng
hỏi:
- Kỳ
Phát đâu?
- Anh ấy
đi có chút việc nhưng anh ấy cũng lại đây bây giờ.
Chúng
tôi mới nói được vài câu chuyện thì Kỳ Phát vào quần áo lấm bê lấm bết trông
như một thằng ăn cắp chạy trốn cảnh sát vậy.
Chị Tham
Lượng ngạc nhiên hỏi:
- Thế nào,
anh đi đâu mà bẩn thỉu thế?
Phát
nhìn quần áo rồi trả lời:
- Thực
tôi khó nhọc vì chị đấy nhé, tôi đi bắt thủ phạm.
- Thủ phạm
nào?
- Thủ phạm
lấy chuỗi hột ngọc chứ còn ai nữa.
Chị Tham
ngạc nhiên hết sức hỏi:
- Anh đã
tìm ra rồi, vậy chuỗi hột đâu đưa đây tôi xem nào?
Phát lắc
đầu:
- Đâu có
dễ dàng thế được, chị quên lời hứa rồi hay sao, một chầu hát, một bữa tiệc.
Anh Tham
Lượng cười:
- Người
ta chưa trông thấy chuỗi hột đâu cả thì anh đã đòi trả công, anh hãy đưa chuỗi
hột ra đã nào.
Phát
nhìn Tham Lượng rồi lắc đầu:
- Không,
tính tôi không thích cái lối hậu tạ ấy, vui chơi, chè chén đã rồi hãy hay.
Chị Tham
nửa tin nửa ngờ hỏi Kỳ Phát:
- Anh đã
tìm ra chuỗi hột rồi ư, anh nói thật đấy chứ?
Kỳ Phát
nói lại.
Chị Tham
Lượng gật đầu:
- Nếu thế
thì được, bao giờ anh muốn đi hát?
Tôi cười:
- Nhưng
chị phải cho phép anh Tham đi mới được cơ.
Tham Lượng
cười:
- Cái đó
đã là lẽ cố nhiên, tôi sẽ thay mặt nhà tôi mà tiếp các anh.
Chị Phát
lườm chồng:
- Tôi biết
cậu rồi, chỉ tiện gió bẻ măng xong rồi lại còn ân huệ hão.
Kỳ Phát
bảo:
- Thôi
chị cứ mời chúng tôi xuống xóm tối hôm nay.
Chị Tham
Lượng hỏi:
- Vậy
bao giờ anh đưa tôi chuỗi hột?
Kỳ Phát
cười:
- Chị
này đến hay quên, chị còn nợ tôi bữa tiệc nữa cơ mà, vậy sáng mai tôi trở về ăn
nhà chị đã, rồi xong đâu đấy…
- Xong
đâu đấy?
- Xong
đâu đấy tôi đưa trả chị chuỗi hột chớ còn làm sao nữa.
Rồi Phát
đứng dậy vỗ vai anh Tham Lượng mà bảo rằng:
- Không
may lại hóa may đấy nhé, có mất chuỗi hột thì anh mới có buổi được đi hát tự do
hoàn toàn hôm nay chứ!
Chị Tham
lườm chồng:
- Nhưng
tôi chỉ muốn cậu đi đến một giờ đêm là cùng thôi đấy nhé.
Tham Lượng
cười giục tôi và Phát:
- Thôi
các anh đi đi, không có nhà tôi lại thu nghị định bây giờ; đứng thêm một chút nữa
thì không khéo cái hạn một giờ lại thu chỉ còn mười một giờ thôi.
Chúng
tôi cùng cười rồi đi ra. Nhưng Phát bỗng quay lại bảo:
- Anh chị
cho tôi mượn mấy chiếc đĩa hát anh mới mua hôm nọ nhé.
Tham Lượng
gật đầu:
- Anh đợi
đấy rồi tôi lục cho.
- Thôi
anh bảo thằng xe nó đưa lại cho, tôi còn phải về đằng này đã.
Lúc về đến
nhà tôi hỏi Phát:
- Thế
nào, lúc nẫy anh đi lấy chuỗi hột thực đấy à?
Kỳ Phát
lắc đầu:
- Anh bảo
tôi lấy đâu mà chóng được thế?
- Vậy
anh chưa tìm thấy chuỗi hột?
- Lẽ tất
nhiên là chưa.
- Sao
anh đã bảo chiều nay đi hát?
- Phải,
đi hát.
- Nhưng
rồi lấy đâu ra chuỗi hột mà trả chị ấy?
- Đi hát
rồi có chuỗi hột.
Bỗng
Phát quay lại hỏi tôi:
- Anh có
thấy tôi thích đi hát ả đào bao giờ không?
Tôi gật
đầu:
- Phải,
đó chính là điều tôi nghĩ ngợi mãi, ngày thường anh rất ghét đi hát mà sao lần
này anh lại thích như vậy?
Bỗng một
ý nghĩ vụt đến trong óc tôi, tôi lẩm bẩm:
- Hay là
xuống ả đào để…
Phát vội
gạt đi:
- Im, thủ
phạm vào đây rồi.
Cửa mở,
thằng xe nhà anh Tham Lượng mang mấy chiếc đĩa hát vào, nó để lên bàn rồi toan
đi ra, nhưng Phát gọi giật lại:
- Xe,
anh hãy vào đây tôi bảo đã.
Thằng xe
đã luống cuống, nhưng Phát bảo:
- Anh
không có việc gì mà sợ, nhưng tại sao anh lại dám lấy chuỗi hột như vậy?
Thằng xe
vẫn chối.
- Thưa
ông, con có lấy đâu, lấy thế nào được, vì két khóa.
Phát quắc
mắt, nhẩy xổ ra, nắm lấy hai vai nó, nhìn vào tận mặt, rồi cười gằn nói dằn từng
tiếng:
- Con dại
lắm, con ạ, bây giờ không phải là lúc nói dối quanh nữa.
Thằng xe
vẫn chối:
- Thưa
ông oan con, tủ két khóa, con lấy thế nào được.
Phát lắc
đầu:
- Bất tất
anh phải dối tôi, tủ két mở nên anh mới lấy được!
Rồi Phát
vẫn nhìn chằm chằm vào mặt thằng xe, nói nhanh:
- Ta biết
hết cả rồi, anh giấu nữa cũng vô ích; sau khi ông Tham về, anh tình cờ thấy tủ
két mở, anh lấy chuỗi hột ngọc vì anh không thấy có tiền nong nào để ngoài nữa.
Anh lấy xong rồi, anh mang giấu vào trong bếp chỗ chiếc chạn bát, góc bên trái.
Tôi biết hết cả rồi. Anh giấu nữa cũng vô ích, vậy anh muốn ngồi tù hay được
tôi tha cho?
Thằng xe
luống cuống, sau đành van lạy:
- Thưa
ông xin ông thương cho con được nhờ, quả thật con không có ý lấy trộm chuỗi hột
ngọc nhưng vì lúc ấy tủ két mở…
Kỳ Phát
gật đầu:
- Ta biết,
thôi bây giờ anh muốn yên lành thì về lấy chuỗi hột mang lại đây rồi tôi sẽ có
cách cho anh được thoát nạn nhà pha.
Thằng xe
ngần ngại:
- Thưa
ông, con về lấy bây giờ thì thế nào cũng bị bắt mất, vì chính lúc nẫy con thấy
bà nhìn con hình như có ý nghi ngờ lắm.
Kỳ Phát
lắc đầu:
- Thế chẳng
qua là anh có tật giật mình đó thôi, nhưng tôi đã có cách này, anh không phải
ngại gì cả. Bây giờ tôi viết cho anh một cái giấy hỏi mượn cái máy hát của ông
bà anh, vì máy của tôi đứt rồi. Rồi anh bỏ chuỗi hột vào trong máy mà mang lại
tôi, như thế anh không sợ ai nghi ngờ gì cả.
Thằng xe
vâng dạ đi rồi, tôi quay lại bảo Phát rằng:
- Thế
thì anh hơn gì tôi, có phải ngay thoạt kỳ thủy tôi cũng đoán ngay ra thủ phạm
chính là thằng xe.
- Nhưng
anh đoán một cách ngu ngốc.
Tôi bực
mình:
- Phải,
ngu ngốc, nhưng kết quả thì cũng tìm ra chuỗi hột ngọc như anh chứ gì, Mà tôi lại
không cần phải bẩn một bộ quần áo vô ích như anh.
Kỳ Phát
nhìn tôi:
- Anh phải
biết rằng có làm khó nhọc thế thì mới ăn xuôi chầu hát và bữa tiệc chớ, vả lại
có thế thì mới gỡ tội được cho thằng xe nữa.
Tôi gật
đầu, Phát bỗng quắc mắt nhìn tôi rồi cười gằn mà bảo rằng:
- Vậy
anh tin thực thế ư? Anh tầm thường thực, anh phải biết nếu cứ tra ra thủ phạm một
cách ngốc như anh thì có cái hại vô chừng…
- Thằng
xe bị bắt mà anh bảo là hại ư? Nó ăn cắp, tham lam, thì ngồi tù, công bình lắm
rồi, còn gì nữa.
Phát
nghiêm sắc mặt bảo tôi:
- Anh
không biết đó thôi, nếu mà cứ làm như anh thì có tai hại lớn. Anh dễ được trông
thấy hạnh phúc một gia đình tan nát vì anh, tôi hãy hỏi, thà mất chuỗi hột hơn
hay là mất cả hạnh phúc trong nhà?
Tôi
không hiểu Phát nói những gì đành bảo:
- Anh cắt
nghĩa rõ ràng cho tôi hiểu.
Phát lắc
đầu:
- Không,
xong công việc đâu vào đấy tôi sẽ kể cho anh nghe, hiện giờ thì chưa thể được.
Cửa mở,
thằng xe bưng chiếc máy hát vào. Nó trông trước trông sau rồi mở máy hát ra, cầm
chuỗi hột ngọc đưa cho Phát.
Kỳ Phát
gật đầu, đưa chuỗi hột cho tôi rồi hỏi thằng xe rằng:
- Quê
anh ở vùng nào nhỉ?
- Thưa
con ở Thái Bình.
- Thế
thì được rồi, anh còn bao nhiêu công tháng ở nhà ông Tham chưa lĩnh?
- Thưa
ông con còn ba đồng.
Kỳ Phát
móc ví, đưa cho thằng xe 3 đồng rồi bảo rằng:
- Đây,
tôi cho anh ba đồng, vậy tôi hẹn cho anh ngày mai lúc nào tôi ăn uống xong
xuôi, bảo anh đi mua nước đá thì lúc ấy anh nên về nhà quê ngay, không nên chậm
một phút nào nữa, chậm trễ, anh mà bị bắt thì cái đó là tại anh, tôi không biết.
Thằng xe
vâng dạ đi rồi, Kỳ Phát lắc đầu mà bảo rằng:
- Ấy con
người ta lương thiện hay không chỉ là vì chưa trông thấy cái tủ két mở lúc có
người hay vắng người đó thôi!
Tôi bảo:
- Thôi,
bây giờ anh cắt nghĩa cho tôi nghe đi.
- Không,
tôi đã bảo anh là lúc nào công việc xong xuôi đã cơ mà!
- Chuỗi
hột đã lấy được rồi, thế là công việc xong chớ còn gì?
Phát lắc
đầu:
- Không,
chưa xong đâu, anh ạ, mà chuỗi hột anh có nhận thấy gì không?
- Tôi
không thấy gì cả.
Kỳ Phát
lắc đầu:
- Anh
thì chẳng có thấy gì bao giờ hết, thôi anh đưa chuỗi hột cho tôi.
5
HAI THỦ PHẠM
Hôm đó
chúng tôi lại nhà anh Tham Lượng, chúng tôi đi hát theo đúng chương trình đã định.
Nước rồi,
trống rồi, anh Tham Lượng ngoảnh nhìn đồng hồ thấy một giờ mười lăm bèn đứng
lên bảo chúng tôi:
- Các
anh ngủ lại đây, tôi về nhé!
Kỳ Phát
cười:
- Gớm
anh Tham nhớ hạn của chị ấy thế.
Anh Tham
gật đầu:
- Phải,
về không có lại điếc tai hàng xóm.
Rồi sau
khi chi chầu hát, anh Tham còn dùng dằng nói chuyện với người yêu của anh ấy,
vì chúng tôi lúc chưa đi hát cũng đoán biết thế nào anh ấy cũng đưa xuống nhà
đào Phụng, nhân tình anh ấy. Thôi thì anh chị hẹn ngày xuống, hỏi nhau rằng yêu
như thế nào, nghĩa là đủ thứ chuyện của những cặp tình nhân thực lòng yêu nhau
hay không thực lòng yêu nhau cũng vậy.
Tham Lượng
về rồi, Kỳ Phát chỉ toàn nói chuyện với đào Phụng.
Rồi họ
tán nhau, đùa nhau, đến nỗi tôi phải thấy chướng mắt gọi Phát ra mà bảo rằng:
- Tôi
không hiểu anh nghĩ thế nào đấy, hôm nay anh Tham Lượng mời anh đi hát, lúc anh
ấy về anh lại xoay ra tán ngay nhân tình của anh ấy.
Phát hết
sức trơ, gật đầu:
- Tôi
tán, rồi sao nữa?
Tôi đã
cáu:
- Rồi có
lẽ đêm nay anh bắt Phụng quạt màn cho anh ngủ?
Phát gật
đầu, vẫn điềm tĩnh như thường:
- Cái đó
là lẽ cố nhiên rồi, rồi sao nữa?
Tôi
không thể nhịn được:
- Rồi
anh là một thằng đểu chớ sao.
Phát lắc
đầu, nhìn tôi thương hại.
- Vậy
anh tưởng rằng Phụng thực yêu Lượng lắm sao?
- Không,
ả đào thì họ chung tình quái gì, nhưng ta là bạn của Lượng xuống hát, vậy anh
cư xử như vậy thì tôi không bằng lòng chút nào cả.
Phát lắc
đầu:
- Anh
câu nệ quá sức, Phụng trong khi chưa được Lượng chuộc về, thì ngoài còn là vật
sở hữu của quan viên, tôi cũng là quan viên, lẽ tất nhiên là tôi được hưởng mọi
quyền lợi của quan viên.
Mặc cho
Phát nói thế nào thì tôi vẫn bất phục cái thái độ ấy. Nhưng Phát vẫn cứ như thường,
vẫn tán riết Phụng, rồi cũng như lời tôi đã nói, cùng Phụng vào màn nói chuyện.
Sáng hôm
sau, Phát đã dậy gọi tôi mà bảo:
- Nào,
chúng ta đi về thôi chứ, về để sắp mồm ra mà ăn uống.
Không hiểu
sao lúc này tôi thấy Kỳ Phát tầm thường lạ.
Ngồi xe
Phát bỗng móc túi rồi lẩm bẩm.
- Chuỗi
hột mà bỏ quên ở nhà ả đào, ăn uống xong không có gì đưa trả chị Lượng thì khó
sống.
Phát cầm
chuỗi hột đưa lại sát mặt tôi hỏi:
- Thế
nào, anh nhận thấy gì không?
Tôi vẫn
không thấy gì lạ, lắc đầu. Kỳ Phát bỏ chuỗi hột vào túi rồi lại nói:
- Phải,
anh thì còn nhận thấy gì nữa.
Về nhà
chị Tham Lượng, Phát ung dung nói chuyện, nhưng không hề nhắc gì đến chuỗi hột
cả. Có một lần chị Tham hỏi nhưng Phát gạt đi:
- Chị
hãy cho chúng tôi ăn đã nào.
Bữa tiệc
hôm đó sang thực là sang nhưng chúng tôi, nghĩa là vợ chồng anh Tham và tôi chỉ
ăn có chừng, vì chúng tôi đều đợi. Chỉ có mình Phát là vừa ăn vừa sướng miệng lắm…
Rồi tiệc
tan…
Ăn tráng
miệng rồi mà Phát chưa chịu đưa chuỗi hột ra.
Rồi Phát
bảo thằng xe đi mua đá để pha cốc nước cam quả. Tôi biết Phát còn đợi thằng xe
đi thoát đã.
Mười
phút sau, Phát mới ung dung nghiêm trọng mà bảo chị Tham Lượng rằng:
- Chị đã
cho chúng tôi đi hát, chị đã cho chúng tôi dự bữa tiệc ngon lành, bây giờ, trước
tôi hãy xin cảm ơn chị và cả anh Tham nữa, rồi tôi xin giữ đúng lời hứa hoàn lại
chị chuỗi hột ngọc.
Vừa nói
Kỳ Phát vừa đưa chuỗi ngọc quý ra. Chị Tham vội vàng cầm lấy, sung sướng bảo:
- Anh Kỳ
Phát, vậy ra anh giỏi thực, anh đã tìm lấy lại được chuỗi hột thực. Nhưng thủ
phạm là ai hở anh?
Kỳ Phát
ngạo nghễ nhìn tôi:
- Thủ phạm
thì chính anh bạn tôi đây tìm thấy đầu tiên, chính thằng xe ăn cắp.
Chị Tham
cau mặt:
- Thằng
khốn nạn, vậy ra không thể tin ai thực, được rồi mày sẽ ngồi tù, thằng khốn nạn.
Phát lắc
đầu:
- Chị bất
tất phải tức giận, nó không còn về đây nữa đâu, nó trốn đi rồi.
- Sao
anh không bắt nó lại?
- Không,
vì chính tôi cho nó trốn thoát, chính tôi đã dung cho nó không bị tù, mà nó đã
đưa trả chuỗi hột ngọc.
Anh Tham
Lượng cười nhạt:
- Vậy ra
anh phúc đức lắm nhỉ.
Phát
nhìn thẳng vào mặt Lượng gật đầu:
- Phải,
tôi phúc đức lắm, mà phúc đức với hết thẩy mọi người.
Tham Lượng
vẫn mỉm cười một cách nhạo báng mà nói rằng:
- Anh Kỳ
Phát, anh thực là một người giỏi, anh đã tìm ra chuỗi hột ngọc, anh đã giúp
chúng tôi một việc lớn.
Phát mân
mê chuỗi hột rồi gật đầu nhắc lại câu hỏi của Lượng:
- Phải,
tôi đã tìm được chuỗi hột, tôi đã giúp anh được một việc lớn, phải anh cũng thấy
đấy chứ gì! Tôi đã tìm được chuỗi hột!
Tham Lượng
nghe giọng nói của Phát, nhìn vào chuỗi hột rồi bỗng xám mặt, giọng nói run
run:
- Vậy ra
anh tìm được chuỗi hột?
Lúc về đến
nhà Phát nhìn tôi cười:
- Phải,
tôi đã tìm thấy chuỗi hột thực, anh đã hiểu chưa?
Tôi thì
chưa hiểu được chút nào cả.
Phát
đánh diêm châm thuốc lá hút rồi gật đầu:
- Anh
không thể hiểu được thực, vì anh không chịu nghĩ như tôi. Tôi nhận thấy thế
ngay khi có chiếc danh thiếp của anh Lượng.
Tôi chợt
nhớ ra, hỏi:
- Nào,
bây giờ thì anh hãy nói cho tôi biết anh nhận thấy ở cái danh thiếp ấy những
gì?
Phát móc
trong túi ra chiếc danh thiếp đưa cho tôi xem lại, rồi cắt nghĩa:
- Trước
hết, anh hãy nhắc lại cho tôi biết, anh đã nhận thấy gì lạ?
- Tôi chỉ
nhận thấy có một chỗ chữa, chữa thêm vào chữ “ngay”.
Phát gật
đầu:
- Phải,
đó là chỗ chữa, như thế không phải là tại sao anh Tham Lượng không cẩn thận.
Đây anh thử đọc lại tấm thiếp:
“Anh Kỳ
Phát,
Nếu anh
rỗi rãi, thì lại chơi tôi ngay. Tôi có một việc trộm thường, nhưng rất bí mật,
nếu được anh tra xét giúp cho thì hay lắm.
Thế nào
anh cũng lại, và trời mưa thì anh xơi cơm luôn thể ở đằng tôi cho vui.
Anh lại
ngay.
Tham Lượng”
Kỳ Phát
lại nói tiếp:
- Anh là
một nhà văn, sao lại không thấy lời trong thiếp phản trái nhau ư? Này
nhé: “nếu anh rỗi rãi” sao lại “thì lại chơi tôi ngay”.
Tôi đoán thấy lúc anh Tham Lượng viết thiếp mời thì chị ấy đứng ngay ở bên cạnh.
Chính chị ấy bảo chồng viết thêm chữ “ngay” vào. Rồi lại: “Việc
trộm thường, rất bí mật” đã “thường” lại còn “rất
bí mật” đủ hiểu khi viết thiếp, chị ấy muốn mời tôi lại lắm, còn anh ấy
thì… không muốn! Hai câu sau là lời chị ấy đọc, nên mới có ý khẩn khoản như vậy.
Tôi ngẩn
người, nghĩ ngợi.
- Ừ nhỉ,
tại sao anh Tham Lượng lại không muốn anh đến tra xét?
Kỳ Phát
nhìn thẳng vào tôi rồi cả cười:
- Có gì
là khó hiểu: Vì anh ấy chính là thủ phạm! Anh để nguyên tôi kể lại “vụ trộm thường
mà rất bí mật” ấy có đầu đuôi để anh nghe:
Anh Tham
Lượng vốn là một người sợ vợ, nhưng anh ấy lại si tình. Anh ấy đi hát, mê đào
Phụng quá thể, mà đào Phụng cũng ác, lại cứ một mực đòi anh ấy chuỗi hột, chuỗi
hột có ba viên ngọc bích. Lượng khó nghĩ quá, vì những hột vàng có thể mua đánh
cho Phụng được, nhưng ba viên ngọc quý thì lấy đâu ra. Bởi vậy cho nên muốn được
lòng người yêu, lại không rắc rối với vợ, Lương nghĩ cách thuê thợ kim hoàn làm
một chuỗi hột giả, giống như in chuỗi thực, nghĩa là chỉ có ba viên ngọc bích
là giả mà thôi. Rồi Lượng đợi cơ hội để đánh tráo lấy chuỗi hột của vợ.
Thì cơ hội
ấy đã đến. Hôm đi xem hát Lượng khuyên vợ để chuỗi hột ấy ở nhà rồi trong giờ
nghỉ, về mở két, đổi lấy chuỗi thực.
Tôi ngắt
lời Kỳ Phát:
- Nhưng
tại sao anh biết thế?
Kỳ Phát
mỉm cười:
- Tôi biết
là vì tôi thấy trong vụ trộm này có nhiều điều trái ngược nhau lắm. Ví dụ như
việc về nhà bỏ thư. Tôi ngờ vực nên thử lại thì hôm qua tôi đã nhận thấy rõ ràng
rằng: Nếu người ta đi xe mà về nhà, như anh đi hôm qua thì một lượt xe mất những
9 phút, hai lần đi về mất 18 phút, không kể còn rẽ vào bỏ thư, còn thuê xe, còn
gọi cửa ở nhà. Nghĩa là ít nhất cũng phải mất 25 phút, hay hơn thế nữa. Vậy mà
Lượng về nhà chỉ mất có 15, 16 phút thôi. Chẳng lẽ chạy, mà chạy cũng chẳng
nhanh hơn xe kéo là mấy, do đó, tôi biết Lượng chỉ có một cách là thuê xe đạp,
tôi sực nhớ ngay đến hiệu xe đạp ở cạnh nhà hát. Cũng như anh đã biết tôi thuê
xe, lại giở sổ tìm ngày hôm thứ bẩy, quả nhiên có chữ anh Lượng viết thuê xe
lúc 10 giờ rưỡi.
Nhưng
anh ấy đi đâu? Đó là một điều cần phải biết. Tôi để ý thấy quần anh ấy có lấm đất
sét, tôi biết ngay là anh ấy đi xuống xóm chị em lầy lội.
Tôi gật
đầu.
- Thôi,
bây giờ thì tôi hiểu lắm rồi. Anh Tham Lượng đạp vội xe về nhà, rồi mở két thay
chuỗi hột giả vào đấy, rồi vội đi nên không kịp khóa két lại nữa. Xong đâu đấy,
anh xuống luôn xóm dưới, trao chuỗi hột thực cho Phụng rồi về Nhà hát lớn. Thằng
xe tình cờ thấy két mở, lấy luôn chuỗi hột giả kia.
Kỳ Phát
gật đầu:
- Đã
đoán ra được nên tôi chỉ còn có việc thử lại xem có đúng không thì quả nhiên đi
bằng xe đạp, tôi cũng mất vừa đúng hết 17 phút, cái thời gian mà Lượng đã vắng
mặt tại Nhà hát lớn rồi trở lại sau khi mở màn diễn tiếp hồi sau. Vậy tôi chỉ
còn có một việc rất dễ dàng là trả lại cho chị Tham Lượng chuỗi hột thực, chuỗi
hột mà đêm qua tôi đã tráo lại của đào Phụng!
Tới đây,
Kỳ Phát ngừng lại mà hỏi tôi:
- Bây giờ
thì anh hết cho tôi là một thằng đểu rồi chứ?
Tôi cười,
gật đầu.
Phát vỗ
vai tôi, nói tiếp:
- Còn
anh thì vẫn - nguyên là một thằng ngốc như thường, vì nếu cứ luận lý như anh,
thì sự thực lộ ra, liệu hạnh phúc gia đình nhà anh Tham Lượng có còn được toàn
vẹn hay không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét